Chiến tranh Trăm Năm
Chiến tranh Trăm Năm là cuộc chiến tranh giữa Anh và Pháp kéo dài từ năm 1337 đến năm 1453 nhằm giành giật lãnh thổ và ngôi vua Pháp. Hai phe chính tham gia vào cuộc chiến là hoàng tộc Valois (vua Pháp) và hoàng tộc Plantagenet (vua Anh). Hoàng tộc Plantagenet làm vua ở Anh từ thế kỷ 12 và có gốc gác từ các vùng của Pháp như Anjou và Normandy. Chiến tranh nổ ra xoay quanh chuyện nhà Valois tuyên bố mình là vua của nước Pháp, còn nhà Plantagenet lại đòi hỏi ngôi vua của cả nước Pháp và nước Anh.
Chiến tranh Trăm Năm | |||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Một phần của Chiến tranh Anh-Pháp | |||||||||
Trên xuống theo chiều kim đồng hồ: Trận Crécy của Josef Mathauser, Trận La Rochelle của Jean Froissart, Trận Agincourt của John Gilbert, Cuộc vây hãm Orléans của Jules Eugène Lenepveu. | |||||||||
| |||||||||
Tham chiến | |||||||||
|
| ||||||||
Chỉ huy và lãnh đạo | |||||||||
|
|
Cuộc chiến tranh chia làm bốn giai đoạn Chiến tranh thời Edward (1337-1360), Chiến tranh thời Charles (1369-1389), Chiến tranh thời nhà Lancaster (1415-1429), và sau đó là sự suy tàn dần của Anh sau khi xuất hiện của nữ anh hùng Jeanne d'Arc. Thuật ngữ "Chiến tranh Trăm Năm" là thuật ngữ được các nhà sử học đặt ra để mô tả theo chuỗi sự kiện.
Chiến tranh Trăm Năm là sự kiện lịch sử rất quan trọng. Mặc dù là cuộc xung đột giữa các triều đại nhưng cuộc chiến tranh đã thúc đẩy những ý tưởng đầu tiên về ý thức dân tộc của cả hai nước Pháp và Anh. Cuộc chiến cũng đã dẫn tới nhiều sự thay đổi về mặt chính trị và kinh tế của cả hai nước. Về mặt quân sự, nó được xem là cuộc chiến tranh đã đưa vào sử dụng các loại vũ khí và các chiến thuật mới thay thế cho các loại đã lỗi thời của quân đội phong kiến thống trị bởi kỵ binh hạng nặng. Vì tính chất quan trọng cũng như thời gian dài của chiến tranh, Chiến tranh Trăm Năm thường được xem là một trong những cuộc chiến tranh quan trọng nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh thời Trung cổ.
Nguồn gốc chiến tranh
sửaNguồn gốc mâu thuẫn bắt đầu từ 400 năm trước khi cuộc chiến nổ ra. Năm 911, Charles III của Pháp của nhà Caroling cho phép những người Viking định cư ở một vùng đất thuộc vương quốc của ông (vùng đất sau này được gọi là Normandy). Năm 1066, những người Norman do công tước William xứ Normandy (còn gọi là William the Conqueror - William kẻ chinh phạt) chỉ huy đã chinh phục nước Anh, đánh bại những người Anglo-Saxon trong trận Hastings và xây dựng một hệ thống quyền lực Anh-Norman mới tại Anh. William lên ngôi vua, tức William I của Anh. Sự kiện này bắt đầu mối bất hòa giữa hai nước Anh và Pháp, vì William giờ đã là vua Anh nhưng trên danh nghĩa vẫn là công tước Normandy, nghĩa là vẫn phải xưng thần với vua Pháp. Người Anh tất nhiên không hài lòng vì vua của mình phải ở địa vị thấp hơn vua của một nước ngang tầm, còn người Pháp lại lo sợ rằng thông qua Normandy, thế lực của người Anh sẽ xâm nhập vào Pháp.
Trong thời kỳ nội chiến và hỗn loạn ở Anh giai đoạn 1135-1154, triều đình của người Anh-Norman đã bị thay thế bởi những vương công xứ Anjou (sau khi họ lên ngôi vua nước Anh thì thường gọi là hoàng tộc Plantagenet). Ở đỉnh cao quyền lực, thế lực của họ bành trướng vào nước Pháp, những người Plantagenet kiểm soát xứ Normandy và nước Anh, cộng thêm các vùng Maine, Anjou, Touraine, Gascogne, Saintonge và Aquitaine. Do kiểm soát một lãnh địa rộng lớn như vậy nên triều đình này đôi khi còn được nhắc tới với tên gọi Đế chế Angevin. Vua nước Anh về danh nghĩa là chư hầu của vua Pháp, nhưng lại kiểm soát nhiều đất đai hơn chính vua Pháp. Tình trạng này dẫn đến mâu thuẫn kéo dài sau đó. Người Pháp đã giải quyết mâu thuẫn này bằng ba cuộc chiến có ý nghĩa quyết định: Cuộc chinh phục Normandy (1214), Chiến tranh Saintonge (1242) và Chiến tranh Saint Sardos (1324). Các cuộc chiến này khiến người Anh mất nhiều lãnh địa ở châu Âu. Họ mất hoàn toàn xứ Normandy và chỉ còn giữ lại một số tỉnh tại vùng Gascogne (tiếng Anh: Gascony). Vào đầu thế kỷ 14, nhiều quý tộc Anh vẫn "mơ tưởng về một thời kỳ huy hoàng trong quá khứ", khi cha ông họ nắm giữ nhiều vùng đất trù phú ở Pháp. Họ bắt đầu vận động cho cuộc chiến giành lại những vùng đất giàu có như Normandy và cho rằng chúng xứng đáng thuộc về họ. Trong khi đó trên danh nghĩa nước Anh vẫn là một chư hầu của nước Pháp. Cho đến nửa sau thế kỷ 14, tiếng Pháp vẫn là tiếng nói chính thức trong giới quý tộc ở Anh.
