Ngoại giao cây tre
Ngoại giao cây tre là thuật ngữ mô tả phong cách ngoại giao của Việt Nam dưới chính quyền của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Thuật ngữ liên quan ngoại giao cây tre đã bắt đầu xuất hiện từ phát ngôn của ông Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 vào ngày 22 tháng 8 năm 2016. Cụm từ này được cho là đúc kết từ các "trường phái ngoại giao" của Việt Nam thông qua hơn 70 năm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và người sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh. Thuật ngữ "Ngoại giao cây tre" lần đầu tiên xuất hiện trong phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021.[1]
Cây tre cũng được xem là một phần trong văn hóa và được đánh đồng như tinh thần, cốt cách của con người Việt Nam. Ngoài ra, hình ảnh cây tre cũng đã được xuất hiện nhiều trong thơ ca, ca dao tục ngữ cũng như truyền thuyết của người Việt Nam. Sau giai đoạn đại dịch COVID-19 và Nga xâm lược Ukraina 2022 thì thuật ngữ "Ngoại giao cây tre" lại càng được chính phủ Việt Nam nhắc đến nhiều hơn.
Khái quát
sửaTheo giải thích của ông Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 vào ngày 22 tháng 8 năm 2016 thì phong cách ngoại giao cây tre thể hiện sự "mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người... thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam".[2][3][4] Cây tre cũng đồng thời được xem là một biểu tượng của xuất hiện nhiều trong đời sống hàng ngày, thơ ca Việt Nam như Cây tre Việt Nam của Thép Mới, Tre Việt Nam của Nguyễn Duy,...[5] hay trong truyền thuyết Thánh Gióng và các câu ca dao tục ngữ như "Tre già măng mọc".[3] Nhiều báo chí Việt Nam còn đánh đồng và xem nó như cốt cách, một phần của dân tộc.[6][7]
Vào ngày 14 tháng 12 năm 2021, trong Hội nghị đối ngoại toàn quốc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trọng cũng cho rằng cây tre là phương pháp ngoại giao của Việt Nam khi kết hợp hài hòa giữa "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển".[8][9] Hội nghị này cũng là hội nghị đầu tiên mà Bộ Chính trị và Ban Bí thư chủ trì tổ chức.[9]
Khi phân tích về lý do lấy cây tre làm biểu tượng cho trường phái ngoại giao của Việt Nam thì ông Trọng đã đưa ra ba lý do bao gồm "gốc", "thân" và "đặc tính" của tre. Trong lý do về "gốc" đầu tiên, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng gốc của loài cây này thường quyện vào làm một mang ý nghĩa của sự đoàn kết. Ông nói thêm "Gốc có vững thì thân, cành mới tốt tươi, xum xuê, uyển chuyển được". Còn lý do về "thân", ông Trọng lại cho đây là biểu tượng hòa hiếu nhưng quật cường, khiêm tốn nhưng không khoa trương. Về "đặc tính" thì lại là biểu tượng cho sự dễ thích nghi của loài cây này, vững chãi vì "sống kết thành bụi, thành lũy, thành rừng".[9][10]
Ngoài ra, ông Trọng còn đưa ra "năm bài học" cho các cơ quan Ngoại giao tại Việt Nam:
- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia – dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế.
- Kiên định nguyên tắc và linh hoạt về sách lược.
- Xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
- Bài học về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ.
- Bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước.[9]
Thực tiễn
sửaNgoại giao
sửaTheo VnEconomy, trong năm 2022 các cơ quan thuộc Đảng Cộng sản, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã thực hiện gần 70 hoạt động đối ngoại.[11] Theo tổng kết đến đầu năm 2023, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190/192 quốc gia; quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 đối tác và hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế.[4] Đồng thời, nước này cũng là thành viên của các tổ chức như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu–Việt Nam, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cùng 15 hiệp định thương mại tự do khác.[4]
Quan hệ Việt Nam–Trung Quốc
sửaTừ ngày 30 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11 năm 2022, sau khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục nhậm chức ở nhiệm kỳ thứ ba thì Tổng Bí thư BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức đến quốc gia láng giềng này.[12] Ông là lãnh đạo cấp cao đầu tiên đến thăm nước này sau khi Chủ tịch Trung Quốc nhậm chức ở nhiệm kỳ thứ ba.[13] Đây đồng thời cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Trọng sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII.[12] Chuyến thăm sau đó được hai bên xem là thành công. Phía Việt Nam đã gọi Trung Quốc là "láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, cùng dốc sức vì nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh và sự nghiệp cao cả hòa bình và phát triển của nhân loại".[14] Theo Reuters, cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo là quá thân thiết khi không đeo khẩu trang, bắt tay và ôm nhau trong bối cảnh Trung Quốc vẫn còn kiên trì với chính sách phong tỏa nghiêm ngặt bởi COVID-19.[13]
Quan hệ Việt Nam–Hoa Kỳ
sửaCuối tháng 8 năm 2021, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã có chuyến thăm đến Việt Nam kéo dài từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 8 năm 2021.[15] Trong chuyến thăm của bà Harris phía Hoa Kỳ cũng đã xác nhận về thỏa thuận thuê đất xây dựng khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội trí giá 1,2 tỷ đô la Mỹ. Trước khi rời khỏi Việt Nam, Phó Tổng thống Hoa Kỳ chia sẻ, chuyến thăm này "báo hiệu cho khởi đầu của chương mới trong quan hệ Việt–Mỹ".[15] Sau chuyến thăm, báo chí Việt Nam cũng đã đăng tải thông tin về việc Tổng Bí thư và Chủ tịch nước Việt Nam mời Joe Biden đến thăm.[16]
Vào ngày 12 tháng 11 năm 2022, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 11 thì Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Trong cuộc gặp gỡ, ông Chính đã tiếp tục "chuyển lời" của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước Việt Nam mời Tổng thống Hoa Kỳ sang thăm nước này.[17] Tuy nhiên, một làn sóng tranh cãi đã diễn ra khi một đoạn video được Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đăng tải khi ông Chính trò chuyện với những lãnh đạo dưới cấp trước khi gặp Hoa Kỳ rằng "rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì". Đoạn video ban đầu được đăng tải nhưng không bị cắt vào ngày 14 tháng 5 và bị gỡ bỏ vào ngày 23 tháng 5. Tuy nhiên, đoạn video sau đó tiếp tục được VOA đăng tải nhưng đã che cụm từ phản cảm đi.[18] Việc VOA gỡ bỏ video được cho là bởi Khanh Nguyen, một quan chức trong Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và yêu cầu cơ quan này gỡ bỏ. Trong email đã ghi, đoạn video đã "vi phạm nguyên tắc tôn trọng quyền riêng tư cũng như tính chuyên nghiệp và đạo đức của báo chí. Hơn nữa, việc đưa tin của VOA đã bị lạm dụng và bóp méo cho các mục đích chính trị".[19] Việc gỡ bỏ này sau đó đã bị ban tiếng Việt của VOA phản đối vì cho rằng quyền tự do báo chí bị ngăn cản.[19] Còn Đài Á Châu Tự Do (RFA), cơ quan có thể xem là "chị em" của VOA, cũng đã đăng tải đoạn video nhưng không nhận được email gỡ bỏ nào.[19][20]
Đến tối ngày 29 tháng 3 năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh năm 2023 là kỷ niệm 10 năm trong Quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.[21] Theo Reuters, cuộc điện đàm là chuyện hiếm hoi khi ông Biden điện đàm với một nhà lãnh đạo nước ngoài không phải là nguyên thủ quốc gia hay thủ tướng chính phủ.[22] Hoa Kỳ hiện cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2022.[21][22] Sau đó không lâu, từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 4 cùng năm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã có chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam và gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.[23][24] Một vấn đề tranh cãi trong cuộc gặp gỡ giữa ông Chính và Anthony Blinken cũng đã diễn ra khi chỉ xuất hiện cờ Việt Nam ở phía sau mà không có cờ Hoa Kỳ. Theo RFA, hầu hết thông tin này đến từ báo chí Trung Quốc và cơ quan này phân tích cho rằng do đây là cuộc gặp gỡ không cùng cấp nên chỉ có cờ Việt Nam ở phía sau.[25] Theo BBC News, khả năng cao vấn đề ngoại giao của hai quốc gia này sẽ tiếp tục nóng lên khi có thể Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm Hà Nội vào tháng 5 hoặc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ vào tháng 7. Trong bài phân tích, cơ quan truyền thông này cũng cho rằng câu nói Việt Nam giờ đây "đã sát cánh cùng với Mỹ trong giai đoạn cần hỗ trợ nhau nhất" thường chỉ được sử dụng để ám chỉ đồng minh của nước này nhưng nó lại được ông Blinken sử dụng nhắc đến Việt Nam.[26]
Kinh tế
sửaTheo Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á, Việt Nam hiện đã có mối liên kết với 17 hiệp định thương mại tự do, trong khi quốc gia láng giềng đó là Thái Lan chỉ có 7. Đồng thời, trong năm 2022, quốc gia này đã thu hút 22,4 tỷ đô la Mỹ đầu tư, gấp đôi so với Thái Lan.[27] Trên một bài phân tích của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan này đã liệt kê các thành tựu như các hiệp định thương mại tự do với 3 trong số đó đạt tiêu chuẩn rất cao và quan hệ kinh tế–thương mại với 230 quốc gia/vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 600 tỷ đô la Mỹ và xem như một phần thành công của "ngoại giao cây tre".[28]
Phản ứng
sửaTrong nước
sửaSau phát ngôn vào năm 2021 của ông Trọng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã cho rằng, "kiên định mục tiêu, nhân văn trong cốt cách, rộng mở trong tinh thần và linh hoạt trong hành động" là những đặc trưng nổi bật trong văn hóa ngoại giao của Việt Nam.[29] Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cho rằng "ngoại giao cây tre" thể hiện "một Việt nam bản lĩnh, chân thành, thủy chung, tin cậy và có trách nhiệm".[30]
Quốc tế
sửaNhà báo Nguyễn Khắc Giang trên BBC News, đã gọi cuộc chiến Nga và Ukraina vào năm 2022 đã khiến cho trường phái "ngoại giao cây tre" của Việt Nam gặp "bài toán khó đầu tiên". Ông Giang cho rằng, nếu kiên định theo trường phái này, Hà Nội sẽ phải lên án mạnh mẽ Nga, vì không sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho Việt Nam sau này. Ông nói thêm, việc Việt Nam đang bỏ phiếu trắng cho Nga trong cuộc chiến tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thực chất là để duy trì nguyên tắc và lợi ích của nước này.[31] Nhà nghiên cứu Kavi Chongkittavorn của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á cũng đã viết và phân tích về phương pháp ngoại giao của Việt Nam, ông gọi nước này là "hình mẫu cho các thành viên khác (trong khối ASEAN) noi theo".[27]
Trên tờ Sputnik, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm đã cho rằng đã ca ngợi Việt Nam "giữ được quan hệ cân bằng với các cường quốc trên thế giới, kể cả cũ và mới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...". Ngoài ra, nhà báo Hoàng Hoa cũng ca ngợi ngoại giao của Việt Nam khi dẫn dắt khối ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và ASEAN+.[32] IndiaTimes dẫn lời nhiều chuyên gia lại cho rằng, Việt Nam sẽ phải phân cực trong tương lai và lên án hành động của Nga trong cuộc xâm lược của nước này vào Ukraine.[33]
Theo tờ The Diplomat "cách tiếp cận của Việt Nam" không thân Trung Quốc cũng không thân Mỹ có thể xem là trường phái "ngoại giao cây tre".[33] Cũng theo tờ báo này, bài phát biểu của Tổng bí thư Trọng vào năm 2021 đã tạo nên cả một tài liệu về "ngoại giao cây tre". Các tạp chí học thuật bao gồm Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Công an Nhân dân, báo Quân đội nhân dân và nhiều tờ báo khác trong nước cũng ca ngợi các nghiên cứu của ông Trọng và "đôi khi tâng bốc chính trị thẳng thắn" của ông. Tác giả Nguyen Quoc Tan Trung trên tạp chí nước ngoài đã cho rằng, "ngoại giao cây tre không ấn tượng như trên lý thuyết" khi gốc rễ của cây tre không hề dựa vào "công ước quốc tế", "nguyên tắc nhân đạo" hay "hòa bình" mà dựa vào các thành kiến chính trị và được trang trí bởi những biểu ngữ trung lập.[34]
Tham khảo
sửa- ^ “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với dấu ấn "ngoại giao cây tre Việt Nam"”. https://dangcongsan.vn. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2024. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ Chinhphu.vn (22 tháng 8 năm 2016). “Phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29”. Báo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.
- ^ a b Phạm Viết Đào (1 tháng 9 năm 2016). “Việt Nam xây dựng 'ngoại giao Cây Tre'?”. BBC News Tiếng Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.
- ^ a b c Nguyễn Quang Khai (29 tháng 1 năm 2023). “"Ngoại giao cây tre" - đường lối ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh”. Báo Kinh tế & Đô thị. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ Hà Quỳnh (2 tháng 4 năm 2013). “Cây tre mới là biểu tượng văn hóa Việt”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.
