Cách mạng Pháp
Cách mạng Pháp,[a] sử liệu Marxist thường gọi là Cách mạng tư sản Pháp, là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Pháp vào cuối thế kỷ XVIII, diễn ra từ năm 1789 đến năm 1799, khi lực lượng tự do-dân chủ và cộng hòa đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tại Pháp.[1] Đến năm 1799, Napoléon Bonaparte trở thành tổng tài của Đệ Nhất Cộng hòa Pháp sau một cuộc đảo chính, đặt dấu chấm hết cho cuộc cách mạng này. Nó được xem là quan trọng hơn các cuộc cách mạng khác tại Pháp sau này, vì đã kết thúc chế độ phong kiến tại quốc gia Tây Âu này. Nó cũng làm giảm quyền lực chuyên chế và đề cao sức mạnh của nhân dân.
Một phần của Cách mạng Đại Tây Dương | |
Địa điểm | Vương quốc Pháp |
---|---|
Hệ quả |
|
Cuộc cách mạng đã giải phóng các tư tưởng tiến bộ xã hội Pháp khỏi sự kìm hãm dưới chế độ phong kiến, trở thành mối đe dọa đến sự tồn tại của các quốc gia theo chế độ phong kiến thời bấy giờ.
Trong khoảng thời gian từ năm 1760 đến năm 1840, nước Pháp đóng vai trò quan trọng trên cục diện chính trị quốc tế, ảnh hưởng sâu sắc tới các nước khác như Ireland, Ba Lan, Hà Lan, Ý,... và là trung tâm của các phong trào trí thức trong thế kỷ XVIII. Khoa học của nước Pháp đã dẫn đầu thế giới. Phần lớn các tác phẩm văn hóa và chính trị đều được viết bằng tiếng Pháp, và được các nhà trí thức thuộc nhiều quốc gia tìm đọc và các ý tưởng, sáng kiến, phát minh của người Pháp được các dân tộc khác trên thế giới theo dõi và bắt chước. Tiếng Pháp trở thành một ngôn ngữ quốc tế, dùng cho các nhà trí thức và giới quý tộc của nhiều quốc gia tại châu Âu.
Nước Pháp với dân số 24 triệu người vào giữa thế kỷ XVIII, là miền đất giàu có và đông dân bậc nhất dưới quyền một chính phủ trung ương, trong khi nước Đức láng giềng còn bị chia rẽ, đế quốc Nga mới chỉ bắt đầu phát triển, thậm chí tổng dân số của cả nước Anh và Scotland cũng chỉ khoảng 10 triệu người. Kinh đô của nước Pháp, Paris, tuy nhỏ hơn so với thành phố London về diện tích, nhưng lại rộng gấp hai lần các thành phố Viên và Amsterdam. Tiền vàng của nước Pháp được lưu hành khắp châu Âu và chiếm một nửa số lượng ngoại tệ giao dịch, trong khi lượng hàng hóa xuất cảng từ Pháp qua các nước châu Âu khác lớn hơn nhiều lượng hàng hóa từ nước Anh.
Nhưng trong hoàn cảnh phát triển với ảnh hưởng rộng lớn như vậy, cuộc Cách mạng Pháp đã bùng nổ, làm rung động cả châu Âu, đã lật đổ chế độ cũ bằng một thứ "xã hội mới" và là một khuôn mẫu mà các phong trào cách mạng sau này hướng vào, coi cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 là một cuộc cách mạng đi trước. Những giá trị của cuộc Cách mạng vẫn có sức ảnh hưởng to lớn đến nền chính trị Pháp và châu Âu cho đến ngày nay. Khẩu hiệu "Tự do, bình đẳng, bác ái" cũng như bài hát quốc ca của Pháp La Marseillaise đều được ra đời từ cuộc cách mạng.
Cách mạng Pháp được xem là kết quả của những tư tưởng trong Thời kỳ Khai sáng với mơ ước thiết lập một xã hội của nhân tính, lý tính và tự do[2].
Cuộc cách mạng Pháp đã có một tác động rất lớn đến tình hình châu Âu và thế giới, đã làm thay đổi vĩnh viễn lịch sử của loài người[3][4]. Nó đã chấm dứt chế độ phong kiến và mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển tại nước Pháp và trên toàn thế giới. Hầu hết các nhà sử gia đều công nhận cuộc cách mạng Pháp là một trong số những sự kiện có tầm quan trọng bậc nhất trong lịch sử nhân loại [5]. Cuộc cách mạng đã làm sụp đổ chế độ phong kiến ở Pháp, đồng thời giải phóng cho nhân dân, phân chia ruộng đất công bằng, bãi bỏ các đặc quyền của giới tinh hoa và thiết lập quyền bình đẳng giữa mọi người. Tuy Cách mạng Pháp đi kèm với những đổ vỡ xã hội và sự khủng bố trên diện rộng nhưng ảnh hưởng của nó lên lịch sử châu Âu và toàn thế giới là không thể phủ nhận.[6] Trên phạm vi toàn cầu, Cách mạng Pháp đã dẫn tới sự bùng nổ của các cuộc cách mạng dân chủ và sự ra đời của các nền cộng hòa, báo hiệu sự cáo chung của chế độ phong kiến trên toàn thế giới. Cách mạng Pháp làm biến đổi sâu sắc tâm lý của người châu Âu. Sau cuộc cách mạng này, các nhà nước quân chủ tại châu Âu lung lay và lần lượt sụp đổ hoặc phải cải tổ để tiếp tục tồn tại. Giáo hội mất uy tín và mất dần quyền lực, tôn giáo dần tách khỏi quyền lực nhà nước trên toàn châu Âu. Từ cuộc Cách mạng Pháp, chế độ phong kiến với các quý tộc cát cứ những vùng đất rộng lớn tại châu Âu dần biến mất để hình thành nên các nhà nước tập quyền hiện đại. Các dân tộc thống nhất xuất hiện cùng với chủ nghĩa dân tộc gắn liền với các nhà nước này. Các phường hội tan rã còn chế độ nông nô sụp đổ. Tất cả những điều này mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ và thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa. Cách mạng Pháp cũng tạo ra hiến pháp, các luật lệ, hệ thống đo lường, cách tổ chức nhà nước và quân đội mới sẽ được phổ biến tại châu Âu và trên toàn thế giới. Các tư tưởng của cuộc cách mạng tiếp tục lan rộng ra toàn thế giới trong hàng trăm năm sau đó và tác động sâu sắc đến nền chính trị của mọi quốc gia trên thế giới. Các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XX cũng là sự kế thừa các lý tưởng của cuộc Cách mạng Pháp.[7]
Cách mạng Pháp đem lại nguồn cảm hứng cho giới trí thức châu Âu, khiến họ tin rằng mọi người đều có thể làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Nó đã trở thành điểm khởi đầu cho sự phát triển của tất cả các hệ tư tưởng chính trị hiện đại, dẫn đến sự ra đời và phổ biến của chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và nhiều tư tưởng khác.
Đặc biệt, cuộc cách mạng năm 1789 không chỉ thay đổi bộ mặt nước Pháp, mà còn đem đến cho toàn thể nhân loại niềm tin vào một thời đại mới tiến bộ và công bằng hơn[5].
Tuy nhiên, sự quá khích của một số lãnh đạo cách mạng và quần chúng đã dẫn đến một thời kỳ đầy bạo lực (Thời đại khủng bố), được tiếp nối bằng nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc trên toàn châu Âu. Các cuộc chiến này đem tinh thần của cách mạng Pháp phổ biến ra toàn châu Âu và làm đảo lộn trật tự cũng như thay đổi sâu sắc cơ cấu xã hội tại các nước châu Âu.
Nguyên nhân
sửaCách mạng Pháp là kết quả của rất nhiều yếu tố dài hạn và ngắn hạn mà đã đóng góp vào khủng hoảng chính trị, kinh tế, tài chính và xã hội cuối những năm 1780.[8] Sự kháng cự cải cách của tầng lớp tinh hoa, cộng thêm sự thiếu dứt khoát trong khâu hoạch định chính sách của Louis XVI và nội các của ông, đã khiến nhà nước bất lực trong công tác kiểm soát khủng hoảng.[9]
Giữa năm 1715 và 1789, dân số Pháp tăng từ 21 lên 28 triệu người.[10] Tỷ lệ cư dân ở các thành thị tăng 20%; riêng Paris có hơn 600.000 cư dân.[10] Tầng lớp nông dân cấu thành 80% nhân khẩu; trong khi tầng lớp trung lưu đã tăng gấp ba trong vài thập kỷ qua, đạt gần 10% nhân khẩu vào năm 1789.[11] Pháp thế kỷ thứ 18 trải qua một thời kỳ phồn thịnh kinh tế mạnh mẽ, tuy nhiên thì sự giàu có này phân bố không đồng đều giữa các nhóm nhân khẩu và các vùng địa lý. Dân chúng kiếm sống bằng nghề nông, cho thuê đất, thuê có lãi và giao thương với các thuộc địa nô lệ hải ngoại của Pháp thu về nhiều lợi lộc, trong khi mức sống của người làm công ăn lương và tá điền thì bấp bênh hơn bao giờ hết.[12] Bất bình đẳng kinh tế dâng cao làm nảy sinh xung đột giai cấp.[13] Bên cạnh đó, cuộc suy thoái kinh tế năm 1785 và các vụ mùa thất bát những năm 1787 và 1788 dẫn tới tinh trạng thất nghiệp và đẩy cao giá lương thực, trùng khớp với khủng hoảng tài chính và chính trị đang diễn ra trong chế độ quân chủ.[14]
Tuy Pháp thời kỳ này cũng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nợ, bản thân mức nợ được coi là không quá cao, nhất là khi so với mức nợ của nước Anh đương thời.[15] Một vấn đề khác đó là sự biến thiên rất lớn của thuế suất giữa các khu vực, thường có chênh biệt rất đáng kể khi so với mức thuế chính thức, và được thu thập một cách không nhất quán. Điều này khiến người nộp thuế cảm thấy không chắc chắn về mức thuế chính thức, hệ quả là sự ngờ vực chính phủ.[16][b] Các nỗ lực nhằm đơn giản hóa hệ thống thu thuế bị các Parlement, cơ quan có quyền đề bạt chính sách tài chính ở cấp địa phương, ngăn cản. Với tình hình này, hội nghị ba đẳng cấp được triệu tập và bị cực đoan hóa bởi cuộc đấu tranh nhằm kiểm soát chính sách tài chính công.[18]
Louis XVI sẵn lòng cân nhắc cải cách, song ông thường rút lui khi phải đối mặt với các thành phần bảo thủ phản động bên trong tầng lớp quý tộc. Phê phán Khai sáng đối với các thiết chế xã hội được thảo luận công khai bởi tầng lớp tinh hoa có học thực của Pháp, trong khi Cách mạng Mỹ và làn sóng khởi nghĩa ở châu Âu những năm 1780 đã truyền cảm hứng cho công chúng để tranh biện về các đề tài mới nổi như chủ nghĩa ái quốc, tự do, bình đẳng và quyền tham chính của nhân dân trong lập pháp. Những tư tưởng cách tân này đã góp phần định hình phản ứng của công chúng có học thức đối với cuộc khủng hoảng mà nhà nước họ đang đương đầu.[19] Ngoài ra, hàng loạt các vụ bê bối như vụ Vòng cổ Kim cương đã làm giảm sút đáng kể uy tín của triều đình, quý tộc và tăng lữ.[20]
Khủng hoảng của Ancien Régime
sửaKhủng hoảng tài chính và chính trị
sửaPháp chủ yếu tài trợ cho cuộc chiến với Anh vào những năm 1778 và 1783 bằng các khoản vay từ nước ngoài. Sau khi hòa bình lập lại, chế độ quân chủ tiếp tục vay nặng nên rơi vào cảnh nợ nần trầm trọng. Tới năm 1788, ngót nửa doanh thu của nhà nước được dùng duy cho mục đích trả nợ.[21] Năm 1786, Bộ trưởng Tài chính Pháp Charles Alexandre de Calonne đề xuất một gói cải cách kinh tế với các chủ trương chính như sau: giới thiệu thuế đất cơ bản, bãi bỏ sự kiểm soát ngặt nghèo đối với ngũ cốc và thuế quan nội địa, và lập ra các nghị viện địa phương do nhà vua phân công. Dầu vậy, các khoản thuế mới bị khước từ bởi Hội đồng Nhân sĩ do tầng lớp quý tộc bầu ra và thâu tóm, rồi về sau lại tiếp tục bị từ chối bởi các parlement khi Étienne Charles de Loménie de Brienne lên kế nhiệm Calonne. Với tình hình đó, giới nhân sĩ và parlement cho rằng chỉ Hội nghị ba đẳng cấp mới có khả năng phê duyệt các khoản thuế mới.[22]
Xung đột giữa chính quyền trung ương và các parlement địa phương đã trở thành vấn nạn quốc gia. Hai bên đều đưa ra hàng loạt các phát biểu công khai nhằm hợp thức hóa hành động của mình: chính quyền trung ương thì cho rằng họ đang đấu tranh chống lại đặc quyền đặc lợi của tầng lớp thống trị, các parlement thì cho rằng họ đang đấu tranh vì truyền thống của quốc gia. Dư luận ủng hộ phe parlement và các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ ở nhiều thị trấn. Các nỗ lực kêu gọi phát hành công trái của Brienne đều thất bại, và vào ngày 8 tháng 8 năm 1788, ông thông cáo rằng nhà vua sẽ triệu tập Hội nghị ba đẳng cấp vào tháng 5 năm sau. Brienne từ nhiệm ngay sau đó và được thay thế bởi Jacques Necker.[23]
Tháng 9 năm 1788, parlement của Paris ra lệnh triệu tập Hội nghị ba đẳng cấp tương tự như năm 1614, quy tụ đầy đủ cả ba tầng lớp là tăng lữ, quý tộc và bình dân. Theo lệ, mỗi đẳng cấp sẽ đầu phiếu riêng để quyết định chính sách của mình nhưng khi đếm phiếu thì chỉ dựa trên phiếu đại diện của từng đẳng cấp. Lợi dụng cơ cấu này mà tầng lớp tăng lữ và quý tộc có thể hiệp thương với nhau để thắng phiếu Đẳng cấp thứ ba mặc dù chỉ chiếm 5% dân số.[24]
Theo sau sự nới lỏng kiểm duyệt và các luật cấm lập hội, một nhóm quý tộc tự do và hoạt động viên thuộc tầng lớp trung lưu, tự xưng là Hội Tam Thập, đã vận động nhà vua cho phép tăng gấp đôi số lượng đại biểu của Đẳng cấp thứ ba và thay luật đếm phiếu dựa theo đại diện bằng luật đếm phiếu dựa theo số đầu người. Bắt đầu từ ngày 25 tháng 9 năm 1788, trung bình cứ một tuần lại có 25 pam-fơ-lê chính trị mới được xuất bản ở Pháp.[25] Emmanuel Joseph Sieyès đã cho ra đời bài chính luận hết sức ảnh hưởng có tựa Đẳng cấp thứ ba là gì? nhằm tố cáo các đặc quyền đặc lợi của tăng lữ và quý tộc, đồng thời khẳng định rằng Đẳng cấp thứ ba là đại diện của nhân dân và vì vậy xứng đáng có chỗ ngồi riêng trong Quốc hội. Những nhà hoạt động chính trị như Mounier, Barnave và Robespierre tổ chức các cuộc mít-tinh và kiến nghị thay mặt Đẳng cấp thứ ba ở các thị trấn địa phương.[26] Vào tháng 12, nhà vua chấp thuận việc tăng gấp đôi số đại biểu của Đẳng cấp thứ ba, nhưng phó thác cho Hội nghị ba đẳng cấp xem xét việc cấp quyền đếm phiếu dựa theo số đầu người.[27]
Hội nghị ba đẳng cấp 1789
sửaHội nghị ba đẳng cấp bao gồm: Đẳng cấp thứ nhất đại diện cho 100.000 tăng lữ, Đẳng cấp thứ hai đại diện cho quý tộc và Đẳng cấp thứ ba đại diện cho "bình dân".[28] Vì lẽ ba bộ phận này hội kiến riêng biệt, và mỗi đề xuất chính sách phải được ít nhất hai đẳng cấp bất kỳ nhất trí, Đẳng cấp thứ nhất và thứ hai hoàn toàn có khả năng thắng phiếu Đẳng cấp thứ ba mặc dù chỉ đại diện cho 5% dân số.[29]
Tuy Giáo hội Công giáo Pháp sở hữu gần 10% đất đai toàn quốc và có quyền thu thuế thập phân từ nông dân,[30] 3/4 trong số 303 tăng lữ được bổ nhiệm đều là các cha xứ, nhiều trong số họ lĩnh lương bổng thấp hơn cả lao động phổ thông, chia sẻ nhiều điểm chung với giáo dân nghèo hơn là với các giám mục thuộc Đẳng cấp Thứ nhất.[31]
Đẳng cấp Thứ hai tiến cử 322 đại biểu, đại diện cho khoảng 400.000 quý tộc sở hữu gần 25% đất đai toàn quốc và có quyền thu tô thuế từ các tá điền dưới trướng họ. Hầu hết đại biểu là các thành viên của tầng lớp noblesse d'épée sống ở thành thị, còn gọi là giới quý tộc truyền thống. Cận thần và đại diện của noblesse de robe (tầng lớp có địa vị quý tộc nhờ giữ các chức vụ lập pháp và hành chính) có số lượng không đáng kể.[32]
Trong số 610 đại biểu của Đẳng cấp Thứ ba, 2/3 đại biểu có năng lực pháp lý và gần nửa đại biểu giữ các chức vụ dễ bị mua chuộc. Ít hơn 100 đại biểu hành nghề giao thương hoặc thủ công nghiệp và không có đại biểu nào là nông dân hoặc nghệ nhân.[33] Để hỗ trợ công tác tham chính, mỗi khu vực phải hoàn thành một bản danh sách phàn nàn có tên là Cahiers de doléances.[34] Theo đó, nạn bất bình đẳng tô thuế thường đứng đầu các bản cahiers de doleances.[35]
Ngày 5 tháng 5 năm 1789, ba đẳng cấp hội họp tại Cung điện Versailles. Tại đây, Necker nêu vắn tắt về ngân sách nhà nước và nhắc lại quyết định của nhà vua rằng mỗi đẳng cấp nên đồng thuận về vấn đề mà họ muốn đưa ra để cả ba bên cùng bỏ phiếu. Ngày tiếp theo, mỗi đẳng cấp tự xác minh độ uy tín của các đại biểu của mình. Tuy nhiên, Đẳng cấp thứ ba lại bỏ phiếu để mời các đẳng cấp khác xét duyệt tất cả các đại biểu của Hội nghị cùng nhau và đồng thuận đếm số phiếu theo đầu người. Đàm phán bất thành kéo dài đến ngày 12 tháng 6 đã khiến Đẳng cấp thứ ba đành tự xét duyệt các đại biểu của mình. Ngày 17 tháng 6, Đẳng cấp thứ ba tuyên bố tự xưng là Quốc hội Pháp và vô hiệu hóa tất cả các loại thuế hiện thời.[36] Trong vòng hai ngày sau, hơn 100 tăng lữ của Đẳng cấp thứ hai đã gia nhập cùng họ.[37]
Run sợ trước thách thức đối với quyền lực của mình, nhà vua đã đồng ý là sẽ thông báo việc thực hiện một đợt cải cách tại Phiên họp Hoàng tộc của Hội nghị Ba đẳng cấp. Salle des États đóng cửa trong thời gian diễn ra phiên họp liên tịch, nhưng trớ trêu ở chỗ, các đại biểu của Hội nghị Ba đẳng cấp không được thông tin trước về chuyện này. Ngày 20 tháng 6, vì thấy hội trường đóng cửa mà không rõ lý do, các đại biểu của Đẳng cấp thứ ba đã kéo nhau ra sân tennis gần đó và thề nguyện là sẽ không tản mác cho tới khi một hiến pháp mới được thông qua.[38]
Quốc hội lập hiến
sửaVào 28 tháng 5 năm 1789, giáo sĩ Emmanuel Joseph Sieyès đề nghị rằng các đại biểu Đẳng cấp thứ ba, hiện đang hội họp như các "Nhóm bình dân" (Commons), tiến hành xác minh những quyền lực của chính mình và mời hai nhóm đại biểu của hai đẳng cấp kia tham gia, nhưng không phải chờ đợi họ. Họ đã tiến hành như vậy, hoàn thành quá trình vào 17 tháng 6[39]. Sau đó họ bỏ phiếu ủng hộ một biện pháp cơ bản hơn, tuyên bố họ là Quốc hội, một cơ quan đại diện không phải là của các đẳng cấp mà là của "nhân dân". Đạo luật đầu tiên của quốc hội là Tuyên bố Dân quyền và Nhân quyền. Họ đã mời các đại biểu của các đẳng cấp trên tham gia cùng họ, nhưng nói rõ rằng họ có ý định tiến hành các công việc quốc gia dù có hay không có sự tham gia của các đại biểu kia.
Louis XVI đóng cửa Phòng quốc gia nơi Quốc hội họp. Quốc hội chuyển những cuộc bàn cãi của mình ra ngoài sân Jeu de Paume của vua, nơi họ tiến hành Lời tuyên thệ Jeu de Paume (20 tháng 6, 1789), theo đó họ đồng ý không trở về cho tới khi lập ra được một hiến pháp cho nước Pháp. Đa số các đại diện của giới tăng lữ nhanh chóng gia nhập với họ, cùng với bốn bảy thành viên giới quý tộc. Tới 27 tháng 6 phe hoàng gia đã công khai nhượng bộ, mặc dù quân đội bắt đầu kéo tới với số lượng đông đảo quanh Paris và Versailles. Các thông điệp ủng hộ Quốc hội bay tới từ Paris và các thành phố khác của Pháp. Ngày 9 tháng 7, Quốc hội tự tổ chức lại thành Quốc hội lập hiến.
Ở Paris, Cung điện hoàng gia và những khoảng đất của nó đã trở thành nơi tụ họp của nhiều cuộc tụ tập liên tục. Một số quân đội quay sang phía chính nghĩa của dân chúng.
Louis XVI ra lệnh giải tán Quốc hội Lập hiến nhưng vẫn để cho họp, không cưỡng chế công khai. Vào ngày 25 tháng 5, Vệ binh Pháp diễu hành Paris ủng hộ các đại biểu phản kháng, để cho cử tri Paris lập hội đồng. Tuy nhiên, triều đình vào ngày 26 ra lệnh điều sáu trung đoàn cùng đội lính khoảng 20.000 người[40] đến đóng bên ngoài kinh đô để giữ trật tự ở Paris và Versailles.[41]
Người dân Paris lo sợ: tư sản thì sợ nhà vua sẽ đập nát Quốc hội Lập hiến, thường dân thì sợ lính sẽ chặn đường tiếp tế của dân Paris đương lúc giá bánh mì cao. Vào đầu tháng 7, bạo loạn nổ ra ở rào chắn đường. Nhà vua miễn chức các quan thần quá tiến bộ, nhất là Necker; vào ngày 11 tháng 7, ông được lệnh rời khỏi Pháp.[42] Vào ngày 12, tin đến tai Paris, người dân cầm vũ khí ra đường biểu tình. Vào buổi chiều, trong vườn Hoàng Cung, nhà báo Camille kêu gọi người dân chuẩn bị tự vệ. Ông coi việc miễn chức Necker là đòn đánh vào nhân dân. Trong vườn Cung Tuilleries và ở Nhà Phế binh, người dân Paris giáp chiến Trung đoàn Kỵ binh Pháp-Đức dưới quyền hoàng tử Lambesc, tố quân lính giết một vài người biểu tình.[43]
Vào ngày 13 tháng 7, rào chắn bị đốt sạch, kho thóc gạo của các tu viện bị vét.[44] Một đội dân quân tư sản được thành lập để phòng thủ kinh đô theo ý của Công xã Paris, có Mirabeau trong Quốc hội Lập hiến ủng hộ.[45]
Đột chiếm ngục Bastille
sửaVào ngày 11 tháng 7, 1789, vua Louis, dưới ảnh hưởng của các quý tộc bảo thủ trong Hội đồng Cơ mật, cũng như của vợ ông, Maria Antonia của Áo, và em trai, Công tước xứ Artois, trục xuất vị bộ trưởng cải cách Necker và tái cơ cấu lại tất cả các bộ. Đa phần Paris coi đó là sự khởi đầu của cuộc đảo chính của hoàng gia, đã nổi loạn. Một số lực lượng quân đội tham gia vào đám đông dân chúng; một số khác thì đứng trung lập.
