Chủ nghĩa tự do
Chủ nghĩa tự do là một hệ tư tưởng, quan điểm triết học, và truyền thống chính trị dựa trên các giá trị về tự do và bình đẳng.[1] Chủ nghĩa tự do có nguồn gốc từ phong trào Khai sáng ở phương Tây, nhưng thuật ngữ này mang nhiều nghĩa khác nhau trong các giai đoạn khác nhau. Như tại Mỹ, khái niệm chủ nghĩa tự do (liberalism) có ý nói đến chủ nghĩa tự do xã hội (Social liberalism), chủ nghĩa tự do hiện đại, trong khi ở các nơi khác nó vẫn mang ý nghĩa ban đầu của chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism).
Một cách khái quát, chủ nghĩa tự do nhấn mạnh đến quyền cá nhân. Nó đi tìm kiếm một xã hội có đặc điểm là tự do tư tưởng, quyền dân sự và chính trị cho mỗi cá nhân, và hạn chế quyền lực cai trị (nhất là của nhà nước và tôn giáo), pháp trị, tự do trao đổi tư tưởng, một nền kinh tế thị trường hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tự do, và một hệ thống chính phủ minh bạch trong đó các quyền của công dân được bảo vệ[2]. Trong xã hội hiện đại, người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ một nền dân chủ tự do có bầu cử công bằng và công khai mà mọi công dân đều được hưởng quyền bình đẳng trước pháp luật và có cơ hội thành công như nhau.[3]
Nhiều người theo chủ nghĩa tự do mới ủng hộ sự can thiệp nhiều hơn của nhà nước đến thị trường tự do, thường dưới hình thức các đạo luật chống phân biệt, phổ cập giáo dục và đánh thuế lũy tiến. Triết lý này thường được mở rộng sang cả niềm tin rằng chính phủ phải có trách nhiệm tạo ra phúc lợi chung, trong đó có cả trợ cấp thất nghiệp, nhà ở cho người không nơi cư trú và chăm sóc y tế cho người ốm. Những hoạt động và sự can thiệp mang tính công cộng như trên không được sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển hiện đại, một chủ nghĩa nhấn mạnh đến tự do doanh nghiệp tư nhân, quyền sở hữu tài sản của cá nhân và tự do khế ước; các nhà tự do cổ điển cho rằng bất bình đẳng kinh tế là điều tự nhiên diễn ra từ sự cạnh tranh của thị trường tự do và không phải là lý do để dựa vào đó mà có thể vi phạm quyền sở hữu tài sản cá nhân.
Chủ nghĩa tự do phủ nhận nhiều giả thuyết nền tảng đã thống trị các lý thuyết đầu tiên về nhà nước, chẳng hạn như thần quyền của vua chúa, vị trí có được do thừa kế và quốc giáo. Những quyền căn bản của con người mà tất cả những người theo chủ nghĩa tự do đều ủng hộ là quyền được sống, quyền tự do và quyền sở hữu tài sản.
Cách sử dụng rộng rãi nhất đối với thuật ngữ "chủ nghĩa tự do" là trong ngữ cảnh của một nền dân chủ tự do. Theo nghĩa này, chủ nghĩa tự do dùng để chỉ một nền dân chủ trong đó quyền lực nhà nước bị giới hạn và quyền của công dân được pháp luật công nhận; điều này gần như là thống nhất trong các nền dân chủ phương Tây, nên do vậy, không chỉ có các đảng tự do (liberal party) mới được hiểu là gắn liền với chủ nghĩa này.
Từ nguyên
sửaTrong nhiều ngôn ngữ phương Tây, từ tự do xuất phát từ liber của tiếng Latinh, có nghĩa tự do, không phải nô lệ. Từ này đi liền với từ liberty trong tiếng Anh và khái niệm tự do. Livy trong tác phẩm History of Rome from Its Foundation mô tả cuộc đấu tranh vì tự do giữa phe bình dân (plebeian) và phe quý tộc (patrician).[4] Hoàng đế Marcus Aurelius - được mệnh danh là một vị vua - triết gia lý tưởng,[5] trong tác phẩm "Suy ngẫm", đã viết về:
“ |
...ý niệm về một thực thể chính trị được quản lý theo cách sao cho có quyền bình đẳng và có tự do bình đẳng trong ngôn luận, và ý niệm về một nhà nước quân chủ tôn trọng tự do của những người bị trị... |
” |
— Marcus Aurelius Antoninus Augustus[6] |
Âm ỉ suốt trong đêm trường Trung Cổ, cuộc đấu tranh vì tự do bắt đầu từ phong trào Phục hưng Ý, trong cuộc đấu tranh giữa một bên là những người ủng hộ các thành bang độc lập và một bên là những người ủng hộ Giáo hoàng hay Hoàng đế La Mã Thần thánh. Nhà triết học Niccolò Machiavelli, trong tác phẩm Discourses on Livy, đã đặt ra các nguyên tắc cho một chính phủ cộng hòa.[7] John Locke và các nhà tư tưởng của phong trào Khai sáng Pháp tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do trên cơ sở dân quyền.
Từ điển Oxford English Dictionary (OED) cho biết từ liberal đã được sử dụng từ lâu trong tiếng Anh với ngữ nghĩa phù hợp với người tự do, quý tộc, hào phóng như được sử dụng trong từ liberal arts (nghệ thuật tự do); và cũng có nghĩa tự do không bị ràng buộc trong ngôn luận và hành động, như trong cụm từ liberal with the purse (tự do tiêu xài), hay liberal tongue (tự do phát ngôn), thường được sử dụng với ý nghĩa trách mắng, nhưng từ đầu những năm 1776–1788 được sử dụng với ý sắc thái tích cực hơn bởi Edward Gibbon và nhiều người khác khi có nghĩa tự do khỏi định kiến, khoan dung (free from prejudice, tolerant).[8]
Cũng theo OED, trong tiếng Anh từ này lần đầu tiên sử dụng với nghĩa có xu hướng ủng hộ tự do và dân chủ bắt đầu từ năm 1801 và bắt nguồn từ tiếng Pháp (libéral), "ban đầu dùng trong tiếng Anh bởi những người chống đối (thường viết nguyên tiếng Pháp với hàm ý ám chỉ tình trạng vô luật pháp của người ngoại bang)". Từ điển cũng đưa ra trích dẫn ban đầu của từ này trong tiếng Anh: The extinction of every vestige of freedom, and of every liberal idea with which they are associated. (Sự biến mất mọi dấu vết của tự do, và mọi ý tưởng tự do đi liền với nó).[9]
Cuộc chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ đã dựng nên một nhà nước đầu tiên có một hiến pháp dựa trên khái niệm về một nhà nước tự do, cụ thể là ý niệm nhà nước cai trị dựa trên sự đồng thuận của những người bị trị. Các phần tử tư bản ôn hòa trong Cách mạng Pháp đã cố thiết lập một nhà nước dựa trên các nguyên tắc tự do. Những nhà kinh tế như Adam Smith trong tác phẩm "Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia" (tiếng Anh: The Wealth of Nations) (1776) đã đề ra các nguyên tắc tự do của thương mại tự do.[10] Các tác giả của Hiến pháp Tây Ban Nha 1812, soạn tại Cádiz, có thể là những người đầu tiên sử dụng từ liberal trong ngữ cảnh chính trị với vai trò một danh từ. Họ tự đặt cho mình tên gọi là Liberales để bày tỏ thái độ chống đối lại quyền lực tuyệt đối của nhà vua trong nền quân chủ Tây Ban Nha.[11]
Bắt đầu từ cuối thế kỷ 18, chủ nghĩa tự do đã trở thành một hệ tư tưởng chính trên hầu khắp các nước phát triển.[12]
Xu hướng
sửaTuy có những đặc điểm chung như đã trình bày ở trên, giữa những người theo đuổi chủ nghĩa tự do vẫn có những bất đồng và tranh chấp sâu sắc, thường khá gay gắt. Xuất phát từ những bất đồng này, và đều phát triển từ chủ nghĩa tự do cổ điển, là những xu hướng khác nhau của chủ nghĩa tự do. Cũng như trong nhiều cuộc tranh luận, các phe đối lập nhau sử dụng những từ ngữ khác nhau cho cùng niềm tin, và đôi khi sử dụng những từ ngữ giống nhau cho những niềm tin khác nhau. Trong bài này, cụm từ "chủ nghĩa tự do chính trị" nói về lý tưởng ủng hộ việc thay thế nền quân chủ chuyên chế hay độc tài bằng một nền dân chủ tự do (có thể là cộng hòa hoặc quân chủ lập hiến); và cụm từ "chủ nghĩa tự do văn hóa" nói về lý tưởng ủng hộ đặt tự do cá nhân lên trên cả những luật pháp hạn chế tự do vì các lý do ái quốc hay tôn giáo; cụm từ "chủ nghĩa tự do kinh tế" được dùng để chỉ lý tưởng ủng hộ quyền tư hữu vượt lên trên cả sự điều phối của chính phủ; và cụm từ "chủ nghĩa tự do xã hội" để chỉ lý tưởng ủng hộ bình đẳng và đặt bình đẳng lên trên sự bất bình đẳng về cơ hội. Thuật ngữ "chủ nghĩa tự do hiện đại" trong bài có ý nói đến hỗn hợp các hình thái chủ nghĩa tự do trên, phát triển tại đa số các nước thuộc Thế giới thứ nhất hiện nay, chứ không nói đến thuần túy một trong các dạng đã liệt kê ở trên.
Có một số nguyên tắc chung mà hầu hết những người theo chủ nghĩa tự do nói chung đều thống nhất:
- Chủ nghĩa tự do chính trị là niềm tin rằng các cá nhân là cơ sở nền tảng của luật pháp và xã hội, và rằng xã hội cùng các thể chế của nó tồn tại là để nâng cao cải thiện mục đích cuối cùng của các cá nhân mà không ưu tiên những người có vị thế cao hơn trong xã hội. Magna Carta là một ví dụ về một văn kiện chính trị đã xem quyền của các cá nhân thậm chí cao hơn cả đặc quyền của vua chúa.[13] Chủ nghĩa tự do chính trị nhấn mạnh đến khế ước xã hội, theo đó các công dân soạn ra các bộ luật và nhất trí tuân thủ các bộ luật này. Quan điểm này dựa trên niềm tin cho rằng các cá nhân là những người biết rõ nhất về những gì là tốt nhất cho họ. Chủ nghĩa tự do chính trị công nhận quyền bầu cử cho tất cả các công dân đủ tuổi trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc và tình trạng kinh tế. Chủ nghĩa tự do chính trị nhấn mạnh đến vai trò của pháp trị và ủng hộ nền dân chủ tự do.[14]
- Chủ nghĩa tự do văn hóa tập trung vào quyền của các cá nhân được duy trì cách sống và lương tâm của mình, bao gồm cả các vấn đề như tự do tình dục, tự do tôn giáo, tự do nhận thức, và được bảo vệ khỏi sự can thiệp của chính phủ vào cuộc sống riêng của cá nhân. John Stuart Mill đã diễn tả thấu đáo chủ nghĩa tự do văn hóa trong bài luận On Liberty (Bàn về tự do) của mình, ông viết:
“ |
Mục đích cuối cùng duy nhất, mà vì nó con người (cá nhân hay tập thể) được phép can thiệp vào quyền tự do hành động của bất cứ một hay một nhóm người khác, là sự tự bảo vệ. Do vậy, lý do duy nhất cho việc thi hành quyền lực một cách đúng đắn đối với bất cứ một thành viên nào trong một cộng đồng văn minh, đi ngược lại với ý muốn của anh ta, là để ngăn chặn sự xâm hại đến người khác. Điều tốt lành cho riêng anh ta, dù về thể chất hay đạo đức, không phải một lý do đủ xác đáng. |
” |
— John Stuart Mill[15] |
- Chủ nghĩa tự do văn hóa thường chống lại các luật lệ của chính phủ về văn học, nghệ thuật, học thuật, cờ bạc, tình dục, mại dâm, phá thai, kế hoạch hóa gia đình, quyền được chết (để chấm dứt đau đớn bệnh tật), rượu và ma túy và các loại chất kích thích khác. Nhiều nhà theo chủ nghĩa tự do chống lại một số hay thậm chí tất cả mọi can thiệp của nhà nước trong các lĩnh vực kể trên. Theo khía cạnh này thì Hà Lan có lẽ là nước tự do nhất trên thế giới hiện nay.[16]
Tuy nhiên, có một số xu hướng của chủ nghĩa tự do thể hiện những quan điểm rất khác biệt nhau:
- Chủ nghĩa tự do kinh tế, còn gọi là chủ nghĩa tự do cổ điển hoặc chủ nghĩa tự do Manchester, là một hệ tư tưởng ủng hộ quyền tư hữu và tự do khế ước. Theo chủ nghĩa này, nếu thiếu một trong hai quyền đó thì việc thực hiện các quyền tự do khác sẽ là không thể. Chủ nghĩa này ủng hộ chủ nghĩa tư bản laissez-faire, có nghĩa là việc rỡ bỏ các rào cản pháp lý về thương mại và chấm dứt những ưu đãi của chính phủ như bao cấp hay độc quyền. Một số người theo chủ nghĩa tự do kinh tế muốn rằng chính phủ điều tiết thị trường càng ít càng tốt hay thậm chí không điều tiết gì cả. Một số khác chấp nhận các hạn chế mà chính phủ đặt ra đối với các công ty độc quyền và cartel, một số khác lại tranh luận rằng chính các hành động của chính phủ đã tạo ra các công ty độc quyền và cartel. Chủ nghĩa tự do kinh tế quan niệm giá trị của hàng hóa và dịch vụ nên được quyết định bởi sự lựa chọn tự do của các cá nhân, tức là theo các động lực của thị trường. Một số thậm chí còn cho rằng cần cho phép các quy luật thị trường hoạt động ngay cả trong những lĩnh vực mà theo truyền thống vẫn do chính phủ độc quyền, như an ninh và tòa án. Chủ nghĩa tự do kinh tế chấp nhận sự bất bình đẳng kinh tế xuất phát từ vị trí thỏa thuận không cân bằng (unequal bargaining position), do nó là kết quả tự nhiên của cạnh tranh, miễn là không có sự cưỡng bách. Hình thức chủ nghĩa tự do này đặc biệt chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do Anh vào giữa thế kỷ 19. Chủ nghĩa tư bản chính phủ ít can thiệp (minarchism) và chủ nghĩa tư bản vô chính phủ là các hình thức khác của chủ nghĩa tự do kinh tế.[17]
- Chủ nghĩa tự do xã hội, còn được biết đến với tên gọi chủ nghĩa tự do mới (new liberalism, khác với tân chủ nghĩa tự do – neoliberalism) và còn gọi là chủ nghĩa tự do cải lương, phát triển từ cuối thế kỷ 19 tại nhiều nước phát triển, do ảnh hưởng của thuyết vị lợi của Jeremy Bentham và John Stuart Mill.[18] Một số nhà tự do đã chấp nhận một phần hoặc tất cả học thuyết của chủ nghĩa Marx và những người theo chủ nghĩa xã hội về sự bóc lột và các phê phán của các nhà tư tưởng kinh điển này về "động cơ lợi nhuận ", và kết luận rằng nhà nước cần sử dụng quyền lực của mình để sửa chữa những tồn tại đó. Theo nguyên lý của hình thức chủ nghĩa tự do này, như John Dewey [19] và Mortimer Adler [20] mô tả, vì các cá nhân là cơ sở của xã hội, tất cả các cá nhân cần được tiếp cận và được thỏa mãn đầy đủ những gì thiết yếu cơ bản như giáo dục, cơ hội kinh tế, và được bảo vệ khỏi những sự kiện vĩ mô có hại khác nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Với những người tự do xã hội, những lợi ích kể trên cũng được xem là quyền. Các quyền tích cực này, nghĩa là những gì cần được tạo ra và được cung cấp bởi những người khác, khác biệt về chất so với các quyền tiêu cực cổ điển – những quyền chỉ đòi hỏi người khác không xâm hại. Đối với những người tự do xã hội, việc đảm bảo các quyền tích cực là mục đích nối tiếp với dự án chung cho việc bảo vệ các quyền tự do. Trường học, thư viện, bảo tàng, và phòng trưng bày nghệ thuật là những nơi cần được hỗ trợ từ tiền thuế. Chủ nghĩa tự do xã hội ủng hộ một số hạn chế đối với cạnh tranh kinh tế như việc ban hành luật chống độc quyền hoặc kiểm soát giá cả cho phù hợp với tiền lương ("luật về lương tối thiểu"). Chủ nghĩa tự do xã hội cũng trông chờ nhà nước cung cấp một mức phúc lợi cơ bản lấy từ tiền thuế, với mục đích tạo cơ hội cho việc sử dụng tốt nhất tài năng trong dân chúng, để tránh xảy ra cách mạng, hoặc đơn giản là "vì lợi ích cộng đồng".[21]
Cuộc đấu tranh giữa tự do kinh tế và bình đẳng xã hội gần như là một việc xưa như chính tự do. Nhà tiểu sử học Plutarchus, khi viết về Solon (khoảng 639 - 559 TCN), nhà lập pháp của thành bang Athena thời cổ đại, đã ghi nhận:
“ |
Việc xóa nợ là một điểm độc đáo của Solon; đó chính là phương tiện vĩ đại của ông để khẳng định quyền tự do của công dân; bởi vì một bộ luật chỉ tôn trọng quyền bình đẳng của người dân vẫn sẽ là vô dụng, khi người nghèo phải hy sinh các quyền đó để trả nợ, và ngay cả tại những nơi được coi là đất thánh của sự bình đẳng, như tại tòa án, công sở hay trong các cuộc thảo luận công cộng, lại chính là những nơi thiên vị và chịu sự sai khiến của người giàu hơn hẳn bất cứ nơi nào khác. |
” |
— Plutarchus [22] |
Những nhà tự do kinh tế cho rằng các quyền tích cực nhất thiết vi phạm các quyền tiêu cực, và do vậy là không chính đáng. Họ trông chờ một vai trò hạn chế của nhà nước. Một số không thấy nhà nước có chức năng thích đáng nào, trong khi một số khác (minarchists) muốn hạn chế vai trò của nhà nước trong phạm vi tòa án, cảnh sát, quốc phòng. Ngược lại, các nhà tự do xã hội cho rằng nhà nước có vai trò lớn trong việc nâng cao phúc lợi chung, cung cấp một số hoặc tất cả các dịch vụ sau: cái ăn chốn ở cho những người không thể tự kiếm được, chăm sóc y tế, trường học, lương hưu, chăm sóc trẻ em và người tàn tật và người già không thể tự lao động, hỗ trợ các nạn nhân thiên tai, bảo vệ các nhóm thiểu số, phòng ngừa tội phạm, và hỗ trợ khoa học và nghệ thuật. Điều này đồng nghĩa với việc xa rời ý tưởng về một nhà nước hạn chế. Cả hai hình thức trên của chủ nghĩa tự do đều hướng đến cùng một đích chung – tự do – nhưng lại bất đồng sâu sắc về phương cách nào là tốt nhất và đạo đức nhất để đạt được tự do. Một số đảng tự do nhấn mạnh vào tự do kinh tế trong khi số khác nhấn mạnh tự do xã hội. Còn các đảng bảo thủ thường ủng hộ chủ nghĩa tự do kinh tế và phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa tự do xã hội và văn hóa.
