Sarawak

Khu Tự Trị - Tiểu Bang thuộc Malaysia

Sarawak (phát âm tiếng Anh: /səˈrɑːwɒk/; phát âm tiếng Mã Lai: [saˈrawaʔ]) là một trong hai bang của Malaysia nằm trên đảo Borneo (cùng với Sabah). Lãnh thổ này có quyền tự trị nhất định trên lĩnh vực hành chính, nhập cư và tư pháp khác biệt với các bang tại bán đảo Mã Lai. Sarawak nằm tại miền tây bắc đảo Borneo, giáp với bang Sabah về phía đông bắc, giáp với phần đảo Borneo thuộc Indonesia hay còn gọi là Kalimantan về phía nam (các tỉnh Tây Kalimantan, Đông KalimantanBắc Kalimantan), và giáp với quốc gia độc lập Brunei tại đông bắc. Thành phố thủ phủ bang là Kuching, đây là trung tâm kinh tế của bang và là nơi đặt trụ sở chính phủ cấp bang. Các thành thị lớn khác tại Sarawak gồm Miri, Sibu, và Bintulu. Theo điều tra nhân khẩu năm 2015 tại Malaysia, tổng dân số Sarawak là 2.636.000.[2] Sarawak có khí hậu xích đạo cùng các khu rừng mưa nhiệt đới và các loài động thực vật phong phú. Sarawak sở hữu một số hệ thống hang động đáng chú ý tại Vườn quốc gia Gunung Mulu. Sông Rajang là sông dài nhất tại Malaysia; Đập Bakun trên một phụ lưu của sông này nằm trong số các đập lớn nhất của Đông Nam Á. Núi Murud là điểm cao nhất tại Sarawak.

Sarawak
—  Bang  —
Negeri Kenyalang (Vùng đất của chim mỏ sừng)
Bang kỳ Sarawak
Hiệu kỳ
Bang huy Sarawak
Huy hiệu
Tên hiệu: Vùng đất của chim mỏ sừng
Khẩu hiệu"Bersatu, Berusaha, Berbakti"
"Đoàn kết, cần miễn, phụng hiến"
Hiệu ca: Ibu Pertiwiku (quê ta)
   Sarawak trong    Malaysia
   Sarawak trong    Malaysia
Sarawak trên bản đồ Thế giới
Sarawak
Sarawak
Trực thuộc sửa dữ liệu
Thủ phủKuching
Tỉnh
Chính quyền
 • KiểuThể chế Đại nghị sửa dữ liệu
Diện tích[1]
 • Tổng124.450 km2 (48,050 mi2)
Dân số (2015)[2]
 • Tổng2.636.000
 • Mật độ21/km2 (55/mi2)
HDI
 • HDI (2017)0,737 (trung bình) (13th)
Múi giờUTC+8 sửa dữ liệu
Mã bưu chính93xxx đến 98xxx
Mã điện thoại082 (Kuching), (Samarahan)
083 (Sri Aman), (Betong)
084 (Sibu), (Kapit), (Sarikei), (Mukah)
085 (Miri), (Limbang), (Marudi), (Lawas)
086 (Bintulu), (Belaga)
Mã ISO 3166MY-13 sửa dữ liệu
Biển số xeQA & QK (Kuching)
QB (Sri Aman)
QC (Kota Samarahan)
QL (Limbang)
QM (Miri)
QP (Kapit)
QR (Sarikei)
QS (Sibu)
QT (Bintulu)
QSG (Chính phủ bang Sarawak)
Trang webwww.sarawak.gov.my

Khu định cư sớm nhất được biết đến tại Sarawak có niên đại từ 40.000 năm trước tại Hang Niah. Phát hiện được một loạt đồ gốm sứ Trung Hoa có niên đại từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII trong di chỉ khảo cổ tại Santubong. Các khu vực duyên hải của Sarawak nằm dưới ảnh hưởng của Đế quốc Brunei vào thế kỷ XVI. Gia tộc Brooke cai trị Sarawak từ năm 1841 đến năm 1946. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khu vực bị quân Nhật chiếm đóng trong ba năm. Sau chiến tranh, Rajah Trắng cuối cùng là Charles Vyner Brooke nhượng Sarawak cho Anh Quốc, và đến năm 1946 lãnh thổ trở thành một thuộc địa hoàng gia Anh Quốc. Ngày 22 tháng 7 năm 1963, Sarawak được người Anh cấp quyền tự quản. Sau đó, lãnh thổ trở thành một trong các thành viên sáng lập Liên bang Malaysia vào ngày 16 tháng 9 năm 1963. Tuy nhiên, Indonesia phản đối thành lập liên bang, dẫn đến đối đầu giữa hai quốc gia. Từ năm 1960 đến năm 1990, tại Sarawak cũng diễn ra một cuộc nổi dậy cộng sản.

Người đứng đầu bang là thống đốc, hay còn gọi là Yang di-Pertua Negeri, còn người đứng đầu chính phủ là thủ hiến (Chief Minister). Hệ thống chính phủ theo sát mô hình hệ thống nghị viện Westminster và có hệ thống cơ quan lập pháp bang sớm nhất tại Malaysia. Sarawak được phân thành các tỉnh và huyện. Sarawak sở hữu sự đa dạng đáng chú ý về dân tộc, văn hóa và ngôn ngữ. Các dân tộc chủ yếu tại Sarawak là: Iban, Mã Lai, Hoa, Melanau, Bidayuh, và Orang Ulu. Tiếng Anh và tiếng Mã Lai là hai ngôn ngữ chính thức của bang. Gawai Dayak là một lễ hội thường niên được tổ chức vào ngày nghỉ lễ công cộng, và sapeh là một nhạc cụ truyền thống.

Sarawak có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, kinh tế bang có định hướng xuất khẩu mạnh, chú yếu dựa trên dầu khí, gỗ và cọ dầu. Các ngành công nghiệp khác là chế tạo, năng lượng và du lịch.

Từ nguyên sửa

 
Chim tê điểu là bang điểu của Sarawak

Lời giải thích chính thức về từ "Sarawak" là nó bắt nguồn từ serawak trong tiếng Mã Lai Sarawak, nghĩa là antimon. Lời giải thích phổ biến khác song phi chính thức cho rằng đây là lược danh từ bốn từ trong tiếng Mã Lai do Pangeran Muda Hashim (chú của Quốc vương Brunei) công khai phát biểu, Saya serah pada awak (Tôi giao lại nó cho ông) khi ông tra giao Sarawak cho James Brooke vào năm 1841.[3] Tuy nhiên, lời giải thích thứ hai này có một số sai lầm do lãnh thổ đã được định danh là Sarawak trước cả khi Brooke đến, và từ awak chưa từng tồn tại trong từ vựng tiếng Mã Lai Sarawak trước khi thành lập Malaysia.[4]

Sarawak cũng có biệt danh là "Xứ chim mỏ sừng" (Bumi Kenyalang) do chim mỏ sừng là một biểu trưng văn hóa quan trọng đối với người Dayak tại Sarawak. Người ta cho rằng nếu thấy chim mỏ sừng bay trên chỗ ở, thì sẽ mang đến may mắn cho cộng đồng địa phương. Chim mỏ sừng Rhinoceros là bang điểu của Sarawak.[5]

Lịch sử sửa

Tiền sử sửa

 
Lối vào chính của Hang Niah

Những người sắn bắt hái lượm đầu tiên đến cửa tây của Hang Niah (cách 110 kilômét (68 mi) về phía tây nam của Miri)[6] 40.000 năm trước, khi Borneo nối liền với đại lục Đông Nam Á. Cảnh quan quanh Hang Niah khô hơn và trần trụi hơn so với hiện nay. Thời tiền sử, bao quanh Hang Niah là hỗn hợp các khu rừng rậm và cây bụi, cao nguyên cây thưa, đầm lầy, và sông. Những người đến ban đầu có thể sinh tồn trong các khu rừng nhờ săn bắn, đánh cá, và thu lượm các loài nhuyễn thể và thực vật ăn được[7] Điều này được chứng minh thông qua phát hiện một sọ người hiện đại, biệt danh là "Deep Skull", của nhà thông thái-khảo cổ người Anh Tom Harrisson vào năm 1958;[6][8] đây cũng là sọ người hiện đại cổ nhất được biết đến tại Đông Nam Á.[9] Chiếc sọ có lẽ là của một nữ thiếu niên 16-17 tuổi.[7] Cũng phát hiện được các di chỉ mộ táng thời đại đồ đá giữathời đại đồ đá mới.[10] Khu vực quanh Hang Niah được xác định là Vườn quốc gia Niah.[11]

Các di chỉ khảo cổ học khác sau đó được phát hiện tại các khu vực miền trung và miền nam Sarawak. Cuộc khai quật khác của Tom Harrisson vào năm 1949 phát hiện một loạt đồ gốm Trung Hoa tại Santubong (gần Kuching) có niên đại từ thời ĐườngTống. Có khả năng Santubong là một hải cảng quan trọng tại Sarawak trong thời kỳ đó, song tầm quan trọng của nó suy giảm vào thời Nguyên, và cảng bị bỏ hoang trong thời Minh.[12] Các di chỉ khảo cổ học khác tại Sarawak gồm có Kapit, Song, Serian, và Bau.[13]

Thời Đế quốc Brunei sửa

 
Quang cảnh một sông tại Sarawak, Borneo, k. thập niên 1800. Bức họa từ Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Anh tại Luân Đôn.

Trong thế kỷ XVI, khu vực Kuching[14] được các nhà vẽ bản đồ người Bồ Đào Nha biết tới với cái tên Cerava,[15] một trong số năm hải cảng lớn trên đảo Borneo.[16] Khu vực này nằm dưới ảnh hưởng của Đế quốc Brunei và từng được tự quản dưới quyền Sultan Tengah.[17] Đến đầu thế kỷ XIX, Sarawak trở thành một lãnh thổ được quản lý lỏng dưới quyền cai quản của Brunei.[15] Đế quốc Brunei chỉ có quyền lực dọc theo các khu vực duyên hải của Sarawak, là những nơi do các thủ lĩnh người Mã Lai bán độc lập nắm giữ. Trong khi đó, khu vực nội địa của Sarawak trải qua các cuộc chiến bộ lạc với thành phần là người Iban, Kayan, Kenyah, họ nỗ lực chiến đấu nhằm bành trướng lãnh thổ của mình.[18] Sau khi phát hiện thấy quặng antimon tại khu vực Kuching, Pangeran Indera Mahkota (một người đại diện của Quốc vương Brunei) bắt đầu phát triển lãnh thổ từ năm 1824 đến năm 1830. Khi sản lượng antimon gia tăng, Brunei yêu cầu Sarawak nộp thuế cao hơn;[19] dẫn đến nội loạn và hỗn độn.[15] Năm 1839, Quốc vương Brunei Omar Ali Saifuddin II lệnh cho chú là Pangeran Muda Hashim đi vãn hồi trật tự. Trong khoảng thời gian này một nhà thám hiểm người Anh tên là James Brooke đến Sarawak,[15] và Pangeran Muda Hashim thỉnh cầu người này giúp đỡ giải quyết vấn đề, song Brooke từ chối.[15] Tuy nhiên, Brooke chấp thuận một lời thỉnh cầu khác trong chuyến đi của ông đến Sarawak vào năm 1841. Pangeran Muda Hashim ký một hiệp ước vào năm 1841 theo đó trao Sarawak cho Brooke. Ngày 24 tháng 9 năm 1841,[20] Pangeran Muda Hashim ban tư cách thống đốc cho James Brooke. Quốc vương Brunei sau đó xác nhận sự bổ nhiệm này vào tháng 7 năm 1842. Đến tháng 10 năm 1843, James Brooke quyết định tiến hành một bước xa hơn và đưa Pangeran Muda Hashim vào triều đình Brunei. Triều đình Brunei bất mãn với việc bổ nhiệm Hashim và hạ lệnh ám sát khiến ông ta thiệt mạng vào năm 1845. Nhằm phản ứng, James Brooke cho bắn phá thủ đô của Brunei. Quốc vương Brunei quyết định gửi thư tạ lỗi đến Victoria của Anh và xác nhận quyền sở hữu của James Brooke đối với Sarawak và quyền khai mỏ của ông và không phải cống nạp cho triều đình Brunei.[21] Năm 1846, Brooke trở thành rajah đích thực của Sarawak và lập ra Triều đại Rajah Trắng tại Sarawak.[22][23]

Triều đại Brooke sửa

 
James Brooke, rajah đầu tiên của Sarawak

Brooke cai trị khu vực và bành trướng lãnh thổ về phía bắc cho đến khi ông từ trần vào năm 1868. Kế vị ông là người cháu con em gái tên là Charles Anthoni Johnson Brooke, người này sau khi từ trần được con trai Charles Vyner Brooke kế vị, với điều kiện là Charles cần tham khảo với chú ruột là Bertram Brooke trong việc cai trị.[24] Cả James và Charles Brooke đều ký các hiệp ước với Brunei với chiến lược bành trướng biên giới lãnh thổ của Sarawak. Năm 1861, khu vực Bintulu được nhượng cho James Brooke. Năm 1883, Sarawak bành trướng đến sông Baram (gần Miri). Gia tộc Brooke giành được Limbang vào năm 1885 rồi hợp nhất vào Sarawak trong năm 1890. Quá trình bành trướng của Sarawak hoàn thành vào năm 1905 khi Lawas được nhượng lại cho chính phủ Brooke.[25][26] Sarawak được chia thành năm đơn vị hành chính, tương ứng với biên giới lãnh thổ của các khu vực mà gia tộc Brooke giành được theo thời gian. Người đứng đầu mỗi đơn vị hành chính là một công sứ.[27] Hoa Kỳ công nhận Sarawak là một quốc gia độc lập vào năm 1850, Anh Quốc có động thái tương tự vào năm 1864. Quốc gia ban hành tiền tệ đầu tiên của mình với tên dollar Sarawak vào năm 1858.[28] Tuy vậy, trong phạm vi Malaysia, Brooke được nhận định mà một tên thực dân.[29]

 
Một tem thuế Sarawak năm 1888 mang hình ảnh của Charles Brooke

Triều đại Brooke cai trị Sarawak trong một trăm năm với hiệu "Rajah Trắng".[30] Triều đại thông qua chính sách gia trưởng nhằm bảo hộ lợi ích của cư dân bản địa và phúc lợi tổng thể của họ. Chính phủ Brooke lập ra một hội đồng tối cao gồm các tù trưởng Mã Lai, họ cố vấn cho các rajah trên tất cả các phương diện quản trị.[31] Kỳ họp Đại hội đồng đầu tiên diễn ra tại Bintulu vào năm 1867. Hội đồng Tối cao là hội đồng lập pháp cấp bang cổ nhất tại Malaysia.[32] Trong khi đó, người Iban và các dân tộc Dayak khác được thuê làm dân quân.[33] Triều đại Brooke cũng khuyến khích các thương nhân người Hoa nhập cư nhằm phát triển kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực khai mỏ và nông nghiệp.[31] Các nhà tư bản phương Tây bị hạn chế nhập cảnh trong khi các nhà truyền giáo Cơ Đốc được khoan dung.[31] Nghề hải tặc, chế độ nô lệ, và tục săn đầu người cũng bị cấm chỉ.[34] Công ty Hữu hạn Borneo được thành lập vào năm 1856, tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh tại Sarawak như mậu dịch, ngân hàng, nông nghiệp, khai khoáng, và phát triển.[35]

James Brooke ban đầu ở trong một tòa nhà kiểu Mã Lai xây tại Kuching. Đến năm 1857, những người khai thác vàng thuộc nhóm Khách Gia đến từ Bau dưới quyền lãnh đạo của Lưu Thiện Bang 劉善邦 đã tàn phá dinh thự của Brooke. James Brooke đào thoát và tổ chức một quân đội lớn hơn cùng với Charles Brooke[36] và các ủng hộ viên người Mã Lai-Iban của ông.[31] Vài ngày sau, quân đội của Brooke có thể cắt đường thoát của phiến quân người Hoa, họ bị tiêu diệt sau hai tháng giao tranh.[37] Gia tộc Brooke sau đó xây dựng một tòa nhà chính phủ mới ven sông Sarawak tại Kuching mà nay gọi là Astana.[38][39] Một phái chống Brooke trong triều đình Brunei bị đánh bại vào năm 1860 tại Mukah. Các vụ nổi loạn đáng chú ý khác bị gia tộc Brooke dẹp yên gồm có vụ do một thủ lĩnh người Iban tên là Rentap (1853 – 1863), và một thủ lĩnh người Mã Lai tên là Syarif Masahor (1860 – 1862).[31] Kết quả là một loạt công sự được xây dựng quanh Kuching nhằm củng cố quyền lực của Rajah. Chúng gồm có Công sự Margherita hoàn thành vào năm 1879.[39] Năm 1891, Charles Anthoni Brooke cho lập Bảo tàng Sarawak, là bảo tàng cổ nhất tại Borneo.[39][40]

Năm 1941, trong lễ kỷ niệm 100 năm gia tộc Brooke cai trị Sarawak, một hiến pháp mới được soạn thảo nhằm hạn chế quyền lực của Rajah và nhằm cho phép người Sarawak đóng vai trò lớn hơn trong hoạt động của chính phủ.[41] Tuy nhiên, dự thảo hiến pháp có chứa những điều bất thường, bao gồm một thỏa thuận bí mật được soạn thảo giữa Charles Vyner Brooke và các quan chức chính phủ Anh Quốc, theo đó Vyner Brooke nhượng lại Sarawak để làm thuộc địa hoàng gia Anh nhằm đổi lấy bồi thường tài chính cho ông và gia đình.[30][42]

Nhật Bản chiếm đóng và Đồng Minh giải phóng sửa

 
Không ảnh trại tù binh chiến tranh Batu Lintang; ngày 29 tháng 8 năm 1945 hoặc sau đó.
 
Lễ đầu hàng chính thức của quân Nhật trước quân Úc tại Kuching vào ngày 11 tháng 9 năm 1945.

