Wikipedia:Quy định biên tập
Trang này giải thích một quy định chính thức của Wikipedia tiếng Việt. Nó được đa số các thành viên chấp nhận và được xem là chuẩn mực mà tất cả các thành viên nên tuân thủ. Xin đừng sửa đổi trang này trừ khi sửa đổi của bạn đã được sự đồng thuận. Nếu bạn muốn đề nghị những sửa đổi hoặc hoài nghi về quy định nào đó, xin hãy sử dụng trang thảo luận. |
Tóm tắt trang này: Cải thiện bài viết trong khả năng của bạn và đừng quá lo về việc để lại một sản phẩm không hoàn hảo. Giữ các giá trị mà người khác đã góp vào, dù họ có "làm sai" (hãy sửa lại cho đúng chứ đừng xóa đi). |
Để được trợ giúp sửa đổi, đọc bài Trợ giúp:Sửa đổi. |
Quy định chung |
---|
Nguyên tắc |
Quy định về nội dung |
Quy định về cách ứng xử |
Các thể loại quy định khác |
Quy ước |
Wikipedia là thành quả từ hàng triệu đóng góp của các biên tập viên mà thành. Tương tự như "kiến tha lâu đầy tổ", mỗi người đóng góp cho Wikipedia trong khả năng và theo cách của riêng mình như: kỹ năng nghiên cứu, chuyên môn, khả năng viết lách hay các thông tin nhỏ lẻ, nhưng quan trọng nhất là luôn sẵn lòng tham gia giúp đỡ. Ngay cả những bài viết xuất sắc nhất cũng không nên được coi là hoàn chỉnh, vì một biên tập viên mới có thể đề ra cách thức mới để cải thiện bài vào bất kỳ thời điểm nào.
Thêm thông tin vào Wikipedia
Nhiệm vụ của Wikipedia là cung cấp các bài viết bách khoa về các kiến thức phổ quát đến với độc giả (như đã trình bày trong WP:KHONG). Đại khái là Wikipedia càng truyền tải được nhiều kiến thức phổ quát (tri thức được chấp nhận trong khuôn khổ nhất định) đến cho độc giả thì càng tốt. Xin hãy mạnh dạn đóng góp kiến thức bách khoa cho Wikipedia bằng cách viết bài mới hoặc thêm thắt nội dung cho các bài viết đã có, và xin hãy đặc biệt thận trọng cũng như cân nhắc thấu đáo khi loại bỏ các thông tin có nguồn kiểm chứng. Quy định của Wikipedia là các thông tin trong bài phải kiểm chứng được và không được phép tồn tại nghiên cứu chưa công bố. Bạn có thể chứng minh rằng nội dung bạn đưa vào có khả năng kiểm chứng được bằng cách dẫn kèm theo các nguồn đáng tin cậy. Các dữ kiện không nguồn có thể bị gây khó dễ và loại bỏ khỏi bài; bởi vì tại Wikipedia, thà thiếu nội dung còn hơn là chứa chấp nội dung sai lệch hoặc gây hiểu lầm, dẫn lái độc giả. Wikipedia có phải là một bách khoa toàn thư uy tín hay không chính là phụ thuộc vào việc nội dung trong bài có đáng tin cậy và có thể kiểm chứng được hay không. Để tránh viễn cảnh xấu xảy ra, cách tốt nhất là hãy dẫn nguồn bằng các "chú thích trong hàng" ngay lúc bạn biên tập bài (xem hướng dẫn chú thích nguồn gốc).
Mặc dù trích dẫn nguồn đáng tin cậy là điều cần thiết, nhưng khi phát triển bài viết dựa trên các nguồn này, xin đừng sao chép hoặc viết lại quá sát nội dung của một nguồn có bản quyền. Wikipedia rất coi trọng vấn đề bản quyền. Bạn nên đọc các nguồn tham khảo, nắm bắt thông tin rồi sau đó diễn đạt lại bằng lời văn của mình.
Biên tập viên cũng có thể cải thiện một bài viết bằng cách bổ sung nguồn chú giải cho những nội dung chưa được chú thích nguồn gốc, đặc biệt là khi bạn bắt gặp những thông tin có khả năng gây tranh cãi. Ai cũng có thể giúp bổ sung nguồn cho các thông tin trong bài, không nhất thiết chỉ có người đã viết ra nội dung đó.
