Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ
Chính phủ Việt Nam

Tổng thanh tra đương nhiệm
Đoàn Hồng Phong
từ 8 tháng 4 năm 2021

Bổ nhiệm bởiChủ tịch nước Việt Nam
Nhiệm kỳ5 năm
Thành lập23 tháng 11 năm 1945; 78 năm trước (1945-11-23)
Tổng thanh tra đầu tiênBùi Bằng Đoàn (Ban Thanh tra Đặc biệt)
Ngân sách2018192.320 triệu đồng[1]
Phó Tổng thanh tra
Tình trạng   Đang hoạt động   
Địa chỉSố 20 đường Hoàng Quán Chi, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
Websitewww.thanhtra.gov.vn

Nhiệm vụ, quyền hạn sửa

Theo quy định tại Luật Thanh tra 2022[3] thì Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn gồm:

- Giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra:

  • Xây dựng chính sách, pháp luật về thanh tra;
  • Xây dựng Định hướng chương trình thanh tra;
  • Xây dựng kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ; hướng dẫn Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra;
  • Tổ chức thực hiện và hướng dẫn Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra;
  • Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
  • Thanh tra việc quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước khi được Thủ tướng Chính phủ giao;
  • Thanh tra vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
  • Thanh tra vụ việc khác khi được Thủ tướng Chính phủ giao;
  • Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Thanh tra tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
  • Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ;
  • Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra tỉnh và quyết định xử lý sau thanh tra của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi cần thiết;
  • Phối hợp với Kiểm toán nhà nước để xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước; hướng dẫn Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh trong việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước;
  • Chỉ đạo công tác thanh tra, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, cấp chứng chỉ nghiệp vụ ngạch thanh tra viên;

- Giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ và quyện hạn về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ và quyện hạn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Lịch sử sửa

Ban Thanh tra đặc biệt sửa

Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 4 tháng 10 năm 1945, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ lập một Ủy ban Thanh tra hành chính để đi điều tra công việc hành chính ở các địa phương, làm nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý các thư từ, đơn kiện hoặc gặp gỡ trực tiếp bày tỏ nguyện vọng cần sớm chấm dứt các hiện tượng, việc làm sai trái của một số nhân viên trong bộ máy chính quyền các cấp, nhất là ở các địa phương.

Ngày 13 tháng 11 năm 1945, Hội đồng Chính phủ giao cho ông Phạm Ngọc Thạch dự thảo một đề án về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra của Chính phủ, đồng thời quyết định thành lập ở mỗi bộ một Ban Thanh tra đặt dưới quyền viên Thanh tra hành chính do Bộ Nội vụ cử. Một ngày sau, ngày 14 tháng 11, Hội đồng Chính phủ đã họp và thông qua quyết định thành lập một Ban Thanh tra Đặc biệt của Chính phủ. Ngày 23 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt[4]. Đây chính là tổ chức tiền thân của Thanh tra Chính phủ sau này và ngày 23 tháng 11 trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.[5]

Tiếp theo đó, ngày 31 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 80-SL cử các ông Bùi Bằng ĐoànCù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt[6][7]. Ông Bùi Bằng Đoàn được cử giữ chức Trưởng ban Thanh tra đặc biệt, trở thành vị Tổng thanh tra đầu tiên của Việt Nam.[8]

Ban Thanh tra Chính phủ sửa

Giữa tháng 12 năm 1949, Hội đồng Chính phủ ra quyết nghị giải thể Ban Thanh tra Đặc biệt và thành lập Ban Thanh tra Chính phủ. Ngày 18 tháng 12 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138 B-SL thành lập Ban Thanh tra Chính phủ, ông Hồ Tùng Mậu được cử làm Tổng Thanh tra.[9]

Do điều kiện chiến tranh và đặc điểm lãnh đạo, nên mặc dù đã được thành lập và có một văn phòng riêng, nhưng Ban Thanh tra Chính phủ vẫn gần như là một cơ quan chung với Ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Ông Trần Đăng Ninh, Trưởng ban kiểm tra Trung ương Đảng, đồng thời kiêm giữ chức Tổng Thanh tra phó. Nhiều cán bộ trong Ban kiểm tra Trung ương đều được Chính phủ bổ nhiệm làm phái viên của Ban Thanh tra Chính phủ.[8]

Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ sửa

Sau khi kiểm soát được miền Bắc, ngày 28 tháng 3 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 261/SL thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ[10]. Ông Nguyễn Lương Bằng được cử làm Tổng Thanh tra, các ông Nguyễn CônTrần Tử Bình làm Phó Tổng Thanh tra.[8][11]

