Wikipedia:Giữ một cái đầu lạnh
Trang này là một bài luận chứa lời khuyên hoặc quan điểm của một hoặc nhiều thành viên Wikipedia. Bài luận không phải là quy định hay hướng dẫn của Wikipedia. Bài luận có thể đại diện cho tầm nhìn chung của đa số thành viên nhưng cũng có thể chỉ đại diện cho quan điểm của thiểu số. |
Wikipedia đôi khi phải chứng kiến những cuộc tranh luận gay gắt, nhưng xin bạn nhớ rằng các cuộc tranh luận nảy lửa sẽ phản tác dụng và chỉ khiến Wikipedia trở nên ít thân thiện hơn đối với mọi người.
Dưới đây là một danh sách ngắn các lời khuyên của những thành viên kì cựu:
- Nếu ai đó không đồng tình với bạn, hãy cố gắng tìm hiểu xem tại sao họ lại như vậy. Hãy lắng nghe mọi người, hãy dành thời gian để giải thích cho họ lý do tại sao bạn cho rằng đề nghị của mình là thích hợp hơn.
- Đừng tấn công cá nhân các thành viên khác, hãy cố gắng giữ thiện ý hết mức có thể. Dán nhãn cho các thành viên khác là "phản động", "thủ cựu",... chỉ khiến họ tức giận và tìm cách tự vệ. Khi ấy sẽ rất khó có được những thảo luận hữu ích.
- Hãy thảo luận một cách từ tốn. Chẳng có quy định nào về giới hạn thời gian cho mỗi thảo luận, vì thế nếu bạn đang tức giận, hãy tạm ngừng sửa đổi hay thảo luận. Trở lại sau một hay nhiều ngày, bạn sẽ thấy rằng có khi một ai đó đã đưa ra thảo luận hoặc sửa đổi phù hợp với ý của bạn.
- Khác với thảo luận trực diện khi ta có thể biểu đạt thái độ, ý muốn qua giọng nói, cử chỉ hay vẻ mặt, các cuộc thảo luận trực tuyến chỉ sử dụng các đoạn văn bản mà nội dung thường có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Vì thế, rất dễ sinh ra những hiểu nhầm về tâm trạng hay mục đích của người đối thoại đặc biệt là trong các tình huống bất đồng hoặc các cuộc thảo luận ở hồi cao trào. Để tránh rắc rối đó, bạn hãy cố gắng đưa ra những đề nghị hoặc câu trả lời rõ ràng, tìm hiểu kỹ lập luận hay chỉ trích của các thành viên khác, và hãy chuẩn bị để chứng minh rằng bạn đang lắng nghe họ. Hãy sử dụng những cách diễn đạt như "Có phải bạn muốn nói rằng [diễn giải về ý kiến của họ],..." hoặc "Theo như tôi hiểu thì..." để cho người đối thoại biết rằng bạn đang chú ý theo dõi thảo luận của họ chứ không chỉ chờ đợi để xen ý kiến riêng của bạn vào. Ngay cả khi bạn chắc chắn rằng mình không hiểu nhầm những gì người khác nói, hãy vẫn đọc kỹ thảo luận của họ vì có thể bạn đang bỏ sót một điểm quan trọng nào đó.
- Giữ thiện ý với người thảo luận và tin tưởng rằng họ cũng đang giữ thiện ý với mình. Wikipedia đã hoạt động hiệu quả một cách bất ngờ nhờ vào tính mở của nó, cũng có nghĩa là hầu hết mọi thành viên tại đây đều muốn giúp đỡ và đã thực sự thành công khi làm việc dựa vào thiện ý đó.
- Hãy chuẩn bị để xin lỗi. Vào những thời điểm cao trào của thảo luận, chúng ta đôi khi thốt ra những điều mà tốt hơn không nên nói, khi ấy ít ra chúng ta cũng có thể đền bù những sai sót ấy bằng một lời xin lỗi.
- Khi sửa đổi hãy hạn chế việc xóa bỏ những nội dung đã có sẵn. Hãy luôn nhớ rằng ai đó có thể tìm thấy những điều có ích trong các nội dung mà bạn xóa bỏ, bởi lẽ hầu hết mọi người – kể cả bạn – đều có thể trình bày một điều gì đó hữu ích. Việc xóa bỏ dễ làm các thành viên nổi giận và cảm thấy rằng họ phí thời giờ đóng góp tại đây, vì thế ít nhất hãy giải thích lý do xóa của bạn tại phần tóm tắt sửa đổi hoặc trong trang thảo luận của bài viết hay trang thảo luận của thành viên nếu bạn nghĩ rằng thành viên đó có thể sẽ quan tâm tới xóa bỏ của bạn.
- Đôi khi bạn chỉ cần dời đi chỗ khác. Có rất nhiều thành viên khác cùng tham gia Wikipedia và một hay nhiều người trong số họ sẽ tiếp tục thảo luận hay sửa đổi ở chỗ bạn bỏ lại. Đừng để các cuộc tranh cãi về sửa đổi hay những thảo luận nảy lửa chiếm chỗ vào thời gian tham gia Wikipedia của bạn, hãy dùng khoảng thời gian có ích đó để nâng cấp các bài viết khác, hoặc đơn giản là hãy tạm nghỉ một thời gian để ăn một thứ gì đó và hít thở không khí trong lành.
- Hãy nghĩ xem hành động của bạn sẽ khiến mọi việc trở nên tốt đẹp hơn hay tồi tệ hơn. Nếu nó khiến cho mọi việc trở nên xấu hơn, hãy cân nhắc đừng làm chúng.
- Đừng nghiêm trọng hóa mọi thứ. Wikipedia chỉ là một sở thích chứ không phải một nghĩa vụ hay lời cam kết của bạn. Hãy luôn giữ tinh thần cộng đồng và chung tay đóng góp hiệu quả như một cộng đồng.
- Hãy thư giãn trong chỗ thử nghiệm của Wikipedia, tại đó bạn sẽ thấy thư thái hơn vì không cần tuân theo mọi quy tắc nhưng cũng lại vẫn được hoạt động trong môi trường Wikipedia.
- Xin nhớ rằng bạn không phải luôn luôn đúng – đôi khi bạn có thể sai lầm – có những lúc bạn hoàn toàn sai lầm.
Đối phó với sự xúc phạm
sửaĐôi khi tại Wikipedia, bạn sẽ bị xúc phạm bởi các thành viên bất chấp quy tắc không tấn công cá nhân, có vài cách để bạn đối phó với sự xúc phạm đó:
- Phớt lờ chúng. Tiếp tục làm công việc của bạn và chẳng cần lo nghĩ về những lời tấn công đó, vì bạn không bắt buộc phải đáp trả.
- Lịch sự đề nghị thành viên mà bạn cho rằng đã xúc phạm mình rút lại những gì họ đã nói. Đôi khi họ chỉ vô tình xúc phạm và không nhận ra rằng những lời nói của họ có thể bị hiểu theo cách đó. Vài người sẽ thay đổi cách cư xử khi thấy họ đang làm người khác khó chịu. Cũng cần nói rằng việc đề nghị một lời xin lỗi hay rút lại lời tấn công ít khi đem lại hiệu quả.
Nếu chính bản thân bạn vì vô tình hay tức giận mà xúc phạm người khác, một lời xin lỗi sẽ giúp làm bình ổn vấn đề. Nếu bạn thực sự muốn xúc phạm người khác và không thể xin lỗi một cách chân thành, tốt nhất hãy giữ im lặng. Nếu cách đó không hiệu quả, hay xem lại cách tiếp cận vấn đề của bạn, hãy cố tập trung vào những chi tiết mà bạn không đồng tình thay vì tấn công cá nhân người khác. - Thay vì đáp trả sự xúc phạm bằng những lời xúc phạm khác, hay trở nên giận dữ, hãy thử tập trung tìm hiểu xem tại sao họ lại xúc phạm bạn. Trong nhiều trường hợp có thể họ muốn giỡn chơi với bạn, trong những trường hợp khác, hãy đừng để vấn đề của họ trở thành vấn đề của bạn. Hãy nhớ rằng chúng ta đã có quá đủ rắc rối trong cuộc đời thực.
Khi chúng ta điều chỉnh một vi phạm về thái độ trung lập tại Wikipedia, để tránh những tranh cãi không cần thiết, tốt hơn hết hãy làm theo quy tắc sau:
- Hỏi một cách lịch sự tại trang thảo luận của bài viết về phần mà bạn coi là không trung lập (trừ trường hợp chúng vi phạm một cách quá đáng) và đề nghị những sửa đổi của bạn.
- Nếu không có hồi đáp, hãy thực hiện sửa đổi.
- Nếu có hồi đáp, hãy cố gắng đạt được đồng thuận về các sửa đổi của bạn.
Theo cách đó, các cuộc bút chiến sẽ khó lòng xảy ra cho tới khi các thành viên đồng thuận được về sửa đổi. Đương nhiên cách này có nhược điểm là chúng đòi hỏi một thời gian chờ đợi dài, nhưng một bài viết có nội dung cứ 5 giây lại bị thay đổi một lần thì cũng chẳng có ấn tượng đẹp hơn đối với các thành viên Wikipedia khác. Cách làm này có thể không hiệu quả đối với những thành viên đơn giản là không muốn viết một bài viết trung lập, nhưng với các thành viên có xu hướng chỉ hơi mất trung lập khi viết bài thì thông thường chúng sẽ đem lại hiệu ứng tốt.
Khẩu quyết
sửaNếu bạn coi mình là một thành viên bình tĩnh và biết giữ một cái đầu lạnh, vậy hãy áp dụng khẩu quyết sau khi hoạt động trên Wikipedia:
- "Tôi sẽ luôn giữ thiện ý về những thành viên khác và luôn tỏ thái độ văn minh tại mọi thời điểm, ngay cả đối với những ai không lịch sự với tôi. Tôi sẽ KHÔNG tấn công cá nhân các thành viên khác hay phá hoại Wikipedia để chứng tỏ quan điểm của mình. Trong những tranh luận về nội dung bài viết, tôi sẽ KHÔNG tham gia bút chiến mà sẽ cố gắng thảo luận với các thành viên bất đồng quan điểm để tìm ra biện pháp giải quyết mâu thuẫn."
Khẩu quyết này sẽ giúp bạn bình tĩnh khi không khí của cuộc thảo luận bắt đầu nóng lên.