Chợ Lách
Chợ Lách là một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, Việt Nam.
Chợ Lách
|
|||
---|---|---|---|
Huyện | |||
Huyện Chợ Lách | |||
Biểu trưng | |||
Nhà bia kỷ niệm Trương Vĩnh Ký ở huyện Chợ Lách | |||
Hành chính | |||
Quốc gia | Việt Nam | ||
Vùng | Đồng bằng sông Cửu Long | ||
Tỉnh | Bến Tre | ||
Huyện lỵ | Thị trấn Chợ Lách | ||
Phân chia hành chính | 1 thị trấn, 10 xã | ||
Thành lập | 1945 | ||
Địa lý | |||
Tọa độ: 10°15′53″B 106°7′48″Đ / 10,26472°B 106,13°Đ | |||
| |||
Diện tích | 168,04 km² | ||
Dân số (2015) | |||
Tổng cộng | 147.289 người | ||
Thành thị | 20.357 người | ||
Nông thôn | 126.932 người | ||
Mật độ | 877 người/km² | ||
Dân tộc | Kinh, Hoa, Khmer | ||
Khác | |||
Mã hành chính | 832[1] | ||
Biển số xe | 71-C4 xxx.xx | ||
Website | cholach | ||
Địa lý
sửaHuyện Chợ Lách nằm ở phía tây của tỉnh Bến Tre, có vị trí địa lý:
- Phía đông giáp huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Châu Thành
- Phía tây giáp huyện Long Hồ và huyện Mang Thít, phía nam giáp huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long
- Phía bắc giáp huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang
- Phía nam giáp sông Cổ Chiên.
Huyện có diện tích 168,04 km²[2], chiều dài 22,5 km.
Dân số là 147.289 người[2] (tính đến năm 2015), mật độ dân số đạt 877 người/km².
Huyện lỵ là thị trấn Chợ Lách nằm trên tỉnh lộ 57 cách thành phố Bến Tre 45 km về phía tây và cách thành phố Vĩnh Long 20 km về phía đông.
Khí hậu ở đây là nhiệt đới gió mùa mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.
Lịch sử
sửaTrước tháng 8 năm 1945, Chợ Lách là một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Long, gồm các làng: Tân Phong, Đông Phú, Bình Hoà Phước, An Bình, Phú Phụng, Sơn Định, Vĩnh Bình, Hoà Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng.
Ngày 27-06-1951, Chợ Lách thuộc tỉnh Vĩnh Trà. Sau năm 1956, Chợ Lách là quận của tỉnh Vĩnh Long, gồm có 5 tổng: Bình Hưng với 3 xã, Bình Xương với 3 xã, Minh Ngãi với 3 xã, Thanh Thiềng với 4 xã, Bình Thiềng với 3 xã; quận lỵ đặt tại xã Sơn Định. Sau năm 1965, các tổng mặc nhiên giải thể.
Trong kháng chiến chống Pháp, theo Quyết định của UBKCHC Nam Bộ (1948), huyện Chợ Lách tách khỏi tỉnh Vĩnh Long nhập về tỉnh Bến Tre.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, theo chủ trương điều chỉnh lại địa giới các huyện, thị, huyện Chợ Lách bao gồm 10 xã: Hòa Nghĩa, Hưng Khánh Trung, Long Thới, Phú Phụng, Phú Sơn, Sơn Định, Tân Thiềng, Vĩnh Bình, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành và thị trấn Chợ Lách.
Ngày 14 tháng 3 năm 1984, tách ấp Sơn Quy, 2/3 ấp Bình An và 1/6 ấp Phụng Châu của xã Sơn Định để sáp nhập vào thị trấn Chợ Lách.[3]
Tháng 3 năm 2005, Đảng bộ và nhân dân huyện Chợ Lách đón nhận danh hiệu Huyện Anh hùng.
Ngày 9 tháng 2 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 08/NĐ-CP[2]. Theo đó:
- Chia xã Hưng Khánh Trung thành 2 xã: Hưng Khánh Trung A và Hưng Khánh Trung B
- Thành lập xã Phú Mỹ trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Phú Sơn
- Chuyển hai xã Hưng Khánh Trung A và Phú Mỹ về huyện Mỏ Cày Bắc mới thành lập.
Trung tâm xã Vĩnh Thành là đô thị loại V
Huyện Chợ Lách có 1 thị trấn và 10 xã như hiện nay.
Hành chính
sửaHuyện Chợ Lách có 11 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc gồm thị trấn Chợ Lách (huyện lỵ) và 10 xã: Hòa Nghĩa, Hưng Khánh Trung B, Long Thới, Phú Phụng, Phú Sơn, Sơn Định, Tân Thiềng, Vĩnh Bình, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành.
Kinh tế - xã hội
sửaVề tốc độ tăng trưởng kinh tế
sửaChợ Lách là huyện có nền kinh tế vườn phát triển chủ yếu là sản xuất cây giống, hoa kiểng và trồng cây ăn trái. Các sản phẩm trái cây đặc sản của huyện được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm,...[4] Diện tích sầu riêng là khoảng 1.000 ha (10 km²).[5]
Năm 2009, GDP của huyện đạt 12,7%. Cơ cấu kinh tế khu vực I: 50,51%, khu vực II: 14,48% và khu vực III: 35,02% (Theo báo Đồng Khởi)
Năm 1990, diện tích đất trồng lúa của huyện là 5.300 ha; đến năm 1999, diện tích này thu hẹp lại còn 1.500 ha. Trong khi đó, diện tích đất vườn tương ứng tăng từ 7.000 ha lên 10.500 ha.
