Đế quốc Parthia

Đế quốc của người Iran ở Trung Đông (247 TCN - 224 CN)

Đế chế Parthia hay còn được gọi là Đế chế Arsaces (247 TCN – 224 CN)[9] (tiếng Việt trong một số tài liệu Phật giáo còn dịch Parthia là An Tức[10]) là một quốc gia của người IranTrung Đông, có nền chính trị và quân sự phát triển mạnh, và là đối thủ đáng gờm của Đế quốc La Mã trên miền đất này.[11] Đế quốc này do vua Arsaces I sáng lập, gắn liền với nhà Arsaces [12] có nguồn gốc từ Parthia (đại khái ở tây bộ Khurasan, thuộc miền đông bắc Iran)[13]. Sau đó là một satrap (tỉnh) trong cuộc nổi loạn chống lại đế chế Seleukos. Mithridates I của Parthia (cai trị: 171-138 TCN) đã mở rộng đế chế bằng cách chiếm lấy Media (thuộc phía Tây Bắc Iran) và Lưỡng Hà từ vương quốc Seleukos. Vào thời kì đỉnh cao, Đế quốc Parthia trải dài từ phía bắc của sông Euphrates, nay là phía đông Thổ Nhĩ Kỳ, tới phía đông Iran. Đế quốc này nằm án ngữ trên con đường tơ lụa nối liền Đế chế La Mã ở lưu vực Địa Trung Hải với Nhà Hán ở Trung Quốc, và vì thế nó nhanh chóng trở thành một trung tâm thương mại và mậu dịch.

Đế quốc Parthia
Tên bản ngữ
  • 𐭀𐭓𐭔𐭊 • Aršak
247 TCN–224 CN
Cương thổ đế quốc Parthia vào thời điểm rộng lớn nhất.
Cương thổ đế quốc Parthia vào thời điểm rộng lớn nhất.
Thủ đôCtesiphon,[1] Ecbatana, Hecatompylos, Susa, Mithradatkirt, Asaak, Rhages
Ngôn ngữ thông dụngHy Lạp (chính thức),[2] Parthia (chính thức),[3] Ba Tư, Aram (lingua franca),[2][4] Akkad[1]
Tôn giáo chính
Hỏa giáo
Tôn giáo Babylon[5]
Chính trị
Chính phủQuân chủ phong kiến[6]
Shahanshah 
• 247–211 TCN
Arsaces I (đầu)
• 208–224 CN
Artabanus V (cuối)
Lập phápMegisthanes
Lịch sử
Thời kỳCổ đại cổ điển
• Thành lập
247 TCN
• Giải thể
224 CN
Địa lý
Diện tích 
• 0[7][8]
2.800.000 km2
(1.081.086 mi2)
Kinh tế
Đơn vị tiền tệĐồng đracma
Tiền thân
Kế tục
Đế quốc Seleukos
Đế quốc Sassanid
Đế quốc Quý Sương

Là triều đại lấn chiếm đất và kế tục nhà Seleukos cùng với một số diadochi (sứ quân của Macedonia - Hy Lạp) khác, các vị vua Parthia, khác với các diadochi, đã trở thành triều đại bản xứ của dân Iran, mặc dù họ yêu thích nền văn minh Hy Lạp đến mức tự nhận là philhellenes (bạn của những người Hy Lạp) trên những đồng tiền mà họ ban hành. Các vị vua chấp nhận nghệ thuật, kiến trúc, niềm tin tôn giáo, và huy hiệu hoàng gia của đế chế có văn hóa không đồng nhất của họ, bao gồm các nền văn hóa của Ba Tư, Hy Lạp và văn hóa khu vực. Khoảng nửa đầu của sự tồn tại của đế chế, triều đình nhà Arsaces đã thông qua các yếu tố văn hóa Hy Lạp, mặc dù cuối cùng đã có sự hồi sinh dần dần của truyền thống Iran. Các nhà vua triều đại Arsaces đã sử dụng danh hiệu là "Vua của các vua", như một tuyên bố là người thừa kế thực sự Đế chế Achaemenes (triều đại đầu tiên của người Ba Tư (nay thuộc Iran) được biết đến trong lịch sử), họ chấp nhận nhiều vị vua địa phương như các chư hầu lệ thuộc, hay là các phó vương, và sẽ phải do chính quyền Trung ương chỉ định, mặc dù phần lớn đều tự trị, Triều đình đã chỉ định một số lượng nhỏ các phó vương, chủ yếu là bên ngoài Iran, nhưng các satrap này nhỏ hơn và ít mạnh mẽ hơn so với những người cai trị địa phương dưới thời Achaemenes. Với việc mở rộng quyền lực của nhà Arsaces, chính quyền trung ương đã chuyển từ Nisa, Turkmenistan tới Ctesiphon dọc theo sông Tigris (phía nam Baghdad, Iraq), mặc dù một số nơi khác cũng từng là kinh đô.

Những kẻ thù đầu tiên của đế quốc Parthia là vương quốc Seleukos ở phía tây và người Scythia ở phía đông. Tuy nhiên, vì Parthia mở rộng về phía tây, họ bước vào cuộc xung đột với Vương quốc Armenia, và cuối cùng Cộng hòa La Mã. La Mã và Parthia đã cạnh tranh với nhau nhằm biến các vị vua của Armenia trở thành chư hầu của họ. Người Parthia đã đánh bại Marcus Licinius Crassus trong trận Carrhae vào năm 53 trước Công nguyên, và trong năm 40-39 trước Công nguyên, lực lượng Parthia đã chiếm được toàn bộ vùng Cận Đông - ngoại trừ Týros - từ tay của người La Mã. Sau đó, Marcus Aurelius đã tiến hành một cuộc phản công chống lại Parthia, tuy nhiên những thành công của ông ta thường có được chỉ khi ông ta vắng mặt, dưới sự lãnh đạo của tạm quyền của Ventidius. Ngoài ra, một số hoàng đế La Mã cũng đã tiến hành xâm chiếm Lưỡng Hà trong các cuộc chiến tranh La Mã-Parthia diễn ra sau đó. Người La Mã chiếm được thành phố Seleucia và Ctesiphon nhiều lần trong những cuộc xung đột. Tuy vậy, những cuộc nội chiến giữa những thế lực tranh giành ngai vàng của Parthia lại tỏ ra nguy hiểm hơn so với mối đe dọa đến từ các thế lực ngoại xâm, và quyền lực của Parthia biến mất khi Ardashir I, vua chư hầu của Estakhr ở Fars, nổi dậy chống lại triều đại Arsaces và giết chết vị vua cuối cùng của họ, Artabanus IV, trong năm 224 CN. Ardashir đã thành lập Đế chế Sassanid, cai trị Iran và phần lớn vùng Cận Đông cho đến khi những cuộc chinh phục Hồi giáo xảy ra vào thế kỷ thứ VII, mặc dù vậy triều đại Arsaces vẫn tồn tại thông qua triều đại Arsaces của Armenia, triều đại Arsaces của Iberia, và triều đại Arsaces của Albania Kavkaz; Tất cả đều là các dòng thứ của nhà Arsaces ở Parthia.

Các văn tự bản địa của người Parthia, được viết bằng tiếng Parthia, tiếng Hy Lạp và các ngôn ngữ khác, lại rất hiếm khi so sánh với các văn tự của nhà AchaemenidSassanid. Ngoài những tấm bảng viết bằng chữ hình nêm còn sót lại rải rác, những mảnh vỡ Ostracon, các bản khắc đá, tiền xu drachma, và một vài ghi chép trên giấy da, phần lớn lịch sử Parthia chỉ được biết đến thông qua các nguồn đến từ bên ngoài. Chủ yếu đến từ các tác phẩm lịch sử của người Hy Lạp và La Mã, ngoài ra còn trong cả những tác phẩm của người Trung Quốc, thông qua mong muốn thúc đẩy một liên minh chống lại người Hung Nô của Triều đại Nhà Hán[14].

Lịch sử

sửa

Nguồn gốc và sự hình thành

sửa
 
Đồng drachma bạc của Arsaces I của Parthia (cai trị 247–211 trước Công nguyên) với một dòng chữ Hy Lạp với tên của ông (ΑΡΣΑΚΟΥ)

Trước khi Arsaces I của Parthia sáng lập ra nhà Arsaces, ông là thủ lĩnh của người Parni, một bộ lạc người Iran ở Trung Á cổ đại và là một trong một số những bộ tộc du mục trong liên minh Dahae.[15] Người Parni rất có thể đã nói một ngôn ngữ ở miền Đông Iran, trái ngược với các ngôn ngữ tây bắc Iran cùng thời ở Parthia.[16] Vùng đất ban đầu nằm dưới sự cai trị của triều đại Achaemenes, sau đó là đế chế Seleukos.[17] Sau khi chinh phục vùng đất này, người Parni chấp nhận tiếng Parthia là ngôn ngữ chính thức trong triều đình, nói nó cùng với ngôn ngữ ở miền Trung Ba Tư, tiếng Aramaic, Hy Lạp, Babylon, Sogdia và các ngôn ngữ khác trong vùng lãnh thổ đa ngôn ngữ, mà họ sẽ chinh phục.[18]

Lý do tại sao triều đình Arsaces đã chọn năm 247 trước Công nguyên là năm đầu tiên của thời đại Arsaces là không chắc chắn. A.D.H. Bivar kết luận rằng đây là năm vương quốc Seleukos đánh mất quyền kiểm soát Parthia của về tay Andragoras, vị phó vương được bổ nhiệm đã nổi dậy chống lại họ. Do đó, Arsaces I đã "tính thời gian thuộc triều đại của mình" từ thời điểm này khi sự kiểm soát của Seleukos với Parthia đã chấm dứt.[19] Tuy nhiên, Vesta Sarkhosh Curtis khẳng định rằng điều này chỉ đơn giản là năm Arsaces được tôn lên làm tộc trưởng của bộ tộc Parni.[20] Homa Katouzian[21] và Gene Ralph Garthwaite[22] lại cho rằng đó là năm Arsaces chinh phục Parthia và đánh đuổi các quan lại của nhà Seleukos, nhưng Curtis,[20] và Maria Brosius[23] lại cho rằng Andragoras đã không bị lật đổ bởi triều đại Arsaces cho đến năm 238 trước Công nguyên.

Hiện nay vẫn chưa rõ ràng rằng ai là người đã trực tiếp kế vị Arsaces I sau đó,[24] Bivar và Katouzian[21] khẳng định rằng đó là em trai của ông Tiridates I của Parthia, ông ta sau đó đã tiếp tục được kế vị bởi con trai của mình là Arsaces II của Parthia vào năm 211 trước Công nguyên. Tuy nhiên, Curtis[25] và Brosius[26] cho rằng Arsaces II là người đã trực tiếp kế vị Arsaces I, cùng với đó Curtis tuyên bố rằng sự kế vị đã diễn ra vào năm 211 trước Công nguyên và Brosius cho là trong năm 217 trước Công nguyên. Bivar khẳng định rằng năm 138 trước Công nguyên, năm cuối cùng của triều đại Mithridates I, là "niên đại một cách chính xác cho triều đại đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Parthia."[27] Do những khác biệt này và khác, Bivar đã lập ra hai biên niên sử hoàng gia khác nhau và chúng đã được các sử gia chấp nhận. Sau đó, một số quân chủ Parthia còn tự nhận là có dòng dõi Achaemenes. Tuyên bố này đã được chứng minh thông qua các nghiên cứu gần đây về tiền xu và các ghi chép lịch sử, chúng chỉ ra rằng vị vua của cả hai triều đại Achaemenes lẫn Parthia đều mắc một căn bệnh di truyền là U sợi thần kinh (Neurofibromatosis).[28]

 
Parthia, được tô màu vàng đậm, nằm sát cạnh đế quốc Seleukos (xanh) và Cộng hòa La Mã (màu tía) vào khoảng năm 200 TCN

Vào khoảng thời gian đó, Arsaces đã củng cố các vùng đất của mình ở ParthiaHyrcania bằng cách tận dụng các cuộc xâm lược của Seleukos tiến hành ở vùng lãnh thổ ở phía tây nhằm vào Ptolemaios III Euergetes (khoảng năm 246-222 trước Công nguyên) của Ai Cập. Cuộc chiến này với nhà Ptolemaios, cuộc chiến tranh Syria lần thứ ba (246-241 trước Công nguyên), cũng cho phép Diodotos I nổi loạn và hình thành nên Vương quốc Hy Lạp-Bactria ở Trung Á. Vị vua kế vị tiếp theo đó, Diodotus II, đã thành lập một liên minh với Arsaces nhằm chống lại vương quốc Seleukos, nhưng Arsaces đã tạm thời bị đánh đuổi khỏi Parthia bởi quân đội của Seleukos II Kallinikos (khoảng năm 246-225 trước Công nguyên). Sau một thời gian sống lưu vong giữa những bộ tộc du mục Apasiacae, Arsaces đã tiến hành một cuộc phản công và chiếm lại Parthia.[29] Vị vua kế vị của Seleukos II,[30] Antiochus III Đại đế (cai trị: 222-187 trước Công nguyên), đã không thể ngay lập tức phản công bởi vì quân đội của ông ta đang phải tham gia vào việc dập tắt cuộc nổi loạn của Molon ở Media.[30]

Antiochos III sau đó đã phát động một chiến dịch lớn để chiếm lại ParthiaBactria trong năm 210 hoặc 209 trước Công nguyên. Ông ta đã không thành công, nhưng đã thương lượng một giải pháp hòa bình với Arsaces II. Điều này về sau đã mang đến cho Antiochus danh hiệu basileos.[31] Vương quốc Seleukos đã không thể tiếp tục ngăn cản sự trỗi dậy của Parthia sau khi Cộng hòa La Mã đánh bại họ trong trận Magnesia vào năm 190 trước Công nguyên.[31] Phriapatius của Parthia (cai trị: khoảng năm 191-176 trước Công nguyên) đã kế vị Arsaces II, tiếp đó là Phraates I của Parthia (cai trị: 176-171 trước Công nguyên). Phraates I cai trị Parthia mà không có sự can thiệp thêm bởi vương quốc Seleukos.[32]

Xâm chiếm và củng cố

sửa
 
Phù điêu chạm khắc trên vách đá của vua Mithridates I (cai trị: 171–138 trước Công nguyên), tại Kong-e Ashdar, thành phố Izeh, tỉnh Khūzestān, Iran

Phraates I được ghi nhận là đã mở rộng tầm kiểm soát Parthia vượt qua cửa ải của Alexandros và chiếm đóng Apamea Ragiana, địa điểm này hiện nay là không rõ.[33] Tuy nhiên, sự bành trướng lớn nhất về quyền lực lẫn lãnh thổ của Parthia đã diễn ra trong thời cai trị của người em và là người kế vị Mithridates I của Parthia (cai trị: 171-138 trước Công nguyên),[26] người mà Katouzian đã so sánh với vị vua khai quốc của đế chế Achaemenes Cyrus Đại đế (mất 530 trước Công nguyên).[21]

Quan hệ giữa Parthia và vương quốc Hy Lạp-Bactria trở nên xấu đi sau khi Diodotus II bị lật đổ, khi đó Mithridates xâm chiếm hai tỉnh của vương quốc này, khi đó đang nằm dưới sự cai trị của vua Eucratides I (cai trị: 170-145 trước Công nguyên).[34] Tiếp đó Mithridates chuyển sự chú ý của mình tới các vùng đất của vương quốc Seleukos, ông xua quân xâm lược xứ Media và chiếm đóng thành Ecbatana trong năm 148 hoặc 147 trước Công nguyên; khu vực này gần đây đã mất ổn định sau khi nhà Seleukos đàn áp một cuộc nổi loạn do Timarchus dẫn đầu.[35] Thắng lợi này được tiếp nối bằng việc chiếm đóng thành Babylon ở vùng Lưỡng Hà, và tại đây vào năm 141 trước Công nguyên, Mithridates đã ban hành những tiền xu của mình được đúc tại Seleucia, cố đô của Seleukos.[36] Trong khi Mithridates quay trở về an dưỡng tại Hyrcania, quân đội của ông đã chinh phục các vương quốc ElymaisCharacene, đồng thời chiếm được thành Susa.[36] Vào khoảng thời này, Parthia còn mở rộng quyền lực xa về phía đông tới tận sông Indus.[37]

