Tháp chùa Việt Nam

(Đổi hướng từ Cửu phẩm liên hoa)

Tháp chùa Việt Nam là những công trình tháp được đặt tại các ngôi chùa Việt Nam. Cùng với quá trình đạo Phật du nhập vào Việt Nam, tháp trở thành một bộ phận không thể tách rời trong các ngôi chùa Việt. Trong khoảng hai nghìn năm, từ thời kì Phật giáo bắt đầu vào Việt Nam cho đến thời hiện đại, hình thức và ý nghĩa tôn giáo của ngôi tháp đã thay đổi và trở nên vô cùng đa dạng, phong phú. Nhiều ngôi tháp đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị, di tích lịch sử quan trọng và biểu tượng văn hóa nổi bật của Việt Nam.

Tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ đã trở thành một trong những công trình biểu tượng của thành phố Huế

Nguồn gốc và ý nghĩa sửa

 
Tháp Tịch Quang ở chùa Lân thờ thiền sư Chân Nguyên

Tháp bắt nguồn từ stūpa (Tiếng Phạn: स्तूप), phiên âm Hán Việt là "Tháp-bà" hay "phù-đồ", "Phật-đồ"; dịch nghĩa là chỗ cao ráo, nơi hội tụ công đức, ngôi mộ lớn, lăng mộ, linh miếu. Ban đầu, stupa dùng để chỉ cho những chỗ được kiến tạo để thờ Xá-lợi của Phật, nhưng về sau nó được dùng lẫn lộn với "Chi-đề" (Cetiya: điện thờ)[1].

Việc tạo tháp đã bắt đầu từ thời đức Phật. Thập Tụng Luật, quyển 56 chép: Trưởng giả Tu Đạt từng xin tóc và móng tay của Phật về xây tháp để cúng dường. Ngoài ra, Ma-ha-tăng-kỳ luật, quyển 33 chép: Vua Ba-tư-nặc noi gương Phật, kiến tọa tháp Phật Ca-diếp để lễ bái, cúng dường hằng ngày. Sau khi Phật nhập diệt, Bà-la-môn Hương Tánh chia xá lợi của Phật cho 8 nước; rồi các vị quốc vương rước xá lợi ấy về nước xây tháp cúng dường. Đó là lịch sử xây dựng tháp đầu tiên sau khi Phật nhập Niết-bàn[1].

Tại Ấn Độ, trong thời Phật giáo hưng thịnh, vua A Dục (Asoka) đã cho dựng trên 4,800 toà phù đồ; những công trình nầy để ghi dấu tích đức Phật Thích Ca rải rác khắp lãnh thổ của nhà vua; thời đó, vật kiến trúc này trở thành yếu tố căn bản cho mỗi tu viện, mỗi cảnh chùa. Kiểu thức như những toà phù đồ Ấn Độ, có nơi biến dạng đôi chút, nhưng căn bản kiến trúc vẫn không đổi. Thành thử, phù đồ hay bảo tháp dựng lên, nếu không là nơi chứa những vật kỷ niệm, cũng là nơi tàng chứa xá lợi Phật hay những di vật của những cao tăng, thiền đức viên tịch[2].

Tháp khi xuất hiện ở Trung Hoa và các nước đồng văn đã dần hình thành một lịch sử kiến trúc và điêu khắc phong phú, biến đổi theo từng quan niệm của Phật giáo khi đi vào từng địa phương. Tháp trở thành một biểu tượng không chỉ của Phật giáo, mà còn là sức mạnh của nhà nước sùng Phật giáo đó, của sự hướng thượng, khẳng định vị thế Phật vương, và sự giác ngộ cái vô cùng là trời đất, vũ trụ, nên tháp cũng là một vũ trụ thu nhỏ, là núi Tu-di (tiếng Phạn: मेरु, chữ Hán: 须弥) - nơi tựa của thế giới hay núi của thần thánh[3].

Ở Việt Nam, do trước đây dịch từ tiếng Pháp (từ pagode chỉ chung nơi thờ tự của đạo Phật) dẫn đến lỗi phổ biến hiện nay là phiên dịch pagoda (tiếng Anh) thành "chùa" trong khi "pagoda" chỉ có nghĩa là tháp mà thôi. Đặc biệt, pagoda trong tiếng Anh chỉ riêng loại hình tháp ở Đông Á, mang phong cách Trung Hoa với nhiều tầng và mái đua ra. "Chùa" với nghĩa nơi thờ Phật trong tiếng Anh là Buddhist temple[4].

Khái quát tháp chùa tại Việt Nam sửa

 
Tháp Bình Sơn là một trong số rất ít tháp còn lại nguyên bản từ thời Trần

Kiến trúc tháp cao tầng là một hình thức quan trọng của kiến trúc Phật giáo Việt Nam thuở ban đầu, với chức năng nơi tưởng niệm và hành lễ tôn giáo, chứa đựng xá lị sư tăng, mang tính chất đột phá không gian thu hút điểm nhìn từ xa[5].

Đặc điểm kiến trúc sửa

Tháp theo phong cách Ấn Độ ban đầu là một kiến trúc theo chiều cao, không phải theo dạng thức nhà ở, nghĩa là không có khoảng không gian bên trong kiến trúc. Tháp theo nguyên nghĩa vốn là ngôi mộ, tức là bình đồ kiến trúc đặc. Tự ngôi tháp là biểu tượng thờ Phật từ nguyên thủy, được đặt bên ngoài kiến trúc chứ không phải bên trong kiến trúc. Tuy nhiên khi mô hình tháp truyền vào Trung Hoa và vào Việt Nam qua đường Trung Hoa thì hình dáng lại phát triển theo kiểu "kiến trúc nhà", có khoảng không gian bên trong tháp, đặc biệt là mang đặc trưng của kiến trúc lầu các Trung Hoa cổ[2] song vẫn có những nét đặc trưng riêng biệt cùng với kiến trúc chùa Việt Nam.

Tháp thường vươn theo chiều cao, mà không phát triển theo chiều ngang, rộng nơi chân bệ và thân tháp như phù đồ của Ấn Độ và các nước Phật giáo phái Tiểu thừa. Thân tháp thường có đáy hình vuông hoặc lục lăng hay bát giác. Chiều đứng chia ra nhiều tầng theo số lẻ, có những vành mái ngắn nhô ra để nhấn rõ từng tầng của chiều cao. Các vòm cầu của phù đồ đôi khi được nhắc lại trên nóc tháp, hoặc xử lý kết thúc khác đi như một tán lọng hoặc bầu rượu, búp sen[6]

Như vậy có thể chia tháp chùa Việt Nam thành hai loại chính là tháp (tiếng Anh:pagoda) và phù đồ (tiếng Anh:stupa).

Kiến trúc tháp ở Việt Nam đa số là kết cấu gỗ, kết hợp các vật liệu địa phương tự khai thác như đá vân, đá ong, gạch nung, đá hộc. Hình hức kết cấu gỗ với phương thức cổ truyền: chồng rường, gia chiêm hoặc cải biên tùy theo quy mô to nhỏ của công trình cụ thể. Cũng do phương thức sử dụng vật liệu và hình thức kết cấu như vậy, các tháp cổ qua chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, ngày nay còn rất ít là dạng nguyên sơ, mà phần lớn đã qua trùng tu, sửa chữa nhiều lần để còn tồn tại đến ngày nay[6].

Lược sử tháp chùa tại Việt Nam sửa

Từ khi đạo Phật truyền vào Việt Nam, kiến trúc ngôi Chùa luôn gắn chặt với Tháp. Tháp dần trở thành một trong những loại hình kiến trúc truyền thống với những bản sắc riêng trong kiến trúc cổ Việt Nam, từ những tháp mộ nhỏ đến những tòa tháp nhiều tầng quy mô, bề thế. Nếu như Chùa là loại hình kiến trúc phát triển theo phương ngang thì Tháp là loại hình kiến trúc gây ấn tượng, phát triển theo chiều đứng[7].

Ở Việt Nam hiện nay tồn tại cả hai hình thức là tháp và phù đồ. Tháp chủ yếu xuất hiện trong các chùa Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna) ở miền Bắc, trong khi phù đồ xuất hiện ở miền Nam tại các chùa liên quan đến Phật giáo Nguyên thủy (Hīnayāna). Cùng với sự di cư vào miền Nam của nhóm người Kinh, hình thức tháp phong cách Trung Hoa với đặc trưng Việt Nam vốn phát triển rực rỡ ở miền Bắc trong suốt các triều đại phong kiến đã dần xuất hiện ở miền Trung và miền Nam theo chiều dài lịch sử. Các ngọn tháp thường có tên riêng nhưng cũng có khi chỉ được gọi theo tên chùa, nhiều ngọn tháp đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam và được ghi lại trong sử sách cũng như các văn tự trên bia đá. Mỗi giai đoạn trong lịch sử trung đại Việt Nam đều để lại những di tích tháp là những kiệt tác về kiến trúc và mỹ thuật.

