Đế quốc Đức

Đức trong thời kỳ 1871 – 1918
(Đổi hướng từ Đế chế Đức)

Đế quốc Đức (tiếng Đức: Deutsches Reich), hay Đế chế thứ hai hay Đệ nhị Đế chế (Zweites Reich) được tuyên bố thiết lập vào ngày 18 tháng 1 năm 1871 sau khi thống nhất nước Đức vài tháng sau đó chấm dứt Chiến tranh Pháp-Phổ. Đây là đỉnh cao của một quá trình quân sự, kinh tế, ngoại giao, chính trị được kết thúc với chiến thắng vẻ vang của Vương quốc Phổ trước Áo sau trận chiến quyết định tại Königgrätz vào năm 1866 và đại thắng của người Phổ trước quân nước Pháp trong trận Sedan vào năm 1870. Các vùng đất riêng rẽ ở Đức đã được thống nhất bằng chính sách "máu và sắt". Đế quốc Đức ra đời, với lãnh thổ tuân theo chủ trương "Tiểu Đức" do Phổ ủng hộ để loại trừ nước Áo hoặc phần nói tiếng Đức của nó, và người Phổ lãnh đạo Đế quốc: Vua Phổ là Wilhelm I lên ngôi Hoàng đế Đức.[3] Thủ tướng Otto von Bismarck - người lập công đầu trong công cuộc nhất thống quốc gia, trở thành vị đại anh hùng dân tộc.[4]

Đế quốc Đức
1871–1918

Tiêu ngữ"Gott mit uns"
"Thiên Chúa bên chúng ta"

Quốc ca
Lãnh thổ Đế quốc Đức vào năm 1914, trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất
Lãnh thổ Đế quốc Đức vào năm 1914, trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất
Các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trong giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới lần thứ nhất
Các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trong giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới lần thứ nhất
Tổng quan
Vị thếĐế quốc
Thủ đô
và thành phố lớn nhất
Berlin
52°31′7″B 13°22′34″Đ / 52,51861°B 13,37611°Đ / 52.51861; 13.37611
Ngôn ngữ thông dụngChính thức:
Tiếng Đức
Tôn giáo chính
Đạo Luther~60%
Công giáo La Mã~30%
Chính trị
Chính phủLiên bang Quân chủ bán đại nghị nghị viện
Hoàng đế 
• 1871–1888
Wilhelm I
• 1888
Friedrich III
• 1888–1918
Wilhelm II
Thủ tướng 
• 1871–1890
Otto von Bismarck (đầu tiên)
• 8–9 tháng 11 năm 1918
Friedrich Ebert (cuối cùng)
Lịch sử
Thời kỳChủ nghĩa Tân đế quốc
18 tháng 1 năm 1871
1914
28 tháng 7 năm 1914
• Đồng Minh chiếm đóng
11 tháng 11 năm 1918
9 tháng 11 năm 1918
• Wilhelm II thoái vị
9 tháng 11 năm 1918
Địa lý
Diện tích  
• 1910
540.857,54 km2
(208.826 mi2)
Dân số 
• 1871
41.058.792
• 1890
49.428.470
• 1910
64.925.993
Kinh tế
Đơn vị tiền tệVereinsthaler, Gulden Nam Đức, Thaler Bremen, Mác Hamburg, Franc Pháp
(đến năm 1873, cùng với nhau)
Mác Đức (1873-1914)
Mác Papier (sau 1914)
Thông tin khác
Mã ISO 3166DE
Location of Đức
Tiền thân
Kế tục
Liên bang Bắc Đức
Vương quốc Bayern
Vương quốc Württemberg
Đại Công quốc Baden
Đại công quốc Hesse
Alsace-Lorraine
Cộng hòa Weimar
Cộng hoà Alsace-Lorraine
Thành phố tự do Danzig
Ba Lan
Klaipėda
Lãnh thổ lưu vực Saar
Hlučín
Bắc Schleswig
Eupen-Malmedy
• Diện tích và dân số không bao gồm tài sản thuộc địa
• Nguồn khu vực:[1]
• Nguồn dân số:[2]
Đế kỳ Hohenzollern.

Sự ra đời của Đế quốc Đức là một thay đổi lớn lao trong cán cân quyền lực châu Âu.[5] Nhà nước ấy là một nền quân chủ lập hiến bán nghị viện có tổ chức liên bang, với 41 triệu dân cho đến năm 1918 thì dân số tăng lên đến 65 triệu người với diện tích là 540.857,54 km2 (không tính các thuộc địa của Đức). Trong suốt quãng thời gian tồn tại của mình, Đế quốc Đức là quốc gia hàng đầu của châu Âu: về quân sự và kinh tế, Đức vượt trội. Khoa học, công nghệ, giáo dục và hành chính Đức trở thành mẫu mực. Nước Đức cũng nắm vai trò quyết định trong quan hệ quốc tế, và chấm dứt vào năm 1918 sau khi bại trận trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất dẫn tới thỏa hiệp năm 1919.[6]

Nguồn gốc sửa

Nguồn gốc của Đế quốc Đức là vương quốc Phổ, là vương quốc khởi sinh từ Tuyển hầu xứ Brandenburg (tiếng Đức: Kurfürstentum Brandenburg) từ thế kỷ 11. Dưới quyền gia tộc nhà Hohenzollern trị vì xứ Brandenburg, các dân tộc Sla-vơ,[1] chủ yếu là Ba Lan, dần dần bị đẩy lui về dọc bờ Biển Baltic. Những người kháng cự sẽ bị tiêu diệt hoặc trở thành nông nô.

Điểm yếu của Phổ là về địa lý. Do kết quả của các cuộc hôn nhân và thừa kế trong quá khứ, lãnh thổ của vương quốc bị tách rời nhau khắp vùng đồng bằng Bắc Âu. Lãnh thổ xa nhất về phía tây là Công quốc Cleves, nằm dọc bờ Sông Rhine; xa nhất về phía đông là Công quốc Đông Phổ. Brandenburg không có đường đi ra biển, thiếu tài nguyên thiên nhiên, và đất không được màu mỡ. Lãnh thổ vương quốc luôn bị quân Tin lành và Cơ đốc tàn phá và giết chóc.

Tuy nhiên, năm 1640 công quốc đã sản sinh một nhà lãnh đạo kiệt xuất: Tuyển hầu (Kurfürst) Friedrich Wilhelm I xứ Brandenburg. Dù lãnh thổ bị phân tán và nghèo khó, ông đã mơ đến một vương quốc độc lập, đoàn kết và hùng mạnh. Ông tạo dựng một guồng máy đưa Phổ lên hàng đầu ở châu Âu. Ông tổ chức một chính phủ tập trung có năng lực, có kỷ luật, thêm hệ thống bưu điện và biểu thuế lũy tiến. Đến năm 1688, sau 48 năm trị vì, ông đã gây dựng quân đội chính quy với 30.000 người trong tổng số dân chỉ có một triệu.

Các hậu duệ của ông gây dựng tiếp trên nền móng ông đã đặt ra. Đến năm 1701, uy thế của Phổ đã lên đến mức Tuyển hầu Friedrich III xứ Brandenburg, con của Friedrich Wilhelm I, không còn hài lòng với tước hiệu Tuyển hầu. Ông muốn trở thành vua. Người có quyền ban tước hiệu này là Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh đóng đô ở Viên thì lưỡng lự: nếu phong Friedrich làm vua thì các Tuyển hầu của Hannover, BayernSachsen cũng sẽ muốn làm vua. Nhưng Hoàng đế không có chọn lựa khác, cuối cùng phải ưng thuận. Ngày 18 tháng 1 năm 1701, Friedrich III tự đội lên đầu chiếc vương miện để trở thành quốc vương Friedrich I của Phổ.

Năm 1713, Friedrich I qua đời, và con trai là Friedrich Wilhelm I lên kế vị. Có tính cương nghị còn hơn cả người cha và ông nội, vị vua này đặt ra mục tiêu của Phổ là trở nên một cường quốc quân sự. Mọi việc đều theo chiều hướng này: nền kinh tế đủ mạnh để nuôi sống một đội quân hùng hậu, bộ máy hành chính có hiệu năng để tận thu thuế hầu trả đủ lương cho binh sĩ, một hệ thống giáo dục xuất chúng nhằm tạo ra binh sĩ có trình độ. Trái ngược với nước Pháp lo đổ tiền của vào các công trình kiến trúc xa hoa phung phí, Phổ lo xây dựng chỉ với mục đích quân sự: nhà máy làm thuốc súng, lò đúc đại bác, kho vũ khí, doanh trại quân đội. Nhà vua còn đối xử khắt khe với con của ông là Thái tử Friedrich.[7]

Vào năm 1740, Friedrich Wilhelm I qua đời, và Thái tử Friedrich lên nối ngôi - tức là Friedrich II. Chỉ trong vòng vài tháng, vị vua trẻ đã điều khiển đoàn quân – mà ông nội và người cha đã dày công gây dựng – đi đánh trận. Trong sự ngỡ ngàng của châu Âu, ông xâm chiếm tỉnh Silesia, thậm chí gây hấn với Đế quốc La Mã Thần thánh của dòng họ Habsburg. Đấy là chiến dịch đầu tiên trong những chiến dịch xuất chúng khiến cho ông được tôn vinh là Friedrich Đại đế. Người đương thời mến mộ ông và nhà sử học say mê ông.[8]

Vào thời gian này, Phổ đã vươn lên thành một cường quốc quân sự ở châu Âu, nhưng vẫn thiếu tiềm lực cốt lõi. Đất khô cằn, không có khoáng sản; dân số ít ỏi. Không có thị trấn lớn, không có công nghiệp, nền văn hóa thì nghèo nàn. Thậm chí giới quý tộc cũng nghèo túng, và nông dân không có đất canh tác, sống cuộc đời vô cùng cực khổ. Tuy thế, với ý chí sắt đá và thiên tài tổ chức, Vương triều Hohenzollern nỗ lực gây dựng một vương quốc quân sự khắc khổ có quân đội được rèn luyện chu đáo, đánh thắng hết trận này qua trận khác. Họ cũng theo đuổi chính sách ngoại giao mềm dẻo, sẵn sàng liên minh với bất kỳ thế lực nào. Từ đấy, vương quốc mở rộng dần lãnh thổ.

Sự hình thành Đế quốc Đức sửa

Trong giai đoạn 1866-1871, thiên tài chính trị Otto von Bismarck chấm dứt tình trạng chia rẽ giữa các lãnh thổ do người Đức cai trị, vốn đã hiện diện gần một nghìn năm, thay vào đấy là nước Đức - Phổ. Bismarck đã tạo dựng nên một Đế quốc Đức quy tụ dân tộc có thiên bẩm, năng động.

Khi nắm quyền Thủ tướng nước Phổ năm 1862, Otto von Bismarck đã tuyên bố: Những vấn đề trọng đại hiện giờ sẽ không được giải quyết bằng lá phiếu theo đa số, mà qua cách thức sắt máu. Chính xác đấy là cách ông tiến hành, dù ông cũng sử dụng đường lối ngoại giao nhưng thường có tính dối trá. Mục tiêu của Bismarck là xóa bỏ tự do, củng cố quyền lực theo đường lối bảo thủ – đấy là quyền lực của tầng lớp quý tộc Junker, của quân đội và vương triều – và biến Đế quốc Đức thành cường quốc.

Bismarck trước tiên lo gây dựng quân đội Phổ vốn là nòng cốt cho lực lượng quân sự của đế quốc. Khi nghị viện không chịu biểu quyết thêm ngân sách, ông giải tán nghị viện rồi tự huy động nguồn kinh phí. Sau khi đã tăng cường quân đội, Bismarck phát động ba cuộc chiến. Khởi đầu là đánh Đan Mạch năm 1864, sáp nhập các công quốc SchleswigHolstein vào lãnh thổ Đức. Kế tiếp là đánh Áo năm 1866, giành được chiến thắng lừng lẫy trong trận đánh quyết định tại Königgrätz.[9] Sau đó, cuộc chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ, Quân đội Phổ đại thắng trong trận Sedan, buộc quân Pháp phải xin hàng.[10]

Nước Phổ sáp nhập mọi công quốc của người Đức nằm về phía bắc sông Main: Hanover, Hesse, Nassua, FrankfurtElbe. Vào năm 1870, thấy nước Phổ ngày một lớn mạnh, Pháp hung hăng gây chiến. Nhưng nước Phổ liên minh với các nước miền Nam Đức, có vũ trang tốt hơn, tổ chức cao hơn và chiến đấu tốt hơn, đã dễ dàng đối phó với quân thù. Chỉ chưa đầy 2 tháng, sức mạnh của Pháp đã tan tành mây khói. Trong trận đánh kịch liệt tại Sedan, liên quân Đức xông pha như vũ bão đập tan nát địch quân. Hoàng đế Pháp là Napoléon III bị bắt, để rồi Pháp phải chịu thất bại nhục nhã. Những lãnh thổ miền nam nước Đức, đứng đầu là vương quốc Bayern, được sáp nhập vào nước Đức-Phổ.[11]

Sự phát triển sửa

Thành tựu quang vinh của Thủ tướng Bismarck là sự ra đời của Đế quốc Đức ngày 18 tháng 1 năm 1871, khi Quốc vương Wilhelm I của Phổ cử hành lễ đăng quang làm Hoàng đế Đức trong Điện Versailles của Pháp. Đế quốc Đức được thống nhất nhờ quân lực Phổ. Vào lúc này, đấy là cường quốc hùng mạnh nhất ở lục địa châu Âu; đối thủ duy nhất trên toàn châu Âu chỉ có Vương quốc Anh.

Tuy thế, có một nhược điểm nghiêm trọng. Trên thực tế, Đế quốc Đức chỉ là nước Phổ mở rộng; thực lực của Đế quốc chỉ là thực lực của Phổ. Đấy là sự thật, và gây hậu quả tai hại cho chính người Đức. Từ năm 1871 đến năm 1933 và thật ra cho đến ngày tàn của Hitler năm 1945, dòng lịch sử của Đức cứ thẳng tiến theo cách như thế, ngoại trừ nền Cộng hòa Weimar ngắn ngủi (1918-1933).

 
Vua Wilhelm I của Phổ cử hành lễ đăng quang làm Hoàng đế Đức trong Điện Versailles

Dù cho vẻ bề ngoài dân chủ qua việc thành lập Nghị viện, Đế quốc Đức thật ra là chế độ chuyên chế quân phiệt dưới quyền của vua Phổ, cũng là Hoàng đế Đức. Nghị viện không có nhiều quyền hành, mà chỉ là một diễn đàn để đại diện nhân dân bàn cãi cho hả dạ hoặc mặc cả quyền lợi nhỏ nhoi cho giai cấp mà họ làm đại diện. Ngai vàng nắm quyền hành – theo ý niệm thiêng liêng. Tuy Hoàng đế Friedrich III (lên ngôi vào năm 1888), gắn bó mãnh liệt với phong trào chủ nghĩa tự do nước Đức thời đó, ông lại mất sớm.[12] Về sau này, năm 1910, Hoàng đế Wilhelm II còn tuyên bố rằng ngai vàng "chỉ do Thượng đế trao cho, chứ không phải từ nghị viện hoặc qua dân chúng." Ông còn nói thêm: "Vì bản thân Trẫm là công cụ của Thượng đế, Trẫm làm theo ý mình."

Hoàng đế không bị Nghị viện ngăn trở. Ông bổ nhiệm Thủ tướng để chịu trách nhiệm với chính ông, không phải với Nghị viện vốn không có quyền bất tín nhiệm. Vì thế, trái ngược với sự tiến hóa của các quốc gia khác ở Tây Âu, ý niệm về dân chủ, về quyền hạn của nghị viện không bao giờ bén rễ ở Đức, ngay vào đầu thế kỷ 20. Dù cho các đảng phái lớn tiếng đòi hỏi chế độ quân chủ nghị viện, họ vẫn không thành công. Các tầng lớp trung lưu, được hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp và bị lóa mắt vì chính sách hiếu chiến của Bismarck, chỉ biết tiếp nhận lợi ích vật chất mà không thiết tha gì đến tự do chính trị mà họ có quyền hưởng. Họ chấp nhận chế độ chuyên chế của vương triều Hohenzollern. Họ cam lòng nép dưới bộ máy cai trị của tầng lớp quý tộc Junker và chế độ quân phiệt của Phổ.

Giai cấp công nhân Đức cũng có thái độ tương tự. Để ngăn chặn chủ nghĩa xã hội, trong giai đoạn 1883-1889 Bismarck thiết lập chương trình an ninh xã hội rộng rãi, bao gồm bảo hiểm cho lương hưu, bệnh tật, tai nạn và thương tật. Dù cho Nhà nước tổ chức, nguồn kinh phí được lấy từ chủ và thợ. Việc này khiến cho giai cấp công nhân đánh giá cao an ninh xã hội hơn là tự do về chính trị, và xem Nhà nước là ân nhân của họ. Hitler sau này lợi dụng triệt để tâm lý ấy. Trong quyển Mein Kampf, ông viết: "Tôi đã nghiên cứu pháp chế chủ nghĩa xã hội của Bismarck." Nước Đức vươn lên, và hầu như toàn dân Đức đều nức lòng làm theo tất cả những gì mà nhà lãnh đạo đòi hỏi.

Sau chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ, Bismarck thiết lập liên minh với Đế quốc Áo-HungĐế quốc Nga ở phía Đông, do phía Tây là mối đe dọa lớn nhất cho Đế quốc Đức. Tuy nhiên, Đức hoàng Wilhelm II sau khi lên ngôi đã sa thải Bismarck vào năm 1890. Đức hoàng cũng xé bỏ liên minh với Nga, buộc Nga phải thành lập liên minh quân sự với nước Pháp đang khao khát báo thù.[13] Năm 1914, Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Quân đội Đế quốc Đức - dưới sự chỉ huy của tướng Paul von Hindenburg[14] - đại phá quân Nga trong trận Tannenberg vào tháng 9 năm đó.[15] Chiến thắng này được xem là sự báo thù của dân tộc Đức cho đại bại của các Hiệp sĩ Teuton trước quân Nga trong trận Grunwald vào năm 1410.[14]

Phân cấp hành chính sửa

Các bang sửa

Đế quốc Đức có 27 nhà nước thành viên, trong đó có 23 nhà nước quân chủ thế tục (4 Vương quốc, 6 Đại công quốc, 6 Công quốc và 7 Thân vương quốc), 3 thành bang HanseHamburg, Bremen, Lübeck và 1 Lãnh thổ hoàng gia là Alsace-Lorraine.

Bang Chính phủ Thủ phủ Diện tích

(km²)

Dân số

(1871)[16]

Dân số

(1900)[17]

Dân số

(1910)

Vương quốc (Königreiche)
  Vương quốc Phổ Chế độ quân chủ Berlin 348.780 24.691.085 34.472.509 40.165.219
  Vương quốc Bayern Chế độ quân chủ Munich 75.870 4.863.450 6.524.372 6.887.291
  Vương quốc Württemberg Chế độ quân chủ Stuttgart 19.507 1.818.539 2.169.480 2.437.574
  Vương quốc Sachsen Chế độ quân chủ Dresden 14.993 2.556.244 4.202.216 4.806.661
Đại Công quốc (Großherzogtümer)
  Đại Công quốc Baden Chế độ quân chủ Karlsruhe 15.070 1.461.562 1.867.944 2.142.833
Đại công quốc Mecklenburg-Schwerin Chế độ quân chủ Schwerin 13.127 557.707 607.770 639,958
Đại công quốc Hessen Chế độ quân chủ Darmstadt 7.688 852.894 1.119.893 1.282.051
Đại công quốc Oldenburg Chế độ quân chủ Oldenburg 6.429 314.591 399.180 483.042
Đại công quốc Sachsen-Weimar-Eisenach Chế độ quân chủ Weimar 3.610 286.183 362.873 417.149
Đại công quốc Mecklenburg-Strelitz Chế độ quân chủ Neustrelitz 2.929 96,982 102,602 106.442
Công quốc (Herzogtümer)
  Công quốc Braunschweig Chế độ quân chủ Braunschweig 3.672 312.170 464.333 494.339
Công quốc Sachsen-Meiningen Chế độ quân chủ Meiningen 2.468 187,957 250.731 278.762
Công quốc Anhalt Chế độ quân chủ Dessau 2.299 203.437 316.085 331.128
 Công quốc Sachsen-Coburg và Gotha Chế độ quân chủ Coburg / Gotha 1.977 174.339 229.550 257.177
Công quốc Sachsen-Altenburg Chế độ quân chủ Altenburg 1.324 142.122 194,914 216.128
Thân vương quốc (Fürstentümer)
Thân vương quốc Lippe Chế độ quân chủ Detmold 1,215 111.135 138,952 150,937
Thân vương quốc Waldeck và Pyrmont Chế độ quân chủ Bad Arolsen 1.121 56.224 57,918 61,707
Thân vương quốc Schwarzburg-Rudolstadt Chế độ quân chủ Rudolstadt 941 75.523 93.059 100,702
Thân vương quốc Schwarzburg-Sondershausen Chế độ quân chủ Sondershausen 862 67.191 80.898 89,917
Thân vương quốc Reuss-Gera Chế độ quân chủ Gera 827 89.032 139.210 152.752
Thân vương quốc Schaumburg-Lippe Chế độ quân chủ Bückeburg 340 32.059 43.132 46.652
Thân vương quốc Reuss-Greiz Chế độ quân chủ Greiz 316 45.094 68.396 72,769
Thành phố Hanse tự do (Freie und Hansestädte)
  Thành phố Hanse tự do Hamburg Cộng hòa Hamburg 414 338,974 768.349 1.014.664
Thành phố Hanse tự do Lübeck Cộng hòa Lübeck 298 52.158 96.775 116.599
  Thành phố Hanse tự do Bremen Cộng hòa Bremen 256 122.402 224,882 299.526
Lãnh thổ Hoàng gia (Reichsländer)
Lãnh thổ Hoàng gia Alsace-Lorraine Chế độ quân chủ Strasbourg 14.522 1.549.738 1.719.470 1.874.014
Đế quốc Đức Chế độ quân chủ Berlin 540,858 41,058,792 56,367,178 64,925,993


Sự tiếp nối sửa

Đế chế thứ hai là ý niệm gán cho Đế quốc Đức (1871-1918), tiếp theo Đế chế thứ Nhất là ý niệm gán cho Đế quốc La Mã Thần thánh. Tiếp nối là Đế chế thứ ba của những người theo Đảng Đức Quốc xã do Adolf Hitler làm Lãnh tụ.

Tên gốc theo tiếng Đức Deutsches Reich cũng là tên chính thức được tiếp tục sử dụng cho Cộng hòa Đức (1919-1933) và nước Đức dưới chế độ Quốc xã (1933-1945). Hiến pháp Đức có hiệu lực trong thời gian 1919-1933, do hội nghị đại biểu nhân dân soạn ra ở Thành phố Weimar (vì thế có tên thông dụng là Hiến pháp Weimar vẫn mang tựa chính thức là Verfassung des Deutschen Reichs (Hiến pháp của Đế quốc Đức) giống như tựa của bản hiến pháp có hiệu lực trong thời gian 1871-1919.

Trước tiên là Bismarck, kế đến là Đức hoàng Wilhelm II và cuối cùng Hitler đã thành công trong việc nuôi dưỡng tham vọng về quyền lực và thống trị, với sự hỗ trợ của giai cấp quân phiệt. Từ đấy dẫn đến xu hướng thích sử dụng quân đội, khinh thường dân chủ và tự do cá nhân, chỉ theo đuổi chế độ chuyên chế. Theo chiều hướng như thế, Đế quốc Đức nổi lên đến tầm cao mới, xuống dốc rồi vươn lên lại trong Đế chế thứ Ba, cho đến lúc xem chừng bị hủy diệt cùng với Hitler vào mùa xuân 1945.

Đế quốc Đức và Adolf Hitler sửa

Hitler luôn tìm cách khơi dậy trong lòng người Đức về vinh quang của Đế quốc Đức trước đó. Ví dụ nổi bật nhất là sau khi Tòa nhà Nghị viện bị cháy năm 1933, Hitler khai mạc phiên họp Nghị viện mới trong Nhà thờ Doanh trại Potsdam, là thánh địa của nước Phổ xa xưa, gợi lại trong lòng người Đức nhiều hoài niệm. Đây chính là nơi mà vua Friedrich II Đại Đế yên nghỉ (nhưng thi hài ông được dời về Cung điện Sanssouci vào tháng 8 năm 1991[18]), nơi tôn thờ các hoàng đế vương triều Hohenzollern. Ngày được chọn để cử hành lễ khai mạc Nghị viện đầu tiên của Quốc xã, 21/3, cũng có ý nghĩa. Đấy là ngày kỷ niệm Bismarck khai mạc Nghị viện đầu tiên của Đế chế thứ hai vào năm 1871.

