Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975

sự kiện chấm dứt Chiến tranh Việt Nam
(Đổi hướng từ 30 tháng 04 năm 1975)

Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, thường được gọi là Ngày 30 tháng Tư, Ngày giải phóng miền Nam, Thống nhất Đất nước (tên gọi của Nhà nước Việt Nam) hoặc ngày Sài Gòn sụp đổ (Fall of Saigon, cách gọi của báo chí phương Tây), hoặc Ngày Quốc hậnTháng Tư Đen (trong cộng đồng người Việt chống Cộng ở nước ngoài),[4][5][6][7] là sự kiện chấm dứt Chiến tranh Việt Nam khi Quân đội Nhân dân Việt NamQuân Giải phóng miền Nam tiến vào thành phố Sài Gòn, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh cùng nội các tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày này là kết quả trực tiếp của Chiến dịch Mùa Xuân năm 1975 và là một mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Thành phố Sài Gòn sau đó được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, theo tên của cố Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh nhằm vinh danh ông và sự kiện này.

Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975
Một phần của Chiến dịch Mùa Xuân 1975 trong Chiến tranh Việt Nam

Phiên bản xe tăng T-54A (cùng loại với xe 843 gốc)[1] được sơn số hiệu 843, là 1 trong 2 chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập.
Thời gian30 tháng 4 năm 1975
Địa điểm
Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa
(nay là Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam)
10°49′23″B 106°37′47″Đ / 10,8231°B 106,6297°Đ / 10.8231; 106.6297 (Saigon, South Vietnam (present-day Ho Chi Minh City, Vietnam))
Kết quả

Chiến thắng quyết định của Việt Nam Dân chủ Cộng hòaMặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam/Cộng hòa Miền Nam Việt Nam:

Tham chiến
 Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt NamCộng hòa miền Nam Việt Nam
 Việt Nam Cộng hòa
Hỗ trợ bởi:
 Hoa Kỳ
Chỉ huy và lãnh đạo
Lê Duẩn
Tôn Đức Thắng
Võ Nguyên Giáp
Văn Tiến Dũng
Lê Trọng Tấn
Trần Văn Trà
Lê Đức Anh
Đinh Đức Thiện
Bùi Phùng
Vũ Lăng
Hoàng Cầm
Nguyễn Hữu An
Nguyễn Hòa
Dương Văn Minh
Vũ Văn Mẫu
Nguyễn Hữu Hạnh
Nguyễn Phúc Vĩnh Lộc
Lê Nguyên Vỹ
Lâm Văn Phát
Lê Minh Đảo
Lý Tòng Bá
Lực lượng
270.000 quân chủ lực
180.000 dân công, du kích hỗ trợ.[2]
~30.000[cần dẫn nguồn]
Thương vong và tổn thất
Ít nhất 108 chết
Ít nhất 8 xe tăng, 1 xe thiết giáp bị phá hủy hoặc hư hại[3]
Phần lớn chết, bị bắt hoặc đầu hàng. Một số di tản với hạm đội Mỹ.
Hàng chục xe tăng, xe thiết giáp, hàng chục máy bay bị phá hủy hoặc thu giữ

Sự kiện 30 tháng 4 diễn ra sau khi tất cả công dân và lính Mỹ cùng hàng ngàn người Việt ở miền Nam Việt Nam di tản khỏi Sài Gòn. Chiến dịch Gió lốc trở thành hoạt động di tản bằng trực thăng lớn nhất trong lịch sử.[8] Vì nhiều người đã di tản và chính phủ Việt Nam Xã hội chủ nghĩa áp dụng quy định mới về hộ khẩu đã góp phần làm cho dân số thành phố giảm xuống sau đó,[9] tuy nhiên tỷ lệ giảm không nhiều (tốc độ giảm trung bình là 10.000 người mỗi năm trong khi dân số Sài Gòn là gần 4 triệu người); nhưng đến năm 1979, dân số thành phố lại bắt đầu tăng trở lại.[10]

Tên gọi

Có rất nhiều tên gọi khác nhau để chỉ về sự kiện này do lập trường chính trị khác nhau giữa các bên. Chính phủ Việt Nam chính thức gọi đây là "Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" hay "Ngày giải phóng", "Ngày thống nhất",[11] Sách báo của phương Tây thì thường gọi đây là sự kiện "Sài Gòn thất thủ" (Fall of Saigon),[12] hay "Giải phóng Sài Gòn" (Liberation of Saigon).[13][14] Cộng đồng Việt kiều chống cộng lưu vong ở nước ngoài lại gọi đây là "Tháng tư đen",[15][16][17] hay "Ngày Quốc hận", "Ngày Quốc nhục", "Ngày mất nước" và các tên gọi khác tương tự.[5][6][10] Có sách của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) thì gọi đây là ngày "Sài Gòn sụp đổ" hay "Sài Gòn thất thủ".[18]

Bối cảnh

Sau Hiệp định Paris năm 1973, tinh thần và khả năng chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là sau khi Richard Nixon từ chức vì vụ Watergate vào tháng 8 năm 1974. Sự suy sụp này còn do các mục tiêu tác chiến không thể hoàn thành như đã định cũng như những thất bại liên tiếp trên chiến trường.

Hoa Kỳ giảm viện trợ

Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, viện trợ quân sự của Mỹ cho Việt Nam Cộng hòa đã dần bị cắt giảm. Theo lời kể của ông Nguyễn Tiến Hưng, Tổng trưởng Kế hoạch của chính phủ Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ, thì Giáo sư Warren Nutter là cựu Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng, đặc trách phần tài chính của chương trình "Việt Nam hóa". Khi dự điểm tâm với Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu vào sáng ngày 23 tháng 8 năm 1974 tại Dinh Độc Lập, ông Thiệu bày tỏ sự lo ngại về viện trợ:

Mới vài ngày trước đây là một tỷ, bây giờ còn 700 triệu, tôi làm gì được với số tiền này? Như là chuyện cho tôi 12 đô la và bắt tôi mua vé máy bay hạng nhất từ Sài Gòn đi Tokyo.

Giáo sư Nutter cũng rất bối rối và giải thích hành động của Quốc hội:

Quốc hội Hoa Kỳ đôi khi hành động vô trách nhiệm như vậy… Cái Trung tâm Tài nguyên Đông Dương (Indochina Resource Center, một trung tâm của những người phản chiến) đang hết sức tìm cách tiêu diệt quý quốc.

Nền kinh tế và chi tiêu của Việt Nam Cộng hòa duy trì được chủ yếu nhờ viện trợ Mỹ. Nền công nghiệp miền Nam nhỏ bé, nông nghiệp bị chiến tranh tàn phá. Lạm phát phi mã xảy ra cùng với tệ tham nhũng, lợi dụng chức quyền càng làm cho nền kinh tế thêm tồi tệ. Ông Bùi Diễm, Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ, nhận định tình hình kinh tế và quân sự của miền Nam Việt Nam rất xấu đã khiến người dân không hài lòng với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, tiền lương quân nhân không đủ sống do đó tình hình chính trị cũng xấu theo. Nạn đào ngũ là một vấn đề nghiêm trọng đối với Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Riêng từ tháng 4 tới tháng 12/1974 đã có 176.000 lính đào ngũ. Tại các lực lượng tinh nhuệ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Biệt động quân có tỷ lệ đào ngũ lớn nhất (55%), tiếp theo là các đơn vị Dù (30%) và Thủy quân Lục chiến (15%). Trong khi đó, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã duy trì một lợi thế tâm lý mạnh mẽ, với những người lính tràn đầy tinh thần sẵn sàng hy sinh mục đích cá nhân để cống hiến cho nỗ lực chiến tranh của tập thể, đó là ưu thế quyết định của họ.[19] Bên cạnh đó, họ đã cố gắng duy trì nỗ lực chiến tranh giải phóng đất nước suốt 30 năm và không có lý do gì để từ bỏ nó khi mà quân đội của mình ngày càng hùng mạnh và chiếm được thế thượng phong. Mọi người lính và chỉ huy quân Giải phóng đều cho rằng ngày chiến thắng đã cận kề, chỉ còn cách họ một trận đánh cuối cùng.

Sự suy yếu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa

Sau này, trong tập hồi ký Mùa Xuân Đại Thắng, Đại tướng Văn Tiến Dũng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã viết: Một trong những động cơ thúc đẩy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt NamMặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mở cuộc tổng tấn công ở miền Nam là do Mỹ đã giảm viện trợ, khiến cho lực lượng quân lực Việt Nam Cộng hòa (vốn được tổ chức rập khuôn theo lối đánh tốn kém của Mỹ) đã không thể có đủ tài chính để duy trì số lượng lớn vũ khí. Đó là vì "hỏa lực không quân đã sút giảm gần 60% vì thiếu bom, đạn; khả năng di động cũng giảm đi 50% vì thiếu máy bay, xe cộ và nhiên liệu".[20] Trong khi quân đội Sài Gòn cần 3 tỉ đô mỗi năm để duy trì bộ máy chiến tranh thì đối thủ của họ chỉ cần 10% con số đó để xây dựng một lực lượng quân sự đủ lớn để vừa giữ vững miền Bắc vừa tăng cường quân đội chiến đấu ở miền Nam. Sự suy yếu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa còn do yếu tố tâm lý khi tinh thần của binh lính xuống rất thấp, số lượng đào ngũ tăng mạnh. Ngay cả tại những đơn vị tinh nhuệ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tỷ lệ đào ngũ cũng tăng lên mức rất cao. Biệt động quân có tỷ lệ đào ngũ lớn nhất (55% mỗi năm), tiếp theo là các đơn vị Dù (30%) và Thủy quân Lục chiến (15%).[21]

Tuy nhiên, quân số và vũ khí của Quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn có những sự vượt trội nhất định khi có 1.351.000 quân, 383 xe tăng (162 M48A3, 221 M41) và 1.691 thiết giáp chở quân M-113, không quân vượt trội hoàn toàn với 550 phi cơ A-1H, A-37F-5, 23 phi đoàn trực thăng, trang bị khoảng 1.000 phi cơ UH-1CH-47, khoảng 200 phi cơ O1, O2 và U17, khoảng 150 phi cơ C7, C-47, C-119C-130), 1 không đoàn tân trang chế tạo, 4 phi đoàn hỏa long, trang bị phi cơ AC-119, AC-130 Spectre Gunship. Ngoài ra còn có phi đoàn trắc giác (tình báo kỹ thuật), phi đoàn quan sát RC-119L và biệt đoàn đặc vụ 314, trong khi đó Quân Giải phóng không thể triển khai lực lượng không quân ở miền Nam và lực lượng tăng thiết giáp cũng tương đối hạn chế.[22] Ngay cả lực lượng bộ binh của quân Giải phóng cũng không thể đạt tới con số 1 triệu quân, kể cả ở thời điểm cao nhất.

