Tên gọi Việt Nam
Tên gọi Việt Nam | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
Việt Nam qua các thời kỳ, triều đại nhà nước khác nhau với những tên gọi hoặc quốc hiệu khác nhau[1]. Bên cạnh đó, cũng có những danh xưng chính thức hoặc không chính thức để chỉ một vùng lãnh thổ thuộc Việt Nam.
Loạt bài Lịch sử Đông Nam Á | ||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
Tổng quát
sửaTên gọi của các nhà nước/triều đại
sửaDưới đây là danh sách tên gọi các nhà nước/triều đại từng tồn tại ở Việt Nam theo dòng lịch sử. Các quốc hiệu này đều được ghi chép trong các sách sử Việt Nam, hoặc được chính thức sử dụng trong nghi thức ngoại giao quốc tế.
Văn Lang (chữ Hán: 文郎) được coi là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam. Quốc gia này có kinh đô đặt ở Phong Châu nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Lãnh thổ bao gồm khu vực đồng bằng sông Hồng và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ. Quốc gia này tồn tại cho đến năm 258 TCN rồi bị thay thế bởi Âu Lạc.
Năm 257 TCN, nước Âu Lạc (甌雒, 甌駱[10], 甌貉) được dựng lên, từ việc liên kết các bộ lạc Lạc Việt (Văn Lang) và Âu Việt, dưới uy thế của Thục Phán – An Dương Vương. Âu Lạc có lãnh thổ bao gồm phần đất của Văn Lang trước đây cộng thêm vùng núi Đông Bắc Việt Nam và 1 phần Tây Nam Quảng Tây (Trung Quốc).
Khoảng cuối Thế kỷ 3 TCN, đầu Thế kỷ 2 TCN (năm 208 TCN hoặc 179 TCN[11]), Triệu Đà (Quận úy Nam Hải – nhà Tần) tung quân đánh chiếm Âu Lạc. Cuộc kháng cự của An Dương Vương thất bại, nhà nước Âu Lạc bị xóa sổ.
Năm 40, Hai Bà Trưng đã khởi nghĩa chống lại sự cai trị của nhà Hán. Sử cũ ghi chép hai bà đã lấy được 65 thành trì của nhà Hán tại các quận Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ, Hợp Phố, Nam Hải,... Hai bà xưng vương, với câu hịch nối lại nghiệp xưa vua Hùng, lập tên nước là Lĩnh Nam (嶺南), đóng đô tại Mê Linh, ngày nay thuộc huyện Mê Linh, Hà Nội. Trưng Trắc được bầu làm vua (Đế) của Lĩnh Nam, Trưng Nhị được bầu làm vương của Giao Chỉ, 6 quận của Lĩnh Nam là: Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ, Tượng Quận, Nam Hải và Quế Lâm mỗi quận có 1 vương gia. Năm 43, khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị đàn áp, bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc lần II.
Vạn Xuân (萬春) là quốc hiệu của Việt Nam trong một thời kỳ độc lập ngắn ngủi khỏi triều đình trung ương Trung Hoa của nhà Tiền Lý dưới sự lãnh đạo của Lý Nam Đế. Quốc hiệu này tồn tại từ năm 544 đến năm 602 thì bị nhà Tùy tiêu diệt.
Đại Cồ Việt (大瞿越) là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Đinh đến đầu thời nhà Lý, do Đinh Tiên Hoàng thiết đặt năm 968. Quốc hiệu này tồn tại 87 năm cho đến năm 1054, đời vua Lý Thánh Tông thì đổi sang quốc hiệu khác.
Đại Việt (大越) là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Lý, bắt đầu từ năm 1054, khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi. Quốc hiệu này tồn tại lâu dài nhất, dù bị gián đoạn 7 năm thời nhà Hồ và 20 năm thời thuộc Minh, kéo dài đến năm 1804, trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Tây Sơn, khoảng 724 năm.
Đại Ngu (大虞) là quốc hiệu của Việt Nam thời nhà Hồ. Quốc hiệu Đại Việt được đổi thành Đại Ngu năm 1400 khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền. Sau khi nhà Hồ bị thất bại trước nhà Minh, và nhà Hậu Lê giành lại độc lập cho Việt Nam, quốc hiệu của Việt Nam đổi lại thành Đại Việt.
Về quốc hiệu này, theo truyền thuyết, họ Hồ là con cháu vua Ngu Thuấn (là một trong Ngũ Đế nổi tiếng ở Trung Hoa thời thượng cổ); sau này con Ngu Yên là Vĩ Mãn được Chu Vũ vương của nhà Chu phong cho ở đất Trần gọi là Hồ Công, sau dùng chữ Hồ làm tên họ. Hồ Quý Ly nhận mình là dòng dõi họ Hồ, con cháu Ngu Thuấn, nên đặt quốc hiệu là Đại Ngu. Chữ Ngu (虞) ở đây có nghĩa là "sự yên vui, hòa bình", chứ không phải là từ "ngu" trong từ "ngu si" (愚癡).
Việt Nam
sửaQuốc hiệu Việt Nam (越南) chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Vua Gia Long đã dâng biểu đề nghị vua Gia Khánh nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt, với lý lẽ rằng "Nam" có ý nghĩa "An Nam" còn "Việt" có ý nghĩa "Việt Thường". Tuy nhiên, tên Nam Việt trùng với quốc hiệu của quốc gia cổ Nam Việt thời nhà Triệu, gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa lúc bấy giờ. Nhà Thanh yêu cầu nhà Nguyễn đổi ngược lại thành Việt Nam để tránh nhầm lẫn, và chính thức tuyên phong tên này năm 1804.
Giáp Tý, Gia Long năm thứ 3 [1804] (nhà Thanh năm Gia Khánh thứ 9), mùa xuân, tháng Giêng, sứ nhà Thanh là Án sát Quảng Tây Tề Bố Sâm đến cửa Nam Quan. [Trước đó] mùa hạ năm Nhâm Tuất [1801], [Gia Long] sai Trịnh Hoài Đức vượt biển đưa những sắc ấn của Tây Sơn trả lại nhà Thanh. [Sau đó] lại sai Lê Quang Định sang xin phong và xin đổi quốc hiệu: "Các đời trước mở mang cõi viêm bang, mỗi ngày một rộng, bao gồm cả các nước Việt Thường, Chân Lạp, dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm. Nay đã quét sạch miền Nam, vỗ yên được toàn cõi Việt, nên khôi phục hiệu cũ để chính danh tốt". Vua Thanh trước cho rằng chữ Nam Việt giống chữ Đông Tây Việt nên không muốn cho... Vua Thanh gửi thư lại nói: "Khi trước mới có Việt Thường đã xưng Nam Việt, nay lại được toàn cõi An Nam, theo tên mà xét thực thì nên tóm cả đất đai mở mang trước sau, đặt cho tên tốt, định lấy chữ Việt mào ở trên để tỏ rằng nước ta nhân đất cũ mà nối được tiếng thơm đời trước, lấy chữ Nam đặt ở dưới để tỏ rằng nước ta mở cõi Nam giao mà chịu mệnh mới, tên [Việt Nam] xưng chính đại, chữ nghĩa tốt lành, mà đối với tên gọi cũ của Lưỡng Việt ở nội địa [Trung Quốc] lại phân biệt hẳn"... Ngày Quý Mão, làm đại lễ bang giao... Sứ giả nhà Thanh đến, vào điện Kính Thiên làm lễ tuyên phong... Tháng 2, đặt quốc hiệu là Việt Nam. Ngày Đinh Sửu, đem việc cáo Thái miếu. Chiếu rằng: "... lấy ngày 17 tháng 2 năm nay, kính cáo Thái miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa".[12]
Tuy nhiên, tên gọi Việt Nam có thể đã xuất hiện sớm hơn. Ngay từ cuối thế kỷ XIV, đã có một bộ sách nhan đề Việt Nam thế chí (nay không còn) do Hàn lâm viện học sĩ Hồ Tông Thốc biên soạn. Cuốn Dư địa chí viết đầu thế kỷ XV của Nguyễn Trãi (1380 – 1442) nhiều lần nhắc đến 2 chữ "Việt Nam". Điều này còn được đề cập rõ ràng trong những tác phẩm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), ngay trang mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ đã có câu: "Việt Nam khởi tổ xây nền". Người ta cũng tìm thấy 2 chữ "Việt Nam" trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ XVI – XVII như bia chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Dương, bia chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Nội, bia chùa Phúc Thánh (1664) ở Bắc Ninh... Đặc biệt bia Thủy Môn Đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: "Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan" (đây là cửa ngõ yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc). Về ý nghĩa, phần lớn các giả thuyết đều cho rằng từ "Việt Nam" kiến tạo bởi hai yếu tố: chủng tộc và địa lý (người Việt ở phương Nam). Vua Minh Mạng cũng nhắc đến việc quốc hiệu Việt Nam có trước thời các chúa Nguyễn:[13]
