Cổng thông tin:Thiên nhiên/Bài viết/Lưu trữ/1
Trang này lưu trữ các bài viết hiện trên trang Cổng thông tin:Thiên nhiên. Để thêm bài viết vào chủ đề xin hãy sử dụng bản mẫu dưới đây và thêm vào dưới cùng của trang này, vui lòng nhập tham số |mã=
là số tiếp theo của mã bài viết dưới cùng.
{{Chủ đề:Thiên nhiên/Bài viết/Lưu trữ/khung | 1 = {{{1|}}} | mã = | tiêu đề = | bài viết = | hình = | nội dung = }}
Trang Bản mẫu:TOC limit/styles.css không có nội dung.
Mặt trăng rỗng
Mặt Trăng rỗng là một giả thuyết cho rằng mặt trăng của Trái Đất hoàn toàn rỗng hoặc có chứa một không gian trong đáng kể. Chưa có bằng chứng khoa học nào ủng hộ cho giả thuyết này; các quan sát địa chấn và những dữ liệu khác thu thập được kể từ khi tàu vũ trụ bắt đầu quay quanh quỹ đạo hoặc đáp xuống Mặt Trăng cho thấy nó có lớp vỏ mỏng, lớp phủ dày và một lõi nhỏ đặc, mặc dù về tổng thể thì ít đặc hơn lõi Trái Đất. Tương tự như Trái Đất rỗng, Mặt Trăng rỗng cũng là một ý tưởng được khai thác nhiều trong khoa học viễn tưởng trước thời con người đặt chân lên vũ trụ. Cuộc thảo luận đầu tiên về Trái Đất rỗng là của nhà khoa học Edmund Halley vào năm 1692, trong khi ấn phẩm đầu tiên đề cập đến Mặt Trăng rỗng thì phải đến cuốn tiểu thuyết Tiên phong lên Mặt Trăng năm 1901 của H. G. Wells.
Các giả thuyết Mặt Trăng rỗng thường cho rằng nó là sản phẩm của một nền văn minh ngoài hành tinh, và bản thân nó là một con tàu vũ trụ, đi kèm với giả thuyết là niềm tin vào UFO hoặc các phi hành gia cổ đại.
Trái Đất rỗng
Trái Đất rỗng là một tập hợp các thuyết cho rằng Trái Đất hoặc là hoàn toàn rỗng hoặc có chứa một không gian rỗng đáng kể bên trong nó. Các thuyết này từ lâu đã bị phủ nhận bởi một số lượng lớn những bằng chứng quan trắc khoa học cũng như những hiểu biết hiện đại về sự hình thành các hành tinh. Hội đồng khoa học đã bác bỏ quan điểm này ít nhất là từ cuối thế kỷ 18.
Tuy nhiên, những thuyết về Trái Đất rỗng vẫn xuất hiện trong văn hóa dân gian và là tiền đề cho một nhánh của tiểu thuyết viễn tưởng chuyên viết về những thế giới ngầm dưới lòng đất. Nó cũng xuất hiện trong những học thuyết khoa học hiện đại như thuyết âm mưu và giả khoa học.
Chiêm tinh học
Chiêm tinh học là hệ thống bói toán ngụy khoa học tiên đoán về vấn đề nhân loại và sự kiện trần thế bằng cách nghiên cứu chuyển động và vị trí tương đối của thiên thể. Chiêm tinh học có niên đại ít nhất là khoảng thiên niên kỷ 2 TCN, và có nguồn gốc từ hệ thống lịch được sử dụng để dự đoán sự chuyển mùa và chu kỳ thiên thể như những dấu hiệu của sự giao tiếp với thần linh. Nhiều nền văn hóa chú trọng đến các sự kiện thiên văn, chẳng hạn như Hindu, Trung Quốc, và Maya đã phát triển các hệ thống phức tạp để dự đoán sự kiện trần thế bằng cách quan sát những thiên thể. Chiêm tinh học phương Tây là một trong những hệ thống chiêm tinh cổ nhất còn được sử dụng. Nó có thể có nguồn gốc từ vùng Lưỡng Hà vào thiên niên kỷ 2 TCN, sau đó lan sang Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại, thế giới Ả Rập và cuối cùng là Trung và Tây Âu. Chiêm tinh học phương Tây thời đó thường sử dụng hệ thống horoscope để giải thích các khía cạnh trong nhân cách con người và dự đoán những sự kiện tương lai trong cuộc sống dựa trên vị trí của các thiên thể khác.
Cò
Cò là tên gọi chung cho một số loài chim thuộc họ Hạc sinh sống tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nam Bộ của Việt Nam. Các loài cò thường có xu hướng sống trong môi trường khô ráo hơn. Nó có liên quan chặt chẽ đến các loài diệc, cò thìa và nhiều loài chim nhiệt đới. Cò không có ống tiêu và không có khả năng phát ra âm thanh. Nhiều loài cò có lối sống khá tự do, chúng đang thường xuyên di cư từ những vùng đô thị đến vùng nông thôn, đồng quê. Cò ăn ếch, cá, côn trùng, giun đất nhỏ, một số loài chim nhỏ và động vật có vú.
Coelurosauria
Khủng long đuôi rỗng là nhánh chứa tất cả các khủng long chân thú có quan hệ họ hàng gần gũi với các loài chim hơn là với carnosaur. Khủng long đuôi rỗng là một nhánh của khủng long chân thú bao gồm Compsognathidae, Tyrannosauridae, Ornitholestes, và Maniraptoriformes; Maniraptoriformes bao gồm các loài chim, các nhóm khủng long duy nhất còn sống tới ngày nay. Hầu hết các loài khủng long có lông vũ được phát hiện cho đến nay đã là khủng long đuôi rỗng; Philip J.Currie cho rằng có khả năng tất cả các khủng long đuôi rỗng đều có nhiều lông. Trong quá khứ, khủng long đuôi rỗng đã từng được sử dụng để chỉ tất cả các khủng long chân thú nhỏ, mặc dù phân loại này đã được bãi bỏ.