Theo hồi ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng thì cục diện chiến trường đang chuyển biến ngày càng bất lợi cho quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tại Khu 9, các cuộc hành quân lấn chiếm bị thất bại, hơn 2.000 đồn bốt bị phá, 400 ấp chiến lược với gần 800.000 dân bị quân Giải phóng xóa bỏ. Khu 8 có hơn 200 ấp chiến lược với hơn 130.000 dân bị xóa bỏ. Tại Khu 5, quân Giải phóng đã chuyển lên thế tiến công ngày càng mạnh, mở rộng bàn đạp vùng giáp ranh (Nông Sơn, Thượng Đức, Tuy Phước, Minh Long, Giá Vụt), xoá hẳn gần 800 đồn bốt, giải phóng 250 ấp với 200.000 dân.[23]

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Văn Tiến Dũng cho rằng tinh thần và sức chiến đấu của quân lực Việt Nam Cộng hòa giảm sút rõ rệt. Do Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ, nhiều binh sĩ mất chỗ dựa tinh thần từ lâu nay (được cường quốc số 1 hỗ trợ), nền kinh tế thì ngày càng khó khăn do kinh tế khủng hoảng và nạn lạm phát 300% trong năm 1974. Có 170.000 lính đào ngũ, rã ngũ trong năm 1974, dù tăng cường thêm lính quân dịch thì tổng số quân vẫn giảm 20.000 so với năm 1973. Cuối 1974, quân Giải phóng chủ lực của miền Đông Nam Bộ phối hợp với lực lượng của địa phương mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long giành thắng lợi lớn. Trong hơn 20 ngày quân Giải phóng đã diệt và bắt trên 5.400 lính, thu 3.000 súng các loại, giải phóng thị xã Phước Long và toàn tỉnh Phước Long. Chiến bại này đánh dấu một bước suy sụp mới của quân Sài Gòn. Quân chủ lực của Việt Nam Cộng hòa đã không còn đủ sức hành quân giải tỏa quy mô lớn để lấy lại các vùng, các căn cứ và thị xã quan trọng trên các địa bàn giáp ranh, dù Phước Long chỉ cách Sài Gòn 50 km.[23]

Ngay sau thất bại Phước Long, cố vấn Mỹ John Pilger đã tiên liệu trước về sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn sẽ diễn ra trong nay mai. Ông viết:

Sài Gòn đang sụp đổ trước mắt, một Sài Gòn được người Mỹ hậu thuẫn, một thành phố được coi là "thủ đô tiêu dùng" nhưng chẳng hề sản xuất được một mặt hàng nào ngoài chiến tranh. Trong hàng ngũ của quân đội lớn thứ tư thế giới vào thời điểm đó, binh lính đang đào ngũ với tốc độ cả nghìn người trong một ngày...[24]

Diễn biến chính trị và quân sự

Các động thái của Hoa Kỳ

Tổng thống Gerald Ford không thuyết phục được Quốc hội Hoa Kỳ chi thêm ngân sách cho chiến trường Việt Nam. Đầu năm 1975, sau hai năm ký hiệp định Paris, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã huy động gần như toàn bộ lực lượng của mình[25] gồm 270 ngàn quân chủ lực cho chiến dịch, mở cuộc tấn công lớn trên toàn miền Nam Việt Nam, bắt đầu là ở Tây Nguyên. Buôn Ma Thuột thất thủ gây chấn động hệ thống phòng thủ của quân đội Việt Nam Cộng hòa và là khởi đầu của những chiến dịch nối tiếp nhau.

Quân lực Việt Nam Cộng hòa đông hơn nhiều với hơn 1,3 triệu quân[26] nhưng tỏ ra bất lực và đề nghị Mỹ chi viện. Ngày 23 tháng 3, Nguyễn Văn Thiệu nhận được thư của Tổng thống MỹGerald Ford:

Nhà Trắng
Ngày 22 tháng 3 năm 1975
Thưa Tổng thống,
Cuộc tấn công hiện nay của Bắc Việt Nam chống lại quý quốc thật vô cùng xáo trộn khiến riêng cá nhân tôi lo âu. Theo quan điểm của tôi, thì cuộc tấn công của Hà Nội tượng trưng cho một sự việc không kém gì sự hủy bỏ Hiệp định Paris bằng vũ lực.
Biến chuyển này mang theo hậu quả nghiêm trọng nhất cho cả hai dân tộc chúng ta. Đối với Ngài và nhân dân Ngài thì đây là lúc hy sinh lớn nhất, nó sẽ quyết định chính số phận quý quốc. Tôi tin tưởng rằng dưới quyền lãnh đạo của Ngài, quân lực và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa sẽ tiếp tục công cuộc bảo vệ kiên trì chống lại vụ xâm lược mới này. Tôi cũng tin tưởng chắc chắn rằng nếu có được sự yểm trợ bổ túc từ bên ngoài vào thì quý quốc sẽ thắng thế trong cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết của mình.
Riêng đối với Hoa Kỳ thì vấn đề cũng không kém phần cấp bách.
Khi hành động như thế này, Hà Nội đang tìm cách hủy diệt tất cả những gì mà chúng ta đã chiến đấu để thành đạt, với phí tổn vô cùng to lớn, suốt mười năm qua.
Sự quyết tâm của Hoa Kỳ để yểm trợ một người bạn đang bị các lực lượng (Bắc Việt) với vũ khí hùng mạnh tấn công, hoàn toàn vi phạm một thỏa ước quốc tế (đã được ký kết) long trọng, là một điều hết sức cần thiết.
Riêng tôi, tôi quyết tâm rằng Hoa Kỳ sẽ đứng vững sau lưng Việt Nam Cộng hòa trong giờ phút tối quan trọng này. Với mục đích tôn trọng những bổn phận của Hoa Kỳ trong tình thế này, tôi đang theo dõi những biến chuyển với chủ tâm cao độ nhất và đang khẩn cấp tham khảo ý kiến các cố vấn của tôi về những hành động mà tình thế có thể đòi hỏi và pháp luật cho phép. Về việc cung ứng viện trợ quân sự đầy đủ cho quân đội Ngài, xin Ngài yên tâm là tôi sẽ cố tâm nỗ lực để thoả mãn những nhu cầu vật chất của Ngài trên chiến trường.
Trước khi chấm dứt, tôi xin được nhắc lại một lần nữa lòng cảm phục liên tục của tôi đối với quyết tâm của Ngài và đối với sức bền bỉ và sự anh dũng của nhân dân Việt Nam Cộng Hòa.
Kính thư,
(ký) Gerald R. Ford[27]


Dù là nói tới quyết tâm ủng hộ nhưng người thảo bức thư đã khôn khéo gài vào: "(tôi) đang khẩn cấp tham khảo ý kiến các cố vấn về những hành động mà tình thế có thể đòi hỏi và pháp luật cho phép".[27]

Ngày 23 tháng 3, Huế rơi vào tay Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong khi ở Đà Nẵng, hàng ngàn binh lính tìm cách chạy thoát một cách thiếu tổ chức bằng đường biển khỏi thành phố đang bị bao vây và nã pháo. Trong 4 sư đoàn bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, 4 liên đoàn Biệt động quân, lữ đoàn thiết giáp, sư đoàn không quân, tổng cộng 12 vạn quân và hàng ngàn nhân viên quân sự và địa phương quân, chỉ có 16.000 rút được.[28] Trong số gần 2 triệu dân thường dồn lại tại Đà Nẵng từ cuối tháng 3, chỉ có hơn 50.000 người sơ tán được bằng đường thủy.[28] Còn lại là 70.000 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa bị bắt làm tù binh.[29] Ngoài ra 33 máy bay phản lực A-37 còn nguyên vẹn cùng gần 60 máy bay khác tại căn cứ không quân Phù Cát cũng bị bỏ lại.[30] Trong cuộc sụp đổ của Đà Nẵng, không có một trận chiến nào. Khi Quân Giải phóng tiến vào thành phố, không mấy binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đóng quanh thành phố chống cự.[31] Các trung tâm phòng thủ còn lại dọc theo bờ biển cũng nhanh chóng tan vỡ dây chuyền: Quảng Ngãi ngày 24 tháng 3; Quy NhơnNha Trang ngày 1 tháng 4; và cảng Cam Ranh ngày 3 tháng 4.[32]

Ngày 28/3/1975, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, tướng Frederick C. Weyand, bay sang Sài Gòn khảo sát tình hình để báo cáo cho Tổng thống Mỹ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng MỹJames R. Schlesinger đã chỉ đạo Weyand không được hứa gì nhiều với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vì không thể đảo ngược được tình thế, ông ta thấy tình hình của quân Việt Nam Cộng hòa đã trở nên quá tồi tệ.[33]

Sau khi tướng Weyand về Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Schlesinger tuyên bố một giả thuyết giật gân, rằng "nếu cộng sản nắm chính quyền thì có thể 200.000 người Việt Nam sẽ bị tàn sát”. Sáng hôm sau, tờ báo Pacific Starsand Stripes (tờ báo của quân đội Mỹ), xuất bản ở Sài Gòn, đăng lại lời tuyên bố ấy bằng chữ đậm. Nhiều người dân ở miền Nam Việt Nam tin lời Schlesinger và hoảng sợ, bỏ nhà cửa để tìm cách chạy trốn[34] (tuy nhiên, cuối cùng không có một cuộc tàn sát nào xảy ra, quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn một cách thuận lợi với sự hỗ trợ của nhiều người dân, nhiều người dân khác thì rất ngạc nhiên vì quân Giải phóng có thái độ mềm mỏng và kỷ luật tốt, họ không hề tiến hành cướp bóc hoặc phá phách như những gì báo chí Mỹ-Việt Nam Cộng hòa tuyên truyền[35]).

Thấy rõ sự thất bại không thể cứu vãn nổi, sau khi xem báo cáo của Weyand, Ngoại trưởng Henry Kissinger đã nguyền rủa: “Sao bọn chúng [Việt Nam Cộng hòa] không chết quách đi. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là chúng cứ sống vất vưởng hoài”.[33] Phần lớn các nhân vật trong Quốc hội và Chính phủ Mỹ phản đối việc đưa quân Mỹ trở lại Việt Nam. Vấn đề cấp bách hơn lúc này là phải đưa người Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.[33]

Các tướng Việt Nam Cộng hòa bỏ ra nước ngoài

Trong nửa đầu tháng 4, với Quân đoàn 2 của quân Giải phóng từ phía bắc tiến vào và Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên đổ xuống, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa lần lượt rơi vào tay Quân Giải phóng.

