Liên bang Nga sáp nhập Krym
Vào tháng 2 và tháng 3 năm 2014, Nga xâm chiếm và sau đó sáp nhập bán đảo Krym từ Ukraina. Sự kiện này diễn ra trong khi có khoảng trống quyền lực tương đối[24] ngay sau Cách mạng Nhân phẩm, và là bước khởi đầu của Chiến tranh Nga-Ukraina có quy mô rộng lớn hơn.
Liên bang Nga sáp nhập Krym | |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Một phần của Chiến tranh Nga-Ukraina | |||||||
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp định gia nhập (sáp nhập) với các lãnh đạo Krym tại Moskva, 18 tháng 3 năm 2014. | |||||||
| |||||||
Tham chiến | |||||||
Chỉ huy và lãnh đạo | |||||||
Lực lượng | |||||||
Người biểu tình
Đơn vị tình nguyện[10]
Lực lượng vũ trang Nga
|
Người biểu tình
Lực lượng vũ trang Ukraina | ||||||
Thương vong và tổn thất | |||||||
1 binh sĩ SDF Krym thiệt mạng[15] | |||||||
2 dân thường thiệt mạng (trong các cuộc biểu tình),[20] 1 dân thường bị giết[21] (do SDF Krym dưới quyền chỉ huy của một cựu quân nhân Nga)[22][23] |
Các sự kiện tại Kyiv lật đổ Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych vào ngày 22 tháng 2 năm 2014 làm dấy lên làn sóng biểu tình ủng hộ Nga từ ngày 23 tháng 2 chống lại chính phủ Ukraina sắp hình thành. Đồng thời, Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận về các sự kiện tại Ukraina với các quan chức an ninh và nhận xét rằng "chúng ta phải bắt đầu nỗ lực thu hồi Krym về Nga". Vào ngày 27 tháng 2, các binh sĩ Nga[25] chiếm được các địa điểm chiến lược trên khắp Krym,[26] tiếp theo là thành lập chính phủ Aksyonov thân Nga tại Krym, trưng cầu dân ý về tình trạng Krym và tuyên bố Krym độc lập vào ngày 16 tháng 3 năm 2014.[27][28] Mặc dù ban đầu Nga tuyên bố quân đội của họ không liên quan đến sự kiện này,[29] nhưng Putin sau đó thừa nhận quân đội được triển khai để "đứng đằng sau lực lượng tự vệ của Krym".[30] Nga chính thức sáp nhập Krym vào ngày 18 tháng 3 năm 2014.[30]
Sau sự kiện sáp nhập,[31] Nga tăng cường hiện diện quân sự trên bán đảo và đe doạ củng cố hiện trạng mới trên thực địa.[32]
Ukraina và nhiều quốc gia khác lên án việc sáp nhập và cho đây là vi phạm luật pháp quốc tế và các thỏa thuận của Nga bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Việc sáp nhập khiến các thành viên khác của G8 khi đó đình chỉ Nga khỏi nhóm[33] và áp đặt các lệnh trừng phạt. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý và sáp nhập, thông qua một nghị quyết khẳng định "sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina trong các biên giới được quốc tế công nhận",[34] và gọi hành động của Nga là "sự chiếm đóng tạm thời".[35]
Chính phủ Nga phản đối từ "sáp nhập", khi Putin bảo vệ cuộc trưng cầu dân ý là tuân thủ nguyên tắc quyền tự quyết của các dân tộc.[36]
Tên gọi khác
sửaTại Ukraina, sự kiện sáp nhập Krym được gọi là Chiếm đóng tạm thời Cộng hòa tự trị Krym và Sevastopol bởi Nga (tiếng Ukraina: Тимчасова окупація Автономної Республіки Крим і Севастополя Росією, chuyển tự Tymchasova okupatsiia Avtonomnoi Respubliky Krym i Sevastopolia Rosiieiu), chiếm đóng phi pháp Cộng hòa tự trị Krym, Krym thất thủ, và xâm chiếm Krym.[37][38][39][40]
Tại Nga, sự kiện được gọi là Krym gia nhập Liên bang Nga (tiếng Nga: Присоединение Крыма к Российской Федерации, chuyển tự Prisoyedineniye Kryma k Rossiyskoy Federatsii), Krym trở lại (tiếng Nga: Возвращение Крыма, chuyển tự Vosvrashchenie Kryma), và thống nhất Krym.[41][42]
Bối cảnh
sửaKrym là một phần của Hãn quốc Krym từ năm 1441 cho đến khi bị Đế quốc Nga thôn tính vào năm 1783. Sau khi đế quốc sụp đổ kết thúc trong giai đoạn đầu của Nội chiến Nga, có một loạt chính phủ độc lập tồn tại trong thời gian ngắn (Cộng hòa Nhân dân Krym, Chính quyền khu vực Krym, Krym Xô viết). Tiếp sau chúng là các chính phủ Bạch vệ Nga (Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Nam Nga và sau đó là Chính phủ Nam Nga). Vào tháng 10 năm 1921, Nga Xô viết giành được quyền kiểm soát bán đảo và thành lập Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết tự trị Krym. Nga Xô viết cùng với ba nước cộng hòa khác thành lập Liên Xô vào năm sau.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai và sự kiện chính phủ Liên Xô trục xuất tất cả người Tatar Krym năm 1944, CHXHCNXV tự trị Krym bị tước quyền tự trị vào năm 1946 và bị hạ cấp xuống tình trạng một tỉnh thuộc Nga Xô viết. Năm 1954, tỉnh Krym được chuyển giao từ Nga Xô viết sang Ukraina Xô viết theo sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô nhằm kỷ niệm 300 năm thống nhất Ukraina với Nga.[43] Năm 1989, dưới chính sách perestroika của Gorbachev,[44] Xô Viết Tối cao tuyên bố rằng việc trục xuất người Tatar Krym dưới thời Stalin là bất hợp pháp[45] và dân tộc chủ yếu theo Hồi giáo này được phép quay trở lại Krym.[46]
Năm 1990, Xô viết (Hội đồng) của tỉnh Krym đề xuất khôi phục Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết tự trị Krym.[47] Tỉnh tiến hành trưng cầu dân ý vào năm 1991, trong đó hỏi liệu Krym có nên được nâng lên thành một bên ký kết Hiệp ước Liên minh mới (nghĩa là trở thành cộng hòa liên bang riêng biệt). Tuy nhiên, vào thời điểm đó quá trình Liên Xô tan rã đang diễn ra suôn sẻ. Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết tự trị Krym được khôi phục trong vòng chưa đầy một năm với tư cách một phần của Ukraina Xô viết trước khi Ukraina độc lập.[48] Ukraina mới độc lập duy trì tình trạng tự trị của Krym,[49] trong khi Hội đồng tối cao Krym khẳng định "chủ quyền" của bán đảo này với tư cách là một phần của Ukraina.[50] Chính quyền Ukraina hạn chế quyền tự trị của Krym vào năm 1995.[51]
Trong thập niên 1990, tranh chấp quyền kiểm soát Hạm đội Biển Đen và các căn cứ hải quân Krym là nguồn gốc căng thẳng giữa Nga và Ukraina. Năm 1992, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nga Vladimir Lukin đề nghị rằng nhằm gây áp lực buộc Ukraina từ bỏ yêu sách về Hạm đội Biển Đen, thì Nga nên đặt vấn đề về quyền kiểm soát của Ukraina đối với Krym.[52] Năm 1998, Hiệp ước phân chia đã chia hạm đội và trao cho Nga một căn cứ hải quân tại Sevastopol, và Hiệp ước hữu nghị công nhận tính bất khả xâm phạm của biên giới hiện hữu. Tuy nhiên, trong xung đột đảo Tuzla 2003 các vấn đề về biên giới trên biển lại nổi lên.
Vào tháng 9 năm 2008, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraina Volodymyr Ohryzko cáo buộc Nga cấp hộ chiếu Nga cho người dân tại Krym, và mô tả điều này là một "vấn đề thực sự", do Nga tuyên bố chính sách can thiệp quân sự ra nước ngoài để bảo vệ công dân Nga.[53]
Vào ngày 24 tháng 8 năm 2009, cư dân thuộc dân tộc Nga tổ chức biểu tình chống Ukraina. Sergei Tsekov (của Khối người Nga[54] và là phó chủ tịch Nghị viện Krym[55]) khi đó nói rằng ông hy vọng rằng Nga sẽ đối xử với Krym giống như cách họ đối xử với Nam Ossetia và Abkhazia.[56] Dân tộc Nga chiếm đa số cư dân tại Krym, và thiểu số cư dân thuộc dân tộc Ukraina và Tatar Krym, và bán đảo này có một trong các cộng đồng dân tộc Nga lớn nhất Ukraina.[57]
Ngay từ năm 2010, một số nhà phân tích đã suy đoán rằng chính phủ Nga có kế hoạch thu phục lãnh thổ. Taras Kuzio nói rằng "Nga có thời điểm khó khăn hơn nữa khi công nhận chủ quyền của Ukraina đối với Krym và cảng Sevastopol - theo quan điểm của dư luận tại Nga, các tuyên bố của các chính trị gia, bao gồm các thành viên của đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, các chuyên gia và nhà báo".[58] Năm 2011, William Varettoni viết rằng "Nga muốn sáp nhập Krym và chỉ đang chờ cơ hội thích hợp, rất có thể với lý do bảo vệ những người anh em Nga tại nước ngoài".[59]
Euromaidan và Cách mạng Nhân phẩm
sửaPhong trào phản kháng Euromaidan bắt đầu tại Kyiv vào cuối tháng 11 năm 2013 sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych thuộc Đảng Các khu vực không ký kết Thỏa thuận Liên kết Ukraina–Liên minh châu Âu[60] do Hội đồng Tối cao Ukraina (Rada) không thông qua được luật pháp cần thiết từng hứa hẹn.[61] Yanukovych thắng lợi[62] trong bầu cử tổng thống 2010 nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri tại Krym cùng miền Nam và miền Đông Ukraina. Chính phủ tự trị Krym ủng hộ mạnh mẽ Yanukovych và lên án các cuộc biểu tình, nói rằng chúng "đe dọa sự ổn định chính trị trong nước". Nghị viện tự trị Krym nói rằng họ ủng hộ quyết định của chính phủ về đình chỉ các cuộc đàm phán về thỏa thuận liên kết và kêu gọi người dân Krym "tăng cường quan hệ hữu nghị với các khu vực của Nga".[63]
Vào ngày 4 tháng 2 năm 2014, Đoàn Chủ tịch Hội đồng Tối cao Krym cân nhắc việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tình trạng của bán đảo và yêu cầu chính phủ Nga bảo đảm cho cuộc bỏ phiếu.[64] Cục An ninh Ukraina (SBU) phản ứng bằng cách mở một vụ án hình sự để điều tra khả năng "lật đổ" toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.[65] Vào ngày 20 tháng 2 năm 2014, trong chuyến thăm Moskva, Chủ tịch Hội đồng Tối cao Krym Vladimir Konstantinov tuyên bố rằng chuyển giao Krym 1954 từ Nga Xô viết sang Ukraina Xô viết là một sai lầm.[64]
Các cuộc biểu tình Euromaidan lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 2 năm 2014, Yanukovych cùng nhiều bộ trưởng của ông đào thoát khỏi thủ đô vào ngày 22 tháng 2.[66] Sau khi ông dời đi, một bộ phận các đại biểu nghị viện tập hợp tại Verkhovna Rada (quốc hội Ukraina), và bỏ phiếu vào ngày 22 tháng 2 để loại Yanukovych khỏi chức vụ của ông với lý do ông không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình,[67] mặc dù việc loại bỏ theo pháp lý này thiếu 3/4 số phiếu cần thiết của các thành viên Rada đương nhiệm theo hiến pháp hiện hành, nhưng Rada cũng đã bỏ phiếu đình chỉ hiến pháp.[68]Arseniy Yatsenyuk được Rada bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ lâm thời cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội mới được tổ chức. Chính phủ mới này được quốc tế công nhận, nhưng chính phủ Nga nói rằng những sự kiện này là một cuộc "đảo chính" và chính phủ tạm quyền là bất hợp pháp.[69]
Sáp nhập
sửaNga xâm chiếm Krym
sửaTháng 2 năm 2014 Cách mạng Nhân phẩm lật đổ Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị tại Krym, ban đầu được thể hiện bằng tuần hành chống lại chính phủ lâm thời Ukraina mới,[70] nhưng leo thang nhanh chóng. Vào tháng 1 năm 2014, hội đồng thành phố Sevastopol kêu gọi thành lập các đơn vị "dân quân nhân dân" để "đảm bảo phòng thủ vững chắc" thành phố khỏi "chủ nghĩa cực đoan".[71]
Các thành viên Verkhovna Rada của Krym kêu gọi tổ chức một cuộc họp bất thường vào ngày 21 tháng 2. Để đáp lại tình cảm ly khai của người Nga, Cục An ninh Ukraina (SBU) nói rằng họ sẽ "sử dụng các biện pháp nghiêm khắc để ngăn chặn bất kỳ hành động nào được thực hiện nhằm làm suy giảm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraina".[chú thích 2] Đảng có số ghế lớn nhất trong nghị viện Krym (80/100) là Đảng Các khu vực của Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych, họ không thảo luận về việc ly khai của Krym và ủng hộ một thỏa thuận giữa Tổng thống Yanukovych[62] và các nhà hoạt động Euromaidan để chấm dứt tình trạng bất ổn xảy ra tại Kyiv.[73]
Nga lo ngại rằng chính phủ mới công khai cam kết quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây sẽ khiến các vị trí chiến lược của họ tại Krym gặp nguy hiểm. Vào ngày 22–23 tháng 2[chú thích 3], Tổng thống Nga Vladimir Putin[74] triệu tập một cuộc họp suốt đêm với các lãnh đạo cơ quan an ninh để thảo luận về vấn đề giải thoát tổng thống Ukraina bị phế truất Viktor Yanukovych, và vào cuối cuộc họp đó Putin nhận xét rằng "chúng ta phải bắt đầu nỗ lực thu phục Krym về Nga".[4] Sau đó GRU và FSB bắt đầu đàm phán các thỏa thuận với những cảm tình viên địa phương để đảm bảo rằng khi chiến dịch bắt đầu sẽ có "các nhóm tự vệ địa phương" được trang bị tốt trên đường phố để nhận được hỗ trợ.[75]:11 Vào ngày 23 tháng 2, các cuộc biểu tình thân Nga được tổ chức tại thành phố Sevastopol.
Thủ tướng Krym Anatolii Mohyliov nói rằng chính phủ của ông công nhận chính phủ lâm thời mới tại Kyiv, và chính phủ tự trị Krym sẽ thực hiện tất cả các luật đã được quốc hội Ukraina thông qua.[76] Tại Simferopol, sau một cuộc biểu tình thân Nga vào ngày hôm trước, nơi những người biểu tình đã thay thế quốc kỳ Ukraina trên nghị viện bằng quốc kỳ Nga,[77] một cuộc biểu tình ủng hộ Euromaidan được tổ chức để ủng hộ chính phủ mới và yêu cầu nghị viện Krym từ chức; những người tham dự vẫy cờ Ukraina, Tatar và Liên minh châu Âu.[78] Trong khi đó, tại Sevastopol, hàng nghìn người phản đối chính phủ mới của Ukraina, bỏ phiếu thành lập một chính quyền song song và thành lập các đội dân phòng với hỗ trợ từ câu lạc bộ mô tô Sói Đêm của Nga. Người biểu tình vẫy quốc kỳ Nga, hô vang "Putin là tổng thống của chúng tôi!" và cho biết họ sẽ từ chối tiếp tục nộp thuế cho nhà nước Ukraina.[79] Các đoàn xe quân sự của Nga cũng được cho là xuất hiện trong khu vực.[80]
Tại Kerch, những người biểu tình ủng hộ Nga cố gắng dỡ bỏ quốc kỳ Ukraina khỏi đỉnh tòa thị chính và thay thế bằng quốc kỳ Nga. Thị trưởng Oleh Osadchy cố gắng giải tán đám đông và cuối cùng cảnh sát đã đến để bảo vệ quốc kỳ. Thị trưởng nói "Đây là lãnh thổ của Ukraina" nhưng bị buộc tội phản bội và một cuộc ẩu đả xảy ra sau đó.[81] Vào ngày 24 tháng 2, nhiều người biểu tình hơn bên ngoài cơ quan hành chính nhà nước thành phố Sevastopol.[82] Những người biểu tình thân Nga cùng với những người tân Cossack yêu cầu bầu một công dân Nga làm thị trưởng và treo quốc kỳ Nga xung quanh chính quyền thành phố; họ cũng phát tờ rơi đăng ký tham gia lực lượng dân quân tự vệ, cảnh báo rằng "bệnh dịch châu Âu Lam-Xám đang tấn công".[83]
Người đứng đầu chính quyền Sevastopol là Volodymyr Yatsuba tuyên bố từ chức, trích dẫn "quyết định của cư dân thành phố" được đưa ra tại một cuộc tập hợp ủng hộ Nga, và trong khi chính quyền thành phố tạm quyền ban đầu nghiêng về việc công nhận chính phủ mới của Ukraina,[84] họ chịu áp lực từ các nhà hoạt động thân Nga buộc chính quyền địa phương phải nhượng bộ.[85] Sau đó, Hội đồng thành phố Sevastopol bầu bất hợp pháp một công dân Nga là Alexei Chaly làm thị trưởng. Theo luật pháp Ukraina thì Sevastopol không thể tự bầu thị trưởng, do Chủ tịch Cơ quan Quản lý Nhà nước Thành phố Sevastopol được Tổng thống Ukraina bổ nhiệm và có chức năng là thị trưởng.[86] Cả nghìn người biểu tình có mặt hô vang "Một thị trưởng Nga cho một thành phố của Nga".[87]
Vào ngày 25 tháng 2, hàng trăm người biểu tình thân Nga chặn nghị viện Krym yêu cầu không công nhận chính quyền trung ương Ukraina và có một cuộc trưng cầu dân ý về tình trạng của Krym.[88] Cùng ngày, đám đông lại tụ tập bên ngoài tòa thị chính Sevastopol khi có tin đồn rằng lực lượng an ninh có thể bắt giữ Alexei Chaly, nhưng cảnh sát trưởng Alexander Goncharov nói rằng các sĩ quan của ông sẽ từ chối thực hiện "lệnh hình sự" do Kyiv ban hành. Viktor Neganov là cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ trú tại Sevastopol, ông lên án các sự kiện trong thành phố là một cuộc đảo chính, nói rằng: "Chaly đại diện cho lợi ích của Điện Kremlin và có thể họ đã ngầm chấp thuận". Chủ tịch Cơ quan Quản lý Nhà nước Thành phố Sevastopol Vladimir Yatsuba bị la ó và chỉ trích vào ngày 23 tháng 2, khi ông nói trước một cuộc tụ tập ủng hộ Nga rằng Krym là một phần của Ukraina. Ông từ chức vào ngày hôm sau.[87] Tại Simferopol, tòa nhà Cơ quan Hành chính Nhà nước Khu vực bị phong tỏa với hàng trăm người biểu tình, bao gồm cả những người tân Cossack, yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai; cuộc biểu tình được tổ chức bởi Mặt trận Krym.[89]
Vào ngày 26 tháng 2, gần tòa nhà Verkhovna Rada của Krym, 4.000–5.000 người Tatar Krym và những người ủng hộ phong trào Euromaidan-Krym đối mặt với 600–700 người ủng hộ các tổ chức thân Nga và Đảng Đoàn kết người Nga.[90] Các nhà lãnh đạo Tatar tổ chức biểu tình nhằm ngăn chặn cuộc họp của nghị viện Krym, nơi đang "làm mọi cách để thực hiện kế hoạch phân tách Krym khỏi Ukraina".[91] Chủ tịch Hội đồng Tối cao Vladimir Konstantinov nói rằng nghị viện Krym sẽ không xem xét việc tách khỏi Ukraina, và các báo cáo trước đó rằng nghị viện sẽ tổ chức một cuộc tranh luận về vấn đề này là sự khiêu khích.[92] Người Tatar thành lập các nhóm tự vệ, khuyến khích hợp tác với người Nga, người Ukraina và người dân các dân tộc khác, đồng thời kêu gọi bảo vệ các địa điểm tôn giáo và các địa điểm quan trọng khác.[93] Khi màn đêm buông xuống, người Tatar Krym rời đi; hàng trăm người ủng hộ Đảng Đoàn kết người Nga tập hợp lại.[94]
Quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraina Arsen Avakov giao nhiệm vụ cho các cơ quan thực thi pháp luật Krym không được kích động xung đột và làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn xung đột với lực lượng thân Nga; và ông nói thêm "Tôi nghĩ, theo cách đó - thông qua đối thoại - chúng ta sẽ đạt được nhiều điều hơn là bế tắc".[95] Giám đốc mới của Cục An ninh Ukraina (SBU) Valentyn Nalyvaichenko yêu cầu Liên Hợp Quốc thực hiện giám sát về tình hình an ninh tại Krym.[96] Quân đội Nga nắm quyền kiểm soát tuyến đường chính tới Sevastopol theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một trạm kiểm soát quân sự có quốc kỳ Nga và xe quân sự Nga được thiết lập trên đường cao tốc chính giữa thành phố và Simferopol.[97]
Nga tiếp quản
sửaVào ngày 27 tháng 2, các lực lượng không phiên hiệu của Nga cùng với lực lượng bán quân sự dân tộc chủ nghĩa thực hiện tiếp quản Cộng hòa tự trị Krym và Sevastopol. Lực lượng đặc biệt của Nga[98] chiếm giữ toà nhà Hội đồng Tối cao Krym và tòa nhà Hội đồng Bộ trưởng tại Simferopol.[99] Quốc kỳ Nga được kéo lên trên các tòa nhà này.[100] Các lực lượng thân Nga cũng chiếm đóng một số địa phương tại mũi đất Arabat thuộc tỉnh Kherson, về mặt địa lý là một phần của bán đảo Krym.
