Trần Chánh Thành[1][2][3] (9 tháng 7 năm 19173 tháng 5 năm 1975) là nhà ngoại giaochính khách Việt Nam Cộng hòa, từng giữ chức Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng Quốc gia Việt Nam dưới thời Thủ tướng Ngô Đình Diệm từ năm 1954 cho đến năm 1955. Ông đóng vai trò quan trọng với tư cách là Tổng trưởng Bộ Thông tin, góp phần vào việc lật đổ Quốc trưởng Bảo Đại trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1955. Sau khi thành lập Việt Nam Cộng hòa, ông vẫn tiếp tục phục vụ trong chính phủ đầu tiên của Tổng thống Ngô Đình Diệm trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Tổng trưởng Bộ Ngoại giao dưới thời nội các Trần Văn Hương.[4]

Trần Chánh Thành
Chức vụ
Nhiệm kỳ27 tháng 5 năm 1968 – 20 tháng 8 năm 1969
Tiền nhiệmTrần Văn Đỗ
Kế nhiệmTrần Văn Lắm
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Thanh niên Việt Nam Cộng hòa
Nhiệm kỳ29 tháng 10 năm 1955 – 1962
Tiền nhiệmChức vụ thành lập
Kế nhiệmTôn Thất Thiện
Tổng trưởng Bộ Thông tin và Tâm lý chiến Quốc gia Việt Nam
Nhiệm kỳ10 tháng 5 năm 1955 – 23 tháng 10 năm 1955
Tiền nhiệmChức vụ thành lập
Kế nhiệmChức vụ bãi bỏ
Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng Quốc gia Việt Nam
Nhiệm kỳ6 tháng 7 năm 1954 – 23 tháng 10 năm 1955
Tiền nhiệmNguyễn Trung Vĩnh
Kế nhiệmChức vụ bãi bỏ
Thông tin chung
Sinh(1917-07-09)9 tháng 7 năm 1917
Hà Nội, Bắc Kỳ, Liên bang Đông Dương
Mất3 tháng 5 năm 1975(1975-05-03) (57 tuổi)
Sài Gòn – Gia Định, Cộng hòa miền Nam Việt Nam
Đảng chính trịĐộc lập (từ năm 1963)
Liên minh chính trị khác Cần Lao (đến năm 1963)
Con cái6
Học vấnViện Đại học Đông Dương (Cử nhân Luật)

Trong lịch sử Việt Nam, hiếm có nhân vật chính trị nào được giao nhiệm vụ liên tiếp qua nhiều thời kỳ, trải qua nhiều chế độ có khi lập trường mâu thuẫn, đối nghịch nhau. Như trường hợp Trần Chánh Thành được giao phó những trọng trách dưới thời Pháp thuộc, thời Nhật đảo chính Pháp, thời toàn quốc kháng chiến chống Pháp trở lại Việt Nam, thời Quốc gia Việt Nam của Cựu hoàng Bảo Đại và thời Việt Nam Cộng hòa với hai giai đoạn Đệ Nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm và Đệ Nhị Cộng hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.[5]

Thân thế và học vấn sửa

Trần Chánh Thành chào đời tại Hà Nội, Bắc Kỳ, Liên bang Đông Dương,[6][7]:657 và lớn lên ở miền Trung Việt Nam tại Huế, con trai của quan Hồng lô Tự khanh Trần Đức, giữ nhiệm vụ Bí thư của Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ, đồng thời làm thông ngôn bên cạnh vua Khải Định. Do cha làm việc ở triều đình nên lúc đó ông theo học xong bậc Trung học ở Huế, sau đó trở ra Hà Nội nhập học Viện Đại học Đông Dương và tốt nghiệp Cử nhân Luật.[4] Dưới thời Pháp thuộc, ông đã đỗ đầu kỳ thi ngạch Tri huyện Tư pháp cho toàn cõi Bắc và Trung Kỳ, rồi được bổ làm Chưởng lý các tòa án ở Trung Kỳ.[5]

Sự nghiệp chính trị sửa

Kháng chiến chống Pháp (1945–1952) sửa

Tháng 4 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật được thành lập ở Huế, ông được cử làm Chánh văn phòng Bộ Tư Pháp, dưới quyền Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trịnh Đình Thảo. Tháng 8 năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám, ông được Việt Minh mời ra Hà Nội giữ chức vụ Giám đốc Tư pháp Liên khu 3 và sau đó làm Giám đốc Kinh tế Liên khu 3. Tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông đi theo hàng ngũ kháng chiến được gần 5 năm thì mới biết Việt Minh là cộng sản, nên ông cáo bệnh từ chức, trở về Nghệ An thuộc Liên khu 4, trú ngụ tại nhà ông Cao Xuân Vỹ để tìm cách ra vùng quốc gia.[4] Vài tháng sau khi đến Hà Nội, ông vào Sài Gòn hành nghề luật sư trong văn phòng của Luật sư Trương Đình Dzu.

