2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 3 năm 2009
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Washington, D.C.

Điện Capitol

Washington, D.C. là thành phố thủ đô của Hoa Kỳ, được thành lập vào ngày 16 tháng 7 năm 1790. Mang tên chính thức “District of Columbia”, có nghĩa “Đặc khu Columbia”, thành phố này còn thường được gọi là “Washington”, “the District”, hoặc đơn giản hơn “D.C.”

Thành phố Washington ban đầu là một đô thị tự quản riêng biệt bên trong Lãnh thổ Columbia cho đến khi một đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ năm 1871 có hiệu lực kết hợp thành phố và lãnh thổ này thành một thực thể duy nhất được gọi là Đặc khu Columbia. Đó là lý do tại sao thành phố này trong khi có tên gọi chính thức là Đặc khu Columbia lại được biết với tên gọi là Washington, D.C., có nghĩa là thành phố Washington, Đặc khu Columbia. Thành phố nằm bên bờ bắc sông Potomac và có ranh giới với tiểu bang Virginia ở phía tây nam và tiểu bang Maryland ở các phía còn lại. Tuy đặc khu này có dân số 591.833 người nhưng do nhiều người di chuyển ra vào từ các vùng ngoại ô lân cận nên dân số thực tế lên đến trên 1 triệu người trong suốt tuần làm việc. Vùng đô thị Washington, bao gồm cả thành phố, có dân số 5,3 triệu người là vùng đô thị lớn thứ 8 tại Hoa Kỳ.

Điều một trong Hiến pháp Hoa Kỳ có nói đến việc lập ra một đặc khu liên bang, không phụ thuộc vào bất cứ tiểu bang nào, để phục vụ như thủ đô vĩnh viễn của quốc gia. Các trung tâm của ba ngành trong chính phủ liên bang Hoa Kỳ cùng nhiều đài tưởng niệm và bảo tàng quốc gia đều nằm trong đặc khu. Washington, D.C. là nơi tiếp nhận 173 đại sứ quán ngoại quốc cũng như các tổng hành dinh của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, và Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO). Ngoài ra còn có tổng hành dinh của các cơ quan khác như các liên đoàn lao động, các nhóm vận động hành lang, và các hội đoàn nghiệp vụ cũng đặt tại nơi đây.

Thế vận hội Mùa hè 1896

Biểu trưng chính thức của Thế vận hội Mùa hè lần thứ I

Thế vận hội Mùa hè 1896, tên chính thức “Thế vận hội Mùa hè lần thứ I”, là sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức tại thành phố Athena, thủ đô của Hy Lạp, từ ngày 6 đến 15 tháng 4 năm 1896. Đây chính là kỳ Thế vận hội đầu tiên được tổ chức trong thời kỳ hiện đại. Hy Lạp cổ đại vốn là cái nôi của phong trào Olympic, do đó Athena được coi như sự lựa chọn thích hợp để tổ chức cho kỳ Thế vận hội hiện đại đầu tiên. Thành phố này được nhất trí chọn làm thành phố chủ nhà trong một hội nghị do Pierre de Coubertin, một nhà sư phạm và sử gia người Pháp, tổ chức tại Paris vào ngày 23 tháng 6 năm 1894. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng được thành lập nhân hội nghị này.

Mặc dù gặp phải nhiều trở ngại và thoái trào nhưng Thế vận hội Mùa hè 1896 vẫn được ghi nhận là một kỳ Olympic thành công, nhờ những cuộc tranh tài thể thao có quy mô lớn nhất từ trước cho tới thời điểm đó. Sân vận động Panathinaiko, sân vận động lớn đầu tiên trên thế giới thời hiện đại, đã chật cứng bởi lượng khán giả đông nhất vào lúc đó. Nước chủ nhà Hy Lạp đạt được thành tích nổi bật nhờ chiến thắng trong môn marathon của Spiridon Louis. Vận động viên thành công nhất trong kỳ Thế vận hội là đô vật và vận động viên thể dục dụng cụ người Đức Carl Schuhmann, người đã giành được tới 4 huy chương vàng. Trong kỳ thế vận hội đầu tiên này không có nữ vận động viên nào tham dự.

Sau kỳ Thế vận hội, một số nhân vật cấp cao, trong đó có Vua Georgios I của Hy Lạp cùng một số vận động viên người Mỹ, kiến nghị với Coubertin và IOC rằng tất cả những kỳ Thế vận hội sau nên được tổ chức tại Athena. Tuy nhiên 4 năm sau, Thế vận hội Mùa hè 1900 lại được tổ chức tại thành phố Paris của Pháp và ngoại trừ kỳ Thế vận hội 1906 không được IOC công nhận chính thức, phải 108 năm sau, Athena của Hy Lạp mới được tổ chức sự kiện này lần thứ hai vào năm 2004.

Di truyền học

Di truyền học là một bộ môn sinh học, nghiên cứu về tính di truyềnbiến dị ở các sinh vật. Kể từ thời tiền sử, thực tế về việc các sinh vật sống thừa hưởng những đặc tính từ bố mẹ đã được ứng dụng để tăng sản lượng cây trồng và vật nuôi, thông qua quá trình sinh sản chọn lọc hay chọn lọc nhân tạo. Tuy nhiên, di truyền học hiện đại, tìm hiểu về quá trình di truyền, chỉ được ra đời vào giữa thế kỷ 19 với những công trình của Gregor Mendel. Dù không hiểu về nền tảng vật chất của tính di truyền, Mendel vẫn nhận biết được rằng sinh vật thừa kế những tính trạng theo một cách riêng rẽ - mà trong đó những đơn vị cơ bản của di truyền được gọi là gene.

Các gene tương ứng với những vùng nằm trong ADN, một cao phân tử được cấu thành từ bốn loại đơn phân nucleotide; chuỗi những nucleotide này mang thông tin di truyền ở sinh vật. ADN trong điều kiện tự nhiên có dạng chuỗi xoắn kép, trong đó nucleotide ở mỗi chuỗi liên kết bổ sung với nhau. Mỗi chuỗi lại có thể hoạt động như một khuôn để tổng hợp một chuỗi bổ sung mới - đó là cách thức tự nhiên tạo nên những bản sao của gene mà có thể được di truyền lại.

Chuỗi nucleotide trong gene có thể được phiên mãdịch mã trong tế bào để tạo nên chuỗi các axít amin, hình thành protein; trình tự của các axít amin trong protein cũng tương ứng với trình tự của các nucleotide trong gene. Trình tự này được biết với tên mã di truyền. Nó xác định cách thức gập xoắn trong cấu trúc ba chiều của phân tử protein; cấu trúc này tiếp đó quy định nên chức năng của protein. Những protein sẽ thực hiện hầu hết các chức năng cần thiết cho sự sống của tế bào. Một thay đổi nhỏ của gene trong phân tử ADN cũng sẽ dẫn đến thay đổi trình tự axít amin, thay đổi cấu trúc và chức năng của protein, và điều này có thể tác động không nhỏ lên tế bào cũng như toàn bộ cơ thể sống.

Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979

Các vùng chiến sự chính trong Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979

Chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 là cuộc chiến ngắn nhưng bạo liệt khi Trung Quốc đem quân đánh vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc vào ngày 17 tháng 2 năm 1979. Được phía Việt Nam gọi là Chiến tranh biên giới phía Bắc, 1979, phía Trung Quốc gọi là Chiến tranh phản kích tự vệ trước Việt Nam (Đối Việt tự vệ phản kích chiến), và nhiều nhà nghiên cứu coi là một phần của Chiến tranh Đông Dương lần 3, Chiến tranh biên giới Việt - Trung xuất phát từ quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia và ý đồ “dạy cho Việt Nam một bài học” của Đặng Tiểu Bình, kéo dài trong chừng một tháng với thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả hai phía. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc hoàn thành rút quân vào ngày 18 tháng 3 năm 1979, sau khi chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn vùng biên. Mục tiêu của Trung Quốc buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia không thành, nhưng cuộc chiến để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Xung đột vũ trang tại biên giới còn tiếp diễn thêm 10 năm. Hơn 13 năm sau, quan hệ ngoại giao Trung-Việt được chính thức bình thường hóa.

Eternal Sunshine of the Spotless Mind

Kate Winslet và Jim Carrey, hai diễn viên chính của Eternal Sunshine of the Spotless MindKate Winslet và Jim Carrey, hai diễn viên chính của Eternal Sunshine of the Spotless Mind

Eternal Sunshine of the Spotless Mind là một bộ phim tâm lý của điện ảnh Hoa Kỳ công chiếu tháng 3 năm 2004. Bộ phim được thực hiện bởi đạo diễn người Pháp Michel Gondry dựa theo kịch bản của Charlie Kaufman với dàn diễn viên chính gồm Jim Carrey, Kate Winslet, Kirsten Dunst, Mark Ruffalo, Elijah WoodTom Wilkinson. Eternal Sunshine nói về câu chuyện của đôi tình nhân Joel Barish (Carrey) và Clementine Kruczynski (Winslet), gặp nhiều bất đồng trong cuộc sống, họ quyết định tới công ty Lacuna Inc. xóa bỏ kí ức về người kia để rồi lại thấy không thể sống thiếu nhau và phải tìm mọi cách để giữ lại hình ảnh của người mình yêu trong trí nhớ. Sau khi ra mắt khán giả Eternal Sunshine đã nhận được nhiều lời khen ngợi, đặc biệt là về kịch bản sáng tạo của Kaufman cùng diễn xuất của hai ngôi sao Jim Carrey và Kate Winslet. Với tác phẩm này, Kaufman đã được trao Giải Oscar cho kịch bản gốc hay nhất còn Kate Winslet trở thành nữ diễn viên trẻ nhất có được 4 đề cử Oscar cho hạng mục diễn xuất.

Selena

Selena Quintanilla-Pérez (16 tháng 4 năm 1971 – 31 tháng 3 năm 1995), thường được biết đến với nghệ danh Selena, là một nữ ca sĩ người Mỹ từng được mệnh danh là “Nữ hoàng nhạc Tejano”. Selena đã phát hành album đầu tiên khi cô chỉ mới 12 tuổi. Cô đã giành giải “Giọng ca nữ của năm” tại lễ trao giải thưởng nhạc Tejano năm 1987 và ký kết một hợp đồng thu âm với hãng đĩa EMI vài năm sau đó. Danh tiếng của Selena lên cao trong suốt những năm đầu của thập niên 1990, đặc biệt tại những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.

Selena càng gây được nhiều sự chú ý tại Bắc Mỹ sau khi cô bị Yolanda Saldívar, người quản lý câu lạc bộ những người hâm mộ, bắn chết vào ngày 31 tháng 3 năm 1995 ở tuổi mới 23. Ngày 12 tháng 4 năm 1995, hai tuần sau cái chết của cô, George W. Bush, khi đó là thống đốc bang Texas, đã chọn ngày sinh nhật cô làm "ngày Selena" tại bang nhà. Warner Brothers đã sản xuất một bộ phim phỏng theo cuộc đời của Selena do Jennifer Lopez thủ vai chính vào năm 1997. Tháng 6 năm 2006, một viện bảo tàng và một bức tượng bằng đồng đã được khánh thành để tưởng nhớ Selena và được hàng trăm người hâm mộ tới thăm hằng tuần.