- ^ Đinh Minh Tung (2 tháng 7 năm 2015). “Cây tre và cốt cách người Việt Nam”. Báo Hà Giang. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.[liên kết hỏng]
- ^ Trần Chí Trung (18 tháng 3 năm 2022). “Một vài suy ngẫm từ hình tượng cây tre đến bản sắc ngoại giao Việt Nam | Tạp chí Tuyên giáo”. Tạp chí Tuyên giáo. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.
- ^ “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại ngoại giao Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc”. VietNamNet. 14 tháng 12 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.
- ^ a b c d Thái Văn Long (2 tháng 3 năm 2022). “Nét đặc sắc của "Ngoại giao cây tre" Việt Nam”. Tạp chí Tuyên giáo. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.
- ^ Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại TPHCM (6 tháng 1 năm 2022). “Ngoại giao "cây tre Việt Nam"”. Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.
- ^ “Tiếp tục củng cố bản sắc "ngoại giao cây tre" Việt Nam”. Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới. 23 tháng 1 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ a b Mai Nguyên (4 tháng 11 năm 2022). “Một số hình ảnh hoạt động của Tổng Bí thư trong chuyến thăm Trung Quốc”. Báo Quân đội Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ a b Pollard, Martin; Pollard, Martin (ngày 31 tháng 10 năm 2022). “China's Xi greets Vietnamese ally with ceremony, call for defiance”. Reuters (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ TTXVN (1 tháng 11 năm 2022). “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức”. Báo Quân đội Nhân dân (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ a b Thanh Tâm; Phương Vũ (29 tháng 8 năm 2021). “Chuyến thăm của bà Harris đưa Việt - Mỹ xích lại gần nhau”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
- ^ Nhật Đăng (25 tháng 8 năm 2021). “Tổng bí thư và Chủ tịch nước mời Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam”. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ “Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden”. Báo Chính phủ. 13 tháng 11 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ TT Phạm Minh Chính: ‘Rõ ràng, sòng phẳng…, sợ gì’, Đài tiếng nói Hoa Kỳ, Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2022, truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023
- ^ a b c “Voice of America removes story that embarrassed Vietnam's prime minister”. Washington Post (bằng tiếng Anh). ISSN 0190-8286. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ “Vietnamese delegation's loose lips caught on video during US-ASEAN summit”. Radio Free Asia (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ a b “Tổng thống Mỹ điện đàm với tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam”. RFI. 30 tháng 3 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ a b Reuters (ngày 30 tháng 3 năm 2023). “Vietnam communist party chief, Biden agree to boost ties in phone call”. Reuters (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ Bình Nguyên; Linh Nga (21 tháng 4 năm 2023). “Chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ và góc nhìn về tự do, dân chủ tại Việt Nam”. Báo Công an Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
- ^ TTXVN (15 tháng 4 năm 2023). “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken”. Báo Công an Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ “Có bất thường khi Việt Nam không treo cờ Mỹ khi Thủ tướng Việt Nam tiếp Ngoại trưởng Blinken?”. Radio Free Asia. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ “Dư âm chuyến thăm của ông Blinken và những mong đợi Mỹ - Việt”. BBC News Tiếng Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ a b Kavi Chongkittavorn (ngày 4 tháng 2 năm 2023). “Vietnam Boosts 'Bamboo Diplomacy'”. Economic Research Institute for ASEAN and East Asia (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.
- ^ Nguyễn Như Lôi (24 tháng 6 năm 2022). “"Ngoại giao cây tre" với bối cảnh hội nhập quốc tế Việt Nam hiện nay”. Đảng Cộng sản Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ Vũ Khoan (18 tháng 12 năm 2021). “Suy ngẫm về 'văn hóa ngoại giao Việt Nam'”. Báo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.
- ^ Nguyễn Tiến (1 tháng 1 năm 2023). “Thành tựu 'ngoại giao cây tre' của Việt Nam năm 2022”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2023.
- ^ Nguyễn Khắc Giang (ngày 9 tháng 5 năm 2022). “Ngoại giao cây tre và lựa chọn của Việt Nam”. BBC News Tiếng Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.
- ^ Hoa, Hoàng (26 tháng 12 năm 2022). “Trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách "Ngoại giao cây tre"”. Sputnik Việt Nam (bằng tiếng vn). Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
- ^ a b Zoya Hussain (17 tháng 9 năm 2022). “Explained: What Is Vietnam's Bamboo Diplomacy?”. IndiaTimes (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.
- ^ “The Problems With Vietnam's 'Bamboo Diplomacy'”. The Diplomat (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2023.