Trong tất cả các hình thức của chủ nghĩa tự do kể trên đều có một niềm tin chung là cần có sự cân bằng giữa trách nhiệm của nhà nước và tư nhân, và nhà nước cần được hạn chế chỉ trong phạm vi những nhiệm vụ mà tư nhân không thể làm tốt. Tất cả các hình thức của chủ nghĩa tự do đều tuyên bố bảo vệ phẩm cách và sự tự quyết của mỗi cá nhân trước luật pháp, tất cả đều tuyên bố rằng tự do hành động cho cá nhân sẽ mang lại một xã hội tốt nhất. Chủ nghĩa tự do lan rộng trong thế giới hiện đại đến mức gần như tất cả các nước phương Tây đều chí ít cũng nói mồm rằng tự do cá nhân là nền tảng của xã hội.
Ảnh hưởng tương đối
sửaNhững nhà tư tưởng đầu tiên của phong trào Khai sáng đã đối lập chủ nghĩa tự do với chủ nghĩa độc đoán thời Ancien Régime (Chế độ cũ – hệ thống chính trị xã hội Pháp dưới các triều đại Valois và Bourbon), chủ nghĩa phong kiến, chủ nghĩa trọng thương, và của Giáo hội Công giáo La Mã. Sau này, trong suốt Cách mạng Pháp vào thế kỷ 19, khi các nhà triết học cấp tiến hơn phát biểu rõ tư tưởng của mình, chủ nghĩa tự do xác định mình đối lập với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, mặc dầu các đảng tự do hiện đại ở châu Âu đã thường thành lập liên minh với các đảng dân chủ xã hội. Trong thế kỷ 20, chủ nghĩa tự do tự xác định mình đối lập với chế độ chuyên chế và chủ nghĩa tập thể. Một số nhà tự do hiện đại đã phủ nhận học thuyết chiến tranh chính nghĩa (học thuyết này nhấn mạnh tính trung lập và tự do thương mại) để ủng hộ chủ nghĩa can thiệp đa nguyên và an ninh chung.
Chủ nghĩa tự do ủng hộ sự hạn chế quyền lực chính phủ. Chủ nghĩa tự do cực đoan chống nhà nước, như Frederic Bastiat, Gustave de Molinari, Herbert Spencer và Auberon Herbert ủng hộ, là một hình thức cấp tiến của chủ nghĩa tự do gọi là chủ nghĩa vô chính phủ (không hề có chính phủ) hoặc minarchism (chính phủ tối thiểu, đôi khi gọi là chính phủ gác đêm).[23] Các hình thức chống nhà nước của chủ nghĩa tự do thường được gọi là chủ nghĩa tự do cá nhân. Phần lớn những người tự do đều cho rằng cần có chính phủ là để bảo vệ các quyền, tuy nhiên nghĩa của "nhà nước" có thể trải từ việc chỉ là một tổ chức để bảo vệ quyền cho đến hình thức nhà nước của Max Weber. Gần đây, chủ nghĩa tự do lại một lần nữa xung đột với những người tìm cách xây dựng một xã hội được quy định bởi các giá trị tôn giáo; Hồi giáo cấp tiến thường chối bỏ hoàn toàn tư tưởng tự do, còn các phái Cơ Đốc giáo cấp tiến ở các nước dân chủ - tự do phương Tây, đặc biệt là Mỹ, thường thấy các quan niệm đạo đức của họ mâu thuẫn với các luật lệ và lý tưởng theo xu hướng tự do chủ nghĩa.
Phát triển
sửaNguồn gốc của tư tưởng tự do
sửaTrọng tâm vào tự do với vai trò là quyền căn bản của con người trong một xã hội có tổ chức đã liên tục được khẳng định trong suốt lịch sử. Ở trên đã đề cập đến mâu thuẫn giữa quý tộc và bình dân ở La Mã cổ đại và các cuộc đấu tranh của các thành bang ở Ý chống lại nhà nước của Giáo hoàng. Các nước Cộng hòa Firenze và Venezia đã có các hình thức bầu cử, luật pháp, và theo đuổi doanh nghiệp tự do gần như trong suốt thế kỷ 15 cho đến khi bị cai trị bởi các thế lực ngoại bang vào thế kỷ 16. Cuộc đấu tranh của người Hà Lan chống lại sự đè nén của Công giáo Tây Ban Nha trong cuộc Chiến tranh Tám năm thường được xem là tiên phong của các giá trị tự do, dù phủ nhận tự do cho những người Công giáo.
Với vai trò là một hệ tư tưởng, chủ nghĩa tự do bắt nguồn từ chủ nghĩa nhân văn - hệ tư tưởng đã mở đầu cho sự thách thức quyền lực của Cơ Đốc giáo, khi đó đã trở thành quốc giáo, trong thời kỳ Phục hưng, và đảng Whig trong cuộc Cách mạng Vinh quang tại Anh Quốc, việc họ đòi quyền được chọn vua được xem là tiền thân của các tuyên bố về học thuyết quyền tối cao thuộc về nhân dân (popular sovereignty). Tuy nhiên, các phong trào được xem là thực sự thuộc về "chủ nghĩa tự do" bắt đầu từ thời đại Khai sáng, từ đảng Whig của nước Anh, các triết gia Khai sáng của nước Pháp, và từ phong trào đòi chính quyền tự trị tại các thuộc địa của Đế quốc Anh tại Bắc Mỹ. Những phong trào này đối lập với quân chủ tuyệt đối, chủ nghĩa trọng thương, và nhiều hình thức tôn giáo chính thống và thuyết giáo quyền khác. Họ cũng là những người đầu tiên xây dựng nên các quan niệm về quyền cá nhân trong một nền pháp trị cũng như tầm quan trọng của một chính quyền tự trị thông qua việc bầu ra các đại diện.
Sự đoạn tuyệt với quá khứ chính là quan niệm rằng con người tự do có thể tạo thành nền tảng cho một xã hội bền vững. Ý tưởng này bắt nguồn từ John Locke (1632-1704), với tác phẩm Two Treatises on Government (Hai bài luận về chính phủ)[24] đã thiết lập nên hai ý niệm tự do căn bản: tự do kinh tế, có nghĩa là quyền sở hữu và sử dụng tài sản, và tự do tri thức, bao gồm cả tự do về lương tâm, được thể hiện qua A Letter Concerning Toleration (Bức thư về sự bao dung, 1689).[25] Tuy nhiên, ông không mở rộng quan điểm tự do tôn giáo của mình cho những người Công giáo La Mã. Locke phát triển hơn nữa ý niệm trước đó về các quyền tự nhiên, mà ông cho là gồm có "cuộc sống, tự do và tài sản". "Lý thuyết quyền tự nhiên" của ông đã đi tiên phong cho quan niệm hiện đại về quyền con người. Tuy nhiên, với Locke, tài sản quan trọng hơn quyền tham gia vào chính phủ và tham gia quyết định công, ông không thúc đẩy ý tưởng về dân chủ vì e rằng việc trao quyền cho người dân sẽ làm hỏng miền đất thánh của tài sản tư nhân. Tuy vậy, ý tưởng về quyền tự nhiên đã đóng vai trò then chốt trong việc xác lập hệ tư tưởng cho các cuộc Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp.
Tại lục địa châu Âu, Montesquieu đã trình bày chi tiết học thuyết về luật pháp hạn chế ngay cả vua chúa. Trong tác phẩm Tinh thần pháp luật, ông lý luận rằng: "Chính phủ hợp với tự nhiên nhất là chính phủ đồng ý cao nhất với thái độ và xu hướng của dân chúng về việc chính phủ này được thiết lập để phục vụ cho ai" thay vì chấp nhận một sự cai trị thuần túy bằng quyền lực là điều tự nhiên.[26] Theo sát ý tưởng này, nhà kinh tế chính trị Jean-Baptiste Say và Destutt de Tracy là những người tranh luận tích cực về "sự hài hòa" của thị trường, và có lẽ chính họ là những người đã đưa ra thuật ngữ laissez-faire. Ý tưởng này tiếp tục phát triển thành chủ nghĩa trọng nông và kinh tế chính trị của Rousseau.
Cuối thời kỳ Khai sáng Pháp có hai gương mặt tiêu biểu ảnh hưởng lớn đến tư tưởng tự do sau này: Voltaire, người tranh luận rằng người Pháp nên chấp nhận quân chủ lập hiến và giải thể Đẳng cấp thứ hai, và Rousseau, người biện hộ cho quyền tự do tự nhiên của loài người. Dưới nhiều hình thức khác nhau, cả hai tranh luận cho những sự thay đổi trong các cách tổ chức chính trị và xã hội dựa trên quan niệm rằng xã hội có thể hạn chế quyền tự do tự nhiên của con người nhưng không xóa bỏ bản chất của nó. Với Voltaire, quan niệm này thiên về mặt trí thức hơn, còn Rousseau, quan niệm này liên quan đến các quyền tự nhiên nội tại, nhiều khả năng là do chịu ảnh hưởng của Diderot. Rousseau đã tranh luận về tầm quan trọng của một quan niệm xuất hiện nhiều lần trong lịch sử của tư tưởng tự do, đó là khế ước xã hội. Ông cho rằng khế ước xã hội bắt nguồn từ bản chất của cá nhân, và khẳng định rằng mỗi cá nhân biết rõ nhất về lợi ích của chính mình. Ông khẳng định rằng con người sinh ra là tự do, nhưng giáo dục đã đủ sức cầm giữ con người trong xã hội. Khẳng định này đã làm rung chuyển xã hội quân chủ của thời ông. Khẳng định của ông về ý chí hữu cơ của một quốc gia biện hộ cho việc tự quyết của các dân tộc, lại một lần nữa đi ngược lại với thông lệ chính trị đã được xác lập. Các quan niệm của Rousseau là yếu tố cốt lõi trong tuyên ngôn của Quốc hội trong Cách mạng Pháp, và trong tư tưởng của những nhà cách mạng Mỹ như Benjamin Franklin và Thomas Jefferson. Trong quan điểm của ông, một sự đơn nhất của nhà nước là hành động phối hợp theo đồng thuận, hay nói cách khác là "ý chí quốc gia ". Sự đơn nhất này trong hành động sẽ cho phép nhà nước tồn tại mà không bị trói buộc vào các đẳng cấp xã hội sẵn có, chẳng hạn như giai cấp quý tộc.[27]
Nhóm những nhà tư tưởng có đóng góp chính, mà tác phẩm của họ được coi là một phần của chủ nghĩa tự do, là những người trong "phong trào Khai sáng Scotland", trong đó có David Hume và Adam Smith, và nhà triết học Khai sáng Đức Immanuel Kant. Các đóng góp của David Hume rất nhiều và phong phú, nhưng quan trọng nhất là khẳng định của ông rằng các quy tắc cơ bản của hành vi con người lấn át những cố gắng hạn chế hoặc điều tiết chúng, A Treatise of Human Nature, 1739-1740. Một ví dụ là việc ông không ủng hộ chủ nghĩa trọng thương và việc tích lũy vàng và bạc. Ông cho rằng giá cả có liên quan đến số lượng tiền tệ và việc giữ vàng và ban hành tiền giấy sẽ chỉ dẫn đến lạm phát.[28] Mặc dù Adam Smith là một nhà tư tưởng tự do kinh tế nổi tiếng nhất, nhưng không phải ông là người đầu tiên. Các nhà trọng nông ở Pháp đã chủ trương nghiên cứu hệ thống kinh tế chính trị và bản chất tự tổ chức của thị trường. Năm 1750, Benjamin Franklin đã có bài viết để ủng hộ tự do công nghiệp cho Bắc Mỹ.[29] Tại Thụy Điển-Phần Lan, thời kỳ chính phủ nghị viện và tự do cầm quyền từ năm 1718 đến 1772 đã sản sinh ra nghị sĩ Phần Lan, Anders Chydenius, người đã là một trong những người đầu tiên đề xuất tự do thương mại và nền công nghiệp không điều tiết, trong tác phẩm The National Gain (Thu nhập của quốc gia), 1765. Ảnh hưởng của ông kéo dài, đặc biệt ở khu vực Bắc Âu, và có tác động mạnh tới sự phát triển tại các khu vực khác.[30]
Adam Smith (1723-1790), người Scotland, đã xây dựng nên lý thuyết rằng mỗi cá nhân có thể tự xây dựng nên cuộc sống kinh tế và đạo đức mà không cần sự chỉ đạo của nhà nước, và rằng các quốc gia sẽ trở nên hùng mạnh nhất nếu công dân của họ được tự do theo đuổi ý kiến chủ động của mình. Ông ủng hộ chấm dứt sự điều tiết của chủ nghĩa phong kiến và trọng thương, chấm dứt các công ty độc quyền và bằng sáng chế được nhà nước cấp phép, và ông chủ trương một chính phủ laissez-faire. Trong tác phẩm The Theory of Moral Sentiments (Thuyết về cảm xúc đạo đức), 1759, ông xây dựng lý thuyết về động cơ thúc đẩy, thuyết này làm hài hòa giữa các lợi ích cá nhân của con người và một trật tự xã hội không có điều tiết.[31] Trong "Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia" (Quốc phú luận), 1776, ông lý luận rằng trong những điều kiện nhất định, nền kinh tế thị trường sẽ tự điều tiết một cách tự nhiên, và sẽ sản xuất ra nhiều của cải vật chất hơn một nền kinh tế với thị trường bị kiểm soát mà thời bấy giờ đang là một chuẩn mực. Ông gán cho chính phủ vai trò thực hiện những công việc không thể giao phó cho động cơ lợi nhuận, như việc ngăn chặn các cá nhân dùng quyền lực hay gian lận để làm nhũng loạn cạnh tranh, thương mại, và sản xuất. Lý thuyết của ông về thuế là nhà nước cần đánh thuế sao cho không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và rằng "Người dân của mỗi nhà nước cần đóng góp cho chính phủ theo tỷ lệ với khả năng của mình, tức là tỷ lệ thuận với lợi nhuận mà họ được hưởng nhờ sự bảo vệ của nhà nước". Ông đồng ý với Hume rằng sự thịnh vượng của một quốc gia chính là tư bản chứ không phải vàng.[32]
Nhà triết học người Đức Immanuel Kant chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa duy lý của Hume. Đóng góp chính của ông cho tư tưởng tự do là trong phạm trù luân lý học, đặc biệt là khẳng định của ông về lệnh thức tuyệt đối. Kant đã lý luận rằng với lệnh thức tuyệt đối, một hệ thống đạo đức và lý tính tuân theo luật của tự nhiên, và do vậy các cố gắng đè nén luật cơ bản này sẽ đều không thực hiện được. Chủ nghĩa duy tâm của ông trở nên có ảnh hưởng ngày càng lớn do nó khẳng định rằng tồn tại các chân lý cơ sở mà hệ thống tri thức có thể được xây dựng trên đó. Điều này phù hợp với các nhà tư tưởng Khai sáng Anh về các quyền tự nhiên.
Chủ nghĩa tự do cách mạng
sửaCác nhà tư tưởng nêu trên chỉ hoạt động trong bối cảnh chính trị quân chủ và trong các xã hội mà hệ thống giai cấp và nhà thờ là chuẩn mực. Mặc dù trước đó các cuộc chiến tranh giữa Ba Vương quốc đã dẫn tới nền cộng hòa Thịnh vượng chung Anh giữa năm 1649 và 1660, quan niệm rằng một người bình thường có thể tự quyết định thể chế cho chính họ đã bị đè nén trong thời kỳ Trung hưng của chế độ quân chủ (Restoration) và sau đó cũng chỉ là lý thuyết cho đến tận các cuộc Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp. Cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688 thường được trích dẫn như là một tiền lệ, nhưng thực ra cuộc Cách mạng này chỉ thay một nền quân chủ này bằng một nền quân chủ khác. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng đó cũng làm suy yếu quyền lực quân chủ và gia tăng quyền lực của Nghị viện Anh, một cơ quan đã từ chối chấp nhận sự thừa kế ngai vàng của phái Jacobite. Ý tưởng cộng hòa của phái Cấp tiến đã ảnh hưởng đến cả hai cuộc Cách mạng cuối thế kỷ 18 này mà sau này trở thành các ví dụ điển hình mà những người tự do cách mạng sau này theo đuổi. Cả hai cuộc Cách mạng đều sử dụng Dân quyền hoặc quyền được trao bởi "Tự nhiên và Chúa của Tự nhiên" (theo lời của Henry St. John) làm biện minh triết học cho mình.[33] Cả hai cuộc cách mạng đều phủ nhận cả truyền thống lẫn hệ thống quyền lực hiện hữu.
Thomas Paine, Thomas Jefferson và John Adams là những tên tuổi đã thuyết phục nhân dân Mỹ vùng lên khởi nghĩa vì lý tưởng "cuộc sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc", khẩu hiệu này lặp lại phát ngôn của Locke nhưng với một thay đổi quan trọng (thay đổi này bị Alexander Hamilton phản đối). Jefferson đã thay từ "tài sản" của Locke bằng cụm từ "mưu cầu hạnh phúc". Cuộc "Thí nghiệm Mỹ" đã thiên về chính quyền dân chủ và quyền tự do cá nhân.[34]
James Madison là một gương mặt nổi bật trong thế hệ tiếp theo của các lý thuyết gia chính trị của nước Mỹ, ông tranh luận rằng trong một nền cộng hòa, sự tự trị phụ thuộc vào bối cảnh "quyền lợi chống lại quyền lợi ", do vậy nó bảo đảm cho quyền của các nhóm thiểu số, đặc biệt là các nhóm thiểu số trong kinh tế.[35] Hiến pháp Hoa Kỳ đã thể chế hóa một hệ thống kiểm soát và cân bằng đối trọng: chính quyền liên bang được cân bằng trên cơ sở quyền của các tiểu bang; các nhánh hành pháp, lập pháp và xét xử; và cơ quan lập pháp lưỡng viện. Mục đích là đảm bảo tự do bằng cách ngăn cản sự tập trung quyền lực vào tay của bất kỳ một người nào. Quân đội thường trực bị nghi ngờ, và có niềm tin rằng lực lượng dân quân là đủ để phòng vệ, cùng với hải quân do chính phủ duy trì để phục vụ mục đích bảo vệ thương mại.[36]
Cuộc Cách mạng Pháp đã lật đổ nền quân chủ, xóa bỏ đẳng cấp quý tộc, và công chức hóa toàn bộ hệ thống Giáo hội Công giáo La mã. Những nhà cách mạng Pháp đã mạnh mẽ hơn và ít thỏa hiệp hơn so với những người Cách mạng ở Mỹ. Thời điểm mấu chốt của cuộc Cách mạng Pháp chính là thời điểm các đại diện Đẳng cấp thứ ba tuyên bố họ chính là "Quốc hội" và có quyền phát ngôn thay mặt cho người dân nước Pháp. Trong những năm đầu, cuộc Cách mạng được dẫn dắt bởi lý tưởng tự do, nhưng sự chuyển tiếp từ cách mạng sang ổn định đã tỏ ra khó khăn hơn so với sự chuyển tiếp tương tự ở Mỹ. Bên cạnh các truyền thống Khai sáng bản địa, một số nhà lãnh đạo giai đoạn đầu của Cách mạng như Lafayette đã từng chiến đấu trong cuộc Chiến tranh giành độc lập của Mỹ chống lại Anh, và chịu ảnh hưởng của tư tưởng tự do kiểu Mỹ. Sau này, dưới sự lãnh đạo của Maximilien Robespierre, phái Jacobin đã thâu tóm quyền lực và hủy bỏ gần như hầu hết mọi mặt của một quá trình xét xử theo trình tự thủ tục quy định bởi luật pháp, và dẫn đến thời kỳ Chuyên chính (La Terreur). Thay cho một hiến pháp cộng hòa, Napoléon Bonaparte đã leo dần lên vai trò Đốc chính, rồi lên ngôi Hoàng đế (1805). Trước lúc chết, ông đã thú nhận "Họ đã muốn có một Washington nữa", hàm ý một người có thể dùng quân sự thiết lập một nhà nước mới mà không mong muốn một triều đại mới. Tuy nhiên cuộc Cách mạng Pháp đã đi xa hơn cuộc Cách mạng Mỹ trong việc thiết lập lý tưởng tự do với những chính sách cụ thể như phổ thông đầu phiếu, quyền công dân, và đi xa hơn nữa trong bản Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền, nếu so với Đạo luật nhân quyền Hoa Kỳ (Bill of rights) của Mỹ.[37] Một trong những tác dụng phụ của các chiến dịch quân sự của Hoàng đế Napoléon I là đã truyền bá các tư tưởng này ra khắp châu Âu.
Từ những ví dụ thực tế của nước Pháp và nước Mỹ đã làm phát sinh nhiều cuộc Cách mạng tiếp theo tại nhiều nước. Sự kiện quân Pháp của Napoléon Bonaparte lật đổ nền quân chủ Tây Ban Nha vào năm 1808 đã dẫn tới các phong trào tự trị và độc lập rộng khắp châu Mỹ La Tinh, nơi đã hướng tới lý tưởng tự do để thay thế cho tập đoàn thống trị quân chủ - nhà thờ của thời kỳ thuộc địa. Các phong trào, chẳng hạn cuộc đấu tranh của Simón Bolívar lãnh đạo tại các nước vùng Andean, đã mong muốn xây dựng một nhà nước lập hiến, quyền cá nhân và thương mại tự do. Cuộc đấu tranh giữa những người tự do và những đại diện bảo thủ của tập đoàn thống trị cũ vẫn diễn ra suốt cả thế kỷ tại châu Mỹ La Tinh, với những nhà tư tưởng tự do chống lại nhà thờ kinh viện như Benito Juárez tại Mexico đã tấn công vai trò truyền thống của Giáo hội Công giáo La Mã.
Cuộc chuyển tiếp sang xã hội tự do tại châu Âu đôi khi phải trải qua bạo lực cách mạng hoặc ly khai, và đã liên tục có các cuộc cách mạng và khởi nghĩa với lý tưởng tự do tại khắp châu Âu trong suốt nửa đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên, tại Anh và nhiều nước khác, quá trình vẫn được dẫn dắt bởi hoạt động chính trị thay vì do cách mạng, ngay cả khi quá trình này không phải hoàn toàn yên bình. Các cuộc xung đột bạo lực chống lại nhà thờ kinh viện của cuộc Cách mạng Pháp đã được những người phản đối vào thời bấy giờ, và trong suốt cả thế kỷ 19, cho là có nguồn gốc rõ ràng từ chủ nghĩa tự do. Đồng thời, trong thời gian đó nhiều người tự do Pháp cũng đã là nạn nhân của sự khủng bố của phe Jacobin.
Trong thời kỳ của Chủ nghĩa lãng mạn tiếp theo, quan niệm về tự do đã thay đổi từ việc chỉ là các đề xuất đến việc cải cách chính phủ hiện hành và yêu cầu thay đổi. Các cuộc Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp đã bổ sung từ "dân chủ" vào danh sách các giá trị mà tư tưởng tự do đề cao. Quan niệm rằng nhân dân là chủ và có khả năng đề ra tất cả các luật lệ cần thiết và làm cho chúng có hiệu lực, đã đi xa hơn các khái niệm của thời kỳ Khai sáng. Thay vì chỉ thuần túy khẳng định quyền của cá nhân trong nhà nước, tất cả quyền lực của nhà nước đều xuất phát từ bản chất của con người (quy luật tự nhiên), do Thiên Chúa mang lại (luật siêu tự nhiên), hoặc bởi khế ước ("sự đồng thuận đúng đắn của những người bị trị"). Chính điều này khiến sự thỏa hiệp với đẳng cấp quý tộc trước đó trở nên khó có khả năng xảy ra, và đối với những người bảo hoàng, bạo lực nảy sinh nhằm khôi phục trật tự là điều đúng đắn.
Đến đây, bản chất khế ước của tư tưởng tự do cần được nhấn mạnh. Một trong những tư tưởng căn bản của lớp các nhà tư tưởng đầu tiên của truyền thống tự do là quan niệm rằng các cá nhân thực hiện các thỏa thuận và sở hữu tài sản. Trong bối cảnh ngày nay, điều này không có vẻ là một khái niệm cấp tiến. Nhưng vào thời gian đó, đa số các luật về tài sản xác định rằng tài sản thuộc về một gia đình hoặc một người cụ thể trong gia đình, chẳng hạn "chủ gia đình". Các nghĩa vụ dựa trên các mối ràng buộc phong kiến về lòng trung thành thay vì dựa vào việc trao đổi các dịch vụ và hàng hóa. Dần dần, truyền thống tự do đưa ra quan niệm về sự đồng thuận tự nguyện và thỏa thuận tự nguyện là cơ sở cho pháp luật và nhà nước hợp pháp. Quan điểm này tiếp tục phát triển tư tưởng của Rousseau về khế ước xã hội.[39]
Từ năm 1774 cho đến năm 1848, có một số làn sóng cách mạng, mỗi cuộc cách mạng lại đòi hỏi vị thế ngày càng cao hơn cho quyền cá nhân. Các cuộc cách mạng đã đặt giá trị ngày càng cao cho sự tự trị. Điều này có thể dẫn đến ly khai - một khái niệm đặc biệt quan trọng trong các cuộc cách mạng dẫn đến việc Tây Ban Nha mất quyền kiểm soát trên hầu khắp đế quốc thuộc địa của mình tại châu Mỹ, và trong Cách mạng Mỹ. Các nhà tự do châu Âu, đặc biệt là sau Hiến pháp Pháp năm 1793, đã cho rằng, khi được xem là quy tắc đa số của những người nghèo không tài sản, dân chủ sẽ là thảm họa cho tài sản tư hữu. Họ ủng hộ việc hạn chế quyền bầu cử chỉ trong số những người có sở hữu một tài sản nhất định. Sau này, các nhà dân chủ tự do như Alexis de Tocqueville đã không nhất trí với quan điểm này.[40] Tại các nước mà cách tổ chức tài sản theo kiểu phong kiến (đất đai) vẫn còn thống trị, các nhà tự do ủng hộ sự thống nhất như là con đường dẫn đến tự do. Ví dụ điển hình là sự thống nhất Đức và Ý. Một phần quan trọng trong chương trình cách mạng chính là tầm quan trọng của giáo dục, một giá trị đã liên tục được nhấn mạnh từ thời Erasmus, đã trở nên ngày càng trọng tâm trong quan niệm về tự do.[41]
Các đảng tự do tại nhiều vương quốc châu Âu đã vận động ủng hộ cho một chính quyền nghị viện, tăng cường đại điện, mở rộng quyền bầu cử cho tất cả mọi người, và tạo ra một đối trọng với quyền lực của vua chúa. Chủ nghĩa tự do chính trị này thường được chèo lái bởi chủ nghĩa tự do kinh tế, tức là nguyện vọng muốn chấm dứt đặc quyền phong kiến, chấm dứt phường hội hay các công ty đặc quyền của hoàng gia, chấm dứt việc hạn chế quyền sở hữu, và bãi bỏ luật pháp không cho phép sự phát triển toàn diện của các tổ chức kinh tế và công ty tại các nước này. Tùy theo mức độ, người ta đã thấy các lực lượng này tại ngay cả những quốc gia chuyên chế như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Nhật Bản. Phong trào tự do chủ nghĩa ở Nhật Bản gắn liền với câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Đảng Tự do Itagaki Taisuke vào ngày 6 tháng 4 năm 1882 khi ông bị một nhóm cánh tả mưu sát tại Gifu:[42]
“ | Itagaki có thể chết, nhưng tự do thì không bao giờ! | ” |
— Itagaki Taisuke |
Sự kiện này khiến cho Đảng Tự do Nhật Bản trở nên được lòng công chúng trong khi Thiên hoàng Minh Trị phải hoảng hồn.[42] Tại Nga, từ năm 1772 cho đến năm 1881, các nhà quân chủ như Ekaterina II, Aleksandr I và Aleksaandr II tiến hành cải cách nhằm đưa nước Nga đến tình trạng tương đối "tự do". Nhất là Aleksandr II, với cải cách giải phóng nông nô vào năm 1861, chấm dứt hàng trăm năm nô lệ của người nông dân Nga. Nhưng một khi ông xóa bỏ kiểm duyệt, cho phép nhân dân Nga tự do đi du học nước ngoài, thì quần chúng Nga lại họp bàn tìm cách xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế, làm ông không hài lòng.[43] Do đó, Aleksandr II và các hoàng đế nêu trên thường hạn chế chủ nghĩa tự do vào cuối triều đại của họ.[44] Khi Đế quốc Nga suy sụp dưới sức nặng của những thất bại về kinh tế và quân sự thì các đảng tự do đã chiếm quyền kiểm soát Duma, và các cuộc cách mạng chống chính quyền đã nổ ra vào những năm 1905 và 1917. Sau này Piero Gobetti thiết lập nên học thuyết về "Cách mạng Tự do" để giải thích điều mà ông cho là yếu tố cấp tiến trong hệ tư tưởng tự do. Một ví dụ khác của cách mạng tự do là tại Ecuador, nơi mà năm 1895, Eloy Alfaro đã lãnh đạo một cuộc cách mạng "tự do cấp tiến" tách nhà nước ra khỏi nhà thờ, và mở rộng luật hôn nhân, và tham gia phát triển hạ tầng cơ sở và kinh tế.[45]
Phân liệt trong chủ nghĩa tự do
sửaVai trò của Nhà nước
sửaCuộc Cách mạng Công nghiệp đã làm gia tăng đáng kể của cải vật chất, nhưng đồng thời cũng đại diện cho sự phân tách quyết liệt khỏi trật tự truyền thống và mang đến những vấn đề xã hội mới như ô nhiễm, sự tụt hậu của một số nhóm cư dân, việc tăng dân cư quá mức ở đô thị và lao động trẻ em. Các tiến bộ khoa học và vật chất đã giúp tuổi thọ được nâng cao và giảm tỷ lệ tử vong, dân số tăng nhanh đáng kể. Các nhà tự do kinh tế như John Locke, Adam Smith, và Wilhelm von Humboldt đã từng cho rằng các vấn đề của xã hội công nghiệp sẽ tự chỉnh sửa mà không cần sự can thiệp của nhà nước.
Trong thế kỷ 19, chế độ bầu cử ở các nước phương Tây đều đã được mở rộng, và những người công dân mới được đi bầu thường ủng hộ những giải pháp của chính phủ giải quyết những vấn đề họ đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Tỷ lệ biết đọc biết viết tăng mạnh và sự phổ biến nhanh chóng của tri thức đã dẫn tới chủ nghĩa thực chứng xã hội dưới nhiều hình thức. Một số các nhà tự do yêu cầu phải có luật pháp chống lại lao động trẻ em và đòi hỏi có luật quy định tiêu chuẩn an toàn tối thiểu cho công nhân và mức lương tối thiểu. Các nhà tự do kinh tế laissez-faire chống lại với luận cứ rằng những luật như vậy là sự áp đặt không chính đáng lên cuộc sống, tự do, và tài sản, nếu như chưa muốn nhắc đến những hệ quả cản trở của nó đối với sự phát triển kinh tế.
Vào cuối thế kỷ 19, một tư tưởng tự do với tầm vóc ngày càng lớn khẳng định rằng, để được tự do, các cá nhân cần được tiếp cận đến các yêu cầu đòi hỏi trong đó có giáo dục và sự bảo vệ khỏi sự bóc lột. Năm 1911, Leonard Trelawny Hobhouse xuất bản Liberalism,[46] tóm tắt chủ nghĩa tự do mới (new liberalism), bao gồm cả việc chấp nhận dè dặt sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, và quyền tập thể để có công bằng trong giao dịch mà ông gọi là "sự đồng thuận hợp lý".
Chống lại những thay đổi này là một trào lưu của chủ nghĩa tự do mà trào lưu này trở nên ngày càng chống đối chính phủ hơn mà một số đã thích ứng với chủ nghĩa vô chính phủ. Gustave de Molinari[47] tại Pháp và Herbert Spencer[48] tại Anh là các đại biểu nổi bật.
Quyền tự nhiên và chủ nghĩa thực dụng
sửaTrong cuốn sách Sự hạn chế hành động của Nhà nước, tác giả người Đức Wilhelm von Humboldt đã xây dựng các khái niệm hiện đại của chủ nghĩa tự do.[49] John Stuart Mill là người phổ biến và mở rộng những tư tưởng này trong cuốn On Liberty (1859) và các tác phẩm khác. Ông chống lại xu hướng tập thể trong khi vẫn nhấn mạnh chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân. Ông tán thành quyền bầu cử cho phụ nữ và về cuối đời còn ủng hộ các hợp tác xã lao động.
Một trong các đóng góp quan trọng nhất của Mill là ông đã dùng chủ nghĩa thực dụng để biện minh cho chủ nghĩa tự do. Mill đã xây dựng nền móng cho các tư tưởng tự do trên cả phương tiện và thực tiễn, cho phép thống nhất giữa các ý tưởng chủ quan về tự do từ các nhà tư tưởng Pháp theo truyền thống Jean-Jacques Rousseau và các tư tưởng triết học thiên hơn về phái hữu của John Locke kiểu Anh.[50]
Chủ nghĩa tự do và dân chủ
sửaMối quan hệ[51] giữa chủ nghĩa tự do và dân chủ có thể tóm tắt bằng nhận xét nổi tiếng của Winston Churchill, "...dân chủ là dạng Nhà nước tệ nhất trừ tất cả những dạng khác..." Nói ngắn gọn, không có thứ gì thuộc về nền dân chủ đứng riêng rẽ mà có thể đảm bảo tự do thay vì chỉ là một chính thể chuyên chế của đám đông. Thuật ngữ dân chủ tự do tạo cảm giác về một cuộc hôn nhân hài hòa hơn là trên thực tế giữa hai nguyên tắc này.[52] Các nhà tự do đấu tranh cho việc thay thế chính phủ chuyên chế bằng chính phủ bị hạn chế: chính phủ bởi sự đồng thuận. Ý tưởng đồng thuận đề cập đến dân chủ. Và đồng thời, những người đặt nền móng cho những nền dân chủ tự do đầu tiên sợ luật pháp của số đông (mob rule), nên họ xây dựng các bản hiến pháp của các nên dân chủ tự do theo nguyên tắc kiềm chế và cân bằng (checks and balances) nhằm hạn chế quyền lực chính phủ bằng cách phân chia các quyền lực này giữa các nhánh. Đối với các nhà tự do, dân chủ tự nó không phải là một mục đích mà chỉ là một phương tiện cốt yếu để đảm bảo quyền tự do, tính cá nhân và tính đa dạng.[53]
Chủ nghĩa tự do và cấp tiến
sửaTại nhiều nước châu Âu và Mỹ Latinh vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã có các xu hướng chính trị cấp tiến kế thừa hoặc gần gũi với một xu hướng tự do kinh điển hơn. Tại một số nước, xu hướng cấp tiến là một biến thể của chủ nghĩa tự do nhưng kém phần kinh điển hơn và sẵn sàng chấp nhận các cải cách dân chủ hơn các nhà tự do truyền thống. Tại Anh, chủ nghĩa cấp tiến thống nhất với đảng Whig theo tư tưởng tự do truyền thống để thành lập Đảng Tự do. Tại các nước khác, các nhà tự do cánh tả cũng thành lập các đảng phái cấp tiến của họ với nhiều tên gọi khác nhau (Thụy Sĩ và Đức, Bulgary, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Hà Lan)[54] và cả ở Argentina và Chile.[55] Điều này không có nghĩa là tất cả các đảng cấp tiến đều là những người tự do cánh tả. Trong các văn bản chính trị Pháp thường có sự phân tách rõ ràng giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cấp tiến tại Pháp. Tại Serbia, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cấp tiến không có điểm gì chung. Nhưng ngay cả những người cấp tiến Pháp cũng đứng trong hàng ngũ của phong trào tự do quốc tế trong nửa đầu thế kỷ 20, trong tổ chức Entente Internationale des Partis Radicaux et des Partis Démocratiques similaires.[56]
Chủ nghĩa tự do và cuộc đại khủng hoảng
sửaMặc dù có một số tranh luận rằng liệu thời đó có tồn tại một nhà nước tư bản laissez-faire thực sự hay không,[57] cuộc Đại khủng hoảng vào những năm 1930 đã làm lay chuyển niềm tin của công chúng vào "chủ nghĩa tư bản laissez-faire" và "động cơ lợi nhuận" và làm nhiều người kết luận rằng nền thị trường không điều tiết không thể tạo ra sự giàu có và ngăn chặn nghèo đói. Nhiều nhà tự do đã băn khoăn về sự bất ổn định chính trị và sự hạn chế tự do mà họ tin rằng là do sự gia tăng bất bình đẳng tương đối về của cải. Một số nhân vật tiêu biểu theo đuổi cách biện luận này như John Dewey, John Maynard Keynes, và Franklin D. Roosevelt đã tranh luận ủng hộ việc tạo ra một bộ máy nhà nước tinh vi hơn để đóng vai trò là bức tường thành bảo vệ tự do cá nhân, cho phép chủ nghĩa tư bản tiếp tục phát triển trong khi vẫn bảo vệ công dân khỏi bị ảnh hưởng bởi những sự quá mức của chủ nghĩa này. Một số nhà tự do như Friedrich Hayek, với tác phẩm vẫn còn ảnh hưởng đến nay như The Road to Serfdom (Con đường tới chế độ nông nô)[58], đã tranh luận chống lại những thể chế mới này và tin rằng cuộc Đại khủng hoảng và Chiến tranh thế giới thứ hai là những sự kiện cá biệt mà một khi đã trải qua rồi thì không biện minh được cho một sự thay đổi vĩnh viễn trong vai trò của chính phủ.
Các nhà tư tưởng tự do như Lujo Brentano, Leonard Trelawny Hobhouse, Thomas Hill Green, John Maynard Keynes, Bertil Ohlin và John Dewey, đã miêu tả một nhà nước cần can thiệp như thế nào vào nền kinh tế để bảo vệ tự do trong khi vẫn tránh chủ nghĩa xã hội. Các nhà tự do này đã xây dựng nên lý thuyết về chủ nghĩa tự do hiện đại (còn gọi là "chủ nghĩa tự do mới", new liberalism, khác với chủ nghĩa tân tự do hiện nay, neolibaralism). Các nhà tự do hiện đại phủ nhận cả chủ nghĩa tư bản cấp tiến lẫn các yếu tố cách mạng của trường phái xã hội chủ nghĩa. Cụ thể, John Maynard Keynes đã có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng tự do trên cả thế giới. Đảng Tự do ở Anh, đặc biệt kể từ Ngân sách Nhân dân (People's Budget) của Lloyd George, đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của Keynes. Quốc tế Tự do, và Tuyên ngôn Tự do Oxford năm 1947 của tổ chức quốc tế các đảng tự do cũng như vậy. Tại Mỹ, ảnh hưởng của chủ nghĩa Keynes lên chính sách mới (New Deal) của Franklin D. Roosevelt đã dẫn đến việc chủ nghĩa tự do hiện đại đồng nghĩa với chủ nghĩa tự do kiểu Mỹ và Canada.[59]
Các nhà tự do khác như Friedrich August von Hayek,[60] Milton Friedman,[61] và Ludwig von Mises[62] vẫn lập luận rằng Đại khủng hoảng không phải là hậu quả của chủ nghĩa tư bản laissez-faire mà là kết quả của việc có quá nhiều can thiệp và điều tiết của chính phủ đối với thị trường. Trong tác phẩm Capitalism and Freedom (Chủ nghĩa tư bản và tự do) của Friedman,[61] ông giải thích rằng chính các quy định của chính phủ trước khi có Đại khủng hoảng, trong đó có các quy định ngặt nghèo về ngân hàng, đã ngăn không cho các ngân hàng phản ứng trước nhu cầu tiền tệ của thị trường. Hơn nữa, chính quyền liên bang Mỹ còn gắn chặt giá trị của tiền tệ vào giá trị của vàng. Chính giá trị này đã tạo ra lượng thặng dư vàng khổng lồ nhưng sau này khi giá trị đó xuống thấp đã dẫn đến việc xuất vàng ra khỏi nước Mỹ. Friedman và Hayek đều tin rằng chính khả năng không thể phản ứng trước nhu cầu tiền tệ đã làm cho người dân đổ xô đi rút tiền khiến các ngân hàng không thể xử trí, và chính tỷ giá trao đổi giữa vàng và đô la bị gắn chặt đã gây ra cuộc Đại khủng hoảng bằng cách tạo ra các áp lực giải lạm phát không có tác dụng. Ông còn tranh luận thêm rằng chính chính phủ đã làm cho công chúng Mỹ bị tổn thương hơn bằng cách tăng thuế và sau đó in tiền để trả nợ (và do vậy tạo ra lạm phát), sự kết hợp của tất cả các chính sách này đã vét sạch toàn bộ số tiền tiết kiệm của giới trung lưu.