Ngày 9 tháng 4, Quân đoàn 4 Quân giải phóng định đánh chiếm huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai trên hành tiến - tuyến phòng thủ từ xa cuối cùng của Sài Gòn - nhưng Sư đoàn 18 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã kháng cự ác liệt có tổ chức để giữ vững được thị xã. Đây là trận đánh dài ngày có tổ chức cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trận Xuân Lộc đã gây thương vong rất lớn cho cả hai bên.

Ngày 17 tháng 4, Thượng viện Hoa Kỳ từ chối khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 722 triệu Mỹ kim mà chính phủ Gerald Ford đề nghị. Tuy không ai tin rằng viện trợ Mỹ có thể xoay chuyển tình thế, một số chuyên viên như Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hy vọng rằng ngân khoản đó có thể giúp Việt Nam Cộng hòa lấy lại được đủ vị thế về quân sự để thuyết phục đối phương ngừng tiến quân và đàm phán. Hai ngày sau phán quyết này của Thượng viện, giám đốc CIA William Colby nói với Tổng thống Ford: "Nam Việt Nam đang đối mặt với thất bại hoàn toàn và nhanh chóng". Các chuyến bay di tản do CIA tổ chức đã bắt đầu đưa các cộng tác viên người Việt rời Việt Nam, và Sứ quán Mỹ đã bắt đầu đốt tài liệu mật từ trước đó.[36] Ngày 20 tháng 4 các thủ tục pháp luật được đơn giản hóa cho việc sơ tán người Việt bắt đầu có hiệu lực. Việc sơ tán này được thực hiện tại sân bay quân sự Tân Sơn Nhất, do tướng Homer Smith chỉ huy. Các máy bay C-130C-140 liên tục lên xuống vào ban ngày; công việc giấy tờ được tiếp tục suốt đêm. Tướng Smith đã phải dùng đến toàn bộ trung đội Thủy quân Lục chiến số 43 của Mỹ để giữ trật tự tại Tân Sơn Nhất.[cần dẫn nguồn]

Ngày 20 tháng 4, lực lượng phòng thủ Xuân Lộc của Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị buộc phải rút lui. Khi Xuân Lộc thất thủ, không còn gì có thể cứu vãn chế độ Sài Gòn nữa. Việc bỏ Xuân Lộc khiến Sài Gòn gần như bỏ ngỏ, không còn phòng thủ từ xa nữa; quân Giải phóng áp sát thành phố ở các tuyến ngoại vi. Cùng ngày 20 tháng 4, Đại sứ Mỹ Martin đến phủ Tổng thống thuyết phục Nguyễn Văn Thiệu từ chức, bởi phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã liên tục tuyên bố sẽ không đàm phán với Nguyễn Văn Thiệu.

 
Tổng thống Mỹ Gerald Ford nghe cố vấn Nelson A. Rockefeller báo cáo về kế hoạch di tản khỏi Sài Gòn.

Do sức ép lớn từ các tướng dưới quyền như Trần Văn Đôn, Cao Văn Viên, Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, Bộ trưởng Kinh tế Nguyễn Văn Hảo,[37] Nguyễn Văn Thiệu từ chức vào tối ngày 21 tháng 4 năm 1975. Khi từ chức, Nguyễn Văn Thiệu đã xuất hiện trên truyền hình phát biểu suốt 3 giờ đồng hồ để trách móc việc thoái thác trách nhiệm của chính phủ Mỹ. Ông Thiệu đổ lỗi thất bại là do người Mỹ bằng những lời lẽ nửa tức giận, nửa thách thức:[38] “Mỹ đánh không lại Cộng sản nên bỏ mặc Việt Nam Cộng hòa đánh một mình thì làm sao ăn nổi. Có giỏi thì Mỹ vô đây lần nữa…” Ông Thiệu lên án thẳng Hoa Kỳ"một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo".[39]

Cũng trong bài diễn văn từ chức, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố mạnh mẽ rằng ông sẽ không bỏ chạy mà sẽ tiếp tục cầm súng chiến đấu:

"Dù mất một Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội vẫn còn Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kề bên anh em chiến sĩ..."

Tuy nhiên, những tuyên bố đó đã không được Nguyễn Văn Thiệu thực hiện. Sau khi từ chức, ông Thiệu về nhà, đề nghị Mỹ thu xếp một chuyến bay để đưa ông và gia đình ra nước ngoài. Chỉ 4 ngày sau, Nguyễn Văn Thiệu đã bí mật lên máy bay thoát khỏi Sài Gòn vào đêm ngày 25 tháng 4 năm 1975. Cuộc ra đi của Nguyễn Văn Thiệu diễn ra bí mật trong đêm tối, dưới sự sắp đặt của Thomas Polgar - trưởng CIASài Gòn.[40] Để cho việc ra đi danh chính ngôn thuận, Trần Văn Hương ký quyết định cử Nguyễn Văn Thiệu là đặc sứ của Việt Nam Cộng hòa đến Đài Bắc để phúng điếu Tưởng Giới Thạch (nhưng thực ra Tưởng Giới Thạch đã qua đời từ trước đó 3 tuần).

Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay nhưng phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không chấp nhận nói chuyện với ông này. Thời điểm 21 tháng 4 khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức có ý nghĩa quyết định. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rằng "chìa khóa là ngày 21 tháng 4, khi Thiệu từ chức. Khi đó tôi biết rằng chúng tôi phải tấn công ngay lập tức, cướp lấy thời cơ, tất cả chúng tôi cũng đồng ý như vậy".[41] Đêm hôm đó, tại Sở Chỉ huy Tiền phương tại Lộc Ninh, cách Sài Gòn 75 dặm, tướng Văn Tiến Dũng, người chỉ huy các cánh quân Giải phóng tiến về thành phố, ra lệnh bắt đầu cuộc tổng tiến công.

 
Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Trung tướng Ngô Quang Trưởng của Việt Nam Cộng hòa khi chạy ra tàu sân bay Mỹ vào ngày 29 tháng 4 năm 1975.

Để đảm bảo áp đảo chắc thắng, quân Giải phóng đưa thêm cả Quân đoàn 1 (hay còn gọi là Binh đoàn Quyết thắng) bằng tàu biển và hàng không vào chiến trường cho trận cuối cùng có tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Lực lượng tiến công Sài Gòn tương đương 20 sư đoàn, tổ chức thành 5 quân đoàn.

Trong nỗ lực cuối cùng, tướng Nguyễn Cao Kỳ phát biểu trước khoảng 6 nghìn người Thiên Chúa giáo hữu khuynh vào xế trưa ngày 25 tháng 4 về chuyện phòng thủ Sài Gòn, rằng "ông sẽ ở lại Sài Gòn và chiến đấu cho tới chết, những kẻ chạy theo Mỹ là hèn nhát". Phụ nữ và trẻ con sẽ được gửi đi đảo Phú Quốc, còn người dân Sài Gòn "sẽ ở lại chiến đấu". Thậm chí Nguyễn Cao Kỳ còn tuyên bố rằng: Sài Gòn "sẽ trở thành một Leningrad thứ hai" (Leningrad là nơi quân dân Liên Xô đã cầm cự 900 ngày trong vòng vây hãm của quân Đức). Nguyễn Cao Kỳ hứa hẹn: Việc phân phối vũ khí sẽ được ông ta cho làm ngay, mọi người nên ở lại Sài Gòn để chiến đấu. Nhưng tất cả chỉ là những lời nói suông và chẳng được thực hiện một chút nào. Sau khi phát biểu xong, Nguyễn Cao Kỳ bỏ vào sân bay Tân Sơn Nhất để sắp xếp cho các máy bay di tản sang Thái Lan và đồng thời cũng bí mật ra lệnh cho một trực thăng đến đón mình. Sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Cao Kỳ đã dùng trực thăng chạy ra ngoại quốc, bỏ lại sau lưng những lời thề hứa chiến đấu quyết tử mà ông từng hùng hồn tuyên bố trước đó bốn ngày.[42]

Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn

Lúc 17 giờ ngày 26 tháng 4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng với 5 quân đoàn ở 5 hướng tấn công: hướng Bắc với Quân đoàn 1, hướng Tây Bắc với Quân đoàn 3, hướng Tây và Tây Nam với Đoàn 232, hướng Đông với Quân đoàn 4 và hướng đông nam với Quân đoàn 2.[cần dẫn nguồn]

Ngày 27 tháng 4, sân bay quân sự Tân Sơn Nhất tại Sài Gòn chịu 3 loạt hỏa tiễn của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, lần đầu tiên trong hơn 40 tháng[43] làm nhiều người chết và bị thương, nhà cửa đổ nát. Hai lính Mỹ thiệt mạng do hỏa tiễn, là những lính thiệt mạng cuối cùng của Mỹ trong cuộc chiến.[44]

Tại phía Nam của Sài Gòn, ngay từ ngày 28 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô của chính quyền Sài Gòn không còn quân trù bị để phòng thủ. Họ buộc phải rút một liên đoàn Biệt động quân đang hành quân về quận lỵ Cần Đước và đặt dưới quyền điều động của Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ đô. Liên tỉnh lộ nối liền Chợ LớnCần Đước cũng bị cắt nhiều đoạn nên các lực lượng Việt Nam Cộng hòa không thể phá vỡ được các chốt chận của quân Giải phóng tại cầu Nhị Thiên Đường vốn đã bị chiếm từ rạng sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975.

Các đơn vị nhảy dù phòng ngự tại phòng tuyến khu vực từ ngã tư Quân Vận (gần Trung tâm Huấn luyện Quang Trung) đến cầu Tham Lương Bà Quẹo, khu Bình Thới - Ngã ba Bà Quẹo, khu Bảy Hiền - Lăng Cha Cả đã cố gắng ngăn chặn đối phương. Một chiến đoàn thuộc Liên Đoàn 81 Biệt cách Nhảy dù tại vòng đai Bộ Tổng Tham mưu do Thiếu tá Phạm Châu Tài chỉ huy đã dàn quân và từ 8 giờ sáng đến 10 giờ sáng, chiến đoàn này đã bắn cháy 6 chiến xa và đánh bật đối phương ra khỏi trận địa.

Tuy nhiên các nỗ lực kháng cự lẻ tẻ này không làm chậm quân Giải phóng được bao nhiêu. Đến cuối ngày 28 tháng 4, tất cả các tuyến phòng thủ đã bị chọc thủng ở mọi hướng, quân Giải phóng có thể tiến ngay vào thành phố nhưng họ dừng lại để có thêm thời gian cho giải pháp đàm phán. Các lực lượng chính trị thứ ba dàn xếp để đưa Đại tướng Dương Văn Minh lên làm tổng thống trong ngày 28 tháng 4 năm 1975. Ngay khi nhậm chức, để tiến hành đàm phán Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu người Mỹ ra đi.

