Nông Đức Mạnh
Nông Đức Mạnh (sinh ngày 11 tháng 9 năm 1940) là một chính khách Việt Nam. Ông từng là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ năm 1992 đến năm 2001 và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2001 đến năm 2011.
Nông Đức Mạnh | |
---|---|
![]() | |
Chức vụ | |
Nhiệm kỳ | 22 tháng 4 năm 2001 – 19 tháng 1 năm 2011 9 năm, 272 ngày |
Tiền nhiệm | Lê Khả Phiêu |
Kế nhiệm | Nguyễn Phú Trọng |
Thường trực Ban Bí thư |
|
Nhiệm kỳ | 23 tháng 9 năm 1992 – 27 tháng 6 năm 2001 8 năm, 277 ngày |
Tiền nhiệm | Lê Quang Đạo |
Kế nhiệm | Nguyễn Văn An |
Vị trí | ![]() |
Trưởng ban Dân tộc Trung ương | |
Nhiệm kỳ | 1989 – 1992 |
Tiền nhiệm | Vũ Ngọc Linh |
Kế nhiệm | Hoàng Đức Nghi |
Vị trí | ![]() |
Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X, XI | |
Nhiệm kỳ | tháng 11 năm 1989 – 22 tháng 5 năm 2011 |
Thông tin chung | |
Quốc tịch | Việt Nam |
Sinh | 11 tháng 9, 1940 xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, Việt Nam |
Dân tộc | Tày |
Tôn giáo | không |
Đảng phái | ![]() |
Vợ | Lý Thị Bang (1942-2010) Đỗ Thị Huyền Tâm (từ 2012) |
Con cái | Nông Quốc Tuấn |
Trường lớp | Học viện Lâm nghiệp Leningrad Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh |
Tiểu sử
Ông là một người dân tộc Tày, sinh ngày 11 tháng 9 năm 1940 ở xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn,[1][2][3] xuất thân trong gia đình nông dân, dân tộc Tày, tham gia hoạt động cách mạng năm 1958, rồi vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 5 tháng 7 năm 1963.
Từ năm 1958 đến năm 1961, ông học trường Trung cấp Nông lâm Trung ương Hà Nội. Hai năm sau đó, ông là công nhân lâm nghiệp, kỹ thuật viên điều tra rừng Ty Lâm nghiệp Bắc Kạn, sau đó là đội phó đội khai thác gỗ Bạch Thông.
Từ năm 1966 đến năm 1971, ông du học tại Học viện Lâm nghiệp Leningrad (tại Sankt-Peterburg).
Trước khi tham gia chính trị
Từ năm 1972 đến năm 1973, ông về nước và làm phó ban thanh tra Ty lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái (nay tách thành hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên). Sau đó ông làm giám đốc Lâm trường Phú Lương (Bắc Thái) đến năm 1974.
Từ năm 1974 đến năm 1976, ông học ở Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc.
Sự nghiệp chính trị
Địa phương
- Từ năm 1976 đến năm 1980, ông là Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái, kiêm Chủ nhiệm công ty xây dựng lâm nghiệp rồi trưởng Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái.
- Từ năm 1980 đến năm 1984, ông làm Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái.
- Từ năm 1984 đến tháng 10 năm 1986, ông đảm nhiệm chức vụ Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái.
- Từ tháng 11 năm 1986 đến tháng 2 năm 1989, ông là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trung ương
- Tháng 3 năm 1989, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI), Nông Đức Mạnh được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- Tháng 8 năm 1989, ông được phân công làm trưởng Ban Dân tộc Trung ương.
- Tháng 11 năm 1989, ông được bầu bổ sung đại biểu Quốc hội khóa VIII và được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
- Tháng 6 năm 1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nông Đức Mạnh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
- Tháng 9 năm 1992, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa IX.
- Tháng 6 năm 1996, ông làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII.
- Tháng 9 năm 1997, ông tái đắc cử Chủ tịch Quốc hội khóa X.
- Tháng 1 năm 1998, ông được phân công làm Thường vụ Bộ Chính trị.
- Tháng 4 năm 2001, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông là Tổng bí thư và cũng là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên là một người dân tộc thiểu số.
- Tháng 4 năm 2006, ông được bầu lại làm Tổng bí thư, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.
- Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI năm 2011, ông nghỉ hưu.
Gia đình
Cha mẹ ông là ông Nông Văn Lại và bà Hoàng Thị Nhị, hàng năm tháng ba âm lịch (tết thanh minh) luôn về quê để tảo mộ cha mẹ (hai người đều mất sớm), và ông còn có em trai, em gái ở quê.[4][5] Ông luôn bác bỏ tin đồn rằng ông là con của Hồ Chí Minh, và đã trả lời "Ở Việt Nam ai cũng là con cháu Bác Hồ" khi được báo chí hỏi về điều đó.[5][6]
Vợ là bà Lý Thị Bang (1942-2010).[7] Con trai cả là Nông Quốc Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XI.[7][8]
Chú thích
- ^ Nông Đức Mạnh tại Từ điển bách khoa Việt Nam
- ^ Nguyễn Trọng Phúc. Tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội và hội nghị Trung ương. Nhà xuất bản Lao động. Hà Nội. 2003. trang 1493.
- ^ Kỷ yếu kỳ họp thứ nhất - Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa IX. Văn phòng Quốc hội. trang 14-15.
- ^ Bộ ngoại giao Việt Nam, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trả lời phỏng vấn cho Tạp chí Thời đại
- ^ a b KAY JOHNSON (22 tháng 1 năm 2002). “'We Don't Want to Keep Secrets Anymore'” (bằng tiếng Anh). Time Asia. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2018. Chú thích có tham số trống không rõ:
|1=
(trợ giúp) - ^ BBC (22 tháng 4 năm 2001). “Modernising leader for Vietnam”. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2007.
- ^ a b LÊ KIÊN (25 tháng 10 năm 2010). “Phu nhân Tổng bí thư Nông Đức Mạnh từ trần”. Tuổi trẻ Online. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2018.
- ^ Ông Nông Quốc Tuấn được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Xuân Hoa VnExpress Thứ tư, 4/8/2010 | 09:10 GMT+7
Xem thêm
Liên kết ngoài
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Nông Đức Mạnh. |
- Lý lịch của Nông Đức Mạnh tại Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
- Lý lịch của Nông Đức Mạnh tại website Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội
- Lý lịch của Nông Đức Mạnh tại website Ủy ban dân tộc Lưu trữ 2012-03-15 tại Wayback Machine
- Lý lịch của Nông Đức Mạnh tại website VTC news Lưu trữ 2009-09-08 tại Wayback Machine
- Lý lịch của Nông Đức Mạnh tại website Đại sứ quán Việt Nam tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