Tính đến ngày 10-05--2010, toàn huyện có trên 9.000 ha diện tích cây ăn trái cho sản phẩm với sản lượng thu hoạch đạt 32.250 tấn trái cây( theo thông tin từ Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bến Tre)
Về sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
sửaTính đến tháng 09-2009, toàn huyện đã có 331 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Tính đến hết tháng 09-2009, toàn huyện có 2.751 hộ kinh doanh (theo thông tin từ Website tỉnh Bến Tre)
Năm 2009, huyện đã hợp tác với Công ty Cổ phần Du lịch Bến Tre để tiến hành việc khảo sát và lập kế hoạch xây dựng một khu sinh thái nghỉ dưỡng kiểu Homestay tại xã Vĩnh Thành, bên cạnh khu vực nông nghiệp kỹ thuật cao. Đồng thời, khu du lịch nghỉ dưỡng trên cồn An Lương (Long Thới) cũng đã chính thức đi vào hoạt động, ngôi nhà cổ tại xã Long Thới cũng được trùng tu.
Hiện nay, Chợ Lách có 28 làng nghề được công nhận.
Xã hội
sửaHuyện Chợ Lách có một đa dạng các tôn giáo bao gồm Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài và Hòa Hảo. Đạo Thiên Chúa có số lượng tín đồ đông đảo nhất trong huyện. Hầu hết các xã trong huyện đều được trang bị nhà thờ, và họ đạo Cái Mơn ở xã Vĩnh Thành là một họ đạo lâu đời và quan trọng trong đạo Thiên Chúa tại Việt Nam, được thành lập từ tháng 02-1872.
Từ năm 2000, huyện đã đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn với tổng cộng 86 tuyến đường liên kết các xã và ấp, có tổng chiều dài lên tới 132 km. Đường ô tô cũng đã được mở rộng để kết nối với trung tâm từng xã.
Nhiều thôn ấp trong huyện cũng đã được xây dựng cầu khỉ. Cầu Chợ Lách, qua kênh Chợ Lách và nối liền tỉnh lộ 888 từ thị trấn đến xã Phú Phụng (nay là quốc lộ 57),được khánh thành vào ngày 19-05-1994.
Từ năm 1995, huyện Chợ Lách đã được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Trung tâm y tế huyện tại thị trấn có tổng cộng 60 giường và còn có một bệnh xá khu vực với 10 giường. Huyện cũng đã xây dựng 8 trạm y tế, trong đó có 5 trạm có bác sĩ phụ trách. Trung bình, huyện có khoảng 7,5 bác sĩ trên mỗi vạn dân.[6]
Hình ảnh
sửa-
Nhà thờ chính dòng Ki Tô Vua, nay thuộc ấp Long Vinh, xã Long Thới, huyện Chợ Lách.
-
Một ngôi nhà kiểu Pháp tại huyện Chợ Lách.
-
Sầu riêng, một số trong số trái cây có tiếng ở Vườn cây ăn trái Cái Mơn.
-
Hoa sầu riêng trái mùa.
Địa điểm đặc trưng tại Chợ Lách
sửa- Nhà thờ Cái Mơn - Thuộc Xã Vĩnh Thành - một trong những nhà thờ cổ (xây dựng năm 1872) Nam Bộ, nơi sinh hoạt tôn giáo của hơn 90% cư dân xã Vĩnh Thành. Nhà thờ có tháp chuông 9 tầng, cao 56,5m với 6 chuông đúc tại Pháp với tổng trọng lượng lên đến 4.000kg.[7]
- Nhà bia tưởng niệm nhà bác học Trương Vĩnh Ký, một trong những vị bác học thế kỷ 19, người biết trên 20 ngoại ngữ và có 118 tác phẩm được xuất bản.
- Làng hoa cảnh chợ Lách tại xã Long Thới, tập hợp rất nhiều chậu hoa cảnh, cây bonsai.[8]
- ...
Chú thích
sửa- ^ Tổng cục Thống kê
- ^ a b c “Nghị định 08/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường để thành lập xã, phường thuộc huyện Mỏ Cày, huyện Chợ Lách, thị xã Bến Tre; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mỏ Cày, huyện Chợ Lách để thành lập huyện Mỏ Cày Bắc thuộc tỉnh Bến Tre”.
- ^ Quyết định 41-HĐBT phân vạch địa giới xã, thị trấn, thị xã thuộc tỉnh Bến Tre
- ^ “Chợ Lách: tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp”. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2010.
- ^ Quốc An, Đăng Nguyên (ngày 15 tháng 1 năm 2021). “Khôi phục vườn sầu riêng đặc sản”. báo Sài Gòn Giải Phóng. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2021.
- ^ “Huyện Chợ Lách”. Cồ Việt Mobile.
- ^ “Về với miệt vườn Chợ Lách (Bến Tre)”. Vietnamtourism. 23 tháng 5 năm 2014.
- ^ “Du lịch Bến Tre – ăn gì, chơi gì, tham quan địa điểm nào?”. VOH. 28 tháng 5 năm 2019.
Liên kết ngoài
sửaTra chợ lách trong từ điển mở tiếng Việt Wiktionary |
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Chợ Lách. |