Nhân quyền (hay quyền con người; tiếng Anh: human rights) là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người.[1][2] Trong bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, Thomas Jefferson đã đưa ra một nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho sự thành lập chính phủ dân chủ. Các chính phủ trong thể chế dân chủ không ban phát các quyền tự do cơ bản mà Jefferson đã nêu, mà chính các chính phủ đó để bảo vệ các quyền tự do đó – các quyền mà mọi cá nhân "hiển nhiên có" do sự tồn tại của mình.

Logo của Phong trào đấu tranh cho Nhân quyền, kết hợp giữa biểu tượng chim hòa bình và bàn tay

Như vậy, có thể khái quát, quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế.

Tổng quan sửa

Theo quan điểm của các nhà triết học thời đại khai sáng của thế kỷ 1718 thì các quyền không thể tước bỏ được là các quyền tự nhiên do Tạo hóa ban cho họ. Các quyền này không bị phá hủy khi xã hội dân sự được thiết lập và không một xã hội hay một chính phủ nào có thể xóa bỏ hoặc "chuyển nhượng" các quyền này.

Các quyền không thể tước bỏ bao gồm quyền được sống, quyền tự do (các quyền tự do ngôn luận và thể hiện, quyền tự do tín ngưỡng và nhận thức, quyền tự do lập hội) quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, đây chưa phải là bản liệt kê đầy đủ các quyền mà các công dân có được trong một nền dân chủ. Các xã hội dân chủ đồng thời thừa nhận các quyền dân sự như quyền được xét xử công bằng, quyền lập hội, quyền tự do ngôn luận, quyền tụ tập, quyền biểu tình và còn lập nên các quyền quan trọng khác mà bất kỳ chính phủ dân chủ nào cũng phải duy trì. Tuy nhiên, theo Lý Quang Diệu không ở đâu trên thế giới mà các quyền này được phép thực hiện mà không có những giới hạn vì nếu áp dụng một cách mù quáng những ý tưởng này có thể đi theo hướng hủy hoại xã hội có tổ chức[3].

Vì các quyền này tồn tại không phụ thuộc vào chính phủ, do đó chúng không thể bị luật pháp bãi bỏ cũng như không phụ thuộc vào ý muốn nhất thời của đa số cử tri nào đó. Ví dụ như điều sửa đổi bổ sung đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ không đưa ra quyền tự do tín ngưỡng hay tự to báo chí cho dân chúng. Điều sửa đổi bổ sung đó nghiêm cấm Quốc hội thông qua các luật vi phạm tới tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và quyền hội họp ôn hòa. Nhà sử học Leonard Levy đã phát biểu: "Các cá nhân có thể tự do khi chính phủ của họ không tự do".

Lịch sử sửa

Thế giới cổ đại sửa

 
Bản khắc Luật Hammurabi, bảo tàng Louvre

Bộ luật cải cách, của Urukagina thành phố Lagash, được biết đến sớm nhất (khoảng năm 2350 TCN) đã nói đến những khái niệm về quyền ở mức độ nào đó, văn bản chính thức bộ luật đó của ông ta vẫn chưa được tìm thấy.

Bộ luật cổ nhất hiện còn ngày nay là Luật Ur-Nammu thời Tân Sumer (khoảng 2050 TCN). Một số bộ luật khác cũng được ban hành ở Mesopotamia, gồm cả Bộ luật Hammurabi (khoảng 1780 TCN) một trong những ví dụ điển hình nhất của loại tài liệu này. Nó có các luật, và hình phạt nếu những luật này bị vi phạm ở nhiều khía cạnh khác nhau, kể cả nữ quyền, quyền trẻ em, và quyền của nô lệ. Lời tựa của những bộ luật này viện dẫn sự đồng ý thiêng liêng của Thần của người Mesopotamian.

Các tài liệu tôn giáo cũng đề cập đến vấn đề nhân quyền. Kinh Vệ đà, Kinh Thánh, Kinh Koran và sách Luận ngữ của Khổng Tử cũng trong số những tài liệu ra đời sớm đã nêu ra những vấn đề về nghĩa vụ, quyền, và bổn phận của con người.

Trụ Cyrus sửa

Trụ Cyrus (Cyrus Cylinder) được cho là hiến chương đầu tiên của nhân quyền thế giới,[4][5][6][7] " ra đời trước hiến chương Magna Carta hơn một ngàn năm".[6] Một bản mẫu của trụ được Iran tặng cho Liên Hợp Quốc vào năm 1971.[8] Trụ này có từ thời vua Cyrus II, tức Cyrus Đại đế (559 TCN - 530 TCN) - vị Hoàng đế sáng lập ra Đế quốc Ba Tư hùng mạnh. Tuy là một nhà chinh phạt hiển hách, ông cũng được ca ngợi về vấn đề nhân quyền. Sau khi đánh bại quân Babylon và chinh phạt luôn cả Đế quốc Tân Babylon, ông ghi nhận về chiến công lừng lẫy này qua Trụ Cyrus. Theo Trụ này, Hoàng đế Cyrus Đại Đế luôn tôn trọng các vị Thần trong tín ngưỡng của Babylon, phục hồi những ngôi đền ở kinh đô Babylon và giải phóng những thần dân ngoại lai thoát khỏi ách nô lệ. Những việc làm này của nhà vua đã trở thành biểu tưởng của sự khoan dung và kính trọng các tôn giáo khác. Trong Đế quốc Ba Tư, Hoàng đế Cyrus Đại Đế đặt ra luật pháp trị vì muôn dân, và trăm họ cảm thấy kính mến ông hơn là e sợ ông. Những ý tưởng của nhà vua Ba Tư về chính phủ có ảnh hưởng đến nhân quyền.[9]

Hiến chương Magna Carta sửa

 
Đại Hiến chương

Hiến chương Magna Carta của người Anh lần đầu tiên được công bố năm 1215. Hiến chương này có ảnh hưởng đến sự phát triển của thông luật (common law) và nhiều tài liệu liên quan đến hiến pháp như bản Hiến pháp Hoa Kỳ, đặc biệt là Đạo luật Nhân quyền (Bill of Rights), và nó được xem là một trong những tài liệu pháp lý quan trọng nhất trong lịch sử dân chủ. Hiến chương này cũng sớm có ảnh hưởng lớn đến quá trình lịch sử dẫn đến hiến pháp hiện nay.

Hiến chương Magna Carta còn là một trong những tài liệu pháp lý đầu tiên tiết chế quyền lực của nhà nước để bảo vệ các quyền của công dân nước đó. Hiện nay, giá trị còn tồn tại lớn nhất của nó là luật bảo thân (habeas corpus - thân xác thuộc về người). Quyền này phát sinh từ các điều 36, 38, 39 và 40 của Hiến chương Magna Carta năm 1215. Nó cũng bao gồm due process of law (luật tôn trọng tất cả các quyền hợp pháp của công dân).

Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền sửa

 
Hội đồng Quốc gia Pháp thông qua Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền ngày 26 tháng 8 năm 1789

Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (tiếng Pháp: Déclaration des droits de l'Homme et du citoyen) là văn bản nền tảng của Cách mạng Pháp, trong đó quy định các quyền cá nhân và quyền tập thể của tất cả các giai cấp là bình đẳng. Chịu ảnh hưởng bởi học thuyết các quyền tự nhiên, các quyền Con người là bình đẳng: có giá trị tại mọi thời điểm và tại mọi không gian, gắn với bản chất con người. Dù văn bản này thiết lập các quyền cơ bản cho tất cả công dân Pháp và tất cả con người không ngoại lệ, nó không hề để cập đến vị trí của phụ nữ cũng như nô lệ; dù vậy, nó vẫn là tiền thân của các phương thức nhân quyền quốc tế.

Công ước Genève sửa

 
Hiệp định Geneva Đầu tiên 1864
 
Sự Tiến triển của Hiệp định Geneva từ 1864 đến 1949

Các Công ước Genève (phát âm tiếng Việt: Công ước Giơ-ne-vơ) gồm có bốn công ước được viết ở Genève (Thụy Sĩ) đặt tiêu chuẩn luật pháp quốc tế về vấn đề nhân đạo. Những hiệp định này do những đóng góp của Henry Dunant, người đã chứng kiến sự khủng khiếp của chiến tranh ở Trận Solferino năm 1859.

Theo điều khoản 49, 50, 129, và 146 của Công ước Genève I, II, III, và IV, riêng từng cái một, các quốc gia ký Công ước phải thông qua đủ luật pháp để làm những sự vi phạm Công ước Genève thành tội ác phải được trừng phạt.

Tuy nhiên, "Công ước Genève" thực sự chỉ đến một số văn kiện khác:

  • Công ước Genève thứ nhất "để cải tiến tình trạng của những người bị thương và những người ốm của quân lực tại chiến trường" (được chấp nhận lần đầu tiên năm 1864; được sửa lại lần cuối năm 1949)
  • Công ước Genève thứ 2 "để cải tiến tình trạng của những người bị thương, những người ốm, và những người bị đắm tàu của quân lực trên biển" (được chấp nhận lần đầu tiên năm 1949, tiếp theo Đoạn X của Hiệp định La Hay năm 1907)
  • Công ước Genève thứ 3 "về cách đối xử với tù binh" (được chấp nhận lần đầu tiên năm 1929; được sửa lại lần cuối năm 1949)
  • Công ước Genève thứ 4 "về sự bảo vệ thường dân vào thời chiến" (được chấp nhận lần đầu tiên năm 1949, dựa trên một số phần trong Đoạn IV của Hiệp định La Hay năm 1907)

Ngoài ra, cũng có ba nghị định phụ vào Công ước Genève:

  • Nghị định I (1977): "Nghị định phụ vào Công ước Genève ngày 12 tháng 8 năm 1949, và nhằm bảo vệ những nạn nhân của xung đột vũ trang quốc tế"
  • Nghị định II (1977): "Nghị định phụ vào Công ước Genève ngày 12 tháng 8 năm 1949, và nhằm bảo vệ những nạn nhân của xung đột vũ trang không quốc tế"
  • Nghị định III (2005): "Nghị định phụ vào Công ước Genève ngày 12 tháng 8 năm 1949, và nhằm chấp nhận biểu trưng đặc biệt phụ vào"

Các tuyên ngôn hiện đại sửa

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền sửa

 
bà Eleanor Roosevelt, nguyên Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ đã đại diện Liên Hợp Quốc tuyên đọc bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền lịch sử này tại Paris, Pháp, năm 1948:"Đây không phải là hiệp ước...[Trong tương lai, nó] có thể trở thành một Hiến chương Magna Carta Quốc tế."

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại Palais de ChaillotParis, Pháp. Bản Tuyên ngôn đã được dịch ra ít nhất 375 ngôn ngữ.[10] Tuyên bố phát sinh trực tiếp từ những kinh nghiệm của Chiến tranh thế giới thứ hai và là tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên trên thế giới, trong đó liệt kê các quyền cơ bản mà mọi cá nhân được hưởng. Nó bao gồm 30 điều đã được xây dựng trong các Thỏa ước quốc tế, thỏa ước nhân quyền khu vực, hiến pháp và luật pháp quốc gia. Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế bao gồm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cùng hai Nghị định thư không bắt buộc III. Năm 1966, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua hai Công ước trên, qua đó hoàn thành cơ bản Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế.

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi quốc gia và mọi dân tộc. Tinh thần của bản Tuyên ngôn là dùng truyền đạt và giáo dục để nỗ lực thúc đẩy các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc tôn trọng các quyền con người cơ bản được đưa ra trong Tuyên ngôn.

Điều khoản cuối cùng của bản Tuyên ngôn có viết "Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này".

Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN sửa

Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (tiếng Anh: ASEAN Human Rights Declaration, viết tắt là AHRD) là văn bản tuyên bố chung về nhân quyền của các nước ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 được tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia vào ngày 18 tháng 11 năm 2012 với sự chấp thuận và ký kết của lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN.[11][12][13] Đây là văn kiện chính trị đầu tiên của ASEAN nhằm tạo khuôn khổ chung cho tăng cường hợp tác ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực.[14]

Tuyên bố Nhân quyền ASEAN gồm 40 điều khoản, khẳng định mọi công dân ASEAN có 4 nhóm quyền căn bản về dân sựchính trị, về kinh tế, xã hộivăn hóa, quyền phát triển, và quyền hưởng hòa bình. Các quyền này được xây dựng trên những nguyên tắc căn bản là bình đẳng, tôn trọng đặc thù khu vực và sự đa dạng của mỗi quốc gia.[15] Tuy vậy, cũng có một số chỉ trích của các tổ chức nhắm đến tuyên bố này, cho rằng nó vẫn còn mang một số khiếm khuyết nhất định[16] và thậm chí, một số tổ chức nhân quyền phê phán văn bản không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.[17]

Nguồn gốc sửa

Một phần của loạt bài về
Tự do
Theo định nghĩa

Tự do triết học
Tự do chính trị
Quyền tự do

Theo hình thức

Tự do hội họp và lập hội
Tự do nhập hội
Thân thể: Ăn mặc, diện mạo
dân quyền
Tự do đi lại
Tự do báo chí
Tự do tôn giáo
Tự do phần mềm máy tính
Tự do ngôn luận
Tự do tư tưởng
Tự do yêu đương

Các loại khác

Kiểm duyệt
Áp bức
Nhân quyền
Danh sách chỉ mục tự do
Tính trung thực truyền thông
Tự do tiêu cực
Tự do tích cực
Tự do sở hữu

Nguồn gốc tự nhiên sửa

Những người theo học thuyết về quyền tự nhiên (natural rights) ‐ tiêu biểu là các tác giả  như  Zeno (333‐264 TCN), Thomas Hobbes (1588‐1679), John Locke (1632‐ 1704), Thomas Paine (1731‐1809)... cho rằng quyền con người là bẩm sinh, vốn có mà mọi cá nhân sinh ra  đều được hưởng vì họ là thành viên của nhân loại.[18]

Các quyền con người không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa hay ý chí của bất cứ ai, giai cấp, tầng lớp, tổ chức, cộng đồng hay nhà nước nào; và không một chủ thể nào, kể cả các nhà nước, có thể ban phát hay tùy tiện tước bỏ các quyền con người.[18]

Nguồn gốc pháp lý sửa

Những người theo học thuyết về các quyền pháp lý (legal rights) gồm Edmund Burke (1729‐1797), Jeremy Bentham (1748‐1832)..., cho rằng quyền con người phải do các nhà nước quy định trong pháp luật; và như vậy, phạm vi, giới hạn và ở góc độ nhất định, cả thời hạn hiệu lực của các quyền con người phụ thuộc vào ý chí của tầng lớp thống trị  và những yếu tố  như  phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa... của từng xã hội.[19]

Trong bộ luật quyết tế về quyền con người, Liên Hiệp quốc đã, một mặt thừa nhận quyền con người bao gồm các quyền tự nhiên, bẩm sinh không phụ thuộc vào sự ban phát hay tước đoạt của nhà nước; mặt khác, quyền con người là một quan hệ pháp lý, được bảo vệ thông qua pháp luật.[20]

Nguồn gốc xã hội sửa

Về mặt lịch sử, quyền con người được nhận thức và được thúc đẩy do thực tiễn bị áp bức, bóc lột và bị tước đoạt về quyền trong các xã hội có giai cấp. Như vậy, quyền con người chỉ tồn tại trong xã hội có giai cấp và chỉ mất đi khi các giai cấp và điều kiện tồn tại giai cấp không còn; do đó, quyền con người là một phạm trù lịch sử.

Quyền con người bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của con người. Chính phẩm giá con người làm nảy sinh những nhu cầu về quyền. Nhưng chỉ khi nào những nhu cầu về quyền này được xã hội thừa nhận và bảo vệ mới trở thành quyền. Với cách hiểu này, quyền con người sẽ tồn tại mãi mãi, gắn liền với sự tồn tại của con người và phát triển cùng với tiến trình văn minh nhân loại.

Đặc trưng sửa

Tính phổ biến sửa

Tính phổ biến (universal) và tính phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo thể hiện ở chỗ quyền con người thuộc về tất cả mọi người, không phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, địa vị xã hội, tôn giáo, hoàn cảnh kinh tế, khu vực địa lý. Tính phổ biến là bản chất của quyền con người.[20]

Tính không thể chuyển nhượng sửa

Quyền con người có tính không thể chuyển nhượng (inalienable) vì nó thuộc sở hữu vốn có của con người; không phải là sự ban phát hay tùy tiện tước đoạt. Mọi giới hạn, hạn chế hay tước bỏ quyền của một cá nhân  đều phải do pháp luật quy định và chỉ nhằm để bảo vệ lợi ích chính đáng, tương xứng của cộng đồng hay của cá nhân khác.[20]

Tính không thể phân chia sửa

Tính không thể phân chia (indivisible) được thể hiện ở chỗ các quyền con người  đều có tầm quan trọng như nhau, không có quyền nào được coi là đặc quyền, có giá trị cao hơn quyền khác. Việc tước bỏ hay hạn chế bất kỳ quyền nào đều tác động tiêu cực đến nhân phẩm, giá trị và sự phát triển của con người.[20]

Tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau sửa

Tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau (interrelated, interdependent) được thể hiện ở chỗ các quyền con người, mặc dù trong phạm vi rộng, nhiều lĩnh vực song đều nằm trong một chỉnh thể thống nhất và chúng luôn phụ thuộc vào nhau. Việc bảo đảm các quyền con người, toàn bộ hoặc một phần, nằm trong mối liên hệ phụ thuộc và tác động lẫn nhau. Sự vi phạm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm các quyền khác, và ngược lại, tiến bộ trong việc bảo đảm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tích cực đến việc bảo đảm các quyền khác.[20]

Phân loại sửa

Theo lĩnh vực sửa

Xét về lĩnh vực điều chỉnh, có thể phân thành nhóm quyền chính trị, dân sự và nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa.

Nhóm các quyền dân sự, chính trị bao gồm: quyền sống; quyền không bị tra tấn, hạ nhục; quyền không bị bắt làm nô lệ; quyền tự do và an ninh cá nhân; quyền bình đẳng trước tòa án; quyền tự do đi lại; quyền lựa chọn nơi cư trú; quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; quyền tự do ngôn luận; quyền bầu cử, ứng cử và tham gia vào các công việc của nhà nước, xã hội...

Nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa bao gồm: quyền làm việc; quyền được thành lập và gia nhập công đoàn; quyền được hưởng an sinh xã hội; quyền có mức sống thích đáng; quyền được giáo dục...

Theo chủ thể quyền sửa

Xét về chủ thể của quyền, có thể phân thành các quyền cá nhân và các quyền của nhóm người xã hội. Với tư cách là cá nhân, tất cả mọi người đều được hưởng quyền phổ biến. Các nhóm xã hội cũng có tư cách là chủ thể quyền con người, là quyền chung của một nhóm hay tập thể có đặc điểm riêng, đặc thù (ví dụ quyền của nhóm người thiểu số).

Theo thế hệ quyền sửa

Thế hệ thứ nhất là các quyền tự do cá nhân trên lĩnh vực dân sự, chính trị; có đặc điểm là xác lập nguyên tắc bảo vệ cá nhân trước quyền lực chính trị của nhà nước; mang tính cơ bản và thiết yếu đối với phẩm giá con người.

Thế hệ thứ hai là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Đây là kết quả của quá trình đấu tranh vì mục tiêu công bằng về kinh tế, xã hội tại nhiều nước trên thế giới; có vai trò nổi bật trong các văn bản pháp luật quốc tếpháp luật quốc gia. Đây là quyền được gọi là quyền con người tích cực, nhằm xác định vai trò chủ động của nhà nước trong việc tạo môi trường công bằng, thuận lơi để mọi người có quyền làm việc, tiếp cận hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, được hưởng phúc lợi xã hội và tham gia vào đời sống văn hóa...

Thế hệ thứ ba là các quyền tập thể (quyền phát triển; quyền sống trong môi trường trong lành; quyền tiếp cận thông tin; quyền truy cập internet...).[21][22]

Giới hạn quyền sửa

Giới hạn quyền với ý nghĩa là sự giới hạn đối với quyền con người. Quyền con người không phải là một khái niệm tuyệt đối và trong một số trường hợp cần phải được hạn chế nhằm đảm bảo trật tự xã hội.[23] Theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, một số quyền có thể bị giới hạn vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội, quyền và tự do của người khác…[24], cụ thể:

  • Điều 12 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: “Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó. Mọi người đều có quyền tự do rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình. Những quyền trên đây sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận. Không ai bị tước đoạt một cách tuỳ tiện quyền được trở về nước mình”.[25]
  • Điều.18.3 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: Quyền tự do thực hành tôn giáo hoặc tín ngưỡng theo quy định này có thể bị giới hạn nhưng chỉ khi sự giới hạn đó là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác.
  • Điều 19.3 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: Việc thực hiện những quyền quy định tại mục 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và chỉ khi để: a/ Tôn trọng những quyền tự do và uy tín của người khác; b/ Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng.
  • Điều 21 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: Quyền hội họp một cách hòa bình phải được công nhận. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định và những hạn chế này là cần thiết trong một xã hội dân chủ vì lợi ích của an ninh QG, an toàn và trật tự công cộng, để bảo vệ quyền và tự do của những người khác.
  • Điềuu 22.2 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: Việc hành sử quyền này (lập hội) không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định và những hạn chế này là cần thiết trong một XH dân chủ vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc các quyền và tự do của người khác.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng”[26]

Tạm đình chỉ quyền sửa

Trong những bối cảnh khẩn cấp đe dọa sự sống còn của đất nước (state of emergency), các quốc gia có thể tạm dừng (hay đình chỉ - derogation) việc thực hiện một số quyền trong một thời gian nhất định. Tạm đình chỉ có thể coi là một hình thức hạn chế quyền ở mức độ cao hơn so với bối cảnh thông thường. Nó được thể hiện qua những biện pháp mà các quốc gia có thể áp dụng trong bối cảnh khẩn cấp, bao gồm: thiết quân luật; cấm biểu tình, hội họp đông người; cấm hoặc hạn chế hoạt động của một số cơ quan thông tin đại chúng như truyền hình, phát thanh, báo chí; cấm ra, vào một khu vực hoặc xuất, nhập cảnh (với một số cá nhân hay nhóm); cấm tổ chức các hoạt động tôn giáo…

Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 quy định về tạm đình chỉ quyền như sau:

  • Điều 4 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: "Trong thời gian có tình trạng khẩn cấp xảy ra đe doạ sự sống còn của quốc và đã được chính thức công bố, các quốc gia thành viên có thể áp dụng những biện pháp hạn chế các quyền nêu ra trong Công ước này, trong chừng mực do nhu cầu khẩn cấp của tình hình, với điều kiện những biện pháp này không trái với những nghĩa vụ khác của quốc gia đó xuất phát từ luật pháp quốc tế và không chứa đựng bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội. Mỗi quốc gia khi sử dụng quyền hạn chế trên đây phải thông báo cho các quốc gia thành viên khác thông qua trung gian là Tổng thư ký Liên hiệp quốc”.
  • Điều 4.3 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 quy định: "Bất kỳ quốc gia thành viên nào của công ước này khi sử dụng quyền được hạn chế nêu trong điều này đều phải thông báo ngay cho các quốc gia thành viên khác, thông qua trung gian là Tổng thư ký Liên hiệp quốc, về những quy định mà quốc gia đó đã hạn chế áp dụng và lý do của việc đó. Việc thông báo tiếp theo sẽ được thực hiện, cũng thông qua trung gian trên, vào thời điểm quốc gia chấm dứt việc áp dụng sự hạn chế đó các quốc gia thành viên thừa nhận rằng, trong khi ấn định các quyền mà mỗi cá nhân được hưởng phù hợp với các quy định của công ước này, mỗi quốc gia chỉ có thể đặt ra những hạn chế bằng các quy định pháp luật trong chừng mực những hạn chế ấy không trái với bản chất của các quyền nói trên và hoàn toàn vì mục đích thúc đẩy phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ."

Tổ chức bảo vệ sửa

Liên Hợp Quốc sửa

 
Đại hội đồng LHQ

Liên Hợp Quốc (LHQ) là cơ quan liên chính phủ đa phương duy nhất có quyền xét xử quốc tế được chấp nhận rộng rãi về pháp chế nhân quyền chung.[27] Tất cả các cơ quan của LHQ có chức năng tư vấn cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp QuốcHội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, và có rất nhiều các ủy ban ở trong LHQ có trách nhiệm bảo vệ các hiệp ước nhân quyền khác nhau. Bộ phận có thâm niên nhất của LHQ về nhân quyền là Văn phòng Cao ủy về Nhân quyền. LHQ được quốc tế ủy thác về:

Văn phòng Cao ủy về Nhân quyền sửa

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (tiếng Anh: Office of High Commissioner for Human Rights) là một cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc do Đại hội đồng thành lập vào ngày 20 tháng 12 năm 1993 có nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người được bảo hộ trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyềnluật quốc tế.[28] ngay sau Hội nghị Thế giới về Nhân quyền tổ chức tại Viên - Áo.

Hội đồng Nhân quyền sửa

 
Huy hiệu Hội đồng Nhân quyền LHQ

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc được thành lập tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới 2005 (2005 World Summit) để thay thế cho Ủy ban Liên Hợp Quốc về Nhân quyền (United Nations Commission on Human Rights), có nhiệm vụ điều tra sự vi phạm nhân quyền.[29] Hội đồng Nhân quyền là một tổ chức trực thuộc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc [30] và báo cáo trực tiếp với tổ chức này. Nó được xếp dưới Hội đồng Bảo an. Bốn mươi bảy quốc gia trên một trăm chín mươi mốt ghế thành viên trong Hội đồng được bầu thông qua hình thức bỏ hiếu kín theo nguyên tắc đa số tương đối (trên 50%)Đại hội đồng. Các thành viên phục vụ tối đa sáu năm và có thể bị đình chỉ nếu vi phạm nhân quyền. Hội đồng này được đặt ở Genève, Thụy Sĩ và họp một năm ba lần; trường hợp khẩn cấp có thể có thêm các cuộc họp bổ sung.[31]

Hội đồng này còn có các chuyên gia độc lập (báo cáo viên) để điều tra các vi phạm nhân quyền và báo cáo lại cho Hội đồng. Hội đồng Nhân quyền có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an đưa các vụ kiện ra Tòa án Tội phạm Quốc tế (ICC) ngay cả những vấn đề ngoài quyền hạn của ICC.

Hội Hồng Thập Tự Quốc tế sửa

 
Cờ của Phong trào Chữ thập đỏ

Phong trào Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế là tổ chức theo nhân đạo chủ nghĩa lớn nhất trên thế giới, thường được gọi là Hội Chữ thập đỏ hay Hội Hồng thập tự, theo biểu trưng đầu tiên của họ. Nó gồm có Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) ở Genève, Hiệp hội Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), và 183 hội Chữ thập đỏ hoặc Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia riêng mà hiện nay được là thành viên chính thức của IFRC và được ICRC công nhận. Tất cả những tổ chức này không phụ thuộc nhau theo pháp lý, nhưng có liên quan với nhau do những căn bản, mục đích, biểu trưng, quy chế, và cơ quan giống nhau. Phong trào này tự giác và phi chính phủ. Mục đích đã được tuyên bố là để bảo vệ sự sống và sức khỏe con người, để bảo đảm là con người được tôn trọng, và để tránh và giảm bớt khổ sở, họ không phân biệt theo quốc tịch, dân tộc, tôn giáo hay tín ngưỡng, giai cấp, hoặc quan điểm chính trị.

Ân xá Quốc tế sửa

Tập tin:Amnesty Logo.gif
Biểu trưng của Ân xá Quốc tế

Ân xá Quốc tế (tiếng Anh: Amnesty International, viết tắt AI) là một tổ chức phi chính phủ quốc tế, đặt ra mục đích bảo vệ tất cả quyền con người đã được trịnh trọng nêu ra trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các chuẩn mực quốc tế khác.

Đặc biệt, Ân xá Quốc tế hoạt động nhằm giải thoát tất cả tù nhân lương tâm; nhằm bảo đảm các tù chính trị được xử công bằng và công khai; nhằm bãi bỏ án tử hình, tra tấn, và các hình thức đối xử khác với tù nhân mà họ cho là tàn bạo; nhằm chấm dứt các vụ ám sát chính trịmất tích cưỡng bức; và chống lại mọi sự vi phạm nhân quyền, bất kể là do chính phủ hay tổ chức khác.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền sửa

 
logo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền được thành lập năm 1978 dưới tên Helsinki Watch để giám sát Liên Xô,[32] thu thập tư liệu về việc Liên Xô thực hiện các quy ước của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và để giúp đỡ "các nhóm bảo vệ nhân quyền trong Liên bang Xô Viết". Năm 1988 Helsinki Watch hợp nhất với các tổ chức quốc tế khác có cùng chung mục đích trở thành Human Rights Watch. Một trong những người thành lập và giám đốc đầu tiên của tổ chức là Robert L. Bernstein.[32]

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tập trung vào việc điều tra và tường thuật về những hành động họ cho là vi phạm nhân quyền. Mối quan tâm chính của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền được họ nói là ngăn cản tham nhũng, ngăn cản phân biệt đối xử về giới tính hay về giai cấp xã hội trong chính phủ và chống lạm dụng quyền lực nhà nước (thí dụ như tra tấn hay giam tù biệt lập). Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có một bộ phận chuyên về vi phạm quyền con người đối với phụ nữ. Tổ chức ủng hộ hòa bình trong liên kết với những quyền con người cơ bản như quyền tự do tín ngưỡngtự do báo chí.

Nội dung sửa

 
Biểu ngữ tuyên truyền nhân quyền tại Việt Nam có nội dung "Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội"

Theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, con người có ba nhóm quyền cơ bản bao gồm Quyền dân sự, Quyền chính trịQuyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.[33]

Quyền dân sự sửa

  • Quyền không bị phân biệt đối xử, được thừa nhận là con người và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi
  • Quyền sống, tự do và an toàn thân thể, không bị bắt làm nô lệ hay nô dịch
  • Quyền không bị tra tấn hay chịu hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm
  • Quyền được công nhận là con người trước pháp luật
  • Quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng
  • Quyền yêu cầu tòa án can thiệp chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản
  • Quyền được bảo vệ khỏi bị bắt, giam giữ hay lưu đày tùy tiện
  • Quyền được xét xử công khai, công bằng bởi tòa án độc lập, không bị kết án và trừng phạt vượt quá khuôn khổ pháp luật
  • Quyền được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp
  • Quyền tự do đi lại, cư trú trong lãnh thổ quốc gia
  • Quyền rời khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình, và có quyền hồi hương
  • Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tự do thay đổi tôn giáo, tín ngưỡng; tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng
  • Quyền được bảo vệ đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, danh dự
  • Quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do quan niệm và phát biểu quan điểm
  • Quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình, không bị cưỡng ép gia nhập hội
  • Quyền kết hôn với sự thuận tình hoàn toàn tự do của hai bên và bình đẳng trong hôn nhân
  • Quyền sở hữu riêng tư hoặc hùn hiệp với người khác, không bị tước đoạt tài sản

Quyền chính trị sửa

  • Quyền tìm nơi tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác khi bị đàn áp
  • Quyền có quốc tịch và không bị tước quốc tịch
  • Quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn
  • Quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước
  • Quyền biểu lộ ý nguyện thông qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự

Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa sửa

  • Quyền được hưởng an sinh xã hội và đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cần thiết
  • Quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp
  • Quyền được trả lương ngang nhau, không phân biệt đối xử cho những công việc ngang nhau
  • Quyền được trả lương đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm, và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác
  • Quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn
  • Quyền nghỉ ngơi và giải trí, hạn chế số giờ làm việc hợp lý và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có trả lương
  • Quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình
  • Quyền được hưởng an sinh xã hội trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tật nguyền, góa bụa, già yếu, hay thiếu phương kế sinh nhai do những hoàn cảnh ngoài ý muốn
  • Quyền của sản phụ và trẻ em được đặc biệt săn sóc và giúp đỡ, các con (chính thức hay ngoại hôn) đều được hưởng bảo trợ xã hội như nhau
  • Quyền được hưởng giáo dục, được hưởng chế độ giáo dục miễn phí mang tính cưỡng bách ít nhất ở cấp sơ đẳng và căn bản
  • Quyền được phổ cập giáo dục kỹ thuật, chuyên nghiệp và cao đẳng trên căn bản bình đẳng, lấy thành tích làm tiêu chuẩn
  • Quyền được hưởng một nền giáo dục phát huy đầy đủ nhân cách, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản; đề cao sự thông cảm, bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng sắc tộc hay tôn giáo
  • Quyền ưu tiên lựa chọn giáo dục cho các con
  • Quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy
  • Quyền được bảo vệ những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình
  • Quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó những quyền tự do có thể được thực hiện đầy đủ.

Giáo dục quyền con người sửa

Giáo dục quyền con người (human rights education) là những hoạt động giảng dạy, tập huấn, đào tạo và phổ biến thông tin về quyền con người mà mục đích cuối cùng là để xây dựng một nền văn hóa quyền con người (human rights culture). Những mục tiêu cụ thể cần hướng đến là:

  • Tăng cường sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người;
  • Phát triển đầy đủ nhân phẩm và ý thức về nhân phẩm của con người;
  • Thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung, bình đẳng giới và tình hữu nghị giữa các quốc gia, các nhóm dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ;
  • Tạo  điều kiện cho tất cả  mọi người tham gia một cách hiệu quả vào các hoạt động của xã hội,
  • Hỗ trợ các hoạt động của Liên hợp quốc về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Giáo dục có vai trò quan trọng trong việc phổ biến tri thức về quyền con người, trong Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948, Liên hợp quốc đã khẳng định rằng, một trong các mục tiêu của giáo dục là phải nhằm: “…thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người” (Điều 26(2)). Giáo dục nhằm thúc đẩy sự tôn trọng quyền con người còn  được  đề cao trong nhiều văn kiện quốc tế khác của Liên hợp quốc như Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 (Điều 13(1)), Công ước về quyền trẻ em năm 1989 (Điều 29(1,b)) và đặc biệt là trong Tuyên bố Vienna và Chương trình hành động được thông qua tại Hội nghị  thế  giới về  quyền con người lần thứ  hai tổ chức tại Vienna (Áo) năm 1993 (các đoạn 78‐82).

Cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người sửa

Việc ghi nhận các quyền con người trong hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Cần phải có biện pháp và cơ chế giám sát việc thực thi các quyền trên thực tế một cách hiệu quả. Cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được hình thành để đảm bảo các chuẩn mực quốc tế về quyền con người tương thích và được thực hiện ở mỗi quốc gia. Mục đích của cơ chế nhằm:

  • Hỗ trợ các chính phủ áp dụng chuẩn mực quốc tế và hệ thống pháp luật quốc gia.
  • Đưa ra các cơ chế nghĩa vụ để chính phủ thúc đẩy và thực hiện chuẩn mực quốc tế về quyền con người.
  • Có sự hỗ trợ kịp thời đối với các nạn nhân khi xảy ra vi phạm quyền con người.

Hệ thống giám sát việc thực hiện quyền con người gồm các bên liên quan: các tổ chức liên chính phủ, chính phủ và phi chính phủ ở cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia và địa phương. Ở cấp độ quốc tế, cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là các cơ quan và các quy tắc, thủ tục, bảo vệ quyền con người của Liên hiệp quốc. Tiếp đó là cơ chế của các tổ chức khu vực (Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Asean...). Cuối cùng là nghĩa vụ bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của bộ máy nhà nước ở mỗi quốc gia.[34]

Vi phạm sửa

Vi phạm nhân quyền gây ra bởi các chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước là các hành động lạm dụng, bỏ qua hoặc chối bỏ các quyền cơ bản của con người (bao gồm quyền dân sự, chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế). Vi phạm nhân quyền cũng xảy ra khi các chủ thể trên vi phạm bất cứ điều khoản nào trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc hoặc các luật quốc tế về nhân quyền và nhân đạo khác. Điều 39 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền chỉ định Hội đồng An ninh Liên Hợp Quốc (hay một cơ quan được giao trách nhiệm) là cơ quan có quyền tài phán xét xử các vụ vi phạm nhân quyền.

Hành động vi phạm nhân quyền được Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc gia, các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ độc lập giám sát. Các tổ chức này thu thập bằng chứng và tài liệu về các cáo buộc vi phạm nhân quyền và gây áp lực nhằm thực thi pháp luật về nhân quyền.

Tội ác chiến tranhtội ác chống lại nhân loại là những sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất.