Trong khi "những người đàn ông nhỏ màu lục" đang chiếm giữ tòa nhà nghị viện Krym, nghị viện tổ chức một phiên họp khẩn cấp.[101] Họ bỏ phiếu chấm dứt chính phủ Krym và thay thế Thủ tướng Anatolii Mohyliov bằng Sergey Aksyonov.[102] Aksyonov thuộc đảng Đoàn kết người Nga, từng nhận được 4% phiếu bầu trong cuộc bầu cử Krym trước đó.[103] Theo Hiến pháp Ukraina, Thủ tướng Krym được Hội đồng Tối cao Krym bổ nhiệm theo tham vấn với Tổng thống Ukraina.[104] Aksyonov và Vladimir Konstantinov đều tuyên bố rằng họ xem Viktor Yanukovych là tổng thống hợp pháp của Ukraina, thông qua người này họ có thể yêu cầu Nga hỗ trợ.[105]
Nghị viện cũng bỏ phiếu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự chủ lớn hơn được ấn định vào ngày 25 tháng 5. Quân đội cắt toàn bộ liên lạc của tòa nhà và lấy điện thoại của các nghị sĩ khi họ bước vào.[101][103] Không nhà báo độc lập nào được phép vào bên trong tòa nhà khi cuộc bỏ phiếu diễn ra.[103] Một số nghị sĩ cho biết họ bị đe dọa và các phiếu bầu được bỏ cho họ và các nghị sĩ khác dù họ không có mặt trong phòng họp.[103] Interfax-Ukraine đưa tin bởi vì nghị viện bị chiếm đóng vũ trang nên không rõ có bao nhiêu nghị sĩ có mặt.[106]
Người đứng đầu bộ phận thông tin và phân tích của nghị viện là Olha Sulnikova gọi điện từ bên trong toà nghị viện cho các nhà báo và nói với họ rằng 61 trong số 64 đại biểu đăng ký đã ủng hộ cho nghị quyết trưng cầu dân ý và 55 phiếu ủng hộ nghị quyết giải tán chính phủ.[106] Nhân vật ly khai Cộng hòa Nhân dân Donetsk Igor Girkin cho biết vào tháng 1 năm 2015 rằng các thành viên nghị viện Krym bị chĩa súng và buộc phải ủng hộ việc sáp nhập.[107] Những hành động này ngay lập tức bị chính phủ lâm thời Ukraina tuyên bố là bất hợp pháp.[108]
Cùng ngày, có thêm nhiều binh sĩ mặc đồng phục không phiên hiệu, lần này được hỗ trợ bởi những người có vẻ là cảnh sát chống bạo động Berkut địa phương (cũng như binh sĩ Nga mặc đồng phục Berkut),[109] thiết lập trạm kiểm soát an ninh trên eo đất Perekop và bán đảo Chonhar nối liền bán đảo Krym với đại lục Ukraina.[110][111] Chỉ trong vòng vài giờ, Ukraina bị cắt khỏi Krym. Ngay sau đó, các kênh truyền hình Ukraina không còn khả dụng đối với người xem tại Krym và một số kênh được thay thế bằng các đài của Nga.
Vào ngày 1 tháng 3 năm 2014, Aksyonov nói rằng ông sẽ thực thi quyền kiểm soát tất cả các cơ sở quân sự và an ninh của Ukraina trên bán đảo, đồng thời yêu cầu Putin "hỗ trợ để đảm bảo hòa bình và yên bình" tại Krym.[112] Putin nhanh chóng nhận được sự ủy quyền từ Hội đồng Liên bang Nga cho một cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Ukraina cho đến khi "tình hình chính trị-xã hội tại nước này được bình thường hóa".[113] Hành động nhanh chóng của Putin dẫn đến những phản đối của một số trí thức Nga và các cuộc biểu tình nổ ra tại Moskva chống lại một chiến dịch quân sự của Nga tại Krym. Đến ngày 2 tháng 3, binh sĩ Nga di chuyển từ căn cứ hải quân của Nga tại Sevastopol và được tăng cường quân số, xe thiết giáp và trực thăng từ đại lục Nga, đã thực hiện quyền kiểm soát hoàn toàn bán đảo Krym.[114] Binh sĩ Nga hoạt động tại Krym không có phù hiệu. Vào ngày 3 tháng 3, họ phong tỏa Căn cứ hải quân phía Nam của Ukraina.
Vào ngày 4 tháng 3, Bộ Tổng tham mưu Ukraina cho biết có các đơn vị của Lữ đoàn súng trường cơ giới 18, Lữ đoàn tấn công hàng không 31 và Lữ đoàn Spetsnaz 22 của Nga được triển khai và hoạt động tại Krym, thay vì nhân sự của Hạm đội Biển Đen của Nga, vi phạm các thỏa thuận quốc tế ký kết giữa Ukraina và Nga.[115] Tại cuộc họp báo cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga không có kế hoạch sáp nhập Krym.[116] Ông cũng nói rằng Nga không có kế hoạch xâm chiếm Ukraina nhưng có thể can thiệp nếu người Nga tại Ukraina bị đe dọa.[116] Đây là một phần trong khuôn mẫu phủ nhận công khai về hoạt động quân sự đang diễn ra của Nga.[116]
Nhiều phương tiện truyền thông của chính phủ Ukraina và nước ngoài đưa tin và tuyên bố ghi nhận danh tính của những đội quân không phiên hiệu là lính Nga, nhưng các quan chức Nga che giấu danh tính lực lượng của họ, cho rằng họ là các đơn vị "tự vệ" địa phương nên Nga không có thẩm quyền.[29] Đến 17 tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng không có "quá nhiều quân Nga" tại Ukraina.[117] Cũng trong cuộc họp báo này, Putin nói về bán đảo này rằng "chỉ bản thân công dân, trong điều kiện được tự do bày tỏ ý chí và an ninh của họ mới có thể quyết định tương lai của họ".[118] Putin sau đó thừa nhận rằng ông ra lệnh "làm việc để đưa Krtm trở lại Nga" ngay từ tháng 2.[30] Ông cũng thừa nhận rằng vào đầu tháng 3 đã có "các cuộc thăm dò dư luận bí mật" được tổ chức tại Krym, và theo ông thì báo cáo cho thấy quần chúng có sự ủng hộ áp đảo đối với việc sáp nhập Krym vào Nga.[119]
Nga cuối cùng đã thừa nhận sự hiện diện của binh sĩ nước mình.[120] Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoygu cho biết các hành động quân sự của Nga tại Krym là do lực lượng của Hạm đội Biển Đen thực hiện và được biện minh là do "mối đe dọa đến tính mạng của thường dân Krym" và nguy cơ "những kẻ cực đoan tiếp quản cơ sở hạ tầng quân sự của Nga".[121] Ukraina phàn nàn rằng với việc tăng cường hiện diện binh sĩ tại Krym, Nga đã vi phạm thỏa thuận đặt trụ sở Hạm đội Biển Đen của họ tại Sevastopol.[122] và vi phạm chủ quyền của Ukraina. Hoa Kỳ và Anh cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của Bản ghi nhớ Budapest về Đảm bảo An ninh, trong đó Nga, Hoa Kỳ và Anh tái khẳng định nghĩa vụ của họ là kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraina.[123] Chính phủ Nga cho biết Bản ghi nhớ Budapest[124] không áp dụng do "hoàn cảnh bắt nguồn từ hoạt động của các yếu tố chính trị hoặc kinh tế-xã hội nội bộ".[125]
Vấn đề pháp lý
sửaGiữa Nga và Ukraina có các nghĩa vụ liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ và cấm sử dụng vũ lực, được quy định trong một số thỏa thuận đa phương hoặc song phương mà hai quốc gia là bên ký kết.[123][126]Vladimir Putin nói rằng binh sĩ Nga ở bán đảo Krym nhằm mục đích "đảm bảo các điều kiện thích hợp để người dân Krym có thể tự do bày tỏ ý chí của họ,"[127] trong khi Ukraina và các quốc gia khác cho rằng sự can thiệp như vậy là vi phạm chủ quyền của Ukraina.[128]
Trong Bản ghi nhớ Budapest về đảm bảo an ninh năm 1994[124] Nga nằm trong số những bên khẳng định tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina (bao gồm Krym) và kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraina.[123] Hiệp ước Hữu nghị Nga-Ukraina năm 1997 một lần nữa tái khẳng định tính bất khả xâm phạm của biên giới giữa hai quốc gia,[129] và yêu cầu các lực lượng Nga tại Krym tôn trọng chủ quyền của Ukraina, tôn trọng luật pháp và không can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraina.[130]
Hiệp ước Phân chia về tình trạng và điều kiện của Hạm đội Biển Đen giữa Nga và Ukraina được ký năm 1997 và gia hạn vào năm 2010, xác định tình trạng hiện diện quân sự của Nga tại Krym và hạn chế các hoạt động của họ,[131] bao gồm yêu cầu xuất trình "thẻ căn cước quân sự" khi qua biên giới quốc tế, và các hoạt động ở bên ngoài địa điểm triển khai được chỉ định sẽ chỉ được phép sau khi phối hợp với Ukraina.[130] Theo phía Ukraina, việc sử dụng các trạm dẫn đường và di chuyển quân đội là không đúng quy định trong hiệp ước và đã bị vi phạm nhiều lần cũng như vi phạm các quyết định liên quan của tòa án. Cuộc di chuyển quân vào tháng 2 "hoàn toàn coi thường" hiệp ước.[132][chú thích 4]
Theo Hiến pháp Nga, việc tiếp nhận các chủ thể liên bang mới được điều chỉnh theo luật hiến pháp liên bang (điều 65.2).[134] Luật như vậy đã được thông qua vào năm 2001 và quy định rằng việc tiếp nhận một quốc gia nước ngoài hoặc một phần của quốc gia đó vào Nga sẽ dựa trên thỏa thuận chung giữa Liên bang Nga và quốc gia liên quan và sẽ diễn ra theo một hiệp ước quốc tế giữa hai quốc gia; hơn nữa, nó phải được khởi xướng bởi quốc gia được đề cập, chứ không phải bởi phân vùng của họ hoặc bởi Nga.[135]
Vào ngày 28 tháng 2 năm 2014, nghị sĩ Nga Sergey Mironov cùng với các thành viên khác của Duma đã đưa ra một dự luật nhằm thay đổi thủ tục để Nga tiếp nhận các chủ thể liên bang. Theo dự luật, việc gia nhập có thể do một phân vùng của một quốc gia khởi xướng, với điều kiện là "thiếu vắng chính quyền nhà nước có chủ quyền hữu hiệu tại quốc gia nước ngoài"; yêu cầu có thể do các cơ quan của phân vùng tự mình đưa ra hoặc trên cơ sở một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trong phân vùng theo luật pháp quốc gia tương ứng.[136]
Vào ngày 11 tháng 3 năm 2014, cả Hội đồng Tối cao Krym và Hội đồng thành phố Sevastopol đều thông qua tuyên ngôn độc lập, trong đó nêu rõ ý định tuyên bố độc lập và yêu cầu gia nhập hoàn toàn vào Nga nếu lựa chọn thân Nga nhận được nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc trưng cầu dân ý sắp được tổ chức. Tuyên bố đề cập trực tiếp đến tiền lệ độc lập của Kosovo, theo đó tỉnh tự trị Kosovo và Metohija có cư dân là người Albania tuyên bố độc lập khỏi Serbia (đồng minh của Nga) và trở thành Cộng hòa Kosovo vào năm 2008, một hành động đơn phương bị Nga kiên quyết phản đối. Nhiều nhà phân tích coi tuyên bố này là một nỗ lực công khai nhằm mở đường cho việc sáp nhập Krym vào Nga.[137]
Kế hoạch tuyên bố độc lập khỏi Ukraina của chính quyền Krym khiến dự luật của Mironov trở nên không cần thiết. Vào ngày 20 tháng 3 năm 2014, hai ngày sau khi hiệp ước gia nhập được ký kết, dự luật bị những người khởi xướng rút lại.[138]
Tại cuộc họp vào ngày 21–22 tháng 3, Ủy ban Venezia của Hội đồng Châu Âu tuyên bố rằng dự luật Mironov vi phạm "đặc biệt là các nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia khác và hiệp ước phải được tuân thủ" và do đó không tương thích với luật pháp quốc tế.[139]
Trưng cầu dân ý tình trạng Krym
sửaVào ngày 27 tháng 2 năm 2014, sau khi lực lượng đặc biệt của Nga tiếp quản tòa nhà, Hội đồng Tối cao Krym bỏ phiếu tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 25 tháng 5, với câu hỏi ban đầu là liệu Krym nên nâng cấp quyền tự trị của mình trong Ukraina.[140] Ngày trưng cầu dân ý sau đó được dời từ 25 tháng 5 sang 30 tháng 3.[141] Một tòa án Ukraina tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp.[142]
Ngày 6 tháng 3, Hội đồng Tối cao chuyển ngày trưng cầu dân ý sang ngày 16 tháng 3 và đặt ra một câu hỏi mới: liệu Krym có nên nộp đơn xin gia nhập Nga với tư cách là một chủ thể liên bang hay là khôi phục hiến pháp Krym năm 1992 bên trong Ukraine, điều từng bị chính phủ Ukraina trước đây đã vô hiệu hóa. Cuộc trưng cầu dân ý này không giống như công bố trước đó khi không có lựa chọn nào về duy trì hiện trạng quản lý theo hiến pháp năm 1998.[143] Quyền Tổng thống Ukraina Oleksandr Turchynov tuyên bố rằng "Các nhà chức trách tại Krym hoàn toàn bất hợp pháp, cả nghị viện và chính phủ. Họ bị buộc phải làm việc dưới nòng súng và mọi quyết định của họ đều bị ra lệnh bởi sự sợ hãi và là bất hợp pháp".[144]
Vào ngày 14 tháng 3, cuộc trưng cầu dân ý về tình trạng Krym bị Tòa án Hiến pháp Ukraina phán quyết là vi hiến,[145] và một ngày sau thì Verkhovna Rada chính thức giải tán nghị viện Krym.[28] Đến gần cuộc trưng cầu dân ý, Nga tập trung quân gần biên giới phía đông Ukraina,[146] có khả năng để đe dọa leo thang và cản trở phản ứng của Ukraina.
Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức bất chấp sự phản đối của chính phủ Ukraina. Kết quả chính thức cho biết khoảng 95,5% cử tri tham gia tại Krym (tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 83%) ủng hộ việc ly khai khỏi Ukraina và gia nhập Nga.[36][147] Kết quả trưng cầu dân ý bị nghi ngờ;[148] một báo cáo khác của Evgeny Bobrov, thành viên Hội đồng Nhân quyền của Tổng thống Nga, cho rằng kết quả chính thức đã bị thổi phồng và chỉ 15% đến 30% người Krym đủ điều kiện bỏ phiếu thực sự đã bỏ phiếu cho lựa chọn gia nhập Nga.[27]
Cách thức tiến hành cuộc trưng cầu dân ý bị các chính phủ nước ngoài chỉ trích rộng rãi[149] và trên báo chí Ukraina cùng quốc tế, khi có các tường thuật rằng bất kỳ ai mang hộ chiếu Nga bất kể có tình trạng cư trú tại Krym hay không đều được phép bỏ phiếu.[150] OSCE từ chối cử quan sát viên tới cuộc trưng cầu dân ý, nói rằng lời mời cần phải đến từ một quốc gia thành viên OSCE được đề cập (tức là Ukraina), chứ không phải từ chính quyền địa phương.[151] Nga đã mời một nhóm quan sát viên từ các đảng chính trị cực hữu khác nhau tại Châu Âu có liên kết với Putin, họ tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành một cách tự do và công bằng.[152]
Tuyên bố độc lập của Cộng hòa Krym
sửaCộng hòa Krym độc lập chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Vào ngày 17 tháng 3, sau thông báo chính thức về kết quả trưng cầu dân ý, Hội đồng Tối cao Krym tuyên bố nền độc lập chính thức của Cộng hòa Krym, bao gồm lãnh thổ của cả Cộng hòa tự trị Krym và thành phố Sevastopol (được trao tình trạng đặc biệt trong nước cộng hòa ly khai).[153] Nghị viện Krym tuyên bố "bãi bỏ một phần" luật pháp Ukraina và bắt đầu quốc hữu hóa tài sản tư nhân và nhà nước Ukraina nằm trên bán đảo Krym, bao gồm cả các cảng của Ukraina[154] và tài sản của Chornomornaftogaz.[155] Nghị viện cũng chính thức yêu cầu chính phủ Nga thừa nhận nước cộng hòa ly khai gia nhập Nga,[156] còn Sevastopol yêu cầu được thừa nhận là "thành phố có ý nghĩa liên bang".[157] Cùng ngày, Hội đồng Tối cao đổi tên thành Hội đồng Nhà nước Krym,[158] tuyên bố rúp Nga là đồng tiền chính thức cùng với hryvnia,[159] và đến tháng 6 thì đồng rúp Nga trở thành loại tiền đấu thầu hợp pháp duy nhất.[160]
Putin chính thức công nhận Cộng hòa Krym 'là một quốc gia có chủ quyền và độc lập' theo nghị định vào ngày 17 tháng 3.[161]
Hoàn tất việc sáp nhập
sửaHiệp ước Cộng hòa Krym gia nhập Nga được ký kết giữa các đại biểu của Cộng hòa Krym (bao gồm Sevastopol) và Liên bang Nga vào ngày 18 tháng 3 năm 2014 để đưa ra các điều khoản cho việc tiếp nhận ngay lập tức Cộng hòa Krym và Sevastopol thành chủ thể liên bang của Nga và một phần của Liên bang Nga.[162][chú thích 5] Vào ngày 19 tháng 3, Tòa án Hiến pháp Nga quyết định rằng hiệp ước này tuân thủ Hiến pháp Nga.[164] Cho đến ngày 21 tháng 3, Hiệp ước đã được Quốc hội Liên bang và Hội đồng Liên bang thông qua.[165] Ilya Ponomarev là thành viên Duma Quốc gia duy nhất bỏ phiếu chống lại hiệp ước.[166] Cộng hòa Krym và thành phố liên bang Sevastopol trở thành chủ thể liên bang thứ 84 và 85 của Nga.[167]
Trong một sự cố gây tranh cãi tại Simferopol vào ngày 18 tháng 3, một số nguồn tin Ukraina cho biết các tay súng có vũ trang được cho là lực lượng đặc biệt của Nga đã xông vào căn cứ của Ukraina. Điều này bị chính quyền Nga tranh chấp, sau đó họ tuyên bố bắt giữ một tay súng bắn tỉa người Ukraina được cho là có liên quan đến vụ giết người,[168] nhưng sau đó phủ nhận việc bắt giữ đã xảy ra.[169]
Hai người tử vong có một đám tang chung với sự tham dự của cả chính quyền Krym và Ukraina, và người lính Ukraina cùng "tình nguyện viên tự vệ" bán quân sự Nga đều được để tang cùng nhau.[170]
Để đối phó với vụ nổ súng, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Ihor Tenyukh ủy quyền cho quân đội Ukraina đóng tại Krym sử dụng vũ lực sát thương trong các tình huống đe dọa tính mạng. Điều này làm tăng nguy cơ đổ máu trong bất kỳ hoạt động tiếp quản nào nhằm vào các căn cứ quân sự của Ukraina, tuy nhiên các hoạt động tiếp theo của Nga nhằm chiếm giữ các căn cứ quân sự và tàu còn lại của Ukraina tại Krym không gây ra thêm trường hợp tử vong nào, mặc dù vũ khí đã được sử dụng và một số người bị thương. Các đơn vị Nga tham gia vào các hoạt động như vậy được lệnh tránh sử dụng vũ lực sát thương khi có thể. Quân đội Ukraina vốn bị phong tỏa trong ba tuần mà không có bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính phủ Ukraina, tinh thần của họ xuống rất thấp và đại đa số họ không tiến hành bất kỳ hành vi kháng cự thực sự nào.[171]
Vào ngày 24 tháng 3, Chính phủ Ukraina ra lệnh rút toàn bộ lực lượng vũ trang khỏi Krym.[172] Khoảng 50% binh sĩ Ukraina tại Krym đào ngũ sang quân đội Nga.[173] Vào ngày 26 tháng 3, các căn cứ quân sự cuối cùng của Ukraina và các tàu còn lại của Hải quân Ukraina bị quân đội Nga chiếm giữ.[174]
Chiếm đóng
sửaVào ngày 27 tháng 3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết không rằng buộc tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý tại Krym và việc thay đổi tình trạng sau đó là không hợp lệ, với số phiếu 100/11, cùng 58 phiếu trắng và 24 đại biểu vắng mặt.[175] Krym và Sevastopol chuyển sang Giờ Moskva lúc 10 giờ tối ngày 29 tháng 3.[176]
Vào ngày 31 tháng 3, Nga đơn phương bãi bỏ Hiệp ước Kharkiv[177] và Hiệp ước Phân chia về tình trạng và điều kiện của Hạm đội Biển Đen.[178] Putin trích dẫn "việc Cộng hòa Krym và Sevastopol gia nhập Nga" và dẫn đến "chấm dứt trên thực tế các mối quan hệ cho thuê" là lý do ông bãi bỏ hiệp ước.[179] Cùng ngày, ông ký một sắc lệnh chính thức phục hồi quyền lợi của người Tatar Krym từng bị trục xuất khỏi vùng đất của họ vào năm 1944, và các cộng đồng thiểu số Armenia, Đức, Hy Lạp và Bulgaria trong khu vực cũng từng bị Stalin ra lệnh thanh lọc vào những năm 1940.
Cũng vào ngày 31 tháng 3 năm 2014, Thủ tướng Dmitry Medvedev công bố một loạt chương trình nhằm nhanh chóng hợp nhất lãnh thổ Krym vào nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Nga. Medvedev tuyên bố thành lập một bộ mới phụ trách sự vụ Krym và ra lệnh cho các bộ trưởng hàng đầu của Nga cùng ông đưa ra kế hoạch phát triển Krym, khiến nó là ưu tiên hàng đầu của họ.[180] Vào ngày 3 tháng 4 năm 2014, Cộng hòa Krym và thành phố Sevastopol trở thành một phần của Quân khu phía Nam của Nga. Vào ngày 7 tháng 5 năm 2015, Krym đổi hệ thống mã điện thoại của mình từ hệ thống số Ukraina sang hệ thống số Nga.[181]
Vào ngày 11 tháng 4, Hiến pháp Cộng hòa Krym và Hiến chương Thành phố Sevastopol đã được cơ quan lập pháp tương ứng của họ thông qua,[182] có hiệu lực vào ngày hôm sau, ngoài ra, các chủ thể liên bang mới cũng được liệt kê trong bản sửa đổi Hiến pháp Nga mới được công bố.[183]
Vào ngày 14 tháng 4, Vladimir Putin thông báo rằng ông sẽ mở một tài khoản chỉ bằng đồng rúp với Ngân hàng Rossiya và sẽ biến họ thành ngân hàng chính tại Krym mới được sáp nhập, cũng như trao quyền phục vụ thanh toán trên thị trường điện bán buôn trị giá 36 tỷ USD của Nga-mang lại cho ngân hàng 112 triệu USD hàng năm chỉ từ phí hoa hồng.[184]
Nga rút lực lượng khỏi miền nam tỉnh Kherson vào tháng 12 năm 2014.[185] Vào tháng 7 năm 2015, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố rằng Krym đã được hợp nhất hoàn toàn vào Nga.[186] Cho đến năm 2016, những chủ thể mới này được nhóm lại thành Vùng Liên bang Krym.
Vào ngày 8 tháng 8 năm 2016, Ukraina báo cáo rằng Nga tăng cường hiện diện quân sự dọc theo đường phân giới.[187] Ukraina đối phó bằng cách cũng triển khai thêm quân và nguồn lực gần ranh giới với Krym.[188] Vào ngày 10 tháng 8, Nga tuyên bố hai quân nhân thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lính biệt kích Ukraina và các quân nhân Ukraina đã bị bắt khi mang tổng cộng 40 kg thuốc nổ.[189] Ukraine phủ nhận vụ việc xảy ra.[190]
Các tường thuật của Nga cho rằng FSB của Nga bắt giữ "những kẻ phá hoại" và "những kẻ khủng bố Ukraina" gần Armiansk. Cuộc đấu súng sau đó khiến một sĩ quan FSB và một nghi phạm thiệt mạng. Một số cá nhân bị bắt giữ, trong đó có Yevhen Panov, người được các nguồn tin Nga mô tả là sĩ quan tình báo quân đội Ukraina và là thủ lĩnh của nhóm phá hoại. Nhóm này bị cáo buộc lên kế hoạch tấn công khủng bố vào cơ sở hạ tầng quan trọng tại Armiansk, Krym.[191]
Truyền thông Ukraina đưa tin Panov là một quân nhân tình nguyện chiến đấu ở miền đông đất nước, tuy nhiên gần đây anh ta đã liên kết với một tổ chức từ thiện. Nga cũng tuyên bố rằng vụ xâm nhập biên giới được cáo buộc này đi kèm với "hỏa lực mạnh" từ lãnh thổ Ukraina, dẫn đến cái chết của một binh sĩ Nga.[191] Chính phủ Ukraina gọi những cáo buộc của Nga là "hoài nghi" và "vô nghĩa" và lập luận rằng vì Krym là lãnh thổ của Ukraina nên chính Nga "đã hào phóng tài trợ và tích cực hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố trên lãnh thổ Ukraina".[192]
Năm 2017, một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu và Quốc tế thực hiện cho thấy 85% số người không phải người Tatar Krym được hỏi tin rằng nếu cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức lại thì nó sẽ dẫn đến kết quả tương tự hoặc "chỉ khác một chút". Krym hoàn toàn hợp nhất vào lĩnh vực truyền thông của Nga và hầu như không tồn tại mối liên hệ nào với phần còn lại của Ukraina.[193]
Vào ngày 26 tháng 11 năm 2018, các nhà lập pháp trong Quốc hội Ukraina ủng hộ áp đảo việc áp dụng thiết quân luật dọc theo các khu vực ven biển của Ukraina và những vùng giáp biên giới với Nga để phản ứng trước việc Nga bắn và bắt giữ các tàu hải quân Ukraina gần bán đảo Krym một ngày trước đó. Tổng cộng có 276 nhà lập pháp tại Kyiv ủng hộ biện pháp này, có hiệu lực vào ngày 28 tháng 11 năm 2018 và kết thúc vào ngày 26 tháng 12.[194]
Vào ngày 28 tháng 12 năm 2018, Nga hoàn thành hàng rào an ninh công nghệ cao đánh dấu biên giới trên thực tế giữa Krym và Ukraina.[195] Vào năm 2021, Ukraina phát động Nền tảng Krym, một sáng kiến ngoại giao nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân Krym và cuối cùng là đảo ngược việc sáp nhập Krym.[196]
Chuyển tiếp và hậu quả
sửaÝ nghĩa kinh tế
sửaBan đầu sau khi sáp nhập, mức lương tại Krym tăng lên, đặc biệt là lương của nhân viên chính phủ. Tuy nhiên, điều này sớm bị bão hoà do giá cả tăng vì đồng rúp mất giá. Du lịch vốn là ngành kinh tế chính trước đây của Krym, nhưng nay đặc biệt bị ảnh hưởng, vào năm 2015 giảm 50% so với năm 2014.[197][198] Sản lượng nông nghiệp của Krym cũng bị ảnh hưởng đáng kể do việc sáp nhập. Ukraina cắt nguồn cung cấp nước qua kênh đào Bắc Krym, là nơi cung cấp 85% nước ngọt cho bán đảo, khiến vụ lúa năm 2014 thất bát và gây thiệt hại lớn cho cây ngô và đậu tương.[199] Việc sáp nhập cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến người Nga làm việc tại Ukraina và người Ukraina làm việc tại Nga.[200]
Số lượng khách du lịch đến thăm Krym trong mùa 2014 thấp hơn so với những năm trước do sự kết hợp từ "các lệnh trừng phạt của phương Tây", sự phản đối về mặt đạo đức của người Ukraina, và người Nga gặp khó khăn khi đến đây.[201] Chính phủ Nga cố gắng kích thích dòng khách du lịch bằng cách trợ cấp các kỳ nghỉ trên bán đảo cho trẻ em và công chức nhà nước từ khắp nước Nga[202] chủ yếu là trong các khách sạn nhà nước. Vào năm 2015, tổng cộng có 3 triệu khách du lịch đến thăm Krym theo dữ liệu chính thức, trong khi trước khi sáp nhập thì con số này trung bình là khoảng 5,5 triệu. Sự thiếu hụt chủ yếu là do dòng khách du lịch từ Ukraina bị ngừng lại. Các khách sạn và nhà hàng cũng gặp khó khăn trong việc tìm đủ lao động thời vụ, vì trong những năm trước họ hầu hết đến từ đại lục Ukraina. Khách du lịch đến các khách sạn nhà nước phàn nàn chủ yếu là về tiêu chuẩn phòng và cơ sở vật chất ở mức thấp, một số vẫn chưa được sửa chữa từ thời Liên Xô.[203]
Theo tờ báo Đức Die Welt, việc sáp nhập Krym là bất lợi về mặt kinh tế đối với Liên bang Nga. Nga sẽ phải chi hàng tỷ euro mỗi năm để trả tiền lương và lương hưu. Hơn nữa, Nga sẽ phải thực hiện các dự án tốn kém để kết nối Krym với hệ thống cấp nước và điện của Nga vì Krym không có đường nối trên bộ với Nga và đến năm 2014 vẫn lấy nước, khí đốt và điện từ đại lục Ukraina. Điều này đòi hỏi phải xây dựng một cây cầu và một đường ống dẫn qua eo biển Kerch. Ngoài ra, một chuyên gia Ukraina nói với Die Welt rằng Krym "sẽ không thể thu hút khách du lịch".[204]
Phó thứ trưởng thứ nhất của Bộ Tài chính Nga Tatyana Nesterenko nói rằng quyết định sáp nhập Krym là do riêng Vladimir Putin đưa ra, không có tham vấn Bộ Tài chính Nga.[205]
Báo kinh doanh Nga Kommersant bày tỏ quan điểm rằng Nga sẽ không thu được gì về mặt kinh tế từ việc "thêm vào" Krym, nơi có nền công nghiệp không phát triển lắm, chỉ có một vài nhà máy lớn và tổng sản phẩm hàng năm của họ chỉ là 4 tỷ USD. Tờ báo cũng nói rằng mọi thứ từ Nga sẽ phải được vận chuyển bằng đường biển, chi phí vận chuyển cao hơn sẽ dẫn đến giá cả mọi thứ cao hơn; và để tránh mức sống suy giảm thì Nga sẽ phải trợ cấp cho người dân Krym trong vài tháng. Tổng cộng, Kommersant ước tính chi phí sáp nhập Krym vào Nga là 30 tỷ USD trong thập kỷ tới, tức là 3 tỷ USD mỗi năm.[206]
Các chuyên gia dầu mỏ phương Tây ước tính rằng việc Nga chiếm Krym giúp nước này kiểm soát một khu vực ở Biển Đen rộng gấp ba lần diện tích đất liền của bán đảo, khiến cho Nga tiếp cận được trữ lượng dầu khí có khả năng trị giá hàng nghìn tỷ đô la.[207] Điều này cũng tước đi của Ukraina cơ hội độc lập về năng lượng. Việc Nga sáp nhập bán đảo có thể thay đổi lộ trình xây dựng đường ống South Stream, giúp Nga tiết kiệm tiền bạc, thời gian và giải quyết các thách thức về mặt kỹ thuật. Nó cũng sẽ cho phép Nga tránh xây dựng trong lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ, là điều cần thiết trong lộ trình ban đầu để tránh lãnh thổ Ukraina.[208] Tuy nhiên, đường ống này sau đó bị hủy để chuyển sang TurkStream.
