Mai Hắc Đế

hoàng đế Việt Nam

Mai Hắc Đế (chữ Hán: 梅黑帝; 670723), tên thật là Mai Thúc Loan (梅叔鸞),[1] là vị vua lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại sự chiếm đóng của nhà Đường ở miền Bắc Việt Nam vào đầu thế kỉ thứ 8.[2] Trong lịch sử Việt Nam, ông được xem như một vị anh hùng dân tộc.

Mai Hắc Đế
梅黑帝
Hoàng đế Việt Nam
Đền thờ Mai Hắc Đế ở Phố Mai Hắc Đế tại Hà Nội
Vua Việt Nam thời Bắc thuộc
Lãnh đạo713 - 722
Kế nhiệmMai Thiếu Đế
Thông tin chung
Sinh670
làng Ngọc Trừng, xã Đông Liệt, huyện Sa Nam, châu Hoan
(nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An)
Mất19 tháng 10, 723
núi Đụn (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An)
Thê thiếpĐinh Ngọc Tô
Phạm Thị Uyển
Hậu duệ
Tên húy
Mai Thúc Loan
Mai Thúc Yên
Mai Lập Thành
Thụy hiệu
Thân phụMai Hoàn
Thân mẫuMai An Hoà

Thời trẻ

sửa

Mai Thúc Loan sinh vào năm Canh Ngọ (670) tại thôn Ngọc Trừng, Hoan Châu, nay thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An. Theo Việt điện u linh, cha của Mai Thúc Loan là Mai Hoàn, mẹ là Mai An Hòa nguyên gốc Lộc Hà, Hà Tĩnh, lưu lạc sang vùng Nam Đàn, Nghệ An.[3]

Theo sách Việt sử tiêu án, Mai Thúc Loan là người làng Hương Lãm, huyện Nam Đường, nay là thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, dân lập đền thờ ông ở thôn chợ Sa Nam.[2]

Năm Mai Thúc Loan 10 tuổi, mẹ đi lấy củi bị hổ vồ, ít lâu sau bố cũng mất. Ông được người bạn của cha là Đinh Thế đem về nuôi, sau gả con gái là Ngọc Tô cho. Sinh thời, Mai Thúc Loan vốn rất khỏe mạnh, giỏi đô vật, học rất giỏi và có chí lớn. Ông mở lò vật, lập phường săn, chiêu mộ trai tráng trong vùng mưu việc lớn. Vợ ông giỏi việc nông trang, nhờ đó "gia sản ngày một nhiều, môn hạ ngày một đông."

Nhờ chí du ngoạn lại được vợ hết lòng ủng hộ, Mai Thúc Loan kết thân với nhiều hào kiệt, sau này trở thành những tướng tài tụ nghĩa dưới lá cờ của ông như Phòng Hậu, Thôi Thặng, Đàn Vân Du, Mao Hoành, Tùng Thụ, Tiết Anh, Hoắc Đan, Khổng Qua, Cam Hề, Sỹ Lâm, Bộ Tân...

Sách An Nam chí lược viết về ông là "Soái trưởng Giao Châu".

Khởi nghĩa

sửa

Bối cảnh

sửa

Năm 605, tướng nhà TùyLưu Phương đánh bại các cuộc chống đối của người Việt, thiết lập sự đô hộ của nhà Tùy. Nhà Tùy mất, nhà Đường lên thay, đặt nước Việt làm An Nam Đô hộ phủ, đóng ở Giao Châu.[2]

Nguyên nhân

sửa

Các bộ chính sử thời cổ cho đến tận Việt Nam sử lược đều không ghi rõ nguyên nhân của khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Tuy nhiên, các sách và giáo trình lịch sử Việt Nam được biên soạn từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX bắt đầu xuất hiện nguyên nhân cho rằng cuộc khởi nghĩa nổ ra do "nạn cống quả vải" cho vua Đường.[4] Chuyện dân gian tương truyền rằng ông cùng đoàn phu gánh vải nộp cho nhà Đường, đã kêu gọi các phu gánh vải nổi dậy chống quân Đường. Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng truyền thuyết này "từ dạng truyền khẩu đã đi vào hát chầu văn, vào thơ, khá phố biến ở vùng Nghệ Tĩnh nhất là vùng Nam Đàn" nên dùng làm căn cứ cho nguyên nhân cuộc nổi dậy.[5] Quan điểm Mai Thúc Loan cùng các dân phu đã nổi dậy do đi gánh vải nộp cho Dương Quý Phi ăn cũng được Giáo sư Trần Quốc Vượng công nhận.[6] Tuy nhiên Dương Quý Phi sinh năm 719 thì có thể thấy rõ rằng đây là chuyện không thể xảy ra cùng thời với Mai Thúc Loan (năm 722).[4] Việc cống vải cho Dương Quý Phi ăn được xác định là có thật nhưng là từ miền nam Trung Hoa và dùng ngựa vận chuyển.[7][8]

Hiện nay các nhà nghiên cứu đều thống nhất: sưu cao, thuế nặng là nguyên nhân khiến nhân dân nổi dậy chống lại ách đô hộ nhà Đường, nổi bật là khởi nghĩa Hoan Châu. Đây là cuộc khởi nghĩa có sự chuẩn bị, biết chọn thời cơ, không phải một cuộc bạo động. Chuyện "cống vải" của An Nam chỉ là một chi tiết của truyền thuyết, không tồn tại trong thực tế. Chính giáo sư Phan Huy Lê về sau cũng đã thừa nhận, chuyện cống vải quả không thể và không phải là nguyên nhân chính nổ ra cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc do Mai Thúc Loan lãnh đạo.[4][9][10]

Thời điểm

sửa
Truyện Dương Tư Húc
Phiên âm: Khai Nguyên sơ, An Nam thủ lĩnh Mai Huyền Thành bạn, tự xưng "Hắc Đế". Dữ Lâm Ấp, Chân Lạp quốc thông mưu, hãm An Nam phủ. Chiếu Tư Húc tướng binh thảo chi. Tư Húc chí Lĩnh Biểu, cưu mộ thủ lĩnh tử đệ binh mã thập dư vạn, thủ Phục Ba cố đạo dĩ tiến, xuất kỳ bất ý. Huyền Thành cự văn binh chí, hoảng hoặc kế vô sở xuất, cánh vi quan quân sở cầm lâm trận trảm chi, tận tru kỳ đảng dữ, tích thi vi kinh quán nhi hoàn.


Dịch nghĩa: Những năm đầu niên hiệu Khai Nguyên (713-741), thủ lĩnh An Nam là Mai Huyền Thành làm phản, tự xưng là "Vua Đen" (Hắc Đế), thông mưu với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, đánh phá phủ thành An Nam. (Hoàng đế) sai Tư Húc đem quân dánh dẹp. Tư Húc đến Lĩnh Nam, chiêu mộ con em bọn thủ lĩnh ở đó, người và ngựa được hơn mười vạn, theo đường cũ của Mã Viện mà tiến đánh bất ngờ. Bọn Huyền Thành chợt nghe tin quân (của Tư Húc) đến, hoảng sợ không nghĩ được kế gì, liền bị quan quân bắt hoặc chém chết tại trận, giết hết phe đảng, dồn xác chết thành đống rồi rút quân về.

Lưu Hú, Cựu Đường thư, Liệt truyện 134, Hoạn quan, Quyển 184.[11]

Các bộ chính sử của Trung Quốc và Việt Nam đều chép thống nhất về Khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo nổ ra vào khoảng thời gian nửa đầu niên hiệu Khai Nguyên, đời vua Đường Huyền Tông, và bị dập tắt vào năm Bính Tuất (722).[12] Cựu Đường thư ghi một câu vào năm Khai Nguyên thứ 10:

Tân Đường thư biên soạn sau đó 100 năm, đã đính chính lại tháng nhưng năm thì vẫn là Khai Nguyên thứ 10:

Một số nhà nghiên cứu, bao gồm cả Giáo sư Phan Huy Lê[15], do hiểu sai cụm từ Khai Nguyên sơ nghĩa là "năm đầu niên hiệu Khai Nguyên" mà cho rằng cuộc khởi nghĩa nổ ra năm 713 và phê phán các sử gia biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục là không đúng. Khai Nguyên sơ ở đây phải được hiểu đúng là "những năm đầu niên hiệu Khai Nguyên", và năm Bính Tuất (722) nằm trong nửa đầu của niên hiệu Khai Nguyên (713 - 741) là hoàn toàn chính xác.[16]

Một số nhà nghiên cứu dựa vào tài liệu duy nhất còn ghi lại chính xác thời điểm khởi nghĩa là "Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập", được viết vào thế kỉ XVII:

Nhà nghiên cứu Lê Mạnh Chiến nêu cứ liệu cho rằng từ tháng 1 đến tháng 11 (âm lịch) năm Quý Sửu (713) vẫn thuộc niên hiệu Tiên Thiên năm thứ hai; bắt đầu từ ngày 1 tháng 12 mới đổi sang niên hiệu Khai Nguyên. Như vậy, niên hiệu Khai Nguyên nguyên niên (năm thứ nhất) chỉ gồm có 1 tháng, là tháng 12 năm Quý Sửu. Vì vậy tác giả Gia Cát thị (Việt điện u linh tập) cho rằng khởi nghĩa bắt đầu vào tháng 4 năm Khai Nguyên thứ nhất là không chính xác. Trên thực tế, tháng 12 âm lịch năm Quý Sửu (Khai Nguyên thứ nhất) đã sang năm dương lịch mới (714) nên khởi nghĩa Hoan Châu khó có thể diễn ra vào năm 713.[12] Tiến sĩ Phạm Lê Huy phản biện rằng qua bia mộ thời Đường khai quật được cho thấy ngay dưới niên hiệu Khai Nguyên, người thời đó đã coi các tháng của năm 713 là thuộc niên hiệu Khai Nguyên thứ nhất. Vì vậy cần hết sức thận trọng khi sử dụng các ghi chép của Cựu - Tân Đường thư nói riêng và chính sử Trung Quốc nói chung để xác định các điểm mốc quan trọng liên quan đến lịch sử Việt Nam, cần tiếp tục tìm kiếm các tài liệu để xác định thời điểm bùng nổ khởi nghĩa.[18]

Chung quy lại, hiện nay vẫn chưa có một căn cứ vững chắc nào khẳng định thời điểm chính xác bắt đầu cuộc khởi nghĩa, có thể là ngay từ năm 713 cho đến vài ba năm hoặc bảy tám năm sau đó nên các tài liệu hiện hành bao gồm cả sách giáo khoa các cấp đều chưa chính xác.[19][20]

Diễn biến

sửa
Truyện Mai Thúc Loan
Năm Nhâm Tuất (722). (Đường Huyền Tông, năm Khai Nguyên thứ 10). Tháng 7, mùa thu. Ở Hoan Châu Mai Thúc Loan giữ lấy châu, tự xưng đế. Nhà Đường, sai bọn nội thị Dương Tự Húc sang đánh, phá được.

Theo Đường thư, khoảng năm Khai Nguyên (713-741), An Nam có Mai Thúc Loan làm phản, tự xưng là Hắc đế, chiêu tập quân 32 châu, ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân, giữ vùng biển nam, quân số có đến 40 vạn. Tư Húc xin đi đánh, chiêu mộ 10 vạn quân, cùng với Quang Sở Khách tiến quân theo đường cũ của Mã Viện, nhân lúc bất ý, sập đến đánh. Thúc Loan hoang mang nao núng, không kịp mưu tính cách đối phó, bị thua to. Tư Húc mới chôn những xác chết chung vào một nơi, đắp thành cái gò cao (Kình quán), để ghi chiến công của mình, rồi rút quân về.

Lời cẩn án - Khoảng năm Khai Nguyên (713-741) nhà Đường, An Nam đô hộ phủ vẫn còn ở Giao Châu, thống trị 12 châu, 59 huyện, đều đặt các quan thú, tể để quản trị (...) lúc Mai Thúc Loan khởi lên, thì phủ đô hộ với các châu Phong, Ái, Lục, Diễn chưa nghe thấy có đâu là thuộc về Mai Thúc Loan đóng giữ, như vậy Mai Thúc Loan làm thế nào mà chiêu tập được người 32 châu, có số quân đến 40 vạn? Trộm nghĩ Thúc Loan chẳng qua giữ được một châu, thế lực cũng nhỏ. Bấy giờ Đường Huyền Tông thích lập công ở biên giới, bọn Tư Húc và Sở Khách thì lợi dụng xứ này ở nơi hiểm trở xa xôi, nên mới thổi phồng thanh thế bên địch để cầu lấy công cán và phong thưởng đó thôi. Nếu không phải thế thì sau giáp binh và đất đai như thế, mà quân nhà Đường mới thoạt kéo đến đã vội kinh hãi tan rã ngay?

Lời chua - Dương Tư Húc: Theo truyện Dương Tư Húc trong Đường thư, Tư Húc là hoạn quan người Thạch Thành thuộc La Châu, gốc tích là họ Tô.

Quang Sở Khách (Sử cũ chép Nguyên Sở Khách là lầm): Người Giang Lăng, hồi đầu niên hiệu Khai Nguyên, sang làm An Nam đô hộ.

Quốc Sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tiền Biên, Quyển IV.[21]

Cuộc khởi nghĩa nổ ra tại Rú Đụn, còn gọi là Hùng Sơn (Nghệ An). Mai Thúc Loan lên ngôi vua, lấy hiệu là Mai Hắc Đế. Theo Việt điện u linh, Mai Hắc Đế mang mệnh thủy tức là nước, mà nước được tượng trưng là màu đen. Vì vậy, ông lấy hiệu là Hắc Đế để hợp với mệnh của mình. Một số nguồn cũng cho hay, ông lấy hiệu là Mai Hắc Đế vì ông có màu da đen. Ông cho xây thành lũy, lập kinh đô Vạn An (thuộc thị trấn Nam Đàn hiện nay), tích cực rèn tập tướng sỹ. Cuộc nổi dậy của ông được hưởng ứng rộng rãi ở trong nước và có cả sự liên kết với Lâm ẤpChân Lạp.[22]

Theo sách An Nam chí lược thì vào khoảng đầu niên hiệu Khai Nguyên của Huyền Tông, Soái trưởng Giao Châu là Mai Thúc Loan làm phản, hiệu xưng là Hắc Đế, ngoài thì kết giao với quân của Lâm Ấp và Chân Lạp, tập hợp được 30 vạn quân sĩ, chiếm cứ nước An Nam. Vua Huyền Tông ra lời chiếu sai hoạn quan Tả Giám môn Vệ tướng quân là Dương Tư Húc và quan Đô hộ là Quang Sở Khách (sách chép sai thành "Nguyên Sở Khách") qua đánh, cứ noi theo con đường cũ của Mã Viện đi tới phá quân của Loan, chất xác chết đắp thành gò lớn, rồi kéo về.[23]

Mai Hắc Đế tiến binh đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), Đô hộ nhà ĐườngQuang Sở Khách cùng đám thuộc hạ không chống cự lại được, phải bỏ thành chạy về nước. Lực lượng Mai Hắc Đế lúc đó lên tới chục vạn quân[24][25].

Mùa thu năm Nhâm Tuất (722), Nhà Đường bèn huy động 10 vạn quân do tướng Dương Tư HúcQuang Sở Khách sang đàn áp. Quan quân nhà Đường tiến theo đường bờ biển Đông Bắc và tấn công thành Tống Bình. Sau nhiều trận đánh khốc liệt từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam, cuối cùng Mai Hắc Đế thất trận, thành Vạn An thất thủ, nghĩa quân tan vỡ. Không đương nổi đội quân xâm lược, Mai Hắc Đế phải rút vào rừng, sau bị ốm rồi mất.

Theo sách Việt sử tiêu án thì: Thời nhà Đường có Tống Chi Đễ bị tội đầy ra quận Chu Diên, gặp lúc Loan vây hãm châu Hoan, vua Đường bèn trao cho Đễ chức Tổng quản để đánh ông Loan. Đễ mộ được 8 người tráng sĩ mặc áo giáp dày, kéo đến tận chân thành mà hô to rằng: "Hễ bọn người Lèo hành động tức thì giết chết"; 700 quân đều phục xuống không dám đứng dậy, mới bình được.[2]

Tương truyền, con trai thứ ba của ông là Mai Thúc Huy lên ngôi vua tức Mai Thiếu Đế, tiếp tục chống trả các cuộc tấn công của nhà Đường tới năm 723.

Tương truyền từ sau cuộc khởi nghĩa này, nhà Đường không bắt dân An Nam đô hộ phủ nộp cống vải hằng năm nữa[26]. Tuy nhiên rất nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu đều cho rằng không hề tồn tại việc cống vải trong lịch sử.[9][10]

Nhận định

sửa

Tưởng nhớ

sửa

Đời sau nhớ ơn Mai Hắc Đế, lập đền thờ ông ở trên núi Vệ Sơn và trong thung lũng Hùng Sơn. Ngày nay tại địa phận thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn có khu di tích tưởng niệm ông. Một bài thơ chữ Hán còn ghi trong Tiên chân báo huấn tân kinh để ở đền thờ, ca tụng công đức ông như sau (bản dịch):

Hùng cứ châu Hoan đất một vùng,
Vạn An thành lũy khói hương xông,
Bốn phương Mai Đế lừng uy đức,
Trăm trận Lý Đường phục võ công.
Lam Thủy trăng in, tăm ngạc lặn,
Hùng Sơn gió lặng, khói lang không.
Đường đi cống vải từ đây dứt,
Dân nước đời đời hưởng phúc chung.

Ở vùng Nam Đàn, còn lưu truyền lại một bài hát chầu văn nói đến việc cống quả vải thời Mai Thúc Loan, đây chính là căn cứ lỏng lẻo để một số nhà nghiên cứu đưa ra chuyện cống quả vải sang nhà Đường[6], một chuyện không thể xảy ra với khoảng cách địa lý hơn 2000 km từ Nghệ An đến kinh đô Trường An trong khi Nghệ An không hề có giống vải ngon.[4][15]

Nhớ khi nội thuộc Đường triều,
Giang sơn cố quốc nhiều điều ghê gai
Sâu quả vải vì ai vạch lá,
Ngựa hồng trần kể đã héo hon...

Lễ hội

sửa

Lễ hội chính của đền, miếu vua Mai (tại thị trấn Nam Đàn và thung lũng Đụn Sơn) được tổ chức long trọng vào Rằm tháng Giêng, thời Nguyễn từng được coi là Quốc lễ. Người dân Nam Đàn và nhiều nơi trong cả nước cũng lập đền thờ, tổ chức cúng giỗ vợ và con, cùng các tướng tài của Mai Hắc Đế.[27]

Đặc biệt ở thị trấn Nam Đàn, ngày Rằm tháng Bảy còn được nhân dân địa phương ghi nhớ là ngày giỗ các nghĩa sỹ của khởi nghĩa Hoan Châu đã tử trận vì nước, tục gọi là "ngày giỗ trận vong tướng sỹ". Tại chợ Sa Nam trung tâm thị trấn Nam Đàn, người dân nghỉ chợ trước một ngày để chuẩn bị. Những người buôn bán trong chợ cùng góp tiền mua sắm đồ lễ để cúng tế các liệt sỹ. Đúng ngày Rằm tháng Bảy, hàng chục bao tải ngô, nếp rang nổ, hàng chục nồi cháo được nấu. Người dân bày hàng trăm chiếc lá đa lên các bàn trong chợ Sa Nam, rồi múc cháo lên đó, gọi là cháo búp (cháo đặc, múc đổ lên lá đa thì có ngọn). Các loại hoa quả như thị, nhãn, vải cũng được bày ra, và không thể thiếu các đồ vàng mã như áo quần, dày dép. Giữa chợ, người ta dựng một ông Võ Tướng bằng nan, phết giấy rất đẹp. Các bàn lễ được bày cúng xung quanh ông Võ Tướng, cúng xong thì hóa, các lễ vật được phát cho ăn mày và những nhà nghèo. Phong tục này được duy trì nhiều đời.[27]

Tuy tranh luận còn chưa ngã ngũ về thời điểm khởi nghĩa Mai Thúc Loan nổ ra[18][19][20], năm 2013, tỉnh Nghệ An đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1300 năm khởi nghĩa Hoan Châu (713 - 2013).[28]

Hình ảnh công cộng

sửa

Trước 1975, kho Mai Hắc Đế trên đường Yersin thị xã Ban Mê Thuột là kho vũ khí đạn dược lớn nhất ở Tây Nguyên của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, nơi diễn ra hai trận đánh lớn của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968[29]chiến dịch Tây Nguyên năm 1975[30]. Sau 1975, đường Yersin được đổi tên thành đường Mai Hắc Đế, hiện nay là một đường phố lớn ở phường Tân Thành, trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột.

Để tưởng nhớ đến ông, tại nhiều tỉnh và thành phố như Hà Nội, Lâm Đồng... có những con đường và ngôi trường mang tên ông.

Tham khảo

sửa
  • Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sỹ Liên; Dịch giả: Viện Sử học Việt Nam; Nhà Xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1993.
  • Việt sử tiêu án, Ngô Thì Sĩ, Dịch giả: Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên lạc Văn hóa Á Châu. Nhà Xuất bản: Văn Sử 1991.
  • An Nam chí lược; Lê Tắc; Dịch giả: Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam; Nhà Xuất bản: Viện Đại học Huế 1961.

Chú thích

sửa
  1. ^ Khi khởi nghĩa ông tự xưng là Mai Hắc Đế.
  2. ^ a b c d e Việt sử tiêu án, Soạn giả Ngô Thì Sĩ; Dịch giả: Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên lạc Văn hóa Á Châu; Nhà Xuất bản: Văn Sử 1991, Chương Ngoại thuộc Tùy và Đường.
  3. ^ Theo một truyền thuyết, mẹ ông vốn là người làng ven biển Mai Phụ, thuộc Hoan Châu, nay là xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh không chồng mà tự nhiên có mang. Bị dân làng cười chê, bà xấu hổ nuốt nước mắt bỏ làng trốn đi và phiêu bạt tới thôn Ngọc Trừng, Nam Đàn. Ông mang họ mẹ.
  4. ^ a b c d Xuân Ba (2013), Viết nhân 1.300 năm một sự kiện, Báo Tiền Phong, truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020
  5. ^ Phan Huy Lê (2011), “Đôi điều cần trả lời”, Báo Đại biểu nhân dân, truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020
  6. ^ a b Trần Quốc Vượng (2004), “Mai Hắc Đế”, Báo Nhân dân Online, truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020
  7. ^ Lê Mạnh Chiến (2011), Bác bỏ mọi luận cứ của giới sử học cho rằng "nạn cống vải" là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020[liên kết hỏng]
  8. ^ Nguyễn Ngọc Quang (2017), Tri thức và lương thức của sử học (Kỳ 2), Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM số 456, truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020[liên kết hỏng]
  9. ^ a b Lê Mạnh Chiến (2011), “Đôi điều về "Nạn cống vải", Báo Đại biểu nhân dân, truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020
  10. ^ a b Lê Hà & Thái Hoàng (2009), Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – lầm lẫn kéo dài và sự tráo trở lịch sử, Tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 64 (ngày 28 tháng 5 năm 2009) và 65 (ngày 04 tháng 6 năm 2009), truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020
  11. ^ Lưu Hú chủ biên (945), “Liệt truyện 134, Hoạn quan, Quyển 184”, Cựu Đường thư. Nguyên văn:开元初,安南首领梅玄成叛,自称"黑帝"。与林邑、真腊国通谋,陷安南府。诏思勖将兵讨。思勖至岭表,鸠募首领子弟兵马十余万,取伏波故道以进,出其不意。玄成遽闻兵至,惶惑计无所出,竟为官军所擒,临阵斩之,尽诛其党与,积尸为京观而
  12. ^ a b Lê Mạnh Chiến (2012), “Phải chăng Khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713?”, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2021, truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020
  13. ^ Lưu Hú chủ biên (945), “Quyển 8, Bản kỷ, Huyền Tông thượng”, Cựu Đường thư. Nguyên văn:秋八月丙戌,岭南按察使裴伷先上言安南贼帅梅叔鸾等攻围州县, 遣骠骑将军兼内侍杨, 思勖讨之 (Thu bát nguyệt Bính Tuất, Lĩnh Nam án sát sứ Bùi Trụ Tiên thướng ngôn An Nam tặc súy Mai Thúc Loan đẳng công vi châu huyện, khiển phiêu kỵ tướng quân kiêm nội thị Dương Tư Húc thảo chi).
  14. ^ Âu Dương Tu chủ biên (1045), “Quyển 5, Bản kỷ, Duệ Tông - Huyền Tông”, Tân Đường thư. Nguyên văn:七月丙戌,安南人梅叔鸾反,伏诛 (Thất nguyệt, Bính Tuất, An Nam nhân Mai Thúc Loan phản, phục tru).
  15. ^ a b Phan Huy Lê (2009), “Khởi nghĩa Mai Thúc Loan-Những vấn đề cần xác minh”, Thư viện số tài liệu nội sinh, Đại học quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam: Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 394 (Tháng 2/2009), tr. 3-20
  16. ^ Chu Trọng Huyến (2012), “Có phải khởi nghĩa Mai Thúc Loan diễn ra trong 10 năm (713-722)?”, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020[liên kết hỏng]
  17. ^ Gia Cát thị, “Hương Lãm Mai đế ký (bản A.335)”, Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nguyên văn:是歳癸丑之夏四月也、時唐玄宗之開元元年也 (Thị tuế quý sửu chi hạ tứ nguyệt dã, thì Đường Huyền Tông chi khai nguyên nguyên niên dã).
  18. ^ a b Phạm Lê Huy (2013), “Một số vấn đề về phương pháp luận sử học và vấn đề thời điểm bùng nổ của khởi nghĩa Mai Thúc Loan”, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử Số 4 (444), tr. 55-68, truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020[liên kết hỏng]
  19. ^ a b Lê Mạnh Chiến (2013), “Vài điều cần trả lời sau khi đọc bài " Khởi nghĩa Mai Thúc Loan - năm khởi đầu và năm kết thúc" của GS Phan Huy Lê”, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020[liên kết hỏng]
  20. ^ a b Đinh Anh Tuấn (2008), “Nhầm lẫn qua nhiều thế kỷ đã được sửa chữa!”, Báo điện tử Tiền Phong, truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020
  21. ^ Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (1998), Viện Sử Học dịch (biên tập), “Tiền Biên, quyển thứ 4”, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục.
  22. ^ Viện Khoa học Xã hội Việt Nam dịch (1993), “Ngoại kỷ toàn thư, Kỷ thuộc Tùy, Đường”, Đại Việt sử ký toàn thư, Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm, tr. 8 (4b), truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020. Nguyên văn:壬 戌 唐 玄 宗 隆 基 開 元 十 年. 賊 帥 梅 叔 鸞 㨿 州 稱 黑 帝 外 結 林 邑 真 臘 人 等 眾 號 三 十 萬. 唐 帝 遣 内 侍 左 監 門 衛 將 軍 楊 思 朂 都 護 元 楚 客 討 平 之. (Nhâm Tuất, [Đường Huyền Tông, Long Cơ, Khai Nguyên thập niên]. Tặc soái Mai Thúc Loan cứ châu, xưng Hắc Đế, ngoại kết Lâm Ấp, Chân Lạp nhân đẳng, chúng hiệu tam thập vạn. Đường Đế khiển Nội thị tả giám môn vệ tướng quân Dương Tư Húc, Đô hộ Nguyên Sở Khách thảo bình chi).
  23. ^ An Nam chí lược; Soạn giả Lê Tắc; Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, 1960; Nhà Xuất bản: Viện Đại học Huế 1961; Quyển Đệ tứ.
  24. ^ Việt điện u linh.
  25. ^ Theo Tân Đường thư, Dương Tư Húc truyện ghi số quân của Mai Thúc Loan là 40 vạn.
  26. ^ Lê Thúc Thông (1925), Nam sử liệt truyện khảo cứu (I), Tạp chí Nam Phong, Q.17(100), tr. 332-334
  27. ^ a b Đinh Văn Hiến - Lê Anh (2009), “Trở lại chi tiết "cống vải" trong cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan”, Báo Tiền Phong, truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020
  28. ^ Nguyễn Duy - Doãn Hòa (2013), “Kỷ niệm 1300 năm khởi nghĩa Hoan Châu”, Báo điện tử Dân trí, truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020
  29. ^ “Trận đánh kho Mai Hắc Đế năm 1968”. daklakmuseum.vn. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021.[liên kết hỏng]
  30. ^ “Trận đánh chiếm kho Mai Hắc Đế năm 1975”. cuuchienbinh.vn. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021.

Liên kết ngoài

sửa