Tại Việt Nam, thuật ngữ Đạo Tin Lành (Protestantism) thường được chỉ về một nhánh tôn giáo thuộc Cơ Đốc giáo (Kitô giáo) thuộc phong trào Kháng Cách, để phân biệt với Giáo hội Công giáo. "Tin Lành" cũng có thể coi là một cách gọi khác của "Tin Mừng" hay "Phúc Âm".

Ngay từ cuối thế kỷ 19, một nhóm tín hữu Kháng Cách người châu Âu đã đến Việt Nam để thành lập một nhà thờ tại Hải Phòng vào năm 1884, rồi thêm những giáo đoàn khác được thành lập ở Hà NộiSài Gòn trong năm 1902,[1] nhưng năm 1911 được xem là thời điểm đánh dấu đức tin Kháng Cách truyền đến Việt Nam khi những nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp (C&MA) đặt chân đến Tourane (nay là Đà Nẵng) để thiết lập cơ sở truyền giáo tại đây.

Năm 1927, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (hỗ trợ bởi Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp) được chính thức thành lập. Chính vì đây là tổ chức thuộc Phong trào Kháng Cách được ra đời sớm nhất tại Việt Nam nên thuật ngữ "Đạo Tin Lành" cũng thường để chỉ chung về các nhóm, hệ phái Kháng Cách. Sau đó, các hệ phái Kháng Cách khác tiếp bước Hội thánh Tin Lành Việt Nam thành lập tổ chức của mình và nỗ lực rao giảng Phúc Âm, tham gia các hoạt động xã hội tại quốc gia này.[2]

Theo những ước tính khác nhau, có khoảng từ 1 triệu[3] đến hơn 1,4 triệu[4][5][6] tín hữu thuộc cộng đồng Kháng Cách tại Việt Nam. Tin Lành được xem là một trong những tôn giáo phát triển nhanh và ổn định nhất tại Việt Nam, và số lượng tín hữu Tin Lành tại miền Bắc cũng đang gia tăng nhanh chóng.[3][7]

Trước năm 1911

sửa

Từ cuối thế kỷ thứ 10, "tu sĩ Nedjran" thuộc Cảnh giáo đã đến Việt Nam trong cuộc hành trình truyền giáo sang Trung Hoa trong năm 980. Theo Geography of Earisi, ông đã đến Loukin (kinh thành Lou, có lẽ là Hoa Lư).[8][9] Tuy nhiên, không có chứng cứ cho thấy nhà truyền giáo này đã đạt được thành quả nào tại Việt Nam.[10] Đến đời Lê Anh Tông (1557-1573) khi tái thiết một ngôi đền cũ, người ta tìm thấy một "thập tự giá rất cổ" trên một bức tường của ngôi đền.[9] Những nhà truyền giáo Công giáo Rô-ma đặt chân đến Việt Nam từ thế kỷ 16, đến thế kỷ 18 Giáo hội Công giáo đã phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa được cộng đồng Kháng Cách trên thế giới quan tâm đến.[11]

Từ thế kỷ 17, Charles Hartsingh, ở trong số những người Pháp Kháng Cách vùng Normandie làm việc cho công ty Hà Lan và Đông Ấn, thiết lập sự định cư đầu tiên của công ty trong vùng đồng bằng sông Hồng.[11] Một tín hữu Kháng Cách khác, Jean-Baptiste Chaigneau, là sĩ quan hải quân Pháp, gia nhập lực lượng của Gia Long trong nỗ lực tái thống nhất đất nước và thiết lập triều đại nhà Nguyễn.[12] Ngày 15 tháng 10 năm 1890, Alexandre Yersin, nhà khoa học và nhà thám hiểm, một tín hữu Tin Lành và là hậu duệ những người Huguenot lánh nạn sang Thụy Sĩ vì bị bách hại tôn giáo dưới triều Louis XIV, đặt chân đến Sài Gòn để làm việc trên tàu Volga theo tuyến hải hành Sài Gòn - Manila với chức trách của một bác sĩ. Năm 1891, Yersin quyết định ở lại Việt Nam. Sau nửa thế kỷ tận tụy cống hiến, ông từ trần tại Nha Trang và được an táng tại Suối Dầu vào tháng 3 năm 1943.[13]

Sau khi người Pháp chiếm đóng Việt Nam, một nhà thờ thành lập năm 1884 tại Hải Phòng dành cho "các tín hữu Kháng Cách châu Âu"; sau đó có hai nhà thờ được thành lập tại Hà Nội và Sài Gòn (1902), những giáo đoàn này đều phát triển tốt cho đến tháng 3 năm 1945 khi quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương và bắt giữ các công dân Pháp.[1]

Năm 1921, Mục sư P. Monet lãnh đạo một nhóm truyền giáo, với hai người Việt là Vũ Tam Thất và Đội Dương, rời Paris đến Hà Nội. Năm sau, họ thành lập Hội Sinh viên An Nam, một trung tâm sinh hoạt của sinh viên do /Tin Lành bảo trợ, hội cũng xuất bản một tạp chí song ngữ Pháp –Việt nhắm vào giới trí thức trẻ ở Hà Nội.[14] Thay vì trực tiếp truyền bá Phúc âm, nhóm truyền giáo này tập trung vào các hoạt động văn hóa như xiển dương chữ Quốc ngữ, các loại hình báo chí, và văn minh phương Tây. Mặt khác, do thiếu tài trợ tài chính cùng những hạn chế về chính trị và pháp lý (mãi cho đến năm 1937, chính quyền Pháp ở Đông Dương mới công nhận giáo hội Tin Lành), họ ngưng hoạt động. Từ đó, hoạt động của Tin Lành Pháp tại Việt Nam chỉ hạn chế trong sinh hoạt mục vụ ở Hà Nội, Hải Phòng (trước tháng 7 năm 1954) và Sài Gòn, Đà Lạt (trước tháng 4 năm 1975).[14]

Năm 1902, Thánh thơ Công hội cử Bonnet đến Tourane (nay là Đà Nẵng) để thành lập cơ sở và tuyển dụng ba nhân viên phân phối Tân Ước và các sách Phúc âm chữ Hán trong tỉnh Quảng Nam. Cho đến năm 1920, Thánh thơ Công hội được xem là tổ chức truyền bá thông điệp Cơ Đốc bằng sách in lớn nhất tại Việt Nam.[15]

Từ 1911 đến 1927

sửa

Ngay trong năm đầu tiên thành lập Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp, nhà lãnh đạo sáng lập tổ chức này, Albert Benjamin Simpson, trong tạp chí Word, Work, and World (tháng 2 năm 1887) đã đề cập đến tình trạng "bán đảo Đông Nam Á đã bị lãng quên nhiều," và "vương quốc An Nam rộng lớn" cùng với Tây Tạng phải được xem là công trường truyền giáo tương lai.[16]

Mở đường

sửa
 
Mục sư Hosler cử hành lễ Báp têm cho ông Nguyễn Văn Phúc, tín hữu người Việt đầu tiên, tại Đà Nẵng năm 1912