Chủ nghĩa tự do chống lại chủ nghĩa cực quyền
sửaVào giữa thế kỷ 20, chủ nghĩa tự do đã bắt đầu xác định vị trí đối lập của mình đối với chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism).[63] Thuật ngữ "chủ nghĩa cực quyền" lần đầu tiên được Giovanni Gentile sử dụng để mô tả hệ thống chính trị - xã hội do Mussolini dựng nên. Stalin cũng dùng từ này để chỉ Đức Quốc xã, và sau chiến tranh, từ này trở thành thuật ngữ mà chủ nghĩa tự do dùng để miêu tả các đặc điểm chung của các chế độ theo chủ nghĩa phát xít, Đức Quốc xã và chủ nghĩa Marx-Lenin. Các chế độ cực quyền cố gắng xây dựng và thi hành việc kiểm soát tập trung tuyệt đối tất cả mọi khía cạnh của xã hội với mục đích đạt được sự ổn định và thịnh vượng. Các nhà nước này thường biện minh cho sự chuyên chế bằng cách lập luận rằng sự sống còn của nền văn minh của họ đang gặp nguy cơ. Tư tưởng chống đối lại các chế độ cực quyền đã đạt được tầm quan trọng lớn trong tư duy tự do và dân chủ, và chủ nghĩa cực quyền thường được phác họa như là đang cố phá hoại nền dân chủ tự do. Mặc khác, những người chống lại chủ nghĩa tự do lại phản đối quyết liệt việc xếp chung hai hệ tư tưởng đối nghịch là phát xít và cộng sản vào một loại, họ cho rằng về căn bản các lý tưởng này là hoàn toàn khác nhau.
Tại Ý và Đức, các chính phủ dân tộc chủ nghĩa đã liên kết chủ nghĩa tư bản công ty với nhà nước, và đề cao quan niệm rằng các quốc gia của họ ưu việt về văn hóa và chủng tộc, và rằng việc chinh phục sẽ cho họ sở hữu hợp lẽ "đất đai dưới vòm trời". Các bộ máy tuyên truyền tại các nước này lý luận rằng nền dân chủ là yếu ớt và không có khả năng để thực hiện các hành động mang tính quyết định, và chỉ có một lãnh đạo mạnh mới có thể áp đặt các nguyên tắc trật tự cần thiết. Tại Liên Xô, những người cộng sản cầm quyền cấm tài sản tư nhân, và tuyên bố rằng đó là vì công bằng xã hội và kinh tế, và nhà nước có toàn quyền kiểm soát nền kinh tế kế hoạch. Chế độ này khẳng định rằng các lợi ích cá nhân vị thế thấp hơn và có liên hệ với lợi ích của cả xã hội, của giai cấp, và đó là sự biện minh tối cao cho việc đàn áp cả phe đối lập lẫn những người cộng sản không cùng quan điểm cũng như việc sử dụng luật hình sự một cách hà khắc.
Sự nổi lên của chủ nghĩa cực quyền đã trở thành một thấu kính cho tư tưởng tự do. Nhiều người tự do đã bắt đầu phân tích các nguyên tắc và niềm tin của chủ nghĩa cực quyền và đi tới kết luận là chủ nghĩa cực quyền phát triển là vì con người trong điều kiện suy đồi đã quay sang các chế độ độc tài để tìm kiếm giải pháp. Từ đó, họ tranh luận rằng nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ đời sống kinh tế tốt cho các công dân. Như Isaiah Berlin phát biểu, "Tự do cho chó sói có nghĩa là cái chết của đàn cừu". Tư tưởng tự do này ngày càng phát triển và đi tới quan điểm cho rằng nhà nước cần đóng vai trò là một lực lượng làm cân bằng nền kinh tế.
Các diễn giải khác của chủ nghĩa tự do về sự phát triển của chủ nghĩa cực quyền khá trái ngược với quan điểm điều tiết của nhà nước để hỗ trợ thị trường và chủ nghĩa tư bản. Trong tác phẩm The Road to Serfdom, Friedrich Hayek[64] đã tranh luận rằng sự phát triển của các chế độ độc tài cực quyền là kết quả của việc có quá nhiều can thiệp và điều tiết của nhà nước lên thị trường làm mất đi tự do dân sự và chính trị. Hayek cũng nhìn thấy sự kiểm soát kinh tế đang được thể chế hóa tại Anh và Mỹ và cảnh báo những thể chế "Keynes" này vì ông tin rằng chúng có thể và sẽ dẫn đến các nhà nước cực quyền mà những "người tự do theo chủ nghĩa Keynes " đã và đang cố tránh. Hayek xem các chế độ độc đoán như phát xít, Quốc xã và cộng sản đều là các nhánh khác nhau của chủ nghĩa cực quyền; tất cả đều tìm cách xóa bỏ hoặc giảm thiểu tự do kinh tế. Với Hayek, việc xóa bỏ tự do kinh tế sẽ dẫn đến việc xóa bỏ tự do chính trị. Do vậy Hayek tin rằng sự khác biệt giữa Quốc xã và cộng sản chỉ là ở từ ngữ.
Friedrich von Hayek và Milton Friedman đã cho rằng tự do kinh tế là điều kiện cần thiết để tạo ra và duy trì bền vững tự do chính trị và dân sự. Hayek tin rằng kết cục cực quyền sẽ xảy ra tại Anh (hay bất cứ nơi nào khác) nếu chính phủ tìm cách kiểm soát tự do kinh tế của cá nhân với các chính sách do những người như Dewey, Keynes, hay Roosevelt chủ trương.
Một trong những nhà phê bình chủ nghĩa cực quyền có ảnh hưởng nhất là Karl Popper. Trong tác phẩm The Open Society and Its Enemies (Xã hội mở và những kẻ thù của nó), ông bảo vệ nền dân chủ tự do và ủng hộ một xã hội mở, trong đó chính phủ có thể được thay đổi mà không phải đổ máu. Popper tranh luận rằng quá trình tích lũy tri thức nhân loại là không thể dự đoán được và lý thuyết về một nhà nước lý tưởng là không thể tồn tại. Do vậy, hệ thống chính trị cần đủ mềm dẻo để chính sách của chính phủ có thể phát triển và thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của xã hội; cụ thể, nó nên khuyến khích đa nguyên và đa văn hóa.[65]
Chủ nghĩa tự do sau Chiến tranh thế giới thứ hai
sửaTại phần lớn các nước phương Tây, các đảng tự do bị kẹt giữa một bên là các đảng "bảo thủ" và bên kia là các đảng "lao động" hoặc dân chủ xã hội. Như tại Anh, đảng Tự do chỉ là một đảng thiểu số. Cũng tương tự tại các nước khác, các đảng dân chủ xã hội chiếm vai trò lãnh đạo cánh tả trong khi các đảng bảo thủ ủng hộ các doanh nhân chiếm vị trí lãnh đạo cánh hữu.
Thời kỳ hậu chiến cho thấy sự nổi trội của chủ nghĩa tự do hiện đại. Liên kết chủ nghĩa hiện đại và thuyết tiến bộ với quan điểm rằng một quần chúng có đủ quyền và đủ các phương tiện kinh tế và giáo dục cần thiết sẽ là sự phòng vệ tốt nhất chống lại những đe dọa của chủ nghĩa cực quyền, chủ nghĩa tự do trong giai đoạn này đã cho rằng, bằng cách sử dụng sáng suốt các thể chế tự do, tự do cá nhân có thể được tối đa hóa, và việc hiện thực hóa cái cá nhân (self-actualization) sẽ có thể đạt được qua việc áp dụng công nghệ một cách rộng rãi. Các tác giả theo chủ nghĩa tự do trong giai đoạn gồm có nhà kinh tế John Kenneth Galbraith, nhà triết học John Rawls và nhà xã hội học Ralf Dahrendorf. Một trào lưu tư tưởng bất đồng đã phát triển, trào lưu này xem sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế là sự phản bội lại các nguyên tắc tự do. Tự gọi mình là chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism), phong trào này tập trung quanh các trường phái tư tưởng như trường phái kinh tế học Áo (Austrian Economics).[66]
Từ sau Thế chiến II, cuộc tranh luận giữa tự do cá nhân và tối ưu hóa xã hội xuất hiện nhiều trong các lý thuyết về chủ nghĩa tự do, đặc biệt là xung quanh vấn đề những lựa chọn xã hội và cơ chế thị trường nào là cần thiết để tạo ra một xã hội "tự do". Một trong những phần trung tâm của luận cứ này là Định lý khả năng tổng quát (General Possibility Theorem) của Kenneth Arrow. Luận thuyết này nói rằng không có chức năng lựa chọn xã hội nhất quán nào có thể thỏa mãn được việc vừa có thể ra quyết định mà lại không bị giới hạn, hay giữa tính độc lập của các lựa chọn và tối ưu hóa Pareto (Pareto optimality) (tình trạng tối ưu theo đó không thể thay đổi một lựa chọn nào nếu không muốn ảnh hưởng đến các lựa chọn khác), và chính thể không độc tài. Nói ngắn gọn, theo tác phẩm này mà trong đó có nói đến vấn đề nghịch lý tự do, tại cùng một thời điểm không thể có cả tự do không giới hạn, mà vẫn có cả thực dụng tối đa và diện lựa chọn không giới hạn. Một luận cứ quan trọng khác của chủ nghĩa tự do là tầm quan trọng của sự hợp lý (rationality) trong việc ra quyết định - nhà nước tự do tốt nhất là dựa trên các quyền thủ tục chặt chẽ theo trình tự luật hay xuất phát từ sự bình đẳng về bản chất.[67]
Một tranh luận quan trọng là, bên cạnh quyền được bảo vệ khỏi bị người khác làm hại, con người liệu có nên có thêm các quyền tích cực với vai trò thành viên của các cộng đồng hay không. Với nhiều nhà tự do, câu trả lời là "có": các cá nhân có các quyền tích cực dựa trên cơ sở là thành viên của một quốc gia, một đơn vị địa phương hay chính trị, và có thể trông đợi được bảo vệ và có lợi ích từ các tổ chức này. Thành viên của cộng đồng có quyền trông chờ rằng cộng đồng của họ sẽ điều tiết nền kinh tế ở một mức độ nhất định nào đó, vì cá nhân không thể điều khiển việc thăm trầm của nền kinh tế. Nếu các cá nhân có quyền tham gia một cộng đồng thì họ có quyền trông chờ vào giáo dục và bảo đảm xã hội chống lại sự phân biệt đối xử của các thành viên khác trong cộng đồng đó. Các nhà tự do khác đã trả lời "không": các cá nhân không cần có các quyền này khi là thành viên cộng đồng vì các quyền này mâu thuẫn với các quyền "tiêu cực" nền tảng hơn của các thành viên khác trong cộng đồng.[68]
Sau thập kỷ 1970, "quả lắc tự do" lại lắc sang chiều hướng giảm thiểu vai trò của nhà nước, và sang phía sử dụng các nguyên tắc thị trường tự do và laissez-faire (mặc cho các quy luật tự nhiên điều hành) nhiều hơn nữa. Cụ thể, nhiều quan niệm cũ thời trước Chiến tranh thế giới thứ nhất giờ lại quay trở lại.
Hiện tượng này có phần là phản ứng đối với chiến thắng của các hình thức nổi trội của chủ nghĩa tự do vào thời kỳ này, phần khác là do nó đã được bắt nguồn từ một nền tảng của triết học tự do, cụ thể là sự nghi ngờ nhà nước, dù là nhân tố triết học hay kinh tế. Ngay cả các thể chế tự do cũng có thể bị lạm dụng để hạn chế thay vì đề cao tự do. Việc tăng cường nhấn mạnh đến thị trường tự do đã nổi lên cùng với Milton Friedman ở Mỹ và các thành viên của trường phái Áo ở châu Âu. Luận cứ của họ là: việc điều tiết và sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế là một cái dốc trơn, rằng một lượng điều tiết và can thiệp bất kỳ sẽ dẫn đến nhiều điều tiết và can thiệp hơn, và rằng việc loại bỏ chúng là càng ngày càng khó
Chủ nghĩa tự do hiện đại
sửaChủ nghĩa tự do đã có những tác động rất lớn trong thế giới hiện đại. Các quan niệm về tự do cá nhân, về sự tôn trọng cá nhân, tự do ngôn luận, khoan dung tôn giáo, quyền tư hữu, quyền con người phổ quát, sự minh bạch của chính phủ, hạn chế quyền lực chính phủ, chủ quyền thuộc về nhân dân, quyền tự quyết của mỗi quốc gia, tính riêng tư, chính sách "sáng suốt" và "hợp lý", nền pháp trị, quyền bình đẳng căn bản, một nền kinh tế thị trường tự do, và thương mại tự do, 250 năm trước tất cả đều đã là các quan điểm cấp tiến. Dân chủ tự do, trong hình thức điển hình đa đảng đa nguyên chính trị, đã lan rộng hầu khắp thế giới. Ngày nay, tất cả những điều trên đều được chấp nhận là các mục đích cho chính sách của hầu hết các nước, ngay cả nếu còn có một khoảng cách lớn giữa các tuyên bố và thực tiễn. Chúng là các mục đích không chỉ của những người tự do chủ nghĩa mà còn của các đại biểu dân chủ xã hội, bảo thủ, và Dân chủ Thiên chúa giáo. Tất nhiên là vẫn có người phản đối.[69]
Tổng quan về các quan điểm chính trị của các đảng và phong trào tự do hiện đại
sửaNgày nay từ "liberalism" được sử dụng khác nhau ở các nước khác nhau. Nhất là giữa Mỹ và châu Âu.[70] Ở Mỹ, liberalism thường được dùng để chỉ chủ nghĩa tự do hiện đại, đối lập với chủ nghĩa bảo thủ kiểu Mỹ. Những người Mỹ theo chủ nghĩa tự do chấp nhận điều tiết kinh tế, một nhà nước phúc lợi xã hội hạn chế, và ủng hộ khoan dung tôn giáo, dân tộc, giới, màu da, và do vậy ủng hộ đa nguyên và các hành động hiệu chỉnh (affirmative action - các hoạt động của chính phủ với mục đích trung hòa những sự thiếu công bằng về xã hội hoặc của chính phủ đối với một số nhóm cư dân). Mặt khác, tại châu Âu, chủ nghĩa tự do không chỉ đối lập với phe bảo thủ và Dân chủ Thiên chúa giáo, mà còn đối lập cả với chủ nghĩa xã hội và dân chủ xã hội. Tại một số nước, những người tự do châu Âu có chung quan điểm với Dân chủ Thiên chúa giáo.
Trước khi tiếp tục giải thích về chủ đề này, cần có tuyên bố phủ nhận sau: Luôn luôn có một sự phân cách giữa các lý tưởng triết học và các thực thể chính trị. Ngoài ra, những người chống lại một niềm tin bất kỳ thường có khuynh hướng miêu tả niềm tin đó bằng những thuật ngữ khác với những gì mà những người ủng hộ sử dụng. Nội dung sau đây là một bảng liệt kê các mục tiêu đã xuất hiện một cách nhất quán nhất trong các bản tuyên ngôn chính của chủ nghĩa tự do (ví dụ, Tuyên ngôn Oxford năm 1947). Đây không phải là một cố gắng danh mục hóa các quan điểm riêng của những người, đảng phái, hoặc quốc gia cụ thể, cũng không phải là một cố gắng nghiên cứu bất kì mục tiêu ngầm nào.