Các triều đại phong kiến độc lập thời kì đầu của Việt Nam đều là những triều đại tôn sùng đạo Phật, từ nhà Đinh đến tận những đời vua đầu Nhà Lê Sơ đã cho xây dựng rất nhiều chùa và tháp. Tuy nhiên, chính sách tàn bạo và thâm độc của nhà Minh mà cụ thể là cá nhân Minh Thành Tổ trong việc tiêu diệt văn hóa Đại Việt thời Thuộc Minh đã hủy hoại gần như hoàn toàn, không chỉ di sản tháp chùa mà còn toàn bộ những văn tự liên quan (như thư tịch, bia đá) đến hệ thống tháp chùa nguy nga ở Đại Việt. Sắc chỉ bí mật của Minh Thành Tổ ban bố 10 điều cho quân lính tuân theo, đề ngày 8 tháng Bảy năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406) viết:

Hai mươi năm tàn phá của người Minh đã tạo nên một sự đứt gãy về văn hóa, đặc biệt trong phong cách mỹ thuật và kiến trúc đặc trưng Việt Nam được hình thành dưới thời Lý - Trần. Sự áp đặt Nho giáo của nhà Minh cũng đã chấm dứt vai trò quan trọng của đạo Phật trong quản trị nhà nước cũng như dòng tư tưởng của tầng lớp quản lý đất nước ở Việt Nam. Vì thế chùa tháp từ thời Lê trở đi không còn quy mô to lớn và phong cách đặc trưng Việt Nam (với sự ảnh hưởng của văn hóa Chăm Pa, văn hóa Ấn Độ) như trước nữa.[9]

Trước thời kỳ độc lập đến hết nhà Tiền Lê sửa

Đạo Phật được truyền vào Việt Nam từ hai nguồn là Ấn Độ và Trung quốc. Phật giáo Đại thừa theo chân người Trung quốc và cả người Ấn Độ vào miền Bắc Việt nam, trong khi Phật giáo Nguyên thủy truyền qua các nước Đông Nam Á vào lãnh thổ của Champa, Phù Nam lúc đó. Trung tâm Phật giáo sớm nhất ở Việt nam lúc đó mà còn để lại dấu tích hiện nay là vùng Luy Lâu (Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), trong đó có chùa Dâu được xây dựng vào khoảng năm 187[10].

Khi Tùy Văn Đế (tức Tùy Cao Tổ) sáng lập nhà Tùy muốn ban phát xá lợi cho khắp các châu xứ để dựng bảo tháp thờ xá lợi, hoằng dương Phật pháp, trong đó bao gồm cả Giao Châu (tức miền Bắc Việt Nam). Đây là một phần trong chính sách phục hưng Phật giáo của người sáng lập vương triều nhà Tùy. Chính sách có ý đồ sử dụng Phật giáo như một công cụ để thu thập nhân tâm, tái ổn định tình hình chính trị, xã hội Trung Quốc sau một thời kỳ biến động kéo dài. Đây cũng là một dịp để nhà Tùy xác lập cương giới, khẳng định lại quyền thống trị đối với những phần lãnh thổ đã chinh phục trực tiếp hoặc kế thừa một cách gián tiếp từ các vương triều đi trước[11]. Tùy Văn Đế nói: "... chọn những sa môn danh đức, đến các xứ của châu ấy (Giao Châu) để dạy dỗ, hầu khiến cho tất cả đều giác ngộ". Pháp sư Đàm Thiên trả lời Tùy Cao Tổ như sau:

Như vậy sư Đàm Thiên đã nói rằng Phật giáo truyền vào Việt Nam trực tiếp từ Ấn Độ đã từ lâu, trước khi nhà Tùy thành lập, có nhiều thiền sư uyên thâm và chùa tháp quy mô nên không cần phải đợi sư từ Trung Quốc sang "dạy dỗ" và nếu vua Tùy muốn phân phát xá lợi thì nên phát cho cả Giao Châu vì nơi ấy Phật giáo đã phát triển. Khi Tùy Văn Đế sai sứ đem các hòm xá lị đến Việt nam để xây Tháp, nhà sư Pháp Hiền đã chia cho chùa Dâu, cùng các chùa khác trong nước để xây Tháp trong khoảng năm 601 – 604. Điều này được minh chứng trong văn bia tại chùa Dâu nói về việc xây Tháp Hòa Phong trước đây: “Nước Việt ta thời vua Tùy Cao Đế dốc tâm nơi cửa Phật, sùng mộ người áo nâu, khiến sứ giả đem hòm xá lị ủy cho lệnh sử họ Lưu kén đất Giao Châu xây cốt. Thời đó có đại sư Pháp Hiền nói rằng đây thực là chốn đại danh lam, bèn xây tháp ở nơi trong phụng thờ một hòm xá lị trấn truyền mãi mãi…”. Việc vua Tùy phát xá lợi này được củng cố với việc tìm thấy Bia "Xá Lợi Tháp Minh" (niên đại 601 - Bảo vật quốc gia số 7, đợt 2) năm 2012, chứng minh rằng xá lợi đã được phát và thờ tự tại một bảo tháp ở vùng Luy Lâu.

 
Các cột kinh Đinh Liễn và gạch xây thành, gạch lát nền, ngói uyên ương thời Đinh - Tiền Lê

Nguyên văn chữ "chùa (hơn 20 ngôi)" trong lời sư Đàm Thiên được Thiền uyển tập anh ghi là bảo sát (宝 刹)[13] thường dùng chỉ ngôi chùa[14]. Tuy nhiên chữ sát lại có nghĩa gốc là tháp hay cột kinh, chính là hình dạng một ngôi chùa thuở sơ khai[15]. Qua đó có thể thấy kiến trúc Tháp có lẽ đã phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện đặc trưng kiến trúc chùa tại Việt nam từ thời kì đầu.

Tuy nhiên, chùa tháp Phật ở Việt Nam thời trước Tùy - Đường hiện nay không còn dấu vết gì. Đến cuối thời nhà Tùy (581-618), Phật giáo đã rất phát triển và có nhiều nhà sư đến Việt Nam để truyền bá đạo Phật. Giai đoạn này nhiều chùa tháp được xây ở Việt Nam. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của một ngôi tháp là Tháp Nhạn (Nghệ An) được cho là xây ở thời Tùy Đường. Tháp này xây bằng gạch, đã bị đổ, chỉ còn lại phần chân tháp hình gần vuông 9,6m x 9m, tìm thấy nhiều viên gạch, đặc biệt nhất là có viên gạch có phù điêu ba vị Phật ngồi trên tòa sen, trên đầu có vòng hào quang, tay đặt theo thế ấn thiền định. Các nhà khảo cổ tìm thấy một chiếc hộp nhiều lớp được cho là đựng xá lị (Bảo vật quốc gia số 5, đợt 6). Sự tồn tại của một tháp chứa xá lị ở cách Hà Nội 300 km cho thấy kiến trúc tháp đã rất phát triển ở giai đoạn này. Văn tự và dấu tích khảo cổ thời Bắc thuộc không còn nhiều nên sự phát triển về chúa tháp giai đoạn này gần như không thể khảo cứu được.[7]

Đến thời Đinh thì Phật giáo phát triển rực rỡ, trong khu vực kinh đô Hoa Lư có nhiều ngôi chùa lớn và nổi tiếng như chùa Bà Ngô, chùa Đìa, chùa Am, chùa Tháp, chùa Bàn Long, chùa Thiên Tôn, chùa Hoa Sơn (xây vào triều Đinh); chùa Ngần, chùa Nhất Trụ (xây vào triều Tiền Lê). Trong đó có tháp Báo Thiên được xây dựng gần sông Hoàng Long. Ngày nay, ngôi chùa tháp cổ xưa đó chỉ còn vết tích nền chùa cạnh sông Hoàng Long, với nhiều tảng đá chân cột, trong đó có những viên hình vuông cạnh hơn 1 m và vòng tròn ở giữa có đường kính từ 0,5 m đến 0,68 m[16].

Thời Lý sửa

 
Tượng vũ công đầu người mình chim Kinnara khai quật tại chùa Phật Tích

Phật giáo phát triển cực thịnh dưới thời Lý đã cho ra đời nhiều Trung tâm Phật giáo lớn ở Đồng bằng Bắc Bộ. Đây cũng là triều đại đặt nền móng cho sự độc lập về văn hóa của Việt Nam nên xuất hiện vô vàn hình mẫu nghệ thuật và kiến trúc đặc trưng của dân tộc và thời đại với sự giao thoa văn hóa Chăm Pa, dù chịu ảnh hưởng rõ rệt của triết lý và tôn giáo Trung Hoa. Tư tưởng Phật giáo Đại thừa phương Bắc được lồng vào mô hình kiến trúc chùa núi phương Nam là hình thức đặc trưng cho kiến trúc Phật giáo thời Lý. Trong đó kiến trúc tháp đá cao tầng phối hợp hữu cơ với quy mô nhà. Mặt bằng chùa thường có dạng hình vuông nhiều tầng, đi lên từ bốn phía vào ban thờ Phật ở trung tâm. Kiến trúc tháp thời Lý không chỉ đơn thuần là kiến trúc Phật giáo mà nó gắn liền với vương triều và quyền lực. Các nhà chùa và thiên sư thời Lý đều có vai trò quan trọng trong cả nền chính trị và kinh tế, nhiều chùa được vua và hoàng tộc cấp tiền xây dựng nên đã dựng nên những tòa tháp đồ sộ, cao lớn, như Tháp Đại Thắng Tư Thiên được xếp vào hàng An Nam tứ đại khí.[17]

Kiến trúc chùa và tháp thời Lý đến nay không còn tồn tại bất kì công trình nào[18] nhưng phế tích và vết tích của một số tháp còn lại có thể kể đến như sau:

Tháp chùa Phật Tích sửa

Chùa Phật Tích xây năm 1057 gắn liền với truyền thuyết tháp chùa cao chọc trời, khi đổ vỡ đá rơi khắp làng và hiện ra pho tượng Phât uy nghi. Tấm bia Vạn Phúc Đại Thiền tự bi (bị gãy đôi) khắc năm Chính Hòa thứ 7 (1686) cho biết:

Vua thứ ba nhà Lý, năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) cất lên cây tháp quý cao ngàn trượng, lại dựng pho tượng mình vàng cao 6 thước, cấp hơn trăm thước ruộng, xây chùa chẵn một trăm tòa.