Tranh chấp kế thừa: 1314-1328
sửaTại Pháp, dòng họ nhà Capet (tiếng Pháp: Les Capétiens) đã cai trị theo hình thức cha truyền con nối từ năm 987 và là dòng họ cai trị lâu đời nhất ở châu Âu trung cổ. Năm 1314, vua Philippe IV của Pháp băng hà, để lại ba người kế vị: Louis X, Philippe V và Charles IV. Con trai lớn nhất của ông, Louis X, qua đời năm 1316, để lại đứa con còn trong bụng mẹ: Jean I. Jean I chết gần như ngay sau khi sinh, còn con gái của Louis X, Jeanne II xứ Navarre, lại bị đặt nghi vấn về huyết thống. Philippe IV còn một người con gái tên là Isabelle. Bà này kết hôn với vua Edward II của Anh.
Để giữ được ngai vàng, Philippe V, con trai thứ hai của Philippe IV và chú của Jeanne, tung tin đồn rằng Jeanne không phải là con của Louis X. Cùng với truyền thống trước kia là phụ nữ không được phép thừa kế ngai vàng, Philippe V trở thành vua nước Pháp. Tuy nhiên, khi Philippe V chết vào năm 1322, tới lượt các con gái của ông cũng bị gạt qua một bên. Ngai vàng lọt vào tay con trai thứ ba của Philippe IV là Charles IV.
Năm 1324, Charles IV và Edward II của Anh chạm trán trong một cuộc chiến tranh ngắn ngủi, Chiến tranh Saint Sardos ở Gascogne. Sự kiện quan trọng nhất của cuộc chiến là cuộc vây hãm các pháo đài của Anh ở La Réole, trên bờ sông Garonne. Quân Anh, do Edmund xứ Woodstock, Bá tước xứ Kent, chỉ huy, buộc phải đầu hàng sau một tháng bị quân Pháp vây hãm, còn quân tiếp viện thì không đến được. Cuộc chiến là một thất bại toàn diện với quân Anh, họ chỉ còn giữ lại được Bordeaux và một dãy đất hẹp ở vùng ven biển.
Việc giành lại những vùng đất đã mất đó trở thành mục tiêu số một của chính sách đối ngoại Anh sau này. Thất bại trong cuộc chiến cũng khiến Edward II mất uy tín nghiêm trọng với giới quý tộc và ông bị ám sát năm 1327. Con trai ông, Edward III, kế vị cha. Charles IV của Pháp băng hà năm 1328, để lại một con gái và một đứa con nữa còn trong bụng mẹ (chưa rõ giới tính). Đứa trẻ đó ra đời và cũng là con gái nốt nên tất nhiên không được lên ngôi. Đến đây triều đại nhà Capet kết thúc, đẩy nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng thừa kế.
Quan hệ Anh – Pháp phức tạp ở chỗ con gái của Philip IV của Pháp, Isabelle, lại là vợ của Edward II của Anh. Sau khi Edward II chết, Isabelle nắm quyền nhiếp chính ở Anh cho con là Edward III. Edward III là vua của nước Anh và đồng thời, theo luật thừa kế, là người họ hàng gần nhất với vua Charles IV của Pháp vừa băng hà (là cháu trai gọi Charles IV bằng ông), thế nên cũng được xem là người thừa kế hợp pháp của ngai vàng nước Pháp.
Tất nhiên là giới quý tộc Pháp khó lòng chấp nhận điều đó. Họ viện dẫn luật Salic và khẳng định rằng do ngai vàng không thể do một phụ nữ thừa kế nên con cái của người phụ nữ đó cũng không được thừa kế ngai vàng. Vậy là người Pháp quyết định trao ngai vàng cho người nam giới lớn tuổi nhất thuộc dòng họ nhà Capet lúc bấy giờ, Philippe xứ Valois, người đầu tiên của dòng họ nhà Valois, một chi của dòng họ Capet.
Jeanne II xứ Navarre, con gái của Louis X, cũng có cơ sở để đòi quyền thừa kế, nhưng không có thực lực để làm điều đó. Để đổi lấy việc được thừa kế xứ Navarra, Jeanne và chồng, Philippe xứ Evreux, phải thừa nhận Philippe xứ Valois là vua Philippe VI của Pháp đồng thời nhường cho Philippe VI những lãnh địa Champagne và Brie. Năm 1332, con trai của Jeanne và Philippe Evreux, Charles II xứ Navarre, ra đời và trở thành người thừa kế gần nhất của Philippe IV theo cách tính ưu tiên cho dòng trưởng (cháu trai gọi Philippe IV bằng cụ nội trong khi Edward III của Anh chỉ là cháu gọi Philippe IV bằng ông ngoại). Mặc dù vậy, trong hai thế kỷ sau đó thì nhánh Navarre này không giành được ngôi vua, cho tới khi một hậu duệ của họ là Henry IV của Pháp trở thành vị vua Pháp đầu tiên của dòng Bourbon.
Căng thẳng gia tăng
sửaSau khi Philippe VI lên ngôi vua nước Pháp, người Anh vẫn kiểm soát xứ Gascogne, một vùng đất giàu có nhờ các sản vật quan trọng như muối ăn và rượu vang. Gascogne trở thành lãnh địa tranh chấp của cả hai phía Anh và Pháp. Tuy nhiên, năm 1331, do phải đối mặt với những vấn đề quốc nội, Edward III từ bỏ quyền thừa kế ngai vàng nước Pháp, thừa nhận Philippe là vua nước Pháp để đổi lấy việc được giữ vùng Gascogne.
Năm 1333, Edward III tấn công David II của Scotland, một đồng minh của Pháp trong liên minh Auld, cuộc Chiến tranh giành độc lập lần thứ hai của Scotland bắt đầu. Philippe VI muốn nhân cơ hội này để đánh chiếm vùng Gascogne. Tuy nhiên, cuộc chiến kết thúc nhanh hơn dự tính của người Pháp khi Edward III và Edward Balliol đánh bại David II trong trận Halidon Hill vào tháng 7 năm 1333. David II phải lưu vong sang Pháp; năm 1336 Philippe VI bắt đầu vạch kế hoạch phục hồi ngôi vị cho David II và đánh chiếm vùng Gascogne.