Cục Dịch vụ Truyền thông Liên bang Nga (Roskomnadzor) cảnh báo về giai đoạn chuyển tiếp khi các nhà khai thác Nga phải thay đổi dung lượng đầu số và số thuê bao. Mã quốc gia sẽ được thay thế từ của Ukraina +380 thành của Nga +7. Các số điện thoại tại Krym bắt đầu bằng đầu số 65, nhưng trong vùng mã quốc gia "7" thì đầu số 6 được trao cho Kazakhstan, nên đầu số của Krym phải thay đổi. Cơ quan quản lý đã chỉ định đầu số 869 cho Sevastopol và phần còn lại của bán đảo nhận được đầu số 365.[209] Vào thời điểm thống nhất với Nga, các nhà khai thác điện thoại và cung cấp dịch vụ Internet tại Krym và Sevastopol được kết nối với thế giới bên ngoài thông qua lãnh thổ Ukraina.[210] Bộ trưởng Truyền thông Nga Nikolai Nikiforov thông báo rằng mã bưu chính tại Krym sẽ có sáu chữ số: số 2 sẽ được thêm vào đầu số có năm chữ số hiện hữu. Ví dụ: mã bưu chính Simferopol 95000 sẽ trở thành 295000.[211]
Trong khu vực nay là biên giới giữa Krym và Ukraina, hồ nước mặn Syvash tạo thành biên giới tự nhiên, và trên phần đất còn lại có dây thép được dựng lên ở hai bên.[212] Vào đầu tháng 6 năm đó Thủ tướng Dmitry Medvedev ký Nghị quyết Chính phủ số 961[213] thành lập các trạm kiểm soát đường không, đường biển, đường bộ và đường sắt. Các quyết định được thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của hệ thống trạm kiểm soát tại biên giới nhà nước Nga, tại Cộng hòa Krym và Sevastopol.[214][cần nguồn từ bên thứ ba]
Vào năm sau khi sáp nhập, những người có vũ trang đã chiếm giữ nhiều cơ sở kinh doanh khác nhau tại Krym, bao gồm ngân hàng, khách sạn, nhà máy đóng tàu, trang trại, trạm xăng, tiệm bánh, một cơ sở sản xuất sữa và Xưởng phim Yalta.[215][216] Truyền thông Nga ghi nhận xu hướng này là "quay trở lại thập niên 90", được cho là thời kỳ hỗn loạn và các băng đảng thống trị tại Nga.[217]
Sau năm 2014, chính phủ Nga đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng của bán đảo—sửa chữa đường sá, hiện đại hóa bệnh viện và xây dựng cầu Krym nối bán đảo với đại lục Nga. Việc phát triển các nguồn nước mới được thực hiện với những khó khăn rất lớn để thay thế các nguồn nước đã bị Ukraina đóng lại.[218] Năm 2015, Ủy ban Điều tra Nga công bố một số vụ trộm cắp, tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng tại Krym; như chi tiêu vượt quá chi phí hạch toán thực tế. Một số quan chức Nga cũng bị bắt vì tham nhũng, trong đó có lãnh đạo cơ quan thanh tra thuế liên bang.[219]
Theo số liệu chính thức của Ukraina vào tháng 2 năm 2016, sau khi Nga sáp nhập thì 10% nhân viên Cục An ninh Ukraina đã rời Krym; đi cùng với 6.000 trong số 20.300 người thuộc Lục quân Ukraina trước sáp nhập.[220]
Do tình trạng chính trị Krym có tranh chấp, các nhà khai thác di động Nga tránh mở rộng hoạt động của họ sang Krym và tất cả các dịch vụ di động đều được cung cấp trên cơ sở "chuyển vùng nội bộ", gây ra tranh cãi đáng kể tại Nga. Tuy nhiên, các công ty viễn thông lập luận rằng việc mở rộng phạm vi phủ sóng tới Krym sẽ khiến họ có nguy cơ bị phương Tây trừng phạt và kết quả là họ sẽ mất quyền truy cập vào các thiết bị và phần mềm quan trọng, trong khi chúng không được sản xuất trong nước.[221] 5 năm đầu chiếm đóng Krym khiến Nga tiêu tốn hơn 20 tỷ USD, gần bằng toàn bộ ngân sách giáo dục của Liên bang Nga trong 2 năm.[222]
Tình hình nhân quyền
sửaTheo Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức phi chính phủ, Nga phải chịu trách nhiệm về nhiều hành vi lạm dụng nhân quyền, bao gồm tra tấn, giam giữ tùy tiện, cưỡng bức mất tích và các trường hợp phân biệt đối xử, bao gồm bức hại người Tatar Krym tại Krym kể từ khi sáp nhập bất hợp pháp.[223][224] Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ghi nhận nhiều hành vi vi phạm nhân quyền tại Krym, lưu ý rằng người Tatar Krym thiểu số bị ảnh hưởng không tương xứng.[225] Vào tháng 12 năm 2016, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu về một nghị quyết về nhân quyền tại Krym bị chiếm đóng. Nghị quyết kêu gọi Liên bang Nga "thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để chấm dứt ngay lập tức mọi hành vi lạm dụng đối với cư dân Krym". Nghị quyết cũng kêu gọi Nga "ngay lập tức trả tự do cho những công dân Ukraina bị giam giữ và xét xử bất hợp pháp".[226]
Sau khi sáp nhập, giới cầm quyền Nga cấm các tổ chức của người Tatar Krym, đưa ra cáo buộc hình sự đối với các nhà lãnh đạo và nhà báo của người Tatar, đồng thời nhắm vào người dân Tatar. Hội đồng Đại Tây Dương mô tả đây là hành vi trừng phạt tập thể, và do đó là tội ác chiến tranh bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế và công ước Genève.[227] Vào tháng 3 năm 2014, Human Rights Watch đưa tin rằng các nhà hoạt động và nhà báo ủng hộ Ukraina bị các nhóm "tự vệ" tấn công, bắt cóc và tra tấn.[228] Một số người Krym đơn giản là "biến mất" không lời giải thích.[229]
Vào ngày 9 tháng 5 năm 2014, sửa đổi mới "chống chủ nghĩa cực đoan" của Bộ luật hình sự Nga có hiệu lực. Điều 280.1 xác định tội kích động vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga[230] (bao gồm kêu gọi ly khai Krym khỏi Nga[231]) là một tội hình sự tại Nga, có thể bị phạt 300 nghìn rúp hoặc phạt tù tới 3 năm. Nếu những tuyên bố như vậy được đưa ra trên phương tiện truyền thông đại chúng hoặc internet, hình phạt có thể là lao động bắt buộc lên tới 480 giờ hoặc phạt tù lên tới 5 năm.[230]
Theo một báo cáo của Hội đồng Nhân quyền và Xã hội Dân sự của Tổng thống Nga, những người Tatar phản đối sự cai trị của Nga đã bị đàn áp, luật pháp Nga đã được áp đặt để hạn chế quyền tự do ngôn luận và chính quyền mới của Nga "thanh lý" Giáo hội Chính thống giáo-Thượng Phụ Kyiv trên bán đảo.[27][232] Đài truyền hình Tatar Krym cũng bị chính quyền Nga đóng cửa.[229]
Vào ngày 16 tháng 5, chính quyền mới của Nga tại Krym ban hành lệnh cấm tổ chức các lễ kỷ niệm hàng năm về sự kiện trục xuất người Tatar Krym năm 1944, với lý do là "có khả năng bị những kẻ cực đoan khiêu khích".[233] Trước đây, khi Krym còn nằm dưới quyền kiểm soát của Ukraina, những lễ tưởng niệm này diễn ra hàng năm. Chính quyền Krym do Nga dựng lên cũng cấm cựu Chủ tịch Mejlis của người Tatar Krym là Mustafa Dzhemilev được vào Krym.[234] Ngoài ra, Mejlis đưa tin rằng các sĩ quan Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) của Nga đột kích vào các ngôi nhà của người Tatar trong cùng tuần, với lý do "nghi ngờ về hoạt động khủng bố".[235] Cộng đồng Tatar cuối cùng tổ chức các cuộc tập hợp kỷ niệm bất chấp lệnh cấm.[234][235] Đáp lại, chính quyền Nga điều máy bay trực thăng bay qua các cuộc tụ tập nhằm ngăn cản họ.[236]
Vào tháng 5 năm 2015, một nhà hoạt động địa phương là Alexander Kostenko bị kết án bốn năm tù giam. Luật sư của ông là Dmitry Sotnikov nói rằng vụ án là bịa đặt và thân chủ của ông bị đánh đập và bỏ đói. Công tố viên Krym Natalia Poklonskaya cáo buộc Kostenko thực hiện các cử chỉ quốc xã trong các cuộc biểu tình Maidan, và rằng họ đang phán xét "không chỉ [Kostenko], mà còn cả ý tưởng về chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã, vốn đang cố gắng ngóc đầu lên một lần nữa".[237] Vào tháng 6 năm 2015, Razom công bố một báo cáo tổng hợp các vi phạm nhân quyền tại Krym.[238] Trong báo cáo thường niên năm 2016, Hội đồng Châu Âu không đề cập đến vi phạm nhân quyền tại Krym vì Nga không cho phép các giám sát viên của họ vào khu vực này.[239]
Vào tháng 2 năm 2016, nhà bảo vệ nhân quyền Emir-Usein Kuku từ Krym bị bắt giữ và bị cáo buộc là thành viên của tổ chức Hồi giáo Hizb ut-Tahrir, nhưng ông phủ nhận mọi liên quan đến tổ chức này. Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi thả ông ngay lập tức.[240] Vào ngày 24 tháng 5 năm 2016, cựu thành viên của Hội đồng thị trấn Bakhchysarai Ervin Ibragimov bị mất tích, ông cũng là thành viên của Đại hội thế giới người Tatar Krym. Đoạn phim từ camera cho thấy Ibragimov bị một nhóm đàn ông chặn lại và bị ép lên xe của họ.[241] Theo Nhóm bảo vệ nhân quyền Kharkiv thì chính quyền Nga từ chối điều tra vụ mất tích của Ibragimov.[242]
Vào tháng 5 năm 2018, người sáng lập và điều phối viên của phong trào nhân quyền Đoàn kết Krym là Server Mustafayev bị chính quyền Nga bỏ tù và bị buộc tội "thành viên của một tổ chức khủng bố". Tổ chức Ân xá Quốc tế và Những người bảo vệ tiền tuyến yêu cầu thả ông ngay lập tức.[243][244] Vào ngày 12 tháng 6 năm 2018, Ukraina gửi bản ghi nhớ nặng khoảng 90 kg, bao gồm 17.500 trang văn bản trong 29 tập tới Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hợp Quốc "về phân biệt chủng tộc của chính quyền Nga tại Krym bị chiếm đóng và tài trợ nhà nước cho chủ nghĩa khủng bố của Liên bang Nga tại Donbas".[245]
Từ năm 2015 đến 2019, hơn 134.000 người sống tại Krym nộp đơn xin và được cấp hộ chiếu Ukraina.[246]
Dư luận Krym
sửaTrước khi Nga chiếm đóng, tỷ lệ ủng hộ gia nhập Nga là 23% trong cuộc thăm dò năm 2013, giảm từ 33% vào năm 2011.[247] Một cuộc khảo sát chung của cơ quan chính phủ Hoa Kỳ Ban Thống đốc phát thanh truyền hình BBG và công ty thăm dò ý kiến Gallup được thực hiện vào tháng 4 năm 2014.[248] Họ đã thăm dò ý kiến của 500 cư dân Krym, khảo sát cho thấy 82,8% số người được hỏi tin rằng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về tình trạng Krym phản ánh quan điểm của hầu hết người dân Krym, trong khi 6,7% nói rằng không phải vậy. 73,9% số người được hỏi nói rằng họ nghĩ việc sáp nhập sẽ có tác động tích cực đến cuộc sống của họ, trong khi 5,5% nói rằng không, 13,6% cho biết họ không biết.[248]
Một cuộc thăm dò toàn diện được công bố vào ngày 8 tháng 5 năm 2014 bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew khảo sát ý kiến địa phương về việc sáp nhập,[249] theo đó 91% người Krym được thăm dò ý kiến cho rằng cuộc bỏ phiếu là tự do và công bằng, và 88% nói rằng chính phủ Ukraina nên công nhận kết quả.[249]
Trong một cuộc khảo sát do công ty Nga FOM thực hiện vào năm 2019, 72% cư dân Krym được khảo sát cho biết cuộc sống của họ được cải thiện kể từ khi sáp nhập. Đồng thời, chỉ có 39% người Nga sống tại đại lục Nga cho biết việc sáp nhập có lợi cho cả nước, đánh dấu mức giảm đáng kể so với mức 67% vào năm 2015.[250]
Trong khi chính phủ Nga tích cực trích dẫn các cuộc thăm dò dư luận địa phương để lập luận rằng việc sáp nhập là hợp pháp (tức là được người dân trên vùng lãnh thổ đó ủng hộ),[251] một số tác giả cảnh báo không nên sử dụng các cuộc khảo sát liên quan đến danh tính và sự ủng hộ cho việc sáp nhập được tiến hành trong "môi trường chính trị áp bức" tại Krym do Nga nắm giữ.[252]
Phản ứng của Ukraina
sửaNgay sau khi hiệp ước gia nhập được ký vào tháng 3, Bộ Ngoại giao Ukraina triệu tập người ủy nhiệm lâm thời của Nga tại Ukraina để trình công hàm phản đối việc Nga công nhận Cộng hòa Krym và việc sáp nhập sau đó.[253] Hai ngày sau, Verkhovna Rada lên án hiệp ước[254] và gọi hành động của Nga là "vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế". Rada kêu gọi cộng đồng quốc tế tránh công nhận "cái gọi là Cộng hòa Krym" hoặc việc Nga sáp nhập Krym và Sevastopol thành chủ thể liên bang mới.
Vào ngày 15 tháng 4 năm 2014, Verkhovna Rada tuyên bố Cộng hòa tự trị Krym và Sevastopol nằm dưới sự "chiếm đóng tạm thời" của quân đội Nga[255] và áp đặt hạn chế đi lại đối với người Ukraina đến thăm Krym.[256] Các vùng lãnh thổ cũng được coi là "các bộ phận không thể chuyển nhượng của Ukraina" theo luật pháp Ukraina. Luật đặc biệt được Rada thông qua đã hạn chế việc di chuyển của công dân nước ngoài đến và đi từ bán đảo Krym và cấm một số loại hình kinh doanh.[257] Luật cũng cấm hoạt động của các cơ quan chính phủ được thành lập mà vi phạm luật pháp Ukraina và xác định hành vi của họ là vô hiệu.[258]
Chính quyền Ukraina giảm đáng kể lượng nước chảy vào Krym qua Kênh đào Bắc Krym do khoản nợ khổng lồ về nước được cấp trong năm trước, đe dọa khả năng tồn tại của cây nông nghiệp trên bán đảo, vốn dĩ phụ thuộc nhiều vào thủy lợi.[260] Hội đồng Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Ukraina chỉ thị cho tất cả các nhà khai thác cáp vào ngày 11 tháng 3 năm 2014 ngừng truyền tiếp một số kênh của Nga, bao gồm các phiên bản quốc tế của các đài chính do nhà nước kiểm soát, Rossiya-1, Kênh Một và NTV, cũng như kênh tin tức Rossiya-24.[261]
Vào tháng 3 năm 2014, các nhà hoạt động bắt đầu tổ chức flash mob tại các siêu thị để kêu gọi khách hàng không mua hàng Nga và tẩy chay trạm xăng, ngân hàng và buổi hòa nhạc của Nga. Vào tháng 4 năm 2014, một số rạp chiếu phim tại Kyiv, Lviv và Odesa đã bắt đầu xa lánh phim Nga.[262] Vào ngày 2 tháng 12 năm 2014, Ukraina thành lập Bộ Chính sách Thông tin, một trong những mục tiêu của bộ này là, để chống lại "xâm lược thông tin của Nga".[263] Vào tháng 12 năm 2014, Ukraina dừng tất cả các dịch vụ xe lửa và xe buýt đến Krym.[264]
Vào ngày 16 tháng 9 năm 2015, Quốc hội Ukraina bỏ phiếu thông qua luật ấn định ngày 20 tháng 2 năm 2014 là ngày chính thức Nga chiếm đóng tạm thời bán đảo Krym.[265] Vào ngày 7 tháng 10 năm 2015, Tổng thống Ukraina ký thành luật.[266] Bộ Lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng được chính phủ Ukraina thành lập vào ngày 20 tháng 4 năm 2016, để quản lý các bộ phận bị chiếm đóng của các khu vực Donetsk, Luhansk và Krym, bị ảnh hưởng do Nga can thiệp quân sự vào năm 2014.[267] Đến năm 2015, số người phải sơ tán đăng ký tại Ukraina vì chạy trốn khỏi Krym do Nga chiếm đóng là 50.000.[268]
Phản ứng của Nga
sửaTrong một cuộc thăm dò được Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội Nga thuộc sở hữu nhà nước công bố vào ngày 24 tháng 2 năm 2014, chỉ 15% số người Nga được thăm dò nói 'có' với câu hỏi: "Nga có nên phản ứng trước việc lật đổ chính quyền được bầu cử hợp pháp tại Ukraina hay không?."[269]
Ủy ban Duma Quốc gia về các vấn đề Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, đứng đầu là Leonid Slutsky, đến thăm Simferopol vào ngày 25 tháng 2 năm 2014 và nói: "Nếu nghị viện của Krym tự trị hoặc cư dân nơi đây bày tỏ mong muốn gia nhập Liên bang Nga, Nga sẽ sẵn sàng xem xét loại đơn đăng ký này. Chúng tôi sẽ kiểm tra tình hình và thực hiện thật nhanh chóng".[270] Họ cũng tuyên bố rằng trong trường hợp trưng cầu dân ý để khu vực Krym gia nhập Liên bang Nga, họ sẽ xem xét kết quả của nó "rất nhanh".[271] Sau đó, Slutsky thông báo rằng ông bị báo chí Krym hiểu lầm và chưa có quyết định nào được đưa ra liên quan đến việc đơn giản hóa quy trình cấp quốc tịch Nga cho người dân Krym.[272] Vào ngày 25 tháng 2, trong một cuộc gặp với các chính trị gia Krym, ông tuyên bố rằng Viktor Yanukovych vẫn là tổng thống hợp pháp của Ukraina.[273] Cùng ngày hôm đó, Duma Nga tuyên bố đang xác định các biện pháp để những người Nga tại Ukraina "không muốn tách khỏi Thế giới Nga" có thể nhập quốc tịch Nga.[274]
Vào ngày 26 tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho Lực lượng vũ trang Nga "đặt trong tình trạng báo động tại Quân khu phía Tây". Bất chấp suy đoán của giới truyền thông rằng đây là phản ứng trước các sự kiện tại Ukraina, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết đó là vì những lý do riêng biệt.[275] Vào ngày 27 tháng 2 năm 2014, chính phủ Nga bác bỏ cáo buộc rằng họ vi phạm các thỏa thuận cơ bản liên quan đến Hạm đội Biển Đen: "Mọi hoạt động di chuyển của xe bọc thép đều được thực hiện khi tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận cơ bản và không yêu cầu bất kỳ sự chấp thuận nào."[276] Vào ngày 27 tháng 2, các cơ quan quản lý của Nga trình bày dự án luật mới về cấp quyền công dân.[277]
Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi phương Tây và đặc biệt là NATO "từ bỏ những tuyên bố khiêu khích và tôn trọng tình trạng trung lập của Ukraina".[278] Trong tuyên bố của mình, Bộ tuyên bố rằng thỏa thuận giải quyết khủng hoảng được ký vào ngày 21 tháng 2 và có sự chứng kiến của các bộ ngoại giao Đức, Ba Lan và Pháp, đến nay vẫn chưa được thực hiện[278] (Vladimir Lukin từ Nga đã không ký nó[279]).
Vào ngày 28 tháng 2, theo ITAR-TASS, Bộ Giao thông vận tải Nga ngừng các cuộc đàm phán tiếp theo với Ukraina liên quan đến dự án cầu Krym.[280] Tuy nhiên, vào ngày 3 tháng 3 Dmitry Medvedev ký nghị định thành lập một công ty con của Xa lộ Nga (Avtodor) để xây dựng cầu qua eo biển Kerch.[281]
Trên mạng xã hội Nga rộ lên phong trào tập hợp tình nguyện viên từng phục vụ trong quân đội Nga để sang Ukraina.[282]
Vào ngày 28 tháng 2, Tổng thống Putin tuyên bố trong các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo chủ chốt của EU rằng "việc không cho phép bạo lực leo thang thêm nữa là vô cùng quan trọng và sự cần thiết phải nhanh chóng bình thường hóa tình hình ở Ukraina".[283] Ngay vào ngày 19 tháng 2, Bộ Ngoại giao Nga đã gọi cuộc cách mạng Euromaidan là "Cuộc cách mạng nâu".[284]
Tại Moskva vào ngày 2 tháng 3, ước tính có khoảng 27.000 người đã tập hợp ủng hộ quyết định của chính phủ Nga can thiệp vào Ukraina.[285] Các cuộc tập hợp nhận được sự quan tâm đáng kể trên truyền hình nhà nước Nga và được chính phủ chính thức phê duyệt.[285]
Theo một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Công chúng toàn Nga thực hiện được phát hành vào ngày 19 tháng 3, tỷ lệ tán thành với Tổng thống Putin trong công chúng Nga tăng gần 10% kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, lên tới 71,6%, cao nhất trong ba năm.[287] Ngoài ra, cuộc thăm dò tương tự cho thấy hơn 90% người Nga ủng hộ việc thống nhất với Cộng hòa Krym.[288]
Vào ngày 4 tháng 3, tại cuộc họp báo ở Novo-Ogaryovo, Tổng thống Putin bày tỏ quan điểm của mình về tình hình rằng nếu một cuộc cách mạng diễn ra tại Ukraina, đó sẽ là một quốc gia mới mà Nga chưa ký kết bất kỳ hiệp ước nào.[289] Ông đưa ra một sự tương tự với các sự kiện năm 1917 tại Nga, khi kết quả của cuộc cách mạng là Đế quốc Nga tan rã và một nhà nước mới được thành lập.[289] Tuy nhiên, ông tuyên bố Ukraina vẫn sẽ phải thanh toán các khoản nợ của mình.