Năm 1937 - 1940, học giả Pháp L.T. Bezacier khảo sát chùa, đo cạnh đáy tháp là 8,5m, theo tỉ lệ truyền thống cạnh đáy bằng 1/5 chiều cao, ông cho rằng tháp chùa phải cao đến 42m. Phía sau trên nền chùa cao nhất là rừng tháp lớn nhỏ gồm 39 ngọn chất cát xá lị các cao tăng từ thời Hậu Lê.[19]

Tháp Tường Long sửa

Tháp Tường Long được xây dựng vào giai đoạn thịnh vượng của phật giáo thời Lý (năm 1058); tức là chỉ xây dựng sau tháp Báo Thiên ở Thăng Long, tháp Phật Tích ở Bắc Ninh một năm và cũng theo lệnh của vua Lý Thánh Tông. Tháp Tường Long và chùa Vân Bản tọa lạc trên ngọn núi đầu tiên, một trong 10 đỉnh cao liền nhau của dãy Núi Rồng, có độ cao 91,7m so với mặt nước biển ở Đồ Sơn, Hải Phòng[20].

Tháp vẫn còn tồn tại đến những năm đầu thời Nguyễn mới bị phá. Đại Nam nhất thống chí chép:

Năm 1978, Phó giáo sư Tiến sĩ Trịnh Cao Tưởng đứng đầu nhóm các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật phế tích tháp Tường Long.[22] Kết quả đã tìm thấy:

  • Sân tháp: Mặt bằng hình vuông 4m x 4m
  • Móng tháp: ba tầng hình vuông, tầng dưới cùng cạnh 7,86m; tầng thứ hai 7,36m; tầng trên cùng 6,92m.
  • Gạch: Có gạch xây lòng tháp và gạch trang trí ngoài mặt tháp. Hầu hết gạch hình chữ nhật, kích thước 40 x 28 x 5 cm, in nổi hai hàng chữ Hán: Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo (gạch làm vào triều vua Lý thứ ba (Lý Thánh Tông), niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ tư - 1057).
  • Di vật khác: Hai chiếc cối cửa bằng đá chứng tỏ tháp chỉ có một cửa và quay về hướng Nam. Ngoài ra tìm được một phần pho tượng đá có cùng phong cách với tượng A-di-đà chùa Phật Tích.

Chùa Tường Long được xây vào tháng 9 năm 1990 trên nền tháp cũ. Tháp Tường Long đã được phỏng dựng sau 30 năm khảo sát, nghiên cứu (1978 - 2008) và hơn 9 năm xây dựng (2008 - 2017)[23]. Tháp mới có 9 tầng cao 37,14 mét[24]. Chùa Vân Bản đến nay vẫn chưa được phục dựng, chỉ còn quả chuông lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia đã được công nhận là bảo vật quốc gia số 13, đợt 2 năm 2013.

Tháp Chương Sơn sửa

 
Gạch trang trí hình rồng thời Lý và hoa cúc dây, khai quật tại phế tích tháp Chương Sơn

Tháp Chương Sơn (tên chữ "Vạn Phong Thành Thiện") ở Ý Yên, Nam Định là công trình tháp kì vĩ được nhắc đến rất nhiều lần trong các thư tịch cổ như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược, Việt sử thông giám cương mục… Tháp được khởi dựng từ năm 1108 và hoàn thành sau chín năm vào năm 1117. Ngày nay công trình chỉ còn dấu vết nền móng trên đỉnh núi, nhưng nhiều báu vật thời Lý đã được tìm thấy sau đợt khai quật năm 1966 - 1967 của Viện Khảo cổ học. Với diện tích khai quật 900 m², các nhà khoa học đã tìm ra chân móng tháp cổ cùng hơn 200 di vật đá và 50 viên gạch đất nung. Vết tích còn lại là chân tháp hình vuông hiện còn mỗi bề rộng 19 m. Đá xây tháp được liên kết với nhau bằng cá chì (đục lỗ mộng, đổ chì nấu lỏng vào) hoặc khoan lỗ rồi dùng dây đồng xâu lại thắt chặt. Phần lớn các bộ phận kiến trúc bằng đá như đố dọc, mí cửa, bệ cửa cuốn, thành bậc, chân cột... đều được phủ kín bằng trang trí thời Lý: rồng, phượng, khỉ, tượng đầu người mình chim.... Ngoài ra còn tìm thấy những viên gạch lớn ghi chữ Hán Lý gia đệ tứ đế Long Phù Nguyên Hóa ngũ niên tạo (chế tạo vào đời vua thứ tư nhà Lý (Lý Nhân Tông), niên hiệu Long Phù Nguyên Hoá năm thứ năm - 1105) [25].

Tháp đã bị quân Minh phá hủy hoàn toàn, trong chiến dịch xóa bỏ văn hóa Lý - Trần thời thuộc Minh, chỉ còn lại móng đá. Phía đông núi Chương Sơn có chùa Nề, văn bia tạc năm Cảnh trị thứ 8 (1670) có đoạn: “Đến quân Ngô sang xâm lược nước ta, chúng sinh lòng gian ác phá hỏng các tượng phật bằng đá, chỉ còn tượng trên bệ đá ở tầng thứ hai giữa đỉnh núi. Tháp Chương Sơn đã bị phá huỷ tan tành”.[25] Hai trong số các hiện vật nằm trong tháp Chương Sơn đã được công nhận là bảo vật quốc gia:

  • Tượng Phật A Di Đà (hiện lưu giữ tại chùa Ngô Xá) (bảo vật quốc gia số 16, đợt 2)
  • Lan can thành bậc (hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định) (bảo vật quốc gia số 10, đợt 3)

Tháp chùa Long Đọi sửa

 
Gạch trang trí hình vũ nữ trên tháp chùa Long Đọi
 
Tượng Bát Bộ Kim Cương vốn đặt trước tháp chùa Long Đọi (phiên bản tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Tháp chùa Long Đọi (tên chữ: "Sùng Thiện Diên Linh") từng được ghi lại trong nhiều sách sử là tòa tháp cao dựng trên núi Đọi (Duy Tiên, Hà Nam). Tháp Sùng thiện diên linh bắt đầu xây dựng vào mùa hạ năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118), hoàn thành vào mùa thu năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121). Quy mô, diện mạo tháp Sùng thiện diên linh được ghi lại trên tấm bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng thiện diên linh tháp bi. Đây là một trong rất ít bia đá thời Lý còn lại đến ngày nay, lại có kích thước lớn, đã được công nhận là bảo vật quốc gia số 9, đợt 2 năm 2013. Đoạn văn ghi về bảo tháp Sùng thiện diên linh khắc ở mặt trước tấm bia[26]:

Tháp xây mười ba tầng chọc trời, mở bốn mươi cửa hóng gió. Vách chạm rồng ổ, góc treo lềnh đồng (kim linh). Tầng trên đặt hộp vàng xá lỵ, để luôn toả tường quang cho đời thịnh. Tầng dưới có tám pho tượng khôi ngô, đứng hộ vệ là người thần cầm kiếm. Lại trong đó đặt tượng Đa Bảo Như Lai, dáng như nguyện dâng trọn cả đời, vẻ tựa suy tư sâu lắng, cùng Ca Văn (tức là Thích Ca Văn) một bên trong toà báu, nghe kệ sen mà tất phó oai thiêng.

Cấp thứ hai, bên tả, dựng vòm tứ giác, có hai con rồng chầu cửa để coi việc đi lại. Phía sau đặt tám pho tượng chầu trời. Nêu cao khí khái cho danh sơn, truyền rộng thánh công lao cho hậu thế. Bên hữu, dựng nhà tháp chóp vuông, trong đặt Tân Đầu hoà thượng, tượng tựa như nhìn về núi Ma...(mất chữ) chi sơn, để nhận lời dặn của Như Lai, vì chúng sinh mà chứng phúc.

Cấp dưới cùng, phía trước xây gác Lăng Hán, trong treo chuông đồng, buộc chày kình Bích Hải... Ngoài xây tường bảo vệ, trong dựng hiên phô trương. Lại bắc cầu mở rộng đường thôn, trồng tùng theo hàng thành hai dẫy. Hết lòng thành để tôn sùng diệu quả, mong cho vận số dài lâu; hết kiểu lạ để xây lầu cao, cầu tuổi vua thọ mãi. Cho nên nhà vua đặt tên tháp là Bảo tháp Sùng thiện diên linh

Năm 2001, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam tiến hành nghiên cứu và khai quật tại khu vực phế tích tháp Sùng Thiện Diên Linh, qua đó xác định được vị trí của cây Bảo tháp cùng các loại vật liệu và trang trí kiến trúc.[27]

  • Nền sử dụng gạch vuông màu đỏ t­ươi, xếp khít không có chất kết dính. Nền Bảo tháp ăn sâu vào khu vực Toà Tam Bảo hiện tại, nên chư­a xác định đư­ợc kích thước cụ thể (khoảng 20m), với diện phân bố hàng trăm mét vuông.
  • Móng tìm thấy hai đoạn, nằm nối tiếp với nền, đư­ợc giới hạn bởi các thanh sa thạch vốn là các bộ phận của tháp rơi xuống khi tháp bị giặc Minh phá huỷ. Móng rộng 1,95m, dài còn lại gần 5m, đ­ược cấu tạo với nhiều hàng gạch hình chữ nhật và gạch thỏi màu đỏ tư­ơi, xếp khít không có chất kết dính.
  • S­ưu tập hiện vật có số l­ượng lớn với hàng ngàn tiêu bản là các loại vật liệu xây tháp bằng sa thạch (chỉ có vài tiêu bản làm từ đá vôi) và đất nung gồm: đấu kê trụ, mi cửa, tượng chim thần Kinnari, tượng rồng, phượng, uyên ương.

