Lý Bạch
Lý Bạch hành ngâm đồ, họa phẩm của Lương Khải (1140–1210) thời nhà Tống, hiện nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Tokyo, Nhật Bản.
Sinh701
Toái Diệp, Đại Đường (nay thuộc vùng Chuy, Kyrgyzstan)
Mất762 (61 tuổi)
Đang Đồ, Đại Đường (nay thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc)
Nghề nghiệpNhà thơ
Giai đoạn sáng tácThịnh Đường
Thể loạiThơ Đường
Tác phẩm nổi bậtVọng Lư sơn bộc bố
Hiệp khách hành
Tĩnh dạ tứ
Tương tiến tửu
Thanh Bình Điệu
Lệ Xuân/nháp
"Lý Bạch" viết theo lối khải thư
Tên tiếng Trung
Tiếng Trung李白
Tên tiếng Triều Tiên
Hangul
Hanja
Tên tiếng Nhật
Kanji李白
Hiraganaりはく

Lý Bạch (chữ Hán: 李白; 701–762), tự Thái Bạch (太白), hiệu Thanh Liên cư sĩ (青莲居士), là một nhà thơ Trung Quốc sống vào thời nhà Đường. Ông cùng người bạn vong niên Đỗ Phủ, gọi chung là "Lý Đỗ" (李杜), thường được xem là hai nhà thơ vĩ đại nhất của Trung Quốc nói riêng và toàn bộ khu vực Đông Á đồng văn nói chung. Một số tác phẩm nổi bật của Lý Bạch gồm có Vọng Lư sơn bộc bố (725), Tĩnh dạ tứ (726), Tương tiến tửu (735), Hành lộ nan (742) và Thanh bình điệu (743).

Sinh ra tại Toái Diệp ở Kyrgyzstan ngày nay, Lý Bạch cùng gia đình chuyển đến sinh sống tại làng Thanh Liên ở Tứ Xuyên khi mới 5 tuổi. Lúc còn nhỏ, Lý Bạch được cha mẹ tạo điều kiện học hành, có dịp tiếp xúc với các kinh điển Nho giáo cũng như trước tác của Bách gia chư tử, từ đó đã sớm bộc lộ năng khiếu văn học của mình. Bên cạnh thi ca, Lý Bạch từ nhỏ đã đam mê kiếm thuật, dần trở thành một kiếm sĩ tài năng. Năm 725, Lý Bạch rời quê hương "chống kiếm viễn du" ở tuổi 25, tham quan nhiều danh lam thắng cảnh của Trung Quốc. Năm 742, sau nhiều năm bôn ba khắp tứ phương, ông gặp gỡ Hạ Tri Chương tại Trường An, được người này tiến cử với Đường Minh Hoàng và trở thành Hàn lâm học sĩ. Sau một thời gian, do viết điệu nhạc Thanh bình điệu làm phật lòng Dương quý phi, Lý Bạch buộc phải rời khỏi Trường An, tiếp tục ngao du sơn thủy.

Mùa thu năm 744, khi đến Lạc Dương, Lý Bạch gặp Đỗ Phủ kết làm bạn vong niên. Sau nửa năm, ông từ biệt Đỗ Phủ, du ngoạn ở phương Nam trước khi tới Lư Sơn quy ẩn. Năm 756, giữa lúc Loạn An Sử diễn ra, Lý Bạch được Vĩnh vương Lý Lân mời đến phò tá. Năm 757, Lý Lân làm phản, bị anh trai là Đường Túc Tông đánh bại. Lý Bạch do có liên quan nên đã bị khép tội phản nghịch và kết án tử hình nhưng may mắn được Quách Tử Nghi cứu giúp. Sau khi được tha tội, Lý Bạch tiếp tục du ngoạn trong nhiều năm trước khi qua đời ở Đang Đồ vào năm 762.

[Thành tựu]

[Ảnh hưởng]

