Hội Quốc Liên

(Đổi hướng từ Hội quốc liên)

Hội Quốc Liên là một tổ chức liên chính phủ được thành lập vào ngày 10 tháng 1 năm 1920 theo sau Hội nghị hòa bình Paris nhằm kết thúc Thế Chiến 1. Đây là tổ chức quốc tế đầu tiên có nhiệm vụ chủ yếu là duy trì hòa bình thế giới.[1] Theo công ước của mình, những mục tiêu chủ yếu của tổ chức gồm có ngăn ngừa chiến tranh thông qua an ninh tập thể và giải trừ quân bị, và giải quyết những tranh chấp quốc tế thông qua đàm phán và trọng tài.[2] Những vấn đề khác trong công ước Hội Quốc Liên và những hiệp định liên quan gồm có điều kiện lao động, đối xử thích đáng với dân cư bản địa, buôn bán người và ma túy, buôn bán vũ khí, y tế toàn cầu, tù nhân chiến tranh, và bảo vệ các nhóm thiểu số tại châu Âu. Trong giai đoạn mở rộng nhất từ ngày 28 tháng 9 năm 1934 đến ngày 23 tháng 2 năm 1935, Hội Quốc Liên có 58 thành viên.

Hội Quốc Liên
Tên bản ngữ
1920–1946
Hội kỳ bán chính thức 1939–1941 Hội Quốc Liên
Hội kỳ bán chính thức 1939–1941
Một bản đồ thể hiện các thành viên của Hội Quốc Liên
Một bản đồ thể hiện các thành viên của Hội Quốc Liên
Tổng quan
Vị thếTổ chức liên chính phủ
Thủ đôThụy Sĩ Genève
Ngôn ngữ thông dụngTiếng Pháp, Tiếng AnhTiếng Tây Ban Nha
Tổng thư ký 
• 1920–1933
James Eric Drummond
• 1933–1940
Joseph Avenol
• 1940–1946
Seán Lester
Lịch sử
Thời kỳGiai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh
10 tháng 1 năm 1920
• Cuộc họp đầu tiên
16 tháng 1 năm 1920
• Giải thể
20 tháng 4 năm 1946
Kế tục
Liên Hợp Quốc
Trụ sở đặt tại cung Wilson tại Genève từ 1 tháng 11 năm 1920, và đặt tại Cung các Quốc gia từ 17 tháng 2 năm 1936 cũng tại Genève.

Triết lý ngoại giao của Hội Quốc Liên tiêu biểu cho một sự chuyển đổi căn bản so với hàng trăm năm trước đó. Hội Quốc Liên không có quân đội riêng mà dựa vào những cường quốc để thi hành những nghị quyết của mình. Tuy nhiên, các cường quốc thường thực hiện một cách miễn cưỡng. Sau một số thành công đáng chú ý và một số thất bại ban đầu trong thập niên 1920, Hội Quốc Liên cuối cùng chứng tỏ rằng mình không có khả năng ngăn chặn sự xâm lược của Phe Trục trong thập niên 1930. Đức rút khỏi Hội Quốc Liên, rồi đến Nhật Bản, Ý, Tây Ban Nha và những quốc gia khác. Sự khởi đầu của Thế chiến thứ Hai chứng tỏ rằng mục đích chủ yếu của Hội Quốc Liên là ngăn ngừa Thế Chiến 2 đã thất bại. Hội Quốc Liên tồn tại trong 26 năm. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Liên Hợp Quốc thay thế Hội Quốc Liên và kế thừa một số cơ quan và tổ chức do Hội Quốc Liên thành lập.

Nguồn gốc

sửa

Bối cảnh

sửa
 
Công ước Genève 1864 là một trong những công thức hóa sớm nhất về luật pháp quốc tế.

Khái niệm về một cộng đồng hòa bình gồm các quốc gia được đề xuất ngay từ năm 1795, khi Hướng đến hoà bình vĩnh cửu của Immanuel Kant[3] phác thảo tư tưởng về một liên minh của các quốc gia nhằm kiểm soát xung đột và xúc tiến hòa bình giữa các chính quyền.[4] Kant lập luận về việc thành lập một cộng đồng thế giới hòa bình, không phải là theo tinh thần về một chính phủ toàn cầu, song hy vọng rằng mỗi chính quyền sẽ tuyên bố họ là một chính quyền tự do đại diện cho các công dân của mình và hoan nghênh du khách ngoại quốc những người đồng chí, nhờ đó xúc tiến xã hội hòa bình trên toàn cầu.[5] Hợp tác quốc tế nhằm xúc tiến an ninh tập thể bắt nguồn từ trật tự tại châu Âu phát triển sau Các cuộc chiến tranh của Napoléon trong thế kỷ XIX trong một nỗ lực nhằm duy trì hiện trạng giữa những chính quyền châu Âu và vì thế phải tránh chiến tranh.[6][7] Luật pháp quốc tế cũng phát triển trong giai đoạn này, công ước Genève đầu tiên thiết lập các pháp luật về cách đối xử với cứu trợ nhân đạo trong thời chiến, và Các công ước Den Haag 1899 và 1907 điều chỉnh các quy tắc chiến tranh và giải quyết hòa bình những tranh chấp quốc tế.[8][9]

Tiền thân của Hội Quốc Liên là Liên minh liên nghị viện do những nhà hoạt động hòa bình là William Randal CremerFrédéric Passy thành lập vào năm 1889. Tổ chức này có phạm vi quốc tế, với một phần ba số thành viên trong các nghị viện (tại 24 quốc gia có nghị viện) là thành viên của Liên minh liên nghị viện vào năm 1914. Mục đích của tổ chức là khuyến khích các chính phủ giải quyết những tranh chấp quốc tế theo các phương thức hòa bình. Những hội nghị thường niên được tổ chức nhằm giúp các chính phủ cải tiến quá trình trọng tài quốc tế. Cấu trúc của tổ chức gồm có một hội chính vụ do một chủ tịch đứng đầu, cấu trúc này sau đó được phản ánh trong cấu trúc của Hội Quốc Liên.[10]

Những năm đầu thế kỷ XX, hai khối quyền lực nổi lên từ các liên minh giữa các cường quốc châu Âu. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ vào năm 1914, toàn bộ các cường quốc lớn tại châu Âu đều bị cuốn vào xung đột. Đây là chiến tranh lớn đầu tiên tại châu Âu giữa những quốc gia công nghiệp hóa. Chiến tranh công nghiệp hóa dẫn đến hậu quả chưa từng thấy: tám triệu rưỡi quân nhân thiệt mạng, và ước tính có 21 triệu người bị thương, cùng với khoảng 10 triệu thường dân thiệt mạng.[11][12]

Khi giao tranh kết thúc vào tháng 11 năm 1918, chiến tranh đã có một tác động sâu sắc, ảnh hưởng đến các hệ thống xã hội, chính trị và kinh tế của châu Âu và gây tổn thương về tâm lý và thân thể.[13] Cảm tình phản chiến nổi lên khắp thế giới; Chiến tranh thế giới thứ nhất được mô tả là "chiến tranh để kết thúc tất cả chiến tranh",[14][15] và nguyên nhân chiến tranh được điều tra một cách sôi nổi. Các nguyên nhân được xác định bao gồm chạy đua vũ trang, liên minh, ngoại giao bí mật, và quyền tự do của các quốc gia có chủ quyền được tham gia chiến tranh vì lợi ích riêng của họ. Một biện pháp khắc phục được đề xuất bao gồm thành lập một tổ chức quốc tế có mục đích ngăn ngừa chiến tranh trong tương lai thông qua giải trừ quân bị, ngoại giao công khai, hợp tác quốc tế, hạn chế quyền tiến hành chiến tranh, và trừng phạt khiến cho chiến tranh không còn sức hấp dẫn.[16]

Đề xuất ban đầu

sửa
 
Tử tước James Bryce là một trong những người chủ trương đầu tiên về một liên hiệp của các quốc gia.

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu, các kế hoạch đầu tiên về tổ chức quốc tế nhằm ngăn ngừa chiến tranh trong tương lai bắt đầu giành được sự ủng hộ đáng kể từ công chúng, đặc biệt là tại Anh Quốc và Hoa Kỳ. Nhà khoa học chính trị người Anh Goldsworthy Lowes Dickinson tạo ra thuật ngữ "Hội Quốc Liên" vào năm 1914 và phác thảo một kế hoạch cho tổ chức này. Cùng với Tử tước James Bryce, ông giữ một vai trò hàng đầu trong việc hình thành nhóm các nhà hòa bình quốc tế mang tên nhóm Bryce, sau trở thành "League of Nations Union".[17] Nhóm này dần có ảnh hưởng lớn hơn trong công chúng và là một nhóm có ảnh hưởng trong Đảng Tự do đang cầm quyền tại Anh Quốc khi đó. Trong cuốn sách nhỏ After the War vào năm 1915 của Dickinson, ông viết về "liên minh hòa bình" của mình về cơ bản là một tổ chức trọng tài và hòa giải. ‘Các đề xuất’ của nhóm Bryce được lưu hành rộng rãi ở cả Anh lẫn Mỹ, tại đây họ có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào quốc tế mới ra đời.[18]

Năm 1915, một nhóm gồm các cá nhân cúng chí hướng thiết lập một tổ chức tương tự tại Hoa Kỳ, trong đó có William Howard Taft. Tổ chức này được gọi là League to Enforce Peace và về cơ bản dựa theo những đề xuất của nhóm Bryce.[19] Tổ chức chủ trương sử dụng trọng tài trong giải quyết xung đột và áp đặt chế tài với những quốc gia xâm lược. Tuy nhiên, không tổ chức ban đầu nào hình dung về một cơ quan chức năng liên tục; ngoại trừ Hội Fabian tại Anh, họ duy trì một giải pháp pháp lý rằng sẽ hạn chế cơ quan quốc tế trong một tòa án tư pháp. Thành viên của Fabian là những người đầu tiên tranh luận về một "hội chính vụ" gồm các chính quyền, nhất thiết phải có các cường quốc, họ sẽ phân xử các vấn đề thế giới, và thiết lập một văn phòng thư ký thường trực nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trên một loạt hoạt động.[20]

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Quốc Arthur Balfour được ủy quyền báo cáo chính thức đầu tiên về vấn đề vào đầu năm 1918, theo sáng kiến của Tử tước Robert Cecil. Ủy ban của Anh Quốc cuối cùng được chỉ định vào tháng 2 năm 1918, dưới quyền lãnh đạo của Walter Phillimore (và được gọi là Ủy ban Phillimore), và gồm có cả Eyre Crowe, William Tyrrell, và Cecil Hurst.[17] Những khuyến nghị của Ủy ban Phillimore gồm có thiết lập một "Hội nghị các quốc gia đồng minh" sẽ phân xử tranh chấp và áp đặt chế tài lên các quốc gia vi phạm. Chính phủ Anh Quốc tán thành các đề xuất, và phần lớn những thành quả của ủy ban sau đó được đưa vào trong Công ước của Hội Quốc Liên.[21]

Người Pháp cũng soạn thảo một đề xuất có ảnh hưởng sâu rộng hơn nhiều trong tháng 6 năm đó, họ chủ trương tiến hành các cuộc họp thường niên của một hội chính vụ nhằm giải quyết toàn bộ các tranh chấp, cũng như một "quân đội quốc tế" nhằm thi hành các quyết định của hội chính vụ.[21]

Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson chỉ thị cho Edward House soạn thảo một kế hoạch của Hoa Kỳ mà theo đó phản ánh quan điểm tư tưởng của riêng Woodrow Wilson, cũng như công tác của Ủy ban Phillimore. Thành quả của Edward House, và bản phác thảo đầu tiên của Wilson được đề xuất là kết thúc hành vi "vô đạo đức" ở cấp chính quyền, gồm các hình thức gián điệp và không thành thực. Phương pháp cưỡng bách chống lại các quốc gia ngoan cố gồm các biện pháp khắc nghiệt, như phong tỏa và đóng cửa biên giới, và "sử dụng bất kỳ lực lượng nào cần thiết"[21]

Hai khởi thảo giả và kiến trúc sư chủ yếu của Công ước Hội Quốc Liên[22] là Tử tước Robert CecilJan Smuts. Các đề xuất của Jan Smuts gồm có thiết lập một Hội đồng gồm các cường quốc là các thành viên thường trực, và các thành viên không thường trực được lựa chọn từ những quốc gia nhỏ. Ông cũng đề xuất thiết lập một hệ thống ủy trị cho các thuộc địa chiếm từ trong chiến tranh. Robert Cecil tập trung vào phương diện hành chính, và đề xuất các cuộc họp thường niên của Hội chính vụ và các cuộc họp bốn năm một lần của Đại hội đồng toàn bộ thành viên. Ông cũng lý luận về một ban thư ký lớn và thường trực để thực hiện những phận sự hành chính của Liên minh.[21]

Thành lập

sửa

Tại Hội nghị hòa bình Paris năm 1919, Woodrow Wilson, Robert Cecil, Jan Smuts đều đưa ra những đề xuất dự thảo của họ. Sau những đàm phán kéo dài giữa các phái đoàn, dự thảo của Hurst-Miller cuối cùng được chọn làm cơ sở cho Công ước.[23] Sau các đàm phán và dàn xếp hơn nữa, các phái đoàn cuối cùng tán thành đề xuất thiết lập Hội Quốc Liên vào ngày 25 tháng 1 năm 1919.[24] Công ước Hội Quốc Liên cuối cùng do một ủy ban đặc biệt soạn thảo, và Hội Quốc Liên được thành lập theo Hòa ước Versailles. Ngày 28 tháng 6 năm 1919,[25][26] 44 quốc gia ký kết Công ước.

Hội Quốc Liên thành lập một Đại hội đồng đại diện cho toàn bộ các thành viên, một Hội đồng hành pháp gồm các thành viên giới hạn với quyền lực lớn, và một ban thư ký thường trực. Các quốc gia thành viên được mong đợi "tôn trọng và bảo hộ khi chống lại xâm lược từ bên ngoài" đến toàn vẹn lãnh thổ của các thành viên khác, và giải trừ quân bị "đến mức thấp nhất phù hợp với an ninh nội địa." Toàn bộ các quốc gia được yêu cầu trình những khiếu nại để phân xử hoặc điều tra tư pháp trước khi tiến đến chiến tranh.[17] Hội đồng hành pháp sẽ thành lập một Tòa thường trực tư pháp quốc tế nhằm xét xử các tranh chấp.

Bất chấp các nỗ lực của Woodrow Wilson nhằm thiết lập và xúc tiến Hội Quốc Liên, mà nhờ đó ông được trao giải Nobel Hòa bình vào tháng 10 năm 1919,[27] Hoa Kỳ không tham dự trong tổ chức này. Phe đối lập trong Thượng nghị viện giành được đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ không phê chuẩn công ước.[28][29] Hội nghị hội chính vụ đầu tiên của Hội Quốc Liên được tổ chức tại Paris vào ngày 16 tháng 1 năm 1920, sáu ngày sau khi Hội nghị Versailles và Công ước Hội Quốc Liên có hiệu lực.[30] Ngày 1 tháng 11 năm 1920, trụ sở của Hội Quốc Liên được chuyển từ Luân Đôn đến Genève, tại đây kỳ họp Đại hội đồng đầu tiên được tổ chức vào ngày 15 tháng 11 năm 1920.[31][32]

Ngôn ngữ và phù hiệu

sửa

Các ngôn ngữ chính thức của Hội Quốc Liên là tiếng Pháp, tiếng Anh[33]tiếng Tây Ban Nha. Hội Quốc Liên dự định chấp thuận Quốc tế ngữ là ngôn ngữ làm việc của tổ chức và tích cực khuyến khích sử dụng ngôn ngữ này, song đề xuất này chưa từng được thông qua.[34] Năm 1921, Tử tước Robert Cecil đề xuất đưa Quốc tế ngữ vào trường học công của các quốc gia thành viên, và một báo cáo được đệ trình.[35] Phản đối mạnh nhất đến từ đại biểu Pháp Gabriel Hanotaux, một phần là vì bảo vệ tiếng Pháp, ngôn ngữ mà ông lý luận rằng đã là một ngôn ngữ quốc tế.[36] Do có phản đối, kiến nghị không được chấp thuận.[37]

Năm 1939, một biểu tượng bán chính thức của Hội Quốc Liên xuất hiện: hai sao năm cánh trong một hình ngũ giác màu lam. Chúng tượng trưng cho năm lục địa của Trái Đất và năm "chủng tộc". Một dòng chữ phía trên hiển thị tên tiếng Anh ("League of Nations"), dòng chữ khác ở phía dưỡi hiển thị tên tiếng Pháp ("Société des Nations").[38]

Những cơ quan chủ yếu

sửa
 
Cung các Quốc gia tại Genève là trụ sở của Hội Quốc Liên từ năm 1936 cho đến khi tổ chức giải thể vào năm 1946.

Các cơ quan hiến pháp chính của Hội Quốc Liên là Đại hội đồng, Hội chính vụ, và ban thư ký trường trực. Tổ chức cũng có hai nhánh chủ yếu: Tòa án thường trực công lý quốc tế, và Tổ chức Lao động Quốc tế. Ngoài ra, có một số cơ quan và ủy ban phụ trợ.[39] Ngân sách của mỗi cơ quan do Đại hội đồng cấp (Hội Quốc Liên nhận hỗ trợ tài chính từ các quốc gia thành viên).[40]

Quan hệ giữa Đại hội đồng và Hội chính vụ và chức năng của mỗi cơ quan phần lớn không được định rõ. Mỗi cơ quan có thể giải quyết vấn đề bất kỳ trong phạm vi quyền hạn của Hội Quốc Liên hoặc có tác động đến hòa bình thế giới. Các vấn đề hoặc công việc cụ thể có thể chuyển đến một trong hai cơ quan.[41]

Các quyết định của Đại hội đồng và Hội chính vụ được yêu cầu phải nhất trí, ngoại trừ trong các vấn đề về thủ tục và một số trường hợp riêng biệt khác, như kết nạp thành viên mới. Yêu cầu này phản ánh sự tin tưởng của Hội Quốc Liên về chủ quyền của các quốc gia thành viên; Hội Quốc Liên tìm cách giải quyết thông qua thỏa thuận chứ không phải ra lệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp có tranh chấp thì không yêu cầu thỏa thuận giữa các bên tham dự tranh chấp để đạt đến nhất trí.[42]

Ban thư ký thường trực được thiết lập tại trụ sở của Hội Quốc Liên tại Genève, gồm có một cơ quan của các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau và nằm dưới quyền chỉ đạo của Tổng thư ký.[43] Những lĩnh vực chủ yếu của ban thư ký là: chính trị, tài chính và kinh tế, quá cảnh, thiểu số và quản lý (cai quản SaarDanzig), ủy nhiệm, giải trừ quân bị, y tế, xã hội (thuốc phiện và buôn bán phụ nữ-trẻ em), hợp tác tri thức và sự vụ quốc tế, pháp lý, và thông tin. Nhân viên của ban thư ký chịu trách nhiệm chuẩn bị chương trình nghị sự của Hội chính vụ và Đại hội đồng và xuất bản các báo cáo về các cuộc họp và những vấn đề thường lệ khác, hoạt động giống như công vụ viên của Hội Quốc Liên. Năm 1931, số nhân viên ban thư ký là 707.[44]

Đại hội đồng gồm đại diện từ toàn bộ các thành viên của Hội Quốc Liên, mỗi quốc gia được phép có ba đại biểu và một phiếu.[45] Đại hội đồng họp tại Genève và sau các phiên họp ban đầu trong năm 1920,[46] cơ quan này hội họp một lần mỗi tháng 9 hàng năm.[45] Những chức năng đặc biệt của Đại hội đồng gồm có kết nạp thành viên mới, bầu cử theo định kỳ các thành viên không thường trực trong Hội chính vụ, cùng với Hội chính vụ bầu ra các thẩm phán của Tòa án thường trực, và kiểm soát ngân quỹ. Trên thực tế, Đại hội đồng là cơ quan quyền lực chỉ đạo tổng thể các hoạt động của Hội Quốc Liên.[47]

Hội chính vụ Hội Quốc Liên đóng vai giò giống một cơ cấu chấp hành chi phối chương trình nghị sự của Đại hội đồng.[48] Cơ cấu bắt đầu với bốn thành viên thường trực (Anh Quốc, Pháp, Ý, Nhật Bản) và bốn thành viên không thường trực được Đại hội đồng bầu ra cho mỗi một nhiệm kỳ ba năm.[49] Các thành viên không thường trực đầu tiên là Bỉ, Brasil, Hý Lạp và Tây Ban Nha.[50] Thành phần của Hội chính vụ có thay đổi một số lần. Số thành viên không thường trực được tăng lên 6 vào ngày 22 tháng 9 năm 1922, rồi lên 9 vào ngày 8 tháng 9 năm 1926. Nhà ngoại giao Đức Werner Dankwort thúc đẩy quốc gia của ông gia nhập Hội Quốc Liên, và Đức cuối cùng gia nhập tổ chức vào năm 1926, trở thành thành viên thường trực thứ năm của Hội chính vụ. Sau khi Đức và Nhật Bản rời Hội Quốc Liên, số ghế không thường trực tăng từ 9 lên 11, và Liên Xô trở thành một thành viên thường trực, Hội chính vụ có tổng cộng 15 thành viên.[50] Trung bình Hội chính vụ họp 5 lần mỗi năm và họp bất thường khi có yêu cầu. Tổng cộng có 107 phiên họp được tổ chức từ năm 1920 đến năm 1939.[51]

Các cơ quan khác

sửa

Hội Quốc Liên giám sát Tòa án thường trực công lý quốc tế và một số cơ quan cùng ủy ban khác được tạo nên nhằm giải quyết những vấn đề quốc tế cấp thiết. Chúng gồm có ủy ban giải trừ quân bị, tổ chức y tế,[52] tổ chức lao động quốc tế (ILO), ủy ban ủy nhiệm, ủy ban quốc tế về hợp tác tri thức (tiền thân của UNESCO), ban thuốc phiện trung ương thường trực, ủy ban về người tị nạn, và ủy ban chế độ nô lệ.[53] Một vài trong số những thể chế này được chuyển giao cho Liên Hợp Quốc sau Chiến tranh thế giới thứ hai: Tổ chức Lao động Quốc tế, Tòa án thường trực công lý quốc tế (với tên Tòa án Công lý Quốc tế), và Tổ chức y tế (tái tổ chức thành Tổ chức Y tế Thế giới).[54]

Tòa án thường trực công lý quốc tế được quy định theo Công ước, do Hội chính vụ và Đại hội đồng thiết lập. Hội chính vụ và Đại hội đồng lựa chọn các thẩm phán của tòa, và ngân quỹ của tòa do Đại hội đồng cung cấp. Tòa án thụ lý và phân xử mọi tranh chấp quốc tế được các bên quan tâm đệ trình. Tòa án cũng có thể đưa ra một quan điểm cố vấn cho bất kỳ tranh chấp hoặc vấn đề được giao từ Hội chính vụ hoặc Đại hội đồng. Tòa án cũng mở rộng cho toàn bộ các quốc gia trên thế giới theo các điều kiện nhất định.[55]

 
Lao động thiếu nhi dệt vải tại Cameroon vào năm 1919.

Tổ chức lao động quốc tế được thành lập vào năm 1919 và dựa trên Phần XIII của Hiệp ước Versailles.[56] Tổ chức này cũng có các thành viên như Hội Quốc Liên và ngân quỹ do Đại hội đồng kiểm soát, là một tổ chức tự quản với ban quản trị riêng, hội nghị toàn thể riêng và ban thư ký riêng. Hiến chương của Tổ chức lao động quốc tế khác biệt với Hội Quốc Liên: các đại biểu không chỉ là của các chính phủ mà còn có các đại biểu của các tổ chức giới chủ và công nhân. Albert Thomas là giám đốc đầu tiên của tổ chức.[57] Tổ chức lao động quốc tế thành công trong việc hạn chế thêm chì vào sơn,[58] và thuyết phục một số quốc gia chấp thuận ngày làm việc 8 giờ và tuần làm việc 48 giờ. Tổ chức cũng tiến hành chiến dịch chất dứt lao động thiếu nhi, tăng quyền của phụ nữ tại nơi làm việc, và khiến chủ tàu phải có trách nhiệm pháp lý với những tai nạn liên quan đến thủy thủ.[56] Sau khi Hội Quốc Liên giải thể, Tỏ chức lao động quốc tế trở thành một cơ quan của Liên Hợp Quốc vào năm 1946.[59]

Tổ chức y tế của Hội Quốc Liên có ba cơ cấu: Cục y tế gồm có những quan chức thường trực của Hội Quốc Liên; Ủy ban hoặc Hội nghị cố vấn tổng thể là một đơn vị hành chính và gồm các chuyên gia y tế; và Ủy ban y tế. Mục đích của Ủy ban là chỉ đạo những điều tra, giám sát hoạt động của công tác y tế của Hội Quốc Liên, và chuẩn bị công việc trình lên Hội chính vụ Hội Quốc Liên.[60] Thể chế này tập trung vào kết liễu bệnh phong, sốt rét, và sốt vàng, hai bệnh sau tiến hành diệt trừ bằng cách bắt đầu một chiến dịch quốc tế nhằm diệt muỗi. Tổ chức y tế cũng làm việc thành công với chính phủ Liên Xô nhằm ngăn ngừa bệnh dịch sốt Rickettsia, bao gồm cả việc tổ chức một chiến dịch giáo dục lớn.[61]

Từ khi thành lập, Hội Quốc Liên cũng giành sự quan tâm nghiêm túc đối với vấn đề hợp tác tri thức quốc tế. Ủy ban về hợp tác tri thức họp tại Genève vào tháng 8 năm 1922, triết gia người Pháp Henri Bergson trở thành chủ tịch đầu tiên của ủy ban.[62] Công việc của ủy ban gồm: điều tra về hoàn cảnh sinh hoạt tri thức, giúp đỡ các quốc gia có sinh hoạt tri thức gặp nguy hiểm, thiết lập các ủy ban quốc gia về hợp tác tri thức, hợp tác với các tổ chức tri thức quốc tế, bảo hộ tàn sản tri thức, hợp tác liên đại học, phối hợp trong công tác thư mục và trao đổi quốc tế các xuất bản phẩm, và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khảo cổ học.[63]

Hội Quốc Liên thiết lập Ban thuốc phiện trung ương thường trực nhằm giám sát hệ thống thống kê kiểm soát được thi hành theo Công ước Thuốc phiện quốc tế thứ nhì mà theo đó dàn xếp việc sản xuất, chế tác, giao dịch và bán lẻ thuốc phiện cùng những sản phẩm của nó. Ban cũng thiết lập một hệ thống giấy chứng nhận nhập khẩu và giấy phép xuất khẩu đối với giao dịch quốc tế hợp pháp mặt hàng ma túy.[64]

Ủy ban chế độ nô lệ mưu cầu tiệt trừ chế độ nô lệ và mua bán nô lệ trên khắp thế giới, và đấu tranh với mại dâm cưỡng bách.[65] Thành công lớn của ủy ban là thúc bách các chính phủ quản lý các quốc gia được Hội Quốc Liên ủy nhiệm chấm dứt chế độ nô lệ trong các quốc gia này. Hội Quốc Liên giành được một cam kết từ Ethiopia nhằm kết thúc chế độ nô lệ, một điều kiện để quốc gia này trở thành thành viên vào năm 1926, và làm việc với Liberia nhằm chấm dứt lao động cưỡng bách và chế độ nô lệ liên bộ lạc.[65] Thể chế cũng đạt thành công trong việc giảm tỷ lệ tử vong của công nhân xây dựng đường sắt Tanganyika từ 55% xuống 4%. Các hồ sơ được lưu trữ nhằm kiểm soát chế độ nô lệ, mại dâm, và buôn bán phụ nữ-trẻ em.[66] Một phần do áp lực từ Hội Quốc Liên, Afghanistan bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1923, Iraq vào năm 1924, Nepal vào năm 1926, TransjordanBa Tư vào năm 1929, Bahrain vào năm 1937, và Ethiopia vào năm 1942.[67]

Do Fridtjof Nansen lãnh đạo, Ủy ban về người tị nạn được thành lập vào ngày 27 tháng 6 năm 1921[68] nhằm chăm sóc quyền lợi của những người tị nạn, trong đó có giám sát việc hồi hương của họ, và tái định cư khi cần thiết.[69] Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, có 2-3 triệu cựu tù nhân chiến tranh từ nhiều quốc gia phân tán trên khắp nước Nga;[69] trong vòng hai năm sau khi ủy ban được thành lập, nó đã giúp cho 425.000 người trong số họ trở về nhà.[70] Tổ chức thiết lập các trại tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1922 nằm hỗ trợ quốc gia này trong một cuộc khủng hoảng tị nạn đang diễn ra, giúp ngăn ngừa bệnh tật và đói ăn. Tổ chức cũng lập ra hộ chiếu Nansen để làm một phương tiện nhận dạng những người không quốc tịch.[71]

Ủy ban về nghiên cứu địa vị pháp lý của phụ nữ tìm cách điều tra về tình trạng của phụ nữ trên toàn thế giới. Tổ chức được thành lập vào năm 1937, và sau đó trở thành một bộ phận của Liên Hợp Quốc với tên gọi Ủy ban về địa vị của phụ nữ.[72]

Thành viên

sửa
 
Một bản đồ thế giới trong các năm 1920–1945, thể hiện các thành viên của Hội Quốc Liên trong lịch sử

Trong số 42 thành viên sáng lập của Hội Quốc Liên, 23 (24 nếu tính Pháp quốc Tự do) vẫn là thành viên cho đến khi tổ chức giải thể vào năm 1946. Trong năm thành lập, có sáu thành viên khác gia nhập, chỉ hai trong số đó vẫn là thành viên trong suốt thời gian tồn tại còn lại của Hội Quốc Liên. Sau đó có thêm 15 thành viên gia nhập. Số lượng thành viên lớn nhất là 58, từ ngày 28 tháng 9 năm 1934 (khi Ecuador gia nhập) đến ngày 23 tháng 2 năm 1935 (khi Paraguay rút).[73]

Liên Xô trở thành một thành viên vào ngày 18 tháng 9 năm 1934,[74] và bị trục xuất vào ngày 14 tháng 12 năm 1939[74]xâm lược Phần Lan. Trong hành động trục xuất Liên Xô, Hội Quốc Liên phá vỡ nguyên tắc của mình: chỉ có 7 trong số 15 thành viên của Hội chính là vụ bỏ phiếu trục xuất (Anh, Pháp, Bỉ, Bolivia, Ai Cập, Nam Phi, và Cộng hòa Dominica), không đạt đa số quá bán theo yêu cầu của Công ước. Ba quốc gia trong số này trở thành thành viên của Hội chính vụ chỉ một ngày trước khi bỏ phiếu (Nam Phi, Bolivia, và Ai Cập). Đây là một trong những hành động cuối cùng của Hội Quốc Liên trước khi tổ chức ngừng hoạt động trên thức tế do Chiến tranh thế giới thứ hai.[75]

Ngày 26 tháng 5 năm 1937, Ai Cập trở thành quốc gia cuối cùng gia nhập Hội Quốc Liên. Thành viên đầu tiên rút vĩnh viên khỏi Hội Quốc Liên là Costa Rica vào ngày 22 tháng 1 năm 1925; quốc gia này gia nhập vào ngày 16 tháng 12 năm 1920 và trở thành thành viên rút lui nhanh nhất. Brasil là thành viên sáng lập đầu tiên rút lui (14 tháng 6 năm 1926), và Haiti là thành viên cuối cùng rút lui (tháng 4 năm 1942). Iraq gia nhập Hội Quốc Liên năm 1932, là thành viên đầu tiên mà trước đó là một lãnh thổ ủy nhiệm của Hội Quốc Liên.[76]

Lãnh thổ Ủy trị

sửa

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các cường quốc Đồng Minh đối diện với vấn dề xử trí những thuộc địa của Đức tại châu PhiThái Bình Dương, và một số tỉnh phi Thổ Nhĩ Kỳ của đế quốc Ottoman. Hội nghị hòa bình thông qua nguyên tắc rằng những lãnh thổ này cần được quản lý bởi những chính phủ riêng biệt nhân danh Hội Quốc Liên – một hệ thống trách nhiệm quốc gia chịu sự giám sát của quốc tế.[77] Kế hoạch này được xác định là hệ thống ủy trị Hội Quốc Liên, được "Ủy ban 10" (người đứng đầu chính phủ và bộ trưởng ngoại giao của các cường quốc Đồng Minh: Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Ý, và Nhật Bản) thông qua vào ngày 30 tháng 1 năm 1919 và chuyển đến Hội Quốc Liên.[78]

Các ủy trị Hội Quốc Liên được thiết lập theo Điều 22 của Công ước Hội Quốc Liên.[79] Ủy ban ủy trị thường trực giám sát các lãnh thổ ủy trị,[80] và cũng tổ chức trưng cầu dân ý tại những lãnh thổ tranh chấp để dân cư có thể quyết định quốc gia mà họ sẽ gia nhập. Có ba loại lãnh thổ ủy trị: A, B và C.[81]

Ủy trị loại A (áp dụng cho các phần nguyên thuộc Đế quốc Ottoman) là "những cộng đồng xác định" mà "đạt đến một giai đoạn phát triển mà sự hiện diện của họ với vị thế là những quốc gia độc lập", quốc gia được ủy trị cung cấp khuyến nghị và hiệp trợ về hành chính cho đến khi họ có thể tự sinh tồn.[82]

Ủy trị loại B áp dụng cho những cựu thuộc địa của Đức mà Hội Quốc Liên chịu trách nhiệm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Họ được mô tả là những "dân tộc" mà Hội Quốc Liên cho rằng họ ở trong một giai đoạn cần phải có quốc gia được ủy trị theo điều kiện đảm bảo quyền tự do lương tâm và tôn giáo, là đối tượng để duy trì trật tự xã hội và đạo đức, cấm chỉ những lạm dụng như buôn bán nô lệ, buôn bán vũ khí và buôn bán rượu, ngăn ngừa sự hình thành của những công sự hoặc căn cứ quân sự cùng việc huấn luyện quân sự đối với người bản địa ngoài mục đích an ninh và phòng thủ lãnh thổ, và cũng đảm bảo cơ hội bình đẳng về mậu dịch và thương nghiệp cho các thành viên khác của Hội Quốc Liên.[82]

Tây Nam Phi và một số quần đảo tại Nam Thái Bình Dương là những lãnh thổ ủy trị loại C của Hội Quốc Liên. Họ được phân loại là "những lãnh thổ" do dân cư thưa thớt, hoặc kích thước nhỏ, hoặc cách biệt với những trung tâm văn minh, hoặc tiếp giáp về địa lý với lãnh thổ của bên được ủy trị, và những trường hợp khác, có thể được quản lý tốt ưu theo luật pháp của bên được ủy trị với vị thế những bộ phận tổ thành của lãnh thổ của quốc gia đó."[82]

Mười bốn lãnh thổ ủy trị được phân chia cho bảy cường quốc: Anh Quốc, Liên bang Nam Phi, Pháp, Bỉ, New Zealand, Úc và Nhật Bản.[83] Ngoại trừ Vương quốc Iraq vốn gia nhập Hội Quốc Liên vào ngày 3 tháng 10 năm 1932,[84] các lãnh thổ này chỉ giành được độc lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong một quá trình kéo dài đến năm 1990. Sau khi Hội Quốc Liên kết thúc, các lãnh thổ ủy trị còn lại trở thành lãnh thổ ủy thác Liên Hợp Quốc.[85]

Ngoài những lãnh thổ ủy trị, bản thân Hội Quốc Liên quản lý Lãnh thổ Bồn địa Saar trong 15 năm rồi trao trả lãnh thổ này cho Đức theo một cuộc trưng cầu dân ý, và quản lý Thành phố tự do Danzig từ 15 tháng 11 năm 1920 đến 1 tháng 9 năm 1939.[86]

Giải quyết tranh chấp lãnh thổ

sửa

Chiến tranh thế giới thứ nhất để lại nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bao gồm xác định vị trí chính xác các biên giới quốc gia và quốc gia cụ thể mà các khu vực sẽ gia nhập. Những cường quốc Đồng Minh chiến thắng xử lý hầu hết những vấn đề này thông qua các cơ cấu như Hội đồng Tối cao Đồng Minh. Đồng Minh có xu hướng chỉ chuyển các vấn đề đặc biệt khó khăn cho Hội Quốc Liên. Điều này có nghĩa là, trong thời gian đầu giữa hai Thế Chiến, Hội Quốc Liên giữ vai trò nhỏ trong giải quyết rối loạn từ chiến tranh. Các vấn đề mà Hội Quốc Liên xem xét trong những năm đầu này gồm có những vấn đề được chỉ định theo các Hiệp định hòa bình Paris.[87]

Khi Hội Quốc Liên phát triển, vai trò của tổ chức được khoách trương, và đến giữa thập niên 1920 thì tổ chức trở thành trung tâm của hoạt động quốc tế. Sự biến đổi này được nhận thấy trong quan hệ giữa Hội Quốc Liên với phi thành viên, như Hoa Kỳ và Nga gia tăng làm việc cùng Hội Quốc Liên. Trong nửa sau của thập niên 1920, Pháp, Anh và Đức đều sử dụng Hội Quốc Liên làm trọng điểm trong hoạt động ngoại giao của họ, và bộ trưởng ngoại giao những quốc gia này tham gia các cuộc họp của Hội Quốc Liên tại Genève trong giai đoạn này. Họ cũng sử dụng cơ cấu của Hội Quốc Liên nhằm cải thiện các quan hệ và giải quyết những bất đồng của họ.[88]

Quần đảo Åland

sửa

Åland là một quần đảo nằm giữa Thụy Điển và Phần Lan, dân cư tại quần đảo hầu như chỉ nói tiếng Thụy Điển. Năm 1809, Thụy Điển để mất Phần Lan và Åland cho Đế quốc Nga. Đến tháng 12 năm 1917, Phần Lan tuyên bố độc lập, song hầu hết dân cư Åland muốn tái gia nhập Thụy Điển.[89] Tuy nhiên, chính phủ Phần Lan cho rằng quần đảo là một bộ phận của Phần Lan, do người Nga hợp nhất Åland trong Đại Công quốc Phần Lan. Đến năm 1920, tranh chấp leo thang đến mức có nguy cơ chiến tranh. Chính phủ Anh Quốc chuyển vấn đề lên Ủy ban của Hội Quốc Liên, song Phần Lan không cho Hội Quốc Liên can thiệp vì cho rằng đây là một vấn đề nội bộ. Hội Quốc Liên thiết lập một nhóm hội thảo nhỏ nhằm quyết định có nên nghiên cứu về vấn đề, kết quả là một ủy ban trung lập được thiết lập.[89] Đến tháng 6 năm 1921, Hội Quốc Liên tuyên bố quyết định của mình: quần đảo vẫn là một bộ phận của Phần Lan, song với sự bảo vệ được bảo đảm dành cho dân cư quần đảo, trong đó có phi quân sự hóa. Với sự chấp thuận miễn cưỡng của Thụy Điển, đây trở thành thỏa thuận quốc tế đầu tiên tại châu Âu được dàn xếp trực tiếp thông qua Hội Quốc Liên.[90]

Thượng Silesia

sửa

Các cường quốc Đồng Minh chuyển vấn đề Thượng Silesia đến Hội Quốc Liên sau khi họ không thể giải quyết tranh chấp lãnh thổ.[91] Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Ba Lan đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với Thượng Silesia- một bộ phận của Phổ. Hiệp ước Versailles đề nghị một cuộc trưng cầu dân ý tại Thượng Silesia nhằm xác định lãnh thổ nên trở thành bộ phận của Đức hay Ba Lan. Những than phiền về thái độ của nhà cầm quyền Đức dẫn đến náo động và cuối cùng dẫn đến hai cuộc nổi dậy Silesia (1919 và 1920). Một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 20 tháng 3 năm 1921, với 59,6% (khoảng 500.000) số phiếu ủng hộ gia nhập Đức, song Ba Lan tuyên bố hoàn cảnh quanh cuộc bỏ phiếu là không công bằng. Điều này dẫn đến cuộc nổi dậy Silesia thứ ba vào năm 1921.[92]

Ngày 12 tháng 8 năm 1921, Hội Quốc Liên được yêu cầu giải quyết vấn đề; Hội chính vụ thiết lập một ủy ban với những đại biểu từ Bỉ, Brasil, Trung Quốc và Tây Ban Nha nhằm nghiên cứu tình hình.[93] Ủy ban đề nghị phân chia Thượng Silesia giữa Ba Lan và Đức theo kết quả từ cuộc trưng cầu dân ý và hai bên nên quyết định các chi tiết về tương tác giữa hai khu vực, như hàng hóa cần phải được thông qua biên giới một cách tự do vì sự phụ thuộc tương hỗ trong kinh tế và công nghiệp của hai khu vực.[94] Đến tháng 11 năm 1921, một hội nghị được tổ chức tại Genève nhằm dàn xếp thỏa thuận giữa Đức và Ba Lan. Hội nghị đạt được một dàn xếp cuối cùng sau năm buổi họp, theo đó hầu hết khu vực được trao cho Đức, song phần thuộc Ba Lan có đa số tài nguyên khoáng sản và nhiều cơ sở công nghiệp của khu vực. Khi thỏa thuận này được công khai vào tháng 5 năm 1922, người Đức oán thán, song hiệp định vẫn được hai quốc gia phê chuẩn. Sự dàn xếp đem lại hòa bình tại khu vực cho đến khu bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai.[93]

Albania

sửa

Biên giới của Albania không được xác định trong hội nghị hòa bình Paris năm 1919, vấn đề này được để lại cho Hội Quốc Liên quyết định. Đến tháng 9 năm 1921, vấn đề vẫn chưa được giải quyết, tạo ra một tình thế bất ổn định. Quân đội Hy Lạp tổ chức các chiến dịch quân sự ở phía nam của Albania, còn lực lượng Nam Tư xảy ra xung đột với người Albania ở phía bắc. Hội Quốc Liên phái một ủy ban gồm đại biểu từ nhiều cường quốc đến khu vực. Trong tháng 11 năm 1921, Hội Quốc Liên quyết định rằng biên giới của Albania nên tương đồng như vào năm 1913, với ba biến đổi nhỏ có lợi cho Nam Tư. Lực lượng Nam Tư triệt thoái một vài tuần sau đó.[95]

Biên giới của Albania lại trở thành nguyên nhân gây xung đột quốc tế khi Tướng Enrico Tellini của Ý cùng bốn người phụ tá của ông bị phục kích và sát hại vào ngày 24 tháng 8 năm 1923 trong khi đang vạch biên giới mới được giải quyết giữa Hy Lạp và Albania. Nhà lãnh đạo Ý Benito Mussolini tức giận và yêu cầu về một ủy ban điều tra sự kiện trong vòng năm ngày. Bất chấp kết quả từ việc điều tra, Mussolini yêu cầu chính phủ Hy Lạp trả cho Ý 50 triệu lira tiền bồi thường. Hy Lạp tuyên bố họ sẽ không trả trừ khi chứng minh được rằng người Hy Lạp phạm tội.[96]

Mussolini cử một chiếm hạm bắn phá đảo Corfu của Hy Lạp, và quân Ý chiếm đóng đảo vào ngày 31 tháng 8 năm 1923. Hành động này vi phạm Công ước Hội Quốc Liên, do vậy Hy Lạp yêu cầu Hội Quốc Liên giải quyết tình hình. Tuy nhiên, Đồng Minh đồng thuận rằng (do kiên trì của Mussolini) Hội nghị các đại sứ nên chịu trách nhiệm phân xử tranh chấp do hội nghị bổ nhiệm Tướng Tellini. Hội chính vụ Hội Quốc Liên khảo sát tranh chấp, song sau đó chuyển những phát hiện của họ cho Hội nghị các đại sứ để cơ cấu này ra quyết định cuối cùng. Hội nghị chấp thuận hầu hết đề xuất của Hội Quốc Liên, buộc Hy Lạp trả 50 triệu lira cho Ý mặc dù không thể tìm ra những người phạm tội.[97] Quân Ý triệt thoái khỏi Corfu.[98]

Memel

sửa

Thành phố cảng Memel và khu vực xung quanh có dân cư chủ yếu là người Đức, và nằm dưới quyền quản lý của Đồng Minh theo Điều 99 của Hiệp ước Versailles. Các chính phủ Pháp và Ba Lan ủng hộ chuyển Memel thành một đô thị quốc tế, trong khi Litva muốn sáp nhập khu vực này. Đến năm 1923, số phận của khu vực vẫn chưa được quyết định, thúc đẩy lực lượng Litva xâm chiếm vào tháng 1 năm 1923 và chiếm cảng. Sau khi Đồng Minh thất bại trong việc đạt một thỏa thuận với Litva, họ chuyển vấn đề lên Hội Quốc Liên. Trong tháng 12 năm 1923, Hội chính vụ Hội Quốc Liên chỉ định một ủy ban điều tra. Ủy ban này lựa chọn nhượng Memel cho Litva và trao cho khu vực các quyền tự trị. Công ước Klaipėda được Hội chính vụ Hội Quốc Liên phê chuẩn vào ngày 14 tháng 3 năm 1924, sau đó đến lượt các cường quốc Đồng Minh và Litva.[99]

Hatay

sửa

Dưới sự giám sát của Hội Quốc Liên, huyện Alexandretta tại lãnh thổ ủy trị Syria của Pháp được trao quyền tự trị vào năm 1937. Khu vực đổi tên thành Hatay, và nghị viện của khu vực tuyên bố độc lập với vị thế nước Cộng hòa Hatay trong tháng 9 năm 1938. Thổ Nhĩ Kỳ sáp nhập lãnh thổ với sự tán thành của Pháp vào giữa năm 1939.[100]

Mosul

sửa

Năm 1926, Hội Quốc Liên giải quyết một tranh chấp giữa Vương quốc Iraq và nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ về quyền kiểm soát tỉnh cũ Mosul của Ottoman. Anh được Hội Quốc Liên ủy nhiệm quản lý Iraq vào năm 1920 và do đó đại diện cho Iraq trong đối ngoại, quan điểm của Anh là Mosul thuộc về Iraq; còn Thổ Nhĩ Kỳ thì tuyên bố Mosul là bộ phận của khu vực trung tâm lịch sử của mình. Năm 1924, một ủy ban điều tra của Hội Quốc Liên gồm các thành viên người Bỉ, Hungary và Thụy Điển được phái đến khu vực; ủy ban nhận thấy rằng nhân dân Mosul không muốn trở thành bộ phận của cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Iraq, song nếu phải lựa chọn thì thì sẽ chọn Iraq.[101] Năm 1925, ủy ban đề nghị rằng khu vực là bộ phận của Iraq, theo các điều kiện nhằm đảm bảo quyền tự trị của người Kurd. Hội chính vụ Hội Quốc Liên thông qua đề nghị và phê chuẩn vào ngày 16 tháng 12 năm 1925 và trao Mosul cho Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ quyết định, nghi ngờ thẩm quyền của Hội chính vụ. Vấn đề được chuyển đến Tòa án thường trực công lý quốc tế, tòa phán quyết rằng cần phải chấp thuận khi Hội chính vụ Hội Quốc Liên ra một quyết định nhất trí.[102][103]

Vilnius

sửa

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Ba Lan và Litva đều giành được độc lập song lại vướng vào các tranh chấp lãnh thổ.[104] Trong Chiến tranh Nga-Ba Lan, Litva ký kết Hòa ước Moskva với Xô viết và trong đó có xác định biên giới của Litva. Thỏa thuận này trao cho Litva quyền kiểm soát thành phố Vilnius, đây là cố đô của Litva song có đa số dân cư là người Ba Lan.[105] Điều này làm gia tăng căng thẳng giữa Litva và Ba Lan và dẫn đến lo ngại rằng hai bên sẽ lại tiếp tục chiến tranh, vào ngày 7 tháng 10 năm 1920, Hội Quốc Liên dàn xếp Thỏa thuận Suwałki thiết lập một lệnh ngừng bắn và vạch một đường phân giới giữa hai quốc gia.[104] Ngày 9 tháng 10 năm 1920, một đội quân Ba Lan vi phạm thỏa thuận khi chiếm thành phố và thiết lập nước Cộng hòa Trung Litva.[104]

Sau một yêu cầu trợ giúp từ Litva, Hội chính vụ Hội Quốc Liên kêu gọi Ba Lan triệt thaói binh sĩ khỏi khu vực. Chính phủ Ba Lan biểu thị rằng họ sẽ tuân thủ, song lại tăng cường lực lượng trong thành phố với thêm nhiều binh sĩ.[106] Điều này xúc tiến Hội Quốc Liên quyết định rằng tương lai của Vilnius cần do những dân cư địa phương quyết định trong một cuộc trưng cầu dân ý và rằng quân Ba Lan cần triệt thoái và thay thế họ là một lực lượng quốc tế do Hội Quốc Liên tổ chức. Tuy nhiên, kế hoạch gặp phải sự chống đối tại Ba Lan, Litva, và cả Liên Xô vì nước này phản đối bất kỳ lực lượng quốc tế nào hiện diện tại Litva. Trong tháng 3 năm 1921, Hội Quốc Liên bãi bỏ kế hoạch về trưng cầu dân ý.[107] Sau một đề xuất bất thành của Paul Hymans nhằm thiết lập một liên bang giữa Ba Lan và Litva, Ba Lan chính thức sáp nhập Vilnius và khu vực xung quanh trong tháng 3 năm 1922. Sau khi Litva đoạt quyền kiểm soát khu vực Klaipėda, đến ngày 14 tháng 3 năm 1923 thì Hội nghị Đồng Minh thiết lập biên giới giữa Litva và Ba Lan, để Vilnius trong Ba Lan.[108] Nhà cầm quyền Litva từ chối chấp thuận quyết định, và chính thức ở trong tình trạng chiến tranh với Ba Lan cho đến năm 1927.[109] Cho đến tối hậu thư của Ba Lan vào năm 1938 thì Litva mới khôi phục quan hệ ngoại giao với Ba Lan và chấp thuận trên thực tế về biên giới.[110]

Colombia và Peru

sửa

Có một số xung đột biên giới giữa ColombiaPeru vào đầu thế kỷ XX, và đến năm 1922, chính phủ hai bên ký kết Hiệp ước Salomón-Lozano trong một nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề.[111] Theo hiệp ước này thì đô thị biên giới Leticia và khu vực xung quanh nó được nhượng từ Peru cho Colombia, khiến Colombia tiếp cận được với sông Amazon.[112] Ngày 1 tháng 9 năm 1932, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cao su và đường của Peru bị mất đất theo hiệp ước đã tổ chức tiếp quản vũ trang đối với Leticia.[113] Chính phủ Peru ban đầu không công nhận tiếp quản quân sự, song Tổng thống Peru Luis Sánchez Cerro quyết định kháng cự một hành động tái chiếm của Colombia. Quân đội Peru chiếm Leticia, dẫn đến một xung đột vũ trang giữa hai quốc gia.[114] Sau nhiều tháng dàn xếp ngoại giao, hai chính phủ chấp thuận để Hội Quốc Liên hòa giải, và đại diện của họ trình bày trước Hội chính vụ Hội Quốc Liên. Một thỏa thuận hòa bình lâm thời được cả hai bên ký kết vào tháng 5 năm 1933, trao cho Hội Quốc Liên trách nhiệm quản lý lãnh thổ tranh chấp trong khi các dàn xếp song phương được tiến hành.[115] Đến tháng 5 năm 1934, một thỏa thuận hòa bình cuối cùng được ký kết, theo đó trao trả Leticia cho Colombia, một xin lỗi chính thức từ Peru cho cuộc xâm chiếm năm 1932, phi quân sự hóa khu vực quanh Leticia, tự do thông hành trên các sông Amazon và Putumayo, và một cam kết không xâm lược.[116]

Saar được tạo thành từ các bộ phận nguyên thuộc Phổ và Rhenish Palatinate và được đặt dưới quyền kiểm soát của Hội Quốc Liên theo Hiệp ước Versailles. Một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức sau 15 năm từ khi Hội Quốc Liên kiểm soát nhằm quyết định khu vực nên thuộc về Đức hoặc Pháp. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1935, 90,3% số phiếu ủng hộ trở thành bộ phận của Đức, kết quả nhanh chóng được Hội Quốc Liên phê chuẩn.[117][118]

Xung đột khác

sửa

Ngoài những tranh chấp lãnh thổ, Hội Quốc Liên cũng cố gắng can thiệp trong các xung đột khác giữa và trong các quốc gia. Trong số các thành công của tổ chức, có cuộc đấu tranh chống mậu dịch quốc tế về thuốc phiện và nô lệ tình dục, và công tác của tổ chức trong việc giảm bớt khó khăn của người tị nạn, đặc biệt là tại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến năm 1926. Một trong những sáng kiến của tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ là việc thiết lập hộ chiếu Nansen vào năm 1922, đây là thẻ căn cước được quốc tế công nhận đầu tiên dành cho những người tị nạn không quốc tịch.[119]

Hy Lạp và Bulgaria

sửa

Sau một sự cố giữa lính biên phòng hai bên trong tháng 10 năm 1925, giao tranh bùng nổ giữa hai quốc gia.[120] Ba ngày sau sự cố ban đầu, quân Hy Lạp xâm chiếm Bulgaria. Chính phủ Bulgaria lệnh cho binh sĩ chỉ kháng cự mang tính biểu tượng, và sơ tán 10.00-15.000 người khỏi khu vực biên giới, ủy thác Hội Quốc Liên giải quyết tranh chấp.[121] Hội Quốc Liên lên án cuộc xâm chiếm của Hy Lạp, và kêu gọi Hy Lạp triệt thoái và bối thường cho Bulgaria.[120]

Liberia

sửa

Sau những cáo buộc về lao động cưỡng bách tại đồn điền cao su thuộc sở hữu của công ty Hoa Kỳ Firestone và những cáo buộc của Hoa Kỳ về buôn bán nô lệ, chính phủ Liberia yêu cầu Hội Quốc Liên tiến hành một cuộc điều tra.[122] Ủy ban này được đồng chỉ định bởi Hội Quốc Liên, Hoa Kỳ, và Liberia.[123] Năm 1930, một báo cáo của Hội Quốc Liên xác nhận sự hiện diện của chế độ nô lệ và lao động cưỡng bách. Báo cáo ám chỉ nhiều quan chức chính phủ bán lao động khé ước và đề nghị thay thế họ bằng người châu Âu hoặc Hoa Kỳ, tạo ra sự tức giận tại Liberia và dẫn đến sự từ chức của Tổng thống Charles D. B. King cùng phó tổng thống. Chính phủ Liberia cấm lao động cưỡng bách và chế độ nô lệ, và yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ trong các cải cách xã hội.[123][124]

Sự biến Mãn Châu

sửa

Sự biến Mãn Châu, còn gọi là "sự biến Cửu Nhất Bát" là một trong những thụt lùi lớn của Hội Quốc Liên và đóng vai trò là xúc tác cho việc Nhật Bản rút khỏi tổ chức. Theo các điều khoản của một hợp đồng cho thuê, chính phủ Nhật Bản được quyền đóng quân tại khu vực quanh đường sắt Nam Mãn tại Mãn Châu của Trung Quốc.[125] Trong tháng 9 năm 1931, một đoạn đường sắt bị quân Quan Đông của Nhật Bản làm hư hại nhẹ[126][127] nhằm tạo cớ để xâm chiếm Mãn Châu.[126][128] Quân đội Nhật Bản tuyên bố rằng các binh sĩ Trung Quốc đã phá hoại đường sắt và trả đũa bằng việc chiếm toàn bộ Mãn Châu. Họ lập ra Mãn Châu Quốc, và đến ngày 9 tháng 3 năm 1932 thì thiết lập một chính phủ bù nhìn với cựu hoàng đế Phổ Nghi là người đứng đầu cơ quan hành pháp.[129] Thực thể mới này chỉ được các chính phủ Ý và Đức công nhận, phần còn lại của thế giới vẫn xem Mãn Châu là bộ phận về pháp lý của Trung Quốc. Trong năm 1932, không quân và hải quân Nhật Bản oanh tạc thành phố Thượng Hải, gây nên sự biến Nhất Nhị Bát.[130]

Hội Quốc Liên chấp thuận một yêu cầu về việc trợ giúp chính phủ Trung Quốc, song hành trình dài bằng tàu trì hoãn các quan chức của Hội Quốc Liên. Khi đến nơi, họ đối diện với khẳng định của Trung Quốc rằng Nhật Bản xâm chiếm phi pháp, trong khi Nhật Bản tuyên bố họ hành động nhằm duy trì hòa bình trong khu vực. Bất chấp vị thế cao của Nhật Bản trong Hội Quốc Liên, Báo cáo Lytton sau đó tuyên bố Nhật Bản là thế lực xâm chiếm và yêu cầu hoàn trả Mãn Châu cho Trung Quốc. Trước khi báo cáo có thể được bỏ phiếu tại Đại hội đồng Hội Quốc Liên, Nhật Bản tuyên bố ý định tiến công hơn nữa vào Trung Quốc. Báo cáo được Đại hội đồng thông qua với kết quả 42–1 vào năm 1933 (chỉ Nhật Bản bỏ phiếu trống), song thay vì triệt thoái binh sĩ khỏi Trung Quốc, Nhật Bản quyết định rút khỏi Hội Quốc Liên.[131]

Theo Công ước, Hội Quốc Liên cần phản ứng bằng các biện pháp chế tài kinh tế hoặc tuyên chiến; song việc này không diễn ra. Đe dọa chế tài kinh tế hầu như vô ích do Hoa Kỳ có thể tiếp tục giao dịch với Nhật Bản vì quốc gia này không phải là thành viên của tổ chức. Hội Quốc Liên có thể tập hợp một đội quân, song các đại cường như Anh và Pháp lại quá bận tâm đến các sự vụ riêng của họ, như duy trì quyền kiểm soát đối với các thuộc địa rộng lớn của họ, đặc biệt là sau rối loạn của Chiến tranh thế giới thứ nhất.[132] Nhật Bản sau đó duy trì quyền kiểm soát đối với Mãn Châu cho đến khi Hồng quân Liên Xô chiếm khu vực và hoàn trả cho Trung Quốc vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai.[133]

Chiến tranh Chaco

sửa

Hội Quốc Liên thất bại trong việc ngăn ngừa chiến tranh giữa BoliviaParaguay trong năm 1932 nhằm tranh giành khu vực Gran Chaco khô hạn. Mặc dù khu vực có dân cư thưa thớt song lại có sông Paraguay, và giúp hai quốc gia nội lục này có thể tiếp cận Đại Tây Dương,[134] và cũng là một sự đầu cơ mà sau được chứng minh là không chính xác rằng Chaco sẽ là một nguồn dầu lửa phong phú.[135] Xung đột biên giới qua cuối thập niên 1920 lên đến đỉnh điểm trong một cuộc chiến tranh tổng lực vào năm 1932 khi quân đội Bolivia tiến công Paraguay tại Pháo đài Fort Carlos Antonio López ven hồ Pitiantuta.[136] Paraguay thỉnh cầu Hội Quốc Liên, song Hội Quốc Liên không có hành động khi Hội nghị Liên Mỹ đề nghị làm trung gian thay thế. Chiến tranh là một thảm họa đối với hai bên, gây 57.000 thương vong cho quốc gia 3 triệu dân Bolivia, và lấy đi 36.000 nhân mạng từ quốc gia 1 triệu dân Paraguay.[137] Nó cũng gây thảm họa về kinh tế cho hai quốc gia. Khi một lệnh ngừng bắn được dàn xếp vào ngày 12 tháng 6 năm 1935, Paraguay giành quyền kiểm soát hầu hết khu vực, và sau đó được công nhận theo thỏa thuận đình chiến năm 1938.[138]

Ý xâm chiếm Abyssinia

sửa
 
Hoàng đế Haile Selassie đào tẩu khỏi Ethiopia qua Jerusalem

Trong tháng 10 năm 1935, nhà lãnh đạo Ý là Benito Mussolini phái 400.000 quân đi xâm chiếm Abyssinia (Ethiopia).[139] Quân đội Ý đánh bại quân Abyssinia được vũ trang nghèo nàn và chiếm Addis Ababa vào tháng 5 năm 1936, buộc Hoàng đế Haile Selassie phải đào tị.[140] Hội Quốc Liên lên án cuộc xâm chiếm của Ý và áp đặt chế tài kinh tế trong tháng 11 năm 1935, song các chế tài phần lớn là vô ích do họ không cấm bán dầu hoặc đóng cửa kênh đào Suez (do Anh kiểm soát).[141] Ché tài của Hội Quốc Liên được bãi bỏ vào ngày 4 tháng 7 năm 1936, song lúc này Ý đã giành quyền kiểm soát các khu vực đô thị của Abyssinia.[142]

Hiệp ước Hoare–Laval vào tháng 12 năm 1935 là một nỗ lực của Bộ trưởng Ngoại giao Anh Samuel Hoare và Thủ tướng Pháp Pierre Laval nhằm kết thúc xung đột tại Abyssinia bằng cách đề xuất phân chia quốc gia thành một khu vực thuộc Ý và một khu vực của Abyssinia. Mussolini chuẩn bị chấp thuận hiệp ước, song các tin tức về thỏa thuận này bị rò rỉ. Công chúng Anh và Pháp kịch liệt phản đối hiệp ước, miêu tả nó là bán rẻ Abyssinia. Hoare và Laval buộc phải từ chức, và các chính phủ Anh và Pháp tách họ khỏi hai nhân vật này.[143] Trong tháng 6 năm 1936, mặc dù chưa có tiền lệ một nguyên thủ quốc gia diễn thuyết trước Đại hội đồng của Hội Quốc Liên, Haile Selassie phát biểu trước Đại hội đồng, kêu gọi sự trợ giúp của tổ chức trong việc bảo vệ quốc gia của ông.[144]

Khủng hoảng Abyssinia biểu thị Hội Quốc Liên có thể bị ảnh hưởng từ tư lợi của các thành viên ra sao;[145] một trong các lý do về việc các chế tài không quá khắc nghiệt là cả Anh và Pháp đều lo ngại về khả năng đẩy Mussolini và Adolf Hitler vào một liên minh.[146]

Nội chiến Tây Ban Nha

sửa

Ngày 17 tháng 7 năm 1936, Lục quân Tây Ban Nha tiến hành đảo chính, dẫn đến một xung đột vũ trang kéo dài giữa những người Cộng hòa (chính phủ quốc gia cánh tả) và những người dân tộc chủ nghĩa (bảo thủ, những phiến quân chống cộng gồm hầu hết sĩ quan của lục quân Tây Ban Nha).[147] Trong tháng 9 năm 1936, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Julio Álvarez del Vayo thỉnh cầu Hội Quốc Liên cung cấp vũ trang nhằm bảo vệ tính toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các thành viên của Hội Quốc Liên không muốn can thiệp vào Nội chiến Tây Ban Nha và cũng không ngăn chặn can thiệp từ bên ngoài vào xung đột. Adolf Hitler và Mussolini tiếp tục viện trợ cho phe dân tộc chủ nghĩa của Tướng Francisco Franco, trong khi Liên Xô trợ giúp cho phe cộng hòa. Trong tháng 2 năm 1937, Hội Quốc Liên cấm chỉ các tình nguyện viên ngoại quốc, song điều này trên thực tế chỉ là một động thái mang tính biểu trưng.[148]

Chiến tranh Trung-Nhật

sửa

Nhật Bản bắt đầu xâm chiếm toàn diện Trung Quốc từ ngày 7 tháng 7 năm 1937. Ngày 12 tháng 9, đại biểu Trung Quốc là Cố Duy Quân thỉnh cầu Hội Quốc Liên về can thiệp quốc tế. Các quốc gia phương Tây đồng tình với Trung Quốc trong cuộc đấu tranh của họ, đặc biệt là trong phòng thủ Thượng Hải, một thành phố có số lượng đáng kể người ngoại quốc.[149] Tuy nhiên, Hội Quốc Liên không thể cung cấp bất kỳ biện pháp thực tế nào; ngày 4 tháng 10, tổ chức chuyển vấn đề cho Hội nghị Hiệp ước Cửu cường.[150][151]

Thất bại trong giải trừ quân bị

sửa

Điều 8 của Công ước trao cho Hội Quốc Liên nhiệm vụ giảm "vũ trang đến mức tối thiểu phù hợp với an ninh quốc gia và thực thi bằng hành động chung các nghĩa vụ quốc tế."[152] Một lượng đáng kể thời gian và hoạt động của Hội Quốc Liên là dành cho mục tiêu này, mặc dù nhiều chính phủ thành viên không chắc chắn rằng giải trừ quân bị bao quát như vậy có thể hoàn thành hoặc thậm chí là đáng mong đợi.[153] Theo Hiệp ước Versailles, các cường quốc Đồng Minh cũng có bổn phận nỗ lực giảm quân bị, và các hạn chế vũ trang áp đặt đối với các quốc gia chiến bại được mô tả là bước đầu tiên hướng đến giải trừ quân bị toàn cầu.[153] Công ước Hội Quốc Liên phân công Hội Quốc Liên có nhiệm vụ thiết lập một kế hoạch giải trừ quân bị cho mỗi quốc gia, song Hội chính vụ trao cho trách nhiệm này cho một ủy ban đặc biệt thiết lập trong năm 1926 nhằm chuẩn bị cho Hội nghị giải trừ quân bị thế giới 1932–34.[154] Các thành viên của Hội Quốc Liên có những quan điểm khác nhau về vấn đề, Pháp miễn cưỡng giảm vũ trang của họ trong khi không có một đảm bảo trợ giúp quân sự nếu bị tấn công; Ba Lan và Tiệp Khắc cảm thấy dễ bị tấn công từ phía tây và muốn Hội Quốc Liên tăng cường phản ứng đối với hành vi xâm lược chống lại một thành viên trước khi họ giải trừ quân bị.[155] Không có sự đảm bảo này, họ sẽ không giảm vũ trang do nhận thấy nguy cơ tấn công từ Đức là quá lớn. Lo sợ về việc bị tiến công tăng lên khi Đức hồi phục sức mạnh sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, đặc biệt là sau khi Adolf Hitler giành được quyền lực và trở thành thủ tướng Đức vào năm 1933. Những cố gắng của Đức nhằm đạp đổ Hiệp ước Versailles và tái thiết lực lượng quân sự Đức khiến Pháp càng không sẵn lòng giải trừ quân bị.[154]

Hội Quốc Liên triệu tập Hội nghị giải trừ quân bị thế giới tại Genève vào năm 1932, với các đại biểu từ 60 quốc gia. Một lệnh tạm ngưng mở rộng vũ trang trong một năm, sau đó kéo dài thêm một vài tháng, được đề xuất tại đầu hội nghị.[156] Uỷ ban giải trừ quân bị đạt được thỏa thuận ban đầu từ Pháp, Ý, Nhật Bản và Anh nhằm giới hạn quy mô hải quân của họ. Hiệp ước Kellogg–Briand với sự hỗ trợ từ ủy ban trong năm 1928 đã thất bại trong mục tiêu cấm chỉ chiến tranh. Cuối cùng, ủy ban thất bại trong việc ngăn chặn Đức, Ý, Nhật Bản xây dựng quân đội trong thập niên 1930. Hội Quốc Liên hầu như yên lặng khi phải đối diện với các sự kiện lớn dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ hai, như khi Hitler tái vũ trang hóa Rheinland, chiếm Sudetenlandsáp nhập Áo- hành động bị cấm theo Hiệp ước Versailles. Trên thực tế, các thành viên của Hội Quốc Liên tự tái vũ trang. Năm 1933, Nhật Bản rút khỏi Hội Quốc Liên thay vì tuân theo quyết định của tổ chức,[157] Đức cũng rút khỏi trong cùng năm (sử dụng lý do là thất bại của Hội nghị giải trừ quân bị thế giới trong việc đồng thuận cân bằng vũ trang giữa Pháp và Đức), rồi đến Ý vào năm 1937.[158] Hành động có ý nghĩ cuối cùng của Hội Quốc Liên là trục xuất Liên Xô vào tháng 12 năm 1939 sau khi quốc gia này xâm chiếm Phần Lan.[159]