Chính phủ Brooke dưới quyền Charles Vyner Brooke lập ra một số đường băng tại Kuching, Oya, Mukah, Bintulu, và Miri để chuẩn bị trong trường hợp có chiến tranh. Đến năm 1941, người Anh triệt thoái lực lượng phòng thủ khỏi Sarawak và trở về Singapore. Do lúc này Sarawak không được phòng thủ, chế độ Brooke quyết định thông qua một chính sách tiêu thổ theo đó các cơ sở dầu mỏ tại Miri bị phá hủy và đường băng Kuching được duy trì lâu nhất có thể trước khi bị phá. Trong khi đó, quân Nhật quyết định chiếm Borneo thuộc Anh nhằm bảo vệ sườn phía đông của họ trong Chiến dịch Mã Lai và để thuận tiện cho việc xâm chiếm SumatraTây Java. Một đạo quân xâm lược Nhật Bản do Kiyotake Kawaguchi lãnh đạo đổ bộ tại Miri vào ngày 16 tháng 12 năm 1941 và chiếm Kuching vào ngày 24 tháng 12 năm 1941. Quân Anh dưới quyền Trung tá C. M. Lane quyết định triệt thoái đến Singkawang thuộc Borneo Hà Lan tiếp giáp Sarawak. Sau mười tuần giao tranh tại Borneo thuộc Hà Lan, quân Đồng Minh đầu hàng vào ngày 1 tháng 4 năm 1942.[43] Khi quân Nhật xâm chiếm Sarawak, Charles Vyner Brooke quyết định rời đến Sydney trong khi các quan chức của ông bị quân Nhật bắt giữ và giam tại trại Batu Lintang.[44]

Sarawak duy trì là bộ phận của Đế quốc Nhật Bản trong ba năm tám tháng. Sarawak cùng với Bắc Borneo và Brunei tạo thành một đơn vị hành chính đơn nhất mang tên Kita Boruneo (Bắc Borneo)[45] dưới quyền Quân đoàn 37 của Nhật có đại bản doanh tại Kuching. Sarawak được phân thành ba châu là: Kuching-shu, Sibu-shu, và Miri-shu, mỗi châu nằm dưới quyền một thống đốc người Nhật. Về cơ bản, người Nhật duy trì bộ máy hành chính tiền chiến và phân người Nhật đảm nhiệm các chức vụ chính phủ. Quyền quản lý nội lục của Sarawak được để lại cho cảnh sát bản địa và thủ lĩnh làng, dưới quyền giám sát của Nhật. Mặc dù người Mã Lai có đặc trưng là dễ dàng chấp nhận người Nhật, song các bộ lạc bản địa khác như Iban, Kayan, Kenyah, Kelabit và Lun Bawang giữ thái độ thù định với họ do các chính sách như lao động cưỡng bách, phân phối cưỡng bách thực phẩm, và tịch thu súng. Người Nhật không dùng đến các biện pháp mạnh nhằm kiềm chế người Hoa do người Hoa tại Sarawak nhìn chung là phi chính trị. Tuy nhiên, một lượng đáng kể người Hoa chuyển từ các khu vực đô thị đến khu vực nội lục khó tiếp cận hơn nhằm giảm bớt tiếp xúc với người Nhật.[46]

Quân Đồng Minh thành lập Đơn vị Đặc biệt Z để phá hoại các hoạt động của Nhật Bản tại Đông Nam Á. Bắt đầu từ tháng 3 năm 1945, các sĩ quan chỉ huy của Đồng Minh nhảy dù xuống rừng rậm Borneo và lập một số căn cứ tại Sarawak theo một chiến dịch có hiệu là "Semut". Hàng trăm người bản địa được huấn luyện để phát động tấn công chống quân Nhật. Thông tin tình báo thu thập được từ chiến dịch giúp quân Đồng Minh (đứng đầu là Úc) tái chiếm Borneo trong tháng 5 năm 1945 thông qua Chiến dịch Oboe Six.[47] Quân Nhật đầu hàng Quân Úc vào ngày 10 tháng 9 năm 1945 tại Labuan,[48][49] và lễ đầu hàng chính thức diễn ra ngoài khơi Kuching trên tàu hộ vệ HMAS Kapunda của Úc vào hôm sau.[50] Sarawak lập tức đặt dưới quyền Chính phủ Quân sự Anh cho đến tháng 4 năm 1946.[51]

Thuộc địa hoàng gia Anh sửa

 
Tuần hành chống chuyển nhượng tại Sarawak

Sau chiến tranh, chính phủ Brooke không đủ nguồn lực để tái thiết Sarawak. Charles Vyner Brooke cũng không sẵn lòng giao lại quyền lực của mình cho người kế nhiệm hiển nhiên là cháu trai Anthony Brooke (con trai duy nhất của Bertram Brooke) do khác biệt nghiêm trọng giữa họ.[18] Ngoài ra, vợ của Vyner Brooke là Sylvia Brett cũng nỗ lực làm mất uy tín Anthony Brooke nhằm đưa con gái của bà lên ngôi. Do đó, Vyner Brooke quyết định nhượng lại chủ quyền của Sarawak cho Hoàng gia Anh.[42] Một dự luật chuyển nhượng được đưa ra Hội đồng Negri (hay là Hội đồng Lập pháp Bang Sarawak) và được thảo luận trong ba ngày. Dự luật được thông qua vào ngày 17 tháng 5 năm 1946 với kết quả đa số hẹp (19 so với 16 phiếu). Những người ủng hộ dự luật hầu hết là quan chức người Âu, trong khi người Mã Lai phản đối dự luật. Kết quả là hàng trăm công vụ viên người Mã Lai từ chức để phản đối, làm bùng phát phong trào chống chuyển nhượng và sự kiện ám sát thống đốc thực dân thứ nhì của Sarawak là Duncan Stewart do một người Mã Lai tên là Rosli Dhobi tiến hành.[52]

Anthony Brooke phản đối chuyển nhượng lãnh thổ của Rajaj cho Hoàng gia Anh. Ông bị cho là liên kết với các tổ chức chống chuyển nhượng tại Sarawak, đặc biệt là sau sự kiện ám sát Duncan Stewart.[53] Anthony Brooke tiếp tục yêu sách chủ quyền với tư cách là Rajah của Sarawak ngay cả sau khi Sarawak trở thành một Thuộc địa Hoàng gia Anh vào ngày 1 tháng 7 năm 1946.[42] Do đó ông bị chính phủ thực dân trục xuất khỏi Sarawak.[31] Năm 1950, toàn bộ các phong trào chống chuyển nhượng tại Sarawak ngừng lại sau khi bị chính phủ thực dân áp chế.[18] Năm 1951, Anthony từ bỏ toàn bộ yêu sách của mình đối với vương vị Sarawak sau khi sử dụng con đường pháp lý cuối cùng tại Viện Cơ mật Anh.[54]

Tự quản và Liên bang Malaysia sửa

 
Stephen Kalong Ningkan tuyên bố việc thành lập Liên bang Malaysia vào ngày 16 tháng 9 năm 1963

Ngày 27 tháng 5 năm 1961, Thủ tướng Liên bang Malaya Tunku Abdul Rahman công bố kế hoạch thành lập một liên bang lớn hơn cùng với Singapore, Sarawak, Sabah và Brunei, mang tên Malaysia. Kế hoạch này khiến các lãnh đạo địa phương tại Sarawak thận trọng trước ý định của Tunku trong bối cảnh khác biệt lớn về phát triển kinh tế xã hội giữa Malaya và các quốc gia Borneo. Tồn tại một mối lo ngại chung là nếu không có một thể chế chính trị mạnh mẽ, các quốc gia Borneo sẽ bị Malaya thực dân hóa. Do đó, nhiều chính đảng tại Sarawak xuất hiện để bảo vệ lợi ích của các cộng đồng mà họ đại diện. Ngày 17 tháng 1 năm 1962, Ủy ban Cobbold được thành lập nhằm đánh giá sự ủng hộ của Sarawak và Sabah đối với vấn đề liên bang hóa. Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1962, ủy ban gặp trên 4.000 người và nhận được 2.200 bản ghi nhớ từ các tổ chức khác nhau. Ủy ban báo cáo rằng có sự chia rẽ về ủng hộ trong cư dân Borneo. Tuy nhiên, Tunku diễn giải số liệu là 80% ủng hộ liên bang hóa.[55][56] Sarawak phê chuẩn một hiệp nghị 18 điểm nhằm bảo đảm lợi ích trong liên bang. Ngày 26 tháng 9 năm 1962, Hội đồng Negri Sarawak thông qua một nghị quyết ủng hộ liên bang hóa với một điều kiện là các lợi ích của nhân dân Sarawak sẽ không bị tổn hại. Ngày 23 tháng 10 năm 1962, năm chính đảng tại Sarawak thành lập một mặt trận thống nhất ủng hộ thành lập Malaysia.[57] Sarawak được chính thức trao quyền tự quản vào ngày 22 tháng 7 năm 1963,[58][59][60] và sau đó hình thành Liên bang Malaysia cùng Malaya, Bắc Borneo, và Singapore vào ngày 16 tháng 9 năm 1963.[61][62]

Sự kiện liên bang hóa Malaysia gặp phải phản đối từ Philippines, Indonesia, Đảng Nhân dân Brunei, và Tổ chức Cộng sản Bí mật (CCO). Philippines và Indonesia tuyên bố rằng người Anh sẽ tiến hành chế độ thực dân mới tại các lãnh thổ Borneo thông qua liên bang.[63] Trong khi đó, thủ lĩnh của Đảng Nhân dân Brunei là A.M. Azahari xúc tiến khởi nghĩa tại Brunei trong tháng 12 năm 1962 để ngăn Brunei gia nhập Malaysia.[64] Azahari chiếm lĩnh Limbang và Bekenu trước khi bị quân Anh đến từ Singapore đánh bại. Tổng thống Indonesia Sukarno tuyên bố rằng khởi nghĩa tại Brunei là bằng chứng vững chắc về phản đối Malaysia liên bang hóa, ông hạ lệnh tiến hành đối đầu quân sự với Malaysia, phái các tình nguyện viên vũ trang và sau đó là quân đội đến Sarawak. Sarawak trở thành một điểm nóng trong đối đầu Indonesia–Malaysia từ năm 1962 đến năm 1966.[65][66] Những sự kiện đối đầu như vậy giành được ít sự ủng hộ từ người Sarawak ngoại trừ CCO. Hàng nghìn thành viên CCO đến Kalimantan và trải qua huấn luyện cùng Đảng Cộng sản Indonesia. Trong thời kỳ đối đầu, khoảng 10.000 đến 150.000 binh sĩ Anh đồn trú tại Sarawak, cùng với các binh sĩ Úc và New Zealand. Đến khi Suharto thay thế Sukarno làm tổng thống của Indonesia, các cuộc đàm phán giữa Malaysia và Indonesia được tái khởi động, dẫn đến kết thúc đối đầu vào ngày 11 tháng 8 năm 1966. Năm 1967, hiệp nghị mới được ký kết theo đó yêu cầu bất kỳ ai muốn vượt biên giới Sarawak – Kalimantan phải có một xác nhận vượt biên tại đồn kiểm soát biên giới.[63]

Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vào năm 1949, tư tưởng Mao Trạch Đông bắt đầu thâm nhập các trường học người Hoa tại Sarawak. Tổ chức cộng sản đầu tiên tại Sarawak được thành lập vào năm 1951, có nguồn gốc tại Trường Trung học Trung Hoa (Kuching). Kế tiếp tổ chức này là Đồng minh Giải phóng Sarawak (SLL) năm 1954 (các nguồn chính phủ còn viết là CCO). Hoạt động của họ này lan truyền từ trường học đến các hội quán và nông dân. Các hoạt động của CCO chủ yếu tập trung tại các khu vực miền nam và miền trung của Sarawak. Tư tưởng Mao Trạch Đông cũng thâm nhập thành công một chính đảng mang tên Đảng Liên hiệp Nhân dân Sarawak (SUPP). CCO nỗ lực nhằm lập ra một nhà nước cộng sản tại Sarawak thông qua các phương thức theo hiến pháp song trong thời kỳ đối đầu, họ dùng đến đấu tranh vũ trang chống chính phủ.[18] Văn Minh Quyền 文铭权 và Hoàng Kỉ Tác 黄纪作 là hai thủ lĩnh nổi bật của CCO. Sau đó, chính phủ Sarawak bắt đầu kế hoạch Làng Mới dọc đường Kuching – Serian nhằm ngăn chặn cộng đồng giúp đỡ những người cộng sản. CCO chính thức thành lập Đảng Cộng sản Bắc Kalimantan (NKCP) vào năm 1970. Năm 1973, Hoàng Kỉ Tác đầu hàng Thủ hiến Abdul Rahman Ya'kub; sự kiện này làm suy yếu đáng kể sức mạnh của đảng cộng sản. Văn Minh Quyền là người chỉ đạo CCO từ Trung Quốc từ giữa thập niên 1960, ông kêu gọi đấu tranh vũ trang chống chính quyền, và xung đột vẫn tiếp tục sau năm 1974 tại đồng bằng châu thổ sông Rajang. Năm 1989, Đảng Cộng sản Malaya (MCP) ký kết một hiệp nghị hòa bình với chính phủ Malaysia. Sự kiện này khiến NKCP mở lại các cuộc đàm phán với chính phủ Sarawak, kết quả là hiệp nghị hòa bình vào ngày 17 tháng 10 năm 1990. Hòa bình được khôi phục tại Sarawak sau khi nhóm 50 du kích cộng sản cuối cùng hạ vũ khí.[67][68]

Môi trường sửa

Địa lý sửa

 
Sarawak nằm tại miền tây bắc đảo Borneo trên ảnh vệ tinh NASA.

Tổng diện tích của Sarawak là gần 124.450 kilômét vuông (48.050 dặm vuông Anh), và nằm giữa 0° 50′ và 5° vĩ Bắc, 109° 36′ và 115° 40′ kinh Đông. Sarawak chiếm 37,5% tổng diện tích của Malaysia.[69] Bang này có vùng rừng mưa nhiệt đới lớn với các loài động thực vật phong phú.[15]

Bang Sarawak có 750 kilômét (470 mi) đường bờ biển, bị gián đoạn ở phía bắc do khoảng 150 kilômét (93 mi) bờ biển Brunei. Sarawak tách biệt với phần đảo Borneo thuộc Indonesia qua các dãy đồi núi cao, chúng là bộ phận của dãy núi trung tâm của Borneo. Chúng cao hơn về phía bắc, và đạt đỉnh gần nguồn của sông Baram tại dốc Núi Batu Lawi và Núi Mulu. Núi Murud là điểm cao nhất tại Sarawak.[15] Vườn quốc gia Lambir Hills được biết đến vì các thác nước tại đó.[70] Phòng ngầm lớn nhất thế giới là Phòng Sarawak nằm trong Vườn quốc gia Gunung Mulu. Các điểm thu hút khác trong vườn gồm Hang Deer (hành lang hang lớn thứ nhì thế giới)[71]Hang Clearwater (hệ thống hang dài nhất tại Đông Nam Á).[72][73] Vườn quốc gia Gunung Mulu là một di sản thế giới của UNESCO.[74]

Sarawak thường được phân thành ba vùng sinh thái. Khu vực duyên hải khá thấp và bằng phẳng, có các vùng đầm lầy và môi trường ẩm ướt khác với diện tích lớn. Sarawak có các bãi biển như Pasir Panjang[75] và Damai tại Kuching,[76] Tanjung Batu tại Bintulu,[77] và Tanjung Lobang[78] cùng Hawaii tại Miri.[79] Khu vực đồi là nơi có nhiều người ở nhất và hầu hết thành thị cũng nằm tại đây. Các cảng Kuching và Sibu được xây dựng trên sông không xa bờ biển. Bintulu và Miri gần với đường bờ biển nơi các ngọn đồi chạy thẳng ra Biển Đông. Khu vực thứ ba là vùng núi dọc theo biên giới với Indonesia, có các cao địa Kelabit (Bario), Murut (Ba'kelalan) và Kenyah (Usun Apau Plieran) tại phía bắc.[15]

 
Sông Rajang là sông dài nhất tại Malaysia

Các sông lớn tại Sarawak là sông Sarawak, sông Lupar, sông Saribas, và sông Rajang. Sông Sarawak là sông chủ yếu chảy qua Kuching. Sông Rajang là sông dài nhất Malaysia với 563 kilômét (350 mi) bao gồm phụ lưu là sông Balleh. Về phía bắc, sông Baram, sông Limbang, và sông Trusan đổ vào Vịnh Brunei.[15]

Sarawak có địa lý nhiệt đới cùng khí hậu xích đạo, có hai mùa gió mùa: gió mùa đông bắc và gió mùa tây nam. Gió mùa đông bắc xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 2, gây ra mưa nhiều; gió mùa tây nam đem lại ít mưa hơn. Khí hậu ổn định quanh năm trừ khi có gió mùa. Nhiệt độ trung bình ngày dao động từ 23 °C (73 °F) vào buổi sáng đến 32 °C (90 °F) vào buổi chiều, trong khi Miri có nhiệt độ trung bình thấp nhất so với các đô thị lớn khác tại Sarawak. Miri còn có số giờ nắng nhiều nhất (trên sáu giờ mỗi ngày), trong khi các khu vực khác có từ năm đến sáu giờ mỗi ngày. Độ ẩm thường xuyên ở mức cao là trên 68%. Lượng mưa bình quân năm dao động từ 330 xentimét (130 in) đến 460 xentimét (180 in), trải dài 220 ngày mỗi năm.[69] Đất đá sa thạch-phiến sét và đất đá chiếm 60% diện tích, trong khi đất podzol chiếm 12% diện tích của Sarawak. Đất phù sa xuất hiện tại các khu vực ven biển và ven sông trong khi 12% diện tích đất của Sarawak có rừng đầm lầy than bùn bao phủ.[69]

Sarawak có thể được phân thành hai khu vực địa chất: Mảng Sunda kéo dài về phía tây nam từ sông Batang Lupar (gần Sri Aman) và tạo thành mũi phía nam của Sarawak, và khu vực địa máng kéo dài về phía đông bắc từ sông Batang Lupar, hình thành khu vực miền trung và miền bắc của Sarawak. Đá cổ nhất tại miền nam Sarawak là đá phiến, được hình thành trong các thời Kỷ Than đáKỷ Permi Muộn. Trong khi đá mácma trẻ nhất trong khu vực là andesit, tìm thấy tại Sematan. Thành hệ địa chất của khu vực miền trung và miền bắc bắt đầu vào thời kỳ Kỷ Creta Muộn. Một số loại đá có thể tìm thấy tại miền trung và miền bắc Sarawak là đá phiến sét, sa thạchđá phiến silic.[69]

Đa dạng sinh học sửa

Rừng ngập mặn và dừa nước bao phủ đường bờ biển của Sarawak, chúng chiếm 2% tổng diện tích đất rừng của bang, phổ biến nhất là tại các khu vực cửa sông của Kuching, Sarikei, và Limbang. Các loài cây chủ yếu tại đó là: đước, dừa nước, và nhum. Các khu rừng đầm lầy than bùn chiếm 16% diện tích đất rừng và tập trung tại miền nam Miri và hạ du thung lũng Baram. Các loài cây chủ yếu trong loại rừng này là: ramin (Gonystylus bancanus), meranti (các loài Shorea), và medang jongkong (Dactylocladus stenostachys). Rừng Kerangas chiếm 5% tổng diện tích rừng, còn rừng dầu chiếm cứ các khu vực núi.[69] Một số loài thực vật được nghiên cứu do dược tính của chúng.[80]

 
Một lối tản bộ qua Vườn quốc gia Lambir Hills.

