Wikipedia

bách khoa toàn thư mở trực tuyến

Wikipedia (/ˌwɪkɪˈpdiə/ WIK-i-PEE-dee-ə hoặc /ˌwɪkiˈpdiə/ WIK-ee-PEE-dee-ə) là một bách khoa toàn thư mở trực tuyến đa ngôn ngữ[4] được sáng lập và duy trì bởi một cộng đồng biên tập viên tình nguyện và chạy trên nền tảng wiki.

Wikipedia
Một khối cầu màu trắng ghép lại từ nhiều mảnh xếp hình lớn. Trên mỗi mảnh là các chữ cái thuộc nhiều bộ chữ cái khác nhau
Wikipedia wordmark
Biểu tượng Wikipedia – một quả cầu có chứa các ký tự từ nhiều hệ chữ viết khác nhau.
Ảnh chụp màn hình
Trang chủ Wikipedia với đường liên kết đến nhiều ngôn ngữ khác.
Ảnh chụp màn hình Cổng thông tin đa ngôn ngữ của Wikipedia
Loại website
Bách khoa toàn thư trực tuyến
Có sẵn bằng309 ngôn ngữ[1]
Chủ sở hữuWikimedia Foundation
Tạo bởiJimmy Wales, Larry Sanger[2]
Websitewww.wikipedia.org
Thương mạiKhông
Yêu cầu đăng kýTùy chọn[gc 1]
Số người dùng>315.147 tài khoản hoạt động[note 1] và >85.634.144 tài khoản đã đăng ký
3.906 quản trị viên
Bắt đầu hoạt động15 tháng 1 năm 2001; 23 năm trước (2001-01-15)
Tình trạng hiện tạiĐang hoạt động
Giấy phép nội dung
CC Attribution / Share-Alike 3.0. Đa số tài liệu được cấp giấy phép kép dựa theo GFDL, giấy phép cho các tập tin phương tiện có thể khác.
Viết bằngNền tảng LAMP[3]
Số OCLC52075003

Tính đến tháng 1 năm 2021, theo xếp hạng của Alexa, Wikipedia là một trong 15 trang web phổ biến nhất thế giới[5] còn tạp chí The Economist xếp Wikipedia là "địa điểm được truy cập nhiều thứ 13 trên web".[6] Wikipedia không chạy quảng cáo và do tổ chức phi lợi nhuận Wikimedia quản lý, nhận tài trợ chủ yếu thông qua quyên góp.[7][8][9]

Jimmy WalesLarry Sanger đưa Wikipedia đi vào hoạt động từ ngày 15 tháng 1 năm 2001. Cái tên "Wikipedia" là do Sanger ghép từ "wiki" và "encyclopedia" (bách khoa toàn thư). Khởi đầu với phiên bản tiếng Anh nhưng nay Wikipedia đã có hơn 300 phiên bản với tổng cộng hơn 55 triệu bài viết,[10] và thu hút hơn 1,7 tỷ lượt xem mỗi tháng.[11][12] Trong số đó, Wikipedia tiếng Anh là phiên bản lớn nhất với hơn 6,2 triệu bài viết.

Wikipedia được coi là tài liệu tham khảo viết chung lớn nhất và phổ biến nhất trên Internet.[13][14][15][16] Năm 2016, tạp chí Time từng tuyên bố rằng tính chất mở của Wikipedia đã biến nó trở thành bách khoa toàn thư lớn nhất và tốt nhất thế giới, tương ứng với những gì Wales từng hình dung.[17] Uy tín của dự án ngày càng tăng lên trong thập niên 2010 nhờ vào những nỗ lực cải thiện chất lượng và độ tin cậy.[6] Năm 2018, FacebookYouTube cũng thông báo rằng các nền tảng này sẽ giúp người đọc phát hiện tin giả bằng cách liên kết các video đến các bài viết tương ứng trên Wikipedia.

Wikipedia ngày càng trở nên phổ biến[18] và cũng bị chỉ trích về độ chính xác, thiên vị có tính hệ thống, và thiên kiến giới tính do có nhiều thành viên nam; trong các chủ đề gây tranh cãi, đã bị chính trị thao túng và bị truyền thông sử dụng để tuyên truyền.[19]

Lịch sử

Nupedia

 
Wikipedia ban đầu được phát triển từ một dự án bách khoa toàn thư khác có tên là Nupedia.

Trước Wikipedia, các bách khoa toàn thư trực tuyến hợp tác khác cũng được thử nghiệm, nhưng không có dự án nào thành công như Wikipedia.[20] Khởi thủy của Wikipedia là một dự án bổ trợ cho Nupedia, một dự án bách khoa toàn thư tiếng Anh trực tuyến tự do với các bài viết do các chuyên gia chấp bút và được xem xét dựa trên một quy trình chính thức.[21] Dự án được thành lập vào ngày 9 tháng 3 năm 2000, thuộc quyền sở hữu của Bomis, một công ty cổng thông tin điện tử. Các nhân vật chính là Giám đốc điều hành Bomis, Jimmy Wales và Larry Sanger – tổng biên tập của Nupedia và Wikipedia sau này.[22][23] Ban đầu Nupedia được cấp phép theo Giấy phép Nội dung Mở Nupedia của riêng mình, nhưng sau đó đã chuyển sang Giấy phép Tài liệu Tự do GNU do Richard Stallman thúc giục (lúc này Wikipedia chưa thành lập).[24] Wales được ghi nhận là người thiết lập mục tiêu tạo ra một bách khoa toàn thư cho phép chỉnh sửa công khai,[25][26] còn Sanger được ghi nhận là người nghĩ ra chiến lược sử dụng công nghệ wiki để đạt được mục tiêu đó.[27] Ngày 10 tháng 1 năm 2001, trên danh sách gửi thư của Nupedia, Sanger đề xuất tạo ra một wiki như một dự án "trung chuyển" cho Nupedia.[28]

Khởi tạo và phát triển ban đầu

Jimmy Wales (trái) và Larry Sanger (phải).

Các tên miền wikipedia.comwikipedia.org lần lượt được đăng ký vào ngày 12 tháng 1 năm 2001,[29]ngày 13 tháng 1 năm 2001.[30] Wikipedia ra mắt vào ngày 15 tháng 1 năm 2001[21] dưới dạng một ấn bản bằng ngôn ngữ tiếng Anh duy nhất tại www.wikipedia.com.[31] Cái tên "Wikipedia" là do Sanger ghép từ "wiki" và "encyclopedia" (bách khoa toàn thư).[32][33] Sanger công bố sự kiện này trên danh sách gửi thư Nupedia. Chính sách "quan điểm trung lập" của Wikipedia[34] được hệ thống hóa trong vài tháng đầu. Ban đầu Wikipedia có tương đối ít quy tắc và hoạt động độc lập với Nupedia.[25] Bomis vốn định biến Wikipedia thành một doanh nghiệp để kiếm lời.[35]

 
Wikipedia tiếng Anh vào ngày 30 tháng 3 năm 2001, hai tháng rưỡi sau khi được thành lập.

Những thành viên đóng góp thuở đầu của Wikipedia đến từ Nupedia, những tin nhắn tại Slashdot và các kết quả tìm kiếm. Các ấn bản ngôn ngữ cũng được tạo ra và lên đến 161 phiên bản vào cuối năm 2004.[36] Nupedia và Wikipedia hoạt động song song cho đến khi các máy chủ cũ của Nupedia bị gỡ bỏ vĩnh viễn vào năm 2003 và cả nội dung của Nupedia được tích hợp vào Wikipedia. Ngày 9 tháng 9 năm 2007, Wikipedia tiếng Anh vượt mốc hai triệu bài viết để trở thành bách khoa toàn thư lớn nhất từng được tập hợp, vượt qua Vĩnh Lạc đại điển được tạo ra dưới thời nhà Minh năm 1408 (từng giữ kỷ lục này gần 600 năm).[37]

Do lo ngại quảng cáo thương mại có thể ảnh hưởng đến dự án và thiếu quyền hạn bảo quản tại Wikipedia, nhiều thành viên Wikipedia tiếng Tây Ban Nha tách khỏi Wikipedia để tạo ra bách khoa toàn thư Enciclopedia Libre vào tháng 2 năm 2002.[38] Cùng năm, Wales thông báo rằng Wikipedia sẽ không hiển thị quảng cáo và trang web được đổi tên miền sang wikipedia.org.[39] Brion Vibber áp dụng các thay đổi này vào ngày 15 tháng 8 năm 2002.[40]

Từ Wikipedia và Nupedia, Quỹ Hỗ trợ Wikipedia được thành lập ngày 20 tháng 6 năm 2003.[41] Từ đó đến nay, Wikipedia cùng các dự án liên quan đều thuộc tổ chức phi lợi nhuận này. Dự án liên quan đầu tiên của Wikipedia, "Kỷ niệm: Wiki 11 tháng 9", được thành lập vào tháng 10 năm 2002 để kể về những Tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9; dự án từ điển Wiktionary mở cửa vào tháng 12 năm 2002; bộ sưu tập danh ngôn Wikiquote, một tuần sau khi Wikimedia được thành lập; và thư viện mở Wikibooks, tháng sau; cũng như các dự án khác.[42]

Mặc dù Wikipedia tiếng Anh đạt ba triệu bài vào tháng 8 năm 2009, nhưng nếu xét về số lượng bài mới và số người đóng góp thì dường như sự phát triển của phiên bản tiếng Anh lại đạt đỉnh khoảng đầu năm 2007.[43] Năm 2006, mỗi ngày bách khoa toàn thư có khoảng 1.800 bài viết mới; đến năm 2013 mức trung bình đó là khoảng 800.[44] Một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Palo Alto cho rằng tốc độ tăng trưởng chậm lại này là do tính độc quyền ngày càng tăng của dự án và xu hướng cưỡng lại sự thay đổi.[45] Những người khác cho rằng sự phát triển đang đi ngang một cách tự nhiên bởi vì các bài viết thuộc chủ đề rõ ràng đủ nổi bật đều được tạo và có nội dung rồi.[46][47][48]

Tháng 11 năm 2009, một nhà nghiên cứu tại Đại học Rey Juan Carlos ở Madrid phát hiện Wikipedia tiếng Anh đã mất đi 49.000 biên tập viên trong ba tháng đầu năm 2009, so với việc mất đi 4.900 biên tập viên trong cùng kỳ năm 2008.[49][50] The Wall Street Journal cho rằng một trong những lý do chính là một loạt các quy tắc được áp dụng cho việc biên tập và các tranh chấp liên quan đến nội dung.[51] Wales phản bác những tuyên bố này vào năm 2009, phủ nhận sự suy giảm đồng thời nghi vấn phương pháp luận của nghiên cứu trên.[52] Hai năm sau (2011), Wales thừa nhận một sự suy giảm nhẹ, từ "nhiều hơn 36.000 biên tập viên một chút" vào tháng 6 năm 2010 xuống còn 35.800 vào tháng 6 năm 2011, đồng thời tuyên bố số lượng biên tập viên là "ổn định và bền vững".[53] Bài báo "Sự suy tàn của Wikipedia" năm 2013 trên Technology Review (Tạp chí Công nghệ) của MIT đặt câu hỏi về tuyên bố này và tiết lộ rằng, kể từ năm 2007, Wikipedia đã mất đi một phần ba số biên tập viên tình nguyện, những người ở lại Wikipedia thì ngày càng tập trung vào những điều vụn vặt.[54] Tháng 7 năm 2012, The Atlantic báo cáo rằng số lượng quản trị viên Wikipedia cũng đang giảm dần.[55] Trong số ra ngày 25 tháng 11 năm 2013 của tạp chí New York, Katherine Ward cho biết "Wikipedia, trang web được sử dụng nhiều thứ sáu toàn cầu, đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nội bộ".[56]

Các cột mốc

 
Bản đồ hiển thị số lượng bài viết của từng ngôn ngữ Châu Âu tính đến tháng 1 năm 2019. Một hình vuông đại diện cho 10.000 bài viết. Các ngôn ngữ có ít hơn 10.000 bài viết được thể hiện bằng một ô vuông. Các ngôn ngữ được nhóm theo ngữ hệ và mỗi ngữ hệ được trình bày bằng một màu riêng biệt.

Tháng 1 năm 2007 là lần đầu tiên Wikipedia lọt vào danh sách 10 trang web phổ biến nhất ở Mỹ, theo comScore Networks. Với 42,9 triệu lượt người truy cập, Wikipedia đứng vị trí thứ 9, vượt qua The New York Times (hạng 10) và Apple (hạng 11), gia tăng đáng kể so với tháng 1 năm 2006 (hạng 33), tức Wikipedia nhận được khoảng 18,3 triệu người truy cập.[57] Tính đến tháng 3 năm 2020, theo Alexa Internet, Wikipedia có thứ hạng 13 trong số các trang web về mức độ phổ biến.[5] Năm 2014, Wikipedia có tám tỷ lượt xem trang mỗi tháng.[58] Ngày 9 tháng 2 năm 2014, The New York Times báo cáo rằng Wikipedia có 18 tỷ lượt xem trang và gần 500 triệu người truy cập mỗi tháng, "theo công ty xếp hạng comScore".[11] Loveland và Reagle cho rằng trong cả quá trình phát triển này, Wikipedia tuân theo một truyền thống lâu đời của bách khoa toàn thư lịch sử tích lũy sự cải tiến tiến từng phần thông qua "tích lũy kỳ thị".[59][60]

 
Màn hình đen Wikipedia phản đối SOPA vào ngày 18 tháng 1 năm 2012

Ngày 18 tháng 1 năm 2012, Wikipedia tiếng Anh tham gia vào một loạt các cuộc biểu tình phối hợp chống lại hai luật được đề xuất tại Quốc hội Hoa KỳĐạo luật Ngừng vi phạm bản quyền trực tuyến (SOPA) và Đạo luật BẢO VỆ IP (PIPA) — bằng cách bôi đen các trang trong 24 giờ.[61] Hơn 162 triệu người đã đọc thấy các trang giải thích tạm thời này.[62][63]

Ngày 20 tháng 1 năm 2014, báo cáo của Subodh Varma cho The Economic Times (Thời báo Kinh tế) chỉ ra rằng không chỉ sự tăng trưởng của Wikipedia bị đình trệ mà còn "mất gần 10 phần trăm lượt xem trang vào năm ngoái. Đã có sự sụt giảm khoảng hai tỷ lượt xem trong giai đoạn tháng 12 năm 2012tháng 12 năm 2013. Các phiên bản phổ biến nhất đang dẫn đầu trang: lượt xem trang của Wikipedia tiếng Anh giảm 12%, phiên bản tiếng Đức giảm 17% và phiên bản tiếng Nhật giảm 9%." Varma cũng nói rằng "Trong khi các nhà quản lý Wikipedia nghĩ rằng đây có thể là do sai sót trong khâu đếm, các chuyên gia khác cảm thấy rằng dự án Knowledge Graph (Sơ đồ Tri thức) của Google được khởi động vào năm ngoái có thể đang lấy mất người dùng Wikipedia."[64] Khi được liên hệ về vấn đề này, Clay Shirky, phó giáo sư tại Đại học New York và đồng nghiệp tại Trung tâm Internet & Xã hội Berkman của Harvard cho biết rằng ông cho rằng phần lớn sự sụt giảm của số lượt xem trang là do Sơ đồ tri thức, nói rằng, "Nếu bạn có thể nhận được câu trả lời của mình từ trang tìm kiếm, bạn sẽ không cần nhấp vào [bất kỳ đường dẫn nào nữa]."[64] Đến cuối tháng 12 năm 2016, Wikipedia được xếp hạng thứ năm trong các trang web phổ biến nhất trên toàn cầu.[65]

Tháng 1 năm 2013, một tiểu hành tinh được đặt tên theo Wikipedia;[66] tháng 10 năm 2014, Wikipedia được vinh danh với Tượng đài Wikipedia tại thị trấn Słubice, Ba Lan;[67]tháng 7 năm 2015, 106 trong số 7.473 tập 700 trang của Wikipedia được in thành sách giấy (một phần của dự án Print Wikipedia). Năm 2019, một loài thực vật có hoa được đặt tên là Viola wikipedia.[68] Tháng 4 năm 2019, một tàu đổ bộ mặt trăng của Israel, Beresheet, đã rơi xuống bề mặt Mặt Trăng mang theo một bản sao của gần như toàn bộ Wikipedia tiếng Anh được khắc trên các tấm niken mỏng; các chuyên gia nói rằng những chiếc đĩa này có khả năng sống sót sau vụ va chạm.[69][70] Tháng 6 năm 2019, các nhà khoa học đã báo cáo rằng toàn bộ 16 GB văn bản bài viết của Wikipedia tiếng Anh đã được mã hóa thành một DNA tổng hợp.[71]

Tính mở

Không giống như các bách khoa toàn thư truyền thống, Wikipedia tuân theo nguyên tắc trì hoãn[note 2] về tính bảo mật của nội dung.[72]

Hạn chế sửa đổi

 
Giao diện chỉnh sửa mã nguồn của Wikipedia.