Ngũ hành
Theo triết học cổ Trung Hoa, tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản và luôn trải qua năm trạng thái là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ. Năm trạng thái này gọi là Ngũ hành, không phải là vật chất như cách hiểu đơn giản theo nghĩa đen trong tên gọi của chúng mà đúng hơn là cách quy ước của người Trung Hoa cổ đại để xem xét mối tương tác và quan hệ của vạn vật. Học thuyết Ngũ hành diễn giải sinh học của vạn vật qua hai nguyên lý cơ bản gọi là tương sinh và tương khắc.
Năm nguyên tố và các nguyên lý cơ bản của ngũ hành đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực hoạt động của người Trung Hoa và các quốc gia xung quanh từ thời cổ đại đến nay trong nhiều lĩnh vực như hôn nhân và gia đình, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, y học cổ truyền, quân sự...
Sách Đỏ IUCN
Sách Đỏ IUCN là danh sách toàn diện nhất về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới. Nó sử dụng một bộ tiêu chí để đánh giá nguy cơ tuyệt chủng của hàng ngàn loài và phân loài. Danh sách này được giám sát bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Những tiêu chí này có liên quan đến tất cả các loài và tất cả các khu vực trên thế giới. Với cơ sở khoa học mạnh mẽ, Sách Đỏ IUCN được công nhận là danh sách tốt nhất để điều tra đối với tình trạng đa dạng sinh học của một loài nào đó. Một loạt Sách Đỏ khu vực được xuất bản bởi các quốc gia hoặc tổ chức, nhằm đánh giá nguy cơ tuyệt chủng đối với các loài trong một đơn vị quản lý.
Tinh vân Con Cua
Tinh vân Con Cua là một tinh vân gió sao xung trong chòm sao Kim Ngưu, đồng thời là tàn tích của siêu tân tinh Thiên Quan khách tinh SN 1054. Tinh vân này được John Bevis quan sát năm 1731; nó tương ứng với siêu tân tinh sáng chói được các nhà thiên văn Trung Hoa và Ả Rập ghi nhận năm 1054.
Với cực đại phổ bức xạ ở vùng tia X và tia gamma trên 30 KeV, và trải rộng tới trên 1012 eV, tinh vân Con Cua nói chung là nguồn sáng bền vững có cường độ mạnh nhất trên bầu trời. Nằm ở khoảng cách khoảng 6.500 năm ánh sáng từ Trái Đất, tinh vân này có đường kính 11 năm ánh sáng và giãn nở với tốc độ khoảng 1.500 km mỗi giây.
Kiến tạo mảng
Kiến tạo mảng mô tả các chuyển động ở quy mô lớn của thạch quyển Trái Đất. Học thuyết này hoàn thiện các quan niệm trước đây về trôi dạt lục địa do Alfred Wegener đề xuất trong các thập niên đầu thế kỷ 20 và tách giãn đáy đại dương trong thập niên 1960.
Phần ngoài cùng nhất của Trái Đất được cấu tạo bởi thạch quyển nằm trên và quyển mềm bên dưới. Thạch quyển bao gồm vỏ Trái Đất và phần trên cùng nhất của quyển manti. Quyển mềm thuộc manti ở trạng thái rắn, nhưng có độ nhớt và ứng suất cắt tương đối thấp nên có thể chảy giống như chất lỏng nếu xét theo thời gian địa chất. Phần sâu nhất của manti bên dưới quyển mềm thì cứng do chịu áp suất lớn hơn.
Tắc kè lùn quần đảo Virgin
Tắc kè lùn quần đảo Virgin là một trong hai loài tắc kè mang danh hiệu "loài bò sát nhỏ nhất trên thế giới". Nó được tìm thấy trên ba hòn đảo trong quần đảo Virgin thuộc Anh: Virgin Gorda, Tortola, và đảo Moskito. S. parthenopion được phát hiện vào năm 1964 và được cho rằng là họ hàng gần của loài tắc kè lùn Sphaerodactylus nicholsi sống ở Puerto Rico gần đó. Nó chia sẻ chung vùng phân bố với tắc kè nhỏ vảy lớn vốn sinh sống trên các lá cây mục. Trái với S. macrolepis, S. parthenopion sinh sống trên các sườn đồi khô hơn mặc dù chúng cũng ưa thích các khu vực ẩm ướt nằm dưới các tảng đá vì chúng thiếu các cơ chế ngăn chặn việc mất nước - một vấn đề hóc búa do kích thước quá nhỏ của con vật.
Sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng–Cổ Cận
Sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn Trắng-Cổ Cận xảy ra cách đây khoảng 65,5 triệu năm vào cuối thời kỳ Maastricht, là hiện tượng các loài động thực vật tuyệt chủng với quy mô lớn trong một khoảng thời gian địa chất ngắn. Sự kiện này còn liên quan đến ranh giới địa chất giữa Kỷ Phấn Trắng và kỷ Paleogen, đó là một dải trầm tích mỏng được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Sự kiện này đánh dấu sự kết thúc của đại Trung Sinh và bắt đầu đại Tân Sinh. Các hóa thạch khủng long không thuộc lớp chim chỉ được tìm thấy bên dưới ranh giới k-T, điều này cho thấy rằng các khủng long khác chim đã tuyệt chủng trong sự kiện này.
Ấm lên toàn cầu
Nóng lên toàn cầu là hiện tượng nhiệt độ trung bình của không khí và các đại dương trên Trái Đất tăng lên theo các quan sát trong các thập kỷ gần đây. Trong thế kỷ XX, nhiệt độ trung bình của không khí gần mặt đất đã tăng 0,6 ± 0,2 °C. Theo báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, nhiệt độ trung bình của Trái đất ở cuối thế kỷ XIX đã tăng +0,8 °C và thế kỷ XX tăng 0,6 ± 0,2 °C. Các dự án mô hình khí hậu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu chỉ ra rằng nhiệt độ bề mặt Trái Đất sẽ có thể tăng 1,1 đến 6,4 °C trong suốt thế kỷ 21. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu nghiên cứu sự gia tăng nồng độ khí nhà kính sinh ra từ các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng làm cho nhiệt độ Trái Đất tăng lên kể từ giữa thế kỷ 20.
Đối xứng gương
Trong hình học đại số và vật lý lý thuyết, đối xứng gương là mối quan hệ giữa các vật thể hình học được gọi là những đa tạp Calabi-Yau. Các đa tạp này có thể trông rất khác nhau về mặt hình học nhưng được xem là tương đương nhau nếu chúng được dùng như những chiều thêm vào của lý thuyết dây. Trong trường hợp này, chúng được gọi là các đa tạp gương.
Ban đầu, đối xứng gương do các nhà vật lý lý thuyết phát triển nên. Giới toán học chỉ quan tâm tới mối quan hệ này từ khoảng năm 1990 khi nhóm nghiên cứu của Philip Candelas chỉ ra rằng có thể dùng nó làm một công cụ trong hình học liệt kê, một nhánh toán học liên quan tới việc đếm số nghiệm của các bài toán hình học.
Tương lai của Trái Đất
Tương lai của Trái Đất về mặt sinh học và địa chất có thể được ngoại suy dựa trên việc ước lượng những tác động trong dài hạn của một số yếu tố, bao gồm thành phần hóa học của bề mặt Trái Đất, tốc độ nguội đi ở bên trong của nó, những tương tác trọng lực với các vật thể khác trong hệ Mặt Trời, và sự tăng dần lên trong độ sáng của Mặt Trời. Nhân tố bất định trong phép ngoại suy này là ảnh hưởng liên tục của những công nghệ mà loài người phát minh ra, chẳng hạn như kỹ thuật khí hậu, có khả năng gây ra những thay đổi lớn tới Trái Đất. Sự kiện tuyệt chủng Holocen đang diễn ra là hậu quả của công nghệ và những tác động của nó có thể kéo dài tới năm triệu năm. Từ đó, công nghệ có khả năng sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người, để hành tinh quay trở lại nhịp độ tiến hóa chậm hơn chỉ nhờ vào những quá trình tự nhiên diễn ra một cách lâu dài.
Kẽm
Kẽm là một nguyên tố kim loại chuyển tiếp, ký hiệu là Zn và có số nguyên tử là 30. Nó là nguyên tố đầu tiên trong nhóm 12 của bảng tuần hoàn các nguyên tố. Kẽm, trên một số phương diện, có tính chất hóa học giống với magiê, vì ion của chúng có bán kính giống nhau và có số ôxy hoá duy nhất ở điều kiện bình thường là +2. Kẽm là nguyên tố phổ biến thứ 24 trong lớp vỏ Trái Đất và có 5 đồng vị bền. Quặng kẽm phổ biến nhất là quặng sphalerit, một loại kẽm sulfua. Những mỏ khai thác lớn nhất nằm ở Úc, Canada và Hoa Kỳ. Công nghệ sản xuất kẽm bao gồm tuyển nổi quặng, thiêu kết, và cuối cùng là chiết tách bằng dòng điện.
Xêsi
Xêsi là một nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn có ký hiệu Cs và số nguyên tử bằng 55. Nó là một kim loại kiềm mềm, màu vàng ngà, và với điểm nóng chảy là 28 °C khiến cho nó trở thành một trong các kim loại ở dạng lỏng tại hay gần nhiệt độ phòng. Xêsi là một kim loại kiềm, có tính chất vật lý và hóa học giống với rubidi, kali; là kim loại hoạt động mạnh, có khả năng tự cháy, phản ứng với nước thậm chí ở nhiệt độ −116 °C. Nó là nguyên tố có độ âm điện thấp thứ hai sau franxi, và chỉ có một đồng vị bền là xêsi-133. Xêsi được khai thác trong mỏ chủ yếu từ khoáng chất pollucit, trong khi các đồng vị phóng xạ khác, đặc biệt là xêsi-137 - một sản phẩm phân hạch hạt nhân, được tách ra từ chất thải của các lò phản ứng hạt nhân.
Giả thuyết vụ va chạm lớn
Giả thuyết vụ va chạm lớn cho rằng Mặt Trăng được tạo ra từ các mảnh vỡ để lại sau vụ va chạm giữa Trái Đất lúc trẻ với một thiên thể kích cỡ Sao Hỏa. Vụ va chạm xảy ra vào cỡ khoảng 4,5 tỷ năm trước, và ở khoảng 20 đến 100 triệu năm sau khi hệ Mặt trời ra đời. Đây là giả thuyết khoa học được ưa thích cho sự hình thành Mặt Trăng. Bằng chứng của giả thuyết này bao gồm các mẩu đá Mặt Trăng cho thấy bề mặt từng nóng chảy, lõi sắt tương đối nhỏ, tỷ trọng thấp hơn Trái Đất của Mặt Trăng, và chứng cứ của các vụ va chạm tương tự trong các hệ sao khác.
Vẫn còn một số vấn đề chưa được làm sáng tỏ xoay quanh giả thuyết này. Tỉ lệ đồng vị oxy của Mặt Trăng thực chất giống hệt như của Trái Đất, và không có bằng chứng nào chứng tỏ có sự góp mặt về thành phần của thiên thể nào. Các mẫu vật Mặt Trăng cũng không có tỉ lệ được dự đoán nguyên tố dễ bay hơi, các oxit sắt, hoặc các nguyên tố nhóm sắt, và không có chứng cứ nào cho thấy rằng Trái Đất từng có các đại dương macma như giả thuyết nhắc đến.
Hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch là một hệ thống bảo vệ vật chủ gồm nhiều cấu trúc và quá trình sinh học của cơ thể nhằm bảo vệ chống lại bệnh tật. Để hoạt động bình thường, hệ thống miễn dịch phải phát hiện được rất nhiều yếu tố, gọi là mầm bệnh, có thể là từ virus đến ký sinh trùng, và phải phân biệt chúng với những mô khỏe mạnh của cơ thể. Ở nhiều loài, hệ thống miễn dịch có thể được phân thành các hệ thống nhỏ hơn, chẳng hạn như hệ thống miễn dịch bẩm sinh với hệ thống miễn dịch thu được, hoặc miễn dịch thể dịch và miễn dịch qua trung gian tế bào. Ở người, hàng rào máu–não, hàng rào máu–dịch não và các hàng rào chất lỏng–não tương tự tách biệt hệ thống miễn dịch bình thường với hệ thống miễn dịch não, vốn chuyên bảo vệ não.
DNA
DNA là phân tử mang thông tin di truyền dưới dạng bộ ba mã di truyền quy định mọi hoạt động sống của các sinh vật và hầu hết virus.
DNA và RNA là những axit nucleic, cùng với protein, lipid và cacbohydrat cao phân tử đều là những đại phân tử sinh học chính có vai trò quan trọng thiết yếu đối với mọi dạng sống được biết đến. Phần lớn các phân tử DNA được cấu tạo từ hai mạch polyme sinh học xoắn đều quanh một trục tưởng tượng tạo thành chuỗi xoắn kép. Hai mạch DNA này được gọi là các polynucleotide vì thành phần của chúng bao gồm các đơn phân nucleotide. Mỗi nucleotide được cấu tạo từ một trong bốn loại nucleobase chứa nitơ — cytosine, guanine, adenine, thymine — liên kết với đường deoxyribose và một nhóm phosphat. Các nucleotide liên kết với nhau thành một mạch DNA bằng liên kết cộng hóa trị giữa phân tử đường của nucleotide với nhóm phosphat của nucleotide tiếp theo, tạo thành "khung xương sống" đường-phosphat luân phiên vững chắc.
Quang hợp
Quang hợp là quá trình thu nhận và chuyển hóa năng lượng ánh sáng mặt trời của thực vật, tảo và một số vi khuẩn để tạo ra hợp chất hữu cơ phục vụ bản thân cũng như làm nguồn thức ăn cho hầu hết các sinh vật trên Trái Đất. Quang hợp trong thực vật thường liên quan đến chất tố diệp lục màu xanh lá cây và tạo ra oxy như một sản phẩm phụ.
Năng lượng hóa học này được lưu trữ trong các phân tử cacbohydrat như đường, và được tổng hợp từ cacbon dioxit và nước. Do đó quá trình này có tên quang hợp, gồm hai từ Hán Việt quang – "ánh sáng", và hợp – "đặt lại với nhau". Tiếng Hy Lạp cũng tương tự, từ φῶς nghĩa là "ánh sáng", và σύνθεσις nghĩa là "tổng hợp lại". Trong hầu hết các trường hợp, oxy cũng được tạo ra như là một sản phẩm phụ. Hầu hết các thực vật, tảo và vi khuẩn lam thực hiện quang hợp, và các sinh vật như vậy được gọi là sinh vật quang dưỡng. Quang hợp giúp duy trì nồng độ oxy trong không khí và cung cấp tất cả các hợp chất hữu cơ và hầu hết các năng lượng cần thiết cho sự sống trên Trái Đất.
Sinh vật nhân thực
Sinh vật nhân thực là một sinh vật gồm các tế bào phức tạp, trong đó vật liệu di truyền được sắp đặt trong nhân có màng bao bọc.
Sinh vật nhân thực gồm có động vật, thực vật và nấm - hầu hết chúng là sinh vật đa bào - cũng như các nhóm đa dạng khác được gọi chung là nguyên sinh vật. Trái lại, các sinh vật khác, chẳng hạn như vi khuẩn, không có nhân và các cấu trúc tế bào phức tạp khác; những sinh vật như thế được gọi là sinh vật tiền nhân hoặc sinh vật nhân sơ. Sinh vật nhân thực có cùng một nguồn gốc và thường được xếp thành một siêu giới hoặc vực.
Vùng H II
Một vùng H II là một đám mây khí và plasma lớn, sáng với mật độ tập trung thấp trong đó đang diễn ra các hoạt động hình thành sao. Các ngôi sao khổng lồ xanh, nóng và trẻ trong vùng này phát ra một lượng lớn các tia cực tím, làm ion hóa và nung nóng các đám khí bao quanh chúng. Vùng H II-đôi khi có kích thước lớn đến hàng trăm năm ánh sáng-thường kết hợp với các đám mây phân tử khổng lồ nơi sẽ hình thành hệ thống ngôi sao, và từ đó các ngôi sao sẽ lại đóng góp vật chất vào vùng này. Vùng H II đầu tiên được khám phá ra là Tinh vân Lạp Hộ do Nicolas-Claude Fabri de Peiresc phát hiện vào năm 1610.
Do chứa chủ yếu các nguyên tử hidro bị ion hóa nên các nhà thiên văn gọi chúng là vùng H II.
Mắc ma
Mắc ma hay magma là đá nóng chảy, thông thường nằm bên trong các lò magma gần bề mặt Trái Đất. Mắc ma là hỗn hợp của silicat lỏng ở nhiệt độ và áp suất cao và là nguồn ban đầu của tất cả các loại đá mắc ma. Nó có khả năng xâm nhập vào các lớp đá thuộc phần vỏ cạnh kề hay phun trào ra ngoài bề mặt. Mắc ma tồn tại ở khoảng nhiệt độ từ 650 tới 1.200 °C. Mắc ma chịu áp suất cao trong lòng đất và khi phun trào lên bề mặt đất qua các miệng núi lửa ở dạng dung nham và chất phun trào nham tầng. Các sản phẩm phun trào của núi lửa thông thường chứa các chất lỏng, các tinh thể và các khí không hòa tan mà trước đó chưa bao giờ ra đến mặt Trái Đất. Mắc ma tập trung thành nhiều lò magma riêng rẽ trong lớp vỏ Trái Đất và có thành phần khác nhau một cách đáng kể tại các khu vực khác nhau, nó có thể được tìm thấy ở các đới hút chìm, đứt gãy hay sống núi giữa đại dương hoặc trên các điểm nóng chứa các chùm đá nóng của lớp phủ. Sự hình thành mắc ma chỉ có thể diễn ra theo một số điều kiện đặc biệt tại quyển mềm của Trái Đất.
Kiến tạo mảng
Kiến tạo mảng là một học thuyết mô tả các chuyển động ở quy mô lớn của thạch quyển Trái Đất. Học thuyết này hoàn thiện các quan niệm trước đây về trôi dạt lục địa do Alfred Wegener đề xuất trong các thập niên đầu thế kỷ 20 và tách giãn đáy đại dương trong thập niên 1960.