Giai đoạn chiến tranh thứ nhất với thắng lợi của quân Anh: 1337-1360
sửaTình hình bắt đầu trở nên căng thẳng khi các tàu chiến của Pháp tuần tiễu bên ngoài các khu dân cư ven bờ eo biển Anh. Năm 1337, Philippe VI tuyên bố các điền địa ở xứ Gascogne là thuộc sở hữu nước Pháp. Edward III đáp trả bằng tuyên bố rằng ông mới là người thừa kế hợp pháp của ngai vàng nước Pháp. Những đụng độ quân sự lẻ tẻ bắt đầu nổ ra ở vùng duyên hải của Anh và Pháp. Tháng 12 năm 1338, quân Pháp tấn công Gascogne, chiến tranh chính thức bắt đầu.
Khi cuộc chiến bắt đầu, dân số Pháp vào khoảng 17 triệu người, trong khi dân số Anh chỉ vào khoảng 4 triệu. Pháp cũng được coi là có ưu thế hơn về kỹ chiến thuật quân sự. Trong những năm đầu tiên, Edward III liên minh với các nước chư hầu nhỏ thuộc vùng nước Đức ngày nay và xứ Vlaanderen, nhưng sau hai chiến dịch không thu được gì, liên minh tan rã vào năm 1340. Chi phí phải trả cho những vương công các nước chư hầu ở Đức và duy trì lực lượng quân đội đồn trú ở nước ngoài khiến nước Anh bị phá sản, ngân khố trống rỗng và uy tín của Edward III suy giảm nghiêm trọng. Trên biển, quân Pháp chiếm ưu thế nhờ việc sử dụng các chiến thuyền và thủy thủ của xứ Genoa. Nhiều thành thị ven biển ở Anh bị tấn công và tàn phá, gây ra sự hoảng loạn ở vùng duyên hải. Chiến tranh trên biển tác động rất xấu đến nền kinh tế Anh, khiến giao thương giữa Anh với châu Âu lục địa, việc vận chuyển len và lông cừu cho xứ Vlaanderen, cũng như vận chuyển rượu vang từ Gascogne sang Anh bị gián đoạn. Tuy nhiên, năm 1340, trong trận Sluys, gần như toàn bộ hải quân Pháp bị quân Anh tiêu diệt. Trận đánh đó có ý nghĩa bước ngoặt. Kể từ đó, quân Anh kiểm soát vùng eo biển Anh và ngăn không cho quân Pháp đổ bộ xuống đảo Anh.
Năm 1341, những mâu thuẫn trong việc thừa kế lãnh địa Bretagne đã dẫn đến chiến tranh giành quyền thừa kế Breton, trong đó Edward III ủng hộ John Montfort còn Philippe VI đứng sau lưng Charles Blois. Cuộc chiến trong vài năm tiếp sau đó diễn ra giằng co ở Bretagne khi thủ phủ xứ này, thành phố Vannes, đổi chủ vài lần.
Tháng 7 năm 1346, Edward III tổ chức một cuộc tấn công quy mô, vượt qua eo biển Anh và đổ bộ lên Cotentin. Quân Anh đánh chiếm Caen chỉ trong một ngày, gây bất ngờ lớn cho quân Pháp, vốn cho rằng thành phố sẽ giữ được lâu hơn. Philippe VI nhanh chóng tổ chức quân đội tiến hành đánh trả. Edward III quyết định hành quân về phía bắc thay vì đóng quân chiếm đất. Ý thức rằng quân Anh không đông bằng quân Pháp, Edward III chuẩn bị và chờ đợi Philippe VI tấn công trước. Trận Crécy, một trận đánh nổi tiếng, là một thất bại nặng nề với quân Pháp, chủ yếu do sức mạnh của đội quân cung thủ của Anh. Sau trận đánh, Edward III tiến tiếp về phía bắc và bao vây thành phố Calais trên bờ eo biển Anh rồi chiếm được thành phố này năm 1347. Đó là một chiến thắng quan trọng với quân Anh vì kể từ đó, họ có được một chỗ trú quân bền vững và an toàn ở châu Âu lục địa. Cũng trong năm đó, quân Anh giành chiến thắng trước quân Scotland trong trận Neville's Cross, bắt sống David II và giảm thiểu mối đe dọa từ phía Scotland.
Năm 1348, nạn dịch hạch bùng nổ ở châu Âu. Năm 1350, Philippe VI băng hà, con trai ông, Jean II của Pháp (tiếng Anh là John II), kế vị. Sau đại dịch, nước Anh bắt đầu dần hồi phục về kinh tế cho phép họ tiếp tục cuộc chiến. Năm 1356, con trai của Edward III, trùng tên với ông và là hoàng tử xứ Wales, còn gọi là Black Prince (Hắc Vương tử), tấn công vùng Gascogne và giành được một thắng lợi quan trọng trong trận Poitiers với chiến lược sử dụng các cung thủ giống như ở Crécy. Vua nước Pháp Jean II bị bắt sống trong trận này. Jean II ký một hiệp định ngừng chiến với Edward III và năm sau thì Hòa ước London lần thứ hai được ký, cho phép nước Anh chiếm vùng Nouvelle-Aquitaine và Jean II được tha về.