Trong khi Hecatompylos đã được chọn như là kinh đô đầu tiên của Parthia, Mithridates đã quyết định thiết lập các hoàng cung tại Seleucia, Ecbatana, Ctesiphon và ở thành phố mới được thành lập của mình, Mithradatkert (Nisa, Turkmenistan), đây là nơi mà các lăng mộ của những vị vua Arsaces được xây dựng và duy trì.[38] Ecbatana trở thành nơi cư trú vào mùa hè chính dành cho hoàng gia Arsaces.[39] Ctesiphon đã không trở thành kinh đô chính thức cho đến triều đại của Gotarzes I của Parthia (cai trị: 90-80 trước Công nguyên).[40] Nó trở thành nơi diễn ra lễ đăng quang của hoàng gia và là thành phố đại diện cho triều đại Arsaces, theo Brosius.[41]

Vương quốc Seleukos đã không thể phản kháng ngay lập tức vì tướng Diodotus Tryphon đã tiến hành một cuộc nổi loạn tại kinh đô Antioch vào năm 142 trước Công nguyên.[42] Tuy nhiên, tới năm 140 trước Công nguyên, Demetrius II Nicator đã có thể tiến hành một cuộc kháng chiến chống lại người Parthia ở Lưỡng Hà. Mặc dù đạt được những thành công ban đầu, vương quốc Seleukos đã bị đánh bại và Demetrios bị người Parthia bắt làm tù binh và bị đưa đến Hyrcania. Ở đó Mithridates đã đối xử tử tế với tù nhân của mình; Demetrios thậm chí kết hôn với con gái của ông, Rhodogune của Parthia.[43]

 
Drachma của Mithridates I của Parthia, cho thấy ông có râu và đội vương miện hoàng gia trên đầu mình

Antiochus VII Sidetes (cai trị:138-129 TCN), em trai của Demetrios, lên ngôi vua Seleukos và kết hôn với Cleopatra Thea. Sau khi đánh bại Diodotus Tryphon, Antiochos khởi xướng một chiến dịch vào năm 130 trước Công nguyên để chiếm lại Lưỡng Hà, bây giờ nằm dưới sự cai trị của Phraates II của Parthia (cai trị: 138-128 TCN). tướng Indates của Parthia đã bị đánh bại dọc theo sông Đại Zab, theo sau là một cuộc nổi dậy địa phương nơi mà tổng đốc người Parthia của Babylon đã bị giết chết. Antiochos chinh phục Babylon và chiếm Susa, tại đây ông ta đã đúc những đồng tiền kim loại của mình.[44] Sau khi quân đội của ông ta tiến vào Media, người Parthia đã cầu hòa, tuy nhiên Antiochos đã từ chối chấp nhận trừ khi triều đại Arsaces phải từ bỏ tất cả các vùng đất của mình trừ Parthia, ngoài ra còn phải trả một khoản cống nạp nặng nề, và thả ngay Demetrios đang bị giam cầm. Nhà Arsaces thả tự do cho Demetrios và đưa ông ta đến Syria, nhưng từ chối các yêu cầu khác.[45] Mùa xuân năm 129 TCN, người Medes tiến hành một cuộc nổi dậy công khai chống lại Antiochos, vì quân đội của ông đã lấy đi hết các nguồn lương thực của người dân địa phương trong mùa đông. Trong khi cố gắng dập tắt các cuộc nổi dậy, đội quân chủ lực của người Parthia đã tiến vào khu vực và giết chết Antiochos trong trận chiến. Thi hài của ông ta đã được đưa trở lại Syria trong một quan tài làm bằng bạc; người con trai tên Seleukos của ông ta đã trở thành một con tim tại triều đình Parthia[46] và một người con gái bị đưa vào hậu cung của Phraates.[47]

Trong khi người Parthia lấy lại được các lãnh thổ bị mất ở phía tây, một mối đe dọa lớn khác xuất hiện ở phía đông. Năm 177-176 trước Công nguyên, người du mục Hung Nô đã đánh đuổi người du mục Nguyệt Chi khỏi quê hương của họ mà bây giờ là tỉnh Cam Túc ở tây bắc Trung Quốc[48]; người Nguyệt Chi sau đó di chuyển về phía tây vào Bactria và xua đuổi các bộ bộ lạc Saka (người Scythia). Người Saka đã bị buộc phải di chuyển xa hơn về phía tây, và nơi mà họ xâm chiếm chính là biên giới phía đông bắc của Đế chế Parthia.[49] Và vì thế Mithridates đã buộc phải rút trở về Hyrcania sau cuộc chinh phục Lưỡng Hà của mình[50]

Một số người Saka đã sẵn sàng tham gia vào quân đội của Phraates chống lại Antiochos. Tuy nhiên, họ đã đến quá trễ để tham gia vào cuộc chiến. Khi Phraates từ chối trả tiền lương của họ, người Saka sau đó nổi loạn, và khi mà ông ta cố gắng dập tắt cuộc nổi loạn với sự trợ giúp của các cựu binh Seleukos, nhưng họ cũng đào ngũ khỏi Phraates và gia nhập với người Saka.[51] Phraates II tiến quân đến chống lại liên quân này, nhưng ông lại tử trận sau đó.[52] Sử gia La Mã, Justin ghi lại rằng vị vua kế vị ông là Artabanus I của Parthia (cai trị: 128-124 TCN) cũng đã tham gia vào cuộc chiến tranh chống lại những người du mục ở phía đông. Ông ta tuyên bố rằng Artabanus đã bị người Tochigi sát hại (được xác định là người Nguyệt Chi), mặc dù Bivar tin rằng Justinus coi họ như người Saka.[53] Mithridates II của Parthia (cai trị: 124-90 TCN) sau đó đã phục hồi được các vùng đất bị mất vào tay người Saka ở Sistan.[54]

 
Tấm vải lụa Trung Quốc từ Mã Vương Đôi, thế kỷ II TCN, Triều đại Nhà Hán;[55]

Sau khi đế chế Seleukos rút khỏi Lưỡng Hà, thống đốc Parthia của Babylon, Himerus, được lệnh của triều đình Arsaces phải chinh phục Characene, mà lúc đó được cai trị bởi Hyspaosines từ Charax Spasinu. Khi việc này không thành công, Hyspaosines xâm lược Babylon vào năm 127 trước Công nguyên và chiếm Seleucia. Tuy nhiên, năm 122 TCN, Mithridates II đa buộc Hyspaosines phải rút khỏi Babylon và biến các vị vua Characene thành chư hầu dưới quyền bá chủ của Parthia.[56] Sau khi Mithridates mở rộng sự cai trị của Parthia xa hơn nữa về phía tây, chiếm Dura-Europos vào năm 113 trước Công nguyên. Ông lại bị lôi kéo vào cuộc xung đột với Vương quốc Armenia.[57] Quân đội của ông đã đánh bại và lật đổ vua Artavasdes I của Armenia trong năm 97 trước Công nguyên, bắt làm con tin người con trai Tigranes của ông ta, người sau này sẽ trở thành Tigranes II "Đại đế" của Armenia (cai trị: 95-55 trước Công nguyên).[58]

Vương quốc Ấn-Parthia, nằm ở Afghanistan, Pakistan, và miền Bắc Ấn Độ, đã xây dựng một liên minh với đế chế Parthia trong thế kỷ I trước Công nguyên.[59] Bivar tuyên bố rằng hai quốc gia từng được coi là có địa vị chính trị ngang nhau.[60] Sau khi nhà triết học Hy Lạp Apollonius của Tyana viếng thăm triều đình dưới triều đại Vardanes I của Parthia (cai trị: 40-47 CN) trong năm 42 CN. Vardanes cung cấp cho ông ta sự bảo vệ của một đoàn caravan khi ông du hành đến Ấn-Parthia. Khi Apollonius tới Taxila, kinh đô Ấn-Parthia, người chỉ huy đoàn caravan đọc thánh chỉ của Vardanes, có lẽ bằng văn bản trong tiếng Parthia, cho một quan chức Ấn Độ phải đối xử với Apollonius bằng sự mến khách nhất.[59]

Sau những chuyến thăm viếng ngoại giao của Trương Khiên tới Trung Á dưới triều Hán Vũ Đế của nhà Tây Hán (trị vì: 141 - 87 TCN), Đế chế Tây Hán của Trung Quốc đã gửi một phái đoàn đến triều đình của Mithridates II năm 121 trước Công nguyên. Phái đoàn sứ thần Tây Hán đã mở quan hệ thương mại chính thức với Parthia thông qua con đường tơ lụa nhưng đã không đạt được một liên minh quân sự chống lại liên minh Hung Nô như mong muốn.[61] Đế chế Parthia làm giàu bằng cách đánh thuế thương mại những đoàn tơ lụa Á Âu, loại hàng hóa xa hoa có giá cao nhất được người La Mã mua[62] Ngọc trai có giá trị cao được nhập từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc mua các gia vị của Parthia, nước hoa, và trái cây [63] động vật ngoại quốc cũng được đưa tới như là quà tặng từ nhà Arsaces tới triều đình Nhà Hán; trong năm 87, vua Pacorus II của Parthia đã gửi tặng sư tử và linh dương Ba Tư cho vua Chương Đế nhà Đông Hán (cai trị: 75-88) [64] Bên cạnh lụa tơ tằm, hàng hóa Parthia được mua bởi các thương gia La Mã bao gồm sắt từ Ấn Độ, gia vị, và đồ da tốt.[65] Những đoàn Caravan du hành thông qua đế chế Parthia mang thủy tinh Tây Á và đôi khi là hàng cao cấp của La Mã tới Trung Quốc.[66] Những thương nhân từ Sogdia, nói một ngôn ngữ Đông Iran, đóng vai trò trung gian chính trong ngành thương mại lụa trọng yếu này giữa Parthia và Nhà Hán.[67]

La Mã và Armenia

sửa
 
Drachma của Mithridates II của Parthia (cai trị: 124–90 TCN)

Người Nguyệt Chi thuộc đế quốc Quý Sương ở miền bắc Ấn Độ đã đảm bảo an ninh biên giới phía đông Parthia.[68] Như vậy, từ giữa thế kỷ I TCN trở đi, triều đình Arsaces tập trung vào việc đảm bảo biên giới phía tây, chủ yếu là chống lại La Mã[68]. Một năm sau khi Mithridates II chinh phục Armenia, Lucius Cornelius Sulla, tổng đốc tỉnh Cilicia của La Mã, đã gặp mặt với Orobazus, sứ thần của Parthia ở sông Euphrates. Cả hai đồng ý rằng dòng sông sẽ được coi như là biên giới giữa Parthia và La Mã, mặc dù Rose Mary Sheldon cho rằng Sulla chỉ có thẩm quyền truyền đạt lại những điều khoản này trở lại Roma.[69]

Bất chấp thỏa thuận này, trong năm 93 hoặc 92 TCN Parthia đã tham gia vào một cuộc chiến tranh ở Syria chống lại lãnh đạo bộ tộc Laodice và đồng minh Seleukos của bà là Antiochus X Eusebes (cai trị: 95-92 TCN?),[70] đã bị giết chết sau này.[70] Khi một trong những quốc vương Seleukos cuối cùng, Demetrius III Eucaerus, cố gắng bao vây Beroea (hiện nay là Aleppo), Parthia đã gửi quân trợ giúp cho các cư dân và Demetrios đã bị đánh bại.[71]

 
Drachma của vua Orodes I (cai trị. 90–80 TCN)

Tiếp sau triều đại của Mithridates II, Gotarzes I đã cai trị Babylon, trong khi Orodes I (cai trị 90-80 TCN) cai trị Parthia một cách riêng biệt.[72] Hệ thống này làm suy yếu chế độ quân chủ Parthia[72], và cho phép Tigranes II của Armenia sáp nhập vùng đất của Parthia ở phía tây vùng Lưỡng Hà. Vùng đất này sẽ không quay trở về tay của người Parthia cho đến tận triều đại của Sanatruces của Parthia (cai trị: 78-71 TCN)[73]. Sau khi cuộc chiến tranh Mithridatic lần thứ ba bùng nổ, Mithridates VI của Pontus (cai trị: 119-63 TCN), một đồng minh của Tigranes II của Armenia, đã yêu cầu sự trợ giúp từ Parthia nhằm chống lại người La Mã, nhưng Sanatruces từ chối giúp đỡ.[74] Khi viên chỉ huy La Mã Lucullus hành quân tới kinh đô Tigranocerta của Armenia trong năm 69 TCN, Mithridates VI và Tigranes II đã yêu cầu sự trợ giúp của Phraates III của Parthia. (cai trị: 71-58). Phraates đã không gửi quân cứu viện và sau khi Tigranocerta thất thủ, ông ta đã tái khẳng định với Lucullus rằng Euphrates chính là ranh giới giữa Parthia và La Mã.[75]

Tigranes Trẻ, con trai của Tigranes II của Armenia, sau khi không thể cướp ngôi vua Armenia từ cha mình. Ông này đã bỏ trốn sang cung đình của Phraates III và thuyết phục ông ta đem tiến quân đánh kinh đô mới của Armenia tại Artaxarta. Khi cuộc bao vây này không thành công, Tigranes Trẻ một lần nữa bỏ trốn, lần này là tới chỗ vị tướng La Mã là Pompey. Ông ta hứa hẹn với Pompeius rằng mình sẽ đóng vai trò như là một người dẫn đường xuyên qua Armenia, nhưng khi Tigranes II quy phục La Mã như là một vị vua chư hầu, Tigranes trẻ được đưa đến Roma làm con tin [76] Phraates đã yêu cầu Pompey giao lại Tigranes Trẻ cho ông, nhưng Pompeius từ chối. Để trả đũa, Phraates đã phát động một cuộc xâm lược vào Corduene (đông nam Thổ Nhĩ Kỳ), tại đây theo hai mâu thuẫn giữa những ghi chép của La Mã, chấp chính quan La Mã Lucius Afranius đã buộc người Parthia rút lui bằng một trong hai cách quân sự hay ngoại giao.[77]


Phraates III đã bị ám sát bởi những người con trai của ông là Orodes II của ParthiaMithridates III của Parthia, nhưng sau đó Orodes quay lại đánh Mithridates, buộc ông ta phải chạy trốn khỏi Media để tới tỉnh Syria của La Mã[78]. Aulus Gabinius, tổng đốc tỉnh Syria của La Mã, đã tiến quân trợ giúp cho Mithridates tới tận Euphrates, nhưng sau đó ông ta đã phải quay lại để hỗ trợ Ptolemaios XII Auletes (cai trị: 80-58, 55-51 TCN). dập tắt cuộc nổi loạn ở Ai Cập [79] Mặc dù mất sự ủng hộ La Mã dành cho mình, Mithridates đã thành công trong việc chinh phục Babylon, và đúc tiền xu ở Seleucia cho đến năm 54 trước Công nguyên. Trong năm đó, viên tướng của Orodes, chỉ được biết đến với tên gọi là Surena, đã chiếm lại Seleucia, và Mithridates đã bị hành quyết.[80]

Marcus Licinius Crassus, một trong Tam hùng, bây giờ là tổng đốc tỉnh của Syria, đã phát động một cuộc xâm lược vào Parthia trong năm 53 TCN nhằm hỗ trợ muộn màng cho Mithridates.[81] Khi quân đội của ông ta hành quân đến Carrhae (ngày nay là Harran, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ), Orodes II xâm lược Armenia, chia cắt sự hỗ trợ từ đồng minh của La Mã là Artavasdes II của Armenia (cai trị: 53-34 TCN). Orodes thuyết phục Artavasdes đi đến một liên minh hôn nhân giữa Thái tử Pacorus I của Parthia (mất năm 38 trước Công nguyên) với em gái của Artavasdes.[82]

Surena, với một đội quân hoàn toàn là kị binh, tiến quân đến để chống trả Crassus [83] Surena có 1.000 cataphract, trang bị thương, và 9.000 kị cung ít hơn với tỉ lệ khoảng 4-1 so với của quân đội Crassus, bao gồm bảy quân đoàn La Mã và quân trợ chiến bao gồm kị binh người Gaul và bộ binh nhẹ.[84] Họ sử dụng chiến thuật phát bắn của người Parthia, bằng cách sẽ giả vờ rút lui và chỉ quay người trở lại để bắn vào đối thủ của họ. Chiến thuật này, kết hợp với việc sử dụng loại cung tên hỗn hợp nặng trên đồng bằng phẳng đã đánh tan tác bộ binh của Crassus[85] Với khoảng 20.000 người La Mã chết. Khoảng 10.000 bị bắt, và khoảng 10.000 người khác trốn thoát về phía tây, Crassus bỏ chạy vào vùng nông thôn của Armenia[86]. Ở vị trí đứng đầu quân đội của mình, Surena tiếp cận Crassus, cho phép một cuộc thương lượng, mà Crassus chấp nhận. Tuy nhiên, ông đã thiệt mạng khi một trong những sĩ quan cấp dưới của mình, nghi ngờ đây là một cái bẫy, đã cố gắng ngăn chặn ông ta khi đi vào trại của Surena.[87]