Phần ngoài cùng nhất của Trái Đất được cấu tạo bởi thạch quyển nằm trên và quyển mềm bên dưới. Thạch quyển bao gồm vỏ Trái Đất và phần trên cùng nhất của quyển manti. Quyển mềm thuộc manti ở trạng thái rắn, nhưng có độ nhớt và ứng suất cắt tương đối thấp nên có thể chảy giống như chất lỏng nếu xét theo thời gian địa chất. Phần sâu nhất của manti bên dưới quyển mềm thì cứng do chịu áp suất lớn hơn.
Thạch quyển bị vỡ ra thành các mảng kiến tạo và chúng trượt trên quyển mềm. Các mảng này di chuyển tương đối với nhau theo một trong ba kiểu ranh giới mảng: hội tụ hay va chạm; tách giãn, cũng được gọi là trung tâm tách giãn; và chuyển dạng. Các trận động đất, hoạt động núi lửa, sự hình thành các dãy núi, và rãnh đại dương đều xuất hiện dọc theo các ranh giới này. Sự dịch chuyển sang bên của các mảng vào khoảng 50–100 mm/năm.
Vi khuẩn lam
Vi khuẩn lam là một ngành vi khuẩn có khả năng quang hợp. Tên gọi "cyanobacteria" có nguồn gốc từ màu sắc của các loài vi khuẩn này.
Bằng việc tạo ra ôxy ở dạng khí như là một phụ phẩm của quá trình quang hợp, các vi khuẩn lam được người ta cho là đã chuyển đổi khí quyển mang tính khử ở thời kỳ đầu thành khí quyển mang tính ôxi hóa, một công việc đã thay đổi mãnh liệt thành phần sự sống trên Trái Đất bằng sự kích thích đa dạng sinh học và dẫn tới sự gần như tuyệt chủng của các sinh vật không chịu được ôxy. Theo thuyết nội cộng sinh, các lục lạp được tìm thấy trong thực vật và tảo nhân chuẩn đã tiến hóa từ các tổ tiên là vi khuẩn lam thông qua cơ chế nội cộng sinh.
Hành tinh
Hành tinh là thiên thể quay xung quanh một ngôi sao hay một tàn tích sao, có đủ khối lượng để nó có hình cầu hoặc hình gần cầu do chính lực hấp dẫn của nó gây nên, có khối lượng dưới khối lượng giới hạn để có thể diễn ra phản ứng hợp hạch của deuteri, và đã hút sạch miền lân cận quanh nó như các vi thể hành tinh.
Ý niệm về các hành tinh đã gắn liền với lịch sử của nó, từ những ngôi sao lang thang tượng trưng cho các vị thần của người xưa cho đến các thiên thể giống Trái Đất của thời đại khoa học. Khái niệm hành tinh đã được mở rộng cho các thiên thể không chỉ ở trong hệ Mặt Trời, mà cho hàng trăm hành tinh khác nằm ngoài hệ Mặt Trời. Nhiều sự mơ hồ xuất phát từ việc định nghĩa hành tinh đã gây ra rất nhiều tranh cãi khoa học. Trong thời kì cổ đại, các nhà thiên văn học đã chú ý tới những điểm sáng xác định di chuyển băng qua bầu trời như thế nào so với các ngôi sao khác. Thời Hy Lạp cổ đại, Trung Hoa cổ đại, Babylon và hầu hết các nền văn minh trung cổ, đều tin tưởng một cách tuyệt đối rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ và mọi "hành tinh" quay xung quanh Trái Đất.
Hẻm núi Linh dương
Hẻm núi Linh Dương là một hẻm núi được nhiều người tham quan và chụp ảnh nhất ở Tây Nam Hoa Kỳ. Nó nằm ở vùng đất xứ Navajo gần Page, Arizona. Hẻm núi Linh Dương gồm hai hẻm nhận ánh sáng riêng biệt, là hẻm núi Linh Dương thượng và hẻm núi Linh Dương hạ.
Trong tiếng Navajo, tên gọi cho hẻm núi Linh Dương thượng là Tsé bighánílíní, nghĩa là "nơi mà nước chảy qua đá". Hẻm núi Linh Dương hạ là Hazdistazí, hay "vòm đá xoắn ốc". Cả hai nằm trong LeChee Chapter của xứ Navajo.
Thác Niagara
Thác Niagara ở sông Niagara tại Bắc Mỹ, nằm ở đường biên giới của Hoa Kỳ và Canada. Thác Niagara bao gồm 3 thác riêng biệt: thác Horseshoe, thác Mỹ và một thác nhỏ hơn gần đó là thác Bridal Veil. Dù không cao nhưng các thác Niagara rất rộng. Với hơn 168.000 m³ nước đổ xuống mỗi phút vào thời điểm nhiều nhất, và trung bình gần 110.000 m³ mỗi phút, đây là thác nước mạnh nhất ở Bắc Mỹ.
Các thác Niagra nổi tiếng vì vẻ đẹp và nguồn giá trị cho thủy điện, một dự án gây thách thức cho bảo vệ môi trường. Là địa điểm du lịch nổi tiếng một thế kỷ, kỳ quan thiên nhiên này nằm giữa hai thành phố kết nghĩa Niagara Falls của Canada và Niagara Falls của Hoa Kỳ.
Gió
Gió là những luồng không khí chuyển động trên quy mô lớn. Gió thường được phân loại theo quy mô về không gian, tốc độ, lực tạo ra gió, các khu vực gió xảy ra, và tác động của chúng. Những cơn gió mạnh nhất được quan sát trên một hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta xảy ra trên sao Hải Vương và sao Thổ. Gió có những khía cạnh khác nhau, một là vận tốc của gió; hai là áp suất dòng khí; ba là tổng năng lượng của gió.
Trong khí tượng học, cơn gió thường được gọi theo sức mạnh của nó, và hướng gió thổi. Sự tăng tốc đột ngột của gió được gọi là cơn gió mạnh. Sự tăng tốc kéo dài của các cơn gió mạnh được gọi là gió giật. Gió với khoảng thời gian kéo dài hơn có những cái tên khác nhau kết hợp với tốc độ trung bình của gió, chẳng hạn như gió nhẹ, gió mạnh, bão, xoáy thuận nhiệt đới và bão cuồng phong.
