Thuốc lá
Thuốc lá là một sản phẩm được làm chủ yếu từ nguyên liệu lá cây thuốc lá đã thái sợi, được cuốn hay nhồi định hình bằng giấy, có dạng hình trụ (thường có độ dài dưới 120 mm, đường kính khoảng 10 mm). Thuốc lá điếu thường được đốt cháy ở một đầu, để cháy âm ỉ nhằm mục đích tạo khói và khói này theo dòng khí vào miệng người hút từ đầu đối diện (thường có gắn đầu lọc). Thuật ngữ thuốc lá thường được dùng theo nghĩa chung liên quan đến thuốc lá trong khi thuốc lá điếu nhằm chỉ cụ thể loại sản phẩm thuốc lá sợi đã cuốn thành điếu. Tuy nhiên, đôi khi, thuật ngữ này cũng được sử dụng để chỉ loại thuốc hút khói nhưng được làm từ một số loại thực vật khác (cây gai dầu).
Thuốc lá điếu khác xì gà trước hết ở kích thước: điếu nói chung bé hơn, sử dụng sợi từ lá thuốc đã qua chế biến và được cuốn bằng giấy trắng chuyên dùng. Xì gà được làm hoàn toàn bằng nguyên lá thuốc lá, ruột là mảnh lá và lá áo bọc ngoài cũng bằng lá thuốc lá. Trước cuộc chiến tranh Krym (Nga-Pháp năm 1854-1856), hầu hết các quốc gia dùng tiếng Anh chưa biết đến thuốc lá điếu. Chỉ đến khi các binh sĩ người Anh thời đó học các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ (Đế chế Ottoman) sử dụng giấy in báo để cuốn thuốc lá hút, thuốc lá mới bắt đầu kỷ nguyên bành trướng rộng rãi ra khắp thế giới từ đó.
Đôi khi người ta sử dụng tẩu để hút thuốc. Thuật ngữ "điếu thuốc", thường được dùng để chỉ một điếu thuốc lá, nhưng cũng có thể chỉ các vật khác có chứa lá thơm, ví dụ như cần sa. Do người ta tin tưởng rằng (và cũng được khoa học chứng minh trong trường hợp cụ thể có tuổi thọ ngắn đi khi nguy cơ ung thư phổi tăng lên) các sản phẩm thuốc lá gây đoản thọ, rất nhiều nước đã cho in lời cảnh báo về sức khỏe bằng phông chữ lớn ở mặt trước và mặt sau mỗi bao thuốc để báo động về tác hại của việc hút thuốc, đồng thời cấm mọi quảng cáo để bán thuốc lá...
Ngoài thuốc lá thông thường còn có những biến thể khác như là thuốc lá không khói, thuốc lá điện tử, thuốc lá (nông phẩm),...
Lịch sử
sửaTheo Vân đài loại ngữ, thì "thuốc lá gọi là yên thảo (煙草), xuất xứ đất Mân, người ở biên cảnh hay mắc phong hàn, không có nó thì không chữa được, có người đổi một con ngựa lấy một cân thuốc ấy. Cây thuốc lá nguyên sản xuất ở Lữ Tống, thực tên nó là tạm-ba-cô, vốn là thứ rau mọc ở bờ ao hồ như cây lan. Sách cũng cho biết, "cuối đời Sùng Trinh, năm Quý Mùi, hạ lệnh cấm thuốc lá, ai lén trồng thì phạm tội đồ. Nhưng mối lợi trọng hơn luật pháp, nên dân phần nhiều không tuân thượng chỉ. Sau lại ban lệnh, hễ ai phạm cấm thì chém, nhưng binh sĩ đóng ngoài biên bị chứng hàn khó khỏi, không thuốc nào chữa nổi [ngoài thứ ấy], đành bỏ cấm". Lại nói "Mới đây, triều Càn Long, năm Mậu Dần, có Ngô Khi Khác làm sách Bản thảo tòng tân liệt thuốc hút vào hạng độc thảo, tính nó cay nóng, trị được các chứng phong hàn, tê thấp, trệ khí, đọng đờm, sơn lam chướng khí. Khói thuốc vào mồm không theo thường độ, một lúc nó chạy khắp người làm cho cơ thể thống khoái, thay được rượu trà, suốt đời không ngán, cho nên người ta còn gọi thuốc hút là tương tư thảo (相思草). Nhưng hơi lửa nung hấu, hao huyết tổn thọ, mà người ta không biết".
