Ngạc Trát
Ngạc Trát (chữ Hán: 鄂扎, 1655 - 1702), Ái Tân Giác La, là một Hoàng thân thuộc 1 trong 12 Thiết mạo tử vương của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc.
Cuộc đời
Ngạc Trát sinh vào giờ Hợi, ngày 1 tháng 3 (âm lịch), năm Thuận Trị thứ 12 (1655), là tằng tôn của Thái tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, cháu nội của Dự Thông Thân vương Đa Đạc và là con trai thứ hai của Tín Tuyên Hòa Quận vương Đa Ni. Mẹ ông là Trắc Phúc tấn Vương thị. Năm Thuận Trị thứ 18 (1661), phụ thân Đa Ni qua đời, ông được tập tước Tín Quận vương (信亲王) đời thứ 2.
Năm Khang Hi thứ 14 (1675), ông được phong làm Phủ Viễn Đại Tướng quân (抚远大将军), chinh phạt Sát Cáp Nhĩ Bố Nhĩ Ni. Biết lần này Bố Nhĩ Ni đồn trú tại Đạt Lộc (达禄), Ngạc Trát lệnh lưu lại đồ quân nhu, cùng Phó tướng Đồ Hải (图海) và Mai Lặc Ngạch Chân Ngô Đan (吴丹) khinh kị tiến vào. Bố Nhĩ Ni thiết kế mai phục chờ, mệnh chia quân ra lục soát khe núi, phục phát, quân đội cùng với binh của Thổ Mặc Đặc hợp kích đánh bại. Bố Nhĩ Ni đốc thúc binh lính lấy hoả khí ra để chống cự nhưng vẫn đại bại. Bố Nhĩ Ni cho thu quân về để chuẩn bị tái chiến, lại bị đánh bại một lần nữa, Ngạc Trát chiếm được số lượng ngựa không thể tính hết. Bố Nhĩ Ni cùng 30 kỵ binh chạy trốn, trên đường bị tộc trưởng Khoa Nhĩ Thấm bộ Sa Tân bắn chết. Sát Cáp Nhĩ được bình định, phủ dư đảng 1300 dư hộ. Ngạt Trát cùng quân đội khải hoàn trở về, được Khang Hy đích thân nghênh đón tại Nam Uyển, chiếu tán dương công lao, thưởng vàng 100, bạc 5000. Ngạc Trát được chưởng quản Tông Nhân phủ sự.
Năm thứ 29 (1690), làm Phó tướng cho Cung Thân vương Thường Ninh phòng bị Cát Nhĩ Đan. Năm thứ 35 (1696) theo Khang Hy chinh phạt phía Bắc, thống lĩnh Chính Bạch kỳ doanh. Năm thứ 38 (1699), vì lý do lười biếng, Ngạc Trát bị cách chức ở Tông Nhân phủ. Năm 41 (1672), Ngạc Trát mất, con trai của Đa Đạc là Đổng Ngạch tập tước.
Năm Càn Long thứ 43 (1778), Cao Tông nhớ đến công lao của Đa Đạc đứng đầu chư Vương khai quốc, truy phục vị Dự Thân vương, cho cháu nội của Ngạc Trát là Tu Linh tập tước Dự Thân vương. Khi ấy ông cũng được truy phong làm Dự Thân vương.
Tham khảo
- " Thanh sử cảo " Liệt truyện ngũ, chư vương tứ
- " Thanh sử cảo " Biểu nhị, Hoàng tử thế biểu nhị
- Ái Tân Giác La Tông phổ