Rừng mưa Sarawak có mức độ tập trung loài trên đơn vị diện tích vào hàng đầu trên thế giới. Bang có khoảng 185 loài thú, 530 loài chim, 166 loài rắn, 104 loài thằn lằn, và 113 loài lưỡng cư. Trong số đó, 19% loài thú, 6% loài chim, 20% loài rắn, và 32% loài thằn lằn là loài đặc hữu. Các loài này phần lớn được tìm thấy tại các khu vực được bảo vệ hoàn toàn. Bang có 2.000 loài cây, 1.000 loài lan, 757 loài dương xỉ, và 260 loài cọ.[81] Bang cũng là nơi sinh sống của các loài động vật gặp nguy hiểm, như voi lùn Borneo, khỉ vòi, đười ươitê giác.[82][83][84][85][86] Trung tâm Động vật hoang dã Matang, Khu Dự trữ Tự nhiên Semenggoh, và Khu Bảo tồn Động vật hoàng dã Lanjak Entimau[87] được chú ý vì các chương trình bảo vệ đười ươi của họ.[88][89] Vườn quốc gia Talang – Satang nổi tiếng vì sáng kiến bảo tồn rùa.[90] Ngắm chim là một hoạt động phổ biến tại nhiều vườn quốc gia như Vườn quốc gia Gunung Mulu, Vườn quốc gia Lambir Hills,[91] và Vườn quốc gia Similajau.[92] Vườn quốc gia Miri – Sibuti được biết đến vì các rặng san hô[93] còn Vườn quốc gia Gunung Gading được biết đến vì các loài hoa Rafflesia có kích thước lớn.[94] Vườn quốc gia Bako có 275 loài khỉ vòi,[95] và Vườn nắp ấm Padawan nổi tiếng với các loài cây nắp ấm ăn thịt.[96] Năm 1854, Alfred Russel Wallace từng đến thăm Sarawak. Một năm sau, ông gây dựng "Quy luật Sarawak" tạo nền tảng cho thuyết chọn lọc tự nhiên.[97]

Chính phủ bang Sarawak phê chuẩn một số luật nhằm bảo vệ các khu rừng và các loài hoang dã gặp nguy hiểm, trong đó có Sắc lệnh Rừng 1958,[98] Sắc lệnh Bảo vệ Loài hoang dã 1998,[99] và Sắc lệnh Vườn tự nhiên và Khu dự trữ tự nhiên Sarawak.[100] Một số loài được bảo vệ là đười ươi, đồi mồi dứa, chồn bay Sunda, và chim mỏ sừng sáo. Theo Sắc lệnh Bảo tồn Loài hoang dã 1998, cư dân bản địa Sarawak được phép săn bắt ở quy mô hạn chế các loài động vật hoang dã trong rừng rậm song không được phép chiếm hữu quá 5 kilôgam (11 lb) thịt.[101] Cơ quan Lâm nghiệp Sarawak được thành lập vào năm 1919 nhằm bảo tồn tài nguyên rừng trong bang.[102] Sau những chỉ trích quốc tế về ngành công nghiệp lâm sản tại Sarawak, chính phủ bang quyết định giảm quy mô Cơ quan Lâm nghiệp và thành lập Công ty Lâm nghiệp Sarawak vào năm 1995.[103][104] Trung tâm Đa dạng Sinh học Sarawak được thành lập vào năm 1997 nhằm bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững đa dạng sinh học trong bang.[105]

Chính trị sửa

Chính phủ sửa

Người đứng đầu bang Sarawak là Yang di-Pertua Negeri (hay thống đốc bang), chức vụ này phần lớn mang tính chất tượng trưng và do Yang di-Pertuan Agong (quốc vương) của Malaysia bổ nhiệm.[106] Thống đốc bang bổ nhiệm thủ hiến làm người đứng đầu chính phủ. Về tổng thể, thủ lĩnh của đảng nắm thế đa số trong Hội đồng Lập pháp của bang được bổ nhiệm làm thủ hiến. Các đại biểu đắc cử nghị viện được gọi là nghị viên. Hội đồng lập pháp của bang thông qua pháp luật trong các vấn đề không thuộc phạm vi quyền hạn của Nghị viện Malaysia như quản lý đất đai, lao động, rừng, nhập cư, đóng tàu và ngư nghiệp. Thủ hiến chỉ định chính phủ bang và các bộ trưởng và trợ lý bộ trưởng nội các.[107]

Nhằm bảo vệ các lợi ích của nhân dân Sarawak trong Liên bang Malaysia, Hiến pháp Malayisa có các điều khoản bảo vệ đặc biệt về vấn đề này. Sarawak có quyền kiểm soát nhập cảnh và cư trú của những người không phải cư dân Sarawak hay Sabah. Chỉ có các luật sư cư trú tại Sarawak mới có thể hành nghề luật tại đây. Tòa án Thượng thẩm tại Sarawak độc lập với Tòa án Thượng thẩm tại Malaysia Bán đảo. Thủ hiến Sarawak cần phải tham vấn trước khi bổ nhiệm chánh án của Tòa án Thượng thẩm Sarawak. Sarawak có các "tòa án bản địa". Sarawak nhận được trợ cấp đặc biệt từ chính phủ liên bang và tự quản lý thuế tiêu thụ. Người bản địa tại Sarawak được hưởng các đặc quyền như hạn ngạch và công việc trong dịch vụ công, học bổng, nhập học đại học, và giấy phép kinh doanh.[108] Các chính quyền địa phương tại Sarawak độc lập với các luật quyền lực địa phương do Nghị viện Malaysia ban hành.[109]

 
Tòa nhà Hội đồng Lập pháp Sarawak

Các chính đảng lớn tại Sarawak có thể phân thành ba nhóm: bản địa phi Hồi giáo, bản địa Hồi giáo, và phi bản địa; tuy nhiên các chính đảng có thể bao gồm thành viên đến từ hơn một nhóm.[110] Chính đảng đầu tiên của bang là Đảng Nhân dân Liên hiệp Sarawak (SUPP) được thành lập vào năm 1959, tiếp đến là Đảng Quốc gia Sarawak (PANAS) (năm 1960) và Đảng Dân tộc Sarawak (SNAP) (in 1961). Các chính đảng lớn khác như Đảng Bổn phận Sarawak (PESAKA) xuất hiện vào năm 1962.[18][note 1] Sarawak từng là thành trì chính trị của Đảng Liên minh cầm quyền, và sau là hậu thân của nó mang tên Barisan Nasional (BN) từ khi thành lập Malaysia vào năm 1963. Stephen Kalong Ningkan (thuộc SNAP) là thủ hiến đầu tiên của Sarawak với nhiệm kỳ từ năm 1963 đến năm 1966 sau khi ông đại thắng trong bầu cử hội đồng địa phương. Tuy nhiên, vào năm 1966 ông bị Tawi Sli (thuộc PESAKA) lật đổ với sự giúp đỡ của chính phủ liên bang, gây ra khủng hoảng hiến pháp tại Sarawak.[18] Tình thế chính trị trong bang ổn định cho đến Sự kiện Khách sạn Ming Court năm 1987, một cuộc đảo chính chính trị do chú của Abdul Taib Mahmud khởi xướng nhằm lật đổ chính phủ liên minh BN do Abdul Taib Mahmud lãnh đạo. Tuy nhiên, cuộc đảo chính bất thành và Abdul Taib Mahmud có thể duy trì chức vụ thủ hiến.[111]

Năm 1970, cuộc bầu cử nghị viện bang lần đầu tiên được tổ chức, các thành viên của Hội đồng Negri (nay là Hội đồng Lập pháp Sarawak) được cử tri bầu trực tiếp. Cuộc bầu cử này đánh dấu bắt đầu sự chi phối của dân tộc Melanau trên chính trường Sarawak bởi các chính trị gia Abdul Rahman Ya'kub và Abdul Taib Mahmud. Trong cùng năm, Đảng Cộng sản Bắc Kalimantan (NKCP) được thành lập, họ tiến hành chiến tranh du kích chống chính phủ bang Sarawak. Đảng này giải tán sau khi ký kết một hiệp ước hòa bình vào năm 1990.[68] Trong năm 1973, Đảng Di sản Bumiputera Liên hiệp (PBB) được thành lập khi hợp nhất một số đảng.[112] Đảng này sau đó trở thành trụ cột của liên minh Barisan Nasional Sarawak. Từ năm 1983, một đảng có căn cứ trong cộng đồng người Dayak là SNAP tan rã thành một số đảng do khủng hoảng về lãnh đạo.[113][114] Sarawak ban đầu tổ chức bầu cử cấp bang đồng thời với bầu cử nghị viện quốc gia. Tuy nhiên, thủ hiến đương thời là Abdul Rahman Ya'kub trì hoãn giải tán hội đồng lập pháp của bang thêm một năm để chuẩn bị trước thách thức từ phía các đảng đối lập và giải quyết phân bổ ghế cho đảng SNAP mới được nhận vào Barisan Nasional Sarawak.[115] Sự kiện này khiến Sarawak là bang duy nhất tại Malaysia tổ chức bầu cử cấp bang riêng biệt với bầu cử nghị viện quốc gia từ năm 1979.[116]

Năm 1978, Đảnh Dân chủ Hành động (DAP) là đảng đầu tiên có căn cứ tại Tây Malaysia mở các chi hội tại Sarawak.[112] Phần lớn ủng hộ của đảng này đến từ các trung tâm đô thị kể từ bầu cử cấp bang năm 2006, và họ trở thành đảng đối lập lớn nhất tại Sarawak.[117] Năm 2010, họ thành lập liên minh Pakatan Rakyat với Đảng Công chính Nhân dân (PKR) và Đảng Liên Hồi giáo Malaysia (PAS); hai đảng sau trở nên tích cực tại Sarawak từ năm 1996 đến năm 2001.[118] Các đảng cấu thành thuộc liên minh Barisan Nasional có căn cứ tại Bán đảo Mã Lai, đặc biệt là UMNO, không hoạt động tích cực trên chính trường Sarawak.[119]

Đơn vị hành chính sửa

Không như các bang tại Tây Malaysia, Sarawak được phân thành các tỉnh (division) thay vì huyện (district). Đứng đầu mỗi tỉnh là một thống sứ. Hiện tại, bang được chia thành 12 tỉnh:[106][120]

Các tỉnh được chia tiếp thành các huyện, mỗi huyện được phân thành các phó huyện. Hiện nay, Sarawak có 39 huyện. Bang có một viên chức phát triển tại mỗi tỉnh và huyện để thi hành các dự án phát triển. Tại các huyện, chính phủ bộ nhiệm một trưởng làng (gọi là ketua kampung hay penghulu) cho mỗi làng.[106][120] 39 chính quyền địa phương tại Sarawak nằm dưới quyền hạn của Bộ Chính quyền Địa phương và Phát triển Cộng đồng Sarawak.[121] Danh sách các tỉnh, huyện và phó huyện được liệt kê như sau:[1]

Tỉnh Huyện Phó huyện
Kuching Kuching Padawan
Bau
Lundu Sematan
Samarahan Samarahan
Asajaya Sadong Jaya
Simunjan Sebuyau
Serian[122] Serian Siburan
Tebedu
Sri Aman Sri Aman Lingga
Pantu
Lubok Antu Engkilili
Betong Betong Spaoh
Debak
Pusa[123] Maludam
Saratok
Kabong Roban
Sarikei Sarikei
Meradong
Julau
Pakan
Mukah Mukah Balingian
Dalat Oya
Daro
Matu Igan
Tanjung Manis
Sibu Sibu
Kanowit
Selangau
Kapit Kapit Nanga Merit
Song
Belaga Sungai Asap
Bintulu Bintulu
Tatau
Sebauh
Miri Miri Bario
Marudi Mulu
Subis Niah
Beluru Tinjar
Telang Usan Long Lama
Long Bedian
Limbang Limbang Nanga Medamit
Lawas Sundar
Trusan

An ninh sửa

Lực lượng vũ trang bán quân sự đầu tiên tại Sarawak là một trung đoàn do chế độ Brooke thành lập vào năm 1862, mang tên Biệt động quân Sarawak.[124] Trung đoàn giúp chế độ Brooke bình định quốc gia, và tham gia chiến tranh du kích kháng Nhật, trong Tình trạng khẩn cấp MalayaNổi dậy cộng sản Sarawak chống các phần tử cộng sản. Sau khi Malaysia được thành lập, trung đoàn sáp nhật đến lực lượng vũ trạng Malaysia và nay mang tên Trung đoàn Biệt động Hoàng gia.[125] Năm 1888, Sarawak cùng với Bắc Borneo, và Brunei, trở thành các lãnh thổ được Anh bảo hộ, do đó trách nhiệm về ngoại giao được giao cho người Anh để đổi lấy bảo hộ quân sự.[126] An ninh của Sarawak sau đó cũng là trách nhiệm của Úc và New Zealand.[127] Sau khi Malaysia được thành lập, chính phủ liên bang là thể chế duy nhất chịu trách nhiệm về chính sách ngoại giao và quân sự trong nước.[128][129]

Tranh chấp lãnh thổ sửa

Sarawak tồn tại một số tranh chấp lãnh thổ, với các quốc gia láng giếng là Brunei và Indonesia, cũng như với Trung Quốc về quyền sở hữu một số thực thể trên Biển Đông.[130][131][132] Năm 2009, Thủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi tuyên bố rằng Brunei đã từ bỏ yêu sách của họ đối với Limbang.[133] Tuy nhiên, thứ trưởng Ngoại giao Brunei Lim Jock Seng phát biểu rằng vấn đề chưa từng được thảo luận trong hội nghị.[134] Sarawak yêu sách Bãi ngầm James (Beting Serupai) và Cụm bãi cạn Luconia (Beting Raja Jarum/Patinggi Ali) là bộ phận vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, song Trung Quốc cũng có các động thái khẳng định chủ quyền.[135] Một số vấn đề biên giới Sarawak – Kalimantan cũng chưa được giải quyết với Indonesia.[136]

Hạ tầng sửa

Xét về tổng thể thì Sarawak có mức độ phát triển hạ tầng tương đối thấp so với Malaysia Bán đảo.[137] Bộ Phát triển Hạ tầng và Truyền thông Sarawak (MIDCom) chịu trách nhiệm về phát triển hạ tầng và viễn thông tại Sarawak.[138] Sarawak có 21 khu công nghiệp, cùng bốn cơ quan chính chịu trách nhiệm tiến hành và phát triển chúng.[139] Năm 2009, 94% các khu vực đô thị được cung cấp điện năng; tỷ lệ các khu vực nông thôn được cung cấp điện năng tăng từ 67% vào năm 2009[140] lên 91% vào năm 2014.[141] Về viễn thông, năm 2013 phạm vi phủ sóng của đường dây điện thoại cố định tại Sarawak là 25,7%, và tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động là 93,3%. Tỷ lệ sử dụng máy vi tính trong cùng năm là 45,9%; tỷ lệ người sử dụng internet là 58,8% tại các khu vực đô thị và 29,9% tại các khu vực nông thôn.[142] Công ty quốc doanh Sacofa Sdn Bhd (Sacofa Private Limited) chịu trách nhiệm xây dựng các tháp viễn thông tại Sarawak.[143] Sarawak Information Systems Sdn Bhd (SAINS) chịu trách nhiệm tiến hành và phát triển công nghệ thông tin tại Sarawak.[144] Năm 2012, Sarawak có 63 bưu điện, 40 điểm bưu điện, và năm bưu điện di động.[145] Phạm vi bao phủ phân phát thư tại các khu vực nông thôn là 60% vào năm 2015.[146]

Cục Nước Kuching (KWB) và Cục Nước Sibu (SWB) chịu trách nhiệm quản lý cung cấp nước tại các khu vực tương ứng. Công ty quốc doanh LAKU Management Sdn Bhd chịu trách nhiệm cung cấp nước cho Miri, Bintulu, và Limbang.[147] Sở Cung cấp Nước Nông thôn chịu trách nhiệm cung cấp nước cho các khu vực còn lại.[148] Tinhd đến năm 2014, 82% các khu vực nông thôn có một nguồn cung cấp nước sạch.[141]

Giao thông sửa

 
Nhà ga Sân bay quốc tế Kuching

Sarawak có tổng chiều dài đường bộ liên thông là 32.091 kilômét (19.940 mi) vào năm 2013, một nửa trong số đó (18.003 kilômét (11.187 mi)) là các đường cấp bang được trải nhựa, 8.313 kilômét (5.165 mi) đường đất (do các công ty lâm sản và đồn điền xây dựng), 4.352 kilômét (2.704 mi) đường rải sỏi, và 1.424 kilômét (885 mi) xa lộ liên bang được trải nhựa. Đường chính tại Sarawak là Xa lộ Liên Borneo chạy từ Sematan, Sarawak, qua Brunei đến Tawau, Sabah.[149] Tuy nhiên, do tình trạng đường hiện không đạt yêu cầu, do các điểm nguy hiểm, cua gấp, điểm mù, ổ gà và xói lở dọc đường,[150] kinh phí từ ngân sách liên bang được phân phối để nâng cấp các tuyến đường tại Sarawak. Theo hành lang kinh tế SCORE, có nhiều đường được xây dựng đến các đập thủy điện lớn, Bintulu, và Kapit.[149] Các thành thị lớn tại Sarawak cung ứng dịch vụ vận chuyển công cộng như buýt, tắc xi, và xe hòm. Dịch vụ buýt cũng có tuyến đến các khu vực lân cận là Sabah, Brunei, và Pontianak (Indonesia).[147] Sarawak sử dụng xa lộ hai chiều theo quy tắc lái xe bên trái.[151] Bang cũng cho phép các tài xế "rẽ trái khi lối ra thông thoáng".[152]

Sân bay quốc tế Kuching là cửa ngõ chính của Sarawak. Sân bay Miri phục vụ số lượng hạn chế các chuyến bay quốc tế. Các sân bay nhỏ như Sân bay Sibu, Sân bay Bintulu, Sân bay Mukah, Sân bay Marudi, Sân bay Mulu, và Sân bay Limbang cung cấp dịch vụ đến Kuala Lumpur và các địa điểm nội địa khác tại Sarawak. Ngoài ra, còn có một số đường băng hẻo lánh phục vụ các cộng đồng nông thôn trong bang.[149] Có ba hãng hàng không phục vụ các tuyến bay tại Sarawak: Malaysia Airlines, Air Asia, và MASwings.[153] Hornbill Skyways là một công ty hành không do chính phủ bang Sarawak sở hữu, cung cấp các chuyến bay thuê bao cá nhân và dịch vụ bay cho các công chức chính phủ bang.[154]

Sarawak có bốn cảng lớn tại Kuching, Sibu, Bintulu, và Miri.[147] Hải cảng Bintulu nằm dưới thẩm quyền của chính phủ liên bang Malaysia, và cũng là cảng nhộn nhịp nhất tại Sarawak, chủ yếu vận chuyển sản phẩm khí hóa lỏng và hàng hóa tiêu chuẩn. Các cảng khác tại Sarawak gồm có Cảng Công nghiệp Samalaju và Cảng Công nghiệp Tanjung Manis (TIMP). Tổng lượng hàng hóa thông quan tại bốn cảng lớn là 61,04 triệu FWT vào năm 2013.[149] Sarawak có 55 hệ thống sông có thể thông hành với tổng chiều dài là 3.300 kilômét (2.100 mi). Trong nhiều thế kỷ, các sông tại Sarawak từng là phương thức vận chuyển chủ yếu cũng như là một tuyến đường để lâm sản và nông sản được chuyển đến hạ du để xuất khẩu tại các cảng lớn. Cảng Sibu là đầu mối lớn trên sông Rajang, nằm cách cửa sông 113 kilômét (70 mi), chủ yếu vận chuyển lâm sản. Tuy nhiên, từ khi khánh thành Cảng Công nghiệp Tanjung Manis (TIMP) ở xa hơn về hạ du, tổng lượng hàng hóa thông quan tại cảng Sibu bị suy giảm.[149] Các tàu cao tốc là phương tiện vận chuyển quan trọng dọc các sông tại Sarawak.[147]

Sarawak không có đường sắt do thách thức về hậu cần và cư dân trong bang phân tán.[149]

Y tế sửa

 
Bệnh viện Đa khoa Sarawak

Sarawak có ba bệnh viện công lớn: Bệnh viện Đa khoa Sarawak, Bệnh viện Sibu, và Bệnh viện Miri.[155] Bang cũng có các bệnh viện huyện,[156] các phòng khám công, các phòng khám theo chương trình 1Malaysia, và các phòng khám nông thôn.[157] Ngoài các bệnh viện và phòng khám do chính phủ sở hữu, còn có các bệnh viện tư nhân tại Sarawak[158] như Trung tâm Chuyên khoa Y học Normah, Trung tâm Chuyên khoa Y học Timberland,[159] và Trung tâm Y tế Chuyên khoa Sibu. Sarawak cũng là một điểm đến du lịch y tế của du khách Brunei và Indonesia.[160] Đại học Malaysia Sarawak (UNIMAS) là đại học công duy nhất cấp bằng tốt nghiệp y khoa tại bang.[157] Bệnh viện Sentosa là bệnh viện tâm thần duy nhất tại Sarawak.[161]

Các cộng đồng nông thôn vẫn còn gặp thách thức trong việc tiếp cận y tế chất lượng tốt.[162] Đối với các làng nằm ngoài khu vực hoạt động của các phòng khám y tế, sẽ có dịch vụ bác sĩ trực thăng (FDS) mỗi lần trong một tháng. Các xúc tiến viên y tế làng được đặt tại các làng hẻo lánh sau khi tham gia ba tuần huấn luyện y tế cấp cứu và căn bản. Nhiều hình thức y học truyền thống vẫn được các cộng đồng khác nhau tại Sarawak sử dụng.[163][164][165][166][167]

Năm 2015, tỷ lệ bác sĩ-bệnh nhân trong bang là 1:1.104,thấp hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 1 bác sĩ trên 600 bệnh nhân. Trong cùng năm, Sarawak có 2.237 bác sĩ, trong đó 1.759 người phục vụ trong khu vực công và 478 người phục vụ trong khu vực tư nhân.[168] Tuy nhiên, bang còn có 248 chuyên viên, 942 nhân viên y tế, và 499 nhân viên nội trú.[156]

Giáo dục sửa

 
Tòa nhà hiệu bộ Đại học Malaysia Sarawak (UNIMAS)

