2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 8 năm 2019
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Phố cổ Hội An

Chùa Cầu ở phố cổ Hội An.

Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ XVII và XVIII. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển. Thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng. Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20. Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.

Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, phần bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị. Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp. Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. [ Đọc tiếp ]

Philípphê Nguyễn Kim Điền

Philípphê Nguyễn Kim Điền (1921 - 1988) là một Giám mục của Giáo hội Công giáo Rôma tại Việt Nam. Ông nguyên là Giám mục chính tòa Tiên khởi Giáo phận Cần Thơ và nguyên Tổng giám mục đô thành Tổng Giáo phận Huế. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Nên mọi sự cho mọi người".

Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền sinh tại Trà Vinh và lớn lên tại Sài Gòn. Sau khi trở thành linh mục một khoảng thời gian ngắn, ông trở thành giám đốc chủng viện tại Sài Gòn nhưng quyết định từ bỏ để gia nhập dòng Tiểu Đệ, lấy đời sống khó nghèo làm mục tiêu. Trong thời gian là linh mục dòng Tiểu Đệ, ông lao động, mưu sinh bằng các công việc như khuân vác, đạp xích lô đồng thời thực hiện công việc truyền giáo. Năm 1960, linh mục Điền được chọn làm Giám mục Cần Thơ rồi thăng Tổng giám mục, Giám quản Tông Tòa Tổng giáo phận Huế vào năm 1964 trước khi chính thức trở thành Tổng giám mục đô thành Huế bốn năm sau đó. [ Đọc tiếp ]

Tiếng Nhật

"Nihongo" ("tiếng Nhật") viết kiểu thư pháp tiếng Nhật.

Tiếng Nhật là một ngôn ngữ Đông Á được hơn 130 triệu người sử dụng ở Nhật Bản và những cộng đồng dân di cư Nhật Bản khắp thế giới. Nó là một ngôn ngữ chắp dính (khác biệt với tiếng Việt vốn thuộc vào loại ngôn ngữ đơn lập phân tích cao) và nổi bật với một hệ thống các nghi thức nghiêm ngặt và rành mạch, đặc biệt là hệ thống kính ngữ phức tạp thể hiện bản chất thứ bậc của xã hội Nhật Bản, với những dạng biến đổi động từ và sự kết hợp một số từ vựng để chỉ mối quan hệ giữa người nói, người nghe và người được nói đến trong cuộc hội thoại. Kho ngữ âm của tiếng Nhật khá nhỏ, với một hệ thống ngữ điệu rõ rệt theo từ. Tiếng Nhật cổ nhất được biết đến chủ yếu dựa vào trạng thái của nó vào thế kỷ thứ VIII, khi ba tác phẩm chủ yếu của tiếng Nhật cổ được dịch (hai bộ sử Kojiki, Nihon Shoki và thi tập Man'yoshu); nhưng một số lượng tài liệu ít hơn, chủ yếu là chữ khắc, còn cổ hơn. Những chứng thực về tiếng Nhật cổ nhất có thể tìm thấy trong một số tư liệu thành văn của Trung Quốc từ năm 252.

Tiếng Nhật được viết trong sự phối hợp ba kiểu chữ: kanji và hai kiểu chữ tượng thanh (ghi âm tiết) - kana gồm kiểu chữ nét mềm hiragana và kiểu chữ nét cứng katakana. Kanji dùng để viết các từ Hán (mượn của Trung Quốc) hoặc các từ người Nhật dùng chữ Hán để thể hiện rõ nghĩa. Hiragana dùng để ghi các từ gốc Nhật và các thành tố ngữ pháp như trợ từ, trợ động từ, đuôi động từ, tính từ... [ Đọc tiếp ]

Chiến dịch Mãn Châu (1945)

Nghĩa trang Liệt sĩ Hồng quân Liên Xô được xây dựng tại Manzhouli sau chiến tranh

Chiến dịch Mãn Châu (1945) hay Chiến dịch tấn công chiến lược Mãn Châu là một chiến dịch quân sự của Quân đội Liên Xô nhằm vào Đạo quân Quan Đông của Đế quốc Nhật Bản tại Mãn Châu, được thực hiện theo thoả thuận của Liên Xô với các nước Đồng Minh tại Hội nghị Yalta tháng 2 năm 1945. Đây cũng là chiến dịch quân sự trên bộ lớn nhất trong Chiến tranh Thái Bình Dương, được bắt đầu vào ngày 9 tháng 8 và kết thúc ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Được chỉ huy bởi một thế hệ tướng lĩnh trưởng thành trong nghệ thuật quân sự Xô Viết, Quân đội Liên Xô đã thực hành vận động chiến một cách linh hoạt ở mọi cấp độ, nhanh chóng xuyên thủng các khu vực phòng thủ ngoại vi, thọc sâu vào trung tâm, chia cắt, làm tê liệt và bức hàng đạo quân Quan Đông, kiểm soát Mãn Châu, Bắc Triều Tiên và miền Nam Sakhalin chỉ trong vòng 2 tuần, tạo tiền đề cho việc đổ bộ chiếm đóng thành công quần đảo Kuril trong thời gian ngắn sau đó.

Cùng với hai quả bom nguyên tử được ném xuống Nhật Bản ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945, thành công của chiến dịch Mãn Châu đã góp phần thúc đẩy Đế quốc Nhật Bản nhanh chóng chấp nhận đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến tranh và tạo thời cơ cho một loạt quốc gia châu Á giành quyền độc lập tự chủ. [ Đọc tiếp ]