Được cho là theo yêu cầu của Simpson, trong năm 1893 David Lelacheur đã đến Sài Gòn để thực hiện một cuộc khảo sát,[17] và tường trình "cửa đã mở tại An Nam".[17] Tuy nhiên, chính quyền Pháp tại Việt Nam vẫn chủ trương thực thi Hòa ước Giáp Tuất (1874)Hòa ước Giáp Thân (1884) chỉ cho phép những nhà truyền giáo người Pháp và người Tây Ban Nha thuộc Giáo hội Công giáo Rô-ma hoạt động tôn giáo trong xứ.[18] Simpson quyết định thành lập ngay một cơ sở truyền giáo tại Quảng Tây, Hoa Nam, vì ông tin rằng từ đó những nhà truyền giáo có thể tiến vào Việt Nam. Năm 1897, Mục sư C. H. Reeves từ Quảng Tây thực hiện một chuyến viếng thăm ngắn ngày đến Lạng Sơn.[19] Năm 1899, nhà truyền giáo R. A. Jaffray đến Hà Nội bằng cách đi dọc theo sông Hồng, nhưng không làm được gì. Vì tin rằng một người Canada nói tiếng Pháp sẽ dễ dàng hơn khi tiếp xúc với nhà cầm quyền Pháp, ông thuyết phục Sylvian Dayan và vợ đến Việt Nam năm 1902, họ được phép lưu lại Hải Phòng, nhưng một năm sau phải rời khỏi Việt Nam vì gặp phải sự chống đối quyết liệt.[20]

Thành lập cơ sở truyền giáo

sửa

Sau chín năm chờ đợi và kiên trì tìm kiếm cơ hội tiến vào Việt Nam, mùa xuân năm 1911, Jaffray cùng Paul M. Hosler và G. Loyde Hughes đặt chân đến Tourane, họ nhận được sự hỗ trợ từ Bonnet, đại diện Thánh thơ Công hội tại Trung kỳ.[21] Do Hughes qua đời, chỉ còn Hosler phụ trách cơ sở truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam. Trong ba năm kế tiếp, cơ sở này được bổ sung thêm chín nhà truyền giáo, và một cơ sở mới được thành lập ở Hội An.[22] Đến đầu năm 1915, có thêm hai cơ sở tại Hải Phòng và Hà Nội.

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, tháng 12 năm 1915, người Pháp ra lệnh "cấm mở thêm công cuộc truyền giáo giữa vòng người bản xứ", đóng cửa tất cả các nhà nguyện và những cơ sở truyền giáo ngoại trừ cơ sở ở Tourane, và buộc những nhà truyền giáo có tên gốc Đức phải rời khỏi nước.[23] Sau cuộc hội kiến giữa R. A. Jaffray với Toàn quyền Pháp tại Hà Nội năm 1916, thái độ nghi kỵ từ phía người Pháp được giải tỏa, những nhà truyền giáo được phép mở rộng công cuộc truyền bá phúc âm đến Nam kỳ.[24] Đến năm 1927, số nhà truyền giáo tăng gấp ba, trong đó có những người đã đóng góp đáng kể cho nỗ lực xây dựng và phát triển cộng đồng Tin Lành còn non trẻ tại Việt Nam như D. L. Jeffrey và E. F. Irwin, cả hai là người Canada, J. D. Olsen, người Na Uy, cùng William (người Anh) và Grace Cadman (người Mỹ), hai nhân tố chính trong việc hình thành bản Kinh Thánh tiếng Việt năm 1926.[25] Các cơ sở truyền giáo đã được thành lập tại Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Biên Hòa, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Rạch Giá, cũng như ở Phnôm PênhBattambang.[26]

Từ 1927 đến 1941

sửa

Thành lập giáo hội

sửa

Sau 16 năm khai khẩn và gieo giống, tháng 3 năm 1927, các giáo đoàn Tin Lành rải rác ở Bắc kỳ, Trung kỳ, và Nam kỳ tập hợp thành một đoàn thể quốc gia với tên chính thức là Hội Tin Lành Đông Pháp.[27] Khi bản Điều lệ của Hội thánh được tu chính lần thứ nhất năm 1936, từ "Việt Nam" được thêm vào trước "Đông Pháp".[28] Đến cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, từ "Đông Pháp" bị loại bỏ. Năm 1950, Hội đồng Tổng Liên hội biểu quyết chọn danh hiệu chính thức của giáo hội là Hội thánh Tin Lành Việt Nam.[29]

 
Biểu tượng của Hội thánh Tin Lành Việt Nam

Bản Điều lệ được thông qua năm 1928 quy định cơ cấu tổ chức, chính sách, thể thức cho giáo hội, nhấn mạnh đến các lẽ đạo tái sinh, thánh hóa, chữa bệnh, và sự tái lâm của Chúa Giê-xu. Bốn lẽ đạo này được thể hiện trên biểu tượng của Hội thánh Tin Lành Việt Nam qua hình ảnh của thập tự giá, chim bồ câu, chiếc bình, mão miện, được khắc trong con dấu chính thức của Hội thánh Tin Lành Việt Nam trong mọi cấp và mọi ngành cho đến ngày nay.[30] Điều lệ cũng quy định hệ thống tổ chức của Hội thánh có ba cấp: Hội thánh địa phương, Địa hạt Liên hội, và Tổng Liên hội.[31] Mỗi hội thánh địa phương có quyền đầy đủ để tự điều hành như mời quản nhiệm, bầu cử ban chấp sự, xử lý các thuộc viên, tạo lập và sử dụng ngân quỹ để cấp dưỡng cho quản nhiệm, chi tiêu cho các dự án địa phương cũng như đóng góp cho địa hạt và tổng liên hội.[32] Địa hạt liên hội tập hợp các hội thánh địa phương trong một khu vực, mỗi năm tổ chức một kỳ hội đồng quy tụ những đại biểu được các hội thánh địa phương bầu chọn để "cai trị và dự phần công việc của Hội thánh trong địa hạt riêng mình, quyết định những vấn đề liên quan tới lợi ích chung của cả hạt." Hội đồng cũng bầu cử chức vụ Chủ nhiệm và Ban Trị sự Địa hạt.[33] Quyền tối hậu của Hội thánh Tin Lành thuộc về toàn thể tín hữu, được ủy thác cho các đại biểu mà họ lựa chọn giữa vòng các thuộc viên hội thánh địa phương để tham dự hội đồng chung (thường được gọi là Hội đồng Tổng Liên hội).[34] Hội đồng Tổng Liên hội được xem là nhánh lập pháp của giáo hội, trong khi quyền hành pháp được trao cho Ban Trị sự Tổng Liên hội, đứng đầu là Hội trưởng.[35] Hội đồng bầu Mục sư Hoàng Trọng Thừa vào chức vụ Hội trưởng.[36]