Do Wikipedia ngày càng trở nên phổ biến, một số phiên bản, bao gồm cả phiên bản tiếng Anh, đã đưa ra các hạn chế sửa đổi trong một số trường hợp, chẳng hạn như chỉ người dùng đã đăng ký mới có thể tạo một bài viết mới.[73] Một số bài đặc biệt gây tranh cãi, nhạy cảm hoặc dễ bị phá hoại trên Wikipedia tiếng Anh và một số phiên bản khác đều được bảo vệ ở một mức độ nào đó.[74][75] Một bài viết thường xuyên bị phá hoại có thể bị bán khóa hoặc giới hạn cho các thành viên xác nhận mở rộng, có nghĩa là chỉ những ai đã có quyền xác nhận tự động hoặc xác nhận mở rộng mới có thể sửa đổi nó.[76] Bài viết nào thường xuyên gây tranh cãi có thể bị khóa ở mức chỉ có quản trị viên mới biên tập được bài.[77]

Trong một số trường hợp nhất định, tất cả các biên tập viên được phép đề nghị các sửa đổi, nhưng một số biên tập viên khác phải xem xét lại, tùy thuộc vào các điều kiện nhất định. Ví dụ: Wikipedia tiếng Đức duy trì "phiên bản ổn định" của các bài viết,[78] đã qua một số đánh giá nhất định. Sau các thử nghiệm kéo dài và thảo luận cộng đồng, Wikipedia tiếng Anh đã giới thiệu hệ thống "các thay đổi đang chờ được xử lý" vào tháng 12 năm 2012.[79] Theo hệ thống này, tại một số bài viết dễ gây tranh cãi hoặc dễ bị phá hoại, các sửa đổi của người dùng mới và chưa đăng ký sẽ được thành viên có uy tín xét duyệt trước khi chúng được xuất bản.[80]

Xét duyệt các thay đổi

 
Sự khác biệt giữa các phiên bản của một bài viết được đánh dấu.

Mặc dù các thay đổi không được xem xét một cách có hệ thống, phần mềm hỗ trợ Wikipedia cung cấp các công cụ nhất định cho phép bất kỳ ai cũng có thể xem xét các thay đổi do người khác thực hiện. Trang "Lịch sử" của mỗi bài viết liên kết đến mỗi bản sửa đổi.[note 3] Trên hầu hết các bài viết, bất kỳ ai cũng có thể hoàn tác các thay đổi của người khác bằng cách nhấp vào liên kết trên trang lịch sử của bài viết. Ai cũng có thể xem các thay đổi mới nhất của các bài viết và ai cũng có thể duy trì một "danh sách theo dõi" các bài viết mà họ quan tâm để nhận thông báo về các thay đổi liên quan. "Tuần tra các trang mới" là một quá trình để kiểm tra các bài viết mới tạo.[81]

Năm 2003, nghiên cứu sinh Tiến sĩ kinh tế học Andrea Ciffolilli lập luận rằng chi phí giao dịch thấp khi tham gia vào một wiki tạo ra chất xúc tác cho sự phát triển hợp tác và các tính năng như cho phép dễ dàng truy cập các phiên bản trước đây của một trang có lợi cho việc "xây dựng sáng tạo" hơn "phá hủy sáng tạo".[82]

Phá hoại

 
Nhà báo người Mỹ John Seigenthaler (1927–2014), chủ đề của vụ Wikipedia viết sai tiểu sử của Seigenthaler.

Bất kỳ thay đổi hoặc chỉnh sửa nào nhằm thao túng nội dung để tổn hại đến tính toàn vẹn của Wikipedia đều được coi là hành vi phá hoại. Các kiểu phá hoại phổ biến và rõ ràng nhất bao gồm thêm vào các lời tục tĩu hay hài hước thô thiển, quảng cáo và các loại thư rác khác;[83] hoặc phá hoại bằng cách xóa một phần nội dung hoặc xóa trắng cả trang. Cũng có các loại phá hoại ít phổ biến hơn, chẳng hạn như thêm thông tin sai lệch vào bài viết, thay đổi định dạng chuẩn, sửa đổi ngữ nghĩa của trang như tiêu đề hoặc thể loại của trang, nghịch mã wiki của một bài viết hoặc sử dụng hình ảnh một cách gián đoạn.[84]

Các phá hoại hiển nhiên thường dễ bị xóa khỏi các bài viết trên Wikipedia; thời gian trung bình để phát hiện và khắc phục phá hoại là vài phút.[85][86] Tuy nhiên, một số phá hoại cần nhiều thời gian hơn để khắc phục.[87]

Tháng 5 năm 2005, một người khuyết danh đã đưa thông tin sai lệch vào tiểu sử của chính khách Mỹ John Seigenthaler, mạo nhận Seigenthaler là một nghi phạm trong vụ ám sát John F. Kennedy, và nội dung sai này không được sửa trong bốn tháng, gây nên sự cố tiểu sử Seigenthaler. Seigenthaler – giám đốc biên tập sáng lập của USA Today, sáng lập viên của First Amendment Center (Trung tâm Tu chính án Thứ nhất) của Freedom Forum (Diễn đàn Tự do) tại Đại học Vanderbilt, đã gọi điện cho đồng sáng lập Wikipedia Jimmy Wales, hỏi liệu Wales có thể tìm ra ai đã đưa thông tin sai lệch này hay không. Wales trả lời không, nhưng sau này thủ phạm đã được tìm ra.[88][89] Sau vụ việc, Seigenthaler mô tả Wikipedia là "một công cụ nghiên cứu thiếu sót và vô trách nhiệm". Sự cố này đã dẫn đến những thay đổi về chính sách tại Wikipedia, thắt chặt mức độ kiểm chứng thông tin đối với các bài viết về nhân vật còn sống.[90]

Tranh chấp biên tập

Khi tranh chấp về nội dung trong một bài viết, các thành viên có thể liên tục thực hiện các thao tác lùi sửa đổi của đối phương, được gọi là "bút chiến".[91][92] Quá trình này được đánh giá là làm tiêu tốn tài nguyên mà không bổ sung kiến thức hữu ích cho bài viết,[93] cũng như tạo ra một nền văn hóa biên tập mang tính cạnh tranh,[94] dựa trên xung đột[95] gắn liền với vai trò giới tính nam tính truyền thống,[96] góp phần vào sự thiên vị giới tính trên Wikipedia.

Chính sách và luật lệ

Video
 
  Wikimania, 60 Minutes, CBS, 20 phút, ngày 5 tháng 4 năm 2015, đồng sáng lập Jimmy Wales tại Fosdem

Nội dung trong Wikipedia tuân theo luật (cụ thể là luật bản quyền) Hoa Kỳ và tiểu bang Virginia, nơi đặt phần lớn máy chủ của Wikipedia. Ngoài các vấn đề pháp lý, các nguyên tắc biên tập của Wikipedia được thể hiện trong "Năm cột trụ" và trong nhiều quy định và hướng dẫn nhằm xác định nội dung một cách thích hợp. Các quy định này được ghi dưới dạng wiki, các biên tập viên của Wikipedia có thể viết và sửa đổi.[97] Các thành viên thực thi quy định bằng cách lược bỏ hoặc sửa lại các nội dung không đạt chuẩn. Quy định của các phiên bản ngôn ngữ khác được dịch từ quy định của Wikipedia tiếng Anh; nhưng sau đó đã dần khác nhau.[78]

Theo quy định của Wikipedia tiếng Anh, mỗi mục từ trong Wikipedia phải nói về một chủ đề bách khoa và không phải là mục từ trong từ điển hoặc kiểu từ điển.[98] Chủ đề này phải đáp ứng các tiêu chuẩn về "độ nổi bật" của Wikipedia,[99] thường có nghĩa là chủ đề đó phải được đưa tin trên các phương tiện truyền thông chính thống hoặc xuất hiện trên các tạp chí học thuật lớn và độc lập. Wikipedia chỉ truyền đạt những kiến thức đã được công nhận, tức Wikipedia không đăng các nghiên cứu và ý tưởng mới. Một thông tin nào đó có thể bị nghi vấn thì cần được dẫn từ một nguồn tham khảo đáng tin cậy.[100] Do đó, đôi khi các thông tin đúng có thể bị xóa do không có nguồn.[101] Ngoài ra, Wikipedia luôn mang thái độ trung lập, tức là Wikipedia tổng hợp quan điểm từ các nguồn độc lập và trình bày nó trong bài viết bách khoa một cách hợp lý.[102]

Quản trị

Chế độ vô chính phủ ban đầu của Wikipedia cũng đã dần tích hợp các yếu tố dân chủ và thứ bậc theo thời gian.[103][104] Một bài viết trên Wikipedia không thuộc quyền sở hữu của ai – người tạo ra nó, các thành viên khác, hay chủ thể của bài viết.[105]

Các biên tập viên có uy tín trong cộng đồng có thể ứng cử một trong nhiều cấp quản lý tình nguyện: bắt đầu với "điều phối viên/bảo quản viên",[106] những người dùng có đặc quyền xóa trang, khóa bài viết trong trường hợp bị phá hoại hoặc tranh chấp biên tập và chặn sửa đổi của một số người. Dù mang tên như vậy nhưng quản trị viên không được hưởng bất kỳ đặc quyền đặc biệt nào trong việc ra quyết định; thay vào đó, quyền hạn của họ chủ yếu bị giới hạn trong việc thực hiện các chỉnh sửa có ảnh hưởng trên toàn dự án và do đó không được phép đối với các biên tập viên thông thường và thực hiện các hạn chế nhằm ngăn chặn các chỉnh sửa gây rối (chẳng hạn như phá hoại).[107][108]

Ngày càng ít biên tập viên trở thành quản trị viên hơn những năm trước, một phần là do quá trình xét duyệt các quản trị viên tiềm năng của Wikipedia đã trở nên nghiêm ngặt hơn.[109]

Cộng đồng

Jimmy Wales lập luận rằng phần lớn các đóng góp cho Wikipedia đến từ "một cộng đồng ... một nhóm tận tâm gồm vài trăm tình nguyện viên", cho nên dự án cũng "giống như một tổ chức truyền thống".[110] Năm 2008, một bài báo trên tạp chí Slate báo cáo rằng: "Theo các nhà nghiên cứu ở Palo Alto, một phần trăm người dùng Wikipedia chịu trách nhiệm cho khoảng một nửa số sửa đổi của trang web này."[111] Sau này Aaron Swartz bàn cãi về các phương pháp đánh giá này, lưu ý rằng phần lớn nội dung (được đo bằng số ký tự) của một số bài viết mà anh lấy mẫu do những người dùng có số lượt sửa đổi thấp đóng góp.[112]

Một nghiên cứu năm 2007 của các nhà nghiên cứu Đại học Dartmouth cho thấy "những người đóng góp ẩn danh và không thường xuyên cho Wikipedia [...] cũng là một nguồn kiến thức đáng tin cậy như những người có đăng ký".[113] Năm 2009, Jimmy Wales tuyên bố rằng "hóa ra hơn 50% tổng số chỉnh sửa là do 0,7% người dùng đóng góp...[tức] 524 người... Và trên thực tế, 2% tích cực nhất, tức là 1.400 người, đã thực hiện 73,4% tổng số sửa đổi."[110] Tuy nhiên, vào năm 2009, biên tập viên kiêm nhà báo Henry Blodget của Business Insider chỉ ra rằng trong một mẫu bài viết ngẫu nhiên, hầu hết nội dung trên Wikipedia (đo bằng lượng văn bản đóng góp còn tồn tại cho đến lần chỉnh sửa mẫu mới nhất) được tạo bởi "người ngoài cuộc", còn hầu hết việc biên tập và định dạng được thực hiện bởi "người trong cuộc".[110] Theo một nghiên cứu năm 2009, có "bằng chứng rằng cộng đồng Wikipedia có một sự phản kháng ngày càng tăng với các nội dung mới".[114] Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết những người đóng góp cho Wikipedia là nam giới; còn kết quả của một cuộc khảo sát của Quỹ Wikimedia vào năm 2008 cho thấy chỉ có 13% biên tập viên Wikipedia là nữ giới.[115]

Phiên bản ngôn ngữ

Hiện có 313 phiên bản ngôn ngữ của Wikipedia.[116] Tính đến tháng 1 năm 2021, sáu phiên bản lớn nhất theo thứ tự là Wikipedia tiếng Anh, Cebuano, Thụy Điển, Đức, PhápHà Lan. Các Wikipedia lớn thứ hai và thứ ba nhờ vào bot tạo bài viết Lsjbot, tính đến năm 2013 đã tạo ra khoảng một nửa số bài viết trên Wikipedia tiếng Thụy Điển và hầu hết các bài viết trên Wikipedia tiếng Cebuano và Waray. Hai phiên bản Cebuano và Waray là hai ngôn ngữ bản địa của Philippines.[117]

Ngoài sáu trang đứng đầu, có mười hai Wikipedias có hơn một triệu bài viết (tiếng Nga, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ba Lan, tiếng Waray, tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Ả Rập Ai Cập, tiếng Ả Rập, tiếng Bồ Đào Nhatiếng Ukraina), và Sáu Ngôn Ngữ Wikipedia có hơn 500.000 bài viết (tiếng Ba Tư, Catalan, Serbia, Indonesia, Na Uy BokmålHàn Quốc), 43 phiên bản Wikipedia khác có hơn 100.000 bài và 82 phiên bản Wikipedia khác có trên 10.000 bài.[1][117] Wikipedia tiếng Anh là phiên bản lớn nhất với hơn 6,2 triệu bài viết. Tính đến tháng 1 năm 2019, theo Alexa, miền phụ tiếng Anh (en.wikipedia.org; Wikipedia tiếng Anh) nhận được khoảng 57% lưu lượng truy cập của Wikipedia, lượng còn lại thuộc về các ngôn ngữ tiếng Nga: 9%; tiếng Trung: 6%; Tiếng Nhật: 6%; tiếng Tây Ban Nha: 5%.[5]

 
Biểu đồ về số lần xem trang của Wikipedia tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy mức sụt giảm lớn khoảng 80% ngay sau khi lệnh chặn Wikipedia ở Thổ Nhĩ Kỳ được áp dụng vào năm 2017.

Vì Wikipedia dựa trên nền tảng Web và có mặt trên toàn thế giới, các biên tập viên của cùng một ấn bản ngôn ngữ có thể sử dụng các phương ngữ khác nhau hoặc có thể đến từ các quốc gia khác nhau (ví dụ như phiên bản tiếng Anh). Những khác biệt này có thể dẫn đến xung đột về khác biệt chính tả trong tiếng Anh (ví dụ: colour hay color)[118] cũng như khác biệt về quan điểm.[119]

Các phiên bản ngôn ngữ tuân theo các chính sách toàn cục (như "thái độ trung lập") nhưng khác nhau về một số quan điểm chính sách và thực tiễn, đáng chú ý nhất là việc liệu hình ảnh không được cấp phép tự do có được sử dụng theo yêu cầu sử dụng hợp lý hay không.[120][121][122]

Jimmy Wales mô tả Wikipedia là "một nỗ lực để tạo ra và phân phối một bộ bách khoa toàn thư mở chất lượng cao nhất có thể cho mọi người trên hành tinh bằng ngôn ngữ của họ".[123] Mỗi phiên bản ngôn ngữ ít nhiều hoạt động độc lập nhưng đều được điều phối và giám sát bởi Meta-Wiki – wiki của Quỹ Wikimedia dùng để duy trì tất cả các dự án của mình (Wikipedia và các dự án khác).[124] Ví dụ: Meta-Wiki cung cấp số liệu thống kê quan trọng về tất cả các ấn bản ngôn ngữ của Wikipedia,[125] và duy trì danh sách bài viết mà mọi Wikipedia nên có.[126] Danh sách liên quan đến nội dung cơ bản theo chủ đề: tiểu sử, lịch sử, địa lý, xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ và toán học. Không hiếm các bài viết liên quan mạnh đến một ngôn ngữ cụ thể không có bài viết tương ứng trong một phiên bản khác. Ví dụ: các bài viết về các thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ có thể chỉ có ở bản tiếng Anh, dù đáp ứng các tiêu chí về độ nổi bật của các Wikipedia ngôn ngữ khác.

Các bài viết đã dịch chỉ đại diện cho một phần nhỏ các bài viết trong hầu hết các phiên bản, một phần là do các phiên bản đó không cho phép dịch các bài viết một cách hoàn toàn tự động.[127] Các bài viết có sẵn bằng nhiều ngôn ngữ có thể cung cấp "liên kết interwiki", liên kết đến các bài viết tương ứng trong các phiên bản khác.

Một nghiên cứu do PLOS ONE công bố vào năm 2012 cũng ước tính tỷ lệ đóng góp cho các ấn bản Wikipedia khác nhau từ các khu vực khác nhau trên thế giới. Nghiên cứu này báo cáo rằng tỷ lệ các sửa đổi được thực hiện từ Bắc Mỹ là 51% đối với Wikipedia tiếng Anh và 25% đối với Wikipedia tiếng Anh đơn giản.[128]

Suy thoái tại Wikipedia tiếng Anh

 
Ước tính lượng chia sẻ đóng góp từ các khu vực khác nhau trên thế giới cho các ấn bản Wikipedia khác nhau.[128]

Ngày 1 tháng 3 năm 2014, bài báo "Tương lai của Wikipedia" của The Economist trích dẫn một phân tích xu hướng liên quan đến dữ liệu do Wikimedia Foundation xuất bản: "[t] số biên tập viên cho phiên bản tiếng Anh đã giảm một phần ba trong 7 năm",[129] tỷ lệ này về cơ bản là trái ngược với thống kê cho Wikipedia bằng các ngôn ngữ khác (không phải tiếng Anh). The Economist báo cáo rằng kể từ năm 2008, số lượng cộng tác viên có trung bình 5 chỉnh sửa trở lên mỗi tháng là tương đối ổn định đối với Wikipedia bằng các ngôn ngữ khác là khoảng 42.000 biên tập viên, chênh lệch nhỏ theo mùa là khoảng 2.000 biên tập viên trở lên. Bằng cách so sánh chi tiết, số lượng biên tập viên tích cực trên Wikipedia tiếng Anh được trích dẫn là đạt đỉnh vào năm 2007 với khoảng 50.000 người rồi giảm xuống 30.000 vào đầu năm 2014.

