Chân Nguyên (1647 - 1726), còn có pháp danh là Tuệ Đăng; là một thiền sư Việt Nam, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 36; và là người khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm đời TrầnĐàng Ngoài [1].

Thiền sư
chân nguyên
真原
Tháp Tịch Quang ở chùa Lân
Tên khai sinhNguyễn Nghiêm
Pháp danhTuệ Đăng (慧燈)
Pháp hiệuChân Nguyên (真原)
Hoạt động tôn giáo
Tôn giáoPhật giáo
Trường pháiBắc tông
Tông pháiTông Lâm Tế
Xuất gia1666
chùa Hoa Yên
Quảng Ninh
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinhNguyễn Nghiêm
Ngày sinh(1647-09-11)11 tháng 9, 1647
Nơi sinhlàng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương
Mất26 tháng 10, 1726(1726-10-26) (79 tuổi)
An nghỉchùa Quỳnh Lâm, chùa Lân
icon Cổng thông tin Phật giáo

Thân thế và đạo nghiệp

sửa

Sư là người họ Nguyễn tên Nghiêm, tên chữ là Đình Lân, sinh ngày 11 tháng 9 năm Đinh Hợi (1647) ở tại làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Không rõ cha của sư là ai, chỉ biết mẹ của sư là một người họ Phạm [2].

Lớn lên, sư theo học với cậu là một Giám sinh (học sinh trường Quốc Tử Giám). Sư rất thông minh, hạ bút là thành văn. Năm 16 tuổi, sư đọc quyển Tam Tổ Thực Lục, đến Tổ thứ ba là Huyền Quang liền tỉnh ngộ nói: "Cổ nhân ngày xưa dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, huống ta là một chú học trò", rồi phát nguyện đi tu [3].

Năm 19 tuổi, sư lên chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử (Quảng Ninh), xin xuất gia với Thiền sư Tuệ Nguyệt (Chân Trú), và được đặt pháp danh là Tuệ Đăng.

Ít lâu sau, Thiền sư Tuệ Nguyệt viên tịch. Sư cùng bạn đồng tu là Như Niệm phát nguyện tu hạnh đầu đà[4], rồi đi du phương để tham vấn Phật pháp. Thời gian sau, Như Niệm đổi ý trở về trụ trì chùa Cô Tiên (Thanh Hóa). Còn sư thì đi đến chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương (Bắc Ninh)[5] xin tham học với Thiền sư Minh Lương (? - ?, thuộc phái Lâm Tế, đời thứ 35)[6], và được đặt pháp danh là Chân Nguyên.

Sau khi được tâm ấn, sư thọ giới Tỳ-kheo (Tỉ-khâu). Một năm sau, sư lập đàn thỉnh ba đức Phật (Thích-ca, A-di-đà, Di-lặc) chứng đàn, thọ giới Bồ-tát và đốt hai ngón tay nguyện hành hạnh Bồ-tát. Về sau, sư được truyền thừa y bát của thiền phái Trúc Lâm, làm Trụ trì chùa Long Động (tức chùa Lân, nay là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử) và chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh), là hai ngôi chùa lớn của phái.

Năm 1684, sư dựng đài Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Quỳnh Lâm theo kiểu mẫu đài Cửu Phẩm Liên Hoa mà Thiền sư Huyền Quang đã dựng trước kia ở chùa Ninh Phúc (còn gọi là chùa Bút Tháp) ở Bắc Ninh.

Năm 1692, lúc 46 tuổi, sư được vua Lê Hy Tông triệu vào cung để tham vấn Phật pháp. Vua khâm phục tài đức sư, ban cho sư hiệu Vô Thượng Công (無上公) và cúng dàng áo ca-sa cùng những pháp khí để thờ tự [7].

Năm 1722, lúc 76 tuổi, sư được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống và ban hiệu là Chính Giác Hòa Thượng (正覺和尚) [7].

Đến năm 1726, sư triệu tập đệ tử dặn dò và nói kệ truyền pháp như sau:

Phiên âm Hán-Việt:
Hiển hách phân minh thập nhị thì,
Thử chi tự tánh nhậm thi vi.
Lục căn vận dụng chân thường kiến,
Vạn pháp tung hoành chánh biến tri.
Dịch:
Bày hiện rõ ràng được suốt ngày,
Đây là tự tánh mặc phô bày.
Chân thường ứng dụng sáu căn thấy,
Muôn pháp dọc ngang giác ngộ ngay [8]

Nói kệ xong, sư bảo chúng: "Ta đã 80 tuổi, sắp về cõi Phật". Đến tháng 10 năm ấy, sư nhuốm bệnh, đến sáng ngày 28 viên tịch, thọ 80 tuổi (tính theo tuổi ta). Môn đồ làm lễ hỏa táng thu di cốt (tín đồ gọi là xá lợi) chia thờ hai tháp ở chùa Quỳnh Lâm và chùa Lân (Long Động).