Gió Mặt Trời
Gió Mặt Trời là một luồng hạt điện tích giải phóng từ vùng thượng quyển của Mặt Trời. Gió Mặt Trời mang các hạt electron và proton ở năng lượng cao, khoảng 500 KeV, vì thế chúng có khả năng thoát ra khỏi lực hấp dẫn của các ngôi sao nhờ năng lượng nhiệt cao này. Nhiều hiện tượng có thể được giải thích bằng gió Mặt Trời, trong đó bao gồm: bão từ, khi dòng hạt mang điện này tác dụng lên các đường cảm ứng từ của Trái Đất; hiện tượng cực quang, được sinh ra khi các hạt trong gió Mặt Trời tương tác với từ trường của các hành tinh và tạo nên các màu sắc đặc trưng ở ban đêm trên bầu trời; lời giải thích tại sao đuôi của các sao chổi luôn luôn hướng ra ngoài Mặt Trời; cùng với sự hình thành của các ngôi sao ở khoảng cách xa.
Sóng hấp dẫn
Trong vật lý học, sóng hấp dẫn là những dao động nhấp nhô bởi độ cong của cấu trúc Không–thời gian thành các dạng sóng lan truyền ra bên ngoài từ sự thăng giáng các nguồn hấp dẫn, và những sóng này mang năng lượng dưới dạng bức xạ hấp dẫn. Albert Einstein, vào năm 1916, dựa trên thuyết tương đối rộng của ông lần đầu tiên đã dự đoán có sóng hấp dẫn. Nhóm cộng tác khoa học Advanced LIGO đã thu được trực tiếp tín hiệu sóng hấp dẫn từ kết quả hai lỗ đen sáp nhập vào ngày 14 tháng 9 năm 2015 và phát hiện này được thông báo trong cuộc họp báo tổ chức ngày 11 tháng 2 năm 2016. Theo thuyết tương đối rộng, sóng hấp dẫn có thể phát ra từ một hệ sao đôi chứa sao lùn trắng, sao neutron hoặc lỗ đen. Hiện tượng sóng hấp dẫn là một trong những hệ quả của tính hiệp biến Lorentz cục bộ trong thuyết tương đối tổng quát, bởi vì tốc độ lan truyền tương tác bị giới hạn bởi đặc tính này. Nhưng trong lý thuyết hấp dẫn của Newton tất cả các vật tương tác tức thì với nhau, vì vậy không có sóng hấp dẫn trong lý thuyết cổ điển này.
Thuyết tương đối rộng
Thuyết tương đối rộng là lý thuyết hình học của lực hấp dẫn do nhà vật lý Albert Einstein công bố vào năm 1916 và hiện tại được coi là lý thuyết miêu tả hấp dẫn thành công của vật lý hiện đại. Thuyết tương đối tổng quát thống nhất thuyết tương đối hẹp và định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, đồng thời nó miêu tả lực hấp dẫn như là một tính chất hình học của không gian và thời gian, hoặc không thời gian. Đặc biệt, độ cong của không thời gian có liên hệ chặt chẽ trực tiếp với năng lượng và động lượng của vật chất và bức xạ. Liên hệ này được xác định bằng phương trình trường Einstein, một hệ phương trình đạo hàm riêng phi tuyến.
Nhật thực
Nhật thực là một hiện tượng thiên văn xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời và quan sát từ Trái Đất, lúc đó Mặt Trăng che khuất hoàn toàn hay một phần Mặt Trời. Điều này chỉ có thể xảy ra tại thời điểm sóc trăng non khi nhìn từ Trái Đất, lúc Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất và bóng của Mặt Trăng phủ lên Trái Đất. Trong lúc nhật thực toàn phần, đĩa Mặt Trời bị che khuất hoàn toàn. Với nhật thực một phần hoặc hình khuyên, đĩa Mặt Trời chỉ bị che khuất một phần.
Nếu Mặt Trăng có quỹ đạo tròn hoàn hảo, gần hơn Trái Đất một chút, và trong cùng mặt phẳng quỹ đạo, sẽ có nhật thực toàn phần xảy ra mỗi lần trong một tháng. Tuy nhiên, quỹ đạo của Mặt Trăng nghiêng hơn 5° so với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời, do vậy bóng của Mặt Trăng lúc trăng non thường không chiếu lên Trái Đất. Để hiện tượng nhật thực cũng như nguyệt thực xảy ra, Mặt Trăng phải đi qua mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất. Hơn nữa, quỹ đạo của Mặt Trăng có hình elip, và nó thường ở đủ xa Trái Đất khiến cho kích cỡ biểu kiến của nó không đủ lớn để che khuất hoàn toàn Mặt Trời lúc nhật thực.
Nguyệt thực
Nguyệt thực là hiện tượng thiên văn khi Mặt Trăng đi vào hình chóp bóng của Trái Đất, đối diện với Mặt Trời. Điều này chỉ có thể xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng hoặc xấp xỉ thẳng hàng với nhau, với Trái Đất ở giữa. Do vậy, nguyệt thực chỉ có thể xảy ra vào những ngày trăng tròn. Kiểu và chiều dài của nguyệt thực phụ thuộc vào vị trí của Mặt trăng so với các điểm nút quỹ đạo của nó.
Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi ánh sáng mặt trời trực tiếp bị bóng của trái đất che hoàn toàn. Ánh sáng duy nhất nhìn thấy được là khúc xạ qua bóng tối của trái đất. Ánh sáng này có màu đỏ vì cùng lý do hoàng hôn có màu đỏ, do sự tán xạ Rayleigh của các tia sáng màu có bước sóng ngắn hơn. Bởi vì màu đỏ của nó, nguyệt thực toàn phần đôi khi được gọi là mặt trăng máu.
Mây
Mây là khối các giọt nước ngưng tụ hay nước đá tinh thể treo lơ lửng trong khí quyển ở phía trên Trái Đất mà có thể nhìn thấy.
Hơi nước ngưng tụ tạo thành các giọt nước nhỏ hay tinh thể nước đá, cùng với hàng tỷ giọt nước hay tinh thể nước đá nhỏ khác tạo thành mây mà con người có thể nhìn thấy. Mây phản xạ tương đương nhau toàn bộ các bước sóng ánh sáng nhìn thấy, do vậy có màu trắng, nhưng chúng ta cũng có thể nhìn thấy mây màu xám hay xanh nếu chúng quá dày hoặc quá đặc do ánh sáng không thể đi qua.