Chùa Long Đọi hiện vẫn còn 6 pho tượng trong Bát bộ Kim Cương tương đối nguyên vẹn, cao chừng 1,6m, thân thẳng đứng, ít động thái, hoa văn trang trí sâu và biến đổi theo cấu trúc giáp trụ, phần lưng gắn chặt với thành tường tháp Sùng Thiện Diên Linh. Ngoài ra chùa còn v­ườn tháp­ với 37 tháp mộ, nhiều kích th­ước khác nhau đ­ược xây dựng trong suốt quá trình tồn tại của chùa.[27]

Thời Trần - Hồ sửa

Kiến trúc Phật giáo thời Trần tăng lên nhanh chóng về số lượng và mở rộng quy mô, cũng như địa bàn đáng kể. Hoàng tộc và quý tộc thời Trần đều tôn sùng đạo Phật, thậm chí còn sáng tạo ra các trường phái tu tập, thiền định. Đặc biệt, phái Trúc Lâm Yên Tử đã tạo ra một loạt các trung tâm Phật giáo mới ở địa phận ngày nay là các tỉnh Hải DươngQuảng Ninh. Quê hương các vua Trần tại Thái BìnhNam Định cũng xuất hiện một loạt các kiến trúc nguy nga đồ sộ nằm trong quần thể hành cung - lăng mộ của nhà Trần. Tình trạng xây dựng nhiều chùa tháp bấy giờ khiến (nhà nho) Lê Quát phải viết trên bia chùa Thiệu Phúc (Bắc Giang) như sau[28] :

Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật thì dẫu hết tiền cũng không xẻn tiếc. Nếu ngày nay gửi gắm vào tháp chùa thì mừng rỡ như nắm được khoán ước để lấy quả báo ngày sau. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tới thôn cùng ngõ hẻm, không mệnh lệnh mà người ta vẫn theo, không thề thốt mà người ta vẫn tin. Chỗ nào có người ở, tất có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chuông trống lâu đài chiếm đến nửa phần so với dân cư.

Tuy nhiên, triều Trần trải qua ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông30 năm chiến tranh với Chế Bồng Nga đã khiến gần như toàn bộ các công trình kiến trúc bị tàn phá. Đặc biệt, cuộc kháng chiến chống Minh của nhà Hồ thất bại khiến cho trong hơn hai muơi năm quân Minh đã tàn phá tất cả những công trình đồ sộ nhất, kết thúc với việc Vương Thông bị vây ở thành Đông Quan đã phá hủy nốt An Nam tứ đại khí là những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo đỉnh cao nhất của thời Lý - Trần.[29]

Kiến trúc Tháp thời Trần là một sự tiếp nối kiến trúc Tháp thời Lý, tuy nhiên tháp thời Trần là một thành phần tương đối độc lập với ngôi chùa, không còn liên kết chặt chẽ như chùa - tháp đá thời Lý. Tháp thời này chỉ là kiến trúc đứng độc lập trong tổng thể chùa. Kiến trúc chùa cũng biến đổi từ nhấn mạnh theo chiều cao, chuyển sang trải dài theo chiều ngang. Có sự phân chia rõ rệt giữa chức năng thờ Phật và chứa xá lợi của tháp vì đa số tháp thời Trần là tháp mộ nhỏ, chủ yếu là để chứa Xá lợi hoặc mộ của các cao tăng. Lòng tháp nhỏ hẹp, không còn không gian thờ Phật, mặc dù có đặt tượng trong lòng tháp[7]. Tháp mộ thời Trần còn lại khá nhiều ở hệ thống chùa phái Trúc Lâm tại Hải Dương - Quảng Ninh (chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai, chùa Quỳnh Lâm, chùa Hoa Yên).

Kiến trúc tháp cao tầng chỉ còn sót hai hai tòa tháp là Tháp Phổ MinhTháp Bình Sơn, cũng là hai tòa tháp dựng bằng gạch có niên đại sớm nhất tại Việt Nam hiện nay.

Tháp Phổ Minh sửa

Tháp Phổ Minh thờ xá lợi của vua Trần Nhân Tông dựng năm 1305 có 14 tầng, cao 21,2 m trên mặt bằng bố cục vuông. Cạnh đấy của đế là 5,21 m, các tầng trên đều trổ bốn cửa cuốn tò vò. Tầng dưới cùng bằng đá cao 2,2 m, cửa rộng 0,77 m, cao 1,09 m. Ban đầu 13 tầng bên trên được xây bằng gạch trần, sắc đỏ au. Một thương gia giàu có đã bỏ tiền trát vữa lên 13 tầng đó. Các chạm khắc trên tháp điển hình cho nghệ thuật trang trí thời Trần.[30]. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra ba tầng trên cùng xây sau thời Trần và cho rằng tháp thời Trần chỉ có 11 tầng. Đối chiếu với Niết bàn kinh (quyển 41) quy định: tháp thờ Xá lị Phật 13 tầng, Bích chi phật 11 tầng, A la hán 5 tầng, và cho rằng Trần Nhân Tông đã tu hành tới bậc Bích chi Phật nên có lẽ tháp ban đầu có 11 tầng[31].

Tháp Bình Sơn sửa

Tháp Bình Sơn là di tích cuối cùng còn lại của chùa Vĩnh Khánh (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Tháp xây bằng gạch trần, có kết cấu tháp vuông, càng lên cao càng nhỏ dần với các tầng 4 mặt trổ cửa cuốn và nhô diềm mái tương tự Tháp Phổ Minh. Nhiều đợt trùng tu làm xáo trộn gạch ở các tầng. Ở tầng 9 có viên gạch đề "thập tam tằng" (tầng 13). Hiện tháp chỉ còn 11 tầng, cao 15 m. Cạnh đáy 4,45m, cạnh tầng cao nhất (tầng 11) là 1,15 m. Khối trụ tháp lòng rỗng, xây bằng gạch khâu loại vuông (22 x 22 cm) và loại dài (45 x 22 cm).

Ở các tầng xây nhỏ dần 5-6 hàng gạch tạo diềm mái và thế cân bằng. Kết cấu trụ có mộng chốt, cá chì và keo vữa kết dính. Gạch ốp ngoài tháp có kích thước 46 x 46 cm dàn hàng bọc kín tháp. Tháp phủ kín hoa văn trang trí như rồng thời Trần, lá đề, sư tử hí cầu, hoa dây.[30]

Tháp gốm men chùa Trò sửa

Tháp gốm men chùa Trò
Bảo vật quốc gia số 18, đợt 7
Chất liệuGốm men
Kích thướcĐế: 50cm x 50cm
Chiều cao145cm
Khối lượng130kg
Niên đạithế kỉ XIV
Thời kỳ/Văn hóaNhà Trần
Địa điểm phát hiệnthôn Dân Trù, Yên Phương, Yên Lạc, Vĩnh Phúc
Hiện lưu trữ tạiBảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc

Tháp gốm men chùa Trò là di vật còn sót lại của chùa Trò (tên chữ là Đại Phúc Tự), huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Tháp không phải công trình xây dựng mà là đồ thờ tự nên vốn được đặt trước cửa chùa. Đây là ngôi chùa cổ, tương truyền được xây dựng từ thời Lý - Trần. Năm 1954, ngôi chùa bị quân Pháp đốt cháy, đồ thờ tự bị thất tán; cây bảo tháp được giấu xuống ao. Khi hòa bình lập lại, nhân dân đã trục vớt lên, chuyển cho Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc lưu giữ[32].

Tháp gốm men chùa Trò là hiện vật gốc, độc nhất vô nhị, có hình thức độc đáo, đại diện cho nghệ thuật Đại Việt thời Trần. Về kích thước, đây là tháp thờ bằng gốm men lớn nhất, nguyên vẹn nhất có trong kho tàng gốm cổ Đại Việt. Trong khi tháp gốm men trắng hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chỉ còn lại bốn tầng và bệ, đã bị bong men hầu như toàn bộ. Cây tháp men ngọc Việt Nam, lưu giữ tại Bảo tàng Adam Malik, Jakarta (Indonesia) cũng chỉ còn lại phần chân đế. Những phát hiện khảo cổ học tại các phế tích chùa - tháp thời Lý - Trần cũng chỉ là những mảnh vỡ, có số lượng rất ít. Những ghi chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử lược” đã chỉ ra rằng, năm 1105 (thời Lý Nhân Tông), ngay cả một Quốc tự như chùa Diên HựuThăng Long cũng chỉ có hai cây bảo tháp nhỏ bằng gốm trắng, đặt thờ trước sân chùa. Điều đó phản ánh sự quý hiếm của loại hình tháp gốm này tại Việt Nam[32].