Nguồn gốc
sửaCác dạng thuốc lá sớm nhất tương tự như xì gà. Sau đó thuốc lá được cho rằng đã xuất hiện ở Mexico và Trung Mỹ vào khoảng thế kỷ thứ 9 dưới dạng ống lau sậy và ống hút thuốc. Người Maya và người Aztec hút thuốc lá và các loại thuốc tác động thần kinh khác trong các nghi lễ tôn giáo, hành vi này được mô tả trên đồ gốm và chạm khắc ở đền thờ. Thuốc lá và xì gà là những phương pháp hút thuốc phổ biến nhất ở vùng Caribbean, Mexico, Trung Mỹ và Nam Mỹ cho đến ngày nay.[1]
Thuốc lá tại Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ được cuốn (bên ngoài) bằng nhiều loại thực vật khác nhau; Vào thế kỷ 17 khi được du nhập vào Tây Ban Nha thuốc lá được cuốn bằng loại giấy tốt hơn đó là giấy dùng để gói ngô. Sản phẩm thu được được gọi là papelate và được ghi lại trong một số bức tranh của danh họa Goya như La Cometa, La Merienda en el Manzanares, và El juego de la pelota a pala.[2]
Đến năm 1830, thuốc lá đã du nhập vào Pháp, nơi nó được đặt tên chính thức là "cigarette"; và vào năm 1845, nhà máy độc quyền của nhà nước Pháp đã bắt đầu sản xuất thuốc lá. Từ "cigarette" tiếng Pháp được tiếng Anh sử dụng vào những năm 1840.[3] Một số nhà cải cách Mỹ đã gọi sản phẩm này là "cigaret"[4][5] nhưng từ này không được phổ biến rộng rãi và hiện tại không ai sử dụng nữa.
Máy làm thuốc lá được cấp bằng sáng chế đầu tiên được phát minh bởi Juan Nepomuceno Adorno ở Mexico vào năm 1847.[6] Tuy nhiên, sau đó được phát triển thêm bởi James Albert Bonsack (nhà sáng chế người Mỹ) vào năm 1880, giúp tăng năng suất của các công ty thuốc lá, từ việc sản xuất khoảng 40.000 điếu thuốc lá mỗi ngày lên khoảng 4 triệu điếu.[7]
Tại Việt Nam trước thế kỷ 20 thì chưa có thuốc lá cuộn sẵn. Thuốc lào thái sợi nhỏ gọi là thuốc rê. Khách hàng có thể mua về tự cuốn lấy gọi là vấn thuốc dùng giấy quyến để tạo thành điếu thuốc. Dưới thời Pháp thuộc thuốc lá đóng gói mới xuất hiện đẩy lùi dần tập quán vấn thuốc bằng giấy quyến và thuốc rê.
Việc hút thuốc lá phổ biến ở thế giới phương Tây và là một hiện tượng của thế kỷ 20. Vào đầu thế kỷ 20, mức tiêu thụ hàng năm trên đầu người ở Mỹ là 54 điếu (với gần 0,5% dân số hút hơn 100 điếu mỗi năm) và mức tiêu thụ đã đạt mức 4.259 điếu trên đầu người vào năm 1965. Thời gian này, khoảng 50% nam giới và 33% phụ nữ hút thuốc (chỉ tính người hút hơn 100 điếu thuốc mỗi năm).[8]
Đến năm 2000, mức tiêu thụ đã giảm xuống còn 2.092 trên đầu người, tương ứng với khoảng 30% nam giới và 22% phụ nữ hút hơn 100 điếu thuốc mỗi năm và đến năm 2006 mức tiêu thụ trên đầu người đã giảm xuống còn 1.691 điếu trên đầu người.[9]
Những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thuốc lá được biết đến vào giữa thế kỷ 19 khi chúng được gọi là những chiếc đinh đóng quan tài.[10] Các bác sĩ Đức là những người đầu tiên xác định mối liên hệ giữa hút thuốc và ung thư phổi, dẫn đến phong trào chống thuốc lá đầu tiên ở Đức Quốc xã.[11][12] Trong Thế chiến I và Thế chiến II, thuốc lá được phân phối cho các binh sĩ. Trong chiến tranh Việt Nam, thuốc lá được bao gồm trong các bữa ăn khẩu phần C. Năm 1975, chính phủ Hoa Kỳ đã ngừng đưa thuốc lá vào khẩu phần quân sự. Trong nửa sau của thế kỷ 20, những tuyên truyền ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thuốc lá bắt đầu trở nên phổ biến và cảnh báo sức khỏe xuất hiện trên các gói thuốc lá.
Chế biến
sửaThuốc lá thương mại và thuốc lá sợi hiếm khi có chứa sợi thuốc tinh khiết. Các nhà sản xuất thường thêm phụ gia để giữ hương vị được lâu, tăng chất lượng màu sợi, để giữ chất lượng sợi và thậm chí để thay đổi hoàn toàn chất lượng cảm nhận của khói thuốc. Trong khi nhiều công ty thuốc lá thực hành điều này, tại Canada các mác thuốc chứa 100% là thuốc Virginia tự nhiên - không có phụ gia. Một số loại thuốc lá (được gọi là kretek, thuốc lá bạc hà, hay chỉ đơn giản là bạc hà) có vị bạc hà trộn lẫn với thuốc. Nó được thêm vào để tăng cảm giác sảng khoái của người hút khi làm tê miệng và phổi cũng như tạo cảm giác dễ chịu. Các loại thuốc lá bạc hà rẻ tiền được chế tạo đơn giản bằng cách trộn tinh dầu bạc hà vào sợi thuốc.
Ngoài các phụ gia, thuốc lá sợi, đặc biệt là các loại chất lượng thấp, thường bị xử lý nhiều. Trong quá trình xử lý lá thuốc đầu tiên, lá được bỏ gân và được cắt thành lớp mỏng. Vì lá thuốc ở quá trình này khá khô nên nó tạo ra nhiều vụn thuốc. Các nhà máy sản xuất đã phát triển các phương pháp thu hồi số vụn thuốc này và lại biến chúng thành nguyên liệu sử dụng được (được gọi là "lá thuốc tái chế").
Các đường gân lá bị bỏ ra, vốn không thích hợp để sử dụng khi giữ nguyên trạng, trước kia bị loại bỏ hay ép mỏng thành các phiến lớn vì chúng chứa nhiều nitơ. Tuy nhiên, các quá trình xử lý mới đã được phát triển để ép chúng và chế biến trộn lẫn vào sợi thuốc. Tất cả các quá trình ấy cho phép nhà sản xuất thuốc lá có được số lượng thuốc lớn nhất với lượng nguyên liệu thô thấp nhất.
Ứng dụng nhiều nhất của điếu thuốc là để dẫn khói của thuốc lá. Ứng dụng nhiều thứ hai là để dẫn khói của cần sa. Ống quấn là loại phổ biến nhất của điếu cần sa. Người hút cần sa sẽ thường vặn xoắn hai đầu của điếu cần sa để tránh cho những lá cần sa bị cắt vụn khỏi rơi ra ngoài. Tuy nhiên những người hút thuốc lá mà tự quấn điếu thuốc cho mình, thường không hay vặn xoắn hai đầu của điếu thuốc; thuốc lá được làm theo sợi nên sẽ không bị rơi ra ngoài.
Kinh doanh
sửaTrước Chiến tranh thế giới thứ hai nhiều nhà sản xuất tặng kèm theo một lá bài sưu tầm trong mỗi bao thuốc. Việc làm này đã không được tiếp tục để tiết kiệm giấy trong chiến tranh và đã không còn xuất hiện nữa. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai người ta tặng miễn phí thuốc lá cho cả binh lính và dân thường. Vào ngày 1 tháng 4 năm 1970 Tổng thống Richard Nixon đã ký đạo luật về hút thuốc lá cho sức khỏe cộng đồng, cấm các quảng cáo thuốc lá trên TV ở Hoa Kỳ từ ngày 2 tháng 1 năm 1971. Tuy nhiên một số công ty thuốc lá đã cố gắng lách luật bằng cách quảng cáo thuốc là "xì gà nhỏ" ngay sau khi luật cấm có hiệu lực, và Backwoods Smokes, nhãn hiệu thuốc lá vào thị trường mùa đông 1973-1974 quảng cáo với phương châm "How can anything that looks so wild taste so mild" (Làm sao mà một thứ có vẻ mạnh như thế có thể có vị thật nhẹ nhàng).