Sarawak có tỷ lệ biết chữ tổng thể là 25% vào năm 1960.[169] Hiện nay, tỷ lệ biết chữ tại bang là 90%. Bộ Giáo dục Malaysia chịu trách nhiệm về giáo dục tiểu học và trung học tại Sarawak.[170] Các trường lâu năm nhất được thành lập tại Sarawak là: Trường St. Thomas Kuching (1848), Trường St Mary Kuching (1848), và Trường St Joseph Kuching (1882).[171] Năm 2012, Sarawak có 185 trường trung học công, bốn trường quốc tế,[172] và 14 trường độc lập Hoa ngữ.[173] Một số lượng đáng kể học sinh bản địa Sarawak theo học tại các trường Hoa ngữ.[174] Chính phủ Sarawak cũng nhấn mạnh giáo dục mầm non trong bang.[172] Sarawak có ba đại học công: Đại học Malaysia Sarawak (UNIMAS), Đại học Công nghệ Mara (UiTM) cơ sở Kota Samarahan, và Đại học Putra Malaysia cơ sở Bintulu. Đại học Utara Malaysia (UUM) cũng lập một số trung tâm nghiên cứu ngoại cảnh tại Kuching và Sibu. Sarawak cũng có hai đại học tư nhân là Đại học Curtin Sarawak và Đại học Kỹ thuật Swinburne cơ sở Sarawak.[170] Đào tạo nghề cũng được ưu tiên nhằm cung ứng lực lượng lao động có kỹ năng cho hành lang kinh tế SCORE. Bang cũng có một số trường cao đẳng cộng đồng[172] và bốn trường cao đẳng sư phạm.[175] Cao đẳng Sư phạm Batu Lintang là trường cao đẳng sư phạm lâu năm thứ ba tại Malaysia.[176] Năm 2015, tổng lực lượng lao động giảng dạy tại Sarawak là 40.593.[177]

Thư viện Bang Sarawak (còn gọi là PUSTAKA) là thư viện lớn nhất trong bang. Các thư viện công cộng và làng hiện diện tại nhiều thành thị.[178]

Nhân khẩu sửa

Thành phần dân tộc tại Sarawak (2014)[179]
Ethnic Percent
Iban
  
30%
Mã Lai
  
24.4%
Hoa
  
24.2%
Bidayuh
  
8.4%
Melanau
  
6.7%
Orang Ulu
  
5.4%
Ấn
  
0.3%
Khác
  
0.3%

Theo điều tra nhân khẩu năm 2015, dân số Sarawak là 2.636.000, là bang đông dân thứ tư tại Malaysia.[2] Tuy nhiên, do có diện tích lớn nên đây là bang có mật độ dân số thấp nhất toàn quốc, với trung bình 20 người/km². Tăng trưởng dân số trung bình mỗi năm từ năm 2000 đến năm 2010 là 1,8%.[1] Tính đến năm 2014, 58% cư dân sống tại thành thị và 42% cư dân sống tại nông thôn.[180] Tính đến năm 2011, tỷ suất sinh thô tại Sarawak là 16,3‰, tỷ suất tử thô là 4,3‰, và tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh là 6,5‰.[181]

Sarawak có trên 40 sắc tộc, mỗi nhóm có ngôn ngữ, văn hóa và phương thức sinh hoạt riêng biệt. Tại các thành thị trong bang, những dân tộc chủ yếu là người Mã Lai, người Melanau, người Hoa, và tỷ lệ thấp người Iban và Bidayuh di cư từ làng quê để tìm cơ hội việc làm.[182] Phát thẻ căn cước cho người bản địa sinh tại các khu vực hẻo lánh vẫn là một vấn đề thách thức. Khó khăn này khiến hàng nghìn người Penan không có quốc tịch.[183][184][185] Sarawak có 150.000 công nhân di cư có đăng ký đang làm các công việc nội trợ hoặc trong đồn điền, chế tạo, xây dựng dịch vụ và nông nghiệp.[186] Tuy nhiên, tổng số người nhập cư bất hợp pháp có thể lên đến 320.000-350.000 người.[187] Bumiputera là chỉ người Mã Lai và các dân tộc bản địa khác tại Malaysia bán đảo, Sarawak và Sabah. Nhóm cư dân này được hưởng các đặc quyền trong giáo dục, nghề nghiệp, tài chính và chính trị.[188] Orang Asal chỉ toàn bộ các dân tộc bản địa tại Malaysia ngoại trừ người Mã Lai.[189]

Dân tộc sửa

 
Tranh vẽ người Iban năm 1922

Về tổng thể, Sarawak có sáu dân tộc lớn: Iban, Hoa, Mã Lai, Bidayuh, Melanau, và Orang Ulu.[182] Một số dân tộc ít người hơn là Kedayan, Java, Bugis, Murut, và Ấn.[190] Thuật ngữ Dayak thường được dùng để chỉ người Iban và người Bidayuh trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc.[191] Năm 2015, chính phủ liên bang Malaysia công nhận sử dụng thuật ngữ trong bối cảnh chính thức.[192]

Sarawak là nơi có số lượng người Iban lớn nhất trên đảo Borneo, với 745.400 người.[193] Họ còn được gọi là người Dayak Biển. Đại đa số người Iban tin theo Cơ Đốc giáo. Người Iban ban đầu cư trú quanh lưu vực sông Rajang, song từ sau các cuộc chinh phạt quân sự của chính quyền Brooke, họ dần chuyển đến các khu vực phía bắc của Sarawak. Các khu dân cư Iban thường có dạng một nhà dài. Nhà dài từng là một đơn vị phòng thủ trong quá khứ, khi tục săn đầu người còn thịnh hành. Ngày nay, nhà dài là một biểu trưng nghi lễ của các gia đình sống tại đó. Trong quá khứ, người Iban công nhận địa vị hệ thống cấp bậc như raja berani (phú ông và chiến sĩ), orang mayuh (thường dân), và ulun (nô lệ). Tuy nhiên, trong thời kỳ Brooke, xã hội Iban được tái tổ chức thành các chức vụ chính thức như tuai rumah (thủ lĩnh), penghulu (thủ lĩnh khu vực), và temenggong (thủ lĩnh tối cao).[194] Họ vẫn tuân theo nhiều nghi lễ và đức tin của mình như Gawai Antu (lễ hội truy điệu) và Gawai Dayak (lễ hội thu hoạch).[195]

Các thương nhân người Hoa đến Sarawak lần đầu trong thế kỷ VI. Cư dân người Hoa hiện nay gồm có các cộng đồng là hậu duệ của những di dân trong thời kỳ Brooke.[15] Các di dân này ban đầu làm lao công trong các mỏ vàng tại Bau, Sarawak. Người Hoa tại Sarawak nói nhiều phương ngữ: Quảng Châu, Phúc Châu, Khách Gia, Mân Nam, Triều Châu, và Phủ Tiên). Họ cử hành các lễ hội văn hóa lớn như Tết Trung nguyênTết Nguyên đán. Đa số người Hoa Sarawak là tín đồ Phật giáo và Cơ Đốc giáo.[30] Tại Kuching, hầu hết người Hoa định cư gần sông Sarawak, nơi này về sau hình thành phố người Hoa tại Kuching.[196] Năm 1901, Hoàng Nãi Thường (Wong Nai Siong) đưa gia tộc đến định cư tại Sibu, gần sông Rajang.[197] The Chinese later went to work at coal mines and oil fields in Miri·[196] Người Hoa tại Sarawak chịu ảnh hưởng của Quốc dân Đảng và sau này là Đảng Cộng sản Trung Quốc trước khi chấp nhận tư tưởng chủ nghĩa dân tộc Sarawak sau năm 1963.[198]

Người Mã Lai có truyền thông làm ngư dân, xây dựng các khu dân cư dọc theo bờ sông. Ngày nay, họ di cư đến các khu vực đô thị và làm việc trong các khu vực công và tư nhận. Họ nổi tiếng với các đồ thủ công bằng bạc và đồng, chạm khắc gỗ, và hàng dệt.[15] Một số làng Mã Lai đặc trưng nằm dọc theo bờ sông gần Công sự Margherita, sau Thánh đường Hồi giáo Kuching, và tại chân Núi Santubong.[199] Tồn tại một số thuyết về nguồn gốc của người Mã Lai tại Sarawak. James Brooke công khai áp dụng thuật ngữ này lần đầu cho những người Hồi giáo bản địa sống bên bờ biển tại Sarawak. Tuy nhiên, không phải toàn bộ người Hồi giáo tại Sarawak là người Mã Lai, như hầu hết bộ lạc Melanau cũng tin theo Hồi giáo.[63][note 2] Các thuyết khác cho rằng người Mã Lai đến từ Quần đảo Mã Lai (ví dụ từ Java hay Sumatra), người Ả Rập từ Trung Đông, hoặc thông qua cải biến văn hóa và tôn giáo cư dân bản địa của Sarawak.[200]

Người Melanau là cư dân bản địa tại Sarawak. Hầu hết họ xuất thân từ khu vực thị trấn duyên hải Mukah.[201] Họ có truyền thống sống trong các nhà cao, song sau khi tiếp nhận phương thức sinh hoạt Mã Lai thì họ sống thành làng. Họ làm các công việc đánh cá, đóng tàu và thủ công. Họ vốn tin theo dị giáo và cử hành lễ hội thanh tẩy Kaul song hiện nay hầu hết họ là tín đồ Hồi giáo.[15][63][note 3][202]

Người Bidayuh chủ yếu sống tại phần phía nam của Sarawak như Lundu, Bau, Serian, và Padawan.[203] Họ được gọi là người Dayak Lục địa do có truyền thống sống trên các núi đá vôi dốc. Họ gồm một số phân nhóm như Jagoi, Biatah, và Selakau, và nói các phương ngữ không hiểu lẫn nhau.[204] Do đó, họ chấp nhận tiếng Anh và Mã Lai làm ngôn ngữ chung. Họ được biết đến với một số nhạc cụ như trống khổng lồ và gõ tre mang tên pratuakng. Giống ngư người Iban, các khu dân cư truyền thống của họ là nhà dài, song họ cũng xây nhà tròn baruk để họp cộng đồng. Đa số người Bidayuh tin theo Cơ Đốc giáo.[15]

Tên gọi Orang Ulu nghĩa là "người thượng du" trong tiếng Iban, nhóm này gồm nhiều bộ lạc sống tại thượng du khu vực nội lục của Sarawak như các bộ lạc Kenyah, Kayan, Lun Bawang, Kelabit, Penan, Bisaya, và Berawan.[15] Họ từng có tục săn đầu người, và hầu hết sống tại Bario, Ba'kelalan, Belaga, và gần lưu vực sông Baram.[205] Họ trang trí các nhà dài của mình bằng các bức tranh tường và khắc gỗ. Họ cũng nổi tiếng về đóng thuyền, xâu hạt và xăm mình.[15] Các nhạc cụ nổi tiếng của nhóm Orang Ulu là sapeh của người Kayan và sampe' của người Kenyah và dàn nhạc tre của người Lun Bawang. Người Kelabit và Lun Bawang nổi tiếng với sản phẩm gạo thơm.[205] Đa số nhóm Orang Ulu là tín đồ Cơ Đốc giáo.[15]

Tôn giáo sửa

Tôn giáo tại Sarawak (2010)[206]
Tôn giáo Tỷ lệ
Cơ Đốc giáo
  
42.6%
Hồi giáo
  
32.2%
Phật giáo
  
13.5%
Tôn giáo truyền thống Trung Hoa
  
6.0%
Không tôn giáo
  
2.6%
Không rõ
  
1.9%
Khác
  
1.0%
Ấn Độ giáo
  
0.2%

Mặc dù Hồi giáo là quốc giáo của liên bang, song Sarawak không có tôn giáo chính thức cấp bang.[207] Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thủ hiến của Abdul Rahman Ya'kub, Hiến pháp Sarawak được sửa đổi để đưa Yang di-Pertuan Agong thành người đứng đầu Hồi giáo tại Sarawak và trao quyền cho hội đồng lập pháp bang thông qua pháp luật liên quan đến sự vụ Hồi giáo. Cùng các điều khoản như vậy, các chính sách Hồi giáo có thể được chế định tại Sarawak và việc lập các cơ quan Hồi giáo cấp bang cũng có khả năng. Dự luật Hồi giáo Majlis 1979 cho phép lập các Tòa án Sharia tại Sarawak có thẩm quyền đối với các vụ án hôn nhân, quyền nuôi con, hứa hôn, thừa kế, và tội phạm trong bang. Một tòa án phúc thẩm và các tòa án Kadi cũng được thành lập.[115][note 4]

Sarawak là bang duy nhất tại Malaysia có số tín đồ Cơ Đốc giáo vượt số tín đồ Hồi giáo. Các nhà truyền giáo Cơ Đốc đầu tiên tại Sarawak thuộc Giáo hội Anh (Anh giáo) vào năm 1848, vài năm sau đó là những người Công giáo Lã Mã, những người Giám Lý đến vào năm 1903. Những người truyền giáo này đầu tiên hoạt động trong cộng đồng di dân người Hoa và sau đó mở rộng đến những người bản địa theo thuyết vật linh.[208] Các giáo phái Cơ Đốc khác tại Sarawak là Hội Phúc âm Borneo (BEM hay Sidang Injil Borneo, SIB.),[209]Báp-tít.[210] Các dân tộc bản địa như Iban, Bidayuh, và Orang Ulu chấp nhận Cơ Đốc giáo song duy trì một số nghi thức tôn giáo truyền thống của mình. Tín đồ Phật giáo, Đạo giáo và tôn giáo dân gian Trung Hoa chủ yếu là người Hoa.[211] Các tôn giáo thiểu số khác tại Sarawak là ton giáo Baha'i,[212] Ấn Độ giáo,[213] Sikh giáo,[214]thuyết vật linh.[215]

Ngôn ngữ sửa

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức duy nhất tại Sarawak từ năm 1963 đến năm 1974 do thủ hiến đầu tiên của Sarawak là Stephen Kalong Ningkan phản đối việc sử dụng tiếng Mã Lai tại Sarawak.[216] Đến năm 1974, thủ hiến mới là Abdul Rahman Ya'kub chọn tiếng Mã Lai và tiếng Anh là hai ngôn ngữ chính thức của Sarawak.[115][note 5] Ông cũng đổi ngôn ngữ giảng dạy trong trường học từ tiếng Anh sang tiếng Mã Lai.[217] Ngày nay, tiếng Anh được sử dụng trong tòa án, hội đồng lập pháp bang, và một số cơ quan chính phủ nhất định tại Sarawak.[218][219] Ngày 18 tháng 11 năm 2015, Thủ hiến Sarawak Adenan Satem tuyên bố việc chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Sarawak, cùng với tiếng Mã Lai.[220]

Tiếng Mã Lai, gọi là Bahasa Sarawak (hay tiếng Mã Lai Sarawak), là ngôn ngữ chính của người Mã Lai Sarawak và các bộ lạc bản địa khác. Bahasa Sarawak khác với phương ngữ được nói tại bán đảo Mã Lai. Tiếng Iban được nói rộng rãi với 34% cư dân Sarawak, còn tiếng Bidayuh có 6 phương ngữ lớn được 10% dân số nói. Nhóm Orang Ulu có khoảng 30 phương ngữ khác nhau. Người Hoa thường dùng tiếng Phổ thông Trung Quốc song họ cũng sử dụng nhiều phương ngữ khác như Mân Nam, Khách Gia, Phúc Châu và Triều Châu.[221]

Kinh tế sửa

Tỷ lệ GDP của Sarawak theo lĩnh vực (2015)[222]

  Dịch vụ (38.9%)
  Chế tạo (27.4%)
  Khai mỏ & Khai thác đá (19.5%)
  Nông nghiệp (9.9%)
  Xây dựng (5.8%)
  Thuế nhập khẩu (1.3%)
 
Một cảng khí hóa lỏng tại Bintulu, Sarawak

Sarawak có tài nguyên thiên nhiên phong phú, các lĩnh vực kinh tế chủ yếu là khai mỏ, nông nghiệp và lâm nghiệp chiếm 32,8% kinh tế của bang vào năm 2013.[222] Đóng góp chủ yếu cho ngành chế tạo là thực phẩm và đồ uống, sản phẩm từ gỗ và mây, sản phẩm kim loại thô, và sản phẩm hóa dầu.[1] Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ bao gồm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giao thông hàng không, và du lịch.[222] Từ năm 2000 đến năm 2009, Sarawak có mức tăng trưởng GDP bình quân năm là 5%.[223] Tăng trưởng GDP hàng năm biến động mạnh từ năm 2006 đến năm 2013, dao động từ −2,0% (2009) đến 7,0% (2010) với độ lệch chuẩn là 3,3%. Sarawak đóng góp 10,1% vào GDP của Malaysia trong chín năm tính đến năm 2013, trở thành bang đóng góp lớn thứ ba toàn quốc sau Selangor (22,2%) và Kuala Lumpur (13,9%) [222] GDP của Sarawak tăng trưởng từ 527 triệu ringgit (171,3 triệu USD) vào năm 1963 lên 58 tỷ ringgit (17,4 tỷ USD) vào năm 2013,[224] tăng 110 lần. Đồng thời kỳ, GDP/người tăng từ 688 ringgit (223,6 USD) lên 46.000 ringgit (13.800 USD), tăng 60 lần.[225] Sarawak có GDP/người cao thứ ba tại Malaysia (2015); sau Kuala Lumpur và Labuan.[226] Chính phủ bang Sarawak có thể duy trì thặng dư ngân sách trong bảy năm cho đến năm 2013, nhờ ngành công nghiệp dầu khí vốn đóng góp 34,8% thuế của bang. Sarawak cũng thu hút 9,6 tỷ ringgit (2,88 tỷ USD) đầu tư nước ngoài, trong đó 90% là vào Hành lang Năng lượng Tái tạo Sarawak (SCORE). SCORE là hành lang kinh tế lớn thứ nhì tại Malaysia.[222]

Kinh tế Sarawak có định hướng xuất khẩu mạnh mẽ, do đó nhạy cảm với giá hàng hóa toàn cầu. Tổng lượng xuất khẩu có giá trị cao hơn GDP vào năm 2013 trong khi tổng giá trị mậu dịch vượt 130%. Xuất khẩu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) chiếm hơn một nửa tổng lượng xuất khẩu của bang trong khi xuất khẩu dầu thô chiếm 20,8%. Trong khi đó, dầu cọ, gỗ xẻ chiếm 9,0% tổng lượng xuất khẩu.[222] Sarawak hiện nhận được 5% tiền khai thác dầu thô (tỷ lệ sản lượng dầu do công ty khai mỏ trả cho chủ cho thuê mỏ) từ Petronas đối với dầu thăm dò tại lãnh hải Sarawak.[227] Phần lớn các mỏ dầu khí nằm ngoài khơi gần Bintulu và Miri tại bồn Balingian, bồn Baram, và quanh cụm bãi cạn Luconia.[228] Sarawak là một trong các nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về sản phẩm gỗ cứng nhiệt đới, chiếm 65% tổng lượng xuất khẩu gỗ của Malaysia vào năm 2000. Thống kê của Liên Hợp Quốc vào năm 2001 ước tính xuất khẩu gỗ để xẻ của Sarawak trung bình là 14.109.000 mét khối (498.300.000 ft khối) mỗi năm từ 1996 đến 2000.[229] Ngân hàng OCBC là ngân hàng ngoại quốc đầu tiên mở các chi nhánh tại Sarawak vào năm 1955. Ngoài các ngân hàng nội địa, có 18 ngân hàng châu Âu, 10 ngân hàng Trung Đông, 11 ngân hàng châu Á, và 5 ngân hàng Bắc Mỹ có chi nhánh địa phương tại Sarawak.[230] Có một số công ty đặt trụ sở tại Sarawak tham gia nhiều lĩnh vực kinh tế như Cahya Mata Sarawak Berhad (CMSB), Naim Holdings, Rimbunan Hijau, Ta Ann Holdings, Shin Yang, Samling, WTK (Wong Tuong Kwang) Holdings và KTS (启德行) Group.[231]

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Sarawak tương quan cao độ với CPI của Malaysia, với lạm phát trung bình là từ 2,5-3,0% từ năm 2009 đến năm 2013 với một mức cao vào năm 2008 (10,0%) và mức thấp vào năm 2009 (−4,0%).[222] Bất bình đẳng thu nhập tại Sarawak không thể hiện bất kỳ thay đổi đáng kể nào từ năm 1980 đến năm 2009, khi hệ số Gini dao động từ 0,4 đến 0,5.[232][233] Sarawak giảm tỷ lệ nghèo từ 56,5% (1975) xuống dưới 1% (2015).[234] Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 4,6% (2010)[235] xuống 3,1% (2014).[234]

 
Các tua binh bên trong nhà máy điện Đập Bakun. Đập là nguồn điện năng chủ yếu tại Sarawak.