Nước Pháp thua trận và rơi vào tình trạng hỗn loạn. Năm 1358, một cuộc nổi dậy lớn của nông dân nổ ra, trong khi binh lính thì đi cướp bóc khắp nơi. Edward III tấn công nước Pháp lần thứ ba, và là lần cuối cùng với hy vọng đoạt luôn ngôi vua nước Pháp. Nhưng dù quân Pháp đã yếu đi nhiều, Edward III vẫn không thể chiếm được những thành phố quan trọng như Paris hay Rheims, do vị thái tử, sau này là vua Charles V của Pháp, chiếm giữ. Kết quả là Hiệp ước Brétigny được ký năm 1360. Quân Anh kết thúc giai đoạn này của cuộc chiến với việc giành được một nửa xứ Bretagne, Aquitaine (vào khoảng một phần tư lãnh thổ nước Pháp), Calais, Ponthieu và khoảng một nửa các thành bang phụ thuộc của Pháp, tạo ra một ưu thế rõ rệt giữa nước Anh thống nhất và nước Pháp chia rẽ.
Thời kỳ hòa bình thứ nhất: 1360-1369
sửaCon trai của Jean II của Pháp, Louis I xứ Anjou, được gửi đến Anh làm con tin nhưng bỏ trốn vào năm 1362. Giữ đúng tinh thần hiệp sĩ, Jean II tự mình đến Anh để làm con tin và ông qua đời trên đất Anh năm 1364. Charles V của Pháp thay cha mình trở thành vua nước Pháp.
Hiệp ước Brétigny khiến Edward III của Anh không được phép tranh giành quyền thừa kế ngai vàng nước Pháp nữa, nhưng hiệp ước đó cũng mở rộng lãnh địa của ông ra toàn vùng Aquitaine và khẳng định quyền sở hữu của nước Anh với Calais. Ở Pháp, sau khi lên ngôi, Charles V nhanh chóng tìm cách giành lại những vùng đất đó. Năm 1369, chiến tranh lại bùng nổ.
Giai đoạn chiến tranh thứ hai với nước Pháp chiếm ưu thế: 1369-1389
sửaTrong giai đoạn này Pháp chủ động tấn công quân Anh và thu hồi phần lớn đất đai đã mất. Nước Pháp xuất hiện một danh tướng là Bertrand du Guesclin từ Breton giúp họ có được nhiều thắng lợi. Cùng thời điểm này, người anh hùng của nước Anh trong trận Poitiers là hoàng tử đen Edward đang bận tham chiến ở bán đảo Iberia, còn cha ông, Edward III, người cũng đã từng thắng lớn trong trận Crecy, thì đã quá già để trở lại cầm quân. Điều này làm quân Pháp có nhiều lợi thế. Cuộc chiến sau đó có thêm cả sự tham gia của Castile (một xứ thuộc Tây Ban Nha) theo phe Pháp và Bồ Đào Nha theo phe Anh.
Bertrand du Guesclin chỉ huy một loạt chiến dịch theo kiểu tránh giao tranh trực diện với quân Anh. Pháp chiếm lại Poitiers vào 1372 và Bergerac vào 1377. Anh đáp trả bằng một loạt chiến dịch đột kích cướp phá (Chevauchée) nhưng không cản được Du Guesclin.
Với cái chết của Black Prince năm 1376 và Edward III năm 1377, nước Anh tôn Richard xứ Bordeaux, người con trai đang tuổi thiếu niên của Black Prince, lên làm vua tức Richard II. Nước Anh lúc này cũng bị Scotland đe dọa ở phía Bắc. Trong khi đó ở Pháp, Du Guesclin cũng chết vào năm 1380. Chiến tranh Anh - Pháp một lần nữa được tạm dừng với Hòa ước Leulingham năm 1389.
Thời kỳ hòa bình thứ hai: 1389-1415
sửaNăm 1380, Charles V của Pháp qua đời. Charles VI của Pháp mới 12 tuổi lên ngôi và chẳng bao lâu thì bị bệnh thần kinh. Các quý tộc trong nước chia thành hai phe tranh giành ngôi nhiếp chính nước Pháp và quyền bảo trợ cho con cái nhà vua: một phe do Công tước Jean Dũng càm xứ Bourgogne và là chú của vua cầm đầu, một phe do Công tước Louis xứ Orléans và là em của vua cầm đầu.
Nước Anh lúc này cũng gặp nhiều kẻ thù. Ireland, Wales và Scotland đều chống lại họ. Họ cũng phải đối mặt với các cuộc đấu đá trong nội bộ triều đình và nạn cướp phá từ ngoại bang nên không thể tiếp tục các chiến dịch ở lục địa. Một người cháu nội khác của Edward III là Henry IV ở ngôi vua từ 1399–1413, và rồi con ông ta là Henry V nối ngôi. Henry V chính là người đã tiếp tục cuộc chiến Anh - Pháp vào năm 1415.
Giai đoạn chiến tranh thứ ba dưới thời Henry V: 1415-1429
sửaThời kỳ nước Pháp bị nhấn chìm từ năm 1415-1435 là thời kỳ nổi tiếng nhất của cuộc chiến tranh Trăm Năm. Năm 1414, phe Armagnac đưa ra lời đề nghị với Henry V về việc khôi phục lại các biên giới trong hiệp ước Brétigny (năm 1360) để đổi lại sự giúp đỡ của ông. Henry V từ chối và đòi lại các lãnh thổ từ tận thời Henry II hơn 200 năm về trước cộng thêm những món tiền lớn. Không đàm phán được, cuối cùng hai bên đã gây chiến với nhau. Năm 1415, Henry V dẫn đầu một đội quân đổ bộ và đánh chiếm Harfleur, nhưng nơi này chống cự lâu hơn ông nghĩ khiến những kế hoạch ông dự tính trước bị đổ vỡ. Thay vì tiến vào Paris như kế hoạch, ông hướng về Calais (nơi vẫn đang do Anh chiếm giữ) để trú quân. Trên đường hành quân, quân Anh vừa đi vừa đột kích các vùng của Pháp. Quân đội Pháp tập hợp được một lực lượng lớn hơn nhiều so với quân Anh và đuổi theo Henry V.
