Nhà thờ Hội An là một nhà thờ Công giáo tọa lạc tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam thuộc Giáo phận Đà Nẵng.[1] Ngôi nhà thờ hiện tại được xây dựng vào năm 1965, nhưng lịch sử của nó còn kéo dài trước đó nữa vì đây là nhà thờ của giáo xứ được coi là lâu đời nhất Việt Nam.[2]

Nhà thờ Hội An
Tôn giáo
Giáo pháiCông giáo Rôma
Nghi thứcLatinh
Giáo hội hoặc trạng thái tổ chứcNhà thờ
Lãnh đạoPhaolô Trần Ngọc Hoàng, Antôn Nguyễn Trường Thăng
Năm thánh hiếnsau 1615
Vị trí
Vị tríViệt Nam Hội An, Quảng Nam
Kiến trúc
Thể loạinhà thờ Kitô giáo
Phong cáchKiến trúc Roman

Lịch sử sửa

Năm 1615, ba tu sĩ Dòng Tên là linh mục Francesco Buzomi (người Ý), linh mục Diego Carvalho (Bồ Đào Nha) và tu huynh Antonio Dias (Bồ Đào Nha),[3][4] cùng hai người Nhật Bản là Jose và Paulo[5] đến Tourain (Đà Nẵng) rồi vào Faifo (Hội An) để truyền giáo cũng như chăm sóc mục vụ cho một cộng đoàn tín hữu Nhật tại đây. Ở Hội An, việc giảng đạo không thuận lợi vì đa phần người Hội An lúc này là người nước ngoài, làm ăn, buôn bán không quan tâm mấy đến việc giảng đạo, vì vậy các nhà truyền giáo đã đến Thanh Chiêm (cách Hội An 10 km) để truyền đạo cho người địa phương. Đến tháng 4 năm 1615 đã có 10 giáo dân ở đây được rửa tội và đến năm sau, con số này đã lên tới hơn 300 người. Khi thấy công việc ở đây trôi chảy, các giáo sĩ truyền giáo đã quyết định ở lại đây để phát triển công việc truyền giáo[5].

Ngày 18 tháng 1 năm 1616 giáo sĩ người Ý Francisco Busomi thành lập giáo xứ Hội An và xây dựng nhà thờ ở Hội An[6].

Năm 1914, một số giáo dân đã sửa và xây dựng lại nhà thờ mới bằng tranh, gỗ. Năm 1935, nhà thờ được thay thế bằng ngôi nhà thờ kiên cố theo kiểu kiến trúc Gothic. Năm 1965, ngôi nhà thờ này bị gỡ bỏ và thay vào đó là ngôi nhà thờ mới với kiểu dáng như hiện nay[7].

Kiến trúc sửa

Nhà thờ tọa lạc tại số 02 đường Nguyễn Trường Tộ (thời Pháp gọi là đường Gouverneur Général Cherles), có khuôn viên rộng, xung quanh có tường rào xây bằng gạch. Nhà thờ có cổng tam quan cách điệu hình mái nhà, đỉnh cổng có đặt hình cây Thánh giá. Sau cổng có sân rộng. Bên trái sân là một hang đá lớn dưới tán cây cổ thụ, bên phải sân đồi cỏ - giả sơn và khu mộ các giáo sĩ Phương Tây.[7]

Nhà thờ được xây dựng theo kiểu kiến trúc Gothic, kết hợp với lối kiến trúc nhà truyền thống của Hội An. Nội thất bên trong nhà thờ được phân thành 3 không gian chính với các chức năng như khu vực dành cho giáo dân ngồi, cung thánh và phòng áo[7].

Khu dành cho giáo dân ngồi có bốn dãy ghế, trên tường khu treo các bức phù điêu mô tả hành trình khổ nạn của Chúa Jesus. Khu Cung thánh thiết kế cao hơn xung quanh, chính giữa là bàn lớn dùng để cử hành Thánh lễ, được đặt trên nền cao với ba bậc cấp[8]. Sát tường phía sau cung thánh là Thánh giá và tượng Chúa Cứu Thế. Phòng áo nằm ở phía sau Cung thánh, là nơi cất giữ y phục hành lễ của linh mục và trang phục của các lễ sinh. Toàn bộ nhà thờ được lắp hệ thống gương màu thể hiện không gian thiêng liêng hơn, thanh thoát hơn.[7]

Khu mộ các giáo sĩ phương Tây sửa

Khu mộ các giáo sĩ phương Tây nằm trong khuôn viên nhà thờ Hội An. Đây là một trong số những di tích hiếm hoi còn lại ở Hội An liên quan đến quá trình truyền bá đạo Công giáo của các giáo sĩ Dòng Tên hoặc Dòng Thừa sai phương Tây tại Việt Nam đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX[6].