Trong thập niên 1920, các hoạt động truyền bá Tin Lành bị hạn chế và cấm đoán. Theo thông tri ngày 26 tháng 1 năm 1925 của Hội đồng Cơ mật, "Theo điều khoản thứ 13 của Hòa ước năm 1884, chỉ Giáo hội Công giáo La Mã có quyền truyền giảng trong xứ chúng ta. Các Giám mục, Linh mục, và giáo sư thuộc giáo hội Công giáo La Mã là những người duy nhất có phép giảng đạo của họ…Rõ ràng từ nay trở đi, tôn giáo mới (Tin Lành) và "Cao Đài" phải bị cấm tỏ tường không được truyền giảng hoặc lưu hành tại Trung kỳ. Nếu người nào bất tuân bản chỉ dụ này, hãy hình phạt hắn theo pháp luật."[37] Thông tri này cùng các biện pháp cấm đạo như bắt giữ một số mục sư, truyền đạo, đe dọa các tín hữu và buộc họ đốt bỏ Kinh Thánh xảy ra tại một số địa phương đã làm dấy lên phản ứng của cộng đồng Kháng Cách Pháp tại nước Pháp và Đông Dương. Tháng 1, 1929, những nhà lãnh đạo Tin Lành Pháp gởi kháng thư cho Toàn quyền Pierre Pasquier khi ông mới nhậm chức, đồng thời Liên minh Tin Lành Pháp đưa vấn đề này ra trước Hạ viện.[38] Từ thập niên 1930 trở đi, các biện pháp hạn chế và cấm đoán dần dần được gỡ bỏ, mặc dù dưới sự cai trị của Pháp và triều đình Huế, Hội thánh Tin Lành Việt Nam chưa bao giờ được dành những quyền của một đoàn thể tôn giáo quốc gia như Công giáo Rô-ma được hưởng từ năm 1884.[39]

Tự trị, Tự lập, Tự truyền bá

sửa
 
Tín hữu Tin Lành ở Hà Nội năm 1930. Dòng chữ Nho phía trên ghi "An Nam Hà Nội Phúc âm Hội"

Từ năm 1928 đã đạt được một sự đồng thuận giữa Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp và Hội thánh Tin Lành Việt Nam về định hướng phát triển giáo hội trên nguyên tắc: tự lập, tự trị, và tự truyền bá, tập chú vào nỗ lực chung giúp hội thánh bản địa trở nên một giáo hội độc lập trong thời gian sớm nhất.[40] Sự xác tín của những nhà lãnh đạo hội thánh bản địa rằng "tự lập là con đường độc nhất dẫn đến sự độc lập và tự trị hoàn toàn, là nền tảng lành mạnh nhất cho Hội thánh tăng trưởng và truyền giảng trong một xứ sở mà cảm xúc bài ngoại thật mạnh sau sự chinh phục của người Pháp… sự xác tín này được lập nền trên giáo huấn của Kinh Thánh,"[41] đã nhận được sự đáp ứng thuận lợi từ các tín hữu.

Phù hợp với truyền thống Kháng Cách – dành một vị trí quan trọng và tích cực cho tín hữu trong mọi lãnh vực hoạt động của giáo hội – tín hữu Tin Lành thường chủ động trong nỗ lực thành lập và phát triển giáo đoàn, đóng góp tiền bạc và nhân lực để xây dựng lễ đường và các cơ sở vật chất cho hội thánh địa phương. Năm 1926, tại Mỹ Tho, một nhà thờ đã được xây dựng hoàn toàn bởi sáng kiến và sự đóng góp tài lực và nhân lực của tín hữu,[42] từ đó khởi phát một khuynh hướng lành mạnh trong các giáo đoàn trên khắp đất nước. Thể chế dân chủ cũng được ấn định trong bản Điều lệ năm 1928 thể hiện nguyên tắc tự trị, theo đó quyền tự trị được chia sẻ bởi tất cả thuộc viên hội thánh địa phương đã chịu lễ báp têm, cũng như các đại biểu của họ khi tham dự những hội đồng cấp địa hạt và cấp tổng liên hội.[43]

Từ 1942 đến 1954

sửa

Mặc dù không xảy ra chiến tranh trên bộ tại Việt Nam trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế của đất nước bị thiệt hại nặng nề, rồi nạn đói năm Ất Dậu, 1944-1945 làm cho tình hình càng tồi tệ hơn. Cộng đồng Tin Lành còn non trẻ đang trên đường xây dựng một giáo hội tự lập, tự trị cũng bị tác động mạnh. Vì khó khăn kinh tế, nhiều giáo đoàn không thể cấp dưỡng đầy đủ cho các quản nhiệm, và một số nhà thờ bị buộc phải đóng cửa. Trường Kinh Thánh Đà Nẵng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.[44] Tuy nhiên, trong vòng hội thánh dấy lên tinh thần tương thân tương trợ, đặc biệt là khi quyên góp trợ giúp tín hữu miền Bắc đang gánh chịu nạn đói.[45]

Tháng 8, 1942, Hội đồng Tổng Liên hội tổ chức tại Đà Nẵng bổ nhiệm ban quản trị tài sản giáo hội, và bầu Mục sư Lê Văn Thái làm Hội trưởng thay thế Mục sư Lê Đình Tươi đang đau nặng.[46]

Sau khi người Nhật chiếm đóng Việt Nam, dù bị hạn chế trong đi lại, những nhà truyền giáo vẫn được hưởng sự tự do tương đối, Trường Kinh Thánh và Nhà in Tin Lành vẫn tiếp tục hoạt động. Tháng 4, 1943, người Nhật ra lệnh cho chính phủ Pháp tập trung tất cả nhà truyền giáo để quản thúc trong một trại binh ở Mỹ Tho.[47] Đến tháng 9, sau khi một số nhà truyền giáo và trẻ em được hồi hương theo một thỏa thuận giữa hai chính phủ Mỹ-Nhật, chỉ còn 17 người bị quản thúc cho đến khi chiến tranh kết thúc, trong số đó có một người qua đời trong trại trập trung vì bị mắc bệnh mà không được chữa trị.[48] Trong thời gian bị cầm giữ, Mục sư William C. Cadman tiếp tục biên soạn cuốn Thánh Kinh Từ điển, trong khi Mục sư J. D. Olsen hiệu đính quyển Thần đạo học, và một số sách khác của ông.[49]

Sau khi Nhật đầu hàng, các nhà truyền giáo được trả tự do, về Sài Gòn và hồi hương, ngoại trừ các ông bà E. F. Irwin, D. I. Jeffrey, và Cadman, những người này quyết định ở lại để giúp đỡ tín hữu Việt Nam. Cuối tháng 11 năm 1945 chỉ còn ông bà Cadman ở lại, nhưng sau khi bà Cadman từ trần trong tháng 4 năm 1945, William Cadman là "nhà truyền giáo duy nhất ở trong xứ và là người điều hành duy nhất của Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp tại Đông Dương".[50]