Thiếu thời sửa

Thân thế sửa

Dựa trên những thông tin ít ỏi còn sót lại, Lý Bạch có nguyên quán ở Thiên Thủy, Cam Túc, tự xưng là hậu duệ của Phi tướng quân Lý Quảng thời Tây HánLý Cảo nước Tây Lương thời Ngũ Hồ Thập lục quốc.[1] Qua đó, ông được xem là một người họ hàng xa của hoàng tộc nhà Đường và bản thân ông cũng xưng "anh em họ" khi yết kiến hoàng đế. Nơi sinh của Lý Bạch vẫn là một đề tài gây tranh luận trong giới nghiên cứu, có tài liệu cho rằng ông được sinh ra tại Cam Túc, số khác lại cho là Điêu Kỳ (tức Ghazna, Afghanistan),[2] tuy nhiên số đông học giả ngày nay đều đồng tình rằng ông được sinh vào năm 701 tại thành Toái Diệp, nay là Chuy, Kyrgyzstan.[3][4][5] Vào cuối thời Tùy, ông cố của Lý Bạch vì một lý do không rõ bị đày tới Tây Vực, ban đầu định cư tại khu vực nằm giữa hồ Koko NorLop Nor, tức Thanh Hải và miền Đông Tân Cương ngày nay.[4] Lịch sử của gia đình họ Lý trong giai đoạn này là một ẩn số. Vào những năm 670, giữa nhà Đường và Thổ Phồn xảy ra chiến tranh nhằm tranh giành quyền kiểm soát khu vực lòng chảo Tarim. Theo nhà Đông phương học Arthur Waley thì có lẽ trong khoảng thời gian này, gia đình họ Lý di cư về phía Tây hành nghề buôn bán và trở nên giàu có nhờ thương mại dọc theo Con đường tơ lụa.[6][7] Những ký ức mờ nhạt về những ngày tháng sinh sống nơi biên ải tồn đọng trong tâm trí Lý Bạch có thể được khắc họa qua những câu thơ sau đây:

明月出天山 (Minh nguyệt xuất Thiên San)
蒼茫雲海間 (Thương mang vân hải gian)
長風幾萬里 (Trường phong kỷ vạn lý)
吹度玉門關 (Xuy độ Ngọc Môn quan)

Vầng trăng ra núi Thiên San,
Mênh mang nước bể mây ngàn sáng soi.
Gió đâu muôn dặm chạy dài,
Thổi đưa trăng sáng ra ngoài Ngọc Môn.

—trích "Quan san nguyệt" (Tản Đà dịch).

Trong các tác phẩm của mình, Lý Bạch rất hiếm khi nhắc đến các thành viên khác trong gia đình. Cha của ông, Lý Khách (李客), được biết là một người có học thức, thông thạo các bộ kinh điển của Nho gia. Với nền tảng kiến thức vốn có, Lý Khách rất chú trọng đến việc học của con trai. Về phần mẹ của mình, Lý Bạch đặc biệt chưa từng nhắc đến bà trong bất kỳ tác phẩm nào. Một số ý kiến cho rằng bà không phải là người Hán mà là người dân tộc thiểu số, cụ thể là người Đột Quyết. Tương truyền, Lý phu nhân lúc mang thai nằm mộng thấy sao Trường Canh (tức sao Kim) từ trên trời rơi vào mình, vì sao này còn có tên là Thái Bạch nên đặt tên con là Bạch.[8]

Thời niên thiếu và giáo dục sửa

Khi Lý Bạch lên 5 tuổi, gia đình ông quay trở về Trung Nguyên và chuyển đến làng Thanh Liên, huyện Xương Long, Miên Châu ở Tứ Xuyên để định cư. Dưới sự dạy dỗ của cha, ông sớm thể hiện sự thích thú đối với thi ca. Ngay từ khi còn nhỏ, Lý Bạch đã học thuộc các kinh điển Nho giáo như Kinh ThiKinh Thư, được cha dạy bài "Tử Hư phú" (子虚赋) của Tư Mã Tương Như.[9] Lý Bạch "năm tuổi thông Lục giáp, mười tuổi xem Bách gia",[a] ở tuổi 14 bắt đầu làm phú. Trên thực tế thì bài phú sớm nhất của Lý Bạch còn sót lại tới ngày nay — "Minh Đường phú" (明堂赋) — được ông sáng tác năm 15 tuổi.[10] Bên cạnh thơ phú, Lý Bạch thuở niên thiếu đam mê kỳ thư, chim cảnh và kiếm thuật.[11] Ngoài ra, ông cũng thường cưỡi ngựa, đi săn, du ngoạn và hành hiệp trượng nghĩa.[12]

Năm 718, Lý Bạch đến sống ẩn dật tại Đại Khuông Sơn học đạo. Sau 2 năm ở ẩn, ông hạ sơn, du ngoạn Giang Du, Kiếm Các, Tử Châu để trau dồi kiến thức. Năm 720, Lý Bạch lúc bấy giờ 20 tuổi cầu kiến thứ sử Ích Châu Tô Đĩnh và được viên quan này tán dương, cho rằng nếu Lý Bạch cố gắng, chắc chắn tài năng "có thể sánh ngang với Tư Mã Tương Như".[13] Do xuất thân từ một gia đình thương nhân nên dù bày tỏ ước nguyện được làm quan song Lý Bạch không thể đi theo con đường khoa cử. Nguyên nhân là vì lúc bấy giờ, thương nhân bị xem là tầng lớp đáng khinh của xã hội, do vậy con cái của họ không được phép tham gia các kỳ khoa cử.