Nếu sự sụt giảm này tiếp tục giữ nguyên với tỷ lệ xu hướng được trích dẫn là khoảng 20.000 biên tập viên bị mất trong vòng bảy năm, thì đến năm 2021 sẽ chỉ có 10.000 biên tập viên hoạt động trên Wikipedia tiếng Anh.[129] Phân tích này cũng cho thấy Wikipedia các ngôn ngữ khác (không phải tiếng Anh) thành công trong việc giữ chân các biên tập viên tích cực bằng cơ sở tái tạo và duy trì, khi mà số lượng tương đối không đổi ở mức khoảng 42.000.[129] Không có bình luận nào được đưa ra liên quan đến tiêu chuẩn chính sách chỉnh sửa khác biệt với Wikipedia bằng ngôn ngữ khác (không phải tiếng Anh) sẽ cung cấp một giải pháp thay thế khả thi cho Wikipedia tiếng Anh để cải thiện hiệu quả tỷ lệ hao hụt biên tập viên đáng kể trên Wikipedia tiếng Anh.[130]

Đón nhận

Nhiều biên tập viên đã chỉ trích bộ quy định ngày càng nhiều của Wikipedia, gồm hơn năm mươi chính sách và gần 150.000 từ (tính đến năm 2014).[131][132]

Wikipedia cũng bị phê bình là sự thiên vị mang tính hệ thống. Vào năm 2010, nhà báo Edwin Black mô tả Wikipedia là một hỗn hợp của "sự thật, một nửa sự thật và vài sự giả dối".[133] Các bài báo trong Biên niên sử về Giáo dục Đại họcTạp chí Thủ thư Học thuật đã chỉ trích chính sách Thái độ trung lập của Wikipedia, kết luận rằng thực tế là Wikipedia rõ ràng không được thiết kế để cung cấp thông tin chính xác về một chủ đề, mà là tập trung vào tất cả các quan điểm chính về chủ đề này, ít chú ý hơn đến những quan điểm phụ và tạo ra những thiếu sót có thể dẫn đến niềm tin sai lầm dựa trên thông tin không đầy đủ.[134][135][136]

Lần lượt vào năm 2010 và 2011, Oliver KammEdwin Black cáo buộc rằng các bài viết bị chi phối bởi những biên tập viên ồn ào nhất và kiên trì nhất, thường là của một nhóm có "nhiều kiến thức" về chủ đề này.[133][137] Một bài báo năm 2008 trên tạp chí Education Next kết luận rằng với tư cách là một nguồn tài nguyên về các chủ đề gây tranh cãi, Wikipedia có thể bị thao túng và bị chỉ đạo.[19]

Năm 2006, trang web phê bình Wikipedia Watch liệt kê hàng chục ví dụ về đạo văn trong Wikipedia tiếng Anh.[138]

Độ chính xác của nội dung

Các bài viết trong các bộ bách khoa toàn thư truyền thống như Encyclopædia Britannica được các chuyên gia viết cẩn thận, nên các bộ bách khoa đó nổi tiếng về độ chính xác.[139] Nhưng một cuộc bình duyệt vào năm 2005 của tạp chí khoa học Nature đối với bốn mươi hai mục từ khoa học trên cả Wikipedia và Encyclopædia Britannica tìm thấy chỉ có ít sự khác biệt về độ chính xác, và kết luận rằng "các bài viết khoa học trung bình trong Wikipedia có khoảng bốn chỗ sai; còn Britannica có ba."[140] Joseph Reagle cho rằng nghiên cứu có thể phản ánh "khả năng chuyên môn của những người đóng góp cho Wikipedia" trong mảng khoa học, nhưng "Wikipedia có thể không hoạt động tốt như vậy nếu lấy một mẫu ngẫu nhiên các bài viết thuộc chủ đề nhân văn."[141] Những người khác đưa ra những lời chỉ trích tương tự.[142] Sau này, Encyclopædia Britannica đã phản đối kết quả nghiên cứu này của Nature;[143] Nature đáp lại bằng cách bác bỏ những luận điểm Britannica đưa ra.[144] Ngoài những bất đồng quan điểm này, những người khác đã kiểm tra kích thước mẫu và phương pháp lựa chọn mẫu Nature từng sử dụng, và coi đó là một "thiết kế nghiên cứu sai lầm".[145]

Về phía mình, Wikipedia tự nhận là không chịu trách nhiệm cuối cùng cho các tuyên bố và nội dung trên Wikipedia.[146]

Nhà kinh tế học Tyler Cowen bình luận rằng: "Nếu trong một thời gian ngắn mà phải đoán xem liệu Wikipedia hay bài báo trung bình của tạp chí tham khảo về kinh tế học có nhiều khả năng đúng hơn, tôi nghĩ rằng tôi sẽ chọn Wikipedia." Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng các trang web Internet cũng thường chứa nhiều lỗi và các học giả và chuyên gia phải thận trọng trong việc khắc phục chúng.[147]

Các nhà phê bình cho rằng Wikipedia không đáng tin cậy do sở hữu tính chất mở và thiếu các nguồn tham khảo thích hợp cho phần lớn thông tin.[148] Một số cho rằng Wikipedia có thể đáng tin cậy, nhưng độ tin cậy của một bài viết bất kỳ thì không rõ. Các biên tập viên của các tài liệu tham khảo truyền thống như Encyclopædia Britannica nghi vấn về tính khả dụng và địa vị của dự án với tư cách là một bách khoa toàn thư. Jimmy Wales tuyên bố rằng Wikipedia đã tránh được nhiều vấn nạn "tin giả" vì cộng đồng Wikipedia thường xuyên tranh luận về chất lượng của nguồn dẫn trong các bài viết.[149]

Cấu trúc mở của Wikipedia khiến nó trở thành mục tiêu cho những kẻ lừa đảo trên Internet, gửi thư rác cùng nhiều hình thức vận động có trả tiền, có thể khiến việc duy trì một bách khoa toàn thư trực tuyến trung lập và có thể kiểm chứng được trở nên khó khăn.[150] Để đối phó với vấn nạn biên tập được tài trợ và biên tập được tài trợ ngầm, The Wall Street Journal (Tạp chí Phố Wall) báo cáo là Wikipedia đã tăng cường các quy định chống lại việc biên tập được tài trợ ngầm[151] – "Bắt đầu từ thứ Hai [16 tháng 6 năm 2014], những thay đổi trong điều khoản sử dụng của Wikipedia yêu cầu rằng ai được trả tiền để biên tập bài phải tiết lộ việc đó. Giám đốc truyền thông của Wikimedia Katherine Maher cho biết thay đổi này nhằm giải quyết bức xúc của các biên tập viên tình nguyện rằng "chúng ta không phải là một dịch vụ quảng cáo; chúng ta là một bách khoa toàn thư."[151][152][153]

Một quyển sách giáo khoa luật của Harvard Legal Research in a Nutshell (2011) giới thiệu Wikipedia là một "nguồn tham khảo chung", "có thể giúp ích" trong việc "tăng tốc trong luật pháp liên quan một tình huống" và "dù không có thẩm quyền, nhưng có thể cung cấp thông tin cơ bản cũng như dẫn đến các nguồn tài liệu chuyên sâu hơn".[154]

Không được khuyến khích trong giáo dục

Hầu hết các giảng viên đại học không khuyến khích sinh viên dẫn nguồn từ điển bách khoa nào trong các bài viết học thuật, ưu tiên các nguồn sơ cấp; một số còn cấm trích dẫn Wikipedia.[155][156] Wales nhấn mạnh rằng bách khoa toàn thư nào cũng không thích hợp để làm nguồn và đừng dựa vào nó để làm nguồn uy tín. Wales cho biết (2006 hoặc trước đó) hàng tuần ông nhận được khoảng mười email từ các sinh viên nói rằng bài luận của họ bị điểm kém vì dẫn nguồn Wikipedia; ông đáp rằng họ bị vậy là xứng đáng. "Vì Chúa, bạn đang học đại học kia mà; đừng dẫn nguồn từ điển bách khoa", Wales nói.[157]

Tháng 2 năm 2007, một bài báo trên The Harvard Crimson báo cáo rằng một số giáo sư tại Đại học Harvard đã đưa các bài viết trên Wikipedia vào giáo trình của họ mà không nhận ra rằng các bài viết này có thể bị thay đổi.[158] Tháng 6 năm 2007, cựu chủ tịch của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ Michael Gorman đã lên án Wikipedia và Google, tuyên bố rằng các học giả ủng hộ việc sử dụng Wikipedia là "các nhà tri thức ngang tầm với một chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị một chế độ ăn kiêng ổn định gồm Big Mac với đủ thứ hầm bà lằng."[159]

Thông tin y học

Ngày 5 tháng 3 năm 2014, Julie Beck viết bài "Nguồn thông tin chăm sóc sức khỏe số 1 của bác sĩ: Wikipedia" cho tạp chí The Atlantic, tuyên bố rằng "Năm mươi phần trăm bác sĩ tra cứu tình trạng bệnh trên trang (Wikipedia) và một số còn tham gia biên tập các bài viết để nâng cao chất lượng thông tin sẵn có." Beck tiếp tục trình bày chi tiết rằng các chương trình mới của Amin Azzam tại Đại học San Francisco nhằm cung cấp các khóa học của trường y cho sinh viên y để học cách biên tập và cải thiện các bài viết về sức khỏe trên Wikipedia, cũng như các chương trình kiểm soát chất lượng nội bộ do Wikipedia tổ chức của James Heilman để cải thiện một nhóm 200 bài viết liên quan đến sức khỏe có tầm quan trọng y tế trung tâm theo tiêu chuẩn cao nhất của Wikipedia về các bài viết bằng cách sử dụng Quy trình đánh giá Bài viết chọn lọc và Bài viết tốt.[160] Trong một bài báo tiếp theo vào ngày 7 tháng 5 năm 2014 trên tờ The Atlantic có tiêu đề "Liệu Có Bao Giờ Wikipedia Là Một Văn Bản Y Khoa Rõ Ràng?", Julie Beck trích lời James Heilman của WikiProject Medicine (Dự án Y học trên Wikipedia): "Chỉ vì một tham khảo đã qua bình duyệt chưa đồng nghĩa với việc đó là một tham khảo chất lượng cao."[161] Beck bổ sung: "Wikipedia có quy trình bình duyệt riêng trước khi các bài viết được xếp hạng 'tốt' hay 'chọn lọc'. Heilman từng tham gia vào quá trình đó và nói rằng 'ít hơn một phần trăm' các bài viết y học trên Wikipedia đã đậu." [161]

Phạm vi các chủ đề và thiên vị hệ thống

Vì là bách khoa toàn thư trực tuyến với hàng terabyte dung lượng, Wikipedia có thể chứa nhiều chủ đề hơn so với bất kỳ bách khoa toàn thư giấy nào.[162] Các biên tập viên liên tục xem xét mức độ và cách thức bao phủ chính xác trên Wikipedia và bất đồng cũng diễn ra (xem chủ nghĩa xóa và chủ nghĩa thêm).[163][164] Wikipedia chứa các tài liệu mà một số người có thể thấy phản cảm, xúc phạm hoặc khiêu dâm. Chính sách 'Wikipedia không bị kiểm duyệt' đôi khi gây tranh cãi: vào năm 2008, Wikipedia đã từ chối một kiến nghị trực tuyến chống lại việc đưa hình ảnh của Muhammad vào bài viết Muhammad của ấn bản tiếng Anh, trích dẫn chính sách này. Một số tài liệu nhạy cảm về mặt chính trị, tôn giáo và khiêu dâm trên Wikipedia đã khiến Wikipedia bị kiểm duyệt bởi chính phủ ở Trung Quốc, Pakistan,[165] cùng các quốc gia khác.

 
Biểu đồ hình tròn của nội dung Wikipedia theo chủ đề kể từ tháng 1 năm 2008.

Một nghiên cứu năm 2008 do các nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon và Trung tâm Nghiên cứu Palo Alto thực hiện đã đưa ra sự phân bố các chủ đề cũng như sự phát triển trong từng lĩnh vực (từ tháng 7 năm 2006 đến tháng 1 năm 2008):[166]

  • Văn hóa nghệ thuật: 30% (210%)
  • Tiểu sử và con người: 15% (97%)
  • Địa lý và địa điểm: 14% (52%)
  • Khoa học xã hội và xã hội: 12% (83%)
  • Lịch sử và sự kiện: 11% (143%)
  • Khoa học tự nhiên và vật lý: 9% (213%)
  • Công nghệ và khoa học ứng dụng: 4% (−6%)
  • Hệ thống tôn giáo và tín ngưỡng: 2% (38%)
  • Sức khỏe: 2% (42%)
  • Toán học và logic: 1% (146%)
  • Tư tưởng và triết lý: 1% (160%)

Những con số này chỉ đề cập đến số lượng bài viết: một chủ đề có thể chứa một số lượng lớn các bài viết ngắn và một chủ đề khác chứa một số lượng nhỏ các bài viết dài. Thông qua chương trình "Wikipedia Loves Libraries", Wikipedia hợp tác với các thư viện công cộng lớn như Thư viện Công cộng New York về Nghệ thuật Biểu diễn để mở rộng phạm vi nội dung của mình đến các chủ đề và bài viết ít được quan tâm.[167]

Một nghiên cứu năm 2011 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Minnesota chỉ ra rằng các biên tập viên nam và nữ tập trung vào các chủ đề khác nhau. Nữ giới tập trung nhiều hơn vào thể loại Con người và Nghệ thuật, còn nam giới tập trung nhiều hơn vào Địa lý và Khoa học.[168]

Độ bao phủ và khuynh hướng

Nghiên cứu của Viện Internet Oxford do Mark Graham thực hiện vào năm 2009 chỉ ra rằng sự phân bố địa lý của các chủ đề là rất không đồng đều. Châu Phi là khu vực ít có bài nhất.[169] Trên 30 phiên bản ngôn ngữ của Wikipedia, các bài viết lịch sử và đề mục nói về lịch sử (hình thành) thường xoay quanh lĩnh vực liên quan đến châu Âu và tập trung vào các sự kiện gần đây.[170]

Một bài xã luận năm 2014 trên tờ The Guardian cho rằng người ta dành nhiều công sức để cung cấp nguồn tham khảo cho danh sách diễn viên khiêu dâm nữ hơn là danh sách nhà văn nữ.[171]

Thiên vị hệ thống

Khi nhiều biên tập viên đóng góp vào một chủ đề hoặc một tập hợp các chủ đề, có thể phát sinh thiên vị hệ thống, do nền tảng nhân khẩu học của các biên tập viên. Năm 2011, Wales tuyên bố rằng mức độ phủ sóng không đồng đều phản ánh nhân khẩu học của các biên tập viên, trích dẫn ví dụ "tiểu sử của những phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử và các vấn đề xung quanh việc chăm sóc trẻ sơ sinh".[53] Ngày 22 tháng 10 năm 2013, bài luận "Sự suy giảm của Wikipedia" của Tom Simonite trên Technology Review (Tạp chí Công nghệ) của MIT thảo luận về ảnh hưởng của sự thiên vị hệ thống và chính sách leo thang đối với xu hướng giảm số lượng biên tập viên.[54]Năm 2013, Taha Yasseri thuộc Đại học Oxford nghiên cứu các xu hướng thống kê của sự thiên lệch hệ thống trên Wikipedia được giới thiệu bằng cách biên tập các xung đột kèm cách giải quyết.[172][173] Nghiên cứu của ông xem xét hành vi làm việc phản tác dụng của việc bút chiến. Yasseri cho rằng các thao tác lùi sửa hoặc "hoàn tác" đơn giản không phải là thước đo quan trọng nhất cho hành vi phản tác dụng trên Wikipedia và thay vào đó dựa vào phép đo thống kê để phát hiện "các cặp nội dung lùi sửa" hoặc "các cặp lùi sửa lẫn nhau". "Cặp lùi sửa lẫn nhau" là một biên tập viên lùi sửa nội dung của một biên tập viên khác, sau đó biên tập viên kia lại lùi sửa đưa bài viết trở lại nội dung cũ. Kết quả được lập bảng cho một số phiên bản ngôn ngữ của Wikipedia. Ba bài viết có tỷ lệ xung đột lớn nhất trên Wikipedia tiếng Anh là George W. Bush, Chủ nghĩa vô chính phủMuhammad.[173] Còn tại Wikipedia tiếng Đức, ba tỷ lệ xung đột lớn nhất tại thời điểm đó là các bài về Croatia, Scientologythuyết âm mưu về sự kiện 11 tháng 9.[173]

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Washington phát triển một mô hình thống kê để đo lường sự thiên vị có hệ thống trong hành vi của người dùng Wikipedia liên quan đến các chủ đề gây tranh cãi. Các tác giả tập trung vào những thay đổi hành vi của các quản trị viên bách khoa toàn thư sau khi giữ cương vị quản trị, và cho rằng sự thiên vị có hệ thống xảy ra sau khi họ nắm vị trí quản trị viên.[174][175]