4 giờ sáng ngày 29/4 tức 16 giờ ngày 28/4 theo giờ Washington, hỏa tiễn và đạn pháo Quân giải phóng đã nã tới tấp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, phá hủy nhiều phi cơ trên mặt đất, vô hiệu hóa phi trường này và làm cho số người Việt đang tụ tập ở đấy sợ hãi trốn chạy, một sự hỗn loạn thực sự.[45]

 
Một người đàn ông Mỹ đấm vào mặt một người khác để giành chỗ trên trực thăng di tản khỏi Nha Trang.

Tổng thống Ford triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia họp khẩn cấp lúc 19h30, ông đã yêu cầu Đại sứ Graham Martin phải di tản ngay những người Mỹ còn lại và cả những người Việt Nam càng nhiều càng tốt.

Sài Gòn và phần còn lại của Việt Nam Cộng hòa, hàng triệu người dân Việt Nam bắt đầu tự đặt cho mình 1 câu hỏi mấu chốt: họ có thể ở lại sống dưới chế độ mới hay là tự tìm cách bỏ ra nước ngoài bằng đường biển.

Trong các ngày 28, 29 tháng 4 từ các hàng không mẫu hạm của Hạm đội số 7 ngoài khơi, Thủy quân Lục chiến Mỹ dùng trực thăng di tản người nước ngoài và một số người Việt đã từng cộng tác chặt chẽ với họ, trong đó có chiến dịch Babylift. Cuộc di tản đã diễn ra trong hỗn loạn vì rất nhiều người muốn ra đi nhưng không thể đáp ứng hết được. Các điểm đỗ của trực thăng náo loạn. Lính Thủy quân Lục chiến Mỹ đã phải cố gắng mới duy trì được trật tự. Người Mỹ đã phải bỏ lại nhiều người Việt để ưu tiên người Mỹ vì số lượng phương tiện có hạn. Hình ảnh di tản đã in đậm trong trí óc nhiều người Mỹ và Việt Nam như một kỷ niệm buồn. Đại sứ Graham Martin là một trong những người Mỹ cuối cùng ra đi. Trong số 120.000 người Việt và 20.000 người Mỹ được di tản trong đợt này, không có một người nào bị thiệt mạng do hoạt động quân sự của quân Giải phóng.[46]

 
Trực thăng trên Hàng không mẫu hạm USS Midway tháng 4-1975 bị đẩy xuống biển để dành thêm chỗ cho máy bay chở người di tản hạ cánh.[47]

Quân Giải phóng dừng lại bên ngoài thành phố một ngày để cho người Mỹ di tản hết mới vào. Theo lời tướng Trần Văn Trà, cánh quân của ông đã đợi vì mục đích chính là để giải phóng Sài Gòn chứ không phải để giết người Mỹ và sỉ nhục họ. Ở một cánh quân khác, theo hồi ký của tướng Hoàng Cầm, cánh quân của Quân đoàn 4 mà ông chỉ huy gặp rất nhiều kháng cự trên đường tiến về Sài Gòn và chỉ đến nơi vừa kịp sáng ngày 30 tháng 4.

Theo hồi ký của các tướng tá của quân lực Việt Nam Cộng hòa như Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Chánh Thi, và cựu dân biểu Lý Quí Chung, thì sáng ngày 28/4, tướng tình báo Pháp Francois Vanussème đã tới gặp Tổng thống Dương Văn Minh và đề nghị Việt Nam Cộng hòa kêu gọi Trung Quốc đem quân can thiệp để cứu quân lực Việt Nam Cộng hòa đang trong cơn nguy kịch. Một nhân viên ngoại giao Trung Quốc đề nghị quân lực Việt Nam Cộng hòa hãy cố thủ, án ngữ Vùng 4 Chiến thuật, hứa hẹn Trung Quốc sẽ đem quân đánh vào biên giới miền Bắc Việt Nam để giải vây. Dương Văn Minh, vốn đã được Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam thông qua em trai là Dương Văn Nhựt (bí danh Mười Ty, Đại tá Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam) và gia đình thuyết phục từ trước, đã từ chối và nói:

Theo tác giả Trần Viết Đại Hưng, một cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa, thì Nguyễn Cao Kỳ còn tính làm một cuộc đảo chính chính phủ Dương Văn Minh mới thành lập để nắm quyền và ra lệnh cố thủ. Người Mỹ biết chuyện đó và giám đốc CIA ở Sài Gòn lúc đó là Polgar đã cảnh cáo Kỳ là không được manh động. Nguyễn Cao Kỳ nghe vậy thì dẹp bỏ kế hoạch vì ông ta hiểu rằng: nếu chống lại sách lược của Mỹ thì sẽ mang họa vào thân.[cần dẫn nguồn]

Ngày 30 tháng 4

 
Phạm Xuân Thệ (phải) đưa Dương Văn MinhVũ Văn Mẫu đến đài phát thanh.
 
Bản phục chế của bản thảo lời đầu hàng và lời chấp nhận đầu hàng do Phạm Xuân Thệ và Bùi Văn Tùng soạn.

Ngày 29 tháng 4, sau cơn giận dữ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Schlesiger và Cố vấn Henry Kissinger ở Washington vì sự nấn ná của Đại sứ Graham Martin ở Sài Gòn để cố tạo ra vẻ "người Mỹ đàng hoàng ra đi", Tổng thống Mỹ Gerald Ford ra lệnh dứt khoát: "Chấm dứt cuộc di tản vào 3 giờ 30 phút, giờ địa phương, sáng 30 tháng 4". Tuy nhiên, lệnh vẫn không thi hành kịp do sự chần chừ của đại sứ Martin, "cuộc tháo chạy" đã diễn ra cho tới khi chiếc trực thăng Mỹ cuối cùng rời Sài Gòn vào lúc 5 giờ 24 phút ngày 30 tháng 4.

Dương Văn Minh chuẩn bị tuyên bố đầu hàng

8 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Tổng thống Dương Văn MinhBộ Tổng Tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa hạ lệnh đơn phương ngừng chiến, sẵn sàng đón quân đối phương tiến vào Sài Gòn:

Theo phía Quân Giải phóng, lệnh này trên thực tế cũng không có nhiều tác dụng do phần lớn quân lực Việt Nam Cộng hòa lúc đó đã tan rã, hầu hết binh lính đã ra hàng hoặc vứt bỏ vũ khí về với gia đình. Do đó khi quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn hầu hết chỉ gặp những ổ kháng cự nhỏ lẻ, thiếu tổ chức. Việc Trung tá Bùi Văn Tùng yêu cầu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đầu hàng thay vì phương án thành lập chính phủ liên hiệp ba thành phần là nhằm buộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa trên khắp chiến trường buông súng, tránh thương vong không cần thiết cho cả hai bên lẫn dân thường.[49]

Theo Tổng trưởng Thương mại - Kinh tế Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Diệp, trước khi quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn, ký giả PhápFrançois Vanuxem đến gặp các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền - Chủ tịch Thượng viện Sài Gòn và Vũ Văn Mẫu vào sáng 30 tháng 4 để đề nghị Việt Nam Cộng hòa tiến hành hoãn binh, không đầu hàng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam mà tiếp tục đưa ra yêu sách thành lập chính phủ liên hiệp. Nếu chính phủ liên hiệp được thành lập, Pháp sẽ giúp Việt Nam Cộng hòa nhận được sự bảo trợ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, Tổng thống Dương Văn Minh ngay lập tức từ chối do không muốn thêm một lần làm tay sai cho nước ngoài.[50]

Động cơ của Pháp lúc đó là muốn Sài Gòn ngừng bắn để bảo vệ các tài sản của Pháp tại Sài Gòn tránh khỏi sự tàn phá của việc giao tranh, việc bảo vệ Sài Gòn chính là bảo vệ các lợi ích của Pháp. Pháp muốn thiết lập lại ảnh hưởng của họ trên thuộc địa cũ. Trong Bộ Ngoại giao Pháp và các cố vấn ở Phủ Tổng thống có hai xu hướng giải quyết đối với vấn đề Sài Gòn. Một thì ra sức hoạt động cho một sự thu xếp ngừng bắn, một thì chủ trương nên tính chuyện làm ăn với Chính phủ Cách mạng lâm thời. Thậm chí, khi quân Giải phóng bắt đầu chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, Pháp đã cử Đại sứ Pháp tại Hà Nội Philippe Richer tới gặp Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng để bàn cách lật đổ chính phủ Nguyễn Văn Thiệu để dựng lên một chính quyền có thể nói chuyện được với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Tổng thống Dương Văn Minh đã nhìn ra ý đồ của Pháp và không muốn Trung Quốc can thiệp vào quá trình thống nhất Việt Nam nên đã từ chối, chấp nhận đầu hàng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để nhanh chóng có hòa bình và thống nhất.[51]

Tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống không có ý để thương thuyết với cách mạng vì đã thấy không còn khả năng thương thuyết; cũng không có ý để tiếp tục chiến tranh vì lâu nay ông Minh chủ trương hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Điều này thể hiện rõ khi Dương Văn Minh chỉ định hai "cơ sở ngầm" của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh và Luật sư Triệu Quốc Mạnh) nắm hai lực lượng vũ trang là quân đội và cảnh sát; cử một người dân sự (Giáo sư Bùi Tường Huân) làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; chưa đầy một ngày sau khi nhậm chức thì ngày 29 tháng 4 năm 1975 ông đã ra lệnh thả tù chính trị, chấm dứt liên lạc với phái đoàn DAO của Mỹ, không di chuyển quân, không phá cầu,...[52]

Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn

8 giờ sáng cùng ngày, đúng 3 tiếng đồng hồ sau khi chiếc trực thăng cuối cùng của Mỹ rời nóc tòa Đại sứ quán, tướng Trần Văn Trà lệnh cho quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn từ năm hướng. Họ đã tiến nhanh mà không gặp một sự kháng cự có tổ chức nào.

Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu

Đến tối ngày 29/4, lực lượng thọc sâu của quân đoàn bao gồm Trung đoàn Bộ binh 24 (Sư đoàn 10) và Tiểu đoàn xe tăng 1 (Trung đoàn xe tăng 273) đã tới khu vực Ngã ba Bà Quẹo, sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng.

