Thứ phi là phiên âm Hán Việt của hai danh xưng chữ Hán khác biệt chỉ đến bộ phận thiếp hoặc phi tần của tầng lớp vua chúa các chế độ phong kiến Đông Á thuộc vùng văn hóa chữ Hán như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật BảnViệt Nam.

Thứ phi Cung tần thời nhà Minh.

Hai danh xưng này có sự khác biệt rất lớn, đặc biệt là danh phận và đãi ngộ: "Thứ phi" (với tiếng Trung: 次妃; bính âm: cì fēi) còn được gọi là Thứ thất, được xem là một nửa chính thất, có đãi ngộ tương đối đặc thù; còn "Thứ phi" (với tiếng Trung: 庶妃; bính âm: shù fēi) là cách gọi chung cho tất cả các thiếp, hầu không có danh phận rõ ràng.

Phân biệt sửa

Thân phận Thứ thất sửa

Danh xưng Thứ phi (次妃) xuất hiện từ thời kỳ Thượng Cổ, các vị Vua chúa cổ đại lấy nhiều người vợ chính và nhiều vợ thứ, đều xưng là Phi. Trong khi người lớn nhất hàng vợ chính được gọi là "Nguyên phi" (元妃) hay "Chính phi" (正妃), thì người thứ được gọi là "Thứ phi"[1][2][3].

Chữ "Thứ" (次) trong chữ Hán chỉ đến vị trí "ở ngay sau", "bậc hai", do đó những thứ phi này thường đều cùng một hạng với chính phi, tức là được làm lễ thành hôn theo quy củ đúng đắn và được công nhận bởi nhà chồng, thế nhưng chi tiết lễ nghi này sẽ lại kém đi một chút so với người chính phi, việc này có phần giống chế độ Bình thê. Từ thời nhà Hán đến hết thời nhà Tống, hai thân phận "Chính thê""Thiếp thị" trong hoàng thất được phân biệt rõ ràng, chính phi của các hoàng tử thân vương là người vợ cả duy nhất, còn thiếp hầu gọi bằng những danh xưng như Nhụ nhân (孺人) hay Dắng (媵), những thân phận "Bán chính thê" không mấy khi được đề cập, chỉ duy có các hoàng đế là được hưởng đặc quyền sở hữu các "Bán chính thê" này thông qua những vị trí như Quý phi hoặc Thục phi. Thế nhưng, hai thời kỳ nhà Minhnhà Thanh lại nổi rộ lên danh phận này trong hàng ngũ hoàng thân, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương quy định: các Hoàng thái tử, Hoàng tử Thân vương và Hoàng tôn Quận vương ngoài chính phi còn có một dạng thứ thất được hưởng một nửa thân phận chính thê, ấy chính là "Thứ phi". Theo đó, các thứ phi cũng được làm lễ thành hôn như chính phi, cũng có hưởng phẩm phục áo mũ ("Minh sử ghi là hàm Chính nhị phẩm"), cũng được yết kiến tổ tông triều Minh trong Phụng Tiên điện và cũng được sử dụng nghi trượng tương tự với các chính phi. Thế nhưng các thứ phi này vẫn phải thua chính phi ở một mức độ để biểu thị đích-thứ, như hôn lễ không Thân nghênh (親迎)[a], không Truyền chế (傳制)[b] và không làm lễ Thụ sách (受冊)[c]. Bên cạnh đó, loại nghi trượng mà thứ phi được dùng cũng phải giảm đi một lượng so với chính phi, đồng thời khi vào cửa cũng phải bái chính phi y hệt lễ bái chồng mình. Về chỗ ngồi ngày bái lạy trưởng bối, thứ phi ngồi ở chỗ hướng Đông gọi là "Đông tọa" (東坐), tức ở bên tay trái của "Chính tọa" (正坐) - nơi dành cho vương và chính phi[4].

Thời kỳ nhà Thanh định thân phận này bằng danh xưng Trắc phi (側妃), ứng với Trắc Phúc tấn[5]. Địa vị của họ cũng như thứ phi, đều có mũ áo và hôn lễ, thời kỳ trước Càn Long thì họ không khác gì các bình thê. Tuy nhiên sau thời kỳ Càn Long, trắc phi đã có một thân phận xa với chính phi, mặc dù đãi ngộ và vị trí của họ trong vương phủ vẫn cao hơn một quãng xa nếu so với các thị thiếp khác.

Thân phận Thiếp hầu sửa

Thân phận Thứ phi (庶妃), lại gọi Cung tần (宮嬪), thường dùng để chỉ các hầu thiếp trong hậu cung từ bậc Tần trở xuống, hoặc là một phương thức gọi chung các phi tần không có danh hiệu chính thức, hoặc không được phân ra rõ ràng. Chữ (庶) là từ chữ Hán chỉ tầng lớp bình thường trong 5 thân phận của xã hội Đông Á cổ đại[d], so với chữ (次) thì có khoảng cách rất lớn, vì thế cách gọi "Thứ phi" này là danh từ quy rộng nói đến thiếp hầu phận thấp.

Trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, "Thứ phi" chỉ là một danh xưng gọi các phi tần không rõ thân phận, nên cũng gọi là Cung nhân (宮人) hoặc Hậu cung (後宮)[6][7]. Thời kỳ nhà Hán đến nhà Đường, các thân phận nằm ngoài thứ hạng quy định trong hậu cung đều được liệt vào thứ phi, như Vương Chiêu Quân trước khi được gả sang Hung Nô thì trong một thời gian dài là thứ phi của Hán Nguyên Đế Lưu Thích với thân phận Lương gia tử (良家子)[8]. Vào đời Hán, thân phận "Lương gia tử" này tương ứng với Gia nhân tử[9][10], mà sách Hán thư có ghi rõ các Gia nhân tử chỉ nhận đãi ngộ theo mùa, thậm chí còn không được xét vào 14 bậc chính thức trong hậu cung vì không được đãi ngộ thạch gạo chính thức mà chỉ là đơn vị đấu[11][e]. Cá biệt còn có những thân phận tình nhân không rõ ràng của hoàng đế cũng được úp mở thân phận thứ phi, bao gồm Sào Lạt vương phi Dương thị của Đường Thái Tông Lý Thế Dân cùng Ngụy Quốc phu nhân Hạ Lan thị của Đường Cao Tông Lý Trị. Triều đại nhà Tống có cách phân biệt rất cụ thể các thứ phi và các phi tần có phong hiệu chính thức, họ gọi những thứ phi này là Ngự thị (御侍), và thông thường đều được phong tước vị của Mệnh phụQuận quân (郡君)[12]. Để phân biệt với Quận quân là mẹ hoặc vợ của quan viên triều đình, các Ngự thị được phong Quận quân đều sẽ được gọi theo hình thức: "Ngự thị (phong hiệu) Quận quân". Nơi ở của họ được triều đình gọi là "Hợp" (閤)[13], còn từ Ngũ phẩm Tài nhân trở lên gọi là "Phòng viện" (房院) để phân biệt[14]. Thời kỳ nhà Minh, dưới Hoàng hậu là các bậc Hoàng quý phi, Quý phi, Phi và Tần được quy định rõ ràng, những ai không có sách phong của hoàng đế thì được xưng là Cơ thị (姬侍)[15], thời Minh Thế Tông còn có cách gọi Vị phong Cung ngự (未封宫御)[16], nếu có ân sủng thì họ sẽ được hưởng ân thưởng theo quy tắc trong cung nhưng không có danh xưng. Mặc dù các thứ phi này tuy được thừa nhận là phi tần chính thức, nhưng đãi ngộ chính thức không được duy trì nhất quán, trong trường hợp hoàng đế băng hà thì các thứ phi có thể bị đem tuẫn táng cùng hoàng đế, họ không được dùng lễ an táng và cũng không được dựng bia mộ, chỉ có thể hỏa táng[17].