Nội dung khiêu dâm

Bài viết trên Wikipedia về album năm 1976 Virgin Killer của ban nhạc Scorpions có ảnh bìa gốc của album – hình ảnh khỏa thân của một bé gái chưa dậy thì. Bìa album này đã gây ra tranh cãi và đã được thay thế ở một số quốc gia. Tháng 12 năm 2008, Internet Watch Foundation (Tổ chức Giám sát Internet) quyết định rằng bìa album là một hình ảnh khiếm nhã có thể bất hợp pháp và thêm URL của bài viết vào một "danh sách đen" mà tổ chức này cung cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ internet của Liên hiệp Anh, kết quả là hầu hết các nhà cung cấp ở Anh chặn truy cập vào bài viết Virgin Killer trong bốn ngày.[176]

Tháng 4 năm 2010, Sanger viết thư cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ, nêu rõ lo ngại của mình rằng hai thể loại hình ảnh trên Wikimedia Commons có chứa nội dung khiêu dâm trẻ em, tức vi phạm luật khiêu dâm của Hoa Kỳ.[177][178] Sanger giải thích rằng những hình ảnh liên quan đến ấu dâmlolicon này không phải của trẻ em thật, mà được dùng cho mục đích "thể hiện hình ảnh nạn lạm dụng tình dục trẻ em", theo Đạo luật PROTECT năm 2003. Luật này cấm chụp ảnh khiêu dâm trẻ em và hình ảnh hoạt hình và hình vẽ của trẻ em có nội dung tục tĩu. Sanger cũng bày tỏ lo ngại về khả năng tiếp cận các hình ảnh trên Wikipedia trong trường học.[179] Phát ngôn viên của Quỹ Wikimedia Jay Walsh đã bác bỏ cáo buộc của Sanger, nói rằng Wikipedia không có "tài liệu mà chúng tôi cho là bất hợp pháp. Nếu có thì chúng tôi sẽ xóa." Sau khiếu nại của Sanger, Wales đã xóa các hình ảnh tình dục mà không hỏi ý kiến cộng đồng. Một số biên tập viên lập luận rằng quyết định xóa đã quá vội vàng, sau đó Wales đã tự nguyện từ bỏ một số quyền hạn mà đó giờ ông nắm giữ vì là đồng sáng lập của dự án. Trong một tin nhắn gửi đến Quỹ Wikimedia, Wales viết rằng hành động này "nhằm mục đích khuyến khích thảo luận về các vấn đề xoay quanh nội dung/tư tưởng, hơn là về tôi và tôi đã hành động nhanh như thế nào".[180] Các nhà phê bình, trong đó có Wikipediocracy, nhận thấy rằng nhiều hình ảnh khiêu dâm bị xóa khỏi Wikipedia từ năm 2010 đã xuất hiện trở lại.[181]

Quyền riêng tư

Có lo ngại rằng trong mắt luật pháp, quyền riêng tư của một công dân cá nhân liệu vẫn còn là quyền riêng tư một "công dân cá nhân" không, hay là của một "nhân vật của công chúng".[182][note 4]

Tháng 1 năm 2006, một tòa án Đức ra lệnh đóng cửa Wikipedia tiếng Đức trong phạm vi lãnh thổ Đức vì khai tên đầy đủ của hacker quá cố Boris Floricic (còn gọi là "Tron"). Ngày 9 tháng 2 năm 2006, đơn chống lại Wikimedia Deutschland bị lật lại, tòa án không cho rằng quyền riêng tư của Tron hay của cha mẹ anh đang bị xâm phạm.[183]

Wikipedia có "Volunteer Response Team" (Đội ngũ Phản hồi Tình nguyện) sử dụng hệ thống OTRS để xử lý các yêu cầu mà không cần phải tiết lộ danh tính của các bên liên quan; ví dụ như để xác nhận quyền sử dụng hình ảnh cá nhân và các phương tiện khác trong dự án.[184]

Phân biệt giới tính

Wikipedia đã bị báo chí lên án là phân biệt giới tính, quấy rối phái nữ và chứa đầy thiên kiến giới tính.[185][186] Thái độ được cho là độc hại cùng sự khoan nhượng ngôn ngữ bạo lực và lạm dụng cũng góp phần giải thích cho khoảng cách giới tính trong cộng đồng Wikipedia.[187]

Hoạt động

Wikimedia Foundation

 
Năm 2016, Katherine Maher là giám đốc điều hành thứ ba của Wikimedia, kế nhiệm Lila Tretikov, người đã tiếp quản công việc từ Sue Gardner vào năm 2014.

Wikipedia được điều hành và tài trợ bởi Quỹ Wikimedia Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận cũng điều hành các dự án liên quan như WikitionaryWikibooks, vận hành bằng đóng góp và tài trợ của công chúng.[188] Biểu mẫu 990 IRS năm 2013 của quỹ cho thấy doanh thu là 39,7 triệu USD, chi phí là gần 29 triệu USD, số tài sản là 37,2 triệu USD còn nợ phải trả rơi vào khoảng 2,3 triệu USD.[189]

Tháng 5 năm 2014, Quỹ Wikimedia bổ nhiệm Lila Tretikov làm giám đốc điều hành thứ hai, thế chỗ Sue Gardner.[190] Ngày 1 tháng 5 năm 2014, tờ The Wall Street Journal (TWSJ) đưa tin rằng việc Tretikov xuất thân từ ngành công nghệ thông tin từ những năm ở Đại học California đã giúp Wikipedia phát triển theo các hướng tập trung hơn, nương theo tuyên ngôn định vị thường trực của Tretikov "Thông tin cũng giống như không khí, nó muốn được tự do."[191][192] Cũng trong bài báo, phát ngôn viên Jay Walsh của Wikimedia "cho biết Tretikov sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề đó (viết bài có trả tiền). 'Chúng tôi thực sự đang thúc đẩy sự minh bạch... Chúng tôi đang nhấn mạnh rằng việc viết bài trả phí không được hoan nghênh.' Chúng tôi đang ưu tiên các sáng kiến thu hút người dùng đa dạng hơn, hỗ trợ Wikipedia trên thiết bị di động tốt hơn, các công cụ vị trí địa lý mới để tìm kiếm nội dung địa phương dễ dàng hơn, cũng như ưu tiên nhiều công cụ hơn cho người dùng ở thế giới thứ hai và thứ ba", Walsh nói.[191]

Sau khi Tretikov rời Wikipedia do các vấn đề liên quan đến việc sử dụng tính năng "siêu bảo vệ" mà một số phiên bản ngôn ngữ của Wikipedia đã áp dụng, Katherine Maher trở thành giám đốc điều hành thứ ba của Wikimedia vào tháng 6 năm 2016.[193] Maher tuyên bố một trong những ưu tiên của cô là vấn đề quấy rối biên tập viên đặc hữu của Wikipedia mà hội đồng quản trị Wikipedia từng xác định vào tháng 12.[194]

Hoạt động và hỗ trợ phần mềm

Wikipedia dựa trên MediaWiki, một nền tảng phần mềm wiki chuyên biệt, tự do và có mã nguồn mở, viết bằng ngôn ngữ PHP và xây trên cơ sở dữ liệu MySQL.[195] Phần mềm này bao gồm những tính năng lập trình như ngôn ngữ macro, biến số, hệ thống nhúng bản mẫu (template transclusion), và đổi hướng URL. MediaWiki được phát hành theo Giấy phép Công cộng GNU (GPL) và được các dự án Wikimedia sử dụng, cũng như nhiều dự án wiki khác. Ban đầu Wikipedia chạy trên UseModWiki, một chương trình Perl của Clifford Adams (Phase I). Nó bắt phải viết hoa theo kiểu CamelCase để tạo ra siêu liên kết giữa các bài; sau này mới xuất hiện cú pháp hai dấu ngoặc vuông. Từ tháng 1 năm 2002 (Phase II), Wikipedia bắt đầu sử dụng chương trình PHP wiki với cơ sở dữ liệu MySQL; phần mềm này do Magnus Manske viết riêng cho Wikipedia. Phần mềm Phase II được sửa nhiều lần để thỏa mãn nhu cầu đang tăng trưởng theo cấp số nhân. Tháng 7 năm 2002 (Phase III), Wikipedia đổi qua phần mềm thế hệ thứ ba MediaWiki, vốn do Lee Daniel Crocker viết.

Một số phần mở rộng MediaWiki được cài đặt[196] để mở rộng chức năng của phần mềm MediaWiki.

Tháng 4 năm 2005, một phần mở rộng Lucene[197][198] được thêm vào tìm kiếm tích hợp của MediaWiki. Wikipedia chuyển từ MySQL sang Lucene nhằm thực hiện các lệnh tìm kiếm và hiện đang sử dụng Lucene Search 2.1,[199][Cần cập nhật] được viết bằng Java và dựa trên thư viện Lucene 2.3.[200]

Tháng 7 năm 2013, sau khi thử nghiệm beta rộng rãi, một tiện ích mở rộng WYSIWYG, VisualEditor, được mở nhằm sử dụng công khai.[201][202][203][204] Nó đã vấp phải nhiều sự phản đối và chỉ trích, và được mô tả là "chậm chạp và đầy lỗi".[205]

Sửa đổi tự động

Wikipedia dùng các chương trình máy tính (được gọi là bot) để thực hiện các tác vụ đơn giản và lặp đi lặp lại, chẳng hạn như sửa các lỗi chính tả phổ biến, các vấn đề về văn phong, hoặc khởi tạo các bài viết mới về địa lý với một định dạng chuẩn có sẵn lấy từ dữ liệu thống kê.[206][207][208] Tại Wikipedia tiếng Thụy Điển, biên tập viên Sverker Johansson (sv) từng dùng bot để tạo bài mới và được báo cáo là đã tạo ra tới 10.000 bài viết vào một số ngày nhất định.[209] Có những bot được thiết kế để thông báo một cách tự động khi biên tập viên mắc các lỗi thường gặp như dấu ngoặc kép hoặc dấu ngoặc đơn chưa khớp.[210] Khi bot chạy sai và gây ra lỗi, các biên tập viên khác có thể hủy các lỗi đó và khôi phục nội dung gốc. Một bot chống phá hoại sẽ được lập trình để phát hiện và hủy các sửa đổi phá hoại một cách nhanh chóng.[207] Bot cũng có thể chỉ ra chỉnh sửa đến từ các tài khoản hoặc dải địa chỉ IP cụ thể, như đã xảy ra vào thời điểm xảy ra vụ máy bay MH17 bị bắn rơi vào tháng 7 năm 2014 khi người ta báo cáo rằng các chỉnh sửa đã được thực hiện thông qua IP do chính phủ Nga kiểm soát.[211] Trên Wikipedia, các bot phải được phê duyệt trước khi kích hoạt.[212]

Theo Andrew Lih, nếu không sử dụng các bot thì khó mà mở rộng Wikipedia lên hàng triệu bài viết.[213]

Hoạt động và hỗ trợ phần cứng

 
Wikipedia nhận 25.000 đến 60.000 yêu cầu đọc trang mỗi giây, tùy vào thời gian trong ngày. Hơn 300 cụm máy chủ được thiết lập để thỏa mãn các yêu cầu này.
 
Các máy chủ của Wikipedia trên toàn thế giới.
 
Tóm lược cấu trúc hệ thống vào tháng 4 năm 2009. Xem biểu đồ máy chủ tại Meta-Wiki.

Wikipedia nhận 25.000 đến 60.000 yêu cầu đọc trang mỗi giây, tùy thuộc vào thời gian trong ngày.[214][215][Cần cập nhật] Tính đến năm 2019 mới là lần đầu tiên các yêu cầu trang được chuyển đến lớp front-end của máy chủ bộ nhớ đệm Varnish.[216][Cần cập nhật] Các số liệu thống kê khác, dựa trên dấu vết truy cập Wikipedia 3 tháng công khai cũng có sẵn.[217] Yêu cầu không thể được phân phát từ bộ đệm Varnish được gửi đến máy chủ cân bằng tải chạy phần mềm Máy chủ ảo Linux, máy chủ này sẽ chuyển chúng đến một trong các máy chủ web Apache để hiển thị trang từ cơ sở dữ liệu. Máy chủ web cung cấp các trang theo yêu cầu, thực hiện kết xuất trang cho tất cả các phiên bản ngôn ngữ của Wikipedia. Nhằm tăng tốc độ, các trang đã kết xuất được lưu vào bộ nhớ đệm trong bộ nhớ đệm phân tán cho đến khi hết hiệu lực, cho phép hoàn toàn bỏ qua kết xuất trang đối với hầu hết các truy cập tới các trang phổ biến.

Wikipedia hiện chạy trên các cụm máy chủ Linux chuyên dụng (chủ yếu là Ubuntu).[218][219][Cần cập nhật] Tính đến tháng 12 năm 2009, có 300 cụm máy ở Florida và 44 cụm máy ở Amsterdam. Ngày 22 tháng 1 năm 2013, trung tâm dữ liệu chính của Wikipedia được chuyển đến một cơ sở EquinixAshburn, Virginia.[220][221] Năm 2017, Wikipedia cài đặt một cụm bộ nhớ đệm trong một cơ sở Equinix ở Singapore, đây là cơ sở đầu tiên thuộc loại này ở châu Á.[222]

Nghiên cứu nội bộ và phát triển hoạt động

Sau khi số lượng tài trợ cho Wikipedia ngày càng tăng vượt quá bảy chữ số trong năm 2013 như được báo cáo gần đây,[54] Quỹ Wikipedia đã đạt đến ngưỡng tài sản đủ điều kiện để xem xét theo các nguyên tắc kinh tế tổ chức công nghiệp để chỉ ra sự cần thiết tái đầu tư các khoản đóng góp vào nghiên cứu và phát triển nội bộ của Quỹ.[223] Hai trong số các dự án gần đây của nghiên cứu và phát triển nội bộ như vậy là tạo Trình chỉnh sửa trực quan và tab "Cảm ơn" chưa được sử dụng nhiều, được phát triển để cải thiện các vấn đề về tiêu hao trình chỉnh sửa, vốn không thành công lắm.[54][205] Adam Jaffe nghiên cứu ước tính tái đầu tư của các tổ chức công nghiệp vào nghiên cứu và phát triển nội bộ, và khuyến nghị phạm vi từ 4% đến 25% hàng năm, còn công nghệ cao cấp sẽ đòi hỏi mức độ hỗ trợ cao hơn cho việc tái đầu tư nội bộ.[224] Ở mức độ đóng góp năm 2013 cho Wikimedia hiện nay được ghi nhận là 45 triệu USD, Jaffe và Caballero đề xuất mức ngân sách tính toán để tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nội bộ là từ 1,8 triệu và 11,3 hàng triệu USD hàng năm.[224] Năm 2016, Bloomberg News báo cáo mức đóng góp là 77 triệu USD hàng năm, cập nhật ước tính của Jaffe để có mức hỗ trợ cao hơn lên đến từ 3,08 triệu tới 19,2 triệu USD hàng năm.[224]

Ấn phẩm tin tức nội bộ

Các ấn phẩm tin tức do cộng đồng sản xuất bao gồm The Signpost của Wikipedia tiếng Anh, được thành lập vào năm 2005 bởi Michael Snow, một luật sư, quản trị viên Wikipedia, và cựu chủ tịch hội đồng quản trị của Wikimedia Foundation.[225]

Truy cập nội dung

Cấp phép nội dung

Khi bắt đầu vào năm 2001, tất cả văn bản trên Wikipedia đều dùng Giấy phép Tài liệu Tự do GNU (GFDL), một giấy phép copyleft cho phép phân phối lại, tạo ra các tác phẩm phái sinh và sử dụng nội dung cho mục đích thương mại, còn tác giả vẫn giữ bản quyền tác phẩm.[226] Giấy phép này vốn là hướng dẫn sử dụng phần mềm đi kèm các chương trình phần mềm miễn phí được cấp phép theo GPL. Do đó đây là một lựa chọn tồi cho một tài liệu tham khảo phổ thông: ví dụ, GFDL yêu cầu các tài liệu tái bản từ Wikipedia phải đi kèm với một bản sao đầy đủ của văn bản GFDL. Tháng 12 năm 2002 phát hành giấy phép Creative Commons, được thiết kế không chỉ cho hướng dẫn sử dụng phần mềm mà đặc biệt dành cho các tác phẩm sáng tạo nói chung. Giấy phép này trở nên phổ biến trong giới blogger cũng như những người phân phối các tác phẩm sáng tạo trên Web. Wikipedia đã tìm cách chuyển sang Creative Commons.[227] Vì GFDL và Creative Commons không tương thích nhau nên vào tháng 11 năm 2008, theo yêu cầu của dự án, Tổ chức Phần mềm Tự do (FSF) đã phát hành một phiên bản mới của GFDL được thiết kế đặc biệt để cho phép Wikipedia cấp phép nội dung theo CC BY-SA vào ngày 1 tháng 8 năm 2009. (Phiên bản mới của GFDL sẽ tự động bao gồm nội dung Wikipedia.) Tháng 4 năm 2009, Wikipedia cùng các dự án chị em tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn cộng đồng để quyết định việc chuyển đổi vào tháng 6 năm 2009.[228][229][230]

Các phiên bản ngôn ngữ có các cách xử lý các tệp phương tiện (ví dụ: tệp hình ảnh) khác nhau. Một số phiên bản, chẳng hạn như Wikipedia tiếng Anh, chứa các tệp hình ảnh không miễn phí theo thuyết sử dụng hợp lý, còn những phiên bản khác thì không, một phần vì thiếu học thuyết sử dụng hợp pháp ở quốc gia của họ (ví dụ: trong luật bản quyền của Nhật Bản). Các tệp phương tiện được cấp phép nội dung tự do (ví dụ: Creative Commons 'CC BY-SA) được chia sẻ trên các phiên bản ngôn ngữ thông qua kho lưu trữ Wikimedia Commons, một dự án do Wikimedia Foundation điều hành. Wikipedia tuân theo các luật bản quyền quốc tế khác nhau liên quan đến hình ảnh khiến một số người nhận thấy rằng phạm vi ảnh về các chủ đề của Wikipedia thua kém chất lượng của văn bản bách khoa.[231]

Wikimedia Foundation không phải là người cấp phép cho nội dung mà chỉ là một dịch vụ lưu trữ cho những người đóng góp (và người cấp phép) cho Wikipedia. Vị trí này đã được bảo vệ thành công trước tòa.[232][233]

Phương thức truy cập

Nội dung Wikipedia được phân phối theo giấy phép mở và ai cũng có thể sử dụng lại hoặc phân phối lại nội dung này miễn phí. Nội dung của Wikipedia đã được xuất bản dưới nhiều hình thức, cả trực tuyến và ngoại tuyến, hay bên ngoài trang web Wikipedia.

  • Trang web: Có hàng nghìn "trang nhân bản" đăng lại nội dung từ Wikipedia: hai trang nổi bật là Reference.comAnswers.com (cũng chứa nội dung từ các nguồn tham khảo khác). Một ví dụ khác là Wapedia, hiển thị nội dung của Wikipedia ở định dạng thân thiện với thiết bị di động trước cả Wikipedia.
  • Ứng dụng dành cho thiết bị di động: Nhiều ứng dụng dành cho thiết bị di động cung cấp quyền truy cập vào Wikipedia trên các thiết bị di động, bao gồm cả thiết bị AndroidiOS (xem ứng dụng Wikipedia).
  • Công cụ tìm kiếm: Một số công cụ tìm kiếm trên web sử dụng đặc biệt nội dung Wikipedia khi hiển thị kết quả tìm kiếm: ví dụ như Bing (thông qua công nghệ thu được từ Powerset) và DuckDuckGo.
  • Đĩa compact, DVD: Các bài viết trên Wikipedia đã được xuất bản thành đĩa quang. Wikipedia CD Selection bản tiếng Anh năm 2006 chứa khoảng 2.000 bài viết.[234][235] Phiên bản tiếng Ba Lan chứa gần 240.000 bài viết.[236] Có cả phiên bản tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha.[237][238] Ngoài ra còn có loạt đĩa CD / DVD phi thương mại "Wikipedia for Schools" (Wikipedia dành cho trường học) do các thành viên Wikipedia và SOS Children tự tay lựa chọn và sản xuất, xoay quanh Chương trình giảng dạy quốc gia của Liên hiệp Anh và nhằm mục đích hữu ích cho các nước nói tiếng Anh. Dự án này có thể được tìm thấy trên mạng; nếu in thành một bách khoa toàn thư giấy sẽ cần khoảng 20 quyển.
  • Sách in: Từ năm 2009, công ty Books LLC của Mỹ và ba công ty con ở Mauritian của nhà xuất bản Đức VDM đã xuất bản hàng chục nghìn cuốn sách in theo yêu cầu sao chép các bài viết của Wikipedia tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga và tiếng Pháp.
  • Semantic Web: Trang web DBpedia bắt đầu trích xuất dữ liệu từ các hộp thông tin và khai báo danh mục của Wikipedia tiếng Anh từ năm 2007. Wikimedia cũng tạo ra dự án Wikidata nhằm lưu trữ các dữ kiện cơ bản từ mỗi trang của Wikipedia và các wiki WMF khác rồi cung cấp ở định dạng ngữ nghĩa có thể kiểm chứng, RDF. Tính đến tháng 2 năm 2014, trang này có 15.000.000 mục cùng 1.000 thuộc tính mô tả.

Có những thách thức trong việc lấy lại toàn bộ nội dung của Wikipedia để tái sử dụng, vì việc nhân bản trực tiếp qua trình thu thập thông tin web là không được khuyến khích. Wikipedia công bố các "kho chứa" nội dung ở dạng văn bản; trước năm 2007 Wikipedia còn không có sẵn kho lưu hình ảnh.[239]

Một số phiên bản Wikipedia có bàn tham khảo, nơi các tình nguyện viên trả lời câu hỏi của độc giả. Theo một nghiên cứu của Pnina Shachaf trên Tạp chí Tài liệu, chất lượng của bàn tham khảo Wikipedia có thể sánh với bàn tham khảo thư viện tiêu chuẩn, với độ chính xác là 55%.[240]

Truy cập di động

 
Phiên bản di động của trang chính Wikipedia tiếng Anh từ ngày 3 tháng 8 năm 2019.

Phương tiện ban đầu của Wikipedia là để người dùng đọc và chỉnh sửa nội dung bằng bất kỳ trình duyệt web tiêu chuẩn nào bằng kết nối Internet cố định. Nội dung Wikipedia đã có thể truy cập thông qua web di động từ tháng 7 năm 2013; nhưng ngày 9 tháng 2 năm 2014, The New York Times trích lời phó giám đốc Quỹ Wikimedia Erik Möller rằng sự chuyển đổi lưu lượng truy cập internet từ máy tính để bàn sang thiết bị di động là đáng kể và là một nguyên nhân để quan ngại.[11] Bài báo này cũng báo cáo thống kê so sánh về các chỉnh sửa trên thiết bị di động, "Chỉ 20 phần trăm độc giả của Wikipedia tiếng Anh đến qua thiết bị di động, một con số thấp hơn phần trăm lưu lượng truy cập di động cho các trang web phương tiện khác, nhiều trang web còn đạt đến 50%. Và việc chuyển sang chỉnh sửa trên thiết bị di động thậm chí còn bị tụt hậu hơn nữa."[11] The New York Times báo cáo rằng Möller đã chỉ định "một nhóm gồm 10 nhà phát triển phần mềm tập trung vào di động", đồng thời trích dẫn một mối quan tâm chính là làm sao để Wikipedia giải quyết các vấn đề về số lượng biên tập viên mà Wikipedia thu hút cũng như duy trì nội dung trong môi trường truy cập di động.[11]

Tháng 7 năm 2014, Bloomberg Businessweek báo cáo rằng các ứng dụng di động Android của Google đã thống trị thị phần lớn nhất trong các lô hàng điện thoại thông minh toàn cầu cho năm 2013 với 78,6% thị phần, đối thủ cạnh tranh sát sao nhất là iOS (với 15,2% thị phần).[241] Vào thời điểm Tretikov được hẹn và cuộc phỏng vấn trên web của cô với Sue Gardner vào tháng 5 năm 2014, đại diện Wikimedia đưa ra một thông báo kỹ thuật liên quan đến số lượng hệ thống truy cập di động trên thị trường đang tìm kiếm quyền truy cập vào Wikipedia. Ngay sau cuộc phỏng vấn trên web được đăng tải, các đại diện tuyên bố rằng Wikimedia sẽ áp dụng cách tiếp cận toàn diện để cung cấp nhiều hệ thống truy cập di động nhất có thể nhằm mở rộng truy cập di động nói chung, bao gồm BlackBerry và hệ thống Windows Phone, giúp thị phần trở thành vấn đề thứ yếu.[192] Phiên bản mới nhất của ứng dụng Android dành cho Wikipedia được phát hành vào ngày 23 tháng 7 năm 2014, nhìn chung là nhận được các đánh giá tích cực, đồng thời nhận điểm trên 4/5 trong một cuộc thăm dò với khoảng 200.000 người dùng tải xuống từ Google.[242] Phiên bản mới nhất cho iOS phát hành vào ngày 3 tháng 4 năm 2013 và nhận các đánh giá tương tự.[243]

Người dùng có thể truy cập Wikipedia từ điện thoại di động vào đầu năm 2004, thông qua Giao thức Ứng dụng Không dây (WAP), thông qua dịch vụ Wapedia. Tháng 6 năm 2007, Wikipedia ra mắt en.mobile.wikipedia.org, một trang web chính thức dành cho các thiết bị không dây. Năm 2009, một dịch vụ di động mới hơn chính thức được phát hành[244] tại địa chỉ en.m.wikipedia.org, phục vụ cho các thiết bị di động cao cấp hơn như iPhone, thiết bị dựa trên Android hoặc thiết bị dựa trên WebOS. Một số phương pháp truy cập Wikipedia di động khác cũng xuất hiện. Nhiều thiết bị và ứng dụng tối ưu hóa hoặc tăng cường hiển thị nội dung Wikipedia cho thiết bị di động, một số còn kết hợp các tính năng bổ sung như sử dụng siêu dữ liệu Wikipedia, chẳng hạn như thông tin địa lý.[245][246]

Wikipedia Zero là một sáng kiến của Wikimedia Foundation nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận của bách khoa toàn thư tới các nước đang phát triển[247] và đã ngừng hoạt động vào tháng 2 năm 2018.[248]

Andrew LihAndrew Brown đều coi việc chỉnh sửa Wikipedia bằng điện thoại thông minh là rất khó và việc này sẽ không khuyến khích các thành viên tiềm năng. Số lượng biên tập viên Wikipedia đã giảm sau vài năm và Tom Simonite của MIT Technology Review tuyên bố cấu trúc quan liêu cùng bộ quy định là một yếu tố dẫn đến điều này. Simonite cáo buộc một số người dùng Wikipedia sử dụng các quy tắc và hướng dẫn rối rắm nhằm áp đảo những người khác và họ còn được lợi trong việc giữ nguyên hiện trạng.[54] Lih cáo buộc rằng cộng đồng hiện đang bất đồng nghiêm trọng về cách giải quyết vấn đề này. Lih lo sợ cho tương lai lâu dài của Wikipedia; còn Brown lo ngại Wikipedia không thể giải quyết các vấn đề này trong khi các bách khoa toàn thư đối thủ lại không có khả năng thay thế Wikipedia.[249][250]

Ảnh hưởng văn hoá

Nguồn đáng tin cậy để chống lại tin giả

Những năm 2017–18, sau một loạt các báo cáo tin tức sai lệch, cả FacebookYouTube đều tuyên bố sẽ dựa vào Wikipedia để giúp người dùng đánh giá các báo cáo và bác bỏ tin tức sai lệch. Viết trên tờ The Washington Post, Noam Cohen cho biết, "Việc YouTube dựa vào Wikipedia để lập kỷ lục được xây dựng trực tiếp dựa trên suy nghĩ của một nền tảng thách thức thực tế khác, mạng xã hội Facebook, năm ngoái đã thông báo rằng Wikipedia sẽ giúp người dùng loại bỏ tin giả."[251] Kể từ tháng 11 năm 2020, Alexa ghi lại số lần xem trang hàng ngày trên mỗi khách truy cập là 3,03 và thời gian trung bình hàng ngày trên trang web là 3:46 phút.

Lượng người xem

Tháng 2 năm 2014, The New York Times báo cáo rằng Wikipedia xếp hạng năm toàn cầu trong số tất cả các trang web, cho biết "Với 18 tỷ lượt xem trang và gần 500 triệu lượt người truy cập mỗi tháng [... ] Wikipedia chỉ kém Yahoo, Facebook, Microsoft và Google, những trang lớn nhất với 1,2 tỷ người truy cập."[11] Nhưng thứ hạng này đã giảm xuống thứ 13 trên toàn cầu vào tháng 6 năm 2020 chủ yếu do sự gia tăng phổ biến của các trang web Trung Quốc chuyên về mua sắm trực tuyến.[252]

Bên cạnh sự tăng trưởng logistic về số lượng bài viết, Wikipedia đã dần dần đạt được vị thế là một trang web tham khảo chung kể từ khi thành lập vào năm 2001. Khoảng 50% lưu lượng truy cập từ công cụ tìm kiếm đến Wikipedia đến từ Google, một lượng lớn người dùng Wikipedia để tra cứu bài tập về nhà. Số lượng người đọc Wikipedia trên toàn thế giới đạt 365 người triệu vào cuối năm 2009.[253] Dự án "Pew Internet and American Life" cho thấy 1/3 người dùng Internet ở Mỹ đã tham khảo Wikipedia. Năm 2011, Business Insider định giá Wikipedia là 4 tỷ đô la nếu nó chạy quảng cáo.[254]

Theo "Wikipedia Readership Survey 2011" (Khảo sát độc giả Wikipedia năm 2011), độ tuổi trung bình của người đọc Wikipedia là 36, tương đương ở các giới tính khác nhau. Gần một nửa số độc giả Wikipedia truy cập trang này hơn năm lần một tháng và một số lượng độc giả tương tự đặc biệt tìm đến Wikipedia trong danh sách kết quả của công cụ tìm kiếm. Khoảng 47% độc giả không nhận ra rằng Wikipedia là một tổ chức phi lợi nhuận.[255]

Đại dịch Covid-19

Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, mức độ đưa tin của Wikipedia về đại dịch này đã nhận được sự chú ý của giới truyền thông quốc tế và làm tăng lượng người đọc Wikipedia nói chung.[256]

Ý nghĩa văn hóa

 
Jimmy Wales thay mặt cho Wikipedia nhận giải Quadriga Sứ mệnh Khai sáng năm 2008.

Nội dung của Wikipedia được sử dụng trong các nghiên cứu hàn lâm, sách, hội nghị và các phiên tòa,[257] làm nguồn tham khảo trong báo chí,[258] cũng như trở thành tâm điểm trong chiến dịch bầu cử năm 2008 của Hoa Kỳ.[259] Tháng 9 năm 2008, Wikipedia nhận giải thưởng Quadriga Một Sứ mệnh Khai sáng của Werkstatt Deutschland,[260] rồi giải Erasmus vào năm 2015 cho các đóng góp đặc biệt cho văn hóa, xã hội hoặc khoa học xã hội,[261] cũng như giải Công chúa Asturias của Tây Ban Nha về Hợp tác Quốc tế.[262]

Wikipedia cũng là đối tượng châm biếm trong các bộ phim hài truyền hình Mỹ The Office,[263] Scrubs,[264] trang web hài hước CollegeHumor.[265] Tháng 7 năm 2009, BBC Radio 4 phát sóng một loạt phim hài có tên là Bigipedia, lấy bối cảnh trên một trang web nhại lại Wikipedia.[266]

Các dự án chị em – Wikimedia

Quỹ Wikimedia cũng tạo ra và điều hành các dự án chị em với Wikipedia, bao gồm Wiktionary (một dự án từ điển được khởi động vào tháng 12 năm 2002), Wikiquote (một bộ sưu tập các câu danh ngôn được tạo ra một tuần sau khi Wikimedia ra mắt), Wikibooks (một bộ sưu tập các sách giáo khoa và văn bản mở), Wikimedia Commons (một trang dành cho đa phương tiện), Wikinews (dành cho tin tức), Wikiversity (một dự án tạo ra các tài liệu học tập miễn phí và cung cấp các hoạt động học tập trực tuyến), và Wikispecies (một danh mục các loài). Năm 2012 ra mắt Wikivoyage (một hướng dẫn du lịch chỉnh sửa tự do) và Wikidata, một cơ sở dữ liệu kiến thức mở.

Xuất bản

 
Một nhóm Wikimedians của chi hội Wikimedia DC tại cuộc họp thường niên năm 2013 của Wikimedia DC đang đứng trước Encyclopædia Britannica (phía sau bên trái) tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ.

Cái chết của các bách khoa toàn thư thương mại là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả kinh tế của Wikipedia, đặc biệt là các ấn bản giấy, ví dụ Encyclopædia Britannica cũng không thể cạnh tranh với một sản phẩm miễn phí.[267][268][269] Trong bài luận "Sự vô luân của Web 2.0" năm 2005, Nicholas Carr chỉ trích các trang web có nội dung do người dùng tạo như Wikipedia có thể khiến các nhà sản xuất nội dung chuyên nghiệp (và theo ông là cũng có chất lượng cao hơn) phá sản, vì "miễn phí sẽ luôn chiến thắng chất lượng". Carr viết rằng: "Tiềm ẩn trong những viễn cảnh xuất thần của Web 2.0 là sự thống trị của giới nghiệp dư. Tôi không thể tưởng tượng được điều gì đáng sợ hơn thế."[270] Những người khác không cho rằng Wikipedia sẽ có thể thay thế hoàn toàn các ấn phẩm truyền thống. Tổng biên tập tạp chí Wired Chris Anderson viết trên Nature rằng phương thức "trí tuệ đám đông" của Wikipedia sẽ không thay thế được các tạp chí khoa học hàng đầu có quy trình bình duyệt nghiêm ngặt.

Người ta cũng đang tranh luận về ảnh hưởng của Wikipedia đối với hoạt động kinh doanh xuất bản tiểu sử. Kathryn Hughes, giáo sư viết tiểu sử tại Đại học East Anglia, đồng thời là tác giả của The Short Life and Long Times of Mrs BeetonGeorge Eliot: the Last Victorian đặt câu hỏi "Điều đáng lo ngại là, nếu bạn có thể đọc được tất cả thông tin đó từ Wikipedia, thì còn lại gì để viết tiểu sử?".[271]

Sử dụng trong nghiên cứu

Wikipedia được sử dụng một cách rộng rãi như một kho ngữ liệu để nghiên cứu ngôn ngữ trong ngôn ngữ học tính toán, truy xuất thông tinxử lý ngôn ngữ tự nhiên. Wikipedia thường đóng vai trò là cơ sở tri thức đích cho vấn đề liên kết thực thể, sau này được gọi là "wikification",[272] và cho vấn đề liên quan của việc phân định nghĩa từ.[273] Các phương pháp tương tự wikification có thể được sử dụng để tìm các liên kết "bị thiếu" trong Wikipedia.[274]

Năm 2015, các nhà nghiên cứu người Pháp, Tiến sĩ José Lages của Đại học Franche-Comté tại Besançon và Dima Shepelyansky của Đại học Paul Sabatier tại Toulouse công bố bảng xếp hạng đại học toàn cầu dựa trên các trích dẫn học thuật trên Wikipedia.[275][276][277] Họ sử dụng PageRank (xếp hạng trang) "theo sau là số lần xuất hiện trong 24 phiên bản ngôn ngữ khác nhau của Wikipedia (thứ tự giảm dần) và thế kỷ mà chúng được thành lập (thứ tự tăng dần)".[277]

Một nghiên cứu năm 2017 của Viện Công nghệ Massachusetts gợi ý rằng các từ được sử dụng trên các bài viết Wikipedia sẽ xuất hiện trong các ấn phẩm khoa học.[278][279]

Các nghiên cứu liên quan đến Wikipedia đã sử dụng học máytrí tuệ nhân tạo để hỗ trợ các hoạt động khác nhau. Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất — tự động phát hiện hành vi phá hoại[280][281] và đánh giá chất lượng dữ liệu trong Wikipedia.[282]

Dự án liên quan

Một số bách khoa toàn thư đa phương tiện tương tác kết hợp các mục được viết bởi công chúng đã tồn tại rất lâu trước khi Wikipedia được thành lập. Dự án đầu tiên trong số này là Dự án Domesday của BBC năm 1986, bao gồm văn bản (được nhập trên máy tính BBC Micro) và ảnh từ hơn một triệu người đóng góp ở Anh Quốc, và bao gồm địa lý, nghệ thuật và văn hóa của Anh Quốc. Đây là bách khoa toàn thư đa phương tiện tương tác đầu tiên (và cũng là tài liệu đa phương tiện lớn đầu tiên được kết nối thông qua các liên kết nội bộ); phần lớn các bài báo có thể truy cập được thông qua bản đồ tương tác của Anh Quốc. Giao diện người dùng và một phần nội dung của Dự án Domesday đã được mô phỏng trên một trang web cho đến năm 2008.[283]

Một số bách khoa toàn thư cộng tác, có nội dung miễn phí được tạo ra cùng thời với Wikipedia (ví dụ: Everything2),[284] rồi nhiều thứ được hợp nhất vào dự án (ví dụ: GNE).[285] Một trong những bách khoa toàn thư trực tuyến đầu tiên thành công nhất kết hợp các mục nhập vào của công chúng là h2g2, do Douglas Adams tạo ra vào năm 1999. Từ điển bách khoa h2g2 tương đối nhẹ nhàng, tập trung vào các bài viết vừa dí dỏm vừa nhiều thông tin.

Các trang web kiến thức do người dùng hợp tác phát triển tiếp theo đã lấy cảm hứng từ Wikipedia. Một số, chẳng hạn như Susning.nu, Enciclopedia Libre, HudongBaidu Baike cũng không áp dụng quy trình đánh giá chính thức, còn một số như Conservapedia thì tính mở không mạnh bằng. Những trang web khác sử dụng bình duyệt truyền thống hơn, chẳng hạn như Encyclopedia of Life, bách khoa toàn thư wiki trực tuyến ScholarpediaCitizendium. Sanger tạo ra Citizendium để trở thành một giải pháp thay thế đáng tin cậy cho Wikipedia.[286]

Ghi chú

  1. ^ Yêu cầu đăng ký để thực hiện các tác vụ nhất định như chỉnh sửa trang được bảo vệ, tạo trang mới hay tải lên các tập tin.
  1. ^ Để là tài khoản xác nhận, người dùng phải thực hiện ít nhất một lần chỉnh sửa hoặc hành động khác trong một tháng nhất định.
  2. ^ Nguyên tắc trì hoãn có nghĩa là chờ cho đến khi rắc rối nảy sinh rồi mới giải quyết chúng.
  3. ^ Những sửa đổi với nội dung phỉ báng, đe dọa hình sự, hay vi phạm bản quyền có thể bị xóa khỏi lịch sử.
  4. ^ Xem bài viết "Phỉ báng" của David McHam để xem sự khác biệt theo luật.