Các chính trị gia Nga suy đoán rằng đã có 143.000 người tị nạn Ukraina tại Nga.[290] Bộ Ngoại giao Ukraina bác bỏ những tuyên bố về việc gia tăng người tị nạn tại Nga.[291] Tại cuộc họp giao ban ngày 4 tháng 3 năm 2014, Vụ trưởng vụ Chính sách thông tin của Bộ Ngoại giao Ukraina Yevhen Perebiynis nói rằng Nga thông tin sai cho công dân của mình cũng như toàn bộ cộng đồng quốc tế để biện minh cho hành động của họ tại Krym.[292]
Nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Mikhail Khodorkovsky nói rằng Krym nên ở trong Ukraina với quyền tự trị rộng rãi hơn.[293]
Tatarstan, một nước cộng hòa của Nga có người Tatar Volga cư trú, đã tìm cách giảm bớt những lo ngại về cách Nga đối xử với người Tatar, vì Tatarstan là một nước cộng hòa giàu khí đốt và thành công về kinh tế tại Nga.[294] Vào ngày 5 tháng 3, Tổng thống Tatarstan Rustam Minnikhanov ký một thỏa thuận về hợp tác giữa Tatarstan và chính phủ Aksyonov tại Krym.[294] Mufti của Tatarstan Kamil Samigullin mời người Tatar Krym đến học tại các madrasa ở Kazan, và tuyên bố ủng hộ "những người anh em trong đức tin và huyết thống" của họ.[294]
Vào ngày 15 tháng 3, hàng nghìn người biểu tình (ước tính từ 3.000 theo các nguồn chính thức lên đến 50.000 theo tuyên bố của phe đối lập) tại Moskva đã tuần hành phản đối sự can dự của Nga vào Ukraina và nhiều người vẫy quốc kỳ Ukraina.[295] Cùng lúc đó, một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ (và ủng hộ trưng cầu dân ý) diễn ra trên đường phố, lên tới hàng nghìn người (các quan chức tuyên bố 27.000 và phe đối lập tuyên bố khoảng 10.000).
Vào tháng 2 năm 2015, tờ báo độc lập hàng đầu của Nga Novaya Gazeta thu được tài liệu,[296] được cho là do nhà tài phiệt Konstantin Malofeev và những người khác viết, nhằm cung cấp cho chính phủ Nga một chiến lược trong trường hợp Viktor Yanukovych bị loại khỏi quyền lực và Ukraina bị tan rã, những điều được cho là có thể xảy ra. Các tài liệu phác thảo kế hoạch sáp nhập Krym và các phần phía đông của đất nước này, mô tả chặt chẽ các sự kiện thực sự diễn ra sau khi Yanukovych mất quyền lực. Các tài liệu cũng mô tả kế hoạch cho một chiến dịch quan hệ công chúng nhằm tìm cách biện minh cho hành động của Nga.[297]
Vào tháng 6 năm 2015, cựu Thủ tướng Nga Mikhail Kasyanov tuyên bố rằng tất cả các quyết định của Duma Nga về việc sáp nhập Krym là bất hợp pháp theo quan điểm quốc tế và việc sáp nhập bị kích động bởi những cáo buộc sai trái về sự phân biệt đối xử của công dân Nga tại Ukraina.[298]
Phản ứng quốc tế
sửaCó nhiều dạng phản ứng quốc tế đối với việc sáp nhập. Vào tháng 3 năm 2014, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc với 100 phiếu ủng hộ, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý do Moskva hậu thuẫn tại Krym là vô hiệu.[299] Chính phủ Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người mà họ cho là vi phạm hoặc hỗ trợ vi phạm chủ quyền của Ukraina.[300] Liên minh châu Âu đình chỉ các cuộc đàm phán với Nga về các vấn đề kinh tế và liên quan đến thị thực, đồng thời xem xét các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn đối với Nga trong tương lai gần, bao gồm cả việc phong tỏa tài sản.[301] trong khi Nhật Bản công bố các biện pháp trừng phạt bao gồm đình chỉ các cuộc đàm phán liên quan đến quân sự, vũ trụ, đầu tư và yêu cầu thị thực.[302] Anh nhìn nhận cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Krym là "lố bịch" và "bất hợp pháp".[303]
Ukraina và các quốc gia khác cho rằng Nga đã ký một số hiệp ước đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Chúng bao gồm Hiệp định Belavezha năm 1991 thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập, Hiệp định Helsinki năm 1975, Bản ghi nhớ Budapest về đảm bảo an ninh năm 1994[304] và Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Liên bang Nga và Ukraina năm 1997.[126]
Hội đồng Châu Âu vào ngày 11 tháng 3 năm 2014 quyết định về việc ký kết một thỏa thuận thương mại tự do đầy đủ với Ukraina trong năm.[305] Vào ngày 12 tháng 3, Nghị viện châu Âu bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý sắp tới về độc lập tại Krym, cuộc trưng cầu dân ý mà họ cho là bị thao túng và trái với luật pháp quốc tế và Ukraina.[306] Khối G7 gồm các quốc gia phát triển đưa ra tuyên bố chung lên án Nga và thông báo rằng họ sẽ đình chỉ việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến tại Sochi trong tháng 6.[307] NATO lên án việc Nga leo thang quân sự tại Krym và cho rằng đó là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế[308] trong khi Uỷ hội châu Âu bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia của Ukraina.[309] Nhóm Visegrád đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi Nga tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina và yêu cầu Ukraina lưu ý đến các nhóm thiểu số của mình để không phá vỡ thêm mối quan hệ mong manh. Họ kêu gọi Nga tôn trọng luật pháp Ukraina và quốc tế cũng như phù hợp với các quy định của Bản ghi nhớ Budapest năm 1994.[310]
Trung Quốc cho biết "tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina". Người phát ngôn khẳng định lại quan điểm của Trung Quốc về việc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và kêu gọi đối thoại.[311] Chính phủ Ấn Độ kêu gọi giải quyết hòa bình tình hình.[312] Syria và Venezuela đều công khai ủng hộ hành động quân sự của Nga. Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói rằng ông ủng hộ những nỗ lực của Putin nhằm "khôi phục an ninh và ổn định ở đất nước thân thiện Ukraina", trong khi Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro lên án cuộc đảo chính "chủ nghĩa dân tộc cực đoan" tại Ukraina.[313][314] Sri Lanka mô tả việc loại bỏ Yanukovych là vi hiến và coi mối lo ngại của Nga tại Krym là chính đáng.[315]
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk kêu gọi thay đổi chính sách năng lượng của EU vì sự phụ thuộc của Đức vào khí đốt của Nga gây ra rủi ro cho châu Âu.[316] Vào ngày 13 tháng 3 năm 2014, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo chính phủ Nga rằng họ có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho nước Nga về kinh tế và chính trị, nếu nước này từ chối thay đổi quan điểm về Ukraina,[317] mặc dù mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa Đức và Nga làm giảm đáng kể phạm vi áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào.[318]
Sau khi Nga chính thức sáp nhập Krym, một số người lo lắng liệu nước này có thể làm điều tương tự ở các khu vực khác hay không.[319] Phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Tony Blinken nói rằng quân đội Nga tập trung ở biên giới phía đông Ukraina có thể đang chuẩn bị tiến vào các khu vực phía đông của đất nước, còn quan chức Nga tuyên bố quân đội Nga sẽ không tiến vào các khu vực khác.[319] Tướng Không quân Hoa Kỳ Philip M. Breedlove, tư lệnh đồng minh tối cao của NATO tại châu Âu, cảnh báo rằng Nga cũng ở vị thế có thể tiếp quản tỉnh nói tiếng Nga ly khai Transnistria của Moldova.[319] Tổng thống Moldova Nicolae Timofti cảnh báo Nga không nên cố gắng làm điều này để tránh làm tổn hại thêm vị thế quốc tế của họ.[320]
Vào ngày 9 tháng 4, Hội đồng Nghị viện của Ủy hội Châu Âu tước quyền bầu cử của Nga.[321]
Vào ngày 14 tháng 8, khi đến thăm Krym, Vladimir Putin loại trừ khả năng Nga vượt ra ngoài bán đảo. Ông cam kết làm mọi thứ có thể để chấm dứt xung đột tại Ukraina, nói rằng Nga cần xây dựng tình hình một cách bình tĩnh và có phẩm giá, chứ không phải bằng đối đầu và chiến tranh sẽ khiến Nga bị cô lập với phần còn lại của thế giới.[322]
Nghị quyết của Liên Hợp Quốc
sửaVào ngày 15 tháng 3 năm 2014, một nghị quyết do Hoa Kỳ bảo trợ được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an LHQ để tái khẳng định cam kết của hội đồng đối với "chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraina đã không được chấp thuận. Tổng cộng 13 thành viên hội đồng bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, Trung Quốc bỏ phiếu trắng, và Nga phủ quyết nghị quyết này.[323] Vào ngày 27 tháng 3 năm 2014, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết mô tả cuộc trưng cầu dân ý dẫn đến việc Nga sáp nhập Krym là bất hợp pháp.[324] Dự thảo nghị quyết có tiêu đề "Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina" được đồng tài trợ bởi Canada, Costa Rica, Đức, Litva, Ba Lan, Ukraina và Mỹ. Nội dung là khẳng định cam kết của đại hội đồng đối với "chủ quyền, độc lập chính trị, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina trong các biên giới được quốc tế công nhận". Nghị quyết cố gắng nhấn mạnh rằng cuộc trưng cầu dân ý ngày 16 tháng 3 được tổ chức tại Krym và thành phố Sevastopol không có giá trị và không thể tạo thành cơ sở cho bất kỳ sự thay đổi nào về tình trạng của Cộng hòa tự trị Krym hoặc của thành phố Sevastopol. Nghị quyết nhận được 100 phiếu ủng hộ, trong khi 11 quốc gia bỏ phiếu chống và 58 quốc gia bỏ phiếu trắng. Nghị quyết không có tính ràng buộc và cuộc bỏ phiếu phần lớn mang tính biểu tượng.[325]
Kể từ năm 2014, Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu nhiều lần, như vào tháng 12 năm 2019,[326] để khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, lên án việc 'chiếm đóng tạm thời' Krym và tái khẳng định không công nhận việc sáp nhập Krym.[326]
Công nhận quốc tế
sửaAfghanistan, Cuba, Kyrgyzstan, Nicaragua, Sudan, Syria, Triều Tiên và Zimbabwe đã công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 tại Krym.[327] Bốn quốc gia không phải thành viên LHQ công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý: Abkhazia, Nam Ossetia, Artsakh và Transnistria. Ngoại trưởng Transnistria là Nina Shtanski công nhận việc Nga sáp nhập Krym.[328] Transnistria gửi yêu cầu vào ngày 18 tháng 3 năm 2014 để gia nhập Liên bang Nga theo hình mẫu Krym.[329][330] Các hội đồng khu vực phía bắc Ý là Lombardia, Liguria và Veneto từng thông qua nghị quyết không ràng buộc về việc công nhận Krym là một phần của Nga, nhưng họ thu hồi chúng vào năm 2022 sau khi Nga xâm chiếm Ukraina.[331][332]
Trừng phạt
sửaCác lệnh trừng phạt được áp dụng để ngăn cản các quan chức và chính trị gia Nga và Krym đi đến Canada, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu. Chúng là các lệnh trừng phạt áp dụng rộng rãi nhất đối với Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ.[333][334]
Nhật Bản công bố lệnh trừng phạt nhẹ nhàng hơn Mỹ và EU. Chúng bao gồm việc đình chỉ các cuộc đàm phán liên quan đến quân sự, không gian, đầu tư và yêu cầu thị thực.[335]
Để đáp lại các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ và EU đưa ra, Duma Nga nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu đưa tất cả các thành viên của Duma vào danh sách trừng phạt.[336] Các công ty Nga bắt đầu rút hàng tỷ USD khỏi các ngân hàng phương Tây để tránh bị đóng băng tài sản.[337]
Ba ngày sau khi danh sách được công bố, Bộ Ngoại giao Nga công bố danh sách trừng phạt tương hỗ đối với công dân Hoa Kỳ, bao gồm 10 người như Chủ tịch Hạ viện John Boehner, Thượng nghị sĩ John McCain, và hai cố vấn của Tổng thống Obama. Bộ này cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt là công cụ hai lưỡi và sẽ tấn công Hoa Kỳ như một chiếc boomerang".[338] Vào ngày 24 tháng 3, Nga áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với 13 quan chức Canada, bao gồm thành viên của Quốc hội Canada,[339] cấm họ vào Nga.
Các biện pháp trừng phạt mở rộng của phương Tây vào giữa tháng 3 đã tràn qua thị trường tài chính, ảnh hưởng đến lợi ích kinh doanh của một số người giàu nhất nước Nga.[340] Người Mỹ tập trung vào giới trung tâm lãnh đạo Moskva,[341] mặc dù danh sách ban đầu của EU tránh nhắm mục tiêu vào vòng tròn thân cận của Putin.[342] Khi các cơ quan xếp hạng Fitch và Standard & Poor's hạ triển vọng tín dụng của Nga,[343] các ngân hàng Nga cảnh báo nguy cơ suy thoái do lệnh trừng phạt,[344] đất nước chuẩn bị cho dòng vốn 70 tỷ USD chảy ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2014,[345] nhiều hơn toàn bộ dòng vốn chảy ra trong năm 2013,[346] và phát hành trái phiếu chính phủ Nga giảm mạnh 3/4 so với cùng kỳ năm trước.[347] Nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai của Nga là Novatek chứng kiến 2,5 tỷ USD giá trị thị trường bị xóa sổ khi cổ phiếu của hãng này giảm gần 10%, khiến người bạn thân của Putin Gennady Timchenko, người có 23% cổ phần trong công ty, nghèo đi 575 triệu USD.[340]
Bộ trưởng Phát triển kinh tế của Liên bang Nga Alexey Ulyukaev nói rằng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt theo ngành sẽ dẫn đến sự suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế Nga: tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ trở nên tiêu cực nghiêm trọng, tốc độ tăng trưởng của khối lượng đầu tư sẽ bị ảnh hưởng thậm chí còn tiêu cực hơn, lạm phát sẽ tăng, nguồn thu và dự trữ của chính phủ sẽ giảm.[348]
Cũng như những khác biệt giữa Hoa Kỳ và Châu Âu nói chung về cách ứng phó với cuộc xâm nhập do Nga hậu thuẫn, những khác biệt tương tự cũng diễn ra giữa các nước Đông Âu.[349]
Một số công dân Nga cho biết họ bị từ chối cấp thị thực châu Âu sau khi đến thăm Krym hậu sáp nhập.[350] Cơ quan giám sát bảo vệ người tiêu dùng Nga OZPP công bố cảnh báo cho khách du lịch Nga về nguy cơ này, giải thích rằng theo quan điểm luật pháp quốc tế thì Krym là một lãnh thổ bị chiếm đóng, sau đó Roskomnadzor chặn trang web OZPP "vì đe dọa tính toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga".[351]
Để đối phó với việc bị thu hồi quyền bầu cử, vào tháng 6 năm 2017, Nga đình chỉ thanh toán ngân sách cho Uỷ hội Châu Âu, và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố các khoản thanh toán sẽ không tiếp tục cho đến khi tất cả các quyền của phái đoàn Nga được khôi phục hoàn toàn.[352] Tổng thư ký Uỷ hội Thorbjørn Jagland đề nghị dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để tránh tác động của việc hạn chế ngân sách. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng như Ukraina và những bên ủng hộ nước này lập luận rằng việc tiếp nhận Nga mà không yêu cầu nhượng bộ đổi lại sẽ dẫn đến "nhượng bộ trước 'sự tống tiền' của Nga".[353]
Xem thêm
sửaGhi chú
sửa- ^ Vẫn còn "một số mâu thuẫn và vấn đề cố hữu" về ngày bắt đầu chiếm đóng.[1] Ukraine cho ngày 20 tháng 2 năm 2014 là "Nga khởi đầu chiếm đóng tạm thời Krym và Sevastopol", trích dẫn khung thời gian được ghi trên huy chương "Vì sự trở lại của Krym" của Nga;[2] vào năm 2015, Quốc hội Ukraina chính thức chỉ định ngày như vậy.[3] Vào đầu tháng 3 năm 2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong bộ phim về việc sáp nhập Krym rằng ông ra lệnh thực hiện chiến dịch "khôi phục" Krym cho Nga sau cuộc họp khẩn cấp kéo dài suốt đêm từ ngày 22 đến ngày 23 tháng 2 năm 2014.[1][4] Năm 2018, Ngoại trưởng Nga khẳng định "ngày bắt đầu" sớm hơn trên huy chương là do "hiểu lầm kỹ thuật".[5]
- ^ SBU cũng lưu ý rằng "một số chính trị gia, quan chức chính quyền địa phương, lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân có khuynh hướng cực đoan cố gắng tạo nền tảng để leo thang xung đột dân sự và truyền bá thái độ tự trị và ly khai trong nhân dân, điều này có thể dẫn đến sụp đổ một quốc gia thống nhất và mất chủ quyền quốc gia." Ngoài ra, tuyên bố còn cho biết một số nhà lập pháp các cấp của Krym đã bắt đầu các cuộc đàm phán ly khai với đại diện của quốc gia nước ngoài. Tuyên bố nêu rõ: "Các cuộc tham vấn mở đang được tổ chức về khả năng chia cắt đất nước thành các phần riêng biệt, vi phạm hiến pháp Ukraina". "Điều này có thể dẫn đến sự leo thang xung đột giữa các thành phần khác nhau trong xã hội, kích động hận thù dân tộc hoặc tôn giáo và xung đột quân sự."[72]
- ^ Ngày được Putin đưa ra trong bộ phim Nga kỷ niệm sự kiện sáp nhập Krym, tuy nhiên dòng chữ trên Huân chương "Vì sự trở lại của Krym", do Bộ Quốc phòng Nga trao tặng để ngày 20 tháng 2 là ngày bắt đầu
- ^ Dilanian (2014) nói vào ngày 3 tháng 3, "Giám đốc CIA John Brennan nói với một nhà lập pháp cấp cao hôm thứ Hai rằng hiệp ước năm 1997 giữa Nga và Ukraina cho phép tới 25.000 quân Nga tại khu vực quan trọng Krym, vì vậy Nga có thể không coi việc điều động quân gần đây của mình là một hành động xâm chiếm, các quan chức Mỹ cho biết."[133]
- ^ Hiệp ước giữa Nga và chính phủ Aksyonov thân Nga của Krym, được ký vào ngày đó, quy định rằng Krym sẽ được coi là hợp nhất vào Nga kể từ ngày ký kết. Văn bản có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2014,[163]
- ^ Nếu một quan điểm chính thức có thể được sắp xếp theo nhiều loại thì lập trường "mạnh nhất" sẽ được đánh dấu (từ "kêu gọi giải pháp hòa bình" đến "giải thích là can thiệp quân sự"). Để biết nguồn, hãy xem mô tả hình ảnh.
