Đường Lâm

xã thuộc thị xã Sơn Tây

Đường Lâm là một thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Đường Lâm
Xã Đường Lâm
Cổng vào làng cổ Đường Lâm
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Hồng
Thành phốHà Nội
Thị xãSơn Tây
Địa lý
Diện tích7,87 km² [1]
Dân số (1999)
Tổng cộng8.329 người [2]
Mật độ1.058 người/km²
Khác
Mã hành chính09592[3]

Địa lý

sửa

Đường Lâm nằm bên hữu ngạn sông Hồng (bờ phía Nam), cạnh đường Quốc lộ 32, tại ngã ba giao cắt với Quốc lộ 21A. Xã cách Hà Nội 50 km về phía Tây. Sông Tích Giang chảy từ hướng hồ Suối Hai qua Đường Lâm để vào thị xã Sơn Tây.

Phía Tây và Tây Bắc giáp xã Cam Thượng, huyện Ba Vì.

Phía Tây Nam giáp xã Xuân Sơn.

Phía Nam giáp xã Thanh Mỹ.

Phía Đông Nam giáp phường Trung Hưng.

Phía Đông giáp phường Phú Thịnh.

Phía Bắc giáp huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tên gọi

sửa

Tên gọi Đường Lâm (唐 林) được nhắc tới trong Đại Việt sử ký toàn thư,[4] trong các sự kiện năm 791 (Phùng Hưng), năm 938 (Ngô Quyền), năm 966 (Ngô Nhật Khánh) - trong đó sự kiện năm 791 ghi là Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc. Còn trong quyển 1 (quận ấp) và quyển 11 An Nam chí lược của Lê Tắc lại ghi Ngô Quyền là người Châu Ái. Điều này dẫn tới một số tranh luận gần đây về 3 địa điểm được cho là Đường Lâm thật gồm: Sơn Tây, Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Chi tiết xem mục tồn nghi bên dưới.

Nơi này cũng xuất hiện với tên gọi Thôn Đường trong sự kiện Loạn hai thôn Đường Nguyễn xảy ra ở đất Thái Bình (tỉnh Sơn Tây) khi vua Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha cướp ngôi và cháu của Ngô Quyền là Ngô Nhật Khánh đã nổi lên chống họ Dương, trở thành một trong 12 sứ quân đóng tại đây.

Trải qua nhiều thời kỳ, tới sau tháng 8/1945 xã Đường Lâm được tái lập từ các làng cũ của tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Lộc, vốn là nơi đặt lỵ sở của trấn Sơn Tây.

Hành chính

sửa

Trong số 9 thôn thuộc xã Đường Lâm hiện nay có 5 thôn thực sự là những làng cổ: Cam Thịnh (gọi tắt từ Cam Giá Thịnh), Cam Lâm (trước gọi là Cam Tuyền), Đoài Giáp, Đông Sàng và Mông Phụ. 4 thôn kia thì tương đối mới: vào nửa đầu thế kỷ 19, Phụ Khang là một xóm biệt lập của Mông Phụ; vốn là xóm cũ của Đông Sàng và Cam Thịnh, 2 làng Hà Tân và Hưng Thịnh được biến thành thôn cách đây khoảng 30 - 40 mươi năm; còn Văn Miếu thì mới tách ra từ Mông Phụ.

Lịch sử

sửa

Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19 tháng 5 năm 2006.

Đây là quê hương nhiều danh nhân như bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh, bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An,... Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Phùng HưngNgô Quyền.

Tuy thường được gọi là làng cổ nhưng thực ra Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây,[5] trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi. Đầu thế kỷ 19, Đường Lâm là nơi đặt lỵ sở của trấn Sơn Tây.

Sách Đại Việt địa dư toàn biên, Nguyễn Văn Siêu viết: "... Bố Cái Đại Vương là Phùng Hưng. Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm. Nay xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ (xã Cam Lâm trước là xã Cam Tuyền) có 2 đền thờ Bố Cái Đại Vương và Tiền Ngô Vương. Còn có một bia khắc rằng: Bản xã đất ở rừng rậm, đời xưa gọi là Đường Lâm, đời đời có anh hào. Đời nhà Đường có Phùng Vương tên húy Hưng, đời Ngũ Đại có Ngô Vương tên húy Quyền. Hai vương cùng một làng, từ xưa không có. Uy đức còn mãi, miếu mạo như cũ. Niên hiệu đề là Quang Thái năm thứ 3 (Trần Thuận Tông-1390) mùa xuân tháng 2, ngày 18 làm bia này..."[6]

Di sản kiến trúc

sửa
Lăng vua Ngô Quyền tại thôn Cam Lâm xã Đường Lâm
Hậu cung thờ Phùng Hưng (nơi đặt tượng của ông) tại đền thờ ở thôn Cam Lâm xã Đường Lâm
Cổng làng Mông Phụ xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội

Ngày nay, làng Đường Lâm vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước, đồi. Hệ thống đường sá của Đường Lâm rất đặc biệt vì chúng có hình xương . Với cấu trúc này, nếu đi từ đình sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh.