Quân Pháp cuối cùng bắt kịp quân Anh ở một địa điểm nằm giữa Tramecourt và Agincourt. Với số lượng áp đảo, họ cho rằng sẽ dễ dàng đánh bại người Anh. Thêm nữa, trong hàng ngũ quân Pháp có rất nhiều quý tộc mà cha ông của họ từng đại bại nhục nhã ở Crecy và Poitiers nên họ đang rất khao khát báo thù. Thế nhưng ở thế không còn đường lui, Henry V đã chỉ huy một trận Agincourt vang dội, đánh tan hoàn toàn quân Pháp và giết rất nhiều quý tộc Armagnac. Từ đây, quân Pháp rơi vào khủng hoảng và liên tục mất đi lãnh thổ.
Sau trận chiến, Henry V quay về nước Anh để chuẩn bị lại quân đội. Sau đó ông quay trở lại Pháp và đánh chiếm phần lớn xứ Normandy, bao gồm cả Caen vào năm 1417 và Rouen vào 1419. Lúc này thì phe Burgundy cũng đã đánh bại phe Armagnac để chiếm Paris và Henry V kết liên minh với họ. Tiếp đó, Henry V ký với vị vua bị bệnh thần kinh Charles VI Hiệp ước Troyes. Theo hiệp ước này, Henry sẽ cưới con gái của Charles là Catherine, và rồi đứa con sinh ra từ cuộc hôn nhân này sẽ cai trị cả nước Anh và Pháp. Sau đó, Henry chính thức tiến vào Paris và Hiệp ước này được phê chuẩn bởi Hội nghị ba đẳng cấp của Pháp. Đó là đỉnh cao của người Anh trong chiến tranh.
Thế nhưng, Henry V và Charles VI cùng mất vào năm 1422. Đứa con mới sinh của Henry V là Henry VI được gia miện là vua của cả Anh và Pháp, nhưng phái Armagnac ở Pháp lại tuyên bố không thừa nhận vị vua này mà lại ủng hộ thái tử của Charles VI lên ngôi (sau trở thành Charles VII). Chiến tranh tiếp tục nổ ra ở vùng trung tâm nước Pháp.
Năm 1424, các ông chú của vị vua bé Henry VI bắt đầu tranh chấp nhau về quyền nhiếp chính. Một trong số đó là Humphrey, công tước xứ Gloucester đã cưới nữ bá tước của Hainaut là Jacqueline, và xâm lược Hà Lan để lấy lại lãnh địa cũ cho vợ mình. Điều này khiến ông ta mâu thuẫn trực tiếp với Philip III, công tước xứ Burgundy.
Giai đoạn chiến tranh thứ tư với chiến thắng của Pháp: 1429–1453
sửaNăm 1428, người Anh vây đánh thành Orleans, một cứ điểm quan trọng của quân Pháp. Mặc dù quân Anh không thật sự đủ mạnh để công thành nhưng tinh thần của người Pháp lại đang xuống rất thấp và nhiều đơn vị quân đội chần chừ trong việc tiếp viện Orleans. Đúng vào thời điểm này thì Jeanne d'Arc (tiếng Anh: Joan of Arc) xuất hiện để làm vị cứu tinh cho người Pháp.
Xuất thân chỉ là một cô gái nông dân 17 tuổi, Jeanne nói rằng chính Chúa sẽ dẫn dắt mình giải phóng quê hương khỏi tay người Anh. Cô gái trẻ thuyết phục được thái tử Pháp đưa mình tới Orleans vào năm 1429. Với niềm tin mạnh mẽ của mình, Jeanne đã nâng cao nhuệ khí binh sĩ Pháp và đánh bật quân Anh khỏi Orleans.
Được truyền cảm hứng từ Jeanne, quân Pháp liên tiếp giành thắng lợi dọc sông Loire. Tiếp đó, một đội quân Pháp đánh bại quân Anh ở Patay do John Fastolf và John Talbot chỉ huy, mở đường cho thái tử Pháp tới Reims và chính thức được gia miện thành Charles VII. Trận Patay có thể coi như đảo ngược của trận Agincourt khi quân Pháp kịp tấn công trước khi quân Anh dàn xếp xong đội hình phòng thủ.
Thế tiến của quân Pháp bị suy giảm sau sự kiện Jeanne bị người Burgundy bắt giữ và đem bán cho người Anh rồi bị hỏa thiêu (năm 1431). Tuy nhiên vào năm 1435, phái Burgundy lại đổi phe và trao trả Paris cho vua Pháp. Họ quá bận rộn với cuộc chiến ở những vùng đất thấp (nay Hà Lan) nên không thể can dự vào nước Pháp.
Sự hòa hoãn kéo dài đã giúp Charles VII có đủ thời gian để tái tổ chức quân đội và chính phủ. Ông thay thế lực lượng dân quân bằng quân đội chính quy và xây dựng chế độ tập quyền. Một loạt những chiến dịch né tránh kiểu Du Guesclin đã giúp người Pháp liên tiếp lấy lại từng thành phố một, tiến dần đến việc giải phóng hoàn toàn nước Pháp khỏi tay người Anh.
Năm 1449, Pháp lấy lại Rouen. Năm 1450, họ tiếp tục thắng trận Formigny, và rồi tái chiếm Caen, Bordeaux và Bayonne. Năm 1453, tướng John Talbot, nhà lãnh đạo quân sự cuối cùng của Anh còn bấu víu ở nước Pháp, cố gắng lấy lại Gascogne nhưng bị Jean Bureau cùng những khẩu thần công nghiền nát trong trận Castillon. Bản thân ông tướng John Talbot này cũng tử trận ở đây. Đó được xem như trận chiến cuối cùng của cuộc chiến Trăm Năm. Người Anh không còn đủ sức đòi ngôi vua Pháp. Lãnh địa cuối cùng mà họ còn giữ được trên đất Pháp là Calais.
Mãi tới năm 1557, một thế kỷ sau đó, Pháp mới chinh phục lại Calais.