Tham khảo

  1. ^ a b “List of Wikipedias”. Meta-Wiki. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 2 năm 2006. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2008.
  2. ^ Jonathan Sidener. “Everyone's Encyclopedia”. San Diego Union Tribune. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2006.
  3. ^ Chapman, Roger (ngày 6 tháng 9 năm 2011). “Top 40 Website Programming Languages”. roadchap.com. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2011.
  4. ^ Brandom, Russell (ngày 4 tháng 9 năm 2015). “Wikipedia founder defends decision to encrypt the site in China”. The Verge. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 19 tháng 9 năm 2015.
  5. ^ a b c “Wikipedia.ord Traffic, Demographics and Competitors”. www.alexa.com. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2021.
  6. ^ a b “Anon (2021) Happy Birthday, Wikipedia: Lessons from the success of a different sort of tech titan The Economist (leader ngày 9 tháng 1 năm 2021)”. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2021.
  7. ^ “Wikimedia pornography row deepens as Wales cedes rights – BBC News”. BBC (bằng tiếng Anh). ngày 10 tháng 5 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2016.
  8. ^ Vogel, Peter S. (ngày 10 tháng 10 năm 2012). “The Mysterious Workings of Wikis: Who Owns What?”. Ecommerce Times. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2016.
  9. ^ Mullin, Joe (ngày 10 tháng 1 năm 2014). “Wikimedia Foundation employee ousted over paid editing”. Ars Technica. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2016.
  10. ^ “Wikipedia cofounder Jimmy Wales on 60 Minutes”. CBS News (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2015.
  11. ^ a b c d e f Cohen, Noam (ngày 9 tháng 2 năm 2014). “Wikipedia vs. the Small Screen”. The New York Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2021.
  12. ^ “Wikistats – Statistics For Wikimedia Projects”. stats.wikimedia.org (bằng tiếng Anh). Wikimedia Foundation. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2020.
  13. ^ Bill Tancer (ngày 1 tháng 5 năm 2007). “Look Who's Using Wikipedia”. Time. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2007. The sheer volume of content [...] is partly responsible for the site's dominance as an online reference. When compared to the top 3,200 educational reference sites in the US, Wikipedia is No. 1, capturing 24.3% of all visits to the category. Cf. Bill Tancer (Global Manager, Hitwise), "Wikipedia, Search and School Homework" Lưu trữ 2012-03-25 tại Wayback Machine, Hitwise, ngày 1 tháng 3 năm 2007.
  14. ^ Alex Woodson (ngày 8 tháng 7 năm 2007). “Wikipedia remains go-to site for online news”. Reuters. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 11 năm 2007. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2007. Online encyclopedia Wikipedia has added about 20 million unique monthly visitors in the past year, making it the top online news and information destination, according to Nielsen//NetRatings.
  15. ^ West, Stuart. “Wikipedia's Evolving Impact: slideshow presentation at TED2010” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2015.
  16. ^ “comScore MMX Ranks Top 50 US Web Properties for August 2012”. comScore. ngày 12 tháng 9 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2013.
  17. ^ Anderson, Chris (ngày 8 tháng 5 năm 2006). “Jimmy Wales – The 2006 Time 100”. Time. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2017.
  18. ^ Xem những sơ đồ tại "Lần được truy nhập Lưu trữ 2006-04-24 tại Wayback Machine", Thống kê Wikipedia, 1 tháng 1 năm 2005.
  19. ^ a b J. Petrilli, Michael (Spring 2008/Vol. 8, No. 2) Wikipedia or Wickedpedia? Lưu trữ 2016-11-21 tại Wayback Machine, Education Next Retrieved ngày 22 tháng 10 năm 2014
  20. ^ Garber, Megan (12 tháng 10 năm 2011). “The contribution conundrum: Why did Wikipedia succeed while other encyclopedias failed?”. Nieman Lab (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2016.
  21. ^ a b Kock, N., Jung, Y., & Syn, T. (2016). Wikipedia and e-Collaboration Research: Opportunities and Challenges. (PDF) Lưu trữ 2016-09-27 tại Wayback Machine International Journal of e-Collaboration (IJeC), 12(2), 1–8.
  22. ^ Sidener, Jonathan. “Everyone's Encyclopedia”. Lưu trữ từ SignOnDiego.com (bằng tiếng Anh). 6 tháng 12 năm 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  23. ^ Meyers, Peter. “Fact-Driven? Collegial? This Site Wants You”. The New York Times (bằng tiếng Anh). 20 tháng 9 năm 2001. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021.
  24. ^ Stallman, Richard M. “The Free Encyclopedia Project”. Free Software Foundation. 20 tháng 6 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021.
  25. ^ a b Sanger, Larry. “The Early History of Nupedia and Wikipedia: A Memoir”. Slashdot. 18 tháng 4 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021.
  26. ^ Sanger, Larry. “Wikipedia Is Up!”. Lưu trữ từ thư điện tử trên Nupedia. 17 tháng 1 năm 2001. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 5 năm 2001. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  27. ^ “Wikipedia-l: LinkBacks?” (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2007.
  28. ^ Sanger, Larry (ngày 10 tháng 1 năm 2001). “Let's Make a Wiki” (bằng tiếng Anh). Internet Archive. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 4 năm 2003. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2008.
  29. ^ “WHOIS domain registration information results for wikipedia.com from Network Solutions” (bằng tiếng Anh). ngày 27 tháng 9 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2018.
  30. ^ “WHOIS domain registration information results for wikipedia.org from Network Solutions” (bằng tiếng Anh). ngày 27 tháng 9 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2018.
  31. ^ “Trang chủ của Wikipedia”. Lưu trữ từ trang chủ của Wikipedia. 31 tháng 1 năm 2001. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 3 năm 2001. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  32. ^ Miliard, Mike. “Feature - Wikipediots: Who are these devoted, even obsessive contributors to Wikipedia?”. Salt Lake City Weekly (bằng tiếng Anh). 20 tháng 2 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 5 năm 2018. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2021.
  33. ^ Sidener, Jonathan. “Wikipedia family feud rooted in San Diego”. Lưu trữ từ Union-Tribune (bằng tiếng Anh). 9 tháng 10 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2021.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  34. ^ Wikipedia:Quan điểm trung lập
  35. ^ Finkelstein, Seth (ngày 25 tháng 9 năm 2008). “Read me first: Wikipedia isn't about human potential, whatever Wales says”. The Guardian (bằng tiếng Anh). Luân Đôn. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2021.
  36. ^ “Multilingual statistics”. Wikipedia (bằng tiếng Anh). ngày 30 tháng 3 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2008.
  37. ^ Encyclopedias and Dictionaries. Encyclopædia Britannica. 18 (ấn bản 15). 2007. tr. 257–286.
  38. ^ “[long] Enciclopedia Libre: msg#00008”. Osdir (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2008.
  39. ^ Clay, Shirky (2008). Here Comes Everybody: The Power of Organizing Without Organization. The Penguin Press via Amazon Online Reader. tr. 273. ISBN 978-1-59420-153-0. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021.
  40. ^ Vibber, Brion (ngày 16 tháng 8 năm 2002). “Brion VIBBER at pobox.com”. Wikimedia (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2020.
  41. ^ Wales, James. "Giới thiệu Quỹ Hỗ trợ Wikimedia Lưu trữ 2005-11-14 tại Wayback Machine". 20 tháng 6 năm 2003. wikipedia-l@wikipedia.org.
  42. ^ “Wikipedia:Các dự án chị em của Wikimedia”.
  43. ^ Bobbie Johnson (ngày 12 tháng 8 năm 2009). “Wikipedia approaches its limits”. The Guardian (bằng tiếng Anh). Luân Đôn. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2010.
  44. ^ Mô hình tăng trưởng của Wikipedia (tiếng Anh)
  45. ^ The Singularity is Not Near: Slowing Growth of Wikipedia (PDF). The International Symposium on Wikis. Orlando, Florida. 2009. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 11 tháng 5 năm 2011.
  46. ^ Evgeny Morozov (November–December 2009). “Edit This Page; Is it the end of Wikipedia”. Boston Review (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 12 năm 2019.
  47. ^ Cohen, Noam (ngày 28 tháng 3 năm 2009). “Wikipedia – Exploring Fact City”. The New York Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2011.
  48. ^ Gibbons, Austin; Vetrano, David; Biancani, Susan (2012). “Wikipedia: Nowhere to grow” (PDF) (bằng tiếng Anh). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 18 tháng 7 năm 2014. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)  
  49. ^ Jenny Kleeman (ngày 26 tháng 11 năm 2009). “Wikipedia falling victim to a war of words”. The Guardian (bằng tiếng Anh). Luân Đôn. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2010.
  50. ^ “Wikipedia: A quantitative analysis” (bằng tiếng Anh). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 3 tháng 4 năm 2012. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  51. ^ Volunteers Log Off as Wikipedia Ages, The Wall Street Journal, ngày 27 tháng 11 năm 2009.
  52. ^ Barnett, Emma (ngày 26 tháng 11 năm 2009). “Wikipedia's Jimmy Wales denies site is 'losing' thousands of volunteer editors”. The Daily Telegraph (bằng tiếng Anh). London. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 11 năm 2018. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2010.
  53. ^ a b Kevin Rawlinson (ngày 8 tháng 8 năm 2011). “Wikipedia seeks women to balance its 'geeky' editors”. The Independent (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2012.
  54. ^ a b c d e Simonite, Tom (ngày 22 tháng 10 năm 2013). “The Decline of Wikipedia”. MIT Technology Review (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2013.
  55. ^ “3 Charts That Show How Wikipedia Is Running Out of Admins”. The Atlantic (bằng tiếng Anh). ngày 16 tháng 7 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2021.
  56. ^ Ward, Katherine. New York Magazine, issue of ngày 25 tháng 11 năm 2013, p. 18.
  57. ^ “Wikipedia Breaks Into US Top 10 Sites”. PCWorld (bằng tiếng Anh). ngày 17 tháng 2 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2021.
  58. ^ “Wikimedia Traffic Analysis Report – Wikipedia Page Views Per Country” (bằng tiếng Anh). Wikimedia Foundation. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2015.
  59. ^ Jeff Loveland and Joseph Reagle (ngày 15 tháng 1 năm 2013). “Wikipedia and encyclopedic production”. New Media & Society (bằng tiếng Anh). 15 (8): 1294. doi:10.1177/1461444812470428. S2CID 27886998.
  60. ^ Rebecca J. Rosen (ngày 30 tháng 1 năm 2013). “What If the Great Wikipedia 'Revolution' Was Actually a Reversion? • The Atlantic” (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2013.
  61. ^ Netburn, Deborah (ngày 19 tháng 1 năm 2012). “Wikipedia: SOPA protest led eight million to look up reps in Congress”. Los Angeles Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2012.
  62. ^ “Wikipedia joins blackout protest at US anti-piracy moves”. BBC News. ngày 18 tháng 1 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2012.
  63. ^ “SOPA/Blackoutpage” (bằng tiếng Anh). Wikimedia Foundation. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2012.
  64. ^ a b Varma, Subodh (ngày 20 tháng 1 năm 2014). “Google eating into Wikipedia page views?”. The Economic Times (bằng tiếng Anh). Times Internet Limited. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2014.
  65. ^ “Alexa Top 500 Global Sites”. Alexa Internet (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2016.
  66. ^ “Báo cáo của Minor Planet Center” (PDF). Minor Planet Circular (bằng tiếng Anh). Liên đoàn Thiên văn Quốc tế: 82403. ngày 27 tháng 1 năm 2013. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 18 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021.
  67. ^ Day, Matthew (ngày 10 tháng 10 năm 2014). “Polish town to build statue honouring Wikipedia”. The Daily Telegraph (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2014.
  68. ^ Watson, J.M. (2019). “Lest we forget. A new identity and status for a Viola of section Andinium W. Becker; named for an old and treasured friend and companion. Plus another...” (PDF). International Rock Gardener (bằng tiếng Anh) (117): 47–. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 1 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2019.
  69. ^ Oberhaus, Daniel (ngày 5 tháng 8 năm 2019). “A Crashed Israeli Lunar Lander Spilled Tardigrades On The Moon”. Wired (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2019.
  70. ^ Resnick, Brian (ngày 6 tháng 8 năm 2019). “Tardigrades, the toughest animals on Earth, have crash-landed on the moon – The tardigrade conquest of the solar system has begun”. Vox (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2019.
  71. ^ Shankland, Stephen (ngày 29 tháng 6 năm 2019). “Startup packs all 16GB of Wikipedia onto DNA strands to demonstrate new storage tech – Biological molecules will last a lot longer than the latest computer storage technology, Catalog believes”. CNET (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2019.
  72. ^ Zittrain, Jonathan (2008). The Future of the Internet and How to Stop It – Chapter 6: The Lessons of Wikipedia (bằng tiếng Anh). Yale University Press. ISBN 978-0-300-12487-3. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2008.
  73. ^ Registration notes (bằng tiếng Anh)
  74. ^ Quy định khóa trang của Wikipedia tiếng Anh
  75. ^ Hafner, Katie (ngày 17 tháng 6 năm 2006). “Growing Wikipedia Refines Its 'Anyone Can Edit' Policy”. The New York Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2016.
  76. ^ Quy định khóa trang của Wikipedia tiếng Anh
  77. ^ Quy định khóa trang của Wikipedia tiếng Anh (bằng tiếng Anh)
  78. ^ a b “Bericht Gesichtete Versionen” (Danh sách thư) (bằng tiếng Đức). Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2009.
  79. ^ William Henderson (ngày 10 tháng 12 năm 2012). “Wikipedia Has Figured Out A New Way To Stop Vandals In Their Tracks”. Business Insider (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2021.
  80. ^ Frewin, Jonathan (ngày 15 tháng 6 năm 2010). “Wikipedia unlocks divisive pages for editing”. BBC News (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2014.
  81. ^ Wikipedia:New pages patrol
  82. ^ Andrea Ciffolilli, "Phantom authority, self-selective recruitment, and retention of members in virtual communities: The case of Wikipedia" Lưu trữ 2016-12-06 tại Wayback Machine, First Monday December 2003.
  83. ^ Phá hoại trên Wikipedia tiếng Anh (bằng tiếng Anh). Wikipedia. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2012.
  84. ^ Fernanda B. Viégas; Martin Wattenberg; Kushal Dave (2004). Studying Cooperation and Conflict between Authors with History Flow Visualizations (PDF). Proceedings of the ACM Conference on Human Factors in Computing Systems (CHI) (bằng tiếng Anh). tr. 575–582. doi:10.1145/985921.985953. ISBN 978-1-58113-702-6. S2CID 10351688. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 25 tháng 1 năm 2006. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2007.
  85. ^ Reid Priedhorsky; Jilin Chen; Shyong (Tony) K. Lam; Katherine Panciera; Loren Terveen; John Riedl (ngày 4 tháng 11 năm 2007). “Creating, Destroying, and Restoring Value in Wikipedia” (PDF). Association for Computing Machinery GROUP '07 Conference Proceedings; GroupLens Research, Department of Computer Science and Engineering, University of Minnesota (bằng tiếng Anh). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 25 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2007.
  86. ^ Seigenthaler, John (ngày 29 tháng 11 năm 2005). “A False Wikipedia 'biography'. USA Today (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2008.
  87. ^ Friedman, Thomas L. (2007). The World is Flat (bằng tiếng Anh). Farrar, Straus & Giroux. tr. 124. ISBN 978-0-374-29278-2.
  88. ^ Buchanan, Brian (ngày 17 tháng 11 năm 2006). “Founder shares cautionary tale of libel in cyberspace” (bằng tiếng Anh). archive.firstamendmentcenter.org. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2012.
  89. ^ Helm, Burt (ngày 13 tháng 12 năm 2005). “Wikipedia: "A Work in Progress". BusinessWeek (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2012.
  90. ^ Giải quyết mâu thuẫn tại Wikipedia tiếng Anh (bằng tiếng Anh)
  91. ^ Coldewey, Devin (ngày 21 tháng 6 năm 2012). “Wikipedia is editorial warzone, says study”. Technology. NBC News (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 8 năm 2014.
  92. ^ Kalyanasundaram, Arun; Wei, Wei; Carley, Kathleen M.; Herbsleb, James D. (tháng 12 năm 2015). “An agent-based model of edit wars in Wikipedia: How and when is consensus reached”. 2015 Winter Simulation Conference (WSC) (bằng tiếng Anh). Huntington Beach, CA, USA: IEEE: 276–287. doi:10.1109/WSC.2015.7408171. ISBN 9781467397438.
  93. ^ Suh, Bongwon; Convertino, Gregorio; Chi, Ed H.; Pirolli, Peter (2009). “The singularity is not near: slowing growth of Wikipedia”. Proceedings of the 5th International Symposium on Wikis and Open Collaboration – WikiSym '09. Orlando, Florida: ACM Press: 1. doi:10.1145/1641309.1641322. ISBN 9781605587301.
  94. ^ Torres, Nicole (ngày 2 tháng 6 năm 2016). “Why Do So Few Women Edit Wikipedia?”. Harvard Business Review. ISSN 0017-8012. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2019.
  95. ^ Bear, Julia B.; Collier, Benjamin (tháng 3 năm 2016). “Where are the Women in Wikipedia? Understanding the Different Psychological Experiences of Men and Women in Wikipedia”. Sex Roles. 74 (5–6): 254–265. doi:10.1007/s11199-015-0573-y. ISSN 0360-0025. S2CID 146452625.
  96. ^ “Who's behind Wikipedia?”. PC World (bằng tiếng Anh). ngày 6 tháng 2 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2008.
  97. ^ Những gì không phải là Wikipedia. Truy cập 13 tháng 1 năm 2021.
  98. ^ Độ nổi bật. Truy cập 13 tháng 1 năm 2021.
  99. ^ Thông tin kiểm chứng được. Truy cập 13 tháng 1 năm 2021.
  100. ^ Cohen, Noam (ngày 9 tháng 8 năm 2011). “For inclusive mission, Wikipedia is told that written word goes only so far”. International Herald Tribune. tr. 18.(cần đăng ký mua)
  101. ^ Wikipedia:Thái độ trung lập
  102. ^ Sanger, Larry (ngày 18 tháng 4 năm 2005). “The Early History of Nupedia and Wikipedia: A Memoir”. Slashdot. Dice. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2021.
  103. ^ Kostakis, Vasilis (tháng 3 năm 2010). “Identifying and understanding the problems of Wikipedia's peer governance: The case of inclusionists versus deletionists”. First Monday. 15 (3). Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2021.
  104. ^ Sở hữu bài viết.
  105. ^ Bảo quản viên của Wikipedia
  106. ^ Administrator conduct (bằng tiếng Anh).
  107. ^ Wikipedia:RfA Review/Reflect (bằng tiếng Anh).
  108. ^ Meyer, Robinson (ngày 16 tháng 7 năm 2012). “3 Charts That Show How Wikipedia Is Running Out of Admins”. The Atlantic. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2012.
  109. ^ a b c Blodget, Henry (ngày 3 tháng 1 năm 2009). “Who The Hell Writes Wikipedia, Anyway?”. Business Insider. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2021.
  110. ^ Wilson, Chris (ngày 22 tháng 2 năm 2008). “The Wisdom of the Chaperones”. Slate. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2014.
  111. ^ Swartz, Aaron (ngày 4 tháng 9 năm 2006). “Raw Thought: Who Writes Wikipedia?”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2008.
  112. ^ “Wikipedia "Good Samaritans" Are on the Money”. Scientific American. ngày 19 tháng 10 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2008.
  113. ^ Giles, Jim (ngày 4 tháng 8 năm 2009). “After the boom, is Wikipedia heading for bust?”. New Scientist. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2021.
  114. ^ Cohen, Noam. “Define Gender Gap? Look Up Wikipedia's Contributor List”. The New York Times. The New York Times Company. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2013.
  115. ^ “Wikipedia:List of Wikipedias”. English Wikipedia. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 2 năm 2006. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2021.
  116. ^ a b List of Wikipedias
  117. ^ “Spelling”. Manual of Style. Wikipedia. ngày 26 tháng 9 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2007.
  118. ^ “Countering systemic bias”. ngày 15 tháng 7 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2007.
  119. ^ “Fair use”. Meta-Wiki. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2007.
  120. ^ “Images on Wikipedia”. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2007.
  121. ^ Fernanda B. Viégas (ngày 3 tháng 1 năm 2007). “The Visual Side of Wikipedia” (PDF). Visual Communication Lab, IBM Research. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 3 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2007.
  122. ^ Jimmy Wales, "Wikipedia is an encyclopedia", ngày 8 tháng 3 năm 2005, <Wikipedia-l@wikimedia.org>
  123. ^ “Meta-Wiki”. Wikimedia Foundation. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 9 năm 2003. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2009.
  124. ^ “Meta-Wiki Statistics”. Wikimedia Foundation. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2008.
  125. ^ “List of articles every Wikipedia should have”. Wikimedia Foundation. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2008.
  126. ^ “Wikipedia: Translation”. English Wikipedia. ngày 27 tháng 9 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2007.
  127. ^ a b Yasseri, Taha; Sumi, Robert; Kertész, János (ngày 17 tháng 1 năm 2012). “Circadian Patterns of Wikipedia Editorial Activity: A Demographic Analysis”. PLoS ONE. 7 (1): e30091. arXiv:1109.1746. Bibcode:2012PLoSO...730091Y. doi:10.1371/journal.pone.0030091. PMC 3260192. PMID 22272279.
  128. ^ a b c “The future of Wikipedia: WikiPeaks?”. The Economist. ngày 1 tháng 3 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2014.
  129. ^ Andrew Lih. Wikipedia. Alternative edit policies at Wikipedia in other languages.
  130. ^ Jemielniak, Dariusz (ngày 22 tháng 6 năm 2014). “The Unbearable Bureaucracy of Wikipedia”. Slate. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2014.
  131. ^ D. Jemielniak, Common Knowledge, Stanford University Press, 2014.
  132. ^ a b Black, Edwin (ngày 19 tháng 4 năm 2010) Wikipedia – The Dumbing Down of World Knowledge Lưu trữ 2016-09-09 tại Wayback Machine, History News Network Retrieved ngày 21 tháng 10 năm 2014
  133. ^ Messer-Kruse, Timothy (ngày 12 tháng 2 năm 2012) The 'Undue Weight' of Truth on Wikipedia Lưu trữ 2016-12-18 tại Wayback Machine The Chronicle of Higher Education Retrieved ngày 27 tháng 3 năm 2014
  134. ^ Colón-Aguirre, Monica & Fleming-May, Rachel A. (ngày 11 tháng 10 năm 2012) "You Just Type in What You Are Looking For": Undergraduates' Use of Library Resources vs. Wikipedia Lưu trữ 2016-04-19 tại Wayback Machine (p. 392) The Journal of Academic Librarianship Retrieved ngày 27 tháng 3 năm 2014
  135. ^ Bowling Green News (ngày 27 tháng 2 năm 2012) Wikipedia experience sparks national debate Lưu trữ 2016-08-27 tại Wayback Machine Bowling Green State University Retrieved ngày 27 tháng 3 năm 2014
  136. ^ Wisdom? "More like dumbness of the crowds". Oliver Kamm. Times Online (archive version 2011-08-14) (Author's own copy Lưu trữ 2016-09-05 tại Wayback Machine)
  137. ^ “Plagiarism by Wikipedia editors”. Wikipedia Watch. ngày 27 tháng 10 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 11 năm 2009.
  138. ^ “Wikipedia, Britannica: A Toss-Up”. Wired. Associated Press. ngày 15 tháng 12 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2015.
  139. ^ Jim Giles (tháng 12 năm 2005). “Internet encyclopedias go head to head”. Nature. 438 (7070): 900–901. Bibcode:2005Natur.438..900G. doi:10.1038/438900a. PMID 16355180. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 11 năm 2009. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2022.(cần đăng ký mua) Note: The study was cited in several news articles; e.g.:
  140. ^ Reagle, pp. 165–166.
  141. ^ Orlowski, Andrew (ngày 16 tháng 12 năm 2005). “Wikipedia science 31% more cronky than Britannica's Excellent for Klingon science, though”. The Register. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2019.
  142. ^ “Encyclopaedia Britannica and Nature: a response” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 18 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2010.
  143. ^ “Nature's responses to Encyclopaedia Britannica”. Nature. ngày 30 tháng 3 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2018.
  144. ^ See author acknowledged comments in response to the citation of the Nature study, at PLoS ONE, 2014, "Citation of fundamentally flawed Nature quality 'study' ", In response to T. Yasseri et al. (2012) Dynamics of Conflicts in Wikipedia, Published ngày 20 tháng 6 năm 2012, doi:10.1371/journal.pone.0038869, see “Dynamics of Conflicts in Wikipedia”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2014., accessed ngày 21 tháng 7 năm 2014.
  145. ^ Quy định về phủ nhận chung của Wikipedia
  146. ^ Cowen, Tyler (ngày 14 tháng 3 năm 2008). “Cooked Books”. The New Republic. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2008.
  147. ^ Stacy Schiff (ngày 31 tháng 7 năm 2006). “Know It All”. The New Yorker.
  148. ^ “Wikipedia Founder Says Internet Users Are Adrift In The 'Fake News' Era”. NPR.org. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2018.
  149. ^ “Toward a New Compendium of Knowledge (longer version)”. Citizendium. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 10 năm 2006. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2006.
  150. ^ a b Elder, Jeff (ngày 16 tháng 6 năm 2014). “Wikipedia Strengthens Rules Against Undisclosed Editing”. The Wall Street Journal. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2021.
  151. ^ Kane, Margaret (ngày 30 tháng 1 năm 2006). “Politicians notice Wikipedia”. CNET. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2007.
  152. ^ Bergstein, Brian (ngày 23 tháng 1 năm 2007). “Microsoft offers cash for Wikipedia edit”. NBC News. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2007.
  153. ^ Cohen, Morris; Olson, Kent (2010). Legal Research in a Nutshell (ấn bản 10). St. Paul, Minnesota: Thomson Reuters. tr. 32–34. ISBN 978-0-314-26408-4.
  154. ^ Waters, N.L. (2007). “Why you can't cite Wikipedia in my class”. Communications of the ACM. 50 (9): 15. CiteSeerX 10.1.1.380.4996. doi:10.1145/1284621.1284635.
  155. ^ Jaschik, Scott (ngày 26 tháng 1 năm 2007). “A Stand Against Wikipedia”. Inside Higher Ed. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2007.
  156. ^ "Jimmy Wales", Biography Resource Center Online. (Gale, 2006.)
  157. ^ Child, Maxwell L., "Professors Split on Wiki Debate" Lưu trữ 2008-12-20 tại Wayback Machine, The Harvard Crimson, ngày 26 tháng 2 năm 2007.
  158. ^ Stothart, Chloe (21 tháng 12 năm 2012). “Web threatens learning ethos”. The Times Higher Education Supplement (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc 21 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021.
  159. ^ Julie Beck. "Doctors' #1 Source for Healthcare Information: Wikipedia". The Atlantic, ngày 5 tháng 3 năm 2014.
  160. ^ a b Beck, Julie (ngày 7 tháng 5 năm 2014). “Can Wikipedia Ever Be a Definitive Medical Text?”. The Atlantic. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 4 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2014.
  161. ^ Wikipedia không phải là bách khoa toàn thư giấy (bằng tiếng Anh)
  162. ^ “The battle for Wikipedia's soul”. The Economist. ngày 6 tháng 3 năm 2008. ISSN 0013-0613. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2008.
  163. ^ Douglas, Ian (ngày 10 tháng 11 năm 2007). “Wikipedia: an online encyclopedia torn apart”. The Daily Telegraph. London. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2010.
  164. ^ Bruilliard, Karin (ngày 21 tháng 5 năm 2010). “Pakistan blocks YouTube a day after shutdown of Facebook over Muhammad issue”. The Washington Post. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2011.
  165. ^ Kittur, A; Chi, E. H.; Suh, B. (2009). “What's in Wikipedia? Mapping Topics and Conflict Using Socially Annotated Category Structure” (PDF). New York: ACM. tr. 1509–1512. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021 – qua In Proceedings of the 27th International Conference on Human Factors in Computing Systems (Boston, Massachusetts, April 4–9, 2009). CHI '09.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  166. ^ Petrusich, Amanda (ngày 20 tháng 10 năm 2011). “Wikipedia's Deep Dive Into a Library Collection”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2011.
  167. ^ Lam, Shyong (Tony) K.; Anuradha Uduwage; Zhenhua Dong; Shilad Sen; David R. Musicant; Loren Terveen; John Riedl (October 3–5, 2011). “WP: Clubhouse? An Exploration of Wikipedia's Gender Imbalance” (PDF). WikiSym 2011: 4. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 29 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2021.
  168. ^ Mark Graham, Mapping the Geographies of Wikipedia Content, Zerogeography.net (ngày 12 tháng 11 năm 2009).
  169. ^ Strohmaier, Markus (ngày 6 tháng 3 năm 2017). “KAT50 Society, Culture”. Multilingual historical narratives on Wikipedia. GESIS Data Archive. doi:10.7802/1411. Wikipedia narratives about national histories (i) are skewed towards more recent events (recency bias) and (ii) are distributed unevenly across the continents with significant focus on the history of European countries (Eurocentric bias).
  170. ^ The Guardian 2014 (London) The Guardian view on Wikipedia: evolving truth Lưu trữ 2016-11-12 tại Wayback Machine
  171. ^ "Edit Wars Reveal the 10 Most Controversial Topics on Wikipedia Lưu trữ 2019-04-08 tại Wayback Machine", MIT Technology Review, ngày 17 tháng 7 năm 2013.
  172. ^ a b c Yasseri, Taha; Spoerri, Anselm; Graham, Mark; Kertesz, Janos (2014). Fichman, P.; Hara, N. (biên tập). The Most Controversial Topics in Wikipedia: A Multilingual and Geographical Analysis. Scarecrow Press. arXiv:1305.5566. doi:10.2139/SSRN.2269392. SSRN 2269392.
  173. ^ Das, Sanmay; Allen, Lavoie; Malik, Magdon-Ismail (ngày 1 tháng 11 năm 2013). “Manipulation among the arbiters of collective intelligence: How Wikipedia administrators mold public opinion”. CIKM '13 Proceedings of the 22nd ACM international conference on Information & Knowledge Management. San Francisco, California: ACM. tr. 1097–1106. doi:10.1145/2505515.2505566. ISBN 978-1-4503-2263-8. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2018. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2021.
  174. ^ Das, Sanmay; Allen, Lavoie; Malik, Magdon-Ismail (ngày 24 tháng 12 năm 2016). “Manipulation among the arbiters of collective intelligence: How Wikipedia administrators mold public opinion”. ACM Transactions on the Web. 10 (4): 24. doi:10.1145/3001937. S2CID 12585047.
  175. ^ Metz, Cade (ngày 7 tháng 12 năm 2008). “Brit ISPs censor Wikipedia over 'child porn' album cover”. The Register. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2009.
  176. ^ “Wikipedia rejects child porn accusation”. The Sydney Morning Herald. ngày 29 tháng 4 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2017.
  177. ^ Farrell, Nick (ngày 29 tháng 4 năm 2010). “Wikipedia denies child abuse allegations: Co-founder grassed the outfit to the FBI”. The Inquirer. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2010.
  178. ^ “Wikipedia blasts co-founder's accusations of child porn on website”. The Economic Times. India. ngày 29 tháng 4 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2010.
  179. ^ “Wikimedia pornography row deepens as Wales cedes rights”. BBC News. ngày 10 tháng 5 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2010.
  180. ^ Gray, Lila (ngày 17 tháng 9 năm 2013). “Wikipedia Gives Porn a Break”. XBIZ.com. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2013.
  181. ^ Andrew McStay, 2014, Privacy and Philosophy: New Media and Affective Protocol Lưu trữ 2016-04-14 tại Wayback Machine, New York Peter Lang.
  182. ^ Heise Lưu trữ 2012-09-13 tại Wayback MachineGericht weist einstweilige Verfügung gegen Wikimedia Deutschland ab (update), by Torsten Kleinz, ngày 9 tháng 2 năm 2006.
  183. ^ “IT Service Management Software”. OTRS.com. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2012.
  184. ^ Paling, Emma (ngày 21 tháng 10 năm 2015). “Wikipedia's Hostility to Women”. The Atlantic. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2015.
  185. ^ Auerbach, David (ngày 11 tháng 12 năm 2014). “Encyclopedia Frown”. Slate. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2015.
  186. ^ “In UK, rising chorus of outrage over online misogyny”. Christian Science Monitor. tháng 8 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2021.
  187. ^ “Wikimedia Foundation – Financial Statements – ngày 30 tháng 6 năm 2011 and 2010” (PDF). Wikimedia Foundation. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2016.
  188. ^ “Wikimedia Foundation IRS Form 990” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 8 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2014.
  189. ^ “Press releases/WMF announces new ED Lila Tretikov”. Wikimedia Foundation. ngày 31 tháng 5 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2014.
  190. ^ a b Jeff Elder, The Wall Street Journal, ngày 1 tháng 5 năm 2014, "Wikipedia's New Chief: From Soviet Union to World's Sixth-Largest Site".
  191. ^ a b Noam Cohen (ngày 1 tháng 5 năm 2014). “Media: Open-Source Software Specialist Selected as Executive Director of Wikipedia”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2021.
  192. ^ Dimitra Kessenides. Bloomberg News Weekly. ngày 26 tháng 12 năm 2016. "Is Wikipedia 'Woke'".
  193. ^ Dimitra Kessenides. Bloomberg News Weekly. ngày 26 tháng 12 năm 2016, p. 74. "Is Wikipedia 'Woke'".
  194. ^ Bergsma, Mark. “Wikimedia Architecture” (PDF). Wikimedia Foundation. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 3 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2008.
  195. ^ “Version: Installed extensions”. ngày 28 tháng 9 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2021.. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2014.
  196. ^ Michael Snow (ngày 29 tháng 12 năm 2016). “Lucene search: Internal search function returns to service”. Wikimedia Foundation. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2009.
  197. ^ Brion Vibber. “[Wikitech-l] Lucene search”. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2009.
  198. ^ “Extension:Lucene-search”. Wikimedia Foundation. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2009.
  199. ^ “mediawiki –Revision 55688: /branches/lucene-search-2.1/lib”. Wikimedia Foundation. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 4 năm 2019. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2009.
  200. ^ Emil Protalinski (ngày 2 tháng 7 năm 2013). “Wikimedia rolls out WYSIWYG visual editor for logged-in users accessing Wikipedia articles in English”. The Next Web. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2013.
  201. ^ Curtis, Sophie (ngày 23 tháng 7 năm 2013). “Wikipedia introduces new features to entice editors”. The Daily Telegraph. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2013.
  202. ^ L. M. (ngày 13 tháng 12 năm 2011). “Changes at Wikipedia: Seeing things”. The Economist. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2013.
  203. ^ Lucian Parfeni (ngày 2 tháng 7 năm 2013). “Wikipedia's New VisualEditor Is the Best Update in Years and You Can Make It Better”. Softpedia. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2013.
  204. ^ a b Orlowski, Andrew (ngày 1 tháng 8 năm 2013). “Wikipedians say no to Jimmy's 'buggy' WYSIWYG editor”. The Register. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2013. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2013.
  205. ^ Thông tin về Wikipedia Bot (tiếng Anh)
  206. ^ a b Daniel Nasaw (ngày 24 tháng 7 năm 2012). “Meet the 'bots' that edit Wikipedia”. BBC News. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2021.
  207. ^ Halliday, Josh; Arthur, Charles (ngày 26 tháng 7 năm 2012). “Boot up: The Wikipedia vandalism police, Apple analysts, and more”. The Guardian. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2012.
  208. ^ Jervell, Ellen Emmerentze (ngày 13 tháng 7 năm 2014). “For This Author, 10,000 Wikipedia Articles Is a Good Day's Work”. The Wall Street Journal. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 2 năm 2018. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2014.
  209. ^ “Wikipedia signpost: Abuse Filter is enabled”. English Wikipedia. ngày 23 tháng 3 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2010.
  210. ^ Aljazeera, ngày 21 tháng 7 năm 2014, "MH17 Wikipedia entry edited from Russian Government IP Address". “MH17 Wikipedia entry edited from Russian government IP address”. ngày 21 tháng 7 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2014.
  211. ^ Quy định về bot của Wikipedia (tiếng Anh).
  212. ^ Andrew Lih (2009). The Wikipedia Revolution, chapter Then came the Bots, pp. 99–106.
  213. ^ “Thống kê yêu cầu hàng tháng”. Quỹ Wikimedia. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 5 năm 2008. Truy cập 3 tháng 2 năm 2007.
  214. ^ "Monthly request statistics", Wikimedia. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2008.
  215. ^ “Varnish – Wikitech”. wikitech.wikimedia.org. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2019.
  216. ^ Guido Urdaneta, Guillaume Pierre and Maarten van Steen. “Wikipedia Workload Analysis for Decentralized Hosting”. Elsevier Computer Networks 53 (11), pp. 1830–1845, June 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2016.
  217. ^ Weiss, Todd R. (ngày 9 tháng 10 năm 2008). “Wikipedia simplifies IT infrastructure by moving to one Linux vendor”. Computerworld. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2008.
  218. ^ Paul, Ryan (ngày 9 tháng 10 năm 2008). “Wikipedia adopts Ubuntu for its server infrastructure”. Ars Technica. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2008.
  219. ^ Palmier, Guillaume. “Wikimedia sites to move to primary data center in Ashburn, Virginia”. WMF. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2016.
  220. ^ Verge, Jason (ngày 14 tháng 1 năm 2013). “It's Official: Ashburn is Wikipedia's New Home”. Data Center Knowledge. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2016.
  221. ^ “⚓ T156028 Name Asia Cache DC site”. Wikimedia Phabricator. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2019.
  222. ^ Frederic M. Scherer and David Ross, [1970] 1990. Industrial Market Structure and Economic Performance, 3rd ed. Houghton-Mifflin. SSRN 1496716 and 1st ed. review extract Lưu trữ 2021-03-10 tại Wayback Machine.   • Google Scholar search of Frederic M. Scherer
  223. ^ a b c Patents, Citations, and Innovations, by Adam B. Jaffe, Manuel Trajtenberg, pp. 89–153.
  224. ^ Cohen, Noam (ngày 5 tháng 3 năm 2007). “A Contributor to Wikipedia Has His Fictional Side”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2008.
  225. ^ Walter Vermeir (2007). “Resolution:License update”. Wikizine. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2007.
  226. ^ “Licensing update/Questions and Answers”. Wikimedia Meta. Wikimedia Foundation. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2009.
  227. ^ “Licensing_update/Timeline”. Wikimedia Meta. Wikimedia Foundation. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2009.
  228. ^ “Wikimedia community approves license migration”. Wikimedia Foundation. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2009.
  229. ^ Cohen, Noam (ngày 19 tháng 7 năm 2009). “Wikipedia May Be a Font of Facts, but It's a Desert for Photos”. New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2013.
  230. ^ “Wikipedia cleared in French defamation case”. Reuters. ngày 2 tháng 11 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2007.
  231. ^ Anderson, Nate (ngày 2 tháng 5 năm 2008). “Dumb idea: suing Wikipedia for calling you "dumb". Ars Technica. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2008.
  232. ^ "Wikipedia on DVD" Lưu trữ 2013-06-03 tại Wayback Machine Linterweb. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2007. "Linterweb is authorized to make a commercial use of the Wikipedia trademark restricted to the selling of the Encyclopedia CDs and DVDs".
  233. ^ "Wikipedia 0.5 Available on a CD-ROM" Lưu trữ 2013-05-03 tại Wayback Machine Wikipedia on DVD. Linterweb. "The DVD or CD-ROM version 0.5 was commercially available for purchase." Retrieved ngày 1 tháng 6 năm 2007.
  234. ^ “Polish Wikipedia on DVD”. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2008.
  235. ^ “Wikipedia:DVD”. ngày 31 tháng 7 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2008.
  236. ^ “CDPedia (Python Argentina)”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2011.
  237. ^ Data dumps: Downloading Images, Wikimedia Meta-Wiki
  238. ^ “Wikipedia Reference Desk”. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2014.
  239. ^ Brad Stone, "How Google's Android chief, Sundar Pichai, became the most powerful man in mobile", June 30 – ngày 6 tháng 7 năm 2014, Bloomberg BusinessWeek, pp. 47–51.
  240. ^ “Wikipedia – Android Apps on Google Play”. Play.Google.com. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2014.
  241. ^ “Wikipedia Mobile on the App Store on iTunes”. iTunes.Apple.com. ngày 4 tháng 8 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2014.
  242. ^ “Wikimedia Mobile is Officially Launched”. Wikimedia Technical Blog. ngày 30 tháng 6 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2009.
  243. ^ “Local Points Of Interest In Wikipedia”. ngày 15 tháng 5 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2011.
  244. ^ “iPhone Gems: Wikipedia Apps”. ngày 30 tháng 11 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2008.
  245. ^ Ellis, Justin (ngày 17 tháng 1 năm 2013). “Wikipedia plans to expand mobile access around the globe with new funding”. NiemanLab. Nieman Journalism Lab. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2013.
  246. ^ “Building for the future of Wikimedia with a new approach to partnerships – Wikimedia Diff”. Wikimedia Foundation. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2019.
  247. ^ Andrew Lih (ngày 20 tháng 6 năm 2015). “Can Wikipedia Survive?”. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2021.
  248. ^ Andrew Brown (ngày 25 tháng 6 năm 2015). “Wikipedia editors are a dying breed. The reason? Mobile”. The Guardian. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 4 năm 2019. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2021.
  249. ^ Cohen, Noam (ngày 7 tháng 4 năm 2018). “Conspiracy videos? Fake news? Enter Wikipedia, the 'good cop' of the Internet”. The Washington Post (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 6 năm 2018.
  250. ^ “The top 500 sites on the web”. Alexa. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2020.
  251. ^ West, Stuart. “Wikipedia's Evolving Impact: slideshow presentation at TED2010” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2015.
  252. ^ SAI (ngày 7 tháng 10 năm 2011). “The World's Most Valuable Startups”. Business Insider. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2014.
  253. ^ “Research: Wikipedia Readership Survey 2011/Results – Meta”. Wikimedia. ngày 6 tháng 2 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2014.
  254. ^ Jahangir, Ramsha (ngày 23 tháng 4 năm 2020). “Wikipedia breaks five-year record with high traffic in pandemic”. DAWN.COM (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2020.
  255. ^ Sharma, Raghav (ngày 19 tháng 2 năm 2009). “Wikipedian Justice”. SSRN 1346311. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  256. ^ Shaw, Donna (February–March 2008). “Wikipedia in the Newsroom”. American Journalism Review. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2008.
  257. ^ Jose Antonio Vargas (ngày 17 tháng 9 năm 2007). “On Wikipedia, Debating 2008 Hopefuls' Every Facet”. The Washington Post. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2008.
  258. ^ “Die Quadriga – Award 2008”. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2008.
  259. ^ “Erasmus Prize – Praemium Erasmianum”. Praemium Erasmianum Foundation. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2015.
  260. ^ “Premio Princesa de Asturias de Cooperación Internacional 2015”. Fundación Princesa de Asturias. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2015.
  261. ^ “The Office: The Negotiation, 3.19”. ngày 5 tháng 4 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014.
  262. ^ Bakken, Janae. "My Number One Doctor"; Scrubs; ABC; ngày 6 tháng 12 năm 2007.
  263. ^ “Professor Wikipedia” (Video). CollegeHumor. ngày 17 tháng 11 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2011.
  264. ^ “Interview With Nick Doody and Matt Kirshen”. British Comedy Guide. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 9 năm 2009. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2009.
  265. ^ Bosman, Julie (ngày 13 tháng 3 năm 2012). “After 244 Years, Encyclopaedia Britannica Stops the Presses”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2015.
  266. ^ Encyclopedia Britannica Dies At The Hands Of Wikipedia, Gizmocrazed.com (with statista infographic from NYTimes.com)”. Gizmocrazed.com. ngày 20 tháng 3 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2014.
  267. ^ Christopher Caldwell (journalist) (ngày 14 tháng 6 năm 2013). “A chapter in the Enlightenment closes”. ft.com. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2013. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2013. Bertelsmann did not resort to euphemism this week when it announced the end of the Brockhaus encyclopedia brand. Brockhaus had been publishing reference books for two centuries when the media group bought it in 2008. [...] The internet has finished off Brockhaus altogether. [...] What Germans like is Wikipedia.
  268. ^ “The amorality of Web 2.0”. Rough Type. ngày 3 tháng 10 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 8 năm 2006. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2006.
  269. ^ Alison Flood (ngày 7 tháng 2 năm 2013). “Alison Flood: Should traditional biography be buried alongside Shakespeare's breakfast?. The Guardian. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2014.
  270. ^ Rada Mihalcea and Andras Csomai (2007). Wikify! Linking Documents to Encyclopedic Knowledge Lưu trữ 2016-02-18 tại Wayback Machine Proc. CIKM.
  271. ^ David Milne and Ian H. Witten (2008). Learning to link with Wikipedia. Proc. CIKM.
  272. ^ “Wikipedia-Mining Algorithm Reveals World's Most Influential Universities: An algorithm's list of the most influential universities contains some surprising entries”. MIT Technology Review. ngày 7 tháng 12 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 2 năm 2016. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2015.
  273. ^ Marmow Shaw, Jessica (ngày 10 tháng 12 năm 2015). “Harvard is only the 3rd most influential university in the world, according to this list”. MarketWatch. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2015.
  274. ^ a b Bothwell, Ellie (ngày 15 tháng 12 năm 2015). “Wikipedia Ranking of World Universities: the top 100. List ranks institutions by search engine results and Wikipedia appearances”. Times Higher Education. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2015.
  275. ^ Wikipedia has become a science reference source even though scientists don't cite it Lưu trữ 2018-02-10 tại Wayback Machine Science News, 2018
  276. ^ Science Is Shaped by Wikipedia: Evidence from a Randomized Control Trial Lưu trữ 2017-12-21 tại Wayback Machine SSRN, 2017
  277. ^ Sarabadani, A., Halfaker, A., & Taraborelli, D. (2017). Building automated vandalism detection tools for Wikidata. In Proceedings of the 26th International Conference on World Wide Web Companion (pp. 1647–1654). International World Wide Web Conferences Steering Committee.
  278. ^ Potthast, M., Stein, B., & Gerling, R. (2008). Automatic vandalism detection in Wikipedia Lưu trữ 2019-01-12 tại Wayback Machine. In European conference on information retrieval (pp. 663–668). Springer, Berlin, Heidelberg.
  279. ^ Asthana, S., & Halfaker, A. (2018). With Few Eyes, All Hoaxes are Deep. Proceedings of the ACM on Human-Computer Interaction, 2(CSCW), 21.
  280. ^ Heart Internet. “Website discussing the emulator of the Domesday Project User Interface”. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 1 năm 2007. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2014.
  281. ^ Frauenfelder, Mark (ngày 21 tháng 11 năm 2000). “The next generation of online encyclopedias”. CNN.com. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 8 năm 2004.
  282. ^ The Free Encyclopedia Projectgnu.org ( Lưu trữ 2012-01-05 tại Wayback Machine)
  283. ^ Lyman, Jay (ngày 20 tháng 9 năm 2006). “Wikipedia Co-Founder Planning New Expert-Authored Site”. LinuxInsider. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2007.

Liên kết ngoài