Một điểm đặc biệt là Đường Lâm còn giữ được một cổng làng cổ ở làng Mông Phụ. Đây không phải là một cổng làng như các cổng làng khác ở vùng Bắc Bộ có gác ở trên mái với những mái vòm cuốn tò vò mà chỉ là một ngôi nhà hai mái đốc nằm ngay trên đường vào làng. Cũng ở làng Mông Phụ có đình Mông Phụ - được xây dựng năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông) - là ngôi đình đặc trưng cho đình Việt truyền thống. Sân đình thấp hơn mặt bằng xung quanh nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra theo hai cống ở bên tạo thành hình tượng hai râu rồng. Hàng năm, đình tổ chức lễ hội từ mùng Một đến mùng Mười tháng Giêng âm lịch với các trò chơi như thu lợn thờ, thi thờ,...

Về nhà cổ, ở Đường Lâm có 956 ngôi nhà truyền thống trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh lần lượt có 441, 350 và 165 nhà. Cò nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu (năm 1649, 1703, 1850,...). Đặc trưng của nhà cổ truyền thống ở đây là tất cả đều được xây từ những khối xây bằng đá ong.

Trong số 8 di tích lịch sử - văn hóa ở Đường Lâm (có đình Mông Phụ), chùa Mía (tức Sùng Nghiêm tự) được Bộ Văn hóa Thông tin xếp vào loại đặc biệt. Chùa có 287 pho tượng gồm 6 tượng đồng, 107 tượng gỗ và 174 tượng đất (làm từ đất sét, thân và rễ cây si).

Văn miếu Sơn Tây

sửa
Văn miếu Sơn Tây hướng ra sông Tích Giang do Charles Edouard Hocquard chụp năm 1884
Cổng tam quan Văn miếu môn của Văn miếu Sơn Tây khoảng đầu thế kỷ 20

Văn miếu Sơn Tây là văn miếu cấp vùng của cả vùng xứ Đoài, trước thời nhà Nguyễn cho tới năm 1831, là một trong 4 văn miếu của tứ trấn Thăng Long. Năm 1831 tỉnh Sơn Tây nhà Nguyễn được thành lập, nó trở thành Văn miếu của tỉnh Sơn Tây nhà Nguyễn, thời này nó được đặt ở làng Cam Giá Thịnh (tức thôn Cam Thịnh Đường Lâm ngày nay). Đến tháng 7 âm lịch năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 (1847), Văn miếu tỉnh Sơn Tây được dời từ Cam Thịnh đến làng (tức xã thời Nguyễn) Mông Phụ thuộc tổng Cam Giá Thịnh[7], vị trí này nay trùng với vị trí Văn miếu phục dựng năm 2012 thôn Văn miếu xã Đường Lâm. Thời gian này Nguyễn Đăng Giai làm tổng đốc Sơn Hưng Tuyên cho di dời. Năm Thành Thái thứ 3 (1891), tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Cao Xuân Dục cho trùng tu lại tại vị trí năm 1847. Tới thời năm 1947, do chủ trương tiêu thổ kháng chiến chống Pháp của Việt Minh và do chiến tranh tàn phá những năm 1947-1954 di tích này không còn tồn tại. Thời Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước năm 2012, trên nền di tích chính quyền cho xây dựng một cơ sở cao 7 tầng để chế biến thức ăn và chăn nuôi gia xúc gia cầm (bảo tồn giống gà Mía đặc sản địa phương). Năm 2012, chính quyền thành phố Hà Nội cho di dời cơ sở chăn nuôi này đi chỗ khác để phục dựng lại Văn miếu Sơn Tây.

Nghề truyền thống

sửa

Nghề làm tương ở đây cũng rất nổi tiếng và chất lượng tương của làng không hề thua kém các làng làm tương khác như làng Bần Yên Nhân (Hưng Yên), Cự Đà (Thanh Oai, Hà Tây...).Ngoài ra còn nổi tiếng vời loại kẹo dồi, kẹo lạc, chè lam thơm ngon, đặc sản. Đường lâm cũng nổi tiếng với món thịt quay đòn, hương vị đặc biệt mà chỉ nơi đây mới có.

Tồn nghi

sửa

Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi quê Ngô Quyền và Phùng Hưng là Đường Lâm, không chú thích cụ thể. Trong khi Việt điện u linhLĩnh nam chích quái viết thời Trần cho thấy nhiều mối liên hệ về Đường Lâm như: sông Phúc Lộc[8] (tức Phúc Thọ), gần Đỗ Động[9] (tức Quốc Oai, Thanh Oai) và gần Phong châu[10] (tức Vĩnh Tường, Việt Trì). Còn sử liệu Trung Quốc cho biết Đường Lâm được lập dưới thời Đường với những điểm chính:[11][12][13][14][15][16]

  1. Do Thứ sử Trí châu thu phục thêm dân gần Côn Minh, Bắc Lâu (tức tây bắc Việt Nam và Vân Nam, Trung Quốc) lập nên.
  2. Ở gần Trường châu (tức Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa) và dân ta nổi dậy chiếm lấy, nên hai châu cùng bị bỏ.
  3. Phong tục giống Ái châu (tức Thanh Hóa) và đi mất hai ngày tới Hoan châu (tức Nghệ An).