Ý nghĩa lịch sử
sửaChiến tranh Trăm Năm được xem như một thời đại cách mạng về quân sự. Vũ khí, chiến thuật, cơ cấu quân đội và ý nghĩa xã hội của chiến tranh đều thay đổi dựa trên yêu cầu của cuộc chiến, các tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm chiến trường. Trước đó, kỵ binh hạng nặng được xem như đơn vị mạnh nhất trên chiến trường. Thế nhưng sau cuộc chiến tranh, quan niệm đó đã thay đổi. Kỵ binh ngày càng bị vô hiệu hóa bởi cung tên dài (sau đó là súng) và những chiến thuật phòng ngự hiệu quả của binh sĩ. Chiến tranh Trăm Năm kết thúc cũng là lúc nói lời cáo chung cho hình ảnh các kỵ sĩ oai hùng sống theo đúng tinh thần hiệp sĩ, từng một thời thống trị châu Âu. Trận chiến Castillon cũng đánh dấu lần đầu tiên pháo binh giữ vai trò quyết định.
Một điểm đáng lưu ý nữa là việc cả hai nước Anh Pháp đều đã xây dựng lực lượng quân đội thường trực cho mình vào cuối cuộc chiến tranh. Quân đội thường trực giúp nhà vua có nhiều quyền lực hơn để đối chọi với cả ngoại bang lẫn các mối đe dọa trong nước, và đó cũng là một bước chuyển biến đầu tiên khiến châu Âu đi từ trật tự trung cổ với các lãnh chúa phong kiến (có thể tới giúp hoặc không khi vua kêu gọi) tới thể chế tập quyền hơn của các quốc gia.
Mặc dù giành được một số lợi thế về chiến thuật, thế nhưng người Anh không thể nào giành được thắng lợi cuối cùng trước người Pháp. Nguyên nhân khách quan là do nước Pháp có lợi thế về dân số và lãnh thổ. Nguyên nhân chủ quan và cũng là nguyên nhân quyết định là những cải tổ quân sự và chính trị trong nội bộ hai nước - thứ mà Pháp đã phần nào làm tốt hơn Anh.
Về mặt xã hội, cuộc chiến cũng đã để lại nhiều sự thay đổi cho hai cả hai phía. Thứ nhất, đó là tinh thần dân tộc. Từ cuộc xung đột giữa hai hoàng tộc, Chiến tranh Trăm Năm đã dần dần biến thành cuộc xung đột của hai dân tộc. Tinh thần dân tộc nảy sinh đã giúp nội bộ của từng quốc gia hợp nhất hơn. Thứ hai đó là vấn đề ngôn ngữ, chiến tranh Trăm Năm tạo điều kiện một thời kỳ suy yếu kéo dài của tiếng Pháp trên lãnh thổ Anh.
Về mặt kinh tế, cả hai nước đều mệt mỏi vì chiến tranh. Trong khi Pháp thiệt hại do những chiến tranh diễn ra trên lãnh thổ của mình (tàn cơ sở hạ tầng, tàn phá các ngành kinh tế), Anh thiệt hại do phải chịu áp lực tài chính khổng lồ từ việc duy trì quân đội và lãnh thổ.
Những nhân vật quan trọng
sửaVua Edward III | 1327–1377 | Con trai của Edward II |
Vua Richard II | 1377–1399 | Cháu trai của Edward III |
Vua Henry IV | 1399–1413 | Cháu trai của Edward III |
Vua Henry V | 1413–1422 | Con trai của Henry IV |
Vua Henry VI | 1422–1461 | Con trai của Henry V |
Edward, Hoàng tử Đen | 1330–1376 | Con trai của Edward III |
John xứ Gaunt, Công tước xứ Lancaster | 1340–1399 | Con trai của Edward III |
John xứ Lancaster, Công tước thứ nhất xứ Bedford | 1389–1435 | Con trai của Henry IV |
Henry xứ Grosmont, Công tước thứ nhất xứ Lancaster | 1306–1361 | Hiệp sĩ |
John Talbot, Bá tước thứ nhất xứ Shrewsbury | 1384–1453 | Hiệp sĩ |
Richard Plantagenet, Công tước thứ 3 xứ York | 1411–1460 | Hiệp sĩ |
Sir John Fastolf | 1378?–1459 | Hiệp sĩ |
Vua Philippe VI | 1328–1350 | |
Vua Jean II | 1350–1364 | Con trai của Philippe VI |
Vua Charles V | 1364–1380 | Con trai của Jean II |
Louis I xứ Anjou | 1380–1382 | Con trai của Jean II |
Vua Charles VI | 1380–1422 | Con trai của Charles V |
Vua Charles VII | 1422–1461 | Con trai của Charles VI |
Jeanne d'Arc | 1412–1431 | Nữ thánh |
Jean de Dunois | 1403–1468 | Hiệp sĩ |
Gilles de Rais | 1404–1440 | Hiệp sĩ |
Bertrand du Guesclin | 1320–1380 | Hiệp sĩ |
Jean Bureau | 13??–1463 | Hiệp sĩ |
La Hire | 1390–1443 | Hiệp sĩ |
Philip Táo bạo | 1363–1404 | Con của Jean II |
Jean Dũng cảm | 1404–1419 | Con của Philip Táo bạo |
Philippe Tốt bụng | 1419–1467 | Con của Jean Dũng cảm |
Những trận chiến lớn
sửa- Tháng 11 năm 1337—Trận Cadsand
- Ngày 24 tháng 6 năm 1340—Trận Sluys
- Ngày 21 tháng 10 năm 1345—Trận Auberoche
- Ngày 26 tháng 8 năm 1346—Trận Crécy
- Ngày 4 tháng 9 năm 1346–Ngày 3 tháng 8 năm 1347—Vây hãm Calais
- Ngày 29 tháng 8 năm 1350—Hải chiến Les Espagnols sur Mer
- Ngày 26 tháng 3 năm 1351—Trận chiến 30 người
- Năm 1351—Trận Mauron
- Ngày 19 tháng 9 năm 1356—Trận Poitiers
- Ngày 29 tháng 9 năm 1364—Trận Auray
- Ngày 3 tháng 4 năm 1367—Trận Nájera
- Ngày 3 tháng 12 năm 1370—Trận Pontvallain
- Ngày 22 tháng 6 năm 1372—Trận La Rochelle
- Năm 1374-1380—Hải chiến Thames
- Năm 1385—Trận Aljubarrota
- Năm 1385—Đổ bộ Scotland
- Ngày 25 tháng 10 năm 1415—Trận Agincourt
- Năm 1416—Trận Valmont
- Năm 1417—Hải chiến Sông Seine
- Ngày 31 tháng 7 năm 1418–Ngày 19 tháng 1 năm 1419—Vây hãm Rouen
- Năm 1419—Trận La Rochelle
- Ngày 22 tháng 3 năm 1421—Trận Bauge
- Ngày 31 tháng 7 năm 1423—Trận Cravant
- Ngày 17 tháng 8 năm 1424—Trận Vernuil
- Ngày 6 tháng 3 năm 1426—Trận St James
- Ngày 12 tháng 10 năm 1428–Ngày 8 tháng 5 năm 1429—Vây hãm Orléans
- Ngày 12 tháng 2 năm 1429—Trận Herrings
- Ngày 17 tháng 7 năm 1429—Trận Patay
- Năm 1435—Trận Gerbevoy
- Năm 1435—Trận Paris
- Ngày 15 tháng 4 năm 1450—Trận Formigny
- Năm 1451—Pháp xâm lược Gascony
- Ngày 17 tháng 7 năm 1453—Trận Castillon
Xem thêm
sửaChú thích
sửa- ^ Chống Anh trong cuộc thập tự chinh của Despenser.