Ngày 14 tháng 7 năm 1789, sau bốn giờ xung đột, quân khởi nghĩa chiếm được ngục Bastille. Mặc dù có lệnh ngừng chiến để tránh sự tàn sát lẫn nhau, vị quan giám ngục ở đó là Hầu tước Bernard de Launay và nhiều lính gác vẫn bị giết. Đám đông đem đầu quan giám ngục cắm cọc mang đi diễu hành quanh thành phố. Tuy những người Paris chỉ giải thoát cho bảy tù nhân (bốn kẻ lừa đảo, hai công tử quý tộc bị giam do đạo đức xấu, và một nghi phạm giết người) nhưng Bastille vẫn được coi là một biểu tượng hùng hồn của tất cả những gì bị căm ghét của "chế độ cũ". Quay trở về Tòa thị chính, đám đông buộc tội vị prévôt des marchands (tương đương chức thị trưởng) Jacques de Flesselles là kẻ phản bội; ông bị giết ngay trên đường đến một nơi có vẻ là một tòa án ở Cung điện hoàng gia Palais Royal.
Nhà vua và những kẻ ủng hộ trong quân đội lùi bước, ít nhất là ở thời điểm đó. Hầu tước Lafayette đảm nhiệm chỉ huy Cảnh vệ quốc gia ở Paris; Jean-Sylvain Bailly – Chủ tịch Quốc hội vào lúc đó của Lời tuyên thệ Jeu de Paume — trở thành thị trưởng thành phố dưới một cơ cấu chính quyền mới được gọi là "công xã" (thay cho Hội đồng Nhà vua tại Paris). Nhà vua tới Paris, nơi mà vào ngày 27 tháng 7, ông chấp nhận một phù hiệu tam tài (ba màu) giữa lúc dân chúng hô "Quốc gia muôn năm" thay vì "Đức vua muôn năm".
Tuy nhiên, sau cuộc bạo lực này, các quý tộc; vẫn được đảm bảo chút ít bởi sự hòa giải tạm thời, giữa nhà vua và người dân; đã bắt đầu giải phóng đất nước khỏi những kẻ "nhập cư", một số họ bắt đầu âm mưu tiến hành nội chiến bên trong vương quốc và xúi giục liên minh châu Âu chống lại nước Pháp.
Necker được gọi trở lại nắm quyền, nhưng thắng lợi của ông chóng tàn. Là một nhà tài chính khôn ngoan hơn là một chính trị gia khôn khéo, ông đã quá nhấn mạnh vai trò của mình bằng cách yêu cầu và giành được một sự ân xá chung, đánh mất phần lớn sự ủng hộ của nhân dân. Ông còn cho rằng mình có thể tự cứu nước Pháp.
Giới quý tộc không yên tâm với sự hòa giải bề ngoài giữa nhà vua và dân chúng. Họ bắt đầu chạy ra nước ngoài, một số bắt đầu âm mưu nội chiến và kêu gọi một liên minh châu Âu chống Pháp.
Đến cuối tháng 7, khởi nghĩa và tinh thần chủ quyền nhân dân lan ra khắp nước Pháp. Tại các vùng nông thôn, rất nhiều người có hành động quá mức: một số đốt các chứng từ nợ và đốt phá không ít các lâu đài, coi chúng là một phần của một cuộc tổng khởi nghĩa nông dân được gọi là La Grande Peur (Sự sợ hãi vĩ đại). Thêm vào đó, âm mưu tại triều đình Versailles và số lượng lớn người lang thang do thất nghiệp đã dẫn đến các tin đồn bừa bãi và sự hoang tưởng (đặc biệt ở nông thôn), gây ra sự lo sợ và rối loạn trong nước, góp phần vào La Grande Peur (Hibbert, 93).
Bãi bỏ chế độ phong kiến
sửaLouis XVI chịu nhường bước, đích thân đến Quốc hội Lập hiến vào hôm sau để thông báo rút quân và kêu gọi lập lại trật tự. Ông cho Necker cùng những bộ trưởng khác phục chức. Ở Phủ Thị chính, tất cả nhân viên chính quyền cũ đã bỏ trốn, Chủ tịch Quốc hội Jean Sylvain Bailly nhất trí đắc cử “Thị trưởng Paris”. La Fayette được bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy Vệ binh Quốc gia. Vào ngày 17 tháng 7, Louis XVI đến Paris, thừa nhận chính quyền mới. Bailly nhân dịp tặng ông huy hiệu có màu xanh đỏ của thành phố Paris, Louis XVI gắn trên mũ, liên kết hai màu này với màu trắng của chế độ. Cử chỉ này có vẻ xác định Paris chịu hoà với nhà vua. Tuy nhiên, trên thực tế thì nhà vua miễn cưỡng chấp nhận rằng quyền lực của ông bị một cuộc bạo động ở Paris hạn chế, các đại biểu thì phải chấp nhận rằng quyền lực của họ phụ thuộc vào bạo lực của nhân dân.
Tiếng tăm của “Những người chiếm nhà tù Bastille” lan rộng khắp Pháp. Vũ lực đã giúp phe cải cách được thắng lợi. Nhà tù Bastille được diễn giải lại thành biểu tượng của sự lộng quyền của chế độ. Những tin đồn viễn vông nhất lan truyền, như dưới nhà tù có các ngục tối chứa đầy xương người. Nhân vật Bá tước Lorges được hư cấu nên làm nạn nhân tiêu biểu của chế độ. “Người yêu nước” Palloy làm giàu bằng cách phá dỡ nhà tù Bastille và bán nhiều món đồ lưu niệm. Trận đánh chiếm Bastille là một phần của làn sóng bất ổn xã hội ảnh hưởng tất cả các tỉnh. Từ đầu tháng 7, khủng hoảng lương thực khiến cho người dân bạo động, tranh giành chính quyền thành phố.[46] Ở nhiều thành phố, phe yêu nước tự lập các uỷ ban thường trực, cướp chính quyền thành phố. Dân tình đối với các biến ở Paris, như việc Necker bị miễn chức, góp phần tăng cường hoạt động, gây nên cách mạng thực sự ở một số thành phố. Trận đánh chiếm nhà tù Bastille được chào đón nhiệt tình, đưa phong trào lên đến đỉnh điểm. Ở Rennes và Strasbourg, các nhóm đánh cướp các kho vũ khí không chịu kháng cự; các nhóm khác chiếm các thành lũy của Bordeaux, Nantes hoặc Marseilles có quân lính đóng. Vệ binh Quốc gia được thành lập. Antoine Barnave khuyên Grenoble rằng chỉ nên nhận “tư sản tốt”. Trên thực tế, Vệ binh Quốc gia thường kiểm soát các uỷ ban thường trực và các phong trào quần chúng.[47]
Những sự kiện này gây ra đợt di cư đầu tiên: Bá tước Artois là em trai của Louis XVI cùng những tên tuổi lớn của Pháp như Hoàng tử Condé, Công tước Polignac, và Công tước Enghien đều trốn đến Anh, Hà Lan hoặc Đức. Tất cả đều dự kiến về nước trong ba tháng.
“Nỗi kinh sợ” dần dần lan khắp vùng nông thôn từ ngày 20 tháng 7 năm 1789 đến ngày 6 tháng 8. Nông dân nghe đồn giới quý tộc đang mưu trả đũa diễn biến ở Paris hay có “băng cướp” nông sản, bắt đầu mang vũ khí, rồi đánh phá nhiều lâu đài quý tộc, đốt giấy tờ ghi chép quyền chủ đất hoặc thuế. Các cuộc nổi dậy này đánh dấu vương quyền sụp đổ, gây ra đợt di cư quý tộc.[48]
Quốc hội Lập hiến ứng biến, vào đêm ngày 4 tháng 8 năm 1789 thủ tiêu các đặc quyền giai cấp, các quyền lợi phong kiến, cấm bán chức quyền, chia đều lại thuế, chấm dứt xã hội Chế độ Cũ.
Ngày 4 tháng 8 năm 1789, Quốc hội bãi bỏ chế độ phong kiến, dẹp bỏ cả các quyền của lãnh chúa của Đẳng cấp thứ hai và các loại thuế thập phân của Đẳng cấp thứ nhất. Trong vòng vài giờ, các quý tộc, tăng lữ, các thị trấn, tỉnh lỵ, các công ty và các thành thị mất đi quyền ưu tiên của mình.
Vào ngày 26 tháng 8 năm 1789, Quốc hội Lập hiến ra Tuyên ngôn quyền con người và quyền công dân. Chịu ảnh hưởng của Phong trào Khai sáng, bản tuyên ngôn lên án chế độ vua chúa tuyệt đối và xã hội giai cấp phong kiến, tuyên bố nguyên tắc dân chủ pháp lý và xã hội, phản ánh nguyện vọng của giai cấp tư sản: bảo vệ quyền tự do cá nhân và tài sản riêng, mở chức vụ công cho mọi người.
Vào tháng 9 năm 1789, Quốc hội Lập hiến thông qua những điều khoản đầu tiên của hiến pháp mới hạn chế vương quyền. Vào ngày 5 và 6 tháng 10 năm 1789, khó khăn tiếp tế thóc gạo cho Paris cùng tin đồn trung đoàn Flanders giẫm nát phù hiệu ba màu kích động đám đông đàn bà diễu hành đến Versailles xin diện kiến nhà vua. Ban đầu, nhà vua sẽ đáp ứng yêu cầu của họ.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Lập hiến Mounier lại xin Louis XVI ban bố Tuyên ngôn quyền con người và quyền công dân cùng hai đạo luật ngày 4 và 26 tháng 8 về việc thủ tiêu chế độ giai cấp phong kiến. Buổi tối, La Fayette đến Versailles theo yêu cầu của Công xã Paris. Vào rạng sáng ngày hôm sau, người trong đám đông cố giết hoàng gia, làm hai vệ sĩ chết. Sau khi điều tra sự việc, Châtelet kết luận: “ơn cứu giúp nhà vua, hoàng hậu, và hoàng gia là của Vệ binh Quốc gia và vị chỉ huy của nó”, La Fayette. Nhà vua phải rời Versailles và được đám đông hộ tống đến Paris. Ông sẽ không bao giờ trở về nữa.
Về sau, nhà vua và Quốc hội Lập hiến đều ở Paris, một mặt được Vệ binh Quốc gia bảo vệ, một mặt bị bạo loạn uy hiếp.
Quyền lực triều đình vô cùng suy yếu. Pháp vẫn là nước vua, nhưng quyền lập pháp nay thuộc về Quốc hội Lập hiến. Các uỷ ban chuyên trách của Quốc hội kiểm soát ngành hành chính, vương quyền ngày càng bị coi nhẹ. Các quan thần chỉ là người thừa hành lệnh do Quốc hội giám sát. Tuy nhiên, nhà vua vẫn giữ quyền hành pháp. Luật và nghị định do Quốc hội thông qua cần nhà vua ban bố để có hiệu lực. Ngoài ra, những nhân viên chính quyền khác của Chế độ cũ được lưu nhiệm cho đến khi có chính quyền mới. Cho đến mùa hè năm 1790, những nhân viên hành chính chưa từ chức tiếp tục làm việc, mặc dù quyền hạn đã giảm đi nhiều.
Cải cách hành chính
sửaQuốc hội Lập hiến do tư sản lãnh đạo tiến hành công trình cải cách rộng lớn, áp dụng các ý tưởng của các nhà triết học và kinh tế học của thế kỷ 18. Trên khắp Pháp, trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng. Từ năm 1789 đến năm 1792, báo chí được hoàn toàn tự do xuất bản.
Trước tiên, Quốc hội Lập hiến bắt đầu cải cách đơn vị hành chính. Chế độ Cũ có rất nhiều khu vực hành chính lộn xộn. Đơn vị hành chính dân sự, quân khu, địa hạt tư pháp, và giáo phận chồng lên nhau mà lại khác ranh giới. Quốc hội tập trung vào thành phố, ra đạo luật ngày 14 tháng 12 thành lập đô thị. Từ tháng 1 năm 1790, mỗi xã ở Pháp tổ chức bầu cử các đại biểu của mình, là những cuộc bầu cử đầu tiên của Cách mạng Pháp.
Luật ngày 22 tháng 12 năm 1789 lập 83 tỉnh làm đơn vị hành chính, tư pháp, và thuế, lấy tên liên quan đến địa lý của vùng như sông, núi, biển, được chia thành các huyện, tổng, và xã. Vào mùa xuân năm 1790, Quốc hội lập uỷ ban phụ trách phân cấp Pháp và giải quyết các tranh chấp giữa các thị trấn tranh giành tư cách thủ phủ. Chính quyền mới bắt đầu nhậm chức từ mùa hè năm 1790 đến năm 1791, do công dân tham chính bầu lên, chiếm khoảng một phần bảy dân số bấy giờ.
Loại bỏ ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo Roma
sửaCuộc cách mạng đã đem lại sự chuyển dịch quyền lực lớn từ Giáo hội Công giáo La Mã sang Nhà nước. Luật ban hành năm 1790 bao gồm cả việc bãi bỏ quyền đánh thuế trên vụ mùa (còn được gọi là "dîme") của Giáo hội, việc xóa bỏ những đặc quyền của giới giáo sĩ, và sung công tài sản Giáo hội, người sau đó sở hữu nhiều đất đai nhất trên toàn quốc. Đi cùng với cuộc cách mạng là cú phản đòn dữ dội về phe giáo chức mà kèm theo đó là bắt bớ và thảm sát các linh mục trên toàn đất Pháp. Điều ước năm 1801 giữa Quốc hội và Giáo hội đã chấm dứt thời kỳ bài Công giáo và thiết lập nên những luật lệ cho mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Nhà nước Pháp. Điều ước này tồn tại cho đến khi bị hủy bỏ bởi nền Đệ Tam Cộng hòa nước Pháp để tách biệt giữa Giáo hội và nhà cầm quyền vào ngày 11 tháng 12 năm 1905.
Vào ngày 11 tháng 8 năm 1789, thuế thập phân bị huỷ bỏ. Vào ngày 2 tháng 11, theo đề nghị của Talleyrand Giám mục Autun, tài sản giáo sĩ được nhà nước trưng dụng vào việc trả nợ công, sẽ bán theo lô để bù vào thâm hụt ngân sách. Cùng năm chính phủ phát hành tín phiếu làm tiền giấy. Tình hình tài chính buộc Quốc hội Lập hiến đem tài sản công làm bảo chứng cho tín phiếu, có thể đổi lấy đất. Lúc đầu tín phiếu được dùng làm trái phiếu kho bạc. Vào tháng 4 năm 1790, ngân hàng không cho đổi lấy vàng nữa mà trở thành tiền danh. 400 triệu tín phiếu được phát hành mệnh giá 1.000 đồng: đây là lúc bắt đầu thời kỳ lạm phát mạnh.
Quốc hội Lập hiến thành lập Uỷ ban Giáo hội. Vào ngày 13 tháng 2 năm 1790, bãi bỏ các lời thề tôn giáo, tạm thời giải tán các dòng tu, trừ các dòng tu chữa bệnh và dạy học ra. Các chính quyền thành phố bắt đầu kiểm kê tài sản trong những tháng sau, hay dùng các thư viện tư để tạo thành các thư viện thành phố đầu tiên. Nhà nước bắt đầu bán tài sản quốc gia vào tháng 10. Tư sản vốn có đủ tiền để mua nhanh, được miếng béo bở.[49]
Vào ngày 12 tháng 7 năm 1790, Quốc hội Lập hiến thông qua Hiến luật Giáo sĩ, được nhà vua ban bố vào ngày 24 tháng 8 năm 1790.[50] Hiến luật biến giáo sĩ thành công chức ăn lương nhà nước. Các giáo sĩ thế tục nay phải được bầu chọn và phải tuyên thệ chấp nhận bảo vệ chế độ giáo sĩ mới. Các đại biểu không xin ý kiến của giáo hoàng về những cải cách hàng giáo phẩm Công giáo, một phần vì tư tưởng chống giáo hoàng của một bộ phận giai cấp tư sản, một phần vì chủ trương loại bỏ ảnh hưởng tôn giáo của Phong trào Khai sáng. Một số giáo sĩ không chờ giáo hoàng ra ý kiến bắt đầu tuyên thệ.
Vào ngày 27 tháng 11, Quốc hội Lập hiến ra lệnh các giáo sĩ lập hiến phải tuyên thệ, nếu không thì sẽ mất lương và tiền nghỉ hưu. Tất cả giám mục đều không chịu tuyên thệ, trừ bốn người bị ép ra. Các giám mục vẫn làm việc như thể không có Hiến luật, mặc dù 45 giáo phận đã bị bãi bỏ. Các đại biểu giáo sĩ trong Quốc hội Lập hiến phải tuyên thệ trước ngày 4 tháng 1 năm 1791. Trong số 250 đại biểu giáo sĩ, có 99 đã tuyên thệ. Tuy nhiên, giáo hoàng Pie VI vào tháng 3 năm 1791 lên án cải cách, khiến cho một số rút lời thề. Tuy khó thu thập được số liệu toàn diện, ước tính 52% số giáo sĩ không chịu tuyên thệ.[51]
Hiến luật Giáo sĩ chia rẽ Pháp làm hai phe đối địch. Các nhà sử học Michelet, Mignet, và Aulard nhận định đây là sai lầm lớn của Cách mạng Pháp. Hạt giống của biến năm 1792-1793 đã gieo. Ngay từ năm 1790, xích mích giữa đạo Tin Lành và Công giáo đã bộc phát ra ở Nimes.[52] Vấn đề tuyên thệ gây ra xung đột bạo lực ở miền Tây, dân thành phố thì ủng hộ tuyên thệ, dân nông thôn thì ủng hộ không tuyên thệ.
Sự hình thành các đảng phái
sửaCác bè phái trong Quốc hội bắt đầu lộ rõ hơn. Quý tộc Jacques Antoine Marie de Cazalès và đức cha Jean-Sifrein Maury dẫn đầu một phe sau này được gọi là cánh hữu, chống lại cách mạng. Những nhà "dân chủ bảo hoàng" hay còn gọi là monarchiens, liên kết với Necker lại thiên về tổ chức một nước Pháp tương tự như mô hình nước Anh Quân chủ lập hiến. Họ bao gồm Jean Joseph Mounier, Bá tước Lally-Tollendal, Bá tước Clermont-Tonnerre và Pierre Victor Malouet, Bá tước của Virieu. Đảng Quốc gia, đại diện cho thành phần trung hữu của Quốc hội, bao gồm Honoré Mirabeau, La Lafayette và Bailly; trong khi Adrien Duport, Antoine Barnave và Alexander Lameth đại diện cho quan điểm cực hữu hơn. Hầu như đơn độc với thuyết cấp tiến bên cánh tả là luật sư Maximilien Robespierre.
Cha Emmanuel Joseph Sieyès đi đầu trong đề xuất lập pháp trong giai đoạn này và đã đôi lúc thành công trong việc đem lại sự đồng lòng giữa thành phần trung lập và cánh tả.
Ở Paris, nhiều hội đồng, thị trưởng, hội đồng đại biểu và các quận riêng biệt đều đòi hỏi quyền độc lập lẫn nhau. Tầng lớp trung lưu đang trên đà phát triển. Đội Cảnh vệ Quốc gia dưới sự dẫn dắt của La Lafayette từ từ nổi lên như một thế lực chính trị độc lập tương tự như các hội nhóm tự phát khác.
Trên cơ sở tham khảo Bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ vào ngày 26 tháng 8 năm 1789, Quốc hội ban hành Tuyên ngôn về nhân quyền và quyền công dân, với khẩu hiệu nổi tiếng "Tự do, Bình đẳng, Bác ái". Tương tự như tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, bản tuyên ngôn này chỉ bao gồm những tuyên bố nguyên tắc hơn là một bản hiến pháp có hiệu lực thực thụ.
Đến một hiến pháp
sửaQuốc hội lập hiến không chỉ hoạt động như một cơ quan lập pháp mà còn như một thực thể thống nhất để soạn thảo một hiến pháp mới.
Necker, Mounier, Lally-Tollendal đã đấu tranh để thành lập một thượng viện nhưng không thành công. Thượng viện do họ đề nghị gồm những thành viên được chọn bởi hoàng gia từ những người được nhân dân đề cử. Giới quý tộc đòi hỏi phải có một Thượng viện được bầu cử từ những người có dòng dõi. Nhưng chính đảng được yêu chuộng nhất mới giành được lợi thế: nước Pháp sẽ có một Quốc hội với một viện duy nhất. Trong đó nhà vua chỉ có quyền "phủ quyết tạm thời": có thể hoãn việc đưa một dự luật vào thi hành, nhưng không thể phủ quyết hoàn toàn.
Nhân dân Paris đã đánh bại mọi nỗ lực của phe bảo hoàng nhằm chống lại trật tự xã hội mới: họ đã tuần hành trên đại lộ Versailles ngày 5 tháng 10 năm 1789. Sau vài cuộc ẩu đả, nhà vua và hoàng tộc đã chấp thuận sự dẫn độ từ Versailles về Paris.
Quốc hội đã thay thế Các tỉnh của Pháp với tám mươi ba phân khu (département), được điều hành giống như nhau và giống nhau về quy mô và dân số.
Lúc đầu chỉ được hình thành để đối phó với một cuộc khủng hoảng tài chính, tới lúc này Quốc hội lại chủ trọng đến những vấn đề khác và làm sự thiếu hụt càng trở nên trầm trọng. Mirabeau dẫn đầu trong vụ việc này, trong Quốc hội giao cho Necker quyền lực tuyệt đối về tài chính.
Bộ luật dân sự cho giới tu sĩ
sửaNhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế, Quốc hội đã thông qua bộ luật ngày 2 tháng 12 năm 1789 cho phép chuyển toàn bộ tài sản của Giáo hội cho chính quyền quốc gia, với điều kiện chính quyền phải chịu mọi chi phí cho các hoạt động của Giáo hội. Nhằm nhanh chóng tiền tệ hóa một lượng của cải khổng lồ đến như vậy, Chính phủ đã phát hành một loại tiền giấy mới, assignat, được đảm bảo giá trị bằng số đất tịch thu của Giáo hội.
Việc ban hành thêm bộ luật ngày 13 tháng 2 năm 1790 đã bãi bỏ lời thề của nhà tu hành. Bộ luật dân sự cho giới tu sĩ (Constitution civile du clergé) được thông qua ngày 12 tháng 7 năm 1790 (mặc dù đến ngày 26 tháng 12 năm 1790 mới được nhà vua ký), đã biến các giáo sĩ còn lại trở thành người làm công cho nhà nước và yêu cầu họ phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Hiến pháp. Bộ luật dân sự cho giới tu sĩ còn biến giáo hội Công giáo thành một lực lượng của nhà nước thế tục.
Phản ứng lại bộ luật này, Tổng giám mục giáo phận Aix và giám mục giáo phận Clermont đã tổ chức và lãnh đạo cuộc đình công của các giáo sĩ ở Quốc hội lập hiến. Giáo hoàng không chấp nhận sự sắp đặt này, và điều đó đã dẫn đến sự phân hóa các giáo sĩ thành hai phái: "những người tuyên thệ" (juror hay "giáo hội lập hiến"), gồm những người đã lập lời thề chấp nhận sự sắp đặt mới; và "những người không tuyên thệ" (non-juror hay "những thầy tu bướng bỉnh" - refractory priests), gồm những người không chịu chấp nhận theo sự sắp đặt của chính quyền.