Ong
Ong là loài côn trùng có tổ chức xã hội cao như kiến, mối. Ong sống theo đàn, mỗi đàn đều có ong chúa, ong thợ, ong non... và có sự phân công công việc rõ ràng. Ong có nhiều loài khác nhau, các loài được con người nuôi để khai thác sản phẩm như mật ong, sáp ong, sữa ong chúa,...
Ong thường sống thành đàn, nhiều nhất có khi tới 25.000 – 50.000 con, trong các tổ ở hốc cây, kẽ đá, bụi rậm, trong rừng, hoặc các tổ hòm cải tiến do người nuôi làm chỗ ở.
Kiến
Kiến là một họ côn trùng thuộc bộ Cánh màng. Các loài trong họ này có tính xã hội cao, có khả năng sống thành tập đoàn lớn có tới hàng triệu con. Nhiều tập đoàn kiến còn có thể lan tràn trên một khu vực đất rất rộng, hình thành nên các siêu tập đoàn. Các tập đoàn kiến đôi khi được coi là các siêu cơ quan vì chúng hoạt động như một thực thể duy nhất.
Kiến được tìm thấy trên tất cả các lục địa trừ Nam Cực, và chỉ có một vài quần đảo lớn như Greenland, Iceland, các phần của Polynesia và Hawaii thì không có các loài kiến bản địa. Kiến chiếm một dải các hốc sinh thái rộng, và có thể khai thác một dải rộng các nguồn thực phẩm hoặc trực tiếp hoặc là các động vật ăn cỏ, săn mồi và ăn xác chết gián tiếp. Hầu hết các loài kiến là động vật ăn tạp nhưng một vài loài chỉ ăn một thứ đặc trưng. Sự thống trị sinh thái của chúng có thể đo đạc thông qua sinh khối của chúng, và theo ước tính trong các môi trường khác nhau cho thấy rằng chúng đóng góp khoảng 15 – 20% trong tổng sinh khối động vật đất liền, cao hơn cả sinh khối của động vật có xương sống.
Sinh học vũ trụ
Sinh học vũ trụ là lĩnh vực nghiên cứu về nguồn gốc, tiến hóa, phân bố và tương lai của sự sống trong vũ trụ: sự sống ngoài Trái Đất và sự sống trên Trái Đất. Lĩnh vực đa ngành này bao gồm việc tìm kiếm các môi trường có thể sống được trong Hệ Mặt Trời và các hành tinh có thể cư trú được bên ngoài Hệ Mặt Trời, tìm kiếm bằng chứng về các hóa chất giúp hình thành sự sống, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thực địa nguồn gốc và tiến hóa ban đầu của sự sống trên Trái Đất, và nghiên cứu về khả năng của sự sống trong việc thích nghi với các thách thức trên Trái Đất và ngoài không gian. Sinh học vũ trụ trả lời cho câu hỏi liệu có sự sống trên ngoài Trái Đất không, và làm thế nào loài người phát hiện ra nếu điều đó thực sự xảy ra.
Vật lý thiên văn
Vật lý thiên văn là một phần của ngành thiên văn học có quan hệ với vật lý ở trong vũ trụ, bao gồm các tính chất vật lý của các thiên thể chẳng hạn như ngôi sao, thiên hà, và không gian liên sao, cũng như các ảnh hưởng qua lại của chúng. Công việc nghiên cứu Vật lý vũ trụ học là vật lý thiên văn mang tính lý thuyết trong phạm vi rộng nhất.
Bởi vì ngành vật lý thiên văn là một lĩnh vực rộng lớn, nên các nhà vật lý học thiên thể thường áp dụng các ngành khoa học khác trong vật lý, bao gồm cơ khí, điện từ học, cơ học thống kê, nhiệt động lực học, cơ học lượng tử, tính tương đối, vật lý nguyên tử, vật lý hạt nhân, và quang học. Trong thực nghiệm, ngành nghiên cứu thiên văn hiện đại bao gồm một phần quan trọng dựa trên nền tảng vật lý cơ bản. Tên gọi của ngành học trong các trường đại học thường liên quan nhiều đến lịch sử của ngành hơn là nội dung nghiên cứu. Vật lý thiên văn được đào tạo trong rất nhiều trường đại học với bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thông qua các khoa như kỹ thuật hàng không vũ trụ, vật lý hoặc thiên văn học.
Khói mù Luân Đôn
Đám sương khói khổng lồ là sự kiện ô nhiễm không khí nghiêm trọng ảnh hưởng đến Luân Đôn trong tháng 12 năm 1952. Từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 12 năm 1952 là một giai đoạn thời tiết lạnh, kết hợp với một gió thổi ngược và các điều kiện không có gió, thu thập các chất gây ô nhiễm không khí chủ yếu là từ việc sử dụng than đá để tạo thành một lớp dày của sương mù trên toàn thành phố. Thời điểm này đang là mùa đông, nhiệt độ không khí rất thấp, ẩm ướt và khí áp đè nặng trên bầu trời, làm cho Luân Đôn mấy ngày liền bị mây mù che phủ dày đặc không thấy ánh mặt trời. Hàng ngàn vạn ống khói từ kết quản đốt than đá vẫn nhả khói vào bầu trời, những cột khói đen đặc, nồng độ bụi khói gấp 10 lần bình thường, nồng độ gấp 6 lần, trong khói tác dụng với trong không khí tạo ra bọt , ngưng đọng trong bụi khói thành những đám axit. Đợt sương khói khổng lồ này kéo dài từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 12 năm 1952, và sau đó phân tán một cách nhanh chóng sau khi một sự thay đổi của thời tiết.
Thủy triều
Thủy triều là hiện tượng nước biển, nước sông... lên xuống trong một chu kỳ thời gian phụ thuộc biến chuyển thiên văn. Sự thay đổi tương tác hấp dẫn từ Mặt Trăng và Mặt Trời tới một điểm bất kỳ trên bề mặt Trái Đất trong khi Trái Đất quay đã tạo nên hiện tượng triều lên và triều xuống vào những khoảng thời gian nhất định trong một ngày.