Sáng sớm ngày 30/4, Thê đội 1 của đội hình thọc sâu gồm 7 xe tăng T-54 của Đại đội Xe tăng 1 và 4 xe K63 của Đại đội 11 do quyền đại đội trưởng Nguyễn Hồng Tư chỉ huy cùng với một đại đội BB tiến về phía Ngã tư Bảy Hiền. Bất chấp sự cản phá của không quân và bộ binh địch, lực lượng đi đầu do xe tăng T-54 số 979 của Nguyễn Hồng Tư dẫn đầu vừa đi vừa bắn, chiếm được ngã tư Bảy Hiền. Khi vượt qua ngã tư và rẽ trái để hướng về phía Cổng 5 sân bay thì xe 979 bị 1 xe tăng M48 Patton phục ở hướng bệnh viện Vì Dân bắn trúng. Xe bốc cháy, các thành viên tổ lái hy sinh. Xe tăng số 985 của trung đội trưởng Mai Trọng Hoạt vừa lao lên ngã tư cũng bị bắn hỏng pháo. Trưởng xe Mai Trọng Hoạt ra lệnh cho xe lao thẳng tới, định húc vào chiếc M48 đi đầu. Chiếc M48 vội lùi vào một ngôi nhà ven đường, ngôi nhà đổ sụp trùm lên chiếc xe, kíp lái M48 bỏ xe chạy mất. Chiếc M48 chạy sau quay đầu rồi chạy khỏi khu vực[53]

Thê đội 1 của lực lượng thọc sâu tiếp tục bổ sung lực lượng và tiến về mục tiêu chủ yếu là sân bay Tân Sơn Nhất theo đường Võ Tánh (đường Hoàng Văn Thụ ngày nay). Liên đoàn Biệt cách Dù 81 phòng thủ ở đây có trang bị khá mạnh. 9 giờ 30, xe tăng và bộ binh quân Giải phóng bắt đầu xung phong về hướng sân bay, khi vượt qua Lăng Cha Cả được khoảng 100 mét thì xe tăng số 875 đi đầu trúng đạn bốc cháy, xe T-54 thứ hai vừa vượt qua ngã ba cũng bị bắn cháy. Xe K63 của đại đội trưởng Đại đội 11 bám sát yểm hộ 2 xe tăng cũng bị trúng đạn. Mũi tiến công này của xe tăng và bộ binh bị chặn lại[53]

Trung đoàn trưởng bộ binh và tiểu đoàn trưởng xe tăng điều 2 khẩu pháo 85mm lên bắn trực tiếp, đồng thời điều Đại đội Xe tăng 2 lên thay cho Đại đội xe tăng 1 tiếp tục đột phá. Khẩu pháo đầu tiên của Trung Đoàn Pháo binh 4 do Đại đội trưởng Chính chỉ huy vừa vào tới khu vực bên trái Lăng Cha Cả, đang triển khai thì đã trúng hỏa tiễn. Pháo hỏng, cả khẩu đội cùng Đại đội trưởng Chính hy sinh. Trung đoàn phó Trương Văn Việt quyết định đột phá sang khu vực bên trái Lăng Cha Cả. Bộ binh được chia thành 2 mũi, một mũi cùng xe tăng đánh theo cổng số 5, một mũi đánh vào cổng phía Tây. Xe tăng số 326 vừa vượt qua Lăng Cha Cả lại bị bắn cháy, xe tăng số 815 vượt qua khu vực Lăng được một đoạn cũng bị bắn cháy. Xe tăng số 353 thì bị hư hại, tổ lái không rời xe mà tiếp tục dùng súng 12,7 mm chi viện bộ binh xung phong. Bên cổng phía Tây, sau khi tiêu diệt được một số chốt chặn, 3 xe tăng của Đại đội xe tăng 1 và 4 xe K63 của Đại đội 11 cùng bộ binh xung phong vào sân bay, đánh chiếm Khu truyền tin, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 Không quân, Bộ Tư lệnh Dù...[53]

Trong khi đó, cánh quân của Tiểu đoàn xe tăng 2 và Trung đoàn Bộ binh 28 sau khi đánh chiếm được quân trường Quang Trung thì nhận lệnh nhanh chóng tiến công trụ sở Bộ Tổng tham mưu địch. Cuộc chiến đấu ở cổng Bộ Tổng tham mưu và cổng sân bay vẫn đang quyết liệt thì có tin Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, tuy nhiên một số lính biệt cách dù cho đó là lừa bịp và vẫn tiếp tục bắn trả lẻ tẻ. Đến khi các mũi tiến công khác làm chủ được sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu, quân dù mới đầu hàng hoàn toàn[53]

Đánh chiếm Dinh Độc Lập

Đại đội 9, Lữ đoàn 273, Quân đoàn 3 gồm 4 xe tăng T-54 nhận nhiệm vụ thần tốc tiến về trung tâm Sài Gòn. Dọc đường, 4 xe tăng gặp nhiều chốt chặn. Sau 30 phút, 4 chiếc xe tăng của Đại đội 9 đã tiêu diệt 12 xe tăng - thiết giáp của địch, 12 chiếc khác ra đầu hàng, phía quân Giải phóng bị bắn cháy 1 xe tăng. Sau khi đánh bại quân địch tại các trạm chốt ở khu vực cầu Sài Gòn, Hàng Xanh, cầu Thị Nghè, 2 xe tăng số hiệu 843 và 390 tiến về Dinh Độc Lập. Xe 843 đi trước do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy.

10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4, chiếc xe tăng T-54 mang số hiệu 843 húc nghiêng cổng phụ của Dinh Độc Lập và bị kẹt tại đó. Trung úy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam Bùi Quang Thận từ xe 843 nhảy xuống, cầm cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam chạy bộ vào. Xe tăng 390 của Vũ Đăng Toàn húc sập cánh cửa chính của dinh. Những phút sau đó, tiếp tục có thêm nhiều xe tăng - xe thiết giáp và bộ đội quân Giải phóng kéo vào trong dinh.

11 giờ 30 phút cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận đã hạ lá cờ Việt Nam Cộng hòa trên nóc dinh xuống sau đó kéo lá cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam lên.

Cùng lúc này, Đại úy Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ cùng lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2Biệt động thành Sài Gòn tiến vào dinh Độc Lập bắt Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa là ông Dương Văn Minh cùng toàn bộ những nhân vật chủ chốt của nội các chính phủ Sài Gòn. Dương Văn Minh nói: "Tôi chờ các ông tới để bàn giao chính quyền", Bùi Văn Tùng trả lời: "Các ông đã không còn gì để bàn giao. Thay mặt Cách mạng, tôi đề nghị ông ra lệnh đầu hàng vô điều kiện để tránh đổ máu không cần thiết". Dương Văn Minh đồng ý.[cần dẫn nguồn]

Khoảng 12 giờ trưa, Đại úy Phạm Xuân Thệ đưa Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu lên xe Jeep để đến đài phát thanh. Chiếc xe thứ hai chở Trung tá Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 Bùi Văn Tùng cùng hai nhà báo Borries Gallasch (người Đức, báo Der Spiegel) và Hà Huy Đỉnh. Đến đài Phát thanh, tất cả lên phòng ghi âm nhỏ chỉ rộng khoảng 20 m vuông. Trong lúc đứng đợi, một nhân viên của Đài giật chân dung Nguyễn Văn Thiệu trên tường xuống, ném qua cửa sổ xuống sân. Không khí căng thẳng thay đổi khi đại uý Thệ thay đổi thái độ, vui vẻ nói[54]:

Anh Minh, anh yên tâm! Chúng tôi chiến đấu cho dân tộc, vì vậy chúng tôi buộc phải đánh bại những kẻ cam tâm bán nước. Nhưng bây giờ chúng tôi đã vào đây, không ai làm gì anh đâu và cũng không ai sẽ bắt tội anh.

Chính uỷ Tùng muốn tướng Minh đọc qua những lời thảo trước khi ghi âm. Song không tìm thấy một chiếc máy ghi âm nào trong Đài Phát thanh do toà nhà vừa trải qua một trận hôi của. Chỉ còn chiếc máy ghi âm nhỏ của báo Spiegel. Việc thu âm tiến hành đến ba lần. Lần thứ nhất ông Minh không đọc tiếp khi đến dòng chữ "Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn...". Ông chỉ muốn giản lược là "Tướng Minh" và không muốn nhắc đến chức vị Tổng thống mới tiếp nhận được hai ngày. Cuối cùng mọi người nhất trí với lời văn: "Tôi, tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho tất cả binh sĩ hạ vũ khí đầu hàng..."[54]

Tại đài phát thanh, Tổng thống Dương Văn Minh thay mặt toàn bộ nội các của chính phủ Sài Gòn đã đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện với quân đội cách mạng (tức quân Giải phóng miền Nam Việt Nam). Thay mặt các đơn vị quân Giải phóng đánh chiếm dinh Độc Lập, Trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời tiếp nhận đầu hàng. Thủ tướng Vũ Văn Mầu cũng tuyên bố đầu hàng sau đó.[55] Chiến tranh kết thúc. Tổng thống Dương Văn Minh khi tuyên bố đầu hàng nêu rõ:[55]

Thủ tướng Vũ Văn Mẫu tuyên bố:

Ngay sau đó Trung tá, Chính ủy Bùi Văn Tùng, người biên soạn tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố:[55]

Sau khi tin đầu hàng phát đi từ Sài Gòn, có 5 tướng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã tự sát vào ngày 30 Tháng 4, là Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ[56]Trần Văn Hai[57]

Theo Jean Louis Margolin, tác giả xác nhận là không có giết chóc trong ngày quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn nhưng ông đưa ra con số 200 ngàn tù binh bị giam giữ theo xác nhận của Phạm Văn Đồng.[58][cần số trang] Ngược lại, một số quan chức Việt Nam Cộng hòa đã cộng tác với chính phủ Cách mạng lâm thời và được giữ chức vụ trong chính phủ mới như Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Hạnh,... Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, nhiều cựu binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đã được Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam gọi tái ngũ để giúp vận hành các loại vũ khí thu được của Mỹ.

Tom Polgar, nhân viên cao cấp tòa Đại sứ Mỹ ở Việt Nam, một trong những người Mỹ cuối cùng di tản, đã ghi lại cảm tưởng của mình vào ngày hôm ấy:

"Đó là một cuộc chiến tranh [chiến tranh Việt Nam] lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã thua. Thất bại độc nhất của lịch sử Hoa Kỳ chắc sẽ không báo trước sức mạnh bá chủ toàn cầu của nước Mỹ đã chấm dứt. Nhưng... Ai không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải lặp lại sai lầm trong lịch sử".[cần dẫn nguồn]

Trong trưa ngày 30 tháng 4, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã liên lạc với quân Giải phóng và tuyên bố trên Đài Phát thanh Sài Gòn sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh:[59]

Chiều ngày 30 tháng 4, ca khúc “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn được chính ông trình bày trên Đài phát thanh Sài Gòn và là ca khúc đầu tiên được phát trên đài sau khi chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ.