 
Đồng aurei của La Mã in hình chân dung của Marcus Antonius (trái) và Octavianus (phải), được phát hành vào năm 41 TCN để kỷ niệm việc thành lập chế độ Tam Hùng lần thứ hai của bộ ba Octavianus, Antonius và Marcus Lepidus trong năm 43 TCN

Thất bại của Crassus tại Carrhae là một trong những thất bại quân sự tồi tệ nhất trong lịch sử quân sự của La Mã.[70] Chiến thắng của Parthia đã củng cố danh tiếng của nó như là một đối trọng hùng mạnh cân bằng quyền lực với La Mã [88] Cùng những sĩ quan tuỳ tùng, những tù binh và chiến lợi phẩm La Mã quý giá, Surena đã quay về Seleucia cách đó khoảng 700 km (430 mi) để ăn mừng chiến thắng ở đó. Tuy nhiên, do lo sợ rằng Surena có tham vọng một ngày nào đó sẽ cướp ngôi nhà Arsaces, Orodes đã hành quyết Surena chẳng bao lâu sau chiến thắng này.[70]

Được khuyến khích bởi chiến thắng trước Crassus, Parthia đã cố gắng để đánh chiếm các vùng lãnh thổ mà người La Mã nắm giữ ở Tây Á.[89] Thái tử Pacorus I và vị tướng của ông Osaces đã đột kích vào Syria xa tới tận Antioch trong năm 51 TCN, nhưng họ đã bị đẩy lùi bởi Gaius Cassius Longinus, ông ta đã phục kích và giết chết Osaces[90]. Nhà Arsaces đã ở cùng phe với Pompey trong cuộc nội chiến của ông ta chống lại Julius Caesar và thậm chí còn gửi quân để hỗ trợ các lực lượng chống hoàng đế Caesar trong trận Philippi năm 42 trước Công nguyên[91]. Quintus Labienus, một vị tướng trung thành của Cassius và Brutus, đã ở cùng phe với Parthia chống lại chế độ tam hùng lần thứ hai trong năm 40 trước Công nguyên, và năm sau ông ta xâm lược Syria cùng với Pacorus I.[92] Tam hùng Marcus Antonius đã không thể chỉ huy người La Mã phòng thủ chống lại Parthia do ông ta đã khởi hành đến Ý, tại đây ông ta tập hợp các lực lượng của mình để đối đầu với đối thủ của ông là Octavianus và cuối cùng thì hai bên cũng đã tiến hành hòa đàm tại Brundisium [93] Sau khi Syria bị chiếm đóng bởi quân đội của Pacorus, Labienus đã tách khỏi quân chủ lực của Parthia và xâm lược Anatolia trong khi Pacorus cùng viên tướng Barzapharnes của ông ta xâm chiếm vùng Cận đông của La Mã.[92] Họ chinh phục tất cả các thành trì dọc theo bờ biển Địa Trung Hải xa xuống phía nam tới tận Ptolemais (hiện nay là Acre, Israel), với ngoại lệ duy nhất là Týros[94]Judea, lực lượng thân La Mã của giáo sĩ tối cao Hyrcanus II, Phasael,và Herod đã bị đánh bại bởi người Parthia và đồng minh Do Thái của họ Antigonos II Mattathias (cai trị: 40-37 trước Công nguyên), sau này là vua của xứ Judea trong khi Herod chạy trốn tới pháo đài của ông tại Masada [92]

Bất chấp có được những thành công này, người Parthia đã nhanh chóng bị đuổi ra khỏi Cận đông bởi một cuộc phản công của La Mã. Publius Ventidius Bassus, một viên tướng dưới quyền Marcus Antonius đã đánh bại và sau đó hành quyết Labienus tại trận cánh cổng Cilicia (trong tỉnh Mersin ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 39 trước Công nguyên [95] Một thời gian ngắn sau đó, một đạo quân Parthia ở Syria dưới sự chỉ huy của tướng Pharnapates đã bị đánh bại bởi Ventidius ở trận đèo Amanus [95] Kết quả là, Pacorus I tạm thời rút khỏi Syria. Khi quay trở lại vào mùa xuân năm 38 trước Công nguyên, ông ta đã phải đối mặt với Ventidius trong trận núi Gindarus, phía đông bắc của Antioch. Pacorus đã tử trận trong trận đánh này, và quân đội của ông ta phải rút lui qua sông Euphrates. Cái chết của ông ta đã thúc đẩy một cuộc khủng hoảng liên tiếp, trong đó Orodes II đã chọn Phraates IV của Parthia (khoảng năm 38-2 TCN) là người kế vị mới của mình.[96]

 
Drachma của Phraates IV của Parthia (cai trị 38–2 TCN)

Sau khi lên ngôi vua, Phraates IV đã loại bỏ mọi đối thủ cạnh tranh ngai vàng bằng cách giết chết và lưu đày anh em của mình [97] Một trong số họ, Monaeses bỏ trốn sang chỗ Antonius và thuyết phục ông ta xâm lược Parthia.[98] Antonius đánh bại đồng minh Judea của Parthia, Antigonus vào năm 37 TCN, và đưa Herod lên làm vua chư hầu thay thế vị trí của ông ta. Năm sau, khi Antonius hành quân đến Erzurum, Artavasdes II của Armenia một lần nữa đổi phe bằng cách gửi thêm quân cho Antonius. Antonius xâm lược Media Atropatene (hiện nay là Azerbaijan),lúc đó cai trị bởi đồng minh của Parthia là Artavasdes I của Media Atropatene, với ý định chiếm lấy kinh đô Praaspa, vị trí của đó ngày nay vẫn chưa biết. Tuy nhiên, Phraates IV đã phục kích hậu quân phía sau của Antonius, phá hủy một thiết bị phá cổng khổng lồ được dùng cho cuộc bao vây Praaspa, sau điều này, Artavasdes bỏ rơi lực lượng của Antonius [99] Người Parthia truy đuổi và quấy rối quân đội Antonius khi họ bỏ chạy đến Armenia. Cuối cùng thì đám tàn quân của Antonius cũng rút về được Syria.[100] Sau này, Antonius đã lừa gạt Artavasdes II vào một cái bẫy với những lời hứa của một liên minh hôn nhân. Ông ta đã bị cầm tù vào năm 34 trước Công nguyên, tiếp đó được đưa về La Mã và bị hành quyết [101]. Antonius đã cố gắng thiết lập một liên minh với Artavasdes I của Media Atropatene, khi mối quan hệ của ông này với Phraates IV gần đây đã trở nên căng thẳng. Tuy nhiên điều này đã bị hủy bỏ khi Antonius và lực lượng của ông rút khỏi Armenia trong năm 33 trước Công nguyên; họ thoát khỏi một cuộc xâm lược của Parthia trong khi đối thủ của Antonius, Octavianus tấn công lực lượng của ông ở phía tây [101] Sau khi Antonius đi khỏi, đồng minh Parthia là Artaxias II đã lại chiếm lấy ngai vàng của Armenia.

Hòa bình với La Mã, âm mưu triều đình và sự giao thiệp với Trung Quốc

sửa

Sau thất bại của Antonius trong trận Actium vào năm 31 trước Công nguyên, Octavianus củng cố quyền lực chính trị của ông và trong năm 27 trước Công nguyên ông được ban tên là Augustus bởi viện nguyên lão La Mã, trở thành hoàng đế La Mã đầu tiên. Khoảng thời gian này, Tiridates II của Parthia đã lật đổ Phraates IV một thời gian ngắn, nhưng Phraates IV đã có thể nhanh chóng thiết lập lại sự cai trị của ông với sự trợ giúp của những người du mục Scythia[102] Tiridates chạy trốn tới chỗ những người La Mã, đem theo một trong những con trai Phraates đi cùng với ông ta. Trong các cuộc đàm phán được tiến hành năm 20 trước Công nguyên, Phraates sắp xếp cho việc giải thoát con trai bị bắt cóc của mình. Đổi lại, người La Mã đã nhận được các cờ hiệu của quân đoàn lê dương bị cướp mất tại Carrhae trong năm 53 trước Công nguyên, cũng như bất kỳ tù nhân chiến tranh nào còn sót lại [103] Parthia xem cuộc trao đổi này như là một giá nhỏ để trả tiền chuộc lại hoàng tử [104] Augustus ca ngợi sự trở lại của những cờ hiệu này như là một thắng lợi chính trị trước Parthia; cuộc tuyên truyền này đã được cử hành bằng việc đúc tiền xu mới, xây dựng một ngôi đền mới để cất giữ những cờ hiệu này và thậm chí ngay cả trên miếng giáp ngực của bức tượng Augustus của Prima Porta.[105]

 
Một cái nhìn cận cảnh trên ngực trên bức tượng Augustus tại Prima Porta, cho thấy một người đàn ông Parthian dâng lên Augustus "con đại bàng" vốn bị Marcus Licinius Crassus đánh mất tại Carrhae

Cùng với hoàng tử, Augustus cũng đã tặng Phraates IV một nữ nô lệ người Ý, người sau này trở thành nữ hoàng Musa của Parthia. Để đảm bảo rằng Phraataces con bà sẽ thừa kế ngai vàng mà không có sự cố, Musa thuyết phục Phraates IV giao những người con trai khác của ông cho Augustus làm con tin. Một lần nữa, Augustus sử dụng điều này để tuyên truyền mô tả sự quy phục của Parthia trước La Mã, liệt kê nó như là một thành tựu tuyệt vời trong Res Gestae Divi Augusti [106] Khi Phraataces lên ngôi là Phraates V của Parthia (khoảng năm 2 TCN - 4 CN), Musa kết hôn với con trai riêng của mình và cai trị cùng với ông ta. Quý tộc Parthia, không chấp nhận mối quan hệ loạn luân và khái niệm của một vị vua không có dòng máu Arsaces, họ đã lật đổ ông ta [107] Người kế vị của Phraates, Orodes III của Parthia chỉ ngồi trên ngai vàng được có hai năm và ông ta đã được kế vị bởi Vonones I của Parthia, vị vua này đã chấp nhận nhiều phong cách La Mã trong thời gian ở La Mã. Tầng lớp quý tộc Parthia, tức giận bởi cảm tình của Vonones cho người La Mã, đã quay ra ủng hộ một đối thủ tranh đoạt ngai báu khác, Artabanus II của Parthia (khoảng 10-38 CN), ông ta cuối cùng đã đánh bại được Vonones và buộc vị vua này phải sống lưu vong ở tỉnh Syria của La Mã [108].

Trong suốt triều đại của Artabanus II, hai dân thường Do Thái và là anh em ruột, Anilai và Asinai từ Nehardea (gần Fallujah hiện nay, Iraq),[109] đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại thống đốc Parthia của Babylon. Sau khi đánh bại ông này, cả hai đã được trao quyền cai trị khu vực bởi Artabanus II, bởi vì ông lo sợ các cuộc nổi loạn ở những nơi khác nữa[110]. Người vợ Parthia của Anilai đã đầu độc Asinai vì sợ ông ta sẽ tấn công Anilai về cuộc hôn nhân của ông với một người ngoại giáo. Sau này, Anilai bị lôi kéo vào một cuộc xung đột vũ trang với một con rể của Artabanus, người cuối cùng đã đánh bại ông ta.[111] Với chế độ của người Do Thái bị loại bỏ, cư dân bản địa Babylon đã bắt đầu quấy rối cộng đồng Do Thái địa phương, buộc họ phải di cư sang Seleucia. Khi thành phố này nổi dậy chống lại sự cai trị của Parthia trong năm 35-36 CN, người Do Thái đã bị trục xuất lần nữa, lần này bởi người Hy Lạp địa phương và người Aramaea. Người Do Thái lưu vong chạy trốn đến Ctesiphon, Nehardea, và Nisibis [112].

 
Một đồng denarius được đúc dưới thời Augustus, bên trái (mặt trước) là hình nữ thần Feronia, mặt sau là một người Parthia đang quỳ dưng những cờ hiệu La Mã chiếm được tại trận Carrhae[113]

Mặc dù đang hòa bình với Parthia, La Mã vẫn can thiệp vào các vấn đề của nó. Hoàng đế La Mã Tiberius (14-37CN) đã tham gia vào một âm mưu của Pharasmanes I của Iberia nhằm đưa em trai của ông ta là Mithridates ngồi lên ngai vàng của Armenia bằng việc ám sát vị vua đồng minh với Parthia của Armenia [114] Artabanus II đã cố gắng và thất bại trong việc khôi phục lại quyền kiểm soát Armenia của Parthia, điều này khiến cho tầng lớp quý tộc nổi loạn chống lại ông và buộc ông phải chạy trốn tới Scythia. Người La Mã đã thả một hoàng tử con tin, Tiridates III của Parthia, để cai trị quốc gia này như là một đồng minh của La Mã. Một thời gian ngắn trước khi qua đời, Artabanus đã cố gắng để lật đổ Tiridates khỏi ngai vàng bằng cách sử dụng quân đội từ Hyrcania [115] Sau khi Artabanus qua đời trong năm 38 CN, một cuộc nội chiến lâu dài xảy ra sau đó giữa người thừa kế hợp pháp Vardanes I của Parthia và em trai của ông ta là Gotarzes II của Parthia.[116] Sau khi Vardanes bị ám sát trong một cuộc đi săn, giới quý tộc Parthia kêu gọi Hoàng đế La Mã Claudius(cai trị: 41-54 CN) trong năm 49 CN phóng thích vị hoàng tử con tin Meherdates nhằm thách thức Gotarzes. Điều này đem đến phản ứng ngược lại khi Meherdates bị phản bội bởi tổng đốc của EdessaIzates bar Monobaz của Adiabene, ông bị bắt và mang nộp cho Gotarzes, tuy nhiên ông đã được tha mạng với cái giá phải trả là đôi tai của mình, một hành động nhằm để loại bỏ ông khỏi việc kế vị ngai vàng.[117]

Vào năm 97, quan cai trị Tây VựcBan Siêu phái sứ giả Cam Anh thực hiện chuyến viếng thăm ngoại giao đến Đế quốc La Mã. Cam Anh đến bái kiến vua Parthia là Pacorus II tại Hecatompylos, sau đó rời khỏi cung đình Parthia và đến thành La Mã.[118] Ông ta đi xa về phía tây đến tận Vịnh Ba Tư, nơi đây quan lại Parthia thuyết phục ông ta rằng một chuyến du ngoạn đầy hiểm họa trên biển quanh bán đảo Ả Rập là con đường duy nhất đến La Mã.[119] Cam Anh không bằng lòng và trở về Đại Hán, tại đây ông dâng lên vua Hán Hòa Đế (trị vì. 88–105) một bản tường thuật chi tiết về Đế quốc La Mã dựa trên những gì người Parthia kể cho ông nghe.[120] William Watson suy xét rằng người Parthia hẳn đã kiếm được lợi lộc thất bại trong nỗ lực thiết lập quan hệ bang giao của Đại Hán với La Mã, đặc biệt là sau những chiến thắng vang dội của Ban Siêu trước quân Hung Nô tại miền Đông Trung Á.[118] Tuy nhiên, tư liệu của người Hán cho rằng một phái đoàn sứ thần La Mã, có lẽ chỉ gồm thâu một nhóm thương nhân La Mã, đến thăm kinh đô Lạc Dương vào năm 166, đời các vua Marcus Aurelius (trị vì. 161 – 180) và Hán Hoàn Đế (trị vì. 146 – 168).[121] Mặc dù có thể là trùng hợp ngẫu nhiên, những nhiều đồng tiền huy chương bằng vàng của La Mã có niên đại vào khoảng triều đại của Marcus Aurelius và vị vua tiền nhiệm Antoninus Pius đã được phát hiện tại Óc Eo, Việt Nam (cùng với nhiều đồ tạo tác La Mã khác được tìm thấy ở đồng bằng sông Cửu Long), một địa điểm là một trong những địa điểm được đề xuất cho thành phố cảng "Cattigara" bên bờ Magnus Sinus (Vịnh Thái LanBiển Đông) trong cuốn Địa lý học của Ptolemaeus.[122]

Tiếp tục cuộc chiến với La Mã và sự suy yếu của Parthia

sửa
 
Bản đồ các cuộc tiến quân trong hai năm đầu của cuộc Chiến tranh La Mã–Parthia (58–63) trên khắp Vương quốc Armenia, trình bày chi tiết về cuộc tấn công của người La Mã vào Armenia và chiếm toàn bộ quốc gia này dưới sự chỉ huy của Gnaeus Domitius Corbulo

Sau khi vua Iberia Pharasmanes I phái Rhadamistus con trai của ông (khoảng năm 51-55 CN) xâm lược Armenia để lật đổ vị vua chư hầu La Mã, vua Mithridates, Vologases I của Parthia (khoảng 51-77 CN) đã lên kế hoạch xâm lược và đưa em trai của mình, sau đó là Tiridates I của Armenia, lên ngai vàng [123]. Rhadamistus cuối cùng đã bị đánh đuổi khỏi ngai vàng, và sau đó bắt đầu triều đại của Tiridates, người Parthia sẽ giữ lại kiểm soát khá vững chắc trên toàn Armenia cho dù bị gián đoạn một thời gian ngắn thông qua triều đại Arsaces của Armenia.[124] Ngay cả sau sự sụp đổ của Đế chế Parthia, dòng dõi Arsaces vẫn tồn tại thông qua các vị vua Armenia.[125] Tuy nhiên, dòng dõi Arsaces không chỉ tiếp tục tồn tại thông qua người Armenia, nó vẫn tiếp tục thông qua các vị vua nhà Arsaces Iberia của Gruzia và thông qua trong qua triều đại Arsaces của Albania Kavkaz nhiều thế kỷ sau đó.[126]

Khi Vardanes II của Parthia nổi dậy chống lại cha mình Vologases I trong năm 55 CN, Vologases đã phải rút lực lượng của mình từ Armenia về. Người La Mã đã nhanh chóng cố gắng lấp đầy khoảng trống chính trị để lại [127] Trong cuộc chiến tranh La Mã-Parthia năm 58-63 CN, tướng Gnaeus Domitius Corbulo đã đạt được một số thành công quân sự chống lại Parthia khi đưa Tigranes VI của Armenia lên làm vua chư hầu của La Mã.[128] Tuy nhiên, người kế tục của Corbulo, Lucius Caesennius Paetus bị đánh cho đại bại bởi quân Parthia và chạy trốn khỏi Armenia.[129] Sau một hiệp ước hòa bình, Tiridates I du hành tới Naples và Roma trong năm 63 CN. Tại cả hai nơi hoàng đế La Mã Nero (khoảng 54-68 CN) cộng nhận ngôi vua Armenia của ông bằng cách đặt vương miện hoàng gia lên trên đầu ông.[130]

Một thời gian dài hòa bình giữa Parthia và La Mã diễn ra sau đó, chỉ duy nhất có cuộc xâm lược của dân Alan vào vùng lãnh thổ phía đông Parthia khoảng năm 72 CN được đề cập bởi các nhà sử học La Mã[131] Trong khi đó, AugustusNero đã lựa chọn một chính sách quân sự thận trọng khi đối phó với Parthia. Sau đó các hoàng đế La Mã đã xâm lược và cố gắng để chinh phục miền đông vùng lưỡi liềm phì nhiêu, trái tim của Đế quốc Parthia dọc theo sông Tigris và Euphrates. Các cuộc xâm lược với cường độ cao có thể được giải thích một phần từ cải cách quân đội của Roma[132]. Để đối phó với sức mạnh của Parthia sử dụng cung tên và kị binh, người La Mã đầu tiên sử dụng quân đồng minh nước ngoài, đặc biệt là người Nabataea, nhưng sau đó họ thành lập một lực lượng auxilia thường xuyên để bổ sung cho lực lượng bộ binh lê dương nặng của họ[133] Người La Mã cuối cùng duy trì trung đoàn kị cung (sagittarii) và thậm chí lực lượng kị binh cataphract ở các tỉnh phía đông của họ.[134] Tuy nhiên, người La Mã đã không có chiến lược lớn rõ rệt trong việc đối phó với Parthia và đã chiếm được nhưng vùng lãnh thổ nhỏ bé từ những cuộc xâm lược [135]. Động cơ chính cho chiến tranh là sự thăng tiến của vinh quang cá nhân và vị trí chính trị của hoàng đế, cũng như bảo vệ danh dự La Mã chống lại sự coi thường vì sự can thiệp của Parthia trong công việc của các quốc gia chư hầu của La Mã.[136]

 
Một người lính Parthia (phải) đội một chiếc mũ Phrygia, được miêu tả là một tù binh chiến tranh đang bị trói bởi một người La Mã (trái); Khải hoàn môn Septimius Severus, Roma, 203 CN

Tình trạng thù địch giữa Roma và Parthia được tiếp tục khi Osroes I của Parthia (khoảng năm 109-128 CN) đã lật đổ vua Tiridates của Armenia và thay thế ông ta bởi Axidares, con trai của Pacorus II, mà không có sự đồng ý của Roma.[137] Hoàng đế La Mã Trajan (cai trị: 98-117 CN) đã bắt được ứng cử viên Parthia tiếp theo cho ngai vàng, Parthamasiris, và giết ông ta trong năm 114 CN, thay vào đó biến Armenia thành một tỉnh La Mã[138] Quân đội của ông, chỉ huy bởi Lusius Quietus,còn chiếm Nisibis. Việc chiếm đóng nó là cần thiết để đảm bảo tất cả các tuyến đường chính qua miền phía bắc đồng bằng Lưỡng Hà [139] Năm sau, Trajan xâm chiếm Lưỡng Hà và gặp một ít kháng cự chỉ tới từ Meharaspes của Adiabene, vì lúc đó Osroes đang tham gia vào một cuộc nội chiến ở phía đông với Vologases III của Parthia [140]. Trajan đã trải qua mùa đông năm 115-116 tại Antioch, sau đó ông lại tiếp tục chiến dịch của mình vào mùa xuân. Tiến quân tới sông Euphrates, ông chiếm Dura-Europos, kinh đô Ctesiphon[141]Seleucia và thậm chí chinh phục Characene, tại nơi đây ông xem những con tàu khởi hành đến Ấn Độ từ Vịnh Ba Tư.[142]

Trong những tháng cuối năm 116 CN, Trajan chiếm được thành phố Susa của Ba Tư. Khi Sanatruces II của Parthia tập hợp lực lượng ở miền đông Parthia để thách thức những người La Mã, người anh em họ của ông Parthamaspates của Parthia phản bội và giết ông ta: Trajan lập ông ta làm vua mới của Parthia [143] Đế chế La Mã sẽ không bao giờ tiến xa về phía đông như vậy nữa.

Trên đường trờ về của Trajan, các cư dân Babylon nổi dậy chống lại quân đồn trú La Mã [144] Trajan đã buộc phải rút lui khỏi Lưỡng Hà trong năm 117 CN, sau đó còn giám sát một cuộc bao vây Hatra thất bại trên đường rút quân của mình.[145] Sự rút lui của ông-trong ý định- chỉ là tạm thời, bởi vì ông muốn quay trở lại tấn công Parthia vào năm 118 CN và "làm cho cuộc chinh phục Parthia trở thành sự thực," [146] nhưng Trajan mất đột ngột trong tháng 8 năm 117CN.

Trong chiến dịch của ông, Trajan được nhận danh hiệu Parthicus từ viện nguyên lão và tiền xu được đúc công bố cuộc chinh phục Parthia.[147] Tuy nhiên, chỉ có các nhà sử học thế kỷ IV CN Eutropius và Festus khẳng định rằng ông đã cố gắng để thiết lập một tỉnh La Mã ở miền nam Lưỡng Hà[148]

Vị vua kế vị Trajan, Hadrianus (cai trị 117-138 CN) khẳng định lại biên giới La Mã-Parthia ở Euphrates, quyết định không xâm lược Mesopotamia do nguồn lực quân sự hạn chế của La Mã.[149] Parthamaspates chạy trốn sau khi Parthia nổi dậy chống lại ông, nhưng người La Mã đã đưa ông lên làm vua của Osroene. Osroes I chết trong cuộc xung đột của ông ta với Vologases III, sau này đã được kế vị bởi Vologases IV của Parthia (cai trị: 147-191 CN) đã mở ra một thời kỳ hòa bình và ổn định [150] Tuy nhiên, cuộc chiến tranh La Mã-Parthia năm 161-166 CN bắt đầu khi Vologases xâm lược Armenia và Syria, chiếm lại Edessa. Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius (cai trị: 161-180 CN) đã cùng đồng hoàng đế Lucius Verus(cai trị:161-169 CN) bảo vệ Syria trong khi Marcus Statius Priscus xâm lược Armenia trong năm 163 CN, theo sau là cuộc xâm lược Mesopotamia của Avidius Cassius năm 164 CN.[151]

Người La Mã chiếm và thiêu trụi Seleucia cùng với Ctesiphon, nhưng họ buộc phải rút lui khi những người lính La Mã mắc một căn bệnh chết người (có thể là bệnh đậu mùa) mà sớm tàn phá thế giới La Mã [152] Mặc dù họ rút lui, từ thời điểm này về sau, thành phố Dura-Europos vẫn còn trong tay La Mã.[153]

Khi Hoàng đế La Mã Septimius Severus (cai trị: 193-211 CN) xâm chiếm Lưỡng Hà năm 197 CN trong thời cai trị của Vologases V của Parthia (cai trị: 191-208 CN), người La Mã lại một lần nữa tiến tới Euphrates và chiếm Seleucia cùng Ctesiphon. Sau khi nhận danh hiệu Parthicus Maximus, ông rút lui vào cuối năm 198, và giống như Trajan một lần ông cũng thất bại để chiếm Hatra trong một cuộc vây hãm.[153]

Khoảng năm 212 CN, ngay sau khi Vologases VI của Parthia (khoảng 208-222 CN) lên ngôi, anh trai Artabanus IV của Parthia (m. năm 224 CN) đã nổi dậy chống lại ông và đã đạt được quyền kiểm soát một phần lớn của đế quốc.[154] Trong khi đó, hoàng đế La Mã Caracalla (cai trị: 211-217 CN) lật đổ các vị vua của Osroene và Armenia để biến chúng thành tỉnh La Mã một lần nữa. Ông tiến vào Lưỡng Hà với lý do kết hôn với một trong những con gái của Artabanus- nhưng bởi vì hôn nhân không được cho phép -tiến hành cuộc chiến tranh với Parthia và chinh phục Arbil ở phía đông của sông Tigris.

 
Phù điêu của Nhà Sassanid tại Naqsh-e Rustam mô tả cảnh tấn phong Ardashir I

Caracalla bị ám sát năm tiếp theo trên đường tới Carrhae bởi binh sĩ của mình.[154] Sau thất bại này, Parthia tiến hành hòa giải với Macrinus (cai trị: 217-218) nơi người La Mã phải cống nạp cho Parthia hơn 200 triệu denarii với quà tặng bổ sung.[155]

Tuy nhiên, đế chế Parthia, bị suy yếu do xung đột nội bộ và cuộc chiến với la Mã, đã sớm bị thay thế bởi đế chế Sassanid. Thực tế trong thời gian ngắn sau đó, vua Ardahir I, một vị vua địa phương gốc Iran của Persis (tỉnh Fars ngày nay, Iran) từ Estakhr bắt đầu chinh phục các vùng lãnh thổ xung quanh, một sự thách thức với luật lệ của nhà Arsaces [156] Ông đã đối mặt Artabanus IV trong trận chiến, ngày 28 tháng 4 năm 224 CN có lẽ tại một địa điểm gần Isfahan, đánh bại ông ta và thành lập đế chế Sassanid [156] tuy nhiên, có bằng chứng, cho thấy Volageses VI tiếp tục ban hành tiền xu tại Seleucia tới năm 228 CN.[157]

Nhà Sassanid sẽ không chỉ kế thừa di sản Parthia là kẻ thù Ba Tư của La Mã, họ cũng sẽ cố gắng để khôi phục lại ranh giới của Đế chế Achaemenes, một thời gian ngắn chinh phục Cận đông, Anatolia, và Ai Cập từ tay đế chế đông La Mã dưới thời trị vì của Khosrau II (r.590-628 CN) [158] Tuy nhiên, họ sẽ mất các vùng lãnh thổ này vào tay Heraclius, hoàng đế La Mã cuối cùng trước khi các cuộc chinh phục của người Ả Rập bắt đầu. Dù gì đi chăng nữa, nhà Sassanid đã kế tục vai trò như là đối thủ chính của người La Mã trong suốt 400 năm.[159][160][161]

Những nguồn bản địa và các nguồn khác

sửa
Đồ trang sức bằng vàng thời Parthia được tìm thấy tại một địa điểm chôn cất tại Nineveh (gần Mosul, Iraq ngày nay)

Những văn bản địa phương và ngoài nước, cũng như các văn bản hiện vật đã được sử dụng để tái tạo lại lịch sử Parthia[162] Mặc dù triều đình Parthia đã duy trì những văn thư, người Parthia đã không chính thức nghiên cứu lịch sử, lịch sử phổ quát đầu tiên của Iran, Khwaday-Namag, không được biên soạn cho đến triều đại của vị vua cuối cùng nhà Sassanid, vua Yazdegerd III (cai trị: 632-651 CN)[163] Các nguồn bản xứ về lịch sử Parthia vẫn còn khan hiếm, những gì về họ còn ít có sẵn hơn so với bất kỳ giai đoạn khác của lịch sử Iran.[164] Hầu hết các bản ghi chép đương đại về Parthia đều bao gồm các văn tự tiếng Hy Lạp cũng như các văn tự tiếng Parthia và tiếng Aramaic.[165] Ngôn ngữ Parthia được viết bằng một loại chữ viết riêng biệt, bắt nguồn từ chữ Aramaic Hoàng gia của người Achaemenes và sau đó phát triển thành hệ thống chữ viết Pahlavi.[166]

 
Một chuỗi hạt và bùa Sarmatia-Parthia bằng vàng, thế kỷ thứ II của Công Nguyên. Hiện thuộc sở hữu của Quỹ Nghệ thuật Tamoikin

Những nguồn tài liệu bản địa giá trị nhất để tái tạo thời gian chính xác của triều đại của các vị vua Arsaces là những đồng tiền kim loại drachma, được ban hành bởi mỗi vị vua khác nhau.[167] Theo các nhà sử học Geo Widengren, những đồng tiền này đại diện cho một "quá trình chuyển đổi từ di cảo phi văn bản sang văn bản".[168] Những nguồn tài liệu khác của Parthia được sử dụng để tái tạo lại niên đại bao gồm những tấm bảng thiên văn có chứa chữ hình nêm và những lời ghi (tiếng Anh: colophon) được phát hiện ở Babylonia.[169] Những tài liệu văn bản bản địa cũng bao gồm các văn bản khắc trên đá, tài liệu ghi trên giấy da và giấy papyrusđồ gốm.[168] Ví dụ, ở kinh đô Mithradatkert/Nisa (Turkmenistan ngày nay) của Parthia của, các kho chứa đồ gốm lớn đã được tìm thấy cung cấp thông tin về việc bán và lưu giữ các vật phẩm như rượu vang.[170] Những tài liệu viết bằng giấy da được tìm thấy tại các địa điểm như Dura-Europos, đã cung cấp những thông tin có giá trị về chính quyền Parthia, bao gồm các vấn đề như thuế má, chức tước quân sự và tổ chức cấp tỉnh.[171]

 
Chuỗi hạt bằng vàng, thế kỷ thứ II của Công Nguyên, Iran, Bảo tàng Reza Abbasi
 
Một cây đèn dầu bằng sứ, tỉnh Khūzestān, Iran, Bảo tàng quốc gia Iran

Sử cũ Hy Lạp - La Mã cũng có viết nhiều về lịch sử Parthia, nhưng không được coi là hoàn toàn đáng tin cậy vì chúng được viết từ quan điểm của đối thủ và kẻ thù thời chiến.[172] Những nguồn nước ngoài này thường có sự quan tâm lớn về quân sự và chính trị, và thường bỏ qua khía cạnh xã hội và văn hóa của lịch sử Parthia[173] Người La Mã thường khắc họa người Parthia là những chiến binh bạo ngược những cũng tinh thống văn hóa; họ ghi nhận những công thức ẩm thực của Parthia trong cuốn sách hướng dẫn nấu nướng Apicius, chứng tỏ họ luôn mến mộ cách làm bếp của người Parthia.[174] Apollodorus xứ ArtemitaArrian cũng viết sách sử nói về Parthia, nhưng giờ đây đều đã mất và chỉ được biết đến thông qua trích dẫn của các nhà sử học khác.[175] Isidore xứ Charax - một tác giả vào đời vua Augustus - viết nên một tư liệu về lãnh thổ Parthia, có lẽ sau một cuộc khảo cứu về Triều đình Parthia.[176] Ở một mức độ nhỏ hơn, con người và các sự kiện lịch sử Parthia cũng được đề cập trong các cuốn sử của Justinus, Strabo, Diodoros Sikolos, Plutarchus, Cassius Dio, Appian, Josephus, Pliny Già, and Herodian.[177]