Hitler luôn có ảm ảnh về "không gian sinh tồn" – là chủ đề vương vấn ông cho đến ngày cuối, được trình bày trong quyển sách Mein Kampf của ông. Theo Hitler, Hoàng gia Hohenzollern đã sai lầm khi tìm kiếm thuộc địa xa xôi ở châu Phi. Ông nghĩ Đức phải mở rộng lãnh thổ bằng cách chiếm đất ở miền Đông, theo đường ranh giới "600 năm về trước" vì vào thời kỳ này, Đế chế thứ Nhất trở nên cực thịnh. Từ ý tưởng phục hồi đế quốc này mà Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ.

Hitler nghiên cứu Đế chế thứ Hai khá kỹ. Đối với ông, cho dù có sai lầm, Đế chế thứ Hai là thành tựu sáng chói mà người Đức đạt được. Đấy là nước Đức mà Hitler muốn tái lập. Trong quyển Mein Kampf, Hitler bàn sâu về những lý do khiến cho Đế chế thứ Hai sụp đổ: việc dung dưỡng người Do Thái và người theo Mác-xít, tư tưởng trọng vật chất và ích kỷ của giới trung lưu, ảnh hưởng bất chính của những kẻ "luồn cúi và xu nịnh" quanh ngai vàng Hohenzollern, "chính sách liên minh tai hại" với Vương triều Habsburg suy đồi và người Ý không đáng tin thay vì với Anh, thiếu chính sách về chủng tộc và xã hội cơ bản. Đây là những thất bại mà Hitler hứa Đức Quốc xã sẽ khắc phục.

Xem thêm sửa

Chú thích sửa

  1. ^ Slav là những dân tộc phân bố ở Đông Âu và Trung Âu, bán đảo Balkan, và quá dãy núi phía châu Á. Nhánh miền Đông gồm những dân tộc Nga, Belarus, Ukraine; nhánh miền Tây gồm những dân tộc Ba Lan, Séc, Slovak; và nhánh miền Nam gồm những dân tộc Slovenia, Serb-Croatia, Macedonia, và Bulgari.
  2. ^ Theo The rise and fall of the Third Reich – A history of Nazi Germany, của William L. Shirer. Nhà xuất bản: Simon and Schuster, Inc., New York, N.Y., 1960.

Tham khảo sửa

  1. ^ “German Empire: administrative subdivision and municipalities, 1900 to 1910” (bằng tiếng Đức). Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2007.
  2. ^ “Population statistics of the German Empire, 1871” (bằng tiếng Đức). Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 4 năm 2007. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2007.
  3. ^ Lynn Abrams, Bismarck and the German Empire, 1871-1918, trang 1
  4. ^ Otto Pflanze, Bismarck and the Development of Germany: The Period of Unification, 1815-1871, trang 3
  5. ^ Otto Pflanze, Bismarck and the Development of Germany: The Period of Unification, 1815-1871, trang 372
  6. ^ James N. Retallack, Imperial Germany, 1871-1918, trang 1
  7. ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 103
  8. ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 183
  9. ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 541
  10. ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 552
  11. ^ Norman Davies, Europe: a history, trang 868
  12. ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 589
  13. ^ David W. Del Testa, Florence Lemoine, John Strickland, Government Leaders, Military Rulers, and Political Activists, trang 24
  14. ^ a b Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 658
  15. ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 610
  16. ^ Hubert Kiesewetter: Industrielle Revolution in Deutschland. Regionen als Wachstumsmotoren. Franz Steiner Verlag, Stuttgart 2004, ISBN 3-515-08613-7, S. 126.
  17. ^ Statistisches Jahrbuch für das Deutsche Reich 1911.
  18. ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang XV

Liên kết ngoài sửa