Vào tháng 1, các tân giám mục được công dân tham chính bầu lên, vào tháng 2 được truyền chức, bắt đầu làm việc trong giáo phận. Họ phải tuyển mộ các linh mục và phong chức các chủng sinh chỉ được đào tạo sơ sài.[53] Các tân chánh xứ từ tháng 2 bắt đầu làm việc ở Paris. Ở các tỉnh tổ chức các cuộc bầu cử muộn hơn, nhiều người bỏ phiếu trắng, một số cuộc cho đến tháng 2 năm 1792 mới xong.[54] Trên hết, các giáo hạt được cải tổ và rất nhiều bị bãi bỏ theo các sắc lệnh ban bố từ năm 1790 đến 1792, gây ra làn sóng phản đối. Ở những vùng đóng cửa nhà thờ như La Fosse-de-Tigné (Maine-et-Loire), vị linh mục hiến luật được phụ nữ chào đón bằng lời doạ chết và ném đá.[55]
Từ sự kiện kỷ niệm ngày phá ngục Bastille đến cái chết của Mirabeau
sửaQuốc hội đã bãi bỏ những đặc trưng của "chế độ cũ" — quốc hiệu, chế phục (quần áo của người hầu các nhà quyền quý), v.v.. việc này đã cô lập hơn nửa tầng lớp quý tộc bảo thủ và làm gia tăng đội ngũ những kẻ lưu vong.
Vào ngày 14 tháng 7 năm 1790 và trong nhiều ngày tiếp theo, những đám đông ở quảng trường Champ de Mars đã kỷ niệm 1 năm ngày phá ngục Bastille; những người tham gia đã lập lời thề "trung thành với đất nước, với pháp luật, và với đức vua"; đích thân vua và hoàng tộc cũng tham dự. Sau buổi thánh lễ do Talleyrand chủ trì, Hầu tước La Fayette và các đại biểu thề hết lòng với Quốc gia, Pháp luật, và Vua. Louis XVI và Nữ hoàng thề hết lòng với Quốc gia và Pháp luật.[56] Tuy có vẻ nhà vua đã chấp nhận Cách mạng Pháp, nhưng thực ra Louis XVI thì chỉ tuỳ cơ ứng biến, phe cực bảo thủ thì cho rằng nhà vua bị cầm tù, phe cấp tiến thì có Marat gây chuyện công kích La Fayette[57] và dự đoán nhà vua sẽ bỏ trốn.[58]
Các cử tri trước đó đã bầu ra chính quyền tối cao để nắm quyền trong năm đầu, nhưng nhờ Lời thề Jeu de Paume Công xã Paris vẫn được quyền tổ chức những cuộc họp thường kỳ liên tục cho đến khi Hiến pháp được ban hành. Phe cánh hữu giờ đây đòi hỏi một cuộc bầu cử mới, nhưng Mirabeau đã thành công khi khẳng định cơ cấu Quốc hội cơ bản đã được thay đổi, và do đó không cần thêm bất cứ cuộc bầu cử nào khác trước khi Hiến pháp hoàn thành.
Những năm cuối của thập niên 1790 là thời kỳ bùng nổ của nhiều cuộc phản cách mạng quy mô nhỏ với nỗ lực huy động toàn bộ hay một bộ phận quân đội nhằm đối phó với cách mạng. Tuy nhiên, những cuộc nổi dậy này đều chung một kết cục là thất bại. Hoàng gia, theo nhận xét của François Mignet, "ủng hộ mọi nỗ lực phản cách mạng nhưng không thừa nhận trong bất cứ trường hợp nào".
Quân đội phải đối mặt với tình trạng rối loạn nội bộ nghiêm trọng: Đại tướng Bouillé, với thành tích đàn áp được một số cuộc nổi dậy yếu thế, càng được những người phản cách mạng kính trọng và ngưỡng mộ.
Theo luật mới trong quân đội, những chiến sĩ có thâm niên và thực lực sẽ được coi trọng và tiến cử chứ không còn quan trọng người đó thuộc đẳng cấp hay giai cấp nào. Luật lệ mới này đã làm cho nhiều hạ sĩ, sĩ quan hiện thời bất mãn, không lâu sau đó họ đã đào ngũ và tham gia phản cách mạng.
Trong thời kỳ này, nổi bật là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các "phái hội" trong giới chính trị Pháp, tiêu biểu là phái Jacobin (phiên âm "Gia-cô-banh"): Theo Bách khoa toàn thư Britannica 1911, tính đến ngày 10 tháng 8 năm 1790 đã có 152 phái hội liên kết với Jacobin. Khi phái Jacobin bắt đầu vang danh khắp nơi, một số những người đồng sáng lập đã rời bỏ nó để thành lập phái '89. Những người bảo thủ đã thành lập phái Impartiaux và sau đó là phái Quân chủ (Monarchique). Các phái này tổ chức phân phát bánh mì với mong muốn nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân nhưng đã không thành công, trái lại họ còn thường xuyên bị chống đối và thậm chí trở thành mục tiêu phá hoại. Cuối cùng chính quyền thành phố Paris đã giải tán phái Quân chủ vào tháng 1 năm 1791.
Giữa tình hình này, Quốc hội vẫn tiếp tục công việc của mình để hoàn thành bản Hiến pháp mới. Theo đó, một tòa án mới sẽ được bổ nhiệm, mang tính chất tạm thời và các thẩm phán được quyền hoạt động độc lập với nhà vua. Bãi bỏ hình thức bổ nhiệm kiểu "cha truyền con nối" ở mọi cơ quan nhà nước, trừ chính quyền Quân chủ. Nhà vua vẫn có quyền lực tuyệt đối nếu muốn gây chiến, nhưng cơ quan lập pháp mới được quyền quyết định có nên tuyên bố chiến tranh hay không. Ngoài ra, Quốc hội còn bãi bỏ mọi hàng rào thương mại trong nước; cấm mở phường hội, xưởng dạy nghề và các tổ chức của công nhân; bất cứ cá nhân nào cũng phải có giấy phép hành nghề (môn bài) mới được hành nghề và buôn bán; đình công trở thành việc bất hợp pháp.
Mùa đông năm 1791, lần đầu tiên Quốc hội lưu tâm về vấn đề quý tộc bỏ đi di tản (émigrés). Trong phiên họp của Quốc hội về việc ban hành luật mới cấm di tản, sự an toàn của đất nước được đặt ra trước quyền tự do xuất cảnh của mỗi người. Mirabeau đã giành phần thắng với cách giải quyết mà ông cho là "xứng đáng được dùng trong bộ luật tàn bạo của Draco".
Không may, Mirabeau đã qua đời ngày 2 tháng 3 năm 1791. Mignet nhận xét, "Không ai có thể sánh với quyền lực và sự nổi tiếng của Mirabeau", và trong vòng năm đó, Quốc hội mới đã thông qua điều luật "tàn bạo" của Mirabeau.
Cuộc đào tẩu Varennes
sửaDù phải vất vả chống đỡ với cuộc Cách mạng trong nước, vua Louis XVI vẫn từ chối mọi lời đề nghị giúp đỡ đầy mưu toan và không đáng tin cậy của các quốc vương khác ở châu Âu mà bắt tay với tướng Bouillé, người luôn đối đầu với Quốc hội và lên án gay gắt tình trạng quý tộc di tản. Bouillé hứa cho vua Louis ẩn náu ở Montmedy để âm thầm ủng hộ ông.
Đêm 20 tháng 6 năm 1791, Hoàng gia vội vã rời bỏ Tuileries. Tuy vậy, vì quá tự tin dẫn đến khinh suất, ngay trong ngày hôm sau vua Louis đã để lộ sơ hở và bị phát hiện và bắt giữ tại Varennes (tại phân khu Meuse). Chiều ngày 21 tháng 6, vua bị đưa về Paris trong sự canh giữ cẩn mật của Quốc hội.
Pétion, Latour-Maubourg và Antoine Pierre Joseph Marie Barnave, đại diện cho Quốc hội, đã tiếp kiến Hoàng gia tại Épernay và cùng đi với họ. Kể từ lúc này, Barnave trở thành cố vấn và người ủng hộ Hoàng gia.
Khi họ đến Paris, quần chúng nhân dân đã im hơi lặng tiếng. Quốc hội lâm thời đã tước quyền lực của vua Louis. Vua và vương hậu Maria Antonia bị giam giữ dưới sự canh phòng nghiêm ngặt.
Louis XVI lúc đó được hiến pháp đặt cho các quyền quan trọng, mọi người đều chấp nhận chế độ vua chúa,[59] các thành viên hoàng gia chỉ bị công kích nhẹ.[60] Tuy nhiên, vụ bỏ trốn của nhà vua vào ngày 20 và 21 tháng 6 năm 1791 phá vỡ mối liên hệ giữa nhà vua và Pháp,[61] làm mất vẻ uy nghiêm của địa vị hoàng gia,[62] khiến dư luận chống đối nhà vua,[63] và làm cho người dân sợ có nội gián đang chuẩn bị cho nước ngoài xâm lược mà dẫn tới một loạt các đạo luật khẩn cấp báo trước Thời kì Khủng bố.[64]
Vụ bê bối chia rẽ phe quân vua chúa lập hiến và phe dân chủ trong Hội Jacobin.[65] Người thuộc phe vua chúa lập hiến như Bailly, La Fayette hay Barnave muốn hạ màn cuộc Cách mạng, dựng lên chuyện nhà vua bị bắt cóc, ra các pháp lệnh ngày 15 và 16 tháng 7 cho ông trắng án và phục chức. Vào ngày 16 tháng 7 năm 1791, có đơn thỉnh cầu truy tố nhà vua và lập chính phủ mới, được một số lượng hội viên ít hơn của Hội Jacobin ủng hộ, khiến cho số đông hội viên tách ra mà lập Hội Feuillants.[66]
Vào ngày 17 tháng 7, đơn thỉnh cầu được nộp ở công viên Champ-de-Mars, có đám đông 5.000 người tụ tập. Sau một vài vụ ẩu đả, chính quyền thành phố do Bailly lãnh đạo ra lệnh giới . La Fayette bắn đạn vào đám đông. Vụ bắn Champ-de-Mars làm chết 50 người,[67] gây rạn nứt lâu dài giữa phe vua chúa lập hiến và những nhà cách mạng dân chủ[68] như Danton, Marat, Robespierre hoặc những nhà cách mạng cộng hoà như Condorcet.
Dư luận ngày càng cực đoan. Các nhà viết sách báo cách mạng công kích thô tục Nhà vua và Nữ hoàng không dứt.[69] Các tờ báo bảo hoàng như “L'Ami du roi” hoặc “Les Actes des Apoles” kêu gọi công khai chống lại thay đổi. Quốc hội Lập hiến ra lệnh tạm thời đóng cửa Hội Cordeliers và đình bản các tờ báo. Danton, Momoro, Santerre, Hébert chạy trốn ra Anh; Marat trốn trong căn hầm, Robespierre nương náu với người bạn Duplay.[70] Vào tháng 9 năm sau sẽ có lệnh ân xá.[71] Vị thế của phe vua chúa lập hiến dường như được củng cố.[72] Số đông các đại biểu muốn tin nhà vua thật lòng theo chế độ mới.[73]
Những ngày cuối cùng của Quốc hội lập hiến
sửaVào ngày 3 tháng 9, Quốc hội Lập hiến soạn xong Hiến pháp năm 1791. Vào ngày 13, nhà vua chấp nhận hiến pháp, tuyên thệ trung thành.[74] Quốc hội Lập hiến mượn dùng chủ trương phân lập tam quyền của Montesquieu và chủ trương chủ quyền nhân dân cùng quyền tối cao cơ quan lập pháp của Rousseau.[75] Tuy nhiên, Hiến pháp áp dụng quá cứng nhắc, không quy định cách hoà giải tranh chấp,[76] nhất là trong trường hợp chiến tranh,[77] khiến cho ngành hành pháp và ngành lập pháp không thể khống chế lẫn nhau. Nhà vua nắm quyền hành pháp, tuy chịu nhiều quyền hạn, nhưng vẫn là nguyên thủ nước, được miễn trách nhiệm giải trình và trách nhiệm hình sự trước Quốc hội Lập pháp, có quyền phủ quyết tạm thời tất cả các đạo luật - một đạo luật bị phủ quyết không được đệ trình lại trong hai nhiệm kỳ tiếp theo, tức là gần 6 năm.[78] Nhà vua cũng giữ lại quyền bổ nhiệm các bộ trưởng ngoài Quốc hội Lập pháp, các đại sứ, các tướng lĩnh và các công chức cấp cao.[79]
Với đa số đại biểu trong Quốc hội vẫn còn ủng hộ chế độ Quân chủ lập hiến hơn là chế độ Cộng hoà, các phe phái đã đi đến thỏa thuận cho vua Louis làm một đấng quân vương bù nhìn: nhà vua phải lập một lời thề trong Hiến pháp và ban sắc lệnh để tuyên bố rằng nếu ngài chống lại lời thề đó, chỉ huy quân đội với mục đích gây chiến tranh với Quốc gia, hay cho phép ai làm điều đó nhân danh ông thì ông sẽ phải thoái vị.
Jacques Pierre Brissot đã thảo một bản kiến nghị, nhấn mạnh rằng dù sao dưới con mắt của Quốc hội thì Louis XVI đã bị phế truất kể từ chuyến du hành đến Varennes. Một đám đông khổng lồ đã tụ tập ở Quảng trường Champ-de-Mars để ký vào bản kiến nghị này. Georges Danton và Camille Desmoulins đọc một bài diễn văn sôi nổi. Quốc hội đã phải huy động chính quyền thành phố để bảo vệ "trật tự công cộng". Lực lượng Vệ binh Quốc gia dưới sự chỉ huy của La Lafayette đã đứng ra đương đầu với đám đông. Các vệ binh phải bắn chỉ thiên để cảnh cáo sau những loạt đá được ném ra từ đám đông; nhưng nhận thấy đám đông vẫn lấn tới không chút e dè, tướng Lafayette ra lệnh bắn thẳng vào đoàn người tiến tới, làm khoảng 50 người chết.
Tiếp theo sau vụ thảm sát này, chính quyền địa phương đã đóng cửa nhiều hội ái quốc và những tờ báo cấp tiến như L'Ami du Peuple của Jean-Paul Marat. Danton vội vã trốn đến Anh, Desmoulins và Marat thì giấu mình ẩn nấp.
Trong lúc đó, nỗi lo ngoại xâm lại bắt đầu đe dọa: Hoàng đế La Mã Thần thánh là Leopold II - anh vợ vua Louis XVI, vua nước Phổ là Friedrich Wilhelm II, và em trai vua Louis XVI là Charles-Phillipe, Bá tước của Artois đã ban hành Tuyên bố Pilnitz, yêu cầu trao trả tự do cho vua Louis XVI và giải tán Quốc hội, nếu chính quyền Cách mạng không đáp ứng những điều kiện này thì họ sẽ tiến đánh nước Pháp. vô hình trung bản tuyên bố này càng đẩy vua Louis vào tình thế hiểm nghèo. Người Pháp thì chẳng hề để ý đến, còn những lời đe dọa dùng vũ lực trên chỉ đơn thuần là chiến sự ở ngoài vùng biên giới.
Ngay từ trước chuyến đi ở Varennes, các thành viên của Quốc hội Lập hiến đã quyết định quyền lập pháp sẽ do Quốc hội mới (Quốc hội lập pháp) tiếp tục. Giờ đây Quốc hội (Quốc hội Lập hiến) thu thập và chọn lựa nhiều điều luật khác nhau trong Hiến pháp mà trước đây họ đã thông qua để viết thành một bản Hiến pháp mới, cho thấy sự dũng cảm đáng nể khi không lợi dụng cơ hội này để sửa lại một số điều quan trọng, rồi trình nó lên cho vua Louis XVI vừa được trao trả ngôi vị. Nhà vua chấp nhận Hiến pháp và viết rằng "Trẫm cam kết sẽ duy trì Hiến pháp này tại Tổ quốc, bảo vệ nó khỏi mọi sự công kích từ nước ngoài, và phê chuẩn thực thi Hiến pháp này bằng mọi cách mà ta tùy ý sử dụng". Nhà vua đã có một buổi diễn thuyết trước Quốc hội và nhận được những tràng pháo tay nhiệt tình từ khán giả và các thành viên trong Quốc hội. Quốc hội tuyên bố chấm dứt nhiệm kỳ vào ngày 29 tháng 9 năm 1791.
Mignet đã viết, "Hiến pháp năm 1791... là công trình của giai cấp tư sản và sau đó trở thành giai cấp có quyền lực nhất; bởi vì, theo lẽ thường, thế lực chiếm ưu thế hơn bao giờ cũng giành được quyền kiểm soát trong thể chế... Trong bản Hiến pháp này, con người là nguồn gốc của mọi quyền lực, nhưng nó đã không được sử dụng".
Nền Quân chủ sụp đổ
sửaQuốc hội lập pháp
sửaQuốc hội Lập pháp là cơ quan làm luật, họp lần đầu vào ngày 1 tháng 10 năm 1791, gồm 745 đại biểu do đàn ông đóng thuế bầu lên. Luật bầu cử ngày 4 tháng 12 năm 1789 do Quốc hội Lập hiến thông qua chia công dân thành hai hạng: công dân “tham chính” đóng thuế, được bỏ phiếu; và công dân “ngoại chính” không đóng thuế, không được bỏ phiếu. Pháp lúc đó ước tính có 24 triệu dân, 4,3 triệu là “công dân tham chính”, 3 triệu là công dân “ngoại chính”.[80] Sở dĩ các đại biểu của khoá I giàu có và còn khá trẻ,[81] nhưng đều là tân binh không từng trải là Quốc hội Lập hiến đã cấm các đại biểu lập hiến ứng cử khoá thứ nhất của Quốc hội Lập pháp. Phe bảo thủ có 250 đại biểu là thành viên của Hội Feuillants, thật lòng ủng hộ chế độ vua chúa lập hiến, muốn kết thúc Cách mạng; phe độc lập có 345 đại biểu không đảng phái, còn gọi là “phe lập hiến”, là nhóm quan trọng nhất. Phe tiến bộ có 136 đại biểu là hội viên của Hội Jacobin, hầu hết về sau hợp thành phe Gironde. Phe cấp tiến có ít đại biểu, chủ yếu là những nhà cách mạng cấp tiến nhất.
Với Hiến pháp 1791, nước Pháp vẫn theo chế độ Quân chủ lập hiến. Nhà vua phải chia sẻ quyền lực với Quốc hội được bầu ra, nhưng nhà vua vẫn được sử dụng quyền phủ quyết và quyền lựa chọn bộ trưởng.
Quốc hội mới họp phiên đầu tiên vào ngày 1 tháng 10 năm 1791 và bắt đầu tan rã, lộn xộn trong vòng không đến một năm sau đó. Theo nhận xét của Britanica 1911: "Quốc hội đã thất bại trong nỗ lực cầm quyền, để lại đằng sau là ngân khố trống rỗng, lực lượng quân đội và hải quân vô kỷ luật, và một dân tộc trụy lạc, chơi bời trác táng trong an bình và thành công".
Quốc hội bao gồm khoảng 165 người trong Hoàng gia Feuillant theo Quân chủ lập hiến bên cánh hữu, khoảng 330 người theo phe Cộng hòa tự do thuộc phái Girondin (phiên âm Gi-rông-đanh) bên cánh tả, và khoảng 250 đại biểu trung lập.
Ban đầu, nhà vua bác bỏ bản án tử hình đối với di dân và ra sắc lệnh bắt buộc các giáo sĩ chưa tuyên thệ trong vòng 8 ngày phải lập lời tuyên thệ do Hiến pháp Công dân của Giới Tăng lữ quy định trước đây. Sau một năm, những bất đồng trong đường lối cầm quyền đã dẫn đến khủng hoảng.
Chiến tranh
sửaTình hình chính trị của thời kỳ này đã đưa đến kết quả tất yếu là đẩy nước Pháp vào cuộc chiến với đế quốc Áo và các nước Đồng minh. Nhà vua, Hoàng gia Feuillant và phái Girondin háo hức lao vào gây chiến. Nhà vua cùng nhiều thành viên Feuillant cho rằng chiến tranh là cách quảng bá rộng rãi hình ảnh và quyền lực của mình; vua còn lập cả một kế hoạch khai thác bóc lột các quốc gia bại trận. Dù bất cứ kết quả nào xảy ra đều có thể củng cố thế lực cho nhà vua. Phái Girondin thì lại muốn mở rộng phạm vi Cách mạng bao trùm cả châu Âu. Chỉ một số thành viên cấp tiến trong phái Jacobin đứng ra phản đối chiến tranh với lý do nên củng cố và mở rộng Cách mạng trong nước. Hoàng đế La Mã Thần thánh Leopold II, anh trai Vương hậu Maria Antonia của Áo, có lẽ cũng không mong muốn chiến tranh xảy ra, nhưng đã qua đời ngày 1 tháng 3 năm 1792. Đảng di cư do Bá tước Artois lãnh đạo tập kết ở Koblenz, kêu gọi các vua chúa nước ngoài can thiệp vào Pháp.
Nước Pháp khai chiến với Đế quốc Áo ngày 20 tháng 4 năm 1792 và Vương quốc Phổ liên minh với phe Áo vài tuần sau đó. Chiến tranh Cách mạng Pháp đã bắt đầu.
Vào ngày 31 tháng 10 năm 1791, Quốc hội Lập pháp thông qua pháp lệnh yêu cầu đảng di cư trở về Pháp trong vòng hai tháng, nếu không sẽ bị tịch thu tài sản. Vào ngày 29 tháng 11, thông qua hai pháp lệnh nữa: thứ nhất yêu cầu Chư hầu Tuyển đế của Trier giải tán đội quân của đảng di cư,[82] thứ hai bắt buộc các linh mục bất tuân phải tuyên thệ hiến luật, không thì bị tước lương hưu hoặc đến cả bị đuổi ra khỏi nước nếu gây rối trật tự công cộng.
Nhà vua mặc xác lời khuyên của phe bảo thủ ôn hoà, phủ quyết pháp lệnh về đảng di cư và các linh mục bất tuân, nhưng chịu gọi Tuyển hầu của Trier vốn là chư hầu của Hoàng đế Áo, tạo thành dịp gây chiến.[83]
Các triều đình châu Âu thấy Pháp sáp nhập Avignon và Comtat Venaissin vào ngày 13 tháng 9 năm 1791, trước đó thuộc giáo hoàng, rồi vụ các chư hầu Đức mất quyền trong thái ấp bởi pháp lệnh thủ tiêu phong kiến của Quốc hội Lập hiến, nhất là ở Alsace, nay cảm thấy lo sợ pháp lệnh của Quốc hội Lập pháp.[84] Tuy nhiên, Hoàng đế Áo Leopold II kể từ đầu cuộc Cách mạng chỉ ra một bản tuyên bố thận trọng cùng Vua Phổ và vào ngày 21 tháng 12 năm 1791 không thừa nhận cái cớ chính có thể dùng để tuyên chiến.[85] Pháp vào mùa thu năm 1791 không bị bất cứ nước ngoài nào uy bức.[86]
Tuy nhiên, một số phe phái trong Pháp muốn có chiến tranh: nhà vua thì ngầm mong Pháp thua để được khôi phục vương quyền hoàn toàn; một bộ phận của phe Feuillants nắm quyền như Lafayette thì đi tìm vinh quang chiến trường; một bộ phận của phe Jacobins do Brissot và Vergniaud lãnh đạo thì muốn mượn dùng chiến tranh để phát động người dân, củng cố Cách mạng, truyền bá tư tưởng cách mạng khắp châu Âu,[87] đến cả mở cửa kinh tế.
Đây chính là lúc cuộc xung đột giữa phe Gironde và phe Thượng thành hình. Từ tháng 12 năm 1791, Robespierre, Billaud-Varenne, Camille Desmoulins, Georges Danton, François Nicolas Anthoine, Philibert Simond, François Amédée Doppet, Antoine Joseph Santerre, Étienne-Jean Panis bắt đầu vận động chống lại cuộc chiến[88] họ cho là trái với tinh thần chủ hoà của Cách mạng, có ghi trong hiến pháp năm 1791,[89] được các tờ báo ủng hộ, như Le Père Duchesne của Hébert, Les Révolutions de Paris của Louis Prudhomme và Sylvain Maréchal, L’Ami du peuple của Marat, L’Orateur du peuple của Fréron, La semaine politique et littéraire của Dusaulchoix, và Le Journal universel ôn hoà hơn của Pierre-Jean Audouin. Họ cũng nhận định cái nguy của phản cách mạng trong nước nặng hơn cái nguy của đảng di cư, cho nên cần ưu tiên diệt nội gian.
Tuy nhiên, Quốc hội Lập pháp nghiêng hẳn về chiến tranh, nhất là sau khi Leopold II chết vào ngày 2 tháng 3 năm 1792.[90] Louis XVI miễn nhiệm các bộ trưởng Feuillant phản chiến, bổ nhiệm các bộ trưởng Gironde hợp ý.
Vào ngày 20 tháng 4 năm 1792, Quốc hội Lập pháp biểu quyết đa số tuyệt đối tuyên chiến “Vua của Bohemia và Hungary” theo đề nghị của nhà vua, tức là chỉ đánh Áo chứ không phải toàn bộ Đế quốc La Mã Thần thánh.[91]
Trận chiến có ý nghĩa quan trọng đầu tiên là trận đánh giữa Pháp - Phổ tại Valmy ngày 20 tháng 9 năm 1792. Trời mưa tầm tã nhưng hỏa lực của pháo binh Pháp vẫn tỏ ra đầy uy lực. Vào thời gian ấy, nước Pháp chìm trong sự hỗn loạn và chế độ phong kiến giờ chỉ còn là quá khứ.
Tình hình chiến tranh lúc đầu rất khó khăn: quân đội Pháp hoàn toàn vô tổ chức bởi một số sĩ quan quý tộc đã di cư, thua trận để hở biên giới phía bắc và đông bắc.
Những người yêu nước trong Pháp bắt đầu nghi ngờ triều đình, quý tộc và các linh mục kháng thệ âm mưu bán nước. Dưới sức ép của phe Gironde, Quốc hội Lập pháp thông qua ba pháp lệnh quốc phòng: vào ngày 27 tháng 5, thông qua pháp lệnh đuổi ra khỏi nước các linh mục kháng thệ; vào ngày 29 tháng 5, cách chức cận vệ của nhà vua; vào ngày 8 tháng 6, lập trại lính vệ binh quốc gia để bảo vệ Paris.[92]
Vào ngày 12 tháng 6, Louis XVI cách chức các bộ trưởng Gironde. Vào ngày 13, phủ quyết các pháp lệnh về linh mục kháng thệ và trại vệ binh; nhà vua bị gọi biệt danh là “Quý ngài Phủ quyết”. Vào ngày 20 tháng 6 năm 1792, người dân tiếp quản Cung Tuileries. Tuy nhiên, nhà vua không chịu rút lại phủ quyết.[93] Phổ vào ngày 6 tháng 7 tham chiến cùng với Áo, Quốc hội Lập pháp buộc phải tuyên bố “tổ quốc lâm nguy” vào ngày 11 tháng 7 năm 1792, bãi bỏ quyền phủ quyết của nhà vua, gọi tất cả các lính tình nguyện đến Paris.
Nền lập hiến bị khủng hoảng
sửaVào ngày 25 tháng 7 năm 1792, Phổ ra bản tuyên ngôn Brunswick, soạn ở Koblenz, có Axel de Fersen góp ý.[94] Người dân Paris vào ngày 1 tháng 8 đọc được nội dung: sẽ có “cuộc hành binh công kích toàn diện” nếu hoàng gia chịu bất cứ bạo lực nào. Không còn ai yêu nước có thể ngờ âm mưu bán nước của nhà vua. Không những không uy hiếp được giai cấp lao công, văn kiện này vừa kích động bộ phận cách mạng ở Paris, vừa tạo cái cớ khởi động lại Cách mạng và lật đổ chế độ vua chúa.[95] Louis XVI tuy đọc trước văn kiện, nhưng không chịu điều tiết giọng văn và nội dung.[96]
Trong khoảng đêm 9 đến rạng ngày 10 tháng 8, Công xã cách mạng được thành lập ở Tòa thị chính thay chính quyền hợp pháp. Vào lúc rạng sáng, quân nổi dậy gồm Vệ binh Quốc gia từ các vùng ngoại ô yêu nước và các tỉnh tập hợp trước Cung Tuileries do các lính tình nguyện quý tộc, Vệ binh Thụy Sĩ và một số Vệ binh Quốc gia bảo vệ. Mặc dù bị kiểm soát trong ít lâu và phải chịu thương vong nặng nề, quân nổi dậy xông vào cung điện, cướp phá đồ đạc và thảm sát một phần của Vệ binh Thụy Sĩ. Tuy nhiên, nhà vua cùng hoàng gia đã trốn đến Quốc hội Lập pháp. Quốc hội Lập pháp cho vào, nhưng đình chỉ chức vụ sau khi phong trào nổi dậy hoàn toàn thành công.[97]
Cùng lúc Quốc hội Lập pháp thông qua pháp lệnh ấn định tổ chức bầu cử Đại hội Toàn quốc có độc quyền quyết định việc phế truất nhà vua và soạn hiến pháp mới.[98] Vào tối ngày 10 tháng 8, Quốc hội Lập pháp tuyệt đại đa số lập chính phủ lâm thời được gọi là Hội đồng Hành chính Lâm thời gồm 6 bộ trưởng. Nhưng chính quyền đã chuyển từ Quốc hội Lập pháp vào tay Công xã Paris.[99]
Việc Phổ tham chiến cùng với Áo là quyết định của Vua Frederick William II, trái với lời khuyên của chú mình là Hoàng tử Henry. Henry ủng hộ cuộc cách mạng lập hiến, vào mùa đông năm 1788 đã tự mình đến Paris thảo luận các dự án cải cách với Necker.[100] Có động binh lại. Sau khi hội quân, Phổ và Áo vào ngày 19 tháng 8 tiến vào Pháp, lần lượt đánh hạ các thành trì.[101]
Danton tuyên bố vào ngày 2 tháng 9 năm 1792: “Mạnh dạn lên, táo bạo nữa, luôn táo bạo, sẽ cứu được Tổ quốc”. Một nhóm gồm 200 đến 300 người đổ lỗi tình hình chiến tranh cho kẻ thù bên trong Pháp,[102][103] vào cùng ngày đến chín nhà tù của Paris thảm sát một nửa số người bị giam giữ: tất cả các linh mục kháng thệ, những kẻ tình nghi phản cách mạng, những kẻ làm giả tín , tất cả nô lệ chèo thuyền cho nhà vua, tù chính trị và đến cả 60 trẻ em.[104][105][106] Vụ Thảm sát tháng 9 diễn ra đến ngày 6, chính quyền không dám ngăn cản.[107] Các đại biểu từ ngày 29 tháng 10 mới dám lên án.
Đêm 10 tháng 8 năm 1792, quân khởi nghĩa với sự ủng hộ của nhà lãnh đạo cách mạng mới, Công xã Paris, đã tấn công Tuileries. Vua và hoàng hậu trở thành các tù nhân, những người còn lại trong Quốc hội, gồm khoảng hơn một phần ba nghị sĩ có mặt lúc đó, phần lớn thuộc phái Jacobin, đã đình chỉ quyền lực của triều đình.
Phần còn lại của chính phủ phụ thuộc vào sự ủng hộ của Công xã Cách mạng. Khi Công xã đưa những toán sát thủ vào tù để xét xử một cách tùy ý và giết gần 1.400 người, và gửi giấy thông báo qua khắp các thành phố khác của Pháp để kêu gọi noi theo, Quốc hội chỉ có thể chống đỡ một cách yếu ớt. Tình hình này cứ kéo dài đến khi Quốc ước họp ngày 20 tháng 9 năm 1792 với nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp mới và trên thực tế đã trở thành chính quyền mới của Pháp. Ngày hôm sau, chính quyền tuyên bố chấm dứt chế độ Quân chủ và lập ra nền Cộng hoà. Ngày này được chọn là ngày bắt đầu của năm đầu tiên trong Lịch Cách mạng Pháp.
Quốc ước
sửaSự thống trị của phái Girondin
sửaNgười dân bầu lên các hội đồng sơ tuyển, các hội đồng sơ tuyển vào ngày 2 tháng 9 bắt đầu bầu lên Đại hội Toàn quốc. Đây là lần đầu tiên tất cả đàn ông được bỏ phiếu, nhưng số cử tri đi bầu rất thấp. Phe Thượng tranh thủ được nhiều phiếu.[108] Có hai phe đối lập trong Đại hội. Phe Gironde nghi ngờ các hội chính trị, người dân Paris và Công xã Paris, cử tri là ở các tỉnh và tầng lớp tư sản giàu có nhờ buôn bán sản xuất, ủng hộ các quyền tự do cá nhân kinh tế, không thích chính trị phá lệ. Brissot, rồi Vergniaud, Pétion, Roland và Buzot lãnh đạo phe Gironde.
Phe Thượng ngồi trên băng ghế cao nhất, gồm các hội viên của Hội Jacobin. Cử tri ủng hộ phần lớn là người dân Paris, các nghệ nhân ở nông thôn và nông dân nhỏ. Phe Thượng giống như phe Gironde là phe của tư sản tỉnh lẻ, ủng hộ nguyện vọng nhân dân, tránh xa cực đoan.[109] Hiểu rằng Cách mạng cần phải có nhân dân giúp đỡ để giành được thắng lợi, phe Thượng tranh thủ được bình dân Paris gồm thợ thuyền, thợ thủ công, tiểu thương và sẵn sàng phá lệ để cứu Tổ quốc. Trong số các lãnh tụ có Robespierre, Danton, Marat và Saint-Just.
Ở giữa là số đông đại biểu, gọi là “phe độc lập”, cũng bị gọi là phe Đầm lầy hoặc phe Đồng bằng. Phe độc lập không có lập trường nhất quán,[110] có lúc thì theo phe Gironde để bảo vệ các quyền tự do và chế độ tư hữu, có lúc thì theo phe Thượng để giúp đỡ đất nước. Không thể xác định các nhóm trong phe độc lập bởi không nhóm nào có đường lối chính trị rõ ràng.[111]
Vào ngày 20 tháng 9 năm 1792, quân Pháp do tướng Dumouriez chỉ huy đánh bại quân Phổ ở Valmy, chặn đứng cuộc xâm lược. Vào ngày 8 tháng 10, quân Pháp tiến vào Bỉ để giải vây Lille và đánh đuổi quân Áo ra ngoài biên giới.[112] Tướng Custine vào ngày 30 tháng 9 chiếm giữ Speyer, vào ngày 5 tháng 10 Worms, rồi vào ngày 21 và 22 tháng 10 Mainz và Frankfurt, trấn giữ được bờ phía trái sông Rhine đương lúc Dumouriez giành chiến thắng quyết định ở Jemmapes vào ngày 6 tháng 11, chinh phục được Bỉ. Quân Pháp chiếm luôn Savoy, thuộc về Nhà Savoy. Lính Pháp đi đâu cũng tuyên truyền lý tưởng cách mạng. Người dân địa phương bắt đầu bàn tán về vẽ lại biên giới theo địa lý.[112]
Trước khi bãi họp, Quốc hội Lập pháp vào ngày 20 tháng 9 năm 1792 quy định nay các xã sẽ ghi chép hộ tịch, cho phép ly hôn và cải tổ hoàn toàn Công xã Paris. Ngày hôm sau, Đại hội Toàn quốc chính thức họp phiên đầu tiên. Tạm thời nắm quyền lập pháp hành chính, Đại hội Toàn quốc tuyên bố thủ tiêu chế độ vua chúa ngay, đẻ ra Đệ nhất Cộng hòa và quyết định rằng hiến pháp mới sẽ đưa ra người dân quyết định phê chuẩn. Ngày hôm sau, quy định năm 1792 là là năm I của nền Cộng hòa,[113] mở ra kỷ nguyên mới.
Với chế độ Cộng hòa mới, quyền lập pháp thuộc về Quốc ước và quyền hành pháp thuộc về Ủy ban An ninh Toàn quốc. Phái Girondin trở thành đảng phái có thế lực nhất trong Quốc ước và trong Ủy ban.
Nhà vua bị bỏ tù. Mạng sống của nhà vua treo lủng lẳng.[114] Phe Gironde lúc đó kiểm soát Đại hội Toàn quốc và chiếm số đông trong Hội đồng Hành chính Lâm thời.[115] Việc xét xử nhà vua gây tranh cãi trong Đại hội Toàn quốc. Phe Gironde thấy không tiện lợi mà muốn dời lại phiên xét xử.[116] Phe Thượng cấp tiến muốn đoạn tuyệt với Chế độ Cũ để thành lập nền Cộng hòa.[117] Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, vào ngày 20 tháng 11 năm 1792 phát hiện ở Cung Tuileries tủ sắt chứa giấy tờ rõ ràng quy tội nhà vua. Không xét xử có thể gây ra cuộc cách mạng mới. Vào ngày 11 tháng 12 năm 1792, Đại hội Toàn quốc mở phiên xét xử nhà vua, bất chấp phân lập tam quyền, mở đầu cuộc tử chiến giành quyền lãnh đạo Đại hội Toàn quốc cùng cuộc Cách mạng giữa phe Gironde và phe Thượng.[118] Ông tự bào chữa thậm tệ và đến cả chối bỏ bằng chứng.[119] Tuy nhiên, chứng minh nhà vua có tội trong phiên xét xử này chỉ là phụ, cái chính là dùng hình phạt vào mục đích chính trị.[118] Marat kêu gọi Đại hội Toàn quốc điểm danh bỏ phiếu từng đại biểu cho mọi người cùng nghe để quyết định “cái chết của nhà vua”,[120] mà biến sự thí nghịch thành bằng chứng cho lòng ủng hộ nền cộng hòa.[121] Vào ngày 15 tháng 1, Đại hội Toàn quốc nghị án xong, nhà vua bị số đông áp đảo kết tội, 693 phiếu tán thành 13 phiếu không tán thành. Vào ngày 17 tháng 1, bị kết án tử hình, 387 phiếu tán thành 334 phiếu không tán thành.[122] Philippe-Égalité, là Công tước Orleans và em họ của nhà vua, cũng bỏ phiếu tán thành, đánh dấu điểm khởi đầu của cuộc xung đột giữa phe Orlean và phe Chính thống. Đại hội Toàn quốc vào ngày 20 tháng 1 bác đề nghị hoãn thi hành án và đưa phán quyết ra nhân dân phê chuẩn của phe Gironde. Vào ngày 21 tháng 1 năm 1793, Louis XVI bị chém ở Quảng trường Cách mạng.
Xử tử nhà vua để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Pháp và làm kinh ngạc các vua chúa của châu Âu. [123]Vào ngày 1 tháng 2 năm 1793, Pháp tuyên chiến Anh và Hà Lan, khiến các cường quốc châu Âu liên minh lần đầu tiên chống lại nước Pháp cách mạng.
Trong Bản Tuyên ngôn Brunswick, Quân đội Phổ dọa sẽ trả thù người Pháp nếu nước Pháp ngăn cản các nỗ lực của vua Phổ trong việc phục hồi chế độ Quân chủ trên nước này. Vào ngày 17 tháng 1 năm 1793, cựu vương Louis XVI bị kết án tử hình cùng tội danh âm mưu chống lại tự do nhân dân và an ninh chung sau một cuộc biểu quyết của các thành viên trong Quốc ước với 387 phiếu thuận và 334 phiếu chống. Buổi hành quyết ngày 21 tháng 1 đã làm nổ ra nhiều cuộc chiến với các quốc gia châu Âu khác. Vương hậu người Áo của cựu vương Louis XVI là Maria Antonia, cũng theo gót Louis lên máy chém ngày 16 tháng 10. Vụ xử tử đã khiến cho phe bảo thủ trên khắp châu Âu kinh hoàng và các chế độ quân chủ châu Âu đã kêu gọi một cuộc chiến tranh chống lại nước Pháp cách mạng [124][125].
Nội bộ Quốc ước có sự phân hóa thành hai phe phái chính: Phái Girondin là phe "hữu" và phái Jacobin là phe "tả". Khi cơn sốt chiến tranh lên cao, giá cả leo thang khiến các sans-culotte (lao công nghèo và các thành viên cấp tiến của phái Jacobin) nổi dậy: các hoạt động phản Cách mạng bắt đầu nổ ra ở vài vùng miền. Vật giá gia tăng, thực phẩm khan hiếm, dân chúng hỗn loạn. Giới tiểu tư sản, công nhân và nông dân đòi hỏi phải kiểm soát giá cả, phân phối thực phẩm, trừng trị các kẻ đầu cơ tích trữ. Họ tố cáo giới tư sản đã trục lợi lúc tình hình bất ổn. Phái Girondin ngày càng mất đi sự ủng hộ trong dân chúng khi không thể tìm ra biện pháp để giải quyết khủng hoảng. Tình hình này đã tạo cơ hội cho phái Jacobin thâu tóm quyền lực. Những người Jacobin tố cáo phe Girondin đang âm mưu thỏa hiệp với các lực lượng bảo hoàng để đảm bảo quyền lực cho mình. Chịu ảnh hưởng của quần chúng nhân dân do bất bình với bè phái Girondin và nhờ lợi dụng sức mạnh của các sans-culotte ở Paris, một cuộc đảo chính (coup d'état) đã diễn ra với sự tham gia của quân đội. Kết quả của cuộc đảo chính là sự sụp đổ của phái Girondin, phái Jacobin lên nắm quyền và trở thành thế lực thống trị trong Quốc ước.
Phái Jacobin nắm quyền
sửaVới thành công của cuộc đảo chính, sự liên minh giữa phái Jacobin và các phần tử sans-culotte trở thành nòng cốt trong chính quyền mới. Một bản Hiến pháp mới đã được ban hành để thay thế Hiến pháp năm 1781, đã mở rộng hơn nữa các quyền của nhân dân như quyền lập hội, quyền được giáo dục và quyền được nổi dậy.
Các chính sách thể hiện sự cấp tiến rõ rệt. Giá lương thực được thiết lập ở mức đủ mua cho người dân theo "Luật tối đa". Chế độ nô lệ ở các thuộc địa của Pháp bị bãi bỏ. Ủy ban An ninh Toàn quốc được thành lập, đã cho phổ biến bản "Thông báo Luật pháp" (Bulletin des lois) qua đó đòi hỏi mọi người dân phải tuân theo các điều lệ. Ủy ban cũng tập trung quyền hành vào trung ương đồng thời kêu gọi mọi người dân đầu quân qua bản văn kêu gọi "levée en masse" (động viên tập thể). Chính quyền cũng kiểm soát số lượng vàng xuất cảng, ngăn chặn việc đầu cơ tích trữ, thực phẩm được phân phối qua Ủy ban Đời Sống (Subsistence Commission) nhờ đó đồng tiền "assignat" không còn bị mất giá. Các tập sách mỏng về nông nghiệp được Ủy ban cho phổ biến để dạy cho nông dân cách trồng lúa hữu hiệu. Việc mở trường quân Sự và chương trình giáo dục cưỡng bách cũng là một trong những chương trình hành động của Ủy ban.
Sau trận đánh tại Valmy, nước Phổ vẫn tiếp tục là thành viên chủ chốt của liên quân chống Pháp, thậm chí còn đánh tan tác quân Pháp tại Alsace và vùng Saar. Tuy nhiên, đầu óc của họ bị phân tâm bởi các vấn đề khác:[126] Họ ký riêng Hiệp định Basle với nước Pháp Cách mạng vào ngày 5 tháng 4 năm 1795.[127] Nước Phổ đạt nhiều lợi thế theo Hiệp định này,[128] nhưng từ đó họ đứng trung lập đối với cuộc Cách mạng Pháp.[129]
Để bổ khuyết số lính tình nguyện năm 1792 đã xuất ngũ, Đại hội Toàn quốc vào ngày 24 tháng 2 quyết định gọi 300.000 người đi lính bằng cách rút thăm, gây ra cuộc biểu tình tự phát rộng lớn trên khắp nước,[130] nhất là trong tầng lớp nông dân ở Alsace, Brittany, vùng cao nguyên Massif Central, và dãy núi Pyrenees. Các cuộc nổi dậy vũ trang ở hầu hết các vùng hoặc suy tàn hoặc nhanh chóng bị dập tắt, nhưng ở Anjou và Poitou thì có tổ chức và bắt đầu lan rộng.[131]
Vào ngày 3 tháng 3 năm 1793, người dân Vendée nổi dậy ở Cholet. Đây là nội biến khẩn cấp nguy hiểm nhất đối với Cách mạng. Các nhà sử học nhận định thương vong dao động từ 117.000 đến hơn 250.000 người.
Nguyên do trực tiếp của cuộc nổi dậy là pháp lệnh trưng binh của Đại hội Toàn quốc vào ngày 24 tháng 2.[132] Lý do xa thì nhiều. Người Vendée lúc đầu ủng hộ diễn biến năm 1789, nhưng càng về sau càng mất hy vọng. Nông dân ở Vendée không được hưởng lợi từ việc bán tài sản quốc gia. Đức tin của họ bị tổn thương sâu sắc sau khi Cách mạng quay sang chống giáo hội, nhất là sau khi Hiến luật Giáo sĩ được thông qua. Dân Vendée rất thân các dòng họ quý tộc nhỏ trong vùng, không khỏi kinh ngạc việc xử tử Louis XVI.
Toàn thể vùng Vendée bắt đầu nổi dậy.[133] Để dập tắt nội loạn, Đại hội Toàn quốc vào ngày 19 tháng 3 năm 1793 thông qua đạo luật khẩn cấp: tất cả quân nổi dậy có vũ khí hoặc bị kết tội tham gia sẽ bị xử tử.[134] Các đại biểu trong Đại hội Toàn quốc bắt đầu gọi quân nổi dậy là “giặc cướp”, cuộc nổi dậy là “chiến tranh Vendée”.[135] Để trấn áp kẻ thù trong ngoài nước, Đại hội Toàn quốc vào ngày 10 tháng 3 thành lập Tòa án Cách mạng, vào tháng 4 năm 6 cải tổ Ủy ban Quốc phòng thành Ủy ban Cứu quốc.[136]
Phe Gironde sau cùng bị loại bỏ khỏi cuộc Cách mạng vì sự mâu thuẫn chính sách, vì muốn gây chiến mà không có phương tiện tác chiến, vì muốn cứu chế độ vua chúa, vì làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng mà không tìm ra được giải pháp, vì phát động lại phong trào cách mạng rồi lại muốn kiềm chế nó.[137] Các lãnh tụ chính của phe Gironde bị bắt giữ vào ngày 31 tháng 5 và 2 tháng 6 năm 1793, địa vị chính trường mất.
Việc xử tử nhà vua vào ngày 21 tháng 1 năm 1793, chính sách xâm chiếm sáp nhập của Đại hội Toàn quốc, hoạt động của các nhà cách mạng ở những nước châu Âu khác và các cuộc nổi dậy ở Vendée với những tỉnh khác đã khiêu chiến ngoài nước,[138] gây loạn trong nước, Đệ nhất Cộng hòa lâm vào tình thế thập tử nhất sinh. Tất cả các nước châu Âu chuyên chế liên minh đánh Pháp. Vào mùa xuân, Liên minh thứ nhất phản công, Pháp mất hết lãnh thổ chiếm được sau trận Valmy, chiến cục thảm hơn năm 1792: quân Áo, Phổ và Anh hành binh vào nước từ phía bắc và phía đông, quân Tây Ban Nha từ phía tây nam, quân Piedmont từ phía đông nam. Trong nước thì cuộc nổi dậy Vendée mở rộng quy mô và lan rộng ra một số tỉnh ở miền Tây. Quân nổi dậy nay do quý tộc lãnh đạo, muốn lập lại vua chúa. Saumur và Angers thất thủ vào ngày 9 và ngày 18 tháng 6 năm 1793, nhưng Nantes còn giữ được. Ở Lozère và trong Thung lũng Rhône cũng nổ ra những cuộc nổi dậy phục hoàng. Vào ngày 26 tháng 2 và ngày 12 tháng 8 năm 1793, Đại hội Toàn quốc thông qua pháp lệnh hợp nhất các trung đoàn của Chế độ cũ và các tiểu đoàn lính tình nguyện thành một quân đội, đặt tên là bán lữ đoàn.
Phe Thượng lên nắm chính quyền và kiểm soát Đại hội Toàn quốc sau khi phe Gironde mất thế lực chính trị. Cùng với Hội Jacobin, họ đảm nhiệm lãnh đạo chiến tranh[139] và giải quyết các vấn đề chính trị xã hội do tình thế gây ra. Những đại biểu thuộc phe Gironde chưa bị bắt giữ kêu gọi các tỉnh nổi dậy áp chế Paris, được chính quyền cấp tỉnh ở nhiều vùng ủng hộ.[140] Vào ngày 13 tháng 7, Jean-Paul Marat bị người thiếu nữ tỉnh Norman tên Charlotte Corday ám sát. Căng thẳng chính trị gia tăng.[141]
Vào ngày 24 tháng 6 năm 1793, Đại hội Toàn quốc thông qua bản hiến pháp rất dân chủ và phân cấp, được người dân phê chuẩn. Hiến pháp năm 1793 có tinh thần chủ quyền nhân dân, quy định bầu cử định kỳ theo chế độ bỏ phiếu phổ thông, cho phép công dân trực tiếp dự vào việc làm luật, và thừa nhận quyền khởi nghĩa (của các sự kiện ngày 10 tháng 8 và ngày 2 tháng 6).[142] Tuy nhiên, Đại hội Toàn quốc vào ngày 10 tháng 8 năm 1793 đình chỉ thi hành hiến pháp vô thời hạn.[143] Saint-Just thanh minh: “Không thể thi hành hiến pháp trong lúc nền Cộng hòa nguy ngập. Nó sẽ tự thiêu chính nó. Nó sẽ bị quân tấn công quyền tự do lợi dụng làm tấm bình phong, bởi vì nó thiếu ý chí cần thiết để áp chế chúng”.
Vào ngày 6 tháng 4 năm 1793, Ủy ban Cứu quốc được thành lập làm cơ quan nắm chính quyền thay thế Ủy ban Quốc phòng, gồm chín đại biểu Đại hội Toàn quốc do Đại hội bầu lên, có cả Danton và Barère. Danton vào ngày 10 tháng 7 bị miễn nhiệm vì bị coi là quá ôn hòa. Vào ngày 27 tháng 7, Robespierre đắc cử vào Ủy ban. Những thành viên khác đắc cử vào ngày 14 tháng 8 và ngày 6 tháng 9 năm 1793. Vậy “Ủy ban lớn năm II” ra đời để lãnh đạo Pháp đến ngày chiến thắng. Mỗi tháng Đại hội Toàn quốc bầu lại 12 thành viên. Ủy ban Cứu quốc tập trung quyền hành chính, có quyền khởi xướng luật và bổ nhiệm công chức. Mỗi thành viên chuyên trách lĩnh vực riêng.[144] Ví dụ: Carnot chuyên trách quân sự. Robespierre chi phối Ủy ban, ép Đại hội Toàn quốc và Hội Jacobin theo chính sách của Ủy ban.
Ủy ban Trị an là ủy ban chính quyền thứ hai, được thành lập vào ngày 2 tháng 10 năm 1792 và cải tổ vào ngày 12 tháng 9 năm 1793. Ủy ban gồm 12 thành viên do Đại hội Toàn quốc bầu lên, tất cả thuộc về phe Thượng, có cả Vadier, Amar, và Voulland.[145] Ủy ban có các đặc quyền điều tra, bắt giữ, quản lý nhà tù và thi hành tư pháp cách mạng.[146] Vào Thời kì Khủng bố, Ủy ban cố mở rộng và duy trì quyền hạn của mình. Ủy ban Trị an tranh quyền với Ủy ban Cứu quốc. Vào ngày 9 tháng 3 năm 1793, Đại hội Toàn quốc ra pháp lệnh phái một số đại biểu đến các tỉnh và quân đội để thi hành chính sách của Đại hội, ủy cho quyền hạn rất lớn để lập lại trật tự ở bất cứ nơi nào và bắt giữ bất cứ ai đáng ngờ. Họ phải báo cáo Đại hội Toàn quốc về hoạt động của họ.
Phe Thượng nay cầm quyền, nhưng phải chú ý giai cấp công nhân cùng những người thay mặt cho họ.[147] Tuy đã dựa vào họ để hạ bệ phe Gironde, nhưng phe Thượng không có ý chia sẻ quyền lực với họ[148] hay chấp nhận các yêu sách của họ. Phe Thượng cố gắng kiểm soát giai cấp công nhân thông qua Hội Jacobin để phòng trước các mối nguy nổi dậy. Họ sợ sẽ là nạn nhân của phe Kích nộ hay tuyên truyền nổi dậy ở Paris. Giống phe Gironde, phe Thượng sau khi lên nắm quyền không dám chạm đến các quyền tự do kinh tế. Họ không muốn kích động các phong trào đại chúng, một mặt chấp nhận các yêu sách, một mặt cố gắng gièm pha các lãnh tụ.[149]
Tuy nhiên, giai cấp công nhân chủ yếu lo nghĩ đến giá thành cao và sự khan hiếm của đồ ăn. Tự cho mình là đại biểu chân chính nhất của họ, phe Kích nộ đã nhiều tháng đấu tranh cải thiện tình hình xã hội, được quần chúng bất bình ủng hộ.[150] Cái chết của Marat vào ngày 13 tháng 7 tạo dịp cho nhà báo Jacques-René Hébert tự phong là người nối nghiệp của ông, nhân đó chiếm dụng cương lĩnh của phe Kích nộ, cạnh tranh với họ để giành quyền kế vị Marat.[151] Để thu hút công nhân ở Paris, ông vận động hạ bệ cựu linh mục Jacques Roux là lãnh tụ của phe Kích nộ, thưa lên Hội Jacobin rằng hắn là người chủ mưu vụ nổi dậy bắt giữ các đại biểu thuộc phe Gironde.[152] Có tham vọng nắm quyền, Hébert từ ngày 1 tháng 8 năm 1793 đoạn tuyệt với phe Thượng, lợi dụng bất ổn xã hội để công kích chính quyền.[153]
Thật ra Jacques Roux và phe Kích nộ dù cho có lúc quá khích không uy bức được chính quyền, vì tuy được người dân ủng hộ nhưng không có chỗ dựa để vươn tới tầm quyền lực.[154] Đáng gờm hơn nhiều là Hội Cordeliers. Vốn đã có nhiều chỗ dựa ngay cả ở các tỉnh, Jacques-René Hébert là một trong những hội viên nổi tiếng, được Hội Cordeliers ủng hộ, là lãnh tụ của “phe Hébert”. Cũng là người sáng lập tờ “Père Dphiếuuchesne” là tờ báo nổi tiếng duy nhất, có những bài tuy hay phiến diện và đôi khi tục tĩu song được phổ biến trong quân đội nhờ Vincent và Bouchotte.[155] Công xã Paris chịu ảnh hưởng lớn của “phe Hebert”. Sau Vụ Thảm sát tháng 9 và sự tàn lụi của “phe Kích nộ”, Hébert cùng các đồng minh công khai công kích phe Thượng, gọi họ là “Gironde mới”, đòi Đại hội Toàn quốc khai trừ họ.[156]
Để xoa dịu người dân thành thị bất bình về khó khăn cung ứng, giá đồ ăn gia tăng và tín phiếu mất giá mà không cho các nhà lãnh đạo công nhân dịp tuyên truyền chống phá, Ủy ban Cứu quốc thi hành các biện pháp kinh tế. Vào ngày 26 tháng 7 năm 1793, Đại hội Toàn quốc thông qua luật chống tích trữ, phạt chết bất cứ ai tích trữ đồ ăn thay vì đem bán.[157] Một mặt phe Thượng phải nhường bước, một mặt vẫn không chịu cải tạo kế hoạch nền kinh tế mạnh hơn theo yêu sách của giai cấp công nhân để tránh gây mất lòng giai cấp tư sản và nông dân.[158][159]
Tuy nhiên, dưới sức ép của dân chúng, Đại hội Toàn quốc vào ngày 23 tháng 8 năm 1793 ra pháp lệnh trưng binh toàn dân: tất cả mọi người từ 18 đến 25 độc thân hoặc góa bụa mà không có con đều được gọi đi lính. Toàn dân Pháp phải tham gia chiến tranh, toàn bộ nền kinh tế chuyển sang phục vụ chiến tranh. Từ tháng 9 đến mùa xuân năm 1794, gần 400.000 người nhập ngũ, quân đội tổng cộng có 750.000 lính.[160][161] 11 đơn vị mới được tạo ra.
Vào ngày 27 tháng 8 năm 1793, Toulon thất thủ. Uy thế chính phủ suy yếu nặng, các nhóm cực đoan vào ngày 4 và 5 tháng 9 lấy đó làm cớ ép Đại hội Toàn quốc phát động Thời kì Khủng bố. Đại hội Toàn quốc buộc phải chịu một loạt yêu sách, nhất là huy động quân đội cách mạng Paris để trưng dụng thóc gạo mà vận chuyển đến Paris và trả thù lao cho công nhân. Vào ngày 11 tháng 9, Đại hội Toàn quốc quy định giá trần toàn quốc cho thóc gạo và bột. Tuy nhiên, sự trơ ì của chính phủ gây ra cuộc bạo động mới vào ngày 22 tháng 9. Đại hội Toàn quốc vào ngày 29 buộc phải thông qua Luật Giá trần chung, quy định giá trần là 30% hơn mức giá năm 1790 và cố định mức tiền công tối đa. Tỷ giá tín được điều chỉnh lại.[162] Tuy nhiên, vẫn không giải quyết được khó khăn tiếp tế các thành phố. Sức mua của người làm được trả lương bằng tín phiếu sẽ tiếp tục bị xói mòn.[163]
Vào ngày 5 tháng 9 năm 1793, quần chúng áp đặt khủng bố “làm nhật lệnh”. Vào ngày 17 tháng 9, Đại hội Toàn quốc thông qua Luật Truy nã nghi phạm, bỏ tù tất cả kẻ thù của Cách mạng, gồm quý tộc, đảng di cư, linh mục kháng thệ, những người ủng hộ chủ nghĩa liên bang, đến cả người đầu cơ và người nhà của họ. Các hội quần chúng dưới quyền công nhân kiểm được trao quyền giám sát. Tuy nhiên, chính quyền vẫn kiểm soát được tình hình.
Chính quyền vừa cưỡng được yêu sách của các nhóm cấp tiến nhất trong Đại hội Toàn quốc, vừa cấm các nhóm cực đoan. Chính quyền được củng cố, nhưng vào ngày 13 tháng 9 phải kết nạp đại biểu của giai cấp công nhân. Phe Kích nộ mất, bạo động chống phá Ủy ban Cứu quốc chấm dứt. Đây là điểm đánh dấu phong trào bình dân ly khai chính quyền cách mạng.[164]
Chính sách chủ động của Ủy ban Cứu quốc giúp chấn chỉnh tình hình trong ngoài nước. Quân đội Pháp vào ngày 8 tháng 9 năm 1793 thắng trận ở Hondschoote, vào ngày 16 tháng 10 ở Wattignies. Tuy không mang tính quyết định,[165] nhưng cầm chân được quân xâm lược và cho thấy sự phục hưng của quân đội Pháp.[166]
Mặc dù bại trận quân Tây Ban Nha ở Collioure và Port-Vendre, quân Pháp đánh bại quân Áo-Phổ và quân Saxon ở Wissembourg vào ngày 26 tháng 12 và ở Landau vào ngày 28, ép Liên minh thứ nhất vào thế thủ trên mọi mặt trận.[167] Anh, Hanover và Hà Lan tham chiến, nhưng cục thế chiến tranh giữ nguyên. Vào mùa xuân năm 1794, lệnh trưng binh toàn dân bắt đầu phát huy toàn tác dụng,[168] Pháp phản công, tình hình chiến tranh bắt đầu cải thiện.[169]
Trong nước thì cuộc nổi dậy ngoài tỉnh đang suy yếu. Các tỉnh biên giới vẫn theo trung ương, quân nổi dậy lại không bén rễ trong dân, nên chính quyền cách mạng nhanh chóng chiếm lại được các thành phố lớn.[170] Marseilles được giải phóng vào ngày 25 tháng 8 năm 1793, Bordeaux vào ngày 18 tháng 9, Lyon vào ngày 9 tháng 10, Toulon thất thủ vào tay quân Anh vào ngày 27 tháng 8, đến ngày 19 tháng 12 mới giành lại được. Ở hầu hết các thị trấn được tái chiếm, người dân bị đàn áp tàn bạo. Tuy nhiên, đảo Corse vào tháng 5 tuyên bố thoát ly Pháp, mời quân Anh đến bảo hộ.[170] Anh nhận lời vào ngày 19 tháng 1 năm 1794.
Sau những thất bại vào mùa xuân và mùa hè năm 1793, quân đội Pháp vào mùa thu giành lại thế thượng phong, lần đầu tiên đánh bại Quân đội Công giáo Hoàng gia ở Cholet vào ngày 17 tháng 10 mà không diệt hết. Henri de La Rochejacquelein nhân dịp lên lãnh đạo lực lượng. Vào ngày 14 tháng 11 năm 1793, quân nổi dậy cố gắng chiếm cảng Granville ở Cotentin, hẹn hội quân với quân Anh và đảng di cư, nhưng thất bại. Tàn quân tiến về Le Mans, vào ngày 16-19 tháng 12 bị nghiền nát. Những binh lính còn lại bị thảm sát ở Savenay vào 22-23 tháng 12 năm 1793.[171]
Chính phủ cách mạng lập lại chính quyền ở Vendée và các tỉnh nổi dậy lân cận. Vào ngày 1 tháng 8 và ngày 1 tháng 10 năm 1793, ra lệnh tuyệt diệt quân đội Vendée, mở màn cuộc đàn áp khủng khiếp. Từ tháng 12 năm 1793 đến tháng 2 năm 1794, đại biểu công tác Jean-Baptiste Carrier xử tử vài nghìn người ở Nantes, thô bạo nhất là những vụ dìm chết và xử bắn tập thể.[171] Ở Angers, gần 2.000 người đàn bà bị giết. Saumur cũng chịu cảnh giống vậy.[172] Vào ngày 17 tháng 1 năm 1794, các bộ đội địa ngục do Tướng Louis-Marie Turreau chỉ huy được tổ chức, ra vùng đồng ruộng đốt làng giết dân không phân biệt người làm cách mạng người phản cách mạng, hiếp dâm đàn bà, giết luôn trẻ sơ sinh.[173]
Con giun xéo lắm cũng quằn, người dân Vendée vào mùa xuân năm 1794 phát động kháng chiến du kích do Stofflet và Charette chỉ huy, thỉnh thoảng đạt được một số thắng lợi. Tuy nhiên, phần lớn cũng chóng tàn vào năm 1795 và 1796 sau khi hai nhà lãnh đạo này bị bắt giữ và xử tử. Phải đến năm 1801, Pháp và Giáo hội Công giáo kí giáo ước, Vendée mới được bình định lâu dài.
Vào ngày 10 tháng 10 năm 1793, Saint-Just tuyên bố “giữ nguyên chính phủ cách mạng cho đến ngày lập lại hòa bình”. Đây là chính phủ cách mạng nhất và cộng hòa nhất của Pháp vào thời kì Cách mạng, là chính phủ chiến thời chịu trách nhiệm khôi phục chế độ lập hiến “tự do hòa bình chiến thắng” ngay khi kẻ thù bị đánh bại.[176]
Đại hội Toàn quốc xét vấn đề chính là kiềm chế khuynh hướng vô chính phủ của phe cách mạng ở Paris và phối hợp các lực lượng cách mạng.[177] Vào ngày 4 tháng 12 năm 1793, Đại hội Toàn quốc thông qua đạo luật hạn chế quyền lực của các đại biểu công tác, tập trung quyền hạn vào trung ương, giải tán các “quân đội cách mạng tỉnh” và các tòa án cách mạng địa phương; nay chỉ có một Tòa án cách mạng đặt ở Paris. Đại hội Toàn quốc trở thành “trung tâm động lực duy nhất của chính phủ”. Đại hội Toàn quốc quy định quyền hạn của các cơ quan chính quyền và bầu ra Ủy ban Cứu quốc và Ủy ban Trị an.[178]
Các hiềm khích giữa giai cấp giáo sĩ và phe cách mạng từ đầu cuộc Cách mạng đến nay dấy lên phong trào đàn áp Kitô giáo.[179] Có thể thấy phong trào bộc phát ở các tỉnh từ tháng 8 năm 1793,[180] ở Paris thì muộn hơn. Phong trào tuy không phải do chính phủ lãnh đạo, nhưng có tổ chức, lan rộng đến nhiều tỉnh.[181] Các đại biểu công tác và các hội chính trị cổ vũ người dân đi đập thánh tượng, phá hoại tài sản của giáo hội, báng bổ đạo, khiến cho Hiến luật Giáo sĩ sụp đổ.[182]
Phe Hébert lợi dụng phong trào để chống phá chính phủ[183] và dựng lên việc sùng bái các vị liệt sĩ Cách mạng. Vào ngày 5 tháng 10 năm 1793, Đại hội Toàn quốc sửa lại lịch pháp, bỏ dương lịch Kitô giáo, ban bố lịch cộng hòa. Vào ngày 10 tháng 11, Lễ hội Lý tính được cử hành ở Nhà thờ Đức Bà Paris, nay là Đền thờ Lý trí.[184] Vào ngày 23 tháng 11, Công xã Paris ra lệnh đóng cửa các nhà thờ. Tuy nhiên, Ủy ban Cứu quốc và phe Robespierre đều phản đối phong trào đàn áp đạo, nhận ra được mối nguy của phong trào đối với chế độ cả trong nước và ngoài nước.
Danton cùng Robespierre khuyên can các lãnh tụ của Công xã Paris, làm cho phong trào rút xuống. Nhưng Ủy ban Cứu quốc chỉ bảo đảm được quyền tự do tôn giáo trên lý thuyết, chỉ kiềm chế được phong trào ở Paris.[185] Ở các tỉnh thì sự đàn áp sẽ tiếp diễn nhiều tháng.
Tuy ngoài nước thì tình hình chiến tranh bắt đầu cải thiện, nhưng trong nước thì dân tình vào tháng 12 năm 1793 hầu như chẳng tốt đẹp hơn, quần chúng vẫn bất mãn. Phe Kích nộ bị tiêu diệt rồi, Hébert cùng Hội Cordeliers lợi dụng bất ổn xã hội để yêu sách đòi những chính sách cực đoan hơn bao giờ hết.[186]
Phe Danton phản đối sự quá khích của phe Hébert và những bài phát biểu nảy lửa ủng hộ Thời kì Khủng bố.[187] Phe Danton nhận định, nội loạn thì đã dẹp yên, ngoại xâm thì đẩy lùi rồi, không còn lý do để giữ chính sách khủng bố nữa. Phe Danton bắt đầu vận động khoan hồng cùng lúc người bạn Desmoulins của Danton trên tờ báo mới Le Vieux Cordelier công kích phe Hébert và yêu cầu lập ủy ban khoan hồng.[188]
Ủy ban Cứu quốc ra tay củng cố cuộc Cách mạng.[189] Đối với cả phe Hébert lẫn phe Danton thì kiểm soát, đối với phong trào đàn áp Kitô giáo thì kiềm chế. Một mặt Ủy ban Cứu quốc hứa bảo vệ phe ôn hòa, một mặt ra vẻ chiều yêu sách của mọi phe phái;[190] Robespierre đã tiếp cận phe Danton. Thực ra thì đây chỉ là chiêu bài nhất thời, bởi chính phủ cách mạng xét cần phải có chính sách khủng bố để tiêu diệt Liên minh thứ nhất và phe phục hoàng, lập lại hòa bình.[191] Vào mùa đông năm 1793, người dân chịu tình cảnh vô cùng khó khăn, vừa đói vừa lạnh, phe cực đoan và Hébert nhân dịp kích động bạo loạn.[188]
Phe Thượng và Công xã Paris tạm gác lại tranh chấp, đồng ý tuyên bố giải phóng người da đen ở các thuộc địa thay mặt sự bình đẳng và loài người. Vào ngày 3 tháng 2 năm 1794, Đại hội Toàn quốc kết nạp ba đại biểu mới của Santo Domingo, có hai người da màu. Đại hội vào hôm sau thủ tiêu chế độ nô lệ ở các thuộc địa theo đề nghị của Levasseur, Lacroix, Grégoire, Cambon, Danton, và Bourdon de l'Oise.[192] Ba đại biểu được Simond, Momoro, Maure chào đón nồng nhiệt vào buổi tối cùng ngày ở Hội Jacobin.[193] Ủy ban Cứu quốc hoan nghênh quyết định của Đại hội Toàn quốc.[194] Vào ngày 18 tháng 2, Đền thờ Lý tính tức Nhà thờ Đức Bà Paris cũ cử hành lễ mừng quyết định, do Chaumette chủ trì. Vài ngày sau, Hébert trên tờ Père Duchesne viết rằng cảm thấy “niềm vui lớn”.[195]
Để tranh thủ giai cấp công nhân Paris mà bóp cổ phe Hébert, chính quyền cách mạng ra hai pháp lệnh cho phép sung công tài sản của các phần tử phản cách mạng để dùng vào việc cứu đói cứu nghèo.[196] Tuy nhiên, không đủ để xoa dịu Paris. Jacques-René Hébert thừa dịp công kích một số đại biểu trong Đại hội Toàn quốc, tố họ muốn đánh đồng “những người yêu nước chân chính” với phe Danton[197] là “những người muốn phá hủy các giàn giáo vì họ sợ phải leo lên chúng”.
Sau khi bị hai đại biểu phe Thượng tố lên Ủy ban Cứu quốc vào mùa thu năm 1793 thì phe Hébert bị nghi ngờ “câu kết với nước ngoài”,[198] nhưng chính quyền cách mạng không muốn công khai cáo buộc vì sợ làm mất uy tín đoàn kết của phe Thượng. Robespierre không chịu công kích Công xã Paris bởi nó là pháo đài của phần tử cách mạng Paris, được một số thành viên theo Hébert của Ủy ban Cứu quốc và Ủy ban Trị an che chở.[199]
Vào mùa xuân năm sau, chính phủ được củng cố, các phe đối địch bị suy yếu, Ủy ban Cứu quốc và Ủy ban Trị an đồng ý hợp tác, Robespierre được thế ra tay triệt hạ phe Hébert, coi là nguy hiểm nhất. Dịp tốt cho ông là lúc phe Hébert để lộ âm mưu lật đổ Đại hội Toàn quốc.[200] Collot d'Herbois cố hòa giải vô ích. Vào ngày 10 tháng 3, Saint-Just tường trình sự việc lên Đại hội Toàn quốc, có Robespierre thúc đẩy.[201] Vào ngày 13 tháng 3, các lãnh tụ chính của phe Hébert là Jacques-René Hébert, Momoro, Ronsin và Vincent bị bắt giữ. Họ bị Tòa án Cách mạng vài ngày sau kết án tử hình tội phiến loạn và tội “câu kết với nước ngoài” trong phiên tòa đã dàn xếp. Vào ngày 24 tháng 3 năm 1794, bốn người bị chém.[202]
Diệt được phe Hébert rồi, Robespierre và Saint-Just lại đánh phe Danton[203] dưới sức ép của Vadier và các đồng minh của ông trong Ủy ban Trị an, có Collot d'Herbois và Billaud-Varenne che chở. Tuy lúc đầu không chịu tố cáo Danton cùng những người khác, nhưng Robespierre đổi ý sau khi hội kiến thất bại với ông.
Vào ngày 24 tháng 3 năm 1794, Saint-Just trình bản báo cáo về “các phe phái câu kết với nước ngoài” lên Đại hội Toàn quốc. Cùng lúc Vadier, kẻ thù lớn của Danton, thuyết phục được chính quyền bắt giữ phe ôn hòa trước cuộc biểu quyết buộc tội.[204] Danton không chịu chạy trốn. Vào ngày 30 tháng 3, ông bị bắt cùng với 15 người khác: Camille Desmoulins mặc dù thân với Robespierre, Fabre d 'Églantine vì dính dáng vào vụ lừa đảo Công ty Đông Ấn Độ, và 13 thành viên khác. Phiên tòa mở vào ngày 2 tháng 4. Các bị cáo bị kết án tử hình giống như phe Hébert. Vào ngày 5 tháng 4, 16 người bị chém. Cánh bảo thủ của phe Thượng tuyệt diệt.
Đương lúc xét xử thì tù nhân Alexandre de Laflotte vào ngày 4 tháng 4 tiết lộ “âm mưu vượt ngục”[205] để cho phe Danton phá ngục mà trốn thoát, do Tướng Dillion chủ mưu cùng đại biểu Simond hiện ngồi tù. Lucile Desmoulins bị tố tài trợ âm mưu bị bắt giam ở Sainte-Pélagie. Vào ngày 13 tháng 4, 29 bị cáo có Lucile, Pierre-Gaspard thuộc phe Hébert, Chaumette là cựu giám mục Paris, và vợ góa của Hébert bị kết án tử hình theo thủ tục rút gọn, động cơ là muốn “… tàn sát đại biểu nhân dân mà lập con của bạo chúa…”. Vào hôm sau, các tử tù bị chém.[206] Tổng cộng 60 người sẽ bị chém, có 11 đại biểu Đại hội Toàn quốc.[207]
Cuộc thanh trừ chính trị làm rõ rằng chính quyền cách mạng muốn khép lại thời kỳ “nội chiến” mà xây dựng xã hội mới theo nguyện vọng phát động cuộc Cách mạng.[208] Robespierre và Ủy ban Cứu quốc vào mùa xuân năm 1794 khống chế được các lực lượng chính trị trong ngắn hạn.[209] Tuy nhiên, việc xử tử những người xướng lên Thời kì Khủng bố hoàn toàn cắt đứt “tình anh em cộng hòa” giữa chính quyền cách mạng và dân chúng.[210] Quan hệ giữa chính quyền và quần chúng xấu đi.[211]
Thời kì Khủng bố
sửaỦy ban An ninh Toàn quốc dưới sự quản lý của Maximilien Robespierre và phái Jacobin đã gây nên giai đoạn Thời kì Khủng bố (tạm dịch từ Reign of Terror) (1793–1794). Ít nhất 1200 người đã phải bước lên máy chém vì bị quy vào tội phản Cách mạng. Chỉ cần là một ý nghĩ thoáng qua hay một biểu hiện nhỏ trong hành vi cũng bị nghi ngờ là phản Cách mạng (hay như trường hợp của Jacques Hébert chính vì quá nhiệt tình với Cách mạng hơn cả các nhà đương chức cầm quyền); và các phiên tòa bao giờ cũng chỉ xử một cách qua loa và kết tội là chủ yếu.
Vào năm 1794 Robespierre đã xử tử các thành viên Jacobin cấp tiến thuộc phái Cực đoan và Ôn hoà; chính vì vậy, sự ủng hộ tích cực của quần chúng nhân dân đối với ông giảm đi rõ rệt. Vào ngày 27 tháng 7 năm 1794, người Pháp nổi dậy chống lại Triều đại Kinh hoàng với cuộc đảo chính tháng Chín. Kết quả: những thành viên phái Ôn hòa trong Quốc ước đã phế truất và xử tử Robespierre cùng các đồng nghiệp của ông trong ban lãnh đạo của Ủy ban An ninh Toàn quốc. "Hiến pháp năm thứ III" (theo lịch Cách mạng Pháp) được Quốc ước thông qua ngày 17 tháng 8 năm 1795; được dân chúng ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 9 và có hiệu lực từ ngày 26 tháng 9 năm 1795.
Vào ngày 10 tháng 6 năm 1794, Đại hội Toàn quốc thông qua đạo luật khuếch đại chính sách khủng bố: Tòa án Cách mạng nay có độc quyền xét xử các tội chính trị, định nghĩa người phản cách mạng được mở rộng đến mức tối nghĩa.[212] Cuộc Đại khủng bố bắt đầu. Hơn 1.400 người bị chém ở Paris trong những tuần sau.
Vào ngày 26 tháng 6 năm 1794, quân Pháp đánh bại Liên quân thứ nhất ở Fleurus, chiếm lại được Bỉ. Lính Pháp trưng dụng lương thực ở các vùng chiếm đóng chở về Pháp.
Robespierre gây thù chuốc oán với nhiều phe phái bằng việc ủng hộ chính sách khủng bố. Ông lúc đó là nhà chính trị có quyền thế nhất. Kẻ thù của ông thấy ông chủ trì Lễ Đấng Tối cao vào ngày 8 tháng 6 năm 1794, xì xào với nhau rằng ông muốn làm độc tài. Nhân lúc ông tạm lui khỏi chính trường, họ lập nhóm mưu hạ bệ ông, gồm những thành viên của Ủy ban Trị an và những cựu đại biểu công tác, như Tallien và Fouché.
Robespierre ra Đại hội Toàn quốc, dọa thanh toán một số người nhất định, bao gồm cả một số đại biểu, nhưng không chịu gọi đích danh, cho nên ai cũng nghĩ là mình mà ngầm chống ông để giữ mạng. Âm mưu có Marais ủng hộ. Vào ngày 27 tháng 7 năm 1794, Robespierre bị Đại hội Toàn quốc buộc tội và bị bắt giữ. Công xã Paris giúp ông miễn cưỡng thoát, đưa đến Phủ Thị chính. Tuy nhiên, giai cấp công nhân không chịu che chở cho Robespierre và những đồng minh của ông, một phần vì thoái chí về việc phe Hébert bị tiêu diệt, một phần vì không hài lòng về chính sách thù lao tối đa. Đại hội Toàn quốc lập tức tước quyền công dân của ông, ra lệnh quân lính đến áp giải ông về. Vào ngày 28 tháng 7, Robespierre bị chém cùng Georges Couthon, Saint-Just và những người theo ông. Đại hội Toàn quốc cho các đại biểu thuộc phe Gironde phục chức và bỏ chính sách Khủng bố.
Vào ngày 11 tháng 10 năm 1794, Jean-Jacques Rousseau được cải táng ở Đền Vạn Hiền trong buổi lễ hoành tráng.[213] Marat trước đó được cải táng vào ngày 1 tháng 9, nhưng bị bốc mả chôn lại ở chỗ khác vào ngày 26 tháng 2 năm sau. Đại hội Toàn quốc bắt đầu nghiêng hẳn về hướng bảo thủ.[214]
Vào ngày 29 tháng 7 năm 1794, Đại hội Toàn quốc quy định nay phải bầu lại một phần tư số thành viên Ủy ban Cứu quốc và Ủy ban Trị an mỗi tháng. Luật ngày 10 tháng 6 năm 1794 bị bãi bỏ vào ngày 1 tháng 8. Công tố viên của Tòa án Cách mạng Fouquier-Tinville bị bỏ tù. Tòa án Cách mạng thôi xét xử, vào ngày 10 tháng 8 được cải tổ.[215] Nhiều tù nhân được thả.
Có ba lực lượng chính trị tranh quyền đến tháng 10 năm 1794: phe ôn hòa muốn quay trở lại tình hình năm 1791, phe tân Hébert và phe Jacobin. Vào ngày 16 tháng 10 năm 1794, phe ôn hòa trong Đại hội Toàn quốc ra pháp lệnh cấm các hội chính trị liên kết với nhau để phá hoại tổ chức của phe Jacobin. Hội tranh cử của phe tân Hébert bị giải thể vào tháng 11. Phá bỏ được các tổ chức chính trị của đối thủ rồi, phe ôn hòa bắt đầu thanh toán những lãnh tụ nổi tiếng nhất của họ; Jean-Baptiste Carrier bị chém vào ngày 26 tháng 12. Các nhà sử học gọi thời kỳ này là “khủng bố trắng”. Các băng đảng được chính quyền ngầm che chở đi đánh đập những người hát bài Hành khúc Marseille, bắt phải hát bài Nhân dân thức tỉnh đả đảo khủng bố. Hài cốt của Marat bị di dời khỏi Đền Vạn Hiền. Những người thuộc phe Thượng đang ngồi tù ở Lyon, Nîmes, Marseille, v.v. bị tàn sát. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc phản động về chế độ vua chúa. Một số người trong chính quyền mới có dính líu vào Thời kì Khủng bố. Chính quyền chủ trương trung lập, không thiên về phe dân túy tân Hébert (như Babeuf và tờ báo Le Tribun du peuple của ông) hoặc phe phục hoàng.
Mùa hè năm 1794 bị bão nặng giống như năm 1788, các vụ thu hoạch kém hơn nhiều so với năm 1793. Mùa đông năm 1794 lạnh như năm 1788, người dân thành phố chịu cảnh rét đói.[216] Đại hội Toàn quốc vào ngày 24 tháng 12 năm 1794 bãi bỏ Luật giá trần hầu tiêu diệt chợ đen. Tín phiếu bị phá giá. Khủng hoảng nông nghiệp kèm khủng hoảng kinh tế. Người dân bạo động đòi bánh mì, nổi tiếng nhất là dân biến ngày 1 tháng 4 năm 1795 và nhất là dân biến ngày 20 tháng 5 năm 1795. Đại biểu Jean-Bertrand Féraud cố can ngăn, bị đám đông giết chặt đầu cắm trên cây giáo. Những người biểu tình và những kẻ chủ mưu bị đàn áp, nhất là sáu đại biểu phe Thượng, bị kết án tử hình và bị xử tử. Nhà sử học Albert Soboul chuyên nghiên cứu Cách mạng Pháp nhận định: “Động lực là phong trào quần chúng bị tiêu diệt rồi, cuộc Cách mạng đã kết thúc”.
Vào ngày 17 tháng 7 năm 1795, bản tân hiến pháp được Đại hội Toàn quốc thông qua, lập lại chế độ bỏ phiếu theo mức thuế. Hiến pháp được người dân phê chuẩn vào tháng 9. Trong cùng cuộc bỏ phiếu người dân phê chuẩn pháp lệnh dành trước hai phần ba số ghế trong khóa thứ nhất của hai viện lập pháp mới cho các đại biểu của Đại hội Toàn quốc, tức là phe phục hoàng cao lắm chỉ giành được một phần ba số ghế. Vào ngày 5 tháng 10 năm 1795, phe phục hoàng cố lật đố chế độ mới. Napoléon được lệnh của Barras dập tắt cuộc chính biến, có chỉ huy đại đội kỵ binh Joachim Murat yểm trợ.[217] Vào ngày 26 tháng 10 năm 1795, Đại hội Toàn quốc giao chính quyền cho Hội đồng Đốc chính.
Chế độ Đốc chính
sửaHiến pháp mới đã lập ra Hội đồng Đốc chính (Directoire) và Lưỡng viện lập pháp đầu tiên trong lịch sử nước Pháp. Quốc hội bao gồm Hạ viện gồm 500 đại biểu (Conseil des Cinq-Cents - Hội đồng 500) và Thượng viện gồm 250 đại biểu (Conseil des Anciens). Quyền hành pháp nằm trong tay 5 đốc chính do Thượng viện bổ nhiệm hàng năm từ danh sách do Hạ viện đưa lên.
Với sự thành lập của chế độ Đốc chính, Cách mạng Pháp có vẻ đã kết thúc. Đất nước muốn nghỉ ngơi và chữa lành các vết thương. Những người muốn tái lập vua Louis XVIII cùng chế độ cũ, và những người muốn quay lại Thời kì khủng bố La Terreur chỉ chiếm số lượng không đáng kể. Khả năng can thiệp của nước ngoài đã tiêu tan cùng thất bại của Đệ nhất Liên minh (Première coalition). Tuy nhiên, 4 năm của chế độ Đốc chính đã là khoảng thời gian của một chính phủ chuyên quyền độc đoán và sự bất an thường xuyên. Những sự tàn bạo trong quá khứ đã làm cho lòng tin và thiện ý giữa các bên trở thành không thể được. Cũng bản năng tự bảo vệ mà đã dẫn các thành viên của Quốc ước chiếm phần lớn trong cơ quan lập pháp và toàn bộ Hội đồng Đốc chính buộc họ giữ ưu thế.
Khi đại đa số dân chúng Pháp muốn loại bỏ họ, họ đã chỉ có thể giữ được quyền lực của mình bằng những biện pháp bất thường. Họ đã từng bước lờ đi các điều khoản của hiến pháp, và dùng đến vũ khí khi kết quả bầu cử chống lại họ. Họ đã quyết tâm kéo dài chiến tranh - cách tốt nhất để kéo dài quyền lực của mình. Do đó, họ bị dẫn đến việc dựa vào quân đội - phe cũng muốn chiến tranh.
Chế độ mới vấp phải sự chống đối từ những người bảo hoàng và các phần tử Jacobin còn sót lại. Quân đội đàn áp các cuộc nổi dậy và các hoạt động phản cách mạng. Nhờ đó quân đội và vị thống lĩnh xuất sắc của họ, Napoleon Bonaparte càng có thế lực hơn.
Chế độ Đốc chính nắm quyền từ ngày 26 tháng 10 năm 1795 đến ngày 9 tháng 11 năm 1799. Cơ quan lập pháp lần đầu có hai viện: Viện Năm Trăm (500 thành viên) và Viện Nguyên lão (250 thành viên). Hội đồng Đốc chính là cơ quan hành chính, gồm năm người do Viện Nguyên lão bổ nhiệm theo danh sách do Viện Năm Trăm tiến cử. Một mặt các bộ trưởng và năm Đốc chính không chịu trách nhiệm trước hai viện, một mặt hành chính không có quyền giải tán lập pháp. Hiến pháp không quy định thủ tục hòa giải giữa hai ngành, lặp lại sai lầm của hiến pháp năm 1791.[218]
Chính quyền phản động quy định hai phần ba số ghế hai viện lập pháp mới phải dành cho các đại biểu của Đại hội Toàn quốc. Các khu vực ở miền Tây, Thung lũng Rhone và phía Đông của Khối núi Trung tâm bầu lên đại biểu phục hoàng. Ngày ngày đều có bất ổn chính trị. Phe phục hoàng lập “mạng lưới thư từ” khắp trong nước để phối hợp tình báo, tuyên truyền và hoạt động chính trị, được anh em của Louis XVI và những nước ngoài giúp đỡ. Vào tháng 3 năm 1797, phe phục hoàng thắng cử. Vào tháng 9, phe cộng hòa ôn hòa gây biến cướp chính quyền, cách chức hai Đốc chính, bãi nhiệm hoặc hủy bỏ kết quả bầu cử của 177 đại biểu. Vào cuộc bầu cử năm 1798, phe Jacobin giành được nhiều ghế. Chính quyền về sau tự cho mình quyền chỉ định đại biểu của một nửa số khu vực bầu cử. Chính quyền phản động hoàn toàn mất uy tín.
Khủng hoảng kinh tế làm suy yếu thêm chế độ Đốc chính. Chính quyền hết tiền thuế. Tín phiếu bị phá giá hoàn toàn. Chính quyền phát hành ngân phiếu đất làm tiền giấy mới, nhưng trong một năm cũng mất hết giá trị. Từ năm 1797, chính quyền quy định thuế phải bằng đồng tiền, nhưng người dân không còn tiền kim loại. Sau khi trải qua thời kỳ lạm phát bởi phát hành tín phiếu, Pháp lại trải qua thời kỳ giảm phát ảnh hưởng mạnh vùng nông thôn. Không thể trả lại khoản nợ khổng nợ vay mượn vào Chế độ cũ và tám năm cách mạng, chính quyền tuyên bố phá sản “hai phần ba”, tức là chỉ cam kết trả lại một phần ba khoản nợ công. Hầu gây dựng lại tín dụng cho các chủ nợ, chính quyền vào năm 1798 đánh loại thuế mới vào cửa ra vào và cửa sổ. Hiến binh được lệnh đi thu thuế.
Ngoài nước thì quân đội Pháp phản công. Vào mùa xuân năm 1796, quân Pháp phát động chiến dịch lớn trên khắp Đức để buộc Áo phải chịu hòa. Quân dã chiến Ý do vị tướng trẻ Napoléon Bonaparte chỉ huy giành thắng lợi liên tiếp. Vào ngày 17 tháng 4 năm 1797, Áo ký Hòa ước Campo Formio với Pháp. Từ năm 1797 đến năm 1799, gần như toàn bộ bán đảo Ý biến thành các nước cộng hòa em dưới quyền Pháp, tổ chức chính quyền phỏng theo Pháp. Một mặt tài chính của chế độ Đốc chính được giải phóng, một mặt chính quyền ngày càng phụ thuộc quân đội. Chính trị nội bộ phải chịu sự phân xử của Napoléon. Hội đồng Đốc chính biết Napoléon tham quyền, bắt đầu ngầm toan tính chặn trước. Quân Pháp mở cuộc viễn chinh Ai Cập để cắt đứt tuyến đường giữa Anh và Ấn Độ. Hai cường quốc Nga và Anh thấy Pháp lập các nước cộng hòa em, lo sợ cách mạng lây lan và Pháp thống trị châu Âu mà lập Liên minh thứ hai vào năm 1798. Quân Pháp do Brune và Masséna chỉ huy đẩy lùi quân Anh, Nga và Áo.
Ngày 9 tháng 11 năm 1799 (ngày 18 tháng Sương mù của năm thứ 8 theo lịch Cách mạng Pháp), Napoléon tổ chức một cuộc đảo chính, lập nên chế độ tổng tài. Sự kiện Napoléon xưng Hoàng đế vào năm 1804 đã đặt dấu chấm hết cho giai đoạn Đệ Nhất Cộng hòa, thành quả tiêu biểu của Cách mạng Pháp. Napoléon tuyên bố: “Hỡi công dân! Cuộc cách mạng đã thực hiện được các nguyên tắc phát động nó rồi. Cuộc cách mạng đã kết thúc rồi”. Chế độ Tổng tài được thành lập, gồm ba Tổng tài, nhưng chỉ Đệ nhất Tổng tài Napoléon nắm hết thực quyền.
Chú thích
sửa- ^ tiếng Pháp: Révolution française; [ʁevɔlysjɔ̃ fʁɑ̃sɛːz]
- ^ Trái với lầm tưởng phổ biến, tầng lớp quý tộc Pháp cũng phải nộp thuế, song mức độ trốn thuế hoặc đùn đẩy trách nhiệm nộp thuế cho tá điền nghiêm trọng đến đâu thì chưa rõ.[17]
Tham khảo
sửa- ^ “French Revolution”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2012.
- ^ Enlightenment, Stanford Encyclopedia of Philosophy
- ^ R.R. Palmer, The Age of the Democratic Revolution: The Struggle, Volume II: The Struggle (1970)
- ^ Klaits, Joseph; Haltzel, Michael H.; Haltzel, Michael (2002). Global Ramifications of the French Revolution. Cambridge UP.
- ^ a b A. Aulard in Arthur Tilley, ed. (1922). Modern France. A Companion to French Studies. Cambridge UP. tr. 115.Quản lý CS1: văn bản dư: danh sách tác giả (liên kết)
- ^ “Legacies of the Revolution · Explore · LIBERTY, EQUALITY, FRATERNITY: EXPLORING THE FRENCH REVOUTION”. revolution.chnm.org. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2024.
- ^ Rudé, George F. E. (1966). Revolutionary Europe, 1783-1815. Internet Archive. New York: Harper Torchbooks.
- ^ Jessene 2013, tr. 39–40; Jourdan 2015, tr. 100; Marzagalli 2015, tr. 4.
- ^ Baker 1978, tr. 279–303; Jordan 2004, tr. 11–12.
- ^ a b Marzagalli 2015, tr. 6–7.
- ^ Clay 2015, tr. 24, 31.
- ^ Jessene 2013, tr. 32–33; Marzagalli 2015, tr. 8–10.
- ^ Jessene 2013, tr. 34.
- ^ Jessene 2013, tr. 39–40; Jourdan 2015, tr. 104; Marzagalli 2015, tr. 5, 14–17; Tilly 1983, tr. 337.
- ^ Weir 1989, tr. 98.
- ^ Chanel 2015, tr. 68.
- ^ Behrens 1976, tr. 521–527.
- ^ Weir 1989, tr. 96.
- ^ Jourdan 2015, tr. 94–104.
- ^ Smith 2015, tr. 50–51.
- ^ Jessene 2013, tr. 38.
- ^ Doyle 1990, tr. 69–76.
- ^ Doyle 1990, tr. 75–85.
- ^ Schama 1989, tr. 115; Doyle 1990, tr. 88.
- ^ Cobban 1963, tr. 135.
- ^ Doyle 1990, tr. 89–96.
- ^ Doyle 1990, tr. 93.
- ^ Hunt 1984, tr. 6–10.
- ^ Schama 1989, tr. 115.
- ^ Doyle 1990, tr. 59.
- ^ Doyle 1990, tr. 99; Schama 1989, tr. 350–352.
- ^ Doyle 1990, tr. 99–100.
- ^ Doyle 1990, tr. 100–101.
- ^ Frey & Frey 2004, tr. 4–5.
- ^ Jessene 2013, tr. 39.
- ^ Doyle 1990, tr. 101–105.
- ^ Schama 1989, tr. 355.
- ^ Doyle 1990, tr. 105-106.
- ^ John Hall Stewart. A Documentary Survey of the French Revolution. New York: Macmillan, 1951, trang 86.
- ^ Jean-Clément Martin (2004). Belin (biên tập). La Révolution française, 1789-1799. tr. 20..
- ^ Pierre Caron, « La tentative de contre-révolution de juin-juillet 1789 », Revue d’histoire moderne & contemporaine, 1906.
- ^ Pierre Caron, « La tentative de contre-révolution de juin-juillet 1789 (suite et fin) », op. cit., tr. Thiếu tham số! (Bản mẫu:P.)42.
- ^ (tiếng Anh) Richard Clay, « Bouchardon’s statue of Louis XV: iconoclasm and the transformation of signs », in Stacy Boldrick, Richard Clay (ed.), Iconoclasm : Contested Objects, Contested Terms, Aldershot/Burlington, 2007.
- ^ Markovic Momcilo, « La Révolution aux barrières : l'incendie des barrières de l'octroi à Paris en juillet 1789 », Annales historiques de la Révolution française, vol. 2 (Bản mẫu:N°372), 2013, tr. Thiếu tham số! (Bản mẫu:P.)27-48.
- ^ Maurice Genty, « Les débuts de la Garde nationale parisienne (1789-1791) », dans Serge Bianchi, Roger Dupuy (éd.) La Garde nationale entre Nation et peuple en armes, Presses universitaires de Rennes, 2006 ; Georges Carrot, La Garde nationale, 1789-1871, une force politique ambiguë, Paris, 2001.
- ^ Albert Soboul, La Révolution française, Éditions sociales, 1988, tr. 154-156.
- ^ D.M.G. Sutherland, France 1789-2815 Revolution and Counterrevolution, Londres, 1988, tr. 68-69.
- ^ Guglielmo Ferrero (1951). Livre de Poche (biên tập). Les deux Révolutions. tr. 29-30..
- ^ J. Lacouture, La politique religieuse de la Révolution, Paris, 1940, tr. 36-37.
- ^ J. Lacouture, La politique religieuse de la Révolution, Paris, 1940, tr. 31.
- ^ J. de Viguerie, Christianisme et révolution, Paris, 1986, tr. 93.
- ^ P. de la Gorce, Histoire religieuse de la Révolution française, Paris, 1922, tr. 222-248.
- ^ A. Mathiez, La question religieuse sous la révolution, tr. 78.
- ^ J. Cl. Meyer, La vie religieuse en Haute-Garonne sous la Révolution, Toulouse, 1982.
- ^ J. de Viguerie, op. cit., tr. Thiếu tham số! (Bản mẫu:P.)105-106.
- ^ (Bertaud 2004, tr. 102-103) .
- ^ (Bertaud 2004, tr. 103) .
- ^ Mona Ozouf, Bản mẫu:Opcit, tr. 62.
- ^ Michel Vovelle, La Révolution française (1789-1799), Édition Armand Collin 1992, tr. 58.