Hiện có bốn luồng ý kiến tranh luận về Đường Lâm là:

  1. Châu Ái (tức Thanh Hóa) do Lê Tắc viết ở thế kỷ 14.[17] Hiện không có bất kỳ di tích hay chuyện kể nào liên quan tới Ngô Quyền dù ông là con rể vùng này.
  2. Mỹ Lương và Hoài An (tức vùng núi Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Lương Sơn, Kim Bôi; nằm giữa Hà NộiHòa Bình) thời Trần là huyện Đại Đường;[18] do Ngô Thì SĩPhan Huy Chú xác định vào thế kỷ 18. Hiện có nhiều đền thờ Ngô Quyền, Phùng Hưng và đặc biệt có hai làng hiếm hoi còn thờ Ngô Xương Xí và nhận nơi đây cũng là Bình Kiều.[a]
  3. Phúc Thọ (tức Sơn Tây, Hà Nội) do Nguyễn Văn Siêu[19]Quốc sử quán triều Nguyễn soạn vào thế kỷ 19. Hiện nơi này được công nhận rộng rãi, có đền Phùng Hưng và lăng mộ Ngô Quyền.
  4. Phía tây nam Hà Tĩnh, do Đào Duy Anh[20] viết vào thế kỷ 20. Hiện cũng không có dấu vết gì liên quan tới Phùng Hưng và Ngô Quyền, dù nơi đây vẫn có những câu chuyện lưu truyền về thân thế Mai Hắc Đế hay tuổi thơ Đinh Bộ Lĩnh.

Chú thích

sửa
  1. ^ Quyết định số 19/2006/QĐ-BTNMT ngày 01/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Danh mục địa danh các đơn vị hành chính Việt Nam thể hiện trên bản đồ.
  2. ^ Tổng điều tra dân số năm 1999, dẫn theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTNMT ngày 01/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Danh mục địa danh các đơn vị hành chính Việt Nam thể hiện trên bản đồ.
  3. ^ Tổng cục Thống kê
  4. ^ ^ a b c d Đại Việt Sử ký Toàn thư, Soạn giả: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên...; Dịch giả: Viện Sử học Việt Nam; Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội, 1993; bản điện tử, trang 53.
  5. ^ cuốn Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19, trang 42.
  6. ^ Đại Việt địa dư toàn biên, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, tỉnh Sơn Tây, phủ Quảng Oai, trang 402-403.
  7. ^ Đại Nam thực lục chính biên, đệ tam kỷ, quyển LXX, Thực lục về Hiến tổ Chương hoàng đế, tập 6, trang 1048.
  8. ^ Lê Hữu Mục (dịch) (1961). Lĩnh Nam chích quái. Sài Gòn: Nhà xuất bản Khai Trí. tr. 77.
  9. ^ Lê Hữu Mục (dịch) (1959). Việt điện u linh tập. Sài Gòn: Nhà xuất bản Khai Trí. tr. 62.
  10. ^ Lê Hữu Mục (dịch) (1961). Lĩnh Nam chích quái. Sài Gòn: Nhà xuất bản Khai Trí. tr. 113.
  11. ^ Đỗ Hữu (杜佑) (801). Thông điển (通典) quyển 184.
  12. ^ Lưu Hú (劉 昫) (945). Cựu Đường thư (舊唐書) quyển 41.
  13. ^ Nhạc Sử (樂史) (983). Thái Bình hoàn vũ kí (太平寰宇記) quyển 171.
  14. ^ Âu Dương Tu (歐陽修) và Tống Kì (宋祁) (1060). Tân Đường thư (新唐書), quyển 43 thượng.
  15. ^ Âu Dương Văn (歐陽忞) (1117). Dư địa quảng kí (輿地廣記), quyển 38.
  16. ^ Cố Tổ Vũ (顧祖禹) (1692). Độc sử phương dư kỉ yếu (讀史方輿紀要) quyển 112.
  17. ^ Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam (1961). An Nam chí lược. Viện Đại học Huế. tr. 97.
  18. ^ Đào Duy Anh (1964). Đất nước Việt Nam qua các đời. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học. tr. 99.
  19. ^ Ngô Mạnh Nghinh (dịch) (1959). Phương đình dư địa chí. Sài Gòn: Nhà xuất bản Tự Do. tr. 242.
  20. ^ Đào Duy Anh (1964). Đất nước Việt Nam qua các đời. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học. tr. 79.

Liên kết ngoài

sửa


Lỗi chú thích: Đã tìm thấy thẻ <ref> với tên nhóm “lower-alpha”, nhưng không tìm thấy thẻ tương ứng <references group="lower-alpha"/> tương ứng