Vua bảo thị thần rằng: “Trẫm lúc còn nhỏ, nghe trong dân gian có câu ca dao nói về chúa Nguyễn Việt Nam (Lời ca rằng : Sinh đất Việt Nam, nhờ ơn chúa Nguyễn). Lời ca này xuất hiện từ trước đời các thánh (chỉ các chúa Nguyễn), bấy giờ nước ta còn gọi là An Nam; đến hoàng khảo Thế tổ Cao đế ta, sau khi đại định, mới đặt quốc hiệu là Việt Nam. Không biết lời ca ấy từ đâu mà ra. Có lẽ trời giúp nhà nước ta có cả toàn Việt, nên mới có ca dao phát ra trước để làm triệu chứng đó thôi”.
Đại Nam
sửaNăm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi xin nhà Thanh cho phép đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam (大南), ngụ ý 1 nước Nam rộng lớn. Tuy nhiên, nhà Thanh đã không chính thức chấp thuận[cần dẫn nguồn]. Khi nhà Thanh bắt đầu suy yếu, vua Minh Mạng chính thức đơn phương công bố quốc hiệu mới là Đại Nam (hay Đại Việt Nam) vào ngày 15/2/1839. Quốc hiệu này tồn tại đến năm 1945.
Sách Quốc sử di biên chép: "Tháng 3, ngày 2 (Mậu Tuất, 1838, Minh Mạng thứ 19), bắt đầu đổi quốc hiệu là Đại Nam. Tờ chiếu đại lược: [...] Vậy bắt đầu từ năm Minh Mạng thứ 20 (1839) đổi quốc hiệu là Đại Nam, hoặc xưng là Đại Việt Nam cũng được".[14]
Theo Thực lục:[15] Năm Mậu Tuất [1838, Minh Mạng năm thứ 19] Thự Ngự sử đạo Nam Ngãi là Nguyễn Văn Lượng dâng sớ xin đặt quốc hiệu, sau đó bị Minh Mạng khiển trách, cách chức.[16] Tháng 3 (âm lịch), ngày Giáp Tuất, mới định quốc hiệu là nước Đại Nam 大南.[17][18] Đại ý Minh Mạng muốn chỉ rõ rằng quốc hiệu Việt Nam của Gia Long ban hành, đầy đủ là Đại Việt Nam, thường gọi tắt là Đại Việt, khác với Đại Việt các đời trước. Nay Minh Mạng muốn cho rõ ràng, bèn đổi quốc hiệu thành Đại Nam.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945, hoàng đế Bảo Đại tuyên bố xóa bỏ các hiệp ước với Pháp và thành lập chính phủ vào ngày 17/4/1945, đứng đầu là nhà học giả Trần Trọng Kim, với quốc hiệu Đế quốc Việt Nam. Trên thực tế, Đế quốc Nhật Bản vẫn cai trị Việt Nam. Sau khi Đế Quốc Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh, Nam Kỳ mới được trao trả ngày 14/8/1945, nhưng 10 ngày sau đó Hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố trao lại chủ quyền Việt Nam cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tên gọi của cả nước Việt Nam 1945 – 1954 và miền Bắc Việt Nam từ 1954 – 1976. Nhà nước này được thành lập vào ngày 2/9/1945 (Ngày Quốc khánh của Việt Nam ngày nay). Năm 1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước để chính thức.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối đầu với thực dân Pháp và Quốc gia Việt Nam được lập ra dưới cái ô của Pháp năm 1949. Trong thời kỳ 1954 – 1975, chính thể này tiếp tục phải đối đầu với Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam. Tới năm 1976, chính thể này cùng với chính thể Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tổ chức Tổng tuyển cử để thống nhất thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc gia Việt Nam là danh xưng của 1 phần vùng lãnh thổ Việt Nam thuộc quyền kiểm soát của quân Pháp (mặc dù tuyên bố đại diện cho cả nước), ra đời chính thức từ Hiệp ước Élysée ký ngày 8/3/1949, giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại. Quốc gia Việt Nam trực thuộc khối Liên hiệp Pháp, đối kháng và tồn tại trên cùng lãnh thổ với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt thời gian tồn tại, Quốc gia Việt Nam chưa từng tổ chức được Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm năm 1946.
Danh xưng này tồn tại trong 6 năm (1949 – 1955). Năm 1955, Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng hòa.
Việt Nam Cộng hòa là tên gọi của một chính thể được Ngô Đình Diệm thành lập tại miền Nam Việt Nam dưới sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, kế thừa Quốc gia Việt Nam (1949 – 1955). Trong Cuộc trưng cầu dân ý miền Nam Việt Nam, 1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, đổi tên chính phủ Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng hòa. Nó bị coi là một chính phủ bù nhìn do Hoa Kỳ khống chế.[19]
Ở miền Nam Việt Nam giai đoạn đó, chính thể này tồn tại song song với chính thể Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, và sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 sau khi đầu hàng Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Cộng hòa miền Nam Việt Nam là 1 chính thể cũng ở miền Nam Việt Nam, tồn tại từ năm 1969-1976, tên đầy đủ là "Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam". Chính thể này được thành lập dựa trên cơ sở là những cán bộ Việt Minh được giữ lại miền Nam để chuẩn bị cho Tổng tuyển cử thống đất nước dự kiến được tổ chức năm 1957 (theo Hiệp định Genève 1954 thì chỉ tập kết quân sự, các thành phần chính trị ở nguyên tại chỗ để chuẩn bị tổng tuyển cử thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc). Cộng hòa miền Nam Việt Nam có mục tiêu chống Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đế thống nhất đất nước. Sau cuộc Tổng tuyển cử 1976, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hợp nhất thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.[20]
Sau khi cuộc Tổng tuyển cử 1976 do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tổ chức để thống nhất đất nước về mặt chính trị, ngày 2/7/1976, Quốc hội khóa VI quyết định thống nhất Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam với tên gọi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hiệu này được sử dụng từ đó đến nay.
Các danh xưng không chính thức
sửaDưới đây là những danh xưng không rõ về tính xác thực, hoặc do nước ngoài sử dụng để chỉ vùng lãnh thổ quốc gia Việt Nam. Những danh xưng không chính thức này được ghi nhận lại từ cổ sử, truyền thuyết hoặc từ các tài liệu nước ngoài từ trước năm 1945.
Xích Quỷ
sửaXích Quỷ (赤鬼), theo Việt Nam sử lược là quốc hiệu trong truyền thuyết về thủy tổ của người Việt là Kinh Dương Vương.
Sách chép:
- Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.
- Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải.
- Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.
Nam Việt
sửaNam Việt (南越) là quốc hiệu thời nhà Triệu (204 TCN – 111 TCN). Nói chính xác thì đối tượng tranh cãi ở đây không phải là bản thân tên gọi Nam Việt, mà vấn đề là quốc hiệu này có đại diện cho nước Việt Nam ngày nay hay không. Thời phong kiến xem Nam Việt chính là quốc hiệu cũ của nước Việt,[21] nhưng từ thời Hậu Lê trở về sau, cũng như quan điểm chính thống hiện nay cho rằng quốc gia Nam Việt khi đó là của người Trung Hoa. Lý do không thể coi Nam Việt là của người Việt Nam vì: Triệu Đà là người Hán, quê ở huyện Chân Định, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), nhân lúc nhà Tần suy loạn đã nổi lên lập ra nhà Triệu, lấy quốc hiệu là Nam Việt.