Trước đó, chính phủ Sài Gòn đã tuyên truyền về một cuộc tắm máu của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam khi Sài Gòn thất thủ. Do đó, trong sáng ngày 30 tháng 4, rất ít người dám ra đường mà chỉ ở trong nhà nghe phát thanh.[61] Tuy nhiên, theo quan sát của các nhà báo quốc tế, tại Sài Gòn và nhiều thành phố khác của miền Nam Việt Nam đã không hề có bất kỳ một cuộc tắm máu nào xảy ra như những gì bộ máy tuyên truyền của Việt Nam Cộng hòa cảnh báo. Hoàn toàn không có việc bắn giết, cướp bóc, bạo lực. Ngược lại, những binh sĩ đã hạ vũ khí được tự do đi lại trên đường phố mà không bị truy sát. Các hình ảnh do chính phóng viên ảnh và quay phim nước ngoài ghi lại đã cho thấy nhiều người dân đã đón chào và dẫn đường cho quân Giải phóng đánh chiếm các mục tiêu trong trưa 30/4/1975 tại Sài Gòn.[61][62]

Hoạt động nổi dậy của người dân Sài Gòn

Song song với các hoạt động quân sự của quân Giải phóng là hoạt động nổi dậy giành chính quyền của quần chúng nhân dân. Phía Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã có những hoạt động chuẩn bị để quần chúng nổi dậy ngay từ tháng 3/1975, trong đó xác định lực lượng thanh niên là nòng cốt. Hoạt động nổi dậy sẽ diễn ra ở 5 khu vực, bao gồm:

  • Khu vực 1 gồm: Ngã Bảy, Bàn Cờ, Vườn Chuối (quận 3) do lực lượng sinh viên học sinh các trường Kỹ thuật Cao Thắng, Gia Long và cơ sở sĩ quan Việt Nam Cộng hòa do quân Giải phóng đã thực hiện binh vận thành công đã trở thành cơ sở cách mạng.
  • Khu vực 2 gồm: Khánh Hội - Xóm Chiếu thuộc quận 4 và một phần quận Nhì do lực lượng các trường đại học Y, Nha, Dược và Nông súc sản phụ trách.
  • Khu vực 3 gồm: Cầu Kiệu - Võ Dung Nghiệp, ngã tư Phú Nhuận (nay là Phan Đình Phùng) do Đoàn Công tác xã hội Sinh viên học sinh Sài Gòn phụ trách.
  • Khu vực 4 gồm: Cầu Bông - chợ Bà Chiểu (nay là đường Đinh Tiên Hoàng) do các cơ sở của các trường nữ, khối trung học tư thục phụ trách.
  • Khu vực 5 gồm: vùng ven Tân Sơn, Tân Phú, Bà Điểm thuộc quận Tân Bình do là nơi quy tụ nhiều đồng bào công giáo nên thanh niên công giáo cùng với các sở, cha xứ... phụ trách.

Để chuẩn bị cho cuộc nổi dậy thành công, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã lập các chốt phòng vệ để ngăn cản lực lượng Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa biết tin. Đặc biệt, trước khi nổi dậy, một số lượng lớn cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời đã được may cùng với nhiều khẩu hiệu, trong đó nội dung hướng tới là lực lượng Việt Nam Cộng hòa cần đầu hàng ngay để hưởng khoan hồng, Chính phủ Cách mạng lâm thời sẽ bảo đảm đầy đủ tính mạng và tài sản của người dân. Ngay sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, không còn tiếng súng thì người dân bắt đầu đổ ra đường. Lúc này, lực lượng thanh niên tự vệ Giải phóng nhanh chóng giúp quân Giải phóng tiếp quản các cơ sở chính trị của Việt Nam Cộng hòa và ổn định trật tự.[63] Bên cạnh đó, người dân Sài Gòn cũng bắt đầu đổ ra đường để chào đón, cầm cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời dẫn đường cho quân Giải phóng tiến về Dinh Độc Lập.[61]

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (sinh năm 1928Bà Rịa – Vũng Tàu), biệt danh Tư Cang, nguyên Chính ủy Lữ đoàn Biệt động 316, người trực tiếp chiếm giữ, bảo vệ cầu Rạch Chiếc để xe tăng tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975 kể lại: "Điều kỳ diệu là thành phố còn nguyên vẹn, điện nước đầy đủ. Theo tôi có được điều ấy là do nhân dân. Lòng dân hướng về cách mạng, các đoàn thể được tổ chức chặt chẽ. Khi các cánh quân tiến vào thì quần chúng đã đứng lên diệt ác ôn, giải phóng phường, treo cờ cách mạng. Đó là sự chuẩn bị, gây dựng quần chúng từ mấy chục năm. Phong trào quần chúng ví như thùng thuốc nổ, khi có ngòi nổ đủ sức công phá thì sức mạnh quần chúng bung ra không gì cản nổi. Quân đội như chúng tôi chỉ đóng vai trò ngòi nổ đủ mạnh".[64]

Chiến dịch Gió lốc

 
Người di tản Việt Nam trên tàu chiến Mỹ trong chiến dịch Gió lốc

Chiến dịch Gió lốc là chiến dịch của không quân Mỹ nhằm di tản bằng trực thăng người Mỹ và các quan chức, tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa ra khỏi Sài Gòn, miền Nam Việt Nam, từ 29 đến 30 tháng 4 năm 1975, những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam. Hơn 50.000 người đã di tản từ nhiều điểm ở Sài Gòn. Đây là chiến dịch cuối cùng của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Có 50.493 người (trong đó có 2.678 trẻ mồ côi Việt Nam) được di tản từ Sân bay Tân Sơn Nhất. Các phi công đã bay tổng cộng 1.054 giờ và 682 chuyến bay trong suốt chiến dịch.[cần dẫn nguồn] Chiến dịch diễn ra suôn sẻ, không có máy bay nào bị rơi vì quân Giải phóng có lệnh không bắn vào các máy bay Mỹ di tản.

Kết quả

Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 có vai trò rất quan trọng và lâu dài trong lịch sử Việt Nam với kết quả:

  • Chấm dứt Chiến tranh Việt NamChiến tranh Đông Dương, một quá trình chiến tranh hao người tốn của kéo dài 30 năm với những thương vong, tổn thất rất lớn: khoảng 400.000 quân nhân Mỹ và các đồng minh của Mỹ đã chết, khoảng 1,5 triệu lính khác bị thương (trong đó riêng quân Mỹ có 58.191 chết và 304.000 bị thương). Phía Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam có gần 850.000 quân nhân chết (trong đó 240.000 người đến nay vẫn còn trong diện mất tích), 600.000 quân nhân bị thương. Gần 2 triệu dân thường Việt Nam bị chết, hơn 2 triệu dân thường bị thương tật, khoảng 2 triệu người bị phơi nhiễm các loại hóa chất độc hại (ví dụ như chất độc da cam).[cần dẫn nguồn]
  • Kết thúc sự tồn tại của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Sự kiện này đã đánh dấu sự thất bại chung cuộc của phía Hoa Kỳ, đồng minh và Việt Nam Cộng hòa trong cuộc chiến tại Việt Nam; chấm dứt việc các cường quốc thế giới can thiệp trực tiếp bằng quân sự vào Việt Nam trong suốt hơn 100 năm (từ 1858 tới 1975).
  • Là điều kiện để thống nhất về mặt nhà nước của Việt Nam. Thực hiện quyết định của Hội nghị Hiệp thương Chính trị của đại biểu miền Bắc và miền Nam họp ở Sài Gòn tháng 11 năm 1975, ngày 25 tháng 4 năm 1976 toàn quốc tiến hành tổng tuyển cử bầu quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất. Quốc hội thống nhất họp tại Hà Nội từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1976 đã quyết định đặt tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và đã bầu các thành viên của cơ quan chính quyền nhà nước. Việt Nam đã bước ra khỏi chiến tranh và thực sự trở thành một quốc gia thống nhất.
  • Trên phương diện quốc tế, sự chấm dứt Chiến tranh Việt Nam với thắng lợi của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt NamChính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đánh dấu sự thắng thế của phe Xã hội chủ nghĩa trên thế giới trong thập niên 1970 và kết quả là một loạt các phong trào cánh tả thắng thế hoặc lên cầm quyền ở một số nước châu Á, châu Phichâu Mỹ La tinh hướng tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Kết quả của cuộc chiến đã làm đảo lộn chính sách toàn cầu của Hoa Kỳ từ chỗ chủ động tấn công phe Xã hội chủ nghĩa sang thế bị động. Điều này kéo dài tới khi Ronald Reagan lên cầm quyền và sự dè dặt trong việc can thiệp quân sự một cách ồ ạt, quy mô lớn chỉ chính thức chấm dứt sau Chiến tranh vùng Vịnh.[cần dẫn nguồn]
  • Hàng trăm nghìn binh lính thuộc Việt Nam Cộng hòa phải học tập cải tạo trong các trại cải tạo với thời hạn khác nhau từ vài ngày (đối với những viên chức cấp thấp, không có ảnh hưởng trong xã hội, không có tư tưởng chống Cộng) đến 10 năm (đối với những viên chức, sỹ quan cấp cao và có tư tưởng chống Cộng mạnh mẽ). Một trong các mục đích của việc học tập cải tạo là thể hiện Chính sách khoan hồng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam khi họ không đưa các cựu binh đối phương ra xét xử các tội ác chiến tranhtội ác chống lại loài người.[65] Đồng thời cũng để chính quyền mới tạm thời ngăn chặn sự chống phá của các thành viên cực đoan của chế độ cũ nhằm giữ ổn định xã hội miền Nam thời kỳ hậu chiến.[66] Sau thời gian đi học tập cải tạo, những người này được phục hồi đầy đủ quyền công dân. Các cơ quan công quyền có trách nhiệm tạo điều kiện để người hoàn thành học tập cải tạo về được lao động sản xuất để có cuộc sống ổn định lâu dài.[67]