Tham khảo
sửa- ^ a b McDermott, Roger N. (2016). “Brothers Disunited: Russia's use of military power in Ukraine”. Trong Black, J.; Johns, Michael (biên tập). The Return of the Cold War: Ukraine, the West and Russia. London. tr. 99–129. doi:10.4324/9781315684567-5. ISBN 9781138924093. OCLC 909325250.
- ^ “7683rd meeting of the United Nations Security Council. Thursday, 28 April 2016, 3 p.m. New York”.
- ^ (tiếng Ukraina) "'Nasha' Poklonsky promises to the 'Berkut' fighters to punish the participants of the Maidan", Segodnya (20 tháng 3 năm 2016)
- ^ a b “Putin reveals secrets of Russia's Crimea takeover plot”. BBC News. 9 tháng 3 năm 2015.
- ^ “Russia's Orwellian 'diplomacy'”. unian.info. Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2019.
- ^ Kofman, Michael (2017). Lessons from Russia's Operations in Crimea and Eastern Ukraine (PDF). Santa Monica: RAND Corporation. ISBN 9780833096173. OCLC 990544142.
By March 26, the annexation was essentially complete, and Russia began returning seized military hardware to Ukraine.
- ^ Matthew Fisher (24 tháng 3 năm 2014). “Russia suspended from G8 over annexation of Crimea, Group of Seven nations says”. National Post. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2015.
- ^ “Russian Citizen Elected Sevastopol Mayor Amid Pro-Moscow Protests in Crimea”. The Moscow Times. 24 tháng 2 năm 2014.
- ^ “Russian flags flood Crimean capital as thousands back takeover by Russia”. The Straits Times. 9 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Pro-Russian rally in Crimea decries Kiev 'bandits'”. The Washington Post. 25 tháng 2 năm 2014.
- ^ Pollard, Ruth (13 tháng 3 năm 2014). “Russia closing door on Crimea as troops build up”. The Sydney Morning Herald. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Crimean Tatars, pro-Russia supporters approach Crimean parliament building”. UA. Interfax. 20 tháng 10 năm 2012.
- ^ Ewen MacAskill, defence correspondent (28 tháng 2 năm 2014). “Ukraine military still a formidable force despite being dwarfed by neighbour”. The Guardian.
- ^ Faiola, Anthony (17 tháng 3 năm 2014). “Ukraine mobilizes reservists but relies on diplomacy”. The Washington Post. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2014.
- ^ Heather Saul; Kim Sengupta (19 tháng 3 năm 2014). “Ukraine crisis: Pro-Russian troops storm naval base as Clinton warns of 'aggression' from Putin”. The Independent. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2015.
- ^ “Russian marine kills Ukraine navy officer in Crimea, says ministry”. Reuters. Truy cập ngày 2 tháng 10 năm 2014.
- ^ Aleksander Vasovic; Gabriela Baczynska (24 tháng 3 năm 2014). “Ukraine military to pull out from Crimea”. The Sudbury Star. Reuters. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Russia employs over 16,000 former servicemen and personnel of Ukrainian armed forces”. TASS. 15 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2020.
- ^ “Бывшие украинские военнослужащие вливаются в Вооруженные Силы РФ” [Former Ukrainian military join the Russian Armed Forces]. Novyy Sevastopol (new-sebastopol.com). 25 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2020.
- ^ “Two die in rallies outside Crimean parliament, says ex-head of Mejlis”. Kyiv Post. 26 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2014.
- ^ Погибший крымский татарин шел в военкомат, захваченный 'дружинниками'. LB.ua (bằng tiếng Nga). 17 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2015.
- ^ ФСБ и крымские "потеряшки" (tr. "FSB and Crimean "losses"") — RFEL, 13 June 2016
- ^ "Гюндуз Мамедов, прокурор АР Крим: 'Під процесуальним керівництвом прокуратури АР Крим розкрито викрадення кримськотатарського активіста Решата Аметова'". Prosecutor's office of the Autonomous Republic of Crimea and Sevastopol city, 10 September 2019
- ^ Lessons from Russia’s Operations in Crimea and Eastern Ukraine, page 19, published by RAND Corporation in 2017.
- ^ Weaver, Courtney (15 tháng 3 năm 2015). “Putin was ready to put nuclear weapons on alert in Crimea crisis”. Financial Times. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2022.
- ^ Simon Shuster (10 tháng 3 năm 2014). “Putin's Man in Crimea Is Ukraine's Worst Nightmare”. Time. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2015.
- ^ a b c Ilya Somin (6 tháng 5 năm 2014). “Russian government agency reveals fraudulent nature of the Crimean referendum results”. The Washington Post.
- ^ a b Про дострокове припинення повноважень Верховної Ради Автономної Республіки Крим. Verkhovna Rada of Ukraine (bằng tiếng Ukraina). 15 tháng 3 năm 2014.
- ^ a b Baczynska, Gabriela; Toyer, Julien (5 tháng 3 năm 2014). Gutterman, Steve (biên tập). “Russia says cannot order Crimean 'self-defense' units back to base”. Reuters.
- ^ a b c “Putin reveals secrets of Russia's Crimea takeover plot”. BBC News. 9 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2015.
- ^ “Annexation of Crimea”. UaWarExplained.com (bằng tiếng Anh). 29 tháng 3 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
- ^ “"Russia Threatens Nuclear Strikes Over Crimea"”. The Diplomat. 11 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 22 tháng 9 năm 2021.
- ^ Bruno Waterfield; Peter Dominiczak; David Blair; The Daily Telegraph (24 tháng 3 năm 2014). “Russia Temporarily Kicked Out of G8 Club of Rich Countries”. Business Insider. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2015.
- ^ “UN General Assembly adopts resolution affirming Ukraine's territorial integrity”. China Central Television. 28 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2015.
- ^ “ODS HOME PAGE” (PDF). documents-dds-ny.un.org.
- ^ a b Mike Collett-White; Ronald Popeski (16 tháng 3 năm 2014). “Crimeans vote over 90 percent to quit Ukraine for Russia”. Reuters. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2015.
- ^ “Указ Президента України «Про рішення Ради національної безпеки і оборони України від 11 березня 2021 року "Про Стратегію деокупації та реінтеграції тимчасово окупованої території Автономної Республіки Крим та міста Севастополя"» № 117/2021”. Президента України. 24 tháng 3 năm 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2021.
- ^ “Seven Years of Illegal Occupation of the Autonomous Republic of Crimea”. 4 tháng 3 năm 2021.
- ^ The Fall of Crimea: One Marine's Story Jesse Granger 29 January 2015 www.army.mil, accessed 27 February 2022
- ^ “Bitter Crimean Anniversary – Victims of Russian Annexation”. khpg.org.
- ^ “Минобороны России учредило медаль "За возвращение Крыма"” (bằng tiếng Nga). Gazeta.ru. 25 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2014.
- ^ “Right of Reply to Russia – "Seventh Anniversary of the Reunification of Crimea with Russia"”. U.S. Mission to the OSCE (bằng tiếng Anh). 18 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2022.
- ^ Ragozin, Leonid (16 tháng 3 năm 2019). “Annexation of Crimea: A masterclass in political manipulation”. Al Jazeera.
- ^ “gorbachev-perestroika”. UaWaExplained.com (bằng tiếng Anh). 29 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
- ^ Декларация Верховного Совета СССР "О признании незаконными и преступными репрессивных актов против народов, подвергшихся насильственному переселению, и обеспечении их прав". www.alexanderyakovlev.org (bằng tiếng Nga). 1989.
- ^ Greta Lynn Uehling, The Crimean Tatars (Encyclopedia of the Minorities, Chicago: Fitzroy Dearborn) iccrimea.org
- ^ ДЕКЛАРАЦИЯ О ГОСУДАРСТВЕННОМ И ПРАВОВОМ СТАТУСЕ КРЫМА (bằng tiếng Nga). 1990.
- ^ “Dukrainian-independence-referendum”. UaWarExplained (bằng tiếng Anh). 29 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
- ^ “Про внесення змін і доповнень до Конституції... від 19 June 1991 № 1213а-XII” (bằng tiếng Ukraina). 19 tháng 6 năm 1991.
- ^ Parliament of Ukraine (17 tháng 11 năm 1994). Декларация о государственном суверенитете Крыма (bằng tiếng Nga). Government of Ukraine. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2014.
- ^ Про внесення змін і доповнень до Конституції (Основного Закону) України. Верховна Рада України; Закон від 21 September 1994 № 171/94-ВР (tiếng Ukraina)
- ^ Crimea and the Black Sea Fleet in Russian- Ukrainian Relations, Belfer Center for Science and International Affairs, Victor Zaborsky, September 1995
- ^ Tsukanova, Anya. Cheney urges divided Ukraine to unite against Russia 'threat' The Sydney Morning Herald (via Associated Press). 6 September 2008.
- ^ “media13_files2F26.pdf (Archived copy)” (PDF). www.taraskuzio.net. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 28 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2022.
- ^ “media24_files2F15.pdf (Archived copy)” (PDF). www.taraskuzio.net. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2022.
- ^ Levy, Clifford J. (28 tháng 8 năm 2009). “Russia and Ukraine in Intensifying Standoff”. The New York Times. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2014.
- ^ Ukraine's sharp divisions". BBC News. 23 April 2014.
- ^ “The Crimea: Europe's Next Flashpoint?” (PDF). Peacepalacelibrary.nl. 30 tháng 11 năm 2010. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 28 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2017.
- ^ Varettoni, William (21 tháng 6 năm 2011). “Crimea's Overlooked Instability”. The Washington Quarterly. 34 (3): 87–99. doi:10.1080/0163660X.2011.588128. S2CID 154003492.
- ^ “political-part-of-the-association-agreement-with-eu”. UaWarExplained.com (bằng tiếng Anh). 29 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
- ^ Whitmore, Brian (6 tháng 12 năm 2013). “Putin's Growing Threat Next Door”. The Atlantic.
- ^ a b “yanukovych”. UaWarExplained.com (bằng tiếng Anh). 29 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
- ^ Крымский парламент решил ещё раз поддержать Азарова и заклеймить оппозицию (The Crimean parliament has decided to once again support Azarov and condemn the opposition) – Европейская правда, 27 ноября 2013
- ^ a b The Chronicles of Alienation; The annexation of Crimea from 2 December 2013, through 4 April 2014, The Ukrainian Week (16 March 2015)
- ^ “Крымские татары готовы дать отпор попыткам отторжения автономии от Украины – Чубаров”. Cơ quan Thông tin Độc lập Ukraina. 16 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2014.
- ^ “Ukraine crisis: Timeline”. BBC News. 13 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2015.
- ^ “Archrival Is Freed as Ukraine Leader Flees”. The New York Times. 22 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2014.
- ^ “Rada removes Yanukovych from office, schedules new elections for May 25”. Interfax-Ukraine. 22 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2015.
- ^ “Ukraine MPs appoint interim president as Yanukovych allies dismissed – 23 February as it happened”. The Guardian. 23 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ In Yalta was organized Euromaidan, in Sevastopol were demanding to imprison the opposition Lưu trữ 28 tháng 11 2020 tại Wayback Machine19 February 2014
- ^ Рокировки в СБУ. Кто такие Маликов, Остафийчук и Фролов. Novoe Vremia (bằng tiếng Nga). 25 tháng 6 năm 2015.
- ^ “EuroMaidan rallies in Ukraine”. Kyiv Post. 21 tháng 2 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 2 năm 2014.
- ^ “Regions of Crimea meeting didn't address separation of Crimea from Ukraine – deputy prime minister of Crimea”. Interfax-Ukraine. 21 tháng 2 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 12 năm 2008.
- ^ “putin-as-heir-of-yeltsin”. UaWarExplained.com (bằng tiếng Anh). 29 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
- ^ Galeotti, Mark (2019). Armies of Russia's War in Ukraine. Elite 228. Oxford: Osprey Publishing. tr. 11–12. ISBN 9781472833440.
- ^ Прем'єр Криму Могильов заявляє, що виконуватиме нові закони (bằng tiếng Ukraina). Radio Svoboda. 23 tháng 2 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 12 năm 2008.
- ^ “Protesters set a flag of Russia on the building of Crimean Parliament”.
- ^ У Криму вимагають розпуску парламенту автономії і знесення пам'ятника Леніну (bằng tiếng Ukraina). Radio Svoboda. 23 tháng 2 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 12 năm 2008.
- ^ “Ukraine crisis fuels secession calls in pro-Russian south”. The Guardian. 24 tháng 2 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 12 năm 2008.
- ^ Bogdan Huzar (23 tháng 2 năm 2014). “Rosja przygotowuje się do zbrojnej interwencji na Ukrainie?”. Newsweek Polska (bằng tiếng Ba Lan). Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 2 năm 2014.
- ^ “В Керчи митингующие сорвали украинский флаг и мэрии и повесили российский : Новости УНИАН”. Cơ quan Thông tin Độc lập Ukraina. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2014.
- ^ “У Севастополі вимагають віддати владу вибраному на мітингу меру ; Українська правда”. Ukrayinska Pravda. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2014.
- ^ “Ukraine Liveblog: Day 7 – Decoding Documents & Indicting Dictators”. The Interpreter. 24 tháng 2 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 3 năm 2014.
- ^ Влада Севастополя визнала нову Верховну Раду. unian.ua (bằng tiếng Ukraina). Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2019.
- ^ Севастопольцы чуть не разгромили администрацию, но все же добились обещания передать все дела Алексею Чалому. News of Sevastopol (bằng tiếng Nga). 24 tháng 2 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2019.
- ^ Mark Nordberg (1998). “3. State and Institution Building in Ukraine”. Trong Taras Kuzio (biên tập). Contemporary Ukraine: Dynamics of Post-Soviet Transformation. M.E. Sharpe. tr. 44. ISBN 978-0-7656-3150-3.
- ^ a b Howard Amos (25 tháng 2 năm 2014). “Ukraine: Sevastopol installs pro-Russian mayor as separatism fears grow”. The Guardian.
- ^ От парламента Крыма потребовали провести референдум об отделении от Украины. "e-Crimea" News agency (bằng tiếng Nga). 25 tháng 2 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2019.
- ^ Активисты Крыма требуют отделения полуострова от Украины (bằng tiếng Nga). rbc.ru. 25 tháng 2 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2015.
- ^ Crimean Tatars, pro-Russia supporters approach Crimean parliament building, Interfax-Ukraine (26 February 2014)
- ^ “Parliament of ARC is doing everything possible to separate Crimea from Ukraine, Chubarov said”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 6 năm 2015.
- ^ У парламенті Криму заявили, що не планують відділятись від України. Ukrayinska Pravda (bằng tiếng Ukraina). 26 tháng 2 năm 2014.
- ^ Татари розійшлися створювати самооборону, щоб захищати Крим. Ukrayinksa Pravda (bằng tiếng Ukraina). 26 tháng 2 năm 2014.
- ^ Crimean Tatars leave parliament square; Russian Unity supporters continue rally, Interfax-Ukraine (26 February 2014)
- ^ Crimean police ordered to prevent clashes at any cost, Interfax-Ukraine (26 February 2014)
- ^ Ukraine asking UN to monitor security situation in Crimea round the clock, says security service chief, Interfax-Ukraine (26 February 2014)
- ^ Mark MacKinnon (26 tháng 2 năm 2014). “Globe in Ukraine: Russian-backed fighters restrict access to Crimean city”. The Globe and Mail.
- ^ “Lessons identified in Crimea – does Estonia's national defence model meet our needs?”. Estonian World. 5 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2022.
- ^ Andrew Higgins; Steven Erlanger (27 tháng 2 năm 2014). “Gunmen Seize Government Buildings in Crimea”. The New York Times. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2015.
- ^ Gumuchian, Marie-Louise; Smith-Spark, Laura; Formanek, Ingrid (27 tháng 2 năm 2014). “Gunmen seize government buildings in Ukraine's Crimea, raise Russian flag”. CNN.
- ^ a b “Number of Crimean deputies present at referendum resolution vote unclear”. Interfax-Ukraine. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2022.
- ^ Crimea sets date for autonomy vote amid gunmen, anti-Kiev protests, (27 February 2014).
- ^ a b c d De Carbonnel, Alissa (13 tháng 3 năm 2014). “RPT-INSIGHT-How the separatists delivered Crimea to Moscow”. Reuters. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2020.
- ^ Crimean parliament to decide on appointment of autonomous republic's premier on Tuesday, Interfax Ukraine (7 November 2011).
- ^ Крымские власти объявили о подчинении Януковичу. lenta.ru (bằng tiếng Nga). 28 tháng 2 năm 2014.
- ^ a b Number of Crimean deputies present at referendum resolution vote unclear, Interfax-Ukraine (27 February 2014).
- ^ “Putin's narrative on Crimea annexation takes an evolutionary leap”. Kyiv Post. 11 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2015.
- ^ Турчинов издал указ о незаконности избрания нового премьера Крыма (bằng tiếng Ukraina). 1 tháng 3 năm 2014.
- ^ “How 'Ukrainian Berkut Officer' from Russian Ulyanovsk Assaulted Crimean Parliament Back in 2014”. InformNapalm. 9 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2015.
- ^ Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênLentaBerkut
- ^ “ПОСТ "ЧОНГАР" КОНТРОЛИРУЕТ КРЫМСКИЙ "БЕРКУТ" ПОДЧИНЕННЫЙ ЯНУКОВИЧУ видео) – 27 Февраля 2014 – "Новый Визит" Генический информационный портал”. vizit.ks.ua. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 3 năm 2014.
- ^ Mirovalev, Mansur (1 tháng 3 năm 2014). “Crimea PM Takes Control Of Army, Police And Seeks Russian Help”. NBC News. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2021.
- ^ “Federation Council Approves Putin's Request for Troop Deployment in Ukraine”. The Moscow Times. 1 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2021.
- ^ Radyuhin, Vladimir (tháng 3 năm 2014). “Russian Parliament approves use of army in Ukraine”. The Hindu.
- ^ Генштаб ЗСУ: у Криму – не лише військові з частин Чорноморського флоту. Ukrayinska Pravda (bằng tiếng Ukraina). 5 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2014.
- ^ a b c Kofman, Michael; Migacheva, Katya; Nichiporuk, Brian; Radin, Andrew; Tkacheva, Olesya; Oberholtzer, Jenny (2017). Lessons from Russia's Operations in Crimea and Eastern Ukraine (PDF) (Bản báo cáo). Santa Monica: RAND Corporation. tr. 14–15.
- ^ McCarthy, Tom; Tran, Mark (17 tháng 4 năm 2014). “Ukraine crisis: Obama says Russia has 'hand' in 'disruption and chaos'”. The Guardian. ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2021.
- ^ Россия не рассматривает вариант присоединения Крыма к России (bằng tiếng Nga). Interfax. 4 tháng 3 năm 2014.
- ^ Путин: Россия не планировала присоединять Крым (bằng tiếng Nga). Information Telegraph Agency of Russia. 10 tháng 4 năm 2014.
- ^ “Путин: наши военные "встали за спиной" самообороны Крыма”. BBC News tiếng Nga (bằng tiếng Nga). 17 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2021.
- ^ Шойгу: действия Минобороны РФ в Крыму были вызваны угрозой жизни мирного населения (bằng tiếng Nga). Information Telegraph Agency of Russia. 4 tháng 4 năm 2014.
- ^ “Russia redeploys ships of Baltic and Northern fleets to Sevastopol, violates agreement with Ukraine”. Ukrinform. 3 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2015.
- ^ a b c “Joint Statement by the United States and Ukraine”. mfa.gov.ua. 25 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2015.
- ^ a b “budapest-memorandum”. UaWarExplained.com (bằng tiếng Anh). 29 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
- ^ “Медведев: Россия не гарантирует целостность Украины”. BBC News tiếng Nga (bằng tiếng Nga). 20 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2021.
- ^ a b Oleksandr Turchynov (20 tháng 3 năm 2014). Декларація "Про боротьбу за звільнення України" (bằng tiếng Ukraina). Parliament of Ukraine. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2014.
- ^ “Direct Line with Vladimir Putin”. kremlin.ru. 17 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2014.
- ^ Charles Crawford (10 tháng 3 năm 2014). “Vladimir Putin's illegal occupation of Crimea is an attempt to put Europe's borders up for grabs”. The Daily Telegraph. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2015.
- ^ “russian-ukrainian-friendship-treaty”. UaWarExplained.com (bằng tiếng Anh). 29 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
- ^ a b “Bound by treaty: Russia, Ukraine and Crimea”. Deutsche Welle. 11 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2020.
- ^ Marxsen, Christian (17 tháng 4 năm 2014). “The Crimea Crisis – An International Law Perspective”. Heidelberg Journal of International Law. SSRN 2520530. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2014.
- ^ Yeroshko, Iryna (4 tháng 3 năm 2014). “Ukraine: Russia shows 'complete disregard' for Black Sea Fleet agreement in Crimea”. Kyiv Post. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2014.
- ^ Dilanian, Ken (3 tháng 3 năm 2014). “CIA reportedly says Russia sees treaty as justifying Ukraine moves”. Los Angeles Times. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Constitution of the Russian Federation”. Official site. 30 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2016.
- ^ “Opinion on "Whether Draft Federal constitutional Law No. 462741-6 on amending the Federal constitutional Law of the Russian Federation on the procedure of admission to the Russian Federation and creation of a new subject within the Russian Federation is compatible with international law" Endorsed by the Venice Commission at Its 98th Plenary Session (Venice, 21–22 March 2014)”. Venice Commission. 21–22 March 2014.
- ^ “Draft Federal Constitutional Law of the Russian Federation 'amending the Federal Constitutional Law on the Procedure of Admission to the Russian Federation and creation of a new subject of the Russian Federation in its composition' of the Russian Federation (translation)”. 10 tháng 3 năm 2014.
- ^ Крым определился, каким способом войдет в Россию. Vedomosti (bằng tiếng Nga). 11 tháng 3 năm 2014.
- ^ Законопроект № 462741-6 О внесении изменений в Федеральный конституционный закон "О порядке принятия в Российскую Федерацию и образования в ее составе нового субъекта Российской Федерации" (в части расширения предмета правового регулирования названного Федерального конституционного закона). duma.gov.ru (bằng tiếng Nga). Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2014.
- ^ “Venice Commission gives damning verdict on Crimean”. Kharkiv Human Rights Protection Group. 22 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2021.
- ^ Постановление ВР АРК "Об организации и проведении республиканского (местного) референдума по вопросам усовершенствования статуса и полномочий Автономной Республики Крым". rada.crimea.ua (bằng tiếng Nga). 9 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2014.
- ^ Аксенов: перенос референдума в Крыму связан с тем, что конфликт вышел за пределы разумного (bằng tiếng Nga). Interfax.
- ^ “Суд признал незаконными назначение Аксенова премьером и проведение референдума в Крыму”. Cơ quan Thông tin Độc lập Ukraina. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2014.
- ^ Референдум в Крыму: ответ "нет" не предусмотрен (bằng tiếng Nga). Voice of America. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2014.
- ^ “Crimean authorities work under barrel of a gun – Ukraine leader”. Reuters. 6 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2014.
- ^ “КС признал неконституционным постановление о проведении референдума в Крыму – Видео”. 14 tháng 3 năm 2014.
- ^ Myers, Steven Lee; Smale, Alison (13 tháng 3 năm 2014). “"Russian Troops Mass at Border With Ukraine"”. The New York Times.
- ^ Collett-White, Mike; Popeski, Ronald (15 tháng 3 năm 2014). “Crimeans vote over 90 percent to quit Ukraine for Russia”. Reuters.
- ^ Halimah, Halimah (17 tháng 3 năm 2014). “Crimea's vote: Was it legal?”. CNN. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Crimea referendum: Voters 'back Russia union'”. BBC News. 16 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Declaring victory, Crimean and Russian officials pledge fast integration”. Kyiv Post. 17 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 3 năm 2014.
- ^ Наблюдатели ОБСЕ не приедут на референдум в Крым (bằng tiếng Nga). Deutsche Welle. 11 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2021.
- ^ “Extreemrechtse partijen uitgenodigd op referendum Krim” (bằng tiếng Hà Lan). De Redactie. 13 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ Постановление ГС РК № 1745-6/14 – О независимости Крыма (bằng tiếng Nga). rada.crimea.ua. 17 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 3 năm 2014.
- ^ Парламент Крыма национализировал порты полуострова и их имущество (bằng tiếng Nga). nbnews.com.ua. 17 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 4 năm 2014.
- ^ Крым национализировал "Черноморнефтегаз" (bằng tiếng Nga). glavred.info. 17 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Crimea applies to be part of Russian Federation after vote to leave Ukraine”. The Guardian. 17 tháng 3 năm 2014.
- ^ Herszenhorn, David M.; Cowell, Alan (17 tháng 3 năm 2014). “Lawmakers in Crimea Move Swiftly to Split From Ukraine”. The New York Times. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2014.
- ^ Крым начал процедуру присоединения к РФ, объявив о независимости (bằng tiếng Nga). RIA Novosti. 17 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Russian ruble announced Crimea's official currency”. Information Telegraph Agency of Russia. 17 tháng 3 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 12 năm 2014.
- ^ Verbyany, Volodymyr (1 tháng 6 năm 2014). “Crimea Adopts Ruble as Ukraine Continues Battling Rebels”. Bloomberg. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2022.
- ^ “Putin Approves Draft Treaty On Crimea”. RadioFreeEurope/RadioLiberty (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2021.
- ^ Myers, Steven Lee; Barry, Ellen (18 tháng 3 năm 2014). “Putin Reclaims Crimea for Russia and Bitterly Denounces the West”. The New York Times. ISSN 0362-4331. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2021.
- ^ Договор между Российской Федерацией и Республикой Крым о принятии в Российскую Федерацию Республики Крым и образовании в составе Российской Федерации новых субъектов (bằng tiếng Nga). Kremlin.ru. 18 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2016.
- ^ “Constitutional Court Approves Russia-Crimea Treaty”. The Moscow Times. 19 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2021.
- ^ Pifer, Steven (18 tháng 3 năm 2019). “Five years after Crimea's illegal annexation, the issue is no closer to resolution”. Brookings Institution. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2021.
- ^ Conrad, Naomi (1 tháng 5 năm 2014). “The deputy who voted against annexing Crimea”. Deutsche Welle (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2021.
- ^ Распоряжение Президента Российской Федерации от 17 March 2014 No. 63-рп 'О подписании Договора между Российской Федерацией и Республикой Крым о принятии в Российскую Федерацию Республики Крым и образовании в составе Российской Федерации новых субъектов'. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2016.
- ^ “Ukraine officer 'killed in attack on Crimea base'”. BBC. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2014.
Crimean police later said both Ukrainian and pro-Russian forces had been fired on from a single location ... None of the accounts can be independently confirmed.
- ^ “Crimean prosecutors do not confirm info on Simferopol shooter detention”. Interfax-Ukraine. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2017.
- ^ Roland Oliphant (22 tháng 3 năm 2014). “Ukraine's unlikeliest funeral: the only two foes to die in Russia's Crimea takeover are mourned together”. The Daily Telegraph. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2016.
- ^ Lavrov, Anton (2015). “Russian Again: The Military Operation for Crimea”. Trong Pukhov, Ruslan (biên tập). Brothers Armed: Military Aspects of the Crisis in Ukraine . Minneapolis: East View Press. ISBN 9781879944657. OCLC 921141500.
- ^ “Ukraine orders Crimea troop withdrawal as Russia seizes naval base”. CNN. 24 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Defense Ministry: 50% Of Ukrainian Troops in Crimea Defect To Russia”. Ukrainian News Agency. 24 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2014.
- ^ (tiếng Ukraina) Russian troops captured all Ukrainian parts in the Crimea, BBC tiếng Ukraina (26 March 2014)
- ^ “United Nations News Centre – Backing Ukraine's territorial integrity, UN Assembly declares Crimea referendum invalid”. United Nations. 27 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2014.
- ^ “В 22.00 в Крыму и в Севастополе стрелки часов переведут на два часа вперёд – на московское время”. 29 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2014.
- ^ “kharkiv-agreements”. UaWarExplained.com (bằng tiếng Anh). 29 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
- ^ “Россия денонсировала соглашения с Украиной о флоте”. BBC News tiếng Ukraina (bằng tiếng Nga). 31 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2021.[liên kết hỏng]
- ^ See Presidential explanatory note to the denunciation bill Lưu trữ 19 tháng 10 2017 tại Wayback Machine (tiếng Nga)
- ^ Lukas I. Alpert, Alexander Kolyandr. “Medvedev visits Crimea, vows development aid”. Market Watch.
- ^ Crimea switches to Russian telephone codes, Interfax-Ukraine (7 May 2015)
- ^ Nikiforov, Vadim (12 tháng 3 năm 2014). Крым и Севастополь ожидают представления свыше. Kommersant (bằng tiếng Nga). Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2014.
- ^ Nezamyatnyj, Ivan (11 tháng 4 năm 2014). Крым прописался в конституции России (bằng tiếng Nga). mk.ru.
- ^ Hobson, Peter (14 tháng 4 năm 2014). “Sanctioned Bank Rossiya to Service $36Bln Domestic Electricity Market”. The Moscow Times.
- ^ Россия убрала войска с Арабатской стрелки (bằng tiếng Nga). Ukrinform. 9 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2016.
- ^ Jess McHugh (15 tháng 7 năm 2015). “Putin Eliminates Ministry of Crimea, Region Fully Integrated into Russia, Russian Leaders Say”. International Business Times. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2016.
- ^ Sharkov, Damien (31 tháng 7 năm 2016). “Ukraine Reports Russian Military Activity on Crimea Border”. Newsweek. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2017.
- ^ Kaplan, Allison (9 tháng 8 năm 2016). “Ukraine prepares for Russian 'attack' by moving troops to the border with Crimea”. Haaretz. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2017.
- ^ Shaun Walker in Moscow. “Putin raises stakes over alleged Ukraine terror plot in Crimea”. The Guardian. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2017.
- ^ Roland Oliphant (10 tháng 8 năm 2016). “Putin accuses Ukraine of 'terror' over alleged Crimea raid”. The Telegraph. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2017.
- ^ a b Moscow, Laura Mills in; Cullison, Alan; Washington, Carol E. Lee in (11 tháng 8 năm 2016). “Dispute Between Russia and Ukraine Over Crimea Accusations Escalates”. The Wall Street Journal. ISSN 0099-9660. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2016.
- ^ “Putin Accuses Ukraine of Terror as Crimea Tensions Escalate”. Bloomberg.com. Bloomberg. 10 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2017.
- ^ Sasse, Gwendolyn (6 tháng 11 năm 2017). “What Is the Public Mood Like in Crimea?”. Carnegie Europe. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2017.
- ^ “Poroshenko Ends Martial Law in Ukraine As Tensions With Russia Continue”. Radio Free Europe/Radio Liberty. 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2018.
- ^ “Ukraine conflict: Russia completes Crimea security fence”. BBC. 28 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2018.
- ^ “'Crimea is Ukraine': Zelenskyy opens inaugural Crimea summit”. euronews. 23 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2021.
- ^ Christian Streib (20 tháng 3 năm 2015). “Back in the USSR? Spying and control in the new Crimea”. CNN. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2016.
- ^ Berman, Ilan (8 tháng 9 năm 2015). “Paradise Lost in Crimea: How Russia Is Paying for the Annexation”. Foreign Affairs. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2016.
- ^ “Crimea Rice Crop Fails Over Water War With Ukraine”. The Moscow Times. 6 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2016.
- ^ Naidenova, Iuliia; Nesseler, Cornel; Parshakov, Petr; Chusovliankin, Aleksei (2020). “After the Crimea crisis: Employee discrimination in Russia and Ukraine”. PLOS ONE. 15 (10): e0240811. Bibcode:2020PLoSO..1540811N. doi:10.1371/journal.pone.0240811. PMC 7592748. PMID 33112927.
- ^ Ash, Lucy (8 tháng 8 năm 2014). “Tourism takes a nosedive in Crimea”. BBC News Magazine. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2015.
- ^ “Крым готовится к референдуму и ожидает Русских сезонов”. РИА Оренбуржье. 17 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2014.
- ^ Titov, Evgeny (11 tháng 9 năm 2015). “Полуостров в тени материка”. Novaya Gazeta (bằng tiếng Nga). Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2015.
- ^ Steiner, Eduard (17 tháng 3 năm 2014). “Krim-Annexion wird zur Milliardenlast für Russland”. Die Welt (bằng tiếng Đức).
- ^ “Decision to annex Crimea 'taken by Putin personally'”. UNIAN. 3 tháng 3 năm 2015.
- ^ “Расходный полуостров”. Kommersant. 7 tháng 3 năm 2014.
- ^ Broad, William (17 tháng 3 năm 2014). “In Taking Crimea, Putin Gains a Sea of Fuel Reserves”. The New York Times.
- ^ “In taking Crimea, Putin gains a sea of fuel reserves”. The Times of India. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2014.
- ^ “Central Telegraph to set Russian tariffs on telegrams in Crimea Apr 3”. Prime. 26 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Крымчанам придется поменять номера телефонов и SIM-карты”. comnews.ru. 19 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2014.
- ^ “"Почта России" переводит почтовое сообщение с Крымом на российские тарифы”. comnews.ru. 25 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Sneaking into Crimea – Or Maybe Not”. Forbes. 30 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2014.
- ^ О пунктах пропуска через государственную границу России в Республике Крым и городе Севастополе
- ^ “Government Order on checkpoints at the Russian border in the Republic of Crimea and Sevastopol”. Government of Russia. 7 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2014.
- ^ Mills, Laura; Dahlburg, John-Thor (2 tháng 12 năm 2014). “Change of leadership in Crimea means property grab”. Associated Press. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 12 năm 2014.
- ^ MacFarquhar, Neil (10 tháng 1 năm 2015). “Seizing Assets in Crimea, From Shipyard to Film Studio”. The New York Times.
- ^ Murtazin, Irek (3 tháng 9 năm 2015). “На часах – "девяностые"”. Novaya Gazeta (bằng tiếng Nga). Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2015.
- ^ “New maps appear to show Crimea is drying up”. Radio Free Europe/Radio Liberty. 13 tháng 7 năm 2018.
- ^ “Second Russian Official in 2 Days Arrested in Crimea Over Corruption”. The Moscow Times. 30 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2015.
- ^ (tiếng Ukraina) After the annexation of Crimea left only 10% of staff SBU, Ukrayinska Pravda (8 February 2016)
- ^ “Crimea will not have large telecom operators of Russian Federation because of sanctions”. CrimeaSOS. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2018.
- ^ “Crimea's Water Crisis Is an Impossible Problem for Putin”. Bloomberg.com. Bloomberg. 19 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2021.
- ^ “Crimea: Persecution of Crimean Tatars Intensifies | Human Rights Watch”. 14 tháng 11 năm 2017.
- ^ “UN accuses Russia of multiple human rights abuses”. The Independent. 16 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2017.
- ^ “Human Rights Situation in the Autonomous Republic of Crimea and the city of Sevastopol”. OHCHR. 6 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 24 tháng 9 năm 2021.
- ^ “UN General Assembly votes for resolution on human rights in Crimea”. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2017.
- ^ “Russia's collective punishment of the Crimean Tatars is a war crime”. 25 tháng 2 năm 2021.
- ^ “Crimea: Attacks, 'Disappearances' by Illegal Forces”. Human Rights Watch. 14 tháng 3 năm 2014.
- ^ a b Rainsford, Sarah (25 tháng 8 năm 2015). “Ukraine crisis: Crimean Tatars uneasy under Russia rule”. BBC News. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2016.
- ^ a b Федеральный закон от 28 December 2013 N 433-ФЗ "О внесении изменения в Уголовный кодекс Российской Федерации" (tiếng Nga)]
- ^ Автор статьи: Мария Макутина. “За призывы вернуть Крым Украине можно будет лишиться свободы сроком до пяти лет – РБК daily”. Rbcdaily.ru. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2014.
- ^ “Timeline: Escalation of The Crisis in Crimea”. UNPO. Truy cập ngày 24 tháng 9 năm 2021.
- ^ Крымским татарам запретили митинговать. gazeta.ru (bằng tiếng Nga). 17 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2014.
- ^ a b Hille, Katherine (18 tháng 5 năm 2014). “Crimean Tatars defy ban on rallies to commemorate deportation”. Financial Times. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2014.
- ^ a b Winning, Alexander (18 tháng 5 năm 2014). “Crimean Tatars commemorate Soviet deportation despite ban”. Reuters. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2014.
- ^ “Crimea helicopters try to disrupt Tatar rallies”. BBC News. 18 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2014.
- ^ “Russia jails Crimea activist for 4 years over Kiev protest allegations”. Agence France-Presse. 15 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2021 – qua NDTV.
- ^ Bilych, Ivanna; Neumann, Andreas; Okpara, Victor C.; Pichaipillai, Ajitha; de Moura Sena, Matheus; Sharvan, Olena (15 tháng 6 năm 2015). “Human Rights on Occupied Territory: Case of Crimea”. Razom.
- ^ Melkozerova, Veronika (21 tháng 6 năm 2016). “Ukrainian lawmakers fume over omission of Ukraine from human rights report”. Kyiv Post.
- ^ “Jailed Crimean Tatar Human Rights Activist on Hunger Strike in Russian World Cup city”. Kharkiv Human Rights Protection Group. 4 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2019.
- ^ “URGENT ACTION: CRIMEAN TATAR ACTIVIST FORCIBLY DISAPPEARED” (PDF). Amnesty International. 25 tháng 5 năm 2016.
- ^ “Russia refuses to investigate the abduction of prominent Crimean Tatar activist Ervin Ibragimov”. Kharkiv Human Rights Protection Group.
- ^ “Russian Federation/Ukraine: Further information: Rights defender facing trumped-up charges: Server Mustafayev”. Amnesty International. 29 tháng 11 năm 2019.
- ^ “ARREST OF SERVER MUSTAFAYEV”. 23 tháng 9 năm 2020.
- ^ “Ukraine submits to ICJ evidence of Russian crimes in Crimea, Donbas | UNIAN”.
- ^ “Более ста тысяч крымчан получили украинские загранпаспорта | Новые Известия”. newizv.ru (bằng tiếng Nga). Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2019.
- ^ “Public Opinion Survey Residents of the Autonomous Republic of Crimea May 16 – 30, 2013” (PDF). International Republican Institute. tr. 17. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 12 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2022.
- ^ a b “News-gathering and policy perceptions in Ukraine” (PDF). Broadcasting Board of Governors. 3 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2015.
- ^ a b “Despite Concerns about Governance, Ukrainians Want to Remain One Country” (PDF) (Thông cáo báo chí). Pew Research Centre. 8 tháng 5 năm 2014. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2014.
- ^ The Moscow Times (15 tháng 3 năm 2019). “Russians Conflicted Over Crimea Annexation's Value”. The Moscow Times. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2019.
- ^ O'Loughlin, John; Toal, Gerard (28 tháng 2 năm 2019). “The Crimea conundrum: legitimacy and public opinion after annexation”. Eurasian Geography and Economics. 60: 6–27. doi:10.1080/15387216.2019.1593873.
- ^ Charron, Austin (2016). “Whose is Crimea? Contested Sovereignty and Regional Identity”. Region. 5 (2): 225–256. ISSN 2166-4307. JSTOR 24896628.
- ^ МИД вызвал Временного поверенного в делах РФ в Украине для вручения ноты-протеста (bằng tiếng Nga). unn.com.ua. 18 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 3 năm 2014.
- ^ Декларація "Про боротьбу за звільнення України" (bằng tiếng Ukraina). Verkhovna Rada.
- ^ Верховна Рада України ухвалила Закон "Про забезпечення прав і свобод громадян та правовий режим на тимчасово окупованій території України" (bằng tiếng Ukraina). Verkhovna Rada. 15 tháng 4 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2014.
- ^ “Ukraine Parliament declares Crimea temporarily occupied territory”. news.biharprabha.com. Indo-Asian News Service. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2014.
- ^ Верховная Рада Украины приняла Закон "Об обеспечении прав и свобод граждан и правовом режиме на временно оккупированной территории Украины" (bằng tiếng Nga). Verkhovna Rada. 15 tháng 4 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2014.
- ^ Рада приняла закон о защите прав граждан "оккупированного Крыма". Vzglyad (bằng tiếng Nga). 15 tháng 4 năm 2014.
- ^ “Dam leaves Crimea population in chronic water shortage”. Al-Jazeera. 4 tháng 1 năm 2017.
- ^ “Russia fears Crimea water shortage as supply drops”. BBC News. 25 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2014.
- ^ Ennis, Stephen (12 tháng 3 năm 2014). “Ukraine hits back at Russian TV onslaught”. BBC. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2014.
- ^ Цензор.НЕТ (11 tháng 4 năm 2014). “Некоторые кинотеатры Киева, Львова и Одессы объявили бойкот российской кинопродукции”. Цензор.НЕТ (bằng tiếng Nga). Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2023.
- ^ “Journalists, free speech activists demand abolishing of newly-formed 'Ministry of Truth'”. Kyiv Post. 4 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2016.
- ^ “Ukraine conflict: Crimea hit by shortages”. BBC News. 8 tháng 1 năm 2015.
- ^ Rada names 20 February 2014 as official date of Crimea, Sevastopol occupation by Russia. Interfax Ukraine. 16 September 2015
- ^ President recognised 20 February as the official date of Crimean occupation. Ukrinform. 7 October 2015
- ^ (tiếng Ukraina) The Cabinet decided to create the Ministry of temporarily occupied territories and internally displaced persons, Ukrayinska Pravda (20 April 2016)
- ^ “Years After Crimea's Annexation, Integration of Ukraine's Internally Displaced Population Remains Uneven – Ukraine”. ReliefWeb. 19 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2022.
- ^ “4 Reasons Putin Is Already Losing in Ukraine”. Time. 3 tháng 3 năm 2014.
- ^ Rothkopf, David (25 tháng 2 năm 2014). “All (Not) Quiet on Ukraine's Eastern Front”. Foreign policy.
- ^ “Российские паспорта и присоединение к РФ: Депутаты Госдумы прибыли в Крым (Rossiyskiye pasporta i prisoyedineniye k RF: Deputaty Gosdumy pribyli v Krym)”. Gordonua (bằng tiếng Ukraina). 25 tháng 2 năm 2014.
- ^ “В Госдуме опровергли данные о выдаче паспортов РФ жителям Крыма (V Gosdume oprovergli dannyye o vydache pasportov RF zhitelyam Kryma)”. Argumenty i Fakty (bằng tiếng Ukraina). 25 tháng 2 năm 2014.
- ^ “У Росії Януковича все ще вважають президентом – Слуцький (U Rosiyi Yanukovycha vse shche vvazhayut' prezydentom – Sluts'kyy)”. Українська правда (Ukrayins'ka pravda) [Ukrainian Pravda]. UA. 25 tháng 2 năm 2014.
- ^ “Госдума России обсуждает меры по защите крымчан (Gosduma Rossii obsuzhdayet mery po zashchite krymchan)”. RU: Интерфакс (Interfax).
- ^ Alpert, Lukas I. (27 tháng 2 năm 2014). “Russia Orders Military Exercises Amid Ukraine Tension”. The Wall Street Journal.
- ^ “Russian Foreign Ministry commented on the movement of armored vehicles in Crimea”. Ukrayinska Pravda. 27 tháng 2 năm 2014.
- ^ “Ukraine crisis: Russia mulls new land-grab law”. BBC News. 28 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2021.
- ^ a b “MID of Russia made another statement on Ukraine: militants, NATO, provocations”. Ukrayinska Pravda. 27 tháng 2 năm 2014.
- ^ “Tensions high at Kiev protest camp despite ground-breaking deal”. CTV News. 21 tháng 2 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 12 năm 2008.
- ^ “Russia has suspended negotiations with Ukraine on the project of Kerch bridge”. Ukrinform. 28 tháng 2 năm 2014.
- ^ “Medvedev Signs Decree Creating Contractor for Kerch Strait Bridge Project”. The Moscow Times. 3 tháng 3 năm 2014.
- ^ “In Russia there are gathering "tourists" to Ukraine who served in the military”. Ukrayinska Pravda. 28 tháng 2 năm 2014.
- ^ “Ukraine crisis live: Russia admits its troops are moving in Crimea”. The Daily Telegraph. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2014.
- ^ “Russian Foreign Ministry called the Ukrainian revolution "brown"”. lenta.ru. RU. 19 tháng 2 năm 2014.
- ^ a b “Vladimir Putin sees small protests, mass support for troops in Ukraine (+video)”. The Christian Science Monitor. 2 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Putin defends Ukraine stance, cites lawlessness”. The Washington Post. 4 tháng 3 năm 2014.
- ^ Luhn, Alec (18 tháng 3 năm 2014). “Red Square rally hails Vladimir Putin after Crimea accession”. The Guardian. Moscow. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2016.
- ^ “Putin's move on Crimea bolsters popularity back home”. USA Today. 19 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2014.
- ^ a b “Putin shares the view that if in Ukraine "revolution" – then on its territory is a new state”. Mirror Weekly. 4 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Russia claims thousands fleeing Ukraine”. Nine MSN. AU. 2 tháng 3 năm 2014.
- ^ “мзс україні спростувало зростання кількості бігентсив до росії (MZS Ukrayini sprostuvalo zrostannya kil'kosti bihent·syv do rosiyi)”. Ukrinform. 4 tháng 3 năm 2014.
- ^ “мзс путін продовґуе дезінформувати весь світ заради виправдання своїх дії (MZS Putin prodovgue dezinformuvaty ves' svit zarady vypravdannya svoyikh diyi)”. UA. Ukrinform. 4 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Khodorkovsky: Crimea should stay within Ukraine with broad autonomous status”. Interfax. 10 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2015.
- ^ a b c “Crimea crisis: The Tatarstan factor”. Al Jazeera. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2014.
- ^ Huw Griffith; Anna Malpas (15 tháng 3 năm 2014). “50,000 rally in Moscow against Crimea intervention”. Yahoo News. Agence France-Presse. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2014.
- ^ Lipsky, Andrey (24 tháng 2 năm 2015). “"Представляется правильным инициировать присоединение восточных областей Украины к России"”. Novaya Gazeta (bằng tiếng Nga) (19). Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2016.
- ^ Matthew Schofield (21 tháng 2 năm 2015). “Russian news report: Putin approved Ukraine invasion before Kiev government collapsed”. McClatchy DC. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2016.
- ^ Mikhail Sokolov (12 tháng 6 năm 2015). Михаил Касьянов: "Все решения по Крыму незаконны". Радио Свобода (bằng tiếng Nga). Radio Svoboda. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2016.
- ^ Charbonneau, Mirjam; Donath, Louis (27 tháng 3 năm 2014). “U.N. General Assembly declares Crimea secession vote invalid”. Reuters. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2017.
- ^ “Executive Order 13660 – Blocking Property of Certain Persons Contributing to the Situation in Ukraine” (Thông cáo báo chí). White House Office of the Press Secretary. 6 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2014.
- ^ “EU Slaps Initial Sanctions on Russia”. ABC News. Associated Press. 6 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Japan imposes sanctions against Russia over Crimea independence”. Fox News Channel. 18 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2014.
- ^ “Position of the United Kindown about the Crimean referendum”. Bloomberg News. Bloomberg. 14 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2014.
- ^ “Budapest Memorandum”. UaWarExplained.com (bằng tiếng Anh). 29 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2022.
- ^ Baker, Luke. “EU to offer 500 million euros of trade benefits to Ukraine”. Reuters. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Ukraine: MEPs call for firm action on Russia to prevent further escalation”. European Parliament. 12 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2015.
- ^ “Lawmakers call for suspension of Russia from G8, swift action against Putin”. Political ticker (World Wide Web log). CNN. 2 tháng 3 năm 2014.
- ^ “North Atlantic Council statement on the situation in Ukraine”. Nato.int. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2014.
- ^ “PACE: News”. Assembly.coe.int. 22 tháng 11 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2014.
- ^ “Statement of the Prime Ministers of the Visegrád Countries on Ukraine” (Thông cáo báo chí). Hungary: Prime Minister's Office. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2014.
- ^ Economy, Elizabeth (6 tháng 3 năm 2014). “China's Soft 'Nyet' To Russia's Ukraine Intervention”. Forbes. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2014.
- ^ Bhattacherjee, Kallol (27 tháng 1 năm 2017). “Ukraine lauds India for support over Crimea”. The Hindu (bằng tiếng Anh). ISSN 0971-751X. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2021.
- ^ “Syria's Assad expresses support to Putin on Ukraine”. euronews. 18 tháng 5 năm 2013.
- ^ “Putin on Ukraine Supported by China-Syria-Venezuela Minority”. Bloomberg News. 12 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Sri Lanka regrets removal of Ukrainian president”. Business Standard. 13 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2015.
- ^ “Tusk warns Merkel against Russian gas addiction”. www.euractiv.com. 11 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Russia risks political and economic damage over Ukraine, says Merkel”. The Guardian. 13 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 4 năm 2014.
- ^ Bryant, Chris (27 tháng 3 năm 2014). “German business concerns grow over Russia ties”. Financial Times. Truy cập ngày 27 tháng 3 năm 2014.
- ^ a b c Freeman, Colin (24 tháng 3 năm 2014). “Russian troops poised to 'run' into Moldova, Nato commander warns”. The Telegraph. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Președintele Nicolae Timofti avertizează Rusia să nu încerce să anexeze regiunea transnistreană”. Radio Europa Liberă Moldova (bằng tiếng Romania). 18 tháng 3 năm 2014.
- ^ Rfe/Rl (10 tháng 4 năm 2014). “PACE Deprives Russia of Voting Rights”. Radio Free Europe/Radio Liberty. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2014.
- ^ “Putin talks of peace in annexed Crimea”. ABC (AU). 14 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2014.
- ^ “Russia vetoes U.N. resolution on Crimea's future”. USA Today. Associated Press. 15 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2014.
- ^ “General Assembly Adopts Resolution Calling upon States Not to Recognize Changes in Status of Crimea Region”. United Nations. 27 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Ukraine: UN condemns Crimea vote as IMF and US back loans”. BBC News. 27 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2014.
- ^ a b Resolution adopted by the General Assembly Lưu trữ 15 tháng 2 2022 tại Wayback Machine on 18 December 2019], UN General Assembly
- ^ “Afghan president Hamid Karzai backs Russia's annexation of Crimea”. The Guardian. 24 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2014.
“Visiting Russia, Fidel Castro's Son Scoffs at U.S. Sanctions Over Crimea”. The Moscow Times. 31 tháng 3 năm 2014.
“Kyrgyzstan Says Crimea Referendum 'Legitimate'”. Radio Free Europe/Radio Liberty. 20 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2016.
“Nicaragua recognizes Crimea as part of Russia”. Kyiv Post. 27 tháng 3 năm 2014.
“В КНДР издали атлас мира, где Крым находится в составе России:Как пояснили посольству РФ в МИД республики, Пхеньян "уважает результаты состоявшегося в Крыму референдума о вхождении полуострова в состав Российской Федерации"”. TASS. 12 tháng 10 năm 2017. - ^ “Nina Ştanski, "ministrul de Externe" de la Tiraspol, îi cere lui Vladimir Putin să anexeze Transnistria”. 24 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Transnistria wants to merge with Russia”. Vestnik Kavkaza. 18 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Moldova's Trans-Dniester region pleads to join Russia”. BBC. 18 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Italian Region of Lombardy Joins Liguria and Veneto in Recognizing Crimea as Part of Russia”. Ukrayinska Pravda. 6 tháng 7 năm 2016. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2021.
- ^ “Lombardia revoca mozione su annessione Crimea. Astuti: «C'è voluta una guerra per far ravvedere la Lega»”. Varese Noi (bằng tiếng Ý). 30 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2022.
- ^ Rakteem Katakey (25 tháng 3 năm 2014). “Russian Oil Seen Heading East Not West in Crimea Spat”. Bloomberg. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2016.
- ^ Peter Shuklinov (21 tháng 3 năm 2014). Ближний круг Путина: кто попал в новый список санкций США. liga.net (bằng tiếng Nga). Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2016.
- ^ “Japan imposes sanctions against Russia over Crimea independence”. Fox News Channel. Associated Press. 18 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2016.
- ^ Gutterman, Steve; Grove, Thomas; Tsvetkova, Maria; Piper, Elizabeth; Soldatkin, Vladimir (18 tháng 3 năm 2014). Boulton, Ralph (biên tập). “Russia scoffs at Western sanctions over Crimea”. Reuters. Moscow.
- ^ Patrick Jenkins; Daniel Schäfer; Courtney Weaver; Jack Farchy (14 tháng 3 năm 2014). “Russian companies withdraw billions from west, say Moscow bankers”. Financial Times. Truy cập ngày 27 tháng 3 năm 2014.
- ^ “Russia sanctions 9 US officials in response to US sanctions on Russian officials”. CNBC. 20 tháng 3 năm 2014.
- ^ Steven Chase (24 tháng 3 năm 2014). “Russia imposes sanctions on 13 Canadians, including MPs”. The Globe and Mail. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2016.
- ^ Neil Buckley (21 tháng 3 năm 2014). “Putin feels the heat as sanctions target president's inner circle”. Financial Times. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2014.
- ^ Ian Traynor (22 tháng 3 năm 2014). “European Union prepares for trade war with Russia over Crimea”. The Guardian. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2016.
- ^ Olga Tanas (21 tháng 3 năm 2014). “Russia's Credit Outlook Cut as U.S., EU Widen Sanction Lists”. Bloomberg L.P. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2016.
- ^ Andra Timu; Henry Meyer; Olga Tanas (23 tháng 3 năm 2014). “Russia Staring at Recession on Sanctions That Could Get Tougher”. Bloomberg. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 3 năm 2014.
- ^ Kathrin Hille; Richard McGregor (24 tháng 3 năm 2014). “Russia braced for $70bn in outflows”. Financial Times. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2014.
- ^ Courtney Weaver; Jack Farchy (25 tháng 3 năm 2014). “Funds cut Russian holdings after sanctions”. Financial Times. Truy cập ngày 27 tháng 3 năm 2014.
- ^ Jack Farchy; Martin Arnold (18 tháng 4 năm 2014). “Banks retreat from Moscow deals”. Financial Times. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2014.
- ^ Mishchenko, Olga (28 tháng 6 năm 2014). “Минэкономразвития РФ опасается негативного влияния западных санкций”. Deutsche Welle (bằng tiếng Nga). Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2016.
- ^ John Fraher (18 tháng 4 năm 2014). “Energy Needs Curb Eastern EU Hunger for Russian Sanctions”. Bloomberg. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2016.
- ^ Maria Bondarenko (22 tháng 6 năm 2015). Правозащитники рассказали об отказах в выдаче виз после поездок в Крым. rbc.ru (bằng tiếng Nga). Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2016. Chú thích có tham số trống không rõ:
|1=
(trợ giúp) - ^ Роскомнадзор распорядился заблокировать сайт Общества защиты прав потребителей. tvrain.ru (bằng tiếng Nga). 22 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2016.
- ^ “Russia suspends payments to Council of Europe over Crimea row”. uk.reuters.com. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 19 tháng 9 năm 2018.
- ^ “Ukraine 'Extremely Concerned' Council of Europe Caving To Russian 'Blackmail'”. RadioFreeEurope/RadioLiberty. Truy cập ngày 19 tháng 9 năm 2018.
Đọc thêm
sửa- Pynnöniemi, Katri; Rácz, András biên tập (2016). “Fog of Falsehood: Russian Strategy of Deception and the Conflict in Ukraine”. Fiia Report. FIIA Report, 45. Helsinki: Finnish Institute of International Affairs. ISBN 978-951-769-485-8. ISSN 2323-5454. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2016.
- Myths and misconceptions in the debate on Russia. Chatham House. 13 tháng 5 năm 2021. ISBN 978-1-78413-461-7. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2022.
Liên kết ngoài
sửaTập tin phương tiện từ Commons | |
Danh ngôn từ Wikiquote | |
Văn kiện từ Wikisource | |
Dữ liệu từ Wikidata |
- A treaty of accession of the Republic of Crimea and Sevastopol to the Russian Federation. Unofficial English translation with commentary
- Russia & Me: Former Post-Soviet Leaders' Views On Crimea's Annexation (video 11:21), REF/RL, 26 February 2016 (bằng tiếng Nga, phụ đề bằng tiếng Anh)