Ủy ban Thanh tra của Chính phủ sửa

Ngày 29 tháng 9 năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 136/CP quyết định thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ thay cho Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của cơ quan này. Ông Nguyễn Lương Bằng được cử giữ chức Tổng Thanh tra, ông Trần Mạnh Quỳ làm Phó Tổng Thanh tra và các ông Nguyễn Cáo, Đặng Văn Quang giữ chức Ủy viên thanh tra.[8]

Sau 4 năm hoạt động, ngày 11 tháng 10 năm 1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc giải thể Ủy ban Thanh tra của Chính phủ. Do đó, trong 4 năm (1965-1968), hệ thống Thanh tra Nhà nước từ Trung ương đến cấp khu, tỉnh, thành phố bị giải thể, chỉ còn các Ban Thanh tra của các Bộ, ngành hoạt động. Các Ban Thanh tra ngành do nhiều nguyên nhân đã không hoạt động đúng chức năng thanh tra mà chỉ dừng lại ở việc xét khiếu tố, và trong công tác này cũng còn nhiều hạn chế.[8]

Mãi đến ngày 11 tháng 8 năm 1969, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra Nghị quyết số 780/NQ-TVQH, tái thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ. Ông Nguyễn Thanh Bình được cử giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban, các ông Trần Mạnh Quỳ và Nguyễn Thừa Kế được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.[8]

Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, cơ cấu tổ chức ngành Thanh tra cũng thống nhất trên toàn quốc. Ông Trần Nam Trung được bầu làm Chủ nhiệm đầu tiên của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ thống nhất.

Ủy ban Thanh tra Nhà nước sửa

Ngày 15 tháng 2 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết số 26/HĐBT, trong đó còn đổi tên gọi chính thức của hệ thống thanh tra là Ủy ban Thanh tra Nhà nước[8][12]. Ông Bùi Quang Tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước.

Thanh tra Nhà nước sửa

Ngày 1 tháng 4 năm 1990, Pháp lệnh Thanh tra được ban hành. Ủy ban Thanh tra Nhà nước được chuyển đổi thành một cơ cấu ngành dọc với tên gọi Thanh tra Nhà nước. Ông Nguyễn Kỳ Cẩm, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước, giữ chức vụ Tổng Thanh tra Nhà nước.

Thanh tra Chính phủ sửa

Ngày 25 tháng 4 năm 2005, Nghị định 55/2005/NĐ-CP ban hành, thay thế Nghị định 46/2003/NĐ-CP ngày 9 tháng 5 năm 2003. Theo đó, ngành Thanh tra Nhà nước đổi tên thành Thanh tra Chính phủ và chức vụ Tổng Thanh tra Nhà nước cũng được đổi thành Tổng Thanh tra Chính phủ.

Lãnh đạo hiện nay sửa

Cơ cấu tổ chức sửa

Thanh tra chính phủ bao gồm Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra viên và công chức, viên chức.

Các đơn vị thực hiện chức năng tham mưu, tổng hợp sửa

  • Văn phòng
  • Vụ Tổ chức cán bộ
  • Vụ Pháp chế
  • Vụ Hợp tác quốc tế
  • Vụ Kế hoạch - Tổng hợp

Các đơn vị chức năng quản lý nhà nước sửa

Các đơn vị sự nghiệp sửa

  • Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
  • Báo Thanh tra
  • Tạp chí Thanh tra
  • Trường Cán bộ Thanh tra
  • Trung tâm Thông tin