Các ý kiến cho rằng quốc hiệu này là của nước Việt có các nhận định của các học giả như Lê Văn Hưu hay Ngô Sĩ Liên. Lê Văn Hưu nói: "Đất Liêu Đông không có Cơ Tử thì không thành phong tục mặc áo đội mũ (như Trung Hoa), đất Ngô Cối không có Thái Bá thì không thể lên cái mạnh của bá vương. Đại Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế. Văn Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại. Thế mới biết người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là "lão phu", mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được".
Ngô Sĩ Liên nói: "Truyện Trung Dung có câu: "Người có đức lớn thì ắt có ngôi, ắt có danh, ắt được sống lâu". Vũ Đế làm gì mà được như thế? Cũng chỉ vì có đức mà thôi. Xem câu trả lời Lục Giả thì oai anh vũ kém gì Hán Cao. Đến khi nghe tin Văn Đế đặt thủ ấp trông coi phần mộ tổ tiên, tuế thời cúng tế, lại ban thưởng ưu hậu cho anh em, thì bấy giờ vua lại khuất phục nhà Hán, do đó tông miếu được cúng tế, con cháu được bảo tồn, thế chẳng phải là nhờ đức ư? Kinh Dịch nói: "Biết khiêm nhường thì ngôi tôn mà đức sáng, ngôi thấp mà không ai dám vượt qua". Vua chính hợp câu ấy".
Hoặc vua Quang Trung sau khi đánh bại đội quân nhà Thanh năm 1789 đã có ý định đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây với lý do đây là đất cũ của Nam Việt thời nhà Triệu.
An Nam
sửaAn Nam (安南) là danh xưng của người nước ngoài và với cả người Việt Nam để chỉ lãnh thổ Việt Nam cho đến khoảng giữa thế kỷ 20.
Nguồn gốc danh xưng này từ thời Bắc thuộc (Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ), nhà Đường ở Trung Quốc đã đặt tên cho khu vực lãnh thổ tương ứng với khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay là An Nam đô hộ phủ (673 – 757 và 768 – 866).
Sau khi giành được độc lập, các triều vua Việt Nam thường phải nhận thụ phong của Trung Quốc, danh hiệu là "An Nam quốc vương" (kể từ năm 1164).
Từ đó người Trung Quốc thường gọi nước Việt Nam là An Nam, bất kể quốc hiệu là gì. Cách gọi này đã ảnh hưởng đến cách gọi của người châu Âu trước năm 1945.
Thời kỳ thuộc Pháp, Annam (gọi theo tiếng Pháp) là tên gọi chỉ vùng lãnh thổ Trung Kỳ do nhà Nguyễn cai trị dưới sự bảo hộ của Pháp. Tuy vậy, người Pháp vẫn dùng danh xưng Annam để chỉ người Việt nói chung ở cả ba vùng Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) và Nam Kỳ (Cochinchine). Nhiều khi từ này được người Pháp dùng với ý miệt thị người Việt.
Các danh xưng thời Bắc thuộc và Pháp thuộc
sửaCác danh xưng này không được xem là quốc hiệu của Việt Nam vì các giai đoạn này Việt Nam bị nước ngoài đô hộ. Đây là tên gọi mà Trung Quốc và Pháp sử dụng để chỉ vùng lãnh thổ Việt Nam mà họ chiếm đóng.
Là tên gọi của Việt Nam thời Bắc thuộc lần I từ 111 TCN – 39 CN; thời Bắc thuộc lần 2 từ 43–203, và thời Bắc thuộc lần 4 từ 1407–1427. Tổng cộng khoảng 262 năm.
Là tên gọi của Việt Nam thời Bắc thuộc lần 2 từ 203 – 544 và thời Bắc thuộc lần 3 từ 602–679. Tổng cộng khoảng 420 năm.
Là tên gọi của Việt Nam thời Bắc thuộc lần 3 từ 679 – 757 và 766 – 866. Tổng cộng khoảng 180 năm.
Là tên gọi của Việt Nam thời Bắc thuộc lần 3 từ 757 – 766. Tổng cộng khoảng 10 năm.
Là tên gọi của Việt Nam cuối thời Bắc thuộc lần 3, thời kỳ tự chủ của Họ Khúc và thời kỳ độc lập của Nhà Ngô, từ 866 – 967. Tổng cộng khoảng 102 năm.
Là tên gọi của Việt Nam, Campuchia và Lào (lúc bấy giờ Việt Nam bị chia thành Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ) thời Pháp thuộc, từ 1887 – 1954. Tổng cộng khoảng 68 năm.
Tại các nước trên thế giới
sửaĐối với nước ngoài, tên gọi "Việt Nam" thường được viết trong các ngôn ngữ dùng ký tự Latinh là Vietnam. Một số ngoại lệ như:
- Tiếng Ba Lan: Wietnam
- Tiếng Hawaii: Wiekanama
- Tiếng Ireland: Vítneam
- Esperanto: Vjetnamio
- Tiếng Malta: Vjetnam
- Tiếng Bồ Đào Nha: Vietname, tiếng Bồ Đào Nha Brasil: Vietnã
Trong các ngôn ngữ dùng hệ chữ viết khác:
- Tại Trung Quốc và Đài Loan: 越南 (Yuènán, O̍at-lâm)
- Tại bán đảo Triều Tiên: trước đây thường gọi theo âm Hán-Triều là 월남 (Wollam), nay tại Bắc Triều Tiên gọi là 윁남 (Wennam) và tại Hàn Quốc gọi là 베트남 (Beteunam)
- Tại Nhật Bản: ベトナム (Betonamu), ヴェトナム (Vetonamu), ヴィエトナム (Vietonamu), ヴィエットナム (Viettonamu), hoặc theo âm Hán-Hòa là 越南 (hay えつなん) (Etsunan)
- Tại Nga: Вьетнам (V'yetnam)
- Tại Hy Lạp: Βιετνάμ (Byetnam)
Xem thêm
sửa- Danh sách các nước trên thế giới: quốc hiệu của các nước khác
- Quốc kỳ Việt Nam
- Quốc huy Việt Nam
- Danh sách sinh vật định danh theo Việt Nam
Ghi chú
sửa
Chú thích
sửa- ^ “Quốc hiệu Việt Nam qua lịch sử dựng nước”. Báo Nhân dân. 21 tháng 6 năm 2019.
- ^ “Dựng nước Vạn Xuân lên ngôi hoàng đế”. Báo Công an nhân dân. 19 tháng 1 năm 2020.
- ^ “Đinh Tiên Hoàng đế người dựng nước Đại Cồ Việt”. VOV-Đài tiếng nói Việt Nam. 15 tháng 10 năm 2021.
- ^ “Đúng, sau khi lên ngôi, vua Lý Thánh Tông đổi tên nước là Đại Việt”. Vnexpress. 4 tháng 2 năm 2017.
- ^ “Quốc hiệu Đại Ngu thời nhà Hồ mang ý nghĩa gì?”. Báo Dân Việt. 5 tháng 5 năm 2020.
- ^ “Quốc hiệu Việt Nam có từ khi nào?”. Báo Quân đội nhân dân. 30 tháng 8 năm 2006.
- ^ “Vua Minh Mạng và việc đặt quốc hiệu Đại Nam”. Bảo tàng lịch sử quốc gia. 9 tháng 8 năm 2013.
- ^ a b “Quốc hội các khóa”. quochoi.vn. Truy cập 18 Tháng năm 2021.
- ^ “Bảo tàng Lịch sử Quốc gia”. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Truy cập 18 Tháng năm 2021.
- ^ Sử ký Tư Mã Thiên, Quyển 113, mục Nam Việt liệt truyện, chép: "且南方卑溼,蠻夷中閒,其東閩越千人眾號稱王,其西甌駱裸國亦稱王。" (Thả nam phương ti thấp, Man Di trung gian, kì đông Mân Việt thiên nhân chúng hiệu xưng Vương, kì tây Âu Lạc khỏa quốc diệc xưng Vương)
- ^ Đa phần sách sử Việt Nam (Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm Định Việt Sử, Việt Sử Tiêu Án) đều chép là An Dương Vương mất nước năm 208 TCN, nhưng Sử Ký của Tư Mã Thiên - ra đời sớm hơn nhiều so với sử sách vủa Việt Nam - chép là "sau khi Lã hậu mất" (180 TCN), tức là khoảng năm 179 TCN
- ^ Đại Nam thực lục. Bản dịch của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện sử học Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học phiên dịch. Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 2007. Tập 01.
- ^ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển 168.
- ^ Phạm Thúc Trực: Quốc sử di biên, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, tr.337, Hà Nội, 2009.
- ^ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (tập 05). Bản dịch của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện sử học Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học phiên dịch. Nhà xuất bản Giáo Dục xuất bản năm 2007.
- ^ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển 188.
- ^ Dụ rằng : “Nước ta từ Thái tổ Gia dụ Hoàng đế [Nguyễn Hoàng], gây nền ở cõi Nam, đến các vua, ngày thêm mở rộng, có cả đất của nước Việt Thường 越裳 cho nên trong nước trước gọi là Đại Việt 大越, lịch chép cũng lấy 2 chữ ấy chép ở đầu, vốn không ví như nước Đại Việt theo dùng tên riêng của nước An Nam. Đến Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế [Gia Long], ta có cả nước An Nam, kiến quốc xưng hiệu là nước Đại Việt Nam 大越南, còn lịch chép chỉ chép đơn giản 2 chữ Đại Việt, về lẽ phải vốn là không hại gì, xưa nay vẫn làm, đã trải bao năm, thế mà có bọn quê mùa không biết, thấy lịch các triều nhà Trần, nhà Lê nước An Nam cũng có chữ Đại Việt, theo người nhận nhầm, sinh nghi ngờ bậy, liên quan đến quốc thể không phải là nhỏ. Trẫm xét các đời trước, như đời Đường, Tống trở về trước, phần nhiều lấy nơi nổi lên làm vua, làm danh hiệu có cả thiên hạ, đến đời nhà Nguyên, nhà Minh, lại hiềm noi theo tên cũ, bèn lấy chữ hay làm quốc hiệu. Đến đời nhà Đại Thanh trước gọi là Mãn Châu, sau đổi lại làm Đại Thanh, đều nhân thời tuỳ tiện, việc theo lẽ phải mà ra. Nay bản triều có cả phương Nam, bờ cõi ngày càng rộng, một dải phía đông đến tận biển Nam, vòng qua biển Tây, phàm là người có tóc có răng, đều thuộc vào trong đồ bản, bãi biển xó rừng khắp nơi theo về cả, trước gọi là Việt Nam, nay gọi là Đại Nam, càng tỏ nghĩa lớn, mà chữ Việt cũng vẫn ở trong đó. Kinh Thi có nói : “Nước nhà Chu dẫu cũ, mệnh vận đổi mới !” để cho đúng với tên và sự thực. Chuẩn cho từ nay trở đi, quốc hiệu phải gọi là nước Đại Nam, hết thảy giấy tờ xưng hô, phải chiểu theo đó tuân hành, gián hoặc có nói liền là nước Đại Việt Nam, về lẽ vẫn phải, quyết không được lại nói 2 chữ Đại Việt, còn hiệp kỷ lịch năm nay, trót đã ban hành, không phải thay đổi hết thảy, nhưng nên in lại 3.000 tờ nhãn lịch trình dâng, chờ ban cho các quan viên ở Kinh và tỉnh ngoài, cho rõ hiệu lớn, còn thì phải lấy năm Minh Mệnh thứ 20 làm bắt đầu đổi chép chữ Đại Nam ban hành, để chính tên hiệu và khắp các nơi xa gần”.
- ^ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển 190.
- ^ From the overthrow of Diem to the Tet Offensive Vietnam: The war the U.S. lost Lưu trữ 2017-08-11 tại Wayback Machine, Joe Allen, International Socialist Review Issue 33, January–February 2004
- ^ VTV, BAO DIEN TU (9 Tháng hai 2016). “Kết quả tổng tuyển cử 1976 quyết định con đường thống nhất đất nước”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập 18 Tháng năm 2021.
- ^ Thời phong kiến chưa hình thành khái niệm dân tộc Việt và chủ nghĩa dân tộc Việt mà chỉ có khái niệm quốc gia Việt, thần dân nước Việt và chủ nghĩa quốc gia Việt, trung thành với vua là yêu nước, gắn liền với tư tưởng "trung quân ái quốc".
Tham khảo
sửa- Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược.
- Đại Nam thực lục. Bản dịch của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện sử học Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học phiên dịch. Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 2007.