Asahi (thiết giáp hạm Nhật)

Asahi (tiếng Nhật: 朝日) là một thiết giáp hạm thế hệ tiền-dreadnought của Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Được chế tạo cùng lúc với lớp thiết giáp hạm Shikishima vào đầu thế kỷ 20, và với nhiều đặc tính hầu như tương tự, nhiều tác giả đã xem nó như là chiếc thứ hai trong lớp. Tuy nhiên, những chiếc trong lớp Shikishima có ba ống khói trong khi Asahi chỉ có hai, nên tạo cho nó một kiểu dáng khác biệt gần giống với lớp thiết giáp hạm Formidable của Hải quân Hoàng gia Anh Quốc. Tên Asahi của nó có ý nghĩa "mặt trời mọc", một ẩn dụ được mở rộng để chỉ Nhật Bản.

Thiết giáp hạm Asahi vào năm 1905
Lịch sử
Nhật Bản
Tên gọi Asahi
Đặt hàng 1896
Xưởng đóng tàu John Brown & Company, Anh Quốc
Đặt lườn 1 tháng 8 năm 1897
Hạ thủy 13 tháng 3 năm 1899
Nhập biên chế 28 tháng 4 năm 1900
Xếp lớp lại
  • 1923: tàu huấn luyện
  • 1927: tàu trục vớt tàu ngầm
  • 1937: tàu tiếp liệu tàu ngầm
Số phận Bị tàu ngầm Mỹ USS Salmon đánh chìm ngoài khơi mũi Paderas, 25 tháng 5 năm 1942
Đặc điểm khái quát
Kiểu tàu Thiết giáp hạm
Trọng tải choán nước 15.200 tấn (tiêu chuẩn)
Chiều dài 129,62 mét (425 ft)
Sườn ngang 22,92 mét (75 ft)
Mớn nước 8,31 mét (27 ft)
Động cơ đẩy
  • 2 × động cơ hơi nước ba buồng bành trướng đặt dọc
  • 25 × nồi hơi Belleville
  • (thay bằng 4 × nồi hơi Kampon từ năm 1927)
  • 2 × trục
  • công suất 15.000 mã lực (11,2 MW)
Tốc độ
  • 18 hải lý trên giờ (33 km/h)
  • (12 hải lý trên giờ (22 km/h) sau năm 1923)
Tầm xa 9.000 hải lý (17.000 km) ở tốc độ 10 hải lý trên giờ (19 km/h)
Thủy thủ đoàn tối đa 836
Vũ khí
Bọc giáp
  • đai giáp chính: 100-229 mm (4-9 inch)
  • sàn tàu: 63-100 mm (2,5-4 inch)
  • tháp pháo: 50-254 mm (2-10 inch)
  • ụ pháo: 200-360 mm (8-14 inch)
  • tháp chỉ huy: 75-356 mm (3-14 inch)

Thiết kế và chế tạo sửa

Asahi được đặt lườn tại Glasgow, Scotland bởi hãng Clydebank Engineering & Shipbuilding Company, và được hoàn tất bởi hãng John Brown & Company. Vào lúc hạ thủy, nó là chiếc thiết giáp hạm lớn nhất từng được chế tạo tại River Clyde. Công việc bàn giao nó vào năm 1900 bị trì hoãn khi con tàu bị mắc cạn trong lúc khởi hành đi Nhật Bản. Đạn dược và hàng dự trữ được xuống khỏi tàu, và nó được kéo thoát, rồi sau khi được khảo sát trong ụ nổi, nó lên đường đi Nhật Bản, đến Yokosuka vào ngày 23 tháng 10 năm 1900.[1]

Lịch sử hoạt động sửa

Chiến tranh Nga-Nhật sửa

 
Thiết giáp hạm Asahi trong một bưu ảnh vào năm 1905.

Asahi đã hoạt động tích cực trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905, bắt đầu với trận cảng Lữ Thuận và cuộc phong tỏa cảng này sau đó. Asahi cũng tham gia trận Hoàng hải, nơi nó bị bắn trúng một phát; và sau đó nó va phải một quả ngư lôi vào ngày 26 tháng 10 năm 1904. Tuy nhiên, công việc sửa chữa đã hoàn tất kíp lúc để nó tham gia trận Tsushima, nơi nó bị bắn trúng chín phát, làm thiệt mạng tám người và khiến 23 người khác bị thương. Trong trận Tsushima, Đại tá Hải quân Hoàng gia Anh W. C. Pakenham, tùy viên quân sự của Liên minh Anh-Nhật, đã quan sát và ghi chép tiến trình của trận đánh từ sàn sau trống trải của Asahi. Những báo cáo của ông đã xác nhận ưu thế về huấn luyện và chiến thuật của Hải quân Nhật, và đã công bố chiến thắng lịch sử này trong các tạp chí hải quân phương Tây.[2]

Chiến tranh Thế giới thứ nhất sửa

Asahi đã nằm trong thành phần hạm đội Nhật Bản hộ tống cho Hạm đội Great White Hải quân Hoa Kỳ vào năm 1908, khi họ ghé qua vùng biển Nhật Bản trong hành trình vòng quanh thế giới. Đến năm 1914, nó trở thành một tàu huấn luyện tác xạ; và đến năm 1917 nó được tái trang bị, thay thế các khẩu pháo của Anh bằng những chiếc do chính Nhật Bản chế tạo.

Những năm giữa hai cuộc thế chiến sửa

Cho dù được xem là lạc hậu do sự phát triển của thế hệ thiết giáp hạm Dreadnought, Asahi vẫn được sử dụng như tàu hỗ trợ để bảo vệ cho cuộc đổ bộ lực lượng Nhật Bản lên nước Nga trong vụ Nhật Bản can thiệp Siberi.

Được tái xếp lớp như một tàu phòng duyên hạng nhất vào năm 1921, nó tiếp tục phục vụ như là một tàu chiến cho đến năm 1923, lúc mà theo những điều khoản của Hiệp ước Hải quân Washington, Asahi được giải giáp và cải biến thành một tàu hhuấn luyện. Trọng lượng choán nước của nó giảm xuống còn 11.441 tấn khi tháo dỡ toàn bộ pháo và vỏ giáp, và tốc độ được giới hạn còn 12 hải lý trên giờ (22 km/h). Vào tháng 5 năm 1925, Asahi bị mắc cạn ngoài khơi Toba, và sau khi nổi trở lại, nó được đưa về Yokosuka để cải biến rộng rãi.

Từ năm 1926 đến tháng 10 năm 1927 25 nồi hơi Belleville của Asahi được thay thế bằng bốn nồi hơi Kanpon; một trong hai ống khói của nó cũng được tháo dỡ, và nó được trang bị một cần cẩu. Asahi được cải biến thành một tàu trục vớt tàu ngầm, và đã tiến hành các thử nghiệm như là tàu cứu hộ tàu ngầm đầu tiên của Nhật Bản sử dụng chiếc tàu ngầm cũ 0-1 (nguyên là chiếc U-125) của Hải quân Đế quốc Đức.[3]

Vào tháng 5 năm 1928, trong vai trò một tàu thử nghiệm, Asahi được trang bị một máy phóng máy bay Kiểu số 1 vận hành bằng khí nén dài 19 mét, và đã phóng thành công một thủy phi cơ E2N1 Kiểu 15. Sau khi nhiều tai nạn xảy ra lặp đi lặp lại, kiểu máy phóng bằng khí nén được thay thế bằng kiểu vận hành bằng thuốc súng. Sau khi hoàn tất việc thử nghiệm, Asahi được đưa về lực lượng dự bị.

Tuy nhiên, vào tháng 11 năm 1937, sau sự kiện Lư Câu Kiều khai mào cuộc chiến tranh Trung-Nhật, Asahi được đưa ra khỏi lực lượng dự bị, và được sử dụng như là tàu vận tải để đổ bộ binh lính trong một chiến dịch đổ bộ lên vịnh Hàng Châu.

Chiến tranh Thế giới thứ hai sửa

Asahi tiếp tục phục vụ như là tàu tiếp liệu tàu ngầm từ năm 1937, cung cấp dịch vụ sửa chữa và tiếp tế cũng như phục vụ như một trại lính nổi cho đến năm 1938, khi chiếc tàu chiến cũ được cải biến một lần nữa. Các khu nâng hạng nặng được bố trí hai bên mạn ở giữa tàu, cũng như các xưởng cơ khí và tiện nghi sửa chữa. Nó lại phục vụ như một tàu sửa chữa bắt đầu từ ngày 18 tháng 12 năm 1938. Asahi cũng được trang bị những tháp pháo giả bằng gỗ phía trước và phía sau tàu trông giống như một thiết giáp hạm cũ, và được phân công "tuần tra" ngoài khơi Thượng Hài từ ngày 29 tháng 5 đến ngày 7 tháng 11 năm 1940.[4]

Từ ngày 15 tháng 11 năm 1940, Asahi được bố trí về Hạm đội Liên hợp và được sử dụng như tàu vận chuyển, đi lại giữa vịnh Cam Ranh thuộc Đông DươngKure.

Từ tháng 4 năm 1942, Asahi đặt căn cứ tại Singapore, và đã tiến hành sửa chữa tàu tuần dương hạng nhẹ Naka vốn đã bị trúng ngư lôi từ tàu ngầm Mỹ USS Seawolf ngoài khơi đảo Christmas. Khởi hành từ Singapore đi Kure vào ngày 22 tháng 5, Asahi bị tàu ngầm Mỹ USS Salmon phát hiện vào ngày 25 tháng 5 năm 1942, khi ở cách 100 dặm (160 km) về phía Tây Nam mũi Paderas. Asahi chịu đựng cuộc tấn công vào ban đêm, bị đánh trúng vào phòng nồi hơi trung tâm bên mạn trái hai trong số bốn quả ngư lôi được phóng ra. Đến 01 giờ 03 phút, phút chốc sau khi bị đánh trúng, Asahi lật úp ở tọa độ 10°00′B 110°00′Đ / 10°B 110°Đ / 10.000; 110.000. Mười sáu thành viên thủy thủ đoàn đã thiệt mạng, nhưng thuyền trưởng, Đại tá Hải quân Tamura và 582 người khác sống sót.[3]

Danh sách thuyền trưởng sửa

Xem thêm sửa

  Tư liệu liên quan tới Battleship Asahi tại Wikimedia Commons

  • Mikasa, một thiết giáp hạm Nhật Bản khác có nguồn gốc từ lớp Majestic của Anh Quốc.

Chú thích sửa

  1. ^ Howart, The Fighting Ships of the Rising Sun
  2. ^ Evans, Kaigun: Strategy, Tactics, and Technology in the Imperial Japanese Navy, 1887-1941
  3. ^ a b Tabular Record of Movements at Combined Fleet.com
  4. ^ Jentsura, Warships of the Imperial Japanese Navy, 1869-1945

Tham khảo sửa

  • Andidora, Ronald (2000). Iron Admirals: Naval Leadership in the Twentieth Century. Greenwood Press. ISBN 0-313-31266-4.
  • Brown, D. K. (1999). Warrior to Dreadnought, Warship Development 1860-1906. Naval Institute Press. ISBN 1-84067-529-2.
  • Evans, David (1979). Kaigun: Strategy, Tactics, and Technology in the Imperial Japanese Navy, 1887-1941. US Naval Institute Press. ISBN 0870211927.
  • Howarth, Stephen (1983). The Fighting Ships of the Rising Sun: The Drama of the Imperial Japanese Navy, 1895-1945. Atheneum. isbn = 0689114028. Thiếu dấu sổ thẳng trong: |id= (trợ giúp)
  • Jane, Fred T. The Imperial Japanese Navy. Thacker, Spink & Co (1904) ASIN: B00085LCZ4
  • Jentsura, Hansgeorg (1976). Warships of the Imperial Japanese Navy, 1869-1945. Naval Institute Press. ISBN 0-87021-893-X.
  • Schencking, J. Charles (2005). Making Waves: Politics, Propaganda, And The Emergence Of The Imperial Japanese Navy, 1868-1922. Stanford University Press. ISBN 0804749779.

Liên kết ngoài sửa