Sơn Tây (tỉnh cũ)
Sơn Tây là một tỉnh cũ ở Bắc Bộ. Đây vốn là một trong tứ trấn Thăng Long, tục gọi là trấn Tây, xứ Đoài hay trấn Đoài (Đoài nghĩa là Tây), có bề dày lịch sử kéo dài từ thời Hùng Vương tới nay. Sơn Tây là một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ (năm 1831, thời vua Minh Mạng), gồm phần lớn địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, phía bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và tây bắc thành phố Hà Nội ngày nay. Tỉnh lỵ là thành Sơn Tây, nay là thị xã Sơn Tây.
Khi Bắc Kỳ bị đặt dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp, tỉnh Sơn Tây của nhà Nguyễn đã bị chia tách ra để thành lập các tỉnh nhỏ hơn nói trên. Từ đó cho tới năm 1965, tỉnh Sơn Tây có cương vực tương ứng với thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất trước khi được sáp nhập với tỉnh Hà Đông để trở thành một tỉnh lớn hơn là Hà Tây. Ngày nay, địa danh Sơn Tây thường được sử dụng để chỉ thị xã Sơn Tây hoặc vùng đất tỉnh Sơn Tây thời Pháp thuộc (tức thị xã Sơn Tây & các huyện xung quanh).
Lịch sử
Thời phong kiến
Tên gọi Sơn Tây xuất hiện trên sử sách đã hơn 500 năm. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), vua Lê Thánh Tông thấy nơi này có mấy ngọn núi và ở phía Tây thành Thăng Long mới đặt là Sơn Tây thừa tuyên.
Qua từng thời kỳ, vùng đất cổ Sơn Tây có những thay đổi về cương vực đơn vị hành chính. Sách Sơn Tây quận huyện bị khảo chép như sau: “Đất đai Sơn Tây, xưa gọi là Phong Châu, thời Hùng Vương định đô ở đấy, dựng quốc hiệu Văn Lang, chia trong nước làm 15 bộ, Phong Châu, Phúc Lộc, Chu Diên tức là đất Sơn Tây nay. Đời Tần Thủy Hoàng, quận huyện đất ấy đặt làm Tượng Quận, kéo dài đến tận phía Nam Quế Lâm. Vào thời Tần là đất Lục Lương, thời thuộc Hán gọi là Mê Linh, cho lệ vào bộ Giao Chỉ (quận Giao Chỉ). Thời Ngô chia đặt bộ Tân Hưng, nhà Tấn đổi làm bộ Tân Xương. Thờ Tống, Tề, Lương đều theo tên như đời Tấn, đời Tuỳ gọi là Gia Ninh, đều cho nhập vào quận Giao Chỉ. Đời Đường lại gọi là Phong Châu, thuộc An Nam đô hộ phủ thì đất Lục Lương, Mê Linh, Chu Diên, Tân Hưng, Tân Xương, Gia Ninh hay Phong Châu đều là đất Sơn Tây vậy. Thời Sứ quân Nguyễn Khoan[1] gọi là đất Tam Đái triều Đinh cùng nhà Tiền Lê thay đổi không thống nhất. Đến triều Lý gọi là châu Quốc Oai, lại gọi là châu Quảng Oai, đời Trần là trấn Quảng Oai, cũng gọi là lộ Tam Giang”.
Thời Hồ, về cơ bản các đơn vị hành chính không khác nhiều so với thời Trần. Năm 1397, Hồ Quý Ly đổi gọi các phủ, lộ là trấn và đặt thêm chức quan ở đó, bãi bỏ chức Đại tiểu tư xã, chỉ để quản giáp như cũ. Phủ, lộ là cấp hành chính địa phương cao nhất của nước Đại Ngu, một số được đổi thành trấn từ cuối thời Trần. Cả nước có 24 đơn vị hành chính, Sơn Tây thuộc trấn Quảng Oai.
