Cổng thông tin:Hàng không/Bài viết chọn lọc

Danh sách bài viết chọn lọc sửa

Các bài viết 1–20 sửa

Cổng thông tin:Hàng không/Bài viết chọn lọc/1

Boeing 747 là một trong những loại máy bay dễ nhận biết nhất trên toàn thế giới. Nó là máy bay thân rộng, hai tầng, hai lối đi đầu tiên trên thế giới, và là máy bay phản lực dân dụng thương mại cỡ lớn thân rộng hai lối đi đầu tiên trên thế giới được sản xuất. Loại máy bay này được đơn vị Commercial Airplanes của Boeing tại Hoa Kỳ sản xuất. Phiên bản đầu tiên của Boeing 747 có kích thước gấp 2,5 lần chiếc Boeing 707 một trong những máy bay thương mại cỡ lớn của thập niên 1960. Từ chuyến bay thương mại đầu tiên năm 1970, Boeing 747 giữ kỷ lục về sức chứa hành khách lớn nhất trong 37 năm cho đến khi đối thủ mới là hãng sản xuất máy bay của Châu Âu Airbus trình làng chiếc Airbus A380 vượt mặt.


Cổng thông tin:Hàng không/Bài viết chọn lọc/2

Convair B-36 "Peacemaker" là một kiểu máy bay ném bom chiến lược được chế tạo bởi Convair cho Không quân Hoa Kỳ. B-36 là máy bay gắn động cơ piston lớn nhất từng được sản xuất hàng loạt, là máy bay chiến đấu có sải cánh rộng nhất, 230 ft (70 m), từng được chế tạo. Nó cũng là máy bay ném bom duy nhất có thể vận chuyển bất kỳ vũ khí hạt nhân nào trong kho vũ khí của Hoa Kỳ bên trong bốn khoang chứa vũ khí mà không cần cải tiến. Với tầm bay xa đến hơn 10.000 mi (16.000 km) và tải trọng vũ khí tối đa đến 87.200 lb (39.600 kg), nó có khả năng bay liên lục địa mà không cần tiếp nhiên liệu.


Cổng thông tin:Hàng không/Bài viết chọn lọc/3

P-51 Mustang là một máy bay tiêm kích Hoa Kỳ một chỗ ngồi tầm xa được đưa vào sử dụng trong không lực các nước Đồng Minh vào các năm giữa của Đệ Nhị Thế Chiến. Chiếc P-51 trở thành một trong những kiểu máy bay nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất trong cuộc chiến tranh. Được thiết kế, chế tạo và bay thử chỉ trong vòng 117 ngày, P-51 thoạt tiên phục vụ cho Không quân Hoàng gia Anh như một máy bay tiêm kích-ném bom và trinh sát, trước khi chuyển sang vai trò máy bay tiêm kích hộ tống ném bom bên trên lãnh thổ Đức, giúp duy trì ưu thế trên không của phe Đồng Minh từ đầu năm 1944. Nó cũng tham gia ở mức độ hạn chế chống lại Đế quốc Nhật Bản trên Mặt trận Thái Bình Dương. Mustang bắt đầu tham gia Chiến tranh Triều Tiên như là máy bay tiêm kích chủ yếu của lực lượng Liên Hợp Quốc, nhưng nhanh chóng được bố trí lại trong vai trò tấn công mặt đất sau khi bị vượt qua bởi những máy bay tiêm kích phản lực đời đầu. Tuy vậy, nó vẫn được giữ lại phục vụ trong một số lực lượng không quân cho đến đầu những năm 1980.


Cổng thông tin:Hàng không/Bài viết chọn lọc/4

Boeing B-17 Flying Fortress (Pháo đài bay B-17) là kiểu máy bay ném bom hạng nặng 4 động cơ được phát triển cho Không lực Hoa Kỳ (USAAF) và được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 1930. Cạnh tranh cùng với DouglasMartin trong một hợp đồng chế tạo 200 máy bay ném bom, thiết kế của hãng Boeing vượt trội hơn cả hai đối thủ và vượt xa những yêu cầu của Không lực. Cho dù Boeing bị mất hợp đồng do máy bay nguyên mẫu bị rơi, Không lực Mỹ vẫn bị ấn tượng bởi thiết kế của Boeing và đặt hàng 13 chiếc B-17. B-17 Flying Fortress tiếp tục được đưa vào sản xuất và được xem là chiếc máy bay lớn đầu tiên sản xuất hàng loạt, lần lượt trải qua nhiều phiên bản cải tiến từ B-17A đến B-17G.


Cổng thông tin:Hàng không/Bài viết chọn lọc/5

Boeing 767 là loại máy bay phản lực thân rộng một tầng, hai lối đi, thân rộng đầu tiên của Mỹ do Boeing Commercial Airplanes chế tạo. Nó là loại máy bay thân rộng hai động cơ đầu tiên của Boeing và cũng là loại máy bay đầu tiên được hãng này trang bị buồng lái màn hình hiển thị dành cho hai phi công. Boeing 767 sử dụng hai động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt, cánh đuôi truyền thống và thiết kế cánh siêu tới hạn nhằm giảm sức cản không khí. Theo thiết kế, 767 có thể chở từ 181 đến 375 hành khách trên quãng đường bay từ 7.130km đến 11.825km, tùy biến thể. Ngoài ra, nhờ được phát triển vào cùng thời điểm, Boeing 767 và loại máy bay thân hẹp hai động cơ là Boeing 757 có chung nhiều thiết kế và tính năng, cho phép các phi công sử dụng cùng loại giấy phép để điều khiển cả hai.