Nhận định

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam

  • "Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai." - Lê Duẩn[68]
  • "Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, ba cái mốc chói lọi bằng vàng: Tổng khởi nghĩa tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủchiến thắng mùa xuân 1975, đại thắng mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới.” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp[69]
  • "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc... Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta đã đập tan cuộc phản công lớn nhất của tên đế quốc đầu sỏ chĩa vào các lực lượng cách mạng kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đẩy lùi trận địa của Chủ nghĩa Đế quốc, mở rộng trận địa của Chủ nghĩa Xã hội, phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng thấy, làm yếu hệ thống đế quốc chủ nghĩa, tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của các trào lưu cách mạng thời đại, đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng trăm triệu người trên khắp trái đất đang đấu tranh vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và Chủ nghĩa Xã hội". - Lê Duẩn[70]
  • Trong thời đại ngày nay, khi các lực lượng cách mạng thế giới ở thế tiến công, một dân tộc nước không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác-Lê-nin, có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, được sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, thì hoàn toàn có thể đánh thắng mọi thế lực đế quốc xâm lược, dù đó là tên đế quốc đầu sỏ" (Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam).[cần dẫn nguồn]
  • "Toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đã đưa Việt Nam tới đỉnh cao của giải phóng dân tộc và uy tín của quốc tế. Thắng lợi của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ là một tác nhân đưa đến những thay đổi rất quan trọng trong chiến lược của các nước lớn mà còn làm chuyển đổi cục diện chính trị khu vực Đông Nam Á". (Trần Quang Cơ)[71]
  • "Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 là một thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn cho Tổ quốc ta". (Văn Tiến Dũng)[72]
  • "Quân đội Nhân dân Việt Nam ở cả miền Bắc và miền Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, có tinh thần quyết chiến rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ". (Võ Nguyên Giáp)[73]
  • "Ngày 30 tháng 4, không có chuyện miền Bắc chiến thắng hay miền Nam chiến bại, mà chỉ có Đế quốc Mỹ thất bại trước nhân dân Việt Nam mà thôi". (Bùi Tín)[74]
  • "Giữa chúng ta không có kẻ thua người thắng, mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta chiến thắng đế quốc Mỹ". (Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân quản Sài Gòn, nói với Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh)[75]
  • "Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". - Nguyễn Tấn Dũng[70]

Hoa Kỳ

  • "Không còn nghi ngờ gì nữa đối với các ý đồ của phe Cộng sản. Họ sẽ tấn công Việt Nam Cộng hòa khi nào có thời cơ thuận lợi; nhưng lần này sẽ là một cuộc tấn công quân sự với khí thế áp đảo!" (William Colby)[76]
  • "Chiến tranh Việt Nam, theo phân tích cuối cùng, là một trận đấu giữa Mỹ và người được họ bảo vệ và trợ cấp dồi dào với phong trào cách mạng mà gốc rễ giai cấp và cơ sở tư tưởng đưa lại cho họ một sức bật và một sức mạnh to lớn... Nguồn sức mạnh quan trọng nhất của Đảng Cộng sản trên ba mươi lăm năm qua là quan niệm của họ về một đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nhấn mạnh của họ đối với ý nghĩa hàng đầu của mọi hành động và giá trị đưa đến một xã hội xã hội chủ nghĩa. Khả năng của Đảng phát triển một tổ chức mà cuộc sống của những thành viên phù hợp với những nguyên tắc nói trên, đã làm cho họ đạt được mục tiêu của họ". (Gabriel Kolko)[77]
  • "Chiến thắng của họ (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) là chiến thắng của dân tộc Việt Nam - người Bắc cũng như người Nam. Khác xa với một cuộc nội chiến, cuộc đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là một sự khẳng định nguyên tắc thống nhất dân tộc mà chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố ủng hộ rồi phản bội". - Frances Fitzgerald[78]
  • "Sau những năm dài tìm cách khuất phục những dân tộc nghèo khổ bằng sự tàn bạo của sức mạnh kỹ thuật của mình, nước Mỹ, một nước giàu mạnh nhất trên quả đất này, cuối cùng có thể bị những người cộng sản Việt Nam đuổi ra khỏi bán đảo Đông Dương. Nếu đúng như vậy, thì thắng lợi của người Việt Nam sẽ là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc". (Neil Sheehan)[79]
  • "Chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ chỉ sau 55 ngày kể từ khi quân Giải phóng bắt đầu tấn công. Điều này cũng chứng minh cho căn bệnh mà chính quyền này đã bị nhiễm phải ngay từ khi thành lập: sự manh mún về chính trị; thiếu các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng và có năng lực; một tầng lớp trên mệt mỏi và tham nhũng không có khả năng điều chỉnh cho thích nghi đã tạo nên một cơ sở quốc gia yếu kém đến mức nguy hiểm... Trước những thực tế khắc nghiệt này, nỗ lực nhằm tạo nên một thành trì chống cộng ở ngay phía nam vĩ tuyến 17 đã có mầm mống thất bại ngay từ đầu". George C. Herring[80]
  • "Đó là một cuộc chiến tranh (chiến tranh Việt Nam) lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã thua. Thất bại độc nhất của lịch sử Hoa Kỳ chắc sẽ không báo trước sức mạnh bá chủ toàn cầu của nước Mỹ đã chấm dứt. Nhưng... Ai không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải lặp lại sai lầm trong lịch sử". (Tom Polgar, nhân viên cao cấp tòa Đại sứ MỹViệt Nam)[cần dẫn nguồn]
  • "Sao chúng [Việt Nam Cộng hòa] không chết phứt đi cho rồi? Điều tệ hại nhất có thể xảy ra là chúng cứ sống dai dẳng hoài". - Henry Kissinger, nói trên chuyến bay ngày 9/4/1975.[81]
  • "Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975, chính là mối đe dọa chiến lược to lớn đối với Trung Quốc còn hơn đối với Mỹ" - Henry Kissinger.[cần dẫn nguồn]

Việt Nam Cộng hòa

  • "Họ [Hoa Kỳ] đã đâm sau lưng chúng tôi". - Cựu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu[82]
  • "Người Mỹ họ có đường lối của họ: đó là họ phải nắm chỉ huy ở miền Nam này. Họ chỉ huy trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế tới ngoại giao... Mỹ nắm hết. Rồi chính Mỹ đã từ bỏ miền Nam Việt Nam". - Tướng Nguyễn Hữu Hạnh[83]
  • "Ngày 10 tháng 3 năm 1975, Quân đội Bắc Việt Nam đánh chiếm Ban Mê Thuột. Đến ngày 30-4 đã tiến vào Sài Gòn. Tốc độ như vũ bão, vỏn vẹn chỉ có 52 ngày... Nói tới cung cách ra đi, sao thật quá thê thảm. Trong trường kỳ, việc bỏ rơi, nhất là "cung cách tháo chạy" đã làm tổn hại rất nhiều tới "mức độ tin cậy" của chính sách ngoại giao cũng như uy tín Hoa Kỳ. Bạn thì hết tin tưởng, kẻ thù thì hết kính sợ... - Cựu Bộ trưởng Kinh tế Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Tiến Hưng[84]
  • "Thống nhất xứ sở là nhiệm vụ lịch sử của mỗi một người con Việt Nam nhưng chúng tôi đã không làm được. Nhưng những người anh em phía bên kia đã làm được, phải chấp nhận đó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Vậy mà còn quay ra nói phục quốc? Nước Việt Nam có mất cho Tây cho Tàu đâu mà phục quốc?" - Cựu Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ (nhận xét về việc các cựu quan chức Việt Nam Cộng hòa lưu vong ở hải ngoại gọi ngày 30/4 là "Quốc hận" và đòi "phục quốc").[85]
  • "Ngày hôm nay (30/4/1975), đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ Cách mạng (lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước… Tôi nghĩ rằng với hành động của mình (đầu hàng), tôi đã góp phần tránh một cuộc đổ máu vô ích cuối cùng cho Sài Gòn. Đó là phần đóng góp cụ thể của tôi trong cuộc chiến đấu này. Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi được 60 tuổi, trở thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập" (Tổng thống Dương Văn Minh).[86]
  • "Chiến thắng 30/4/1975 rất vĩ đại, là chiến thắng của sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam...[87] Không còn chiến tranh, không còn bom rơi đạn nổ trên quê hương mình là điều lớn nhất mà việc kết thúc chiến tranh mang lại".[88] (Tướng Nguyễn Hữu Có, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng, đồng thời là Tổng Tham mưu trưởng Việt Nam Cộng hòa)

Học giả, chính trị gia khác

  • Koike Yuriko, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia Nhật Bản, Chủ tịch Hội đồng Đảng Dân chủ Tự do (LDP), hiện là thành viên của Quốc hội Nhật Bản: "Chiến thắng của nước này [Việt Nam] trước PhápHoa Kỳ đã trở thành định nghĩa cho những cuộc chiến giành độc lập trong thời kỳ hậu thực dân".[89]

Kỷ niệm

Tham khảo

  1. ^ Đi tìm "bản gốc" hai chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập Lưu trữ 2021-01-11 tại Wayback Machine, Hoàng Lâm, Giáo dục Việt Nam, 30/4/2012 05:26.
  2. ^ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975)
  3. ^ https://toquoc.vn/tran-chien-bi-hung-cua-bo-doi-xe-tang-trung-doan-273-9-xe-bi-ban-chay-ngay-truoc-gio-toan-thang-82020267195231619.htm
  4. ^ Deepa Bharath (ngày 25 tháng 4 năm 2008). “Black April events commemorate fall of Saigon”. The Orange County Register. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2009.
  5. ^ a b “Audio Slideshow: Black April”. Los Angeles Times. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2009.
  6. ^ a b My-Thuan Tran (ngày 30 tháng 4 năm 2009). “Orange County's Vietnamese immigrants reflect on historic moment”. Los Angeles Times. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2009.
  7. ^ Đỗ Dzũng (ngày 30 tháng 4 năm 2009). “Tưởng niệm Tháng Tư Đen ở Quận Cam”. Báo Người Việt. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2009.
  8. ^ Dunham & Quilan 1990, tr. 202.
  9. ^ Desbarats, Jacqueline (1990). John Morton Moore (biên tập). “Repression in the Socialist Republic of Vietnam: Executions and Population Relocation”. The Vietnam debate: 257. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  10. ^ a b Bharath, Deepa (ngày 29 tháng 4 năm 2011). “O.C. Black April events commemorate fall of Saigon”. Orange County Register. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2014.
  11. ^ “Ngày giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước, 30-4-1975”. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Thuận. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  12. ^ “Vietnam remembers fall of Saigon”. BBC news. 30 tháng 4 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  13. ^ Ngô Vĩnh Long (1993). “Post-Paris Agreement Struggles and the Fall of Saigon” [Những cuộc đấu tranh sau Hiệp định Paris và sự sụp đổ của Sài Gòn]. Trong Werner, Jayne Susan; Huỳnh Lưu Đoàn (biên tập). The Vietnam War: Vietnamese and American Perspectives [Chiến tranh Việt Nam: Góc nhìn của người Việt và người Mỹ]. M.E. Sharpe. tr. 204. ISBN 9780765638632. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  14. ^ Nguyễn Thị Thập (2012). “Returning to my Home Village”. Trong Dutton, George; Werner, Jayne; Whitmore, John K. (biên tập). Sources of Vietnamese Tradition. Columbia University Press. tr. 547–53. ISBN 9780231511100. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  15. ^ Deepa Bharath (ngày 25 tháng 4 năm 2008). “Black April events commemorate fall of Saigon”. The Orange County Register. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2009.
  16. ^ Đỗ Dzũng (ngày 30 tháng 4 năm 2009). “Tưởng niệm Tháng Tư Đen ở Quận Cam”. Báo Người Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2009.
  17. ^ “Black April”. VNAFMAMN. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2014.
  18. ^ Âu Thanh Hà (1980). 劫後西貢: 西貢淪亡記續集 [Sài Gòn sau đại nạn: Sài Gòn thất thủ phần tiếp theo]. Đài Bắc: Công ty xuất bản Văn hóa Thời đại. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  19. ^ Army of the Republic of Vietnam (ARVN) Lưu trữ 2021-01-11 tại Wayback Machine Encyclopedia of the Vietnam War. Ed. Stanley I. Kutler. New York: Charles Scribner's Sons, 1996. U.S. History in Context. Web. 30 Apr. 2015.
  20. ^ Văn Tiến Dũng, Our great spring victory, p. 17-18.
  21. ^ Stanley I. Kutler (1996). “Army of the Republic of Vietnam (ARVN)”. U.S. History in Context. New York Charles Scribner's Sons. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2021.
  22. ^ Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa xuân, Chương 4.
  23. ^ a b Đại thắng mùa xuân. Văn Tiến Dũng, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân. Chương 2.
  24. ^ “Sự thất hứa của Mỹ sau Hiệp định Paris 1973”. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2015.
  25. ^ Cho đến ngày 30 tháng 4 thì chỉ có Sư đoàn 308 vẫn còn ở miền Bắc và không tham gia chiến dịch.
  26. ^ Spencer Tucker, Encyclopedia of the Vietnam War: A Political, Social, and Military History, ABC-CLIO, 1998, tr. 770. Trích: "At war's end in 1975, the PAVN numbered nearly 1 million troops, despite the loss..."
  27. ^ a b Nguyễn Tiến Hưng - Khi Đồng minh tháo chạy.
  28. ^ a b Dougan & Fulgham (1985), tr. 83
  29. ^ Willbanks (2008), tr. 253
  30. ^ William W. Momyer, The Vietnamese Air Force. Maxwell Air Force Base AL: Air University Press, 1975, tr. 76.
  31. ^ Willbanks (2008), tr. 251
  32. ^ Issacs (1983), tr. 380
  33. ^ a b c Đại Dương (28 tháng 4 năm 2017). “Giải mật kế hoạch phòng thủ Sài Gòn của tướng Mỹ Weyand”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  34. ^ “Bí ẩn chiến dịch di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn (6)”. Kienthuc.net.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập 8 tháng 2 năm 2018.
  35. ^ Phóng sự của đài BBC tại Sài Gòn, ngày 30/4/1975.
  36. ^ Trong cuốn Decent Interval, Frank Snepp đã nhìn thấy tro nổi trên bể bơi ngoài trời của tòa Đại sứ và nhận thấy dấu hiệu của tai họa đang ập đến.
  37. ^ “Kỳ 9: Cuộc từ chức đầy kịch tính của Tổng thống Thiệu”. Báo điện tử Tiền Phong. Chính quyền Sài Gòn những ngày hấp hối. 11 tháng 4 năm 2005. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  38. ^ Hồ Sĩ Thành (6 tháng 4 năm 2015). “Chiến dịch Huế - Đà Nẵng”. Phú Yên Online. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  39. ^ Bùi Thanh (27 tháng 4 năm 2006). “Kỳ 2: Chuyến ra đi bí mật”. Báo điện tử Tuổi Trẻ). Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  40. ^ “Chuyến bay định mệnh của Nguyễn Văn Thiệu (2)”. Kienthuc.net.vn. 10 tháng 7 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập 8 tháng 2 năm 2018.
  41. ^ "the key was April 21, when Thieu resigned. Then I knew, we all agreed, we had to attack immediately, seize the initiative".
  42. ^ Sài Gòn thất thủ – Kỳ 1. Komori Yoshihisa – Khôi Nguyên dịch.
  43. ^ Dawson, Alan. 55 Days: The Fall of South Vietnam. Prentice-Hall, 1977. Chương XV.
  44. ^ White Christmas, by Dirck Halstead, Chapter 5, Anyone who makes an honest living can stay”. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2007.
  45. ^ William Colby-Một chiến thắng bị bỏ lỡ-Nhà Xuất bản CAND, p. 13.
  46. ^ George Church, Saigon: The Final 10 Days, Time Magazine, ngày 24 tháng 4 năm 1995 Volume 145, No. 17.
  47. ^ “One of the more interesting carrier landings”. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
  48. ^ Nguyễn Hữu Thái. Hồi ức "Dương Văn Minh và tôi" năm 2008.
  49. ^ “30 phút cuối cùng trong đời Tổng thống của Dương Văn Minh ra sao?”. Báo điện tử của Báo Gia đình và Xã hội. 30 tháng 4 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập 8 tháng 2 năm 2018.
  50. ^ “Đánh giá về nội các Dương Văn Minh”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập 8 tháng 2 năm 2018.
  51. ^ “Cuộc đua tháng 4/1975 của Pháp tại Sài Gòn”. Thế giới & Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập 8 tháng 2 năm 2018.
  52. ^ Lý Quí Chung: Hồi ký không tên, Nhà Xuất bản Thời Đại, Thành phố Hồ Chí Minh, 2012.
  53. ^ a b c d https://toquoc.vn/tran-chien-bi-hung-cua-bo-doi-xe-tang-trung-doan-273-9-xe-bi-ban-chay-ngay-truoc-gio-toan-thang-82020267195231619.htm
  54. ^ a b “30/04/1975: Tổng thống Dương Văn Minh nói 'Theo Tây, Mỹ mãi chưa đủ sao giờ lại theo Tàu?”. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2020.
  55. ^ a b c “Bản sao đã lưu trữ”. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2020.
  56. ^ Spencer, Spencer, ed. The Encyclopedia of the Vietnam War. Santa Barbara, CA: ABC-CLIO, 2011. Tr. 648, 653, 899.
  57. ^ Duong, Van Nguyen. The Tragedy of the Vietnam War. Jefferson, NC: McFarland & Co, 2008. Tr. 220.
  58. ^ Le Livre Noir du Communisme: Crimes, Terreur, Répression do Robert Laffont, S.A, Paris xuất bản lần đầu năm 1997-Phần IV về Á Châu.
  59. ^ Tiến Dũng (ngày 30 tháng 4 năm 2011). “Buổi phát thanh lịch sử tại Sài Gòn trưa 30/4/1975”. VnExpress (Thông cáo báo chí). Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2020.
  60. ^ “Lời kêu gọi của nhạc sĩ TCS trên đài phát thanh SG ngày 30”. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2019. Truy cập 8 tháng 2 năm 2018.
  61. ^ a b c “Chính nghĩa không thuộc về chế độ "Việt Nam Cộng hòa". Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2015.
  62. ^ “Sài Gòn ngày 30/4/1975 trong bài viết của nhà báo Đức”. Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập 8 tháng 2 năm 2018.
  63. ^ “Ký ức người dân Sài Gòn trong ngày 30/4 lịch sử”. Báo Tin tức - Kênh thông tin CP do TTXVN phát hành. 29 tháng 4 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập 8 tháng 2 năm 2018.
  64. ^ “Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng Việt Nam”. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2015.
  65. ^ Vô Ngã Phạm Khắc Hàm. "Cuộc đấu tranh Quốc Cộng tại Miền Nam sau năm 1975". Khởi Hành Năm XIV, số 159-160. Midway City, CA, Tháng 1-2, 2010, tr. 36.
  66. ^ Roth, Mitchel. Prisons and Prison Systems: A Global Encyclopedia. Westport, CT: Greenwood Press, 2006.
  67. ^ “Quyết định 15/QĐ”. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập 8 tháng 2 năm 2018.
  68. ^ “Nghĩ về đạo lý dân tộc - VietNamNet”. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2012.
  69. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 2 năm 2018. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2018.
  70. ^ a b “Website Thủ tướng Chính phủ”. Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập 28 tháng 11 năm 2015.
  71. ^ Trần Quang Cơ. sđd.
  72. ^ Văn Tiến Dũng. sđd. chương 17.
  73. ^ Cuộc đối thoại lịch sử: Tướng Giáp và Nguyên Bộ trưởng QP Mỹ Lưu trữ 2021-01-11 tại Wayback Machine Dương Trung Quốc/Tạp chí Xưa và Nay, số 21 (11/199); báo Giáo dục Việt Nam cập nhật 27/08/11 11:22.
  74. ^ “Phỏng vấn Bùi Tín, 1981”. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2012.
  75. ^ Dương Văn Minh qua con mắt thuộc cấp Lưu trữ 2013-11-25 tại Wayback Machine, Huỳnh Phan, Tuần Việt Nam, 29/04/2011.
  76. ^ William Colby. Một chiến thắng bị bỏ lỡ. Sđd. tr. 400.
  77. ^ Gabriel Kolko. Giải phẫu một cuộc chiến tranh. tr. 441.
  78. ^ Fire in the Lake - The Vietnamese and the Americans in Vietnam, Vintage Books, 1972, tr.549. Trích:
    "Their victory [NLF] would be... the victory of the Vietnamese people - northerners and southerners alike. Far from being a civil war, the struggle of NLF was an assertion of the principle of national unity that the Saigon government has endorsed and betrayed".
  79. ^ Trung tướng Gs. Hoàng Phương, Đại tá Hoàng Dũng, Đại tá Trần Bưởi, Đại tá Nguyễn Văn Minh (1996). Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 1 (bằng tiếng tiếng Việt).   Việt Nam: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết) Quản lý CS1: địa điểm (liên kết) Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  80. ^ George C. Herring. Cuộc chiến dài ngày giữa nước Mỹ và Việt Nam 1950 - 1975. Tr. 492.
  81. ^ Khi đồng minh tháo chạy. Nguyễn Tiến Hưng 2005. Trang 164.
  82. ^ Việt Nam. Cuộc chiến 10.000 ngày. Tập 8 - Hòa bình.
  83. ^ Trả lời phóng viên của đài BBC Việt ngữ vào năm 2010.
  84. ^ Khi đồng minh tháo chạy. Lời nói đầu.[cần số trang]
  85. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2017.
  86. ^ “Nội các Dương Văn Minh với việc kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam”. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2017. Truy cập 8 tháng 2 năm 2018.
  87. ^ “Ông Nguyễn Hữu Có: Sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn cũ là tất yếu”. Báo Điện tử Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập 8 tháng 2 năm 2018.
  88. ^ “Ngày 30-4-1975 trong mắt Tướng Nguyễn Hữu Có - Bài 3: Hạnh phúc bình dị”. Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập 8 tháng 2 năm 2018.
  89. ^ “Vietnam's Chinese Lessons by Yuriko Koike”. Project Syndicate. 15 tháng 11 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập 8 tháng 2 năm 2018.

Nguồn

Liên kết ngoài

Tiếng Việt:

Tiếng Anh: