Lê Hoàng (chính khách)
Lê Hoàng (1913–2003), tên thật Nguyễn Văn Dung, là một nhà hoạt động cách mạng và chính khách Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Thái.
Lê Hoàng | |
---|---|
Chức vụ | |
Nhiệm kỳ | Tháng 6, 1965 – Tháng 4, 1972 |
Phó Bí thư | Nguyễn Việt Vinh Doanh Hằng Nguyễn Thế Đạt |
Tiền nhiệm | Lê Đức Chỉnh |
Kế nhiệm | Hoàng Bắc Dũng |
Vị trí | Việt Nam |
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên | |
Nhiệm kỳ | Tháng 10, 1947 – Tháng 3, 1948 |
Phó Bí thư | Trần Quốc Trung |
Tiền nhiệm | Lê Trung Đình |
Kế nhiệm | Trần Quốc Trung |
Vị trí | Việt Nam |
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang | |
Nhiệm kỳ | Tháng 6, 1948 – Tháng 11, 1949 |
Thường vụ | Vũ Đại Lê Văn Lương |
Tiền nhiệm | Hoàng Quốc Thịnh |
Kế nhiệm | Bùi Việt Hồng |
Vị trí | Việt Nam |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | 1 tháng 8, 1913 Thượng Cát, Bắc Từ Liêm, Hà Nội |
Mất | 19 tháng 12, 2003 Hà Nội | (90 tuổi)
Dân tộc | Việt |
Đảng chính trị | Đảng Cộng sản Việt Nam |
Thân thế
sửaNguyễn Văn Dung sinh ngày 1 tháng 8 năm 1913 ở ngoại thành Hà Nội. Quê của ông xưa là xã Tương Đức, phủ Hoài Đức; về sau thuộc xã Tân Dân, huyện Đan Phượng.[1] Năm 1961, xã Tân Dân là một trong 5 xã của Đan Phượng được cắt về tỉnh Hà Đông[2], thành xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm; nay là phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm), thành phố Hà Nội.[3]
Hoạt động cách mạng
sửaNăm 1932, ông bắt đầu tham gia phong trào đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương, đến năm 1933 thì được chính thức kết nạp Đảng. Năm 1935, ông bị chính quyền thực dân bắt giữ và kết án 1 năm tù.[3] Năm 1938, ông làm liên lạc cho Xứ ủy Bắc Kỳ, hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh.[4]
Tháng 4 năm 1939, ông được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công phụ trách hoạt động ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.[3] Tổ chức Đảng ở Bắc Giang khi đó chỉ có một chi bộ ở Phủ Lạng Thương, cùng một Đảng viên (Trịnh Đình Lan) hoạt động độc lập ở Lục Nam. Ngày 16 tháng 2 năm 1940, với tư cách là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Lê Hoàng tổ chức thành lập chi bộ cộng sản ở tổng Hoàng Vân (Hiệp Hòa, Bắc Giang) do bản thân trực tiếp làm Bí thư, ba thành viên Ngô Văn Triệu, Nguyễn Văn Cường (Ấp), Ngô Văn Thạnh.[5] Chi bộ Hoàng Vân là nòng cốt, từ đó mở rộng ra toàn huyện Hiệp Hòa và một phần các huyện Phổ Yên, Phú Bình thuộc tỉnh Thái Nguyên.[6] Đây là cơ sở để Xứ ủy cử thêm cán bộ về để thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh, tiền thân của Tỉnh ủy Bắc Giang.[7]
Trong khoảng 1940-1942, thực dân Pháp liên tục mở các đợt vây bắt ở Bắc Giang, nhiều cán bộ chủ chốt trong tỉnh bị bắt, trong đó ông bị kết án 3 năm tù. Sau khi ra tù, tháng 2 năm 1944, ông tham gia bộ phận kinh tế của Trung ương Đảng.[3]
Công tác chính quyền
sửaTháng 8 năm 1945, ông tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở ngoại thành Hà Nội. Năm 1947, ông được bổ sung vào Khu ủy Liên khu I. Tháng 10, ông được Liên khu uy điều về Thái Nguyên đảm nhận công tác Bí thư Tỉnh ủy.[8][9] Tháng 3 năm 1948, Liên khu ủy I chỉ định Lê Thanh làm Bí thư Tỉnh ủy, ông chuyển sang phụ trách Đội công tác.[10]
Tháng 6 năm 1948, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất tổ chức tại Vân Cầu (Song Vân, Tân Yên), Lê Hoàng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.[11][12] Tháng 11 năm 1949, tại Đại hội lần thứ hai (tổ chức từ tháng 7 nhưng phải tạm dừng do quân Pháp tấn công), Bùi Việt Hồng được bầu làm Bí thư[13], ông rút về Liên khu I làm Trưởng phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Liên khu.[3]
Ngày 11 tháng 2 năm 1956, ông được bổ sung làm Ủy viên Ủy ban hành chính Liên khu III.[14] Ngày 30 tháng 8 năm 1957, Chủ tịch Nguyễn Văn Lộc nhận công tác khác, ông là Quyền Chủ tịch Ủy ban hành chính Liên khu III, tham gia Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc.[15] Ngày 4 tháng 6 năm 1959, ông là thành viên Ban chỉ huy công trường Khu gang thép Thái Nguyên với tư cách đại biểu khu tự trị Việt Bắc.[16]
Năm 1960, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lần lượt làm Tổng cục trưởng Tổng cục Vật tư, Thường vụ Khu ủy, Phó Bí thư Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc.[3] Ngày 6 tháng 6 năm 1965, tại Hội nghị sáp nhập Tỉnh ủy Thái Nguyên và Tỉnh ủy Bắc Kạn, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái.[17][18]
Tháng 4 năm 1972, ông được điều về trung ương làm Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước. Năm 1977, ông nghỉ hưu.[3] Ông qua đời ngày 19 tháng 12 năm 2003 tại Hà Nội.[1]
Tham khảo
sửa- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (2021). Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Tập 1 (1936-1965). Thái Nguyên: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên.
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (2021). Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Tập 2 (1965-2000). Thái Nguyên: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên.
- Đinh Xuân Lâm; Nguyễn Đình Bưu (2001). Địa chí Bắc Giang từ điển. Bắc Giang.
- Tỉnh ủy Bắc Giang (2003). Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, Tập 1 (1926-1975). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
- Tỉnh ủy; Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên (2009). Địa chí Thái Nguyên. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
Chú thích
sửa- ^ a b Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân & Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên 2009, tr. 1128
- ^ Hà Phương (30 tháng 3 năm 2018). “Huyện Đan Phượng”. Cổng thông tin điện tử Thành phố Hà Nội. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.
- ^ a b c d e f g Đinh Xuân Lâm & Nguyễn Đình Bưu 2001, tr. 383
- ^ Chu Quế Ngân (2 tháng 9 năm 2024). “Ông Ngô Đức Viên – Doanh nhân Xứ Lạng góp công vào Cách mạng Tháng Tám năm 1945”. Báo Lạng Sơn. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2024.
- ^ Phương Nhung; Vũ Chí Công (28 tháng 5 năm 2024). “Tự hào truyền thống quê hương, cách mạng, anh hùng, vững bước trên chặng đường mới”. Cổng Thông tin điện tử huyện Hiệp Hòa. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2024.
- ^ Tỉnh ủy Bắc Giang 2003, tr. 69
- ^ Tỉnh ủy Bắc Giang 2003, tr. 70
- ^ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên 2021, tr. 136
- ^ TNĐT (30 tháng 7 năm 2023). “Đấu tranh bảo vệ căn cứ địa trong Thu - Đông 1947”. Báo Thái Nguyên. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2024.
- ^ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên 2021, tr. 145
- ^ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên 2021, tr. 136
- ^ “Đảng bộ tỉnh Bắc Giang qua các kỳ Đại hội”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang. 29 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2024.
- ^ Tỉnh ủy Bắc Giang 2003, tr. 396
- ^ Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (11 tháng 2 năm 1956). “Sắc lệnh Chủ tịch phủ số 256/SL ngày 11 tháng 2 năm 1956”. Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2024.
- ^ Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (30 tháng 8 năm 1957). “Sắc lệnh số 040/SL ngày 30 tháng 8 năm 1957 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Cơ sở dữ liệu Văn bản pháp luật Trung ương. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2024.
- ^ Đỗ Nga (16 tháng 12 năm 2022). “Ngày này năm xưa ngày 16/12: Khánh thành phân xưởng tuyển quặng và Mỏ sắt Trại Cau, Thái Nguyên”. Báo Công Thương. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2024.
- ^ Trần Nhung; Hồng Tâm (23 tháng 11 năm 2021). “Thái Nguyên - Bắc Thái - Thái Nguyên: Dấu ấn qua những kỳ đại hội”. Cổng thông tin điện tử Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2024.
- ^ “Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 18): Dấu ấn qua những kỳ đại hội”. Báo Thái Nguyên. 25 tháng 10 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2024.