Đến thời Lê Sơ, năm 1428 vua Lê Thái Tổ chia nước ra làm 5 đạo, vùng Sơn Tây bây giờ gọi là đạo Tây và gồm có Quốc Oai Thượng, Quốc Oai Trung và Quốc Oai Hạ. Nhưng đây là cách phân chia đơn vị hành chính ở thời kỳ đất nước sau khi độc lập,[2] những đại thần cai quản các đạo này (quan Hành khiển) có quyền rất lớn, do vậy mà quyền lực không thể tập trung cao vào tay vua (hoàng đế), sau này thì Lê Thánh Tông đã tiến hành sắp xếp lại cho chặt chẽ hơn, thâu tóm quyền lực vào tay vua.[3]
Sử gia Lê Quý Đôn trong phần nói về Phong vực (bờ cõi) đã dành nhiều trang viết về Sơn Tây, đó là những ghi chép khá phong phú, có thể coi là sớm nhất về vùng đất này. Về hành chính: “Khoảng niên hiệu Hồng Đức, trấn Sơn Tây gọi là xứ Tam Giang, sau mới đổi tên này”[4].
sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đổi làm thừa tuyên Quốc Oai... Năm Kỷ Sửu (1469), Quang Thuận năm thứ 10, “Mùa hạ, tháng tư…Quy định bản đồ của phủ, châu, huyện, xã, trang sách thuộc 12 thừa tuyên… Sơn Tây 6 phủ 24 huyện”[5].
Theo sách Sơn tây dư đồ và sách Sơn Tây thành trì tỉnh Vĩnh Yên hạt sự tích (Sơn Tây sự tích) thì thành cũ vốn được xây dựng từ thời Lê Sơ: “... thuộc địa phận xã La Thẩm, huyện Tiên Phong. Thành được xây dựng từ năm tháng nào thì không có mấy ai được rõ, mãi về sau ta vẫn thấy vết tích của nó còn lưu lại là một con đường nhỏ, chạy từ chân đê tới bờ sông”.
Trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú cũng cho biết thêm: “Đất La Phẩm ở huyện Tiên Phong là trấn sở của triều cũ. Trong đời Cảnh Hưng mới dời đến xã Cam Giá, huyện Phúc Lộc”.
Thời nhà Nguyễn, một bức tường thành kiểu Vauban đã được xây dựng (thành cổ Sơn Tây), góp phần làm tăng thêm sự đông đúc cho lỵ sở tỉnh, nay là thị xã Sơn Tây. Con đường thiên lý phía Tây từ thành Hà Nội tới thành Sơn Tây cũng dần được hoàn thiện và củng cố, ngày nay tương ứng với phố Sơn Tây (tên gọi con phố này có thể bắt nguồn từ đích đến của nó), đường Kim Mã, Cầu Giấy, Xuân Thủy và quốc lộ 32. Năm 1883, chính tại tỉnh lỵ Sơn Tây đã diễn ra trận chiến ác liệt giữa quân Cờ đen và quân đoàn Viễn chinh Pháp, nó cũng là dấu hiệu cho thấy Bắc Kỳ chuẩn bị rơi hoàn toàn vào tay thực dân Pháp. Hành chính năm phủ của Sơn Tây bao gồm các phủ Quốc Oai, Quảng Oai, Tam Đái, Đoan Hùng và Lâm Thao.
Xem thêm
Tham khảo
- ^ Là một trong 12 sứ quân. Sứ quân đóng tại làng Cam Lâm (Đường Lâm cổ ấp), thuộc xã Phùng Hưng, huyện Tùng Thiện (nay là TX. Sơn Tây).
- ^ Theo GS Trương Hữu Quýnh trong đề tài nghiên cứu cấp Bộ (Viện Nghiên cứu khoa học tổ chức Nhà nước thuộc Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ), đề tài khoa học Lịch sử nền hành chính quốc gia Việt Nam dưới thời phong kiến (cấu tạo và quyền hạn), Hà Nội, 12-1995.
- ^ Nguyễn Văn Biểu, Thành Sơn Tây giai đoạn 1822-1883 - Luận văn Thạc sĩ bảo vệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2014. Lưu tại Thư viện Viện Sử học, Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phòng Tư liệu Khoa Lịch sử - ĐHSP Hà Nội, trang 22-24.
- ^ Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 2007, trang 333.
- ^ Đất Sơn Tây trước là đất Quốc Oai. Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 2007, trang 333.