Sarawak Energy Berhad (SEB) chịu trách nhiệm về phát điện, truyền tải điện và phân phối điện trên toàn Sarawak.[236] Có ba đập hoạt động tại Sarawak tính đến năm 2015: Đập Batang Ai,[237] Đập Bakun,[238] và Đập Murum[239] cùng một số dự án khác đang được nghiên cứu và lập kế hoạch khả thi.[237] Sarawak cũng sản xuất điện năng từ các nhà máy điện than và khí hóa lỏng (LNG).[236][240] Tổng công suất phát điện của bang được dự tính đạt 7.000 MW vào năm 2025.[241] Ngoài cấp điện nội bộ, Sarawak Energy còn xuất khẩu điện năng sang tỉnh Tây Kalimantan của Indonesia.[242] Các nguồn nguyên liệu thay thế như sinh khối, thủy triều, mặt trời, gió và đập Micro hydro cũng đang được khảo sát tiềm năng để phát điện.[243]

Hành lang Năng lượng Tái tạo Sarawak (SCORE) được thành lập vào năm 2008 và được lên kế hoạch tiếp tục phát triển đến năm 2030 nhằm khai thác các tài nguyên năng lượng phong phú trong bang (Đập Murum, Đập Baram, Đập Baleh, và các nhà máy nhiệt điện than)[244] và nhằm phán triển 10 ngành công nghiệp ưu tiên cao độ[245] như nhôm, kính, sắt, dầu thô, ngư nghiệp, chăn nuôi, gỗ, và du lịch.[246] Toàn bộ khu vực miền trung Sarawak nằm trong SCORE và gồm có các khu vực chủ yếu như Samalaju (gần Bintulu), Tanjung Manis, và Mukah.[247] Năm 2008, các kế hoạch để phát triển Samalaju thành một khu công nghiệp,[248] với Tanjung Manis là một đầu mối thực phẩm halal,[249] và Mukah là trung tâm hành chính của SCORE với tập trung vào nghiên cứu và phát triển dựa trên tài nguyên.[250]

Du lịch giữ một vị thế lớn trong kinh tế của bang khi đóng góp 9,3% GDP vào năm 2015.[251] Cục Du lịch Sarawak chịu trách nhiệm về xúc tiến du lịch trong bang theo nhãn quan của Bộ Du lịch Sarawak. Trong khi đó, lĩnh vực du lịch tư nhân liên kết dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Du lịch Sarawak. Cục Hội nghị Sarawak chịu trách nhiệm về thu hút các hội nghị và sự kiện đoàn thể tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Borneo Kuching.[252] Hầu hết du khách ngoại quốc đến Sarawak là từ Brunei, Indonesia, Philippines, Singapore, và Trung Quốc.[253] Giải thưởng Du lịch Chim mỏ sừng Sarawak được tổ chức mỗi hai năm để công nhận những điều tốt nhất trong lĩnh vực du lịch của bang.[254] Lễ hội âm nhạc thế giới Rừng mưa (RWMF) là sự kiện "âm nhạc thế giới" đứng đầu khu vực, thu hút trên 20.000 người mỗi năm.[255] Các sự kiện khác được tổ chức định kỳ tại Sarawak là Liên hoan Điện ảnh Quốc tế ASEAN, Lễ hội Âm nhạc Châu Á, Lễ hội Jazz Borneo, Lễ hội Văn hóa Borneo, và Lễ hội Diều Quốc tế Borneo.[252] Các tổ hợp mua sắm lớn tại Sarawak gồm The Spring, Boulevard, Hock Lee Centre, City One tại Kuching,[256] và Bintang Megamall, Boulevard, Imperial Mall, và Miri Plaza tại Miri.[257] Thủ phủ Kuching từng được đề cập là một trong các địa điểm hưu trí tại Malaysia.[258][259][260]

Văn hóa sửa

 
Nhà dài của người Iban

Sarawak sở hữu sự đa dạng đáng chú ý về dân tộc, văn hóa và ngôn ngữ. Văn hóa Sarawak chịu ảnh hưởng từ người Mã Lai Brunei tại các khu vực duyên hải, cũng có ảnh hưởng đáng kể từ văn hóa Trung Hoa và Anh Quốc. Tục săn đầu người từng là một truyền thống quan trọng đối với người Iban; song phong tục này không còn được tiến hành.[261] Cơ Đốc giáo đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt thường nhật của người Kelabit và Lun Bawang và biến đổi bản sắc dân tộc của họ.[262] Người Penan là nhóm bản địa cuối cùng từ bỏ phương thức sinh hoạt di cư trong rừng rậm.[263][264] Kết hôn liên dân tộc là điều phổ biến trong bang.[265]

Làng Văn hóa Sarawak nằm tại chân Núi Santubong, Kuching, đây là một "bảo tàng sống" giới thiệu nhiều dân tộc thực hiện các hoạt động truyền thống trong nhà truyền thống tương ứng của họ. Tại đây cũng có biểu diễn văn hóa.[266][267] Bảo tàng Bang Sarawak có một bộ sưu tập các đồ tạo tác như gốm, dệt, và công cụ khắc gỗ từ nhiều bộ lạc tại Sarawak, và cũng có tài liệu dân tộc học của văn hóa bản địa. Tòa nhà bảo tàng duy trì được kiến trúc Pháp vốn có.[268] Các bảo tàng khác gồm có Bảo tàng Di sản Hồi giáo,[269] Bảo tàng Dầu mỏ, Bảo tàng Lịch sử Trung Hoa,[270] Bảo tàng Mèo Kuching,[271] Bảo tàng Dệt Sarawak,[272] Bảo tàng Nghệ thuật,[273] Bảo tàng Kỷ niệm Bệnh viện Lau King Howe,[274] và Bảo tàng Khu vực Baram.[275] Ngoài ra, còn có nhiều công sự được bảo quản tốt tại Sarawak có niên đại từ chế độ Brooke như Công sự Margherita,[276] Công sự Emma,[277] Công sự Sylvia,[278] và Công sự Alice.[279]

Khu nghỉ dưỡng Batang Ai và nhà dài Iban Bawang Assan cho phép du khách nghỉ qua đêm và tham gia các hoạt động thường nhật truyền thống của người Iban.[280][281] Các nhà dài khác gồm có: nhà dài Iban tại Kapit,[282] nhà dài Bidayuh tại Kuching,[283] nhà dài Kelabit tại Bario,[284] nhà dài Lun Bawang tại Ba'kelalan,[285] và nhà gỗ Melanau tại Sibu.[286] Main Bazaar và Carpenter Street là hai phố nổi tiếng tại phố người Hoa Kuching.[287] Phố người Ấn tại Kuching nổi tiếng với các sản phẩm dệt. Một thánh đường Hồi giáo của người Ấn Độ nằm tại lân cận.[288][289]

Mỹ thuật và thủ công sửa

 
Bộ người Kayan chơi Sapeh

Hội đồng Thủ công nghiệp Sarawak phổ biến đồ thủ công dân tộc bản địa.[290] Sarakraf Pavilion có một cửa hàng trưng bày đa dạng các kỹ năng thủ công.[291] Các đồ thủ công nổi tiếng tại Sarawak gồm có đồ kết hạt của người Orang Ulu,[292] vải Pua Kumbu của người Iban,[293] thảm Kesah và giỏ Tambok của người Bidayuh, thổ cẩm Kain của người Mã Lai,[266] khăn trùm đầu dân tộc,[294] và gốm Trung Hoa.[295] Hội Họa sĩ Sarawak được thành lập vào năm 1985 nhằm xúc tiến văn hóa và nghệ thuật địa phương bằng hình thức hội họa.[296][297] Hầu hết họa sĩ Sarawak thời hậu chiến ưu tiên phong cảnh và tự nhiên, vũ điệu truyền thống, và các hoạt động thường nhật truyền thống làm đề tài của mình.[298]

Sapeh của người Orang Ulu là một loại đàn guitar độc mộc, đây là nhạc cụ truyền thống nổi tiếng nhất tại Sarawak. Nó được trình diễn trước Nữ hoàng Elizabeth II trong chuyến công du của bà đến Sarawak vào năm 1972. Nhạc cụ lần đầu được giới thiệu ra thế giới trong lễ hội Nghệ thuật Biểu diễn Truyền thống Châu Á tại Nhật Bản vào năm 1976.[299] Các nhạc cụ truyền thống khác là các loại cồng chiêngKulintang (Tawak, Ketupung, và Engkeromong), các nhạc khí tự thanh,[300] sáo trúc và đàn tam thập lục.[301]

 
Ngajat, vũ điệu chiến sĩ Iban.

Truyền thống truyền khẩu là bộ phận của văn hóa nhiều dân tộc bản địa tại Sarawak trong nhiều thế hệ. Nó được sử dụng để truyền lại các bài học, truyền thống, và giá trị sống cho thế hệ trẻ. Các câu chuyện được người già kể nhiều lần cho người trẻ, chẳng hạn như trong các buổi kể chuyện vào những dịp đặc biệt và thông qua biểu diễn truyền thống.[302][note 6] Một số thực tiễn truyền thống này là các vũ điệu Ngajat của người Iban,[303] Renong (kho thanh nhạc Iban),[304] Ensera (truyện kể Iban),[216][note 7] và kể chuyện sử thi của người Kayan và Kenyah.[305][306] Cục Văn học Borneo tồn tại từ năm 1958 đến năm 1977; thể chế này khuyến khích tư liệu hóa văn hóa bản địa, tác giả bản địa, và xuất bản bằng tiếng Anh, Hoa, Mã Lai, Iban và các ngôn ngữ bản địa khác. Cục bị thay thế bằng Dewan Bahasa dan Pustaka (DBP) vào năm 1977, vốn chỉ chủ trương xuất bản bằng tiếng Mã Lai.[216][note 8] Tư liệu hóa các truyền thống truyền khẩu cũng được Đại học Malaysia Sarawak (UNIMAS) và Hội đồng Phong tục Sarawak thực hiện.[302][note 9] Sarawak Gazette (Công báo Sarawak) được chế độ Brooke phát hành lần đầu vào năm 1870 và vẫn được phát hành cho đến nay. Nó tường thuật nhiều tin tức tại Sarawak liên quan đến kinh tế, nông nghiệp, nhân loại học và khảo cổ học.[307] Hikayat Panglima Nikosa (Truyện kể về Nikosa chiến binh), xuất bản năm 1876 tại Kuching, là một trong số các xuất bản phẩm văn bản đầu tiên tại Borneo.[308] Tác giả của nó là Ahmad Syawal Abdul Hamid, và nó cũng là tiểu thuyết đầu tiên của Malaysia.[309] Các truyền thống bản địa cũng trở thành nguồn sáng tác cho các tác giả người Hoa tại Sarawak.[310]

Ẩm thực sửa

 
Một bát laksa tại Sarawak

Món ăn nổi tiếng tại bang gồm có laksa,[311] kolo mee,[312] và ayam pansuh.[313][314] Bang cũng được biết tới với món tráng miệng bánh lát Sarawak.[315] Mỗi dân tộc có các loại đồ ăn ngon riêng của họ với phong cách chuẩn bị, nấu và ăn khác nhau. Tuy nhiên, công nghệ hiện đại đã biến đổi cách thức nấu các món bản địa. Ví dụ các thực phẩm dân tộc là tuak của người Iban (rượu gạo), tebaloi(bánh quy giòn cọ sago) và umai (cá sống trộn nước chanh) của người Melanau, và urum giruq của người Orang Ulu (pudding).[316] Thực phẩm truyền thống của Sarawak cũng được bán trên thị trường với vai trò là sản phẩm du lịch ẩm thực.[317] Một số cửa hàng nhượng quyền phát triển tại địa phương là Sugar Bun, Singapore Chicken Rice, và Bing Coffee.[318] Các thực phẩm quốc tế khác như của Phương Tây, Indonesia, Ấn Độ, và Trung Đông cũng hiện diện tại đây.[319]

Truyền thông sửa

Chính phủ Sarawak được nhìn nhận phổ biến là gây ảnh hưởng lên truyền thông.[216][note 10] Một số báo chí có trụ sở tại Sarawak là Tinh Châu nhật báo 星洲日報,[320] Thi Hoa nhật báo 诗华日报, Borneo Post, và Utusan Borneo.[321] Trong thập niên 1990, các báo lớn miêu tả tiêu cực việc phong tỏa đốn gỗ tại Sarawak là gây thiệt hại cho tăng trưởng và phát triển của bang.[216][note 11] Sarawak Tribune bị đình chỉ vô hạn vào năm 2006 do xuất bản một biếm họa về Nhà tiên tri Muhammad.[322] Nhật báo trở lại với tiêu đề New Sarawak Tribune năm 2010.[323] Năm 2010, em dâu của cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown là Clare Rewcastle Brown (bà sinh ra tại Sarawak) lập ra một trang thông tin điện tử mang tên Sarawak Report và một đài phát thanh sóng ngắn đặt tại Luân Đôn mang tên Đài Sarawak Tự do để cung cấp tin tức và quan điểm tự do khỏi ảnh hưởng của chính phủ Sarawak.[324]

Đài Phát thanh Sarawak tồn tại từ năm 1954 đến năm 1976, phát sóng bằng tiếng Mã Lai, Iban, Hoa và Anh.[216][note 12] Một số đài phát thanh có trụ sở tại Sarawak là Sarawak FM,[325] cats FM[326] và TEA FM.[327]

Ngày lễ và lễ hội sửa

 
Người Sarawak tổ chức lễ hội có trình diễn pháo hoa.

Người Sarawak cử hành một số ngày lễ và lễ hội trong năm.[328] Bên cạnh ngày Độc lập Hari Merdeka và ngày Quốc khánh Malaysia ở quy mô quốc gia, bang cũng cử hành ngày Tự quản Sarawak vào ngày 22 tháng 7[329][330] và sinh nhật thống đốc bang.[331] Các dân tộc cũng cử hành các lễ hội riêng của họ. Truyền thống mở cửa cho phép các dân tộc khác tham gia kỷ niệm.[332][333][334] Sarawak là bang duy nhất tại Malaysia tuyên bố lễ kỷ niệm thu hoạch Gawai Dayak là ngày lễ công cộng.[335] Đây cũng là bang duy nhất tại Malaysia không quy định lễ kỷ niệm Deepavali của người Ấn Độ là một ngày lẽ công cộng.[336] Các tổ chức tôn giáo được tự do diễu hành tại các thành thị lớn trong lễ hội.[337] Sarawak và Sabah là hai bang tại Malaysia tuyên bố Thứ sáu Tuần Thánh là một ngày lễ công cộng.[338] Lễ hội Kuching kéo dài trong một tháng được tổ chức vào mỗi tháng Tám nhằm kỷ niệm sự kiện nó được thăng làm thành phố vào năm 1988.[339] Ngày Thành phố Miri cũng được tổ chức kết hợp với Lễ hội Tháng Năm Miri hàng năm.[340][341]

Thể thao sửa

Sarawak cử đội tuyển riêng của mình tham gia Đại hội Thể thao Đế quốc và Thịnh vượng chung Anh năm 1958 và 1962,[342]Đại hội Thể thao châu Á 1962 trước khi các vận động viên địa phương bắt đầu đại diện cho Malaysia sau năm 1963.[343][344] Hội đồng Thể thao Bang Sarawak được thành lập vào năm 1985 nhằm tăng cường trình độ thể thao tại Sarawak.[345] Sarawak đăng cai Đại hội Thể thao Malaysia (SUKMA Games) vào năm 1990 và 2016.[346] Bang giành thắng lợi chung cuộc vào các kỳ SUKMA năm 1990, 1992, và 1994.[347] Sarawak cũng cử các đội đại diện cho Malaysia tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á.[348] Sarawak cũng nổi lên là nhà vô địch chung cuộc trong 11 kỳ Đại hội Thể thao Người khuyết tật Malaysia liên tục từ năm 1994.[349] Bang cũng cử các vận động viên đi tham dự Đại hội Thế giới Olympic Đặc biệt (Special Olympics World Games).[350]

Sarawak có một số sân vận động: Sân vận động Sarawak, Sân vận động Bang Sarawak, Sân vận động Perpaduan (Sân vận động Đoàn kết), và Sân vận động Khúc côn cầu Bang Sarawak.[351] Câu lạc bộ bóng đá Sarawak được thành lập vào năm 1974.[352] Họ giành thắng lợi tại Cúp Liên đoàn Malaysia năm 1992 và Giải Ngoại hạng Malaysia năm 1997 và 2013.[353]

Ghi chú sửa

  1. ^ Alastair, 1993. The first political party, the Sarawak United Peoples' Party (SUPP) ... (page 118) ... By 1962, there were six parties ... (page 119)
  2. ^ Ishikawa, 2010. The word "Malay" is widely used in Sarawak because in 1841 James Brooke brought it with him from Singapore, (page 140)
  3. ^ Ishikawa, 2010 (page 169)
  4. ^ Faisal, 2012. Negri is empowered to make provisions for regulating Islamic affairs... (page 86)
  5. ^ Faisal, 2012... to make Bahasa Malaysia and English as negeri's official languages. (page 84)
  6. ^ Pandian, 2014. it became the primary means of passing culture, history, and valued traditions.... in the fact that oral literature is actualised only in performances; (page 95)
  7. ^ Postill, 2006.... four were oral narratives... (page 51)
  8. ^ Postill, 2006.;... to encourage local authorship and meet local needs ... (page 51)... The Bureau ceased to exist in 1977 when it was taken over by the federal body Dewan Bahasa dan Pustaka.(page 55)... He concludes that DBP cannot publish books in regional languages (pages 59 and 60)
  9. ^ Pandian, 2014. carried out by the Institute of East Asian Studies at Universiti Malaysia Sarawak (UNIMAS),(page 96)... Sarawak Customs Council has documented... (page 97)
  10. ^ Postill, 2006.... the government controls virtually all newspapers in Sarawak (page 76)
  11. ^ Postill, 2006.... development had been hindered by 'two groups of people, (page 78)
  12. ^ Postill, 2006. Radio Sarawak was officially inaugurated... (page 46 and 47)

Tham khảo sửa

  1. ^ a b c d “Sarawak – Facts and Figures 2011” (PDF). Sarawak State Planning Unit, Chief Minister Department. tr. 5, 9, 15, 22. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 24 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2015.
  2. ^ a b c “Population by States and Ethnic Group”. Department of Information, Ministry of Communications and Multimedia, Malaysia. 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 2 năm 2016. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2015.
  3. ^ “Origin of Place Names – Sarawak”. National Library of Malaysia. 2000. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2010.
  4. ^ Kris, Jitab (ngày 23 tháng 2 năm 1991). “Wrong info on how Sarawak got its name”. New Sunday Times. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2015.
  5. ^ “The magnificent hornbills of Sarawak”. The Borneo Post. ngày 12 tháng 7 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  6. ^ a b “Niah National Park – Early Human settlements”. Sarawak Forestry. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2015.
  7. ^ a b Faulkner, Neil (ngày 7 tháng 11 năm 2003). Niah Cave, Sarawak, Borneo. Current World Archaeology Issue 2. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2015.
  8. ^ “History of the Great Cave of Niah”. Australian Broadcasting Corporation. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2015.
  9. ^ “Niah Cave”. humanorigins.si.edu. Smithsonian National Museum of Natural History. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2015.
  10. ^ Hirst, K. Kris. “Niah Cave (Borneo, Malaysia) – Anatomically modern humans in Borneo”. about.com. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  11. ^ “Niah National Park, Miri”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  12. ^ Zheng, Dekun (ngày 1 tháng 1 năm 1982). Studies in Chinese Archeology. The Chinese University Press. tr. 49, 50. ISBN 978-962-201-261-5. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2015. In case of Santubong, its association with T'ang and Sung porcelain would necessary provide a date of about 8th – 13th century A.D.
  13. ^ “Archeology”. Sarawak Muzium Department. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2015.
  14. ^ Broek, Jan O.M. (1962). “Place Names in 16th and 17th Century Borneo”. Imago Mundi. 16 (1): 134. doi:10.1080/03085696208592208. JSTOR 1150309. Carena (for Carena), deep in the bight, refers to Sarawak, the Kuching area, where there is clear archaeological evidence of an ancient trade center just inland from Santubong.
  15. ^ a b c d e f g h i j k l m n o p Frans Welman. Borneo Trilogy Sarawak: Volume 2. Booksmango. tr. 132, 134, 136–138, 177. ISBN 978-616-245-089-1. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2013.
  16. ^ Donald F, Lach (ngày 15 tháng 7 năm 2008). Asia in the Making of Europe, Volume I: The Century of Discovery, Book 1. University of Chicago Press. tr. 581. ISBN 978-0-226-46708-5. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2016. ... but Castanheda lists five great seaports that he says were known to the Portuguese. In his transcriptions they are called "Moduro" (Marudu?), "Cerava" (Sarawak?), "Laue" (Lawai), "Tanjapura" (Tanjungpura), and "Borneo" (Brunei) from which the island derives its name.
  17. ^ Rozan Yunos (ngày 28 tháng 12 năm 2008). “Sultan Tengah — Sarawak's first Sultan”. The Brunei Times. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2014.
  18. ^ a b c d e f Alastair, Morrison (ngày 1 tháng 1 năm 1993). Fair Land Sarawak: Some Recollections of an Expatriate Official. SEAP Publications. tr. 10, 14, 95, 118–120. ISBN 978-0-87727-712-5. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2015. ... the great Iban, and Kayan-Kenyah migrations were taking place inland, destroying or absorbing many of the former much less organised occupants of the land.(page 10) ... Although nominal control of Sarawak coast continued, it came to exercised largely by semi-independent Malay chiefs, many of part Arab blood.(page 10) ... There has been serious differences between Rajah and his brother and nephew (page 14) ... The first Communist group to be formed in Sarawak ... (page 95) ... The first political party, the Sarawak United Peoples' Party (SUPP) ... (page 118) ... By 1962, there were six parties ... (page 119)
  19. ^ Trudy, Ring; Noelle, Watson; Paul, Schellinger (ngày 12 tháng 11 năm 2012). Asia and Oceania: International Dictionary of Historic Places. SEAP Publications. tr. 497. ISBN 978-0-87727-712-5. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2015. The sultan of Brunei also had nominal control of the region, but he was interested in exacting a minor tax from the region. However, his interest grew when antimony (an element used in alloys and medicine) was discovered in the area in approximately 1824. Pangeran Mahkota, a Brunei prince, moved to Sarawak in the early nineteenth century and developed Kuching between 1824 and 1830. ... As antimony mining increased, the Brunei Sultanate demanded higher taxes from Sarawak. This highly unpopular move led to civil unrest, which culminated in a revolt.
  20. ^ R, Reece. “Empire in Your Backyard – Sir James Brooke”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2015.
  21. ^ Graham, Saunders (ngày 5 tháng 11 năm 2013). A History of Brunei. Routledge. tr. 74–77. ISBN 978-1-136-87394-2. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2016.
  22. ^ James Leasor (ngày 1 tháng 1 năm 2001). Singapore: The Battle That Changed the World. House of Stratus. tr. 41–. ISBN 978-0-7551-0039-2.
  23. ^ Alex Middleton (tháng 6 năm 2010). “Rajah Brooke and the Victorians”. The Historical Journal. 53 (2): 381–400. doi:10.1017/S0018246X10000063. ISSN 1469-5103. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014.
  24. ^ Mike, Reed. “Book review of "The Name of Brooke – The End of White Rajah Rule in Sarawak" by R.H.W. Reece, Sarawak Literary Society, 1993”. sarawak.com.my. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 6 năm 2003. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2015.
  25. ^ James, Stuart Olson (1996). Historical Dictionary of the British Empire, Volume 2. Greenwood Publishing Group. tr. 982. ISBN 978-0-313-29367-2. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2015. Brooke and his successors enlarged their realm by successive treaties of 1861, 1882, 1885, 1890, and 1905.
  26. ^ “Chronology of Sarawak throughout the Brooke Era to Malaysia Day”. The Borneo Post. ngày 16 tháng 9 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2015. 1861 Sarawak is extended to Kidurong Point. ... 1883 Sarawak extended to Baram River. ... 1885 Acquisition of the Limbang area, from Brunei. ... 1890 Limbang added to Sarawak. ... 1905 Acquisition of the Lawas Region, from Brunei.
  27. ^ Lim, Kian Hock (ngày 16 tháng 9 năm 2011). “A look at the civil administration of Sarawak”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2015. It seems the idea of dividing the state into divisions by the Brooke government was not implemented purely for administrative expediency but rather the divisions mark the new areas ceded by the Brunei government to the White Rajahs. This explains why the original five divisions of the state were so disproportionate in size.
  28. ^ Cuhaj, George S (2014). Standard Catalog of World Paper Money, General Issues, 1368–1960. F+W Media. tr. 1058. ISBN 978-1-4402-4267-0. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2016. Sarawak was recognised as a separate state by the United States (1850) and Great Britain (1864), and voluntarily became a British protectorate in 1888.
  29. ^ Rujukan Kompak Sejarah PMR (Compact reference for PMR History subject) (bằng tiếng Malayalam). Arah Pendidikan Sdn Bhd. 2009. tr. 82. ISBN 978-983-3718-81-8. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2016.
  30. ^ a b c Frans, Welman (2011). Borneo Trilogy Sarawak: Volume 1. Bangkok, Thailand: Booksmango. tr. 177. ISBN 978-616-245-082-2. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2015. The Brooke Dynasty ruled Sarawak for a hundred years and became famous as the "White Rajahs", accorded a status within the British Empire similar to that of the Indian Princes.
  31. ^ a b c d e f Ooi, Keat Gin (2013). Post-war Borneo, 1945–50: Nationalism, Empire and State-Building. Routledge. tr. 7, 93, 98. ISBN 978-1-134-05803-7. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2015. Personal rule with heavy dose of parternalism was adopted by the first two Rajahs, who saw themselves as enlightened monarchs entrusted with a mandate to rule on behalf of indigenous peoples' and well being ... A Supreme Council comprising Malay Datus (non-royal chefs) advised rajah on all aspects of governance ... The entry of western capitalist enterprises were greatly restricted. Christian missionaries tolerated, and Chinese immigration promoted as catalyst of economic development (mining, commerce, agriculture).(page 7) ... This denial of entry to Anthony ... (page 93) ... The anti-cession movement was by the early 1950s effectively "strangled" a dead letter.(page 98)
  32. ^ “Bintulu – Places of Interest”. Bintulu Development Authority. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2015.
  33. ^ Marshall, Cavendish (2007). World and Its Peoples: Eastern and Southern Asia, Volume 9. Bangladesh: Marshall Cavendish. tr. 1182. ISBN 978-0-7614-7642-9. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2015. Malays worked in the administration, Ibans (indigenous peoples of Sarawak) in the militia, and Chinese as workers in the plantations.
  34. ^ Lewis, Samuel Feuer (ngày 1 tháng 1 năm 1989). Imperialism and the Anti-Imperialist Mind. Transaction Publishers. ISBN 978-1-4128-2599-3. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2015. Brooke made it his life task to bring to these jungles "prosperity, education, and hygiene"; he suppressed piracy, slave-trade, and headhunting, and lived simply in a thatched bungalow.
  35. ^ “The Borneo Company Limited”. National Library Board. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2016.
  36. ^ Sendou Ringgit, Danielle (ngày 5 tháng 4 năm 2015). “The Bau Rebellion: What sparked it all?”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2016. The Rajah then came back days later with a bigger army and bigger guns aboard the Borneo Company steamer, the Sir James Brooke together with his nephew, Charles Brooke. Most of the Chinese miners were killed in Jugan, Siniawan where they had set up their defences while some managed to escape to Kalimantan. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  37. ^ “石隆门华工起义 (The uprising of Bau Chinese labourers)” (bằng tiếng Trung). 国际时报 [International Times (Sarawak)]. ngày 13 tháng 9 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2016. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  38. ^ Ting, John. “Colonialism and Brooke administration: Institutional buildings and infrastructure in 19th century Sarawak” (PDF). University of Melbourne. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 22 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2016. Brooke also indigenised himself in terms of housing – his first residence was a Malay house. (page 9) ... Government House (Fig. 3) was built after Brooke's first house was burnt down during the 1857 coup attempt. (page 10)
  39. ^ a b c Simon, Elegant (ngày 13 tháng 7 năm 1986). “SARAWAK: A KINGDOM IN THE JUNGLE”. The New York Times. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2015. The Istana, the palace built by the Brookes on a bend in the Sarawak River, still looks coolly over the muddy waters into the bustle of Kuching, the trading town James Brooke made his capital. ... Today, the Istana is the State Governor's residence, ... To protect his kingdom, Brooke built a series of forts in and around Kuching. Fort Margherita, named after Ranee Margaret, the wife of Charles, the second Rajah, was built about a mile downriver from the Istana.
  40. ^ Saiful, Bahari (ngày 23 tháng 6 năm 2015). “Thrill is gone, state museum stuck in time — Public”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2015. The Sarawak Museum, being Borneo's oldest museum, should look into allocating a curator to be present and interacting with visitors at all times, he lamented.
  41. ^ “Centenary of Brooke rule in Sarawak – New Democratic Constitution being introduced today”. The Straits Times (Singapore). ngày 24 tháng 9 năm 1941. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2015.
  42. ^ a b c David, Leafe (ngày 17 tháng 3 năm 2011). “The last of the White Rajahs: The extraordinary story of the Victorian adventurer who subjugated a vast swathe of Borneo”. Mail Online (UK). Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2015. He denied these charges, but he was never allowed to inherit the rule of Sarawak because in 1946 Vyner agreed to cede it to the British Crown in return for a substantial financial settlement for him and his family. So it became Britain's last colonial acquisition.
  43. ^ Klemen, L (1999). “The Invasion of British Borneo in 1942”. dutcheastindies.webs.com. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2015.
  44. ^ “The Japanese Occupation (1941 – 1945)”. The Sarawak Government. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2015.
  45. ^ Gin, Ooi Keat (1 tháng 1 năm 2013). “Wartime Borneo, 1941–1945: a tale of two occupied territories”. Borneo Research Bulletin. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2015. Occupied Borneo was administratively partitioned into two halves, namely Kita Boruneo (Northern Borneo) that coincided with pre-war British Borneo (Sarawak, Brunei, and North Borneo) was governed by the IJA, ...
  46. ^ Paul H, Kratoska (13 tháng 5 năm 2013). Southeast Asian Minorities in the Wartime Japanese Empire. Routledge. tr. 136–142. ISBN 978-1-136-12506-5. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2015.
  47. ^ Ooi, Keat Gin. “Prelude to invasion: covert operations before the re-occupation of Northwest Borneo, 1944 – 45”. Journal of the Australian War Memorial. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2015. However, as the situation developed, the SEMUT operations were divided into three distinct parties under individual commanders: SEMUT 1 under Major Tom Harrisson; SEMUT 2 led by Carter; and SEMUT 3 headed by Captain W.L.P. ("Bill") Sochon. The areas of operation were: SEMUT 1 the Trusan valley and its hinterland; SEMUT 2 the Baram valley and its hinterland; SEMUT 3 the entire Rejang valley. {22} Harrisson and members of SEMUT 1 parachuted into Bario in the Kelabit Highlands during the later part of March 1945. Initially, Harrisson established his base at Bario; then, in late May, shifted to Belawit in the Bawang valley (inside the former Dutch Borneo) upon the completion of an airstrip for light aircraft built entirely with native labour. In mid-April, Carter and his team (SEMUT 2) parachuted into Bario, by then securely an SRD base with full support of the Kelabit people. Shortly after their arrival, members of SEMUT 2 moved to the Baram valley and established themselves at Long Akah, the heartland of the Kenyahs. Carter also received assistance from the Kayans. Moving out from Carter's party in late May, Sochon led SEMUT 3 to Belaga in the Upper Rejang where he set up his base of operation. Kayans and Ibans supported and participated in SEMUT 3 operations.
  48. ^ “Historical Monument – Surrender Point”. Official Website of Labuan Corporation. Labuan Corporation. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2015.
  49. ^ Rainsford, Keith Carr. “Surrender to Major-General Wootten at Labuan”. Australian War Memorial. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2015.
  50. ^ “HMAS Kapunda”. Royal Australian Navy. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2016.
  51. ^ “British Military Administration (August 1945 – April 1946)”. The Sarawak Government. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2015.
  52. ^ “Sarawak as a British Crown Colony (1946–1963)”. The Official Website of the Sarawak Government. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2015.
  53. ^ Mike, Thomson (14 tháng 3 năm 2012). “The stabbed governor of Sarawak”. BBC News. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2015.
  54. ^ “Anthony Brooke”. The Daily Telegraph. 6 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2015. ... when his legal challenge to the cession was finally dismissed by the Privy Council in 1951, he renounced once and for all his claim to the throne of Sarawak and sent a cable to Kuching appealing to the anti-cessionists to cease their agitation and accept His Majesty's Government. The anti-cessionists instead continued their resistance to colonial rule until 1963, when Sarawak was included in the newly independent federation of Malaysia. Two years later, Anthony Brooke was welcomed back by the new Sarawak Government for a nostalgic visit.
  55. ^ “Formation of Malaysia 16 September 1963”. National Archives of Malaysia. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2015.
  56. ^ JC, Fong (ngày 16 tháng 9 năm 2011). “Formation of Malaysia”. The Borneo Post. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2015.
  57. ^ Tai, Yong Tan (2008). “Chapter Six: Borneo Territories and Brunei”. Creating "Greater Malaysia": Decolonization and the Politics of Merger. Institute of Southeast Asian Studies. tr. 154–169. ISBN 978-981-230-747-7. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2015.
  58. ^ “The National Archives DO 169/254 (Constitutional issues in respect of North Borneo and Sarawak on joining the federation)”. The National Archives. 1961–1963. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2015.
  59. ^ Vernon L. Porritt (1997). British Colonial Rule in Sarawak, 1946–1963. Oxford University Press. ISBN 978-983-56-0009-8. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2016.
  60. ^ Philip Mathews (28 tháng 2 năm 2014). Chronicle of Malaysia: Fifty Years of Headline News, 1963–2013. Editions Didier Millet. tr. 15–. ISBN 978-967-10617-4-9.
  61. ^ “Trust and Non-self governing territories”. United Nations. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2016.
  62. ^ “United Nations Member States”. United Nations. 3 tháng 7 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2016.
  63. ^ a b c d Ishikawa, Noboru (15 tháng 3 năm 2010). Between Frontiers: Nation and Identity in a Southeast Asian Borderland. Ohio University Press. tr. 86–88, 140, 169. ISBN 978-0-89680-476-0. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2015. The word "Malay" is widely used in Sarawak because in 1841 James Brooke brought it with him from Singapore, where it had been vaguely applied to all the coast-dwelling seafaring Muslims of the Indonesia Archipelago, particularly those of Sumatra and the Malayan Peninsula.
  64. ^ “Brunei Revolt breaks out – 8 December 1962”. National Library Board (Singapore). Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2015. The sultan of Brunei regarded the Malaysia project as "very attractive" and had indicated his interest in joining the federation. However, he was met with open opposition from within his country. The armed resistance challenging Brunei's entry into Malaysia that followed became a pretext for Indonesia to launch its policy of Konfrontasi (or Confrontation, 1963–1966) with Malaysia.
  65. ^ United Nations Treaty Registered No. 8029, Manila Accord between Philippines, Federation of Malaya and Indonesia (31 July 1963) Lưu trữ 11 tháng 10 2010 tại Wayback Machine. Truy cập 12 August 2011.
  66. ^ United Nations Treaty Series No. 8809, Agreement relating to the implementation of the Manila Accord Lưu trữ 12 tháng 10 2011 tại Wayback Machine. Truy cập 12 August 2011.
  67. ^ James, Chin. “Book Review: The Rise and Fall of Communism in Sarawak 1940–1990”. Kyoto Review of South East Asia. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2015.
  68. ^ a b Chan, Francis; Wong, Phyllis (ngày 16 tháng 9 năm 2011). “Saga of communist insurgency in Sarawak”. The Borneo Post. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2013.
  69. ^ a b c d e “Geography of Sarawak”. Official website of state planning unit Chief Minister's Department of Sarawak. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2015.
  70. ^ “Lambir Hills National Park”. Sarawak Forestry Corporation. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  71. ^ “Deer Cave and Lang's Cave”. Mulu National Park. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2015.
  72. ^ “Clearwater cave and Wind Cave”. Gunung Mulu National Park. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2015.
  73. ^ “Gunung Mulu National Park”. Malaysia Tourism Promotion Board. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2015.
  74. ^ “Gunung Mulu National Park”. UNESCO. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2015.
  75. ^ “Pasir Panjang, Kuching”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2015.
  76. ^ “Damai Beach Resort”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2015.
  77. ^ “Tanjung Batu Beach, Bintulu”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2015.
  78. ^ “Brighton Beach/Tanjung Lobang”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2015.
  79. ^ “Hawaii Beach”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2015.
  80. ^ “Medicinal plants around us”. The Malaysian Nature Society. The Borneo Post. 24 tháng 8 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  81. ^ “Sarawak National Park – Biodiversity Conservation”. Sarawak Forestry Department. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2015.
  82. ^ “Rainforest is destroyed for palm oil plantations on Malaysia's island state of Sarawak (Image 1)”. The Daily Telegraph. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2014.
  83. ^ “Rainforest is destroyed for palm oil plantations on Malaysia's island state of Sarawak (Image 2)”. The Daily Telegraph. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2014.
  84. ^ “Rainforest is destroyed for palm oil plantations on Malaysia's island state of Sarawak (Image 3)”. The Daily Telegraph. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2014.
  85. ^ “Sumatran Orangutans' rainforest home faces new threat”. Agence France-Presse. The Borneo Post. 5 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2014.
  86. ^ {{{assessors}}} (2008). Nasalis larvatus. 2008 Sách đỏ IUCN. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế 2008. Truy cập ngày 4 January 2009.
  87. ^ “25 success stories”. International Tropical Timber Organization (ITTO). tr. 44–45. Bản gốc lưu trữ 13 Tháng 6 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |archive-date= (trợ giúp)
  88. ^ “Semenggoh Nature Reserve”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  89. ^ “Matang Wildlife Centre”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  90. ^ “Talang-Satang National Park”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  91. ^ “Birding in Sarawak”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  92. ^ “Similajau National Park”. Sarawak Toursim Board. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  93. ^ “Diving in Miri-Sibuti Coral Reefs National Park”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  94. ^ “Gunung Gading National Park”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  95. ^ “Bako National Park”. Sarawak Forestry Corporation. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  96. ^ “Padawan Pitcher Plant & Wild Orchid Centre”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  97. ^ Rogers, Alan (14 tháng 7 năm 2013). “Wallace and the Sarawak Law”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2016.
  98. ^ Forests Ordinance Chapter 126 (PDF) (ấn bản 1958). Kuching, Sarawak: Sarawak Forestry Corporation. 31 tháng 7 năm 1998. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  99. ^ Wild Life Protection Ordinance, 1998 – Chapter 26 (PDF). Kuching, Sarawak: Sarawak Forestry Corporation. 1998. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  100. ^ “Malaysia:Sarawak Natural Parks and Nature Reserve Ordinance”. GlobinMed. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  101. ^ Lian, Cheng (31 tháng 3 năm 2013). “Protected wildlife on the menu”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  102. ^ “History”. Official website of Forest Department Sarawak. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015. Mr. J.P. Mead became the first Conservator of Forests, Sarawak Forest Department, in 1919. The objectives of the Department were to manage and conserve the State's forest resources.
  103. ^ Barney, Chan. “6. INSTITUTIONAL RESTRUCTURING IN SARAWAK, MALAYSIA”. Food and Agriculture Organization of the United Nations. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  104. ^ “Sarawak Forestry Corporation – About Us – FAQ”. Sarawak Forestry Corporation. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  105. ^ “About Sarawak Biodiversity Centre – Profile”. Sarawak Biodiversity Centre. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2015.
  106. ^ a b c “About Sarawak – Governance”. Official website of State Planning Unit – Chief Minister's Department of Sarawak. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2015.
  107. ^ “My Constitution: Sabah, Sarawak and special interests”. Malaysian Bar. 2 tháng 2 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2015.
  108. ^ “My Constitution: About Sabah and Sarawak”. Malaysian Bar. 10 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2015.[liên kết hỏng]
  109. ^ Article 95D, Constitution of Malaysia. Truy cập on 6 August 2008.
  110. ^ R.S, Milne; K.J, Ratnam (2014). Malaysia: New States in a New Nation. Routledge. tr. 71. ISBN 978-1-135-16061-6. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2015. ... the major parties in each state fall quite neatly into three categories: native-non-Muslim, native-Muslim, and non-native.
  111. ^ “SPECIAL REPORT: The Ming Court Affair (subscription required)”. Malaysiakini. 9 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2014.
  112. ^ a b Chin, James (1996). “The Sarawak Chinese Voters and Their Support for the Democratic Action Party (DAP)” (PDF). Southeast Asian Studies. Kyoto University Research Information Repository. 34 (2): 387–401. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2014.
  113. ^ Tawie, Joseph (9 tháng 1 năm 2013). “SNAP faces more resignations over BN move”. Free Malaysia Today. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2014.
  114. ^ Mering, Raynore (23 tháng 5 năm 2014). “Analysis: Party loyalty counts for little in Sarawak”. The Malay Mail. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2014.
  115. ^ a b c Faisal, S Hazis (2012). Domination and Contestation: Muslim Bumiputera Politics in Sarawak. Institute of Southeast Asian Studies. tr. 91. ISBN 978-981-4311-58-8. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2015. The strongman-politician postponed the negeri election... (page 91)
  116. ^ Cheng, Lian (7 tháng 4 năm 2013). “Why Sarawak is electorally unique”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2016. For this reason, Sarawak held its state and parliamentary elections separately – and has been adhering to the practice since 1979 whereas all the other states still hold the two elections concurrently (see Table).
  117. ^ “BN retains Sarawak, Taib sworn in as CM”. Free Malaysia Today. 16 tháng 4 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2014.
  118. ^ Chua, Andy (24 tháng 4 năm 2010). “DAP: Sarawak Pakatan formed to promote two-party system”. The Star (Malaysia). Star Publications. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2014.
  119. ^ Ling, Sharon (14 tháng 2 năm 2014). “Muhyiddin: Umno need not be in Sarawak”. The Star (Malaysia). Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2014.
  120. ^ a b “Sarawak population”. The Official Portal of the Sarawak Government. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2015.
  121. ^ “Organisation Structure”. Official Website of Ministry of Local Government and Community Development. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2015.
  122. ^ Samuel Aubrey (12 tháng 4 năm 2015). “Serian now a division”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2015.
  123. ^ “New district status to accelerate growth”. The Borneo Post. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2016.
  124. ^ Nicholas, Taring (29 tháng 8 năm 2003). Imperialism in Southeast Asia. Routledge. tr. 319. ISBN 978-1-134-57081-2. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2015. Charles Brooke set up the Sarawak Rangers in 1862 as a paramilitary force for pacifying 'ulu' Dayaks.
  125. ^ “Royal Ranger Regiment (Malaysia)”. discovermilitary.com. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2015.
  126. ^ Charles, de Ledesma; Mark, Lewis; Pauline, Savage (2003). Malaysia, Singapore, and Brunei. Rough Guides. tr. 723. ISBN 978-1-84353-094-7. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2015. In 1888, the three states of Sarawak, Sabah, and Brunei were transformed into protectorates, a status which handed over the responsibility for their foreign policy to the British in exchange for military protection.
  127. ^ John Grenville; Bernard Wasserstein (4 tháng 12 năm 2013). The Major International Treaties of the Twentieth Century: A History and Guide with Texts. Taylor & Francis. tr. 608–. ISBN 978-1-135-19255-6.
  128. ^ “Ninth schedule – Legislative lists”. Commonwealth Legal Information Institute. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2015.
  129. ^ Chin Huat, Wong (27 tháng 9 năm 2011). “Can Sarawak have an army?”. Free Malaysia Today. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2015. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  130. ^ R. Haller-Trost (1994). The Brunei-Malaysia Dispute Over Territorial and Maritime Claims in International Law. IBRU. tr. 20–. ISBN 978-1-897643-07-5.
  131. ^ Jenifer Laeng (3 tháng 6 năm 2015). “China Coast Guard vessel found at Luconia Shoals”. The Borneo Post. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2015.
  132. ^ “Presence of China Coast Guard ship at Luconia Shoals spooks local fishermen”. The Borneo Post. 27 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2015.
  133. ^ Ubaidillah Masli (17 tháng 3 năm 2009). “Brunei drops all claims to Limbang”. The Brunei Times. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2013.
  134. ^ Ubaidillah Masli (18 tháng 3 năm 2009). “Limbang issue was never discussed: Pehin Dato Lim”. The Brunei Times. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2013.
  135. ^ “Loss of James Shoal could wipe out state's EEZ”. The Borneo Post. 5 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2014.
  136. ^ “Border disputes differ for Indonesia, M'sia”. Daily Express. 16 tháng 10 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 2 năm 2016. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2015.
  137. ^ OECD Investment Policy Reviews OECD Investment Policy Reviews: Malaysia 2013. Organisation for Economic Co-operation and Development (OECD) Publishing. 30 tháng 10 năm 2013. tr. 234. ISBN 978-92-64-19458-8. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2015. All the same, there are important variations in the quantity and quality of infrastructure stocks, with infrastructure more developed in peninsular Malaysia than in Sabah and Sarawak.
  138. ^ “About Us”. MIDCom. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2015.
  139. ^ “Industrial Estate by Division”. Official Website of the Sarawak Government. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2015.
  140. ^ H., Borhanazad; S., Mekhilef; R, Saidur; G., Boroumandijazi (2013). “Potential application of renewable energy for rural electrification in Malaysia” (PDF). Renewable Energy. 59: 211. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 23 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2015.
  141. ^ a b Alexandra, Lorna; Doreen, Ling (9 tháng 10 năm 2015). “Infrastructure crucial to state's goals”. New Sarawak Tribune. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2015. "In 2014, 82% of houses located in Sarawak rural areas have access to water supply in comparison to 59% in 2009." Fadillah also said that the rural electricity coverage had improved over the last few years with 91% of the households in Sarawak having access to electricity in 2014 compared to 67% in 2009. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  142. ^ “New technologies play a major role in Sarawak's development plans”. Oxford Business Group. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2015.
  143. ^ Mohd, Hafiz Mahpar (2 tháng 4 năm 2015). “Cahya Mata Sarawak buys 50% of Sacofa for RM186m”. The Star (Malaysia). Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2015.
  144. ^ “About SAINS – Corporate Profile”. Sarawak Information Systems Sdn Bhd. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2015.
  145. ^ “Pos Malaysia wheels brings mobile postal service to Lawas”. Bernama. 15 tháng 2 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2015.
  146. ^ Adib, Povera (ngày 29 tháng 10 năm 2015). “Postal services improving in Sabah and S'wak”. New Straits Times. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2015.
  147. ^ a b c d “Transport and Infrastructure”. Official Website of the Sarawak Government. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2015.
  148. ^ Harun, Jau (8 tháng 8 năm 2015). “New department being set up”. New Sarawak Tribune. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2015. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  149. ^ a b c d e f “New land, air and sea transport links will help meet higher demand in Sarawak”. Oxford Business Group. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2015.
  150. ^ Then, Stephen (13 tháng 9 năm 2013). “Repair Pan Borneo Highway now, says Bintulu MP following latest fatal accident”. The Star (Malaysia). Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 2 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2014.
  151. ^ Thiessen, Tamara (2012). Borneo:Sabah, Brunei, Sarawak. Bradt Travel Guides. tr. 98. ISBN 978-1-84162-390-0. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2016. All major roads are dual carriageways; there are no multi-lane expressways. In Malaysia, you drive on the left-hand side of the road and cars are right-hand drive.
  152. ^ Yap, Jacky. “46 Things you Didn't Know about Kuching”. Vulcan Post. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2016.
  153. ^ “Airlines flying from Malaysia to Kuching”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2016.
  154. ^ “Hornbill Skyways – Wings to your destination”. Hornbill Skyways. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2016.
  155. ^ Lim, How Pim (18 tháng 8 năm 2014). “Sarawak gets 3 more hospitals”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2015.
  156. ^ a b “Alternative pathways to overcome the lack of specialists in Sarawak”. The Borneo Post. 15 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2015. Dr Jerip said there were currently 248 specialists distributed among the major hospitals in the state, comprising the Sarawak General Hospital, Sibu Hospital and Miri Hospital, as well as several divisional hospitals.
  157. ^ a b “Sarawak makes efforts to boost access to health care”. Oxford Business Group. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2015. Sarawak's 221 public health clinics include only seven rural clinics. Services for the poor are also provided at 1Malaysia clinics, where assistant medical officers provide basic health care, but again, these clinics – of which the state has 18 – have historically been located mainly in urban areas.
  158. ^ Nigel, Edgar (4 tháng 12 năm 2013). “Wednesday, 4 December 2013 Sarawak recognises importance of private hospitals such as Borneo Medical Centre”. The Star (Malaysia). Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2015.
  159. ^ “Quality of Life”. The Sarawak Government. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2015.
  160. ^ 'Sarawak wants more participation in private healthcare sector'. The Rakyat Post. 1 tháng 8 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2015.
  161. ^ Johnson, K Saai (28 tháng 10 năm 2010). 'People still dump mental patients at Hospital Sentosa'. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2015.
  162. ^ Chin, Mui Yoon (27 tháng 2 năm 2012). “Access to healthcare a challenge for Sarawak's interior folk”. The Star (Malaysia). Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2015.
  163. ^ Ariff, K.M; Teng, CL (2002). “Rural health care in Malaysia”. Australian Journal of Rural Health. 10 (2): 99–103. doi:10.1046/j.1440-1584.2002.00456.x. PMID 12047504. The FDS in Sarawak was launched in 1973 to provide healthcare to communities residing outside the 'extended operational area' limits of the health centre (beyond 12 km).
  164. ^ Leng Chee, Heng; Barraclough, Simon (6 tháng 3 năm 2007). Health Care in Malaysia: The Dynamics of Provision, Financing and Access. Routledge. tr. 196. ISBN 978-1-134-11295-1. Truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2016. While there were systems of tradiional medicine and a traditional pharmacopoenia amongst the indigenous communities in Sarawak, they have largely fallen into disuse ...
  165. ^ Bawin Anggat, Nicholas. “Traditional Medicines of Borneo at Risk” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 30 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2016.
  166. ^ “Chinese traditional medicine”. The Borneo Post. 8 tháng 11 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2016.
  167. ^ Abuduli, Maihebureti; Ezat, Sharifa; Aljunid, Syed (2011). “Role of traditional and complementary medicine in universal coverage” (PDF). Malaysian Journal of Public Health Medicine. 11 (2): 1. Truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2016. There are nine integrated public hospitals which are practicing T&CM in Malaysia. ... Sarawak General Hospital ... These hospitals practice traditional Malay massage, acupuncture, herbal oncology and postnatal massage.
  168. ^ Danielle, Sendou (22 tháng 4 năm 2015). “More options needed to address doctor shortage in Sarawak”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2015.
  169. ^ Silcock, T.H (1963). The Political Economy of Independent Malaya:A case-study in development. University of California Press. tr. 46. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2015.
  170. ^ a b “Education”. Official Website of the Sarawak Government. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2015.
  171. ^ Edgar, Ong (10 tháng 4 năm 2015). “Can you blame Sarawak and Sabah for feeling left out?”. The Ant Daily. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2015. The eight schools missing from the incomplete list are St. Thomas's School Kuching (1848), St Mary's School Kuching (1848), St Joseph's School Kuching (1882), St Teresa's School Kuching (1885), St Michael's School Sandakan (1886), St Michael's School Penampang (1888), All Saints' School, Likas (1903) and St Patrick's School Tawau (1917).
  172. ^ a b c “Sarawak's public and private sectors work together to revamp education”. Oxford Business Group. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2015.
  173. ^ “砂拉越华文独中通讯录 (Communication directory of Sarawak Chinese independent schools)” (bằng tiếng Trung). Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2015.
  174. ^ “55,975 bumiputera pupils in Chinese schools”. Bernama. The Sun. 17 tháng 12 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2016.
  175. ^ “Institut Pendidikan Guru (Teachers' Training Institute)”. Kementerian Pendidikan Malaysia (Malaysian Ministry of Education). Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2015. IPG Kampus Sarawak, IPG Kampus Tun Abdul Razak, IPG Kampus Batu Lintang (1st page), ... IPG Kampus Rajang (2nd page)
  176. ^ “IPG Batu Lintang to be 'garden campus' next year”. The Borneo Post. 16 tháng 8 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2015.
  177. ^ Sharon, Ling (31 tháng 10 năm 2015). “Local teachers for Sarawak schools”. The Star (Malaysia). Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2015. She said teachers from the peninsula currently make up 21.9% of the teaching workforce in primary and secondary schools in Sarawak with 8,890 in total while Sarawakians comprise 76.3% or 30,956. The rest (747, or 1.8%) are from Sabah and Labuan.
  178. ^ “Libraries”. The Sarawak Government. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2015.
  179. ^ “State statistics: Malays edge past Chinese in Sarawak”. The Borneo Post. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2016.Quản lý CS1: URL hỏng (liên kết)
  180. ^ “Johari: Urban-rural ratio to hit 65:35 within 10 years”. The Star (Malaysia). 17 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2015.
  181. ^ “Vital Statistics Summary for Births and Deaths”. Sarawak Government. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2016.
  182. ^ a b “The Sarawak People”. Sarawak Tourism Federation. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2015.
  183. ^ “Penans 'stateless' because of fines”. The Star (Malaysia). 26 tháng 9 năm 2005. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2016.
  184. ^ Sheith Khidir, Abu Bakar (29 tháng 3 năm 2016). “Stateless Penans demand citizenship papers”. Free Malaysia Today. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2016.
  185. ^ “Mobile unit makes NRD applications easy for Penan community”. The Borneo Post. 7 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2016.
  186. ^ “Over 150,000 foreign workers in Sarawak hold temporary employment passes”. The Sun Daily. 26 tháng 10 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2015.
  187. ^ Sulok, Tawie (11 tháng 4 năm 2015). “Illegal immigrants in Sarawak a 'huge problem', deputy home minister admits”. Malay Mail Online. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2015.
  188. ^ Ting, Su Hie; Rose, Louis (tháng 6 năm 2014). “Ethnic Language Use and Ethnic Identity for Sarawak Indigenous Groups in Malaysia”. 53 (1). Oceanic Linguistics: 92. doi:10.1353/ol.2014.0002. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2015. In Malaysia, Bumiputera (literally translated as 'prince of the earth' or 'son of the land') refers to the Malay and other indigenous people. ... The Bumiputera in general enjoy special privileges as part of the affirmative action for advancement of the community, and these include priority in university entry, scholarships, and government jobs, special finance schemes, and political positions. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  189. ^ “Indigenous peoples – (a) Land rights of Indigenous Peoples”. Human Rights Commission of Malaysia (SUHAKAM). Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2015.
  190. ^ Leong, Joe (4 tháng 8 năm 2014). “Bizarre names like Tigabelas, Helicopter, Kissing in Borneo are real”. The Ant Daily. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2015. There are several other minor ethnic groups placed under the 'others', such as Indian, Eurasian, Kedayan, Javanese, Bugis and Murut.
  191. ^ Winzeler, R.L. (2004). The Architecture of Life and Death in Borneo. University of Hawaii Press. tr. 3. ISBN 978-0-8248-2632-1. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2015. ... it more popularly refers only to the Bidayuh and the Iban (the Land and Sea Dayaks respectively of the colonial tradition.
  192. ^ “Putrajaya approves 'Dayak' for 'Race' category in all official forms”. The Malaysian Insider. 31 tháng 10 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2015.
  193. ^ “State statistics: Malays edge past Chinese in Sarawak”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2016.
  194. ^ Keat, Gin Ooi (2004). Southeast Asia: A Historical Encyclopedia, from Angkor Wat to East Timor, Volume 1. ABC-CLIO. tr. 623–625. ISBN 978-1-57607-770-2. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2015. Ibans are found in all political divisions of Borneo but in largest numbers in Sarawak. ... Christian missionaries have been active among the Ibans for more than a century, and today many Ibans are Christians.
  195. ^ “Our People – Iban – The official travel website for Sarawak, Malaysian Borneo”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2015.
  196. ^ a b “Our people – Chinese”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2015.
  197. ^ John, Barwick. “Huang Naishang (1844–1924)”. Biographical Dictionary of Chinese Christianity. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2015. Shortly thereafter, Huang decided to start a new settlement of Chinese in Malaysia in order to escape China's despotism and Fujian's poverty. ... In 1901, Huang traveled with settlers from Fujian to Sibu, where he founded New Fuzhou.
  198. ^ Voon, J.C. (2002). “Sarawak Chinese political thinking: 1911–1963”. Universiti Malaysia Sarawak (UNIMAS). Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2015.
  199. ^ “Our people – Malay – The official website for Sarawak Malaysian Borneo”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2015.
  200. ^ Jeniri, Amir (2015). “Asal usul Melayu Sarawak: menjejaki titik tak pasti (The origins of Sarawak Malays: Investigations of the uncertain points)”. Jurnal Antarabangsa Dunia Melayu (International Journal of the Malay World) (bằng tiếng Malayalam). Faculty of Social Sciences, Universiti Malaysia Sarawak (UNIMAS). 8 (1). Bản gốc lưu trữ 7 Tháng 12 2015. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |archive-date= (trợ giúp)
  201. ^ “Journey to Melanau heartland”. The official travel website for Sarawak, Malaysian Borneo. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2015.
  202. ^ “Miri Visitors' Guide – Miri's inhabitants”. gomiri.com. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2015.
  203. ^ “Our people – Bidayuh”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2015.
  204. ^ “Bidayuh longhouse”. Sarawak Cultural Village. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2015.
  205. ^ a b Erivina. “Our people – Orang Ulu”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2015.
  206. ^ “Taburan Penduduk dan Ciri-ciri asas demografi (Population Distribution and Basic demographic characteristics 2010)” (PDF). Department of Statistics, Malaysia. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 22 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2015. p. 13
  207. ^ “Explanation sought on real status of S'wak's official religion”. The Borneo Post. 12 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2015. The Sarawak State Constitution is clear—Sarawak has no official religion, but the official website stated otherwise. This matter was pointed out by YB Baru Bian (Ba Kelalan assemblyman and state PKR chairman) in his letter to the state secretary in July this year, and no action was taken.
  208. ^ Carlo, Caldarola (1982). Religions and Societies, Asia and the Middle East. Walter de Gruyter. tr. 481. ISBN 978-90-279-3259-4. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2015.
  209. ^ “SIB & BEM – A Brief Introduction to Origin of SIB”. SIB Grace. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2015.
  210. ^ “List of Baptist churches in Sarawak”. Malaysia Baptist Convention. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2015.
  211. ^ Carl, Skutsch (7 tháng 11 năm 2013). Encyclopedia of the World's Minorities. Routledge. tr. 781. ISBN 978-1-135-19388-1. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2015.
  212. ^ “Malaysia Bahai's – Sarawak”. bahai.org.my. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2016.
  213. ^ Chieng, Connie (ngày 17 tháng 8 năm 2015). “Sarawak is a blessed land of harmony”. New Sarawak Tribune. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2016. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  214. ^ “Sikh Temple”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2016.
  215. ^ “Animism is alive and well in South-East Asia: What can we learn?”. Pravda.ru. 24 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2016. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  216. ^ a b c d e f John, Postill (15 tháng 5 năm 2006). Media and Nation Building: How the Iban became Malaysian. Berghahn Books. tr. 58. ISBN 978-0-85745-687-8. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2015. because of his strong defence of English as the language of instruction in Sarawak ...,(page 58)
  217. ^ “Former Education Minister Calls For Return To Teaching Maths, Science In BM”. Bernama. 12 tháng 11 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2015. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  218. ^ Sulok, Tawie (20 tháng 2 năm 2012). “Usage of English, native languages officially still legal in Sarawak”. The Sun Daily. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2015. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  219. ^ “My Constitution – Sabah and Sarawak”. Malaysian Bar. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2015. English was the official language of the State Legislative Assemblies and Courts in Sabah and Sarawak on Malaysia Day, 16 September 1963. Any change of the official language to Bahasa Melayu can only become effective when the State Legislative Assembly of Sabah or Sarawak agrees to adopt federal laws that make Bahasa Melayu the official language.[liên kết hỏng]
  220. ^ Ogilvy, Geryl (18 tháng 11 năm 2015). “Sarawak to recognise English as official language besides Bahasa Malaysia”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2016.
  221. ^ “Sarawak, a land of many tongues”. The Borneo Post. 23 tháng 12 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2015.
  222. ^ a b c d e f g “The State of Sarawak”. Malaysia Rating Corporation Berhad. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2015.
  223. ^ Chang, Ngee Hui (2009). “High Growth SMEs and Regional Development – The Sarawak Perspective”. State Planning Unit, Sarawak Chief MInister Department. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2015.
  224. ^ “Zoom on historical exchange rate graph (MYR to USD)”. fxtop.com. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 26 tháng 3 năm 2016.
  225. ^ Adrian, Lim (28 tháng 2 năm 2014). “Sarawak achieves strong economic growth”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2015.
  226. ^ “Selangor leads GDP contribution to national economy”. Malay Mail. 30 tháng 10 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2015.
  227. ^ Desmond, Davidson (ngày 6 tháng 8 năm 2015). “Adenan pledges to keep fighting for 20% oil royalty”. The Malaysian Insider. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2015. Sarawak Chief Minister Tan Sri Adenan Satem today admitted the oil and gas royalty negotiations – for a hike of 15% from 5% to 20% – with Petronas and Putrajaya have ended in deadlock, but has vowed to fight for it "as long as I'm alive".
  228. ^ Rasoul, Sorkhabi (2012). “Borneo's Petroleum Plays”. 9 (4). GEO Ex Pro. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2015. A simplified map showing the distribution of major sedimentary basins onshore and offshore Borneo. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  229. ^ “An overview of forest products statistics in South and Southeast Asia – National forest products statistics, Malaysia”. Food and Agriculture Organization of the United Nations (FAO). Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2015. In 2000, of the country's total sawlog production of 23 million m3, Peninsular Malaysia contributed 22 percent, Sabah 16 percent, and Sarawak 62 percent. Sawlog production figures for 1996–2000 are shown in Table 2.
  230. ^ Sharon, Kong (1 tháng 9 năm 2013). “Foreign banks in Sarawak”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2015.
  231. ^ “Sarawak shakers”. The Star (Malaysia). 27 tháng 3 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2015.
  232. ^ Looi, Kah Yee (2004). “Chapter 5 – Income Inequality effects on growth-poverty relationship”. A study the relationship between economic growth and poverty in Malaysia: 1970–2002 (Chapter 5) (PDF). Universiti Malaya (Master Thesis). tr. 86. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2015.
  233. ^ Midin, Salad; Yu, Ji (23 tháng 11 năm 2011). “Addressing the poor-rich gap”. The Star (Malaysia). Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2015. PKR's Batu Lintang assemblyman See Chee How told the house a week ago that, in 2009, Sarawak recorded 0.448 on the index. A decade before that, Sarawak had better results at 0.407.
  234. ^ a b “Poverty in Sarawak now below 1%”. The Star (Malaysia). ngày 27 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2015.
  235. ^ “Sarawak unemployment at 4.6 pct in 2010”. The Borneo Post. 16 tháng 3 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2015.
  236. ^ a b “Generation Portfolio”. Sarawak Energy. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2015.
  237. ^ a b “Hydroelectric Power Dams in Sarawak”. Sarawak Integrated Water Resources – Management Master Plan. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2015.
  238. ^ Jack, Wong (22 tháng 7 năm 2014). “Bakun at 50% capacity producing 900MW”. The Star (Malaysia). Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2015.
  239. ^ Christopher, Lindom (11 tháng 7 năm 2015). “Making HEPs in Sarawak safe”. New Sarawak Tribune. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2015. ... Murum HEP had officially started commercial operation on 8 June 2015,"...  Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  240. ^ “Core Business Activities”. Sarawak Energy. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2015.
  241. ^ Wong, Jack (12 tháng 5 năm 2014). “Sarawak Energy needs to raise generating capacity to 7,000 MW”. The Star (Malaysia). Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2015.
  242. ^ CK Tan (12 tháng 5 năm 2016). “Malaysia exports electricity to Indonesia”. Nikkei Asian Review. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2016.
  243. ^ “Research and Development – Introduction To Renewable Energy”. Sarawak Energy. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2015.
  244. ^ “Development Strategy”. Regional Corridor Development Authority. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2015.
  245. ^ “What is SCORE?”. Regional Corridor Development Authority. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2015.
  246. ^ “Sarawak Corridor of Renewable Energy – Register your interest”. Sarawak Corridor of Renewable Energy. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2015.
  247. ^ “SCORE Areas”. Sarawak Corridor of Renewable Energy. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2015.
  248. ^ “Samalaju – SCORE”. Regional Corridor Development Authority. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2015.
  249. ^ “Tanjung Manis – SCORE”. Regional Corridor Development Authority. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2015.
  250. ^ “Mukah – SCORE”. Regional Corridor Development Authority. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2015.
  251. ^ “Fewer tourists visited Sarawak last year, DUN told”. The Borneo Post. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2016.
  252. ^ a b “Sarawak's tourism strategy focuses on sustainable development”. Oxford Business Group. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2015.
  253. ^ “Pulling more tourists to Sarawak”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2015.
  254. ^ Ava, Lai (29 tháng 7 năm 2015). “Valuable prizes await Hornbill winners”. The Star (Malaysia). Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2015. The awards are co-organised by the Ministry of Tourism Sarawak and Sarawak Tourism Federation to recognise individuals or organisations' contribution to the development of tourism in Sarawak and to create a culture of excellence, creativity, quality services and best practices.
  255. ^ “Sarawak fest certain to be a rare treat”. Bangkok Post. 22 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2015.
  256. ^ “Shopping Malls in Kuching”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2015.
  257. ^ “Shopping Malls in Miri”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2015.
  258. ^ Kathleen, Peddicord (10 tháng 12 năm 2012). “The Most Interesting Retirement Spot You've Never Heard Of”. U.S. News & World Report. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2015.
  259. ^ Jean, Fogler. “Retirement Abroad: 5 Unexpected Foreign Cities”. Investopedia. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2015.
  260. ^ “Why Malaysia is one of the top 3 countries for retirement”. HSBC Bank Malaysia. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2015.
  261. ^ Metom, Lily (31 tháng 1 năm 2013). Emotion Concepts of the Ibans in Sarawak. Patridge Singapore. tr. 22. ISBN 978-1-4828-9731-9. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2016. Nevertheless, all these ancient customs pertaining to headhunting are no longer observed in these modern days.
  262. ^ Platzdasch, Bernhard; Saravanamuttu, Johan (6 tháng 8 năm 2014). Religious Diversity in Muslim-majority States in Southeast Asia: Areas of Toleration and Conflict. Institute of Southeast Asian Studies (ISEAS). tr. 383. ISBN 978-981-4519-64-9. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  263. ^ Kaur, Jeswan (16 tháng 12 năm 2007). “Penan slowly abandoning their nomadic way of life”. The Brunei Times. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  264. ^ 'Equal treatment for Penan community'. The Borneo Post. 1 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  265. ^ Switow, Michael (9 tháng 2 năm 2005). “Interracial marriage blossoms in Malaysia”. The Christian Science Monitor. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2016.
  266. ^ a b “Explore Sarawak in Half a Day”. Sarawak Cultural Village. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  267. ^ “Sarawak Cultural Village”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  268. ^ “Malaysian Borneo's Muzium Sarawak: A Colonial Legacy in Postcolonial Context”. Cultural Survival. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  269. ^ “Islamic Heritage Museum”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  270. ^ “Chinese History Museum”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  271. ^ “Cat Museum, Kuching”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  272. ^ “Textile Museum Sarawak”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  273. ^ “Art Museum”. Sarawak Museum Department. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  274. ^ “Lau King Howe Medical Museum”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  275. ^ “Baram Regional Museum”. Sarawak Museum Department. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  276. ^ “Fort Margherita”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  277. ^ “Fort Emma, Rajang, Kanowit”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  278. ^ “Fort Sylvia, Kapit”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  279. ^ Irene, C. (1 tháng 2 năm 2015). “Fort Alice given a new lease on life”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  280. ^ “Aiman Batang Ai Resort & Retreat”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  281. ^ “Bawang Assan Iban Longhouses”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  282. ^ “Annah Rais Bidayuh Longhouse”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  283. ^ “Annah Rais Bidayuh longhouses”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  284. ^ “Bario”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  285. ^ “Bakelalan”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  286. ^ “Lamin Dana”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  287. ^ “Main Bazaar and Carpenter Street”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  288. ^ “India Street, Kuching”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
  289. ^ “Kuching's India Street withstands the test of time”. The Borneo Post. 21 tháng 2 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  290. ^ “About Us – Introduction”. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2015.
  291. ^ “Sarakraf Pavilion”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2015.
  292. ^ “Beads”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2015.
  293. ^ “Iban Pua Kumbu exhibit in London”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2015.
  294. ^ “Sarawak ethnic headgears”. Sarawak Cultural Village. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2015.
  295. ^ “Sarawak Pottery (Kuching)”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2015.
  296. ^ “Sarawak Artists Society (SAS) – established since 1985”. Sarawak Artists Society. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2015.
  297. ^ “Sarawak Artists Society”. Sarawak Artists Society. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2015.
  298. ^ Hassan, R.H; Durin, Anna. “Development of Paintings in Sarawak; 1946–1963 (Colonial and post colonial era) – 2nd last page”. Universiti Malaysia Sarawak. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2015.
  299. ^ Ringgit, Danielle Sendou (ngày 26 tháng 8 năm 2015). “From dreams into the mainstream”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2015. Perhaps the first time the sape took the world stage was when two Kenyah Lepo Tau sape players – Iran Lahang and Jalong Tanyit from Long Mengkaba – performed and demonstrated the art of sape-playing in Tokyo, Japan during Asian Traditional Performing Arts (ATPA) week in 1976. Aside from that, the late Tusau Padan performed for Queen Elizabeth during her official visit to Sarawak in 1972, ... Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  300. ^ “Alat-alat muzik tradisional (Traditional musical instruments” (bằng tiếng Malayalam). Yayasan Budaya Melayu Sarawak (Sarawak Malays' Culture Foundation). Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2015.
  301. ^ “Jamming in the rainforest”. New Straits Times. 8 tháng 7 năm 2002. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2015. Musicians from the heartland of Borneo travel downriver for the event, bringing their dugout sape guitars, bamboo zithers, treasured ancient brass gong sets and songs from the rainforest. Some play gourd organs with a battery of bamboo pipes, others tootle the flute – and in Borneo that means the jaw's harp, mouth flute, nose flute or a massed bamboo band of 30 or 40 piccolos, trebles, tenors and bassoons, all capable of astonishing sounds. Đã bỏ qua tham số không rõ |= (trợ giúp)
  302. ^ a b Pandian, A; Ching Ling, L; Ai Lin, T (16 tháng 10 năm 2014). “Chapter VII – Developing Literacy and Knowledge, Preservation skills among Remote Rural Children”. New Literacies: Reconstructing Language and Education. Cambridge Scholars Publishing. tr. 95–97. ISBN 978-1-4438-6956-0. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2016.
  303. ^ “Tarian Ngajat Identiti Istimewa Masyarakat Iban (Ngajat dances a special identity for the Ibans)”. Jabatan Penerangan Malaysia (Malaysian Ministry of Information). Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2015.
  304. ^ Nie, C.L.K; Durin, A. “Renong, An Iban Vocal Repertory (Conference paper)”. Universiti Malaysia Sarawak. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2015.
  305. ^ MacDonald, M.R. (16 tháng 12 năm 2013). “The tradition of storytelling in Malaysia”. Traditional Storytelling Today: An International Sourcebook. Routledge. tr. 208. ISBN 978-1-135-91721-0. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2016. The Kayan and the Kenyah, who dwell in the upper region of Sarawak, have a vibrant epic-telling tradition that is elaborate and specialised.
  306. ^ Law, Daryll (14 tháng 10 năm 2013). “Preserve traditional culture for prosperity, Iban's urged”. New Sarawak Tribune. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2015. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  307. ^ “Sarawak Gazette now available online”. The Borneo Post. 31 tháng 7 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2016.
  308. ^ Walker, J.H (13 tháng 4 năm 2005). “Hikayat Panglima Nikosa and the Sarawak Gazette: Transforming Texts in Nineteenth Century Sarawak”. Modern Asian Studies. 39 (2): 427. doi:10.1017/S0026749X04001507. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2016.
  309. ^ Syed Omar, S.O (1 tháng 12 năm 2001). “Novel Malaysia – Catatan sejarah awal (Malaysian novel – Early historical records)” (bằng tiếng Malayalam). Utusan Malaysia. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2016.
  310. ^ Pik Shy, F (tháng 12 năm 2013). “Malaysian Chinese Literary Works in a Multicultural Environment” (PDF). 3 (2). Universiti Malaya: 11. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2016. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  311. ^ “Best Sarawak Laksa in Kuching”. The Malaysian Insider. 29 tháng 4 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2016.
  312. ^ “Kolo mee, a Sarawak favourite, any time of day”. The Malaysian Insider. 14 tháng 9 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2016.
  313. ^ 'Ayam pansuh' — A Sarawak exotic delicacy loved by many (VIDEO)”. The Malay Mail. 28 tháng 6 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2016.
  314. ^ “Sarawak Top 10 Iconic Food”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2016.
  315. ^ “Singer Deja Moss' real passion is Sarawak layered cakes”. The Star (Malaysia). 24 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2016.
  316. ^ Langgat, J; Mohd Zahari, M.S.; Yasin, M.S.; Mansur, N.A (2011). “The Alteration Of Sarawak Ethnic Natives' Food: It'S [sic] Impact To Sarawak State Tourism”. 2nd International Conference on Business and Economic Research (2nd ICBER 2011) Proceeding: 685, 694. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2016.
  317. ^ Wong, Jonathan (8 tháng 9 năm 2013). “Monetising Sarawak's cultural food”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2016. With Sarawak being a tourist destination, this opened up opportunities for small businesses to monetise the cultural aspect of the Dayaks for not only foreigners but locals as well.
  318. ^ “Eyes on Sarawak's franchises”. The Borneo Post. 21 tháng 7 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2016.
  319. ^ “International cuisine in Kuching”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2016.
  320. ^ “Tycoon's four dailies poised to undergo revamp”. Malaysiakini. 17 tháng 1 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2016.
  321. ^ “See Hua Group saga: Court rules in favour of KTS”. The Borneo Post. 8 tháng 5 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2015.
  322. ^ “Tribune suspended”. The Star (Malaysia). 10 tháng 2 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2016.
  323. ^ “New lease of life for Sarawak Tribune”. The Malaysian Insider. 19 tháng 5 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2016.
  324. ^ Kaldor, Mary (18 tháng 4 năm 2012). Global Civil Society 2012: Ten Years of Critical Reflection. Palgrave Macmillan. tr. 82. ISBN 978-0-230-36943-6. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2016.
  325. ^ “Sarawak FM – Radio Malaysia Sarawak”. Sarawak FM. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2016.
  326. ^ “Nang Atap – CATS FM Radio station”. cats FM. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2016.
  327. ^ “Tea FM – Sarawak Chinese and English Radio station”. TEA FM. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 7 năm 2016. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2016.
  328. ^ “Public Holidays 2015”. The Sarawak Government. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2016.
  329. ^ “TYT, CM attend state's 52nd anniversary of independence”. The Borneo Post. 23 tháng 7 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2016.
  330. ^ Hunter, M. “Sarawak's "Independence Day". New Mandala (Australian National University). Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2016.
  331. ^ “Pomp celebrations for Sarawak Governor's birthday”. The Star (Malaysia). 12 tháng 9 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2016. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  332. ^ “CM and wife to have Hari Raya open house at BCCK”. 15 July 2015. 15 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2016. Kiểm tra giá trị |archiveurl= (trợ giúp)
  333. ^ Aubrey, S (9 tháng 6 năm 2015). “1,000 throng Manyin's Gawai Dayak open house”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2016.
  334. ^ “KTS holds Chinese New Year Open House in Bintulu”. The Borneo Post. 9 tháng 3 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2016.
  335. ^ “Public Holiday in Sarawak in conjunctions with the Gawai Dayak Celebration”. Co-operative College in Malaysia. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2016.
  336. ^ Way, W (2 tháng 11 năm 2013). “Deepavali is not dull in Sarawak”. Free Malaysia Today. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2016. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  337. ^ “Lessons from Sarawak”. Aliran. 26 tháng 7 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2016. The note that follows is a glimpse of the ethno-religious relations in Sibu town. The scenes in Sibu are common to other urban centres of Sarawak, but unique within the context of the national scene. ... Besides Christianity, other religions like Taoism, Buddhism and Islam also organise their respective processions during their big festivals.
  338. ^ Thomas, V (21 tháng 3 năm 2013). “Declare Good Friday a public holiday”. Free Malaysia Today. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2016. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  339. ^ “Kuching Festival 2014”. Sarawak Tourism Board. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2016.
  340. ^ “20,000 people rock Miri City Day's 10th anniversary concert”. The Borneo Post. 18 tháng 5 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2016.
  341. ^ “57 exciting Miri May Fest events”. New Sarawak Tribune. 6 tháng 4 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2016. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  342. ^ “Commonwealth Games Federation – Countries – Sarawak”. Commonwealth Games Federation. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2016.
  343. ^ “Japan top the list with 73 'golds'. The Straits Times. 5 tháng 9 năm 1962. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2016.
  344. ^ “Jakarta 1962”. Olympic Council of Asia. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2016.
  345. ^ “Sarawak State Sports Council”. Sarawak State Sports Council. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2016.
  346. ^ “S'wak to host Sukma in 2016 — Khairy”. The Borneo Post. 4 tháng 9 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2016.
  347. ^ Pail, Salena (ngày 22 tháng 10 năm 2015). “CM revs up momentum for 2016 S'wak Sukma”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2016.
  348. ^ Tieng Hee, Ting (12 tháng 4 năm 2015). “Five Sarawak swimmers for SEA Games”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2016.
  349. ^ Bong, Karen (14 tháng 12 năm 2014). “Major boost for paralympic athletes”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2016.
  350. ^ Veno, Jeremy (22 tháng 7 năm 2015). “Special Olympians off to Los Angeles”. The Borneo Post. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2016.
  351. ^ “Mengenai PSNS (Regarding PSNS [Sarawak Stadium Corporation])”. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2016.
  352. ^ “History”. Football Association of Sarawak. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2016.
  353. ^ “Honours”. Football Association of Sarawak. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2016.

Liên kết ngoài sửa