Đại Lý (tiếng Trung: 大理, pinyin: Dàlǐ) là một nước của người Bạch đã từng tồn tại từ năm 937 cho đến năm 1253, nằm trong khu vực mà ngày nay là tỉnh Vân Nam, Quý Châu và tây nam tỉnh Tứ Xuyên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và một phần phía tây của Bắc Bộ Việt Nam.

Đại Lý
Tên bản ngữ
  • 大理國
937–1095
1096–1253
Nước Đại Lý năm 1142
Nước Đại Lý năm 1142
Thủ đôThành cổ Đại Lý
Tôn giáo chính
Phật giáo
Chính trị
Chính phủChế độ quân chủ
Hoàng đế 
• 937-944
Đoàn Tư Bình
• 1081-1094
Đoàn Chính Minh
• 1096-1108
Đoàn Chính Thuần
• 1251-1254
Đoàn Hưng Trí
Lịch sử
Lịch sử 
• Thành lập
937
1095
• Tái lập
1096
• Bị đế quốc Mông Cổ diệt
1253
Tiền thân
Kế tục
Nam Chiếu
Đế quốc Mông Cổ

Đại Lý do Đoàn Tư Bình sáng lập năm 937, truyền nối 22 đời vua cho đến năm 1253, thì bị đế quốc Mông Cổ dưới thời Mông Kha thôn tính. Kinh đô là thành Đại Lý.

Lịch sử

sửa

Đại Lý là sự kế tiếp của quốc gia Nam Chiếu, là một quốc gia đã suy tàn từ năm 902. Có ba triều đại kế tiếp nhau là Đại Trường Hòa, Đại Thiên Hưng (Hưng Nguyên) và Đại Nghĩa Ninh đã tồn tại sau khi Nam Chiếu bị suy vong.

Năm 937, Hải Thông tiết độ sứ Đoàn Tư Bình khởi binh ở 37 bộ phía đông Vân Nam chống lại vua Dương Chiếu nước Đại Nghĩa Ninh. Vua Dương Chiếu binh bại tự sát, cựu vua Đại Nghĩa NinhDương Càn Trinh bỏ thành chạy trốn nhưng bị quân của Đoàn Tư Bình bắt được. Đoàn Tư Bình lập nên Đại Lý trên lãnh thổ của Đại Nghĩa Ninh[1]

Năm 1012, người Đại Lý (đời vua Đoàn Tố Liêm) lấn sang quá biên giới Đại Cồ Việt (đời vua Lý Thái Tổ), đến bến Kim Hoa và châu Vị Long để buôn bán. Vua Lý Thái Tổ sai quân bắt được người Đại Lý và hơn 1 vạn con ngựa.[2]

Mùa đông, tháng 10, năm 1013 châu Vị Long phản lại nước Đại Cồ Việt, hùa theo người Đại Lý (đời vua Đoàn Tố Liêm). Vua Lý Thái Tổ mang quân đánh, thủ lĩnh là Hà Án Tuấn sợ, đem đồ đảng trốn vào rừng núi.[2]

Năm 1014, vua Đại Lý là Đoàn Tố Liêm sai hai tướng Dương Trường Huệ, Đoàn Kính Chí đem 20 vạn quân đánh nước Đại Cồ Việt. Quân Đại Lý tiến lên đóng ở bến Kim Hoa, dũng trại Ngũ Hoa. Sau khi châu mục châu Bình Lâm là Hoàng Ân Vinh thông báo, vua Lý Thái Tổ sai Dực Thánh vương đánh bến Kim Hoa. Quân Đại Cồ Việt đánh tan quân Đại Lý, "chém vạn đầu giặc, bắt được quân sĩ và ngựa nhiều vô số" (nguyên văn trong Đại Việt sử lược). Sau chiến thắng, vua Lý Thái Tổ hạ lệnh cho viên ngoại lang Phùng Chân, Lý Hạc mang 100 ngựa chiến của Đại Lý biếu tặng vua Tống Chân Tông. Triều đình Tống đối đãi các sứ thần Đại Cồ Việt rất hậu.[3]

Đại Lý là một quốc gia theo Phật giáo Mật tông (Acarya), từ vua tới dân đều sùng đạo, vua thường tại vị một thời gian rồi xuất gia làm sư[4].

Nước Đại Lý kéo dài 316 năm với 22 đời vua trong đó có 10 người bỏ ngôi đi tu[5], chẳng hạn Bảo Định Đế Đoàn Chính Minh, Trung Tông Đoàn Chính Thuần, Cảnh Tông Đoàn Chính Hưng v.v. Vương triều Đại Lý gián đoạn một thời gian ngắn khoảng 2 năm, khi quyền thần Cao Thăng Thái cướp ngôi và lập ra Vương triều Đại Trung, phân chia thành 2 giai đoạn Tiền và Hậu Đại Lý.

Một trong những cư dân Đại Lý là giống người Thái, trải rộng từ Vân Nam qua bắc Thái Lan, Lào và thượng du bắc Việt Nam. Người Thái gồm nhiều sắc dân như Thái Lự, Thái Đen, Thái Na, Tày, Nùng. Sau khi Đại Lý bị người Mông Cổ thôn tính, người Thái còn trốn tránh trong rừng sâu và di chuyển xuống phía nam và tây nam.

Có một câu chuyện nói về sự thất thủ của Đại Lý, mặc dù nó chỉ là truyền thuyết, nhưng nó đáng được nói tới. Mặc dù quân đội của người Mông Cổ rất đông và dũng cảm, nhưng họ không thể phá vỡ sự phòng thủ của người dân Đại Lý ở thung lũng Nhĩ Hải, là nơi rất phù hợp cho phòng thủ mà chỉ cần vài người cũng có thể giữ vững được hàng năm. Người ta nói rằng người Mông Cổ đã tìm được một kẻ phản bội dẫn họ vượt qua dãy núi Thương Sơn theo một con đường bí mật, và chỉ bằng cách này thì họ mới thâm nhập và vượt qua được sự kháng cự của người Bạch. Điều này đã dẫn tới sự kết thúc của 5 thế kỷ độc lập. Năm 1274, tỉnh Vân Nam được thành lập và khu vực này từ đó trở thành một bộ phận của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự chống đối của họ Đoàn với Nhà Nguyên, và sau này là Nhà Minh chỉ thực sự chấm dứt vào cuối thế kỷ XIV. Theo Minh sử, khoảng niên hiệu Hồng Vũ của Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương (1368-1398), Đoàn Thế bị bắt, Nhà Minh đổi nước của Đoàn Thế làm phủ Đại Lý, đặt vệ quân và chỉ huy sứ ti, cho thuộc vào tỉnh Vân Nam.

Trong lịch sử, nước Đại Lý nhiều lần xung đột với các vương triều Đại Việt, kết cục các cuộc xung đột này phần lớn là chiến thắng của Đại Việt. Lần cuối cùng quân Đại Lý xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam là cuộc chiến giữa Nhà Trần với đế quốc Mông Cổ năm 1258, khi tướng Ngột Lương Hợp Thai dẫn theo nhiều du binh Đại Lý thâm nhập Đại Việt.

Các vị vua cai trị Đại Lý

sửa


Tiền Đại Lý

sửa

Kéo dài từ năm 937 đến năm 1094.

Miếu hiệu/Thụy hiệu Họ tên Niên hiệu Trị vì
Thái Tổ Thần Thánh Văn Vũ Đế Đoàn Tư Bình Văn Đức (938-941)
Thần Vũ (941-944)
938 - 944
Văn Kinh Đế Đoàn Tư Anh Văn Kinh (945) 945
Thái Tông Văn Thành Đế Đoàn Tư Lương Chí Trì (946-951) 945 - 951
Quảng Tư Đế Đoàn Tư Thông Minh Đức (952-953)
Quảng Đức (954-968)
Thuận (Thánh) Đức (968)
951 - 968
Ứng Đạo Đế Đoàn Tố Thuận Minh Chính (969-985) 968 - 985
Chiêu Minh Đế Đoàn Tố Anh Quảng Minh (986-1004)
Minh Ứng (1005-1006)
Minh Thánh, Minh Đức, Minh Trị (1006-1009)
985 - 1009
Tuyên Túc Đế Đoàn Tố Liêm Minh Khải (1010-1022) 1009 - 1022
Bỉnh Nghĩa Đế Đoàn Tố Long Minh Thông (1023-1026) 1022 - 1026
Thánh Đức Đế Đoàn Tố Chân Chính trị (1027-1041) 1026 - 1041
Thiên Minh Đế Đoàn Tố Hưng Thánh Minh (1042-1044)
Thiên Minh (1044)
1041 - 1044
Hưng Tông Hiếu Đức Đế Đoàn Tư Liêm Bảo An (1045-1052)
Chính An (1053-1059)
Chính Đức (1059-1064)
Bảo Đức (1064-1075)
1044 - 1075
Thượng Đức Đế Đoàn Liêm Nghĩa Thượng Đức (1076)
Quảng An (1077-1080)
1075 - 1080
Thượng Minh Đế Đoàn Thọ Huy Thượng Minh (1081) 1080 - 1081
Bảo Định Đế Đoàn Chính Minh Bảo Định (1082-?)
Kiến An (?)
Thiên Hữu (?-1094)
1081 - 1094
 