Nhược điểm chung

sửa

Việc Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ chứng minh rằng Hội Quốc Liên đã thất bại trong mục đích chính của tổ chức là ngăn ngừa một Thế Chiến khác. Có nhiều lý do cho thất bại này, với những liên kết đến những nhược điểm chung trong tổ chức. Ngoài ra, năng lực của Hội Quốc Liên bị hạn chế do Hoa Kỳ từ chối tham dự.[160]

Hội Quốc Liên là một tổ chức được các cường quốc Đồng Minh thành lập như một phần của sự dàn xếp hòa bình nhằm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất, khiến tổ chức được nhìn nhận là một "Liên minh của những người thắng cuộc".[161][162] Tính trung lập của Hội Quốc Liên có khuynh hướng biểu thị tổ chức là thiếu quyết đoán. Hội Quốc Liên đòi hỏi một cuộc bỏ phiếu nhất trí của 9, sau đó là 15 thành viên Hội chính vụ để ban hành một nghị quyết; do đó, việc thuyết phục và hành động thực sự là điều khó khăn, nếu không phải là không thể. Tổ chức cũng chậm di đến quyết định của mình khi mà một thành viên nhất định yêu cầu đồng thuận nhất trí của toàn thể Ủy ban. Vấn đề này chủ yếu bắt nguồn từ thực tế rằng các thành viên chủ yếu của Hội Quốc Liên không muốn chấp thuận khả năng số mệnh của họ do các quốc gia khác quyết định, và do thi hành bỏ phiếu nhất trí trên thực tế là trao cho họ quyền phủ quyết.[163][164]

Mặc dù tổ chức có dự định bao gồm toàn bộ các quốc gia, song nhiều quốc gia chưa từng gia nhập hoặc chỉ có thời kỳ làm thành viên ngắn ngủi, sự khuyết diện đáng chú ý nhất là Hoa Kỳ. Tổng thống Woodrow Wilson từng xúc tiến việc hình thành Hội Quốc Liên và có ảnh hưởng lớn đối với hình thức của tổ chức, song Thượng nghị viện Hoa Kỳ bỏ phiếu không gia nhập tổ chức vào ngày 19 tháng 11 năm 1919.[165] Ruth Henig đưa ra giả thuyết rằng khi Hoa Kỳ trở thành một thành viên thì quốc gia này cũng sẽ cung cấp sự ủng hộ cho Pháp và Anh, có thể khiến cho Pháp cảm thấy an toàn hơn, và do đó khuyến khích Pháp và Anh đi đến hợp tác thêm đầy đủ trong quan hệ với Đức, do đó khiến cho Đảng Quốc Xã ít có khả năng lên nắm quyền hơn.[166] Ngược lại, Henig thừa nhận rằng nếu Hoa Kỳ là một thành viên thì sự miễn cưỡng của quốc gia này trong việc tham gia chiến tranh với các quốc gia châu Âu hoặc để ban hành các chế tài kinh tế có thể cản trở năng lực của Hội Quốc Liên trong việc giải quyết các sự biến quốc tế.[166] Cấu trúc của chính phủ liên bang Hoa Kỳ có thể khiến cho vị thế thành viên của quốc gia này trở nên mơ hồ, do các đại biểu của Hoa Kỳ tại Hội Quốc Liên không thể có các quyết định nhân danh nhánh hành pháp mà không được phê chuẩn từ trước của nhánh lập pháp.[167]

Trong tháng 1 năm 1920, khi Hội Quốc Liên khai sinh, Đức không được phép tham dự do được nhìn nhận là một quốc gia đi xâm lược trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nước Nga Xô viết ban đầu cũng bị loại trừ do các chế độ cộng sản không được hoan nghênh. Hội Quốc Liên trở nên suy yếu thêm khi các đại cường rút khỏi tổ chức trong thập niên 1930. Nhật Bản ban đầu là một thành viên thường trực của Ủy ban, song rút khỏi Hội Quốc Liên vào năm 1933 sau khi Hội Quốc Liên phản đối quốc gia này xâm chiếm Mãn Châu.[168] Ý ban đầu cũng là một thành viên thường trực của Ủy ban, song rút khỏi Hội Quốc Liên vào năm 1937. Năm 1926, Hội Quốc Liên chấp thuận cho Đức gia nhập với vị thế một thành viên thường trực của Hội chính vụ, cho rằng Đức là một "quốc gia yêu chuộng hòa bình", song Adolf Hitler đưa Đức ra khỏi Hội Quốc Liên khi ông lên nắm quyền vào năm 1933.[169]

Những nhược điểm quan trọng khác tăng lên từ mâu thuẫn giữa quan điểm an ninh tập thể vốn dựa trên nền tảng Hội Quốc Liên và quan hệ quốc tế giữa các quốc gia riêng lẻ.[170] Hệ thống an ninh tập thể của Hội Quốc Liên yêu cầu các quốc gia phải hành động nhằm ủng hộ cho các quốc gia mà họ không có mối quan hệ thân thiết bình thường, nếu cần thiết phải chống lại cả những quốc gia mà họ xem là hữu nghị nên có thể gây nguy hiểm cho lợi ích quốc gia.[170] Nhược điểm này được bộc lộ trong khủng hoảng Abyssinia, khi đó Anh và Pháp duy trì sự cân bằng an ninh mà họ nỗ lực thiết lập cho mình tại châu Âu "nhằm bảo vệ chống các kẻ thù của trật tự quốc tế",[171] mà trong đó sự ủng hộ của Ý đóng một vai trò then chốt, với bổn phận của họ với Abyssinia với vị thế là một thành viên Hội Quốc Liên.[172] Cuối cùng, Anh và Pháp đều từ bỏ khái nhiệm an ninh tập thể mà thay vào đó ủng hộ nhân nhượng trong việc đối diện với chủ nghĩa quân phiệt Đức đang phát triển dưới thời Hitler.[173]

Hội Quốc Liên thiếu một lực lượng vũ trang riêng và dựa vào những đại cường để thi hành các nghị quyết của mình, đây là điều mà các đại cường rất không muốn thực hiện.[174] Hai thành viên quan trọng nhất của Hội Quốc Liên là Anh và Pháp đã miễn cưỡng sử dụng các chế tài và thậm chí còn miễn cưỡng hơn trong việc dùng đến phương pháp hành động quân sự nhân danh Hội Quốc Liên. Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, chủ nghĩa hòa bình trở thành một thế lực mạnh trong nhân dân và chính phủ tại cả hai quốc gia. Đảng Bảo thủ Anh đặc biệt lãnh đạm với Hội Quốc Liên, và khi nắm quyền đảng này ưu tiên điều đình các hiệp ước mà không có sự tham dự của tổ chức này.[175] Hơn nữa, sự ủng hộ tích cực của Hội Quốc Liên về việc giải trừ quân bị đối với Anh, Pháp, và các thành viên khác, trong khi đồng thời chủ trương an ninh tập thể, có nghĩa là Hội Quốc Liên đã tự tước đoạt phương thức mạnh duy nhất mà nhờ đó tổ chức mới có thể duy trì quyền uy.[176]

Sụp đổ và di sản

sửa
 
Tòa nhà Ủy ban của Hội Quốc Liên tại Genève

Khi tình hình tại châu Âu leo thang đến chiến tranh, Ủy ban chuyển giao quyền lực đầy đủ cho Tổng thư ký vào ngày 30 tháng 9 năm 1938 và 14 tháng 12 năm 1939 nhằm cho phép Hội Quốc Liên tiếp tục tồn tại về mặt pháp lý và tiến hành giảm bớt các hành động.[75] Trụ sở của Hội Quốc Liên là Cung các Quốc gia không bị chiếm đóng cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.[177]

Tại Hội nghị Tehran năm 1943, các cường quốc Đồng Minh chấp thuận thiết lập một cơ cấu mới nhằm thay thế cho Hội Quốc Liên: Liên Hợp Quốc. Nhiều cơ quan của Hội Quốc Liên như Tổ chức lao động quốc tế tiếp tục hoạt động và cuối cùng trở thành một thành viên trực thuộc của Liên Hợp Quốc.[59] Những người phác thảo kết cấu của Liên Hợp Quốc nhằm mục đích khiến nó trở nên hiệu quả hơn Hội Quốc Liên.[178]

Cuộc họp cuối cùng của Hội Quốc Liên diễn ra vào ngày 12 tháng 4 năm 1946 taị Genève. Đại biểu đến từ 34 quốc gia tham dự kỳ họp Đại hội đồng.[179] Phiên họp này liên quan đến việc thanh lý Hội Quốc Liên: tổ chức chuyển giao tài sản có giá khoảng 22 triệu đô la Mỹ vào năm 1946,[180] cho Liên Hợp Quốc, hoàn trả kinh phí dự trữ mà các quốc gia từng cung cấp cho tổ chức, và giải quyết các khoản nợ của Hội Quốc Liên.[179]

Đề nghị giải thể Hội Quốc Liên được nhất trí thông qua, ngày kết thúc của Hội Quốc Liên được xác định là ngày sau khi phiên họp kết thúc. Ngày 19 tháng 4 năm 1946, Chủ tịch Đại hội đồng là Carl J. Hambro tuyên bố "phiên họp thứ 21 và cuối cùng của Đại hội đồng Hội Quốc Liên kết thúc".[180] Hội Quốc Liên chấm dứt tồn tại vào ngày hôm sau.[181]

Các quốc gia Đồng Minh chủ chống trong Chiến tranh thế giới thứ hai (Anh, Hoa Kỳ, Liên Xô, Pháp và Trung Quốc) trở thành những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 1946. Các quyết định của Hội đồng bảo an mang tính rằng buộc với toàn bộ thành viên của Liên Hợp Quốc; tuy nhiên không yêu cầu về quyết định nhất trí như Hội chính vụ Hội Quốc Liên. Các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an có thể vận dụng quyền phủ quyết để bảo vệ quyền lợi thiết thân của họ.[182]