Sự luận giải Kinh Thánh cách sai lệch của quản nhiệm Nhà thờ Vinh, Trần Như Tuân, một mục sư học thức và có sức thu hút, đã gây chia rẽ trong hội thánh trong một thời gian. Nhằm ấn định ngày Chúa Giê-xu tái lâm, ông Tuân thực hiện những phép tính rắc rối cũng như tham khảo nhiều nguồn tài liệu và Kinh Thánh để tuyên bố rằng ngày Chúa tái lâm sẽ là 30 tháng 9 năm 1944. Ngày này qua đi mà không xảy ra biến cố nào, ông lại khẳng định Chúa sẽ trở lại ngày 1 tháng 10 năm 1945. Ông đến nhiều nơi để thuyết giảng, tranh luận, và thuyết phục được nhiều người, mặc dù những nhà lãnh đạo giáo hội đã bác bỏ[51] và cấm truyền bá giáo lý ấy.[52]

Từ năm 1948 đến 1950 được xem là giai đoạn củng cố và phục hồi của giáo hội sau khi gánh chịu nhiều mất mát do chiến tranh và những biến động xã hội, thì trong thời kỳ 1951 -1954 cộng đồng Tin Lành phát triển và mở rộng công cuộc truyền bá phúc âm. Nhiều giáo đoàn mới được thành lập trên khắp xứ sở. Trường Kinh Thánh Đà Nẵng tập trung đào tạo nhân sự cho giáo hội. Chương trình phát thanh Tin Lành do Mục sư C. E. Travis khởi xướng năm 1951, được điều hành bởi một ủy ban của Tổng Liên hội, ghi âm chương trình phát thanh để được phát sóng từ một đài phát thanh Tin Lành tại Manila, Philippines.[53] Cô nhi viện Tin Lành với một trường tiểu học và các lớp huấn nghiệp khánh thành ngày 4 tháng 9 năm 1953 tại Hòn Chồng, Nha Trang, được xây dựng trên khu đất rộng 18 mẫu Anh để lại cho giáo hội theo di chúc của William C. Cadman.[54] Giáo hội cũng đẩy mạnh công cuộc truyền giáo cho các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên.[55]

Từ 1954 đến 1975

sửa

Từ năm 1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt, Hội thánh Tin Lành Việt Nam cũng bị phân chia thành 2 tổ chức, ở miền Bắc và ở miền Nam. Tại miền Bắc, do phần lớn tín đồ và chức sắc di cư vào miền Nam nên các hoạt động có phần chững lại.[56] Vào thời điểm 1975, chỉ có khoảng hơn 1 500 tín hữu với 14 chi hội tại 9 tỉnh, thành ở miền Bắc.[7]

 
Thánh Kinh Thần học viện Nha Trang, năm 1961.

Ngay khi hòa bình vừa tái lập, tại miền Nam, giáo hội đẩy mạnh công cuộc truyền bá phúc âm với sự hợp tác tích cực từ hầu hết các giáo đoàn trên cả nước. Một hình ảnh thường thấy vào thời ấy là một truyền đạo, được trang bị Kinh Thánh và Tân Ước, vài trăm truyền đạo đơn cùng chiếc xe đạp, đèn dầu, đôi khi có máy phóng thanh chạy bằng pin, với sự hỗ trợ của 4 hoặc 5 thanh niên, có thể thu hút những đám đông đến lắng nghe thông điệp Cơ Đốc từ đêm này qua đêm khác tại những địa điểm công cộng như chợ hoặc các hội trường tại các làng, xã lớn.[57]

Cá nhân chứng đạo – mỗi tín hữu chủ động chia sẻ niềm tin và trải nghiệm của mình cho họ hàng, thân hữu, đồng nghiệp khi có cơ hội – là một trong những phương pháp truyền bá phúc âm hiệu quả và ít tốn kém đã được nhiều tín hữu ứng dụng triệt để trong đời sống thường nhật.[58] Ngoài ra, còn có các chương trình truyền bá phúc âm cho giới trẻ, nhất là sinh viên học sinh, cho quân nhân, cho tù nhân tại các khám đường, và cho người bệnh cùng thân nhân của họ tại các bệnh viện.

Báo chí được sử dụng cho mục tiêu bồi linh và phổ truyền đức tin cũng được giáo hội quan tâm: Thánh Kinh báo (về sau đổi tên thành Thánh Kinh Nguyệt san) là tờ báo đầu tiên của Tin Lành Việt Nam, phát hành từ tháng 1 năm 1931. Ngoại trừ một thời gian bị đình bản do chiến tranh (1945 -1950), tờ báo phát hành hàng tháng cho đến tháng 4 năm 1975.[59] Còn có hai tờ báo khác nhắm vào các đối tượng độc giả khác nhau là tờ Đuốc Thiêng và tờ Hừng Đông (sau đổi thành Rạng Đông).[57] Nhà in Tin Lành di chuyển về Sài Gòn năm 1970, nhiều thể loại văn phẩm Cơ Đốc được phát hành thông qua Cơ quan Xuất bản Tin Lành. Có thể nói những năm 1954-1965 là thập niên truyền giảng lớn nhất trong lịch sử giáo hội. Tâm điểm không còn là xây dựng một giáo hội tự lập và tự trị, mà là phát triển hội thánh.[57]

Tháng 9, 1921, Trường Kinh Thánh Đà Nẵng được thành lập theo mô hình của Trường Huấn luyện Truyền giáo Nyack của Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp,[60] với mục tiêu đào tạo mục sư cho giáo hội và nhân sự cho các hội thánh địa phương. Chương trình đào tạo nhắm đến mục tiêu thiết lập một giáo hội tự trị và tự phát triển tại Việt Nam.[61] Đến năm 1960, trường dời vào Nha Trang với tên mới là Thánh Kinh Thần học viện. Mục sư Ông Văn Huyên được bổ nhiệm vào chức vụ Viện trưởng.[57] Ngoài ra, còn có hai trường Kinh Thánh ở Đà Lạt và Ban Mê Thuột chuyên đào tạo nhân sự cho hội thánh sắc tộc, và thêm một trường Kinh Thánh cho người Jarai được thành lập tại Pleiku vào giữa thập niên 1950.[62]

Năm 1960, Chẩn Y Viện Tin Lành được thành lập tại Nha Trang, trước đó 9 năm đã có một bệnh viện phung ở Eanna, Ban Mê Thuột, và Chẩn Y Viện Đà Lạt mở rộng hoạt động sau khi hòa bình trở lại năm 1954.[63] Ngoài trường tiểu học Bết-lê-hem thuộc Cô nhi viện Tin Lành Nha Trang, còn có hai trường tiểu học dành cho con em người dân tộc thiểu số ở Đà Nẵng và Đà Lạt. Với sự hỗ trợ của Hội Hoàn cầu Khải tượng, một mạng lưới trường học Tin Lành (phần lớn là trường tiểu học) được thành lập và phát triển tại nhiều địa phương, đến năm 1970 đã có 77 trường.[64] Trường trung tiểu học Ánh Sáng và trường huấn nghiệp Hòa Khánh tại Đà Nẵng, cùng trường huấn nghiệp dành cho người dân tộc thiểu số ở Đà Lạt là thành quả của Đoàn Thanh niên Cơ Đốc Xã hội.[65]