Giá trị sử dụng
sửaĐài BBC đã liệt kê danh sách những phát minh khiến nhiều người chết nhất trong lịch sử hiện đại. Chúng bao gồm thuốc lá, súng AK-47, bom hạt nhân và thuốc nổ dynamite. Kết quả thống kê cho hay, mỗi năm 1,1 triệu người chết vì ung thư phổi và 85% người trong số đó hút thuốc lá. Robert N. Proctor, một nhà nghiên cứu của Đại học Stanford tại Mỹ, khẳng định "Sản phẩm giết nhiều người nhất trong lịch sử nhân loại là thuốc lá. Nó đã cướp khoảng 100 triệu sinh mạng trong thế kỷ XX".
Tính đến tháng 3 năm 2018, có khoảng 5.5 nghìn tỷ điếu thuốc lá được sản xuất hàng năm trên thế giới trong ngành công nghiệp thuốc lá, được tiêu thụ bởi trên 1,1 tỷ người[cần dẫn nguồn].
Tỉ lệ hút thuốc theo giới tính | ||
---|---|---|
Số người hút thuốc (%) | ||
Khu vực | Nam | Nữ |
Châu Phi | 29 | 4 |
Châu Mỹ | 35 | 22 |
Đông Địa Trung Hải | 35 | 4 |
Châu Âu | 46 | 26 |
Đông Nam Á | 44 | 4 |
Tây Thái Bình Dương | 60 | 8 |
(2000, theo Tổ chức Y tế Thế giới) |
Tác hại người dùng
sửaKhói thuốc lá đã bị Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (International Agency for Research on Cancer - IARC) trực thuộc Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) xếp vào các chất gây ung thư (tiếng Anh: carcinogen) bậc 1. Trong nhóm này xếp những chất mà chỉ cần khối lượng nhỏ cũng có thể gây ung thư, không có hạn mức, nghĩa là hoàn toàn có hại cho mình và cho người khác, dù chỉ là một khối lượng nhỏ.
Khói thuốc được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú. Khi hút thuốc, người hút thường thở ra hai luồng khói chính và phụ, và 20% khói thuốc bị hít vào trong luồng chính, 80 % còn lại được gọi là luồng phụ, nảy sinh khi kéo thuốc (giữa những lần hít vào) và khi tắt thuốc. Luồng khói chính nảy sinh tại 950 °C và khói phụ 500 °C, do đó luồng khói phụ tỏa ra nhiều chất độc hại hơn.
Khói thuốc cấu tạo từ một hỗn hợp khí và bụi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 60 được xếp vào loại gây ung thư [13]. Gồm những chất như nicotin, mônôxít cacbon, hắc ín và benzen, fomanđêhít, amonia, axeton, asen, xyanua hiđrô ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.
Tác hại cũng xảy đến cho những người không hút thuốc chung quanh, phải hút thuốc thụ động, là hình thức hít khói thuốc từ không khí, mà không trực tiếp hút thuốc lá hoặc thuốc lào và cũng bị tác hại gián tiếp dẫn đến những nguy cơ về bệnh như ung thư phổi. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: Không có ngưỡng an toàn cho việc hút thuốc thụ động.
Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có 40.000 người tử vong do những nguyên nhân liên quan đến thuốc lá, gấp 3 lần số người chết do tai nạn giao thông. Một điều tra cho thấy trên 50% nam giới hút thuốc lá và 60% trẻ em Việt Nam độ tuổi 13-15 đã tiếp xúc với khói thuốc tại nhà. Tại Hà Nội, gần một nửa dân số phải hút thuốc thụ động, nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em [14]. Ung thư phổi là dạng ung thư cao nhất ở nam giới và thứ tư ở nữ giới.
