Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9

Năm thứ 9 của chương trình Đường lên đỉnh Olympia

Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9, thường được gọi tắt là Olympia 9 hay O9 là năm thứ 9 của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia dành cho học sinh trung học phổ thông do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Cuộc thi năm thứ 9 được phát sóng trên kênh VTV3 từ ngày 11 tháng 5 năm 2008 và kết thúc với trận chung kết được truyền hình trực tiếp vào ngày 17 tháng 5 năm 2009. Đây là năm duy nhất Việt Khuê trở thành người dẫn chương trình chính và là năm đánh dấu sự trở lại của MC Tùng Chi kể từ chung kết năm thứ 9.

Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9
Tên khácOlympia 9
O9
Thể loạiTrò chơi truyền hình
Sáng lậpĐài Truyền hình Việt Nam
Đạo diễnNguyễn Tùng Chi
Dẫn chương trìnhNguyễn Hữu Việt Khuê (trừ chung kết năm)
Phan Quỳnh Trang (12 cuộc thi đầu tiên của quý 1)
Nguyễn Tùng Chi (chung kết năm)
(Dẫn chương trình tại các điểm cầu trận chung kết năm xem ở đây)
Quốc gia Việt Nam
Ngôn ngữTiếng Việt
Trình chiếu
Kênh trình chiếuVTV3
VTV4
Phát sóng11 tháng 5 năm 2008 – 17 tháng 5 năm 2009
Thông tin khác
Chương trình trướcNăm 8
Chương trình sauNăm 10
Liên kết ngoài
Trang mạng chính thức

Nhà vô địch của năm thứ 9 là Hồ Ngọc Hân đến từ Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học Huế, Thừa Thiên Huế.

Luật chơi sửa

Một chương trình gồm có năm phần thi:

Khởi động sửa

Mỗi thí sinh sẽ lần lượt trả lời 6 câu hỏi thuộc 6 lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thể thao, nghệ thuật, danh nhân - sự kiện, lĩnh vực khác. Thời gian trả lời cho mỗi câu hỏi là 5 giây. Trả lời đúng được cộng 10 điểm, sai không bị trừ điểm.

Vượt chướng ngại vật sửa

Có 8 từ hàng ngang, cũng chính là 8 gợi ý để giải ra một từ chìa khóa. Các thí sinh lần lượt chọn một từ hàng ngang (mỗi thí sinh có tối đa 2 lượt chọn từ hàng ngang, sau đó các hàng ngang còn lại sẽ được lựa chọn theo thứ tự) và có 15 giây để trả lời câu hỏi tương ứng từ hàng ngang đó. Thí sinh trả lời đúng được 10 điểm (cộng thêm 5 điểm nếu là người lựa chọn). Nếu không có thí sinh nào trả lời đúng từ hàng ngang, từ hàng ngang đó sẽ không được lật mở.

Thí sinh có quyền bấm chuông trả lời chướng ngại vật bất cứ lúc nào. Trả lời đúng từ chìa khóa trong vòng 2 từ hàng ngang đầu tiên nhận được 80 điểm. Trả lời đúng từ chìa khóa trong vòng 8 từ hàng ngang nhận được 40 điểm. Nếu hết cả tám từ hàng ngang mà không ai có câu trả lời cho từ chìa khóa, MC sẽ đưa ra gợi ý cuối cùng. Trả lời đúng từ chìa khóa sau khi MC đưa ra gợi ý cuối cùng sẽ chỉ nhận được 20 điểm. Nếu trả lời sai từ chìa khóa, thí sinh sẽ bị loại khỏi phần chơi này.

Ngoài ra, có một ô mạo hiểm với gợi ý rất gần với từ chìa khóa sẽ được đưa ra trước khi xuất hiện các từ hàng ngang. Ô mạo hiểm chỉ dành cho thí sinh lựa chọn ô mạo hiểm nhanh nhất. Thí sinh trả lời đúng từ chìa khóa sau ô mạo hiểm sẽ nhận được 120 điểm. Tuy nhiên, nếu thí sinh trả lời sai từ chìa khóa, thí sinh sẽ bị chia đôi số điểm và mất quyền chơi phần thi này.

Riêng trong trận chung kết, do có 5 thí sinh nên mỗi thí sinh chỉ có một lượt lựa chọn từ hàng ngang. 3 từ hàng ngang còn lại sẽ được lựa chọn theo thứ tự.