Từ 1975

sửa
 
Nhà thờ Tin Lành ở Tiền Giang
 
Hội Thánh Tin Lành Báp Tít tại Houston, Texas

Từ sau năm 1975, Hội thánh Tin Lành ở miền Bắc chỉ hoạt động cầm chừng, lại bị lâm vào khủng hoảng vì thiếu nhân sự kế thừa. Đến năm 2004, sau 20 năm không tổ chức đại hội, Đại hội đồng lần thứ 32 được triệu tập mở ra một giai đoạn mới cho Giáo hội với sự phát triển nhiều giáo đoàn trong vòng người dân tộc ở miền núi phía Bắc. Tầm hoạt động của Giáo hội cũng mở rộng ở hơn 20 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình trở ra.[56] Vùng Tây Bắc có khoảng 135.000 người Mông, và khoảng 2.500 người Dao trở thành tín hữu Kháng Cách.[66]

Tại miền Nam, Hội thánh Tin Lành chưa được nhà nước Việt Nam công nhận.[56] Hội đồng Tổng Liên hội lần thứ 42 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6 năm 1976[67] bầu Mục sư Ông Văn Huyên vào chức vụ Hội trưởng,[67] ông tiếp tục lãnh đạo giáo hội cho đến khi từ trần trong tháng 7 năm 1999.

Năm 1992-94, chính phủ Việt Nam cho phép nhập 33 000 Kinh Thánh và 20 000 Thánh ca, rồi cấp phép ấn hành 85 000 quyển Kinh Thánh toàn bộ (Cựu Ước và Tân Ước), 65 000 Kinh Thánh Tân Ước, 25 000 Thánh ca, và 120 000 quyển Truyện tích Kinh Thánh.[67]

Tháng 2, 2001, Đại hội đồng lần thứ 43 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh[68] thông qua bản Hiến chương mới, và bầu Mục sư Phạm Xuân Thiều làm Hội trưởng. Các hoạt động của giáo hội dần được phục hồi và phát triển với khoảng 600 000 tín hữu (năm 2009) ở 34 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở vào.[56][69] Về đào tạo, Viện Thánh Kinh Thần học được mở lại từ năm 2003[70] với cơ sở mới đang được hoàn thành tại Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.[71]

Trong tháng 6 năm 2011, Lễ Kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam lần lượt được tổ chức tại Đà Nẵng, Hà Nội, và Thành phố Hồ Chí Minh.[56][72]

Ngoài ra, có khoảng gần 5 000 người nước ngoài sinh sống ở Hà NộiThành phố Hồ Chí Minh đang sinh hoạt tại các nhà thờ Kháng Cách trong khu vực, đông nhất là người Hàn Quốc với 1 giáo đoàn ở Hà Nội, 2 giáo đoàn Báp-tít và 2 giáo đoàn Trưởng Lão ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tại thành phố này còn có Hội thánh New Life Fellowship dành cho người Mỹ, và một số nhóm của người Úc, và người Đức.[7]

Các dân tộc thiểu số

sửa

Mặc dù công cuộc truyền bá Phúc Âm cho các dân tộc thiểu số đã khởi sự từ năm 1924 giữa vòng người KhmerChâu Đốc, và cuối thập niên 1920 đã có một nhà thờ người sắc tộc được thành lập ở Khe So gần Đà Nẵng, đến năm 1929, mục tiêu truyền giáo cho người sắc tộc mới trở thành mối quan tâm của Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp. Hội thánh Tin Lành và Hội Truyền giáo phối hợp cử những nhà truyền giáo tìm đến các dân tộc thiểu số để truyền giảng và thành lập các giáo đoàn. Bên cạnh đó còn có nỗ lực truyền giáo của Cơ Đốc Truyền giáo hội. Sự đáp ứng đối với thông điệp phúc âm là tích cực. Cho đến năm 1975, mục sư và tín hữu người sắc tộc điều hành hội thánh của họ với sự cố vấn và hỗ trợ của những nhà truyền giáo từ Hội Truyền giáo và Hội thánh Tin Lành Việt Nam.[73] Đến cuối thế kỷ 20, thêm một đợt bùng nổ số lượng người tiếp nhận đức tin Cơ Đốc, nâng số tín hữu trong các dân tộc thiểu số lên gấp 7 lần so với con số thống kê tính đến thời điểm 1975.[74]

Theo ước tính của một cuộc khảo sát thực hiện năm 2009, tỉ lệ tín hữu Cơ Đốc trong một số sắc dân là khá cao như M’Nông (44%), Mạ (45%), Xtiêng (52%), Ê Đê (93%); số tín hữu người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 62% trong tổng số hơn 1,2 triệu tín hữu thuộc cộng đồng Kháng Cách tại Việt Nam.[5][6] Tuy nhiên, tỷ lệ này đang sút giảm bởi vì ngày càng có nhiều người Kinh tiếp nhận đức tin Cơ Đốc.[75]

Các hệ phái

sửa

Đa nguyên và dân chủ là hai nguyên lý căn bản trong việc hình thành và liên kết các giáo hội có tổ chức trong cộng đồng Kháng Cách trên thế giới.[76] Đồng thuận với nhau về những nguyên lý thần học căn bản thể hiện trong Năm Tín lý Duy nhất, tinh thần hiệp nhất giữa các hệ phái lập nền trên giáo thuyết Hội thánh vô hình[77] - phân biệt với "hội thánh hữu hình" trên đất - bao gồm con dân thật của Chúa, và chỉ có Chúa biết họ.[78] Như vậy, các hệ phái được thành lập để đáp ứng những nhu cầu đa dạng mà mỗi hội đoàn đều gặp phải như sự khác biệt về địa lý, phong tục tập quán, cơ cấu tổ chức, hoặc mục tiêu hoạt động mà vẫn duy trì sự hiệp nhất thuộc linh và sự hợp tác trong nỗ lực truyền bá phúc âm và các hoạt động xã hội.