Lịch sử Parthia cũng có thể được tái hiện nhờ vào sử cũ Trung Quốc.[178] Trái ngược với sử cũ Hy Lạp và La Mã, các cuốn sử Trung Quốc buổi đầu giữ quan điểm trung lập hơn khi miêu tả về nước Parthia,[179] mặc dù các sử thần Trung Hoa có thói quen chép lại các thư tịch cổ hơn, làm khó khăn trong việc xác lập trình tự thời gian các sự kiện lịch sử của Đế quốc Parthia.[180] Người Trung Quốc gọi Parthia là An Tức (chữ Hán: ), có lẽ theo tên Hy Lạp của thành phố Antiochia tại Margiana (chữ Hy Lạp: Αντιόχεια της Μαργιανήs) của người Parthia.[181] Tuy nhiên, đây cũng có thể là sự chuyển chữ từ tên "Arsaces" của vị vua khai quốc Parthia và cũng là tên của Vương triều này.[182] Những cuốn sử Trung Quốc chép về Parthia bao gồm Sử ký (Thái sử công thư) của Tư Mã Thiên, Hán thư của Ban Bưu, Ban CốBan Chiêu, cùng với Hậu Hán thư của Phạm Diệp.[183] Họ cung cấp thông tin về những cuộc di dân du mục trước cuộc xâm lược ban đầu của người Saka vào Parthia, cùng những thông tin có giá trị về chính trị và địa lý.[178] Thí dụ, Sử ký Tư Mã Thiên ghi nhận về những trao đổi ngoại giao, những quà tặng đẹp lạ lùng của vua Mithridates II gửi cho triều đình Tây Hán, những cách thu hoạch vụ mùa thường thấy ở Sparta, việc sản xuất rượu có sử dụng nho, những thương nhân đi hết nơi này đến nơi kia, và kích cỡ cùng với vị trí của lãnh thổ Parthia.[184] Sử ký Tư Mã Thiên cũng đề cập rằng người Parthia ghi nhận bằng việc "viết ngang trên những mảnh da," hẳn đây chính là giấy da.[185]

Triều đình và chính quyền

sửa

Trung ương và các vị vua bán tự trị

sửa
 
Tiền xu của Kamnaskires III, vua của Elymais (ngày nay là tỉnh Khūzestān),và vợ ông nữ hoàng Anzaze, thế kỷ I TCN

So với Đế chế Achaemenes trước đó, triều đinh Parthia có sự đáng chú ý là sự phân cấp [186] Một nguồn lịch sử bản địa cho thấy rằng các vùng lãnh thổ được giám sát bởi chính quyền trung ương được tổ chức tại một cách tương tự với đế chế Seleukos. Cả hai đều có hệ thống ba cấp cho các tỉnh: Parthia marzbān, xšatrap, và dizpat, tương tự như phó vương Seleukos, eparchy, và hyparchy [187] Đế chế Parthia cũng có một số vương quốc bán tự trị bên dưới, bao gồm các tiểu quốc Caucasia Iberia, Armenia, Atropatene, Gordyene, Adiabene, Edessa, Hatra, Mesene, Elymais, và Persis[188] Những vị vua này cai trị lãnh thổ của mình và đúc tiền đúc riêng của họ khác biệt với tiền đúc hoàng gia được đúc tại kho bạc hoàng đế.[189] Điều này không giống như đế chế Achaemenes trước đó, cũng đã có một số tiểu quốc, và thậm chí là Xatrap, những người bán độc lập, nhưng "công nhận uy quyền của nhà vua, cống nạp và hỗ trợ quân sự", theo Brosius [190] Tuy nhiên, các phó vương vào thời Parthia cai trị vùng lãnh thổ nhỏ hơn, và có lẽ đã có ít uy tín và ảnh hưởng hơn so với những người tiền nhiệm Achaemenes của họ.[191] Trong thời kì nhà Seleukos, xu hướng các triều đại cầm quyền địa phương với quy tắc bán tự trị, và đôi khi hoàn toàn nổi loạn, đã trở thành phổ biến, một thực tế lặp lại vào thời kì người Parthia cai trị sau này.[192]

Quý tộc

sửa
 
Một bức tương bằng đồng của một quý tộc Parthia có lẽ là tướng Surena[193] phát hiện tại thánh địa Shami ở Elymais (tỉnh Khūzestān, Iran, bên bờ vịnh Ba Tư ngày nay), hiện nằm trong Bảo tàng quốc gia Iran.

Vua của các vị vua là người đứng đầu triều đình Parthia. Ông duy trì mối quan hệ đa thê và người kế vị thường là con trai cả.[194] Giống như nhà Ptolemaios của Ai Cập, cũng có các ghi chép về những vị vua Arsaces kết hôn với cháu gái của họ và có lẽ ngay cả với những chị em cùng cha, Nữ hoàng Musa kết hôn với con trai mình, mặc dù đây là một trường hợp cực đoan và bị lên án.[194] Brosius cung cấp một trích dẫn từ một lá thư viết bằng tiếng Hy Lạp của vua Artabanus II trong năm 21 CN, gửi tới thống đốc (có đề tựa là "Archon") và công dân của thành phố Susa. Những chức vụ của những người bạn, vệ sĩ hay thủ quỹ được vua ưu tiên hơn đều được đề cập. Ngoài ra, tài liệu này cũng đã chứng minh rằng "tuy là có những phạm vi quyền hạn và thủ tục để bộ nhiệm một người chức vụ cao, nhà vua có thể can thiệp thay mặt một cá nhân, xem xét lại trường hợp đó và sẽ thay đổ quyết định nếu như ông ấy thấy phù hợp."[195]

Các chức danh cha truyền con nối của địa vị quý tộc được ghi lại trong suốt triều đại của vua đầu tiên nhà Sassanid vua Ardahir I, rất có thể là sự tiếp tục các chức danh đã được sử dụng trong thời kỳ Parthia[196] Có ba tầng lớp riêng biệt trong giới quý tộc, cao nhất là những vị vua chư hầu trực tiếp nằm dưới sự cai trị bởi vua của các vua, thứ hai là những người liên quan đến vua của các vị vua chỉ có thông qua hôn nhân, và thứ tự thấp nhất là người đứng đầu gia tộc địa phương và vùng lãnh thổ nhỏ [197].

Đến thế kỷ I, tầng lớp quý tộc Parthia đã nắm nhiều quyền lực và có ảnh hưởng lớn trong việc chọn người kế vị hay lật đổ các vị vua Arsaces[198] Một số quý tộc có vai trò như cố vấn triều đình cho nhà vua, cũng như các giáo sĩ thần thánh.[199] Trong số những đại gia tộc cao quý của Parthia được liệt kê vào lúc bắt đầu thời kỳ Sasania, chỉ có hai trong số đó được đề cập cụ thể trong các văn bản trước đó của Parthia: Gia tộc Surengia tộc Karen.[199] Nhà sử học Plutarch lưu ý rằng các thành viên của gia tộc Suren, quan trọng nhất trong giới quý tộc, đã có được đặc quyền trao vương miện cho mỗi vua của các vị vua nhà Arsaces mới trong lễ đăng quang của họ.[200] Sau đó, một số vị vua Parthia còn tự xưng là có dòng dõi Achaemenes. Điều này gần đây đã được chứng minh bởi khả năng mắc bệnh di truyền U sợi thần kinh (Neurofibromatosis), được chứng minh qua những mô tả về cơ thể các vua và bằng chứng về căn bệnh gia tộc được ghi lại trên những đồng tiền cổ.[201]

Quân đội

sửa
 
Một hình chạm khắc bằng vữa xtuccô vẽ hình một bộ binh, từ tường của pháo đài Zahhak, tỉnh Đông Azarbaijan, Iran

Đế chế Parthia không có quân đội thường trực, nhưng họ lại có thể nhanh chóng tuyển mộ được quân đội mỗi khi có một cuộc khủng hoảng địa phương xảy ra[202] Có một Lực lượng vũ trang thường trực dùng để bảo vệ nhà vua, bao gồm quý tộc, nông nô và lính đánh thuê, nhưng đoàn tùy tùng hoàng gia này nhỏ [203] Những đội quân đồn trú cũng thường xuyên được duy trì ở các pháo đài biên giới; Những dòng chữ khắc Parthia tiết lộ một số các chức danh quân sự ban cho những chỉ huy tại các địa điểm này [203] Lực lượng quân đội cũng có thể được sử dụng trong các cử chỉ ngoại giao. Ví dụ, khi sứ thần Trung Quốc viếng thăm Parthia ở cuối thế kỷ thứ II trước Công nguyên, Sử Ký Tư Mã Thiên đã đề cập tới 20.000 kỵ binh được phái đến biên giới phía đông để phục vụ hộ tống sứ thần, mặc dù con số này có lẽ là một sự phóng đại.[204]

Lực lượng chiến đấu chính của quân đội Parthia là cataphract, kỵ binh nặng với người lính và ngựa được bảo vệ bởi áo giáp lưới[205]. Lực lượng Cataphract được trang bị với một ngọn thương để đột kích vào hàng ngũ kẻ thù, cũng như cung và tên.[206] Do chi phí trang bị và áo giáp của họ, cataphract được tuyển chọn từ trong tầng lớp quý tộc, đổi lại cho sự phục vụ của họ, là sự đòi hỏi một hình thức tự chủ ở cấp địa phương từ các vị vua Arsaces[207] Kỵ binh nhẹ được tuyển chọn từ tầng lớp thường dân và phục vụ làm lực lượng kị cung, họ mặc áo dài và quần dài đơn giản để tham gia vào trận chiến [205] Họ đã sử dụng cung ghép và có thể bắn vào kẻ thù trong khi đang cưỡi ngựa và quay mặt đi với kẻ thù, kỹ thuật này, được gọi là bắn kiểu Parthia, là một chiến thuật có hiệu quả cao.[208] Kỵ binh nặng và nhẹ của Parthia được chứng minh là một yếu tố quyết định trong Trận Carrhae, một lực lượng Ba Tư đánh bại một đội quân La Mã lớn hơn nhiều dưới sự chỉ huy của Crassus. Các đơn vị bộ binh nhẹ, bao gồm tuyển mộ từ dân thường và lính đánh thuê, được sử dụng để phân tán quân đội của đối phương sau khi kỵ binh đột kích.[209]

Kích thước của quân đội Parthia là không rõ, cũng như là kích thước dân số tổng thể của đế chế. Tuy nhiên, các cuộc khai quật khảo cổ học ở những khu đô thị cũ của Parthia cho thấy các khu định cư đó có thể duy trì dân số lớn và do đó có một nguồn nhân lực lớn[210]

Tiền tệ

sửa

Những đồng xu drachma Hy Lạp, thường được làm bằng bạc,[211] bao gồm cả tetradrachm, là đồng tiền tiêu chuẩn được sử dụng trong suốt thời Đế chế Parthia[212] Nhà Arsaces duy trì khu đúc tiền của hoàng gia tại các thành phố Hecatompylos, Seleucia, và Ecbatana[41] Nhiều khả năng họ đã mở một sở đúc tiền tại Mithridatkert / Nisa [25] Từ khi thành lập đế quốc cho đến khi nó sụp đổ, drachm được ban hành trong suốt thời đại Parthia hiếm khi cân nặng ít hơn 3,5 g hoặc nhiều hơn 4,2 g.[213] Những đồng tetradrachm Parthia đầu tiên, trọng lượng về nguyên tắc khoảng 16 g với một số biến thể, xuất hiện sau khi Mithridates I chinh phục vùng Lưỡng Hà và được đúc độc quyền tại Seleucia.[214]

Xã hội và văn hóa

sửa

Văn hóa Hy Lạp và sự hồi sinh của văn hóa Iran

sửa
 
Người cưỡi ngựa,bây giờ được trưng bày tại Palazzo Madama, Turino.

Mặc dù nền văn hóa Hy Lạp của nhà Seleukos được chấp nhận rộng rãi bởi các dân tộc vùng Cận Đông trong thời kỳ Hy Lạp hóa, thời kì Parthia đã chứng kiến một sự hồi sinh của văn hóa Iran trong tôn giáo, nghệ thuật, và thậm chí cả trang phục quần áo [215] Ý thức được cả nguồn gốc Hy Lạp và Ba Tư trong vương quyền của họ, những vị vua Arsaces đi phong cách theo kiểu vua của các vị vua Ba Tư và khẳng định rằng họ cũng là philhellene ("bạn bè của người Hy Lạp") [216] từ "philhellene" được ghi trên đồng tiền Parthia cho đến triều đại của Artabanus II[217] ngưng sử dụng cụm từ này để biểu thị sự hồi sinh của nền văn hóa Iran của Parthia.[218] Vologeses I là vị vua Arsaces đầu tiên sử dụng chữ viết và ngôn ngữ Parthia xuất hiện trên đồng tiền đúc song song với tiếng Hy Lạp [219] Tuy nhiên, việc sử dụng những chữ cái Hy Lạp khắc trên tiền xu Parthia vẫn còn cho đến khi đế quốc sụp đổ.[220]

 
Một vòi nước Parthia gốm trong hình dạng đầu của một người đàn ông, khoảng thế kỷ I hoặc II CN

Tuy nhiên, ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp đã không biến mất khỏi Đế chế Parthia, và có bằng chứng rằng nhà Arsaces đã yêu thích những nhà hát Hy Lạp. Khi đầu của Crassus đã được đem dâng cho Orodes II, ông ta cùng vua Armenia,Artavasdes II, lúc này đang bận xem một vở kịch thầy tế của thần Dionysius(vở kịch Bacchae) của nhà soạn kịch Euripides (khoảng 480-406 TCN). Người phụ trách của vở kịch đã quyết định sử dụng đầu thực của Crassus thay cho cái đầu giả của Pentheus [221]

Trên các đồng tiền của mình, vua Arsaces I được mô tả mặc y phục tương tự như phó vương nhà Achaemenes. Theo A. Shahbazi, Arsaces "cố ý tách biệt khỏi tiền xu nhà Seleukos để đề cao tinh thần dân tộc dân tộc và khát vọng hoàng gia của ông, và ông gọi mình là Kārny / Karny (tiếng Hy Lạp: Autocratos), một tước hiệu đã được dùng bởi những vị tướng Achaemenes tối cao, chẳng hạn như Cyrus trẻ" [222] phù hợp với truyền thống Achaemenes, những phù điêu khắc hình ảnh các vị vua Arsaces đã được khắc tại núi Behistun, nơi mà Darius I của Ba Tư (cai trị: 522-486 TCN)khắc lên đó văn bia của hoàng gia.[223] Hơn nữa, nhà Arsaces tuyên bố nguồn gốc gia đình từ vua Artaxerxes II của Ba Tư (cai trị: 404-358 TCN) như một phương tiện để củng cố tính hợp pháp của họ trong việc cai trị vùng lãnh thổ cũ của nhà Achaemenes, ví dụ như là "người kế vị hợp pháp của các vị vua vinh quang" của Iran cổ[224] Vua Artabanus III đặt tên một trong các hoàng nam của ông là Darius và xưng làm người thừa kế của Cyrus Đại Đế.[222] Các vua nhà Arsaces chọn cho mình những cái tên điển hình của Bái Hỏa giáo, và vài tên trong số đó lấy từ "khởi thủy hào hùng" của thánh kinh Avesta, theo nhà sử học V.G. Lukonin.[225]

Người Parthia cũng đã chấp nhận việc sử dụng lịch Babylon với những cái tên từ lịch Iran nhà Achaemenes, thay thế lịch Macedonia của nhà Seleukos.[226]

Tôn giáo

sửa
 
Một hình chạm khắc dùng cho việc thờ cúng từ tỉnh Khūzestān, Iran, thế kỷ II CN

Ngay bên trong Đế chế Parthia, tồn tại tình trạng không đồng nhất về văn hóa và chính trị, có một loạt các hệ thống tôn giáo và niềm tin, phổ biến nhất là sự thờ cúng các vị thần của người Hy Lạp và Iran.[227] Ngoài ra còn có một số người Do Thái [228] và tín hữu Kitô giáo,[229] và hầu hết người Parthia theo đa thần giáo[230] Các vị thần Hy Lạp và Iran đôi khi được pha trộn với nhau thành một. Ví dụ, Zeus thường đánh đồng với Ahura Mazda, Hades với Angra Mainyu, AphroditeHera với Anahita, Apollo với Mithra, và Hermes với Shamash [231] Ngoài các vị nam thần và nữ thần chính, mỗi nhóm dân tộc và thành phố đã có riêng của mình những vị thần nhất định[230] Cũng như các vị vua triều Seleukos,[232] các công trình nghệ thuật Parthia cho thấy rằng các vị vua nhà Arsaces được tôn thờ làm Thần vương, và sự sùng bái các vị vua này có lẽ phổ biến nhất [233]

Mức độ tôn sùng của nhà Arsaces với Bái Hỏa giáo đã được tranh luận trong học thuật hiện đại.[234] Những tín đồ Zoroaster đã coi sự hiến tế đẫm máu của một số tôn giáo thời Parthia của Iran là không thể chấp nhận được[227] Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy vua Vologeses I khuyến khích sự hiện diện của pháp sư ma thuật Bái hỏa giáo tại Triều đình và tài trợ biên soạn các văn bản Bái hỏa giáo thiêng liêng mà sau đó hình thành kinh Avesta [235] Triều đình Sassanid sau này sẽ tôn Bái hỏa giáo thành quốc giáo của đế quốc.[236]

Cho dù vị tiên tri sáng lập Minh giáoMani (216276) không hề tuyên bố sự khải huyền tôn giáo đầu tiên của ông cho tới khoảng năm 228/229, Bivar khẳng định rằng đức tin mới của ông gồm thâu "những yếu tố của đức tin Mandae, thuyết nguồn gốc vũ trụ của người Iran, và thậm chí cả những tiếng vang của Ki-tô giáo...[Minh giáo] có thể được coi là một phản ánh điển hình của những học thuyết tôn giáo hỗn hợp vào cuối triều Arsaces, cái mà quốc đạo Bái Hỏa của triều Sassanid sớm quét sạch hết."[237]

Có rất it bằng chứng khảo cố cho thấy sự truyền bá đạo Phật từ Đế quốc Quý Sương vào lãnh thổ Iran.[238] Tuy vậy, theo các thư tịch cổ Trung Quốc, một quý tộc Parthia kiêm tăng lữ Phật giáo là An Thế Cao (An Shigao) (s. sống vào thế kỷ thứ II), đến Lạc Dương (Trung Quốc) để truyền bá Phật giáo và dịch vài cuốn kinh Phật sang tiếng Hán.[239]

Nghệ thuật và kiến trúc

sửa
 
Một iwan hình vòm bán trụ tại cổng của di chỉ Hatra, Iraq, xây khoảng năm 50 TCN

Nghệ thuật Parthia có thể được chia thành ba giai đoạn sử - địa: nền nghệ thuật của Parthia cổ, nghệ thuật của cao nguyên Iran, và nghệ thuật của Lưỡng Hà thuộc Parthia [240] Tác phẩm hội họa Parthia chính thống đầu tiên, được tìm thấy tại Mithridatkert/Nisa, kết hợp các yếu tố nghệ thuật Hy Lạp và Iran phù hợp với truyền thống Achaemenes và Seleukos[240] trong giai đoạn thứ hai, nghệ thuật Parthia tìm thấy cảm hứng theo phong cách nghệ thuật đời Achaemenes, như được minh chứng bằng bức phù điêu của vua Mithridates II tại núi Behistun.[241] Giai đoạn thứ ba xảy ra dần dần sau khi người Parthia chinh phục Lưỡng Hà [241].

Những chủ đề chung của thời kỳ Parthia bao gồm cảnh những cuộc săn bắn của Hoàng gia và sự lên ngôi của các vua nhà Arsaces.[242] Những chủ đề mở rộng khác bao gồm những bức chân dung của những nhà cầm quyền địa phương.[240] Nền nghệ thuật chung của Parthia trong thời ấy luôn gắn bó với tranh khắc trên đá, tranh tường và thậm chí là tranh grafitô.[240] Mộtíp phổ biến thời kỳ Sassanid thể hiện hai chiến binh cưỡi ngựa cầm thương giao chiến với nhau xuất hiện lần đầu tiên trong các phù điêu Parthia tại núi Behistun.[243]

Trong tranh chân dung, người Parthia ủng hộ và nhấn mạnh việc điêu khắc theo mặt trước, có nghĩa là người được miêu tả trong bức tranh, trong tác phẩm điêu khắc, hoặc mặt trước sau của đồng tiền phải đối diện trực tiếp với người xem thay vì hiển thị theo chiều nghiêng.[244] Mặc dù phong cách vẽ điêu khắc theo mặt trước trong chân dung vào giai đoạn này là một kỹ thuật nghệ thuật đã cũ, Daniel Schlumberger giải thích sự đổi mới của vẽ điêu khắc theo mặt trước thời Parthia:[245]

'Điêu khắc mặt trước kiểu Parthia', cũng như bây giờ chúng ta đã quen gọi nó, khác xa cả với kiểu Cận Đông cổ đại và điêu khắc theo mặt trước kiểu Hy Lạp, mặc dù nó là hậu duệ đời sau không cần phải nghi ngờ. Đối với cả nghệ thuật phương Đông và trong nghệ thuật Hy Lạp, điêu khắc theo mặt trước là một điều đặc biệt: trong nghệ thuật phương Đông nó dành riêng cho một số ít các nhân vật được thờ cúng hay trong thần thoại; trong nghệ thuật Hy Lạp nó chỉ được dùng đến vì những lý do nhất định, khi được đối tượng yêu cầu, và, trên toàn bộ, hiếm khi được sử dụng. Với nghệ thuật Parthia, thì ngược lại, nó trở nên bình thường. Cho nên điêu khắc theo mặt trước kiểu Parthia thực sự là gì, nhưng thói quen cho thấy, trong hội họa, tất cả các nhân vật đều được thể hiện rõ nét... Điều đặc biệt này dường như đã bắt đầu trong quá trình thế kỷ thứ I.[245]

Nghệ thuật Parthia, với cách sử dụng nghệ thuật điêu khắc mặt trước riêng biệt trong cách vẽ chân dung, đã bị mất và bị bỏ rơi sau những thay đổi về văn hóa cũng như chính trị sâu sắc do đế chế Sassanid mang lại.[246] Tuy nhiên, ngay sau khi người La Mã chiếm đóng vùng Dura-Europos năm 165, việc sử dụng nghệ thuật điêu khắc mặt trước của Parthia trong các bức chân dung tiếp tục phát triển ở đó. Điều này được minh chứng qua những tranh treo tường ở đầu thế kỷ III trong một giáo đường ở Dura-Europos, một ngôi đền trong cùng một thành phố dành riêng cho vị thần Palmyrene và từ một Mithraeum trong khu vực.[247]

 
Một bức tranh tường vẽ cảnh từ sách Étte trong Kinh Thánh tại giáo đường Do Thái Dura-Europose, niên đại 245 CN, một tác phẩm mà các nhà ngiên cứu như Curtis[248] hay Schlumberger[249] mô tả như là một ví dụ điển hình về "nghệ thuật điêu khắc mặt trước Parthia"

Nghệ thuật kiến trúc Parthia chấp nhận các yếu tố của kiến trúc Achaemenes và Hy Lạp, nhưng vẫn khác biệt với cả hai. Phong cách này lần đầu tiên được chứng thực tại Mithridatkert /Nisa.[250] Đại sảnh tròn của Nisa thì tương tự như cung điện Hy Lạp cổ đại, nhưng khác nhau ở chỗ nó tạo thành một vòng tròn và khung vòm trong một không gian vuông [250] Tuy nhiên, các tác phẩm nghệ thuật của Nisa, bao gồm cả bức tượng bằng đá cẩm thạch và những cảnh tượng khắc trên rhyton bằng ngà voi, thì không còn nghi ngờ gì nữa là chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Hy Lạp.[251]

Một đặc điểm nổi bật của nền kiến trúc Parthia là iwan, một loại sảnh (khán phòng) được đỡ bởi những khung vòm hình vòng cung hoặc hình trụ và hở ở một bên.[252] Sử dụng khung vòm hình trụ thay cho việc sử dụng các cột trụ mang phong cách Hy Lạp để đỡ mái nhà.[241] Mặc dù Iwan đã được biết đến từ thời kỳ Achaemenes và thậm chí là sớm hơn nữa trong các cấu trúc nhỏ hơn và dưới lòng đất, nhưng những người Parthia mới là những người đầu tiên xây dựng chúng ở quy mô khổng lồ. Những iwan sớm nhất được tìm thấy của người Parthia được phát hiện tại Seleucia, có niên đại vào đầu thế kỷ thứ nhất của Công Nguyên. Nhiều iwan đồ sộ cũng được tìm thấy trong những ngôi đền cổ ở Hatra và có lẽ được làm theo phong cách Parthia.[253] Những iwan của Parthia lớn nhất ở khu vực đó có độ dài của một nhịp khoảng 15 m (50 ft).[254]

Trang phục

sửa
 
Bức tượng một người Palmyra trẻ đang mặc quần Parthia, được phát hiện từ một điểm khảo cổ ở Palmyra, có niên đại từ đầu thế kỷ III TCN

Trang phục cưỡi ngựa điển hình của người Parthia được minh họa qua bức tượng đồng nổi tiếng của một nhà quý tộc Parthia được tìm thấy tại Shami, Elymais. Có chiều cao 1.9 m (6 ft), nhân vật này mặc một áo có cổ hình chữ V, áo hình chữ V được buộc chặt lại với nhau nhờ một vành đai, quần rộng và có nhiều uốn nếp, được giữ chặt bởi nịt tất, ngoài ra người đàn ông còn đội một mũ miện hoặc dải buộc trên tóc mình, tạo nên một búi tóc.[255] Trang phục của người đàn ông trên thường được nhìn thấy ở những hình chạm khắc trên những đồng tiền Parthia có niên đại từ giữa thế kỷ I TCN.[218]

Những ví dụ về trang phục còn có thể kể đến là các tác phẩm điêu khắc mang cảm hứng từ phong cách Parthia đã được tìm thấy trong cuộc khai quật tại Hatra, tây bắc Iraq. Tượng được khai quật mang trang phục Parthia điển hình (qamis), kết hợp với quần và được làm từ vật liệu trang trí có chất lượng tốt.[256] Các tầng lớp quý tộc ở Hatra bắt chước kiểu búi tóc, mũ và áo thắt ngang lưng của giới quý tộc ở trong triều đình Arsaces.[253] Những trang phục này thậm chí còn được các vị vua nhà Arsaces mặc, như những gì được thể hiện trên hình chạm khắc ở mặt sau của đồng tiền.[257] Quần kiểu Parthia cũng được tiếp nhận ở Palmyra, Syria, song song cùng với việc sử dụng phong cách điêu khắc theo mặt trước của Parthia trong nghệ thuật.[258]

Nhiều tác phẩm điêu khắc Parthia khác còn miêu tả phụ nữ giàu có mặc áo dài tay trên cùng một chiếc váy, với dây chuyền, bông tai, vòng đeo tay và mũ được trang trí bằng trang sức.[259] Trang phục uốn nếp của họ được thắt chặt bởi một chiếc trâm ở một bên vai.[253] Mũ của họ cũng một đặc trưng riêng đó là một tấm màn ở phía sau.[253]

Như đã thấy trên những đồng tiền đúc Parthia, mũ đội của các vị vua Parthia cũng đã thay đổi nhiều theo thời gian. Những đồng tiền Arsaces sớm nhất cho thấy nhà cầm quyền đội mũ bashlyk (tiếng Hy Lạp: kyrbasia), tức là một loại mũ mềm với vành má.[260] Kiểu mũ này có thể bắt nguồn từ loại mũ của các tổng trấn Achaemenes và những chiếc mũ nhọn được miêu tả trên các bức phù điêu thời Achaemenes tại BehistunPersepolis[261]. Những đồng tiền đầu tiên của Mithridates I cho thấy ông ta đội mũ mềm, nhưng những đồng tiền xuất hiện từ cuối triều đại của ông cho thấy ông lần đầu tiên đội vương miện hoàng gia Hy Lạp.[262] Mithridates II là người đầu tiên được một tả là đội vương miện kiểu Parthia, thêu ngọc trai và đồ trang sức, một loại mũ thường được vua chúa đội trong thời kỳ Hậu-Parthia và Sassanid.[263]

Ngôn ngữ

sửa

Người Parthia tỏ ra khoan dung với văn hóa và tôn giáo, họ đã tiếp nhận tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ chính thức của họ,[2] trong khi tiếng Aramaic vẫn là lingua franca trong toàn đế quốc.[2] Những ngôn ngữ Parthia bản địa, Trung Ba Tư và Akkad cũng được sử dụng.

Chữ viết và văn học

sửa

Được biết, trong thời kỳ Parthia, những nghệ sĩ cung đình (gōsān) đã diễn những tác phẩm văn học truyền miệng kèm theo âm nhạc. Tuy nhiên, những câu chuyện của họ được đọc theo thể thức thơ, và đã không được ghi chép lại cho đến thời kỳ Sassanid tiếp theo sau đó.[264] Trên thực tế, trong những tác phẩm văn học bằng ngôn ngữ Parthia được biết đến, không có tác phẩm nào còn giữ nguyên dạng ban đầu, kể từ khi nó được ghi chép lại ở các thế kỷ sau.[265] Người ta tin rằng, những câu chuyện như những câu chuyện lãng mạn như Vis và Raminsử thi về triều đại Kayanid là một phần của những tập văn của văn học dân gian từ thời kỳ Parthia, mặc dù chúng được biên soạn khá lâu sau đó.[266] Cho dù văn học Parthia không được ghi chép lại bằng văn bản, có bằng chứng rằng cho rằng, các vị vua Arsaces tiếp nhận và tôn trọng nền văn học Hy Lạp.[267]

Quan hệ giữa tiếng Kurd và Parthia

sửa

Một số nhà ngôn ngữ học cho rằng tiếng Kurd là phiên bản đương đại của tiếng Parthia. Nó thường được phân loại thuộc về nhóm ngữ hệ Tây Bắc Iran, trong khi một số học giả lại cho rằng nó là sự giao thoa giữa nhóm ngữ hệ Tây Bắc và Tây Nam Iran.[268]Martin van Bruinessen lưu ý rằng "tiếng Kurd mang nặng yếu tố của ngữ hệ Tây Nam Iran", trong khi "tiếng Zaza và Gurani [...] lại thuộc về nhóm phía bắc Iran"[269].Ludwig Paul kết luận rằng tiếng Kurd có vẻ như là một ngôn ngữ có nguồn gốc từ khu vực Tây Bắc Iran[270], nhưng cũng thừa nhận rằng nó có nhiều điểm chung với các ngôn ngữ Tây Nam Iran như tiếng Ba Tư. Giáo sư Gernot Windfuhr lại nhận định rằng tiếng Kurd có nguồn gốc từ tiếng Parthia, dựa trên nền tảng của tiếng Medes.[271]

Danh sách vua Parthia theo thứ tự thời gian

sửa

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ a b Fattah, Hala Mundhir (2009). A Brief History Of Iraq. Infobase Publishing. tr. 46. ISBN 978-0-8160-5767-2. Một đặc điểm của người Parthia mà chính các vị vua duy trì là sự thôi thúc du mục của họ. Các vị vua xây dựng hoặc chiếm nhiều thành phố làm kinh đô, quan trọng nhất là Ctesiphon trên sông Tigris, được xây dựng trên nền thị trấn Opis cổ
  2. ^ a b c d Green 1992, tr. 45
  3. ^ Skjaervo, Prods Oktor. “IRAN vi. IRANIAN LANGUAGES AND SCRIPTS (2) Doc – Encyclopaedia Iranica”. www.iranicaonline.org (bằng tiếng Anh). Encyclopedia Iranica. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2017. Tiếng Parthia. Đây là ngôn ngữ địa phương của khu vực phía đông biển Caspi và ngôn ngữ chính thức của nhà nước Parthia (xem ARSACIDS) và được biết đến từ các bản khắc trên đá và kim loại, bao gồm tiền xu và con dấu và từ các kho lưu trữ lớn các nhãn hiệu bằng sành của các bình rượu vang được tìm thấy ở kinh đô Nisa, cũng như từ các văn bản của Minh giáo.
  4. ^ Chyet, Michael L. (1997). Afsaruddin, Asma; Krotkoff, Georg; Zahniser, A. H. Mathias (biên tập). Humanism, Culture, and Language in the Near East: Studies in Honor of Georg Krotkoff. Eisenbrauns. tr. 284. ISBN 978-1-57506-020-0. Thời Trung đại Ba Tư (Đế quốc Parthia và Đế quốc Sassanid), tiếng Aramaic là thứ được dùng để viết hàng ngày, là cung cấp chữ viết cho tiếng Ba Tư trung đại, tiếng Parthia, Sogdia, and Chorasmia.
  5. ^ Brosius, Maria (2006). The Persians. Routledge. tr. 125. ISBN 978-0-203-06815-1. Người Parthia và thần dân của đế quốc Parthia đều theo đa thần giáo. Mỗi dân tộc, mỗi thành phố và mỗi quốc gia đều có thể tuân theo các vị thần, các giáo phái và các nghi thức tôn giáo riêng của họ. Tại, Babylon thần hộ pháp của thành phố, Marduk, tiếp tục là vị thần chính bên cạnh nữ thần IshtarNanai, trong khi thần chính của Hatra là thần mặt trời Shamash, được tôn kính cùng với đa dạng các vị thần khác.
  6. ^ Sheldon 2010, tr. 231
  7. ^ Turchin, Peter; Adams, Jonathan M.; Hall, Thomas D (tháng 12 năm 2006). “East-West Orientation of Historical Empires”. Journal of world-systems research. 12 (2): 223. ISSN 1076-156X. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2016.
  8. ^ Taagepera, Rein (1979). “Size and Duration of Empires: Growth-Decline Curves, 600 B.C. to 600 A.D.”. Social Science History. 3 (3/4): 121. doi:10.2307/1170959. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2016.
  9. ^ From Ancient Greek Ἀρσάκης Arsakēs, from Parthian 𐭀𐭓𐭔𐭊 Aršak.
  10. ^ "Phật giáo nước An Tức và nước Khương Cư"[liên kết hỏng]
  11. ^ Waters 1974, tr. 424.
  12. ^ Brosius 2006, tr. 84
  13. ^ "roughly western Khurasan" Bickerman 1983, tr. 6.
  14. ^ Ball 2016, tr. 155
  15. ^ Katouzian 2009, tr. 41; Curtis 2007, tr. 7; Bivar 1983, tr. 24–27; Brosius 2006, tr. 83–84
  16. ^ Bivar 1983, tr. 24; Brosius 2006, tr. 84
  17. ^ Bivar 1983, tr. 24–27; Brosius 2006, tr. 83–84
  18. ^ Curtis 2007, tr. 7–8; Brosius 2006, tr. 83–84
  19. ^ Bivar 1983, tr. 28–29
  20. ^ a b Curtis 2007, tr. 7
  21. ^ a b c Katouzian 2009, tr. 41
  22. ^ Garthwaite 2005, tr. 67
  23. ^ Brosius 2006, tr. 85
  24. ^ Bivar 1983, tr. 29–31
  25. ^ a b Curtis 2007, tr. 8
  26. ^ a b Brosius 2006, tr. 86
  27. ^ Bivar 1983, tr. 36
  28. ^ Ashrafian, Hutan. (2011), “Limb gigantism, neurofibromatosis and royal heredity in the Ancient World 2500 years ago: Achaemenids and Parthians”, J Plast Reconstr Aesthet Surg, 64 (4): 557, doi:10.1016/j.bjps.2010.08.025, PMID 20832372.[liên kết hỏng]
  29. ^ Bivar 1983, tr. 98–99
  30. ^ a b Brosius 2006, tr. 85–86
  31. ^ a b Bivar 1983, tr. 29; Brosius 2006, tr. 86; Kennedy 1996, tr. 74
  32. ^ Bivar 1983, tr. 29–31; Brosius 2006, tr. 86
  33. ^ Bivar 1983, tr. 31
  34. ^ Bivar 1983, tr. 33; Brosius 2006, tr. 86
  35. ^ Curtis 2007, tr. 10–11; Bivar 1983, tr. 33; Garthwaite 2005, tr. 76
  36. ^ a b Curtis 2007, tr. 10–11; Brosius 2006, tr. 86–87; Bivar 1983, tr. 34; Garthwaite 2005, tr. 76;
  37. ^ Garthwaite 2005, tr. 76; Bivar 1983, tr. 35
  38. ^ Brosius 2006, tr. 103, 110–113
  39. ^ Kennedy 1996, tr. 73; Garthwaite 2005, tr. 77
  40. ^ Garthwaite 2005, tr. 77; Bivar 1983, tr. 38–39
  41. ^ a b Brosius 2006, tr. 103
  42. ^ Bivar 1983, tr. 34
  43. ^ Brosius 2006, tr. 89; Bivar 1983, tr. 35
  44. ^ Bivar 1983, tr. 36–37; Curtis 2007, tr. 11
  45. ^ Garthwaite 2005, tr. 76–77; Bivar 1983, tr. 36–37; Curtis 2007, tr. 11
  46. ^ Shayegan 2011, tr. 145–150
  47. ^ Bivar 1983, tr. 37–38; Garthwaite 2005, tr. 77; see also Brosius 2006, tr. 90 and Katouzian 2009, tr. 41–42
  48. ^ Torday 1997, tr. 80–81
  49. ^ Garthwaite 2005, tr. 76; Bivar 1983, tr. 36–37; Brosius 2006, tr. 89, 91
  50. ^ Brosius 2006, tr. 89
  51. ^ Bivar 1983, tr. 38; Garthwaite 2005, tr. 77
  52. ^ Bivar 1983, tr. 38–39; Garthwaite 2005, tr. 77; Curtis 2007, tr. 11; Katouzian 2009, tr. 42
  53. ^ Bivar 1983, tr. 38–39
  54. ^ Bivar 1983, tr. 40–41; Katouzian 2009, tr. 42
  55. ^ Garthwaite 2005, tr. 78
  56. ^ Bivar 1983, tr. 40; Curtis 2007, tr. 11–12; Brosius 2006, tr. 90
  57. ^ Curtis 2007, tr. 11–12
  58. ^ Brosius 2006, tr. 91–92; Bivar 1983, tr. 40–41
  59. ^ a b Bivar 2007, tr. 26
  60. ^ Bivar 1983, tr. 41
  61. ^ Brosius 2006, tr. 90–91; Watson 1983, tr. 540–542; Garthwaite 2005, tr. 77–78
  62. ^ Garthwaite 2005, tr. 78; Brosius 2006, tr. 122–123
  63. ^ Brosius 2006, tr. 123–125
  64. ^ Wang 2007, tr. 100–101
  65. ^ Kurz 1983, tr. 560
  66. ^ Ebrey 1999, tr. 70; về một cuộc khảo sát khảo cổ học về đồ thủy tinh La Mã được chôn cất tại Trung Quốc, xem An 2002, tr. 79–84
  67. ^ Howard 2012, tr. 133
  68. ^ a b Brosius 2006, tr. 92
  69. ^ Kennedy 1996, tr. 73–78; Brosius 2006, tr. 91; Sheldon 2010, tr. 12–16
  70. ^ a b c d Kennedy 1996, tr. 78
  71. ^ Kennedy 1996, tr. 77–78
  72. ^ a b Bivar 1983, tr. 41–44; also see Garthwaite 2005, tr. 78
  73. ^ Brosius 2006, tr. 91–92
  74. ^ Bivar 1983, tr. 44–45
  75. ^ Bivar 1983, tr. 45–46; Brosius 2006, tr. 94
  76. ^ Bivar 1983, tr. 46–47
  77. ^ Bivar 1983, tr. 47; Cassius Dio writes that Lucius Afranius reoccupied the region without confronting the Parthian army, whereas Plutarch asserts that Afranius drove him out by military means.
  78. ^ Bivar 1983, tr. 48–49; see also Katouzian 2009, tr. 42–43
  79. ^ Bivar 1983, tr. 48–49; also, Brosius 2006, tr. 94–95 mentions this in passing.
  80. ^ Bivar 1983, tr. 49
  81. ^ Bivar 1983, tr. 49–50; Katouzian 2009, tr. 42–43
  82. ^ Bivar 1983, tr. 55–56; Garthwaite 2005, tr. 79; see also Brosius 2006, tr. 94–95 and Curtis 2007, tr. 12–13
  83. ^ 1983 & Bivar, tr. 52–55
  84. ^ 1983 & Bivar, tr. 52
  85. ^ 1983 & Bivar, tr. 52–55; Brosius 2006, tr. 94–95; Garthwaite 2005, tr. 78–79
  86. ^ Katouzian 2009, tr. 42–43; Garthwaite 2005, tr. 79; Bivar 1983, tr. 52–55; Brosius 2006, tr. 96
  87. ^ Bivar 1983, tr. 52–55; Brosius 2006, tr. 96
  88. ^ Bivar 1983, tr. 55–56; Brosius 2006, tr. 96
  89. ^ Kennedy 1996, tr. 80 asserts that permanent occupation was the obvious goal of the Parthians, especially after the cities of Roman Syria and even the Roman garrisons submitted to the Parthians and joined their cause.
  90. ^ Kennedy 1996, tr. 78–79; Bivar 1983, tr. 56
  91. ^ Bivar 1983, tr. 56–57; Strugnell 2006, tr. 243
  92. ^ a b c Bivar 1983, tr. 57; Strugnell 2006, tr. 244; Kennedy 1996, tr. 80
  93. ^ Syme 1939, tr. 214–217
  94. ^ Bivar 1983, tr. 57
  95. ^ a b Bivar 1983, tr. 57–58; Strugnell 2006, tr. 239, 245; Brosius 2006, tr. 96; Kennedy 1996, tr. 80
  96. ^ Bivar 1983, tr. 58; Brosius 2006, tr. 96; Kennedy 1996, tr. 80–81; see also Strugnell 2006, tr. 239, 245–246
  97. ^ Garthwaite 2005, tr. 79
  98. ^ Bivar 1983, tr. 58–59; Kennedy 1996, tr. 81
  99. ^ Bivar 1983, tr. 58–59
  100. ^ Bivar 1983, tr. 60–63; Garthwaite 2005, tr. 80; Curtis 2007, tr. 13; see also Kennedy 1996, tr. 81 for analysis on Rome's shift of attention away from Syria to the Upper Euphrates, starting with Antony.
  101. ^ a b Bivar 1983, tr. 64–65
  102. ^ Bivar 1983, tr. 65–66
  103. ^ Garthwaite 2005, tr. 80; see also Strugnell 2006, tr. 251–252
  104. ^ Bivar 1983, tr. 66–67
  105. ^ Brosius 2006, tr. 96–97; 136–137; Bivar 1983, tr. 66–67; Curtis 2007, tr. 12–13
  106. ^ Bivar 1983, tr. 67; Brosius 2006, tr. 96–99
  107. ^ Bivar 1983, tr. 68; Brosius 2006, tr. 97–99; see also Garthwaiete 2005, tr. 80
  108. ^ Bivar 1983, tr. 68–69; Brosius 2006, tr. 97–99
  109. ^ Bivar 1983, tr. 69–71
  110. ^ Bivar 1983, tr. 71
  111. ^ Bivar 1983, tr. 71–72
  112. ^ Bivar 1983, tr. 72–73
  113. ^ Xem Brosius 2006, tr. 137–138 để biết thêm thông tin về tiền xu La Mã mô tả người Parthians trả lại các cờ hiệu quân sự bị mất của La Mã.
  114. ^ Bivar 1983, tr. 73
  115. ^ Bivar 1983, tr. 73–74
  116. ^ Bivar 1983, tr. 75–76
  117. ^ Bivar 1983, tr. 76–78
  118. ^ a b Watson 1983, tr. 543–544
  119. ^ Watson 1983, tr. 543–544; Yü 1986, tr. 460–461; de Crespigny 2007, tr. 239–240; see also Wang 2007, tr. 101
  120. ^ Wood 2002, tr. 46–47; Morton & Lewis 2005, tr. 59
  121. ^ Yü 1986, tr. 460–461; de Crespigny 2007, tr. 600
  122. ^ Young 2001, tr. 29; Mawer 2013, tr. 38; Ball 2016, tr. 153
  123. ^ Bivar 1983, tr. 79
  124. ^ Bivar 1983, tr. 79–81; Kennedy 1996, tr. 81
  125. ^ Garthwaite 2005, tr. 82; Bivar 1983, tr. 79–81
  126. ^ Bausani 1971, tr. 41
  127. ^ Bivar 1983, tr. 81
  128. ^ Bivar 1983, tr. 81–85
  129. ^ Bivar 1983, tr. 83–85
  130. ^ Brosius 2006, tr. 99–100; Bivar 1983, tr. 85
  131. ^ Bivar 1983, tr. 86
  132. ^ Kennedy 1996, tr. 67, 87–88
  133. ^ Kennedy 1996, tr. 87
  134. ^ Kennedy 1996, tr. 87–88; see also Kurz 1983, tr. 561–562
  135. ^ Sheldon 2010, tr. 231–232
  136. ^ Sheldon 2010, tr. 9–10, 231–235
  137. ^ Bivar 1983, tr. 86–87
  138. ^ Bivar 1983, tr. 88; Curtis 2007, tr. 13; Lightfoot 1990, tr. 117
  139. ^ Lightfoot 1990, tr. 117–118; see also Bivar 1983, tr. 90–91
  140. ^ Bivar 1983, tr. 88–89
  141. ^ Dr. Aaron Ralby (2013). “Emperor Trajan, 98—117: Greatest Extent of Rome”. Atlas of Military History. Parragon. tr. 239. ISBN 978-1-4723-0963-1.
  142. ^ Bivar 1983, tr. 88–90; Garthwaite 2005, tr. 81; Lightfoot 1990, tr. 120; see also Katouzian 2009, tr. 44
  143. ^ Bivar 1983, tr. 90–91
  144. ^ Lightfoot 1990, tr. 120; Bivar 1983, tr. 90–91
  145. ^ Bivar 1983, tr. 91; Curtis 2007, tr. 13; Garthwaite 2005, tr. 81
  146. ^ Mommsen 2004, tr. 69
  147. ^ Bivar 1983, tr. 90–91; see also Brosius 2006, tr. 137 and Curtis 2007, tr. 13
  148. ^ Lightfoot 1990, tr. 120–124
  149. ^ Brosius 2006, tr. 100; see also Lightfoot 1990, tr. 115; Garthwaite 2005, tr. 81; and Bivar 1983, tr. 91
  150. ^ Bivar 1983, tr. 92–93
  151. ^ Bivar 1983, tr. 93
  152. ^ Brosius 2006, tr. 100; Bivar 1983, tr. 93–94
  153. ^ a b Brosius 2006, tr. 100; Curtis 2007, tr. 13; Bivar 1983, tr. 94; Katouzian 2009, tr. 44
  154. ^ a b Bivar 1983, tr. 94–95
  155. ^ Brosius 2006, tr. 100–101; see also Katouzian 2009, tr. 44, who mentions this in passing
  156. ^ a b Brosius 2006, tr. 101; Bivar 1983, tr. 95–96; Curtis 2007, tr. 14; see also Katouzian 2009, tr. 44
  157. ^ Bivar 1983, tr. 95–96
  158. ^ Frye 1983, tr. 173–174
  159. ^ (Shapur Shahbazi 2005)
  160. ^ Norman A. Stillman The Jews of Arab Lands pp 22 Jewish Publication Society, 1979 ISBN 0-8276-1155-2
  161. ^ International Congress of Byzantine Studies Proceedings of the 21st International Congress of Byzantine Studies, Luân Đôn, 21–ngày 26 tháng 8 năm 2006, Volumes 1–3 pp 29. Ashgate Pub Co, 30 sep. 2006 ISBN 0-7546-5740-X
  162. ^ Widengren 1983, tr. 1261–1262
  163. ^ Yarshater 1983, tr. 359
  164. ^ Widengren 1983, tr. 1261
  165. ^ Garthwaite 2005, tr. 75–76
  166. ^ Boyce 1983, tr. 1151–1152
  167. ^ Garthwaite 2005, tr. 67; Widengren 1983, tr. 1262; Brosius 2006, tr. 79–80
  168. ^ a b Widengren 1983, tr. 1262
  169. ^ Widengren 1983, tr. 1265
  170. ^ Garthwaite 2005, tr. 75–76; Widengren 1983, tr. 1263; Brosius 2006, tr. 118–119
  171. ^ Widengren 1983, tr. 1263; Brosius 2006, tr. 118–119
  172. ^ Garthwaite 2005, tr. 67, 75; Bivar 1983, tr. 22
  173. ^ Garthwaite 2005, tr. 75; Bivar 1983, tr. 80–81
  174. ^ Kurz 1983, tr. 564; see also Brosius 2006, tr. 138 for further analysis: "Curiously, at the same time as the Parthian was depicted as uncivilised, he was also 'orientalised' in traditional fashion, being described as luxury-loving, leading an effeminate lifestyle, and demonstrating excessive sexuality."
  175. ^ Widengren 1983, tr. 1261, 1264
  176. ^ Widengren 1983, tr. 1264
  177. ^ Widengren 1983, tr. 1265–1266
  178. ^ a b Widengren 1983, tr. 1265, 1267
  179. ^ Brosius 2006, tr. 80; Posch 1998, tr. 363
  180. ^ Posch 1998, tr. 358
  181. ^ Watson 1983, tr. 541–542
  182. ^ Wang 2007, tr. 90
  183. ^ Wang 2007, tr. 88
  184. ^ Wang 2007, tr. 89–90; Brosius 2006, tr. 90–91, 122
  185. ^ Brosius 2006, tr. 118; see also Wang 2007, tr. 90 for a similar translation
  186. ^ Garthwaite 2005, tr. 67–68
  187. ^ Widengren 1983, tr. 1263
  188. ^ Lukonin 1983, tr. 701
  189. ^ Lukonin 1983, tr. 701; Curtis 2007, tr. 19–21
  190. ^ Brosius 2006, tr. 113–114
  191. ^ Brosius 2006, tr. 115–116
  192. ^ Brosius 2006, tr. 114–115
  193. ^ “Trận Carrhae Đế quốc Parthia (247 TCN – 226 CN)”. Persianempire.info. ngày 20 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2011.
  194. ^ a b Brosius 2006, tr. 103–104
  195. ^ Brosius 2006, tr. 119
  196. ^ Lukonin 1983, tr. 699–700
  197. ^ Lukonin 1983, tr. 700–704
  198. ^ Brosius 2006, tr. 99–100, 104
  199. ^ a b Brosius 2006, tr. 104–105, 117–118
  200. ^ Lukonin 1983, tr. 704; Brosius 2006, tr. 104
  201. ^ Ashrafian, Hutan. (2011). “Limb gigantism, neurofibromatosis and royal heredity in the Ancient World 2500 years ago: Achaemenids and Parthians”. J Plast Reconstr Aesthet Surg. 64: 557. doi:10.1016/j.bjps.2010.08.025. PMID 20832372.
  202. ^ Brosius 2006, tr. 116, 122; Sheldon 2010, tr. 231–232
  203. ^ a b Kennedy 1996, tr. 84
  204. ^ Wang 2007, tr. 99–100
  205. ^ a b Brosius 2006, tr. 120; Garthwaite 2005, tr. 78
  206. ^ Brosius 2006, tr. 120; Kennedy 1996, tr. 84
  207. ^ Brosius 2006, tr. 116–118; see also Garthwaite 2005, tr. 78 and Kennedy 1996, tr. 84
  208. ^ Brosius 2006, tr. 120; Garthwaite 2005, tr. 78; Kurz 1983, tr. 561
  209. ^ Brosius 2006, tr. 122
  210. ^ Kennedy 1996, tr. 83
  211. ^ Curtis 2007, tr. 9, 11–12, 16
  212. ^ Curtis 2007, tr. 7–25; Sellwood 1983, tr. 279–298
  213. ^ Sellwood 1983, tr. 280
  214. ^ Sellwood 1983, tr. 282
  215. ^ Curtis 2007, tr. 14–15; see also Katouzian 2009, tr. 45
  216. ^ Garthwaite 2005, tr. 85; Curtis 2007, tr. 14–15
  217. ^ Curtis 2007, tr. 11
  218. ^ a b Curtis 2007, tr. 16
  219. ^ Garthwaite 2005, tr. 80–81; see also Curtis 2007, tr. 21 and Schlumberger 1983, tr. 1030
  220. ^ Schlumberger 1983, tr. 1030
  221. ^ Bivar 1983, tr. 56
  222. ^ a b Shahbazi 1987, tr. 525
  223. ^ Garthwaite 2005, tr. 85; Brosius 2006, tr. 128–129
  224. ^ Lukonin 1983, tr. 697
  225. ^ Lukonin 1983, tr. 687; Shahbazi 1987, tr. 525
  226. ^ Duchesne-Guillemin 1983, tr. 867–868
  227. ^ a b Katouzian 2009, tr. 45
  228. ^ Neusner 1983, tr. 909–923
  229. ^ Asmussen 1983, tr. 924–928
  230. ^ a b Brosius 2006, tr. 125
  231. ^ Garthwaite 2005, tr. 68, 83–84; Colpe 1983, tr. 823; Brosius 2006, tr. 125
  232. ^ Duchesne-Guillemin 1983, tr. 872–873
  233. ^ Colpe 1983, tr. 844
  234. ^ Katouzian 2009, tr. 45; Brosius 2006, tr. 102–103
  235. ^ Bivar 1983, tr. 85–86; Garthwaite 2005, tr. 80–81; Duchesne-Guillemin 1983, tr. 867
  236. ^ Garthwaite 2005, tr. 67; Asmussen 1983, tr. 928, 933–934
  237. ^ Bivar 1983, tr. 97
  238. ^ Emmerick 1983, tr. 957
  239. ^ Demiéville 1986, tr. 823; Zhang 2002, tr. 75
  240. ^ a b c d Brosius 2006, tr. 127
  241. ^ a b c Brosius 2006, tr. 128
  242. ^ Brosius 2006, tr. 127; see also Schlumberger 1983, tr. 1041–1043
  243. ^ Brosius 2006, tr. 129, 132
  244. ^ Brosius 2006, tr. 127; Garthwaite 2005, tr. 84; Schlumberger 1983, tr. 1049–1050
  245. ^ a b Schlumberger 1983, tr. 1051
  246. ^ Schlumberger 1983, tr. 1053
  247. ^ Curtis 2007, tr. 18; Schlumberger 1983, tr. 1052–1053
  248. ^ Curtis 2007, tr. 18
  249. ^ Schlumberger 1983, tr. 1052–1053
  250. ^ a b Brosius 2006, tr. 111–112
  251. ^ Brosius 2006, tr. 111–112, 127–128; Schlumberger 1983, tr. 1037–1041
  252. ^ Garthwaite 2005, tr. 84; Brosius 2006, tr. 128; Schlumberger 1983, tr. 1049
  253. ^ a b c d Brosius 2006, tr. 134–135
  254. ^ Schlumberger 1983, tr. 1049
  255. ^ Brosius 2006, tr. 132–134
  256. ^ Bivar 1983, tr. 91–92
  257. ^ Curtis 2007, tr. 15
  258. ^ Curtis 2007, tr. 17
  259. ^ Brosius 2006, tr. 108, 134–135
  260. ^ Brosius 2006, tr. 101
  261. ^ Curtis 2007, tr. 8; see also Sellwood 1983, tr. 279–280 for comparison with Achaemenid satrapal headdresses
  262. ^ Brosius 2006, tr. 101–102; Curtis 2007, tr. 9
  263. ^ Brosius 2006, tr. 101–102; Curtis 2007, tr. 15
  264. ^ Brosius 2006, tr. 106
  265. ^ Boyce 1983, tr. 1151
  266. ^ Boyce 1983, tr. 1158–1159
  267. ^ Boyce 1983, tr. 1154–1155; xem thêm Kennedy 1996, tr. 74
  268. ^ Gernot Windfuhr, ed., 2009. Các ngôn ngữ Iran. Routledge.
  269. ^ Bruinessen, M.M. van. (1994). Kurdish nationalism and competing ethnic loyalties
  270. ^ Paul, Ludwig (2008). “Kurdish language I. History of the Kurdish language”. Trong Yarshater, Ehsan (biên tập). Encyclopædia Iranica. Luân Đôn and New York: Routledge. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2013.
  271. ^ Windfuhr, Gernot (1975), "Tương đồng ngôn ngữ: Một bản tóm tắt về tiếng Ba Tư và Parthia, Kurd và Medes", Monumentum H.S. Nyberg II (Acta Iranica-5), Leiden: 457–471

Tham khảo

sửa
  • An, Jiayao (2002), “When Glass Was Treasured in China”, trong Juliano, Annette L. and Judith A. Lerner (biên tập), Silk Road Studies: Nomads, Traders, and Holy Men Along China's Silk Road, 7, Turnhout: Brepols Publishers, tr. 79–94, ISBN 2-503-52178-9.
  • Asmussen, J.P. (1983), “Christians in Iran”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.2, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 924–948, ISBN 0-521-20092-X.
  • Bickerman, Elias J. (1983), “The Seleucid Period”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.1, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 3–20, ISBN 0-521-20092-X.
  • Bivar, A.D.H. (1983), “The Political History of Iran Under the Arsacids”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.1, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 21–99, ISBN 0-521-20092-X.
  • Bivar, A.D.H. (2007), “Gondophares and the Indo-Parthians”, trong Curtis, Vesta Sarkhosh and Sarah Stewart (biên tập), The Age of the Parthians: The Ideas of Iran, 2, Luân Đôn & New York: I.B. Tauris & Co Ltd., in association with the Luân Đôn Middle East Institute at SOAS and the British Museum, tr. 26–36, ISBN 978-1-84511-406-0.
  • Boyce, Mary (1983), “Parthian Writings and Literature”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.2, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 1151–1165, ISBN 0-521-20092-X.
  • Brosius, Maria (2006), The Persians: An Introduction, Luân Đôn & New York: Routledge, ISBN 0-415-32089-5.
  • Colpe, Carsten (1983), “Development of Religious Thought”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.2, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 819–865, ISBN 0-521-20092-X.
  • Curtis, Vesta Sarkhosh (2007), “The Iranian Revival in the Parthian Period”, trong Curtis, Vesta Sarkhosh and Sarah Stewart (biên tập), The Age of the Parthians: The Ideas of Iran, 2, Luân Đôn & New York: I.B. Tauris & Co Ltd., in association with the Luân Đôn Middle East Institute at SOAS and the British Museum, tr. 7–25, ISBN 978-1-84511-406-0.
  • de Crespigny, Rafe (2007), A Biographical Dictionary of Later Han to the Three Kingdoms (23–220 AD), Leiden: Koninklijke Brill, ISBN 90-04-15605-4.
  • Demiéville, Paul (1986), “Philosophy and religion from Han to Sui”, trong Twitchett and Loewe (biên tập), Cambridge History of China: the Ch'in and Han Empires, 221 B.C. – A.D. 220, 1, Cambridge: Cambridge University Press, tr. 808–872, ISBN 0-521-24327-0.
  • Duchesne-Guillemin, J. (1983), “Zoroastrian religion”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.2, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 866–908, ISBN 0-521-20092-X.
  • Ebrey, Patricia Buckley (1999), The Cambridge Illustrated History of China, Cambridge: Cambridge University Press, ISBN 0-521-66991-X (paperback).
  • Emmerick, R.E. (1983), “Buddhism Among Iranian Peoples”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.2, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 949–964, ISBN 0-521-20092-X.
  • Frye, R.N. (1983), “The Political History of Iran Under the Sasanians”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.1, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 116–180, ISBN 0-521-20092-X.
  • Garthwaite, Gene Ralph (2005), The Persians, Oxford & Carlton: Blackwell Publishing, Ltd., ISBN 1-55786-860-3.
  • Katouzian, Homa (2009), The Persians: Ancient, Medieval, and Modern Iran, New Haven & Luân Đôn: Yale University Press, ISBN 978-0-300-12118-6.
  • Kennedy, David (1996), “Parthia and Rome: eastern perspectives”, The Roman Army in the East, Ann Arbor: Cushing Malloy Inc., Journal of Roman Archaeology: Supplementary Series Number Eighteen, tr. 67–90, ISBN 1-887829-18-0
  • Kurz, Otto (1983), “Cultural Relations Between Parthia and Rome”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.1, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 559–567, ISBN 0-521-20092-X.
  • Lightfoot, C.S. (1990), “Trajan's Parthian War and the Fourth-Century Perspective”, The Journal of Roman Studies, 80: 115–126, doi:10.2307/300283, JSTOR 300283
  • Lukonin, V.G. (1983), “Political, Social and Administrative Institutions: Taxes and Trade”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.2, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 681–746, ISBN 0-521-20092-X.
  • Mommsen, Theodor (2004 (original publication 1909 by Ares Publishers, Inc.)), The Provinces of the Roman Empire: From Caesar to Diocletian, 2, Piscataway (New Jersey): Gorgias Press, ISBN 1-59333-026-X Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |year= (trợ giúp).
  • Morton, William S.; Lewis, Charlton M. (2005), China: Its History and Culture, New York: McGraw-Hill, ISBN 0-07-141279-4.
  • Neusner, J. (1983), “Jews in Iran”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.2, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 909–923, ISBN 0-521-20092-X.
  • (tiếng Đức) Posch, Walter (1998), “Chinesische Quellen zu den Parthern”, trong Weisehöfer, Josef (biên tập), Das Partherreich und seine Zeugnisse, Historia: Zeitschrift für alte Geschichte, vol. 122, Stuttgart: Franz Steiner, tr. 355–364.
  • Schlumberger, Daniel (1983), “Parthian Art”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.2, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 1027–1054, ISBN 0-521-20092-X.
  • Sellwood, David (1983), “Parthian Coins”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.1, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 279–298, ISBN 0-521-20092-X.
  • Shahbazi, Shahpur A. (1987), “Arsacids. I. Origin”, Encyclopaedia Iranica, 2: 255
  • Sheldon, Rose Mary (2010), Rome's Wars in Parthia: Blood in the Sand, Luân Đôn & Portland: Valentine Mitchell, ISBN 978-0-85303-981-5
  • Strugnell, Emma (2006), “Ventidius' Parthian War: Rome's Forgotten Eastern Triumph”, Acta Antiqua, 46 (3): 239–252, doi:10.1556/AAnt.46.2006.3.3
  • Syme, Ronald (1939), The Roman Revolution, Oxford: Oxford University Press, ISBN 0-19-280320-4
  • Torday, Laszlo (1997), Mounted Archers: The Beginnings of Central Asian History, Durham: The Durham Academic Press, ISBN 1-900838-03-6
  • Wang, Tao (2007), “Parthia in China: a Re-examination of the Historical Records”, trong Curtis, Vesta Sarkhosh and Sarah Stewart (biên tập), The Age of the Parthians: The Ideas of Iran, 2, Luân Đôn & New York: I.B. Tauris & Co Ltd., in association with the Luân Đôn Middle East Institute at SOAS and the British Museum, tr. 87–104, ISBN 978-1-84511-406-0.
  • Waters, Kenneth H. (1974), “The Reign of Trajan, part VII: Trajanic Wars and Frontiers. The Danube and the East”, trong Temporini, Hildegard (biên tập), Aufstieg und Niedergang der römischen Welt. Principat. II.2, Berlin: Walter de Gruyter, tr. 415–427.
  • Watson, William (1983), “Iran and China”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.1, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 537–558, ISBN 0-521-20092-X.
  • Widengren, Geo (1983), “Sources of Parthian and Sasanian History”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.2, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 1261–1283, ISBN 0-521-20092-X.
  • Wood, Frances (2002), The Silk Road: Two Thousand Years in the Heart of Asia, Berkeley and Los Angeles: University of California Press, ISBN 0-520-24340-4.
  • Yarshater, Ehsan (1983), “Iranian National History”, trong Yarshater, Ehsan (biên tập), Cambridge History of Iran, 3.1, Luân Đôn & New York: Cambridge University Press, tr. 359–480, ISBN 0-521-20092-X.
  • Yü, Ying-shih (1986), “Han Foreign Relations”, trong Twitchett, Denis and Michael Loewe (biên tập), Cambridge History of China: the Ch'in and Han Empires, 221 B.C. – A.D. 220, 1, Cambridge: Cambridge University Press, tr. 377–462, ISBN 0-521-24327-0.
  • Zhang, Guanuda (2002), “The Role of the Sogdians as Translators of Buddhist Texts”, trong Juliano, Annette L. and Judith A. Lerner (biên tập), Silk Road Studies: Nomads, Traders, and Holy Men Along China's Silk Road, 7, Turnhout: Brepols Publishers, tr. 75–78, ISBN 2-503-52178-9.

Đọc thêm

sửa
  • Neusner, J. (1963), “Parthian Political Ideology”, Iranica Antiqua, 3: 40–59
  • Schippmann, Klaus (1987), “Arsacid ii. The Arsacid dynasty”, Encyclopaedia Iranica, 2, New York: Routledge & Kegan Paul, tr. 526–535

Liên kết ngoài

sửa