Tăng tốc sửa

Có 4 câu hỏi được đưa ra, mỗi câu các thí sinh có 30 giây để trả lời bằng máy tính. Thí sinh trả lời đúng và nhanh nhất được 40 điểm, đúng và nhanh thứ 2 được 30 điểm, đúng và nhanh thứ 3 được 20 điểm, đúng và nhanh thứ 4 được 10 điểm.

3 loại câu hỏi được sử dụng trong phần thi này:

  • 1 câu hỏi IQ (câu số 3): Các dạng câu hỏi ở dạng này rất rộng, bao gồm tìm số khác trong dãy số, tìm hình khác nhất so với các hình đã cho, tìm quy luật để điền hình đúng, giải mật mã,.... Có nhiều lựa chọn. Sau mỗi 10 giây, một số đáp án sai sẽ bị lược đi.
  • 2 câu hỏi đoạn băng (câu số 1 và câu số 4): Các bức ảnh, dữ kiện được đưa ra theo thứ tự từ mơ hồ tới chi tiết. Bằng các gợi ý này, thí sinh phải trả lời các câu hỏi như: "Đây là ai", "Đây là địa danh nào", "Đây là loài vật nào",...
  • 1 câu hỏi tiếng Anh (câu số 2): cứ mỗi 10 giây lại đưa ra một dữ kiện.

Trong trận chung kết, do có 5 thí sinh nên có 5 câu hỏi với các thang điểm: 30, 25, 20, 15, 10 điểm.

Thử sức cùng khán giả sửa

Một câu hỏi của khán giả truyền hình sẽ được lựa chọn để thử thách cả 4 thí sinh tham dự chương trình. Các thí sinh sẽ tạo thành một nhóm và có 1 phút để đưa ra 1 câu trả lời duy nhất. Nếu 4 học sinh trả lời đúng thì sẽ nhận được phần thưởng từ chương trình, ngược lại khán giả đưa ra câu hỏi sẽ nhận phần thưởng.

Về đích sửa

Có 3 gói câu hỏi với các mức 40, 60, 80 điểm để thí sinh lựa chọn. Trong đó gói 40 điểm gồm 4 câu hỏi 10 điểm, gói 60 điểm gồm 2 câu hỏi 10 điểm và 2 câu hỏi 20 điểm, gói 80 điểm gồm 1 câu hỏi 10 điểm, 2 câu hỏi 20 điểm và 1 câu hỏi 30 điểm. Thời gian suy nghĩ và trả lời của câu 10 điểm là 10 giây, câu 20 điểm là 15 giây, câu 30 điểm là 20 giây.

Thí sinh đang trả lời gói câu hỏi của mình phải đưa ra câu trả lời trong thời gian quy định của chương trình. Nếu không trả lời được câu hỏi thì các thí sinh còn lại có 5 giây để bấm chuông giành quyền trả lời. Trả lời đúng được cộng thêm số điểm của câu hỏi từ thí sinh đang thi, trả lời sai sẽ bị trừ nửa số điểm của câu hỏi (riêng trong ba cuộc thi đầu tiên thì cả thí sinh đang thi cũng sẽ bị trừ nửa số điểm của câu hỏi).

Thí sinh có quyền được đặt ngôi sao hy vọng một lần trước bất kỳ câu hỏi nào. Trả lời đúng được gấp đôi số điểm, trả lời sai bị trừ đi đúng số điểm của câu hỏi đặt ngôi sao hy vọng.

Câu hỏi cuối cùng trong mỗi gói 60 hoặc 80 điểm sẽ xuất hiện trong một đoạn băng ngắn do nhóm phóng viên Olympia thực hiện (trong một số trường hợp).

Chi tiết các cuộc thi sửa

Màu sắc sử dụng trong các bảng kết quả
Thí sinh đạt giải nhất và trực tiếp lọt vào vòng trong
Thí sinh lọt vào vòng trong nhờ có số điểm nhì cao nhất
Thí sinh Vô địch cuộc thi Chung kết Năm

Trận 53: Chung kết năm sửa

Đây là trận đấu thứ hai trong lịch sử Olympia (sau trận Tháng 3 - Quý 1, năm thứ 1), nhưng là trận chung kết năm đầu tiên có năm thí sinh tham dự. Đó là do một sai sót của ban tổ chức tại cuộc thi quý 3, khiến cả Hồ Ngọc Hân và Bạch Đình Thắng được công nhận là đồng giải nhất quý 3 và cùng thi trận chung kết của Olympia năm thứ 9.