Đánh giá sửa

Theo CNN, nhân quyền là một trong mười sáng kiến làm thay đổi thế giới, cùng với nông nghiệp, phân tâm học, thuyết tương đối, vắc xin, thuyết tiến hóa, World Wide Web, xà phòng, số 0lực hấp dẫn.[35]

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

  1. ^ United Nations, UNHCHR, Freequently Asked Questions on a Human Rights-based Approach to Development Cooperation, New York and Geneva, 2006, tr.8.
  2. ^ Giáo Trình Lý Luận Và Pháp Luật Về Quyền Con người Chương 2: Khái quát về quyền con người Pdf
  3. ^ Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới, trang 162, Nhà xuất bản Thế giới
  4. ^ In defence of the British Museum, by Neil MacGregor, its director | Culture | The Guardian ngày 24 tháng 7 năm 2004 00.27 BST When the last Shah of Iran decided to celebrate the 2,500th anniversary of the foundation of the Persian monarchy, he asserted that the Cyrus Cylinder was the world's first charter of human rights, whose birthplace was therefore to be located in Iran - an assertion that must have startled many who had tried to assert their human rights under his regime
  5. ^ Interview with United Nations Under-Secretary Shashi Tharoor
  6. ^ a b Abbas Milani. Lost Wisdom. 2004. Mage Publishers. p.12. ISBN 0-934211-90-6
  7. ^ U.N. chief awarded Cyrus cylinder The Iranian.com; Retrieved ngày 12 tháng 1 năm 2007
  8. ^ “Statement by Secretary General, U Thant, at presentation of gift from Iran to United Nations” (Thông cáo báo chí). United Nations Press Section. ngày 14 tháng 10 năm 1971. |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  9. ^ Dennis Abrams, Xerxes, trang 25
  10. ^ “Universal Declaration of Human Rights”. ohchr.org. Truy cập 18 tháng 12 năm 2009.
  11. ^ ASEAN Human Rights Declaration, Tổ chức Nhân quyền Quốc tế, 16/11/2012.
  12. ^ ASEAN thông qua bản Tuyên bố Nhân quyền RFA 18.11.2012
  13. ^ Ra Tuyên bố Phnom Penh thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN - Hànộimới
  14. ^ Tuyên bố Nhân quyền ASEAN tạo khuôn khổ chung, Vietnam+, TTXVN, 18/11/2012
  15. ^ ASEAN thông qua Tuyên bố Nhân quyền | Thanh Niên Online Thục Minh, báo Thanh Niên, 19/11/2012 03:30
  16. ^ BBC Vietnamese - Diễn đàn - Tuyên bố Nhân quyền ASEAN: “mừng hay lo”?
  17. ^ BBC Vietnamese - Thế giới - Tuyên bố nhân quyền Asean ‘khiếm khuyết’
  18. ^ a b Hải Phong (20 tháng 11 năm 2020). “Quyền con người có nguồn gốc tự nhiên hay do pháp luật quy định? Về vấn đề này, có hai trường phái trái ngược nhau”. Truy cập 23 tháng 1 năm 2021.
  19. ^ NCS. TRƯƠNG HỒNG QUANG Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp (19 tháng 11 năm 2018). “Xu hướng mới về quyền con người - một số nhận thức chung”. Truy cập 23 tháng 1 năm 2021.
  20. ^ a b c d e các tác giả, Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (tháng 11 năm 2009). [http://nhanquyen.vn/modules.php?name=News&op=detailsnews&mid=61&mcid=6 http://www.nhanquyen.vn/images/File/60giao%20trinh%20nhan%20quyen%202011.pdf “Giáo Trình Lý Luận Và Pháp Luật Về Quyền Con Người”] Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp) (PDF). Truy cập 23 tháng 1 năm 2021. line feed character trong |url= tại ký tự số 71 (trợ giúp)
  21. ^ Thành Trung (28 tháng 8 năm 2020). “Đảm bảo nhân quyền trong giai đoạn hiện nay”. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 1 năm 2021. Truy cập 23 tháng 1 năm 2021.
  22. ^ Karel Vasak, "Nhân quyền: Cuộc đấu tranh ba mươi năm: Nỗ lực bền vững để đưa ra Sức mạnh của pháp luật cho Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu", UNESCO Courier ' '30:11, Paris: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc, tháng 11 năm 1977.
  23. ^ TS.NGUYỄN VĂN QUÂN Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (25 tháng 12 năm 2019). “Tiêu chí hạn chế quyền con người vì lý do trật tự công cộng trong pháp luật một số nước”. Truy cập 23 tháng 1 năm 2021.
  24. ^ Đ. Trường (4 tháng 6 năm 2013). “Khi nào quyền con người bị giới hạn?”. Truy cập 23 tháng 1 năm 2021.
  25. ^ Kỳ Phong (16 tháng 8 năm 2017). “Mọi công dân đều có quyền tự do đi lại và cư trú”. Truy cập 23 tháng 1 năm 2021.
  26. ^ TS. Trần Thái Dương - Trường Đại học Luật Hà Nội. “Nguyên tắc giới hạn quyền trong các bản Hiến pháp Việt Nam”. Truy cập 23 tháng 1 năm 2021.
  27. ^ Ball, Gready (2007) p.92
  28. ^ World Conference on Human Rights, 14-ngày 25 tháng 6 năm 1993, Vienna, Austria 25/6/1993 bản lưu
  29. ^ “United Nations Rights Council Page”. United Nations News Page.
  30. ^ “The United Nations System” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2008.
  31. ^ Ball, Gready (2007) p.95
  32. ^ a b Thy Nga (13 tháng 8 năm 2007). “Hoạt động chống phá Việt Nam của Tổ chức "Quan sát nhân quyền". Báo An ninh Thế giới. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2010.
  33. ^ Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948)
  34. ^ Ngô Thị Bích Quyên. “Các cơ chế của Liên hợp quốc về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 1 năm 2021. Truy cập 24 tháng 1 năm 2021.
  35. ^ “10 ideas that changed the world”. CNN. Mairi Mackay ngày 12 tháng 12 năm 2008 -- Updated 1024 GMT (1824 HKT)

Liên kết ngoài sửa