2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 9 năm 2016
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Tác chiến chiều sâu

Tác chiến chiều sâu là một học thuyết quân sự của Hồng quân Liên Xô được phát triển trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới bởi các nhà chiến lược và lý luận quân sự xuất sắc của Hồng quân mà nổi bật là Nguyên soái Liên Xô M.N. Tukhachevsky, A.A. Svechin, N.E. Varfolomeev, V.K. Triandafillov, G.S. Isserson. Học thuyết đã giới thiệu thêm khái niệm nghệ thuật chiến dịch ở giữa hai cấp độ chiến lượcchiến thuật, được các nhà nghiên cứu quân sự trên thế giới sử dụng làm cơ sở phát triển lý luận cho nghệ thuật chiến dịch hiện đại. Điểm xuất phát tư tưởng của học thuyết là quan niệm bản chất của chiến tranh đã thay đổi và mang tính chất tổng lực. Tư tưởng này dẫn tới sự xác nhận rằng chiến thắng không thể đạt được bằng một trận đánh quyết định, mà bằng các chiến dịch tuần tự nối tiếp nhau liền lạc hợp lý - mỗi chiến dịch một mục tiêu cụ thể được nối kết trong một mục tiêu thống nhất. Ở cấp độ chiến thuật, học thuyết đưa ra cách thức tấn công đồng thời suốt chiều sâu phòng tuyến đối phương bằng lực lượng xung kích chia làm 2 thê đội được hỗ trợ bằng pháo binh, không quân và lực lượng nhảy dù. Để phục vụ cho tư tưởng chiến tranh này, học thuyết nhấn mạnh vào việc cơ giới hóa lực lượng xung kích ở quy mô lớn. [ Đọc tiếp ]

Palais Bourbon

Palais Bourbon là tên thường gọi của tòa nhà Quốc hội Pháp hiện nay, công trình nằm bên bờ sông Seine, thuộc Quận 7 thành phố Paris. Được Công tước phu nhân Louise Françoise de Bourbon—con gái vua Louis XIV của Pháp—cho xây dựng từ năm 1722, Palais Bourbon tiếp tục được người cháu nội là Thân vương Louis V Joseph xứ Condé mở rộng trong nhiều năm. Tới thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện được chọn làm trụ sở của quốc hội và giữ vai trò này hầu như liên tục đến tận ngày nay. Bên cạnh chức năng quan trọng, Palais Bourbon còn là một công trình kiến trúc nổi tiếng. Mặt ngoài cung điện phía sông Seine với hàng 12 cây cột là tác phẩm của kiến trúc sư Bernard Poyet thời Đệ nhất đế chế. Họa sĩ Eugène Delacroix cũng từng nhiều năm trang trí cho các căn phòng của Palais Bourbon. Sau nhiều lần tu sửa và mở rộng, toàn bộ cung điện hiện nay chiếm một diện tích 124 nghìn mét vuông, phục vụ khoảng 3 ngàn người làm việc. Thư viện của Palais Bourbon, được thành lập dưới thời Cách mạng, cũng là nơi lưu trữ nhiều tài liệu giá trị, trong đó có những bản thảo của Jean-Jacques Rousseau và tài liệu gốc của vụ án xử Jeanne d'Arc. Cùng với một số công trình khác hai bên bờ sông Seine, Palais Bourbon nằm trong quần thể kiến trúc đã được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 1991. [ Đọc tiếp ]

When Harry Met Sally...

When Harry Met Sally... là một bộ phim hài kịch lãng mạn của Hoa Kỳ năm 1989 do Nora Ephron viết kịch bản và Rob Reiner đạo diễn. Phim xoay quanh câu chuyện của hai nhân vật Harry (Billy Crystal) và Sally (Meg Ryan) từ lần gặp mặt đầu tiên của họ trong chuyến đi dọc đất nước cho đến mối quan hệ tình cảm giữa hai người 12 năm sau đó ở New York. Phim đặt nên câu hỏi "Liệu phụ nữ và đàn ông có thể chỉ là bạn bè?" và đề cập đến nhiều ý tưởng về mối quan hệ tình cảm quen thuộc trong đời sống. Phim bắt nguồn từ lúc Reiner trở lại cuộc sống độc thân sau khi ly hôn, tạo nên nền tảng cho nhân vật Harry, trong khi Sally dựa trên Ephron và một vài người bạn của bà ngoài đời thực. Nhạc phim chứa nhiều bản nhạc do Harry Connick, Jr. trình bày, với ban nhạc và dàn hòa tấu được Marc Shaiman điều khiển, giúp Connick giành giải Grammy cho "Trình diễn giọng nam jazz xuất sắc nhất". Columbia Pictures phát hành bộ phim thông qua kỹ thuật "nền tảng"—hãng công bố phim tại nhiều thành phố chọn lọc, sau đó tạo nên sức hút bằng những lời truyền miệng và sau cùng ra mắt mở rộng trong nhiều tuần. Ephron nhận một giải BAFTA, một đề cử giải Oscar và một giải Nghiệp đoàn tác giả Hoa Kỳ cho kịch bản của bà. Phim nằm trong danh sách 100 phim hài của Viện phim Mỹ và danh sách "100 phim hài hước nhất" của Bravo's. [ Đọc tiếp ]

Siêu tân tinh loại Ia

Siêu tân tinh loại Ia là một trong các loại siêu tân tinh xảy ra từ vụ bùng nổ của sao lùn trắng. Sao lùn trắng là tàn dư của một ngôi sao ở cuối đời của nó và không còn phản ứng tổng hợp hạt nhân ở trong nhân ngôi sao nữa. Mặc dù vậy, các sao lùn trắng với thành phần cacbon-ôxy có khả năng tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân và giải phóng một lượng năng lượng lớn nếu nhiệt độ bên trong ngôi sao đủ cao. Mô hình lý thuyết cho thấy các sao lùn trắng với tốc độ tự quay thấp có giới hạn khối lượng trên nhỏ hơn giới hạn Chandrasekhar và bằng khoảng 1,38 lần khối lượng Mặt Trời. Khối lượng tới hạn này được duy trì bởi áp suất thoái hóa electron. Vượt qua khối lượng tới hạn này, sao lùn trắng sẽ bị co sụp. Một giả thuyết chung được đưa ra là nếu một sao lùn trắng dần dần bồi tụ khối lượng từ một sao đồng hành, thì lõi của nó sẽ đạt đến nhiệt độ đủ lớn để xảy ra phản ứng tổng hợp cacbon khi đến một giới hạn nào đó. Nếu sao lùn trắng sáp nhập với một ngôi sao khác, ngay lập tức khối lượng của nó sẽ vượt khối lượng tới hạn và bắt đầu suy sụp, nhiệt độ trong lõi tăng lên và kích hoạt các phản ứng tổng hợp hạt nhân. Chỉ trong vài giây của phản ứng tổng hợp hạt nhân, một lượng lớn vật chất trong sao lùn trắng sẽ tham gia vào phản ứng sinh nhiệt không kiểm soát được, và năng lượng giải phóng ra vào khoảng (1–2×1044 J) nhấn chìm nó trong vụ nổ siêu tân tinh. [ Đọc tiếp ]