Quốc gia Việt Nam (1952–1955) sửa

Tháng 10 năm 1952, Ngô Đình Nhu chủ trương tạp chí Xã Hội, ông và người em chú bác tên là Mạc Kinh trở thành cộng tác viên với tờ tạp chí này và từ đó ông có mối giao tình với ông Nhu. Mối giao tình này đánh dấu một khúc rẽ quan trọng trong cuộc đời chính trị của ông. Giữa năm 1954, Ngô Đình Diệm về nước nhậm chức Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Ông được Ngô Đình Diệm tin dùng và bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng vào tháng 7 năm 1954. Tháng 5 năm 1955, ông trở thành thành Tổng trưởng Bộ Thông tin của Chính phủ Quốc gia Việt Nam do Thủ tướng Ngô Đình Diệm đứng đầu, Quốc trưởng Bảo Đại lãnh đạo.[5]

Đệ Nhất Cộng hòa (1955–1963) sửa

Từ khi làm Tổng trưởng Bộ Thông tin của chính phủ Quốc gia Việt Nam, sau đó chuyển thành Bộ trưởng Bộ Thông tin và Tâm lý chiến của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, ông đã trở thành một khuôn mặt chính trị nổi bật dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa để phát động và thực hiện quốc sách "bài phong, đả thực, diệt cộng" ở miền Nam lúc này. Ông đứng đầu Bộ Thông tin và Thanh niên kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Liên Bộ tố Cộng gồm các Bộ Thông tin, Tư pháp, Quốc phòng và Nội vụ. Ngoài chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Thanh niên, ông còn là Dân biểu Quốc hội Lập hiến, thành viên Ủy ban soạn thảo Hiến Pháp khai sinh nền Đệ Nhất Cộng hòa; được giao quyền lãnh đạo Phong trào Cách mạng Quốc gia trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn Công chức Cách mạng Quốc gia.[5]

Hai anh em Diệm và Nhu còn giao cho ông nhiệm vụ sử dụng các phương tiện truyền thông hòng ngụy tạo tờ rơi tuyên truyền nhằm gầy dựng sự ủng hộ giúp lật đổ Quốc trưởng Bảo Đại trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1955 và phản đối Cộng sản. Sau khi phế truất Bảo Đại, Diệm tuyên bố thành lập Việt Nam Cộng hòa vào ngày 26 tháng 10 năm 1955 và tự xưng là Tổng thống. Đích thân Tổng thống Diệm mời Trần Chánh Thành tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin mà ông đảm đương cho đến tận năm 1962 thì đổi sang làm đại sứ tại Tunisie, Bắc Phi.[4] Mặc dù ông được Tổng thống Diệm rất mực tin dùng song đâu đó vẫn có dư luận nghi kỵ rằng: "Ông Thành là cộng sản cao cấp mai phục trong chính quyền quốc gia".[5]

Quân nhân cầm quyền (1963–1967) sửa

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, tướng Dương Văn Minh phát động cuộc đảo chính lật đổ và sát hại Ngô Đình Diệm. Ngày 18 tháng 12 năm 1963, ông được Thủ tướng Chính phủ lâm thời Nguyễn Ngọc Thơ giao nhiệm vụ cầm đầu phái đoàn đi sang Phnôm Pênh tiếp xúc thiện chí với Quốc vương Sihanouk của Campuchia.[8] Trong những năm chính trường miền Nam rối ren khi quân đội lên cầm quyền, ông lui về sống ẩn dật, kiên quyết từ chối mọi lời mời tham chính từ phe quân nhân.

Đệ Nhị Cộng hòa (1967–1975) sửa

Khi Hiến pháp ngày 1 tháng 4 năm 1967 được ban hành, nền Đệ Nhị Cộng hòa ra đời. Ngày 3 tháng 9 năm 1967, miền Nam Việt Nam tổ chức cuộc bầu cử Thượng nghị viện. Thượng nghị viện gồm 60 thượng nghị sĩ, bầu theo liên danh (mỗi liên danh gồm 10 người). Ông ra ứng cử trong Liên danh "Đoàn kết để Tiến bộ" với dấu hiệu Con Voi Trắng (Bạch Tượng) do Trần Văn Lắm làm Thụ ủy Liên danh. Liên danh Bạch Tượng đắc cử với 550.157 phiếu.[5]

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Thủ tướng Trần Văn Hương thành lập chính phủ mới thay thế chính phủ của Luật sư Nguyễn Văn Lộc. Đây là giai đoạn hòa đàm Paris khởi sự, sắp bước sang giai đoạn công khai. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mời ông giữ chức vụ Tổng trưởng Bộ Ngoại giao. Khi chính phủ Trần Thiện Khiêm trình diện nội các mới vào ngày 1 tháng 9 năm 1969 thì chức vụ Ngoại trưởng được chuyển sang cho Thượng nghị sĩ Trần Văn Lắm.[5] Sau đó, ông quyết định rút lui khỏi chính trường trở về tham gia giảng dạy tại Khoa Luật Viện Đại học Sài Gòn và Trường École des Dessins cho đến khi Sài Gòn thất thủ.[4]

Sài Gòn thất thủ và cái chết sửa

Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông và gia đình được người Pháp hứa sẽ sơ tán thế nhưng việc sơ tán gặp thất bại vì tình hình đã quá muộn khi Quân đội Nhân dân Việt NamQuân Giải phóng miền Nam Việt Nam đang tiến vào Sài Gòn. Khi Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa buông súng, ông vào bệnh viện Grall của Pháp lánh mặt. Ngày hôm sau, bệnh viện yêu cầu ông rời khỏi nơi này, ông được nhà báo Mạc Kinh đón về nhà. Trên đường Duy Tân, cả hai cùng trút hết nỗi niềm tâm sự trước khi chia tay. Ba ngày sau, Mạc Kinh đến nơi ông cư trú thì được hung tin ông tự sát tại phòng riêng bằng cách uống thuốc ngủ quá liều.[4]

Đời tư sửa

Trần Chánh Thành đã kết hôn và có bốn người con.[6]

Tác phẩm sửa

  • Le Statut Politique des Hauts Plateaux, 1942
  • Les Juridictions mandarinales, 1943
  • Kỹ Thuật Thông Tin, 1957
  • Les Problemes de l'Information dans les pays sous-developpes, 1962
  • Mở Mang Quốc Gia Chậm Tiến
  • Xây Dựng Dân Chủ Trong Hoàn Cảnh Chiến Tranh Và Chậm Tiến
  • Các Mục Tiêu Đối Ngoại Căn Bản Của Việt Nam Cộng Hòa[6]

Tham khảo sửa

  1. ^ “駐越大使胡璉為新大使館奠基” [Đại sứ tại Việt Nam Hồ Liên đặt viên đá đầu tiên cho đại sứ quán mới]. nrch.culture.tw. 13 tháng 10 năm 1968. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2022. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Trần Chánh Thành và Đại sứ Hồ Liên cùng cắt bánh mừng Quốc khánh tại khách sạn Burj Al Arab ở Sài Gòn.
  2. ^ “章汉夫副部长重申必须废除东南亚条约组织” [Thứ trưởng Chương Hán Phu nhắc lại sự cần thiết phải bãi bỏ Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á]. Tham khảo tiêu tức. 30 tháng 7 năm 1961. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2022. Trần Chánh Thành của Nam Việt Nam ủng hộ quan điểm của MacDonald rằng hội nghị không thể thảo luận về khả năng bãi bỏ Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á.
  3. ^ “自由越南官員陳正成陳文林觀察聯合邦大選公畢返國” [Quan chức Việt Nam Tự do Trần Chánh Thành và Trần Văn Lắm đã trở về nước sau khi quan sát cuộc bầu cử liên bang]. Nam Dương thương báo. 29 tháng 7 năm 1955. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2022.
  4. ^ a b c d e f “Luật sư Trần Chánh Thành”. www.daichung.com. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2023.
  5. ^ a b c d e f g Phan Đăng Thanh; Trương Thị Hòa (2019). Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam. Tập 2 - Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay. Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 186–189. ISBN 978-604-58-8585-7.
  6. ^ a b c Vietnam Press (1974). Who's who in Vietnam (PDF). Sài Gòn: Vietnam Press. tr. 727–728. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 25 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2022.
  7. ^ Le Minh (1958). “Vietnam”. Trong Wu, Felix L. (biên tập). The Asia Who's Who (bằng tiếng Anh). Hồng Kông: Pan-Asia Newspaper Alliance. Truy cập ngày 19 tháng 9 năm 2022.
  8. ^ Lâm Vĩnh Thế (2010). Việt Nam Cộng Hoà 1963–1967: Những Năm Xáo Trộn. Hoài Việt. tr. 23. ISBN 978-1629884134.