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ Christian, Tomuschat (1995). The United Nations at Age Fifty: A Legal Perspective. Martinus Nijhoff LOLPublishers. tr. 77. ISBN 9789041101457.
  2. ^ “Covenant of the League of Nations”. The Avalon Project. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2011.
  3. ^ Kant, Immanuel. “Perpetual Peace: A Philosophical Sketch”. Mount Holyoke College. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2008.
  4. ^ Skirbekk & Gilje 2001, tr. 288.
  5. ^ Kant, Immanuel (1795). “Perpetual Peace”. Constitution Society. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2011.
  6. ^ Reichard 2006, tr. 9.
  7. ^ Rapoport 1995, tr. 498–500.
  8. ^ Bouchet-Saulnier, Brav & Olivier 2007, tr. 14–134.
  9. ^ Northedge 1986, tr. 10.
  10. ^ “Before the League of Nations”. The United Nations Office at Geneva. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2008.
  11. ^ Bell 2007, tr. 15–17.
  12. ^ Northedge 1986, tr. 1–2.
  13. ^ Bell 2007, tr. 16.
  14. ^ Archer 2001, tr. 14.
  15. ^ Northedge 1986, tr. 1.
  16. ^ Bell 2007, tr. 8.
  17. ^ a b c Northedge, F. S. (1986). The League of Nations: Its life and times, 1920–1946. Nhà xuất bản Đại học Leicester. ISBN 0-7185-1194-8.
  18. ^ Sir Alfred Eckhard Zimmern (1969). The League of Nations and the Rule of Law, 1918-1935. Russell & Russell. tr. 13–22.
  19. ^ “Toward the Concept of Collective Security: The Bryce Group's "Proposals for the Avoidance of War," 1914-1917”. The University of Wisconsin Press. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2013.
  20. ^ Leonard Woolf (2010). International Government. BiblioBazaar.
  21. ^ a b c d “The League of Nations - Karl J. Schmidt”. American History. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2013.
  22. ^ “The League of Nations: a retreat from international law?” (PDF). Journal of Global History.
  23. ^ David Hunter Miller (1969). The drafting of the Covenant. Johnson Reprint Corp.
  24. ^ Magliveras 1999, tr. 8.
  25. ^ Magliveras 1999, tr. 8–12.
  26. ^ Northedge 1986, tr. 35–36.
  27. ^ Levinovitz & Ringertz 2001, tr. 170.
  28. ^ Northedge 1986, tr. 85–89.
  29. ^ Michael E. Eidenmuller (ngày 25 tháng 9 năm 1919). “Woodrow Wilson - "Final Address in Support of the League of Nations". American Rhetoric. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2012.
  30. ^ Scott 1973, tr. 51.
  31. ^ Scott 1973, tr. 67.
  32. ^ “Chronology” (PDF). UNOG. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 4 năm 2015. Truy cập 12 tháng 9 năm 2014.
  33. ^ Burkman 1995.
  34. ^ Kontra và đồng nghiệp 1999, tr. 32.
  35. ^ Forster 1982, tr. 173.
  36. ^ Forster 1982, tr. 171–76.
  37. ^ Forster 1982, tr. 175.
  38. ^ “Language and Emblem”. United Nations. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2011.
  39. ^ Northedge 1986, tr. 48, 66.
  40. ^ “Budget of the League”. University of Indiana. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2011.
  41. ^ Northedge 1986, tr. 48–49.
  42. ^ Northedge 1986, tr. 53.
  43. ^ Northedge 1986, tr. 50.
  44. ^ “League of Nations Secretariat, 1919–1946”. United Nations Office at Geneva. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2011.
  45. ^ a b “Organization and establishment:The main bodies of the League of Nations”. The United Nations Office at Geneva. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2008.
  46. ^ Northedge 1986, tr. 72.
  47. ^ Northedge 1986, tr. 48–50.
  48. ^ Northedge 1986, tr. 48.
  49. ^ Northedge 1986, tr. 42–48.
  50. ^ a b “League of Nations Photo Archive”. University of Indiana. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2011.
  51. ^ “Chronology 1939”. University of Indiana. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2011.
  52. ^ “Health Organisation Correspondence 1926-1938”. National Library of Medicine.
  53. ^ “League of Nations”. National Library of Australia. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2011.
  54. ^ “Demise and Legacy”. Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Genève. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2011.
  55. ^ “Permanent Court of International Justice”. Đại học Indiana. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2011.
  56. ^ a b Northedge 1986, tr. 179–80.
  57. ^ Scott 1973, tr. 53.
  58. ^ Frowein & Rüdiger 2000, tr. 167.
  59. ^ a b “Origins and history”. International Labour Organization. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2008.
  60. ^ Northedge 1986, tr. 182.
  61. ^ Baumslag 2005, tr. 8.
  62. ^ Northedge 1986, tr. 186–187.
  63. ^ Northedge 1986, tr. 187–189.
  64. ^ McAllister 1999, tr. 76–77.
  65. ^ a b Northedge 1986, tr. 185–86.
  66. ^ Northedge 1986, tr. 166.
  67. ^ The Encyclopedia Americana, Volume 25. Americana Corporation. 1976. tr. 24.
  68. ^ “Nansen International Office for Refugees”. Nobel Media. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2011.
  69. ^ a b Northedge 1986, tr. 77.
  70. ^ Scott 1973, tr. 59.
  71. ^ Torpey 2000, tr. 129.
  72. ^ de Haan, Francisca (ngày 25 tháng 2 năm 2010). “A Brief Survey of Women's Rights”. UN Chronicle. United Nations. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2011.
  73. ^ “National Membership of the League of Nations”. University of Indiana. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2011.
  74. ^ a b Scott 1973, tr. 312, 398.
  75. ^ a b Magliveras 1999, tr. 31.
  76. ^ Tripp 2002, tr. 75.
  77. ^ Northedge 1986, tr. 192–193.
  78. ^ Myers, Denys P (tháng 7 năm 1921). “The Mandate System of the League of Nations”. Annals of the American Academy of Political and Social Science. 96: 74–77. doi:10.1177/000271622109600116.
  79. ^ Northedge 1986, tr. 193.
  80. ^ Northedge 1986, tr. 198.
  81. ^ Northedge 1986, tr. 195.
  82. ^ a b c League of Nations (1924). “The Covenant of the League of Nations:Article 22”. The Avalon Project at Yale Law School. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2009.
  83. ^ Northedge 1986, tr. 194–195.
  84. ^ Northedge 1986, tr. 216.
  85. ^ “The United Nations and Decolonization”. United Nations. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2011.
  86. ^ Northedge 1986, tr. 73&ndash75.
  87. ^ Northedge 1986, tr. 70–72.
  88. ^ Henig 1973, tr. 170..
  89. ^ a b Scott 1973, tr. 60.
  90. ^ Northedge 1986, tr. 77–78.
  91. ^ Scott 1973, tr. 82–83.
  92. ^ Osmanczyk & Mango 2002, tr. 2568.
  93. ^ a b Northedge 1986, tr. 88.
  94. ^ Scott 1973, tr. 83.
  95. ^ Northedge 1986, tr. 103–105.
  96. ^ Scott 1973, tr. 86.
  97. ^ Scott 1973, tr. 87.
  98. ^ Northedge 1986, tr. 110.
  99. ^ Northedge 1986, tr. 107.
  100. ^ Çaǧaptay, Soner (2006). Islam, secularism, and nationalism in modern Turkey. Taylor & Francis. tr. 117–121. ISBN 978-0-415-38458-2.
  101. ^ Scott 1973, tr. 133.
  102. ^ Northedge 1986, tr. 107–108.
  103. ^ Scott 1973, tr. 131–135.
  104. ^ a b c Northedge 1986, tr. 78.
  105. ^ Scott 1973, tr. 61.
  106. ^ Scott 1973, tr. 62.
  107. ^ Scott 1973, tr. 63.
  108. ^ Northedge 1986, tr. 78–79.
  109. ^ Bell 2007, tr. 29.
  110. ^ Crampton 1996, tr. 93.
  111. ^ Osmanczyk & Mango 2002, tr. 1314.
  112. ^ Scott 1973, tr. 249.
  113. ^ Bethell 1991, tr. 414–415.
  114. ^ Scott 1973, tr. 250.
  115. ^ Scott 1973, tr. 251.
  116. ^ Hudson, Manley biên tập (1934). The verdict of the League. World Peace Foundation. tr. 1–13.
  117. ^ Northedge 1986, tr. 72–73.
  118. ^ Churchill 1986, tr. 98.
  119. ^ “The United Nations in the Heart of Europe”. United Nations. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2011.
  120. ^ a b Northedge 1986, tr. 112.
  121. ^ Scott 1973, tr. 126–127.
  122. ^ Miers 2003, tr. 140–141.
  123. ^ a b Miers 2003, tr. 188.
  124. ^ Du Bois, W.E. Burghardt (tháng 7 năm 1933). “Liberia, the League and the United States”. Foreign Affairs. 11 (4): 682–95. doi:10.2307/20030546.
  125. ^ Northedge 1986, tr. 138.
  126. ^ a b Iriye 1987, tr. 8.
  127. ^ Scott 1973, tr. 208.
  128. ^ Nish 1977, tr. 176–178.
  129. ^ Northedge 1986, tr. 139.
  130. ^ Northedge 1986, tr. 152–153.
  131. ^ Northedge 1986, tr. 156–161.
  132. ^ Northedge 1986, tr. 161–164.
  133. ^ Garver, John W (1988). Chinese-Soviet relations, 1937–1945. Oxford University Press. tr. 229. ISBN 978-0-19-505432-3.
  134. ^ Scott 1973, tr. 242–243.
  135. ^ Levy 2001, tr. 21–22.
  136. ^ Bethell 1991, tr. 495.
  137. ^ Scott 1973, tr. 248.
  138. ^ Scheina 2003, tr. 103.
  139. ^ Northedge 1986, tr. 222–225.
  140. ^ Northedge 1986, tr. 221.
  141. ^ Baer 1976, tr. 245.
  142. ^ Baer 1976, tr. 298.
  143. ^ Baer 1976, tr. 121–155.
  144. ^ Haile Selassie I. “Appeal to The League of Nations:June 1936, Geneva, Switzerland”. Black King. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2008.
  145. ^ Baer 1976, tr. 303.
  146. ^ Baer 1976, tr. 77.
  147. ^ Lannon 2002, tr. 25–29.
  148. ^ Northedge 1986, tr. 264–265, 269–270.
  149. ^ Northedge 1986, tr. 270.
  150. ^ van Slyke, Lyman biên tập (1967). The China White Paper. Stanford University Press. tr. 10.
  151. ^ “Japanese Attack on China 1937”. Mount Holyoke University. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2011.
  152. ^ League of Nations (1924). “The Covenant of the League of Nations:Article 8”. The Avalon Project at Yale Law School. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2006.
  153. ^ a b Northedge 1986, tr. 113, 123.
  154. ^ a b Northedge 1986, tr. 114.
  155. ^ Henig 1973, tr. 173.
  156. ^ Goldblat 2002, tr. 24.
  157. ^ Harries, Meirion and Susie. Soldiers of the Sun: The Rise and Fall of the Imperial Japanese Army. tr. 163. ISBN 0-394-56935-0.
  158. ^ Northedge 1986, tr. 47, 133.
  159. ^ Northedge 1986, tr. 273.
  160. ^ Northedge 1986, tr. 276–278.
  161. ^ Gorodetsky 1994, tr. 26.
  162. ^ Raffo 1974, tr. 1.
  163. ^ Birn, Donald S (1981). The League of Nations Union. Clarendon Press. tr. 226–227. ISBN 0-19-822650-0.
  164. ^ Northedge 1986, tr. 279–282, 288–292.
  165. ^ Knock 1995, tr. 263.
  166. ^ a b Henig 1973, tr. 175.
  167. ^ Henig 1973, tr. 176.
  168. ^ McDonough 1997, tr. 62.
  169. ^ McDonough 1997, tr. 69.
  170. ^ a b Northedge 1986, tr. 253.
  171. ^ Northedge 1986, tr. 254.
  172. ^ Northedge 1986, tr. 253–254.
  173. ^ McDonough 1997, tr. 74.
  174. ^ McDonough 1997, tr. 54–5.
  175. ^ Northedge 1986, tr. 238–240.
  176. ^ Northedge 1986, tr. 134–135.
  177. ^ Scott 1973, tr. 399.
  178. ^ Northedge 1986, tr. 278–280.
  179. ^ a b Scott 1973, tr. 404.
  180. ^ a b "League of Nations Ends, Gives Way to New U.N.", Syracuse Herald-American, ngày 20 tháng 4 năm 1946, p. 12
  181. ^ “The end of the League of Nations”. The United Nations Office at Geneva. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2008.
  182. ^ Northedge 1986, tr. 278–281.

Tham khảo

sửa

Đọc thêm

sửa

Liên kết ngoài

sửa