Đức Mẹ La Mã Bến Tre

Đức Mẹ La Mã Bến Tre là tên gọi của giáo dân Công giáo Việt Nam đề cập đến hiện tượng bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hiện hình sau khi bị mờ hình ảnh hơn 3 tháng nằm dưới kênh.

Nhà thờ La Mã, nơi lưu giữ linh ảnh Đức Mẹ La Mã Bến Tre (ảnh chụp năm 2010)

Nhà thờ La Mã (xã Hương Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) - nơi lưu giữ bức ảnh - là một trong 3 trung tâm hành hương của Giáo phận Vĩnh Long được Giám mục Phêrô Ngô Đình Thục thiết lập năm 1951[1].

Nguồn gốc

sửa

Khoảng năm 1930, linh mục Luca Sách, chánh xứ Cái Bông, đến thành lập họ đạo Sơn Đốc và tặng cho nhà thờ này bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có lồng kính. Năm 1947, do ảnh hưởng của cuộc Chiến tranh Đông Dương, giáo dân phải đi tản cư, trong đó có 11 gia đình xuống Bầu Dơi (nay thuộc địa phận thôn Hiệp Hưng, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, Bến Tre, cách thành phố Bến Tre 28 km về phía Đông Nam).

Khoảng trước năm 1950, ông trùm họ Nguyễn Văn Hạt lẻn vào nhà thờ Sơn Đốc đem bức ảnh Đức Mẹ về nhà mình, sau đưa cho con trai mình là Nguyễn Văn Thành đem về cất giữ[2][1]. Năm 1949, họ đạo Bầu Dơi được thành lập và được Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục đặt tên mới là họ đạo La Mã vào ngày 11 tháng 11 cùng năm[3][4]. Bức ảnh Đức Mẹ trở thành linh vật của họ đạo La Mã.

Ngày 2 tháng 2 năm 1950, quân Pháp đến bố ráp vùng Bầu Dơi, nhiều nhà dân bị tàn phá nặng nề. Dân chúng, kể cả các giáo dân, đều chạy loạn. Một giáo dân không rõ danh tính cố mang theo bức ảnh Đức Mẹ chạy loạn nhưng không rõ vì sao dọc đường bức ảnh bị rơi xuống sông[5].

Ba tháng sau, ngày 5 tháng 5, một nữ tín đồ Cao Đài tên Võ Thị Liễng (Sáu Liềng) đi mò cua bắt ốc đã vô tình vớt được bức ảnh, tuy còn nguyên khung nhưng không còn hình ảnh mà thay vào đó là bùn. Ông Thành bèn đem bức ảnh về nhà và dùng mọi cách để rửa, tuy nhiên ảnh bị ố vàng và phai mờ nên không thể tôn kính được nữa. Ông Thành bèn treo ảnh trên mái hiên nhà để che mưa nắng. Tháng 8 cùng năm, ông Trùm Hạt sang giúp con chuyển nhà về quê vợ ở Tam Bình, vô tình nhìn thấy nên đã mắng con một trận vì bất kính rồi đem bức ảnh về nhà lại đặt trên tủ thờ giữa[2][1][3].

Năm tháng sau, vào ngày 7 tháng 10 năm 1950, một chiếc tàu Pháp chạy dọc theo con rạch trước nhà ông Biện Hạt bắn phá lung tung. Do không kịp chạy ra khỏi nhà, ông Hạt và Trọng, người con út của ông, phải núp giữa tủ thờ và tấm vách lá phía sau tủ. Sau trận bắn phá, căn nhà của ông Hạt và những nhà chung quanh đều bị đạn bắn phá tan tành, duy chỉ còn tủ thờ và tấm vách lá phía sau là còn nguyên vẹn. Ngước lên bàn thờ, hai cha con ông Hạt trông thấy bức ảnh vốn đã bị phai nhạt hết hình, nay lại nổi lên rõ ràng, duy chỉ còn mũ triều thiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng thì còn lu mờ. Sự kiện này được các giáo dân tôn sùng như phép lạ thứ nhất của bức ảnh.[1]

Sau sự kiện này, ông Hạt đã đưa bức ảnh trả lại cho nhà thờ Cái Bông. Lời đồn về sự lạ với bức ảnh Đức Mẹ lan nhanh, nhiều giáo dân và những người hiếu kỳ tìm đến để đọc kinh cầu nguyện, xin ơn và chiêm ngưỡng Mẹ Lộ Hình. Đến ngày 20 tháng 6 năm 1951, họ đạo La Mã khánh thành ngôi nhà thờ mới, bức ảnh được giáo dân đón rước trọng thể từ nhà thờ Cái Bông trở về nhà thờ La Mã.

Ngày 15 tháng 8 năm 1951, nhân dịp lễ Đức Mẹ Mông Triệu, linh mục Phêrô Dư, quản sở họ đạo Cái Sơn, kiêm quản họ đạo La Mã, đã tổ chức cung nghinh bức ảnh từ họ đạo La Mã đến họ đạo Cái Sơn. Trong thời gian tổ chức lễ, các giáo dân chứng kiến bức ảnh một lần nữa biến đổi: mũ Triều thiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng hiện ra thật rõ ràng. Thêm vào đó, bức ảnh lúc mới được vớt lên, giấy ảnh gắn chặt vào kính, nhăn nhúm ố vàng và có nhiều lỗ thủng, còn bấy giờ thì hiện ra rõ ràng, các lỗ thủng đã biến mất. Sự kiện này được các giáo dân tôn sùng như phép lạ thứ hai của bức ảnh.

Bức ảnh sau đó lại được trả về cho nhà thờ La Mã. Những lời đồn đại về phép lạ của bức ảnh lan rộng, thu hút ngày càng nhiều giáo dân và những người hiếu kỳ. Sự việc đến tai Giám mục Vĩnh Long Phêrô Mactino Ngô Đình Thục và ngày 12 tháng 1 năm 1952, Giám mục Thục đã bí mật đến nhà thờ La Mã để nghe thuật lại. Sau đó, ông đã cho thành lập một ủy ban gồm có các linh mục triều và dòng, để cứu xét về "Sự lạ La Mã". Ngày 11 tháng 2 năm 1952, Giám mục Thục đã ban một Huấn lệnh cho phép giáo dân được hành hương đến viếng ảnh.

Ngày 20 tháng 10 năm 1952, theo quyết định của Ủy ban cứu xét về "Sự lạ La Mã", bức ảnh được đưa về nhà thờ Cái Bông. Ủy ban cũng mở cuộc điều tra, cho mời những người có liên hệ, các giáo dân tuyên bố nhận được phép lạ đến để tường thuật lại và ghi nhận các lời chứng để hoàn thành hồ sơ điều tra phúc trình về Tòa thánh. Trong dịp này, Giám mục Phêrô Mactino Ngô Đình Thục đã tuyên bố chọn La Mã là trung tâm hành hương "Kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp".

Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Mã Bến Tre

sửa

Đầu năm 1957, nhà thờ mới của họ đạo La Mã được hoàn thành. Trong ba ngày 12, 13, 14 tháng 1 năm 1957, lễ khánh thành thánh đường được cử hành trọng thể với sự tham dự của năm vị Giám mục và hàng trăm Linh mục, tu sĩ nam nữ và hàng vạn người dân lương giáo từ khắp nơi đến dự.

Nhà thờ La Mã Bến Tre với chiều dài 35m, chiều ngang 16m và tháp chuông cao 19m. Tại đoạn sông nơi bà Sáu Liền vớt được bức ảnh, nằm về hướng trước mặt nhà thờ La Mã, từng có một đài kỷ niệm sự kiện này, nhưng hiện tại đài đã bị vùi lấp dưới dòng sông và không còn dấu tích. Tại khu đất sát bờ sông La Mã, nằm về hướng phía sau nhà thờ La Mã, có một đài kỷ niệm được dựng tại vị trí căn nhà của ông Hạt khi xưa.

Lễ Hành hương

sửa

Hằng năm, Giáo phận Vĩnh Long và Họ đạo La Mã có tổ chức 2 ngày đại lễ như sau: Ngày 5 tháng 5 là ngày kỷ niệm tìm được ảnh Mẹ và ngày 7 tháng 10 là ngày kỷ niệm Linh Ảnh Mẹ Lộ Hình.

Chú thích

sửa
  1. ^ a b c d “Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Mã Bến Tre”. Giáo phận Vĩnh Long.
  2. ^ a b Họ đạo La Mã
  3. ^ a b “Xứ đoàn TNTT Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2012.
  4. ^ “TTHH Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2012.
  5. ^ Có thể là do chiến sự ác liệt?
Các nơi hành hương kính Đức Mẹ tại Việt Nam

Đức Mẹ La Vang | Đức Mẹ Sao Biển | Đức Mẹ Trà Kiệu | Đức Mẹ Măng Đen | Đức Mẹ Phượng Hoàng
Đức Mẹ Trinh Phong | Đức Mẹ Giang Sơn | Đức Mẹ Tà Pao | Đức Mẹ Thác Mơ | Đức Mẹ Fatima Bình Triệu
Đức Mẹ Bãi Dâu | Đức Mẹ La Mã Bến Tre | Đức Mẹ Cồn Trên | Đức Mẹ Hiệp Nghĩa | Đức Mẹ Núi Cúi