Thời Hậu Kim, các vị Thê thiếp của Hãn vương đều xưng Phúc tấn. Thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích, các bà vợ có địa vị cao nhất sẽ được goi là "Đại Phúc tấn", các bà vợ thứ có địa vị cao được xưng "Trắc Phúc tấn", còn lại sẽ được gọi là "Thứ Phúc tấn", tương đương danh xưng Hán ngữ là "Chính phi", "Trắc phi" cùng "Thứ phi"[5]. Sau khi nhập quan, hậu cung nhà Thanh hai thời kỳ Thuận Trị cùng Khang Hi ngoài "Tần" trở lên thì còn có 3 bậc đãi ngộ, lần lượt là: Phúc tấn (福晉), Tiểu Phúc tấn (小福晉) cùng Cách cách (格格), sử ký ghi lại thường gọi họ là "Thứ phi"[5][18]. Lúc này vì lý do lễ nghi và tư duy thời kỳ ban sơ, hiện tượng các phi tần triều Thanh "không có phong hiệu chính thức dù có đãi ngộ" đã trở nên hết sức bình thường, như Hiếu Khang Chương Hoàng hậu - mẹ của Khang Hi Đế, sinh thời chỉ là một thứ phi có đãi ngộ hàng "Phúc tấn", hoàn toàn không có phong vị chính thức. Đến thời Khang Hi, triều đình nhà Thanh đã ban định Bát đẳng Hậu phi (八等后妃), trừ Hoàng hậu ra thì phi tần các cấp bậc như sau:

  1. Hoàng quý phi: 1 người tại vị;
  2. Quý phi: 1 người tại vị; đến thời Càn Long đổi thành 2 người tại vị;
  3. Phi: 4 người tại vị;
  4. Tần: 6 người tại vị;
  5. Quý nhân: không hạn định;
  6. Thường tại: không hạn định;
  7. Đáp ứng: không hạn định;

Và dù đã ban ra 8 bậc này, thế nhưng hậu cung suốt thời kỳ Khang Hi vẫn còn có rất nhiều người đương thời chỉ là thứ phi, song đãi ngộ lại dùng các nhu thiết của các bậc đã quy định ở trên, ví dụ như Khác Huệ Hoàng quý phi lẫn Tuyên phi đều từng có những đãi ngộ hàng Phi; lại như Bình phi Hách Xá Lý thị từ khi vào cung lần lượt từ đãi ngộ Quý nhân lên thẳng đãi ngộ hàng Phi, nhưng đến khi qua đời thì bà mới được triều đình định phong hiệu là "Bình".

Sang thời Ung Chính, các cung nữ được sủng hạnh đều có đãi ngộ thuộc hàng phi tần dù danh phận không rõ ràng, họ là các Quan nữ tử. Bởi vì chỉ từ Tần trở lên mới nhận sách phong và có phong hiệu, Quý nhân trở xuống trong hậu cung nhà Thanh vẫn tương ứng cách gọi thứ phi, họ không được hưởng phong hiệu mà chỉ gọi bằng xưng hiệu và không được ban áo mũ chính thức.

Chế độ nhà Nguyễn sửa

Cũng như các triều đại khác, Hậu cung nhà Nguyễn cũng vẫn có những thứ dạng được liệt vào hàng thứ phi, ấy là Cung nhân (宮人), Cung nga (宮娥) cùng Thị nữ (侍女).

Đây là những thứ phi ở nội đình đông đảo nhất, nhiều hơn các phi tần có sách phong bậc cung giai, tức là từ Tài nhân trở lên. Nhận định này được xác định thông qua sự xuất hiện các bài vị của Cung nhân, Cung nga, Thị nữ chiếm rất nhiều trong các điện thờ trên các lăng tẩm triều Nguyễn. Tuy nhiên, các thứ phi này không có sách phong chính thức nào cả, là mức cơ bản nhất của người được chọn làm thứ phi khi mới vào nội đình, sau đó có biểu hiện tốt thì mới sách phong lên bậc cao. Hằng năm, Nội vụ phủ sẽ cung cấp đồ mùa xuânmùa đông chia đều cho các cấp bậc từ thứ phi đến nữ quan thị tỳ.

Xem thêm sửa

Chú thích sửa

  1. ^ Lễ này thì chú rể sẽ cưỡi ngựa đến tận nơi ở của cô dâu rước lên kiệu, sau đó đi trước hàng rước dâu để về phủ đệ. Đối với hôn lễ Đông Á và nhất là ở Trung Quốc, nghi thức này rất quan trọng.
  2. ^ Tức là "Truyền ra lệnh của nhà Vua", thời Minh dùng hình thức "Truyền chế" đối với việc phong tước có phẩm vị cao, như lập hoàng hậu và thái tử, phong hoàng phi cùng vương công đều dùng hình thức này. Sách phong các chính phi của hoàng tử vương cũng dùng phép này, nhưng đối với thứ phi lại không dùng.
  3. ^ Trong Minh sử ghi rõ "Bất phát Sách" (不發冊; không ban Sách), trong đó "Sách" là một cuốn sách bằng kim loại (thường là vàng hoặc bạc), cũng có thể là lụa, trên đó ghi những lời truyền dụ từ nhà vua, lý do người này được ban tước. Khi nhận sách sẽ gọi là "lễ Thụ sách", cực kỳ long trọng do có sứ giả từ nhà vua truyền đến. Nói cách khác, "Sách" là một dạng "chứng chỉ" của người được nhận tước vị đối với các nền quân chủ Nho Khổng.
  4. ^ Bao gồm Thiên tử (天子), Chư hầu (諸侯), Đại phu (大夫), (士) và Thứ nhân (庶人).
  5. ^ Lượng từ, đơn vị dung lượng: 10 Thăng (升) là 1 Đấu (斗), mà 10 Đấu ứng với 1 Thạch (石).