- ^ Elyada Ouzi, « La représentation populaire de l'image royale avant Varennes », Annales historiques de la Révolution française, Bản mẫu:N°, 1994, tr. 527-546
{{URL|example.com|văn bản hiển thị tùy chọn}}
. - ^ Mona Ozouf, Varennes. La mort de la royauté, 21 juin 1791, Gallimard, 2005, 435 p. ISBN 2070771695.
- ^ Raymonde Monnier, « Évolution d'un thème républicain en révolution : les expressions du tyrannicide dans la crise de Varennes, » dans Philippe Bourdin, Mathias Bernard, Jean-Claude Caron, La Voix et le geste, Presses universitaires Blaise Pascal, 2005, 381 p. ISBN 9782845162761, tr. 29-47, et ibid. tr. 12 ; William Doyle, « Une désacralisation à désacraliser ? À propos d'une interprétation récente de la monarchie française au Bản mẫu:S-, » dans Anne-Marie Cocula, Josette Pontet, Itinéraires spirituels, enjeux matériels en Europe: Mélanges offerts à Philippe Loupès, vol. 2, Presses Univ de Bordeaux, 2005, 416 p. ISBN 9782867813696, tr. 389 ; Monique Cottret, Tuer le tyran ? : le tyrannicide dans l'Europe moderne, Fayard, 2009, 456 p. ISBN 9782213653914.
- ^ Joël Cornette, « L'image qui tue : du père du peuple au roi-cochon », L'Histoire, Bản mẫu:N°, novembre 2005, tr. 50 ; Annie Duprat, Les Rois de papier. La caricature de Henri III à Louis XVI, Belin, 2002, 367 p. ISBN 9782701129754 ; Annie Duprat, Le roi décapité : essai sur les imaginaires politiques, CERF, 1992 ISBN 9782204045407 tr. 58 et suivantes.
- ^ Timothy Tackett, Le roi s'enfuit : Varennes et l'origine de la Terreur, La Découverte, 2004, 285 p. ISBN 9782707142382.
- ^ Dictionnaire historique de la Révolution française Albert Soboul (dir.) Édition « Quadrige » PUF 2005 tr. 588.
- ^ Dictionnaire historique de la Révolution française, Bản mẫu:Opcit, tr. 451.
- ^ Jean-Clément Martin, La France en Révolution (1789-1799) Édition Belin, 1990 tr. 114-115.
- ^ André Castelot, G. Lenotre, Les Grandes Heures de la Révolution française – L’Agonie de la royauté, tome I, Paris, Perrin 1962, tr. 324-327.
- ^ Michel Winock, L’échec au roi 1791-1792, Olivier Orban, 1991 tr. 96-97.
- ^ Jean-Clément Martin, La France en Révolution (1789-1799), Édition Belin, 1990, tr. 115.
- ^ Michel Vovelle, La Chute de la monarchie (1787-1792), Bản mẫu:Opcit, tr. 166.
- ^ Michel Winock, Bản mẫu:Opcit, tr. 107.
- ^ Frédéric Bluche, Stéphane Rials, Jean Tulard, Bản mẫu:Opcit, tr. 67 - Dictionnaire historique de la Révolution française, Albert Soboul (dir.), Bản mẫu:Opcit, tr. 46.
- ^ Bernardine Melchior Bonnet, La Révolution française (1789-1799), Bản mẫu:Opcit, tr. 36.
- ^ François Furet et Mona Ozouf (dir.), Dictionnaire critique de la Révolution française, « Idées », Flammarion, 2007, tr. 315.
- ^ François Furet et Mona Ozouf (dir.), Dictionnaire critique de la Révolution française, « Idées », Bản mẫu:Opcit, tr. 334.
- ^ Jacques Godechot, Les Constitutions de France depuis 1789, Éditions Flammarion, 1979 ; Éditions corrigée et mise à jour 2006, tr. 69 — en fait, dès le 25 novembre 1791, la Constitution est attaquée à l’Assemblée au travers de la personne du roi, accusé de vouloir, avec son veto, protéger les ennemis de la Révolution. Michel Winock, Bản mẫu:Opcit, tr. 161).
- ^ Jacques Godechot, Les Constitutions de la France depuis 1789, Flammarion, 2006, tr. 53.
- ^ Michel Vovelle, La chute de la monarchie 1787-1792, Bản mẫu:Opcit, tr. 176.
- ^ Jacques Godechot, Les Révolutions (1770-1799), PUF, 1965, tr. 307 — celui-ci met en garde contre ces chiffres qui, selon lui, n’ont jamais été sérieusement vérifiés.
- ^ Jacques Godechot, La révolution française, Perrin, 1988, tr. 86.
- ^ (Lefebvre, Guyot & Sagnac 1930, tr. 102) .
- ^ François Furet et Denis Richet, Bản mẫu:Opcit, tr. 148-149.
- ^ Jacques Godechot, Les Révolutions, 1770-1799, Presses universitaires de France, 1965, tr. 157.
- ^ (Lefebvre, Guyot & Sagnac 1930, tr. 106) .
- ^ Michel Winock, L’échec au roi 1791-1792, Olivier Orban, 1991, tr. 151.
- ^ (Bertaud 2004, tr. 143-144) .
- ^ Gérard Walter, Maximilien de Robespierre, Paris, Gallimard, 1961.
- ^ Jean-Daniel Piquet, « La déclaration constitutionnelle de paix à l'Europe grand sujet de débat entre 1791 et 1794 », Monique Cubells (dir.), La Révolution française, la guerre et la frontière, Paris, CTHS, 2000.
- ^ Frédéric Bluche, Stéphane Rials, Jean Tulard, La Révolution française, PUF, 2007 tr. 71.
- ^ (Lefebvre, Guyot & Sagnac 1930, tr. 110) .
- ^ Albert Mathiez, Le dix août, Les Éditions de la Passion, 1989, tr. 18-19.
- ^ Jacques Godechot, La Révolution française, Perrin, 1988, tr. 105.
- ^ Stefan Zweig, Marie-Antoinette.
- ^ Michel Vovelle, La Chute de la monarchie (1787-1792), Seuil, 1972, tr. 261.
- ^ Louis XVIII. 1989. Đã bỏ qua tham số không rõ
|sous-title=
(trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ|title chapitre=
(trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ|auteur=
(gợi ý|author=
) (trợ giúp) - ^ Michel Vovelle, La Chute de la monarchie (1787-1792), Bản mẫu:Opcit, tr. 262.
- ^ Roger Dupuy, La République jacobine - Terreur, guerre et gouvernement révolutionnaire, Seuil, 2005, tr. 12.
- ^ Jean-Clément Martin, La France en Révolution 1789-1799, Édition Belin, 1990, tr. 134.
- ^ Eva Ziebura, Prinz Heinrich von Preußen. Biographie, Aufbau-Taschenbuch-Verlag, Berlin 2004, ISBN 3-7466-1770-7
- ^ Michel Vovelle, La Révolution française, tome III, Éditions Messidor, 1986, tr. 157.
- ^ P. Caron (1935), p. 107, 114
- ^ F. Furet & M. Ozouf (1989) A Critical Dictionary of the French Revolution, p. 139[liên kết hỏng]
- ^ Bernardine Melchior Bonnet, La Révolution française – 1789-1799, Librairie Larousse, 1988, tr. 57.
- ^ Frédéric Bluche, Septembre 1792 : logiques d’un massacre, Laffont, 1986, tr. 235.
- ^ P. Caron (1935) Les Massacres de Septembre, p. 95
- ^ Frédéric Bluche, Septembre 1792 : logiques d’un massacre, Laffont, 1986, tr. 93-94-95.
- ^ Jacques Godechot, Les Constitution de la France depuis 1789, Flammarion, 2006, tr. 70.
- ^ Marc Bouloiseau, Bản mẫu:Opcit, tr. 60-61.
- ^ Albert Soboul, Bản mẫu:Opcit, tr. 272.
- ^ Jean-Clément Martin, Bản mẫu:Opcit, tr. 142.
- ^ a b Roger Dupuy, Bản mẫu:Opcit, tr. 34.
- ^ Jacques Godechot, La révolution française, Bản mẫu:Opcit, tr. Thiếu tham số! (Bản mẫu:P.)115 à 121.
- ^ Bernardine Melchior Bonnet, La Révolution française, Bản mẫu:Opcit, tr. 64.
- ^ (Lefebvre, Guyot & Sagnac 1930, tr. 127) .
- ^ Bernardine Melchior-Bonnet, Les Girondins, Tallandier, 1989, tr. 190.
- ^ Jean-Clément Martin, La France en Révolution 1789-1799, Bản mẫu:Opcit, tr. 143.
- ^ a b Jean-Clément Martin, Violences et révolution - Essai sur la naissance d’un mythe national, Seuil, 2006, tr. 145.
- ^ Bernardine Melchior-Bonnet, Les Girondins, Tallandier, 1989, tr. 195.
- ^ Albert Mathiez, La Révolution française, Librairie Armand Colin, 1922, tr. 311.
- ^ Bernardine Melchior-Bonnet, Les Girondins, Bản mẫu:Opcit, tr. 194-195-203.
- ^ Albert Soboul, La Révolution française, op. cit., tr. 273.
- ^ Albert Soboul, Bản mẫu:Opcit, tr. 332-333.
- ^ Wasson, Ellis (2009). A History of Modern Britain: 1714 to the Present. John Wiley & Sons. tr. 118. ISBN 978-1-4051-3935-9.
- ^ Doyle, William (2002). The Oxford History of the French Revolution. Oxford University Press. tr. 396–97. ISBN 978-0-19-160829-2.
- ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 289
- ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 292
- ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 293
- ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 298
- ^ Roger Dupuy, Bản mẫu:Opcit, tr. 108.
- ^ Marc Bouloiseau, La République jacobine (10 août 1992 - 9 thermidor an II), Seuil, 1972, tr. 70.
- ^ Pascal Dupuy et Claude Mazauric, La Révolution française, Librairie Vuibert, 2005, tr. 225.
- ^ (Lefebvre, Guyot & Sagnac 1930, tr. 203) .
- ^ Roger Dupuy, Bản mẫu:Opcit, tr. 58-59.
- ^ Jean-Clément Martin La France en Révolution 1789-1799, Bản mẫu:Opcit, tr. 147.
- ^ Jacques Godechot, La révolution française, Bản mẫu:Opcit, tr. 131.
- ^ Frédéric Bluche, Stéphane Rials, Jean Tulard, La Révolution française, PUF, 1989, tr. 86.
- ^ Jacques Godechot, La révolution française, Bản mẫu:Opcit, tr. 165.
- ^ (Bertaud 2004, tr. 200) .
- ^ Jeanne Grall, Bản mẫu:Opcit, tr. 67 et suivantes.
- ^ Jean-Clément Martin, La France en Révolution 1789-1799, Bản mẫu:Opcit, tr. 157.
- ^ Jean-Marc Schiappa, La Révolution française 1789-1799, Librio, 2005, tr. 50.
- ^ Dictionnaire historique de la Révolution française, Bản mẫu:Opcit, tr. 283.
- ^ Albert Soboul, Histoire de la révolution française, tome II, Collection Idée, Gallimard, 1962, tr. 21-22-23. Voir aussi de Marc Bouloiseau, Le Comité de salut public, Bản mẫu:Opcit.
- ^ Marc Bouloiseau, La République jacobine, Bản mẫu:Opcit, tr. 107.
- ^ Marc Bouloiseau, Le Comité de salut public, Bản mẫu:Opcit, tr. 101.
- ^ Jean-Clément Martin, La France en Révolution 1789-1799, Bản mẫu:Opcit, tr. 152.
- ^ Albert Soboul, Mouvement populaire et Gouvernement révolutionnaire en l’an II (1793-1794), Flammarion, 1973, tr. 23.
- ^ Dictionnaire historique de la Révolution française, Bản mẫu:Opcit, tr. 418.
- ^ Dictionnaire historique de la Révolution française, Bản mẫu:Opcit, tr. 416 – Jacques Solé, Bản mẫu:Opcit, tr. 552.
- ^ Albert Mathiez, La Révolution française, Bản mẫu:Opcit, tr. 399.
- ^ Albert Soboul, Mouvement populaire et Gouvernement révolutionnaire en l’an II (1793-1794), Bản mẫu:Opcit, tr. 167-168.
- ^ François Furet et Mona Ozouf, Dictionnaire critique de la Révolution française – Acteurs –, Flammarion, 2007, tr. 382.
- ^ François Furet et Denis Richet, Bản mẫu:Opcit, tr. 215.
- ^ Roger Dupuy, Bản mẫu:Opcit, tr. 238.
- ^ François Furet et Mona Ozouf, Dictionnaire critique de la Révolution française – Acteurs, Flammarion, 2007, tr. 384.
- ^ Jean-Clément Martin, Violences et révolution, Bản mẫu:Opcit, tr. 188.
- ^ François Furet et Denis Richet, Bản mẫu:Opcit, tr. 229.
- ^ François Furet et Denis Richet, Bản mẫu:Opcit, tr. 228-234.
- ^ (Bertaud 2004, tr. 212-213) .
- ^ Jacques Godechot, Les Révolutions, 1770-1799, Bản mẫu:Opcit, tr. 170.
- ^ Albert Soboul, Histoire de la révolution française, tome II, Bản mẫu:Opcit, tr. 38.
- ^ Voir Marc Bouloiseau, La République jacobine, Bản mẫu:Opcit, tr. 89-90.
- ^ Albert Soboul, Mouvement populaire et Gouvernement révolutionnaire en l’an II (1793-1794), Bản mẫu:Opcit, tr. 197.
- ^ François Furet et Denis Richet, Bản mẫu:Opcit, tr. 238-239.
- ^ Jean Tulard, Jean-François Fayard, Alfred Fierro, Histoire et dictionnaire de la Révolution française (1789-1799), Robert Laffont, 1987, tr. 1145.
- ^ Roger Dupuy, Bản mẫu:Opcit, tr. 226.
- ^ François Furet et Denis Richet, Bản mẫu:Opcit, tr. 248.
- ^ Jacques Godechot, Les Révolutions (1770-1799), PUF, 1965, tr. 173.
- ^ a b Albert Mathiez, La Révolution française, Librairie Armand Colin, 1922, tr. 391.
- ^ a b Pascal Dupuy et Claude Mazauric, La Révolution française, Librairie Vuibert, 2005, tr. 228 ; Jacques Solé, Bản mẫu:Opcit, tr. 556-557.
- ^ Jean-Clément Martin, Violences et révolution, Bản mẫu:Opcit, tr. 203.
- ^ Jacques Solé, Bản mẫu:Opcit, tr. 556.
- ^ Marc, Bouloiseau (1980). Presses universitaires de France (biên tập). Le Comité de salut public (1793-1795) (bằng tiếng Pháp). Paris. ISBN 2-13-036319-9. Đã bỏ qua tham số không rõ
|numéro dans collection=
(trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ|pages totales=
(trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ|year première édition=
(trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ|numéro d'édition=
(trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ|collection=
(trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ|lien author1=
(trợ giúp). - ^ Christiane Aulanier, Histoire du Palais et du Musée du Louvre : Le Pavillon de flore, Paris, Éditions des Musées nationaux, 1947, tr. 45.
- ^ Albert Soboul, Histoire de la Révolution française tome II, Collection Idée, Gallimard, 1962, tr. 87.
- ^ Jacques Godechot, Bản mẫu:Opcit, tr. 336.
- ^ Jacques Godechot, La Révolutions française, Bản mẫu:Opcit, tr. 154.
- ^ Michel Vovelle, La Révolution contre l’église - De la raison à l’Être suprême, Éditions Complexe, 1988, tr. 29.
- ^ Jean Jaurès, Histoire socialiste de la Révolution française – Le gouvernement révolutionnaire, Tome VI – Édition revue et annotée par Albert Soboul, Messidor, 1986, tr. 304.
- ^ Roger Dupuy, Bản mẫu:Opcit, tr. 231.
- ^ Frédéric Bluche, Stéphane Rials, Jean Tulard, Bản mẫu:Opcit, tr. 102.
- ^ (Bertaud 2004, tr. 252) .
- ^ Jean Jaurès, Bản mẫu:Opcit, tr. 306.
- ^ Albert Soboul, Mouvement populaire et gouvernement révolutionnaire en l’an II (1793-1794), Bản mẫu:Opcit, tr. 226-228.
- ^ (Bertaud 2004, tr. 263) .
- ^ Roger Dupuy, Bản mẫu:Opcit, tr. 241.
- ^ a b Bernardine Melchior-Bonnet, La Révolution 1789-1799 Larousse, 1988, tr. 95.
- ^ (Bertaud 2004, tr. 263) .
- ^ Albert Soboul, Mouvement populaire et Gouvernement révolutionnaire en l’an II (1793-1794), Bản mẫu:Opcit, tr. 230-233.
- ^ Jean-Paul Bertaud, Camille et Lucile Desmoulins – Un couple dans la tourmente, Presse de la Renaissance, 1986, tr. 237.
- ^ Yves Benot, « Comment la Convention a voté l'abolition de l'esclavage dans les colonies », Annales historiques de la Révolution française Bản mẫu:3e et Bản mẫu:4e trimestres 1993 ; Florence Gauthier, Triomphe et mort du droit naturel en révolution, 1789-1795-1802, Paris, PUF, 1992.
- ^ Jean-Daniel Piquet, L'émancipation des Noirs dans la révolution française (1789-1795), Paris, Karthala, 2002.
- ^ Yves Benot, art. cit.
- ^ Père Duchesne Bản mẫu:N° texte cité par Aimé Césaire, Toussaint-Louverture, La révolution française et le problème colonial, Paris, Présence africaine, 1961.
- ^ (Bertaud 2004, tr. 243) .
- ^ Roger Dupuy, Bản mẫu:Opcit, tr. 266.
- ^ Bernardine Melchior Bonnet, La Révolution 1789-1799, Bản mẫu:Opcit, tr. 95 ; Jacques Solé, Bản mẫu:Opcit, tr. 562.
- ^ Frédéric Bluche, Danton, Bản mẫu:Opcit, tr. 396-397.
- ^ François Furet et Denis Richet, Bản mẫu:Opcit, tr. 245.
- ^ Roger Dupuy, Bản mẫu:Opcit, tr. 252.
- ^ (Bertaud 2004, tr. 267) .
- ^ Roger Dupuy, Bản mẫu:Opcit, tr. 255.
- ^ Frédéric Bluche, Danton, Bản mẫu:Opcit, tr. 453).
- ^ Bernardine Melchior-Bonnet, La Révolution – 1789-1799, Bản mẫu:Opcit, tr. 97.
- ^ Jean-Paul Bertaud, Camille et Lucile Desmoulins : un couple dans la tourmente, Bản mẫu:Opcit, tr. 288 à 291.
- ^ Dictionnaire historique de la Révolution française, Bản mẫu:Opcit, tr. 432.
- ^ Jean-Clément Martin, Violences et révolution, Bản mẫu:Opcit, tr. 214-216.
- ^ François Furet et Denis Richet, Bản mẫu:Opcit, tr. 246.
- ^ Albert Soboul, Mouvement populaire et Gouvernement révolutionnaire en l’an II (1793-1794), Bản mẫu:Opcit, tr. 352.
- ^ Albert Soboul, La Révolution française, tome II, Bản mẫu:Opcit, tr. 86.
- ^ J.-Cl. Martin, Contre-Révolution, Révolution et nation en France (1789-1799), Paris, Le Seuil, 1998, chap. 4 et 5.
- ^ Apothéose de Jean-Jacques Rousseau, translation au Panthéon : le 11 octobre 1794.
- ^ Hervé Leuwers, La Révolution française et l'Empire, Paris, PUF, 2011, tr. 130.
- ^ Albert Soboul, Histoire de la révolution française, vol. 1, Collection Idée, Gallimard, 1962, tr. 257.
- ^ Le Roy Ladurie, Emmanuel, (1929-, …)., (impr. 2006). Fayard (biên tập). Histoire humaine et comparée du climat. 2, Disettes et révolutions, 1740-1860. ISBN 2-213-62738-X. OCLC 494395305. Đã bỏ qua tham số không rõ
|consulté le=
(gợi ý|access-date=
) (trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ|isbn2=
(trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:|date=
(trợ giúp)Quản lý CS1: dấu chấm câu dư (liên kết) Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết) Quản lý CS1: tên số: danh sách tác giả (liên kết). - ^ Jean, Tulard (2005). Fayard (biên tập). Les Thermidoriens (bằng tiếng Pháp). Paris. ISBN 2-213-62012-1. OCLC 300527633. Đã bỏ qua tham số không rõ
|isbn2=
(trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ|pages totales=
(trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ|consulté le=
(gợi ý|access-date=
) (trợ giúp). - ^ Institutions et vie politique, La Documentation française, 2003.
Thư mục
sửa- Andress, David (2006). The Terror: The Merciless War for Freedom in Revolutionary France. Farrar Straus Giroux. ISBN 978-0-3742-7341-5. OL 3424389M.
- Andress, David biên tập (2015). The Oxford Handbook of the French Revolution. Oxford: Oxford University Press. ISBN 978-0-1996-3974-8.
- Baker, Keith Michael (1994). “The Idea of a Declaration of Rights”. Trong Van Kley, Dale K. (biên tập). The French Idea of Freedom: The Old Regime and the Declaration of Rights of 1789. Stanford University Press. ISBN 0-8047-2355-9. OL 19524216W.
- Baker, Michael (1978). “French political thought at the accession of Louis XVI”. Journal of Modern History. 50 (2): 279–303. doi:10.1086/241697. JSTOR 1877422. S2CID 222427515.
- Barton, HA (1967). “The Origins of the Brunswick Manifesto”. French Historical Studies. 5 (2): 146–169. doi:10.2307/286173. JSTOR 286173.
- Davidson, Ian (2016). The French Revolution: From Enlightenment to Tyranny. Profile Books. ISBN 978-1-8466-8541-5.
- Behrens, Betty (1976). “A Revision Defended: Nobles, Privileges, and Taxes in France”. French Historical Studies. 9 (3): 521–527. doi:10.2307/286235. JSTOR 286235.
- Bell, David A. (2004). “Class, consciousness, and the fall of the bourgeois revolution”. Critical Review. 16 (2–3): 323–351. doi:10.1080/08913810408443613. S2CID 144241323.
- Betros, Gemma (2010). “The French Revolution and the Catholic Church”. History Today (68).
- Blanning, Timothy C. W. (1996). The French Revolutionary Wars: 1787–1802. Hodder Arnold. ISBN 978-0-3406-4533-8.
- Brezis, Elise S; Crouzet, François (1995). “The role of assignats during the French Revolution: An evil or a rescuer?”. Journal of European Economic History. 24 (1).
- Brown, Howard G (2006). Ending the French Revolution: Violence, Justice, and Repression from the Terror to Napoleon. University of Virginia Press. ISBN 978-0-8139-2546-2.
- Brown, Howard G. (1995). War, Revolution, and the Bureaucratic State Politics and Army Administration in France, 1791-1799. Oxford University Press. ISBN 978-0-1982-0542-5.
- Cerulo, Karen A. (1993). “Symbols and the world system: national anthems and flags”. Sociological Forum. 8 (2): 243–271. doi:10.1007/BF01115492. S2CID 144023960.
- Censer, Jack; Hunt, Lynn (2001). Liberty, Equality, Fraternity: Exploring the French Revolution. Pennsylvania State University Press. ISBN 978-0-2710-2088-4. OL 6783315M.
- Chanel, Gerri (2015). “Taxation as a Cause of the French Revolution: Setting the Record Straight”. Studia Historica Gedansia. 3.
- Chapman, Jane (2005). “Republican citizenship, ethics and the French revolutionary press”. Ethical Space: The International Journal of Communication Ethics. 2 (1).
- Chisick, Harvey (1988). “Pamphlets and Journalism in the Early French Revolution: The Offices of the Ami du Roi of the Abbé Royou as a Center of Royalist Propaganda”. French Historical Studies. 15 (4): 623–645. doi:10.2307/286549. JSTOR 286549.
- Chisick, Harvey (1993). “The pamphlet literature of the French revolution: An overview”. History of European Ideas. 17 (2): 149–166. doi:10.1016/0191-6599(93)90289-3.