[…]

Ngao du thiên hạ sửa

Rời đất Thục sửa

Năm 724, Lý Bạch rời Giang Du, bắt đầu hành trình thi ca của mình. Ông du ngoạn Thành Đô, đến núi Nga Mi tìm kiếm thần tiên, sau đó thì "chống kiếm rời bang quốc, biệt thân bước viễn du". Tại Giang Lăng ở Hồ Bắc, Lý Bạch yết kiến đạo sĩ Tư Mã Thừa Trinh (655–735). Vị đạo sĩ này ấn tượng trước "tiên phong đạo cốt"[b] của Lý Bạch. Nhận được sự tán dương từ Tư Mã Thừa Trinh, Lý Bạch dựa vào điển tích từ Nam Hoa kinh viết nên bài phú Đại bằng ngộ hy hữu điểu phú ví bản thân như con chim bằng để thể hiện hoài bão của mình: "…Lừng lẫy vũ trụ, bay vút cao vượt Côn Luân. Mỗi lần vỗ cánh, khói mây mù mịt, đất cát mịt mù. Ngũ Nhạc vì vậy mà rung chuyển sụp đổ, trăm sông vì vậy mà xô đổ sụp bờ đê…"

Cuộc gặp gỡ với Tư Mã Thừa Trinh càng khiến Lý Bạch tin rằng ông có "tiên căn", tức là có mang cốt cách thần tiên. Điều này có ảnh hưởng lớn tới cách suy nghĩ cũng như những tác phẩm sau này của ông. Bản thân Lý Bạch cũng cân nhắc tới việc trở thành một đạo sĩ trong tương lại nếu con đường làm quan gặp trắc trở.

Giang Hạ và Lư Sơn (725) sửa

 
Lý Bạch ngắm thác núi Lư, tranh của Sōami, thời kỳ Muromachi, Nhật Bản.

Năm 725, Lý Bạch lên thuyền xuôi dòng Trường Giang, cuối mùa hè năm đó thì đến Giang Hạ (nay là Vũ Hán). Tại đây, ông có dịp ghé thăm Hoàng Hạc lâu, vốn là một địa điểm mà các thi nhân thời bấy giờ thường tới thưởng ngoạn phong cảnh và làm thơ. Tương truyền, Lý Bạch lúc bấy giờ định đặt bút làm thơ, nhưng đã thấy Thôi Hiệu đề thơ lên vách. Lý Bạch cảm thấy ghen tị với Thôi Hiệu, một người ít hơn ông 3 tuổi, song đã thi đậu tiến sĩ ít năm trước ở tuổi 19 và hiện đã làm quan trong triều. Lúc bấy giờ, cận thể thi,[c] một thể loại thơ tương đối mới vốn thịnh hành ở chốn kinh thành, không phải là một thế mạnh của Lý Bạch nên ông đã từ bỏ ý định làm thơ vịnh lầu. Ông rời Giang Hạ vào mùa thu năm đó để tới Cửu Giang tham quan Lư Sơn. Chuyến đi này được thể hiện thông qua bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Vọng Lư sơn bộc bố, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Lý Bạch:

日照香爐生紫煙 (Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên)
遙看瀑布掛前川 (Dao khan bộc bố quải tiền xuyên)
飛流直下三千尺 (Phi lưu trực há tam thiên xích)
疑是銀河落九天 (Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên)

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,
Xa trông dòng thác trước sông này:
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây.

Xa ngắm thác núi Lư, Nam Trân dịch.

Sau khi rời Lư Sơn, Lý Bạch đến thăm nơi ở của nhà thơ Đào Tiềm thời Đông Tấn ở gần đó. Thơ của Đào Tiềm rơi vào lãng quên trong nhiều thế kỷ và chỉ bắt đầu được đón nhận những năm đầu thế kỷ thứ 8. Trường phái thơ điền viên, đậm chất thôn quê dân dã của Đào Tiềm được giới thi sĩ lúc bấy giờ, bao gồm Lý Bạch, mến mộ.

Những ngày tháng khó khăn ở Kim Lăng và Dương Châu (726) sửa

Lý Bạch đến Kim Lăng (nay là Nam Kinh) vào mùa xuân năm 726, nơi gia đình ông có một tiệm bán hàng. Những khu chợ tấp nập và những đoàn thuyền đầy ắp hàng hóa mà Lý Bạch lần đầu tiên nhìn thấy gây ấn tượng mạnh với ông. Ông bắt đầu sống một cuộc sống vô lo vô nghĩ, kết giao bằng hữu, bố thí cho người nghèo. Theo lời tự bạch, Lý Bạch đã tiêu hết 30 vạn quan tiền chỉ trong vỏn vẹn 1 năm. Cũng trong thời gian này, Lý Bạch cầu kiến nhiều nhân vật quyền quý trong bộ máy chính trị với mong muốn được tuyển dụng, nhưng bị số đông từ chối gặp mặt. Một nguyên nhân khác là vì lúc này, Đường Huyền Tông chuẩn bị tới Thái Sơn ở Sơn Đông vãn cảnh, các châu huyện đều bận rộn cử người tới dự và không ai muốn tiếp ông. Cô đơn, ông bầu bạn với rượu và kỹ nữ, nhưng chỉ được ít lâu thì hết tiền. Có lẽ do gia đình ông gặp vấn đề về tài chính và không thể chu cấp cho ông. Trên đất Kim Lăng, Lý Bạch không thể tìm thấy một người bạn thực sự, những người bạn mới quen đều lần lượt ra đi khi ông rơi vào cảnh túng thiếu. Trong bối cảnh đó, Lý Bạch viết: "Thỉnh quân thí vấn đông lưu thuỷ, Biệt ý dữ chi thuỳ đoản trường?"[d] Trong truyền thống thi ca Trung Quốc, "đông lưu thuỷ" – nước chảy về đông – là hình ảnh ẩn dụ cho nỗi buồn, song Lý Bạch sử dụng nó để đề cập tới tình bạn và tình cảm, thể hiện niềm khao khát tìm kiếm một tri kỷ.

Cuối mùa hè năm 726, Lý Bạch rời Kim Lăng đến Dương Châu. Trước khi kịp cầu kiến quan chức địa phương, ông ngã bệnh. Lý Bạch rơi vào tình cảnh tuyệt vọng khi ông không còn tiền trả tiền trọ. Trong một bức thư gửi một người bạn, ông nói rằng mình không thể về quê khi chưa thực hiện được hoài bão, mặc dù ông cũng không hoàn toàn tin tưởng vào chính bản thân mình. Trong một đêm mất ngủ, Lý Bạch tức cảnh viết nên những câu thơ sau:

床前明月光,
疑是地上霜。
舉頭望明月,
低頭思故鄉。

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Đầu giường ánh trăng rọi,
Mặt đất như phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh, Nam Trân dịch.

Chú thích sửa

  1. ^ Lục Giáp là lịch pháp dạy cách tính ngày tháng năm, còn Bách gia là các trước tác của Bách gia chư tử.
  2. ^ Tiên phong đạo cốt (仙風道骨): Cốt cách dáng dấp của bậc tiên.
  3. ^ Cận thể thi là một thể loại thơ xuất hiện vào thời Đường, thường có tám câu, mỗi câu bảy chữ (luật thi), có phép gieo vần (vận luật) và tiết tấu (thanh luật) cố định và cặp thứ 2 và 3 phải là cặp đối.
  4. ^ Nguyên văn: 請君試問東流水, 別意與之誰短長. Dịch nghĩa: Nhờ ai hỏi dòng nước chảy về đông, tình ý ly biệt cái nào dài hơn?

Tham khảo sửa

  1. ^ Obata 1922, tr. 8.
  2. ^ Eide 1973, tr. 388.
  3. ^ Ngô Kinh Hùng 1972, tr. 57–58.
  4. ^ a b Waley 2022, tr. 104.
  5. ^ Han 2019.
  6. ^ Tôn Du 1982, tr. 20–21.
  7. ^ Eide 1973, tr. 389.
  8. ^ Ngô Kinh Hùng 1972, tr. 59.
  9. ^ Waley 2022, tr. 1.
  10. ^ Lê Đức Nhiệm 2001, tr. 48.
  11. ^ Ngô Kinh Hùng 1972, tr. 58.
  12. ^ Tôn Du 1982, tr. 20.
  13. ^ Waley 2022, tr. 4–5.

Thư mục sửa

  • Han, William (6 tháng 2 năm 2019). “Discovering Suyab, Kyrgyzstan, where Chinese poet Li Bai was born”. South China Morning Post (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2022.

Liên kết ngoài sửa