Họ và tên thí sinh Trường Khởi động VCNV Tăng tốc Về đích Tổng điểm
Bùi Tứ Quý PT Năng khiếu, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh 40 65 75 -5 175
Nguyễn Thị Thu Trang THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng 40 25 75 50 190
Hồ Ngọc Hân THPT Chuyên Quốc học, Thừa Thiên - Huế 50 0 95 100 245
Đào Thị Hương THPT Bỉm Sơn, Thanh Hoá 40 10 65 -10 105
Bạch Đình Thắng THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội 50 10 35 -60 35

Tranh cãi sửa

Nghi vấn dàn xếp kết quả sửa

Trước khi phát sóng chương trình Đường lên đỉnh Olympia tháng 3, quý 3, năm thứ 9, trên mạng Internet xuất hiện một bài blog của thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn - giáo viên dạy toán trường THPT Chuyên Bắc Giang về việc chương trình Đường lên đỉnh Olympia dàn xếp kết quả, xử ép các thí sinh tỉnh lẻ để thí sinh Hà Nội đạt giải nhất. Cụ thể, cuộc thi tháng 3, quý 3 diễn ra giữa các thí sinh Lưu Hoàng Hải (Hà Nội), Nguyễn Hoàng Hiệp (Bắc Giang), Chí Thiện (Bình Thuận) và Phạm Minh Ngọc Hảo (Phú Yên). Thầy giáo Tuấn khẳng định chương trình gian lận từ khâu trang trí (thời điểm ghi hình là trước dịp Tết và thời điểm phát sóng là đã qua dịp Tết, nhưng vẫn xếp hoa đàohoa mai quanh trường quay để chương trình phát vào thời điểm đó), tới câu hỏi khởi động (thí sinh Hoàng Hải trả lời sai nhưng MC Việt Khuê nói đó là câu đã hỏi từ tuần trước nên đổi câu hỏi khác), và việc bấm chuông trả lời chướng ngại vật (màn hình hiện tên Chí Thiện, nhưng MC lại mời Hoàng Hải trả lời). Lần lượt rất nhiều các thí sinh đã từng dự thi Olympia đứng lên thanh minh cho chương trình. Ngay sau khi nhận được phản hồi, VTV và êkip Olympia đã tiến hành làm rõ, mời thầy giáo Tuấn đến trường quay và cho xem quy trình thực hiện một chương trình Olympia hoàn chỉnh và Đạo diễn chương trình - BTV Tùng Chi, cùng các kĩ thuật viên, MC giải thích cặn kẽ những nghi vấn xung quanh cuộc thi. Sau đó, thầy giáo Tuấn đã tiến hành xin lỗi VTV và gỡ bỏ bài blog xuống. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó đã khiến uy tín chương trình bị sụt giảm.[1]

Trận chung kết có 5 thí sinh sửa

Theo luật của chương trình, một cuộc thi chỉ có 4 thí sinh được tham dự. Nhưng trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9 đã có 5 thí sinh. Lý do là vào trận thi quý 3, thí sinh Bạch Đình Thắng đứng trước câu hỏi 30 điểm cuối cùng và đang kém thí sinh dẫn đầu (Hồ Ngọc Hân) 60 điểm và quyết định chọn ngôi sao hi vọng. Câu hỏi dành cho Thắng là nêu 6 hệ cơ quan trong cơ thể người. Thí sinh này trả lời đúng 5 hệ (là hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ thần kinh, hệ hô hấp) và thiếu hệ vận động. Còn hệ thứ 6 là nội tiết không được ban cố vấn chấp nhận. Do đó, Thắng bị trừ 30 điểm và không được vào trận chung kết. Sau một thời gian, Thắng đã tiếp tục gửi cho chương trình quyển sách giáo khoa sinh học lớp 8 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành có viết "Hệ nội tiết là hệ quan trọng trong cơ thể người". Trước bằng chứng này, VTV đã mời ban cố vấn sinh học cũng như người biên soạn sách giáo khoa để tranh luận, phản bác. Cả hai bên đều đưa ra lập luận khoa học riêng, không ai chấp nhận mình sai. Cuối cùng, VTV quyết định "thí sinh học thế nào thì trả lời thế ấy", chấp nhận câu trả lời này, dẫn đến Thắng không những không bị trừ điểm mà còn được cộng thêm 60 điểm, bằng số điểm của Hồ Ngọc Hân, và cả hai đã cùng được vào trận chung kết.[2]

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa