Sơn Nam (trấn)

(Đổi hướng từ Trấn Sơn Nam)

Sơn Nam là một địa danh cũ chỉ vùng đất phía nam Thăng Long từ thời nhà Lê sơ đến nhà Nguyễn. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, bản đồ Việt Nam có 13 xứ (sau từ triều Tây Sơn đổi sang gọi là trấn). Đến đây, các vùng đất quanh Hà Nội trở thành tứ trấn gồm: vùng núi phía tây được gọi là trấn Sơn Tây (hay xứ Đoài), vùng núi phía nam Hà Nội được gọi là trấn Sơn Nam, vùng ven biển phía đông được gọi là trấn Hải Đông (hay xứ Đông), vùng phía bắc Hà Nội được gọi là trấn Kinh Bắc.

Vị trí xứ Sơn Nam (màu xanh đậm) trong tứ trấn Thăng Long

Lịch sử thay đổi địa giới và tên gọiSửa đổi

Thủ phủSửa đổi

Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), thời vua Lê Thánh Tông, lần đầu tiên có bản đồ Đại Việt, thừa tuyên Thiên Trường được đổi tên là thừa tuyên Sơn Nam rồi thành trấn Sơn Nam[1]. Thủ phủ đầu tiên của trấn Sơn Nam được đóng tại Vân Sàng (Ninh Bình) lúc đó làm phên dậu che chắn cho quê hương Lam Sơn nhà Lê. Khoảng thế kỷ XVII thì thủ phủ Sơn Nam chuyển đến Phố Hiến (Hưng Yên) và đến thời Tây Sơn thì thủ phủ Sơn Nam được chuyển về Vị Hoàng (Nam Định).

Đến thời Minh Mạng, với việc thành lập các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình trên phần đất của trấn Sơn Nam thượng và trấn Nam Định (trước đó là trấn Sơn Nam hạ) thì tên gọi địa danh Sơn Nam hoàn toàn biến mất.

Ranh giớiSửa đổi

Trấn Sơn Nam bao gồm 11 phủ, trong đó tất cả có 42 huyện:

Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741), nhà Hậu Lê chia trấn Sơn Nam làm ba lộ: Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ và Thanh Hoa ngoại (gồm hai phủ là: Thiên Quan, Trường Yên, thuộc trấn Sơn Nam cũ, sau này là phần đất thuộc tỉnh Ninh Bình).

Thời Tây Sơn, đổi lộ thành trấn, xứ Sơn Nam được chia ra Sơn Nam hạ, Sơn Nam thượng.

Đến đầu triều nhà Nguyễn cơ bản đất Sơn Nam cũ gồm:

  • Địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam (phủ Lý Nhân thời xưa) và phần lớn các huyện phía nam Hà Nội(các phủ Thường Tín, phủ Ứng Thiên thời xưa) ngày nay thuộc Sơn Nam thượng.
  • Địa bàn các tỉnh Nam Định, Thái Bình, và một phần tỉnh Ninh Bình ngày nay (các huyện mới khai khẩn ven biển như: Kim Sơn,...) thuộc Sơn Nam hạ.

Ranh giới giữa Sơn Nam hạ và Sơn Nam thượng là con sông Luộc (bên tả ngạn sông Hồng), và có lẽ là sông Lý Nhân (bên hữu ngạn sông Hồng).

Đến thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn (1822), trấn Sơn Nam hạ đổi tên thành trấn Nam Định, còn trấn Sơn Nam thượng được gọi là Sơn Nam (như vậy cái tên gọi trấn Sơn Nam được dùng hai lần: trấn Sơn Nam ở triều Hậu Lê khác với trấn Sơn Nam đầu triều Nguyễn, thời sau nhỏ bé hơn nhiều thời trước). Năm 1831 ÷ 1832, thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, thành lập các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình trên cơ sở các trấn Nam Định, Sơn Nam thượng cũ và thành Thăng Long cũ. Lúc này trấn Nam Định được đổi thành ra tỉnh Nam Định (bao gồm cả hai tỉnh Nam Định và Thái Bình, trừ huyện Hưng Hà Thái Bình và phần phía Tây huyện Đông Hưng Thái Bình ngày nay thuộc tỉnh Hưng Yên lúc đó). Đến năm 1890, thời vua Thành Thái, trên đất Sơn Nam xưa và Thăng Long cũ, thành lập thêm các tỉnh: Hà Nam (phủ Lý Nhân), Thái Bình (tách từ Nam Định và có nhập thêm một phần, ở phía Nam sông Luộc, của tỉnh Hưng Yên), Cầu Đơ (sau đổi là Hà Đông bao gồm cả: Thường Tín và Ứng Hòa của trấn Sơn Nam xưa).

Năm 1965, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định nhập hai tỉnh Nam Định và Hà Nam thành tỉnh Nam Hà. Đến năm 1975, tỉnh Nam Hà lại nhập với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh, tỉnh này tồn tại tới năm năm 1991 thì lại được tách thành: Nam Hà và Ninh Bình, năm 1996 chia tỉnh Nam Hà thành hai và từ đây có đủ 3 tỉnh riêng rẽ: Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình như hiện nay.

Sơn Nam ngày naySửa đổi

Ngày nay xứ Sơn Nam là các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và một phần các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội (5 huyện phía nam).

Địa hình Sơn Nam gồm 2 phần: rừng núi đá vôi thấp chủ yếu ở rìa phía Tây, thuộc các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Kim Bảng, Thanh Liêm, Gia Viễn, Nho Quan, Hoa Lư, Tam Điệp, Yên Mô. Phần còn lại của các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định là thuần khiết đồng bằng.

Vùng này hiện nay có kết cấu hạ tầng phát triển:

Văn hóa Sơn NamSửa đổi

Danh nhânSửa đổi

Văn họcSửa đổi

Ca ngợi vùng đất Gia Viễn (Ninh Bình) nơi sinh ra Vua Đinh Tiên Hoàng và thánh Nguyễn Minh Không:

Đại Hữu sinh Vương - Điềm Dương sinh Thánh

Ca ngợi tín ngưỡng thờ Trần Hưng Đạo và thánh Liễu Hạnh ở Nam Định:

Tháng tám giỗ cha - tháng ba giỗ mẹ

Thành ngữ dân gian nói về sự vắng vẻ thường ví với chùa Bà Đanh ở Hà Nam:

Vắng như chùa Bà Đanh

Xứ Sơn Nam là cái nôi hát Chèo ở Việt Nam với kinh đô Hoa Lư là đất tổ và người khai sáng là bà Phạm Thị Trân người Hồng Châu (Hưng Yên ngày nay). Nhắc đến chèo Thái Bình, phải kể tới chèo làng Khuốc.[2] Đây là dòng chèo đặc trưng của địa phương đã đi vào thơ ca:

Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có xem chèo Khuốc với anh thì về

Vùng quê Nam Định có nhiều làng chèo nổi tiếng như làng Đặng Xá đã được ca ngợi trong thơ ca Nguyễn Bính:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: "Thôn Đoài hát tối nay

Kiến trúc cầu xứ NamSửa đổi

Khi nhắc đến đặc trưng kiến trúc của từng vùng, dân gian Việt Nam có câu: "Cầu Nam - Chùa Bắc - Đình Đoài" . Câu tục ngữ nói trên được hình thành từ quan niệm về các tiểu vùng văn hóa khu vực châu thổ sông Hồng mà theo cách gọi nôm na của người Việt xưa là "xứ". Lấy Thăng Long là trung tâm văn hóa, khu vực đồng bằng miền Bắc Việt Nam lần lượt chia ra các xứ Nam, Bắc, Đông và Đoài. Cầu Nam vốn nói về kiến trúc cầu đá xứ Sơn Nam xưa (chủ yếu là vùng Hà Nam Ninh) vốn là vùng chiêm trũng, nhiều sông ngòi và hay lụt lội. Ứng phó với thiên nhiên khí hậu vùng này thì người dân bản địa cũng đã sớm hoàn thiện kĩ thuật xây cầu của mình. Cầu Nam rất tiêu biểu và đa dạng ở tất cả các loại: cầu đá, cầu ngói, cầu lim, cầu tre, cầu tõm, cầu phao...

Hiện nay, nhiều cây cầu cổ của xứ Nam được xếp hạng di tích như: Cầu ngói Phát Diệm, cầu Đông Hoa Lư (Ninh Bình); Cầu ngói chợ Thượng, Cầu ngói chợ Lương (Nam Định)

Nghệ thuậtSửa đổi

Các loại hình dân ca chínhSửa đổi

Xứ Sơn Nam là cái nôi của nhiều làn điệu dân ca, dân vũ Bắc Bộ, tiêu biểu như:

Nghệ thuật chèo xứ NamSửa đổi

Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam. Chèo phát triển mạnh ở phía bắc Việt Nam với trọng tâm là vùng đồng bằng sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc. Chèo được hình thành từ thế kỷ 10, tại Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình), tồn tại trong cung đình đến thế kỷ 15 thì được trả hoàn toàn về với người dân.

Không gian nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng chia ra làm 4 chiếng chèo Đông - Đoài - Nam - Bắc. Chiếng Chèo là những phường Chèo hoạt động trong một vùng văn hóa, địa lý nhất định. Mỗi chiếng có những "ngón nghề" riêng, kỹ thuật riêng, khó lưu truyền và phát triển ra đến bên ngoài do sự khác nhau trong phong cách nghệ thuật dựa trên cơ sở dân ca, dân vũ và văn hóa địa phương, chỉ người trong chiếng mới diễn được với nhau.

Chiếng chèo Nam gồm các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, khu vực nam Hà Nội, phía nam Hưng Yên. Chèo xứ Nam có những làn điệu đặc trưng như: Chèo quế hay điệu hạ vị tả cảnh du thuyền thăm các thắng cảnh ở Ninh Bình, Bà chúa con cua gắn với tín ngưỡng chầu văn Nam Định, Nhịp đuổi gắn với tích trấn thủ Lưu Đồn ở Thái Bình hay các làn điệu độc đáo xứ Nam như Đò đưa, Đường trường thu không, Đường trường tải lương, Tình thư hạ vị,.... Ngày nay chiếng chèo Nam có các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp như: Đoàn Chèo Hà Nam, nhà hát Chèo Hưng Yên, nhà hát Chèo Thái Bình, nhà hát Chèo Nam Định, nhà hát Chèo Ninh BìnhĐoàn Chèo Thanh Hóa.

Các di tích và danh thắngSửa đổi

Vùng văn hóa Sơn Nam cùng với xứ Đông là hai vùng giáp biển, do đó có nét văn hóa tương đồng và phân biệt với hai vùng văn hóa Kinh Bắc và xứ Đoài. Ngày nay, trong vùng có quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản thế giới và khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Trong vùng có 11 di tích quốc gia đặc biệt sau: Chùa Keo, Đền Trần-Chùa Phổ Minh, Cố đô Hoa Lư, Thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, Núi Non Nước, Chùa Thái Lạc, KDT Phố Hiến, chùa Long Đọi Sơn, KDT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đền Trần TB, Đền Trần Thương

Các lễ hội nổi tiếng như lễ hội chùa Keo, lễ hội Phủ Dày, lễ hội đền Tiên La, lễ hội đền Đồng Bằng, lễ hội chùa Bái Đính, các lễ hội khai ấn đền Trần ở Thái Bình và Nam Định, lễ hội cố đô Hoa Lư, lê hội đền Đồng Xâm, lễ hội đền Côn Giang...

Vùng văn hóa Sơn Nam có nhiều di tích và danh thắng nổi tiếng, phân bố đều ở các tỉnh:

Xem thêmSửa đổi

Chú thíchSửa đổi

  1. ^ Việt sử thông giám cương mục tập 11 trang 47
  2. ^ “Chiếng chèo làng Khuốc”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2015.

Tham khảoSửa đổi

  • Tài liệu Địa chí Thái Bình, Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình, do Nguyễn Quang Ân và Nguyễn Thanh chủ biên, 2007.

Liên kết ngoàiSửa đổi