- Clark, J.C.D. (2000). English Society: 1660–1832; Religion, Ideology and Politics During the Ancient Regime. Cambridge University Press. ISBN 978-0-5216-6627-5. OL 16970384M.
- Clay, Lauren (2015). The Bourgoisie, Capitalism and the Origins of the French Revolution. in Andress 2015.
- Cobban, Alfred (1963). A History of Modern France. I, 1715–1799. Penguin.
- Cobban, Alan (1964). The Social Interpretation of the French Revolution (ấn bản thứ 1999). Cambridge University Press. ISBN 978-0-5216-6151-5. OL 5770047M.
- Conner, Clifford (2012). Jean-Paul Marat: Tribune of the French Revolution. Pluto Press. ISBN 978-0-7453-3193-5.
- Cough, Hugh (1987). “Genocide and the Bicentenary: the French Revolution and the Revenge of the Vendee”. Historical Journal. 30 (4): 977–988. doi:10.1017/S0018246X00022433. S2CID 159724928.
- Crook, Malcolm (1996). Elections in the French Revolution: An Apprenticeship in Democracy, 1789-1799. Cambridge University Press. ISBN 978-0-5214-5191-8.
- Crowdy, Terry (2004). French Revolutionary Infantry 1789–1802. Osprey. ISBN 978-1-8417-6660-7.
- Crowe, Ian (2005). An Imaginative Whig: Reassessing the Life and Thought of Edmund Burke. University of Missouri Press. ISBN 978-0-8262-6419-0.
- Dalton, Susan (2001). “Gender and the Shifting Ground of Revolutionary Politics: The Case of Madame Roland”. Canadian Journal of History. 36 (2): 259–282. doi:10.3138/cjh.36.2.259. PMID 18711850.
- Dann, Otto; Dinwiddy, John (1988). Nationalism in the Age of the French Revolution. Continuum. ISBN 978-0-9076-2897-2.
- Delon, Michel; Levayer, Paul-Édouard (1989). Chansonnier révolutionnaire (bằng tiếng Pháp). Éditions Gallimard. ISBN 2-0703-2530-X.
- Desan, Suzanne; Hunt, Lynn; Nelson, William (2013). The French Revolution in Global Perspective. Cornell University Press. ISBN 978-0-8014-5096-9.
- Doyle, William (1990). The Oxford History of the French Revolution (ấn bản thứ 3). Oxford University Press. ISBN 978-0-1988-0493-2.
- Doyle, William (2009). Aristocracy and its Enemies in the Age of Revolution. Oxford University Press. ISBN 978-0-1916-0971-8.
- Dupuy, Pascal (2013). The Revolution in History, Commemoration, and Memory. in McPhee 2013.
- Dwyer, Philip (2008). Napoleon: The Path to Power 1769–1799. Yale University Press. ISBN 978-0-3001-4820-6.
- Fehér, Ferenc (1990). The French Revolution and the Birth of Modernity (ấn bản thứ 1992). University of California Press. ISBN 978-0-5200-7120-9.
- Finley, Theresa; Franck, Raphael; Johnson, Noel (2017). “The Effects of Land Redistribution: Evidence from the French Revolution”. George Mason University. SSRN 3033094.
- Forster, Robert (1967). “The Survival of the Nobility during the French Revolution”. Past & Present. 37 (37): 71–86. doi:10.1093/past/37.1.71. JSTOR 650023.
- Franck, Raphaël; Michalopoulos, Stelios (2017). “Emigration during the French Revolution: Consequences in the Short and Longue Durée” (PDF). NBER Working Paper No. 23936. doi:10.3386/w23936. S2CID 134086399. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 20 tháng 2 năm 2018.
- Frey, Linda; Frey, Marsha (2004). The French Revolution. Greenwood Press. ISBN 978-0-3133-2193-1.
- Furet, François (1989). Kafker, Frank (biên tập). A Deep-rooted Ideology as Well as Circumstance in The French Revolution: Conflicting Interpretations (ấn bản thứ 2002). Krieger Publishing Company. ISBN 978-1-5752-4092-3.
- Furet, François; Ozouf, Mona (1989). A Critical Dictionary of the French Revolution. Harvard University Press. ISBN 978-0-6741-7728-4.
- Garrard, G. (2012). Rousseau's Counter-Enlightenment: A Republican Critique of the Philosophes. SUNY series in Social and Political Thought. State University of New York Press. tr. 37. ISBN 978-0-7914-8743-3. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2023 – qua Google Books.
- Gershoy, Leo (1933). Hazen, Charles D. (biên tập). “The French Revolution”. Current History. 38 (3): IV–VI. ISSN 2641-080X. JSTOR 45337195.
- Gough, Hugh (1998). The Terror in the French Revolution (ấn bản thứ 2010). Palgrave. ISBN 978-0-2302-0181-1.
- Greenwood, Frank Murray (1993). Legacies of Fear: Law and Politics in Quebec in the Era of the French Revolution. University of Toronto Press. ISBN 978-0-8020-6974-0.
- Hanson, Paul (2007). The A to Z of the French Revolution. Scarecrow Press. ISBN 978-1-4617-1606-8.
- Hanson, Paul (2009). Contesting the French Revolution. Blackwell Publishing. ISBN 978-1-4051-6083-4.
- Harden, David J (1995). “Liberty Caps and Liberty Trees”. Past & Present. 146 (146): 66–102. doi:10.1093/past/146.1.66. JSTOR 651152.
- Hargreaves-Mawdsley, William (1968). Spain under the Bourbons, 1700–1833. Palgrave Macmillan.
- Hayworth, Justin (2015). Conquering the natural frontier: French expansion to the Rhine during the War of the First Coalition 1792–1797 (PDF) (Luận văn). North Texas University. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 24 tháng 3 năm 2020.
- Hibbert, Christopher (1982). The French Revolution. Penguin. ISBN 978-0-1400-4945-9.
- Horstboll, Henrik; Ostergård, Uffe (1990). “Reform and Revolution: The French Revolution and the Case of Denmark”. Scandinavian Journal of History. 15 (3). doi:10.1080/03468759008579195.
- Hufton, Olwen (1992). Women and the Limits of Citizenship in the French Revolution. University of Toronto Press. ISBN 978-0-8020-6837-8.
- Hufton, Olwen (1998). “In Search of Counter-Revolutionary Women.”. Trong Kates, Gary (biên tập). The French Revolution: Recent debates and New Controversies. tr. 302–336.
- Hunt, Lynn; Lansky, David; Hanson, Paul (1979). “The Failure of the Liberal Republic in France, 1795–1799: The Road to Brumaire”. The Journal of Modern History. 51 (4): 734–759. doi:10.1086/241988. JSTOR 1877164. S2CID 154019725.
- Hunt, Lynn (1984). Politics, Culture, and Class in the French Revolution. University of California Press.
- Hunt, Lynn; Martin, Thomas R; Rosenwein, Barbara H. (2003). The Making of the West; Volume II (ấn bản thứ 2010). Bedford Press. ISBN 978-0-3125-5460-6.
- Hussenet, Jacques (2007). "Détruisez la Vendée !" Regards croisés sur les victimes et destructions de la guerre de Vendée (bằng tiếng Pháp). Centre vendéen de recherches historiques.
- Israel, Jonathan (2014). Revolutionary ideas, an intellectual history of the French Revolution from the Rights of Man to Robespierre. Princeton University Press. ISBN 978-0-6911-5172-4.
- Jessene, Jean-Pierre (2013). The Social and Economic Crisis in France at the End of the Ancien Régime. in McPhee 2013.
- Jones, Peter M (1988). The Peasantry in the French Revolution. Cambridge University Press. ISBN 978-0-5213-3070-1. OL 2031722M.
- Jordan, David (2004). The King's Trial: The French Revolution versus Louis XVI. University of California Press. ISBN 978-0-5202-3697-4.
- Jourdan, Annie (2015). Tumultuous contexts and radical ideas (1783-89). The 'pre-revolution' in a transnational context. in Andress 2015.
- Kennedy, Emmet (1989). A Cultural History of the French Revolution. Yale University Press. ISBN 978-0-3000-4426-3.
- Kennedy, Michael (2000). The Jacobin Clubs in the French Revolution: 1793–1795. Berghahn Books. ISBN 978-1-5718-1186-8.
- Keitner, Chimene I (2007). The Paradoxes of Nationalism: The French Revolution and Its Meaning for Contemporary Nation Building. SUNY Press. ISBN 978-0-7914-6958-3.
- Kossmann, E.H. (1978). The Low Countries: 1780–1940. Clarendon Press. ISBN 978-0-1982-2108-1.
- Lalevée, Thomas J (2019). National Pride and Republican grandezza: Brissot's New Language for International Politics in the French Revolution (PDF) (Luận văn). Australian National University.
- Lauritsen, H.R.; Thorup, M. (2011). Rousseau and Revolution. Continuum Studies in Political Philosophy. Bloomsbury Publishing. tr. 100. ISBN 978-1-4411-8776-5. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2023 – qua Google Books.
- Lefebvre, Georges (1962). The French Revolution: From Its Origins to 1793. Columbia University Press. ISBN 978-0-2310-8598-4.
- Levy, Darline Gay; Applewhite, Harriet Branson; Johnson, Mary Durham biên tập (1979). Women in Revolutionary Paris, 1789–1795. University of Illinois Press. ISBN 978-0-2520-0409-4.
- Lewis, Gwynne (2002). The French Revolution: Rethinking the Debate. Routledge. ISBN 978-0-2034-0991-6.
- Linton, Marisa (2013). Friends, Enemies, and the Role of the Individual. in McPhee 2013.
- Livesey, James (2001). Making Democracy in the French Revolution. Harvard University Press. ISBN 978-0-6740-0624-9.
- Ludwikowski, Rhett (1990). “The French Declaration of the Rights of Man and Citizen and the American Constitutional Development”. The American Journal of Comparative Law. 2: 445–462. doi:10.2307/840552. JSTOR 840552. S2CID 143656851.
- Lyons, Martyn (1975). France under the Directory (ấn bản thứ 2008). Cambridge University Press. ISBN 978-0-5210-9950-9.
- Martin, Jean-Clément (1987). La Vendée et la France (bằng tiếng Pháp). Éditions du Seuil.
- Marzagalli, Sylvia (2015). Economic and Demographic Developments. in Andress 2015.
- McLynn, Frank (1997). Napoleon (ấn bản thứ 1998). Pimlico. ISBN 978-0-7126-6247-5.
- McManners, John (1969). The French Revolution and the Church (ấn bản thứ 1982). Praeger. ISBN 978-0-3132-3074-5.
- Melzer, Sarah; Rabine, Leslie biên tập (1992). Rebel Daughters: Women and the French Revolution. Oxford University Press Inc. ISBN 978-0-1950-6886-3.
- McPhee, Peter biên tập (2013). A Companion to the French Revolution. Wiley-Blackwell. ISBN 978-1-4443-3564-4. OL 25355797M.
- Palmer, Robert R. (1986). “How Five Centuries of Educational Philanthropy Disappeared in the French Revolution”. History of Education Quarterly. 26 (2): 181–197. doi:10.2307/368736. JSTOR 368736. S2CID 147116875.
- Palmer, Robert R.; Colton, Joel (1995). A History of the Modern World. Alfred A Knopf. ISBN 978-0-6794-3253-1.
- Pas, Niek (2008). De geschiedenis van Frankrijk in een notendop: (bijna) alles wat je altijd wilde weten (bằng tiếng Hà Lan). Bakker. ISBN 978-9-0351-3170-5.
- Pelling, Nick (2002). Anglo-Irish Relations: 1798-1922. Routledge. ISBN 978-0-2039-8655-4.
- Price, Munro (2003). The Road from Versailles: Louis XVI, Marie Antoinette, and the Fall of the French Monarchy. St Martins Press. ISBN 978-0-3122-6879-4.
- Régent, Frédéric (2013). A Companion to the French Revolution. in McPhee 2013.
- Riemer, Neal; Simon, Douglas (1997). The New World of Politics: An Introduction to Political Science. Rowman & Littlefield. ISBN 978-0-9396-9341-2.
- Ross, A.; Holtermann, J.H.; Bindreiter, U. (2019). On Law and Justice. Oxford: Oxford University Press. ISBN 978-0-1910-2579-2. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2023.
- Rothenberg, Gunter (1988). “The Origins, Causes, and Extension of the Wars of the French Revolution and Napoleon”. The Journal of Interdisciplinary History. 18 (4): 771–793. doi:10.2307/204824. JSTOR 204824.
- Rudé, George (1988). The French Revolution: Its Causes, Its History and Its Legacy After 200 Years. Grove Press. ISBN 978-1-5558-4150-8.
- Sargent, Thomas J; Velde, Francois R (1995). “Macroeconomic features of the French Revolution”. Journal of Political Economy. 103 (3): 474–518. doi:10.1086/261992. S2CID 153904650.
- Schama, Simon (1989). Citizens, A Chronicle of The French Revolution (ấn bản thứ 2004). Penguin. ISBN 978-0-1410-1727-3.
- Schama, Simon (1977). Patriots and Liberators: Revolution in the Netherlands, 1780–1813. Harper Collins. ISBN 978-0-0021-6701-7.
- Scott, Samuel (1975). “Problems of Law and Order during 1790, the "Peaceful" Year of the French Revolution”. The American Historical Review. 80 (4): 859–888. doi:10.2307/1867442. JSTOR 1867442.
- Shusterman, Noah (2013). The French Revolution; Faith, Desire, and Politics. Routledge. ISBN 978-0-4156-6021-1.
- Smith, Jay M. (2015). Nobility. in Andress 2015.
- Soboul, Albert (1975). The French Revolution 1787–1799. Vintage. ISBN 978-0-3947-1220-8.
- Spang, Rebecca (2003). “Paradigms and Paranoia: How modern Is the French Revolution?”. American Historical Review. 108 (1). doi:10.1086/ahr/108.1.119.
- Sutherland, D. M. G. (2002). “Peasants, Lords, and Leviathan: Winners and Losers from the Abolition of French Feudalism, 1780–1820”. The Journal of Economic History. 62 (1): 1–24. JSTOR 2697970.
- Tackett, Timothy (2003). “The Flight to Varennes and the Coming of the Terror”. Historical Reflections / Réflexions Historiques. 29 (3): 469–493. JSTOR 41299285.
- Tackett, Timothy (2004). When the King Took Flight. Harvard University Press. ISBN 978-0-6740-1642-2.
- Tackett, Timothy (2011). “Rumor and Revolution: The Case of the September Massacres” (PDF). French History and Civilization. 4. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 30 tháng 11 năm 2018.
- Thompson, James Matthew (1932). Leaders of the French Revolution (bằng tiếng Anh). B. Blackwell.
- Tilly, Louise (1983). “Food Entitlement, Famine, and Conflict”. The Journal of Interdisciplinary History. 14 (2): 333–349. doi:10.2307/203708. JSTOR 203708.
- Vardi, Liana (1988). “The Abolition of the Guilds during the French Revolution”. French Historical Studies. 15 (4): 704–717. doi:10.2307/286554. JSTOR 286554.
- Walton, Charles (2013). Clubs, parties, factions in The Oxford Handbook of the French Revolution. Wiley.
- Wasson, Ellis (2009). A History of Modern Britain: 1714 to the Present. John Wiley & Sons. ISBN 978-1-4051-3935-9.
- Weir, David (1989). “Tontines, Public Finance, and Revolution in France and England, 1688–1789”. The Journal of Economic History. 49 (1): 95–124. doi:10.1017/S002205070000735X. JSTOR 2121419. S2CID 154494955.
- White, Eugene Nelson (1995). “The French Revolution and the Politics of Government Finance, 1770–1815”. The Journal of Economic History. 55 (2): 227–255. doi:10.1017/S0022050700041048. JSTOR 2123552. S2CID 154871390.
- Woronoff, Denis (1984). The Thermidorean regime and the directory: 1794–1799. Cambridge University Press. ISBN 978-0-5212-8917-7.
Đọc thêm
sửa- Abray, Jane (1975). “Feminism in the French Revolution”. The American Historical Review. 80 (1): 43–62. doi:10.2307/1859051. JSTOR 1859051.
- Beckstrand, Lisa (2009). Deviant women of the French Revolution and the rise of feminism. Fairleigh Dickinson University Press. ISBN 978-1-6114-7400-8.
- Bell, David Avrom (2007). The First Total War: Napoleon's Europe and the Birth of Warfare as We Know It. Mariner Books. ISBN 978-0-6189-1981-9.
- Blanning, Timothy C. W (1997). The French Revolution: Class War or Culture Clash?. Palgrave Macmillan. ISBN 978-0-3336-7064-4.
- Bredin, Jean-Denis (1988). Sieyes; la clé de la Révolution française (bằng tiếng Pháp). Fallois.
- Censer, Jack (2002). Klaits, Joseph; Haltzel, Michael (biên tập). The French Revolution after 200 Years in Global Ramifications of the French Revolution. Cambridge University Press. ISBN 978-0-5215-2447-6.
- Clark, Samuel (1984). “Nobility, Bourgeoisie and the Industrial Revolution in Belgium”. Past & Present. 105 (105): 140–175. doi:10.1093/past/105.1.140. JSTOR 650548.
- Cole, Alistair; Campbell, Peter (1989). French electoral systems and elections since 1789. Gower. ISBN 978-0-5660-5696-3.
- Comninel, George C (1987). Rethinking the French Revolution: Marxism and the Revisionist Challenge. Verso. ISBN 978-0-8609-1890-5.
- Cook, Bernard A (2004). Belgium (Studies in Modern European History, V. 50). Peter Lang Publishing Inc. ISBN 978-0-8204-5824-3.
- Devance, Louis (1977). “Le Féminisme pendant la Révolution Française”. Annales Historiques de la Révolution Française (bằng tiếng Pháp). 49 (3).
- Dorginy, Marcel (2003). The Abolitions of Slavery: From L.F. Sonthonax to Victor Schoelcher, 1793, 1794, 1848. Berghahn Books. ISBN 978-1-5718-1432-6.
- Doyle, William (2001). The French Revolution: A very short introduction. Oxford University Press. ISBN 978-0-1928-5396-7.
- Ellis, Geoffrey (1997). Aston, Nigel (biên tập). Religion according to Napoleon; the limitations of pragmatism in Religious Change in Europe 1650-1914: Essays for John McManners. Clarendon Press. ISBN 978-0-1982-0596-8.
- Fremont-Barnes, Gregory (2007). Encyclopedia of the Age of Political Revolutions and New Ideologies, 1760–1815. Greenwood. ISBN 978-0-3130-4951-4.
- Furet, François (1981). Interpreting the French Revolution. Cambridge University Press.
- Furet, François (1995). Revolutionary France, 1770–1880. Blackwell Publishing. ISBN 978-0-6311-9808-6.
- Fursenko, A.A; McArthur, Gilbert (1976). “The American and French Revolutions Compared: The View from the U.S.S.R.”. The William and Mary Quarterly. 33 (3): 481. doi:10.2307/1921544. JSTOR 1921544.
- Garrioch, David (1994). “The People of Paris and Their Police in the Eighteenth Century. Reflections on the introduction of a 'modern' police force”. European History Quarterly. 24 (4): 511–535. doi:10.1177/026569149402400402. S2CID 144460864.
- Gershoy, Leo (1957). The Era of the French Revolution. Van Nostrand. ISBN 978-0-8987-4718-8.
- Goldhammer, Jesse (2005). The headless republic : sacrificial violence in modern French thought. Cornell University Press. ISBN 978-0-8014-4150-9. OCLC 783283094.
- Hampson, Norman (1988). A Social History of the French Revolution. Routledge: University of Toronto Press. ISBN 978-0-7100-6525-4.
- Hibbert, Christopher (1980). The Days of the French Revolution. Quill, William Morrow. ISBN 978-0-6880-3704-8.
- Hufton, Olwen (1983). “Social Conflict and the Grain Supply in Eighteenth-Century France”. The Journal of Interdisciplinary History. 14 (2): 303–331. doi:10.2307/203707. JSTOR 203707.
- Hunt, Lynn (1996). The French Revolution and Human Rights (ấn bản thứ 2016). Bedford/St Martins. ISBN 978-1-3190-4903-4.
- James, C. L. R. (1963). The Black Jacobins: Toussaint L'Ouverture and the San Domingo Revolution (ấn bản thứ 2001). Penguin Books.
- Jefferson, Thomas (1903). Ford, Paul (biên tập). The Works of Thomas Jefferson, Vol. XII: Correspondence and Papers 1808–1816 (ấn bản thứ 2010). Cosimo Classics. ISBN 978-1-6164-0215-0.
- Jourdan, Annie (2007). “The "Alien Origins" of the French Revolution: American, Scottish, Genevan, and Dutch Influences”. The Western Society for French History. University of Amsterdam. 35 (2). hdl:2027/spo.0642292.0035.012.
- Kołakowski, Leszek (1978). Main Currents of Marxism: The Founders, the Golden Age, the Breakdown. W.W. Norton. ISBN 978-0-3930-6054-6.
- Lefebvre, Georges (1947). The Coming of the French Revolution (ấn bản thứ 2005). Princeton University Press. ISBN 978-0-6911-2188-8.
- Lefebvre, Georges (1963). The French Revolution: from 1793 to 1799. II. New York: Columbia University Press. ISBN 978-0-2310-2519-5.
- Lefebvre, Georges (1964). The Thermidorians & the Directory. Random House. ISBN 978-0-1344-4539-7.
- Léonard, Jacques (1977). “Femmes, Religion et Médecine: Les Religieuses qui Soignent, en France au XIXe Siècle”. Annales: Économies, Sociétés, Civilisations (bằng tiếng Pháp). 32 (55).
- McHugh, Tim (2012). “Expanding Women's Rural Medical Work in Early Modern Brittany: The Daughters of the Holy Spirit”. History of Medicine and Allied Sciences. 67 (3): 428–456. doi:10.1093/jhmas/jrr032. PMC 3376001. PMID 21724643.
- McMillan, James H (1999). France and women, 1789–1914: gender, society and politics. Routledge. ISBN 978-0-4152-2602-8.
- Marx, Karl (1983). Kamenka, Eugene (biên tập). The Paris Commune and the Future of Socialism: 1870–1882 in The Portable Karl Marx. Penguin Books. ISBN 978-0-1401-5096-4.
- Mitchell, CJ (1984). “Political Divisions within the Legislative Assembly of 1791”. French Historical Studies. 13 (3): 356–389. doi:10.2307/286298. JSTOR 286298.
- Neely, Sylvia (2008). A Concise History of the French Revolution. Rowman & Littlefield. ISBN 978-0-7425-3411-7.
- Rossignol, Marie-Jeanne (2006). The American Revolution in France: Under the Shadow of the French Revolution in Europe's American Revolution. Springer. ISBN 978-0-2302-8845-4.
- Shlapentokh, Dmitry (1996). “A problem in self-identity: Russian intellectual thought in the context of the French Revolution”. European Studies. 26 (1): 61–76. doi:10.1177/004724419602600104. S2CID 145177231.
- Sepinwall, Alyssa Goldstein (2017). “Beyond "The Black Jacobins": Haitian Revolutionary Historiography Comes of Age”. Journal of Haitian Studies. 23 (1): 17. doi:10.1353/jhs.2017.0000. JSTOR 44478370. S2CID 158697106.
- Soboul, Albert (1977). A short history of the French Revolution: 1789–1799. Geoffrey Symcox. University of California Press, Ltd. ISBN 978-0-5200-3419-8.
- Soper, J. Christopher; Fetzer, Joel S (2003). “Explaining the accommodation of Muslim religious practices in France, Britain, and Germany”. French Politics. 1 (1): 39–59. doi:10.1057/palgrave.fp.8200018. S2CID 145008815.
- Stewart, John (1951). A Documentary Survey of the French revolution. Macmillan.
- Thompson, J.M. (1952). Robespierre and the French Revolution. The English Universities Press. ISBN 978-0-3400-8369-7.
- Thompson, J.M. (1959). The French Revolution. Basil Blackwell.
- Tombs, Robert; Tombs, Isabelle (2007). That Sweet Enemy: The French and the British from the Sun King to the Present. Random House. ISBN 978-1-4000-4024-7.