- ^ Sát cánh cùng quân Anh trong chiến tranh Caroline.
- ^ Sát cánh cùng quân Anh trong cuộc thập tự chinh của Despenser.
Tham khảo
sửaTư liệu thứ cấp
sửa- The Anonimalle Chronicle, 1333-1381. Edited by V.H. Galbraith. Manchester: Manchester University Press, 1927.
- Avesbury, Robert of. De gestis mirabilibus regis Edwardi Tertii. Edited by Edward Maunde Thompson. London: Rolls Series, 1889.
- Chronique de Jean le Bel. Edited by Eugene Deprez and Jules Viard. Paris: Honore Champion, 1977.
- Dene, William of. Historia Roffensis. British Library, London.
- French Chronicle of London. Edited by G.J. Aungier. Camden Series XXVIII, 1844.
- Froissart, Jean. Chronicles. Edited and Translated by Geoffrey Brereton. London: Penguin Books, 1978.
- Gesta Henrici Quinti: The Deeds of Henry V. Translated by Frank Taylor and John S. Roshell. Oxford, UK: Clarendon Press, 1975.
- Grandes chroniques de France. Edited by Jules Viard. Paris: Société de l'histoire de France, 1920-53.
- Gray, Sir Thomas. Scalacronica. Edited and Translated by Sir Herbert Maxwell. Edinburgh: Maclehose, 1907.
- Le Baker, Geoffrey. Chronicles in English Historical Documents. Edited by David C Douglas. New York: Oxford University Press, 1969.
- Le Bel, Jean. Chronique de Jean le Bel. Edited by Jules Viard and Eugène Déprez. Paris: Société de l'historie de France, 1904.
- Register of Edward the Black prince, vol. 1. London: His Majesty's Stationary Office, 1930.
- Rotuli Parliamentorum. Edited by J. Strachey et al., 6 vols. London: 1767-83.
- St. Omers Chronicle. Bibliothèque Nationale, Paris, MS 693, fos. 248-279v. (Currenting being edited and translated into English by Clifford J. Rogers)
- The Chronicles of Enguerrand de Monstrelet. Translated by Thomas Johnes. London, 1840.
- Venette, Jean. The Chronicle of Jean de Venette. Edited and Translated by Jean Birdsall. New York: Columbia University Press, 1953.
Hợp tuyển của các tư liệu sơ cấp
sửa- Life and Campaigns of the Black Prince. Edited and Translated by Richard Barber. Woodbridge: Boydell Press, 1997.
- Original Letters Illustrative of English History. Edited by Sir Henry Ellis, Third Series Vol. 1. London: S&J Bentley, 1846.
- The Battle of Agincourt: Sources and Interpretations. Edited by Anne Curry. Woodbridge: Boydell Press, 2000.
- The Wars of Edward III: Sources and Interpretations. Edited and Translated by Clifford J. Rogers. Woodbridge: Boydell Press, 1999.
Tư liệu thứ cấp
sửa- Allmand, Christopher, The Hundred Years War: England and France at War, c.1300-c.1450, Cambridge University Press, 1988, ISBN 0-521-31923-4
- Arms, Armies and Fortifications in the Hundred Years War. Edited by Anne Curry and Michael Hughes. Woodbridge: Boydell Press, 1999.
- Barber, Richard. Edward, Prince of Wales and Aquitaine: A Biography of the Black Prince. Woodbridge: Boydell Press, 2003.
- Barker, Juliet R. Agincourt: Henry V and the Battle that made England. New York, NY: Little, Brown, and Co, 2006.
- Barnies, John. War in Medieval English Society: Social Values in the Hundred Years War 1337-99. Ithaca: Cornell University Press, 1971.
- Bell, Adrian R., War and the Soldier in the Fourteenth Century, The Boydell Press, November 2004, ISBN 1-84383-103-1
- Braudel, Fernand, The Perspective of the World, Vol III of Civilization and Capitalism 1984 (in French 1979).
- Burne, Alfred Higgins. The Agincourt War: A Military History of the Latter Part of the Hundred Years' War, from 1369 to 1453. Westport, CN: Greenwood Press, 1976.
- Contamine, Philippe. La France au XIVe et XVe siècles Hommes, mentalities, guerre et paix. London: Variorum Reprints, 1981.