Tham khảo sửa

  1. ^ Âu Dương Tuân (624), quyển 115: 《世本》曰:帝嚳卜其四妃之子,皆有天下,元妃有邰氏之女,曰姜嫄,生后稷,次妃有娀氏之女,曰簡狄,生契,次妃陳酆氏慶都,生帝堯,次妃娵訾氏,生帝摯。
  2. ^ Đỗ Hựu (801), quyển 34: 昔帝嚳有四妃,以象后妃四星。其一明者為正妃,餘三小者為次妃。
  3. ^ Lý Phưởng (984), quyển 81: 有二妃,元妃娥皇無子,次妃女英生商均。次妃登北氏,生二女:霄明、燭光。
  4. ^ Trương Đình Ngọc (1739), quyển 55: 太祖之世,皇太子、皇子有二妃。洪武八年十一月,徵衛國公鄧愈女為秦王次妃,不傳制,不發冊,不親迎。正副使行納徵禮,冠服擬唐、宋二品之制,儀仗視正妃稍減。婚之日,王皮弁服,導妃謁奉先殿。王在東稍前,妃西稍後。禮畢入宮,王與正妃正坐,次妃詣王前四拜,復詣正妃前四拜。次妃東坐,宴飲成禮。次日朝見,拜位如謁殿。謁中宮,不用棗慄腶脩,餘並同。
  5. ^ a b c Triệu Nhĩ Tốn (1927), quyển 214: 太祖諸妃稱側妃者四:伊爾根覺羅氏,子一,阿巴泰,女一,下嫁達爾漢;納喇氏,孝慈皇后女弟,女一,下嫁固爾布什;其二皆無出。稱庶妃者五:兆佳氏,子一,阿拜;鈕祜祿氏,子二,湯古代、塔拜;嘉穆瑚覺羅氏,子二,巴布泰、巴布海,女三,下嫁布占泰、達啟、蘇納;西林覺羅氏,子一,賴慕布;伊爾根覺羅氏,女一,下嫁鄂托伊。
  6. ^ Lưu Hu, quyển 86: 高宗八男:則天順聖皇后生中宗、睿宗及孝敬皇帝弘、章懷太子賢,後宮劉氏生燕王忠,鄭氏生原王孝,楊氏生澤王上金,蕭淑妃生許王素節。
  7. ^ Âu Dương Tu, Tống Kỳ, quyển 81: 睿宗六子:肅明皇后生憲,宮人柳生捴,昭成皇后生玄宗皇帝,崔孺人生範,王德妃生業,後宮生隆悌。
  8. ^ Ban Cố, quyển 94: 竟寧元年,單于復入朝,禮賜如初,加衣服錦帛絮,皆倍於黃龍時。單于自言願婿漢氏以自親。元帝以後宮良家子王牆字昭君賜單于。
  9. ^ Ban Cố, quyển 97: 皇孫妻妾無號位,皆稱家人子。
  10. ^ Ban Cố, quyển 97: 顏師古注:「家人子者,言采擇良家子,以入官未有職位,但稱家人子。」
  11. ^ Ban Cố, quyển 97: 漢興,因秦之稱號,帝母稱皇太后,祖母稱太皇太后,適稱皇后,妾皆稱夫人。又有美人、良人、八子、七子、長使、少使之號焉。至武帝制婕妤、娙娥、傛華、充依,各有爵位,而元帝加昭儀之號,凡十四等云。昭儀位視丞相,爵比諸侯王。婕妤視上卿,比列侯。娙娥視中二千石,比關內侯。傛華視真二千石,比大上造。美人視二千石,比少上造。八子視千石,比中更。充依視千石,比左更。七子視八百石,比右庶長。良人視八百石,比左庶長。長使視六百石,比五大夫。少使視四百石,比公乘。五官視三百石。順常視二百石。無涓、共和、娛靈、保林、良使、夜者皆視百石。上家人子、中家人子視有秩斗食云。
  12. ^ Thoát Thoát (1345), quyển 242: 楊德妃,定陶人。天聖中,以章獻太后姻連,選為御侍,封原武郡君,進美人。
  13. ^ Lý Đảo (1184), quyển 189: 丁卯,以御侍安定郡君周氏為美人。自溫成之沒,後宮得幸者凡十人,謂之十閤,周氏、董氏及溫成之妹皆與焉。
  14. ^ Lý Đảo (1184), quyển 520: 宮中呼嬪御郡君、才人以上為房院。
  15. ^ Thẩm Đức Phù, quyển 3: 至文皇帝嫔御,自贤妃而下,凡二十馀人,无一得「皇」字者。至宣宗孝恭后后,而「皇」字始专属贵妃矣。又如后宫姬侍列在鱼贯者,一承天眷,次日报名谢恩,内廷即以异礼待之,主上亦命铺宫以待封拜。
  16. ^ Hội đồng biên soạn nhà Minh, "Thế Tông Túc Hoàng đế thực lục"・quyển 524: 未封宫御武氏卒,追封常殡,丧礼如康嫔刘氏例。
  17. ^ Thẩm Bảng (1593): 令甲,宮人有故,非有名稱者,不賜墓,則出之禁城後順貞門旁右門,承以斂具,舁出玄武門,經北上門、北中門,達安樂堂,授其守者,召本堂土工移北安門外停尸房在北安門外牆下,易以朱棺,禮送之靜樂堂火葬塔井中,莫敢有他者。
  18. ^ Triệu Nhĩ Tốn (1927), quyển 214: 又在三妃前,世祖庶妃有子女者,又有八人:穆克圖氏,子永幹,八歲殤;巴氏,子鈕鈕,為世祖長子,二歲殤,女二,一六歲殤,一七歲殤;陳氏,子一,常寧;唐氏,子一,奇授,七歲殤;鈕氏,子一,隆禧;楊氏,女一,下嫁納爾杜;烏蘇氏,女一,八歲殤;納喇氏,女一,五歲殤。。。其卒於康熙中及雖下逮雍正、乾隆而未尊封者,又有:。。。庶妃,鈕祜祿氏,女一;張氏,女二;王氏,女一;劉氏,女一:皆殤。
Nguồn tham khảo
  • Đỗ Hựu (801). Thông điển - Chức quan thập lục - Hậu phi.
  • Lý Phưởng (984). Thái bình ngự lãm - Hoàng vương bộ lục - Đế Thuấn Hữu Ngu thị.
  • Âu Dương Tuân (624). Nghệ văn loại tụ.
  • Triệu Nhĩ Tốn (1927). Thanh sử cảo - Liệt truyện Hậu phi.
  • Thẩm Bảng (1593). Uyển thự tạp ký.
  • Ban Cố. Hán thư.
  • Lưu Hu. Cựu Đường thư.
  • Âu Dương Tu, Tống Kỳ. Tân Đường thư.
  • Trương Đình Ngọc (1739). Minh sử.
  • Thoát Thoát (1345). Tống sử.
  • Lý Đảo (1184). Tục tư trị thông giam trường biên.
  • Hội đồng biên soạn nhà Minh. Minh thực lục.
  • Thẩm Đức Phù. Vạn Lịch dã hoạch biên.