Nguyên nhân của thủy triều là do thủy quyển có hình cầu dẹt nhưng bị kéo cao lên ở hai miền đối diện nhau tạo thành hình ellipsoid. Một đỉnh của ellipsoid nằm trực diện với Mặt Trăng - là miền nước lớn thứ nhất, do lực hấp dẫn của Mặt Trăng gây ra. Còn miền nước lớn thứ hai nằm đối diện với miền nước lớn thứ nhất qua tâm Trái Đất, do lực ly tâm tạo ra.
Thủy triều đạt cực đại khi mà cả Mặt Trăng và Mặt Trời cùng nằm về một phía so với Trái Đất, và mức triều phía đối diện lúc đó sẽ xuống điểm cực tiểu.
Thiên hà Tam Giác
Thiên hà Tam Giác là một thiên hà xoắn ốc cách Trái Đất xấp xỉ 3 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Tam Giác. Thiên hà Tam Giác là một thành viên trong nhóm Địa phương, bao gồm Ngân Hà và Thiên hà Tiên Nữ và khoảng 30 thiên hà nhỏ hơn khác.
Nếu mức ô nhiễm ánh sáng là đủ thấp, thiên hà Tam Giác có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Do là một thiên thể khuếch tán, tầm nhìn đến nó bị ảnh hưởng mạnh chỉ bởi một phần nhỏ ô nhiễm ánh sáng, từ có thể nhìn trực tiếp trong bầu trời tối đến rất khó quan sát trên bầu trời ở vùng đô thị hay thậm chí là nông thôn. Với lý do này, thiên hà Tam Giác là một trong những điểm giới hạn trên bầu trời của thang đo bầu trời-tối Bortle.
SARS-CoV-2
Virus corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng 2 là một chủng coronavirus gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona 2019, xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2019, trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19 ở thành phố Vũ Hán và bắt đầu lây lan nhanh chóng sau đó, trở thành một đại dịch toàn cầu. Virus này là một loại virus corona ARN liên kết đơn chính nghĩa. Virus corona đã biết gây ra cảm mạo cùng với các triệu chứng khá nghiêm trọng giống như Hội chứng hô hấp Trung Đông và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng. SARS-CoV-2 là phân dạng của virus corona mà từ trước đây chưa bao giờ phát hiện ở trong cơ thể người.
Khí quyển Trái Đất
Khí quyển Trái Đất là lớp các chất khí bao quanh hành tinh Trái Đất và được giữ lại bởi lực hấp dẫn của Trái Đất. Nó gồm có 78,1% nito và 20,9% oxy, với một lượng nhỏ argon, cacbon dioxit, hơi nước và một số chất khí khác. Bầu khí quyển bảo vệ cuộc sống trên Trái Đất bằng cách hấp thụ các bức xạ tử ngoại của Mặt Trời và tạo ra sự thay đổi về nhiệt độ giữa ngày và đêm.
Bầu khí quyển không có ranh giới rõ ràng với khoảng không vũ trụ nhưng mật độ không khí của bầu khí quyển giảm dần theo độ cao. Ba phần tư khối lượng khí quyển nằm trong khoảng 11 km đầu tiên của bề mặt hành tinh.
Xương rồng
Xương rồng là một họ thực vật mọng nước hai lá mầm và có hoa. Họ xương rồng có từ 25 đến 220 chi, tùy theo nguồn, trong đó có từ 1.500 đến 1.800 loài. Những cây xương rồng được biết đến như là có nguồn gốc từ châu Mỹ, nhất là ở những vùng sa mạc. Cũng có một số loại biểu sinh trong rừng nhiệt đới, những loại đó mọc trên những cành cây, vì ở đó mưa rơi xuống đất nhanh, cho nên ở đó thường xuyên bị khô. Cây xương rồng có gai và thân để chứa nước dự trữ.
Xương rồng gần như là loại thực vật đặc hữu ở châu Mỹ, ngoại trừ duy nhất là Rhipsalis baccifera, sinh trưởng chủ yếu ở vùng nhiệt đới, chủ yếu ở châu Phi, Madagascar và Sri Lanka, cũng như ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Loài này được cho là mới định cư gần đây ở các lục địa ngoài châu Mỹ, có thể là do các loài chim di cư mang theo dưới dạng hạt không tiêu hóa được. Nhiều loài xương rồng đã thích nghi với môi trường sống mới trên các khu vực khác của Trái Đất do được con người mang theo.
San hô
San hô là các sinh vật biển tồn tại dưới dạng các thể polip nhỏ giống hải quỳ, thường sống thành các quần thể gồm nhiều cá thể giống hệt nhau. Các cá thể này tiết ra cacbonat calci để tạo bộ xương cứng, xây nên các rạn san hô tại các vùng biển nhiệt đới.
Một "đầu" san hô thực tế được tạo từ hàng ngàn cá thể polip có cấu tạo gen giống hệt nhau, mỗi polip chỉ có đường kính vài milimet. Sau hàng ngàn thế hệ, các polip này để lại một khung xương là đặc trưng về loài của chúng. Mỗi đầu san hô phát triển nhờ sự sinh sản vô tính của các polip. San hô còn sinh sản hữu tính bằng các giao tử, được giải phóng đồng thời trong một thời kì từ một đến vài đêm liên tiếp trong kì trăng tròn.
Đảo rác Thái Bình Dương
Đảo rác Thái Bình Dương là một vòng xoáy rác thải ở trung tâm của Bắc Thái Bình Dương, đảo rác này kéo dài trên một khu vực rất rộng tùy thuộc vào mức độ tập trung của các chất thải nhựa để xác định phạm vi của nó. Đảo rác có đặc trưng bởi mật độ độ tương đối cao của chất dẻo pelagic, bùn hóa học và các mảnh vụn khác đã bị mắc kẹt bởi các dòng chảy của Bắc Thái Bình Dương. Mật độ thấp của nó ngăn ngừa sự dò tìm bằng ảnh vệ tinh, hoặc thậm chí bởi những người đi thuyền không thường xuyên hoặc thợ lặn trong khu vực. Nó bao gồm chủ yếu là sự gia tăng nhỏ các hạt lơ lửng, thường rất nhỏ, ở các cột nước phía trên.