Tổng thanh tra các thời kỳ sửa

Thứ tự Tên Từ Đến Thời gian
tại nhiệm
Chức vụ
Ban Thanh tra đặc biệt
1 Bùi Bằng Đoàn 31 tháng 12 năm 1945 9 tháng 11, 1946 312 ngày Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ
2 Tôn Đức Thắng 4 tháng 8 năm 1947[13] 18 tháng 12 năm 1949 2 năm, 136 ngày Thanh tra đặc biệt toàn quốc
Ban Thanh tra Chính phủ
3 Hồ Tùng Mậu 18 tháng 12 năm 1949 23 tháng 7 năm 1951[14] 1 năm, 217 ngày Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Chính phủ
4 Nguyễn Văn Trân 9 tháng 9, 1952[15] 20 tháng 9 năm 1955 3 năm, 11 ngày Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Chính phủ
Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ
5 Nguyễn Lương Bằng 25 tháng 4 năm 1956 29 tháng 9 năm 1961 5 năm, 157 ngày Tổng thanh tra Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ
Ủy ban Thanh tra của Chính phủ
(5) Nguyễn Lương Bằng 29 tháng 9 năm 1961 11 tháng 10 năm 1965 4 năm, 12 ngày Tổng thanh tra Ủy ban Thanh tra của Chính phủ
6 Nguyễn Thanh Bình 11 tháng 8 năm 1969 14 tháng 6 năm 1973[16] 3 năm, 307 ngày Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ
7 Nguyễn Văn Lộc 28 tháng 3 năm 1974[16] 3 tháng 7 năm 1976 2 năm, 97 ngày Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ
8 Trần Nam Trung 3 tháng 7 năm 1976 23 tháng 4 năm 1982[17] 5 năm, 294 ngày Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ
9 Bùi Quang Tạo 23 tháng 4 năm 1982[17] 15 tháng 2 năm 1984 1 năm, 298 ngày Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ
Ủy ban Thanh tra Nhà nước
(9) Bùi Quang Tạo 15 tháng 2, 1984 16 tháng 2 năm 1987[18] 3 năm, 1 ngày Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước
10 Nguyễn Văn Chính 16 tháng 2 năm 1987[18] 10 tháng 5 năm 1988[19] 1 năm, 84 ngày Phó Chủ tịch HĐBT kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước
11 Huỳnh Châu Sổ 10 tháng 5 năm 1988 26 tháng 4 năm 1989[20] 351 ngày Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước
12 Nguyễn Kỳ Cẩm 26 tháng 4 năm 1989[20] 1 tháng 4 năm 1990 340 ngày Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước
Thanh tra Nhà nước
(12) Nguyễn Kỳ Cẩm 1 tháng 4 năm 1990 3 tháng 10 năm 1995[21] 5 năm, 185 ngày Tổng Thanh tra Nhà nước
13 Tạ Hữu Thanh 3 tháng 10 năm 1995[21] 8 tháng 8 năm 2002 2 năm, 97 ngày Tổng Thanh tra Nhà nước
14 Quách Lê Thanh 8 tháng 8 năm 2002[22] 25 tháng 4 năm 2005 2 năm, 260 ngày Tổng Thanh tra Nhà nước
Thanh tra Chính phủ
(14) Quách Lê Thanh 25 tháng 4 năm 2005 27 tháng 6 năm 2006 1 năm, 63 ngày Tổng Thanh tra Chính phủ
15 Trần Văn Truyền 27 tháng 6 năm 2006 3 tháng 8 năm 2011 5 năm, 37 ngày Tổng Thanh tra Chính phủ
16 Huỳnh Phong Tranh 3 tháng 8 năm 2011 8 tháng 4 năm 2016 4 năm, 250 ngày Tổng Thanh tra Chính phủ
17 Phan Văn Sáu 9 tháng 4 năm 2016 25 tháng 10 năm 2017 1 năm, 199 ngày Tổng Thanh tra Chính phủ
18 Lê Minh Khái 26 tháng 10 năm 2017 7 tháng 4 năm 2021 3 năm, 163 ngày Tổng Thanh tra Chính phủ
19 Đoàn Hồng Phong 8 tháng 4 năm 2021 nay 3 năm, 9 ngày Tổng Thanh tra Chính phủ

Chú thích sửa

  1. ^ “Số liệu ngân sách nhà nước”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2018.
  2. ^ “Thủ tướng bổ nhiệm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ”. Báo VietNamNet. ngày 30 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2017.
  3. ^ phủ, Cổng Thông tin điện tử Chính. “Luật số 11/2022/QH15 của Quốc hội: Luật Thanh tra”. vanban.chinhphu.vn. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2024.
  4. ^ Sắc lệnh 64-SL năm 1945
  5. ^ Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ[liên kết hỏng]
  6. ^ Sắc lệnh 80-SL năm 1945
  7. ^ “Cù Huy Cận - Người suốt đời gắn bó với cách mạng và thơ”. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2011.
  8. ^ a b c d e f g "Lịch sử Thanh tra Việt Nam 1945-2005". Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
  9. ^ Sắc lệnh 138 C-SL năm 1949
  10. ^ Sắc lệnh 261/SL năm 1956
  11. ^ Sắc lệnh 263/SL năm 1956[liên kết hỏng]
  12. ^ Nghị quyết 26/HĐBT năm 1984
  13. ^ Sắc lệnh 234/SL năm 1947[liên kết hỏng]
  14. ^ Mất khi tại nhiệm.
  15. ^ Sắc lệnh 115/SL năm 1952
  16. ^ a b Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa IV (1971-1975)[liên kết hỏng]
  17. ^ a b “Nghị quyết 166/NQ-HĐNN7 năm 1982”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2011.
  18. ^ a b Báo cáo công tác của Hội đồng Nhà nước tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa VIII[liên kết hỏng]
  19. ^ Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam ngày 28 tháng 6 năm 1988
  20. ^ a b Nghị quyết 149 NQ/HĐNN8 năm 1989[liên kết hỏng]
  21. ^ a b Nghị quyết ngày 3 tháng 10 năm 1995 tại kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Việt Nam khóa IX
  22. ^ Nghị quyết 03/2002/QH11 năm 2002

Liên kết ngoài sửa