Wikipedia là một sản phẩm đang được hoàn thiện
Không cần phải hoàn hảo: Wikipedia là một sản phẩm đang được hoàn thiện. Ý nghĩa của việc cộng tác biên tập chính là khiến những bản nháp dở dang viết kém ban đầu có thể phát triển dần thành những bài viết xuất sắc theo thời gian. Chúng tôi hoan nghênh cả những bài viết kém nếu chúng có tiềm năng cải thiện. Ví dụ, một người có thể khởi tạo một bài viết mang nội dung khái quát về một chủ đề hoặc một vài sự thật ngẫu nhiên. Sau đó, một người khác có thể vào giúp định dạng hoặc bổ sung vài dữ kiện và số liệu hoặc hình ảnh. Rồi một người khác nữa có thể giúp cân bằng lại các quan điểm trong bài, đồng thời kiểm chứng xem thông tin có xác thực hay không và thêm chú thích nguồn gốc cho bài viết. Tại bất kỳ thời điểm nào trong suốt quá trình này, bài viết đều có thể trở nên thiếu tổ chức với nội dung chưa đạt chuẩn.
Trung lập khi viết về nhân vật còn sống hoặc mới qua đời
Dù không cần phải hoàn hảo nhưng vẫn là nên cẩn trọng trong các bài viết về nhân vật còn sống. Thông tin gây tranh cãi về người còn sống (hoặc vừa mới qua đời) mà không có nguồn hoặc có nguồn yếu – dù tiêu cực, tích cực, trung lập hay chỉ đang đặt nghi vấn – cần phải được kiểm chứng ngay lập tức bằng các nguồn đáng tin cậy. Thông tin trong bài cũng phải được diễn giải một cách trung lập mà không nhấn mạnh quá mức về bên nào cả. Nếu không, các thông tin đó phải được loại bỏ ngay lập tức mà không cần thông qua thảo luận.
Khắc phục vấn đề
Cố gắng khắc phục vấn đề nếu bạn có thể, nếu không hãy treo biển hoặc xóa khỏi bài. Hãy giữ lại các nội dung thích hợp. Tất cả các thông tin, dữ kiện hoặc ý tưởng nên thuộc về bách khoa toàn thư thì nên được giữ lại tại Wikipedia. Vì Wikipedia là một bách khoa toàn thư.
Tương tự, những dữ kiện hoặc ý tưởng nào được thêm vào bài sẽ chỉ được giữ lại nếu nó đáp ứng ba quy định cốt yếu về nội dung của Wikipedia: quan điểm trung lập (không đồng nghĩa với không có quan điểm), kiểm chứng được và không tồn tại nghiên cứu chưa công bố.
Thay vì xóa các nội dung được diễn đạt kém, hãy cân nhắc xem liệu bạn có thể chỉnh lại cách hành văn, định dạng lại bài, thêm nguồn luôn tại lúc đó hoặc gắn các bản mẫu cần thiết. Nếu bạn thấy bài viết này cần phải được biên tập lại một cách đáng kể, hãy làm thế, nhưng bạn nên nói về lý do sửa đổi của mình tại trang thảo luận bài viết. Quá trình biên tập thường sẽ giúp cho các bài viết đạt được chất lượng ngày càng cao theo thời gian. Các bài viết chất lượng trên Wikipedia là thành quả và công sức của nhiều biên tập viên.
Thay vì xóa nội dung ra khỏi bài, hãy xem thử liệu bạn có thể:
- Diễn đạt lại hoặc chỉnh sửa sao chép để cải thiện ngữ pháp hoặc trình bày nội dung sao cho bám sát các nguồn hơn.
- Chỉ chỉnh sửa lại những chỗ sai mà không đụng đến phần còn lại.
- Hợp nhất hoặc chuyển nội dung sang một bài khác phù hợp hơn, hoặc tách nội dung đó ra thành một bài hoàn toàn mới.
- Bổ sung một quan điểm khác vào để bài cân đối hơn.
- Yêu cầu chú giải nguồn bằng cách thêm bản mẫu {{cần chú thích}} hoặc bất kỳ Bản mẫu:Thẻ dọn dẹp trong dòng nào mà bạn thấy phù hợp.
- Tìm kiếm và tự bổ sung thêm nguồn vào cho bài viết.
- Gắn các bản mẫu dọn dẹp tương ứng cho các phần mà bạn không thể tự sửa được.
- Thay các nguồn chết bằng cách tìm một URL khác hoặc URL lưu trữ của link gốc.
- Hợp nhất toàn bộ bài viết vào một bài viết khác, khi đó bài gốc sẽ biến thành một trang chuyển hướng (như được mô tả khi thực hiện hợp nhất).
- Sửa các lỗi về mã wiki hoặc định dạng.
Còn nếu bạn thấy nội dung này có thể là tiền đề cho một bài viết con mới hoặc chỉ đơn giản là bạn không chắc chắn về việc lược bỏ nó ra khỏi Wikipedia, hãy cân nhắc liệu bạn có thể sao chép thông tin qua bên trang thảo luận để bàn với các thành viên khác hay không. Nếu bạn thấy nội dung này nên được dời sang một bài khác phù hợp hơn, hãy cân nhắc chuyển nó sang trang thảo luận trước để các biên tập viên bên mảng đó quyết định xem nên đưa nội dung đó vào bài sao cho thích hợp.
Vấn đề cần xem xét loại bỏ
Vài quy định cốt lõi của Wikipedia có nêu một số trường hợp nên xóa thông tin khỏi một bài viết hơn là giữ lại. Wikipedia:Thông tin kiểm chứng được nói về việc xử lý các tư liệu không có nguồn gốc và gây tranh cãi. Wikipedia:Không đăng nghiên cứu chưa được công bố bàn luận về việc cần loại bỏ các nghiên cứu chưa công bố. Những gì không phải là Wikipedia mô tả các loại nội dung không phù hợp tồn tại ở Wikipedia. Wikipedia:Thái độ trung lập hướng dẫn cách cân bằng các dữ kiện trong bài sao cho đừng nhấn mạnh quá mức một quan điểm nào, bằng cách loại bỏ các thông tin thứ yếu, quan điểm thiểu số hoặc dữ kiện không có nguồn mạnh. Ngoài ra, nội dung trong bài nên tránh bị trùng lặp (ngoại trừ phần mở đầu, vì nó tóm tắt nội dung của toàn bộ bài viết nên nghiễm nhiên phải trùng lặp).
Các thông tin phỉ báng, vô nghĩa và mang tính phá hoại nên bị loại bỏ hoàn toàn, cũng như những tư liệu vi phạm bản quyền hoặc không được củng cố bằng các nguồn đáng tin cậy đã xuất bản.
Cần đặc biệt lưu ý đến tiểu sử người đang sống, đặc biệt là khi xử lý các thông tin không có nguồn hoặc nguồn yếu. Biên tập viên viết các bài đó cần phải tự tìm hiểu và cập nhật các quy chế bổ sung được quy định tại Wikipedia:Tiểu sử người đang sống.
Thảo luận và biên tập
Hãy mạnh dạn cập nhật các bài viết, đặc biệt là khi bạn sửa đổi nhỏ hay muốn khắc phục vấn đề nào đó. Không cần phải tham khảo ý kiến các tác giả của bài trước khi biên tập, vì không ai sở hữu bài viết cả. Nếu thấy rằng mình có thể khắc phục một vấn đề nào đó, hãy thực hiện. Tuy nhiên nên thảo luận nếu bạn thấy sửa đổi có thể gây tranh cãi hoặc khi ai đó phản bác lại sửa đổi của bạn (bằng cách lùi sửa hoặc đặt vấn đề tại trang thảo luận). Đó chính là chu trình "dám sửa, lùi sửa, thảo luận" (BRD) – diễn ra khi các sửa đổi có thể gây tranh cãi được hình thành.
Mạnh dạn không đồng nghĩa với việc cố áp đặt các chỉnh sửa của mình khi nó đi ngược lại với đồng thuận của cộng đồng hoặc vi phạm các quy định cốt lõi của Wikipedia như thái độ trung lập và thông tin kiểm chứng được. Không được phép biện minh rằng các hành động đó được phép vì nó là việc đã rồi.
Kiên nhẫn giải thích
Hãy kiên nhẫn giải thích lý do sửa đổi của bạn. Khi biên tập bài, sửa đổi của bạn càng táo bạo hoặc gây tranh cãi bao nhiêu thì bạn càng phải giải thích nó bấy nhiêu. Hãy chắc chắn là bạn có giải thích cho sửa đổi của mình bằng một tóm lược sửa đổi phù hợp. Khi thực hiện một sửa đổi đáng kể, có thể thanh tóm lược sửa đổi sẽ không đủ chỗ để cho bạn giải thích hết; khi đó, bạn nên để lại một thông báo tại trang thảo luận. Xin ghi nhớ rằng việc ghi chú tại trang thảo luận khiến giải trình của bạn rõ ràng hơn, giúp mọi thứ được minh bạch, giảm thiểu khả năng gây ra hiểu lầm và khích lệ các thành viên thảo luận với nhau thay vì gây bút chiến.
Thận trọng khi sửa đổi lớn: thảo luận
Hãy thận trọng khi thực hiện một thay đổi lớn trong bài viết. Xin hãy ngăn chặn bút chiến ngay từ đầu bằng cách thảo luận về việc biên tập của bạn tại trang thảo luận bài viết trước khi tiến hành sửa đổi. Một ý tưởng nâng cấp của người này lại có thể là sự xúc phạm trong mắt người kia. Nếu bạn đã quyết táo bạo, hãy chịu khó giải thích chỉnh sửa của bạn một cách tường tận tại trang thảo luận nhằm tránh xảy ra bút chiến. Trước khi thực hiện một công cuộc biên tập lớn, hãy cân nhắc việc viết nháp tại một trang con thuộc trang thành viên của mình, liên kết nó đến trang thảo luận của bài viết để thuận tiện cho việc thảo luận.
Nhưng – Wikipedia không phải là một diễn đàn thảo luận
Dù bạn quyết định sửa đổi một cách mạnh tay hay muốn hành động cẩn trọng bằng cách thảo luận kỹ lưỡng trên trang thảo luận trước đều được. Nhưng xin ghi nhớ rằng Wikipedia không phải là một diễn đàn thảo luận. Tốt hơn hết, chúng ta chỉ nên dành thời gian và công sức của mình cho việc cải thiện bài viết, thay vì bảo vệ các ý tưởng và niềm tin cá nhân. Vấn đề này được thảo luận chi tiết hơn tại Wikipedia:Quy tắc ứng xử.
Sửa đổi quy định và quy tắc
Nội dung của các quy định và hướng dẫn chính là những gì mà hầu hết các thành viên Wikipedia đã nhất trí với nhau và do đó nên được diễn đạt sao cho phản ánh được sự đồng thuận đó tại thời điểm đó. Nhìn chung là cần đặc biệt thận trọng khi biên tập các quy định và hướng dẫn hơn là khi biên tập các bài viết thông thường. Các biên tập viên có thể thực hiện các sửa đổi nhỏ như chỉnh lại định dạng, cải thiện ngữ pháp và giải thích sao cho rõ ràng hơn. Nhưng những sửa đổi có thể làm thay đổi nội dung cốt lõi hoặc chính yếu của quy định và hướng dẫn cần phải được thông báo trước tại một trang thảo luận thích hợp. Nếu không có phản đối nào hoặc nếu cuộc thảo luận cho thấy có sự đồng thuận thì có thể tiến hành thay đổi đó. Các thay đổi lớn đó cũng như đề xuất các trang quy định mới nên được thông báo rộng rãi đến cho cộng đồng (xem thêm Wikipedia:Quy định và hướng dẫn#Đề xuất).
Sửa đổi và sắp xếp trang thảo luận
Bạn có thể đọc các bài sau để được hướng dẫn về cách chỉnh sửa trang thảo luận:
Xem thêm
- Đóng góp vào Wikipedia: bạn có thể đóng góp cho Wikipedia như thế nào.
- Sửa đổi gây hại: những điều không nên làm trên Wikipedia.
- Sửa đổi mâu thuẫn: cách giải quyết khi xảy ra mâu thuẫn sửa đổi.