Việc hút thuốc ở các phòng chờ nhà ga, bến xe đã bị Bộ Giao thông vận tải cấm từ năm 2005, tuy nhiên việc áp dụng chưa triệt để trên thực tế. Hiện nay, tổ chức Healthbidge Canada đang tài trợ cho một số thành phố tại Việt Nam mở rộng khu vực công cộng không khói thuốc và tăng tính hiệu quả của chính sách cấm hút thuốc nơi công cộng.
Ngày 31 tháng 5 hàng năm được xem là "Ngày Thế giới không thuốc lá".
Tác hại môi trường
sửaTính trung bình, có khoảng 5.7 nghìn tỷ điếu thuốc lá được hút trên toàn thế giới mỗi năm[15] và khoảng 5,3 nghìn tỷ tàn thuốc lá sau khi hút được vứt lại môi trường, trên đường đi và các khu vực công cộng hàng năm.[16]
Xem thêm
sửaTham khảo
sửa- ^ Robicsek, Francis Smoke; Ritual Smoking in Central America pp. 30–37
- ^ Goodman, Jordan Elliot (1993). Tobacco in history: the cultures of dependence. New York: Routledge. tr. 97. ISBN 978-0-415-04963-4.
- ^ Oxford English Dictionary, s.v.
- ^ Circulars of Information of the Bureau of Education, The Spelling Reform, No. 7-1880, 1881, p. 25
- ^ Henry Gallup Paine, Simplified Spelling Board, Handbook of Simplified Spelling, New York, 1920, p. 6
- ^ “Patents for inventions. Abridgments of specifications”. ngày 29 tháng 12 năm 1870 – qua Google Books.
- ^ James, Randy (ngày 15 tháng 6 năm 2009). “A Brief History Of Cigarette Advertising”. TIME. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2012.
- ^ “Tobacco Use, United States 1990-1999”. Oncology (Williston Park). 13 (12). tháng 12 năm 1999.
- ^ Tobacco Outlook Report, Economic Research Service, U.S. Dept. of Agriculture
- ^ https://www.merriam-webster.com/dictionary/coffin%20nail
- ^ Roffo, A. H. (ngày 8 tháng 1 năm 1940). "Krebserzeugende Tabakwirkung [Carcingogenic effects of tobacco"] (in German). Berlin: J. F. Lehmanns Verlag. Truy cập 2009-09-13.
- ^ Proctor, R. N. (2006). “Angel H Roffo: The forgotten father of experimental tobacco carcinogenesis”. Bulletin of the World Health Organization. 84 (6): 494–496. doi:10.2471/BLT.06.031682. ISSN 0042-9686. PMC 2627373. PMID 16799735.
- ^ ARB, WHO 1999
- ^ “Hút thuốc lá là giết con”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2008.
- ^ Novotny TE, Lum K, Smith E; và đồng nghiệp (2009). “Cigarettes butts and the case for an environmental policy on hazardous cigarette waste”. International Journal of Environmental Research and Public Health. 6: 1691–705. doi:10.3390/ijerph6051691.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
- ^ “The world litters 4.5 trillion cigarette butts a year. Can we stop this?”. The Houston Chronicle. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2014.
Liên kết ngoài
sửaWikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Thuốc lá. |
(tiếng Việt)
- Hút thuốc lá là giết con Lưu trữ 2008-06-10 tại Wayback Machine, VnExpress 31/05/2008
- Thuốc lá làm giảm chất lượng sống Lưu trữ 2008-05-30 tại Wayback Machine, Người Lao động, 29/05/2008
- Việt Nam siết chặt các quy định về thuốc lá
- Việt Nam: Trên 50% nam giới hút thuốc lá
- Chương trình Phòng chống Tác hại Thuốc lá Quốc gia
- Xì gà Cohiba Siglo 6
(tiếng Anh)
- UK's National Health Service Website to help quit smoking Lưu trữ 2020-12-03 tại Wayback Machine
- Mortality in relation to smoking: 50 years' observations on male British doctors
- Action on Smoking and Health
- US Center for Disease Control - Smoking and Health Database
- INGCAT - International Non Governmental Coalition Against Tobacco Lưu trữ 2019-05-06 tại Wayback Machine
- Society for Research on Nicotine and Tobacco Lưu trữ 2019-08-15 tại Wayback Machine
- Tobacco.org - Tobacco News & Information