 
Tháp gốm men trắng thời Lý trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội

Tháp hiện còn 9 tầng, lòng tháp rỗng. Về màu sắc men gốm, tháp sử dụng ba màu chính: men ngọc chủ đạo, men trắng làm nền, men nâu điểm xuyết. Đây là ba màu cơ bản của gốm men thời Lý - Trần. Đó là mốc đánh dấu cho điểm khởi phát của dòng gốm men đa sắc Việt Nam, làm tiền đề cho gốm tam thái, ngũ thái thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Tây Sơn và Nguyễn sau này[33]. Tháp có dạng một khối hộp hình vuông, rộng ở đế và thu nhỏ dần về phía đỉnh. Bốn mặt các tầng tháp đều có cửa hình tò vò. Tính từ đế lên tới đỉnh, tháp được làm thành ba thớt, tương ứng với ba phần, trang trí dày đặc và vô cùng tinh xảo:

  • Đế tháp: được tạo bốn khối tương tự nhau, sau đó ghép lại thành một khối hộp vuông vững chãi. Trên đế có hai băng hoa văn trang trí hoa văn cánh sen, cúc dây.
  • Bệ tháp: là một khối hộp hình vuông, có 4 chân quỳ ở 4 góc. Các chân quỳ trang trí hình lá đề với kỹ thuật khắc nổi, nét sâu, thô, rồi được tô men nâu trên những gờ lá đề - phản ánh kỹ thuật đặc trưng và chủ đạo của gốm hoa nâu thời Lý - Trần - dòng gốm duy nhất, chỉ có ở Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV. Thân bệ tháp chia thành hai phần, phần trên giật cấp thu nhỏ hơn phần dưới. Phần dưới của bệ tháp là hai băng hoa văn cánh sen kép men ngọc, đúc nổi, được bố cục hai lớp xen kẽ, úp - ngửa, ngược chiều nhau. Phần trên 4 mặt được tạo 4 hình bầu dục, trong chạm nổi hoa lá dây, sừng tê, ngọc báu. Tất cả tổ hợp hoa văn trên đều được phủ men nâu, trên nền trắng, khiến cho họa tiết chính được hiển lộ rõ ràng.
 
Ngói ống gắn lá đề trên mái cung điện ở Hoàng thành Thăng Long (ảnh minh họa)
  • Thân tháp cũng là một khối hộp vuông, được làm rời nhau, nay còn lại 9 tầng.
    • Tầng thứ nhất có kích thước lớn hơn cả và cũng là tầng gây ấn tượng khác biệt so với những tầng trên. Tính từ dưới lên gồm 2 phần:
      • Phần thứ nhất: Có 4 cửa, bố trí ở chính giữa 4 mặt. Vòm cửa hình tò vò, có mí ở phía trên, trang trí hoa văn xoắn móc. Trước mỗi cửa tháp có hai vị kim cương, trang bị giáp, kiếm chỉnh tề, đứng hai bên, làm nhiệm vụ canh giữ cho ngôi bảo tháp. Tường của tháp nổi bật là mảng hoa văn hai bên cửa, với họa tiết rồng giáng (rồng có đầu quay xuống, đuôi quay lên) đặc trưng thời Trần trên nền men trắng. Trên cửa là hệ thống con sơn chồng đấu được phủ men nâu, đỡ bên dưới là những đấu lớn phủ men trắng. Bốn góc là con sơn năm đấu, giữa là con sơn ba đấu tạo thành 16 con sơn quanh mái tháp. Xen kẽ con sơn là lá đề men ngọc, trong lòng lá đề là tượng phật trong tư thế thiền định.
      • Phần thứ hai: giả mái rồi liên kết với phần dưới, qua hình ảnh 12 Kinnari (tượng đầu người mình chim) bốn góc và bốn mặt. Đệm giữa các Kinnari là cánh sen cách điệu, trong là hai chấm tròn nổi, trên to dưới nhỏ, cách điệu viên ngọc báu của đạo Phật. Phía trên của phần này đua ra ngoài, xung quanh trang trí băng hoa văn nổi, hẹp, đề tài rồng đệm tam giác, trong có hoa dây. Toàn bộ băng này được phủ men trắng, viền ngoài được phủ men nâu. Bên trên giật cấp, diềm tạo băng hoa văn lá đề men ngọc, trong lòng lá đề là tượng phật trong tư thế thiền định. Chính giữa các băng lá đề, ở bốn mặt là tượng phật ngồi thiền men trắng ngà. Tiếp đến là băng hoa văn những bông hoa cúc đắp nổi men trắng, phân bố đều nhau trên nền men nâu. Cuối cùng là băng lá đề men ngọc, bên trong là tượng phật trong tư thế ngồi thiền.
    • Tám tầng tháp bên trên tương đối giống nhau về phong cách kiến trúc và trang trí hoa văn. Mái lợp ngói ống được cách điệu thành những bông hoa cúc nổi 7 cánh phủ men ngọc. Trên đầu ngói ống là lá đề, bên trong là hình tháp nổi. Diềm mái phủ men trắng khắc chìm hồi văn chữ S gấp khúc - loại hoa văn thường gặp trên đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn. Tất cả tầng tháp còn lại đều có 4 cửa, nhưng không có tượng kim cương trấn giữ. Thay vào đó là tám khung hoa văn nổi phủ men trắng trang trí tượng phật trong tư thế ngồi thiền. Tám khung hoa văn này được bố cục đối xứng qua cửa và được viền ngoài là khung men nâu.
    • 446 tượng Phật bố trí từ trên xuống dưới, tạo nên cảm giác tầng tầng, lớp lớp, bốn phương, tám hướng, đâu đâu cũng có hình ảnh đức Phật. Đây có lẽ cũng là chủ đích của các nghệ nhân, nhằm tạo nên một tác phẩm thờ tự mang đặc trưng của Phật giáo Thiền tông[34].

Mô hình tháp chùa Trò đã thể hiện chân thực nhất hình ảnh một ngọn bảo tháp thời Lý - Trần được xây dựng và trang trí như thế nào. Ví dụ hình ảnh Bát bộ Kim Cương trên tháp đã chứng minh rằng các tượng Kim Cương ở tháp Chương Sơn đúng là đứng canh cửa tháp, hay cấu trúc của một bảo tháp đúng là gồm phần đế (móng), bệ và thân tháp cao tầng, cũng như cách gắn ngói lá đề lên ngói ống xuất hiện đặc trưng và đồng nhất trên tất cả các kiến trúc Lý - Trần hiện khai quật được.

Thời Lê Sơ - Mạc - Lê Trung Hưng sửa

 
Tháp đá Báo Nghiêm, chùa Bút Tháp (thế kỷ XVII)

Kiến trúc thời Lê Sơ bị bó hẹp trong những quy tắc chặt chẽ do triều đình quy định phỏng theo các thể thức của Trung Hoa nhưng đồng thời chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo (lúc này đã chiếm vị trí tư tưởng độc tôn của Nhà nước) phải thanh liêm, cần kiệm nên ngay cả các kiến trúc của cung đình, lăng tẩm cũng rất giản dị với quy mô vừa phải. Di tích chùa tháp và điêu khắc Phật giáo thời Lê Sơ vốn đã không phát triển do Phật giáo mất vị trí chủ đạo trong đời sống xã hội nên đến nay gần như không còn lại gì. Các tháp chùa thời Lê Sơ tồn tại đến nay chỉ là các tháp mộ rải rác ở các chùa, trong đó nổi bật là: Tháp Huệ Quang chứa xá lị Trần Nhân Tông với bức tượng cao 62 cm có hoa văn chuyển tiếp từ phong cách Trần sang phong cách Lê ở chùa Hoa Yên.[35]

Sang thời Mạc, dù Nho giáo vẫn chiếm vị trí chính thống trong dòng tư tưởng triều đình với hàng loạt các khoa thi Tiến sĩ được tổ chức, thì Phật giáo thay vì phát triển phát triển tư tưởng lại chỉ trở thành một cứu cánh về tinh thần, niềm tin đơn thuần cho con người. Nho giáo và chế độ phong kiến trung ương tập quyền đã thể hiện sự bất lực trong giải quyết các cuộc khủng hoảng của xã hội cũng như mâu thuẫn giai cấp nông dân - địa chủ bắt đầu xuất hiện. Đây là thời điểm hình thành các thiết chế làng xã và các ngôi chùa gắn liền với cộng đồng làng xã. Do chiến tranh liên miên với tập đoàn Lê-Trịnh và việc Chúa Trịnh cho phá Dương Kinh nên các di sản kiến trúc của nhà Mạc để lại cũng không còn nhiều, tuy nhiên với nhiều công trình ở làng xã có khắc niên hiệu của nhà Mạc trên cấu kiện kiến trúc đã giúp các nhà nghiên cứu định hình phong cách nghệ thuật Việt Nam thời Mạc.[36]

Bắt đầu từ thời Mạc xuất hiện phong trào hoàng thân quốc thích, quý tộc bỏ tiền của, công sức ra tôn tạo một ngôi chùa nhất định ở làng xã. Những cá nhân này thường được ghi lại tên tuổi trong văn bia và được tạc tượng thờ trong chùa. Nhiều người trong số đó có tháp mộ ở lại chùa như tháp mộ bà chúa Mạc ở chùa Phổ Minh.[37]

Thời Lê Trung Hưng là giai đoạn kiến trúc cổ Việt Nam đạt đến đỉnh cao hoàn thiện nhất về thẩm mỹ cũng như quy thức, đặc biệt là kiến trúc Phật giáo. Việc các ngôi chùa được các cá nhân thuộc giới quý tộc bảo trợ đã trở thành phong trào phổ biến. Đặc biệt là các nữ quý tộc mà đa phần là cung phi của vua Lê, chúa Trịnh. Tuy vậy, ngôi chùa vẫn thuộc về làng xã, địa phương chứ không có quy mô như "chùa của quốc gia" (quốc tự) ở các triều đại trước.[38][39]

Ngôi chùa Đàng Ngoài thời Lê Trung Hưng đã thống nhất về quy thức kiến trúc, chùa được xây trên mặt bằng hình chữ nhật, từ ngoài vào là 9 khối kiến trúc nằm ngang xen lẫn với vườn cây và hồ nước, lần lượt gồm: tam quan, gác chuông, tiền đường, thượng điện, Tích Thiện am, nhà chung, phủ thờ, hậu đường và tháp mộ. Như vậy kiến trúc tháp thời kỳ này chủ yếu tồn tại ở dạng tháp mộ, nằm ở sau cùng khuôn viên chùa. Đặc biệt, tháp thời kỳ này có một thành phần kiến trúc với kết cấu và bố cục hoàn chỉnh là Cửu Phẩm Liên Hoa.[40]

Đàng Trong, các chúa Nguyễn đều sùng Phật. Nhiều chùa chiền đã được xây dựng dưới thời các chúa Nguyễn. Ngay từ lúc mới vào trấn thủ đất Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê (nay là phường Hương Long, Huế) năm 1601 và một loạt các chùa Sùng Hóa (Chiêm Ân, Phú Vang), chùa Bửu Châu (Trà Kiệu, Quảng Nam), chùa Kính Thiên (Thuận Trạch, Quảng Bình), chùa Long Hưng (dinh Quảng Nam). Sau đó liên tục trong các thế kỷ XVII, XVIII, chùa chiền đã mọc lên khắp xứ Đàng Trong, lan rộng cho đến lưu vực sông Cửu Long. Tuy nhiên các ngôi chùa cổ giai đoạn này đến nay đã đổ nát hoặc đã trùng tu qua nhiều đời, không còn lại dấu vết gì của hình dáng nguyên bản.[41]

Thời Tây Sơn - Nguyễn sửa

 
Tháp ở chùa Thiên Mụ

Khi nhà Tây Sơn được thành lập, Phật giáo tiếp tục phát triển, không hề bị cản trở. Một số chùa lớn được xây dựng như chùa Kim Liên, chùa Tây Phương nhưng kiến trúc tháp thì không được xây dựng, chủ yếu là các tháp mộ.[7]

Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, tạo ra một chế độ trung ương tập quyền tôn sùng Nho giáo ở mức cực đoan nhất trong lịch sử trung đại Việt Nam. Sự thăng trầm của Phật giáo Việt Nam thời kì này phụ thuộc vào thái độ rất khác nhau của các mỗi vị vua triều Nguyễn. Năm 1804, Vua Gia Long nhận sách phong của nhà Thanh tại Thăng Long, sau khi xem xét tình hình dân chúng đã xuống chiếu "Định điều lệ hương đảng cho các xã dân ở Bắc Hà", trong đó có đoạn:

Dưới thời vua Minh Mạng (1820-1840) và Thiệu Trị (1841-1847) thì chính sách đối với Phật giáo lại đổi khác. Minh Mạng muốn ủng hộ Phật giáo một cách không chính thức. Ông cho dựng lại chùa Thánh Duyên năm 1826, đến thăm và đề thơ ở đây, nhưng lại nói: "Trẫm đối với đạo Phật, cái ý không khen không chê, đã biểu hiện ở bài thơ này vậy". Vua Thiệu Trị thì tích cực trong việc xây dựng chùa tháp, tô tượng, đúc chuông. Năm 1844, ông đã cho xây tháp Từ Nhân (sau đổi tên là Phước Duyên) cao 7 tầng ở chùa Thiên Mụ và cho dựng chùa Diệu Đế (gọi là "quốc tự"). Vua Tự Đức (1848-1883) lên ngôi, lại quay về những lệnh cấm đối với Phật giáo như thời Gia Long.[43] .

Chùa chiền ở miền Bắc dưới thời Nguyễn không còn được xây dựng ồ ạt như trước, nhưng việc trùng tu vẫn diễn ra liên tục, đến nỗi gần như không có ngôi chùa nào là không có dấu vết của kiến trúc - điêu khắc thời Nguyễn.[43] Các tháp cao còn lại không nhiều. Tại Thăng Long có tháp Diệu Quang cao 10 tầng tại chùa Liên Phái được dựng năm 1890, là tháp cổ cao tầng duy nhất còn lại trong nội thành Hà Nội ngày nay.[44]

Từ sau năm 1945 sửa

Sau khi nhà Nguyễn và hệ thống chính quyền phong kiến ở Việt Nam kết thúc, kiến trúc chùa Việt Nam trở nên đa dạng với nhiều hình thức biểu đạt mới cùng với những phương pháp xây dựng hiện đại cho phép các công trình tháp có kết cấu phức tạp và kích thước lớn hơn rất nhiều. Tại miền Nam bắt đầu xuất hiện nhiều kiến trúc tháp phong cách miền Bắc được các kiến trúc sư thiết kế theo ngôn ngữ kiến trúc hiện đại như tháp Việt Nam Quốc Tự (1964-1993) của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ[45], tháp Quán Thế Âm chùa Vĩnh Nghiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) (1971) của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng[46]...

Sau thời kỳ Đổi mới, kinh tế Việt Nam phát triển mạnh cùng với nhu cầu tín ngưỡng - tâm linh của người dân phát triển đã tạo điều kiện cho việc xây dựng tháp mới diễn ra ở khắp mọi địa phương tại Việt Nam với các công trình mang đủ mọi phong cách kiến trúc, kiểu cách trang trí. Tháp xây mới có thể mô phỏng các thể thức cổ của Việt Nam như: tháp đá chùa Vĩnh Nghiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) (2004) là tháp đá đầu tiên ở khu vực Nam bộ, cũng là ngôi tháp đá lớn, cao nhất Việt Nam tại thời điểm hoàn thành[47], tháp đá chùa Kim Sơn Bảo Thắng (2018) do kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính thiết kế dựa theo tháp Phổ Minh[48][49], hoặc có thể vay mượn kiến trúc của các nước khác như kiến trúc tháp kiểu Nhật Bản tại chùa Minh Thành (Gia Lai)[50], tháp kiểu Trung Hoa ở chùa Bái Đính. Ngày càng nhiều công trình tháp tại Việt Nam có quy mô khổng lồ, như tháp chùa Bái Đính cao nhất châu Á.[51]

Cửu Phẩm Liên Hoa sửa

 
Đài Cửu Phẩm Liên Hoa đặt trong Nhà Phẩm tại Chùa Đồng Ngọ (Tiền Tiến, Hải Dương)

Đài Cửu Phẩm Liên Hoa là một tác phẩm nghệ thuật Phật giáo đặc biệt, thể hiện một cách sống động sự dung thông, tịnh hành ba yếu tố Thiền – Tịnh – Mật trong hành trình truyền giáo của các Thiền sư phái Trúc Lâm, Trúc LâmLâm Tế, đáp ứng nhu cầu học Phật của tôn giáo và xã hội Việt Nam thời phong kiến[54].

Đài “Cửu phẩm liên hoa” là một hình thức tháp độc đáo, thể hiện cách diễn giải riêng của các nhà sư Việt Nam về giáo lý của Đạo Phật. Đài làm dưới dạng “Tháp xoay”, tháp xoay chính là một biến cách của chuông pháp luân ở Tây Tạng. Cửu Phẩm Liên Hoa vốn có nguồn gốc sâu xa từ các nghi lễ vừa hành lễ, vừa cầu kinh vừa quay một vật gì đó như con lắc, quả chuông, tòa tháp làm cho lời kinh được phát tán vào trời đất, trong đó ý nghĩa chính là cầu cho thế giới được hòa bình, con người được hạnh phúc. Tuy nhiên dạng thức Cửu Phẩm Liên Hoa được hình tượng hóa lên từ kinh sách Tịnh Độ tông trong nghệ thuật kiến trúc, dường như lại chỉ tìm thấy trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam. Hiện nay tại Việt Nam chỉ còn lại ba tháp Cửu phẩm liên hoa tương đối nguyên vẹn, đều có niên đại khoảng thế kỉ VXVII:

  • Cửu Phẩm Liên Hoa Chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)
  • Cửu Phẩm Liên Hoa Chùa Động Ngọ (thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) (bảo vật quốc gia)
  • Cửu Phẩm Liên Hoa Chùa Giám (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) (bảo vật quốc gia)

Nguồn gốc sửa

Phật quang đại từ điển định nghĩa[55]:

Cửu phẩm liên hoa đài (chữ Hán:九品蓮花臺): chín bậc đài sen. Đài sen của những người tu theo Cửu phẩm vãng sinh. Gọi tắt là Cửu liên. Người tu niệm Phật cầu vãng sinh, lúc sắp chết được thánh chúng đem đài sen đến đón… Cửu phẩm vãng sinh… gồm Thượng phẩm thượng sinh, thượng phẩm trung sinh, thượng phẩm hạ sinh, trung phẩm thượng sinh, trung phẩm trung sinh, trung phẩm hạ sinh, hạ phẩm thượng sinh, hạ phẩm trung sinh, hạ phẩm hạ sinh... Cứ theo kinh Quán vô lượng thọ, những người cầu nguyện vãng sinh tùy theo căn cơ và hạnh nghiệp hơn kém mà chia làm chín bậc. Do đó cõi Tịnh độ cực lạc cũng chia làm chín bậc khác nhau. Ngoài ra Mật giáo cũng có thuyết chín phẩm riêng... Cửu phẩm vãng sinh kinh, 1 quyển, Bất Không dịch vào đời Đường. Gọi đủ là Cửu phẩm vãng sinh a di đà tam ma địa tập đà la ni kinh.

Có thể thấy, đài “Cửu phẩm liên hoa” tuy xuất phát từ Tịnh độ tông nhưng yếu tố Mật thuộc Mật tông và Thiền thể hiện khá rõ ràng. Bởi Quán vô lượng thọ là một trong ba bộ kinh cơ bản của Tịnh độ tông, nhưng “Quán” chính là "Chỉ" – "Quán" trong Thiền pháp vốn có của Phật giáo. Và như vậy là Thiền – Tịnh dung thông. Còn Cửu phẩm vãng sinh a di đà tam ma địa tập đà la ni kinh chính là kinh thể hiện đầy đủ nhất cho sự dung thông ba yếu tố Thiền – Tịnh – Mật. Tên kinh “Cửu phẩm vãng sinh a di đà” thuộc Tịnh độ tông, “Tam ma địa tập” chính là cách gọi khác của Tam muội – Chính định thuộc Thiền, “Đà la ni” là một trong những cách gọi tiêu biểu của Mật tông[54].