Bản đồ Đại Lý.
Miếu hiệu/Thụy hiệu Họ tên Niên hiệu Trị vì
Phú Hữu Thánh Đức Biểu Chính Đế Cao Thăng Thái Thượng Trị (1095) 1094 - 1095

Hậu Đại Lý

sửa

Kéo dài từ năm 1096 đến năm 1253.

Miếu hiệu/Thụy hiệu Họ, tên Niên hiệu Trị vì
Trung Tông Văn An Đế Đoàn Chính Thuần Thiên Thụ (1096)
Khai Minh (1097-1102)
Thiên Chính (1103-1104)
Văn An (1105-1108)
1096 - 1108
Hiến Tông Tuyên Nhân Đế Đoàn Chính Nghiêm[6] Nhật Tân (1108-1109)
Văn Trị (1110-?)
Vĩnh Gia (?-1128)
Bảo Thiên (1129-?)
Quảng Vận (?-1147)
1108 - 1147
Cảnh Tông Chính Khang Đế Đoàn Chính Hưng (Dịch Trường) Vĩnh Trinh (1147-1148)
Đại Bảo (1149-?)
Long Hưng (?)
Thịnh Minh (?)
Kiến Đức (?-1171)
1147 - 1171
Tuyên Tông Công Cực Đế Đoàn Trí Hưng[7] Lợi Trinh (1172-1175)
Thịnh Đức (1176-1180)
Gia Hội (1181-1184)
Nguyên Hanh (1185-1195)
An Định (1195-1199)
1171 - 1199
Anh Tông Hanh Thiên Đế Đoàn Trí Liêm Phượng Lịch (1200-?)
Nguyên Thọ (?-1205)
1199 - 1205
Thần Tông Đoàn Trí Tường Thiên Khai (1205-1225)
Thiên Phụ (1226-?)
Nhân Thọ (?-1238)
1205 - 1238
Hiếu Nghĩa Đế Đoàn Tường Hưng Đạo Long (1239-1251) 1238 - 1251
Thiên Định Hiền Vương Đoàn Hưng Trí Lợi Chính, Hưng Chính, Thiên Định (1252-1254) 1251 - 1254

Đại Lý tổng quản

sửa
 
Năm 1142
  Đại Lý
  Kim

Từ năm 1253, Đại Lý rơi vào tay đế chế Mông Cổ. Các tổng quản vẫn là người của họ Đoàn. Cụ thể như sau:

  • Đoàn Thật (Tư Nhật) (1261-1282) (Vũ Định Quận vương)
  • Đoàn Trung (1283-1284)
  • Đoàn Khánh (A Khánh) (1284-1306)
  • Đoàn Chính (1307-1316)
  • Đoàn Long (1317-1330)
  • Đoàn Tuấn (1331)
  • Đoàn Nghĩa (1332)
  • Đoàn Quang (1333-1344)
  • Đoàn Công (1345-1365)
  • Đoàn Bảo (1365-1381)
  • Đoàn Minh (1381-1382)
  • Đoàn Thế (1382-1387)

Xem thêm

sửa

Tham khảo

sửa
  1. ^ Đại Lý quốc sử,Đoàn Ngọc Minh
  2. ^ a b Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội, 1993, Kỷ Nhà Lý, Thái Tổ Hoàng đế.
  3. ^ Đại Việt Sử ký Toàn thư, 1993, trang 83.
  4. ^ Nhận định của dịch giả Nguyễn Duy Chính, viết trong "Lời nói đầu" của bản dịch Thiên Long bát bộ, tác giả Kim Dung
  5. ^ Nanzhao State and Dali State Lưu trữ 2006-09-03 tại Wayback Machine trên website chính thức của châu tự trị Đại Lý
  6. ^ Trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung gọi là Đoàn Dự
  7. ^ Nhất Đăng Đại Sư trong "Xạ Điêu Tam Bộ Khúc" của Kim Dung; xuất hiện trong game online Kiếm Thế.