- Coss, Peter. The Knight in Medieval England 1000-1400. Dover, NH: Alan Sutton Publishing Inc., 1993.
- Crane, Susan. The Performance of Self: Ritual, Clothing, and Identity During the Hundred Years War (2002) excerpt and text search
- Curry, Anne, The Hundred Years War, Macmillan Press, (2nd ed. 2003)
- Curry, Anne. Agincourt: A New History. Stroud, Gloucestershire, UK: Tempus, 2005.
- Duby, Georges. France in the Middle Ages 987-1460: From Hugh Capet to Joan of Arc. Translated by Juliet Vale. Oxford: Blackwell Publishers Ltd., 1991.
- Dunnigan, James F., and Albert A. Nofi. Medieval Life & The Hundred Years War Lưu trữ 2012-12-21 tại Wayback Machine, Online Book.
- France in the Later Middle Ages 1200-1500. Edited by David Potter. Oxford: Oxford University Press, 2003.
- Green, David. The Battle of Poitiers, 1356 (2002). ISBN 0-7524-1989-7.
- Inscribing the Hundred Years' War in French and English Cultures. Edited by Denise N. Bakes. Albany: State University of New York Press, 2000.
- Jones, Michael. Between France and England: Politics, Power and Society in Late Medieval Brittany. Hampshire: Ashgate Publishing Ltd., 2003.
- Keegan, John. The Face of Battle (1976), covers the battle of Agincourt, comparing it to modern battles
- Keen, M.H. The Laws of War in the Late Middle Ages. London: Routledge & Paul Kegan Ltd., 1965.
- Knecht, Robert J. The Valois: Kings of France 1328-1589. London: Hambledon and London, 2004.
- Lewis, P.S. Essays in Later Medieval French History. London: The Hambledon Press, 1985.
- Lucas, Henry Stephen. The Low Countries and the Hundred Years' War, 1326-1347. Philadelphia: Porcupine Press, 1976.
- Neillands, Robin, The Hundred Years War, Routledge, 2001, ISBN 978-0-415-26131-9
- Nicolle, David, and Angus McBride. French Armies of the Hundred Years War: 1328-1429 (2000) Men-At-Arms Series, 337 excerpt and text search
- Perroy, Edouard, The Hundred Years War, Capricorn Books, 1965.
- Reid, Peter. Medieval Warfare: Triumph and Domination in the Wars of the Middle Ages. New York, NY: Carroll & Graf Publishers, 2007.
- Rogers, Clifford J. "The Military Revolutions of the Hundred Years War," The Journal of Military History 57 (1993): 241-78. in Project Muse
- Rogers, Clifford J. War Cruel and Sharp: English Strategy under Edward III, 1327-1360. Woodbridge: Boydell Press, 2000.
- Ross, Charles, The Wars of the Roses, Thames and Hudson, 1976.
- Seward, Desmond, The Hundred Years War. The English in France 1337–1453, Penguin Books, 1999, ISBN 0-14-028361-7 excerpt and text search
- Society at War: The Experience of England and France During the Hundred Years War. Edited by C.T. Allmand. Edinburgh: Oliver and Boyd, 1973.
- Soldiers, Nobles, and Gentlemen: Essays in Honour of Maurice Keen. Edited by Peter Coss and Christopher Tyerman. Woodbridge: Boydell Press, 2009.
- Stone, John. "Technology, Society, and the Infantry Revolution of the Fourteenth Century," The Journal of Military History 68.2 (2004) 361-380 in Project Muse
- Sumption, Jonathan, The Hundred Years War I: Trial by Battle, University of Pennsylvania Press, September 1999, ISBN 0-8122-1655-5
- Sumption, Jonathan, The Hundred Years War II: Trial by Fire, University of Pennsylvania Press, October 2001, ISBN 0-8122-1801-9
- The Age of Edward III. Edited by J.S. Bothwell. York: York Medieval Press, 2001.
- The Battle of Crecy 1346. Edited by Andrew Ayton and Sir Philip Preston. Woodbridge: Boydell Press, 2007.
- The Hundred Years War. Edited by Kenneth Fowler. London: The Macmillan Press Ltd., 1971.
- Vale, Malcolm. The Angevin Legacy and the Hundred Years War, 1250-1340. Oxford: Basil Blackwell Ltd., 1990.
- Villalon, L. J. Andrew, and Donald J. Kagay, eds. The Hundred Years War: A Wider Focus (2005) online edition Lưu trữ 2011-06-04 tại Wayback Machine; also excerpt and text search
- Wagner, John A., Encyclopedia of the Hundred Years War, Westport, CT: Greenwood Publishing Group, August 2006. ISBN 0-313-32736-X
- War, Government and Power in Late Medieval France. Edited by Christopher Allmand. Liverpool: Liverpool University Press, 2000.
- Waugh, Scott L. England in the reign of Edward III. Cambridge: Cambridge University Press, 1991.
- Wright, Nicholas. Knights and Peasants: The Hundred Years War in the French Countryside. Woodbridge: Boydell Press, 1998.
Tham khảo
sửaLiên kết ngoài
sửaWikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Chiến tranh Trăm Năm. |
- England Hundred Years War Chronology World History Database Lưu trữ 2007-09-30 tại Wayback Machine
- France Hundred Years War Chronology World History Database Lưu trữ 2007-09-30 tại Wayback Machine
- Timeline of the Hundred Years War Lưu trữ 2017-03-26 tại Wayback Machine
- The Hundred Years' War information and game Lưu trữ 2002-09-13 tại Library of Congress Web Archives
- Jeanne d'Arc. Online University research project.
- The Hundred Years War and the History of Navarre
- Jean Froissart, "On The Hundred Years War (1337-1453)" Lưu trữ 2011-08-04 tại Wayback Machine from the Internet Medieval Sourcebook
- The Hundred Years' War (1336-1565) by Dr. Lynn H. Nelson, University of Kansas Emeritus