Ý nghĩa sửa

Cửu phẩm liên hoa là biểu tượng tối cao của thế giới Cực Lạc, thế giới của cõi Niết Bàn, nơi có Phật A-di-đà thường trú. Cửu phẩm liên hoa gồm có tám mặt, biểu hiện cho tám hướng, chín tầng đài sen tượng trưng cho chín cấp trong thế giới Tịnh Độ. Thế giới của A-di-đà Phật là thế giới gắn với các kiếp đời đã qua cho nên tòa Cửu phẩm liên hoa còn gọi là Cửu phẩm vãng sinh. "Vãng sinh" là "sự qua lại sinh ra", theo quan niệm Phật giáo sống một ngày là chết một ngày, chết một ngày ở kiếp này là đang sinh ra một ngày ở kiếp khác[56].

Cửu phẩm vãng sinh chia làm ba bậc từ trên xuống: thượng phẩm vãng sinh, trung phẩm vãng sinh, hạ phẩm vãng sinh. Mỗi bậc lại chia làm ba bậc (thượng, trung, hạ) nữa. Theo nghiệp tu thiện ác mà chúng sinh được sinh ra ở các đài cao thấp khác nhau. Đài sen là nơi thường trụ của các linh hồn bất diệt, tự nhiên tự tại, không bị ràng buộc bởi tham, sân, si hay các quy luật vô thường.

Với những ý nghĩa như vậy, Phật giáo quan niệm rằng nếu vừa đi vừa đẩy tòa Cửu phẩm quay vừa niệm Nam mô A di đà Phật thì mỗi vòng quay tương ứng 3.542.400 câu niệm Phật, cứu như vậy đến lúc nào đó sẽ được lên cõi Niết-bàn. Cửu phẩm liên hoa là một kiến trúc kép giữa cây Phẩm chín tầng và tổng thể của tòa nhà chứa cây Phẩm đó (nhà Phẩm). Chức năng của tháp Cửu phẩm liên hoa là biểu dương Phật pháp và ca ngợi thế giới Niết Bàn, Cực Lạc - nơi đón rước những linh hồn thiện tâm, thiện đức đến vãng sinh sau khi sang thế giới bên kia, tránh rơi vào kiếp địa ngục luân hồi[56].

Lịch sử sửa

 
Tháp Cửu phẩm liên hoa chùa Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) xây năm 1927

Sách Việt nam Phật giáo sử luận cho biết Thiền sư Huyền Quang đã xây dựng hai đài “Cửu phẩm liên hoa”, một đặt ở chùa Tư Phúc (chùa Côn Sơn), một đặt ở chùa Ninh Phúc (chùa Bút Tháp)[57]:

"Ở chùa Tư Phúc… ông có xây một tòa tháp có thể xoay được, gọi là Cửu phẩm liên hoa… sách Bắc Ninh phong thổ tạp ký nói rằng Huyền Quang đã đi thăm nhiều chùa, trong đó có chùa Ninh Phúc ở Bút Tháp. Tại đây ông cũng đã dựng một đài Cửu phẩm liên hoa. Trong những ngày lễ lớn, tín đồ tới chùa tay xoay đài, miệng trì chú hay niệm Phật. Tháp xoay có chín tầng tám mặt, mỗi mặt của tầng dưới chạm nổi hình ảnh sự tích Phật, trong đó có hình ảnh thế giới Cực Lạc và Phật A Di Đà. Tòa Cửu phẩm tại chùa Côn Sơn chắc cũng tương tự”.

Sách Kiến tính thành Phật cho biết, từ năm 1684 đến năm 1693, Thiền sư Chân Nguyên đã cho dựng các đài cửu phẩm[58]:

“… dựng đài Cửu phẩm liên hoa tại chùa Quỳnh Lâm theo kiểu mẫu đài Cửu phẩm liên hoa của Thiền sư Huyền Quang ở chùa Ninh Phúc… ra sức tạo dựng đài Cửu phẩm liên hoa, qua chín năm thì hoàn thành ba đài ở ba nơi: đài chùa Quỳnh Lâm núi Tiên Du, đài chùa Hoa Yên núi Yên Tử, đài chùa Linh Ứng huyện Thanh Hà”.

Như vậy, hai đài Cửu phẩm liên hoa mà Thiền sư Huyền Quang tạo tác thật sự là tác phẩm nghệ thuật xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt. Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng làm ba đài cũng là kế thừa từ Thiền sư Huyền Quang.

Hiện nay sửa

Hiện nay tại Việt Nam chỉ còn lại ba tòa Cửu phẩm liên hoa làm bằng gỗ, đặt trong nhà phẩm, đều có niên đại vào thế kỉ XVII, là những tác phẩm nghệ thuật cổ cực kì giá trị nhưng đều đã xuống cấp và bị mất trộm nhiều bộ phận (chủ yếu là tượng gắn trên tòa phẩm):

  • Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp đã được công nhận là bảo vật quốc gia (2020), vẫn giữ được các mảng phù điêu chạm khắc và vẫn xoay được[59].
  • Cửu phẩm liên hoa chùa Đồng Ngọ đã được công nhận là bảo vật quốc gia (2016), hiện mất khá nhiều tượng cổ, không xoay được[60].
  • Cửu phẩm liên hoa chùa Giám đã được công nhận là bảo vật quốc gia (2015), hiện mất gần hết tượng cổ (còn 5 pho), vẫn xoay được nhưng nhà chùa hạn chế để bảo vệ[61].

Cũng có cửu phẩm liên hoa bằng đá và từng xoay được như tòa cửu phẩm ở Chùa Trung Sơn ở xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng, Hải Dương)[62] Ngoài ra có một số chùa dựng những tháp cửu phẩm liên hoa bằng gạch sau này như Chùa Cổ Lễ (1927), chùa Mía...

Sau khi tiến hành khai quật khảo cổ năm 2012 tại Chùa Côn Sơn và tìm được nền móng tòa Cửu phẩm liên hoa, Ban quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc quyết định phục dựng lại tòa Cửu phẩm. Tòa Cửu phẩm và nhà Phẩm mới đã hoàn thành vào năm 2017[56].

