Vũ Công Chấn
Vũ Công Chấn (chữ Hán: 武公?; 1618-1699), tự Đôn Cần, thụy Đoan Phác, là một võ quan thời Lê trung hưng. Ông từng làm đến chức Phụ quốc Thượng tướng quân Trung quân Đô đốc, tước Kim tử Vinh lộc Đại phu. Ông cũng chính là Tổng công trình sư đã xây dựng đền Quán Thánh và đúc tượng Trấn Vũ đặt trong đền.
Vũ Công Chấn | |
---|---|
Tên chữ | Đôn Cần |
Thụy hiệu | Đoan Phác |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 1618 |
Nơi sinh | Nam Định |
Mất | |
Thụy hiệu | Đoan Phác |
Ngày mất | 1699 |
Giới tính | nam |
Nghề nghiệp | chỉ huy quân đội |
Quốc tịch | nhà Lê trung hưng |
Hành trạng lịch sử
sửaTheo gia phả Vũ tộc đại tông thôn An Cự, xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Vũ Công Chấn là tổ đời thứ tư của dòng họ, hậu duệ của Tiến sĩ Vũ Vĩnh Trinh (武永貞) và Hoàng giáp Vũ Duy Thiện (武維善).
Ông còn có tên là Vũ Công Trình, sinh ngày 4 tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1618), người thôn An Cự, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Năm 14 tuổi, ông theo cậu là Vũ Nhân Trí vào kinh đô Thăng Long tòng quân.
Bài viết hoặc đoạn này cần được wiki hóa để đáp ứng tiêu chuẩn quy cách định dạng và văn phong của Wikipedia. |
Năm 20 tuổi, giữ ấn tín và của quý ở kho. Năm 25 tuổi làm quản đội binh hữu gồm 73 người. Cụ từng theo xa giá nhà vua về châu Thuận Quảng và giữ gìn của cải ở Thanh Hoa khi 38 tuổi. Cụ được giao xây dựng nhiều công trình như: đốc công áp 2 huyện Nông Cống và Ngọc Sơn làm cầu Luân Giang; cai quản các bến sông huyện Bạch Hạc; đốc công làm nhà tử (gác tía) và cửa tả phủ chúa; đốc công làm điện Nam Giao (đàn tế trời đất) ở kinh đô; làm cầu An Quyết (Cầu Giấy, Hà Nội).
Năm 51 tuổi, Vũ Công Chấn đi Cao Bằng dẹp yên dư đảng nhà Mạc, cùng vua khải hoàn về kinh; năm 52 tuổi, cùng Hoằng tổ Dương Vương đưa linh cữu bà Thái Phi vua Văn tổ về qui lăng ở xứ Thanh Hoa; năm 53 tuổi, làm quan giám trưởng trông coi, giám sát công việc nội phủ nhà vua và được phong tước Luân Quận Công.
Năm sau, Cụ đốc công làm cầu Thiên Phúc, huyện Gia Viễn, vâng mệnh đi trang Gia Miêu, huyện Tống Sơn lấy của cải nhà vua chôn ở đó về kinh.
Năm 55 tuổi, theo xa giá phía Nam đi đánh Châu Thuận, Quảng.
Vào tuổi 60, Cụ đốc công xây dựng quán Trấn Võ (nay là đền Quán Thánh, Hà Nội), đúc tượng thánh Huyền Thiên Trấn Vũ được Hoằng tổ Dương Vương (Chúa Trịnh Tạc) tới xem và khen thưởng cho dựng tượng đá và ban hiệu là: “Linh quang cảm ứng Đại vương thần tượng” ngồi bên trái trong đền, khắc vào nơi thờ là đốc công Luân Quận Công Vũ tướng công chỉ chuẩn tòng tự.
Năm 70 tuổi, Cụ đi tuần ở khóa thi hương Nghệ An, và năm 74 tuổi, đi xứ Nghệ An tuyển duyệt lính lưu trữ.
Năm 78 tuổi, nhà vua thăng chức Đô Đốc Kiểm Sự. Do tuổi cao, có nhiều công lao phụng sự nhiều triều sau 60 năm, nhà vua xét và ban cho ân lộc, khi nghỉ vẫn được cho dùng áo triều.
Ông qua đời ngày 19 tháng Chạp năm Mậu Dần, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 19 (1699), hưởng thọ 81 tuổi. Triều đình truy phong chức Hữu đô đốc, ban cho tiền cổ 200 quan, giao cho 2 quan tri huyện Nguyễn Trung Bật và Phạm Quang Trân lo việc tế lễ và an táng.
Lăng mộ Quận công Vũ Công Chấn
sửaLăng mộ Quận công Vũ Công Chấn được dựng tại quê nhà ngay sau khi ông mất. Ban đầu, phần mộ được xây đơn giản bằng hợp chất vôi trộn cát. Đến năm 1985, mộ được xây dựng lại bằng gạch vữa theo hình tròn. Năm 2005, Vũ tộc đại tông khởi công xây dựng lăng mộ bằng đá xanh, chạm khắc và các công trình trong lăng như nhà bia, nhang án, trấn môn, cổng lăng, hồ nước, sân và tường rào, đến năm 2011 khánh thành quần thể lăng với tổng diện tích 422m2, đầy đủ các hạng mục kiên cố như: nhà bia, nhang án, trấn môn, cổng, sân, tường rào.
Trong quần thể kiến trúc, phần mộ Quận công Vũ Công Chấn được xây trong hệ thống tường bao bằng đá, phía trước tạo lối lên xuống được xây giật cấp 9 bậc; hai bên thành đắp nổi họa tiết hình rồng. Ngôi mộ chia thành 3 phần: Phần đế xây theo kiểu tam cấp thu nhỏ dần về phía trên, diềm của các bậc tam cấp chạm họa tiết hình lá đề. Phần thân mộ được xây theo kiểu hình hộp chữ nhật chạm khắc họa tiết tứ linh, tứ quý. Phần đỉnh mộ tạo ngai thờ, hai tay ngai đắp họa tiết hình rồng, hậu ngai chạm họa tiết lưỡng long chầu nguyệt…
Năm 2014, Từ đường Vũ tộc đại tông và lăng mộ Quận công Vũ Công Chấn được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố.
Chú thích
sửaTham khảo
sửa- Quận công Vũ Công Chấn và kiệt tác hội họa thế kỷ XVII
- Tưởng niệm 400 năm ngày sinh Hữu đô đốc - Luận quận công Vũ Công Chấn Lưu trữ 2020-07-02 tại Wayback Machine
- Tranh cãi về 'tượng Đức Ông' ở đền Quán Thánh
- Về pho tượng đá bên tả nội điện tại Đền Quán Thánh: Lời chú thích thật sự?
- Những di tích thờ các vị Quận công Lưu trữ 2020-06-29 tại Wayback Machine