Chi Đay (danh pháp khoa học: Corchorus) là một chi của khoảng 40-100 loài thực vật có hoa trong họ Cẩm quỳ (Malvaceae), có nguồn gốc từ các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới khắp thế giới. Tại Việt Nam, các tên gọi khác nhau được sử dụng trong các ngữ cảnh khác nhau, với đay là tên gọi phổ biến tại miền bắc và bố, đai phổ biến tại miền nam.

Chi Đay
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Eudicots
(không phân hạng)Rosids
Bộ (ordo)Malvales
Họ (familia)Malvaceae
Phân họ (subfamilia)Grewioideae[1]
Chi (genus)Corchorus
L.
Các loài
Khoảng 40-100 loài

Chúng là các cây thân thảo sống một năm, cao tối đa trong khoảng 2–4 m, không tạo cành hoặc với một vài cành. Lá đơn hình mũi mác mọc so le, dài 5–15 cm, nhọn mũi và khía răng cưa mịn hoặc xẻ thùy. Hoa nhỏ, đường kính 2–3 cm, 5 cánh hoa màu vàng; quả là dạng quả nang chứa nhiều hạt. Chúng mọc tốt trên nhiều loại đất và có thể gieo trồng quanh năm.

Chi Oceanopapaver chỉ có một loài (Oceanopapaver neocaledonicum), trước đây có vị trí không chắc chắn, nhưng gần đây đã được coi là từ đồng nghĩa của Corchorus.

Tên gọi trong ngôn ngữ khác sửa

Trong tiếng Anh, người ta gọi các loài trong chi này là "jute", "bush okra", "Nalta jute", "jute mallow", "Jew's mallow" hay "melokhia". Từ melokhia được coi là có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập malek (ملك). Người ta cho rằng vương triều Fatimid đã cho làm món rau từ Corchorus như là món ăn chỉ dành cho chính họ vbà cấm những người khác không được ăn. Từ "melokhia" là tương tự như "melokia" ("hoàng gia"). Tại Nhật Bản rau từ lá của một số loài trong chi này được gọi là moroheiya. Được gọi là saluyot trong tiếng Ilocano, nó là loài rau ăn lá trong khu vực người Ilocos của Philippines.

Danh sách loài sửa

Sử dụng sửa

Lấy sợi sửa

Xem bài chính Sợi đay

Các loài trong chi Corchorus thỏa mãn một lượng lớn nhu cầu của thế giới về sợi. Sợi từ các loài đay là sợi thực vật phổ biến hàng thứ hai sau sợi bông.

Thực phẩm sửa

Lá non của một vài loài đay cũng được sử dụng làm rau ăn; đay quả dài (Corchorus olitorius) được sử dụng chủ yếu tại miền nam châu Á, Ai CậpCộng hòa Síp, đay quả tròn (Corchorus capsularis) tại Nhật BảnTrung Quốc. Chúng có kết cấu nhầy (nhớt), tương tự như ở đậu bắp, khi nấu ăn. Hạt được sử dụng làm hương liệu, và một loại trà thảo mộc được sản xuất từ lá đay khô. Rau đay cũng được sử dụng tại Ai Cập; một số người còn cho rằng nó là món ăn quốc gia trong ẩm thực Ai Cập. Nó cũng là món ăn đặc trưng trong ẩm thực Liban, Palestine, SyriaJordan. Một món ăn điển hình của khu vực này là rau đay hầm ăn cùng cơm và thịt gà luộc. Tại Việt Nam, rau đay chủ yếu dùng nấu canh (với cua, tôm tép), đôi khi với mồng tơi hoặc mướp.

Tháng 9 năm 2007, Sizzler's, một chuỗi nhà hàng Mỹ, bán Molokhiya cookies (bánh bích quy ngọt) với rau đay là thành phần đặc trưng, tại khu vực Shinjuku ở Tokyo, Nhật Bản.

Lá đay giàu betacaroten, sắt, calci, vitamin C. Các loài đay có tính hoạt hóa chống oxy hóa với một lượng đáng kể tương đương α-tocopherol (vitamin E).

Khác sửa

Một vài loài khác cũng có tên gọi là đay, nhưng không thuộc chi này như đay cách (Hibiscus cannabinus), đay vông vang hay đay Nhật (Hibiscus sabdariffa) cũng được dùng để lấy sợi.

Chú thích sửa

  1. ^ Corchorus L.”. GRIN. USDA. ngày 5 tháng 6 năm 2003. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2009.

Tham khảo sửa