Phần lớn các đảng chính trị tự nhận là tự do tuyên bố rằng họ đề cao các quyền và trách nhiệm của cá nhân, lựa chọn tự do trong một quá trình cạnh tranh mở, thị trường tự do, và trách nhiệm hai mặt của nhà nước trong việc bảo vệ công dân cá thể và đảm bảo quyền tự do của họ. Những người chỉ trích các đảng tự do có xu hướng diễn đạt các chính sách tự do theo nhiều cách khác nhau. Tự do kinh tế có thể dẫn đến sự bất bình đẳng chung. Tự do ngôn luận có thể dẫn đến các phát ngôn tục tĩu, báng bổ, hay phản bội. Vai trò của nhà nước là người thúc đẩy tự do và là người bảo vệ công dân có thể dẫn đến mâu thuẫn.
Chủ nghĩa tự do nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dân chủ tự do đại diện là hình thức chính phủ tốt nhất. Các đại biểu dân bầu là đối tượng của pháp trị, và quyền lực của họ được điều hòa bởi một hiến pháp, hiến pháp này nhấn mạnh đến việc bảo vệ quyền và tự do của cá nhân và hạn chế ý chí của đa số. Các nhà tự do ủng hộ một hệ thống đa nguyên mà trong đó các quan điểm chính trị xã hội khác nhau (kể cả các quan điểm cực đoan) cạnh tranh để có quyền lực chính trị trên cơ sở dân chủ và đều có cơ hội đạt được quyền lực qua các kỳ bầu cử được tổ chức định kỳ. Nhiều nhà tự do tìm cách tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình dân chủ. Một số ủng hộ nền dân chủ trực tiếp thay cho dân chủ đại diện.
Chủ nghĩa tự do ủng hộ quyền dân sự (civil rights) của tất cả các công dân: bảo vệ và ưu tiên tự do cá nhân cho toàn thể công dân bình đẳng trước pháp luật. Trong đó có sự đối xử bình đẳng tất cả các công dân, không phân biệt chủng tộc, giới tính, và tầng lớp. Những người theo chủ nghĩa tự do còn mâu thuẫn về việc các quyền tích cực của công dân, chẳng hạn quyền được cung cấp thức ăn, nơi ở, và giáo dục, nên được đưa vào quyền dân sự tới mức độ nào. Các nhà phê bình trên quan điểm nhân quyền quốc tế cho rằng các quyền dân sự mà chủ nghĩa tự do ủng hộ chưa được mở rộng cho tất cả mọi người mà chỉ giới hạn cho các công dân của các nước cụ thể. Do đó, việc đối xử không công bằng dựa theo quốc gia là có thể xảy ra, đặc biệt nếu xét theo quốc tịch.
Pháp trị và bình đẳng trước pháp luật là cơ sở của chủ nghĩa tự do. Quyền lực chính phủ chỉ có thể được thi hành hợp lệ theo các bộ luật được thông qua theo một quy trình đã được thiết lập. Một khía cạnh khác của pháp trị là sự đảm bảo về một cơ quan tư pháp độc lập, cơ quan này có tính độc lập về chính trị để hoạt động với vai trò người bảo vệ chống lại quyền lực độc đoán trong từng trường hợp cụ thể. Những người tự do chủ nghĩa coi pháp trị là một người bảo vệ trước chế độ chuyện quyền và sự thi hành các hạn chế đối với quyền lực chính phủ. Trong hệ thống hình phạt, những người tự do phủ nhận các hình phạt mà họ coi là phi nhân tính, trong đó có án tử hình.
Các nhà tự do kinh tế còn nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường tự do và thương mại tự do, họ tìm cách hạn chế can thiệp của nhà nước trong cả kinh tế nội địa và ngoại thương. Các phong trào tự do hiện đại thường đồng ý trên nguyên tắc về quan niệm tự do thương mại, nhưng vẫn giữ một sự hoài nghi khi thấy thương mại không điều tiết dẫn tới sự phát triển của các tập đoàn đa quốc gia và sự tập trung quyền lực và của cải vào tay một thiểu số. Trong sự đồng thuận sau chiến tranh về nhà nước phúc lợi ở châu Âu, các nhà tự do ủng hộ trách nhiệm của nhà nước đối với giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo trong khi vẫn kêu gọi một thị trường dựa trên sự trao đổi tự do. Những người tự do chủ nghĩa đồng ý rằng tất cả các công dân cần được hưởng nền giáo dục và y tế chất lượng cao, nhưng quan điểm của họ khác nhau ở chỗ chính phủ nên cung cấp các lợi ích này ở mức độ nào. Do sự đói nghèo là mối đe dọa đối với tự do cá nhân, chủ nghĩa tự do tìm kiếm một sự cân bằng giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm cộng đồng. Cụ thể, những người tự do chủ nghĩa thiên về sự bảo vệ đặc biệt dành cho người tàn tật, người ốm, người tật nguyền, và người cao tuổi.[71]
Đến những năm 1980 và 1990, chủ nghĩa tự do châu Âu quay trở lại với các chính sách laissez-faire hơn, họ ủng hộ tự nhân hóa và tự do hóa y tế và các dịch vụ công khác. Những người tự do châu Âu hiện đại thường có xu hướng ủng hộ một vai trò của nhà nước nhỏ hơn là mức độ mà đa số những người dân chủ xã hội ủng hộ, càng nhỏ hơn mức độ mà những người theo chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản ủng hộ. Sự đồng thuận của phái tự do châu Âu có vẻ như liên quan đến một niềm tin rằng các nền kinh tế cần được phi tập trung hóa. Nhìn chung, các nhà tự do châu Âu đương đại không tin rằng chính phủ nên trực tiếp kiểm soát bất kỳ một sản phẩm công nghiệp nào qua các doanh nghiệp nhà nước, điều này đặt họ vào vị trí đối lập với những người dân chủ xã hội.
Những người tự do tin vào tính trung lập của nhà nước, theo nghĩa rằng nhà nước không nên quyết định các giá trị cá nhân. Như John Rawls nói, "Nhà nước không có quyền quyết định xem thế nào là một cuộc sống tốt đẹp". Tại Mỹ, tính trung lập này được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập ở quyền mưu cầu hạnh phúc.
Cả ở châu Âu và Mỹ, những người tự do thường ủng hộ các phong trào đòi quyền lựa chọn và ủng hộ quyền bình đẳng cho phụ nữ và những người đồng tính luyến ái.
Nhiều người tự do chia sẻ các giá trị với những nhà hoạt động môi trường như Đảng Xanh (Green Party). Họ tìm cách giảm thiểu thiệt hại mà loài người gây ra cho thế giới tự nhiên, và tối đa hóa công tác phục hồi môi trường của những vùng bị thiệt hại. Một số các nhà hoạt động này cố gắng tạo ra những thay đổi ở mức kinh tế bằng cách cộng tác với các doanh nghiệp, nhưng một số khác thiên về việc sử dụng luật pháp để đạt đến sự phát triển bền vững. Các nhà tự do khác không chấp nhận sự điều tiết của chính phủ trong vấn đề này và lý luận rằng thị trường sẽ tự điều tiết theo một kiểu nào đó.
Không có sự nhất quán về học thuyết tự do trong chính trị quốc tế, tuy có một số khái niệm chung có thể được rút ra từ các quan điểm của Quốc tế Tự do chẳng hạn.[72] Các nhà tự do xã hội cho rằng chiến tranh có thể bị xóa bỏ. Một số ủng hộ chủ nghĩa quốc tế và ủng hộ Liên hợp quốc. Trong khi đó, các nhà tự do kinh tế lại chủ trương thuyết không can thiệp (non-interventionism) thay vì thuyết an ninh chung (collective security). Các nhà tự do tin rằng mỗi cá nhân đều có quyền hưởng các quyền tự do căn bản, và ủng hộ sự tự quyết của các nhóm dân tộc thiểu số. Những điều căn bản còn bao gồm tự do trao đổi ý tưởng, tin tức, hàng hóa và dịch vụ giữa con người với nhau, cũng như tự do di chuyển trong một nước và giữa các nước. Những người tự do thường phản đối kiểm duyệt, các rào cản bảo hộ thương mại, và các biện pháp điều tiết mua bán.
Một số người tự do chủ nghĩa đã ở trong số những người ủng hộ mạnh nhất đối với các tập đoàn quốc tế và với sự xây dựng các tổ chức siêu quốc gia, chẳng hạn như Liên minh châu Âu. Trong quan điểm của những người tự do xã hội, một thị trường toàn cầu tự do và công bằng chỉ có thể hoạt động được nếu các công ty trên khắp thế giới cùng tôn trọng một bộ các tiêu chuẩn sinh thái và xã hội tối thiểu chung. Một câu hỏi gây tranh cãi mà không hề có một sự đồng thuận của những người tự do chủ nghĩa, đó là vấn đề nhập cư. Các quốc gia có quyền hạn chế dòng người nhập cư từ các nước có dân số đang gia tăng vào các nước có dân số ổn định hay đang giảm hay không?
Chủ nghĩa tự do bảo thủ và chủ nghĩa bảo thủ tự do
sửaChủ nghĩa tự do bảo thủ[73] là một biến thể của chủ nghĩa tự do, nó kết hợp các giá trị và chính sách tự do với các quan điểm bảo thủ, hay nói một cách đơn giản hơn, nó đại diện cho cánh hữu của phong trào tự do.[74] Chủ nghĩa tự do bảo thủ là phiên bản tích cực hơn và ít cấp tiến hơn chủ nghĩa tự do cổ điển.[75] Các biến cố như Chiến tranh thế giới thứ nhất sau năm 1917 đã tạo ra từ phiên bản cấp tiến hơn của chủ nghĩa tự do cổ điển một dạng chủ nghĩa tự do bảo thủ hơn, hay ôn hòa hơn.[76]
Chủ nghĩa bảo thủ tự do là một biến thể của chủ nghĩa bảo thủ có những yếu tố tự do và thường phát triển ở những nước có phong trào xã hội hay lao động mạnh và chịu ảnh hưởng của Edmund Burke. Các đảng theo học thuyết này thường là thành viên của Liên minh Dân chủ quốc tế (International Democratic Union) thay vì là thành viên của Quốc tế tự do Liberal International.[77]
Học thuyết quan hệ quốc tế tự do
sửa"Chủ nghĩa tự do" trong các mối quan hệ quốc tế là lý thuyết ủng hộ các ưu tiên của nhà nước chứ không phải năng lực của nhà nước là yếu tố quyết định hành vi của nhà nước. Khác chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế xem nhà nước là một tác nhân đơn nhất thì chủ nghĩa tự do cho phép có tính đa nguyên trong hành động của nhà nước. Các mối quan hệ giữa các nhà nước không chỉ giới hạn ở chính trị/an ninh mà còn cả văn hóa/kinh tế thông qua các công ty, các tổ chức và các cá nhân. Do vậy mà thay vào một hệ thống quốc tế mang tính vô chính phủ thì sẽ mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác và mở rộng quyền lực. Một số còn cho rằng thông qua hợp tác và các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau mà hòa bình được duy trì. Chủ nghĩa tự do trong các mối quan hệ quốc tế không chỉ liên hệ cứng nhắc tới chủ nghĩa tự do trong chính trị trong nước mà nhiều nhà tự do hiện nay đã đưa thêm nhiều quan niệm phê bình lý thuyết quan hệ quốc tế vào các chính sách đối ngoại của nước họ.[78]
Chủ nghĩa tân tự do
sửaChủ nghĩa tân tự do là một nhãn mác gắn cho học thuyết tự do kinh tế từ khi có bước chuyển vào những năm 1970 (rời bỏ các hành động của nhà nước) dùng để chỉ chương trình giảm thiểu các hàng rào thương mại và hạn chế thị trường trong nước trong khi vẫn sử dụng quyền lực nhà nước để ép buộc mở cửa thị trường nước ngoài. Chủ nghĩa tân tự do chấp nhận một mức độ can thiệp của nhà nước trong nền kinh tế nhất là của ngân hàng trung ương có quyền in tiền. Điều này bị các nhà tự do phản đối. Trong khi chủ nghĩa tân tự do đôi khi trùng lắp với chủ nghĩa Thatcher thì các nhà kinh tế như Joseph Stiglitz và Milton Friedman đã được gọi là những người tân tự do (neoliberal). Chương trình kinh tế này không nhất thiết phải là của các đảng tự do trong chính trị mà các nhà tân tự do thường không ủng hộ tự do cá nhân trong các vấn đề thuộc đạo đức hay tình dục. Điển hình là chế độ của Pinochet ở Chile, nhưng nhiều người cũng xếp cả Ronald Reagan, Margaret Thatcher và thậm chí Tony Blair và Gerhard Schröder là những người tân tự do.[79]
Trong những năm 1990, nhiều đảng dân chủ xã hội đã áp dụng các chính sách kinh tế tân tự do (neoliberal) như tư nhân hóa công nghiệp và mở cửa thị trường, điều này khiến các đảng này có thể tạm xếp là tân tự do (de facto neoliberal) và dẫn đến việc mất sự ủng hộ của dân chúng. Ví dụ như nhiều nhà phê bình đã từng phê phán đảng Dân chủ Xã hội Đức và đảng Lao động Anh không tái quốc hữu hóa nền công nghiệp mà lại đi theo đuổi các chính sách tân tự do và do vậy mà sự ủng hộ truyền thống cho các đảng này đã chuyển sang Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo tại Đức và đảng Dân chủ Tự do tại Anh. Tuy nhiên chính cách "mặc áo sói " này đã khiến đảng Lao động tại Anh chiến thắng một cách ngoạn mục mặc dầu dĩ nhiên vẫn sẽ còn nhiều bất đồng trong đảng giữa các đảng viên lão thành và phe lãnh đạo đảng.
Đôi khi từ tân tự do "Neoliberalism" được dùng để chỉ tất cả các phong trào chống lại chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn 1970 và 1990. Như chủ nghĩa tân tự do của Thatcher, Reagan, và Pinochet chính là bước chuyển từ chính sách xã hội phúc lợi mang tính quan liêu sang chính sách hành động dựa trên năng lực của các cá nhân và dựa trên các mối quan tâm của giới doanh nhân. Trên thực tế các chính phủ này cắt giảm mạnh thuế thu nhập cho đối tượng giàu và cắt ngân sách giáo dục dẫn đến việc vai trò ảnh hưởng của tầng lớp trên và giới doanh nhân ngày càng lớn hơn.[80]
Một số người bảo thủ tự nhận họ là những người kế thừa của chủ nghĩa tự do cổ điển. Jonah Goldberg của tờ National Review đã tranh luận rằng "phần lớn những người bảo thủ đều gần gũi với các nhà tự do kinh điển hơn là những người tự nhân là tự do cá nhân (libertarians) của tờ Reason vì những người bảo thủ muốn gìn giữ những thể chế cần thiết cho tự do. [81] Nhiều người bảo thủ còn tự nhận những giá trị tự do chính là của họ khiến cho việc phân tách giữa chủ nghĩa bảo thủ và tự do khá khó khăn.