Bên cạnh Hội thánh Tin Lành Việt Nam – cho đến nay vẫn là Giáo hội lớn nhất và nhiều ảnh hưởng nhất trong cộng đồng Kháng Cách– còn có những hệ phái sớm có mặt tại Việt Nam như Hội Truyền giáo Cơ Đốc (1957), Báp-tít (1959), Hội thánh Đấng Christ (1959).[2] Ngoài ra còn có các hệ phái khác như Trưởng Lão, Ngũ Tuần, Giám Lý, Mennonite, Môn đệ Đấng Christ… với những nhóm độc lập bên trong mỗi hệ phái.[7]

Các hệ phái như Cơ Đốc Phục lâm, Chứng nhân Giê-hô-va, Mormon... cũng được chính phủ Việt Nam xếp vào nhóm Tin Lành.[79]

Kết luận

sửa

Dù có mặt ở Việt Nam khá muộn màng, sau hơn 100 năm tồn tại Tin Lành được xem là tôn giáo phát triển nhanh nhất Việt Nam, đặc biệt là từ những thập niên cuối thế kỷ 20.[80] Sự hình thành và phát triển của cộng đồng Kháng Cách tại Việt Nam là một thành quả đáng kể nếu so sánh với những xứ sở lân cận. Sau 100 năm hoạt động truyền giáo ở Thái Lan, chỉ có 9 000 người qui đạo. Cộng đồng Kháng Cách ở CampuchiaLào có quy mô nhỏ hơn nhiều. Số tín hữu ở Trung Quốc đông đảo hơn nhưng họ có đến hơn 200 năm truyền giáo[81] với sự tập trung rất lớn của các hội truyền giáo từ châu ÂuBắc Mỹ. Kể từ cuộc chiến giành độc lập, Tin Lành được công nhận là một trong những tôn giáo chính của đất nước.[82]

 
Bên trong Nhà thờ Tin Lành Đà Lạt

Mặt khác, đức tin Kháng Cách đòi hỏi người tín hữu phải có mối tương giao trực tiếp với Chúa Giê-xu, và những trải nghiệm tâm linh trong cuộc sống thường nhật là không thể thiếu: họ trò chuyện, giãi bày, tâm sự, khẩn nài với Chúa, và khi phạm tội xin Chúa tha thứ tội lỗi mà không cần thông qua một thực thể trung gian nào; đồng thời họ có thể tìm kiếm sự dạy dỗ, soi dẫn cũng như sự khích lệ, an ủi và sức mạnh tâm linh từ Chúa qua sự suy ngẫm Kinh Thánh bởi sự vận hành của Chúa Thánh Linh. Nền thần học này đã giúp giải phóng người tín hữu khỏi sự lệ thuộc vào các giáo hội có tổ chức. Trong thực tế, không ít người tiếp nhận và thực hành đức tin Cơ Đốc mà không có mối quan hệ nào, hoặc nếu có thì rất lỏng lẻo, với các giáo hội, nên con số thực có thể lớn hơn những gì được tìm thấy trên các bảng thống kê.[83][84]

Có một số nhân tố đóng góp cho thành tựu này: Chữ Quốc ngữ giúp phổ biến rộng rãi các loại ấn phẩm tôn giáo, nhất là bản Kinh Thánh tiếng Việt. Sự tận tụy và hi sinh của những nhà truyền giáo thời kỳ tiên khởi, nhiều người dành gần trọn đời mình (có những người gởi lại thân xác ở đây) chịu đựng bệnh tật và trải qua nhiều gian khổ. Cũng phải kể đến nhiệt huyết, khả năng, và bản lĩnh của các mục sư Việt Nam thuộc thế hệ đầu tiên.[85] Tín hữu Việt Nam được sớm đào tạo để tự điều hành và xây dựng một giáo hội tự trị, tự lập, và tự truyền bá.[75] Sử dụng hiệu quả kinh nghiệm của nhân học tôn giáo để truyền giáo cho các dân tộc thiểu số;[14] đến năm 1965, hơn 30 ngôn ngữ đã được dùng để đem thông điệp phúc âm đến các sắc dân ở Tây Nguyên và Tây Bắc, đồng thời Kinh Thánh đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số.[86]

Tuy nhiên, cộng đồng Kháng Cách cho đến nay vẫn là thiểu số, nhất là trong vòng người Kinh (chỉ chiếm 1% dân số),[5] và không có nhiều ảnh hưởng trong xã hội,[87] đặc biệt trong giới trí thức.[88] Từ thập niên 1960, Mục sư Lê Hoàng Phu đã quan tâm đến sự thiếu vắng sự sâu nhiệm thuộc linh ở nhiều chức sắc, vì vậy họ luận giải Kinh Thánh "bằng cách bắt chước những diễn giả khác";[89] ông cũng sớm nhận diện một trong những vấn nạn của giáo hội, đó là không thể "cung cấp đủ những lãnh đạo được huấn luyện kỹ lưỡng để chăn dắt các Hội thánh đang tăng trưởng về nhân số và hiểu biết".[90] Tình trạng hiện nay còn tồi tệ hơn. Khác với cộng đồng Kháng Cách người Việt ở hải ngoại, thành phần trí thức chỉ là thiểu số trong giới lãnh đạo và trong hệ thống đào tạo của các giáo hội trong nước, sự khiếm khuyết về kiến thức thần học và xã hội là khá phổ biến giữa vòng họ.[91] Mặt khác, trong những năm gần đây, nhiều vụ tai tiếng xuất hiện với tần suất cao chưa từng có trong lịch sử hơn 100 năm của cộng đồng Kháng Cách Việt Nam là điều đáng quan ngại.[92] Mặc dù khó có thể kiểm tra độ chính xác của những cáo buộc về tư cách đạo đức của nhiều người thuộc hàng giáo phẩm, nhất là những người lãnh đạo các giáo hội, chúng đã gây phân hóa cũng như làm sút giảm uy tín của cả cộng đồng.[93] Sự đố kỵ giữa các hệ phái cũng là một lực cản khác đối với nỗ lực mang phúc âm đến cho một đất nước gần 90 triệu dân.[75][94]

Chú thích

sửa
  1. ^ a b Lê Hoàng Phu 2010, tr. 85
  2. ^ a b Lê Hoàng Phu 2010, tr. 276
  3. ^ a b “Cả nước có 1 triệu tín đồ Tin Lành”. Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2013.
  4. ^ Nguyễn Cao Thanh, Đạo Tin Lành ở Việt Nam từ 1975 đến nay, tư liệu và một số đánh giá ban đầu, Ban Tôn giáo Chính phủ.
    Như vậy, theo ước tính ban đầu, tổng số người theo đạo Tin Lành ở Việt Nam cho đến nửa cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI có khoảng 1.460.000 người đang sinh hoạt ở 6.000 chi hội và điểm nhóm.
  5. ^ a b c Joseph, Martin. “The Protestant Church in Vietnam (Appendix 3: Ethnic groups)”. Christian Publishing. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2013.
  6. ^ a b Trần Thanh Giang. “Đạo Tin Lành ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra hiện nay”. Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa.
    ...đạo Tin lành đã có cơ sở trong quần chúng ở nhiều vùng trên đất nước ta, thực tế hiện nay đã có khoảng hơn 1,2 triệu tín đồ. Đặc biệt là khoảng 10 năm trở lại đây, đạo Tin lành phát triển đột biến ở Tây Nguyên, Tây Bắc và một số vùng dân tộc thiểu số khác...
  7. ^ a b c d Nguyễn Cao Thanh, Đạo Tin Lành ở Việt Nam từ 1975 đến nay, tư liệu và một số đánh giá ban đầu, Ban Tôn giáo Chính phủ
  8. ^ Phạm Văn Sơn, Việt sử Tân biên, Vol. IV, p. 119, Khai Trí, Sài Gòn, 1951, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 83
  9. ^ a b J. Respont. L’Eglise d’Indochine (1964). Propagation de la Foi, Lyon. tr. 3., trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 84
  10. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 83
  11. ^ a b Lê Hoàng Phu 2010, tr. 84
  12. ^ Phạm Văn Sơn, Việt sử Tân biên, Vol. IV, p. 195, 226, 288-89, Khai Trí, Sài Gòn, 1951 trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 84
  13. ^ “Alexandre Yersin – Thư viện Tin Lành”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2013.
  14. ^ a b c Đỗ Quang Hưng, Đạo Tin Lành ở Việt Nam, một cái nhìn tổng quát, Ban Tôn giáo Chính phủ
  15. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 87
  16. ^ A. B. Simpson,Editorial Paragraph, Word, Work, and World (2/1887), p. 128, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 95
  17. ^ a b E. F. Irwin 1937, tr. 25, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 95
  18. ^ Phạm Văn Sơn, Việt sử Tân biên, Vol. V, p. 322, 432 Khai Trí, Sài Gòn, 1951, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 96
  19. ^ E. F. Irwin 1937, tr. 26, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 95
  20. ^ E.F.Irwin 1937, tr. 26, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 96
  21. ^ CMA, Annual Report for 1911, p. 19, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 97
  22. ^ E. F. Irwin 1937, tr. 30, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 98
  23. ^ CMA, Annual Report for 1916, p.50, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 99
  24. ^ CMA, Annual Report for 1921, p. 21, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 100
  25. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 100
  26. ^ E. F.Irwin 1937, tr. 110, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 101
  27. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 143
  28. ^ Điều lệ Hội thánh Tin Lành Việt Nam, pp. 1-2, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 143
  29. ^ Tổng liên hội, Quyết nghị Hội đồng Tổng liên hội (Nha Trang: Tổng liên hội, 1964), p. 31, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 143
  30. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 151
  31. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 153
  32. ^ The Constitution of the ECIC (1928), pp. 27, 28, 29, 34-38
  33. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 154
  34. ^ The Constitution of the ECIC (1928), p. 7, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 155
  35. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 157, 158
  36. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 149
  37. ^ The CMA Mission in Indochina, The Call of Indochina (1-3/1928), p. 2, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 166
  38. ^ Th. Calas, Bulletin Paroissial (4/1929), p. 1, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 166
  39. ^ Jean Decoux, Letter No. 48 N/F (19/1/1942), trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 176
  40. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 179
  41. ^ The Constitution of ECIC (1928), P. 33, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 96
  42. ^ CMA, Annual Report for 1926, pp. 90ff, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 182
  43. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 183
  44. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 217, 219, 220.
    Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các hội thánh địa phương và thân nhân các học viên, chỉ có hai trong tổng số 93 học viên phải nghỉ học do thiếu kinh phí. Nhà trường bị đóng cửa năm 1946 là do những biến động chính trị, không phải vì thiếu ngân khoản.
  45. ^ Bà D. I. Jeffrey, Grace and Liberty, AW (9/1/1943), p. 25, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 220.
    Có những truyền đạo và vợ dù chỉ tạm đủ sống cũng "lột cả đồng hồ, bông tai, nhẫn cưới, khăn choàng cổ, và dù" để giúp các bạn đồng lao ở miền Bắc. Một người bán sách phải nuôi bốn con, đã dốc sạch túi để đóng góp dù ông vừa bị cắt giảm lương...
  46. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 222, 223
  47. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 224, 225
  48. ^ L. B. Grobb, Internment in Indochina, AW (12/1/1946), p. 24, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 226
  49. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 226
  50. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 227
  51. ^ Phúc âm Ma-thi-ơ 24: 36, Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, cả thiên sứ trên trời, hay là Con cũng vậy, chỉ một mình Cha biết mà thôi.
  52. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 234-237
  53. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 263
  54. ^ The Evangelical Orphanage (Saigon: Cô nhi viện, 1959), pp. 106-107, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 263
  55. ^ CMA, Annual Report for 1954, pp. 56-57, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 264
  56. ^ a b c d e Minh Thanh, Khái quát lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ
  57. ^ a b c d Lê Hoàng Phu 2010, tr. 324
  58. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 324-325
  59. ^ “Lược sử Thánh Kinh báo - Thư viện Tin Lành”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2013.
  60. ^ E. F.Irwin 1937, tr. 86, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 114
  61. ^ E. F.Irwin 1937, tr. 93ff, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 117
  62. ^ T. G. Mangham, Tribes of Vietnam, AR for 1954, p. 11, trích dẫn bởi Lê Hoàng Phu 2010, tr. 305
  63. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 285-287
  64. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 283
  65. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 283-284
  66. ^ Nguyễn Cao Thanh, Đạo Tin Lành ở Việt Nam từ 1975 đến nay, tư liệu và một số đánh giá ban đầu, Ban Tôn giáo Chính phủ.
    Trước đây, trong vùng này chỉ có một Chi hội Tin Lành của người Dao với hơn 1.000 tín đồ và hầu như không có người Mông theo đạo Tin Lành.
  67. ^ a b c Nguyễn Sinh, 100 năm Tin Lành đến Việt Nam (kỳ 6): Hội thánh miền Nam sau năm 1954, HộiThánh.Com
  68. ^ Khai Mạc Đại Hội đồng Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) lần thứ 1
  69. ^ Joseph, Martin. Inside the Church: denominations, relationships and differences. Lưu trữ 2013-09-21 tại Wayback Machine Christian Publishing
  70. ^ Công tác xây dựng nhà thờ của Viện Thánh Kinh Thần học
  71. ^ Viện Thánh Kinh Thần học: Lễ Khai giảng niên học 2013, Khóa 4 & khóa 6 – HộiThánh.Com
  72. ^ Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Truyền Đến Việt Nam - Tại Đà Nẵng Lưu trữ 2013-05-19 tại Wayback Machine Chi hội Tin Lành Đà Lạt
  73. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 347-357
  74. ^ Nguyễn Thanh Cao. “Đạo Tin Lành sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ”. Ban Tôn giáo Chính phủ.
  75. ^ a b c Joseph, Martin. “The Protestant Church in Vietnam (Conclusion: Key factors of Protestant growth in Vietnam)”. Christian Publishing. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2013.
  76. ^ Trần Thanh Giang. “Đạo Tin Lành ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra hiện nay”. Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa.
    Đạo Tin lành không lập ra tổ chức giáo hội mang tính chất phổ quát cho toàn đạo mà đi theo hướng xây dựng các giáo hội riêng rẽ, độc lập với những hình thức khác nhau theo từng hệ phái, từng quốc gia. Trong tổ chức giáo hội, các hệ phái Tin lành chủ trương giao quyền tự trị cho các giáo hội cơ sở, chi hội, các cấp giáo hội bên trên hình thành phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cho phép. Giáo hội Tin lành không cấu thành bởi các vị giáo sĩ một cách cố định như Công giáo mà cả tín đồ, giáo sĩ tham gia thông qua bầu cử một cách dân chủ… Nhìn chung, có thể thấy sự cải cách của Tin lành về cách thức hành đạo cũng như tổ chức giáo hội chịu ảnh hưởng đậm nét của tư tưởng dân chủ và khuynh hướng tự do cá nhân, giảm thiểu và bớt đi sự linh thiêng về luật lệ, lễ nghi, cơ cấu tổ chức của đạo Công giáo.
  77. ^ Phúc âm Ma-thi-ơ 7: 21, Không phải bất cứ ai nói với Ta: "Lạy Chúa, lạy Chúa", đều được vào vương quốc thiên đàng đâu; nhưng chỉ người nào làm theo ý muốn của Cha Ta trên trời mà thôi.
  78. ^ “Introduction to Protestantism”. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2013.
  79. ^ Website Ban tôn giáo tỉnh Kon Tum
  80. ^ Nguyễn Cao Thanh, Đạo Tin Lành ở Việt Nam từ 1975 đến nay, tư liệu và một số đánh giá ban đầu, Ban Tôn giáo Chính phủ.
    Xét về số lượng, và phạm vi, cho dù chưa có số liệu thống kê chính xác từ phía tôn giáo và cơ quan nhà nước, nhưng đều đưa đến nhận diện ban đầu về đạo Tin lành ở Việt Nam từ năm 1975 đến nay, nếu so với trước năm 1975, thì số lượng tín đồ tăng lên gấp 6 lần, trong khi khoảng thời gian chỉ bằng một nửa so với trước đây (64 năm từ 1911 đến 1975; 31 năm từ 1975 đến 2010). Nếu so với các tôn giáo thì đạo Tin lành phát triển với tốc độ nhanh nhất (năm 1975, đạo Công giáo ở Việt Nam có hơn 4,0 triệu thì đến năm 2010 tăng lên 6,0 triệu, trong khi dân số tăng lên gấp đôi là 85 triệu). Số lượng các hệ phái Tin lành vào truyền giáo cũng nhiều hơn trước, năm 1975 có hơn 10 tổ chức, hệ phái; hiện nay có đến gần 50 tổ chức, hệ phái. Phạm vi hoạt động của đạo Tin lành, ở thời điểm 1975 chỉ có ở các tỉnh phía Nam và một số tỉnh phía Bắc, đến nay đạo Tin lành có mặt ở tất cả các địa phương trong cả nước (trừ hai tỉnh Ninh Bình và Quảng Bình).
  81. ^ Joseph, Martin. “The Protestant Church in Vietnam - Introduction”. Christian Publishing. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2013.
  82. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 387
  83. ^ Lê Hoàng Phu. Lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam (1911 – 1965). Nhà xuất bản Tôn giáo, 2010; p. 382.
    Hàng ngàn người Tin Lành, cả nam lẫn nữ chẳng bao giờ gia nhập một Hội thánh, hoặc vì thiếu sự giao thông với hội thánh địa phương, hoặc vì họ lựa chọn để thờ phượng Chúa cách cá nhân.
  84. ^ Trần Thanh Giang. “Đạo Tin Lành ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra hiện nay”. Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa.
    Sinh hoạt tôn giáo không lệ thuộc nhiều vào việc lễ bái, nơi thờ tự, chức sắc... Người ta khó có thể đánh giá mức độ và nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ Tin lành qua việc họ có đến nhà thờ tham dự các sinh hoạt tôn giáo hay không. Đối với tín đồ Tin lành, nếu có đức tin thì ở tại gia đình với quyển kinh thánh, họ có thể chu toàn bổn phận của một tín đồ.
  85. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 391
  86. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 378-380
  87. ^ Joseph, Martin. “The Protestant Church in Vietnam - Introduction”. Christian Publishing. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2013.
    Xã hội Việt Nam nghĩ gì về Tin Lành? Phần lớn những người tôi từng tiếp xúc không phân biệt được Tin Lành với Công giáo. Cảm xúc chung đối với Tin Lành là không thích cũng không ghét, chỉ dửng dưng... Rõ ràng đây là một trở ngại đối với sự phát triển của giáo hội bởi vì người Việt thường tỏ ra cởi mở với những tư tưởng mới nếu họ hiểu biết về nó...
  88. ^ Lê Hoàng Phu (2010), p. 387.
    Học giả Đào Duy Anh nhận xét, "Tin Lành thì tốt nhưng chỉ người dốt mới tiếp nhận đạo ấy", theo lời thuật lại của ông Đào Duy Tiên, một tín hữu và là em ruột ông Đào Duy Anh.
    Sau khi nghe một truyền đạo Tin Lành ở Huế, một học giả khác, Phạm Quỳnh, hỏi một giáo sĩ, "Tại sao ông không tuyển lựa người học thức hơn để giảng đạo của ông?"
  89. ^ Giê-rê-mi 23: 30, Đức Giê-hô-va phán, "Nầy, Ta chống lại các kẻ tiên tri ăn cắp lẫn nhau lời của Ta."
  90. ^ Lê Hoàng Phu 2010, tr. 391-392
  91. ^ Strong, Augustus H.. Systematic Theology. Judson Press, Philadelphia, 1907, p. 917.
    Một người không phân biệt được muông sói với những chú chó chăn chiên thì đừng nghĩ đến việc trở thành người chăn bầy.
  92. ^ Mi-chê 3: 5, Đây là lời Đức Giê-hô-va phán về các kẻ tiên tri, là kẻ làm dân Ta lầm lạc. Nếu có ai cho chúng nó ăn, thì chúng rao rằng: "Bình an!". Còn nếu ai không cho vật gì vào miệng chúng, thì chúng tuyên chiến chống lại họ.
  93. ^ Ê-xê-chi-ên 13: 19, Các ngươi đã làm nhục Ta giữa dân Ta vì mấy nắm mạch nha và mấy miếng bánh mì. Các ngươi lừa dối dân Ta là kẻ thích nghe những lời dối trá ấy để giết chết những kẻ không đáng chết, và cho sống những kẻ không đáng sống.
  94. ^ I Cô-rin-tô 12: 27; Cô-lô-se 1: 18, Anh em là thân của Chúa Cơ Đốc, và là chi thể của thân....Ngài là đầu của thân thể, tức là đầu Hội thánh.
    Có lẽ cần có thời gian để những người lãnh đạo các hệ phái học biết cách vượt qua lòng tị hiềm và lợi ích cá nhân để có thể hiểu được rằng mỗi hệ phái là một phần không thể chia cắt của hội thánh chung.
nguồn dẫn
  • Lê Hoàng Phu (2010), Lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam (1911 - 1965), Nhà xuất bản Tôn giáo
  • Irwin, E. F. (1937), With Christ in Indochina, Christian Publication, Inc.

Xem thêm

sửa