Thiền sư Chân Nguyên đã đào tạo được nhiều đệ tử ưu tú như Như Hiện, Như Sơn, Như Trừng...

Tác phẩm

sửa

Theo nhà Phật học Lê Mạnh Thát, thì Thiền sư Chân Nguyên có đến 11 tác phẩm (trong số đó có những cuốn chưa thật chắc chắn):

  • Tôn sư pháp sách đăng đàn thọ giới
  • Nghênh sư duyệt định khoa
  • Long thư Tịnh độ văn tự
  • Long thư Tịnh độ luận, bạt, hậu tự
  • Tịnh độ yếu nghĩa[9]
  • Ngộ đạo nhân duyên
  • Thiền tịch phú
  • Thiền tông bản hạnh [10].
  • Nam Hải Quan Âm bản hạnh
  • Đạt Na thái tử hành
  • Hồng mông Hành[11].

Sách tham khảo

sửa
  • Nguyễn Lang (tức Thiền sư Thích Nhất Hạnh), Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 2). Nhà xuất bản Văn Học, 1992.
  • Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1992.
  • Thích Tâm Tuệ, Lược sử Phật giáo Việt Nam. Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1993.
  • Nhiều người soạn (Nguyễn Tài Thư làm chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1991.

Chú thích

sửa
  1. ^ Nguồn: Thiền sư Việt Nam (tr.406), Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 2, tr. 122), Lược sử Phật giáo Việt Nam (tr. 416). Đọc đoạn trích từ sách: CHÂN NGUYÊN, NGƯỜI CÓ CÔNG PHỤC HƯNG MÔN PHÁI TRÚC LÂM[liên kết hỏng]
  2. ^ Sách Thiền sư Việt Nam kể: "Một hôm, mẹ Sư nằm mộng thấy cụ già cho một hoa sen, sực tỉnh dậy, từ đây biết có mang" (tr. 401).
  3. ^ Theo Thiền sư Việt Nam, tr. 401.
  4. ^ Hạnh đầu đà tức là ăn cũng không ăn ngon, mặc cũng không mặc đẹp, ở cũng không ở chỗ tốt, tự mình phải kham khổ, nhẫn chịu lao nhọc, không được sợ khó. Nguồn: Theo bài viết của Hòa thượng Tuyên Hóa [1].
  5. ^ Chùa Vĩnh Phúc tọa lạc thôn Đoàn Kết, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Đời nhà Lê, chùa thuộc thôn thượng làng Phù Lãng, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, Kinh Bắc. Chùa nằm trên dãy núi Côn Cương mà các thư tịch thường viết "Côn Cương sơn đảnh Vĩnh Phúc thiền tự". Chùa ra đời khi nào không biết, ngay trong văn bia đời Lê cũng chưa có một cứ liệu rõ ràng. Nguồn: Tập san Pháp luân, số 59 [2][liên kết hỏng].
  6. ^ Thiền sư Minh Lương (? - ?, người Bắc Ninh) là học trò của Thiền sư Chuyết Chuyết (1590-1644), là người Phúc Kiến (Trung Quốc), thuộc thế hệ thứ 34 dòng Lâm Tế. Hai vị đệ tử xuất sắc nhất của Sư là Thiền sư Minh Hành (1596-1659) và Thiền sư Minh Lương; Minh Hành là người Giang Tây (Trung Quốc).
  7. ^ a b Theo Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 2), tr. 121.
  8. ^ Nguồn: Thiền sư Việt Nam (tr.405). Về tư tưởng thiền của Chân Nguyên, xem Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 2, tr. 126-135). Bản điện tử tại đây: TƯỞNG THIỀN CỦA CHÂN NGUYÊN Lưu trữ 2012-11-14 tại Wayback Machine.
  9. ^ Theo nhà Phật học Lê Mạnh Thát, thì mặc dù pháp môn Tịnh độ đã được nhà sư Giới Chân, vua Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông...nói đến, nhưng phải đợi đến thế kỷ 17 với Thiền sư Chân Nguyên thì mới có một tác phẩm đặc biệt dành riêng cho Tịnh độ tông, đó là tác phẩm Tịnh Độ Yếu Nghĩa. Đây được xem như một tác phẩm lý luận của Phật giáo Việt Nam (Chân Nguyên thiền sư toàn tập, tập 1, Tu thư Vạn Hạnh xuất bản, 1980).
  10. ^ Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thì Thiền sư Chân Nguyên đã khuyến khích môn đồ gắng sức phục hưng các tác phẩm Phật giáo thời Lý Trần. Ngoài việc trước tác sách Thiền Tông Bản Hạnh, Sư còn tổ chức trùng khắc sách Thánh Đăng Lục. Nguồn: Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 2), tr. 138.
  11. ^ Ghi theo GS. Nguyễn Huệ Chi, in trong Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 2, tr. 123) của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Liên kết ngoài

sửa