Phê bình và bảo vệ chủ nghĩa tự do
sửaChủ nghĩa tập thể đối lập với tinh thần cá nhân của chủ nghĩa tự do phản đối việc nhấn mạnh đến quyền cá nhân và thay vào đó họ nhấn mạnh đến tập thể hay cộng đồng tới mức độ mà quyền của cá nhân có thể hoặc sẽ biến mất hoặc bị hủy bỏ.[82] Chủ nghĩa tập thể có thể thấy cả ở phe hữu và phe tả. Về phe tả, tập thể là nhà nước và thường dẫn đến hình thức chủ nghĩa xã hội nhà nước. Về phe hữu, các phe đối lập bảo thủ và tôn giáo tranh luận rằng tự do cá nhân nếu được hiểu rộng hơn ngữ cảnh trong phạm vi kinh tế nhất định sẽ dẫn tới sự không khác biệt giữa các cá nhân, sự ích kỷ và vô đạo đức. Những người tự do trả lời rằng mục đích của pháp luật không phải là luật hóa đạo đức mà là bảo vệ công dân khỏi bị xâm hại. Tuy nhiên những người bảo thủ lại cho rằng luật pháp trên tinh thần đạo đức chính là để bảo vệ công dân khỏi bị xâm hại.
Các nhà phê bình chống nhà nước của chủ nghĩa tự do như chủ nghĩa vô chính phủ cho rằng nhà nước là không hợp lẽ cho dù vì bất cứ một lý do gì. Một phê bình mềm mỏng hơn là từ chủ nghĩa công xã,[83] họ quan niệm trở về với cộng đồng mà không nhất thiết phải hy sinh quyền cá nhân.
Giữa các khác biệt lý thuyết trên thì một số nguyên tắc tự do vẫn còn đang được tranh luận. Và một số còn được duy trì bởi một số phe phái trong khi các phe khác đã từ bỏ chúng. Chính vì có quá trình đang diễn ra như vậy (một số giữ giá trị tự do truyền thống và phản đối những người tự do khác) đã khiến các nhà phê bình cho rằng liệu từ "tự do" có một ý nghĩa nhất quán nào hay không.
Trong bối cảnh chính trị quốc tế, nhân danh nhân "quyền" điều mà chủ nghĩa tự do phấn đấu vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược. Nhiều nhà tự do vẫn ủng hộ chủ nghĩa không can thiệp vì cho rằng như thế là vi phạm chủ quyền của quốc gia khác. Nhưng một số người theo chủ nghĩa liên bang thế giới phê phán chủ nghĩa tự do vì bám chặt lấy học thuyết về chủ quyền quốc gia mà họ cho rằng sẽ không giúp ích gì cả trước họa diệt chủng hay các tội ác lên nhân quyền khác.
Những nhà đối lập kinh tế thuộc phe tả phản đối chủ nghĩa tự do kinh tế về quan điểm cho rằng khối tự nhân sẽ hành đồng vì lợi ích tập thể, và chỉ ra nhiều tổn thưởng lên những cá nhân thua thiệt bị loại ra khỏi cuộc cạnh tranh. Họ phản đối việc sử dụng nhà nước để áp đặt kinh tế thị trường thường là qua các cơ chế thúc đẩy thị trường ở những lĩnh vực phi thị trường trước đó. Họ cho rằng nguyên tắc tự do trong kinh tế và xã hội sẽ dẫn đến bất bình đẳng giữa các nước và ngay trong một nước. Họ cho rằng xã hội tự do có đặc điểm là đói nghèo triền miên và có sự khác biệt về tình trạng sức khỏe giữa các thành phần dân tộc và giai cấp và tỷ lệ tử vong sơ sinh cao và tuổi thọ thấp. Một số thậm chí còn nói tỷ lệ thất nghiệp của nước họ còn cao hơn cả ở các nền kinh tế kế hoạch tập trung.
Phản biện lại là các nước tự do có xu hướng giàu có hơn những nước ít tự do và người nghèo ở các nước tự do còn khá hơn công dân trung lưu ở những nước không tự do và lý lẽ cho rằng bất bình đẳng là một sự cần thiết để thúc đẩy mọi người làm việc chăm chỉ và sản xuất ra nhiều của cải hơn. Trong suốt lịch sử nghèo đói là một vấn đề luôn phổ biến và chỉ khi có sự phát triển của các nước công nghiệp hiện đại mới mang lại sự giàu có cho đông đảo người dân.[84]
Chủ nghĩa tự do và dân chủ xã hội
sửaChủ nghĩa tự do chia sẻ nhiều mục đích và các phương pháp căn bản với dân chủ xã hội nhưng khác biệt ở một số điểm. Sự khác biệt căn bản [85] giữa chủ nghĩa tự do và dân chủ xã hội là ở sự không nhất trí về vai trò nhà nước trong nền kinh tế. Dân chủ xã hội có thể hiểu là kết hợp các đặc điểm của cả chủ nghĩa tự do xã hội và chủ nghĩa xã hội dân chủ. Chủ nghĩa xã hội dân chủ tìm kiếm một sự bình đẳng về sản phẩm ở mức tối thiểu và ủng hộ khối công hữu lớn qua việc quốc hữu hóa các phương tiện thiết yếu như gas và điện để tránh độc quyền tư nhân và đạt được công bằng xã hội, và tăng mức sống của người dân. Ngược lại, chủ nghĩa tự do tuy không ưa thích độc quyền dù là công hữu hay tư hữu nhưng chỉ ưa các hình thức ít mang tính can thiệp của nhà nước thông qua các biện pháp bù giá và điều tiết chứ không ủng hộ các chính sách quốc hữu hóa. Chủ nghĩa tự do nhấn mạnh đến công bằng về cơ hội mà không nhấn mạnh đến công bằng về sản phẩm. Chủ nghĩa tự do Mỹ [86] khác với các chủ nghĩa tự do khác là chưa bào giờ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội và do vậy chưa bao giờ đòi hỏi các chương trình nhà nước phúc lợi xã hội như tại chủ nghĩa tự do ở châu Âu. Ngay cả hiện nay Mỹ vẫn không chia sẻ các chương trình nhà nước phúc lợi như đang được áp dụng ở châu Âu. Và tại Mỹ số lượng các chương trình xã hội để giúp đỡ tầng lớp dân cư có thu nhập thấp duy trì cuộc sống cũng ít hơn so với các nước nói tiếng Anh khác như Canada và Úc.
Xem thêm
sửaTham khảo
sửa- ^ A: "Chủ nghĩa tự do được định nghĩa là một giá trị đạo đức xã hội ủng hộ tự do và bình đẳng nói chung." - Coady, C. A. J. Distributive Justice, A Companion to Contemporary Political Philosophy, editors Goodin, Robert E. and Pettit, Philip. Blackwell Publishing, 1995, tr.440. B: "Tự do không chỉ là phương tiện đi đến một mục đích chính trị cao hơn mà bản thân tự do chính là mục đích chính trị cao nhất." - Lord Acton
- ^ So sánh Oxford Manifesto Lưu trữ 2011-02-11 tại Wayback Machine năm 1947 của Liberal International ("Tôn trọng ngôn ngữ, niềm tin, luật và truyền thống của các dân tộc thiểu số") với Oxford Manifesto Lưu trữ 2011-02-07 tại Wayback Machine năm 1997 ("Chúng ta tin tưởng rằng một sự hợp tác chặt chẽ giữa các xã hội dân chủ thông qua các tổ chức khu vực và toàn cầu trong khuôn khổ luật pháp quốc tế về tôn trọng quyền con người, quyền của các quốc gia và các dân tộc thiểu số và có cam kết chung tới sự phát triển kinh tế trên toàn thế giới là nền tảng cần thiết cho hòa bình thế giới và cho sự bền vững cả về mặt kinh tế và môi trường") và ELDR Electoral programme 1994 Lưu trữ 2007-07-04 tại Wayback Machine ("Bảo vệ quyền phát triển tự nhiên của các nhóm thiểu số thông qua các chính sách tự do nhằm đảm bảo cơ hội bình đẳng cho mọi người") và như câu nói "Tôi có một giấc mơ" Lưu trữ 2007-04-04 tại Wayback Machine của Martin Luther King
- ^ So sánh với Oxford Manifesto Lưu trữ 2011-02-11 tại Wayback Machine của Liberal International ("Các quyền và điều kiện này chỉ có thể được đảm bảo trong một nền dân chủ thực sự. Một nền dân chủ thực sự sẽ không thể tách rời tự do chính trị và dựa trên nhận thức, sự đồng thuận sáng suốt và tự do của đa số, được thể hiện thông qua bầu cử tự do và bỏ phiếu kín nhưng vẫn tôn trọng tự do và ý kiến của thiểu số")
- ^ Tác phẩm History of Rome from Its Foundation là tác phẩm về lịch sử của hoàng đế La Mã Titus Livius (59 TCN -17 CN) gồm 142 quyển. Được dịch ra tiếng Anh năm 1905 bởi Cannon Roberts trong đó quyển 10 được lấy lại theo bản dịch của D. Spillan và Cyrus Edmonds từ năm 1868
- ^ Theodor Schieder, Sabina Berkeley, Hamish M. Scott, Frederick the Great, trang 146
- ^ Tác phẩm "Suy ngẫm" (Meditations) được hoàng đế La Mã Marcus Aurelius Antoninus Augustus 121– 180 CN) viết bằng tiếng Hy Lạp gồm 12 quyển. Lần xuất bản đầu tiền là ở Zurich năm 1558 từ một bản chép tay đến nay đã mất. Tác phẩm được dịch ra tiếng Anh lần đầu năm 1862.
- ^ Niccolò di Bernardo dei Machiavelli (1469 – 1527) viết tác phẩm về nền cộng hòa lý tưởng Discourses on Livy (Discorsi sopra la prima deca di Tito Livio, Discourses on the First Decade of Titus Livy). Tác phẩm được dịch ra tiếng Anh bởi Henry Neville
- ^ OED, Oxford English Dictionary được Oxford University Press biên soạn và xuất bản lần đầu từ năm 1888 đến tân năm 1928. Được phát hành cả bộ 12 tập năm 1928 rồi in lại và bổ sung thành 13 tập năm 1933. Được tiếp tục biên tập bổ sung lại và xuất bản bốn quyển bổ sung thêm từ năm 1972 đến năm 1986. Năm 1989 được xuất bản lần hai trọn bộ 20 tập. Từ năm 1993 đến năm 1997 biên tập và xuất bản thêm 3 quyển bổ sung.
- ^ Hel. M. WILLIAMS, Sk. Fr. Rep. I. xi. 113," (Helen Maria Williams) thường được xem là tác giả tác phẩm Sketches of the State of Manners and Opinions in the French Republic, 1801. Trích dẫn theo Oxford English Dictionary.
- ^ Adam Smith (1723-1790), The Wealth of Nations, W. Strahan and T. Cadell, Londres, 1776
- ^ Hiến pháp Tây Ban Nha 1812 được thông qua tại Cadiz bởi quốc hội lập pháp năm 1812. Bản dịch tiếng Anh xuất bản bởi Cobbett's Political Register, Vol. 16 (July-tháng 12 năm 1814).
- ^ de Ruggiero, Guido (1927). The History of European Liberalism, trans. R. G. Collingwood, London: Oxford University Press.
- ^ Magna Carta Libertatum, viết bằng tiếng Latinh năm 1215, là bản Hiến chương Anh đầu tiên giữa vua John nước Anh và các quý tộc của ông
- ^ John Rawls, A Theory of Justice, Belknap, 1971, ISBN 0-674-00078-1
- ^ John Stuart Mill (1806-1873), On Liberty, 1859/ Bàn về tự do - bản dịch Nguyễn Văn Trọng - Nhà xuất bản Tri Thức, 2009, tr 34-35
- ^ Willard, Charles Arthur. Liberalism and the Problem of Knowledge: A New Rhetoric for Modern Democracy, University of Chicago Press, 1996.
- ^ William Dyer Grampp, Economic Liberalism, New York: Random House, 1965. vol. 2 The Classical View.
- ^ D. Weinstein, Utilitarianism and the New Liberalism. Trong Ideas in Context No. 83 của trường Wake Forest University, North Carolina
- ^ The Collected Works of John Dewey, Jo Ann Boydston, ed., 37 volumes (Carbondale: Southern Illinois University Press, 1967-1991).
- ^ Mortimer J. Adler, Adler's Philosophical Dictionary: 125 Key Terms for the Philosopher's Lexicon, Simon & Schuster; Touchstone Ed edition, 2008
- ^ From: W. L. Blease, A Short History of English Liberalism, (London: Ernest Benn, 1913), pp. 328-335.
- ^ Lucius Mestrius Plutarchus (46-120 CN), nhà tiểu luận, tiểu sử, trong bài luận viết về Solon. Solon (khoảng 639-559 TCN, Hộ Dân quan thời Cộng hòa Athens, và những gì còn lại mà chúng ta biết về ông đều qua các tác phẩm của nhà sử học Herodotos và Plutarchus
- ^ Theo website của Molinari Institute đặt hình thức này dưới nhãn mác "Market Anarchism" tức vô chính phủ thị trường.
- ^ John Lock (1632-1704), Two Treatises on Government ("Two Treatises of Government: In the Former, The False Principles and Foundation of Sir Robert Filmer, And His Followers, are Detected and Overthrown. The Latter is an Essay concerning The True Original, Extent, and End of Civil-Government") là bài luận của John Lock xuất bản vô danh năm 1689.
- ^ John Lock (1632-1704), A Letter Concerning Toleration cũng xuất bản năm 1689 bằng tiếng Latinh; được William Popple dịch ra tiếng Anh.
- ^ Charles-Louis de Secondat, baron de La Brède et de Montesquieu (1689-1755), De l'esprit des lois, được dịch ra tiếng Anh và xuất bản vô danh năm 1748. Crowder, Wark, and Payne xuất bản năm 1777
- ^ Jean-Jacques Rousseau (1712–1778), Du Contract Social Ou Principes Du Droit Politique, A. Amsterdam, Chez Marc - Michel Ley, 1762; G.D.H. Cole dịch sang tiếng Anh.
- ^ David Hume (1711-1776), A Treatise of Human Nature xuất bản từ năm 1739 đến 1740
- ^ Sau khi đạo luật British Act 1750 ra đời ngăn cản việc mở thêm và vận hành các nhà máy sản xuất sắt thép ở Bắc Mỹ, Benjamin Franklin (1706-1790) viết bài luận Observations concerning the Increase of Mankind and the Peopling of Countries biện luận rằng nước Anh không nên sợ sự phát triển công nghiệp của Bắc Mỹ và rằng nền sản xuất cao phụ thuộc vào mật độ dân số cao và sự phát triển cao của xã hội
- ^ Anders Chydenius (1729 - 1803), Den nationnale winsten (The National Gain), Lars Salvius, 1765. Được dịch giả vô danh dịch ra tiếng Anh, London: Ernest Benn Limited, 1931
- ^ Adam Smith (1723-1790), The Theory of Moral Sentiments, Glassgow, Scotland, 1759
- ^ Adam Smith (1723-1790), The Wealth of Nations ("An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations"), London, 1776
- ^ Henry St John, 1st Viscount Bolingbroke (1678 – 1751), Letter to Alexander Pope (thư gửi Alexander Pope (1688-1744))
- ^ Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ do Quốc hội (Continental Congress) thông qua ngày 4-7-1776
- ^ James Madison (1751-1836), Federalist Papers #10
- ^ The United States Constitution, do Constitutional Convention (Hội nghị Lập hiến) ở Philadelphia thông qua 17 tháng 9 năm 1787
- ^ Déclaration des droits de l'Homme et du citoyen do Quốc hội lập hiến (Assemblée nationale constituante) thông qua tháng 8 năm 1789 và United States Bill of Rights được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1791
- ^ R.A. Leigh, Unsolved Problems in the Bibliography of J.-J. Rousseau, Cambridge, 1990, plate 22.
- ^ Jean-Jacques Rousseau (1712–1778), Du Contract Social Ou Principes Du Droit Politique, A. Amsterdam, Chez Marc - Michel Ley, 1762; G.D.H. Cole dịch sang tiếng Anh
- ^ Alexis-Charles-Henri Clérel de Tocqueville (1805 – 1859), L'Ancien Régime et la Révolution (The Old Regime and the French Revolution), New York: Anchor Books (1955) - Stuart Gilbert dịch sang tiếng Anh.
- ^ Piero Gobetti La Rivoluzione liberale. Saggio sulla lotta politica in Italia, Bologna, Rocca San Casciano, 1924
- ^ a b Donald Keene, Emperor of Japan: Meiji and his world, 1852-1912, trang 364
- ^ Edvard Radzinsky, Alexander II: The Last Great Tsar, các trang 128-135.
- ^ Benjamin Pinkus, The Jews of the Soviet Union: The History of a National Minority, Cambridge University Press, 1990, trang 22. ISBN 0-521-38926-7.
- ^ de Ruggiero, Guido (1927). The History of European Liberalism, do R. G. Collingwood dịch sang tiếng Anh, London: Oxford University Press.
- ^ L.T. Hobhouse: Modern History Sourcebook: L. T. Hobhouse: from Liberalism, 1911, 1911.
- ^ Gustave de Molinari: The Private Production of Security, 1849.
- ^ Herbert Spencer: The Right to Ignore the State, 1851.
- ^ Wilhelm von Humboldt: The Limits of State Action Lưu trữ 2006-05-05 tại Wayback Machine, 1792.
- ^ John Stuart Mill, On Liberty, 1859
- ^ Bobbio, Norberto (1990). Liberalism and Democracy, do Martin Ryle và Kate Soper dịch ra tiếng Anh, London: Verso. ISBN 0-86091-269-8.
- ^ Anthony Alblaster: The Rise and Decline of Western Liberalism, New York, Basil Blackwell, 1984, page 353
- ^ so sánh với Guide de Ruggeiro: The History of European Liberalism, Bacon press, 1954, trang 379
- ^ Xem thêm tại Liberale und radikale Parteien in Klaus von Beyme: Parteien in westlichen Demokratien, München, 1982
- ^ So sánh từ trang 255 trong cuốn Guide to the Political Parties of South America, Pelican Books, 1973
- ^ Xem từ trang 1 cuốn A sense of liberty, của Julie Smith, xuất bản năm 1977 bởi Liberal International.
- ^ Lawrence W.Reed. “Great Mythys of the Great Depression” (PDF). Mackinac Center. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2008.
- ^ Friedrich Hayek, The Road to Serfdom, Routledge Press (UK), University of Chicago Press (US), 1944, ISBN 0-226-32061-8
- ^ Leonard Trelawny Hobhouse, Liberalism, 1911; John Dewey, Liberalism and Social Action; John Maynard Keynes, The Economic Consequences of the Peace (1919), The General Theory of Employment, Interest, and Money (1936)
- ^ Hayek, Friedrich A. [1960] (bản in lại năm 1978). The Constitution of Liberty, Chicago: University of Chicago Press. ISBN 0-226-32084-7.
- ^ a b Friedman, Milton [1962] (bản in lại năm 1982),Capitalism and freedom, Chicago: University Of Chicago Press. ISBN 0-226-26401-7.
- ^ von Mises, Ludwig [1927] (bản in lại năm 1985). Liberalism in the Classical Tradition, Ralph Raico dịch sang tiếng Anh, New York: Foundation for Economic Education. ISBN 0-930439-23-6.
- ^ Michael Scott Christofferson "An Antitotalitarian History of the French Revolution: François Furet's Penser la Révolution française in the Intellectual Politics of the Late 1970s" (trong tạp chí French Historical Studies, số Fall (Thu) 1999)
- ^ Friedrich Hayek, 1944, ISBN 0-226-32061-8
- ^ Karl Popper, The Open Society and Its Enemies, Routledge, 1945, ISBN 0-415-29063-5
- ^ von Mises, Ludwig [1927] (bản in lại năm 1985). Liberalism in the Classical Tradition, Ralph Raico dịch, New York: Foundation for Economic Education. ISBN 0-930439-23-6.
- ^ Rothbard, Murray N. [1965] (1979). Left and Right: The Prospects for Liberty, San Francisco: Cato Institute. ISBN 0-932790-00-3.
- ^ Holmes, Stephen. The Anatomy of Antiliberalism, Cambridge, Mass.: Harvard University Press. 1993. ISBN 0-674-03180-6.
- ^ Bobbio, Norberto. Liberalism and Democracy, dịch sang tiếng Anh: Martin Ryle and Kate Soper, London: Verso. 1990. ISBN 0-86091-269-8.
- ^ Xem ví dụ Arthur Schlesinger, Jr. năm 1962: "Từ Chủ nghĩa tự do theo cách sử dụng tại Mỹ có ít điểm chung với từ chủ nghĩa tự do nhưng được sử dụng trong các nền chính trị tại châu Âu, cụ thể như ở Anh" tại Liberalism in America: A Note for Europeans trích từ The Politics of Hope, Riverside Press, Boston. Quan điểm tương tự của Jamie F. Metzl: "Vẫn là từ 'Chủ nghĩa tự do' nhưng thuật ngữ mà ngày nay được sử dụng tại Mỹ đã không có cái nghĩa cổ hơn như đang được sử dụng tại châu Âu, mà lại có nghĩa khác hẳn là chỉ các chính sách của các nhà nước phúc lợi hiện đại" tại The Rise of Illiberal Democracy Lưu trữ 2007-06-04 tại Wayback Machine của Fareed Zakaria, Foreign Affairs, Tháng 11/12, 1997, Vol 76, No. 6
- ^ Oxford Manifesto Lưu trữ 2011-02-11 tại Wayback Machine, 1947
- ^ Liberal International,The International Lưu trữ 2006-06-10 tại Wayback Machine, truy cập ngày 05-01-2009
- ^ “Libéralisme conservateur”. L'encyclopédie politique en ligne. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2009.
- ^ M. Gallagher, M. Laver và P. Mair, Representative Government in Europe, New York, McGraw Hill, 2001, tr. 221.
- ^ Allen R.T., Beyond Liberalism, Transaction Publishers, 1998 [1], tr. 2.
- ^ Allen R.T., tr. 13.
- ^ “Liberal conservatism”. Euro Topics. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2008.
- ^ “Liberal international relations theory”. Nation Master. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2008.
- ^ “Neoliberalism: origins, theory, definition”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2008.
- ^ David Harley, A Brief History to Neoliberalism, Oxford University Press, 2005. ISBN13: 9780199283262 ISBN10: 0199283265
- ^ Jonah Goldberg (ngày 18 tháng 12 năm 2001). “The Libertarian Lie”. National Review. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 2 năm 2007. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2007.
- ^ Richard M. Ebeling, Liberalism and Collectivism in the 20th Century, Journal of Political Studies, Volume 41, Issue s1, tr. 66-77
- ^ R. N. Johnson, Notes on Communitarianism Lưu trữ 2008-09-25 tại Wayback Machine, Giáo trình Triết học, University of Missouri; và xem thêm
David Lea, Communitarianism vs. Individual Rights In the West and the Islamic World, Journal of Middle East Policy Council, Vollume XII Summer 2005, Number 2 - ^ So sánh giữa George Bernard Shaw và Henry Gaylord Wilshire (biên tập), Fabian Essays in Socialism, 1889 (thể hiện quan điểm của phái tả) với các quan điểm của chủ nghĩa tự trong Thomas Mackay (biên tập), A Plea for Liberty: An Argument against Socialism and Socialistic Legislation Fabian Essays in Socialism, 1891 và Thomas Mackay (biên tập), A Policy of Free Exchange. Essays by Various Writers on the Economic and Social Aspects of Free Exchange and Kindred Subjects, 1894.
- ^ John McDonell, Labour's Future: Democratic Socialism not 19th century Liberalism[liên kết hỏng]
- ^ Phần VIII trong mục Liberalism trong Encarta. Lưu trữ 2009-08-14 tại Wayback Machine
Đọc thêm
sửa- Tiếng Anh
- Friedman, Milton (1982) [1962]. Capitalism and freedom. Chicago: University Of Chicago Press. ISBN 0-226-26401-7. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2008.
- Ackerman, Bruce (1992). The Future of Liberal Revolution. New Haven: Yale University Press. ISBN 0-300-05396-7.
- Bobbio, Norberto (1990). Liberalism and Democracy. trans. Martin Ryle and Kate Soper. London: Verso. ISBN 0-86091-269-8.
- Hall, John A. (1988). Liberalism: Politics, Ideology, and the Market. London: Paladin Grafton. ISBN 0-586-08579-3.
- Hayek, Friedrich A. (1978) [1960]. The Constitution of Liberty. Chicago: University of Chicago Press. ISBN 0-226-32084-7.
- Holmes, Stephen (1993). The Anatomy of Antiliberalism. Cambridge, Mass.: Harvard University Press. ISBN 0-674-03180-6.
- Hallowell, John H. (1943). The Decline of Liberalism as an Ideology with Particular Reference to German Politico-legal Thought. Berkeley: University of California Press.
- von Mises, Ludwig (1985) [1927]. Liberalism in the Classical Tradition. trans. Ralph Raico. New York: Foundation for Economic Education. ISBN 0-930439-23-6.
- Rothbard, Murray N. (1979) [1965]. Left and Right: The Prospects for Liberty (PDF). San Francisco: Cato Institute. ISBN 0-932790-00-3.
- de Ruggiero, Guido (1927). The History of European Liberalism. trans. R. G. Collingwood. London: Oxford University Press.
- Goldsmith, Margaret Leland (1929) [1929]. Frederick the Great. Hoa Kỳ: C. Boni.
- Ritter, Gerhard (1968) [1936]. Frederick the Great: a historical profile. Hoa Kỳ: University of California Press.
- Gaxotte, Pierre (1942) [1938]. Frederick the Great. Hoa Kỳ: Yale University Press.
- Schieder, Theodor (2000) [1983]. Frederick the Great. Luân Đôn: Longman. ISBN 0-582-01769-6.
- Asprey, Robert B. (2007) [1986]. Frederick the Great: The Magnificent Enigma. Hoa Kỳ: iUniverse.com. 0595469000.
- Radzinsky, Edvard (2005) [2005]. Alexander II: The Last Great Tsar. Hoa Kỳ: Simon & Schuster. ISBN 0-7432-8197-7.
- Fraser, David (2001) [2000]. "Frederick+the+Great" Frederick the Great: King of Prussia. Hoa Kỳ: Fromm International. ISBN 0-88064-261-0.
- Webb, Adam K. (2006). Beyond the Global Culture War. New York: Routledge. ISBN 0-415-95312-X.
- Tiếng Pháp
- Burdeau, Georges (1979). Le libéralisme. Paris: Seuil. ISBN 2-02-005148-6.
- Manent, Pierre (1997). Histoire intellectuelle du libéralisme. Hachette Littérature. ISBN 978-2012788657.
- Salin, Pascal (2000). Libéralisme. Odile Jacob. ISBN 978-2738108098.
- Michea, Jean-Claude (2007). L'empire du moindre mal: Essai sur la civilisation libérale. Climats. ISBN 978-2081207059.
- Laurent, Alain (2002). La philosophie libérale. Les Belles Lettres. ISBN 978-2251441993.
- Nemo, Philippe (2006). Histoire du libéralisme en Europe. Jean Petitot. PUF. ISBN 978-2130552994.
- Tiếng Đức
- Becker, Werner (1982). Die Freiheit, die wir meinen: Entscheidung für die liberale Demokratie. Munich: Piper. ISBN 3-492-02761-X.
- Flach, Karl Hermann (1971). Noch eine Chance für die Liberalen; oder, die Zukunft der Freiheit. Frankfurt: S. Fischer. ISBN 3-10-021001-8.
- Gall, Lothar (1985). Liberalismus (ấn bản thứ 3). Königstein im Taunus: Athenäum. ISBN 3-7610-7255-4.
- Tiếng Việt
- Dostaler, Giles (2008). Chủ nghĩa tự do của Hayek. NGuyễn Đôn Phước dịch. Hà Nội: Tri thức.
- Ebenstein, Alan (2007). Friedrich Hayek, Cuộc đời và Sự nghiệp. Lê Anh Hùng dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính và giới thiệu. Hà Nội: Tri thức.
- Locke, John (2007). Khảo luận thứ hai về chính quyền - Chính quyền Dân sự. Lê Tuấn Huy dịch. Hà Nội: Tri thức.
- Mill, John (2007). Bàn về tự do. Nguyễn Văn Trọng dịch và chú giải. Hà Nội: Tri thức.
- Montesquieu (2004). Bàn về tinh thần pháp luật. Hoàng Thanh Đạm dịch. Hà Nội: Lý luận Chính trị.
- Nguyễn Đăng Dung (2004). Sự hạn chế quyền lực nhà nước. Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Rousseau, Jean-Jacques (2004). Bàn về Khế ước Xã hội. Hoàng Thanh Đạm dịch. Hà Nội: Lý luận Chính trị.
- Tocqueville, Alexis de (2007). Nền Dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính. Hà Nội: Tri thức.
Liên kết ngoài
sửa- Tiếng Việt
- Dịch giả Nguyễn Quang A. “Karl Popper - Sự khốn cùng của Chủ nghĩa Lịch sử”. Talawas.
- Dịch giả Nguyễn Quang A. “Karl Popper - Xã hội Mở và Kẻ thù của Nó Tập I (Plato)”. Talawas. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 2 tháng 10 năm 2007.
- Dịch giả Nguyễn Quang A. “Karl Popper - Xã hội Mở và Kẻ thù của Nó Tập II (Heghel và Marx)” (PDF). Talawas.
- Dịch giả Nguyễn Quang A. “Friedrich von Hayek - Con đường dẫn tới chế độ nông nô”. Talawas. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2009.
- Tiếng Anh
- liberalism (politics) tại Encyclopædia Britannica (tiếng Anh)
- “Australian Liberalism: The Continuing Vision”. home.vicnet.net.au. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 8 năm 2010. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2009.
- “French Liberalism in the 18th and 19th century”. cepa.newschool.edu. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2007. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2007.
- Liberal International
- Liberal Review, một tạp chí trực tuyến về chủ nghĩa tự do tại Anh Quốc
- Zalta, Edward N. (biên tập). Stanford Encyclopedia of Philosophy https://plato.stanford.edu/entries/liberalism/.
|title=
trống hay bị thiếu (trợ giúp) - Peter Berkowitz on "Modern Liberalism" Lưu trữ 2006-08-27 tại Wayback Machine
- The Liberal Lưu trữ 2019-10-01 tại Wayback Machine Magazine committed to reinvigorating Liberalism
- The program of liberalism, Ludwig von Mises
- The Oxford Manifesto of 1947 Lưu trữ 2011-02-11 tại Wayback Machine
- What's the Matter With Liberalism, political theorist Ronald Beiner's classic critique