Xem thêm sửa

Chú thích sửa

  1. ^ a b Thích Phước Sơn (2010), “Tháp - ý nghĩa và công dụng”, Một số vấn đề giới luật, Nhà xuất bản Phương Đông, tr. 193-194, truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2020
  2. ^ a b Kiêm Đạt (2007), “Kiến trúc tháp Phật giáo Việt Nam”, Mỹ thuật Phật giáo, Tu Viện Quảng Đức, truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2020
  3. ^ Phan Cẩm Thượng, Tháp của Phật, Giác Ngộ Online, Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 8 năm 2020, truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2020 Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate=|access-date= (trợ giúp)
  4. ^ Cambridge Dictionary (2020), Mục từ "Buddhist", Cambridge University Press, truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2020
  5. ^ Nguyễn Quân - Phan Cẩm Thượng (1989), Mỹ thuật của người Việt, Nhà xuất bản Mỹ thuật, tr. 70
  6. ^ a b Vũ Tam Lang (1991), Kiến trúc cổ Việt Nam, Nhà xuất bản Xây dựng, tr. 53
  7. ^ a b c d Vũ Ngọc Anh (2015), Kiến trúc tháp trong ngôi chùa miền Bắc Việt Nam, Tạp chí Khoa học công nghệ Xây dựng số 26/11-2015: Trường Đại học Xây dựng, truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2020Quản lý CS1: địa điểm (liên kết)
  8. ^ .Lý Văn Phượng (李 文 鳳) (1540), Việt kiệu thư (越 嶠 書), Quyển hai, Thư viện Khoa học Xã hội: 1731/I, tr. 26a - b. Nguyên văn: 兵入 。除釋 道 經 板 經 文 不 燬。外 一 切 書 板 文 字以 至 俚 俗 童 蒙 所 習。如 上 大 人 丘 乙 已之 類 。片 紙 隻 字 悉皆 燬 之 。其 境 內 中國 所 立 碑 刻 則 存 之。但是 安 南 所 立 者 悉 壞之 。 一 字 不 存 (Binh nhập, trừ Thích, Đạo kinh bản kinh văn bất hủy. Ngoại nhất thiết thư bản văn tự dĩ chí lý tục đồng mông sở tập, như "Thượng đại nhân Khưu ất dĩ" chi loại, phiến chỉ chích tự tất giai hủy chi. Kỳ cảnh nội Trung Quốc sở lập bi khắc tắc tồn chi. Đãn thị An Nam sở lập giả tất hoại chi, nhất tự bất tồn)
  9. ^ Nguyễn Huệ Chi (2013), “Cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược Minh và văn học yêu nước thế kỷ XV cùng những bước nối tiếp về sau”, Văn học Cổ cận đại Việt Nam - Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, Chim Việt Cành Nam: Nhà xuất bản Giáo Dục, truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2020
  10. ^ Cư sĩ Quảng Tuệ (2007), Dâu - Keo nơi khỏi nguồn Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Khuông Việt, số 1 tháng 12 năm 2007, tr. 55, truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2020
  11. ^ Trinh Nguyễn (2014), Bảo vật quốc gia - Kỳ 14: Xá lợi tháp minh - văn bia cổ nhất, Báo điện tử Thanh Niên, truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2020
  12. ^ Lê Mạnh Thát (2006), “Phần II - Bản dịch Thiền uyển tập anh”, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam: Nhà xuất bản Phương Đông, truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2020
  13. ^ Bản trùng san khắc in năm Vĩnh Thịnh 11 (1715), Thiền uyển tập anh 禪苑集英, Đại học quốc gia Hà Nội: Thư viện số tài liệu nội sinh, truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2020
  14. ^ “Tra từ:bảo sát”, Từ điển Hán Nôm, Thi viện, truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2020
  15. ^ “Tra từ:刹”, Từ điển Hán Nôm, Thi viện, truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2020
  16. ^ Chương Phượng (2010), Những ngôi chùa thời Đinh ở Hoa L, Giác Ngộ Online, Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 1 năm 2011, truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2020
  17. ^ Nguyễn Quân - Phan Cẩm Thượng (1989), “Mỹ thuật thời Lý (1010-1225)”, Mỹ thuật của người Việt, Nhà xuất bản Mỹ thuật, tr. 63
  18. ^ Chu Minh Khôi, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam từ tháp đến thượng điện, Giác Ngộ Online, Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 5 năm 2010, truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2020 Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate=|access-date= (trợ giúp)
  19. ^ Nguyễn Quân - Phan Cẩm Thượng (1989), “Mỹ thuật thời Lý (1010-1225)”, Mỹ thuật của người Việt, Nhà xuất bản Mỹ thuật, tr. 64
  20. ^ Hoàng Vinh (2008), Về dự án: Phỏng dựng và quy hoạch tôn tạo tổng thể tháp Tường Long - chùa Vân Bản (thị xã Đồ Sơn - Hải Phòng), Bảo tàng lịch sử quốc gia, truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2020
  21. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn; Phạm Trọng Điềm dịch (2006), Đại Nam nhất thống chí, Tập 3, Viện Sử học: Nhà xuất bản Thuận Hóa, tr. 478
  22. ^ Trịnh Cao Tưởng (2007), Kiến trúc cổ Việt Nam từ cái nhìn khảo cổ học, Nhà xuất bản Xây dựng, tr. 6 - 14
  23. ^ Thành Trung (2017), Hải Phòng: Khánh thành Tháp Tường Long, Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Cổng thông tin Phật giáo, truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2020
  24. ^ Thích Thiện Nhơn (2017), Chùa tháp Tường Long xưa và nay, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 287, truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2020
  25. ^ a b Chu Minh (2013), Những báu vật nơi phế tích Chương Sơn, Báo Nông nghiệp Việt Nam, truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2020
  26. ^ Phạm Văn Thắm (2007), Khảo cứu đoạn văn ghi về Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh, Thông báo Hán Nôm học 2003: Viện Nghiên cứu Hán Nôm, truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2020Quản lý CS1: địa điểm (liên kết)
  27. ^ a b Nguyễn Văn Đoàn (2013), Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh thời Lý- Những dữ liệu để phục dựng, Bảo tàng lịch sử quốc gia, truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2020[liên kết hỏng]
  28. ^ Hà Văn Tấn - Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long (2013), “Chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử”, Chùa Việt Nam, Nhà xuất bản Thế Giới, tr. 26
  29. ^ Nguyễn Quân - Phan Cẩm Thượng (1989), “Mỹ thuật thời Trần (1226-1400) - Hồ (1400-1407)”, Mỹ thuật của người Việt, Nhà xuất bản Mỹ thuật, tr. 89
  30. ^ a b Nguyễn Quân - Phan Cẩm Thượng (1989), “Mỹ thuật thời Trần (1226-1400) - Hồ (1400-1407)”, Mỹ thuật của người Việt, Nhà xuất bản Mỹ thuật, tr. 91
  31. ^ Nguyễn Hồng Kiên (1983), Chùa Phổ Minh trong bước đi của ngôi chùa Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, số 4
  32. ^ a b Hồng Quân (2019), Tháp gốm men chùa Trò xứng đáng là bảo vật quốc gia, Trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch Vĩnh Phúc, truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2020[liên kết hỏng]
  33. ^ Thúy Hà, “Bảo vật quốc gia - Tháp gốm men chùa Trò”, Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, Cục Di sản văn hóa, Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 9 năm 2022, truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2020 Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate=|access-date= (trợ giúp)
  34. ^ Hồng Yến (2018), Tháp gốm men chùa Trò đã hội tụ đủ các yếu tố để được công nhận bảo vật quốc gia, Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2020
  35. ^ Nguyễn Quân - Phan Cẩm Thượng (1989), “Mỹ thuật thời Lê Sơ (1427-1525)”, Mỹ thuật của người Việt, Nhà xuất bản Mỹ thuật, tr. 135-136
  36. ^ Nguyễn Quân - Phan Cẩm Thượng (1989), “Mỹ thuật thời Mạc (1527-1592)”, Mỹ thuật của người Việt, Nhà xuất bản Mỹ thuật, tr. 154-155
  37. ^ Nguyễn Quân - Phan Cẩm Thượng (1991), “Chùa Làng”, Mỹ thuật ở làng, Nhà xuất bản Mỹ thuật, tr. 81
  38. ^ Nguyễn Quân - Phan Cẩm Thượng (1989), “Mỹ thuật Lê - Trịnh, thế kỷ 17”, Mỹ thuật của người Việt, Nhà xuất bản Mỹ thuật, tr. 166-167
  39. ^ Hà Văn Tấn - Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long (2013), “Chùa Việt Nam: Một cái nhìn chung”, Chùa Việt Nam, Nhà xuất bản Thế Giới, tr. 11
  40. ^ Nguyễn Quân - Phan Cẩm Thượng (1989), “Mỹ thuật Lê - Trịnh, thế kỷ 17”, Mỹ thuật của người Việt, Nhà xuất bản Mỹ thuật, tr. 183-184
  41. ^ Hà Văn Tấn - Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long (2013), “Chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử”, Chùa Việt Nam, Nhà xuất bản Thế Giới, tr. 42
  42. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam Thực Lục, Tập một, Nhà xuất bản Giáo dục: bản điện tử của Ban chấp hành họ Nguyễn Việt Nam, truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2020.
  43. ^ a b Hà Văn Tấn - Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long (2013), “Chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử”, Chùa Việt Nam, Nhà xuất bản Thế Giới, tr. 44
  44. ^ Uông Triều (2018), Liên Phái - Ngôi chùa linh thiêng mang sắc màu quý tộc giữa lòng Hà Nội, Báo An ninh Thủ đô, truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2020
  45. ^ Phúc Tiến (2018), Việt Nam Quốc Tự: Tháp xưa lưu dấu, Tạp chí Người Đô Thị Online, truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2020
  46. ^ Phạm Quốc Quân, Chùa Vĩnh Nghiêm, Tạp chí điện tử Thế giới Di sản, truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2020
  47. ^ Cù Mai Công (2004), Tháp đá Vĩnh Nghiêm, Báo Tuổi Trẻ Online, truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2020
  48. ^ Huyền Thanh (2018), Kim Sơn Bảo Thắng Tự - chốn linh thiêng ẩn giữa mây ngàn, Báo Pháp Luật Việt Nam, truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2020
  49. ^ “Khánh thành Đại tượng Phật A Di Đà lớn nhất Việt Nam trên đỉnh Fansipan”. Báo Lào Cai điện tử. 2018. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2020.
  50. ^ Công Đạt (2019), Kiến trúc độc đáo của chùa Minh Thành ở phố núi Pleiku, Báo ảnh Việt Nam, truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2020
  51. ^ Thái Bá (2017), Chiêm ngưỡng Bảo Tháp cao nhất châu Á ở Ninh Bình, Chuyên trang Du lịch - Báo Điện tử Dân trí, truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2020
  52. ^ “Bảo tháp chùa Trấn Quốc”. Báo Tuổi Trẻ Online. 2004. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2020.
  53. ^ Nguyễn Tý - Thoại Khanh (2014), Đền Tưởng niệm Bến Dược Củ Chi được xây dựng như thế nào?, Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2020
  54. ^ a b Mai Thị Thơm (2017), Thiền – Tịnh – Mật dung thông qua hình ảnh đài cửu phẩm Liên hoa của Phật giáo Trúc Lâm, Viện Trần Nhân Tông: Đại học Quốc gia Hà Nội, truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2020
  55. ^ Thích Quảng Độ dịch, Phật quang đại từ điển, Tập một, Hội Văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, tr. 1176 – 1181
  56. ^ a b c Ngô Thị Lượng (2016), Tôn tạo tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn, Ban quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc: Tạp chí Văn hóa Thể thao và Du lịch số 4 (115), truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2020
  57. ^ Nguyễn Lang (1994), Việt nam phật giáo sử luận, Tập một, Nhà xuất bản Văn học, tr. 433
  58. ^ Thích Thanh Từ (2014), Ban Văn hóa Thường Chiếu (biên tập), Việt nam phật giáo sử luận, Tập 6, Thanh từ toàn tập: Thiền tông Việt Nam, tr. 21, 405, 406
  59. ^ Tiến Thắng (2005), Về ngôi ”Cửu phẩm liên hoa” chùa Bút Tháp (PDF), Tạp chí Di sản Văn hóa số 2 (11), tr. 56, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 26 tháng 7 năm 2022, truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2020 Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate=|access-date= (trợ giúp)
  60. ^ Ngọc Hùng (2016), Độc đáo Cửu phẩm liên hoa chùa Động Ngọ, Báo điện tử Hải Dương, truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2020
  61. ^ Yến Anh (2019), Bí ẩn những bảo vật, di sản quốc gia, Báo điện tử Người lao động, truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2020
  62. ^ Việt Quỳnh (2020), Độc đáo Cửu phẩm liên hoa bằng đá, Báo Hải Dương, truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2020