Tại khu mộ, ngoài 3 ngôi mộ[9] được chính quyền thị xã Hội An cải táng về năm 1980[2] , còn có 2 ngôi mộ được lập trước đó. Khu mộ phân thành hai dãy: dãy mộ trong cùng gồm 3 ngôi mộ là nơi an nghỉ của các giáo sĩ Gulielmo Mahot[10], Franxico Perez[11] và Valere Rist[12]. Dãy mộ gần cổng gồm có hai ngôi mộ, ngôi mộ nằm phía bên phải là nơi chôn cất của linh mục người Việt Phao Lô Nguyễn Tưởng. Ngôi mộ còn lại là mộ giáo sĩ Pierre Auguste Galloz, người Pháp[6][13].

Di tích lịch sử sửa

Ngày 7 tháng 4 năm 2008, nhà thờ Hội An và khu mộ các giáo sĩ phương Tây, thuộc phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Hải ký quyết định công nhận danh hiệu Di tích Lịch sử và Văn hóa cấp tỉnh-Thành phố[1][7][14]. Nhà thờ Hội An từng là nơi cư trú, truyền giáo cho các giáo sĩ Dòng Tên, Hội Thừa sai ParisĐàng Trong. Đây cũng là nơi học tiếng Việt của các giáo sĩ và phát triển chữ Quốc ngữ và là nơi giao lưu, tiếp xúc văn hoá Đông - Tây tại Hội An[7]. Nhà thờ cũng thường được các giáo sĩ tập trung những lễ vật là sản phẩm của nền khoa học phương Tây để dâng tặng cho các Chúa Nguyễn[15].

Tham khảo sửa

  1. Trần Ánh (2007), "Những Thăng Trầm của Kitô giáo tại thương cảng Hội An thời Trung Đại", tập san Văn hoá Hội An xuân Đinh Hợi, tr48-51.
  2. Đỗ Quang Chính (2007), Lịch sử chữ quốc ngữ năm 1620 – 1659, An Tôn và Đuốc sáng xuất bản.
  3. Đỗ Quang Chính (2007), Tản mạn lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, An Tôn và Đuốc sáng xuất bản.
  4. Đỗ Quang Chính (2007), Dòng Tên trong xã hội Đại Việt năm 1615-1773, An tôn và Đuốc sáng xuất bản
  5. Đỗ Quang Chính (2007), Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, An tôn và Đuốc sáng xuất bản.
  6. Lê Như Hảo (1985), Phải chăng Hội An là cái nôi hình thành chữ quốc ngữ đầu thế kỷ XVII - Kỷ yếu hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An năm 1985, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An xuất bản năm 2008.
  7. Nguyễn Văn Hoàn(1990), "Hội An, một trung tâm giao tiếp văn hoá thế giới của Việt Nam ở thế kỷ XVII", kỷ yếu hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An, Nhà xuất bản KHXH, HN,1991.
  8. Phạm Đình Khiêm (2000), Người chứng thứ Nhất - Thiên anh hùng ca vị tử đạo tiên khởi Việt Nam, tái bản lần 2
  9. Nguyễn Văn Kiệm (2001), Sự du nhập của đạo Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cùng Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam xuất bản.
  10. Nguyễn Chí Trung (2005), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, In tại Công ty in Quảng Nam.
  11. Nguyễn Chí Trung (2007), "Biên niên Cù Lao Chàm", Kỷ yếu Cù Lao Chàm: Vị thế, tiềm năng và triển vọng, Trung tâm QLBT Di tích Hội An xuất bản.
  12. Nguyễn Phước Tương(2001), "Cảng thị Hội An-Cái nôi ra đời của chữ Quốc ngữ", Huế Xưa & Nay, số 46(2001).
  13. Nguyễn Văn Xuân, Niên biểu Hội An từ giữa thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII, Hội thảo quốc gia về Đô thị cổ Hội An năm 1985.
  14. Cổ Học Tùng Thư, Quảng Nam qua các thời đại, quyển thượng.
  15. Charles B.MayBon, Những người châu Âu ở nước An Nam (Nguyễn Thừa Hỷ dịch), Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội, 2006.
  16. Nguyễn Phước Tường, Cảng thị Hội An – cái nôi ra đời của chữ quốc ngữ, (2001), Huế Xưa & Nay, số 46 (2001).
  17. Nguyễn Văn Xuân, Niên biểu Hội An từ giữa thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII, Hội thảo quốc gia về Đô thị cổ Hội An năm 1985.
  18. Trần Ánh, Những thăng trầm của Kitô giáo tại thương cảng Hội An thời trung đại, tập san Văn hóa Hội An – Xuân Đinh Hợi (2007), trang 48-51.
  19. Nguyễn Chí Trung, Biên niên Cù Lao Chàm, Kỷ yếu Cù Lao Chàm: Vị thế, tiềm năng và triển vọng (2007), Trung tâm QLBT Di tích Hội An xuất bản.
  20. Cổ Học Tùng Thư, Quảng nam qua các thời đại, quyển thượng.
  21. Nguyễn Văn Hoàng, Hội An, một trung tâm giao tiếp văn hóa thế giới của Việt Nam ở thế kỷ XVII, Kỷ yếu hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An (1990), Nhà xuất bản KHXH, Hà Nội, 1991.
  22. Phạm Đình Khiêm, Người chứng thứ nhất – Thiên anh hùng ca vị tử đạo tiên khởi Việt Nam, tái bản lần 2 (2000).

Chú thích sửa

  1. ^ a b Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng (ngày 5 tháng 6 năm 2009). “Giáo xứ Hội An, Di tích Lịch sử Cấp Tỉnh, Thành phố”. Tòa Giám mục Đà Nẵng. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2014.
  2. ^ a b B.Thuyên-C.Bính (Chủ Nhật, 23/03/2014). “Thăm nhà thờ công giáo đầu tiên tại Việt Nam (kỳ 2)”. Cơ quan của TW Hội Khuyến học Việt Nam. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  3. ^ Đỗ Quang Chính, SJ. (2007). Lịch sử chữ Quốc Ngữ, 1620-1659. Anton & Duocsang. ISBN 978-1-ngày 93 tháng 4 năm 4484 Kiểm tra giá trị |isbn=: ký tự không hợp lệ (trợ giúp).
  4. ^ Chỉnh Trần, SJ. (11 tháng 1 năm 2014). “Dòng Tên VN kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng trên đất Việt”. VietCatholic. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2014.
  5. ^ a b B.Thuyên-C.Bính (Chủ Nhật,16/03/2014). “Thăm nhà thờ công giáo đầu tiên tại Việt Nam”. Chuyên trang Du lịch - Báo Điện tử Dân trí. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  6. ^ a b c Lê Thị Ngọc Hương (Thứ ba - 23/10/2012). “Một số giáo sĩ phương Tây truyền giáo và qua đời ở Hội An”. TRUNG TÂM QUẢN LÝ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA HỘI AN. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  7. ^ a b c d e f Võ Hồng Việt (Thứ hai - 10/02/2014). “Nhà thờ Thiên Chúa Giáo ở Hội An”. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  8. ^ Tượng trưng cho 3 đức "Tin - Cậy - Mến"
  9. ^ Trước đây, mộ của các giáo sĩ được xây dựng tại khuôn viên nhà thờ cũ thuộc phường Sơn Phong
  10. ^ Giáo sĩ Gulielmo Mahot là người Pháp thuộc dòng thừa sai Paris, nhận chức tại nhà thờ Hội An năm 1682. Ông có công khai mạc Công nghị Công giáo Sinnode lần thứ hai ở Hội An, Ông mất vào ngày 1/6/1684 tại Hội An.
  11. ^ Giáo sĩ Franxico Perez là người Bồ Đào Nha lai Thái Lan cũng thuộc dòng Thừa sai, nhận chức tại nhà giám mục Hội An vào tháng 10/1691. Vào tháng 7/1728 trong một lần đi công vụ, ông phát bệnh và mất tại Kẻ Tha (Mỹ Xuyên - Duy Xuyên) và được đưa về an táng tại Hội An.
  12. ^ Giáo sĩ Jn. Valere là người Đức thuộc Dòng Francisco, nhận chức tại nhà thờ Hội An vào năm 1735, qua đời và an táng tại Hội An năm 1737 và Valere Rist.
  13. ^ Pierre Auguste Galloz (1882 - 1953), người Pháp,, được phong linh mục Hội An vào năm 1907.
  14. ^ Theo Quyết định số 1161/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam.
  15. ^ Lễ vật được các giáo sĩ dâng tặng cho Chúa Hiền - Nguyễn Phúc Tần vào năm 1676 là: 2 cây vải hồng mịn, 1 hộp bạc chạm trổ lớn và 4 hộp nhỏ, 2 gương soi venise bọc da lừa có đính bằng bạc, 1 đồng hồ có chuông điểm giờ, nửa giờ, 15 phút, 1 cây hàng mỹ Hoà Lan, 2 ram giấy mạ vàng, 1 ống viễn kính, 1 kính hiển vi cỡ lớn và 1 cỡ nhỏ, 2 kính cửu cửu biểu viền bạc, 2 kính lấy lửa tạo được sức nóng chảy bạc dưới ánh mặt trời, 1 bật lửa hình khẩu súng nhỏ bằng bạc. Trước đó, A.D. Rhodes đến Hội An đã mang theo một số đồng hồ để dâng tặng cho Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan.

Xem thêm sửa

Liên kết ngoài sửa